Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thư số 30

25/12/201113:22(Xem: 12603)
Thư số 30
TUYỂN TẬP THƯ THẦY
Tác giả: Viên Minh

[Thư số 30]

Ngày ........ tháng ........ năm ........

H.C con,

Thầy đã nhận được thư con qua chị HN, và nhất là được xem một số hình con chụp chung với chị LT và các sư.

Rất tiếc là qua thư từ Thầy không làm được công việc của một nhà phân tâm học để giúp con giải tỏa một số stress do quá trình phấn đấu nội tâm của con gây ra. Nhưng Thầy nghĩ rằng quá trình sống đạo giữa cuộc đời phức tạp tất nhiên lúc đầu không sao tránh khỏi những khó khăn nhất định nào đó. Con có quyền vận dụng cách tu tập tùy ý miễn là phải tự tin, trầm tĩnh và sáng suốt.

Thầy nói tự tin là vì không nên sợ hãi khi thấy mình phải đối diện với những mâu thuẫn nội tâm. Mặc dù con người thì đều có bản năng, tình cảm, tính dục và mâu thuẫn dồn nén như nhau. Nhưng giữa chúng ta, những người sống đạo, với người không sống đạo khác xa nhau lắm. Một bên là mê mờ, một bên là tỉnh thức. Hãy tin vào sự tỉnh thức của mình như vị Thầy dẫn đường luôn luôn có mặt bên ta. Sở dĩ những người bạn của con đang bị biến chứng của dồn nén là vì họ chỉ sống với bản năng, tình cảm, ý chí và lý trí mà chưa bao giờ tỉnh thức, chưa bao giờ thắp lên ngọn đuốc của trí tuệ để soi sáng chính mình. Chúng ta cũng như họ thôi, nhưng nếu chúng ta thắp sáng chính mình thì không phải là biến chứng của dồn nén mà lại là giác ngộ giải thoát và diệu dụng đấy con ạ.

Thế tại sao con phải sợ. Một vị thiền sư nói rằng “Đừng sợ vọng khởi chỉ sợ không giác kịp”,nghĩa là chỉ sợ không sáng suốt, tỉnh giác mà thôi. Con đừng nghĩ rằng Thầy có một phương pháp phi thường nào đó đầy bí ẩn hay rất phức tạp khó khăn để trở thành một con người siêu việt, chung qui pháp hành hàng ngày của Thầy chỉ là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong mọi sinh hoạt của đời sống từ ngoại giới đến nội tâm, từ hành động đến ý nghĩđể không tự mình nhận chìm mình vào trong thế giới huyễn hóa do mình tạo ra.

Con thích thiền định? đó là một ý hướng tốt nhưng cũng có thể là một trong những mâu thuẫn đưa đến dồn nén của con hiện nay. Thiền định phải hiểu và hành đúng mức bằng không sẽ là con dao hai lưỡi: một là thăng hoa thành diệu dụng, hai là dồn nén và sinh ra biến chứng tâm thần.

Thiền định là một mức sống tâm linh cao nhưng nó có nhiều hướng tùy theo người thực hiện nó. Nói chung có ba hướng (mục đích):

- Để giữ gìn sức khỏe (như hattha yoga, thiền dưỡng sinh, luyện đan, khí công v.v...)

- Để đạt được một số trạng thái tâm linh: hỷ lạc, xuất thần v.v... (như ràja yoga, tu tiên, thiền xuất hồn...)

- Để đạt được một số khả năng, pháp thuật, hoặc thần thông (như một số phái thiền của Mật tông, chú thuật, thôi miên v.v...)

Những mục đích trên dù tốt hay xấu cũng không phải là mục đích chân chính của Đạo Phật. Vì vậy mà Thiền tông đã loại thiền định ra ngoài xem đó như đá đè cỏ, hoặc mài gạch thành gương, không bao giờ thấy tánh.

Nhưng Đức Phật vì hiểu rất rõ tính chất của thiền định nên Ngài không loại trừ nó. Ngài chỉ cảnh giác rằng đừng quá đam mê, đắm chìm trong đó mà thôi. Ngài vẫn đặt nó vào trình tự của đạo vì đối với Ngài phương tiện này nếu khéo sử dụng vào mục đích chân chính sẽ là lợi ích lớn cho hành trình giác ngộ giải thoát.

Thiền định trong Đạo Phật không chấp nhận ba mục đích nêu trên nhưng xem đó như là kết quả phụ tùy. Chánh định có ba mục đích khác :

1) Làm lắng dịu và hóa giải những vọng động che lấp tâm khiến tâm mê mờ, mất khả năng và khó sử dụng. Đây là yếu tố Chánh Tinh Tấn trong thiền định.

2) Trở về chính mình, không hướng ngoại, không để ngoại cảnh lôi cuốn và chi phối. Đây là yếu tố Chánh niệm trong thiền định, thường đi đôi với tỉnh giác.

3) An chỉ nhất tâm, giải thoát khỏi ngũ dục (sắc định) hoặc giải thoát khỏi sắc tưởng (vô sắc định) nhờ vậy tâm được buông xả, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, ổn định và kiên cố.

Sở dĩ chúng ta bị phiền não, khổ đau, căng thẳng, dồn nén là do tâm bị lôi cuốn ra ngoài quá nhiều (thất niệm), sinh ra phóng dật, vọng động (thiếu tinh tấn), không giữ được quân bình thư thái, an ổn (thiếu định). Vì vậy thiền định trước tiên là trở về với chính mình (chánh niệm), thắp sáng chính mình (tỉnh giác), để phát hiện sự sinh diệt của các vọng động (5 triền cái), chế ngự, ổn định chúng (tinh tấn) và an chỉ ở đó (chánh định). Khi người ta có tham vọng tập trung tư tưởng vào một đối tượng nào đó với mục đích đạt được một sở đắc thì đó chỉ là một hình thức khác của tham lam, muốn được an lạc, chạy trốn đau khổ, hoặc muốn có một uy lực siêu việt, và như thế chỉ tạo mâu thuẫn và dồn nén, có thể thay đổi bộ mặt nhưng không thay đổi bản chất của tính dục. Vì vậy bước đầu dùng tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giácđể khám phá ra tánh tướng (bản chất và hiện tượng) của các vọng động (triền cái) hay nói theo phân tâm học là các khuynh hướng của tính dục, tức là ta làm được công việc hữu thực hóa vô thứcmà các nhà phân tâm học dùng để chữa trị các chứng bệnh tâm thần do sự mâu thuẫn dồn nén giữa các khuynh hướng tính dục mang lại. Như vậy thiền định đúng là cách tốt nhất để hóa giải và thăng hoa các dồn nén, ngăn ngừa tiến trình vô thức hóa của ẩn ức.

Con hãy tự chiêm nghiệm (lắng nghe, soi chiếu) sự sinh diệt của các vọng động che lấp tâm dưới 5 hình thức:

1. Tham dục:tâm ham muốn, đam mê, đuổi bắt sắc tướng, âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm của thân tạo ra cảm thọ lạc.

2. Sân nhuế:tâm bất mãn, bực bội, bứt rứt, nôn nóng đối với những cảm thọ khổ.

3. Hôn trầm thụy miên:tâm thụ động, thiếu hăng hái, không quyết tâm, không chịu khởi tâm hướng đến hành xứ (đề mục, đối tượng hay công án thiền), lơ đểnh hoặc quên lãng hành xứ, xuất hiện rõ nét nhất là buồn ngủ, dã dượi, uể oải, tiêu cực.

4. Trạo hối:tâm nghĩ tưởng (suy nghĩ và tưởng tượng) quá khứ, vị lai, phóng ngoại, quá phấn khích. Nếu tham dục phóng ngoại trên các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc thì trạo hối chạy theo pháp trần (hồi tưởng quá khứ, tưởng tượng tương lai, ý tượng, ý niệm, tư tưởng và sự hối tiếc). Nếu như hôn trầm thụy miên là thụ động tiêu cực, thì trạo hối lại quá tích cực dao động. Vì vậy nó chính làtâm viên ý mã.

5. Nghi:tâm không yên, hoang mang, bất định, phân vân, thiếu xác tín, thiếu trầm ổn, không biết an trú nơi đâu.

Khi bắt đầu thiền định con chọn một hành xứ (đề mục) nên chọn một hành xứ trên chính mình, chẳng hạn hơi thở. Con ngồi ngay ngắn nhưng thư giãn, thoải mái, buông xả nghỉ ngơi hoàn toàn, giống như khi con làm xong một việc gì, tự cho phép mình buông xả nghỉ ngơi thoải mái vậy. Khi thấy thân tâm đã thư giãn thoải mái, con bắt đầu hướng tâm đến hơi thở (từ chuyên môn gọi là tầm), kèm theo một sự chú tâm, gắn bó vào hơi thở như là đối tượng độc nhất (thuật ngữ thiền gọi là tứ). Con để ý sẽ thấy nếu tầmđược khởi đúng mức thì không có hôn trầm thụy miên, như vậy hôn trầm thụy miên đã được hóa giải, thăng hoa thành một chi thiền. Nếu tứđược khởi đúng mức thì tâm duy trì, đứng vững trên đối tượng (hành xứ) và nghi đã được hóa giải, thăng hoa thành chi thiền thứ hai. Nếu hai chi thiền tầm và tứ được ổn định thì liền phát sinh một số trạng thái hỷ như nổi ốc khắp toàn thân, nhẹ nhàng như bay lơ lửng, cảm thấy lắc lư rất đều đặn như đưa võng hoặc ngồi trên thuyền, cảm thấy mát lạnh dễ chịu như khi nóng mà được trầm mình trong nước, thấy ánh sáng trước mặt hoặc bao quanh mình. Nếu có những trạng thái khác những trạng thái trên, chẳng hạn thấy một cảnh tượng đẹp đẽ hoặc ghê rợn là không đúng. Cảm thọ hỷ phải là những phản ứng trên thân do ly dục hoặc do định tâm đem lại. Nếu không chỉ có thể là:

1. Ảo tưởng hoặc ảo giác đối với người quá tham vọng và giàu tưởng tượng.

2. Một hình thức chiêm bao xuất hiện từ vô thức do dồn nén.

3. Một lực tác động từ bên ngoài đối với người mê tín ( người ta gọi nôm na là điển nhập).

Thiền định phải loại bỏ 3 loại ấn chứng giả này, nếu không có thể đưa đến bệnh tâm thần hoặc là thiền bệnh.

Khi ấn chứng hỷ đúng đắn phát sinh thì sân nhuế được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ ba. Nó giúp cho hành giả hưởng được hỷ duyệt của thiền định và duy trì thiền định lâu dài không chán nản, không khó chịu như lúc đầu.

Dần dần lắng dịu và đi đến một trạng thái an lạcthư thái, hành giả cảm thấy như khi đói mà được một món ăn vừa ý, thỏa mãn, no đủ. Hỷ (piti) khác với lạc (sukha): một bên có cảm thọ mạnh làm cho thân tâm phấn chấn, một bên có cảm thọ khinh nhu làm cho thân tâm lắng dịu để bước vào ổn định. Khi ấn chứng an lạc này phát sinh thì trạo cử được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ tư, tâm không dao động (trạo hối) nữa.

An lạc làm lắng dịu tâm và đưa vào ổn định, lúc đó trạng thái nhất tâm, kiên định và cảm thọ quân bình (xả) phát sinh, tâm được hoàn toàn an chỉ. Khi định xả phát sinh thì tham dục được hóa giải và thăng hoa thành thiền chi thứ năm.

Như vậy với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, con có thể thực hiện được ba mục đích của thiền định:sáng suốt trở về với chính mình để thấy rõ sự sinh diệt của các triền cái, hóa giải các triền cái, và thăng hoa thành các thiền chi (yếu tố của tâm định). Định như vậy mới phát sinh trí tuệ, mới được đặt vào trình tự của con đường giác ngộ giải thoát.

Có một trường hợp hành giả có thể lấy tâm khônglàm hành xứ (tâm không là trạng thái tâm sáng suốt định tĩnh trong lành chứ không phải vô tâm trống rỗng), ngồi buông xả hoàn toàn không nghĩ ngợi gì cả, không chú tâm vào một đề mục hữu tướng nào (nhưng thật ra có chú tâm vào tâm không). Thiền như vậy nếu trình độ tâm và tuệ đã cao thì hay, nhưng nếu tâm và tuệ còn kém thì sẽ rơi vào một thiền bệnh khá nguy hiểm là trầm không trệ tịch, tức bị kẹt vào không, chấp không, tưởng vô tâm trống rỗng là cứu cánh, vì vậy mà một số vị Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử phải cảnh cáo: “Mạc vị vô tâm vân thị đạo, vô tâm do cách nhất trùng quan” (đừng bảo vô tâm là chính đạo, vô tâm còn cách một ngăn rào). Có người đạt được vô tâm tưởng là kiến tánh lại càng là thiền bệnh nặng hơn. Cho nên các thiền sư phải cảnh cáo “thức đắc bổn tâm bổn tánh, chính thị tông môn đại bịnh” (thấy mình đã đạt bổn tâm bổn tánh chính là đại bịnh của thiền).

Tốt hơn con không nên lấy đề mục tâm khônglàm hành xứ trừ phi con dùng nó như một lối thư giãn nghỉ ngơi (relaxation) thì được. Còn thiền định thì nên lấy hơi thở làm hành xứ là tốt nhất, nhớ là chỉ theo dõi hơi thở tự nhiên, không cố gắng điều khiển hơi thở như yoga, khí công gì cả. Và nhớ đừng vẽ vời thêm bất cứ gì bên cạnh hơi thở gần gũi và giản dị của mình.

Nếu ứng dụng những yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác và chánh định thì con nên thực hiện thế này:

1) Lúc động, tức lúc sinh hoạt bình thường: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nhiều hơn, định ít hơn.

2) Lúc tịnh, tức lúc có điều kiện ngồi thiền thì chánh niệm, tỉnh giác, định nhiều hơn, tinh tấn ít hơn.

Tuy nhiên nếu không đủ điều kiện thì không nên cố gắng định tâm một cách gượng gạo, đừng dùng ý chí quá nhiều. Tốt hơn chỉ nên ngồi dưỡng thần (nhưng cũng phải đúng theo nguyên tắc thiền định nói trên).

Kiểm tra thành quả con đừng y cứ trên sở đắc những trạng thái mà chỉ nên xem lại:

- Đã thấy rõ và chủ động được 5 triền cái và 5 thiền chi chưa?

- Có lìa bớt những lôi cuốn, ràng buộc, đam mê trong 5 trần (ngoại cảnh) không?

- Có đoạn giảm được các ác pháp như tham, sân, si, ngã mạn, ích kỷ, tà kiến không?

- Có thấy được các diễn biến sinh diệt trong tiến trình tâm - sinh - vật lý không?

Bởi vì con nhớ rằng chữ Thiền (Jhàna) có nghĩa là soi sáng hay đốt cháy phiền não; là ly huyễn, là nhật tổn (càng ngày càng bớt ngã chấp và bất thiện pháp) chứ không phải là “tôi đã được trạng thái này, tôi đã đắc trạng thái kia” để làm giàu cho bản ngã, để thỏa mãn tham vọng của tính dục.

Nếu trong khi hành có biến chuyển gì con nên cho Thầy biết sớm.Chúc con an vui.

Thân ái chào con.
Thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2018(Xem: 7703)
Khóa tu mùa Hè Hoa Phượng Đỏ tại Tu viện Khánh An vào đầu tháng 7 đã qua nhưng đọng lại trong tôi dấu ấn cảm xúc vì rất nhiều hoạt động ý nghĩa làm sân chơi rất lành mạnh cho trẻ vừa học tập vừa rèn luyện. Cho con đi xong khóa hè về lòng nhẹ nhỏm đi rất nhiều vì những thay đổi rất tích cực của con mà đáng nói hơn là cảm xúc của chính bản thân tôi cũng được cơ hội gột rửa những phiền muộn khi tham gia Đêm Thắp Nến tri ân với nhiều ý nghĩa. TT Thích Trí Chơn đã cho các em giây phút trang nghiêm thanh tịnh dâng ngọn đèn cầu nguyện lên Tam Bảo. Giọng trầm ấm của Thầy đã dẫn đại chúng vào lời kinh thiêng trầm hùng, thanh thoát.
20/07/2018(Xem: 13594)
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)
19/07/2018(Xem: 7118)
“Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật Trong Nhiều Chi Nhánh Phật Giáo Việt Nam Cùng Sinh Hoạt Với Nhau” là một đề tài tế nhị, khó nói, và nói ra cũng rất khó tìm được sự đồng thuận của hầu hết chư Tôn Đức và đồng bào Phật tử hiện đang sinh hoạt trong nhiều chi nhánh Phật Giáo Việt Nam. Đề tài này hàm ngụ hai lãnh vực nội dung và hình thức sinh hoạt, và bao gồm ba hình thái tổ chức là các Giáo Hội Phật Giáo, các Hội Cư Sĩ, và các hệ thống Gia Đình Phật Tử.
19/07/2018(Xem: 4383)
Không hiểu từ lúc nào mà tôi đã tập được thói quen công phu mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ và dành thời gian tương tự cho việc lướt qua các trang mạng phật giáo để chọn lựa những bài thật bổ ích cho cái trí óc còn non kém của mình, hầu học hỏi thêm dù biết rằng kiến thức đó phải được tư duy và trải nghiệm . Và tôi rất hài lòng về thói quen này vì đần dần tự nhiên giống như tôi được khích lệ và ngày nào tôi cũng cảm nhận được cái không gian êm dịu đã ghé vào thăm cuộc đời tôi và cứ như thế tôi trôi theo dòng chảy của cuộc đời dù không phải là thuận duyên lắm, do vậy con cái tôi thường nói đùa rằng " Mẹ không thể nào trầm cảm được đâu "
18/07/2018(Xem: 6371)
Trong tất cả vũ trụ pháp giới thì cái gì là sáng nhất? Chỉ có thể là trí huệ là ngọn đèn sáng nhất soi sáng sự tối tăm mê mờ của vô minh, phá tan xiềng xích của sự buộc ràng thân tâm. Trí huệ mang tới cho hành giả một sự minh triết sáng suốt, là gươm báu chém đứt tham, sân, si nơi cõi lòng của tam độc gây bởi tạo nghiệp vô minh. Chỉ có trí huệ rõ biết hết thảy những vô thường sinh tử luân hồi, để từ đó xa lìa sự đắm nhiễm tâm trần nơi cõi thế. Và giúp cho hành giả tu tập tìm về sự giải thoát khỏi mọi sự phiền não, khổ đau của kiếp sống vô thường.
17/07/2018(Xem: 5347)
Ông Thắng và bà Loan cưới nhau đã được bốn mươi năm. Năm nay ông được bảy mươi hai tuổi và bà Loan được bảy mươi. Thời thanh xuân ông bà đã trải qua với nhau một mối tình thơ mộng, đã tranh đấu chết sống với gia đình hai bên để vượt qua vấn đề môn đăng hộ đối. Cuối cùng được sự nhượng bộ của gia đình, một đám cưới tươm tất đã được diễn ra trong niềm hân hoan tột cùng của cô dâu, chú rể.
17/07/2018(Xem: 6006)
PERRIS, California (VB) – Chùa Hương Sen hôm cuối tuần Thứ Bảy ngày 14/07/2018 đã nhận một món quà tặng quý giá: 120 thùng sách Phật học. Đó là toàn bộ thư viện Phật học của Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả lưu giữ trong nhiều thập niên tu học, hoạt động.
16/07/2018(Xem: 6146)
Hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đều biết có bốn pháp niệm Phật tiêu biểu là: Thực Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật. Trong bốn pháp quán này, Trì Danh Niệm Phật thường được số đông hành giả chọn để hành trì vì phương thức tương đối đơn giản hơn. Đây cũng chỉ là quan điểm của đại chúng. Phật thuyết nhất âm, chúng sanh tùy loài giải. Pháp như thế, Phật chỉ dạy như thế, chúng sanh tùy căn cơ mà hành, mà giải.
14/07/2018(Xem: 8836)
Sau 2 năm hoạt động độc lập, LAN vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình Phật pháp, cùng với đó là quỹ cộng đồng ý nghĩa mang tên Phụng Sự - Đóng góp xây dựng Chùa, tạc tượng và giúp người nghèo khó. Được lời mời từ Mỹ vào tháng 7/2017 vừa qua LAN đã đi qua các tiểu bang CA, Virginia, Marry Land, Philadelphia, Indianapolis..vv để thực hiện phim tư liệu cho các Chùa cùng phóng sự về khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần 7 ở San Diego
13/07/2018(Xem: 7530)
Sống ở đời người ta hay xem trọng sắc diện, dáng vẻ bề ngoài. Thói thường người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, hay một nam tử tốt tướng "đẹp trai" diện đúng mốt thời trang... vẫn thu hút được sự chú ý của người xung quanh; ngược lại người có nét mặt buồn rầu u tối, ăn mặc xốc xếch... đi đến đâu cũng thường hay chịu thiệt thòi, dù không bị dè bỉu khinh thường ra mặt nhưng họ không được mọi người thực tâm ưu ái dành cho một chỗ đứng trang trọng, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]