Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đóa hoa tâm.

09/04/201313:32(Xem: 12308)
Đóa hoa tâm.

Đóa hoa tâm

Thích Như Điển

Hoa là một loài thực vật tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà loài người thường hay trân quý, nhất là những loài hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa mẫu đơn, hoa mai, hoa cúc, hoa huệ...

Cũng có rất nhiều người mến hoa, thương hoa nhưng cũng có nhiều người ghen tức với sắc đẹp của hoa; nên bắt hoa phải nở theo lệnh của mình, nếu hoa nào không chịu nở đúng kỳ hạn, sẽ bị đày như Từ Hy Thái Hậu lúc sanh tiền đã xử trí như thế.

Đặc biệt trong các vườn chùa ở Việt Nam hay ở ngoại quốc, nơi nào cũng trồng được một số cây cảnh mang màu sắc quê hương. Lúc chưa xa quê, ai cũng muốn hướng tới một phương trời cao rộng khác, nơi đó có tự do hơn, có cảnh đẹp hơn, giàu có hơn...; nhưng khi cuộc sống đã an ổn rồi, những khi nhàn rỗi, ai trong chúng ta cũng chạnh lòng hoài cổ. Do vậy mà những tập tục cổ truyền, những lễ hội, ngay cả văn hóa của sự ăn uống tại xứ người chúng ta cũng đều muốn mang từ quê hương sang đây. Ví dụ trong một bữa cơm của mỗi gia đình Việt Nam nơi hải ngoại, dầu ở tại Canada, Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Tunésie... lúc nào cũng có rau thơm và những mùi vị khác của quê hương. Cho hay cái tinh thần dân tộc đã ăn sâu vào lòng người là thế.

Tôi đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ trên thế giới, chùa Việt cũng như chùa ngoại quốc, trông thấy nơi nào cũng mang một vẻ đẹp hiền hòa, trang nhã, gói ghém văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc vào ngôi chùa ấy qua cách kiến trúc, tạo hình và trang trí trong cũng như ngoài chùa.

Bài viết nầy, đặc biệt chỉ lưu ý đến các loài hoa và đi xa hơn nữa là một loại hoa nở không bao giờ tàn. Đó là đóa hoa giác ngộ nơi tâm thức của con người.

Tại sao người ta lại trân quý loài hoa như vậy? Dầu cho đó là loại hoa gì đi nữa, có lẽ câu trả lời đúng nhất phải dành riêng cho từng người một trong chúng ta; nhưng tựu trung, hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, thanh cao và hoa vừa có hương lẫn có sắc, làm cho nhiều người ưa thích hơn. Người dầu khó tính đến đâu đi chăng nữa, khi ngắm hoa cũng không thể nào trút giận hờn vào hoa được, ngoại trừ những người có lý do đặc biệt như Từ Hy Thái Hậu.

Các vị Thiền Sư cũng ngắm hoa, văn nhân thi sĩ cũng viết về hoa, vịnh về hoa. Người bình dân cũng thưởng thức hoa. Do vậy mà hoa mang một ý nghĩa rất đa dạng.

Thiền Sư ngắm hoa dưới nhãn quan của người liễu đạo; nên bảo rằng:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"

"Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước, một cành mai"

Đây cũng là đóa hoa tâm, đóa hoa giác ngộ ở trong mỗi người của chúng ta. Khi đông đến xuân đi, vạn vật đang thay màu đổi sắc. Trong khi đó chỉ còn một đóa hoa mai duy nhất nở một cách muộn màng khi mùa xuân đã trôi qua trong buổi xế chiều của một mùa đẹp nhất trong bốn mùa và đóa hoa ấy cũng đã cố gắng nở ra, như đóa hoa giác ngộ kịp tỉnh thức sau bao nhiêu sự chiến đấu từ nội tâm cho đến ngoại cảnh.

Người xưa có câu:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây phước (đức) để đời về sau.

Hoa, dầu là hoa gì đi chăng nữa, có nở, ắt sẽ có ngày tàn. Do vậy mà sắc đẹp nầy không bền bỉ. Qua thời gian phải bị đổi thay. Chỉ có cây phước đức, sẽ trổ hoa nhân nghĩa và giác ngộ, loại hoa nầy sẽ không bao giờ phai sắc, dẫu cho không gian có thay đổi, lòng người có băng hoại đi chăng nữa, thì đóa hoa tâm nầy vẫn luôn luôn hiện hữu ở thế gian nầy trong hai mặt của một cuộc đời.

Trong các vườn chùa tại Việt Nam thường hay trồng những cây hoa sứ, có nơi gọi là hoa đại. Thân cây sần sùi, lá cứng nhưng khi trổ bông màu trắng hay tím có hương thơm ngát cả sân chùa. Ở ngoại quốc ngày nay chẳng thấy nơi nào trồng được. Có lẽ vì khí hậu là vấn đề chính.

Chùa Thiện Minh tại Lyon, Pháp, nơi Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt trụ trì có một vườn hoa trong sân chùa rất tuyệt vời, không thể dùng viết để viết, dùng giấy để tả được, mà ai đó là người Phật Tử, nếu có dịp sang Âu Châu, nên đến đây để thưởng ngoạn một công trình có một không hai tại xứ nầy. Tại đây có đủ loại hoa, nhất là hoa đào Hà Nội và hoa đào Trung Quốc. Mỗi năm cứ vào độ cuối tháng ba đầu tháng tư dương lịch, cả hàng trăm cây hoa đào đủ màu khoe sắc thắm. Màu tím như hoa giấy, màu đào lợt như hoa cẩm chướng, màu bạch ngọc như hoa hải đường. Đặc biệt hoa đào Việt Nam khi trổ hoa, không bao giờ có lá, giống như Sakura của Nhật Bản. Sakura (anh đào) của Nhật Bản cũng rất đẹp; nhưng hoa đào của Nhật có sắc mà chẳng có hương; nên đã nhiều lần, tôi ví người Nhật Bản giống như loại hoa nầy. Hoa đào Nhật có chừng tám cánh, mười cánh hay mười hai cánh là cùng; nhưng hoa đào Việt Nam, đặc biệt là hoa đào Hà Nội và hoa đào Trung Quốc đang khoe sắc thắm tại chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp, mỗi đóa hoa có đến hai mươi cánh. Có lúc tôi đếm kỹ hoa đào tại đây đến ba mươi cánh. Nhiều hoa hợp lại khiến cành hoa nặng trĩu những đóa hoa tuyệt mỹ, mà trong đời tôi, đây là lần đầu tiên mới thấy một loài hoa đẹp như thế; mà tại hải ngoại nầy chỉ có thể tìm thấy nơi vườn chùa Thiện Minh ở Pháp mà thôi. Trong vườn chùa nầy có tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cao hơn năm thước, tạc bằng đá cẩm thạch nguyên chất từ Ý mang về, sau đó Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt cho thếp vàng khiến cho ngôi chùa lung linh thêm nhiều hình ảnh khác nhau, khi khách hành hương về đây lễ Phật và viếng cảnh.

Bên cạnh những đóa hoa đào tuyệt mỹ ấy còn có những đóa mẫu đơn, nở lớn như một loài hoa vương giả ngự trị tại chốn thiền môn nầy. Hoa mẫu đơn cũng có nhiều màu, có hương thơm; nhưng chóng tàn. Duy chỉ có hoa đào mỗi khi nở kéo dài cả một tháng. Nếu không có những cơn gió vô tình đưa đẩy qua, thổi vào trong không gian ấm áp ánh nắng xuân ấy, thì hoa đào hay mẫu đơn còn tồn tại lâu hơn nữa với thời gian của một mùa xuân đẹp đẽ của xứ trời Âu.

Tựa vào các vách đá, những đóa hoa nhỏ li ti như mũi kim, hoặc lớn hơn chút nữa như đầu cây tăm cũng đua nhau khoe nhiều sắc màu lộng lẫy, nào vàng, nào tím, nào trắng, nào xanh... đã dệt nên những gấm hoa, tạo thành một tấm thảm thiên nhiên tuyệt mỹ, nhằm trang trí cho cảnh vật nơi đây để cúng dường lên Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Sau lưng chùa không phải là hoa, mà là một loài trúc. Trúc rất ít khi ra hoa; nhưng nếu trúc trổ hoa, tức trúc sắp tàn và mọi cây trúc khác cũng sẽ chết theo. Tại đây có nhiều loại trúc khác nhau, nào thanh trúc, bạch trúc, tử trúc và hoàng trúc. Những cây trúc đứng thẳng mình như những đấng trượng phu lăn xả vào cuộc đời không ngại bởi tiếng thị phi của nhân thế. Năm rồi, Thượng Tọa Tánh Thiệt có cho tôi một bụi trúc thật đẹp, đem về chùa Viên Giác bên Đức để trồng; nhưng nay thì trúc đã chết. Năm nay (1998) Thầy thấy tôi trân quý hoa đào, nên Thầy đã cho tôi hai cây đào con để mang về trồng. Theo lời Thầy bảo thì sang năm sẽ trổ bông; nhưng tôi thì khó tin điều đó. Vì qua kinh nghiệm, dẫu là loài hoa nào đẹp tuyệt vời đi chăng nữa, qua sự chăm sóc của tôi, cây sẽ chết vào một ngày nắng hạ hay thu sang nào đó, ít có cây nào sống qua khỏi một mùa xuân. Tôi chẳng biết tại sao? Nếu là người, dầu người đó có hư nết đến đâu đi chăng nữa, tôi cũng có thể giúp họ trở lại con đường chơn chánh, tu học đứng đắn, nhưng loài hoa, có thể tôi thiếu nhân duyên chăng?

Gần đến hè, cả một vườn hồng đua nhau nở rộ, mới nhìn như một bức thảm đỏ trải dài ra để đón rước một bậc giác ngộ nào. Hồng, dẫu sao đi nữa cũng có lắm gai; nhưng lại nhiều người thích. Điều ấy chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì đặc tính của hoa hồng là: sớm nở tối tàn chăng?

Mùa thu đến, hoa cúc vàng, một loài hoa vương giả thay thế vị trí của hoa hồng khi mùa hạ đã qua đi, mang đến cho con người nhiều sự nghĩ suy về sự thay đổi của cuộc đời. Không những thế, bạch cúc, hồng cúc, tử cúc cũng đã nở rộ vào lúc thu sang làm cho cây cảnh vườn chùa càng thêm nhiều hương sắc.

Hoa trà mi, hoa ngọc lan, hoa vạn thọ... cũng đã nở vào nhiều thời điểm khác nhau, khiến cho ai nấy khi đến chốn nầy đã nhớ lại cội nguồn của tâm linh và đặc biệt, là người Phật tử khi xem hoa thưởng ngoạn cảnh đẹp, thấy rằng đóa hoa tâm, tức đóa hoa giác ngộ cũng sẽ nở được như thế, để con người có thể thâm nhập vào thế giới giải thoát của chư Phật và chư vị Bồ Tát.

Trong cây có hoa, trong đá có lửa. đó là nguyên tắc tự ngàn xưa; nhưng hoa chỉ nở khi nào khí hậu ấm áp và đặc biệt nhân duyên của người chăm sóc hoa cũng không kém phần quan trọng. Trong đá có lửa; nhưng nếu chúng ta để hai viên đá xa nhau, chắc chắn rằng lửa sẽ không bao giờ phát sinh. Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng: đóa hoa tâm cũng thế, chỉ nở khi nào chúng ta làm tròn bổn phận của một người Phật Tử biết tu phước và tu huệ trọn vẹn.

Nhân chuyến đi Bắc Mỹ kỳ nầy từ 14 đến 29.4.1998 tôi đã ghé qua Raleigh, Chicago, Montréal và Ottawa để viếng thăm chùa Vạn Hạnh, Phật Bảo, Quan Âm và Từ Ân. Ở đâu cũng nói Pháp cho Phật Tử nghe và tại chùa Phật Bảo, Chicago, có một Phật Tử Mỹ đến quy y với tôi và sau giờ quy y anh ta có hỏi tôi một vài câu cũng có ý nghĩa, nên chép vội ra đây để quý độc giả lãm tường.

- Thưa Thầy, bây giờ tôi đã trở thành Phật Tử, thì cái nhìn của những người Mỹ lân cận không thân thiện mấy, vậy tôi phải xử trí ra sao đây?

- Anh hãy bảo với họ rằng: Phật Giáo giống như một loại y dược, có thể chữa nhiều thứ bệnh khổ của nhân sinh. Ví dụ lâu nay anh dùng thuốc Aspirin khi bị đau đầu, thì bây giờ anh cũng có thể dùng Optalidon, là loại thuốc khác để trị bịnh ấy kia mà.

- Nhiều người Mỹ họ hiểu rằng: Phật Giáo ngày nay đã có chân đứng tại Mỹ và Âu Châu. Họ không muốn tôn giáo truyền thống của họ bị mất đi quá nhiều tín đồ. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?

- Phật Giáo như một bông hoa đẹp, nếu mang bông hoa ấy trồng vào vườn hoa tâm linh thuộc lãnh vực văn hóa, tôn giáo của xứ nầy, chẳng khác nào chúng ta điểm tô thêm ngôi nhà ấy một nét đẹp mỹ miều hơn. Trong một ngôi nhà, một ngôi vườn, nếu có nhiều đóa hoa tâm linh, đóa hoa giác ngộ rộ nở, chắc chắn rằng vườn hoa ấy sẽ đẹp đẽ hơn, có phải thế không?

Sau khi đã nghe lời giải thích của tôi như thế, anh ta vui vẻ ra về và anh ta hãnh diện là một người Phật Tử. Thế là một đóa hoa lòng, một nụ hoa tâm linh mới vừa hé nở. Phật Giáo đi vào lòng người một cách rất nhẹ nhàng. Không giáo điều, không bi quan, không theo uy quyền để mang mọi người vào đạo, mà ai, nếu muốn học hỏi hạnh xả ly của đạo Phật thì hãy vào chùa để cho đóa hoa tâm của mình mỗi ngày càng bừng nở.

Mỗi một ngôi chùa Việt Nam tại ngoại quốc đã trồng nhiều đóa hoa xinh xắn tại vườn chùa. Nay lại có những đóa hoa biết đi, biết nói, biết cười, biết tu học hạnh giải thoát của Như Lai, điều ấy quả thật là điều cần phải triển khai nơi nội tâm của mỗi chúng ta nhiều hơn nữa. Những đóa hoa trà mi, hoa hồng, hoa thuợc dược, hoa cúc, hoa đào... dầu cho đẹp đẽ bao nhiêu đi chăng nữa, nở lâu dài mấy tháng đi chăng nữa, chắc chắn có ngày sẽ tàn tạ theo năm tháng của tạo hóa đã an bày. Chỉ có đóa hoa giác ngộ nơi tâm thức của mọi người sẽ không bao giờ bị tàn phai hương sắc và loài hoa nầy sẽ không bị chi phối bởi gió sương giống như trong Kinh Pháp Cú đã nói:

"Hương thơm dầu là hương của loài hoa chiên đàn đi nữa cũng không thể bay được ngược gió. Chỉ có hương của người đức hạnh dầu ngược gió vẫn bay khắp mười phương"

Vi diệu thay loài hoa ấy và mong rằng những Phật Tử chúng ta hãy giữ lấy đóa hoa tâm nầy nơi mỗi người để tự tìm đến một hương vị giải thoát cho cuộc đời của mình.

Quê hương là gì, đố ai định nghĩa được. Nhưng khi xa rồi người ta mới ngoảnh mặt lại để đoái hoài. Khi xa rồi người ta mới có cơ hội để tìm lại cội nguồn của Tiên tổ. Loài ngỗng trời của Canada mỗi năm vào mùa lạnh, chúng bay đến Mễ Tây Cơ, đến Nam Mỹ, đến Panama. Có loài còn bay xa hơn, đến tận các đảo của Ấn Độ để trốn cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông tại xứ nầy; nhưng đến khi xuân sang vào cuối tháng tư mỗi năm tại vùng Baie de Fèbre, cách Montréal về hướng Bắc chừng 150 km, bên dòng sông St. Laurent, những con ngỗng trời đủ loại, từ các nơi xa xôi ấy lại bay trở về, như tìm lại tổ ấm của ngày xưa. Người ta đến xem chim rất nhiều. Riêng tôi đến Canada và Bắc Mỹ cả gần hai mươi lần; nhưng lần nầy mới có cơ hội đi xem loài ngỗng trời nầy. Nghe đâu loài ngỗng nầy cũng rất đoàn kết, khi một con bị bệnh hay vì bất cứ một lý do nào đó, sẽ có hai con khác hộ tống lo lắng cho con bị bệnh đến khi lành, chúng dìu nhau bay theo hướng mũi tên để tìm đàn mà về lại với nhau. Xem ra chúng sống với nhau còn có nghĩa như vậy, không biết khi người ta đi xem chim có được ý niệm nầy chăng? Riêng tôi lúc nào cũng hướng về cố quốc, như loài chim Di, chim Lạc đã mấy ngàn năm bay từ miền Bắc đến miền Nam và ngày nay bay tứ tung ra bốn phương trời ở hải ngoại, rồi có ngày cũng sẽ bay về nơi đất Mẹ thân yêu để tìm lại tổ ấm xưa của cội nguồn dân tộc.

Loài cá Hồi cũng thế, khi mùa lạnh, cá đi, khi xuân sang, cá lại ngược dòng lội về nguồn, trên đường đi ấy gặp biết bao nhiêu chướng ngại. Ví dụ như bị gấu bắt ăn thịt, nước chảy không xuôi dòng... nhưng cá Hồi vẫn một mực trở về lại nguồn gốc của mình tận nơi những dãy non xanh ở những nơi cao nguyên muôn thuở ấy.

Ở Phi Châu có những đàn trâu nước mỗi lần di chuyển đến cả mấy chục ngàn con. Chúng di chuyển thành từng đàn. Mỗi khi có nạn như cọp hoặc sói bắt con của chúng lại, thì hai hoặc bốn con trâu lớn trong đàn sẽ tách rời ra để bảo vệ đánh đuổi cọp, beo, sói dữ, cứu trâu con cho đến khi nào trâu con thoát nạn mới thôi. Như những con trâu mẹ chiến đấu cho và vì con của mình, nếu ai có lòng từ bi và độ lượng, chắc chắn phải cảm động trước sự bảo vệ cũng như sự hy sinh cao cả ấy.

Những thú vật là những loài không tri giác như chúng ta vẫn thường hay hiểu như thế. Nhưng chắc chắn nơi chúng cũng đã nở rộ những đóa hoa lòng, ít nhất là thể hiện nơi đồng bọn khi bị hoạn nạn, lâm nguy. Do vậy mà Đức Phật vẫn thường dạy rằng: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Điều ấy vẫn không sai một mảy ly nào.

Những sự sinh hoạt của thú vật, sự trưởng thành của cây cỏ, sự có mặt của muôn loài nơi quả đất nầy, chúng ta phải hiểu rằng đó là một sự bổ sung cho nhau, một gia tài văn hóa chung của nhân loại, mà mỗi chúng ta cần có bổn phận phải giữ gìn, vun bồi, bón phân, tưới nước. Không vì bất cứ một lý do gì mà sát hại lẫn nhau, cấu xé nhau và nhất là chà đạp những đóa hoa, vốn mang đến cho chúng ta nhiều màu sắc xinh đẹp để trang điểm cho cuộc đời.

Con người là chúa tể của muôn loài, kể cả loài hoa. Nhưng nếu loài người không ý thức cứ mãi tranh bá đồ vương, lường gạt lẫn nhau và sát phạt lẫn nhau, tạo nghi ngờ cho nhau thì sẽ không bằng những động vật hoang dã khác. Vì chúng không hấp thụ nền văn hóa, văn minh trong hiện đại; nhưng chúng đã thể hiện tình đồng loại và sự nở rộ của đóa hoa tâm. Trong khi đó con người chúng ta được xưng tụng là một động vật có trí tuệ cao cả nhất trong muôn vật, chắc chắn chúng ta cũng sẽ không quên cội nguồn và con đường hoán chuyển của nội tâm luôn hướng về bên trong để đóa hoa giác ngộ, đóa hoa tâm, đóa hoa của cõi lòng được chuyển hóa một cách có định hướng để được thành tựu viên mãn.

Cầu nguyện cho mọi loài, mọi người đều có được một tâm hồn thành thực, từ bi và lợi tha để cho muôn vật được nhờ.

Viết tại Chùa Quan Âm, Montréal, Canada

Ngày 28 tháng 4 năm 1998

---o0o---

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/08/2013(Xem: 10602)
Có một người buồn chán vì gia cảnh quá nghèo. Không mua nỗi chiếc giường để nằm. Trong nhà chỉ có một cái ghế dài ... Mỗi ngày anh nằm dài trên đó mà ngủ.
08/08/2013(Xem: 9417)
Hôm nay mới đến tuy còn nhọc, nhưng nghĩ tình Phật tử từ ở Ottawa lên đây chờ đợi nên tôi nói một đề tài nhỏ cho quí vị nghe hiểu, ứng dụng sống đúng với đạo lý. Đề tài tôi nói là Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn.
07/08/2013(Xem: 7275)
NUÔI BỆNH một câu chuyện để suy gẫm nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu Trang nhà Quảng Đức st Diển đọc: Tường Dinh Voice of Vietnam RADIO FM974
06/08/2013(Xem: 19320)
Cơ hội làm người của chúng ta trong đời sống quý báu của kiếp người nầy không bền lâu. Không sớm thì muộn, cái chết rồi cũng sẽ đến với tất cả mọi người. Bản chất thật sự của kiếp sống là vô thường, và cái chết không miễn trừ một ai cả. Chúng ta đã mang không biết bao nhiêu là thân xác mỗi khi chúng ta được sanh ra.
04/08/2013(Xem: 10842)
34 câu nói của người 90 tuổi
04/08/2013(Xem: 17841)
Trong thời gian làm trưởng Ban tổ chức Pháp hội đức Dalai Lama 14 thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam tại Tu viện Namgyal, Dharmasala, Ấn Độ, từ ngày 1-3/7/2013, tôi có cơ hội đọc các danh ngôn của đức Dalai Lama được viết thành thư pháp trong Phòng phát hành của tu viện. Tìm thêm trên trang Wikiquote và Ineedmotivation.com, tôi tuyển chọn thêm, phân loại và dịch sát nghĩa 50 câu danh ngôn dưới đây. Hy vọng, các danh ngôn này soi sáng và giúp chúng ta sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.
31/07/2013(Xem: 13226)
Hạnh phúc & khổ đau
30/07/2013(Xem: 11542)
Thưa Quý chư Tôn Đức Tăng Ni, các anh chị và các bạn , vào thứ 6 tuần này (2/8/2013), chương trình "100 ngàn - Vạn mái ấm" sẽ tổ chức chuyến đi trao nhà kết hợp với khảo sát xây dựng tại tỉnh Đồng Nai. Thân mời các bạn tham dự cùng chương trình nhé. Các bạn liên lạc qua sdt 0168 296 4406 - gặp Lan Anh để đăng ký tham gia và vui lòng đăng ký trước ngày thứ 5 nhé. Mọi thông tin chi tiết, các bạn theo dõi sau đây nhé. Thời gian: 7am đến 17pm. Ngày thứ 6, 2/8/2013 Địa điểm: xã Xuân Bắc, Đồng Nai Chi phí: 200 000 / người. Bao gồm: - Ăn sáng - Ăn trưa - Trái cây vườn, nước uống, khăn lạnh - Chương trình giao lưu, sinh hoạt giữa các thành viên & ban tổ chức. Lịch trình: - 6h45: tập trung tại Trung tâm triễn lãm Tân Bình, đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. - 7am: xuất phát - Chương trình giao lưu trên xe. - 9h30: đến nơi - 10am: tiến hành lễ trao nhà cho gia đình người nhận - 11
30/07/2013(Xem: 9907)
Con xin mạn phép Thầy Thích Huệ Viên, kể lại chuyện này cho mọi người nghe, mong thầy hoan hỷ. Thưa quý vị, nếu quí vị tin, đó là phước báu của quí vị, nếu quí vị không tin là sự thật cũng không sao, chuyện này có thể chứng minh bằng người thật việc thật. Bạn cứ đến chùa xem thử, chứng kiến những điều tôi đã trải qua trong mười ngày qua.
29/07/2013(Xem: 21469)
1:- Quá trình hình thành và phát triển: - Nguồn gốc Tự viện, ngày tháng thành lập PHV, người tiếp quản ban đầu. - Thành phần Ban Giám Viện, Ban Giáo Thọ, Hội Đồng Chứng Minh, số lượng Học Tăng, nhà Trù, cơ sở vật chất v.v… các thời kỳ, trước 1963, sau 1963 đến 1975
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com