Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12: Tâm Lão Bà

14/11/201215:24(Xem: 8750)
Chương 12: Tâm Lão Bà

Susan Moon

THẾ LÀ GIÀ!
Thiền Quán Về Tuổi Già Với Chút Tự Trào Và Tự Hào
This Is Getting Old
Zen Thoughts on Aging with Humor and Dignity
Chuyển Ngữ:
Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

Phần II:
Những Thay Đổi Trong Các Mối Liên Hệ

Chương 12: Tâm Lão Bà

Khi Noah, con trai tôi, được bốn tuổi và tôi đã là một người mẹ cô đơn, bất hạnh, nó đã nói sau này không muốn có con. Đó là lúc tôi phải đưa nó đến trường mẫu giáo mà nó nhất định không mặc bất cứ quần áo nào ngoại trừ bộ đồ Superman, dù đồ còn trong máy giặt, sạch nhưng còn ướt. Điều này khiến tôi nổi giận, còn nó thì tuyên bố "Con sẽ không bao giờcó con. Quá rắc rối!"

Tôi ráng kiềm chế. "Nhưng rất đáng công, con ạ", tôi nói. "Chắc chắn là rất đáng công!"

Khi nó lớn hơn, tôi quan sát thấy nó cũng vuốt ve, nựng nịu thú vật và em bé, nhưng nó vẫn giữ ý định là không muốn có con cho đến tuổi trưởng thành. Em trai nó, Sandy, thích trẻ em nhưng hiện tại vẫn độc thân, nên tôi bắt đầu sợ là mình sẽ không bao giờ được làm bà. Người phụ nữ có thể làm cách gì đó để có con, nhưng không thể làm gì để có cháu. Vì vậy, ngay cả khi Noah đã lấy vợ thì tôi cũng cố gắng tránh không đá động đến vấn đề này. Tôi tự nhắc nhở là con tôi không phải sinh ra đời để nhanh chóng có cháu cho tôi. Chuyện đó thuộc quyền quyết định của Noah và Arcelia, vợ nó. Chúng có sự nghiệp phải lo lắng, cùng với các vấn đề về kinh tế của bậc làm cha mẹ và mối quan tâm về sự hủy diệt môi truờng của trái đất. Tuy vậy, tôi vẫn nói là tôi rất vui nếu được giữ cháu.

Thưở nhỏ, tôi được cả hai bên nội ngoại thương bằng nhiều cách khác nhau. "Bà ngoại" thường dẫn tôi đến các cuộc họp của người Quaker, viết những lời cầu nguyện mà bà ưa thích xuống một cuốn sổ tay nhỏ cho tôi. Bà cũng dẫn tôi đến xưởng điêu khắc của bà, nơi bà cho tôi chơi với đất sét trong lúc bà nặn tượng. Tôi là cháu trưởng tôn của bà. Buổi sáng khi tôi trèo vào giường bà, bà sẽ cất đi chiếc mặt nạ màu đen kỳ lạ mà bà mang khi ngủ, và máng nó lên thành giường. Chiếc mặt nạ làm cho bà trông giống như một người hùng cô độc. Bà kéo tôi vào lòng, và tôi sẽ cuộn tròn bên cạnh bà, thích thú cảm nhận da thịt mềm mại, mát mẻ nơi bắp tay bà và bà nói, "Chào cháu cưng số một của bà! "

Còn bà nội thì tôi gọi là "Ma". Bà thường cất kẹo chanh trong một cái ly thủy tinh trong hình con gà để trên tủ bàn phấn của bà. Nếu bạn muốn một viên kẹo, bạn chỉ cần giả bộ ho một tiếng thì bà sẽ nói: "Cháu cưng, cổ cháu có vấn đề rồi”. Bất cứ khi nào đám trẻ con chúng tôi đến chơi, đều có bánh bông lan sô-cô-la mới nướng, có rắc đường vani trên một tấm thiếc màu xanh trong nhà bếp và bạn được phép ăn bất cứ khi nào bạn muốn. Bà luôn có mùi thơm dễ chịu, một loại hương thơm nào đó mà không ai khác có được. Bà đeo một chiếc vòng tay bằng vàng có chiếc máy bay cũng bằng vàng nhỏ xíu treo lủng lẳng trên đó. Tôi hỏi bà lý do, bà bảo rằng đó là bản sao của chiếc máy bay quân sự mà con trai út của bà, tức là chú Morton của tôi, đã lái khi chú bị bắn hạ tại Nhật Bản. Bà đeo nó để không bao giờ quên lòng can đảm của con mình. Trên cánh máy bay có khắc những con số ký hiệu chính xác, nhưng chúng quá nhỏ nên tôi không thể đọc được.

Qua ông bà nội ngoại, tôi biết một sự thật thú vị là trước đây rất lâu, chính cha mẹ tôi cũng từng là trẻ con - thí dụ, tôi kinh ngạc khi được biết cha tôi rất nhút nhát, còn mẹ tôi rất tinh nghịch. Họ không giống như thế trong mắt tôi! Tôi cũng biết rằng trong cuộc đời của mỗi con người có những điều đáng buồn xảy ra, nhưng người ta vẫn tiếp tục sống. Tôi đã biết được sự xoay chuyển qua các thế hệ: trẻ em trở thành cha mẹ, cha mẹ già đi để trở thành ông bà. Rồi ông bà trở thành những hình ảnh bất động trong một thước phim.

Vào một chiều chủ nhật, tôi đang ở nhà tại Berkeley, khi Noah từ San Antonio, Texas gọi để báo tin con gái nó đã ra đời. Giọng của nó giống như một tô nước mà nó đang cố giữ để nước không tràn ra ngoài. Lúc đó Paloma đã ra đời được đúng hai mươi phút, và hai mẹ con vẫn còn trong phòng sinh. Mọi người đều bình yên. “Được làm bà, mẹ có vui không?”, Noah sốt sắng hỏi, dù nó đã biết câu trả lời của tôi.

"Đương nhiên! Không gì có thể làm cho mẹ hạnh phúc hơn!" Sau đó tôi nghe tiếng khóc của Paloma vọng ra. Cô bé không phải khóc vì hạnh phúc như tôi, mà theo Noah thì bé đã khóc vì bị người ta dùng kim trích một ít máu ở gót chân để làm thử nghiệm sắc tố cam.

Buổi chiều hôm đó, Berkeley lái xe loanh quanh thành phố để làm một số việc. Khi một mình ngồi trong xe, tôi cứ gọi lớn, "Paloma! Paloma!" Tôi nghĩ đến tất cả những đứa trẻ được sinh ra trong ngày hôm đó, trên cả thế giới, quá nhiều em phải sinh ra trong chiến tranh hoặc trong cảnh nghèo đói. Qua Google, tôi được biết mỗi ngày có khoảng 353.000 đứa trẻ được sinh ra trên trái đất. Tôi nghĩ là bạn có thể nói rằng tất cả những em bé sinh ra vào ngày tôi trở thành bà đều là con cháu của tôi.

Vào cái ngày đặc biệt đó, trên trang nhất của báo New York Times có nói về con số người dân thương vong ở Beirut do Israel bỏ bom Hezbollah[1]. Tôi tự thấy mình cần xoa dịu chư thiên, Thượng đế, Vũ trụ, hay bất cứ gì - để cảm ơn họ về sự ra đời an ổn của Paloma, để cầu mong họ bảo vệ con bé và tất cả mọi đứa trẻ khác được bình an. Tôi phải cúng dường gì và cúng cho ai? Buổi chiều ngày sinh nhật của Paloma, tôi xem lại các e-mail và tìm thấy một lá thư ngõ yêu cầu được giúp đỡ của Liên Minh Các Trẻ em Trung Đông và tôi đã gửi tiền đóng góp dưới tên của Paloma. Một việc làm khiêm nhượng về phần của tôi, với tư cách là người bà, để hồi hướng cho Paloma và tất cả chúng sanh khác.

Khi tôi đến San Antonio, Paloma đã được hai tuần tuổi. Cô bé đang ngủ nằm ngửa lúc Noah chở tôi từ sân bay về nhà, nên tôi có thể nhìn thấy cả khuôn mặt của bé. (Ngày nay người ta khuyên cha mẹ nên để trẻ ngủ nằm ngửa để tránh bị chết ngạt. Điều này đối với tôi là mới lạ). Tôi nhận ra ngay là Paloma rất giống cha lúc nhỏ - thanh tú, chứ không mập phì, cả bản chất cô bé cũng đã hiển lộ trên nét mặt. Cô bé có đôi mắt to giống mẹ. Sau đó bé thức dậy, Arcelia cho con bú, cuối cùng là tôi được ẵm cô bé vào lòng.

Tôi ở lại một tuần trong cái nóng mùa hè của bang Texas. Suốt thời gian đó, tôi chỉ ra khỏi nhà có hai lần để đến cửa hàng tạp hóa ở khu mua sắm. Những lúc gia đình ngủ trưa, tôi nấu món này, món nọ cho họ. Khi Paloma quấy, tôi bồng bé đong đưa trong vòng tay, hát dỗ, nhảy nhót quanh phòng khách. Tôi càng lắc lư bé mạnh tay, nó càng thích. Nó không hề bận tâm việc tôi chẳng thể nhớ tất cả lời các bài hát mà tôi cố moi ra từ trong sâu thẳm của ký ức - các bài nhạc mừng Giáng sinh và các bài hát xưa cũ của nhóm Beatles. Khi cô bé ngủ thiếp đi trên tay tôi, tôi ngả lưng trên chiếc đi văng, cẩn thận ôm bé trong lòng, và để bé nằm ngủ trên ngực tôi bao lâu tùy thích. Trong khoảng thời gian hạnh phúc đó, trong căn phòng khách máy lạnh ở ngoại ô, tôi để mũi lên cái đầu dễ thương của bé, vừa ngắm các lá cây sồi lắc lay trong làn gió nóng ngoài cửa sổ.

Tôi đã học được những điều mới trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh-mới mẻ đối với tôi, nhưng cũng là dựa trên những hiểu biết của người xưa. Tôi đã biết năm điều cần làm để dỗ em bé quấy khóc: thay tã, đong đưa, cho bú, ẵm đứng lên và thì thầm bên tai. Noah có biệt tài vừa thay tã, vừa gù gù với Paloma bằng cái giọng ồm ồm -“Nào, nào Đầu Bí Đỏ, giờ bé dễ chịu chưa nào” - trong khi nhét mấy góc chăn quanh tay bé, cuộn nó thành một gói nhỏ nhắn. Trong suốt thời gian thăm viếng, tôi cũng nghe cả hai cha mẹ kêu bé với giọng tràn đầy yêu thương, bằng những cái tên ngộ nghĩnh như Cô Heo Con, Hạt Đậu Ngọt, Quả Bí, Bông Hoa Nhỏ, và thậm chí gọi là Bánh Ghẻ.

Riêng tôi, tôi tràn đầy hạnh phúc khi được Arcelia, con dâu, gọi tôi là “Abuelita” (Bà trẻ).

Đôi khi tôi bồng Paloma ra ngoài sân ở phía sau nhà, với cái nóng của 102 độ Farenheit. Cô bé nín lặng ngay. Bé nhướn mắt nhìn các cây và không gian rộng lớn của bầu trời và tôi có thể thấy cô bé đang cảm nhận không khí tự nhiêntràn đầy trên má. Tôi có thể thấy cô bé cảm nhận được những điều khác biệt ở đây, ở ngoài trời. Noah cũng rất thích nhìn các lá cây khi anh ta còn bé.

Thiền sư Dogen, người sáng lập Trường phái thiền Soto ở Nhật Bản, có một đệ tử là một tỳ-kheo chân chất, biết giữ giới, nhưng vị ấy có một yếu điểm - ông không có "tâm lão bà". Thiền sư Dogen nói, "Ông có thể thông suốt về Phật giáo, nhưng ông không thể vượt quá khả năng và trí thông minh của mình trừ khi ông có robai-shin, tâm lão bà, tâm đại từ bi. Lòng từ bi để giúp mọi chúng sanh. Ông không nên chỉ nghĩ đến riêng mình".

Bạn không cần phải làm bà để có tâm lão bà. Ngược lại bạn còn có thể là một vị tỳ-kheo độc thân trong tu viện. Tâm của cha mẹ phải khác với tâm của bậc ông bà. Cha mẹ phải quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của con cái -lo dưỡng nuôi chúng, cho chúng có chỗ ở, quần áo ấm cúng. Cha mẹ phải bảo vệ chúng khỏi tai nạn xe cộ, không cho ăn nhiều đường, tránh bị bắt cóc. Cha mẹ lo chuyện trước mặt. Nhưng các ông bà - hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng - có thể quan tâm đến chuyện hậu trường. Họ có thể kể cho các em chuyện về các ngôi sao trên trời.

Nhưng đôi khi ông bà cũng phải thay thế cha mẹ. Như khi cha mẹ phải ngồi tù, hay chính họ cũng còn là trẻ con, hay họ đã chết vì bệnh AIDS. Đôi khi khả năng chăm sóc con cái của họ đã bị tước đoạt bởi chiến tranh, không nơi nương tựa hay do nghiện ngập. Ngày càng có nhiều người bà phải nhận lãnh vai trò trụ cột trong gia đình hơn, phải dũng cảm dưỡng nuôi các cháu của họ trong những điều kiện khiến họ không còn có nhiều thời gian để lả lướt điệu waltz với các cháu quanh nhà, vừa hát bài "Rừng Na Uy". Tôi muốn ghi nhớ tất cả những người bà này vào trong tâm trí tôi.

Một ngày kia ở San Antonio, khi tôi dậy pha trà và mang tờ báo New York Times trước cửa nhà vào, thì mọi người trong gia đình còn ngủ. Câu chuyện trên trang đầu về vụ đánh bom Beirut được tiếp nối bên trong - tôi lật trang báo, đập vào mắt tôi là hình ảnh của một đứa trẻ sơ sinh với nửa thân mình bị chôn vùi trong đống gạch đổ nát, khuôn mặt bé đầy bụi đất, một bàn tay nhỏ nhô lên giữa những cột kèo gãy đổ. Tôi xếp tờ báo lại, rồi đặt nó xuống bàn.

Lát sau, khi Noah ngồi xuống bàn bên bát thức ăn điểm tâm, tôi thấy nó mở tờ báo ở ngay trang có bức ảnh đó. Tôi thấy mắt nó nhìn vào hình xác chết của em bé trong đống gạch vụn, và tôi nghe một tiếng rên nhỏ phát xuất từ cổ nó khi nó xếp tờ báo lại, thậm chí còn nhanh hơn tôi. Tôi đau đớn khi thấy Noah nhìn bức ảnh đó còn hơn khi chính tôi nhìn bức ảnh đó. Tôi vẫn là một người mẹ, mà cũng là người bà. Chúng tôi không đá động gì về bức ảnh đó.

Tuy nhiên, khi thấy Noah nhìn Paloma - thì lại là một chuyện khác. Arcelia nói với tôi, các chuyên gia khuyên ta nênnhìn chăm chú vào mắt của trẻ sơ sinh hầu khuyến khích sự phát triển tình cảm lành mạnh, nhưng điều chắc chắn là khi cha mẹ Paloma nhìn vào mắt bé, họ không chỉ làm theo hướng dẫn của sách vở. 

Được nhìn thấy con mình hạnh phúc trong vai trò làm cha mẹ khẳng định toàn bộ sự tiếp nối theo hình xoắn ốc - tổ tiên chúng ta đã rời bỏ cây gia tộc từ rất lâu, còn con cháu ta thì đang hướng nhìn đến các nhánh cây. Noah, cậu bé đã từng nghĩ "con cái quá rắc rối”, giờ đã làm cha. Đúng có con cái rất rắc rối. Thật rắc rối khi phải thức dậy lúc giữa đêm, rắc rối khi phải giặt bao nhiêu đồ dơ, rắc rối khi phải cố gắng biến trái đất này thành một nơi an toàn cho trẻ em. Có rắc rối nhưng không phải là quá sức chịu đựng. 

Thật không đành lòng nói lời chia tay với họ cuối tuần đó. Noah mang túi xách của tôi ra xe, và chúng tôi đã ngồi vào trong xe. Arcelia bồng Paloma, đứng ở ngưỡng cửa. Khi Noah lui xe ra khỏi garage để đi vào cái nóng rực lửa của bang Texas, Arcelia cầm tay Paloma lên vẫy vẫy. "Tạm biệt, Abuelita!" Arcelia nói với theo.

Tôi đáp lại, "Tạm biệt, Calabacita, trái bí nhỏ của tôi".

* * *



[1]Có nghĩa là “Đội Quân của Allah”, một tổ chức chính trị và quân sự xuất phát từ Lebanon.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/12/2020(Xem: 5061)
Ngày 10 tháng 12 vừa qua, theo Bình Nhưỡng đưa tin (KCNA) – Trong số những Di sản Văn hóa quý giá đất nước Triều Tiên có “Cao ly Bát Vạn Đại Tạng kinh” (고려 팔만 대장경, 高麗八萬大藏經, 80.000 Wooden Blocks of Complete Collection of Buddhist Scriptures” được khắc mộc bản vào nửa đầu thế kỷ 11, triều đại Vương quốc Koryo (918-1392).
19/12/2020(Xem: 4974)
Lối xưa người đến dạo chơi, Hoá thành chú Tiểu, học lời Thầy Trao. Thênh thang mây trắng hôm nào, Ra vào chốn tịnh, trăng sao gối tình.
13/12/2020(Xem: 6015)
Một học giả nổi tiếng người Anh, làm việc cho trường đại học ở Luân Đôn, nổi tiếng vì ông đã dịch một số sách vở Phật giáo từ tiếng Hoa. Trong số những ấn bản đã in của ông có tác phẩm “Cuộc Đời của Thánh Tăng Huyền Trang, The Life of Hsuan-Tsang”. Cư sĩ Samuel Beal sinh vào ngày 27 tháng 11 năm 1825, nguyên quán tại Greens Norton, một ngôi làng ở Nam Northamptonshire, Vương quốc Anh, vị học giả nổi tiếng Phương Đông học, vị Phật tử người Anh đầu tiên trực tiếp dịch những tác phẩm văn học Phật giáo từ tiếng Hoa sang Anh ngữ, ban đầy những ghi chép kinh điển Phật giáo, do đó góp phần làm sáng tỏ lịch sử Ấn Độ.
11/12/2020(Xem: 6032)
Phật giáo Hàn Quốc phải chịu đựng nỗi đau chưa từng có của “Pháp nạn 27.10” (10·27 법난, 十二七法難), nhưng chư tôn tịnh đức tăng già đã biến đau thương thành sức mạnh. Chẳng bao lâu, nỗi đau ấy đã thăng hoa thành động lực để sớm hồi sinh trong phúc lợi xã hội, và những thành tựu đáng kể bắt đầu đạt được trong các lĩnh vực xã hội dân sự, thông qua tổ chức phi chính phủ (NGO), nhân quyền, giao lưu liên Triều (Nam Bắc Hàn) và phúc lợi xã hội.
11/12/2020(Xem: 5528)
Mối quan hệ giữa Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc được minh họa rõ nhất qua lời của tác giả, nhà báo, nhà sử học và nhà tây tạng học, Cư sĩ Claude Arpi, người Pháp, người đã viết một loạt các tác phẩm quan trọng về Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm “Số phận Tây Tạng: Khi Những Côn trùng lớn ăn thịt Côn trùng bé; The Fate of Tibet: When the Big Insects Eats Small Insects”.
10/12/2020(Xem: 6235)
Trong số nhiều ấn phẩm sách báo, thư từ cũ xưa mà mẫu thân truyền giao cho tôi gìn giữ, bảo quản để làm tư liệu để viết lách sáng tác, tôi tìm thấy được quyến sách “Thi phẩm Từng giọt Ma Ni” (xuất bản năm 1993, bìa sách là tranh của Họa sĩ Phượng Hồng), cùng 02 phong bì thư của “Tạp chí An Lạc” được gửi qua bưu điện từ Sài Gòn ra Nha Trang vào năm 1966, trên các kỷ vật quý hiếm này đều có lưu thủ bút của một bậc danh tăng Phật giáo nước nhà: Hòa thượng Thích Thông Bửu.
10/12/2020(Xem: 5362)
Nữ nghệ sĩ Phật tử Jacques Marchais sinh năm 1887 tại Cincinnati, thành phố ở miền tây nam Ohio, Hoa Kỳ. Thân phụ của bà là cụ ông John Coblentz và mẫu thân là cụ bà Margaret Norman Coblentz. Vốn mồ côi cha từ thuở ấu thơ, mẹ phải vất vả đùm bộc trong cảnh gà mái nuôi con; Jacques Marchais đã đến các trại mồ côi và các mái ấm khác nhau trong suốt thời thơ ấu, và tuổi thanh xuân 16, bà đã trở thành diễn viên tham gia vào một bộ phim Boston Peggy From Paris, nơi bà gặp người chồng đầu tiên Brookings Montgomery. Bà sinh được ba người con, hai gái Edna May và Jayne, và con trai, Brookings.
08/12/2020(Xem: 14795)
29/ Nhị Tổ Huệ Khả Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng giảng từ 6.45am, Thứ Năm, 01/10/2020 (15/08/Canh Tý) 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻 Bổn lai duyên hữu địa, Nhơn địa chúng hoa sanh, Bổn lai vô hữu chủng, Hoa diệc bất tằng sanh. Xưa nay nhơn có đất, Bởi đất giống hoa sanh, Xưa nay không có giống, Hoa cũng chẳng từng sanh Nam Mô Đệ Nhị Tổ Huệ Khả Tôn Sư 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼 Múi giờ : pháp thoại mỗi ngày của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 01:45pm (giờ Cali, USA) - 04:45pm (giờ Montreal, Canada) - 10:45pm (giờ Paris, France) - 03:45am (giờ Saigon, Vietnam) 💐🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 https://www.facebook.com/quangducwebsite
07/12/2020(Xem: 5529)
Cư sĩ Giuseppe Tucci (dʒuˈzɛppe ˈtuttʃi; sinh ngày 5 tháng 6 năm 1894 – mất ngày 5 tháng 4 năm 1984), Học giả tiên phong người Ý, nhà Đông phương học, Ấn Độ học, Đông Á học, người đã xuất bản một số sách, mở đầu cho việc nghiên cứu tôn giáo, lịch sử và văn hóa của Tây Tạng. Ông là một trong những học giả Tây phương đầu tiên du hành một cách rộng rãi trên khắp vùng cao nguyên, Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng và các vùng phụ cận, những sách xuất bản của ông thường nổi tiếng về cả nội dung lẫn sự phiêu lưu mạo hiểm của ông trong khi làm nghiên cứu.
06/12/2020(Xem: 5471)
Đạo phật ngày nay đang xuyễn dương lối sinh hoạt của người con Phật là sống an nhiên tự tại trong hiện tiền. Lối sống được mọi người noi theo là tĩnh thức và hiện tại. Làm sao đạt được điều ấy? Và tại sao sống tĩnh thức và hiện tiền là chấm dứt khổ đau? Trong khi theo Phật dạy Tứ diệu đế thì tu tập diệt tận cùng lậu hoặc diệt khổ đau. Sống tĩnh thức là theo 4 y của Phật dạy: y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y trí bất y thức. Y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa. Sống hiện tiền là sống trong thiền định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]