Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 22 - Duyên sự khi ra ngoài

14/10/201212:23(Xem: 10893)
Bài 22 - Duyên sự khi ra ngoài

HỌC PHẬT HÀNH NGHI

(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú

Bài 22 - Duyên sự khi ra ngoài


Phàm sa-môn, cư sĩ không việc cần thì chẳng nên ra ngoài du ngoạn. Nếu có duyên sự cần đi, chẳng được đi như chạy, chẳng được đi mà lay động cánh tay. Không được đi mà luôn nhìn qua hai bên những người và vật. Chẳng được vừa đi vừa nói cười, chẳng được đi mà cùng nam nữ hay tăng ni trước sau đắp đổi theo nhau. Không được đi mà cùng người say người cuồng trước sau đắp đổi theo nhau. Không được cố nhìn người nữ, không được dùng khoé mắt cố nhìn người nữ. Nữ ni đối với người nam cũng lại như vậy.

Lời phụ: Tăng chú viết: nếu không có việc chi cần thiết thì đừng đi ra ngoài tốt hơn.
Trong Hành Hộ nói: phép đi thường phải nhìn bằng thẳng tới, nhìn đất cách bảy bước, chớ đạp chết loài trùng kiến.
Thanh Quy nói: chẳng đặng nắm tay đồng đi luận nói việc đời phải quấy. Chẳng được vừa đi vừa nói cười: một là tránh riêng mình tán loạn thân tâm, hai là người thấy không sanh lòng kính tín.
Văn nói người say, người cuồng mà đi theo gần ắt có chỗ hại, liền phải quanh lánh, hoặc tẻ qua đường khác mà đi, phàm xe ngựa, chó dại, ác thú, v.v... cũng phải lánh xa.

Phàm gặp bậc tôn trưởng, nên trước đứng ở chỗ thấp hoặc đứng sang bên. Phàm gặp các cuộc biểu diễn trò chơi, ảo thuật, cùng ẩu đã đánh lộn cãi vã, tiệc vui, lễ hội, tế thần, cờ bạc, v.v... đều phương tiện tránh đi, không được dừng ngó.


Lời phụ: nếu gặp bậc tôn túc hay người quen biết, đều phải đứng lại một bên dưới đường, đợi kia đến cúi đầu, chắp tay thưa hỏi. Kia đáp rồi, ta lại chúc: quý ngài đi đường bình an. Chúc nguyện cho kia hiện đời lìa các tật bệnh, và khỏi các nạn, ... gieo trồng nhân lành cho đến khi họ thành Phật.
Tăng chú nói: phàm gặp “quan phủ” không luận lớn nhỏ, đều phải quanh lánh, cho đến các việc đánh lộn, tế lễ thảy đều chẳng nên dừng lại xem coi. Bởi nhiếp niệm thời vững thân, xem coi thời mất oai nghi, hoặc mang họa lỗi. Người xưa nói: mắt không ngó sắc phi lễ, miệng không nói những chuyện chợ giếng, xóm làng, ... người học đạo cần phải xa lìa các việc huyên náo ấy.

Phàm khi thấy các loài sinh vật nên khởi lòng thương xót. Kinh Phạm Võng nói: “Khi thấy tất cả chúng sanh, cần nên xướng lời như vầy: chúng sanh các ngươi, trọn một báo thân nầy nên thọ tam Quy-y và hành trì 10 giới.” Nếu gặp trâu ngựa heo dê, hết thảy các loài súc sanh, nên tâm niệm miệng nói lời rằng: “ngươi là súc sanh, nên phát bồ-đề tâm, v.v...”


Lời phụ: Kinh Độ Cẩu nói: xưa có thầy sa-môn trì bát khất thực, thấy một gã đồ nhi ôm một con chó đem đi giết thịt.
Sa-môn bảo: “tội sát sanh rất là bất thiện, ta nguyện đưa cơm trong bát ta, đổi con chó này, cho mạng nó được sống, thí chủ được phước vô lượng.”
Như vậy vị sa-môn năn nỉ hoài, mà gã đồ nhi cũng chẳng khứng chịu. Túng thế, vị sa-môn trút hết cơm trong bát ra cho con chó ăn, rồi lấy tay xoa đầu nó rơi lụy chú nguyện nói rằng: “Đời trước ngươi tạo tội chi, mà nay mắc báo làm thân chó, vừa đói khát, lại còn bị người ta giết mà ăn thịt, không được tự tại. Vậy ta chú nguyện cho ngươi, đời đời tội diệt phước sanh, thoát kiếp cẩu thân, được sanh làm người và gặp ngôi Tam-bảo”.
Con chó được ăn cơm của vị sa-môn, liền sanh tâm lành, vui mừng khấp khởi, biết mình đã được quy y. Sau khi mạng chung, đầu thai làm thân trai sanh vào nhà ông Đại trưởng giả.
Bấy giờ vị sa-môn đi khất thực, có dịp đi ngang qua trước cửa nhà trưởng giả. Cậu con trai thấy sa-môn vui mừng lễ dưới chân và cúng dường trăm món, rồi xin theo hầu vị sa-môn để xuất gia. Lần lần tu tập thông hiểu nghĩa kinh và chứng được “tam muội” đến bực bất thối chuyển. Rồi khai hóa cho tất cả người đời cũng được phát tâm Bồ-đề tu hành theo đạo Phật. Ôi! loài súc sanh kia còn được đắc đạo, huống là làm được thân người đâu lại chẳng chứng quả ư!

Phàm vào phố chợ, chẳng được tùy tiện ngồi hàng quán rượu, chẳng được ngồi hàng quán giết thịt, chẳng được đi vào các con đường chỗ buôn hương bán phấn, trừ hàng Bồ-tát việc làm của mình đã xong, đặc biệt muốn đến kia để giáo hóa cho họ thì chẳng liệt kê vào đây.


Lời phụ: Khi có việc vào phố thị, nên cùng bậc lão thành đi chung. Nếu không có bậc lão thành đi chung thì phải biết chỗ có thể đi. Không được hay đến nhà thí chủ thân tình hoặc chỗ am viện thân tình mà đòi hỏi các thứ.

Phàm khi mua đồ, không được tranh đắt rẻ, thấy giá cả không vừa ý thì đừng mua là được rồi. Nếu đã lỡ mua rồi tuy giá có mắc hơn chỗ khác cũng không thể từ chối khiến cho kia sanh lòng hờn giận gây chuyện khiến thiệt thòi. Nếu bị người vũ nhục cũng nên phương tiện tránh đi, chẳng được quyết lòng đòi phân rõ trắng đen. Nếu bị trẻ nít chọc mắng, nên bình tâm đi thẳng, chẳng nên mắng chửi trả lại. Nếu nghe chỗ có nguy hiểm thì chẳng nên mạo muội đi vào chỗ hiểm nạn đó. Nếu cưỡi ngựa hay ngồi xe, đi chung hay đi riêng đều nên khuyên kia niệm Phật.


Lời phụ: Tăng chú nói: không được kèo nài, vì sợ kém hao của người, chẳng nên trả giá mắc, vì sợ lãng phí của tín thí và của thường trụ. Nếu bị người khác lấn lướt dành mua thì phương tiện khéo lời lánh đi.

Phàm cư sĩ đến nhà người, trừ những việc cần thiết phải trao đổi, chẳng được nói nhiều cười nhiều, nên nhất tâm niệm Phật. Nếu biết kia là người học Phật, đặc biệt đến mình có ý thưa hỏi, thì phải nên hết lòng đem giáo lý đại thừa mà giới thiệu cho họ, khai đạo mở pháp lành truyền trao cho họ biết niệm Phật, giới sát, v.v... Nếu không vậy thì chẳng nên rộng nói, chỉ nên khéo léo mà dẫn dắt họ. Nếu gặp sa-môn đến nhà người hoặc lục thân quyến thuộc thì cần phải nghiêm cẩn y theo chương 18 “Đến Nhà Người” trong Oai Nghi Môn đã nói rõ, nơi đây chẳng cần trùng thuật lại.


Lời phụ: Oai nghi chương Đến Nhà người nói: Có chỗ ngồi khác mới nên ngồi, không được ngồi tạp. Nếu muốn ngồi, trước hết phải xem kỹ chỗ ngồi: có khí giới không nên ngồi, có đồ quí không nên ngồi, có y phục và đồ trang sức vân vân của phụ nữ không nên ngồi.
Phải xét kỹ cử động, không được để mất uy nghi. Người ta hỏi kinh thì phải biết lúc đáng nói lúc không đáng nói, thận trọng đừng làm cái việc nói không phải lúc.
Đến thăm người thân, phải trước hết vào nhà chính lạy Phật, hoặc đến trước tượng thánh trong nhà nghiêm chỉnh chắp tay, thứ đến cha mẹ bà con, v.v... nhất nhất chào hỏi. Không được nhìn hai bên một cách bất chính. Không được nói tạp.
Nói với phụ nữ thì không được thấp tiếng nói thầm. Không được nói nhiều, Không được trá hiện uy nghi, giả trang thiền tướng, mong họ cung kính. Không được nói dối trá chánh pháp của Phật, đáp rối loạn lời hỏi của người, tự khoe đa văn, cầu họ cung kính. Không được lo liệu việc nhà của người. Không được nói lỗi lầm trong tứ chúng.
Bộ Hành Hộ nói: vào nhà thế tục, khi đứng, khi ngồi phải đủ oai nghi, nói lời từ thiện, đừng có thô kịch, và đừng nói chuyện thế gian tạp nhạp. Phải nói lời đạo đức, thêm lớn thiện tâm cho người, thường nhiếp sáu căn chớ nên phóng túng.

Phàm vào Tự Viện, trước nên đến khách đường, nên đảnh lễ thầy Tri-khách, hoặc thầy Tiếp Hiện đang có mặt. Vừa gặp thời liền lễ bái, nếu tự mình là tỳ-kheo thời nên chắp tay xá chào rồi mới thưa hỏi. Phàm vào cửa Chùa, chẳng được đi cửa chính giữa, nên duyên theo cửa bên trái hay bên phải mà đi. Duyên theo cửa bên trái thì bước chân trái trước, duyên theo cửa bên phải thì bước chân phải trước. Không được vô cớ lên đại điện đi dạo.


Lời phụ: Oai nghi nói: đi vào cửa chính giữa, thời thái độ xông pha không oai nghi tôn kính. Người thế gian khi vào chốn công phủ vương triều, còn không dám đi chính giữa, huống chi ngôi Bửu Điện của vị Pháp vương, mà lại chẳng duyên hai bên trái phải mà đi hay sao? Trong khi ra vào chánh-điện, đều day mặt ngó về hướng Phật.
Khi vào chùa, thấy đất có trùng, chớ lầm sát hại. Phải ca ngâm khen ngợi Tam-bảo, và chẳng được nhổ nước miếng nơi đất chúng Tăng, hoặc thấy cỏ rác đồ bất tịnh, phải mau dọn dẹp đi.
Chánh điện là nơi để thờ Phật, lễ bái trang nghiêm, chiêm ngưỡng Phật tượng như Phật còn tại thế, đâu nên vô sự mà lên chánh điện dạo chơi. Cổ Đức nói: vô sự không nên lên điện Phật, dạo chơi chẳng đi đến trong tháp, nếu chẳng nhơn việc quét đất, và dâng hương cúng nước, dẫu có phước hà sa cũng tiêu.
Vào điện tháp, phải đi vòng quanh bên phải, không được đi vòng quanh bên trái. Không được trong điện tháp mà hỉ nước mũi, nhổ nước miếng. Nhiễu tháp thì hoặc 3 vòng, 7 vòng, cho đến 10 vòng, 100 vòng, và phải biết số vòng ấy. Không được đem nón gậy, v.v... để dựa vào vách điện Phật.

Lời thưa: Phàm nghe pháp, phải nghe mà nghĩ, nghĩ mà tu, chẳng đặng chuyên nhớ lời hay, để giúp câu văn lý luận. Chuyên nhớ lời hay, mà không thực hành, thời không ích chi cho đạo. Như người nói ăn mà không ăn, thì đến bao giờ no bụng, cũng như đếm ngọc báu của người, rốt cuộc mình không có một đồng nhỏ. Bằng cậy tài nghề, khoe khoang chỗ tri kiến, không cần tỏ lý, thêm lớn cây cờ ngã mạn, trở thành thuốc độc. Chẳng đặng dùng miệng thổi bụi trên kinh, có hai lỗi: (1) hơi hôi trong miệng ; (2) mất tâm cung kỉnh ; cần phải lấy vật sạch lau đó. Văn Thù Vấn Kinh nói: sắm sửa đồ cúng dường mà lấy miệng thổi sạch bụi trên đồ cúng đó. Hơi hôi miệng bay ra làm ô uế đồ cúng vậy.
Phàm sa-môn, cư sĩ, khi đọc kinh luật của Phật nên đốt hương chánh tọa, thấy kinh như thấy Phật. Chẳng được nương dựa, chẳng được dùng tay không sạch mà cầm nắm kinh tượng. Muốn đọc kinh, trước hết nên ngồi tĩnh tọa một thời gian ngắn, niệm thầm bài kệ rằng:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như-lai chân thật nghĩa.
Tạm dịch:
Vòi vọi không trên pháp thẩm sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy chuyên trì niệm
Nguyện giải Như-lai nghĩa nhiệm mầu.
Niệm xong rồi, chắp tay xá rồi mới mở kinh ra. Đọc kinh, chữ chữ cần phải lý hội nghĩa giải, cùng với tâm tương ưng, chẳng được đọc lướt qua loa.

Lời phụ: Thân người khó được, Phật-pháp khó nghe. Nên biết đời nay được thân người là do nhơn lành của đời trước biết tu dưỡng, biết giữ gìn 5 giới 10 điều thiện. Nay gặp được Phật-pháp, thì phải biết hết lòng trân quý kính trọng duyên lành này. Chúng ta sanh ra đời này tuy không gặp Phật tại thế, nhưng còn gặp được kinh điển chánh pháp của ngài để lại, nên chúng ta kính kinh như kính Phật. Khi đọc kinh Phật, trước phải lắng lòng khiến tâm bình khí hòa, để tinh thần định trụ trong lời Phật dạy thì mới hay thâm ngộ được Phật lý, chẳng nên đọc qua loa để lướt qua đi những thâm ý sâu xa trong lời Phật nói.
Phàm đọc kinh, nên đắp y (phương bào) hoặc mặc áo tràng (áo ngoài). Trên bàn trừ kinh điển cùng với lư hương đèn ra, chẳng được để thêm các thứ tạp vật như trà quả, các thứ vật khác, còn bút viết, nghiên mực nên an trí nơi chỗ khác. Trên kinh có bụi, nên dùng giấy sạch mà lau, chẳng được dùng miệng mà thổi. Đọc xong hoặc ngơi nghỉ, cần phải đem kinh để lại trên giá kinh và gấp lại cho ngay ngắn. Đọc đến chỗ nào nên dùng chỉ vàng mà làm giấu ngăn ở trong kinh, trên đầu để lộ ra một chút, chẳng được bẻ gấp mép trang kinh làm giấu, chẳng được làm nhàu nát. Đọc kinh đến nửa chừng nếu tâm sanh tạp niệm, thì nên gấp kinh lại, đến khi tạp niệm tan rồi mới lại mở ra đọc tiếp.
Nếu có khách tới, hoặc trưởng bối, hay đồng học đến, đều nên gấp kinh sách lại rồi mới nên tiếp chuyện. Có kinh Phật ở trên bàn chẳng nên bàn luận chuyện thế gian tạp thoại, chẳng được cười và nói lớn tiếng, chẳng được khạc nhổ. Nếu phát cơn ho thì phải dùng tay áo che miệng. Nếu đọc kinh có được chút tâm ý lĩnh hội, thì chờ sau khi đọc kinh xong, lấy giấy bút riêng để ghi chú bên ngoài, không được ghi chú ngay trên đầu sách. Nếu viết Kinh luật, tất phải viết chữ đứng ngay ngắn, bút tích mới sạch, chẳng được tùy ý thảo thư, lại chẳng được trước sau thêm vào nhiều lời hư nguỵ.

Lời phụ: Khi đọc kinh tức là tiếp xúc với lời Phật dạy, quán tưởng như Phật đang tại tiền giảng giải cho mình vậy, nên phải dọn lòng, dọn mình cho trang nghiêm sạch sẽ. Chẳng nên vừa học đạo vừa đàm luận thế gian sự, lại chẳng nên loạn tưởng. Đối kinh sách phải biết trân quý mà chẳng cẩu thả làm hư rách kinh điển. Muốn ghi chép những tâm đắc gì thì phải dùng giấy vở riêng khác, chẳng được viết loạn trên kinh.
Phàm các kinh sách, phải nên như pháp cung phụng, Kinh Phạm Võng nói: Nếu là Phật-tử phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, dùng giấy, vải, hàng lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật-tử nầy phạm “khinh cấu tội.” Nếu kinh sách hư rách, nên mau tu sửa lại, phải luôn giữ gìn như mới vậy.
Phàm cầm nắm kinh tượng phải nên dùng hai tay bưng lên ngang ngực, chẳng được một tay nách mang. Tay mình cầm kinh tượng không được hướng người khác lễ lạy, lại chẳng được một tay xá chào cùng cúi mình chắp tay, chỉ nên dùng hai tay nâng kinh tượng lên ngang với mi mắt thời đủ lễ vậy.
Phàm kính pháp, không chỉ riêng kính trọng kinh điển, mà phải đối với y bát, tích trượng, v.v... cũng lại như vậy. Còn nhiều thứ vô hình vô tướng đặc biệt lại càng nhiều hơn, không thể liệt kê hết, nên theo đây suy diễn ra tự biết vậy.

Lời phụ: Pháp là con đường đưa đến sự giác ngộ, giải thoát tâm linh. Lời Phật dạy mỗi mỗi đều lưu xuất từ tự tánh mà tất cả ngôn giáo của thế gian không gì sánh bằng, bởi sách thế gian đều rơi vào tình thức, là sự thấy nghe hiểu biết bằng vào sự nhận thức của bộ não, sự vọng động của niệm lự. Vì vậy đối với pháp-bảo, chúng ta phải hết lòng kính tin mới mong đạt được sự lợi ích vô cùng tận của nó. Thêm vào đó, trong kinh giáo thường nói. Giác ngộ chẳng phải chỉ có một con đường mà có cả thảy 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Cho nên đối với các pháp khí trong nhà Phật đồng đẳng cung kính vậy.
Thường thấy kinh sám ứng phó lưu thông ngày nay đa phần thuộc về ngụy soạn, tuy có một hai phần là chánh kinh, lại chỉ là những phần vụn vặt ô uế chẳng chịu được. Lại nữa, những hạng tân học gia gần đây thấy kinh uyên bác, cũng muốn lấy mà xem coi. Nhưng lúc xem coi, nếu chẳng phải nằm ngửa cũng là tựa lưng ngồi nghiêng, không thì uốn mình cong như ống đồng, đều là những hiện tượng chẳng phải chỗ nên làm của người học Phật, càng không thể xưng là cư-sĩ, sa-môn vậy. Hy vọng các vị có cùng chí hướng nên nỗ lực hết lòng khuyên bảo nhau để mong tránh khỏi ác báo.
Lời phụ: Kinh sám ứng phó đạo tràng là thuộc về những pháp sự cúng tế lễ nghi. Bởi cách thánh hiền càng xa, Phật pháp lan rộng trong nhân gian nên xen lẫn những tập quán, phong tục của mỗi địa phương cùng niềm tin của những giáo phái khác. Và vì muốn phù hợp với những giòng chảy đó nên trong kinh sám ứng phó mới soạn thêm nhiều phần đi ra ngoài chánh văn của lời Phật dạy. Đặc biệt ngày nay, do sự văn minh của vật chất tăng vọt, việc in ấn kinh sách càng dễ dàng nên kinh sách số lượng phát ra rộng rãi và dễ dàng có được, chẳng phải như xưa phải chép tay, phải học thuộc lòng. Cho nên nhiều người đối kinh giáo lòng kính trọng giảm đi rất nhiều. Những hàng thức giả thấy kinh điển Phật giáo có chỗ xuất chúng nên cũng muốn tìm hiểu để tăng phần tri thức cho mình, thích lợi khẩu huyền đàm nên chỉ muốn tìm chương trích cú, dẫn giải những phần thích ý trong kinh mà đối kinh giáo lại chẳng thật lòng tôn trọng, nên có những hành vi, xu hướng chẳng đẹp mắt. Hy vọng người thật lòng học Phật nên lưu tâm cùng nhắc nhở nhau trên bước đường tu tập đạo giải thoát.

Lời thưa: nói rằng trọng Pháp, tất trước phải biết trọng người nói Pháp vậy!
Phàm sa-môn, cư sĩ khi thấy các bậc trưởng-lão, pháp-sư, các vị đại-đức đều nên thân ngay, mình thẳng đứng cho nghiêm chỉnh, chẳng được ngồi nguyên vị mà không đứng dậy. Trừ khi tụng kinh, khi bệnh, khi cắt tóc, khi thân đang bận rộn với công việc không thể đứng dậy. Hàng hậu học chẳng được nói lỗi của chư trưởng lão, pháp-sư, chư đại đức. Chẳng được nói trổng danh xưng của các bậc lớn, nên xưng “trưởng lão, pháp sư, đại sư” chi chi đó. Còn khi đối diện chuyện trò thì chẳng được đề xuất danh tự, còn như đơn độc xưng hai chữ trưởng lão, hoặc pháp sư, hoặc hòa-thượng là cách thông xưng của hàng học nhân.
Phàm thư từ qua lại cũng phải như vậy, chẳng được xưng vãn bối, cùng tôi, ta, kẻ hèn này nọ v.v... Các bậc tôn Trưởng lão, pháp sư nên xưng thượng tọa, trượng-hạ, chẳng được xưng phương trượng. Còn đối với chư Ni nên xưng đại sĩ, ni trưởng, sư bà, ni sư, sư cô v.v... Còn khi thấy các vị tăng lữ bình thường thì nên xưng Thầy chi chi đó, chẳng được gọi thẳng tên họ. Nếu thưa hỏi tôn hiệu nên hỏi bồ-tát tôn xưng thượng... hạ..., chẳng được nói pháp danh. Còn khi hỏi pháp danh tất là hàng thượng tọa hỏi hàng hậu học vậy. Mà tự mình thì phải xưng hậu học, chẳng được xưng bất huệ (không trí tuệ), bất tài, bất nịnh (vô năng), v.v...

Lời phụ: phần trên thuộc về giáo môn, thông dụng không chỉ dành riêng cho hàng học Phật. Ở đời chúng ta đối với các bực trên trước mỗi khi thấy họ đều phải đứng đậy tiếp rước, đâu thể ngồi trơ ra đó, trừ những lúc đang công việc dở dang, hoặc bệnh nặng không thể gượng dậy nổi. Còn chuyện lỗi phải thị phi của người lớn, thông thường chúng ta là hàng con cháu đâu đủ tư cách tùy tiện phán xét. Còn tên tuổi danh họ đều là những việc hay cấm kỵ của người xưa, nên người ta thường gọi nhau theo vị thứ mà chẳng gọi thẳng tên trừ phi là quen thân hay những người trong gia đình.
Phàm sa-di, cư sĩ chẳng được lén nghe đại sa-môn thuyết giới, lại cũng chẳng được lén nghe tỳ-kheo tụng Giới Kinh.
Lời phụ: phần này thuộc về khuôn phép nghi thức riêng dành cho người xuất-gia nên hàng cư-sĩ không được đến gần nghe trộm. Bởi nhiều nguyên do nhưng cũng không ngoài hai nguyên nhân chính, thứ nhất là khiến kia sanh lòng khát ngưỡng muốn cầu giới pháp để tu học, thứ nữa là giúp kia tránh tội rêu rao nói lỗi của người khác. Chẳng được nói việc lỗi ở trong tăng-chúng: phàm là người chưa phải là bực thánh-triết, mấy ai khỏi lỗi. Ta không có con mắt-huệ đâu thể xét biết kia phải quấy thế nào, đức độ chúng-tăng lớn như biển, Phật còn khen ngợi, nếu ta chỉ trích, tự mắc khổ báo lớn vậy.
Phàm vào Tăng-phòng, không luận là phòng nào, không được khinh suất xông bừa vào, nên trước khảy móng tay lên cửa 3 tiếng, bên trong đáp ứng mới được vào, không có tiếng đáp thì nên đi. Vào trong rồi, trước nên hướng đến Phật-tượng xá lễ, thứ đến hướng về chư đại-đức đang xem kinh, đối trước bàn xá chào thưa hỏi, sau mới hướng về các vị đại-đức chắp tay xá chào thưa hỏi.
Lời phụ: Tăng phòng nơi dành riêng cho chúng tăng thanh tịnh tu hành nên không thể tùy tiện xông bừa vào. Muốn vào tất phải khiến kia biết cho phép mới được vào. Chào hỏi phải biết thứ tự trên dưới trước sau.
Phàm khi thấy chư đại-đức, trưởng lão, pháp sư cũng như thấy Phật, quy tắc lễ nghi như phần trước chỗ nói. Còn khi thấy hàng chúng tăng tầm thường lại cũng phải xem như thấy Bồ-tát vậy, chẳng được coi khinh. Dù chẳng phải bậc Tăng tốt cũng nên cung kính, phải lấy theo hình tướng của sa-môn để tôn trọng vậy. Huống chi có những biểu hiện mà với con mắt thịt của chúng ta không thể thấy hết được. Vì vậy mà Bồ-tát Thường Bất Khinh khi thấy bất cứ người nào đều nói rằng: “các ngài đều sẽ làm Phật, tôi chẳng dám khinh các ngài.” Như vậy có thể biết. Hàng cư sĩ mỗi khi thấy Sa-di, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đi qua thì nên đứng dậy, còn khi thấy những vị đồng bực với nhau thì chỉ cần ngồi ngay cũng được rồi.
Lời phụ: phải luôn ghi nhớ câu nói của Bồ-tát Thường Bất Khinh: “tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ làm Phật.” Đức Phật cũng thường khen ngợi đức lớn của chúng Tăng không thể nghĩ bàn. Ví như Kinh Vu Lan chúng ta thấy được: Mục-kiền-liên tôn giả muốn cứu mẹ. Phật dạy phải cúng dường chúng Tăng, thế mới biết đức độ của chúng Tăng rất lớn, huống chi trong đó xen lẫn những đại bồ-tát, thanh văn cho đến chư cổ Phật cũng tái lai hiện thân giữa hàng chúng Tăng làm mô phạm mà mắt thường chúng ta không thấy biết hết được.
Phàm muốn lễ bái chư Đại-đức thì duy chỉ khi những vị ấy đang chánh tọa, đang đứng thì có thể lễ bái, còn những khi chư đại-đức đang tọa-thiền, kinh hành, dùng cơm, cạo tóc, tắm rửa, ngủ nghỉ, v.v... thì chẳng nên lễ bái. Nếu phòng đóng cửa thì không nên ở ngoài cửa làm lễ, muốn vào cửa làm lễ nên khảy móng tay lên cửa 3 lần, thầy không trả lời thì nên đi. Phàm thưa hỏi Phật-pháp thì phải nên chỉnh đốn y phục lễ bái, tối thiểu phải đứng ngay ngắn cúi đầu chắp tay thưa hỏi, nếu cho phép ngồi thì mới được ngồi, cần phải lắng lòng khéo nghe, tư duy thâm nhập. Khi chư đại-đức nói chưa xong chẳng được gấp nói chen vào thưa hỏi. Phàm Tăng-ni có lỗi lầm gì thời do đại sa-môn đến thời Tự-tứ sẽ đề cập tới, hàng cư-sĩ chẳng được nói lên lỗi lầm của các vị sa-môn, đối với hàng hậu học cũng lại như vậy.
Lời phụ: muốn lễ lạy cũng phải biết thời, biết chỗ, không thể tùy tiện lễ bái. Còn thưa hỏi cũng phải từ tốn, khéo nghe mà suy nghĩ. Lỗi lầm của chúng Tăng có chúng Tăng xử lý, chẳng việc chúng ta thì chớ có xen vào. Xen vào nói lỗi của người khác tội thật không nhỏ. Trong Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới: nói lỗi lầm của người khác là một trong mười tội nặng, đâu thể không răn dè.
Phàm ở giữa đường gặp các vị đại-đức, nên mau đứng nhường sang một bên chờ chư đại đức đi qua rồi mới đi, chẳng được kia đây đắp đổi nhau mà đi. Còn những lúc cùng đi chung, phải nên nhường chư đại đức đi trước, nên làm thay chư đại đức mang nách đồ vật. Phàm lúc ngồi phải nên nhường chư đại-đức ngồi trên trước, ngồi trên sàng chiếu cũng lại như vậy. Phàm thấy chư đại-đức chẳng được hai tay chống hông, chẳng được lay động cánh tay cùng lắc lư thân mình, chẳng được ngồi xổm, chẳng được vừa đi vừa nhảy, chẳng được đi mau trừ khi có việc gấp. Chẳng được rút cổ co đầu trừ khi có bệnh. Chẳng được cố nhìn hai bên trái phải, chẳng được đứng chỗ cao, chẳng được cười giỡn. Những việc còn lại đều có nói rõ ở trong luật, do vì văn nhiều không chép.
Lời phụ: trong sinh hoạt hằng ngày phải nên hết lòng kính quý giúp đỡ chúng Tăng, chẳng được biểu hiện những hình tướng lễ nghi trái phép, chẳng được cười giỡn nhái giọng nói, tả hình dáng cùng nhạo tướng đi cung cách của chúng Tăng. Chi tiết thì rất nhiều chỉ đơn cử những thứ chính yếu, các phần chi li thì cứ suy theo đây có thể biết vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/04/2018(Xem: 8505)
Bồ-đề-đạo-tràng, nơi nổi tiếng với Tháp Đại Giác – Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền giác ngộ, dọc bên bờ kia sông Ni-liên vào những ngày đầu mưa xuân, cuối đông tháng 12 cũng là mùa hoa cải vàng rực nở khắp cánh đồng.
29/04/2018(Xem: 7265)
Đệ tử của Đức Phật luôn gồm đủ bốn chúng xuất gia và tại gia: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ. Mỗi chúng đều có vai trò quan trọng nhất định trong việc lợi mình, lợi người và duy hoằng Phật Pháp tại nhân gian. Việc hoằng Pháp lợi sanh nơi xứ người xưa nay phần chính là chư Tỳ kheo. Bên cạnh đócó nhiều Tỳ kheo ni và Nữ cư sĩ cũng đã đóng góp rất lớn. Nhiều tấm gương sáng của Nữ đệ tử Phật đã được ghi lại mà nữ giới hậu học ngày nay cần nên soi chiếu.
27/04/2018(Xem: 6250)
Ra Đi và Trở Về - Thích Tâm Tôn, Ra đi và trở về là hai mệnh đề rất rộng trong nhiều phạm trù của cuộc sống. Có thể hiều theo ý nghĩa chu kỳ hai chiều vận hành đến và đi hiện hữu trong phạm trù tuần hoàn thời gian, hay lẽ phân định khoảng cách gần- xa hai hướng trong phạm trù không gian hữu hạn, và có thể là lẽ tất nhiên phải trải qua của cả một đời người bởi hai điều sống- chết sẽ đi qua theo qui luật vô thường…. Nhưng có lẽ hơn hết, hiểu theo cách rất giản dị của nhà Thiền về ý nghĩa cuộc sống chính là tìm hiểu và thấy được của trải nghiệm, hay khám phá và Tuệ tri các pháp trong sự hiện hữu như chính là. Nếu ra đi là tìm kiếm, thì trở về chính là thấy được.
26/04/2018(Xem: 8261)
Khoảnh khắc Kangaroo bố đau đớn ôm người bạn đời đang hấp hối làm nhiều người xúc động khôn xiết. Giữa giây phút cận kề sự sống và cái chết, Kangaroo mẹ chỉ kịp nắm lấy tay con lần cuối trước khi từ giã cõi đời… Cái ôm ly biệt và đôi tay níu kéo
25/04/2018(Xem: 10778)
Tự Chuyện của Quảng Dũng về Gia Đình Phật tử ở Galang 1979
25/04/2018(Xem: 12766)
Prior to sharing some thoughts on the question, 'According to 2010 statistics, the number of Buddhists around the world is consistently increasing by approximately 5% to 10% per annum. What do you think are the main causes for this increase?', I should mention that I'm often 'open-mindedly skeptical' about such surveys, and the statistics gathered during such surveys. For where does the information come from and how is the information gathered, and for what purpose, and so on and so forth.
23/04/2018(Xem: 8632)
Westminster, CA 13/4/2018 - Nhân chuyến Phật sự nhiều ngày tại Bắc Mỹ, năm 2018, Hòa thượng Thích Như Điển, Đệ nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu; Phương trượng Chùa Viên Giác, Hannouver, Đức Quốc, đã ghé thăm Đài truyền hình Asian World Media và hoan hỷ nhận lời tham dự buổi Hội Đàm Đạo Phật Cho Đời Sống do phóng viên Thảo Nguyễn thực hiện, phát sóng hàng tuần vào ngày thứ Sáu, trên các kênh truyền hình 22.7 và Galaxy 19, lúc 7:30 tối.
23/04/2018(Xem: 6723)
Hòa thượng Phật sự đầy ắp, nay chùa này, mai tự viện kia. Lớp việc chung Giáo Hội, lớp việc riêng nơi trú xứ trụ trì…, nhưng hôm nay 17 tháng Tư, 2018, Hòa thượng vẫn thùy từ hứa khả ghé thăm hệ thống truyền hình ASIAN WORLD MEDIA, qua chương trình quen thuộc ĐẠO PHẬT cho ĐỜI SỐNG do phóng viên Nguyễn Thảo thực hiện, và phát sóng lúc 7:30PM hàng tuần, thứ Sáu trên channels 22.7 cũng như Galaxy 19.
21/04/2018(Xem: 12821)
Hoa Đàm Ngát Hương_HT Thích Bảo Lạc_2007
21/04/2018(Xem: 6526)
Quan sát, nhìn nhận đúng sự việc, nhà Phật gọi là chánh kiến. Chánh kiến là cách phân biệt bản chất của sự việc tốt hoặc xấu. Trong tiềm thức mỗi người đều có sẵn tính tốt và tính xấu. Ví dụ lòng trung thành và phản bội. Ai cũng có hạt giống trung thành và hạt giống phản bội. Người chồng nếu sống trong môi trường, hạt giống của lòng trung thành được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, thì người chồng sẽ là một người trung thành, nhưng nếu hạt giống của sự phản bội được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, người chồng có thể phản bội
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]