Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Quét Sạch Khổ Ðau

24/07/201208:03(Xem: 6654)
02. Quét Sạch Khổ Ðau

NGAY TRONG KIẾP SỐNG NÀY
Tác giả: Sayadaw U. Pandita
Dịch giả: Khánh Hỷ

Các Tầng Thiền Minh Sát

oo0oo

Quét Sạch Khổ Ðau

Ðừng để tâm ra ngoài, cũng đừng để tâm ngưng đọng bên trong

Là một thiền sư, tôi quan sát nhiều thiền sinh và thấy rằng nhiều thiền sinh để tâm lang thang mà không chánh niệm. Vì muốn giúp bạn thấy rõ bản chất của tâm vọng động hay phóng tâm, tôi muốn nhắc nhở các bạn những lời dạy sau đây của Ðức Phật.

Ðức Phật dạy: "Ðừng để tâm lang bạt bên ngoài, cũng đừng để tâm đứng lại bên trong. Thầy tỳ khưu nào có thể chánh niệm như vậy thì chắc chắn sẽ chấm dứt mọi đau khổ".

Trước tiên, tôi muốn nói rằng tất cả những ai hành thiền một cách nghiêm túc có thể xem mình là tỳ khưu. Những ai muốn thoát khỏi đau khổ đều có thể áp dụng những điều trên đây của Ðức Thế Tôn. Tuy nhiên, thật khó có thể biết được chúng ta phải chọn hướng nào đây để tiến bộ. Thế nào là đừng để tâm lang bạt, và làm thế nào để bảo đảm chắc chắn tâm không lang bạt? Chúng ta tin rằng vấn đề này không khó khăn. Mọi thiền sinh đều đã kinh nghiệm qua chuyện phóng tâm, và chúng ta đã có thể dùng năng lực của chính mình để ngăn chận nó.

Một thiền sinh chăm chỉ hành thiền thì có thể kiểm soát không để cho tâm vọng động. Vậy, nếu tâm không vọng động thì tâm phải ở bên trong. Nhưng Ðức Phật lại dạy rằng, "Ðừng để tâm cô đọng bên trong". Như vậy thì phải làm thế nào? Không nên để tâm ở ngoài, cũng không nên để tâm ở trong. Vậy phải làm sao đây? Hẳn các bạn đã từng biết là tâm ở bên trong chúng ta. Nếu bạn chú tâm vào những gì đang xảy ra trong hiện tại thì tâm bạn ở đâu? Nếu không ở ngoài thì chắc chắn tâm phải ở bên trong, vậy thì phải làm thế nào đây? Phải chăng ta chỉ cần uống một viên thuốc ngủ là ổn thỏa? Nhưng dầu có làm như vậy thì cũng đi ngược lại lời Phật dậy vì tâm vẫn còn nằm bên trong. Vậy phải làm sao đây? Nhưng Ðức Phật đã quả quyết rằng, nếu chúng ta theo đúng lời chỉ dẫn của Ngài thì sẽ thoát khỏi khổ đau. Sau khi nói dứt câu này, Ðức Phật vào trong hương phòng. Một số thính giả chưa đủ trí tuệ để hiểu rõ câu nói của Ðức Phật bèn thỉnh cầu Ðại Ðức Kaccayana giảng giải rộng thêm. Ngài Kaccayana là một vị A la hán và ngài có biệt tài giải thích các câu nói ngắn gọn của Ðức Phật.

Giải Thích Câu Ðố Của Ðức Phật

Câu nói trên cũng là một câu đố để thử trí thông minh của chúng ta nữa. Tôi đề nghị các bạn hãy bắt đầu tự hỏi mình rằng: Khi không kiểm soát được tâm thì điều gì sẽ xảy ra? Tâm sẽ phản ứng với đối tượng như thế nào?

Khi tâm tiếp xúc với đối tượng vừa lòng, thích thú, thì tâm sẽ tràn ngập tham lam. Lúc đó, ta gọi là vọng tâm, hay phóng tâm. Cũng vậy, nếu tâm tiếp xúc với đối tượng không vừa lòng, không ưa thích, tâm sẽ tràn đầy sân hận, thì đây cũng là sự vọng tâm hay phóng tâm. Khi tâm không hiểu rõ những chuyện xảy ra, tâm tràn đầy si mê thì đó cũng là sự phóng tâm hay vọng tâm. Khi phóng tâm hay vọng tâm tức là tâm đã lang bạt ra ngoài. Do thiếu chánh niệm tâm không nhìn rõ được bản chất thật sự của các đối tượng. Do đó tạo điều kiện cho tham lam, sân hận, si mê phát sanh. Ðức Phật thường dạy chúng ta đừng để cho tham, sân, si hiện khởi. Phải chăng khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm đều được xem là sự phóng tâm?

Tiến Trình Của Cảm Giác Với Chánh Niệm và Không Chánh Niệm

Tất cả những tiến trình của ngũ trần, sắc, thanh, hương, vị và xúc, bản thân chúng chẳng mang đặc tính tốt hay xấu gì cả. Khi ngũ trần tiếp xúc với ngũ căn, nếu ta không kịp thời chánh niệm thì hàng loạt diễn tiến của tâm sẽ tiếp nối, kèm theo tham, sân, si. Mục đích của Thiền Minh Sát là giúp chúng ta có chánh niệm sắc bén để có thể nhìn đối tượng đúng theo bản chất của chúng, không để cho yêu, ghét chen vào. Làm được như vậy sẽ chặn đứng được nguồn tâm bất thiện tiếp diễn. Lúc đó, phóng tâm sẽ không xảy ra. Như vậy, phóng tâm hay vọng tâm là tâm bị ô nhiễm bởi phiền não khi nó tiếp xúc với đối tượng.

Trong thực tế, khi tiếp xúc với đối tượng, nếu ta phân tích hay mổ xẻ đối tượng thì đó gọi là phóng tâm. Chẳng hạn, khi một màu sắc đập vào mắt ta, ta có phản ứng: "Ô, màu này thật đẹp!" hay "Màu này sao mà chói chang đến vậy?" tức là ta đã phóng tâm. Ngược lại, nếu khi nhìn màu sắc mà ta có nỗ lực chánh niệm, có sự tinh tấn thì đó là cơ hội để ta thấy được tiến trình của sự thấy. Ðó là dịp để phát triển trí tuệ, để chúng ta thấy rõ được sự tương quan giữa thân và tâm, những liên hệ nhân quả của chúng, cũng như thấy được đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của chúng.

Bạn có thể thử nghiệm ngay bây giờ. Chú tâm vào chuyển động của bụng. Nếu tâm tinh tấn chánh niệm một cách chính xác vào chuyển động, thấy rõ sự chuyển động từ lúc khởi đầu đến lúc chấm dứt, thì lúc đó tham, sân và si không nhảy vào được. Lúc ấy, không có tư tưởng về vật đẹp hoặc xấu và cũng không có sự mơ hồ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Rầm!

Nhiều khi đang chú tâm vào sự chuyển động của bụng, đột nhiên có một tiếng động lớn nổi lên. Tiếng động mạnh này mạnh hơn chuyển động phồng xẹp nên tâm tự động hướng vào đề mục mới. Mặc dầu vậy nhưng không thể gọi đó là phóng tâm nếu chúng ta tức thời ý thức tiếng động và niệm nghe, nghe, nghe mà không suy nghĩ đến nguyên nhân gây ra tiếng động, cũng không cần biết đó là tiếng động gì. Nếu được như thế thì sẽ không có tham, sân, si vào lúc ấy.

Nhưng khi một âm thanh đập vào tai, nếu tâm ta bị cuốn hút và nhận ra đó là âm thanh quen thuộc, như nghe một bản nhạc, một bài hát chẳng hạn, tâm ta bắt đầu nhớ lại hay hồi tưởng: "Trước đây ta đã từng nghe âm thanh này. Tên ca sĩ hát bài hát này, tác giả bài hát..." rồi rời khỏi giây phút hiện tại và chìm đắm vào trong tiếng nhạc, quên mất rằng mình đang hành thiền nên gõ nhịp và lắc lư theo tiếng hát... như vậy là bị phóng tâm chế ngự.

Có một thiền sinh đang ngồi thiền một cách chánh niệm, đang theo dõi đề mục một cách tĩnh lặng và tốt đẹp. Thình lình, một thiền sinh ngồi cạnh cô ta đứng dậy một cách vội vã làm phát ra tiếng động. Cô thiền sinh nghe rõ mồn một tiếng răng rắc của các khớp xương và tiếng áo quần cọ sột soạt. Tức thời cô thiền sinh của chúng ta bắt đầu nghĩ: "Thật là chẳng ý tứ chút nào cả! Vô ý thức! Ðang giữa giờ ngồi thiền mà đứng dậy phá rối trong khi ta đang ngồi thiền một cách ngon lành thế này". Thế là sự giận dữ bùng phát. Có thể gọi đây là "Ðại Phóng Tâm". Phần lớn các thiền sinh đã tránh được tình trạnh này nhờ nỗ lực chánh niệm từng Sát na, không bị phản ứng khi có đối tượng lạ phát sinh. Nhờ thế mà không bị phóng tâm chi phối.

Các Tầng Ðịnh

Không vọng tâm hay không phóng tâm có nghĩa là tâm chánh niệm kịp thời và chính xác vào những gì đang xảy ra. Khi tâm chánh niệm một cách tốt đẹp và liên tục vào tất cả những gì đang xảy ra thì tâm sẽ ở vào tình trạng gọi là nhập định. Nhập định có nghĩa là tâm dính chặt vào đề mục và quán sát đề mục đó. Hãy tưởng tượng rằng bạn thấy vật gì đó đang nằm trong bùn và muốn lấy vật đó lên. Bạn bèn dùng một cây nhọn ghim sâu vào vật đó rồi nhấc nó lên. Nếu bạn không biết chắc đó là vật gì, thì bây giờ bạn có cơ hội để nhìn rõ ràng hơn. Cũng như trong khi bạn ngồi vào bàn ăn. Bạn dùng nĩa ghim thức ăn. Hai ví dụ này cho ta thấy thế nào là yếu tố định hay tình trạng nhập định.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Chỉ

Có hai loại định: định trong thiền chỉ (hay thiền vắng lặng) và định trong Thiền Minh Sát. Một số các bạn đã đọc sách và biết được các tầng định trong thiền chỉ sẽ lấy làm ngạc nhiên tại sao tôi lại nói đến các tầng định trong Thiền Minh Sát. Khi nhập định trong thiền chỉ, lúc bấy giờ tâm hoàn toàn tập trung, dính chặt vào một đề mục duy nhất - một hình ảnh trong tâm chẳng hạn; như tâm tập trung vào một chiếc đĩa màu đỏ hay vào ánh sáng. Tâm bị hút chặt vào đề mục đó, không bị lay động hay di chuyển đi nơi khác. Cứ như thế thiền sinh chú tâm vào đề mục cho đến khi tâm hoàn toàn an trụ trên đề mục rồi dần dần tiến vào trạng thái nhập định vào các tầng thiền. Có rất nhiều tầng thiền khác nhau, mỗi tầng thiền có đặc tính riêng biệt.

Các Tầng Ðịnh Trong Thiền Minh Sát

Ðịnh trong Thiền Minh Sát khác với định trong thiền Chỉ ở chỗ tâm chuyển từ đề mục này sang đề mục khác và an định tâm vào đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các đối tượng. Ðịnh trong Thiền Minh Sát cũng bao gồm các trường hợp tâm chuyên chú và gắn chặt vào sự an lạc tĩnh lặng của Niết Bàn. Trong khi mục đích của thiền chỉ là đạt được trạng thái tâm an lạc và nhập định, thì mục đích của Thiền Minh Sát là đạt được các tầng tuệ và giải thoát.

Ðịnh trong Thiền Minh Sát là an trụ tâm vào chân đế. Chân đế là những gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp qua sáu cửa giác quan. Phần lớn những gì chúng ta nhận ra hay chú tâm đến ở sáu cửa giác quan đều là chân đế của các pháp. Ðó là sự biến đổi không ngừng của các hiện tượng thân và tâm. Niết Bàn cũng là chân đế, nhưng Niết Bàn không có sự thay đổi. Niết Bàn là pháp vô vi, vô điều kiện.

Ðể biết rõ vấn đề, ta hãy xét đến tiến trình của hơi thở. Những cảm giác mà chúng ta cảm nhận được ở bụng trong khi theo dõi chuyển động của bụng, đó là chân đế. Mục đích của sự chú tâm vào chuyển động của bụng là để thấy rõ các đặc tính và bản chất của các hiện tượng đang xảy ra ở đấy. Khi bạn chú tâm vào sự co dãn, sự căng thẳng, sự đàn hồi, sự rung chuyển, cứng, mềm, nóng, lạnh, v.v... như vậy là bạn đã phát triển các mức định tâm của Thiền Minh Sát .

Khi quán sát những gì xảy ra ở sáu cửa giác quan thì chúng ta cũng dùng những phương cách tương tự như trên. Nếu có nỗ lực tinh tấn và chánh niệm đúng đắn, chú tâm vào những gì đang xảy ra tại một cửa nào đó của giác quan thì ta cũng hiểu được chân đế hay bản chất thật sự của những gì đang xảy ra ngay tại cửa giác quan này. Thấy được chân đế ở các cửa giác quan có nghĩa là thấy được các đặc tính riêng và chung của danh và sắc hay thân và tâm. (Cũng cần nhắc lại ở đây thế nào là đặc tánh riêng của danh và sắc được nhận biết qua việc hành thiền. Khi hành thiền, chúng ta quán sát các hiện tượng danh và sắc. Khi nỗ lực tinh tấn và chú tâm chánh niệm hợp lý, thì tiến bộ đầu tiên là ta thấy được đặc tính riêng của danh và sắc. Ðặc tính riêng của danh hay tâm là sự nhận biết đối tượng bao gồm cả xúc, thọ, yêu, ghét, chánh niệm, định tâm, buồn, vui, an tịnh, trí tuệ, v.v... Ðặc tính riêng của sắc hay thân là tứ đại: sự cứng mềm, (đất), sự nóng lạnh (lửa), sự chuyển động, căng cứng, rung chuyển (gió), sự dính hút hay lỏng (nước). Danh và sắc đều có giai đoạn khởi lên, kéo dài và chấm dứt. Ðó là đặc tính nhân duyên hay đặc tính trung gian. Thiền sinh sẽ thấy rõ đặc tính trung gian trước khi thấy rõ đặc tính chung của danh và sắc là vô thường, khổ não và vô ngã).

Các Chi Thiền

Theo một lối phân loại thì có bốn tầng thiền. Tầng thiền thứ nhất có năm thiền chi, và tất cả các thiền chi đó đều quan trọng trong việc hành Thiền Minh Sát .

Thiền chi thứ nhất gọi là tầm (vitakka) hay hướng tâm. Ðây là yếu tố hướng tâm một cách chính xác và trực tiếp vào đối tượng. Tầm còn có đặc tính là đặt tâm trên đối tượng.

Thiền chi thứ hai là tứ hay sát (vicara). Sau khi đặt tâm trên đối tượng, giờ đây tứ tiếp tục định vị, dẫm, chà xát, hoạt động quán sát đối tượng. Bạn có thể kinh nghiệm được điều này khi quán sát chuyển động của bụng. Trước hết, bạn phải có tinh tấn hướng tâm vào tiến trình chuyển động của bụng, rồi tâm nắm được đối tượng mà không để trượt khỏi hay rời đối tượng. Tâm dẫm lên đối tượng và chà xát đối tượng. Khi tâm chánh niệm từ thời khắc này đến thời khắc khác một cách chính xác liên tục thì dần dần tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng hơn. Các loại phiền não, nhất là năm chướng ngại chính: tham lam, sân hận, dã dượi buồn ngủ, phóng tâm và hoài nghi bị yếu đi rồi biến mất. Tâm trở nên trong sáng, an tịnh, tĩnh lặng. Sự trong sáng tĩnh lặng này do hai thiền chi tầm và sát đem lại. Trạng thái trong sáng, an tịnh tĩnh lặng này được gọi là viveka, có nghĩa là ẩn cư hay an trú, tâm được an định, trú ẩn, hoàn toàn thoát khỏi các chướng ngại. Sự ẩn cư hay an trú này không phải là một yếu tố của định. Ðây chỉ là một danh từ nói đến tình trạng ẩn cư hay an trú của tâm.

Thiền chi thứ ba là hỉ (piti), có nghĩa là hoan hỉ, thích thú trước những gì đang xảy ra. Thiền chi này có thể biểu lộ qua các trạng thái vật lý như rùng mình, nổi gai ốc, cảm thấy như sóng dồi vào mình, người nhẹ tênh như tách rời khỏi mặt đất, v.v...

Thiền chi thứ tư gọi là lạc (sukha) có nghĩa là sự dễ chịu, sự an vui hạnh phúc tiếp theo sau hỉ. Tâm lạc khiến ta thỏa thích hài lòng với việc hành thiền. Bởi vì cả hai thiền chi thứ ba và thứ tư đều là kết quả của sự ẩn cư khỏi phiền não nên chúng được gọi là "ẩn cư hỉ lạc" (viveka pÊti sukha) có nghĩa là sự hỉ lạc hạnh phúc do sự ẩn cư đem lại.

Hãy nghĩ đến những chuỗi nhân duyên liên tục này. Tâm ẩn cư có được nhờ ở sự hiện diện của hai thiền chi đầu tiên. Khi tâm hướng đến đối tượng một cách chính xác, nắm được đối tượng và chà xát trên đối tượng, thì sau một thời gian tâm sẽ được ẩn cư. Nhờ tâm được ẩn cư khỏi các phiền não, chướng ngại nên ta cảm thấy an lạc và thoải mái dễ chịu.

Khi bốn chi thiền đầu tiên có mặt, tâm tự động trở nên an tịnh, tĩnh lặng, dễ dàng quán thấu được những gì xảy ra mà không bị loạn tâm chi phối. Sự nhất tâm này là thiền chi thứ năm.

Muốn đến được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất cần phải có tuệ giác thấy danh sắc

Năm chi thiền này chưa đủ để đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất. Tâm phải xuyên suốt vào đối tượng một chút để thấy rõ sự liên hệ hỗ tương giữa thân và tâm. Chỉ vào lúc ấy ta mới có thể nói là có được tầng Thiền Minh Sát thứ nhất.

Một thiền sinh có tròn đủ năm chi thiền sẽ có một sự chánh niệm chính xác và mới mẻ hơn, nghĩa là tâm hút chặt vào đối tượng hơn trước đây; một sự hỉ lạc và hạnh phúc, thoải mái và cao thượng hơn xuất hiện. Ðây có thể là dịp để cho thiền sinh thưởng thức, nhấm nháp hương vị tuyệt vời của sự an lạc thanh tịnh mà mình đạt được. Thiền sinh có thể bị dính mắc vào sự an lạc thanh tịnh này và tự nhủ: "Ô, thật là kỳ diệu. Bây giờ mọi sự trở nên rõ ràng, trong sáng trước mắt ta. Ta nhẹ nhõm như phiêu bồng trôi nổi trên mây". Ðó là những suy tưởng xảy ra vào lúc có sự dính mắc vào sự định tâm, vào sự thanh tịnh.

Tâm Cô Ðọng Bên Trong

Ai cũng có thể bị dính mắc vào hỉ lạc, hạnh phúc và thoải mái dễ chịu. Dính mắc vào những tiến bộ đang diễn ra bên trong chúng ta là một loại tham ái đặc biệt vi tế, khác với loại tham ái thông thường. Tham ái thông thường là dính mắc, luyến ái vào ngũ dục. Cần phải ghi nhận kịp thời những tham ái dính mắc phát xuất trực tiếp từ sự hành thiền này để chúng khỏi trở thành những chướng ngại trong việc hành thiền. Nếu bạn có thể ghi nhận được một cách trực tiếp các trạng thái an tịnh tĩnh lặng này mà không bị mê đắm vào chúng hay không mơ tưởng đến những hỉ lạc cao hơn do sự hành thiền đem lại thì tâm bạn không bị cô đọng bên trong. Ðó là những điều mà Ðức Phật muốn nhắc nhở chúng ta.

Tóm lại, đừng để tâm lang bạc bên ngoài nghĩa là cần chánh niệm kịp thời và chính xác những gì đang xảy ra, không bị chi phối bởi chúng và không bị yêu ghét chen vào; đừng để tâm cô đọng bên trong nghĩa là đừng dính mắc, mê đắm vào những tiến bộ (hỉ lạc hay yên tịnh...) đang diễn ra bên trong do việc hành thiền tốt đẹp đem lại. Chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn vấn đề này.

Ba loại ẩn cư

Ðoạn kinh trên khuyên chúng ta trong khi hành thiền nên tránh những điều sau đây: Tránh tiếp xúc với ngũ dục và với bất thiện pháp. Muốn như vậy, chỉ có cách thực hành ba loại ẩn cư hay an trú: thân ẩn cư (kaya viveka), tâm ẩn cư (citta viveka), tỵ phiền não ẩn cư (vikkhambhana viveka). Tỵ phiền não ẩn cư là kết quả của thân ẩn cư và tâm ẩn cư. Tỵ phiền não ẩn cư có nghĩa là tâm không bị chế ngự bởi phiền não và chướng ngại.

Thân ẩn cư không phải là chính thân thể này ẩn cư. Chữ thân ở đây ám chỉ dục lạc ngũ trần. Như vậy, thân ẩn cư có nghĩa là xa lánh các dục lạc ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Ẩn cư khỏi các bất thiện pháp bao gồm trong tâm ẩn cư. Tâm ẩn cư thoát khỏi mọi phiền não gây trở ngại cho sự phát triển tâm định và trí tuệ nội quán. Trong thực hành, tâm ẩn cư có nghĩa là tích cực chánh niệm từ thời khắc này sang thời khắc khác. Thiền sinh nào có thể duy trì được sự chánh niệm từ thời điểm này sang thời điểm khác thì đã tạo được tâm ẩn cư.

Nếu không cố gắng nỗ lực tinh tấn thì sẽ chẳng bao giờ đạt được hai loại ẩn cư này. Muốn có thân ẩn cư, chúng ta phải tránh xa những nơi có thể phát sanh dục lạc ngũ trần. Tìm nơi hành thiền thích hợp để giúp tâm đạt được sự bình an tĩnh lặng, dĩ nhiên là chỉ dời chỗ không thì chưa đủ. Muốn đạt được tâm ẩn cư đòi hỏi chúng ta phải chánh niệm trên tất cả các đối tượng hiện khởi nơi sáu cửa giác quan.

Muốn chánh niệm thì phải hướng tâm vào đối tượng. Tinh tấn ghi nhận là phương tiện hữu hiệu để giúp tâm có thể chánh niệm một cách chính xác trên mọi đối tượng của sáu cửa giác quan. Sự hướng tâm (tầm) hay nỗ lực đặt tâm chính xác vào đề mục là thiền chi thứ nhất. Phải có sự hướng tâm và cố gắng quán sát chuyển động phồng xẹp của bụng để cuối cùng tâm gặp đề mục. Ðó là bạn ghi nhận rõ ràng các cảm giác căng thẳng, cứng mềm, chuyển động, v.v... Thế rồi tâm bắt đầu ở trên đề mục và chà xát trên đề mục. Ðó là tứ hay sát mà ta đã nói trước đây.

Sau khi chà xát trên đề mục một thời gian, tâm ngự trị và thâm nhập hẳn trên đề mục. Khi tâm ở trên đề mục chuyển động của bụng thì sự suy nghĩ ít khi xảy ra. Nhiều lúc cả một khoảng thời gian khá dài bạn không hề có một ý nghĩ hay sự phóng tâm nào. Như vậy là tâm đã thoát khỏi những đối tượng của ngũ trần dục lạc và thoái khỏi các phiền não do các đối tượng này sinh ra. Vào thời điểm ấy thì thân ẩn cư và tâm ẩn cư hiện diện. Khi tiếp tục hành thiền với nỗ lực quyết tâm và liên tục đều đặn thì phiền não sẽ lẩn trốn. Thế là bạn có được loại ẩn cư thứ ba, đó là tỵ phiền não ẩn cư.

Một Loại Hạnh Phúc Ðặc Biệt

Khi có được tỵ phiền não ẩn cư, tâm trở nên mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng, tinh tế, thư thái. Lúc ấy, một loại hạnh phúc đặc biệt phát sinh. Ðó là hạnh phúc của sự dứt bỏ. Hạnh phúc dứt bỏ là một sự an lạc thoải mái do sự dứt bỏ các dục lạc ngũ trần và các bất thiện pháp phát sinh từ dục lạc. Dục lạc ngũ trần là một điều nguy hiểm. Dính mắc, tham đắm vào dục lạc ngũ trần là một mối nguy hiểm lớn lao. Nơi có sắc đẹp, có tiếng hay, có vị ngon, có mùi thơm, có đụng chạm vừa lòng thì dễ dàng có được sự an lạc thoải mái. Ðó là điều dễ hiểu. Nhưng nơi không có dục lạc ngũ trần mà gọi là nơi an lạc hạnh phúc, thì mới thoạt nghe có vẻ lạ lùng làm sao! Tuy nhiên, khước từ dục lạc ngũ trần mới là hạnh phúc thật sự.

Tâm ẩn cư khỏi các bất thiện pháp có nghĩa là tâm đã ẩn tránh khỏi các loại phiền não. Khi đó phiền não không có cơ hội phát sinh bởi vì nguyên nhân trực tiếp của phiền não là ngũ dục đã được trừ bỏ. Như vậy, ta thấy chữ jhàna còn bao hàm một nghĩa khác nữa. Khi mà các chi thiền tầm, tứ có mặt thì ngũ dục bị loại bỏ. Do đó, phiền não sẽ cao bay xa chạy. Như vậy, chữ jhẻna không phải chỉ là nhập định hay nhập vào các tầng định thôi, mà còn có nghĩa là loại bỏ phiền não. Nó là lửa thiêu đốt phiền não.

Liên Quan Giữa Tầm và Tứ

Trong việc phát triển các tầng định, thì hai yếu tố tầm và tứ rất quan trọng. Hai yếu tố hướng tâm và ghim tâm trên đề mục này liên quan mật thiết với nhau. Giả sử bạn có một cái bình bằng đồng đen đuốc, cũ kỹ. Nếu muốn chùi bình cho sáng, bạn phải dùng một miếng giẻ để làm công việc này. Một tay cầm bình, một tay cầm giẻ, bạn chà lui chà tới miếng giẻ trên thành bình. Nếu bạn kiên nhẫn chùi thì một lát sau chiếc bình sẽ sáng loáng.

Cũng vậy, thiền sinh phải giữ tâm ở nơi mà đề mục chính xuất hiện như bụng chẳng hạn. Giữ chánh niệm ở đó. Chà lui chà tới, cọ xát vào đề mục cho đến khi phiền não biến mất. Lúc bấy giờ thiền sinh mới thấu suốt được sự thật của những gì đang xảy ra tại điểm đó. Thiền sinh sẽ hiểu rõ tiến trình của chuyển động phồng xẹp. Nếu đề mục phụ mạnh hơn đề mục chính, thì thiền sinh phải áp dụng tầm và tứ để ghi nhận đề mục mới. Như giữ bình trên tay là tầm, chà xát chiếc bình là tứ. Nếu thiền sinh chỉ cầm bình mà không chùi thì ten rỉ vẫn còn mãi. Nếu thiền sinh muốn chùi chiếc bình mà cầm bình không chặt thì cũng không chùi được. Ðiều đó cho thấy sự hỗ tương tùy thuộc giữa tầm và tứ.

Muốn vẽ một vòng tròn, bạn phải dùng một chiếc com-pa (compass). Bạn phải ghim đầu nhọn vào trang giấy, giữ yên đầu nhọn rồi di chuyển đầu kia để tạo một vòng tròn. Ðầu kim nhọn là tầm, phần quay là tứ. Nếu đầu nhọn không được ghim vào giấy thì làm sao bạn vẽ được vòng tròn? Nếu đầu nhọn đã ghim vào giấy mà không quay đầu kia thì cũng không có vòng tròn. Như vậy, tầm hướng tâm vào đối tượng. Tứ áp đặt tâm hay chà xát tâm vào đối tượng. Tầm và tứ hỗ tương tùy thuộc nhau.

Trí Tuệ Trực Giác

Nhiều người cho rằng tầm là truy tầm, suy nghĩ, lý luận. Nghĩa này không đúng trong việc hành Thiền Minh Sát . Người tây phương được giáo dục từ nhỏ là phải sử dụng trí thông minh của mình, phải luôn luôn tìm kiếm, đặt câu hỏi, tại sao, thế nào. Nhưng sự suy nghĩ và tìm tòi như vậy không thích hợp trong việc hành Thiền Minh Sát .

Có hai loại trí tuệ: Một loại do học hỏi và một loại do thực hành. Trong khi hành thiền, ta quán sát sự thật tuyệt đối hay chân đế một cách trực tiếp. Ta phải thật sự kinh nghiệm mà không suy nghĩ. Ðây là cách duy nhất để đạt được tuệ giác hay trí tuệ liên quan đến sự hiểu biết tường tận, bản chất của sự vật. Người ta có thể đọc rất nhiều để hiểu thế nào là chân đế, nhưng nếu không thực hành trực tiếp thì trí tuệ vẫn không phát sinh.

Sở dĩ thiền định hay thiền vắng lặng có thể giúp ta đạt được sự tĩnh lặng mà không thể trực tiếp dẫn đến trí tuệ là vì thiền này lấy khái niệm và sự suy tư hay tục đế làm đối tượng. Trong khi đó, Thiền Minh Sát lấy sự thật tuyệt đối hay chân đế làm đối tượng. Nhờ vậy mà hành Thiền Minh Sát có thể đạt được trí tuệ mà không thông qua sự suy nghĩ. Các tầng Thiền Minh Sát dẫn đến trí tuệ bởi vì nó là kết quả của sự quán sát trực tiếp vào chân đế hay sự thật tuyệt đối.

Khi có một trái táo trước mắt bạn, và có người nói cho bạn biết trái táo này mọng nước, ngọt lịm và tuyệt vời. Có thể nhìn trái táo rồi bạn nghĩ: "Trái táo này thật mọng nước. Tôi đoan chắc là nó rất ngọt". Bạn có thể nghĩ, có thể đoan chắc, có thể đánh cá, nhưng chỉ khi nào bạn nếm thử thì bạn mới biết được hương vị thật sự của nó. Việc hành Thiền Minh Sát cũng vậy. Bạn cũng có thể tưởng tượng được một số kinh nghiệm sẽ như thế nào, nhưng bạn chỉ có thể có được kinh nghiệm thực sự khi tinh tấn thực hành đúng phương pháp. Khi đã đạt được trí tuệ thì bạn chẳng cần nhọc công tranh cãi về hương vị của trái táo nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2012(Xem: 13869)
Bồ đề tâm là vua các phép lành. Phát Bồ đề tâm là điều tối cần thiết của một đệ tử Phật. Có nhiều bản văn của chư Tổ viết để khuyên người phát tâm vô thượng ấy.
24/06/2012(Xem: 14923)
Kính lạy tôn dung Ngài Con xin tìm lại dấu xưa 39 năm, hai thế kỷ sao vừa Nín thở, lặng yên, đọc từng con chữ
23/06/2012(Xem: 8900)
Khóa An Cư Kiết Hạ Tại Chùa Bát Nhã Do GHPGVNTNHK Tổ Chức Từ 19-30/6/2012
21/06/2012(Xem: 7818)
Bấy giờ, tại thành Xá-Vệ, có Bà-la-môn Trường-Thân tổ chức đại hội cúng tế rất lớn, các lễ vật gồm bảy trăm con vật và các thức ăn thức uống cũng được chuẩn bị một cách đầy đủ. Thành phần tham dự gồm có dân chúng trong vùng, các viên chức sắc trong cả nước Xá-Vệ đến, đặc biệt hơn nữa là nhiều người từ các nước khác cũng sẽ đến dự kỳ đại hội cúng tế lớn lao này.
19/06/2012(Xem: 7362)
Không như các tôn giáo khác có thể có những cấm điều hay định chế được thiết lập sẵn dựa theo chủ quan của vị giáo chủ, mọi định chế của Phật giáo đều xuất hiện sau khi Tăng đoàn đã được thành lập.
19/06/2012(Xem: 16643)
Trongnhững năm qua, tác giả/ dịch giả Hoang Phong (Nguyễn Đức Tiến) đã gửi tặng Thư ViệnHoa Sen một số đầu sách và CD Phật giáo do ông biên soạn và dịch thuật được Phậttử Phú Ngọc, pháp danh Diệu Châu ở TP. Sài Gòn phát tâm chuyển giúp quà biếuquý giá này qua đường bưu chính.
17/06/2012(Xem: 8122)
Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử. Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một các
17/06/2012(Xem: 6702)
Điều 1- Người Phật tử chân chính phải nên siêng năng chuyên cần học hỏi, có tư duy, có suy xét, có chiêm nghiệm và biết cách áp dụng lời Phật dạy. Xem tam tạng kinh điển gồm có kinh, luật, luận là những lời dạy minh triết, là món ăn tinh thần nhằm giúp cho ta biết cách dứt ác làm lành. Điều 2- Người Phật tử chân chính, nên cố gắng sắp xếp thời gian thuận tiện để đến các trung tâm văn hóa Phật giáo, các lớp giáo lý phổ thông ở các chùa, thiền viện, các buổi thuyết pháp vào ngày sám hối, ngày vía Phật, Bồ-tát.
16/06/2012(Xem: 6612)
Điều 1- Ý thức được khổ đau do giết hại gây ra, người Phật tử chân chính phát nguyện không sát sinh hại vật dưới mọi hình thức, nhất là sự sống của con người, động vật và thiên nhiên. Phải biết tôn trọng và thể hiện tình thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài.
16/06/2012(Xem: 6636)
Điều 1- Người Phật tử chân chính thờ phượng hình ảnh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh Tăng để được chiêm bái, học hỏi qua công hạnh độ sinh, không biết mệt mỏi, nhàm chán mà vẫn an nhiên tự tại để làm gương sáng cho cuộc đời, nhằm làm chỗ dựa tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]