Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Bẻ gãy xiềng gông

16/10/201202:53(Xem: 6362)
02. Bẻ gãy xiềng gông

CUỘC ĐỜI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Tác giả: Sayādaw U Jotika
Dịch giả: Tâm Pháp


BẺ GÃY XIỀNG GÔNG 

“Chừng nào chúng ta còn đánh giá, đo lường người khác bằng tiêu chuẩn của mình và chừng nào chúng ta còn tự đánh giá mình bằng các tiêu chuẩn của người khác; chừng đó chúng ta sẽ còn LUÔN LUÔN ĐAU KHỔ! ”

CHẶT ĐỨT VÒNG THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Hầu hết chúng ta đã từng nghe nói đến Thập nhị nhân duyên (Paticcasamuppàda - pháp duyên khởi, pháp tùy thuộc phát sinh). Trong 12 nhân duyên này có hai cách khởi đầu: một là khởi đầu từ vô minh (avijjā); vô minh duyên hành (avijjā-paccayā sankhàrà). Paccay nghĩa là duyên. Do vô minh làm duyên cho hành. Các hành động về thân khẩu ý, thiện hay bất thiện, tất cả đều là hành (sankhāra). Kể cả thiền và các tầng thiền an chỉ (jhāna) cũng đều là hành.

Thiền Vipassana hoàn toàn khác, bởi vì chuỗi mắt xích 12 nhân duyên có thể bị phá vỡ bằng cách thấy đúng thực tướng của danh và sắc. Điều này tôi sẽ giải thích chi tiết sau. Tuy nhiên, khi hành giả thực hành thiền an chỉ định (jhāna), khi thể nhập vào trong các tầng thiền, bạn sẽ không thể thấy được thực tướng của danh và sắc, bạn tự đồng hóa mình với chúng. Bạn thấy và cảm nhận rằng nó chính là của mình và điều đó sẽ tạo duyên cho một lần tái sinh khác. Nó sẽ là một cảnh giới rất tốt đẹp, bởi vì trạng thái tâm thiền đó rất tập trung, định tĩnh, an lạc và rất sáng suốt, song ở bên trong vẫn còn vô minh. Kiếp tái sinh kế tiếp sẽ là sự phản ánh của trạng thái tâm đó.

Tất cả mọi thứ xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều là sự phản ánh trạng thái tâm của chính chúng ta.

Đây là một quy luật rất cơ bản mà chúng ta phải hiểu. Chính các trạng thái tâm và sức mạnh của chúng sẽ tạo ra những hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi mọi người hỏi tôi: “Tại sao lại có loại đời sống này xảy ra? Cái gì là nhân duyên khiến nó xảy ra như vậy? Có bao nhiêu loại cảnh giới sinh tồn?”. Tôi không thể nói cho các bạn biết là có bao nhiêu loại kiếp sinh tồn được, bởi vì điều đó tùy thuộc vào số lượng các trạng thái tâm. Tùy thuộc vào các trạng thái tâm khác nhau mà các dạng sinh tồn khác nhau có thể diễn ra.

Thậm chí ngay trong thế giới loài người này thôi, nếu bạn nghiên cứu thật cặn kẽ từng cá nhân mỗi con người, bạn sẽ thấy cực kỳ kinh ngạc. Mặc dù về mặt thể lý, chúng ta cùng ở trong một thế giới vật chất này, nhưng về mặt tinh thần, xúc cảm và tri thức, mỗi cá nhân chúng ta lại rất khác biệt nhau. Một số người sống trong những hoàn cảnh rất đau đớn, khổ sở, về mặt tinh thần họ luôn đau khổ. Họ không có tình thương và lòng bi mẫn (mettā, karunā), họ không có sự sáng suốt.

Khi nghĩ về cuộc đời, chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến phẩm chất của tâm. Người này có thể là một tỷ phú, trong khi kẻ khác có thể nghèo rớt mồng tơi, nhưng kẻ nghèo đó vẫn có thể sống một cuộc đời rất mãn nguyện và hạnh phúc, trong khi con người giàu có kia có thể đang phải trải qua một cuộc sống đầy đau khổ.

Chúng ta không thể đánh giá, cân đo đong đếm cuộc đời một con người dựa trên tiền của hay địa vị hay bất cứ cái gì mà người ấy đang sở hữu. Nếu tôi phải đánh giá cuộc đời của một người nào đó, tôi sẽ đánh giá họ bằng chính trạng thái tâm của họ. Nếu họ là những người từ ái, nhân hậu và biết đủ và nếu tâm của họ an lạc và trong sáng, họ sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp. Vì vậy, cuộc sống là sự phản ánh các trạng thái tâm của bạn, cuộc đời bạn thành công hay thất bại là tùy thuộc vào trạng thái tâm của bạn, chứ không phải vào những gì bạn có.

Có một người đến hỏi tôi về sự thành công trong cuộc sống. Anh ta làm việc rất chăm chỉ để được thăng quan tiến chức. Anh ta đánh giá cuộc đời mình bằng sự thăng tiến trong sự nghiệp và anh ta vẫn còn tiếp tục phấn đấu để được bổ nhiệm lên một chức vụ cao hơn. Anh ta đang nghĩ đến việc đi học thêm để lấy một cái bằng nữa để được thăng chức. Tôi hỏi anh ta tại sao anh lại muốn được thăng chức, và anh ta nói rằng nếu được thăng chức thì anh ta sẽ được hưởng lương cao hơn. “Thế tại sao anh lại muốn lương cao?”, tôi hỏi. “Để có nhiều tiền hơn và mua một căn nhà to hơn, một chiếc xe đẹp hơn”. Tôi hỏi tiếp tại sao anh lại muốn có một cái xe đẹp, muốn có nhà cao cửa rộng. “Khi đó tôi sẽ thấy mãn nguyện và tự cho mình là một người thành đạt, và điều đó sẽ làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Tôi nói: “Đến một ngày nào đó, lưng còng sức kiệt, anh phải dừng lại không còn làm được những gì mình đang làm nữa, liệu lúc đó anh có nghĩ là cuộc đời anh đã thất bại không? Sự thành đạt của anh sẽ kéo dài được bao nhiêu lâu? Trong một số năm nào đó anh có thể cảm thấy mình là người thành đạt, rồi sau đó lại quay về với thất bại! Chừng nào anh còn tự cân đo đong đếm cuộc đời mình bằng những gì mình có, chừng đó anh vẫn còn luôn luôn lo sợ một ngày nào đó mình sẽ lại thất bại”. Rồi anh ta nói: “Ồ, đúng thế, tôi sẽ nghĩ lại quá khứ của mình và về những gì mình đã đạt được và điều đó sẽ làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc”. Đó là một ảo tưởng; Hạnh phúc đích thực đến từ chính những gì mình đang là bây giờ, chứ không phải từ những gì mình đã là. Chừng nào còn bám víu vào mình đã là hay đang là cái gì, chừng đó bạn vẫn còn có cảm giác không an toàn. Sự an lòng thực sự chỉ đến từ việc mãn nguyện với thực tế mình là ai chứ không phải mình là cái gì.

Nếu bạn là người an lạc và trầm tĩnh, từ ái và bi mẫn, chánh niệm và minh triết, bạn có thể rất mãn nguyện với bản thân mình và dù mọi người có coi trọng, có đánh giá cao bạn hay không, đối với bạn cũng chẳng thành vấn đề. Sự mãn nguyện của bạn được thể hiện trong cách bạn sống cuộc đời mình, bạn sẽ không còn sợ người khác không kính trọng bởi vì bạn không có địa vị cao nữa. Chừng nào chúng ta còn bám víu vào địa vị hay chức vụ của mình, chừng đó chúng ta vẫn còn phải sống trong nỗi lo sợ và bất an. Cuộc đời là một sự phản ảnh các trạng thái tâm của chúng ta, vì thế việc chúng ta là ai, điều đó phụ thuộc vào trạng thái tâm của chính chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với thiền. Trong thiền Vipassanā, chúng ta chú ý vào những gì đang diễn ra ngay trong hiện tại, không phải trong quá khứ. Chúng ta chú ý vào những gì đang diễn ra trong hiện tại, song quá khứ vừa qua ngay tức thì cũng có thể được gộp vào trong hiện tại. Chẳng hạn, nếu tôi đánh vào cái chuông này, không, tôi vẫn chưa đánh; bây giờ tôi chuẩn bị đánh, vì vậy nó vẫn còn ở trong tương lai. Bây giờ chúng ta không thể quan sát được tiếng chuông bởi vì nó không tồn tại. Vì vậy, khi bạn nghĩ: “Thầy đang chuẩn bị đánh và nó sẽ phát ra một tiếng chuông”, đó chỉ là một ý nghĩ, nó không phải là sự quan sát, nó không phải là thiền Vipassanā.

Bây giờ tôi đánh chuông, bạn nghe thấy tiếng chuông và chú ý tới nó, “nghe”, đây là một âm thanh. Bạn cũng có thể chú ý tới tính chất của tiếng chuông, từ từ nó trở nên nhỏ dần nhỏ dần rồi tắt hẳn, bạn không còn nghe thấy gì nữa. Vậy vào lúc bạn nghe tiếng chuông, bạn có thể chú ý vào tiếng chuông và bạn cũng có thể chú ý vào tâm nghe tiếng chuông đó nữa, “nghe”. Nghe nghĩa là tâm nghe (nhĩ thức). Tâm nghe tiếng chuông này sanh khởi bởi vì có tiếng chuông, không có tiếng chuông sẽ không thể có tâm nghe đó.

Phải có cái “đối tượng” này (tức tiếng chuông) hiện hữu để cho nhĩ thức sanh khởi. Khi bạn quán sát tâm nghe này, tức là bạn đang quán sát thức uẩn (viññāṇa-kkhandha). Chúng ta biết rằng tâm biết “đối tượng” sẽ không thể sanh khởi nếu không có “đối tượng”. Tiếng động này là nhân của tâm nghe này, chúng ta có thể thấy được mối quan hệ nhân quả giữa chúng với nhau và nhân này cũng chính là samudaya (sự sanh khởi). Samudaya có hai nghĩa: sanh khởi và nguyên nhân. Do đó Thánh Đế thứ hai được gọi là Dukkha samudaya sacca, sự thật về nguyên nhân của khổ, hay là Tập đế. Do đó, âm thanh này là nhân của tâm nghe này. Chúng thường xuyên song hành với nhau, cái này là nhân cho cái kia, chúng ta không nghĩ “cái này xảy ra trước rồi cái kia xảy ra sau”. Trong thực tế, chúng diễn ra đồng thời; khi có tiếng động ở đó, thì cũng có tâm nghe; khi không có tiếng động thì không còn tâm nghe ấy nữa.

Đôi khi, chỉ trong cùng một lần nhận biết, khi tâm hoạt động rất nhanh, chúng ta có thể thấy được cả hai cùng một lúc. Trong cùng một sự nhận biết có hàng loạt tâm chánh niệm, thực ra ngay chỉ trong một giây cũng có thể có vô số tâm. Cái thấy sáng suốt trở nên mạnh mẽ đến mức, chỉ trong một sự nhận biết bạn có thể hiểu được rất nhiều điều. Khi chứng nghiệm được điều này bạn sẽ biết được nó đáng kinh ngạc đến thế nào. Không hề suy nghĩ về bất cứ điều gì, chỉ trong một cái thấy, bạn có thể hiểu biết được rất nhiều.

Khi bạn nhận biết được tâm biết tiếng động thì đồng thời bạn cũng ý thức được về tiếng động đó, bạn không thể tách rời hai cái này ra được. Đôi lúc, khi bạn chú ý tới tiếng động, bạn có thể quán chiếu được một sự kiện thực tế là: bởi vì có tiếng động này nên mới có cái nghe, không có tiếng động sẽ không thể có sự nghe xảy ra. Mặc dù khi nghĩ về điều này, nó rất hiển nhiên, rất rõ ràng và bạn có thể hiểu ngay được điều đó, nhưng khi đã thực sự thấy được cái tâm biết sanh khởi ngay trong hiện tại, bạn mới thực sự biết rằng: bởi vì có tiếng động này, nên mới có tâm biết này sanh khởi. Bạn biết rằng đây chính là một điều gì đó rất mới mẻ mà bạn vừa mới chứng nghiệm được.

Thiền không phải là để thấy cho được những điều chưa hề thấy trước kia; mà thiền là để thấy cũng chính những hiện tượng đó nhưng theo một cách khác. Nó là một cách thấy hoàn toàn mới.

Tất cả mọi người đều biết rằng bởi vì có tiếng động nên mới có cái nghe, nhưng đó chỉ là biết trên bề mặt suy nghĩ. Chúng ta có cảm tưởng rằng có một người nào đó hiện diện ở đấy để nghe tiếng động, nhưng trong thiền, khi điều này diễn ra chúng ta biết rằng tâm nghe này chỉ đang diễn ra trong HIỆN TẠI, và nó xuất hiện bởi vì có tiếng động. Bạn nhận biết tâm nghe này như một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ.

Khi chúng ta có thể thấy được các hiện tượng như một cái gì hoàn toàn mới, chỉ mới xuất hiện trong hiện tại, chỉ khi ấy chúng ta mới có thể thấy được thực tại. Điều này diễn ra trong thiền Vipassanā, bạn thấy được tâm đó sanh khởi ngay trong hiện tại bởi vì có đối tượng này hiện hữu, và chúng ta cũng biết rằng bởi vì có đối tượng này hiện hữu nên mới có tâm biết này xuất hiện. Đó là thuộc tính sanh khởi. Chúng ta cũng có thể thấy được tiếng động sanh và diệt; sanh là samudaya và diệt là vaya

Chúng ta có thể hiểu cùng một pháp đó theo rất nhiều cách khác nhau. Đức Phật nói:

"Vị ấy sống quán tính sanh khởi, vị ấy sống quán tính diệt tận của các pháp”.

(Kinh Đại Niệm Xứ, Trường Bộ Kinh.)

Vaya cũng có nghĩa là nirodha (diệt tận). Từ này có nhiều từ đồng nghĩa: Samudaya (sanh khởi) cũng có nghĩa là nibbati-lakkhana. Vaya cũng có nghĩa là viparināma-lakkhana và cũng có nghĩa là nirodha (diệt tận). Từ nirodha (diệt tận) này cũng được sử dụng trong 12 nhân duyên của Pháp duyên khởi: Avijjā-paccayā sankhāra (vô minh duyên hành) có thể diễn tả theo cách khác là: avijjā tveva asesavirāga-nirodha; sankhāra-nirodho (các hành diệt do hoàn toàn ly dục và diệt tận vô minh). Ở đây có sử dụng từ diệt tận là nirodha. Do đó, khi có vô minh (avijjā) là có hành (sankhāra).

Chúng ta lăng xăng tạo tác, làm bao nhiêu thứ việc trên đời là bởi vì chúng ta không thực sự thấu hiểu được thực tại chân đế (hay thực tại tuyệt đối). Chúng ta cứ nghĩ rằng khi chúng ta làm những công việc đó, nó sẽ làm chúng ta được hạnh phúc, và nếu không làm nó thì chúng ta sẽ không hạnh phúc. Ở đó luôn luôn có mặt của “cái tôi”. Nhưng khi chúng ta thực sự nhận chân ra rằng: không có cái gì là “cái tôi” thực sự, mà chỉ có những tiến trình tâm lý và vật lý (danh và sắc), khi đó tri kiến của chúng ta sẽ thay đổi. Khi vô minh (avijjā) đã hoàn toàn bị tận diệt, thì ngay cả những việc thiện chúng ta làm cũng không còn tạo nghiệp nữa, và bởi vì không còn tạo nghiệp nên cũng không có quả báo và không có hành (sankhāra) nào được tạo ra nữa. Chuỗi xích đã bị phá tung, sankhāra nirodha, sankhāra nirodho (thức diệt do hành diệt).

Khi tái sanh, tâm đầu tiên của đời sống mới sanh khởi bởi vì có hành (sankhāra), mà trong trường hợp này thì chính là nghiệp (kamma). Bởi vì do nghiệp lực thúc đẩy nên có tâm tái sanh và tâm này được gọi là thức (viññāna). Nếu không có hành thì sẽ không có nghiệp đưa đi tái sanh; vì vậy cũng không hề có sự tái sanh nữa. Do đó, sankhāra nirodha, viññāna nirodho. Viññāna nirodha, nāma-rūpa nirodho (do duyên hành diệt nên thức diệt, do duyên thức diệt nên danh sắc diệt). Nếu không có tâm tái sanh thì cũng không có tiến trình tâm - vật lý đi theo nó. Nếu cái này diệt thì cái kia cũng diệt, nó cứ tiếp diễn liên tục như thế.

Nāma - rūpa nirodha, phassa nirodho (do duyên danh sắc diệt nên xúc diệt): nếu không còn tiến trình thân tâm tiếp diễn, sẽ không thể có sự tiếp xúc giữa căn, trần, thức (giác quan và đối tượng bên ngoài) nữa.

Điều ngược lại là, bởi vì có tiến trình tâm - vật lý tiếp diễn, nên có sự tiếp xúc với các đối tượng giác quan. Phassa-samudāya, vedanā-samudayo, phassa-nirodha, vedanā-nirodho (do duyên xúc nên thọ sanh khởi, do duyên xúc diệt nên thọ diệt), bởi vì có sự xúc chạm nên có cảm thọ lạc, khổ hoặc xả (trung tính). Nếu không có xúc sẽ không còn thọ lạc, thọ khổ hoặc thọ xả nữa.

Ở một giai đoạn trong thiền Vipassanā, bạn sẽ thấy được điều này rất rõ ràng, đôi khi chỉ một suy nghĩ ngắn ngủi thoáng qua hoặc có lúc thậm chí không hề có một suy nghĩ nào và bạn chợt hiểu rất rõ điều này. Bạn có thể thấy được chân lý đó một cách vô cùng rõ ràng.

Vedanā-nirodhā, tanhā-nirodho (do duyên thọ diệt nên ái diệt): nếu không có bất cứ loại cảm thọ nào khởi lên, thì cũng không thể có tham ái với bất cứ cái gì nữa. Khi chúng ta cảm thấy thích thú hay không thích thú cái gì đó, chúng ta cảm nhận được điều đó bởi vì có cảm thọ, bởi vì có sự hưởng thụ, nên tham ái càng gia tăng. Khi thấy thích, chúng ta muốn có nó nhiều hơn, và khi không thích thì chúng ta không muốn nó nữa, chúng ta muốn thay thế nó bằng một cái gì đó chúng ta thích.

Cảm thọ hướng tâm chúng ta tới tham ái lớn hơn. Khi có cảm thọ trung tính (không khổ không lạc), chúng ta không thích nó và mong muốn có điều gì đó thích thú, đáng ưa, mong muốn có một cái gì đó mang lại cho chúng ta những cảm xúc mạnh, mà đó chính là tâm tham ái mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi khi có tham ái sanh khởi, chúng ta có thể thấy rằng nó sanh khởi bởi vì có cảm thọ, nếu không có cảm thọ sẽ không thể có chút tham ái nào nữa. Cảm thọ chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Cảm thọ chính là nhân tố thúc đẩy chúng ta làm mọi công này việc kia, để được cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Khi thấy được điều này một cách rõ ràng, nó sẽ giúp tâm chúng ta trở nên xả ly hơn. Chính sự xả ly này là tự do, giải thoát. Xả ly khiến tâm trở nên sáng suốt hơn và mang lại cho chúng ta nhiều tự do và giải thoát hơn.

Càng thấy rõ cách thức cảm thọ chi phối tâm chúng ta, chúng ta càng có thể tự giải phóng mình. Đây chính là chỗ mà chuỗi mắt xích 12 nhân duyên (paticcasamuppāda) bị phá vỡ và chúng ta tìm được lối thoát: mắt xích giữa thọ (vedanā) và ái (tanhā). Chúng ta cảm nhận các cảm thọ nhưng nếu không để nó trở thành tham ái (tanhā) thì chúng ta có thể thoát ra khỏi nó. Nhưng nếu chúng ta để nó tiến triển tiếp trở thành tham ái, khi đó tham ái sẽ ngày càng tích tụ thêm nhiều sức mạnh, ngày càng có thêm động lực hơn nữa.

Lúc đó tham ái (tanhā) sẽ trở thành thủ (upādāna), bám giữ, chấp thủ - tức là tham ái ở mức độ rất mạnh. Tanhā là tham ái ở mức độ bình thường; thủ (upādāna) là tham ái mãnh liệt. Khi có tham ái hiện hữu, bạn cảm thấy là “Tôi muốn có cái đó”, khi đã trở thành thủ (upādāna) bạn sẽ cảm thấy là mình không thể sống thiếu cái đó được. Bạn sẽ làm gì khi cảm thấy là không có nó thì mình không thể sống được? Bạn sẽ làm bất cứ điều gì để có được nó. Thủ (upādāna) sẽ dẫn đến hữu (bhava). Ở đây chữ bhava có hai nghĩa, một nghĩa là nghiệp (kamma), và một nghĩa là “một kiếp sống mới”. Chữ Bhava trong 12 nhân duyên nghĩa là nghiệp bởi vì khi chấp giữ một tâm tham ái mãnh liệt như thế, bạn sẽ không ngừng suy nghĩ về nó, nói về nó và làm việc này việc kia vì nó, chính điều này sẽ tạo thành nghiệp. Nghiệp (kamma) sẽ đưa tới sanh (jāti), bởi vì có nghiệp nên sẽ có một kiếp sống khác tiếp theo nữa.

Vô minh --> Hành --> Thức --> Danh Sắc --> Lục Nhập --> Xúc --> Thọ --> Ái --> Thủ --> Hữu --> Sanh --> Lão Tử --> Vô minh -->...

Chuỗi nhân duyên này cứ tiếp diễn mãi như thế. Trong khi thực hành, có lúc chúng ta nhìn thấy được một đoạn nào đó, lúc khác lại thấy được một đoạn khác, song hầu hết chúng ta bắt đầu thấy được mắt xích giữa thọ (vedanā) và ái (tanhā) rõ hơn cả. Sau này, trong quá trình thực hành, khi niệm và định đã rất mạnh, chúng ta có thể kinh nghiệm được xúc (phassa), tâm xúc chạm với đối tượng (hoặc đề mục), sự xúc chạm trở nên rất rõ ràng và mạnh mẽ. Thông thường chúng ta không kinh nghiệm được sự xúc chạm này bởi vì thọ (vedanā) đã xuất hiện ngay lập tức, cùng với cảm giác thụ hưởng cảm thọ đó.

Do vậy, khi chánh niệm trở nên rất mạnh mẽ, thay vì tiếp tục lao theo tiến trình của tham ái, chúng ta dừng lại ở đó và quán sát đối tượng. Ở trong tiến trình của các trạng thái tâm thông thường, chúng ta tiếp nhận đối tượng, chúng ta xác định nó và chúng ta hưởng thụ nó. Trong thiền tập, chúng ta tiếp nhận đối tượng, nhận biết được nó một cách rõ ràng nhưng chúng ta không lao vào hưởng thụ nó. Thay vì hạnh phúc hay đau khổ vì nó, chúng ta chỉ dừng lại ở ngay tại đó và chỉ quan sát nó mà thôi. Chúng ta thấy nó sanh lên rồi diệt mất, không có gì để mà phải hạnh phúc hay đau khổ vì nó cả. Khi điều này xảy ra, tiến trình sẽ dừng lại tại phassa - xúc: chỉ có sự xúc chạm, tiếp xúc mà không phản ứng lại.

Chúng ta không nhìn nó như là tốt hay xấu, không còn sự phân biệt nào nữa. Cũng không hề mong muốn nó phải khác đi. Sự quán sát trở nên rất sáng suốt, rõ ràng, vì thế cũng không suy nghĩ rằng nó phải khác đi theo bất cứ cách nào, tâm chỉ đơn thuần quán sát nó, không phân biệt, dù bất kể nó là như thế nào. Phassa-samudayā vedanā -samudayo; phassa-nirodhā vedanā-nirodho: xúc sanh thọ, xúc diệt thì thọ diệt, đây là mắt xích cực kỳ quan trọng. Từ vedan ā-samudayā, tanhā-samudayo: (thọ sanh ái) đến vedan ā-nirodhā, tanhā-nirodho (thọ diệt thì ái diệt). Khi thấy được những mối liên kết như thế, chúng ta sẽ thấy được nhân sanh và nhân diệt của nó, thấy được cả hai: thấy nó sanh lên và thấy nó diệt mất. Thấy được nguyên nhân nó sanh khởi và thấy được nguyên nhân nó diệt tận. Tất cả những điều này có nghĩa là bạn đã thấy được pháp sanh (samudaya-dhamma) và pháp diệt (vaya-dhamma).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2014(Xem: 11089)
Có người hỏi Đức Phật : “Hạnh phúc chân thật là gì ?” Ngài trả lời: “Sống điềm đạm trong mọi thăng trầm, thắng bại, được thua, vinh nhục vẫn mỉm cười”. Hãy cố gắng sống theo đúng như lời Phật dạy, ta sẽ trải nghiệm được sự nhiệm mầu và chúc cho tất cả cùng nhau hưởng chung niềm an lạc.
16/04/2014(Xem: 10888)
Ngôi sao điện ảnh kiêm người mẫu nổi tiếng Moe Yu San của Myanmar đã đánh dấu kỷ niệm năm cô tròn 22 tuổi bằng buổi lễ xuất gia gieo duyên tại Ni viện Suvarnabhumi Kay Mar Yar Ma, Yangon trong ngày sinh nhật của cô. Moe Yu San sẽ sống đời của một tu nữ trong những ngày tại Ni Viện. Ngôi sao điện ảnh kiêm người mẫu nổi tiếng Moe Yu San của Myanmar đã đánh dấu kỷ niệm năm cô tròn 22 tuổi bằng buổi lễ xuất gia gieo duyên tại Ni viện Suvarnabhumi Kay Mar Yar Ma, Yangon trong ngày sinh nhật của cô. Moe Yu San sẽ sống đời của một tu nữ trong những ngày tại Ni Viện.
16/04/2014(Xem: 7490)
Thế giới con người từ khi còn ăn lông ở lỗ cho đến ngày hôm nay đã trên 7 tỉ người đang sống và làm việc với nhiều hình thức cùng với tín ngưỡng, tôn giáo, quan niệm khác nhau. Loài người bị chiêu cảm bởi nhân quả tốt xấu mà thành ra có sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo về phương diện sống. Do đó, một số người dư dã còn số đông lại thiếu thốn. Chính vì vậy, nếu không có sự suy ngẫm, quán xét thì chúng ta khó mà cảm thông và san sẻ, giúp đỡ cho nhau.
16/04/2014(Xem: 6350)
Có một cậu bé trong một gia đình nghèo đông con, vì là anh cả nên ngoài giờ học cậu còn tranh thủ đi bán báo để phụ giúp gia đình. Sáng hôm đó đã gần 10 giờ mà cậu chưa có miếng gì trong bụng nên tay chân rã rời, tâm thần mệt mỏi. Tiền lời bán được không đủ để mua thức ăn cho mọi người trong nhà nên cậu không dám dùng số tiền đó để mua chút gì lót dạ.
16/04/2014(Xem: 7453)
Phật tử ngoài việc quy y Tam bảo, quy hướng Phật-Pháp-Tăng và phát nguyện thọ trì 5 giới cấm thì còn phải học hỏi lời Phật dạy, tin sâu nhân quả, tin tâm mình là Phật, tin mình có khả năng thay đổi những nỗi khổ niềm đau thành an vui, bình yên và hạnh phúc.
16/04/2014(Xem: 9652)
Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay tinh thần. Sự nghèo khó là điều kiện hoàn cảnh mà ở đấy nghèo nàn về phương diện tiền bạc, của cải vật chất, hàng hóa, sự bần cùng thiếu thốn về mọi thứ. Thứ nhất là không biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia. Thứ hai là gian tham trộm cướp, lường gạt của người khác. Thứ ba là không tích cực, siêng năng làm việc. Thứ tư là không biết tiết kiệm trong tiêu xài. Thứ năm là hay phóng túng, vui chơi sa đọa.
16/04/2014(Xem: 5942)
Có một Phật tử thắc mắc việc uống rượu, ăn thịt là nên hay không nên, do đó đến hỏi một vị Thiền sư. Thiền sư trả lời: “Uống rượu, ăn thịt là "lộc" của mỗi người. Không uống rượu, ăn thịt là cái "phước" của mỗi người.” Vì chúng ta có phước mới được hưởng lộc, có phước mới được ăn sung mặc sướng, có phước mới sống thọ. Nếu chúng ta không có phước thì sao được hưởng lộc ăn thịt, uống rượu; sao có được đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
10/04/2014(Xem: 9994)
Vào ba ngày Tết của người Thái, các bức tượng Phật được đặt bên ngoài hiên chùa để người dân đến làm lễ tắm Phật, dâng hương và cầu may mắn.
06/04/2014(Xem: 16708)
Người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa luôn quan niệm đưa triết lý Phật giáo vào hành động, tìm con đường giải thoát cho những vấn đề mà con người gặp phải ngày nay.
02/04/2014(Xem: 13748)
Kim Dung đã tìm đến Kinh Phật để mong lý giải nguyên nhân cậu con trai Tra Truyền Hiệp tự tìm đến cái chết khi chưa tròn 20 tuổi. Kim Dung, tên thật Tra Lương Dung, là nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc. Ông được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ… Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567