Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Có trí tuệ là biết như thật về…

21/01/201205:42(Xem: 11357)
01. Có trí tuệ là biết như thật về…
CÓ TRÍ TUỆ
LÀ BIẾT NHƯ THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm

Phật dạy:

Giới luật, là chuyện thường tình của thế tục.
Thành tựu định lực, cũng là chuyện thường tình của thế tục.
Thần túc phi hành, cũng là chuyện thường tình của thế tục.
Thành tựu trí tuệ, mới là nghĩa đệ nhất.
Kinh Tăng Nhất A Hàm tập 3
Phẩm Thiên Tử Mã Huyết phần 4

Có trí tuệ là biết như thật về …

Khi đức Phật còn ở nước Xá vệ trong vườn Cấp Cô Độc, một thanh niên đã đến và hỏi Phật: “Người tại gia chúng con nên thực hành những gì để cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại?”.

Phật dạy: Có 4 việc khiến cuộc sống được an ổn và vui vẻ trong hiện tại.

1. Có phương tiện nuôi thân như làm ruộng, buôn bán, làm quan, viết sách, kế toán, hội họa v.v… Với nghề nghiệp đã có thì siêng năng trau dồi.

2. Tiền kiếm được đúng pháp rồi thì khéo gìn giữ không để mất mát.

3. Tiền tài kiếm được, cần biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều, cũng không nên thu nhiều mà chi quá ít. Nếu không có mà chi nhiều, tiêu dùng phung phí, là kẻ tham dục không biết nghĩ đến ngày mai. Nếu tiền của đầy ắp mà không dám tiêu dùng thì trở thành kẻ bỏn xẻn, không nên. Thu chi biết chừng mực điều hòa thì cuộc sống an hòa vui vẻ.

4. Sống chừng mực, không buông lung, không giả dối, không hung hiểm v.v… Người như vậy, với những buồn khổ chưa sinh, có thể ngăn ngừa khiến không sinh. Buồn khổ nào đã sinh, có thể tỉnh sáng tháo bỏ. Những an vui nào chưa sinh, có thể làm nó chóng sinh. An vui nào đã sinh, có thể khiến nó không mất.

Đó là những gì mà Phật đã dạy để một người bình thường có cuộc sống hạnh phúc an vui trong hiện tại. Việc đó không khó đối với người đã có nếp sống quân bình. Khi mình có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, mình tự trở thành kẻ sống chừng mực, không hung hiểm, gian lận, dối trá. Mình không thể rượu chè cờ bạc hay bội phản bạn đời khi thấy việc ấy làm khổ gia đình. Mình cũng không thể tham nhũng hay bán hàng gian hàng giả khi thấy việc đó làm hại cho xã hội. Việc làm chủ bản thân trở thành không khó. Nhưng với người đã quen làm biếng, sống buông lung theo tham dục của riêng mình thì mọi thứ không phải dễ dàng.

Vấn đề là, vì sao có người biết sống chừng mực, có kẻ lại không? Vì hiện tại bị chi phối bởi những nhân của quá khứ, như tương lai bị chi phối bởi những nhân thuộc hiện tại.

Quá khứ đã qua đi, không thể làm gì. Chỉ còn hiện tại và tương lai, nên Phật dạy thêm 4 việc cần làm trong hiện tại, để tương lai có thể được an vui. Thực hành chúng, chính là đang củng cố nhân cách cho chính mình, để thời hiện tại trong tương lai, mình có thể sống chừng mực, không buông lung v.v… Đời sống theo đó mà an vui hạnh phúc.

4 việc đó là:

1. Có niềm tin kính đối với Như Lai. Không bị tà ma ngoại đạo phá hoại.

2. Có giới hạnh đầy đủ: Không sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và uống rượu.

3. Bố thí đầy đủ: Tâm luôn hành bố thí. Thường tự tay mang cho, vui mừng tu hạnh thí xả.

4. Phải có trí tuệ đầy đủ: Phải biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo.

Việc đầu tiên là phải có niềm tin đối với Như Lai. Tin Như Lai là tin những gì Như Lai đã nói. Tin Như Lai cũng chính là tin vào lý Nhân duyên Nhân quả. Những gì Như Lai nói không phải từ trên trời rơi xuống, chỉ là giúp ta ý thức hơn về những gì đang xảy ra quanh mình không thông qua cảm xúc và lăng kiến chủ quan. Nếu chịu khó tham cứu Phật pháp, rồi dùng đó quán sát chiêm nghiệm thì sẽ không mấy khó để tin Như Lai. Và niềm tin sẽ được củng cố nếu mình chịu ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình. Không phải một ngày một bữa mà phải dài lâu. Nhờ cái ứng dụng này mà định lực mình có, trí tuệ mình phát triển. Trí tuệ phát triển thì niềm tin mới được củng cố. Không thì thứ gì cũng cứ theo cái thấy của phàm phu mà biện, rồi sinh nghi hối, nghi Phật, nghi pháp, nghi tăng. Nghi kiểu đó thì công phu sẽ đình trệ, tà kiến sẽ xuất hiện.

Đại sư Hám Sơn, chứng nghiệm được chỗ động tịnh không hai «Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển», phải nói là bậc long tượng của Phật pháp, nhưng gần cuối đời lại mang cái ách tù tội. Nếu cứ dùng cái trí phàm phu của mình mà biện thì niệm nghi sẽ phát sinh «Chắc tu bậy nên cuối đời mới vậy». Có trí tuệ, hiểu sâu về lý Nhân duyên Nhân quả, hiểu công hạnh Bồ-tát của chư vị cao cả không thể nghĩ bàn, như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Chịu thay thế khổ nạn cho chúng sinh, lấy đó làm pháp cúng dường chư Phật», thì chẳng có niệm nghi nào phá hoại được niềm tin của ta đối với các bậc trưởng thượng. Bởi có khi vì cứu chúng sinh mà tạo ác nghiệp, nên rồi có quả. Bởi theo nguyện lực mà đi nên dù ở thân tướng nào cũng thành diệu dụng với quần sinh. Vấn đề là mình phải học và hành sao cho sâu sát tương ưng thì mới có thể tin hiểu các hiện tượng không thể nghĩ bàn đó.

Cũng không mấy khó để mình tin theo tà ma ngoại đạo khi tham dục, sân hận và si ám chất đầy trong người. Tà ma ngoại đạo là những tôn giáo mà giáo điều của họ không nói về nhân quả ở thế gian, hoặc có mà nói nhân không đúng với quả, không đưa con người đến chỗ lương thiện. Khi những thất bại hoặc ham muốn v.v… dấy khởi mà mình không làm chủ được nó, thì mình dễ dàng y tựa vào bói toán, bùa ngãi, ông lên bà xuống và những thế lực vô hình khác.

Có một thứ để mình y tựa, đó là 5 giới mà phật tử tại gia đã thọ khi qui y. Thọ để mà giữ, không phải thọ để yên tâm, để được quỉ thần hỗ trợ. Không ai có thể hộ trì cho mình khi mình đã phạm vào cái nhân bất thiện mà không có tâm sửa đổi. Giữ được nhiều thì đời sống an vui nhiều, họa tai ít. Không giữ được thì đầy đủ thần lực như Phật cũng bó tay.

Ngày nay từ «bố thí» hay được hiểu theo nghĩa cho ra pha sự khinh miệt. Thật ra, bố thí chỉ có nghĩa là «tặng cho». Bố thí hay cúng dường là cái nhân của sung túc. Sung túc, là điều ai cũng cần trong cuộc sống này. Ngoại trừ thánh nhân, còn lại sung túc là một trong các duyên khiến mọi người thấy an vui. Bố thí theo cách Phật đã dạy, còn là cái nhân khiến mọi nhân duyên trong đời được tốt đẹp. Mình có những mối quan hệ tốt đẹp trong đời, một phần nhờ vào cái nhân bố thí trong quá khứ. Bố thí còn khiến lòng mình mở rộng, người vui, mình vui. Rất nhiều sự tốt đẹp trong thế giới này bắt nguồn từ cái nhân bố thí. Vì thế, Phật dạy chúng sinh bố thí. Bố thí cho người và cúng dường Tam bảo.

Cúng dường Tam bảo là nhân duyên rất tốt để chúng ta gieo duyên với Phật pháp. Biết Phật pháp, ứng dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, đó là phước báu lớn nhất mà mình nhận được trong cuộc đời này. Bởi nhờ đó, mình đi không lầm lẫn. Có lầm lẫn cũng nhờ đó thoát ra.

Cuối cùng là phải có trí tuệ. Trí tuệ Phật nói đây không phải là sự thông thái hay bằng cấp cao, cũng không phải là cái trí có được do học thật giỏi, mà là cái trí thấy được nguồn gốc của «khổ», đó là «tập». Thấy rồi thì y vào các phương cách Phật gọi là « đạo » mà tu tập để được hết khổ. Đó là «diệt».

Phật nói biết như thật, là mình phải thấy «tập» hiện diện chỗ nào trong đời sống của mình, từ cái ăn cho đến cái ngủ, từ quan niệm cho đến định kiến v.v.. Thấy rõ ràng thứ gì là tập của mình để mà trừ bỏ. Không phải chỉ đọc học trên sách vở cho qua ngày đoạn tháng.

Khi chưa khổ, mình sẽ hỏi cần thấy những thứ đó để làm gì? Phải thấy được điều đó, theo đó mà sống thì mới dám chắc hiện tại và tương lai mình không khổ. Còn không, chưa khổ rồi sẽ khổ, khổ rồi càng khổ thêm.

Chỉ bốn từ «khổ, tập, diệt, đạo» nhưng nó xuyên suốt mọi thứ trong đời sống của mình.

Có người nói Phật chỉ dạy thấy «khổ», thấy «tập» v.v… nghĩa là chỉ thấy loanh quanh trong mình, còn ai hỏi về thế giới hay vũ trụ quan bên ngoài, ngài không trả lời được. Lịch sự hơn thì nói ngài không nói. Nói vậy, là vì chưa biết như thậtvề «khổ, tập, diệt, đạo». Nếu biết như thật về khổ, tập, diệt, đạo - biết tận cùng cội nguồn của chúng - ta sẽ thấy vũ trụ và con người từ đâu mà có. Những thứ đó phải tự chứng nghiệm mới không gây tranh cãi vô ích. Muốn chứng nghiệm được điều đó thì trước hết phải biết rõ cái gì là «khổ, tập, diệt, đạo». Biết, để trừ «tập». Trừ rồi, thì chân mới hiển, vọng mới bày. Nói kiến tánh, là nhận ra được cội nguồn vô thủy vô chung của vạn pháp. Cũng chính là chỗ mà từ đó phát sinh thế giới và chúng sinh. Nói «chỗ» mà thật không có chỗ nơi để mà nói.

Rượu, là thứ Phật khuyên mọi người không nên uống, trở thành giới cấm của người phật tử. Có khi mình thọ giới rồi mà không hiểu vì sao Phật lại đặt ra giới đó. Rượu, tác hại của nó trong hiện đời thì ai cũng thấy. Rượu vào lời ra, chân đá tay đấm. Vừa rồi đây, thầy hiệu trưởng của một trường tiểu học đã giết chết hai người bạn là giáo viên cùng trường trong một bữa nhậu. Rượu, một khi mình đã đam mê nó, thì ngoài tác dụng nguy hại trong hiện đời, quả báo của nó không ở ba đường dữ thì cũng là điên loạn. Phật nói « điên loạn », Bồ-tát Long Thọ nói « điên trần truồng ». Nhìn thế gian không đúng với bản chất thật của nó rồi theo đó mà sống, là một dạng của « điên trần truồng ». Ngày nay thế giới đảo điên, tai ương hoạn nạn ngày càng nhiều, là do cái « điên trần truồng » này đây.

Rượu tác hại như thế nhưng vì sao vẫn có người chui vào? Chui vào rồi muốn ra lại không thể ra? Là do «tập». Tập, là sự tích tụ. Thói quen là một dạng của tích tụ. Khi mình uống, mình nghĩ sẽ làm chủ bản thân, không để xảy ra tình trạng nguy hại như thế. Uống chút chút chơi thôi, hại gì! Nhưng mình không biết một điều: Thân tâm mình có tính huân tập. Thứ gì được tích tụ ngày một ít sẽ có lực dẫn mình theo nó.Rượu mỗi ngày uống một ít, sẽ tích tụ thành thói quen. Khi được tích tụ ở một mức nào đó, nó sẽ điều khiển mình, không phải mình điều khiển nó. Đến cơn, chỉ có rượu là thượng đế. Đánh vợ giết con, trở thành không nhân tính vì uống rượu đã thành thói quen. Mình không còn là mình. Chỉ làm sao thỏa mãn những con sâu đang rúc rĩa trong thân, mà chỉ có rượu mới làm nó tạm yên.

Hiểu về «tập», mình cũng sẽ hiểu không có tật xấu nào không thể bỏ. Quan trọng là mình có ý thức, quyết tâm và nhẫn lực để bỏ hay không. Người ta nói xì ke ma túy không thể bỏ, có bỏ cũng nghiện lại. Chẳng qua vì mình chưa có phương pháp đúng đắn sau khi cai nghiện mà thôi. Nếu hiểu về «tập», mình sẽ có thái độ cẩn thận với những gì từng là thói quen của mình. Ý thức rồi, mình phải quyết tâm tránh tới cùng, bằng công việc và bằng những vui chơi lành mạnh. Mọi thứ cần có thời gian để cái «tập» trong mình tróc gốc. «Tập» hết rồi thì những duyên của tập ấy không còn tác động sai khiến mình được.

Đa phần ngày nay, không hiểu về « tập » và « khổ » v.v… nên dễ mất mình cho những thói quen. Bị thói quen mang tính tham dục chi phối thì đầu óc không còn tỉnh sáng. Những thứ đáng làm không làm. Những thứ không đáng làm lại làm. Kết quả là khổ đau. Khi khổ đau lại nghĩ đến chuyện hủy hoại bản thân.

THIỀN ĐẠI THỪA VỚI TỨ ĐẾ

Tu thiền Đại thừa, cũng là đang phá đi cái « tập » này, là phần được nhấn mạnh trong giáo lý Tiểu thừa[1]. Tập đã phá thì « chấp » không còn. Bởi do « tập » mà có « chấp ». Chấp thô chấp tế đã hết thì trở về gốc « vô trụ ».Do đó, trong kinh Thắng Man, không nói đến Tứ thánh đế mà nói đến Bát thánh đế, là muốn nói việc trừ « tập » có cạn sâu.

Thiền Tiểu thừa chỉ cần phá đến Tứ trụ địa vô minh, là có thể nói «Phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong v.v…». Thiền Đại thừa, hướng đến của nó là phải phá đến phần Căn bản vô minh. Nói chính xác là phải soi thấu được cội nguồn của Tứ trụ địa và Căn bản vô minh mới có thể thành Phật. Cho nên, dù là tu pháp môn gì mà không ý thức được việc «trừ tập», thì việc tu của mình khó mà có kết quả tốt đẹp, việc ngộ tánhlại càng xa vời.Thế giới và con người luôn là một bí ẩn đối với cái nhìn của nhân sinh.

Chúng ta tu hành mà có những việc đáng tiếc xảy ra, là do không nắm được cội gốc của việc tu hành nằm ở 4 từ «khổ, tập, diệt, đạo» này. Người tu thiền, nếu không thấy được việc trừ «tập» là cốt lõi của việc tu hành, sẽ chỉ lấy cái tướng ngồi lâu hay mau làm công khóa mà bỏ mặc việc điều tâm khi đối duyên và ngay cả khi ngồi thiền. Còn người niệm Phật thì ngoài thời niệm Phật lại bỏ mặc cho tham sân si dẫn chạy.

Hiểu được mấu chốt nằm ở chữ «tập» thì dù tu thiền hay niệm Phật, tất cả đều có chỗ chung đó là «trừ tập», là cốt lõi chủ yếu của tất cả các pháp môn.



[1] Đây dùng chữ Tiểu thừa, là y theo chư Tổ như Hiền Thủ v.v… mà nói, để dễ phân biệt giáo pháp Phật nói trong các bộ A Hàm với hệ kinh Đại Thừa, không chủ tâm nói đến việc cao thấp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2021(Xem: 4713)
Lời tựa Những lời Phật dạy phần lớn mang tính phương tiện. Nếu ta chấp chặt từng chữ, từng lời sẽ khó hiểu được hết ý nghĩa thâm sâu bên trong. Chúng ta - những người học Phật ngày nay - rất cần nhận biết đâu là phương tiện, đâu là chân lý trong những lời Phật dạy để không rơi vào cực đoan và thiên kiến. Ngoài ra, người học Phật cũng cần chú tâm vào thực hành để tự mình thực chứng, để tự tìm ra cách đi phù hợp cho riêng mình.
26/05/2021(Xem: 5019)
Phật Đà sau khi thành Chánh Đẳng Chánh Giác nơi cội Bồ Đề, trong thời gian hai mươi mốt ngày, chỉ riêng mình thọ dụng diệu lạc giải thoát, tự riêng cảm niệm lý pháp tịch tịnh vi diệu thậm thâm khó thấy, không phải cảnh giới của tìm cầu, chỉ có bậc trí mới chứng ngộ được; chúng sanh thì bị nhiễm trước thâm sâu ngã kiến, ái lạc phiền não nặng nề, mặc dù họ được nghe Phật Pháp, e rằng cũng không thể rõ thấu, chỉ uổng công vô ích, chi bằng im lặng tịnh trụ tốt hơn. Sau đó Đại Phạm Thiên Vương ân cần cầu thỉnh Phật thuyết pháp, Thế Tôn mới đến Lộc Dã Uyển ngoài thành Ba La Nại Tư, vì năm ông thị giả lúc trước bỏ Phật mà vào trong đây tu khổ hạnh gồm có: A Nhã Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lợi, giảng pháp môn Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Năm vị sau khi nghe pháp thấu hiểu ý nghĩa các lậu đều dứt, chứng thành bậc A La Hán, đây là Tam Bảo đầu tiên mới thiết lập trong thế gian: Đại Thánh Phật Đà là Phật Bảo, Pháp Luân Tứ Đế là Pháp Bảo, Năm A La Hán là Tăng Bảo.
24/05/2021(Xem: 4512)
Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc điều tâm, luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Cái tâm vọng động xấu xa lần hồi được gạn lọc khỏi các cấu nhiễm trần gian sẽ sáng dần lên và từ chỗ vô minh sẽ đạt tới cảnh giới vòng tròn viên giác. Đó là tượng trưng cho phép tu “tiệm”. Theo phép tu tiệm thì phải tốn rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang giác ngộ. Nhờ công phu, cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được chăn dắt mà con trâu hoang đàng lâu ngày trở nên thuần thục dần dần và lớp da đen dơ dáy trắng lần ra.
24/05/2021(Xem: 3742)
Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.
24/05/2021(Xem: 7554)
Ca khúc phổ nhạc “Đóa Hoa Dâng Đời... Của Ns Phật Giáo Hằng Vang từ bài thơ có tựa là “ Đóa Hoa Ngàn Đời... Của Huyền Lan đăng tuần báo Giác Ngộ đặc biệt Phật Đản số 110 ra ngày 09/05/1998. Sau đó vào năm 2003. Cư Sỹ Tống Hồ Cầm – Phó Tổng Biên Tập Báo Giác Ngộ - tức nhà thơ Tống Anh Nghị - Chủ Nhiệm CLB thơ ca Báo Giác Ngộ, hợp tuyển thơ báo Giác Ngộ nhiều tác giả có tên gọi “Sắc Hương Hoa Bút... Được tuyển chọn vào tập thơ nhiều tác giả nầy...
24/05/2021(Xem: 4745)
Ni sư Thích Nữ Giới Hương có lẽ là vị trụ trì viết nhiều nhất ở hải ngoại. Đó là theo chỗ tôi biết, trong cương vị một nhà báo nhiều thập niên có liên hệ tới nhà chùa và công việc xuất bản. Viết là một nỗ lực gian nan, vì phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, phân tích nhiều, cân nhắc kỹ rồi mới đưa chữ lên mặt giấy được. Đặc biệt, Ni sư Giới Hương cũng là vị trụ trì viết bằng tiếng Anh nhiều nhất. Tôi vẫn thường thắc mắc, làm thế nào Ni sư có đủ thời giờ để gánh vác Phật sự được đa dạng như thế. Nghĩ như thế, vì tự thấy bản thân mình, nghiệm ra, không có đủ sức đọc và viết nhiều như Ni sư.
18/05/2021(Xem: 6173)
Phật sử ghi lại rằng, vào canh Ba đêm thành đạo, đức Phật đã tìm ra câu giải đáp làm sao thoát khỏi cảnh “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, tức thoát khỏi vòng “luân hồi sinh tử”. Câu trả lời là phải đoạn diệt tất cả “lậu hoặc”. Lậu hoặc chính là những dính mắc phiền não, xấu xa, ác độc, tham, sân, si… khiến tâm con người bị ô nhiễm từ đời này sang đời khác, và đời này con người ta vẫn tiếp tục huân tập lậu hoặc, tạo thành nghiệp. “Lậu hoặc” hay “nghiệp” là nguyên tố nhận chìm con người trong luân hồi sanh tử, là nguyên nhân của khổ đau. Muốn chấm dứt khổ đau, chấm dứt luân hồi sanh tử thì phải đoạn diệt tất cả các lậu hoặc, không có con đường nào khác!
18/05/2021(Xem: 5322)
Năm 1959 một sự đe dọa của Tàu Cộng chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa đến sự phản kháng ở Lhasa. Hy vọng tránh được một cuộc tắm máu, ngài đã đi lưu vong và hơn 150,000 Tây Tạng đã đi theo ngài. Bất hạnh thay, hành động này đã không ngăn được sự tắm máu. Một số báo cáo nói rằng khoảng một triệu người Tây Tạng đã chết trong năm đó như một kết quả trực tiếp của việc Tàu Cộng xâm chiếm Tây Tạng.
16/05/2021(Xem: 12142)
Nhận xét rằng, Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội. Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng. Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ. Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền
15/05/2021(Xem: 5350)
Phần này bàn về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn "Chúa Thao cổ truyện" và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]