Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thư số 09

25/12/201113:22(Xem: 12795)
Thư số 09
TUYỂN TẬP THƯ THẦY
Tác giả: Viên Minh

[Thư số 9]

Ngày ........ tháng ........ năm ........

Con thương mến,

Đọc thư con Thầy rất cảm thông với nỗi khổ tâm mà con đang chịu đựng - khổ tâm của một người Phật tử bị bắt buộc phải bỏ đạo.

Thầy biết rằng không ai hiểu con giữa thế giới chia phân manh mún trên mọi lãnh vực đó. Không ai chia sớt nỗi khổ của con khi mà ở đó con người đang bận tâm tranh thủ cho cá nhân mình: tài sản, quyền lợi, kiến thức, danh vọng, địa vị và phe phái.

Họ nói đến tự do nhưng thực chất là giam giữ con người trong nô lệ của ý hệ và giáo điều. Họ chủ trương hòa bình nhưng thực chất là giành giật nhau từ thể xác đến tinh thần. Họ hô hào tình thương, bác ái, nhưng thực chất là hận thù đối nghịch. Họ cổ xúy bình đẳng đại đồng nhưng thực chất là tự tôn, vị kỷ. Họ ca tụng văn minh nhưng thực chất là dã man, cuồng loạn.

Hơn bao giờ hết con người đề cao hư danh hơn là sự thật, cao rao lý tưởng hơn là thực tế, hy vọng tương lai hơn là thực tại, và thân phận con người thật sự chỉ còn là khổ đau rách nát giữa những bảng quảng cáo vô cùng hoa lệ!

Con thương mến,

Vì hoàn cảnh bắt buộc con phải bỏ Đạo Phật để theo Thiên Chúa giáo và chính điều đó đang làm con băn khoăn, ray rứt phiền muộn, chán chường. Con khốn khổ vì đã nghĩ rằng con phản bội Tam Bảo, phản bội Thầy, phản bội bạn bè đồng đạo. Nhưng con ạ, con đừng buồn tủi nữa, hãy sáng suốt bình tĩnh lên như ngày nào con còn ở bên Thầy, được Thầy thương yêu, khuyến khích và an ủi những khi con gặp những chuyện đau lòng.

Hãy cùng Thầy tin tưởng trọn vẹn rằng con không bao giờ bỏ đạo, vì làm thế nào con có thể bỏ đạo khi đạo ở chính nơi con. Con vẫn chưa hề phản bội Tam Bảo, phản bội Thầy và bạn bè đồng đạo, dù con đang phải gia nhập bất cứ một tổ chức tôn giáo hay phi tôn giáo nào.

Làm sao con có thể phản bội Phật khi con đang đi trên con đường giác ngộ, vì tự tánh con là viên giác.

Làm sao con có thể phản bội Pháp khi con đang yêu thương và tôn trọng lẽ thật, vì tự tánh con là chân lý.

Làm sao con có thể phản bội Tăng khi đó là niềm an lạc của lòng con, vì tự tánh con là thanh tịnh.

Làm sao con có thể phản bội Thầy khi con đang thực hành lời Thầy dạy.

Làm sao con có thể phản bội bạn hữu khi con đang cùng với họ một hướng đi trên con đường thiện mỹ.

Dù khi con đang theo tổ chức Giáo Hội Thiên Chúa, Tin Lành hay Hồi Giáo mà tâm hồn con minh mẫn, sáng suốt là con qui y Phật. Tâm hồn con chân thật, trọn vẹn với sự sống là con qui y Pháp. Tâm hồn con an tĩnh khỏi các tư dục, vọng động là con qui y Tăng. Con hành động, nói năng suy nghĩ những điều đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và người trong mọi lúc, mọi nơi là con làm theo lời Thầy dạy. Con biết yêu thương những giáo hữu Thiên Chúa, những tín đồ bất cứ tôn giáo nào hoặc phi tôn giáo nào như con đã từng yêu thương những bằng hữu Phật tử của con là con đã trung thành với bạn bè đồng đạo.

Con ạ, Giáo Hội Phật Giáo hay Giáo Hội Thiên Chúa chỉ là hình thức tổ chức. Những tổ chức ấy chưa hẳn đã đại diện được cho Phật và Chúa. Nhưng vì loài người ưa hình thức thì đành phải có nhiều hình thức để đáp ứng thị hiếu và căn cơ sai biệt của họ mà thôi.

Các tổ chức Giáo Hội đó đã đem lại cho loài người khá nhiều lợi lạc, nhưng tai hại của nó cũng lớn lao không kém trong việc chia phân manh mún tình người.

Có nhiều tôn giáo đã quên đi sứ mạng của mình là đem lại yêu thương, hạnh phúc, bình đẳng, thái hòa cho nhân loại để rẽ vào con đường bành trướng giáo quyền, thu thập tín đồ, kinh doanh tài sản, truyền rao giáo hệ, thỏa mãn tự ái tín ngưỡng... bằng cách tán tỉnh, dụ dỗ, hứa hẹn, chia rẽ, tự tán hủy tha, cao rao lý tưởng...

Chính Phật giáo cũng biến hóa ra nhiều hình thức tổ chức với mục đích, khế cơ khế lý (vận dụng sao cho vừa hợp với đạo lý, vừa hợp với trình độ của chúng sanh) vì đó là cái dụng tất yếu để phổ hóa chúng sanh. Nhưng khế cơ thì tồn tại mà khế lý thì mất dần, nên đôi khi cũng chỉ còn là nhãn hiệu.

Câu chuyện “vi tiếu” sau đây đánh thức chúng ta coi chừng đừng quá huênh hoang với nhãn hiệu mà phải quay về thực chất.

Một tục gia đệ tử đang chuyên tâm nghiên cứu về quá trình lịch sử hình thành phát triển và nội dung các học phái Phật giáo đến hỏi Sư:

- Thưa Thầy, Đại Thừa là gì?

Sư nói:

- Là dư nhiều.

Lại hỏi:

- Còn Nguyên Thủy và Tiểu Thừa?

Sư nói:

- Thời này hầu hết là Đại Thừa, Tiểu Thừa còn hiếm có, nói gì đến Nguyên Thủy.

Con ạ, Đạo Phật Nguyên Thủy không phải là một hình thức tôn giáo mà chỉ là con đường giác ngộ, con đường của sự sống chân mỹ thiện muôn đời. Kẻ nào sống hướng thượng, vị tha, trong sáng, chân thật và thanh tịnh, kẻ ấy theo Đạo Phật, kẻ ấy qui y Tam Bảo, kẻ ấy giác ngộ chân lý, dù chưa hề qui y hay không đứng trong hàng ngũ Phật giáo. Nhiều người tỏ ra lo ngại mai đây Phật giáo sẽ không còn tồn tại. Riêng Thầy, Thầy tin rằng chân lý sẽ luôn luôn hiện hữu bất cứ nơi đâu cho những ai có mắt để thấy, có tai để nghe và có tâm hồn để thể hội.

Không có ranh giới cho kẻ giác ngộ. Họ có thể ở trong bất cứ hàng ngũ nào, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Bà La Môn, Hồi Giáo v.v... hay không ở trong hàng ngũ tôn giáo, chánh trị, phe phái nào cả. Kẻ nào có thể sống và thể nghiệm đời sống bằng chính sự trong sáng, chân thực, trọn vẹn và an nhiên tự tại của mình là người ấy giác ngộ, là đi con đường Phật Đạo.

Ngay trong từ Phật Đạo cũng đã nói lên tính chất phổ biến của nó. Phật (Buddha) là giác ngộ(Budh, Bujjhati), là tuệ giác(Bodhi, Buddhi), là như thực liễu tri và viên dung tất cả các pháp(Sammà Sambuddho, Lokàvidù).

Đạo là chân lý phổ biến(Dhammo), thiết thực hiện tại(Sanditthiko),vượt khỏi thời gian(Akàliko),phải đến mà thấy(Ehipassiko), hướng về tự tánh(Opanayiko) và người có trí tự mình chứng nghiệm(Paccattam Veditabbo vinnùhi) không do ai khác đem đến cho mình.

Nói cho dễ hiểu Phật Đạo là con đường giác ngộ chân lý. Chân lý ấy ở ngay trong sự sống, trong chính con. Cho nên Phật dạy:“Hãy nương tựa chính mình, không ai khác có thể nương nhờ. Khi tự mình thuần tịnh ấy là nơi nương nhờ tối thượng” (Dhammapàda 160).

Vậy, dù con phải tùy thuộc gia đình hay xã hội để phải theo một hình thức tôn giáo nào đi nữa thì chính con cũng phải đi con đường giác ngộ lấy một mình, phải sống trọn vẹn với sự sống nơi bản thân con, và thể hiện tình thương yêu vô ngã, vị tha cho tất cả mọi người.

Nếu Chúa đích thực là “Đường đi, lẽ thật và sự sống”(Jiăng 14/6) thì cũng không khác gì Bát Chánh đạo, con đường của sự sống chân thực. Và Đức Phật xác nhận: Ở đâu có Bát Chánh Đạo, ở đó có giác ngộ, giải thoát.

Cho nên vấn đề không phải con nên theo tổ chức Giáo Hội nào mà chính là con có thể sống đúng chân lý. Không phải con chọn cho mình chỗ đứng nào thuận lợi nhất mà chính là con có thể đứng được bất cứ nơi nào. Không phải con thu thập được bao nhiêu kiến thức mà chính là khả năng trong sáng để con có thể có được tri kiến như thực. Không phải con được gia nhập một phe phái nào đúng nhất mà chính là tấm lòng cởi mở để con có thể thương yêu, phục vụ, cảm thông và hòa đồng với tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, ý hệ.

Con thương mến,

Lúc con còn sống bên Thầy, Thầy đã từng cho con đi nghe giảng ở nhà thờ, hay đọc bất cứ kinh sách nào, không phải để con thu thập nhiều kiến thức mâu thuẫn và đa tạp mà để con có thể mở rộng tâm hồn, xóa bỏ những ngăn cách chia biệt và thành kiến cố chấp. Có như thế mạch nguồn của sự sống mới khai mở trong tình người bao dung hòa điệu.

Bây giờ con hãy tiếp tục đi nhà thờ như ngày nào con đã từng đi với bạn bè và về kể cho Thầy nghe, đâu có gì ngăn ngại khi tâm hồn con cởi mở bao dung.

Con ơi, nếu con biết rằng: “Hạnh phúc hay đau khổ cũng do con, thanh tịnh hay ô nhiễm cũng do con, thánh thiện hay hung ác cũng do con” thì con phải tự mình giác ngộ và nếu trong một hơi thở con có thể hồn nhiên trong sáng và trọn vẹn với chính mình thì cũng đủ cho con xóa tan bao nhiêu hận thù chia biệt giữa cuộc đời rách nát đau thương.

Trước khi ngừng bút, Thầy chép cho con một đoạn Kinh Tâm Từ (Mettà Sutta) để nếu con thích, hãy khẽ đọc một mình:

Như mẹ giàu tình thương
Suốt đời lo che chở
Đứa con một của mình
Hãy phát tâm vô lượng
Cùng tất cả sinh linh
Từ bi gieo cùng khắp
Cả thế gian khổ hải
Trên dưới và quanh mình
Không hẹp hòi oan trái
Không hờn giận, oán thù
Khi đi, đứng, ngồi, nằm
Bao giờ còn thức tỉnh
Giữ niệm từ bi này
Thân tâm thường thanh tịnh
Phạm hạnh chính là đây
Ai xả ly kiến thủ
Giới hạnh được tựu thành
Chánh tri đều viên mãn
Không ái nhiễm dục trần
Thoát ly đường sinh tử.

Thân ái chào con.
Thầy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2013(Xem: 6761)
“Người thanh tịnh như vầng trăng êm ả Không bao giờ buồn cũng chẳng hề vui Không thương riêng ai chưa từng hờn dỗi Tình thiêng liêng bao phủ khắp muôn loài” Diệu Tịnh
14/12/2013(Xem: 13016)
Em bé cõng chú chó vượt qua trận lụt kinh hoàng ở Manila, bé trai bị mẹ đâm hơn 90 nhát ở Trung Quốc, Giáo hoàng Francis ôm hôn người “mặt quỷ”… là những hình ảnh nổi bật, gây xúc động nhất trong năm 2013
14/12/2013(Xem: 8813)
Trong thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng phương pháp thực hành chánh niệm, hiện pháp lạc trú, mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là không đúng tinh thần Phật dạy, vì những điều này gần giống với chủ trương của triết thuyết hiện sinh (Existentialism) phương Tây hơn là tư tưởng Phật giáo. Các luận điểm nói:
14/12/2013(Xem: 35239)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
14/12/2013(Xem: 10575)
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội cho không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống nầy, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo, phải phân rành vấn đề tội phước.
13/12/2013(Xem: 12583)
1. Anagarika Govinda là một Lama, người Bolivia, nguyên giảng dạy Triết học tại Đại học Naples. Từ năm 1928-1930 ông qua Sri Lanka, xuất gia với Đại đức Nyatiloka Mahathera, rồi trụ trì chùa Polgasduwa. Năm 1947, ông qua Tây Tạng, được làm đệ tử của Lama Ngawang
13/12/2013(Xem: 8988)
Đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, người ta thường thấy câu thành ngữ “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật”. Đồ tể là người làm nghề giết mổ, chuyên giết mổ súc vật; trong khi đó, một trong những trọng giới của nhà Phật là giới sát. Người Phật tử đã không được phép hại mạng sống của chúng sanh, lẽ nào người sống bằng nghề giết mổ, cả đời lấy đi mạng sống của biết bao sinh vật, chỉ cần buông đao xuống là đã có thể thành Phật, lại còn thành Phật ngay lập tức?
13/12/2013(Xem: 13839)
Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi... Thương ghét
13/12/2013(Xem: 11893)
Bệnh tim mạch: Được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt;
12/12/2013(Xem: 10115)
Bảy kỳ quan thế giới Phật giáo - Phim tài liệu của BBC. Phim do Sử gia Bettany Hughes trực tiếp thăm viếng và tường thuật và diễn giải sâu sắc về Cuộc đời Đức Phật, sự hành trì kế thừa suốt 26 thế kỷ, và đưa ra kết luận rất hay... Phụ tá với Sử gia Bettany Hughes, có Giáo sư Robert Thurman dạy Triết lý Phật Giáo đại học Columbia, Tiến sĩ Ulrich Pagal về Ngôn ngữ & Tôn giáo, và Ông Richard Coombrich Đại học Oxford.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]