Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Những viên thuốc bọc đường

27/08/201113:21(Xem: 10604)
6. Những viên thuốc bọc đường

CHẮP TAY LẠY NGƯỜI
Nguyên Minh

Những viên thuốc bọc đường


chaptaylaynguoi-bia2Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Cơ duyên có ghi lại chuyện ngài Pháp Đạt, xuất gia từ năm 7 tuổi, chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa. Lần đầu tiên tìm đến lễ bái Lục tổ Huệ Năng, khi lễ lạy đầu không sát đất. Tổ sư thoáng nhìn đã biết Pháp Đạt trong tâm có chút kiêu mạn, liền gạn hỏi. Pháp Đạt nói: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã được ba ngàn lượt!”

Tụng kinh đến ba ngàn lượt, cho dù mỗi ngày tụng được trọn một bộ (cả thảy có 7 quyển, 28 phẩm) thì cũng phải mất đến khoảng 10 năm liên tục! Như vậy, ắt hẳn phải thuộc lòng văn kinh; và thọ trì kinh văn được như vậy đã có thể nói là rất chí thiết. Nhưng thái độ chưa đủ chí thành khi lễ lạy Tổ sư và câu trả lời đầy tự mãn như trên lại chứng tỏ vị tăng này chưa nhận hiểu và thực hành được theo đúng nghĩa kinh! Vì như chúng ta vừa đề cập trên, chỉ riêng một phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng đã dạy ta những điều hoàn toàn ngược lại với thái độ ấy, huống chi là đã thọ trì được trọn vẹn cả bộ kinh?

Thế nhưng, chúng ta đừng vội xem thường ngài Pháp Đạt. Kinh Pháp Bảo Đàn cũng ghi rõ là chỉ sau một lần đối thoại trong hôm đó, ngài đã nhận hiểu được những lời dạy của Lục tổ, khai mở được trí tuệ và trở thành một trong những vị danh tăng của thời ấy. Liệu có mấy ai trong chúng ta ngày nay có thể sánh được với năng lực tu tập và nhận hiểu như ngài?

Vấn đề cần lưu ý ở đây là, ngay cả khi có được sự nỗ lực hành trì rất mãnh liệt và chí thiết như ngài Pháp Đạt: xuất gia từ năm lên bảy, tụng đọc kinh Pháp Hoa đến ba ngàn lượt... nhưng vẫn chưa diệt hẳn được tâm chấp ngã! Điều đó cho thấy rằng một nhận thức chân thật về bản ngã không phải là điều có thể dễ dàng và nhanh chóng đạt đến.

Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập ở đây là chuyện về Quốc sư Ngộ Đạt, được nhắc đến trong lời tựa sách Từ bi thủy sám pháp.

Ngài Ngộ Đạt là danh tăng vào đời nhà Đường của Trung Hoa, khi chưa là Quốc sư đã từng chăm sóc một vị tăng mang bệnh ghẻ lở, toàn thân hôi hám. Sau khi lành bệnh, trước lúc chia tay vị tăng ấy có dặn ngài về sau nếu gặp khổ nạn hãy đến tìm ông ta ở núi Cửu Lũng, Bành Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Thời gian sau, ngài Ngộ Đạt nhờ có đạo hạnh cao thâm, uyên bác kinh điển nên được vua Đường Ý Tông vô cùng kính trọng, quyết định tôn ngài làm Quốc sư. Trong một buổi lễ vô cùng long trọng, vua thỉnh ngài ngồi lên tòa trầm hương cao quý nhất trước sự cung kính lễ bái của chính nhà vua cùng với đông đảo thần dân và quan viên lớn nhỏ trong triều đình. Ngay khi ấy, ngài Ngộ Đạt liền khởi lên một ý niệm rằng: “Chỉ có ta mới được nhận sự cung kính đến như thế này!” Ngay khi đó, ngài thấy trong người khó chịu, choáng ngất. Đến chừng tỉnh lại thì nơi đầu gối đã mọc ra một cái ghẻ vô cùng đau nhức.

Đó là một cái ghẻ rất kỳ lạ, có hình dạng như một mặt người. Cái ghẻ ấy khiến ngài đau nhức không sao chịu nỗi, mà biết bao danh y được mời đến cũng đều bó tay không sao chữa trị được. Cuối cùng, ngài nhớ đến lời dặn của vị tăng năm xưa, liền tìm đến núi Cửu Lũng. Quả nhiên gặp được vị tăng ấy.

Vị tăng dạy ngài pháp sám hối và dùng nước suối nơi ấy để rửa cái ghẻ. Nhưng ngay trước khi ngài khoác nước rửa, cái ghẻ bỗng cất tiếng nói như người và nhắc lại mối thâm thù từ một kiếp xa xưa giữa ngài với nó. Trải qua nhiều kiếp sống theo đuổi nhưng kẻ thù này không thể ra tay, chỉ vì ngài luôn tu tập nghiêm cẩn, giữ gìn theo giới hạnh cao quý nên nó không đủ sức làm hại ngài. Chỉ đến lúc ngài được mời lên tòa trầm hương, thoáng một niệm sinh tâm kiêu mạn, kẻ thù mới nhân dịp đó mà ra tay, khiến ngài phải chịu khổ sở vì cái ghẻ oan nghiệt. Sau khi thành tâm sám hối và dùng nước suối nơi ấy rửa qua cái ghẻ, ngài mới được lành lặn như xưa.

Ngài Ngộ Đạt nhân chuyện này mới soạn ra bộ Từ bi thủy sám pháp, là một bản văn sám hối rất hay, lưu truyền mãi đến ngày nay. Pháp sám hối mà ngài đề cập trong bản văn chính là dùng nước từ bi để rửa sạch mọi oan nghiệt, oán thù, giống như ngài đã từng sám hối và nhờ nước suối nơi ngọn Cửu Lũng mà rửa sạch oán thù trong quá khứ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là câu chuyện ly kỳ được truyền tụng qua nhiều đời về Quốc sư Ngộ Đạt, mà chính là cái tâm kiêu mạn mà ngài đã khởi sinh trong chốc lát khi được thọ nhận sự cung kính lễ bái cúng dường. Trong chúng ta, liệu có mấy ai dám sánh với Quốc sư Ngộ Đạt về công phu tu tập cũng như đạo hạnh cao thâm? Vì thế, khi đối mặt với những tác động chi phối của tâm chấp ngã, không thể không hết lòng cẩn trọng.

Bài học muôn thuở được rút ra từ câu chuyện của ngài Ngộ Đạt chính là mối tương quan giữa sự tu tập và ngoại cảnh. Một chú sa-di mới tập tễnh vào chùa, bất cứ ai cũng có thể sai khiến được, sẽ có rất ít nguy cơ sinh lòng kiêu mạn, vì chú tự biết là mình chẳng hơn ai trong môi trường mới. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tinh tấn tu tập, dần dần trở thành một vị cao tăng thạc đức thì thái độ của mọi người chung quanh tất yếu cũng thay đổi, ngày càng bày tỏ sự cung kính nhiều hơn. Và như vậy, công phu tu tập càng cao, giới hạnh càng nghiêm cẩn, kiến thức càng thông tuệ, thì người ta càng nhận được nhiều sự cung kính và xưng tụng. Điều đáng sợ là, trong khi những sự cung kính và xưng tụng đó hoàn toàn xứng đáng đối với người có tài năng và đức hạnh, thì đồng thời nó cũng là liều thuốc có tác dụng ru ngủ sự tinh tấn đồng thời khơi dậy và nuôi lớn tâm kiêu mạn, trở thành một cái bẫy cực kỳ nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều rất dễ rơi vào.

Tiến trình này cũng diễn ra tương tự trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, nhưng dường như rất ít người nhận biết. Những khi cơ hàn lam lũ, tình nghĩa đệ huynh, bằng hữu thường gắn bó như keo sơn, luôn thương yêu tôn trọng lẫn nhau; nhưng đến khi thành đạt, nắm trong tay nhiều của cải, quyền lực, người ta lại rất thường trở nên xa lạ, nhạt nhẽo tình cảm với người khác. Đó là vì “cái ta” của mỗi người luôn lớn lên theo tỷ lệ thuận với giá trị của bản thân mà họ nhận biết được trong mối quan hệ với những người chung quanh. Càng được người khác tôn trọng, cung kính thì “cái ta” càng được nuôi lớn hơn, và “cái ta” càng lớn lên thì người ta sẽ có một cái nhìn khác hơn đối với mọi người quanh mình, thường là thiếu tôn trọng và rất dễ xem thường người khác.

Nếu như người tu hành dễ rơi vào cái bẫy của sự tôn kính lễ lạy, thì những kẻ thế tục cũng có cái bẫy của tiền tài và quyền lực. Bởi nhìn chung thì những thứ ấy đều khiến cho người khác phải bày tỏ sự phục tùng, cung kính đối với ta, và điều đó tất yếu sẽ làm cho sự kiêu căng ngã mạn vốn có của ta càng phát triển, cho đến khi nó khống chế hoàn toàn và biến ta thành một con người khác hơn so với trước đó.

Vì thế, khi ta bắt đầu bước vào con đường đạo thì mục tiêu trước mắt chỉ đơn thuần là học hỏi và tu tập, sao cho có thể dẹp bỏ dần những thói xấu và hoàn thiện bản thân mình. Nhưng khi sự tu tập của ta đạt nhiều thành tựu thì vấn đề bắt đầu thay đổi. Một mặt, ta thường tự hào với những kết quả mà mình đã có được với sự tinh tấn nỗ lực, nhất là khi những kết quả ấy nổi bật hơn so với nhiều người khác; mặt khác, ta cũng dễ dàng nhận ra là những người quanh ta bắt đầu bày tỏ sự ngợi khen, tán thán hay thậm chí là nể phục, tôn kính đối với ta, vì họ cũng thấy được những thành tựu mà ta đã đạt được.

Cho đến đây thì mọi việc vẫn diễn ra hoàn toàn hợp lý và tất yếu, bởi những gì ta có được là xứng đáng, vì chúng được tạo ra từ những nỗ lực chân chánh và đúng hướng của bản thân ta. Thế nhưng, nếu ta không có sự tỉnh táo để nhận biết được nguy cơ tiềm tàng vào lúc này, thì khả năng rơi vào cái bẫy kiêu mạn sẽ ngày càng lớn hơn. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục vững tiến trên đường tu tập thì ngay vào lúc này ta phải biết tỉnh táo để nhận ra ngay mọi khuynh hướng thay đổi đang chớm xuất hiện trong tâm thức.

Ta cần nhận hiểu một cách đúng thật hơn về sự tôn kính mà mọi người chung quanh đang dành cho ta. Lấy ví dụ, khi ta tu tập đúng theo lời Phật dạy và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó rõ ràng có được là nhờ vào đức Phật, người đã vạch con đường cho ta đi theo. Khi ta giảng giải giáo pháp và được nhiều người tôn kính, thì sự tôn kính đó là hướng về giáo pháp, vốn do đức Phật truyền dạy chứ không phải do ta nghĩ ra. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn ngay từ khi nó vừa chớm phát ra.

Mặt khác, nếu ta đạt được nhiều thành công, thậm chí là những kết quả phi thường, khiến mọi người quanh ta đều ngưỡng mộ và tôn kính, thì thật ra những điều đó cũng không phải chỉ riêng mình ta mà có thể đạt được. Điều tất yếu là ta phải có sự giúp sức của nhiều cộng sự, có sự thuận lợi đến từ nhiều yếu tố liên quan... Nếu không, ta không thể đạt được bất kỳ kết quả nào dù là rất nhỏ. Khi nhận thức về sự việc một cách đúng thật và toàn diện như thế, ta sẽ không thấy tự mãn một cách thái quá về những thành tựu của mình. Nhờ đó, ta sẽ chế ngự được tâm kiêu mạn.

Nhưng nếu thiếu sự suy xét tỉnh giác và nhận thức đúng đắn, ta sẽ rất dễ dàng rơi vào con đường tuột dốc vì ngã mạn, thay vì là tiến bộ. Do sự cung kính lễ bái của người khác, ta thường thấy mình trở nên quan trọng, tài đức hơn người, và có vẻ như những người khác không ai có thể sánh bằng ta được... Thậm chí mỗi khi có ai đó bày tỏ thái độ thiếu cung kính hoặc tôn trọng không đúng mức đối với ta, chẳng hạn như chỉ tán tụng sơ sài hơn những người khác hoặc xưng hô bằng những danh xưng không hợp ý ta, ta rất dễ sinh ra phiền não, bực dọc...

Không những thế, khuynh hướng này sẽ ngày càng phát triển. Sự cung kính lễ bái hoặc tán thán ngợi khen của người khác có tính chất tương tự như những liều thuốc kích thích, muốn giữ được tác dụng thì ngày càng phải tăng liều mạnh hơn, nhiều hơn. Nếu như lần đầu tiên được khen ngợi ta có thể hài lòng với một mức độ nào đó, thì về sau những lời khen tương tự như thế sẽ không còn làm ta thỏa mãn nữa. Ta cần đến những sự ca ngợi, tán tụng có mức độ mạnh mẽ hơn, và ta cũng khát khao, thèm muốn nhiều hơn đối với những sự ca ngợi, tán tụng như thế...

Và khi đã rơi vào căn bệnh ngã mạn, đã “nghiện nặng” đối với sự phục tùng và tôn xưng, kính trọng của người khác, ta sẽ dễ dàng đánh mất đi sự sáng suốt và trung thực vốn có trước đây của mình. Ta thèm muốn được người khác xưng tụng, ngợi khen, đến mức không ngần ngại đưa ra những đòi hỏi như thế. Thậm chí ta có thể đòi hỏi hoặc gợi ý người khác nhiều hình thức khác hơn nữa để bày tỏ sự kính trọng đối với ta, như viết văn thơ ca tụng, như tôn xưng ta trước đám đông, hoặc phải bày tỏ sự tôn kính tuyệt đối những lời ta nói ra, hay thậm chí dựng cả tượng đồng để vinh danh ta càng tốt... Nói chung, đó là một con đường tuột dốc cực kỳ nguy hại và không có điểm dừng!

Mặt khác, hệ quả của căn bệnh trầm kha này là ta sẽ luôn tìm mọi cách để che giấu những khuyết điểm hay lỗi lầm của mình, vì ta rất sợ những điều đó sẽ khiến ta mất đi sự tôn kính. Trong khi việc mắc phải một số lỗi lầm hay sai sót là chuyện rất bình thường đối với mọi con người khi chưa đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn, thì đối với ta lại là điều không thể chấp nhận được. Đó chính là vì ta đã nuôi dưỡng “cái ta” lớn lên quá mức, và “cái ta” đó không cho phép ta tự mình hạ thấp hay bộc lộ sự thua kém trước người khác, ngay cả khi đó là sự thật. Than ôi! Ta có ngờ đâu chính khuynh hướng thiếu trung thực, che giấu lỗi lầm như thế sẽ làm cho tâm trí ta ngày càng mê muội hơn nữa, đánh mất đi khả năng trực nhận chân lý cũng như hoàn thiện chính bản thân mình.

Thật ra, trong cuộc sống thì những thay đổi theo khuynh hướng như trên thường rất dễ được mọi người quanh ta nhận ra, nhưng bản thân ta lại không mấy khi tự nhận biết! Chính vì tâm chấp ngã đã làm cho ta trở nên thiếu sáng suốt và luôn nhìn sự vật quanh ta qua một lăng kính biến đổi nhằm thỏa mãn đòi hỏi của nó. Với cách nhận thức biến đổi sự việc theo hướng đó, ta dễ dàng nhận ra và thậm chí là thường khuếch đại những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác, vì điều đó giúp ta cảm thấy mình tốt đẹp hơn, cao quý hơn so với họ. Ngược lại, ta không thể nhận ra hoặc không muốn nhận ra những khuyết điểm, những yếu kém hoặc lỗi lầm của chính bản thân mình, vì điều đó sẽ làm suy giảm sự tốt đẹp của ta đối với người khác, sẽ khiến ta cảm thấy bị tổn thương.

Nếu so sánh với câu chuyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, ta sẽ dễ dàng nhận ra hai khuynh hướng tác động trái ngược nhau. Trong khi sự chân thành tôn kính và lễ bái người khác có thể giúp ta điều phục tâm ý, phá trừ chấp ngã, vững vàng trong sự tu tập, thì tất cả những hình thức ngợi khen, xưng tán hay lễ bái mà người khác dành cho ta lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại, dễ dàng nuôi lớn tâm chấp ngã và đẩy ta vào một sự suy thoái về đạo đức lẫn tinh thần.

Điều đáng chú ý nhất ở đây là, tiến trình đó luôn diễn ra một cách âm thầm, chậm chạp nhưng vô cùng mạnh mẽ, khiến cho ta thậm chí không nhận biết được là mình đang dần thay đổi vì chịu sự tác động của nó!

Nhưng nói như vậy không phải là đổ lỗi cho những sự ngợi khen, xưng tán hay cung kính lễ bái... Trong thực tế, những người có tài năng, đức độ thì tất nhiên rất xứng đáng để được ngợi khen, xưng tán... Và mỗi chúng ta cũng cần thiết phải chân thành biểu lộ sự tôn kính, ngợi khen đối với những người có tài năng, đức độ hơn ta, vì điều đó sẽ giúp ta phát khởi tâm hướng thiện mạnh mẽ hơn, sẽ nỗ lực tinh tấn nhiều hơn để hoàn thiện chính mình.

Vấn đề ở đây là, mỗi khi nhận được sự ngợi khen, xưng tán từ người khác, ta phải luôn có sự tỉnh giác, tự giữ mình; luôn phải nhận biết rằng những lời khen ngợi đó sẽ dễ dàng trở thành những viên thuốc ngủ bọc đường nếu ta thiếu sự tỉnh giác. Và thật ra thì chỉ khi có thể tỉnh táo nhận biết được như vậy, ta mới thật sự xứng đáng với sự ngợi khen, xưng tán hay lễ bái của người khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/12/2013(Xem: 10617)
Các Phật tử nam lắng nghe chăm chú, các Phật tử nữ lặng nhìn, nghe Hòa thượng khai thị. Có lẽ ai nấy cũng chạnh lòng khi biết rằng, chính tại ngôi chùa Cực Lạc Cảnh Giới này, TT. Hạnh Nguyện đang ngày đêm nguyện cầu chư Phật, hộ pháp gia hộ cho công trình xây dựng Chùa Cực Lạc Cảnh Giới sớm thành tựu, và là nơi nương tựa, tu học tâm linh quan trọng của bà con Phật tử Việt Nam ở hải ngoại.
07/12/2013(Xem: 9147)
Sáng ngày 4/12, chùa Việt Nam mới có tầm cỡ bậc nhất tại Thái Lan “Cực Lạc Cảnh Giới” (WAT PA SUKAWADEE) địa chỉ: 75 Moo, 6 Tambon Samoeng-Nue Samoeng, ChiangMai, ThaiLand đã trang nghiêm tổ chức lễ xuất gia cho sáu cư sĩ bạch y Ưu Bà Tắc, dưới sự chứng minh của HT.Thích Như Điển – Tổng thư ký GHPGVNTN Châu Âu- Phương trượng chùa Viên Giác (CHLB Đức), TT.Thích Hạnh Nguyện – trụ trì chùa Cực Lạc Cảnh Giới, TT. Thích Nguyên Hiền – trụ trì chùa Vĩnh Minh (Lâm Đồng)…, gần 80 Tăng Ni Phật tử về tham dự.
07/12/2013(Xem: 8817)
Không ai không muốn xây dựng xã hội mình đang sống thành một xã hội ổn định, có sức sống phát triển bền vững và tốt đẹp. một xã hội tốt đẹp khi có: - Một hướng đi tiến bộ được đa số đồng thuận tin tưởng. - Một sự ổn định trật tự, nghĩa là có tinh thần chịu chấp nhận nhũng kỷ luật chung bắt nguồn từ trung tâm.
07/12/2013(Xem: 8971)
Khi đức Phật đi giáo hóa đến ngự tại động Thất Diệp thuộc núi Kỳ xà Quật gần thành La Duyệt, một hôm con một Trưởng giả tên Thiện Sinh, sáng sớm tắm rửa xong, ra khỏi thành vào vườn cây, dùng hương lễ lạy sáu phương. Lúc ấy, đức Phật đang ở tại động Thất Diệp, Ngài quán sát chúng sinh, thấy vậy, Ngài liền đến chỗ ấy (bằng thần thông) ngay khi Thiện Sinh vừa lễ lạy xong; khi gặp, Ngài nói với thanh niên rằng:
06/12/2013(Xem: 10414)
Người làm vườn chậm rãi quét lá. Cuối đông, những cây phong - lá đổi mầu từ xanh tươi sang đỏ, vàng - đang rụng những chiếc cuối. Thời gian không âm thanh, không hình tướng mà lại hiện hữu rõ rệt ở mọi nơi, mọi vật qua những đổi thay, luân chuyển của đất trời. Hoa ấy rực rỡ đầu hè, đã úa tàn cuối thu; mầm ấy trồi xanh tháng lạnh, cành lá đã xum xê khi nắng ấm; quỳnh nẩy nụ ngày xuân, đêm trăng rằm tháng hạ đã chợt ngạt ngào hương sắc…….
05/12/2013(Xem: 13024)
Từ Tam Kỳ tôi về lại Đà Nẵng năm 1965 để hầu ôn Phổ Thiên và tiếp tục đi học tại trường trung học Phan Châu Trinh. Ôn cư ngụ tại Chùa Diệu Pháp, nhưng thường xuyên sinh hoạt tại Chùa Phổ Đà. Hai chùa cách nhau năm bảy căn nhà
03/12/2013(Xem: 58030)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23624)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
29/11/2013(Xem: 13459)
Gần đây, sau ngày Giáo Hội ra mắt cơ quan TTTT Trung ương, hàng loạt vấn đề nhạy cảm phơi bày mang tính méo mó của một số báo chí nói về những tu sĩ Phật giáo.
27/11/2013(Xem: 50207)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]