Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Thành Vương Xá

14/07/201112:28(Xem: 6126)
07. Thành Vương Xá

THÀNH VƯƠNG XÁ (RAJAGAHA) NƠI ĐỨC PHẬT

THƯỜNG LUI TỚI HOẰNG PHÁP KHI CÒN TẠI THẾ


Thành Vương Xá, một trong những thành cổ nhất trên thế giới, là kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), dưới quyền trị vì của Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước Tây lịch) thời Phật còn tại thế. Đây cũng là một thánh tích Phật giáo quan trọng vì là nơi xưa kia đức Thế Tôn thường lui tới hoằng pháp, đã trải qua ở đây năm mùa kiết hạ an cư và hóa độ cho hai đạo sĩ Bà la môn trở thành đại đệ tử xuất gia của Ngài là Đại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Vương Xá còn đặc biệt nổi tiếng với tu viện Trúc Lâm (Veluvana) do vua Tần Bà Sa La xây cất đầu tiên để dâng cúng cho đức Phật và giáo đoàn của Ngài làm nơi thường trú hoằng pháp; núi Linh Thứu (Gijjhakuta) nơi đức Thế Tôn đã thuyết giảng các bộ kinh lớn của đại thừa Phật giáo như Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-pundarika Sùtra), Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Surangama Samadhi Sùtra) v.v…và hang núi Thất Diệp (Saptaparni Cave) là nơi đã tổ chức đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, không lâu sau ngày đức Phật nhập Niết Bàn.

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH VÀ LỊCH SỬ KIẾN TẠO CỔ THÀNH VƯƠNG XÁ

Vương Xá, danh từ Pali gọi “Rajagaha” (tiếng Sanskrit: Rajagriha), ngày nay có tên “Rajgir”, một thành phố nhỏ nằm cách xa đường bộ làng Nalanda 13 cây số, khoảng 40 dặm (miles) thành phố Gaya và 64 dặm thị trấn Patna, thủ phủ của tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ.

Theo các học giả cho biết, thành có tên Rajagaha hay Vương Xá vì nó do các vua chúa lập nên, và mỗi nhà tại đây được xây cất như một cung điện. Danh từ “Raja” nghĩa là “Vương” và “Gaha”, nghĩa là “Xá” (tức nhà ở), gọi chung là “Vương Xá”.

Vương Xá (Rajagaha) ngày xưa trước thời đức Phật ra đời (thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch) có rất nhiều địa danh. Tập Sử Thi (Epic) Ràmàyana của Ấn Độ chép rằng, thành Vương Xá do vua Vasu, con thứ tư của thần Brahma (Phạm Thiên) lập nên và đặt tên là Vasumati. Theo tài liệu trong tập Mahàbhàrata và Purànas, thành có tên Bàrhadrathapura do vua Brihadratha xây dựng. Sau này, người kế vị ông ta là Jarasandha, một trong những vị vua có thế lực nhất thời đó.

Nhưng theo một số tài liệu trong vài kinh điển của đạo Kỳ Na (Jainism) và Phật giáo ghi chép bằng tiếng Phạn (Sanskrit) cũng như tập “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang, Vương Xá xưa kia được gọi tên Kusàgrapura, có nghĩa là “thành của loại cỏ hiên ngang” (City of the superior grass) vì tại đây người ta thấy cây cỏ đặc biệt này mọc khắp nơi.

Thêm nữa, sử liệu trong tập Sasanavamsa (Lịch sử Phật giáo) do Pannasàmi, nhà sư Miến Điện viết năm 1861 cho biết người đã thành lập thành Vương Xá là vua Mandhàtà. Ngài Phật Minh (Buddhaghosa), nhà đại luận sư Phật giáo (sanh tại Ấn Độ

vào thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch) thì bảo rằng, thành có 32 cửa chính và 64 cửa phụ; còn tài liệu ghi chép trong Luật tạng (Vinaya Pitaka) lại nói vào ban đêm cửa thành này luôn đóng kín, và sau khi cửa thành đã đóng thì không một ai, kể cả nhà vua được phép ra vào.

Sau cùng, theo giáo sư Rhys Davids (1843-1922), Vương Xá (Rajagaha) đúng ra gồm có hai thành phố: một kinh thành cũ mang tên Giribbaja(tiếng Pali) hay Girivraja (tiếng Sanskrit) với các ngọn đồi bao quanh do vua Mahagovinda kiến tạo trước kia, và một kinh thành mới được xây dựng sau này ở phía dưới chân đồi bởi vua Bimbisara hay Tần Bà Sa La (nhưng có thuyết lại bảo rằng do vua Ajatasattu –A Xà Thế lập nên), và thành này mới đích thực là thành Vương Xá (Rajagaha), ngày nay có tên “Rajgir”.

Tưởng nên biết thêm Giribbaja là kinh đô xưa nhất của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) và sở dĩ có tên gọi như vậy là vì thành Giribbaja được bao bọc xung quanh bởi nhiều ngọn đồi (the enclosure of hills). Theo tài liệu ghi chép trong Kinh tạng Phật giáo tiếng Pali, tên năm ngọn đồi đó là: Vibhara, Pandava, Vepulla, Gijjhakuta (Linh Thứu Sơn) và Isigili.

II. VƯƠNG XÁ THỜI ĐỨC PHẬT TẠI THẾ

A. KINH ĐÔ VƯƠNG QUỐC ANGA-MAGADHA

Vào thời đức Phật (thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch), xứ Anga (Ương Già), một trong 16 tiểu quốc của Ấn độ xưa kia bị triều đình Magadha (Ma Kiệt Đà) đánh chiếm sát nhập chung vào, và Rajagaha (Vương Xá) bấy giờ trở thành thủ đô chung của vương quốc Anga-Magadha, dưới quyền trị vì của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước T. L.) và con là A Xà Thế (Ajatasattu: 491- 462 trước T. L).

Ngày nay Anga-Magadha thuộc các quận Patna, Gaya, Bhagalpur và Monghyr, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. Theo các học giả Dr.B.C.Law, Dr.Malalasekera và Spence Hardy, trích dẫn tài liệu ghi chép trong Kinh tạng Phật giáo Nam tông cho biết, vào thời đức Phật tại thế, vương quốc Magadha (gồm cả Anga) có chu vi rộng khoảng 2.300 dặm (miles) với 80.000 ngôi làng và dân số 180 triệu.

B. SINH HOẠT CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ

Vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) nói chung và riêng thủ đô Vương Xá (Rajagaha) dưới thời cai trị của các vua Tần Bà Sa La và A Xà Thế, đã trở thành một trung tâm trọng yếu về chính trị cũng như kinh tế. Trong thời gian này, thế lực chính trị, quân sự của vua Tần Bà Sa La và A Xà Thế rất mạnh. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) đánh chiếm xứ Anga (Ương Già), còn A Xà Thế (Ajatasattu) đã nhiều lần gây chiến với vua Ba Tư Nặc (Pasenajit) nước Kiều Tát La hay Kosala (nay là quận Berar, tiểu bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ) và thị tộc Ly Xa (Licchavi) thuộc tiểu quốc Vajji (nay là quận Muzaffarpur, tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn).

Vua Tần Bà Sa La đã kết hôn với công chúa Kosala-Devi (Vi Đề Hy), con vua Mahakosala, nước Kiều Tát La (Kosala). Vi Đề Hy là em gái vua Ba Tư Nặc và sau này bà ta trở thành thân mẫu của vua A Xà Thế. Triều đình Magadha bấy giờ không những giao hảo với xứ Kosala mà còn kết thân với vua Pukkusàti nước Gandhara – Kiện Ðà La (nay là quận Peshawar và Rawalpindi, thuộc Pakistan –Hồi quốc), và vua Rudràyana ở thị trấn Roruka, kinh đô xứ Sovira (nay là quận Eder, tiểu bang Gujarat, miền tây Ấn Độ).

Về mặt kinh tế, thời ấy Rajagaha (Vương Xá) được xem như một trong sáu thị trấn lớn nhất của Ấn Độ, năm thành phố kia là Campa (Chiêm Ba), Saketa, Kosambi (Kiều Thướng Di), Savatthi (Xá Vệ) và Baranasi (Ba La Nại). Vì vậy, nơi đây đã trở thành địa điểm giao thương trọng yếu và gặp gỡ của những tay buôn đến từ các tiểu quốc lân cận.

Sau đây là khoảng cách đường bộ từ Vương Xá đi các thị trấn khác:

Vương Xá (Rajagaha) cách xa Takshasila, thủ đô của Gandhara (Kiện Ðà La) khoảng 476 dặm (miles); thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ): 180 dặm; Savatthi (kinh đô nước Kosala): 135 dặm; Kusinara (xứ Mallas): 75 dặm và Nalanda (nay thuộc quận Patna, tiểu bang Bihar): 7 dặm.

Tài liệu ghi chép rải rác trong Kinh tạng Phật giáo còn cho biết bấy giờ các thương gia thường đi ngang hoặc ghé Vương Xá để mua và bán những hàng hóa của họ. Các nhà thương mãi tại Vương Xá cũng thích qua buôn bán ở Roruka (nay thuộc tiểu bang Gujarat, miền tây Ấn Độ). Nhiều người ở Magadha cũng như Vương Xá làm ăn khá phát đạt và giàu có. Chẳng hạn ông Sankha được nhắc đến trong câu chuyện tiền thân Asampadàna Jataka (số 131) là một chủ ngân hàng có số vốn 800 triệu đồng (80 crores). Chúng ta cũng được kể lại qua tập chú giải Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự) rằng có một thương gia khác ở thành Vương Xá quá giàu đến nổi mỗi ngày ông tiêu xài hết 1.000 đồng tiền. Trong Luật tạng (Vinaya Pitaka) đã ghi lại cho biết trên đường từ Rajagaha (Vương Xá) đến thành phố Andhakavinda ở Magadha đôi lúc người ta thấy có tới 500 cổ xe bò chở đầy những hủ đường lớn đi ngang qua.

C. TRUNG TÂM HỘI HÈ, ĐÌNH ĐÁM

Vương Xá cũng là nơi hàng năm có nhiều tế lễ, hội hè. Trong Luật tạng (Vinaya Pitaka) ghi chép, một hôm đức Phật ghé lại ở Kalandakanivapa tại thành Vương Xá, bấy giờ gặp lúc dân chúng đang tổ chức ngày hội vui gọi là Giraggasamajja với hàng chục ngàn người tụ họp trong cả trăm ngôi vườn để đàn ca, múa hát và trình diễn văn nghệ. Các đám rước, hội hè ấy rất phổ thông đối với người dân sống ở thành Vương Xá vào thời đức Phật còn tại thế như đã được thấy ghi lại trong các mẩu chuyện tiền thân (Jataka) của Ngài. Vì đó là dịp cho mọi tầng lớp dân chúng gặp gỡ vui chơi, ăn thịt, uống rượu thỏa thích.

Chúng ta cũng đọc thấy qua cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) một ngày hội khác được tổ chức tại Vương Xá, trong đó có 500 cô trinh nữ cúng dường cho Đại đức Ca Diếp (Mahakassapa) một chiếc bánh và Ngài đã hoan hỷ nhận lấy. Ngoài ra, còn có ngày hội gọi là Nakkhattakila hay “Cuộc chơi của những ngôi sao” (Sport of the stars) mà phần đông người tham dự là hạng giàu có ở thành Vương Xá, kéo dài suốt cả tuần lễ.

D. VƯƠNG XÁ VỚI CÔNG CUỘC HOẰNG PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT

Vương Xá là nơi đức Phật, sau khi chứng đạo giác ngộ, đã thường lui tới hoằng pháp, hóa độ rất nhiều người từ hạng vua chúa, quý tộc, tu sĩ ngoại đạo, kỷ nữ cho đến hàng dân chúng hạ tiện. Dưới đây là một số nhân vật, đã được đức Phật hóa độ, trở thành những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài:

1. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara)

Theo tập “Đại sử của Tích Lan” (Mahavamsa), Bimbisara là con vua Bhati và hoàng hậu Bimbi, nhưng theo sử liệu của Phật giáo Tây Tạng, thân sinh của Bimbisara là vua Mahapaduma, người đã truyền ngôi cho Bimbisara lúc thái tử mới được mười lăm tuổi. Vua Tần Bà Sa La sống cùng thời với đức Phật và kém thua Ngài năm tuổi.

Kinh Pabbajja chép rằng, vua Tần Bà Sa La gặp đức Phật (bấy giờ đang còn là Sa môn Siddhattha –Tất Đạt Đa) lần đầu tiên khoảng bảy năm trước khi Ngài thành Đạo. Một hôm, nhà vua từ cửa sổ nơi cung điện nhìn thấy Sa môn Siddhattha đang đi khất thực hướng về đồi Pandava ở thành Vương Xá, nhà vua sai các quan triều thần đến tiếp kiến để mời Sa Môn về hoàng cung nhưng người đã từ chối. Cuối cùng, vua Tần Bà Sa La đích thân đến gặp, đàm đạo với Siddhatha. Sau khi biết người là hoàng tử con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) trị vì bộ tộc Thích Ca (Sakya) thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) bỏ nhà đi tu, nhà vua rất mến phục. Ông yêu cầu Siddhattha nên chấm dứt cuộc sống tu hành về hợp tác cai trị vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) và nhà vua sẵn sàng hiến tặng cho Siddhattha một nửa đất nước của mình; nhưng Sa môn Siddhattha vẫn từ chối không nhận. Sa môn nói rằng, vì mong sớm tìm ra đạo giải thoát để tự độ mình, cứu giúp chúng sanh mà người đành phải dứt bỏ cuộc đời vương giả, xa lìa vợ con thân yêu và chấp nhận sự sống theo lối tu hành khổ hạnh ép xác. Sa môn Siddhattha cũng hứa với Tần Bà Sa La rằng sau khi tìm ra được Đạo lớn, người sẽ trở lại thành Vương Xá để thăm và dạy đạo cho nhà vua.

Cho nên để giữ lời hứa, sau khi tìm ra đạo giác ngộ, chuyển pháp luân tại Vườn Nai (Lộc Uyển), đức Phật trước tiên đã đi Vương Xá (Rajagaha) để hoằng pháp. Ngài đến trú ở đền Supatittha tại Latthivana hay “Rừng Kè” (Palm Grove) bên ngoài thành Vương Xá (nay cách khoảng hai dặm phía bắc thị trấn Tapovana trong quận Gaya, tiểu bang Bihar).

Hay tin vua Tần Bà Sa La cùng với một trăm hai chục nghìn người gồm các đại thần, hoàng tộc, tu sĩ Bà la môn và dân chúng khắp nơi kéo đến đảnh lễ đức Phật. Nhân dịp này, Ngài thuyết cho nhà vua và mọi người hiểu biết về những giáo lý căn bản như bốn sự thật (Tứ Diệu Đế), Lý Nhân Duyên Sanh, Tự tánh vô thường, vô ngã của năm uẩn và vạn vật v.v… Nghe xong, vua Tần Bà Sa La cùng với một trăm mười nghìn người đã phát tâm xin Phật làm lễ quy y Tam Bảo và tất cả liền chứng được quả Tu đà hoàn (Sotapannas), quả thứ nhất trong bốn quả Thánh.

Sau đó, nhà vua đã cung thỉnh đức Phật và Tăng chúng về hoàng cung để cúng dường trai tăng. Ngài hoan hỷ nhận lời. Bấy giờ, vua trời Đế Thích cải dạng làm một thanh niên ca hát, tán dương đức Phật để cùng đi theo hầu Ngài trở về cung điện. Khi đức Phật thọ trai xong, vua Tần Bà Sa La truyền mang ra một cái bình bằng vàng. Nhà vua tự tay làm lễ rót nước trong bình lên tay đức Phật và trịnh trọng tuyên bố:

- Bạch đức Thế Tôn, cũng như nước trong chiếc bình vàng này chảy vào tay Ngài, khu vườn Trúc Lâm (Veluvana) kể từ hôm nay đã được trẫm dâng cúng cho Ngài và giáo đoàn của Ngài sử dụng làm nơi thường trú để hoằng pháp.

Đức Phật hoan hỷ nhận lãnh. Và để đánh dấu sự kiện lịch sử này, theo tài liệu ghi chép trong chuyện tiền thân (Jataka) Mahanaradakassapa (số 544), bấy giờ khắp mặt đất đều rung chuyển. Kể từ đó cho đến ngày đức Vua từ trần, khoảng 37 năm sau, vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) đã hết lòng ủng hộ đức Phật và giáo đoàn của Ngài trong công cuộc hoằng truyền chánh pháp tại khắp vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha)

2. Đại Đức Xá Lợi Phất và Mục kiền Liên

Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) sanh tại Nalanda (cách Vương Xá bảy dặm), con ông Vanganta và bà Rùpasàri. Ngài Mục Kiền Liên (Moggallana) sanh tại Kolitagàma (cũng gần Vương Xá) con bà Moggali. Cả hai thuộc dòng dõi Bà la môn, kết bạn thân với nhau từ nhỏ. Một hôm, hai người rủ nhau đi coi hát và qua tuồng tích đổi thay trên sân khấu, cả hai nhận thức được cuộc sống vô thường ở thế gian, nên quyết định bỏ nhà đi tu, tìm thầy học đạo. Đầu tiên, hai ông đến xin tu học với đạo sĩ Sanjaya Belatthiputta (Tán Nặc Gia Tỳ Xá Lê Tử), một lãnh tụ giáo đoàn của hai trăm năm mươi vị du sĩ (gọi là Paribbàjakas) nổi tiếng bấy giờ tại thủ đô Vương Xá. Về sau, hai người tiếp tục đi khắp nhiều vương quốc trong toàn cõi Ấn Độ mong tìm các đại chân sư khác để học đạo, nhưng cuối cùng vẫn không gặp được ai. Rồi cả hai chia tay nhau mỗi người đi một ngả, nhưng hẹn là ai chứng đạt được đạo giải thoát trước thì phải thông báo và chỉ dẫn cho người kia biết.

Một hôm, ngài Xá Lợi Phất trông thấy Sa môn Assaji (A Thấp Bà Trí) đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Assaji là người sau cùng trong số năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên, được đức Phật khai ngộ cho ở Vườn Nai (Lộc Uyển) gần thành Ba La Nại (Baranasi). Thấy phong độ tự tại và giải thoát của Assaji, ngài Xá Lợi Phất vô cùng cảm phục và thầm nghĩ chắc chắn đây là một vị tu sĩ đã chứng đạo giác ngộ. Ngài Xá Lợi Phất liền đi theo Assaji, đến gần cúi đầu chào và lễ phép hỏi:

- Thưa Ngài, Ngài đã xuất gia tu học với ai? Ai là thầy của Ngài và vị đạo sư ấy đã dạy giáo pháp gì?

Ông ta trả lời:

- Tôi tu học dưới sự hướng dẫn của đức Phật, xuất thân từ dòng họ Thích Ca (Sakya). Hiện người đang ở nơi đền Supatittha trong Rừng Kè, bên ngoài thành Vương Xá.

Nghe đến danh hiệu đức Phật, ngài Xá Lợi Phất mừng rỡ, thưa tiếp:

- Thầy của Ngài dạy giáo pháp gì, xin Ngài hoan hỷ cho tôi biết sơ qua một chút.

Sa môn Assaji từ tốn đọc cho ngài Xá Lợi Phất nghe một bài kệ mà đức Phật đã dạy như sau:

Muôn vật từ duyên sanh,

Lại từ duyên mà diệt

Bậc giác ngộ tuyệt vời

Đã từng thuyết như vậy”.

Nghe xong bài kệ, ngài Xá Lợi Phất liền chứng được sơ quả Tu đà hoàn. Ông ta vội vàng tìm đến báo tin và đọc lại cho người bạn Mục Kiền Liên nghe bài kệ nói trên. Sau khi nghe bài kệ, ngài Mục Kiền Liên cũng chứng quả Tu đà hoàn. Rồi cả hai quyết định tới gặp đức Phật để xin xuất gia. Trước khi đi, hai người đến báo cho vị thầy cũ là đạo sư Sanjaya và hai trăm năm mươi vị du sĩ, bạn đồng tu với họ trước kia được biết với hy vọng tất cả đều nghe và cùng đi theo họ đến gặp Phật. Sau khi nghe cả hai trình bày về giáo lý cao siêu nhiệm mầu của đức Thế Tôn, đạo sư Sanjaya hoàn toàn phản đối (có tài liệu nói rằng sau này Sanjaya đã bị thổ huyết chết) nhưng hai trăm năm mươi vị du sĩ đồng ý đi theo.

Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đưa họ đến Rừng Kè. Gặp đức Phật, mọi người đều sụp xuống lạy và cầu xin được xuất gia. Ngài hỏi thăm, khuyến khích các vị du sĩ, dạy cho họ về giáo lý bốn sự thật và chấp thuận cho tất cả cạo tóc làm Tỳ kheo, gia nhập đoàn thể Tăng già. Về sau, hai Đại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên trở thành hai đệ tử lớn của đức Phật: ngài Xá Lợi Phất với trí tuệ bậc nhất, còn ngài Mục Kiền Liên có nhiều thần thông bậc nhất.

3. Hoàng hậu Khema

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở thành phố Sagala, thủ đô vương quốc Madda (nay là thị trấn Sialkot, tiểu bang Punjab, miền bắc Ấn Độ), hoàng hậu Khema rất có nhan sắc, và sau này, bà trở thành chánh cung (vợ chánh) của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara).

Bấy giờ đức Phật đang trú ở tu viện Trúc Lâm, hãnh diện với sắc đẹp kiều diễm của mình, hoàng hậu Khema không muốn đến gặp Ngài, vì bà nghe người ta bảo rằng đức Phật rất khinh thường sắc đẹp thể xác của nữ giới. Vua Tần Bà Sa La, vì muốn hoàng hậu đến viếng thăm đức Thế Tôn nên nhà vua đã truyền lệnh cho các thi sĩ làm thơ ca tụng cảnh trí đẹp đẽ, huy hoàng của tu viện Trúc Lâm; và cuối cùng, do sự thúc đẩy, khuyến khích của chồng, một hôm bà tới yết kiến đức Phật. Khi thấy hoàng hậu Khema đến, Ngài dùng thần thông làm hiện ra một nữ thần có sắc đẹp gấp trăm lần hơn bà ta; trong khi ấy hoàng hậu nhìn lại thấy thân hình của mình dần dần biến đổi từ lúc còn trẻ xinh đẹp sau trở nên già, da mặt nhăn nheo xấu xí, và cuối cùng bà ngã lăn xuống đất nằm bất động.

Nhìn cảnh tượng ấy, bà Khema thất kinh hoảng sợ, đức Phật bấy giờ thuyết giảng cho hoàng hậu thấy rõ về sự mong manh tàn tạ của sắc đẹp nữ giới và cuộc sống vô thường ở thế gian. Ngay lúc đó, bà liền chứng đắc quả A la hán. Về sau, với sự đồng ý của vua Tần Bà Sa La, hoàng hậu Khema được đức Phật nhận cho đi tu làm Tỳ kheo ni và trở thành một trong những đệ tử lớn đứng hàng đầu bên nữ chúng xuất gia của Ngài.

4. Y sĩ Jivaka

Kỳ Bà (Jivaka), vị thầy thuốc và nhà giải phẩu lừng danh thời Phật tại thế, là con của Salavati, một cô gái làng chơi nổi tiếng tại thành Vương Xá. Sau khi sinh Jivaka, cô Salavati đặt đứa bé trong chiếc giỏ và cho người đem liệng nơi đống rác. Sáng nọ, hoàng tử Abhaya, con vua Tần Bà Sa La trên đường đi vào hoàng cung bắt gặp đứa trẻ nằm giữa những con quạ đen bu quanh, ông ta mang về nhà nuôi. Vì khi tìm thấy, đứa nhỏ còn sống nên Abhaya đặt tên nó là “Jivaka”.

Lớn lên, Jivaka tự ý đi Takkasila (nay thuộc Hồi quốc) học nghề thầy thuốc trong bảy năm với giáo sư Disapamokha. Sau khi nhận thấy Jivaka thông thạo có thể sử dụng các loại lá cây để chữa lành bệnh nhân, thầy của Jivaka khuyên ông ta nên trở về quê làm nghề thầy thuốc giúp đỡ mọi người. Trên đường trở lại Vương Xá, bệnh nhân đầu tiên mắc chứng đau đầu kinh niên mà Jivaka đã chữa lành là vợ của một nhà triệu phú ở thành phố Saketa (cách Xá Vệ 49 dặm) và ông được thưởng mười sáu ngàn đồng tiền vàng, một chiếc xe ngựa với hai người tớ trai. Khi về đến Vương Xá, Jivaka mở phòng khám bệnh và đã chữa lành bệnh cho vua Tần Bà Sa La. Ông được Vua ban thưởng cho nhiều đồ nữ trang của năm trăm vị cung phi, nhưng Jivaka từ chối không nhận. Về sau ông được triều đình bổ nhiệm làm y sĩ chính thức cho nhà vua và đức Phật cùng với giáo đoàn của Ngài.

Jivaka rất kính trọng đức Phật. Một hôm Ngài bị đau, cần dùng thuốc xổ, ông lấy ba nắm hoa sen nhúng vào nước có ngâm thuốc trao cho đức Phật, và bảo Ngài ngửi những bông sen ấy rồi đi tắm nước ấm. Đức Phật đã làm theo lời chỉ dẫn của Jivaka, sau đó Ngài cảm thấy trong người khỏe ra và hết bệnh. Ngày nọ, Jivaka dâng cúng đức Phật một chiếc áo choàng bằng lụa đắc tiền do vua Pajjota xứ Ujjeni (nay là thành phố Malwa) hiến tặng nhờ ông chữa lành bệnh cho nhà vua. Sau này đức Phật đã hồi hướng phước báu một buổi giảng pháp của Ngài cho công đức cúng dường trên của Jivaka, nhờ vậy mà ông chứng đắc được quả Tu đà hoàn. Từ đó, ông xin Phật làm lễ quy y Tam Bảo, và mỗi ngày hai lần Jivaka vào tu viện Trúc Lâm thăm Ngài.

Về sau, thấy tu viện Trúc Lâm hơi xa cách nên Jivaka đã phát tâm dựng nên ngôi tịnh xá mới ngay trong vườn xoài của ông với nhiều phòng ở và tiện nghi cần thiết để cúng dường cho đức Phật và Tăng chúng làm nơi thường trú hoằng pháp độ sanh. Jivaka được đức Phật tán dương như một trong những đệ tử hộ pháp đắc lực đứng hàng đầu trong chúng thiện nam cư sĩ tại gia bấy giờ tại thành Vương Xá.

5. Thương gia Tu Ðạt Ða (Sudatta)

Cư sĩ Sudatta (Tu Đạt Ða), là con của nhà triệu phú Sumana ở thành Savatthi tức Xá Vệ (thủ đô nước Kosala –Kiều Tát La) thời Phật tại thế. Vì hay trợ cấp, giúp đỡ cho những kẻ cô đơn nghèo khổ nên ông được dân chúng trong làng tặng cho biệt danh “Anathapindika” nghĩa là “Cấp Cô Độc”. Sudatta lập gia đình với cô Punnalakkhana, có bốn con: một trai và ba gái.

Vợ của Sudatta là em của một nhà triệu phú ở thành Vương Xá. Ngày nọ, khi Sudatta đến Vương Xá buôn bán, ông ta thấy gia đình ông anh vợ mình đang bận rộn lo nấu nướng như có tiệc cưới để chuẩn bị lễ cúng dường trai tăng cho đức Phật và Tăng chúng vào ngày hôm sau. Nghe tin như thế, Sudatta cũng muốn gặp đức Phật nên hỏi ông anh vợ:

- Vậy bây giờ em muốn đến gặp đức Phật có được không?

Ông anh trả lời:

- Bữa nay không đi được, nhưng sáng mai thì em có thể tới viếng thăm Ngài.

Vì nóng lòng muốn gặp đức Phật nên suốt đêm hôm ấy Sudatta bồn chồn không ngủ được và thức dậy đến ba lần để xem trời đã sáng chưa. Cuối cùng, Sudatta đứng dậy xô cửa ra đi trong đêm tối, hướng về Sitavana hay “Rừng Lạnh” (Hàn Lâm), nơi đức Phật đang ẩn cư, cách không xa tu viện Trúc Lâm.

Khi Sudatta đến nơi, các vị thiên thần mở cổng cho ông vào, nhưng bên ngoài trời vẫn còn tối đen. Sudatta sợ hãi đến dựng tóc gáy, muốn trở lui; nhưng bổng từ không trung vọng lên tiếng nói:

-“Nếu có người phát tâm bố thí một trăm ngàn thớt voi, ngựa, cổ xe và thiếu nữ trang sức đẹp đẽ, phước đức ấy của họ cũng không bằng một phần mười sáu phước đức tạo ra do sự kính lễ, cúng dường ngôi Tam Bảo. Hỡi nhà triệu phú! Duyên lành đã tới, hãy kiên trì tinh tấn, đừng thối chuyển”.

Rồi bóng đêm tan biến và trời sáng ra. Nỗi lo sợ của Sudatta cũng bớt đi. Nhưng trời tối đen trở lại và ông ta lại sợ hãi, muốn đi lui. Từ hư không lại vọng ra lời khích lệ, Sudatta nghe ba lần như vậy. Cuối cùng, Sudatta mạnh dạn tiến vào Silavana (Rừng Lạnh). Bấy giờ trời mới bắt đầu hừng sáng. Sudatta nhìn thấy đức Phật đang đi hành thiền trong sân. Sudatta tiến lại gần quỳ xuống lạy Ngài. Đức Phật mời ông ta ngồi, giảng cho Sudatta nghe về đạo lý bốn sự thật, nhân duyên sanh, tự tánh vô thường, vô ngã của vạn vật v.v… Nghe xong, Sudatta liền đắc quả Tu đà hoàn, được đức Phật làm lễ truyền Tam quy Ngũ giới và nhận ông ta làm đệ tử cư sĩ tại gia.

Để tạ ơn Phật, Sudatta cung thỉnh Ngài và Tăng chúng ngày hôm sau đến nhà người anh vợ của ông thọ trai do ông trực tiếp đứng ra lo trang trải tổ chức cúng dường. Sau lễ trai tăng, Sudatta cũng thỉnh cầu đức Phật và giáo đoàn của Ngài mùa hè năm tới sẽ về an cư kiết hạ tại thành Savatthi (Xá Vệ). Đức Phật, sau khi tham khảo ý kiến với các vị đệ tử lớn, đã hoan hỷ nhận lời.

6. Đạo sĩ lõa thể Jambuka

Sinh trưởng trong một gia đình giàu có tại thành Vương Xá, nhưng ngay từ nhỏ ông ta đã không dùng thức ăn gì được ngoài phẩn uế. Lớn lên, vì không bao giờ chịu mặc quần áo nên cha mẹ gửi ông đến học đạo với các nhà tu khổ hạnh lõa thể Ajivakas. Sau một thời gian chung sống, các vị này biết Jambuka có tật xấu thích ăn đồ dơ nên đuổi ông ta đi. Jambuka đến ở nơi một hốc đá phía sau thành Vương Xá, sống tại đây năm mươi lăm năm và tiếp tục tu khổ hạnh, lõa thể, ban ngày chỉ đứng một chân còn ban đêm thì đi tìm ăn phẩn uế của thiên hạ.

Sáng nọ, trong khi nhập định, đức Phật quán biết nhân duyên chứng đạo giải thoát của Jambuka sắp tới nên Ngài tìm đến ở trong một hang đá kế cận nơi Jambuka đang sống. Vào nửa đêm, Jambuka thấy ba lần núi đồi rực sáng khi các vua trời Đế Thích, Phạm Thiên đến viếng thăm và đảnh lễ đức Phật. Hôm sau, ông tới gặp nhờ Ngài giải thích về hiện tượng xảy ra trong đêm qua. Sau khi nghe đức Phật cho biết lý do là các vua Trời đã đến lễ bái Ngài, Jambuka vô cùng kính phục, nghĩ rằng đức Phật chắc hẳn là một Đấng siêu nhân vô cùng cao quý.

Nhân dịp này, đức Phật khuyên Jambuka nên từ bỏ lối tu khổ hạnh sai lầm đó và thuyết giảng cho biết rằng vì tiền kiếp Jambuka đã tạo ác nghiệp phỉ báng một vị Thánh Tăng nên ngày nay ông phải chịu quả báo sống đọa đày như thế. Vào lúc ấy, nhìn nơi mình đang trần truồng, Jambuka cảm thấy mắc cở và xấu hổ, đức Phật liền trao cho ông ta một chiếc khăn choàng tắm để che thân. Nghe xong bài pháp, Jambuka xin theo Phật thọ giới xuất gia và liền chứng đắc quả A La hán. Dân chúng khắp nơi kéo đến cúng dường cho Jambuka. Bấy giờ Đại Đức biểu diễn thần thông cho bà con xem và đến quỳ lạy đức Phật để xác nhận trước mọi người rằng ông là đệ tử của Ngài.

7. Thanh niên cùi Suppabuddha

Vào lúc đức Phật đang ở tu viện Trúc Lâm tại thành Vương Xá, Suppabuddha là một thanh niên mắc bệnh cùi lại nghèo rách mồng tơi, không một đồng dính túi. Bữa nọ, thấy đông đảo bà con ngồi xúm quanh tại một khoảnh đất bên vệ đường, Suppabuddha tưởng rằng người ta đang phát chẩn cho kẻ nghèo, anh định tới để xin ăn. Nhưng khi lại gần Suppabuddha mới biết là mọi người đang ngồi nghe đức Phật thuyết pháp. Anh ta sung sướng cũng muốn được nghe giáo lý nên đã ngồi xuống chỗ cuối cùng gần đám đông.

Đức Phật nhận biết trình độ hiểu đạo của Suppabuddha nên Ngài đã thuyết giáo lý thích hợp về bốn sự thật (Tứ diệu đế). Nghe xong, anh ta liền chứng quả Tu đà hoàn. Trong lúc Suppabuddha chờ mọi người giải tán ra về để tới đảnh lễ tạ ơn đức Phật; bấy giờ vua Trời Đế Thích muốn thử đức tin của anh nên đã hiện ra cải dạng làm người thường đến gần trao tặng cho Suppabuddha rất nhiều châu báu tiền bạc và bảo anh nên phỉ báng, đừng quy y Tam Bảo. Nhưng Suppabuddha đã quở trách vua Đế Thích cải dạng đó là điên rồ, không sáng suốt và bảo rằng anh ta cũng chẳng cần ham muốn tiền bạc của cải gì hơn nữa vì anh hiện đã có những kho tàng trân bảo quý nhất trần gian, đó là ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng mà anh đã quy y. Vô cùng khâm phục Suppabuddha, vua Đế Thích đã bạch lên cho đức Phật biết rõ sự việc ấy, và Ngài đã dạy vị Đế Thích rằng đúng vậy, không một quyền lực nào ở thế gian này có thể lay chuyển được niềm tin kiên cố của Suppabuddha đối với chánh pháp.

Sau đó, Suppabuddha đến gặp, quỳ lạy đức Thế Tôn và trên đường về nhà anh ta bị một con bò cái húc chết. Thấy vậy, chư Tăng thỉnh vấn đức Phật nguyên do tại sao Suppabuddha sinh ra bị cùi khổ sở như thế? Ngài dạy rằng vì tiền kiếp anh ta đã chế nhạo gọi một vị Bích Chi Phật (Pacceka Buddha) là “cùi” và khạt nhổ vào ông ta. Tuy nhiên, kiếp này nhờ quy y Tam Bảo, gặp nghe chánh pháp nên đời sau Suppabuddha sẽ được thác sanh lên cõi trời.

8. Thanh niên hốt rác Sunita

Sinh trưởng trong gia đình thuộc giai cấp hạ tiện, Sunita sống bằng nghề hốt rác tại thành Vương Xá. Một hôm, thấy đức Phật và Tăng chúng đi khất thực, Sunita đang quét đường liền bỏ chạy lẫn tránh không dám đến gặp Ngài. Đức Phật gọi Sunita lại gần hỏi:

- Con có muốn xuất gia làm Sa môn không?

Thanh niên Sunita vui mừng đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, dạ có.

Đức Phật liền dắt Sunita về tu viện Trúc Lâm nhận cho làm đệ tử xuất gia và dạy cho Đại Đức mỗi ngày tu tập thiền quán. Về sau, do công đức nỗ lực tinh tấn tu hành, Sunita chứng đắc quả A La hán, được nhiều người và chư Thiên đến thăm, cúng dường và kính lễ.

9. Tớ gái Punna

Cô Punna giúp việc cho một gia đình giàu có tại thành Vương Xá. Đêm nọ, sau khi giã gạo xong cô ta đứng ngoài sân hóng mát. Thình lình cô gặp vài nhà sư đang đi ngoài đường. Cô tự nghĩ rằng vì phải đi làm mướn cho người ta nên cô bận việc phải thức khuya; còn các vị Tăng tu hành rảnh rỗi, có lo gì đâu mà ban đêm cũng thức không đi ngủ sớm được. Sáng hôm sau, cô đi ra ngoài bờ sông để tắm. Cô mang theo một chiếc bánh làm bằng bột gạo, đã nướng chín trên lò than và cô định sẽ ăn bánh sau khi tắm xong.

Trên đường ra bến sông, cô gặp đức Phật và Đại đức A Nan đang đi khất thực, cô liền dâng cúng cho Ngài chiếc bánh ấy. Lúc đó, cô lầm tưởng rằng có thể đức Phật sẽ quăng liệng chiếc bánh của cô đi, bởi Ngài chỉ thọ trai ở cung điện nhà vua hoặc nơi nhà thiện nam tín nữ triệu phú giàu có. Nhưng cô hết sức ngạc nhiên và kính phục thấy đức Phật bảo Đại đức A Nan trải tọa cụ ra bên vệ đường cho Ngài ngồi xuống để dùng điểm tâm với chiếc bánh gạo mà cô vừa mới cúng dường.

Dùng sáng xong, đức Phật hỏi Punna rằng, con nghĩ thế nào về các vị Sa môn tu hành và Ngài thuyết giảng cho cô biết rõ là các vị Tỳ kheo ban đêm cũng rất ít ngủ vì họ còn phải lo tu tập thiền quán. Nghe xong, cô Punna liền đắc quả Tu đà hoàn. Cô xin đức Phật làm lễ quy y Tam Bảo và nhận cô làm nữ đệ tử tại gia của Ngài.

E. NƠI ĐỨC PHẬT TRẢI QUA NĂM MÙA KIẾT HẠ AN CƯ

Theo tài liệu ghi chép ở Kinh tạng Pali, sau khi Thành Đạo, trong hai mươi năm đầu tiên đi hoằng pháp khắp nơi, đức Phật đã trải qua năm mùa kiết hạ an cư sau đây ở tu viện Trúc Lâm tại thành Vương Xá: năm thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ mươi bảy và hai mươi.

Chính trong mùa nhập hạ an cư thứ hai tại Vương Xá, đáp lời mời của vua cha Tịnh Phạn, lần đầu tiên, đức Phật đã trở về thăm quê hương, thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Sau chín lượt, vua Tịnh Phạn cho các đại thần đến cung thỉnh, nhưng đều thất bại; lần chót, đức vua phái ngài Ca Lưu Đà Di (Kaludayi) là bạn thân với đức Phật lúc Ngài còn nhỏ chưa xuất gia đến Vương Xá tha thiết mời thỉnh, đức Thế Tôn mới nhận lời.

Vương Xá cách xa Ca Tỳ La Vệ khoảng 180 dặm, bấy giờ đức Phật cùng với hơn 20.000 chư Tăng đi theo Ngài, phải mất hai tháng trời đi bộ mới tới nơi.

F. ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA CHỐNG PHÁ, ÂM MƯU GIẾT PHẬT,

GÂY CHIA RẼ TĂNG ĐOÀN

Tại thành Vương Xá là nơi đã xảy ra âm mưu chống đối, ám sát đức Phật ba lần và gây chia rẽ đoàn thể Tăng già của Đề Bà Đạt Đa nhưng bất thành.

Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là con trưởng vua Thiện Giác (Suppabuddha), và hoàng hậu Cam Lộ (Amita), một người cô của đức Phật. Công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) là em ông. Như vậy, Đề Bà Đạt Đa vừa là anh em cô cậu, vừa là anh vợ của đức Phật, khi Ngài còn là thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha) chưa đi xuất gia.

Không những trong đời này, mà nhiều kiếp trước Đề Bà Đạt Đa đã là kẻ thù của đức Phật. Ông là một trong những đệ tử đi tu, gia nhập giáo đoàn của Phật rất sớm cùng lúc với các Đại đức A Nan (Ananda), A Ni Luật Đà (Anurudha) và Ưu Bà Ly (Upali). Nhờ ra công tu tập nên sau này Đề Bà Đạt Đa có được một vài phép thần thông, khiến A Xà Thế (Ajatasattu), con vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) lầm tưởng rằng ông ta đã chứng đắc quả Thánh.

Được A Xà Thế kính nể trọng vọng, Đề Bà Đạt Đa sanh tâm kiêu ngạo với ý tưởng ngông cuồng rằng ông ta có thể lên thay thế đức Phật để nắm quyền lãnh đạo chư Tăng. Một hôm, ông đến gặp, yêu cầu đức Thế Tôn nên nhường quyền điều khiển giáo hội cho ông ta, vì Ngài quá già yếu; nhưng đức Phật đã từ chối vì biết ông không đủ tài đức để nhận lãnh vai trò ấy. Từ đó, Đề Bà Đạt Đa sanh tâm thù ghét, âm mưu ám sát đức Phật.

Bấy giờ đức Phật đang ẩn cư trên núi Linh Thứu (Gijjhakuta) gần thành Vương Xá. Được sự đồng ý, tiếp tay cung cấp mười sáu tên lính thiện xạ của hoàng tử A Xà thế, Đề Bà Đạt Đa đã âm mưu giết Phật. Những lính này được ông bố trí tại nhiều nơi xung quanh núi Linh Thứu, chờ Phật đi ra sẽ nhắm bắn, ám sát Ngài. Tên đầu tiên, khi thấy đức Phật đi tới với tướng hảo trang nghiêm nên đâm hoảng sợ, liền ném vũ khí, quỳ xuống sám hối với Ngài. Đức Phật an ủi, giáo hóa độ cho anh ta quy y Tam Bảo. Những tên khác chờ lâu, mỏi mệt, nên lần lượt bỏ đi. Một số còn lại đức Phật đã dùng thần thông vận dẫn họ đến gặp Ngài, sau khi nghe đức Thế Tôn thuyết giảng họ cũng phát tâm xin quy y làm đệ tử của Ngài. Sau đó, tên lính đầu tiên trở về báo tin cho Đề Bà Đạt Đa biết rằng anh ta không thể giết được Phật vì Ngài có nhiều phép thần thông cao cường.

Âm mưu lần đầu tiên của Đề Bà Đạt Đa mướn người hại đức Phật bất thành, lần này ông quyết định sẽ đích thân giết Phật. Một hôm, đức Thế Tôn đang đi trên một đường dốc ở núi Linh Thứu, từ trên cao, Đề Bà Đạt Đa đẩy một tảng đá lớn lăn xuống hướng về phía đức Phật. Ngài liền tránh sang bên. Tảng đá lớn khi lăn xuống gần Phật, liền bị hai tảng đá nhỏ chụm vào nhau chận lại, làm văng ra một mảnh đá nhọn bay trúng khiến chân trái của Ngài bị chảy máu. Đức Phật được chư Tăng mang đến tịnh xá ở vườn Xoài của y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), và tại đây Ngài được Jivaka chăm sóc cẩn thận. Như vậy, lần thứ hai, Đề Bà Đạt Đa âm mưu ám sát Phật cũng bất thành.

Tuy nhiên, ông vẫn chưa từ bỏ ý đồ giết Phật. Ngày nọ, đức Phật và Tăng chúng đang đi khất thực trên đường phố gần thành Vương Xá. Đề Bà Đạt Đa xúi giục vị trông coi voi dữ Nalagiri của hoàng gia, cho voi uống rượu say và thả nó chạy ra ngoài để hại Phật. Khi voi Nalagiri trở nên dữ tợn chạy đến gần thì Đại đức A Nan liền đứng chận phía trước để che chở, cứu nguy cho Phật. Nhưng Ngài bình tĩnh dùng tâm từ để cảm hóa voi say. Voi quỳ bốn chân xuống nằm im. Đức Phật đến gần đưa tay sờ lên đầu voi với lòng đầy thương mến. Ngài ra hiệu cho voi đứng dậy và nắm lấy vòi của voi dắt nó trở về chuồng cũ. Voi ngoan ngoãn đi theo đức Phật giữa tiếng hoan hô của dân chúng hai bên đường. Và âm mưu ám sát Phật lần thứ ba của Đề Bà Đạt Đa cũng bất thành.

Không giết được Phật, Đề Bà Đạt Đa xoay qua hành động chống phá hòa bình, nhưng thâm độc hơn là tìm cách gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ Tăng già. Một hôm, sau buổi nói pháp của Phật tại tu viện Trúc Lâm, Đề Bà Đạt Đa đứng dậy tiến lên chắp tay lễ Phật và nói:

- Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã từng dạy các Tỳ kheo nên sống đời giản dị và tri túc, vậy con xin Ngài chấp nhận cho thêm năm điều sau đây được áp dụng trong giới luật của người xuất gia:

1. Tỳ kheo phải sống trọn đời trong rừng mà không được ra ngủ nơi thôn xóm hay thành phố.

2. Tỳ kheo suốt đời chỉ đi khất thực chứ không nên đến thọ trai nơi nhà Phật tử.

3. Tỳ kheo chỉ dùng y may bằng vải vụn hay giẻ rách họ lượm được chứ không nhận y do cư sĩ cúng dường.

4. Tỳ kheo chỉ ngủ dưới gốc cây mà không được ngủ trong phòng ốc.

5. Tỳ kheo suốt đời chỉ nên ăn chay chứ không được dùng thịt cá.

Nhưng đức Phật đã không chấp nhận lời thỉnh cầu trên của Đề Bà Đạt Đa và với lòng từ bi quảng đại, Ngài tuyên bố rằng các Tỳ kheo, đệ tử xuất gia, được tự do hành động về năm điều này, ai muốn áp dụng hay không tùy ý chứ đức Phật không bắt buộc tất cả đều phải tuân theo.

Đề Bà Đạt Đa dựa vào sự từ chối ấy của đức Thế Tôn để gây chia rẽ trong hàng Tăng chúng. Lúc ấy, có những vị mới xuất gia, không rành giáo pháp, nhận thấy lời đề nghị của Đề Bà Đạt Đa như có vẻ hợp lý nên đã đi theo ông lên ở Gayasisa (Tượng Đầu) và lập thành giáo đoàn độc lập tại đây. Nhưng đức Phật đã dạy hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi theo sau đến đó để giải thích cho những Tỳ kheo lầm đường lạc lối hiểu rõ giáo pháp và đưa các vị ấy trở về.

Cuối cùng, do những hành động tội lỗi gây ra nói trên, theo kinh sách ghi chép, sau này Đề Bà Đạt Đa lâm trọng bệnh; trong giờ phút sắp mất, không gặp được Phật, và sau khi chết, ông đã bị đọa vào địa ngục vô gián.

G. VUA A XÀ THẾ SÁM HỐI QUY Y THEO PHẬT

A Xà Thế (Ajatasattu: 491-462 trước Tây lịch) là con vua Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước T. L.) và hoàng hậu Vi Đề Hy (Kosala-Devi). Vi Đề Hy là em gái vua Ba Tư Nặc (Pasenajit) và là con vua Mahakosala nước Kiều Tát La (Kosala). Bấy giờ A Xà Thế và Đề Bà Đạt Đa giao du thân mật với nhau. Đề Bà Đạt Đa vì ganh ghét đức Phật nên cũng không muốn thấy vua Tần Bà Sa La hết lòng ủng hộ mọi công cuộc hoằng pháp của Ngài. Cho nên, Đề Bà Đạt Đa đã xúi giục hoàng tử A Xà Thế giết chết vua cha để cướp ngôi, và ông ta sẽ ám sát Phật để lên nắm quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Do đó, A Xà Thế hạ lệnh bắt vua Tần Bà Sa La giam đói trong ngục thất nhiều năm cho đến chết. Ông cũng giúp Đề Bà Đạt Đa âm mưu ám sát Phật ba lần, nhưng thất bại.

Sau khi vua Tần Bà Sa La băng hà, A Xà Thế lên ngôi trị vì vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) khoảng tám năm trước khi đức Phật nhập Niết Bàn. Do hành động ác độc trên, A Xà Thế sau này bị mắc bệnh ghẻ lở lói đầy mình, ngứa ngáy hôi hám không ngủ được. Ông nghĩ rằng, đây là do quả báo của tội giết cha và âm mưu với Đề Bà Đạt Đa ám sát đức Phật phát sinh ra, nên ông bắt đầu ăn năn sám hối.

Lúc ấy, đức Phật đang trú ở tịnh thất trong vườn Xoài của y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), vua A Xà Thế muốn đến gặp Phật để xin sám hối, nhưng ông sợ Ngài không tiếp. Cuối cùng, do sự khuyến khích và trung gian của y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), vua A Xà Thế đích thân đến yết kiến đức Phật và thưa:

- Bạch đức Thế Tôn, con đến đây hôm nay để xin thành tâm sám hối.

Đức Phật đáp:

- Rất tốt! Ta đợi đại vương từ lâu rồi.

Vua A Xà Thế thất kinh, liền sụp lạy dưới chân đức Phật và bày tỏ với Ngài tất cả những lỗi lầm, sai quấy mà vua đã làm từ trước đến nay không sót một điều gì, và xin Phật từ bi cứu độ.

Đức Phật dạy:

Trên thế gian này, chỉ có hai hạng người đạt được hạnh phúc chân thật. Một là hạng người chuyên làm việc lành, không gây tội ác. Hai là hạng người tuy đã tạo tội ác nhưng biết ăn năn sám hối. Tâm đã chí thành sám hối thì không còn tạo thêm tội mới nữa. Cần hiểu rõ tâm và tội vốn hư huyễn, không thật, đó mới thật là chân sám hối. Từ nay, đại vương nên xa lìa phi pháp, nương theo chánh pháp để trị dân, không nên áp dụng chính sách bạo ngược mà nên dùng đức độ để giáo hóa dân chúng. Nhờ vậy, nhân dân trăm họ được an lạc, đất nước phú cường, xã hội sẽ an bình thịnh trị. Và đó là nguồn hạnh phúc chân thực của bậc Thánh vương. Hơn nữa, nếu chịu khó tu hành theo pháp môn trung đạo, con đường bát chánh của Như Lai thì đại vương còn có thể chứng được quả vị giải thoát, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi”.

Sau khi nghe đức Phật giảng pháp xong, vua A Xà Thế liền phát tâm xin quy y làm đệ tử của Ngài. Sau lần gặp gỡ đó, bệnh của vua A Xà Thế ngày một thuyên giảm rồi lành hẳn. Và như vua cha Tần Bà Sa La xưa kia, nhà vua cũng thường lên núi Linh Thứu thăm Phật để nghe Ngài thuyết pháp. Về sau, vua A Xà Thế trở thành một vị đệ tử hộ pháp đắc lực không kém gì vua cha Tần Bà Sa La hoặc vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kiều Tát La (Kosala).

H. NHỮNG NGÔI CHÙA, TU VIỆN THÀNH LẬP

ĐẦU TIÊN TẠI THÀNH VƯƠNG XÁ

Theo kinh sách ghi chép, vào thời đức Phật tại thế, có nhiều chùa, tu viện được thành lập tại Vương Xá để làm nơi thường trú hoằng pháp cho đức Thế Tôn và giáo đoàn của Ngài. Dưới đây là một số các chùa, tu viện quan trọng:

1. Tu viện Trúc Lâm

Tu viện Trúc Lâm, tiếng Pali “Veluvana-Arama” (Velu: trúc; Vana: rừng; Arama: tu viện) nguyên là vườn ngự uyển, nơi vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) thường ra dạo chơi, giải trí và tĩnh dưỡng. Sở dĩ gọi tên như vậy vì trong công viên này có trồng nhiều cây trúc, hiện nay vẫn còn; và xung quanh được bao bọc bởi một bức thành dày, cao khoảng 32 feets, có một cổng vào với nhiều tháp canh.

Đây là nơi rất yên tĩnh, thích hợp cho việc tu thiền của chư Tăng. Sau khi đức Phật chứng đạo giác ngộ, Ngài đến viếng thăm, hoằng pháp tại thành Vương Sá. Vua Tần Bà Sa La cung thỉnh đức Thế tôn về hoàng cung để cúng dường trai tăng. Vào dịp này, nhà vua đã dâng cúng hoa viên Trúc Lâm cho đức Phật để thiết lập tu viện làm nơi thường trú hoằng pháp của Ngài và Tăng đoàn. Tu viện ở Trúc Lâm được xây cất tại một nơi gọi là Kalanda-Kanivapa cạnh hồ nước Karanda, nơi xưa kia đức Phật và Tăng chúng thường ra đó tắm rửa. Ðây là tu viện đầu tiên mà đức Phật, trên đường hoằng pháp đã nhận lãnh do vua Tần Bà Sa La dâng cúng.

Chính ở nơi này, lúc Phật còn tại thế đã có hai ngọn tháp được dựng nên bên cạnh cổng vào tu viện, một tháp để thờ xá lợi của hai ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Moggalana) còn ngọn kia thờ xá lợi của đại đức Kiều Trần Như (Kondanna), tất cả đều là những đệ tử lớn của đức Thế Tôn.

Tu viện Trúc Lâm còn được xem như một trong những trung tâm quan trọng nhất trong lịch sử văn học Phật giáo. Vì tại đây, đức Phật đã chế đặt ra nhiều luật giới của Tăng già liên quan đến việc an cư kiết hạ, dùng đường ngọt, các thức ăn nấu tại chùa, phương thức sử dụng vàng bạc, phòng xá v.v…

Ngoài ra, một số bài kinh quan trọng thuộc Kinh tạng (Sutta-Pitaka) và những bài kệ trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) sau đây đã được đức Phật thuyết ra khi Ngài ở tu viện Trúc Lâm:

Bài kệ số 11, 12 và 15 (Phẩm Song Yếu); số 24, 25 (Phẩm Phóng Dật); số 56, 57 (Phẩm Bông Hoa); số 72 (Phẩm Ngu); số 91 (Phẩm A La Hán); số 106, 107 và 108 (Phẩm Ngàn); số 171 (Phẩm Thế Gian); số 231, 232, 233 và 234 (Phẩm Phẫn Nộ) v.v…

2. Chùa Kỳ Bà (Jivaka-Arama)

Chùa nằm bên ngoài thành Vương Xá, gần chân núi Linh Thứu, do y sĩ Kỳ Bà (Jivaka) thiết lập trong vườn Xoài của ông để dâng cúng cho đức Phật và Tăng chúng. Mỗi khi ghé Vương Xá hoằng pháp, đức Phật thường đến lưu trú tại đây. Cũng là nơi vua A Xà thế lần đầu tiên đến yết kiến, sám hối tội lỗi với đức Thế Tôn và Ngài đã thuyết cho vua nghe kinh Sa Môn Quả (Samannaphala-Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha-Nikaya). Dịp khác, do sự thỉnh vấn của y sĩ Kỳ Bà, đức Phật đã thuyết pháp tại đây các kinh Jivaka (Suttas) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) và Tăng Nhứt Bộ Kinh (Anguttara-Nikaya).

3. Chùa Paribbaja

Chùa này gần vườn Trúc Lâm, thỉnh thoảng đức Phật thường đến đây thuyết pháp cho các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài.

4. Tịnh xá Pipphaliguha

Theo tài liệu ghi chép trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-Nikaya, Tập V) tịnh xá này được thiết lập tại thành Vương Xá và đại đức Ca Diếp (Maha Kassapa) thường đến trú ở đây.

III. VƯƠNG XÁ QUA CÁC THỜI ĐẠI SAU NGÀY ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN (NĂM 544 TRƯỚC TÂY LỊCH)

A. VƯƠNG XÁ THỜI VUA A XÀ THẾ (AJATASATTU: 491-462 TRƯỚC T. L.)

Sử liệu ghi chép rằng sau khi vua A Xà thế quy y Tam Bảo làm đệ tử của Phật khoảng một năm trước khi đức Thế Tôn nhập diệt, nhà vua đã noi gương vua cha Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước T. L.) hết lòng tiếp tục ủng hộ Phật giáo.

1. Vua A Xà thế dựng tháp thờ xá lợi đức Phật

Sau khi lên ngôi được tám năm, vua A Xà Thế rất đau buồn nghe tin đức Phật nhập Niết Bàn tại thành Câu Thi Na (Kusinara), nước Mạt La –Mallas (nay thuộc thành phố Kasia, quận Deoria, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ) vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch.

Bấy giờ nhà vua liền sai các sứ thần lên đường đến Câu Thi Na để nhận lãnh một phần xá lợi của Phật sau khi kim thân của Ngài được hỏa thiêu và xá lợi đem chia đều cho tám vương quốc trong đó có nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Về sau, xá lợi này đã được tôn trí thờ trong một bảo tháp trang nghiêm do vua A Xà Thế truyền dựng nên tại thành Vương Xá, và di tích hiện còn thấy tại thành phố Rajgir (quận Patna, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ) ngày nay.

2. Tổ chức Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo Lần thứ Nhất (năm 543 trước Tây lịch)

Không lâu sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn (năm 543 trước Tây lịch) phần đông chư Tăng lo ngại giáo lý của Ngài sau này sẽ bị mai một, không còn giữ được bản chất tinh túy của nó; cho nên một số Thánh Tăng nghĩ đến việc làm cách nào để có thể bảo vệ dài lâu ở thế gian giáo pháp chân chính của Ngài. Quý vị này liền đến yết kiến, bày tỏ cho vua A Xà Thế biết ý định của họ muốn tổ chức một đại hội kết tập kinh điển Phật giáo và mong nhà vua ủng hộ, giúp đỡ.

Vua A Xà Thế hoan hỷ chấp thuận và truyền lệnh cho xây dựng một hội trường, được trang hoàng đẹp đẽ, ngay phía trước cửa vào của động Thất Diệp (Saptaparni Cave) trên đồi Vaibhara tại thành Vương Xá để làm nơi hội họp. Nhà vua cũng cho thiết lập ở bên trong phía nam hội trường một chỗ ngồi trang trọng dành cho vị Tăng trưởng lão làm chủ tọa đại hội, và một cái bục cao ngay giữa hội trường cho vị Tăng được mời lên đọc tụng lại các Kinh và Luật tạng mà đức Phật đã thuyết giảng khi Ngài còn tại thế.

Vua A Xà thế còn ra lệnh dọn dẹp sạch sẽ những con đường dẫn vào thành Vương Xá đến nơi hội nghị, và suốt dọc đường đi triều đình cung cấp mọi tiện nghi cần thiết như chỗ ở, thức ăn, nước uống cho các Thánh Tăng được mời về tham dự đại hội.

Theo tài liệu ghi chép trong kinh sách Phật giáo Nam tông, đại hội kết tập kinh điển nói trên đã được tổ chức tại thành Vương Xá khoảng sáu tháng sau ngày đức Phật nhập diệt, vào tháng thứ hai của mùa kiết hạ an cư năm 543 trước Tây lịch. Tham dự đại hội gồm có 500 vị A la hán dưới sự chủ tọa của Đại đức Ca Diếp (Maha Kassapa). Phương thức được dùng trong đại hội để kết tập kinh điển rất đơn giản. Đại đức A Nan (Ananda), người đã sống gần Phật và nhớ nhiều nhất những bài giảng pháp của Ngài nên được mời lên đọc cho toàn thể đại hội nghe tất cả những bài thuyết giảng của đức Thế Tôn thuộc Kinh tạng (Sutta Pitaka); còn Đại đức Ưu Bà Ly (Upali) thì đọc lại những Luật giới thuộc Luật tạng (Vinaya Pitaka) do Phật chế đặt ra khi Ngài còn sống.

Nói tóm, đại hội kết tập Kinh tạng Phật giáo lần thứ nhất được tổ chức không lâu sau ngày đức Phật nhập diệt tại thành Vương Xá đã thu được thành quả tốt đẹp là do sự hết lòng bảo trợ, giúp đỡ của vua A Xà thế lúc bấy giờ.

B. VƯƠNG XÁ DƯỚI CÁC TRIỀU VUA UDAYIN (459-443 TRƯỚC T. L.)

VÀ SISUNÀGA (411-393 TRƯỚC T. L.)

Sau khi vua A Xà Thế mất vào năm 462 trước Tây lịch, con là hoàng tử Udayin (459-443 trước T. L.) lên kế vị, đã dời thủ đô từ Vương Xá về thành Pataliputra (Hoa Thị), nay tức thị trấn Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar (miền đông bắc Ấn Độ). Từ đó, Vương Xá bắt đầu mất dần ảnh hưởng chính trị và kinh tế.

Nhưng theo tài liệu ghi chép trong tập cổ truyện Ấn Độ Puràna cho biết rằng Vương Xá lại được chọn làm kinh đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha) dưới triều vua Sisunàga (411-393 trước T. L.). Và đến đời con là vua Kalàsoka (393-365 trước T. L.) lên ngôi thì ông ta lần nữa lại dời thủ đô Vương Xá về thành Pataliputra (Hoa Thị).

C. VƯƠNG XÁ THỜI VUA A DỤC (ASOKA: 273-232 TRƯỚC TÂY LỊCH)

THUỘC VƯƠNG TRIỀU MAURYA (322-185 TRƯỚC T. L.)

Vương Xá, dưới thời A Dục (273-232 trước Tây lịch) mặc dù về phương diện chính trị và kinh tế không còn có ảnh hưởng to lớn như các triều vua trước, vì không được chọn làm kinh đô của nước Ma Kiệt Đà; tuy nhiên, thánh tích này lúc bấy giờ cũng như các thế kỷ sau đó, vẫn được duy trì như một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Bởi vậy mà vua A Dục đã dựng nên gần hướng tây động Thất Diệp (Saptaparni) một ngọn tháp để ghi dấu nơi đã tổ chức đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây một trụ đá, có hình tượng con voi trên đỉnh, và một ngọn tháp nhằm ghi dấu nơi đức Phật đã hàng phục voi say Nàlàgiri do Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) thả ra để hại Ngài.

D. VƯƠNG XÁ DƯỚI TRIỀU ĐẠI GUPTAS (320-510)

Vì sử liệu thiếu sót nên chúng ta không biết nhiều về sinh hoạt Phật giáo tại Vương Xá vào các triều đại sau vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước T. L.) cho mãi đến cuối thế kỷ thứ 4 sau Tây lịch thuộc vương triều Guptas (320-510) của Ấn Độ.

Trong thời kỳ này, danh Tăng Trung Hoa đầu tiên sang hành hương chiêm bái Ấn độ vào những năm 399-414 là ngài Pháp Hiển (Fa Hien) dưới các triều vua Guptas như Chandragupta II (375-413) và Kumara Gupta (413-455). Ngài đến thăm Vương Xá khoảng đầu thế kỷ thứ tư sau Tây lịch và đã cho chúng ta biết qua tập ký sự của Ngài về mọi sinh hoạt cũng như các di tích Phật giáo còn thấy tại Vương Xá lúc bấy giờ như sau:

1. Thành Vương Xá mới và cũ

Đi khoảng một do tuần (hay 7 dặm) về hướng tây, chúng tôi đến kinh thành mới của Vương Xá (New Rajagriha) do vua A Xà Thế lập nên. Trong thành có hai ngôi chùa. Ra ngoài cổng thành hướng tây, cách khoảng ba trăm thước, tại đây vua A Xà thế cho xây một ngọn tháp cao, rộng, lớn và tôn nghiêm để thờ xá lợi của đức Phật khi Vua được chia một phần. Rời cửa thành hướng nam, và đi về phía nam bốn dặm, chúng tôi tới một thung lũng và tiếp đến năm ngọn đồi, năm ngọn đồi này như một bức thành bao bọc một vùng đất rộng, đó là thành Vương Xá cũ của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) rộng từ đông sang tây khoảng năm hay sáu dặm; và dài từ bắc xuống nam độ bảy hay tám dặm.

“Đây là nơi ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã gặp Sa môn A Thấp Bà Trí (Assaji); cũng là chỗ mà đạo sư Ni Kiền Đà (Nirgrantha) thuộc phái ngoại đạo, đã đào một hầm lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho đức Phật. Đây còn là chỗ vua A Xà Thế đã phục cho voi uống rượu say và thả nó chạy ra để hại Phật.

“Về hướng đông bắc của kinh thành này là vườn Xoài của y sĩ Kỳ Bà (Jivaka) có đất rộng và ông đã thiết lập tại đó một ngôi chùa, thường cung thỉnh đức Phật và 1,250 vị Tỳ khao đệ tử của Ngài đến cúng dường trai tăng. Di tích những nơi này hiện vẫn còn, nhưng bên trong thành thì trống vắng, hoang tàn không có người ở”.

2. Núi Linh Thứu (Linh Sơn)

Chúng tôi tiến vào thung lũng, đi dọc các đồi núi về hướng đông nam, và sau khi đi khoảng mười lăm dặm, chúng tôi đến núi Linh Thứu (Gridhrakuta). Khi leo lên cách đỉnh núi độ ba dặm, chúng tôi thấy một hang đá mặt quay ra hướng nam, là nơi xưa kia đức Phật đã vào ngồi thiền. Gần đó, cách khoảng ba mươi bước hướng tây bắc, có một hang đá khác, là nơi vào lúc Đại đức A Nan đang ngồi thiền định; bấy giờ có một con quỷ Pisuna ở cõi Trời biến hình thành con chim kên to lớn đậu ngay trước hang đá để dọa ngài A Nan.

“Lúc ấy đức Phật dùng thần thông mở rộng hang đá đưa tay vào sờ vai đức A Nan cho Ngài hết sợ. Dấu chân con chim kên và lỗ hổng nơi hang đá đức Phật đưa tay vào nắm ngài A nan hiện vẫn còn. Do đó, hòn núi ấy được gọi là ‘Ngọn đồi của hang chim kên’ (The Hill of the Vulture Cavern).

“Trước hang đá này là chỗ ngồi của bốn vị Phật. Cũng có những hang đá của các vị A la hán, mỗi hang cho mỗi vị ngồi thiến, và số hang này nhiều đến vài trăm. Tại phía trước hang đá của đức phật, nơi Ngài thường đi hành thiền từ đông qua tây; một hôm, Đề Bà Đạt Đa từ trên mỏm hướng bắc của ngọn núi, đã xô một tảng đá lớn rơi xuống làm chân của Phật bị thương. Tảng đá ấy hiện vẫn còn. Phòng đức Phật ngồi thuyết pháp ngày xưa, giờ đây đã đổ nát, chỉ còn lại chân tường gạch. Đồi này xanh tươi đẹp đẽ và tôn nghiêm vì cao hơn cả năm ngọn đồi xung quanh.

“Tại thành Vương Xá mới, Pháp Hiển sau khi mua hương hoa, dầu đèn, đã nhờ hai vị Tăng sống lâu ở đây, hướng dẫn đưa lên núi Linh Thứu. Sau khi đến nơi, Pháp Hiển dâng cúng hoa, và thắp đèn lúc trời bắt đầu tối. Pháp Hiển cảm thấy buồn tủi đến phát khóc rồi nói rằng: ‘Tại đây xưa kia đức Phật đã giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm (Surangama Sutra). Pháp Hiển tôi ra đời không gặp được Phật, nay chỉ nhìn thấy dấu vết của Ngài cũng như nơi đức Phật đã sống. Pháp Hiển đã ở lại một đêm tụng kinh Lăng Nghiêm trước hang đá này’”.

3. Động Thất diệp (Saptaparni): Nơi Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo Lần Thứ Nhất

Rời khỏi thành cũ Vương Xá, đi bộ ba trăm bước về phía tây trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy hoa viên Trúc Lâm, nơi hiện còn một ngôi chùa cổ với các vị Tăng đang quét dọn và tưới cây. Đi khoảng hai hay ba dặm, chúng tôi đến nghĩa trang ‘Smasanam’, nơi liệng bỏ xác người chết. Tiếp tục theo phía nam ngọn núi và đi bộ ba trăm bước về hướng tây, chúng tôi đến ngôi nhà đá Pippala, nơi đức Phật hay vào ngồi thiền sau khi Ngài thọ trai vào buổi trưa.

“Đi độ năm hay sáu dặm về phía tây, chúng tôi tới động Thất Diệp (Saptaparni) nằm trên hướng bắc của ngọn đồi trong bóng mát; tại đây 500 vị A la hán đã nhóm đại hội kết tập kinh điển sau khi đức Phật nhập Niết Bàn.

“Nơi phòng họp, người ta sửa soạn ba chỗ ngồi trang trọng và tôn nghiêm. Đại đức Xá Lợi Phất ngồi phía trái và ngài Mục Kiền Liên bên phải. Đại đức Ca Diếp ngồi ở giữa chủ tọa. Tại đây có dựng một ngọn tháp hiện vẫn còn.

“Dọc theo sườn đồi, chúng tôi thấy có nhiều hang đá, nơi các vị A la hán đến ngồi thiền. Rời khỏi hướng bắc của thành Vương Xá cũ, đi về phía đông độ ba dặm, chúng tôi đến hang đá của Đề Bà Đạt Đa, cách đó khoảng năm mươi bước, chúng tôi thấy một phiến đá đen vuông và rộng. Trước kia có một vị Tỳ kheo khi đi hành thiền ở đây, ông ta thầm nghĩ: ‘Thân này là vô thường, giả dối, huyễn hóa và được xem như bất tịnh. Tôi nhàm chán thân này, bởi nó là nguồn gốc của tội lỗi.

‘Suy nghĩ như vậy rồi vị Tăng cầm dao có ý định tự sát. Nhưng ông ta lại suy nghĩ: ‘Đức Thế Tôn đã chế ra giới cấm không được tự tử’. Rồi một ý tưởng khác lại hiện đến trong đầu óc vị Tỳ kheo: ‘Đúng vậy, đức Phật đã cấm hành động như thế, nhưng ta chỉ muốn giết chết ba độc hại tham, sân và si’. Tức thì, ông lấy dao ra cứa ngay cuống họng. Lát dao đầu tiên vị Tăng cắt đứt thịt, ông liền đắc quả Tu đà hoàn; khi cứa đứt nửa cuống họng, ông chứng quả A na hàm; và chứng A la hán khi ông cắt đứt hết cuống họng, cuối cùng ông nhập Niết Bàn (viên tịch)”.

Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdoms” translated of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco 1975 (“Ký Sự Về Các Vương Quốc Phật Giáo” của ngài Pháp Hiển) chương 28, 29, 30 trang 81, 82, 83, 84, 85 và 86.

E. VƯƠNG XÁ DƯỚI TRIỀU ĐẠI VUA HARSHA-VARDHANA (606-647)

Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang) danh Tăng Trung Hoa thứ hai sang hành hương Ấn Độ vào những năm 629-645 dưới triều vua Harsha-Vardhana (606-647), đóng đô tại Kanauj (nay thuộc quận Farrakhabad, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn). Ngài đến thăm Vương Xá vào khoảng gần giữa thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, và qua tài liệu ghi chép trong tập Tây Du Ký (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang cho chúng ta thấy tổng quát những di tích của thành Vương Xá bấy giờ như sau:

Từ đây đi về hướng đông qua các dãy núi khoảng 60 lý (hay 20 dặm) chúng tôi đến thành cũ Vương Xá hay “Hoàng thành của loài cỏ Cát Tường” (The Royal City of the Lucky Grass). Đây là thị trấn quan trọng của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha). Các vị vua trước đây đã chọn nơi này làm kinh đô. Vùng đất mọc rất nhiều cỏ xanh tốt, mạnh mẽ, có mùi thơm cho nên thời cổ xưa nó được gọi là “Thành phố của loài cỏ thượng hạng” (The City of the Superior Grass). Bao bọc bốn phía xung quanh là những núi đồi cao trông giống như bức thành ngoài của thành phố. Thị trấn này rộng từ đông qua tây nhưng hẹp từ bắc xuống nam, có chu vi 150 lý (hay 50 dặm). Chu vi dãy thành bao bọc nội thành còn thấy dài độ 30 lý (10 dặm). Hai bên đường đi chúng tôi thấy trồng nhiều loại cây Kanakas, có hoa màu vàng chói và tỏa hương thơm dễ chịu. Tất cả rừng cây vào những tháng mùa xuân đều biến thành màu vàng.

“Ngoài cửa thành Vương Xá cũ về hướng bắc có một ngọn tháp. Đây là nơi Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) và vua A Xà Thế (Ajatasatru), sau khi kết bạn với nhau, đã âm mưu thả voi say ra hại Phật. Nhưng đức Như Lai đã dùng thần thông, từ năm ngón tay của Ngài, hóa thành năm con sư tử chạy ra, khiến cho voi say phải quỳ xuống nằm im, chịu hàng. Về hướng đông bắc chỗ này có một ngọn tháp khác. Đây là nơi ngài Xá Lợi Phất nghe vị Tỳ kheo A Thấp Bà Trí (Asvajita) nói pháp và chứng được quả A la hán… Về phía bắc tháp này có một hố rất sâu, bên cạnh có một ngọn tháp. Đây là nơi Srigupta muốn hại Phật bằng cách giấu lửa trong hố ấy và dùng gạo có tẩm thuốc độc, vì Srigupta tôn sùng ngoại đạo và tâm ông vọng tưởng theo tà giáo.

“Về phía đông bắc hố lửa của Srigupta có một ngọn tháp. Đây là nơi y sĩ Kỳ Bà (Jivaka), vị thấy thuốc trứ danh, đã thành lập một giảng đường dâng cúng cho đức Phật. Xung quanh tường có trồng hoa và cây ăn trái. Dấu vết nền tường và rễ cây thối nát vẫn còn thấy. Đức Phật khi còn tại thế thường dừng nghỉ ở đây. Gần giảng đường này, di tích ngôi nhà đổ nát của y sĩ Kỳ Bà và một lỗ giếng cũ vẫn còn hiện rõ. Phía đông bắc thành cũ Vương Xá độ bốn hay năm dặm là núi Linh Thứu. Trên sườn núi phía nam của ngọn núi phương bắc có một đỉnh núi rất cao, chim kên làm tổ tại đây. Hình dáng của đỉnh núi này trông giống như một ngọn tháp, màu xanh của bầu trời phản chiếu xuống đỉnh núi và màu sắc của núi đồi tạo nên một cảnh trí êm dịu.

“Trong khoảng năm mươi năm hoằng dương chánh pháp, đức Như Lai thường ở tại ngọn núi này và thuyết giảng những kinh điển thậm thâm vi diệu. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) vì muốn nghe pháp thường lên núi với một số tùy tùng. Những người này san bằng các thung lũng, bắc cầu qua các thác nước và dựng đá làm các bậc cấp rộng độ 10 feet và dài độ 2 dặm. Nửa đường có hai ngọn tháp nhỏ, một ngọn gọi là “xuống xe” vì khi vua đến chỗ này thì đi bộ lên núi; ngọn kia là “bảo tùy tùng đi lui”, vì vua tách riêng khỏi đoàn tùy tùng không cho họ đi theo. Ngọn núi này dài từ đông qua tây và hẹp từ bắc đến nam. Có một ngôi chùa bằng gạch nằm trên bờ của một thung lũng sâu về phía tây ngọn núi. Ngôi chùa cao, rộng và xây rất thẩm mỹ. Cửa chùa hướng về phía đông. Khi còn tại thế, đức Phật thường dừng nghỉ nơi đây để thuyết pháp. Hiện còn một tượng Phật tạc Ngài đang thuyết pháp to lớn như hình dáng thật của Ngài.

“Phía đông ngôi chùa là một tảng đá dài đức Phật thường đi kinh hành trên ấy để dưỡng sức. Bên cạnh là một hòn đá rất to, cao khoảng 14 hay 15 feet và độ 30 feet vòng tròn. Chính đây là chỗ Đề Bà Đạt Đa đứng từ xa xô đá để hại Phật. Về phía nam nơi này dưới hang thẳm có một ngọn tháp là nơi khi còn tại thế, đức Như Lai đã thuyết “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”. Cũng tại đó, phía nam ngôi chùa trên sườn núi, có một ngôi nhà bằng đá. Chính tại chỗ này đức Như Lai thường ngồi thiền định.

“Trước mặt nhà đá về phía tây bắc có một hòn đá rât lớn, hình thù kỳ lạ. Đại đức A Nan bị quỷ sứ dọa nạt tại đây. Lúc đức A Nan đang ngồi thiền định chỗ này, quỷ sứ hiện ra biến thành con chim kên. Vào giữa đêm nó tới đậu trên tảng đá, vỗ cánh thật mạnh và kêu lớn tiếng nhằm đe dọa Đại đức A Nan. Ngài sợ hãi không biết làm sao, bấy giờ đức Phật nhờ thần lực thấy rõ việc đó nên Ngài đã đưa tay ra để trấn tỉnh Đại đức A Nan. Đức Phật đã dùng thần thông mở rộng hang đá, lấy tay sờ trên đầu đức A Nan và nói với giọng đầy lòng từ bi: ‘Con đừng sợ hãi trước sự đe dọa của con quỷ sứ’. Nhờ vậy, đức A Nan lấy lại sự bình tĩnh, hết lo sợ và Đại đức cảm thấy thân tâm an lạc. Mặc dù nhiều năm tháng đã trôi qua, dấu vết nơi chim kên đậu trên đá cũng như lỗ hổng ở vách đá vẫn còn thấy.

“Cạnh ngôi chùa này, có nhiều nhà đá khác, đó là chỗ của ngài Xá Lợi Phất và các vị đại A la hán nhập định. Trước ngôi nhà đá của ngài Xá Lợi Phất là một cái giếng lớn đã khô cạn và không có nước. Cái lỗ giếng hiện vẫn còn thấy. Phía đông bắc ngôi chùa, giữa dòng suối chảy trên đá, nổi lên một tảng đá lớn bằng phẳng. Đó là chỗ đức Như Lai phơi áo ca sa. Dấu vết các sợi vải của chiếc áo đang còn thấy. Gần đó trên một tảng đá, có dấu chân của đức Phật. Tuy dấu hình bánh xe ở ngoài đã lu mờ, nhưng vẫn còn nhận ra được. Trên đỉnh dãy núi phía bắc có một ngọn tháp. Từ chỗ đó, đức Như Lai nhìn thấy thành phố Ma Kiệt Đà (Magadha) và Ngài đã thuyết pháp trong bảy ngày tại đây.

“Về phía tây của cổng thành hướng bắc có một ngọn núi gọi là Vipula-Giri. Theo tục truyền của dân địa phương cho biết thì phía bắc của những kẻ núi về hướng tây nam trước kia có đến 500 suối nước nóng. Nay chỉ còn độ 10 suối, vài suối ấm, vài suối lạnh, nhưng không có suối nào nóng sôi. Những ngọn suối phát xuất từ hướng nam của dãy núi tuyết nơi hồ Anavatapta, và chảy ngầm dưới đất tới vùng này. Nước suối trong, mát và ngọt. Tại miệng các suối nước nóng có đặt những tảng đá chạm hình sư tử hoặc đầu voi trắng. Nhiều chỗ có đặt những ống dẫn nước bằng đá; nước chảy trong các ống dẫn nước ở phía trên, bên dưới là các hồ tắm bằng đá, và nước được giữ chứa trong đó chẳng khác gì hồ nước thật. Dân chúng khắp nơi thường đến tắm tại các hồ ấy. Những ai mắc bệnh sau khi tắm có thể lành. Hai bên những suối nước nóng có nhiều tháp họăc chùa đổ nát nằm cách nhau không xa lắm. Tại những chỗ ấy, bốn vị Phật quá khứ đều đến tọa thiền hoặc đi kinh hành và còn để lại những dấu tích. Các địa điểm này được bao bọc bởi những dãy núi và có đủ nước dùng nên các nhà đạo đức và trí thức thích đến ở và nhiều vị tu sĩ Ấn độ cũng muốn tới sống trong cảnh thanh tịnh này.

“Về phía tây những suối nước nóng là ngôi nhà đá Pipala. Khi đức Phật còn tại thế, Ngài thường sống tại đây. Một hang đá sâu nằm phía sau bức tường của ngôi nhà đá là nơi ẩn náu của một con quỷ. Nhiều vị Tỳ kheo tu thiền cũng cư trú tại nơi này. Trên đỉnh núi Vipula có một ngọn tháp. Đó là nơi xưa kia đức Phật đã thuyết giảng chánh pháp. Hiện những người theo đạo lỏa thể hay ‘ở trần’ (Nirgranthas) thường đến chỗ ấy rất đông. Họ tu khổ hạnh ngày đêm không dừng nghỉ, từ sáng đến chiều tối họ đi vòng quanh các ngọn tháp, chiêm ngưỡng rất thành kính. Về phía trái của cổng thành hướng bắc, đi về phía đông hướng bắc của vực núi phía nam độ một dặm, chúng tôi đến một nhà đá lớn, chính là chỗ xưa kia Đề Bà Đạt Đa thiền định.

“Không xa ngôi nhà đá này về phía đông, trên đỉnh của một tảng đá bằng phẳng, có những dấu vết màu đỏ như máu. Bên cạnh tảng đá này có một ngọn tháp. Đây là nơi có vị Tỳ kheo trong lúc tu thiền định đã tự hủy diệt thân thể mình và chứng đắc thánh quả A la hán. Trước kia có một Tỳ kheo ngày đêm chuyên cần tu tập thiền quán trải qua nhiều năm tháng, nhưng vẫn không chứng được thánh quả. Ngày nọ, vị Tỳ kheo tự nghĩ: ‘Tôi thất vọng không thành tựu được quả A la hán, vậy giữ gìn cái thân xác này làm chi, bởi nó là cội nguồn của vô thường khổ đau’. Sau khi thầm nghĩ như vậy, ông ta đến ngồi nơi tảng đá này và tự cắt cuống họng. Sau đó, ông liền chứng được quả A la hán và bay lên hư không biểu diễn nhiều phép thần thông; cuối cùng thân thể vị Tỳ kheo biến thành lửa và nhập Niết Bàn. Do quyết tâm muốn đạt đạo cao cả ấy của vị Tăng này, người xưa dựng ngôi tháp ở đây để kỷ niệm ghi nhớ ông ta.

“Về phía đông ngôi tháp đó, trên một vách đá có một ngọn tháp. Đây chính là nơi có vị Tỳ kheo lúc đang tu thiền định, tự gieo mình xuống hố sâu và chứng được thánh quả. Xưa kia, lúc đức Thế Tôn còn tại thế, có một vị Tỳ kheo chuyên tu thiền định trong rừng để mong cầu chứng đắc quả A la hán. Mặc dù ông ta cố gắng tu tập trong nhiều năm tháng, vẫn không đạt được kết quả. Ngày đêm ông suy nghĩ không biết nên tiếp tục tu hành hay chấm dứt. Đức Phật nhập định quán sát biết cơ duyên giải thoát của vị Tỳ kheo đã đến, Ngài liền tới gặp để cứu độ ông ta. Trong khoảnh khắc, đức Phật từ Trúc Lâm tinh xá, đã hiện ra ở vùng núi này; tại đây, Ngài gọi và đứng chờ vị Tỳ kheo. Vào lúc ấy, vị Tỳ kheo nhìn từ xa trông thấy đức Phật, lòng ông cảm thấy sung sướng an lạc và tự gieo mình xuống hố sâu. Nhưng do lòng thành hết sức tin kính giáo pháp của đức Như Lai, cho nên trước khi vị Tỳ kheo rơi xuống đất, ông liền chứng quả A la hán. Sau đó, vị Tỳ kheo bay lên hư không, biểu diễn các phép thần thông. Để ghi nhớ đạo lực cao cả này của vị Tỳ kheo nên người ta đã dựng ngôi tháp tại đây.

“Từ cổng phía bắc thành Vương Xá cũ, đi khoảng chưa đầy một dặm, chúng tôi đến chùa Karanda-Venuvana, hiện chỉ còn thấy nền đá và dãy thành bằng gạch của ngôi chùa. Cổng chùa nhìn ra hướng đông, đức Như Lai khi còn tại thế thường sống tại đây, và Ngài đã thuyết giảng chánh pháp để hướng dẫn, hóa độ cho nhiều người. Phía đông

chùa Karanda-Venuvana có một ngọn tháp, do vua A Xà Thế (Ajatasatru) lập nên. Sau khi đức Như Lai nhập Niết Bàn, các vua chúa phân chia xá lợi. Vua A Xà Thế đem phần của mình về, với lòng thành kính, Vua đã xây dựng tháp cúng dường để thờ xá lợi. Khi vua A Dục (Asoka) trở thành Phật tử, Ngài mở rộng ngọn tháp ấy lấy xá lợi và cho xây một ngọn tháp. Ngôi tháp này luôn luôn tỏa ánh sáng rất kỳ diệu. Bên cạnh ngôi tháp của vua A Xà Thế có một ngọn tháp khác, bên trong thờ nửa phần xá lợi của Đại đức A Nan. Không xa chỗ này là nơi xưa kia đức Phật thường đi kinh hành. Gần đó có một ngọn tháp. Đây là nơi hai Đại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thường ở tu trong mùa kiết hạ an cư.

“Về phía tây nam Trúc Lâm Tinh Xá độ 6 lý (2 dặm) về hướng bắc của ngọn núi phía nam có một rừng trúc. Giữa rừng trúc ấy có một ngôi nhà đá lớn. Tại đây Đại đức Ca Diếp với 499 vị A la hán, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, đã triệu tập một đại hội để kết tập Tam tạng Kinh điển. Trước ngôi nhà đá là nền cũ bức tường của một cái phòng lớn. Vua A Xà Thế xây dựng phòng này làm nơi cư trú cho các vị A la hán đến tham dự đại hội kết tập kinh tạng… Phía tây bắc chỗ Đại đức Ca Diếp triệu tập hội nghị có một ngọn tháp. Đó là nơi Đại đức A Nan sau khi bị các Đại Đức khác không cho dự đại hội, đã đến ngồi một mình im lặng và chứng quả A la hán. Sau đó, Ngài được mời dự hội nghị.

“Từ chỗ này đi về phía tây độ 20 lý (gần 7 dặm) có một ngọn tháp do vua A dục dựng nên. Đây là chỗ mà xưa kia chư Tăng họp để kết tập kinh điển… Phía bắc Trúc Lâm Tinh Xá đi bộ khoảng 200 feet, chúng tôi đến hồ Karanda. Khi còn tại thế, đức Như Lai thường thuyết giảng tại đây. Nước hồ trong và sạch. Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, nước hồ khô, không còn nữa. Phía tây bắc hồ ấy độ một dặm có một ngọn tháp do vua A Dục xây dựng. Ngọn tháp cao khoảng 60 feet, bên cạnh có một trụ đá trên đó ghi khắc những điều liên quan đến việc kiến tạo ngọn tháp ấy. Trụ đá cao độ 50 feet và trên đỉnh có hình một con voi.

“Không xa trụ đá này đi về hướng đông bắc, chúng tôi đến thành Vương Xá mới. Bức thành ngoài đã bị phá hủy không còn dấu tích gì. Bức thành trong mặc dù bị đổ nát vẫn còn có những chỗ cao hơn đất bằng, và có chu vi vòng tròn độ 20 lý (gần 7 dặm)… Tục truyền nói rằng vua A Xà Thế trước tiên lập thành này, và vị vua kế vị sau khi lên ngôi cũng xem thành ấy là kinh đô mãi cho đến vua A Dục. Vua này dời đô ra thị trấn Pataliputra (Hoa Thị) và giao thành Vương Xá cho các vị Bà la môn. Do đó mà hiện nay thành Vương Xá không còn thấy dân chúng ở mà chỉ có nhà của các vị Bà la môn, khoảng độ 1,000 gia đình… Về phía tây nam cung điện thành Vương Xá mới có hai ngôi nhà nhỏ làm chỗ tạm trú cho các vị tu sĩ và khách hành hương. Khi còn tại thế, đức Phật thường đến đây thuyết pháp. Bên ngoài cổng phía nam thành Vương Xá mới, trên đường phía bên trái có một ngọn tháp. Đây là chỗ đức Như Lai đã thuyết pháp hóa độ cho Đại đức La Hầu La (Rahula)”.

Trích “Buddhist Records of the Western World (Si Yu Ki)” translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal, Delhi, 1969 (“Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang), Quyển IX, trang 149, 150, 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 160, 161, 164, 165 và 167.

F. VƯƠNG XÁ VÀO THẾ KỶ THỨ 13 TÂY LỊCH

Vì thiếu sử liệu, chúng ta không biết rõ sinh hoạt ở thành Vương Xá sau thời kỳ ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), danh Tăng Trung Hoa sang Ấn Độ chiêm bái vào thế kỷ thứ 7 tây lịch cho tới cuối thế kỷ 12 khi xứ Ấn bị quân Hồi giáo từ Trung Đông qua xâm lăng. Mãi đến gần giữa thế kỷ 13, nhà sư Tây Tạng Dharmasvamin (1197-1264) khởi hành sang chiêm bái Phật tích Ấn Độ năm 1234; tới tháng 01 năm 1235, Ngài đến viếng thành Vương Xá bấy giờ được ghi chép như sau:

Xưa kia, tại thị trấn này có khoảng 800 ngôi nhà. Bấy giờ chỉ còn độ 600, trong đó có 400 nhà xây bằng gạch. Về phía bắc thành Vương Xá có một suối nước nóng; còn hướng nam là một đồi núi chạy dài từ đông sang tây. Trên đồi phía tây của ngọn núi có một con đường dẫn lên đỉnh núi Linh Thứu, bên dưới về hướng nam là một ngọn đồi nhỏ. Gần thành Vương Xá, bên cạnh một vũng lầy là vườn Trúc Lâm Tinh Xá, nơi đây cây cối vẫn còn xanh tốt hơn các vùng khác”.

Sau Vương Xá, Đại đức Dharmasvamin đã đến viếng thăm núi Linh Thứu. Ngài diễn tả khung cảnh ở đây như sau:

Núi Linh Thứu không cao lắm, có hình tròn, bao bọc xung quanh toàn là rừng. Trên các triền núi đá, nước từ các suối chảy ra. Trong rừng có nhiều loài thú ăn thịt như cọp, gấu đen, gấu nâu, người thường không ai dám vào. Ngoại trừ một vài đạo sĩ đến ở tu, không sợ bị các loài rắn độc và thú dữ làm hại. Mùa hè, cây cỏ trên đỉnh núi có màu xanh. Đông đến, khi cỏ tàn úa, cảnh núi đồi biến thành màu xám.

“Trên núi mọc đủ thứ cây và có nhiều loại chim sinh sống. Tôi đã bố thí, giúp đỡ các dân chúng địa phương, trong đó có một số người mang cung tên. Để làm các thú dữ sợ hãi chạy xa, họ thường đánh trống; có người thổi kèn, tù và hay đánh chập xỏa. vài người mang theo những ngọn đuốc lớn. Hiện nay, trên đỉnh núi Linh Thứu, cây cối trơ trụi với cỏ mọc đầy, còn thấy di tích nơi đức Phật xưa kia đã ngồi để thuyết pháp. Cạnh đó có một ngọn tháp xây bằng gạch. Dưới nền tháp có một lỗ trống. Một đạo sĩ vào ở tu trong đó suốt ba năm. Các loài rắn, thú dữ đều kính sợ, không dám đến gần làm hại ông ta”.

Trích “Biography of Dharmasvamin” Vol.2, translated from the Tibetan Text of Ju-ba Chos-dar by Dr.George Roerich, Patna, India, 1959 (“Tiểu Sử của Đại đức Dharmasvamin”, Chương 8, trang 87, 88 và Chương 9, trang 89).

IV. CHÚNG TÔI ĐẾN CHIÊM BÁI THÀNH VƯƠNG XÁ

Vương Xá (tức làng Rajgir ngày nay), cách xa đường bộ thành phố Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar 64 dặm (miles), thị trấn Gaya 40 dặm, và làng Nalanda 7 dặm. Sau khi tới Gaya hoặc Patna, quý vị có thể dùng xe bus hay taxi đến viếng thăm thành Vương Xá dễ dàng. Trong thời gian ở Ấn Độ, trú học tại đại học Phật giáo Nalanda, sinh viên chúng tôi thường rủ nhau đi Vương Xá mỗi cuối tuần vào ngày chủ nhật để mua thức ăn rau cải, gạo, dầu v.v…, vì chư Tăng ngoại quốc ở Nalanda bấy giờ thường tự túc nấu ăn lấy. Từ Nalanda đi taxi ra Vương Xá mất độ 20 phút đến nửa giờ.

Bây giờ, xin mời quý vị cùng đi với chúng tôi đến chiêm bái các thánh tích hiện còn thấy gồm có thành Vương Xá cũ và mới, nhiều chùa, tháp, và động đá, v.v…

A. THÀNH VƯƠNG XÁ MỚI(NEW RÀJAGAHA HAY RÁJAGRIHA)

Về lịch sử kiến tạo thành này, theo các danh Tăng Trung Hoa, ngài Pháp Hiển (Fa Hien) bảo do vua A Xà Thế (Ajatasattu: 491-462 trước Tây lịch), con vua Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước T. L.) lập nên; nhưng ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang) lại nói do chính vua Tần Bà Sa La kiến tạo.

Ngôi làng Rajgir hiện nay chiếm một phần đất của thành Vương Xá mới, được bao bọc xung quanh bởi một dãy thành lớn bằng đất, trông có hình năm góc không đều nhau, với vòng đai chu vi rộng gần ba dặm (miles). Hiện dãy ngoại thành bao quanh thành Vương Xá xưa kia đã hoàn toàn đổ nát, nhưng lũy thành bên trong, đặc biệt là một phần nhỏ của khúc thành phía nam với cổng vào còn lại di tích. Bức thành cao 11 feet và dày từ 15 đến 18 feet.

Thành được xây bằng các tảng đá lớn sắp dính liền nhau mà không có tô hồ. Bên ngoài thành được củng cố bởi các pháo đài hình bán nguyệt dựng nên cách khoảng không đều nhau. Có một vài lỗ hổng nơi các dãy thành phía đông, bắc và tây, nhưng các khoảng trống này, các nhà khảo cổ cho rằng chúng không phải được sử dụng làm cổng vào. Chỉ nơi dãy thành phía nam có một lỗ hổng lớn được dùng làm cổng thành, cao độ 6 feet và rộng 11 feet, hiện vẫn còn trông thấy.

Vào năm 1905-1906, khi Viện Khảo Cổ của Ấn Độ (Archaeological Survey of India) khởi sự khai quật một phần di tích thành Vương Xá mới, người ta khám phá biết rằng các kiến trúc xây cất tại đây gồm có ba lớp. Tầng thấp nhất cao độ 8 feet nằm ở dưới mặt đất. Bức thành của tầng giữa được xây bằng những tảng đá thô, sần sùi làm nền phía dưới, dày từ 15 đến 16 inches; phía trên nền đó, thành xây cao 2 feet bằng các phiến đá, và trên cùng bằng các viên gạch có chiều dài 15, rộng 10 và dày 2 inches. Tầng cao nhất gồm có một cái nền bằng gạch, những bức tường thấp và một đường mương (cống rãnh).

Tại một trong những ngôi nhà cũ ở đây, người ta còn tìm thấy một vựa chứa lúa làm bằng đất và sát cạnh đó là một cái giếng nước xưa xây bằng gạch có hình cái nêm (tam giác). Ngoài ra, nhân viên khảo cổ cũng đào thấy nơi một phòng nhỏ ở tầng đất thấp nhất hai tấm thẻ bằng đất nung, trên đó có khắc chữ Brahmi, cổ ngữ Ấn Độ, đọc không rõ lắm, thuộc thế kỷ thứ nhất và hai trước Tây lịch; một đồng tiền bằng đồng hình vuông có dùi lỗ; sáu tiền đồng khác với mặt trên có chạm hình một con voi đứng và mặt dưới hình một cái cây xung quanh có hàng rào; một vòng bạc đeo cổ tay; một con dấu bằng đất nung có khắc chữ thuộc triều đại Gupta (320-510); một vài mẩu điêu khắc, những đồ vật bằng đất nung khác có chạm các tín điều và biểu tượng Phật giáo.

B. THÁP VUA A DỤC (ASOKAN STUPA)

Đi về hướng tây của thành Vương Xá mới (New Rajagriha), bên cạnh dòng sông nhỏ Saraswati, chúng tôi trông thấy một gò đất lớn, ghi dấu di tích ngôi tháp xưa kia, theo ngài Huyền Trang, được xây cất bởi vua A Dục (Asoka: 273-232 trước Tây lịch); nhưng ngài Pháp Hiển lại bảo do vua A Xà Thế (Ajatasattu: 491-462 trước Tây lịch) con vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) dựng nên.

Mô đất được Viện Khảo Cổ Ấn Độ khai quật vào năm 1905-1906, cao khoảng 31 feet về hướng đông, còn các phía khác thấp hơn. Người ta tìm thấy nơi một phần thuộc hướng tây của gò đất, dưới sâu 12 feet, nhiều tấm gạch đúc vào triều đại Mauryan (322-185 trước T. L.) của vua A Dục.

Cũng nơi gò đất phía tây, nhân viên khảo cổ còn đào thấy dưới sâu 10 feet, di tích của những bức tường cũ bằng gạch, xung quanh và trên đó có nhiều ngọn tháp nhỏ bằng đất nung cao độ 2 inches với đường kính rộng 1 inch. Bên trong mỗi ngọn tháp nhỏ này, người ta tìm thấy một tấm thẻ bằng đất nung, trên đó có khắc lời Phật dạy với loại chữ được dùng ở thế kỷ thứ 8 và 9 sau Tây lịch.

C. VƯỜN TRÚC LÂM (VENUVANA)

Di tích hiện còn thấy tại vườn Trúc Lâm gồm có hồ Karanda và tinh xá Trúc Lâm.

1. Hồ Nước Karanda

Sau khi viếng thăm thành Vương Xá mới (New Ràjagriha) và tháp vua A Dục (Asokan Stupa) chúng tôi đến một nơi có nhiều suối nước nóng nằm dưới chân đồi Vaibhara. Gần các suối nước nóng này, cách khoảng 150 yards (hay 450 feet) về hướng bắc các ngôi đền Hồi giáo, chúng tôi nhìn thấy hồ Karanda. Đây là hồ nước mà xưa kia đức Phật thường đến tắm và trong sách ký sự “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang (Hiuen Tisang) có nhắc tới. Trong Kinh tạng Phật giáo tiếng Pali (Nam tông) và Sanskrit (Bắc tông) cũng đều ghi tên hồ nước này là Kalanda-Nivàpa hay Karanda-Kanivàpa.

Theo học giả D.N.Sen trong tác phẩm “Rajir and Its Neighbourhood” (Vương Xá và Các Vùng Phụ Cận) của ông trang 30 cho biết thì hồ nước Karanda hiện nay không phải là hồ chính gốc xưa kia thời Phật còn tại thế mà có thể nó được đào sau này trên ngay chỗ hồ nước cũ ngày trước.

2. Tịnh Xá Trúc Lâm (Venuvana Vihara)

Đây là ngôi Tinh Xá do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara: 543-491 trước T.L) xây cất trong vườn Trúc Lâm dâng cúng cho đức Phật làm nơi thường trú của Ngài. Di tích ngôi tinh xá hiện còn thấy là một gò đất lớn bao phủ xung quanh với nhiều bụi rậm và các ngôi mộ Hồi giáo, nằm cách một khoảng đường ngắn về hướng nam hồ nước Karanda.

Năm 1905-1906, Viện Khảo Cổ Ấn Độ đã khai quật trong vườn Trúc Lâm (Venuvana) tại một gò đất lớn có chu vi rộng 770 feet ở phần đáy, người ta đã đào thấy trên đỉnh gò nền của một cái phòng và móng của những ngọn tháp bằng gạch. Bên trong các ngôi tháp này là những bình đất nung chứa đầy đất. Tại sườn dốc của gò đất phía đông, các nhân viên khảo cổ không khám phá được kiến trúc gì ngoại trừ vài tấm thẻ bằng đất nung, trên đó có khắc những tín điều Phật giáo bằng loại chữ dùng vào thế kỷ thứ 10 và 11 sau Tây lịch.

Ngoài ra, người ta còn phát hiện một cái bệ bằng đá và chân của một tượng đức Bồ Tát với hai tượng hình người đàn ông trên đó có khắc biểu tượng Phật giáo như “Ye Dharma” bằng loại chữ dùng ở thế kỷ thứ 10 hoặc 11 Tây lịch, một bệ bằng đá khác trên có chạm các tượng hình người, bánh xe pháp và người cưỡi ngựa; một bệ đá bị bể cao 2,5 inches được trang trí với hai mặt chạm hình hai tượng Phật tay Ngài bắt ấn chuyển pháp luân; và một phần của bệ đá khác có chạm hình con voi, bánh xe pháp và con ngựa.

D. THÁP VUA A XÀ THẾ(AJATASATRU’S STUPA)

Ngọn tháp này nằm về hướng đông vườn Trúc Lâm mà trong sách ký sự “Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang có ghi chép. Di tích ngôi tháp đang còn thấy chỉ là một nền bằng đá với những trụ đá được dựng nên vào các thời kỳ sau này trên một mô đất nằm bên trái con đường đi hiện nay.

E. SUỐI NƯỚC NÓNG (TAPODA NADI)

Tại thành Vương Xá (Rajgir) dọc theo đồi Vibhara có nhiều suối nước nóng, nhưng quan trọng nhất là ngọn suối phát xuất từ sông Tapoda. Đây là nơi trước kia đức Phật và chư Tăng đệ tử của Ngài thường đến tắm hai tuần một lần. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cũng hay ra tắm nơi này. Có lần nhà vua đến đây tắm, trở về khuya thấy cổng thành Vương Xá đã đóng, cho nên Ngài phải ở lại qua đêm với đức Phật tại Trúc Lâm tinh xá.

Theo tài liệu ghi chép trong kinh tạng Phật giáo Pali cho biết thời xưa trên bờ sông này người ta có xây dựng một ngôi chùa đặt tên là chùa Tapodarama. Hiện nay, ngôi chùa không còn mà chỉ thấy các đền thờ Ấn Độ giáo được thiết lập ngay trên các vòi nước và hồ tắm. Nước nóng từ trong núi chảy ra được chuyển thành nhiều vòi để cung cấp cho nhiều hồ tắm. Trên mỗi vòi có một tượng thần Ấn giáo.

Nhiệt độ trung bình nước suối ở đây vào khoảng 105 độ F, trong nước có chất phóng xạ và có thể chữa lành một số bệnh ngoài da hoặc tê thấp. Hằng năm vào mùa đông, hàng ngàn du khách Phật tử và các tôn giáo khác khắp nơi tại Ấn Độ cũng như ngoại quốc thường đổ xô lũ lượt đến viếng thăm thành Vương Xá, và nhân dịp này họ rủ nhau ra tắm suối nước nóng.

F. NGÔI NHÀ ĐÁ PIPPALA (PIPPALA STONE HOUSE)

Không xa phía trên các suối nước nóng, chúng tôi đi dọc theo sườn hướng đông đồi Vaibhara lên tới đỉnh để xem ngôi nhà đá Pippala mà dân chúng địa phương gọi tên là “machan”hay “tháp canh” (watch-tower) và trong kinh điển Pali cũng như sách ký sự “Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang thường nhắc đến.

Ngôi nhà đá có nền hình chữ nhật dài 85 feet và rộng 81 feet; trên đỉnh có chiều dài 81 feet 6 inches, rộng 78 feet và cao từ 22 đến 28 feet. Nó được xây bằng các phiến đá lớn sần sùi xếp chồng lên nhau không có tô hồ. Xung quanh các bức tường ngôi nhà đá có những lỗ trống nhỏ trông hình như các lỗ hang, do đó mà dân địa phương gọi là hang đá (cave).

Theo nhà khảo cổ John Marshal, ngôi nhà đá này nguyên đầu tiên có thể là một tháp canh, còn những phòng nhỏ bên dưới gần chân nền là nơi trú ẩn của các lính gác; và sau này khi nó không còn được sử dụng cho việc phòng thủ nữa, các nhà tu khổ hạnh mới vào ở đó để tọa thiền. Theo vài tài liệu ghi chép trong Kinh tạng Pali, hang đá Pippala xưa kia là nơi ẩn tu của Đại đức Ca Diếp (Mahakasyapa). Tương truyền một hôm Ngài đau nặng được Phật đến thuyết pháp kinh Thất Bồ Đề Phần, và sau khi nghe pháp Ngài liền lành bệnh.

G. ĐỘNG THẤT DIỆP (SAPTAPARNI CAVE)

Động này nằm trên đỉnh đồi Vaibhara cách không xa hướng tây nam vườn Trúc Lâm. Dãy động với hình bán nguyệt gồm có sáu hang nhỏ (nguyên trước kia có thể là bảy hang). Đường vào động không sâu lắm, gập ghềnh và tối đen. Mỗi hang chứa được khoảng 40 người. Bốn trong sáu hang đang còn trong tình trạng tốt, chưa hư hoại lắm. Phía trước dãy động là một cái nền tạo thành con đường bằng đá có chiều dài 120 feet, rộng 34 feet hướng đông và 12 feet phía tây. Bức tường bên ngoài nền được xây bằng những phiến đá lớn sần sùi không có tô hồ, nhưng chỉ một phần bức tường dài 15 feet và cao 8 feet còn được duy trì.

Trong kinh sách Phật giáo tiếng Pali và Sanskrit đều có ghi chép về Động Thất Diệp này. Đây là nơi đã tổ chức đại hội kết tập kinh tạng Phật giáo lần thứ nhất, sáu tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn. Tham dự đại hội gồm có 500 vị thánh Tăng A la hán dưới sự chủ tọa của Đại đức Ca Diếp. Về sau, vua A Dục (273-232 trước T.L) nhằm tán dương công đức đóng góp hoằng pháp của đại hội này, Ngài đã cho xây một ngọn tháp để ghi nhớ tại địa điểm cách không xa về hướng tây của Động Thất Diệp (Saptaparni Cave) mà trong sách ký sự “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang có nhắc tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nalanda and Rajgir by Rastrapal Bhikshu, Bihar Sharif, India, 1964.

2. Buddhist Shrines In India by Ministry of Information, Delhi, 1968.

3. Buddhist Centres In Ancient India by Dr. B. N. Chaudhury, Calcutta India, 1969.

4. Buddha and Buddhist Shrines In India by A. C. Jain, Delhi, India.

5. Where the Buddha Trod by Major R. Raven-Hart, Colombo, Sri Lanka, 1966.

6. Buddhist Remains In India by Dr. A. C. Sen, New Delhi, India, 1956.

7. Buddhist Shrines by D. C. Bhattacharyya, Ministry of Information, Government of India, New Delhi, 1987.

8. Holy Places of Buddhism in Nepal & India by T. C. Majupuria, Kathmandu, Nepal, 1987.

9. Rajgir by Department of Tourism, Bihar, India.

10. Buddhist Shrines In India by D. C. Ahir, Delhi, India, 1986.

11. Buddhism In India as Described by the Chinese Pilgrims AD 399-689 by K. Lal Hazra, New Delhi, India, 1983.

12. A Record Of Buddhistic Kingdoms, Translated from the Chinese of Fa Hien by James Legg, San Francisco, 1975.

13. Buddhist Records Of The Western World (Si Yu Ki), Translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal, Delhi, India, 1969.

14. A Record Of The Buddhist Religion As Practised In India and the Malay Archipelago, Translated from the Chinese of I – Tsing by J. Takakusu, Delhi, 1966.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/07/2012(Xem: 9458)
Với Đức Phật, vì tình thương vô hạn đối với chúng sanh nên Ngài đã hy sinh tất cả để tìm cầu Thánh đạo. Sau khi đã ngộ đạo, Ngài lại chuyển vận bánh xe pháp...
25/07/2012(Xem: 8864)
Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 24 được tổ chức vào ngày 26.07 đến ngày 05.08.2012... HT Thích Minh Tâm
25/07/2012(Xem: 9668)
Không phải chúng ta hành thiền để được người khác mến phục, kính nể nhưng để đóng góp vào sự bình an của thế giới. Chúng ta làm theo những lời dạy của Ðức Phật...
25/07/2012(Xem: 7194)
1-Chúng ta hãy đem yêu thương vào nơi oán thù để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. 2-Chúng ta hãy đem tha thứ vào nơi lăng nhục để mọi oan khiên được dứt sạch theo thời gian. 3-Chúng ta đem tình thương vào nơi tranh chấp để hóa giải mọi xung đột hiềm khích phải quấy, tốt xấu, đúng sai trở thành hòa hợp. 4-Chúng ta đem ánh sánh chân lý trí tuệ từ bi vào nơi tăm tối u mê, lầm lỗi để chuyển hóa thành trong sáng hiện thực. 5-Chúng ta đem an ủi sẻ chia giúp đỡ vào nơi không có tình yêu thương chân thật để được bao dung và độ lượng. 6-Khi chúng ta biết tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, tự nghiêm khắc với chính mình và ta chịu thiệt thòi một chút thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
24/07/2012(Xem: 11658)
Trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi điểm qua nhiều chủ đề trong tiến trình thảo luận của chúng tôi, vẫn còn một vấn đề đơn độc được đan kết lại suốt tất cả những thảo luận của chúng tôi, câu hỏi của việc làm thế nào tìm thấy hạnh phúc trong thế giới phiền não của chúng ta. Vì vậy, trong việc nhìn vào những nhân tố đa dạng ngầm phá hạnh phúc nhân loại suốt chiều dài của lịch sử, những nhân tố đã tạo nên khổ đau và khốn cùng trong một mức độ rộng lớn, không nghi ngờ gì nữa, chính là bạo động ở trong những nhân tố chủ yếu.
23/07/2012(Xem: 7167)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm nay được tổ chức tại Chùa Bát Nhã - Văn Phòng Của GHPGVNTNHK, Hòa Thượng Thích Nguyên Trí phát tâm bảo trợ. Cũng như những năm trước, đông đảo Chư Tôn Đức Tăng Ni vân tập về trường hạ An Cư tạo thành quang cảnh nhộn nhịp như đàn chim khắp bốn phương bay về tổ ấm. Người mang xách, kẻ kéo vali quay quần bên nhau thăm hỏi, vui mừng như ngày hội. Từ Ôn Thiền Chủ, Ban Chức Sự trường hạ cho đến quí Thầy Cô, Sa Di khu ô đuổi quạ, đều hiện rõ nét mặt vui tươi, hân hoan, chào đón bằng ánh mắt niềm nở, nụ cười tự nhiên, thanh thản. Nhiều chiếc xe đổ người trước cổng tam quan, ai cũng nhìn thấy câu biển ngữ nền vàng chữ đỏ...
22/07/2012(Xem: 6415)
1-Người Phật tử chân chính luôn cung kính tưởng nhớ Phật, luôn thương yêu kính mến ông bà cha mẹ, vui vẻ thuận thảo với anh chị em và hay giúp người cứu vật. 2-Khi ta oán giận một ai đó, giống như mình đang ghim từng mũi kim vào thân này. Hãy học cách khoang dung và độ lượng để tâm ta được an tịnh trong từng phút giây.
20/07/2012(Xem: 11877)
Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế này cho chúng ta để đắc chứng Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba, chấm dứt hoàn toàn tái sanh và do đó cũng chấm dứt luôn Khổ.
13/07/2012(Xem: 9176)
TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU TRÊN CON ĐƯỜNG giải thoát và giác ngộ, chúng ta cần gặp một vị đạo sư chân chính đầy đủ phẩm chất. Để tìm thấy một người như vậy, đầu tiên ta cần hiểu các đặc điểm tiêu biểu của một con người như vậy. Khi chúng ta đến trường, chúng ta cần một người giáo viên tốt.
10/07/2012(Xem: 15063)
Đời vốn vô thường, nhân duyên nghiệp báo Hãy cùng nhau nương náo trọn kiếp người...Quảng Chánh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]