Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Vườn Lộc Uyển

14/07/201112:28(Xem: 6408)
04. Vườn Lộc Uyển

VƯỜN LỘC UYỂN (SARNATH),

NƠI ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP ĐẦU TIÊN


Vườn Lộc Uyển (Sarnath) là nơi hơn 2.500 năm trước, đức Phật đã thuyết bài Pháp đầu tiên. Từ đó, Lộc Uyển trở thành một thánh tích Phật giáo thiêng liêng quan trọng thứ nhì, sau Bồ Đề Đạo Tràng; và mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách Phật tử cũng như không Phật tử địa phương và ngoại quốc khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái, lễ lạy, cầu nguyện, tu học, sưu tầm tài liệu khảo cứu v.v…

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH VÀ VỊ THẾ CỦA LỘC UYỂN

TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO.

SARNATH (Lộc Uyển), tên gọi ngày nay chỉ nơi xưa kia đức Phật sau khi thành Đạo, đã đến thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm vị Tỳ kheo, đệ tử xuất gia của Ngài. Kinh sách cũng ghi chép rằng tất cả chư Phật trong quá khứ đều tới đây để Chuyển Pháp Luân. Thông thường các Ngài vận thần thông bay trên không, từ cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) đến Lộc Uyển, nhưng đức Phật của chúng ta thì Ngài đi bộ để gặp ông Upaka (một tín đồ ngoại đạo) và nhóm năm người bạn cũ (Kiều Trần Như) trước kia. Hiện nay, Sarnath nằm cách xa sáu dặm (miles) đường bộ thị trấn Varanasi hay Benares (Ba La Nại) và một dặm từ nhà ga Sarnath, trong quận Varanasi, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ.

Chữ “Sarnath” là tiếng rút gọn của từ “SARANGNATH” (Sarang: Lộc, nai; Nath: vua): vua của loài Nai (Lộc Vương – chỉ đức Phật). Danh từ này không thấy có trong kinh tạng Phật giáo tiếng Pali (Nam tông) cũng như Sanskrit (Bắc tông), mà trái lại kinh Pali thường dùng chữ “ISIPATANA” (Tàu dịch: Chư Thiên Đọa Xứ) hay “MIGADÀYA”; hoặc lắm khi dùng cả hai. Có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của các địa danh này.

Một vài học giả cho rằng “Isipatana” (Pali) hay “Rishipatana” (Sanskrit) có nghĩa là “Khu vực của các vị Tiên” (The abode of the seers), nhưng theo bộ Mahavastu (Đại sự) của Phật giáo giải thích thì xưa kia tại đây có 500 vị Bích Chi Phật (Pratyeka Buddhas) thường trú tu hành, về sau tất cả đều bay lên hư không nhập Niết Bàn, và thân thể của quý vị Độc giác này rơi xuống đất. Do đó, Isipatana được gọi là “Thành phố, nơi rơi xuống của các Ngài Bích Chi Phật” (City of the fall of the Sages). Theo ngữ nguyên “Isi” có nghĩa là “Tiên, Thánh hiền” (Sage); “Patana” là “Rơi xuống” (Falling). Còn “Migadàya” (Pali) nghĩa là “Lộc Uyển” hay “Vườn Nai” (Miga: Lộc, nai; Dàya: vườn, công viên). Trong sách có ghi chép mẩu chuyện tiền thân “Nigrodha Miga” liên quan đến Phật tích Lộc Uyển này như sau:

“Ngày xưa, nguyên tại đây (Migadàya) là khu rừng có nhiều nai. Vua xứ Benares (Ba La Nại) thời ấy hằng ngày đến săn nai để giết thịt. Trong một kiếp tiền thân đức Phật (Bồ Tát) sinh làm Lộc Vương, trông coi cả đàn nai ở đó. Ngày nọ, Bồ Tát Lộc Vương đến yết kiến vua Ba La Nại, đề nghị giải pháp mỗi ngày sẽ có một chú nai tự đến nạp mình để vua làm thịt dùng và khuyên vua nên chấm dứt việc cho săn bắn, sát hại vô ích nhiều nai khác trong khu rừng.

Một hôm, đến lượt một con nai có mang phải nạp mình. Không nđể nai con trong bụng chết oan, nai mẹ đến khẩn thiết yêu cầu Lộc Vương (Bồ Tát) giúp tìm một con nai khác đi thay thế. Vì lòng từ bi, Lộc Vương đến gặp vua Ba La Nại trình bày sự việc, và mong được giết thịt hôm đó để cứu mạng sống cho nai mẹ. Vô cùng ngạc nhiên, khâm phục trước sự hy sinh cao cả của Lộc Vương, đức vua hối hận và từ ngày ấy không bắt buộc đàn nai mỗi ngày phải đến nạp mình một con như trước kia. Nhà vua cũng để yên cả khu rừng cho loài Lộc ở, sống hạnh phúc an lành không còn sợ ai đến săn bắn, giết hại nữa. Vì thế, khu rừng này được gọi là khu rừng của loài Lộc (Migadàya: Lộc Uyển)”.

Do đó, chúng ta thường thấy phía dưới những tượng đá, tranh họa diễn tả về sự tích đời sống đức Phật đều có khắc hay vẽ hình hai con Lộc hai bên, ở giữa là bánh xe Pháp Luân.

Nói tóm, Sarnath (Lộc Uyển) tại vùng Isipatana (Chư Thiên Đọa Xứ) gần thị trấn Varanasi (Ba La Nại), miền đông bắc Ấn Độ ngày nay là một Phật tích vô cùng quan trọng đối với hàng Phật tử chúng ta vì các lý do:

1. Đây là nơi Đức Phật Thích Ca và Chư Phật trong quá khứ đều đã đến thuyết pháp đầu tiên.

2. Nơi đản sinh và Chuyển Pháp Luân của đức Phật quá khứ Ca Diếp (Kassapa hay Kashyapa Buddha). Ngài là đức Phật thứ 6 trong 7 vị Cổ Phật và là đức Phật thứ 3 trong đời Hiền kiếp (Bhadra Kalpa) này. Nhưng theo tập Atthakatha (Chú giải) của ngài Buddhaghosa (Phật Minh), nhà đại luận sư Ấn Độ (sinh vào thế kỷ thứ 5 tây lịch) thì đức Phật Ca Diếp giáng sinh tại thành Ba La Nại (Benares) và nhập diệt ở Lộc Uyển.

3. Là một trong bốn Phật tích thiêng liêng nhất (ba chỗ kia là vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng và Câu Thi Na) mà trong kinh đức Phật đã khuyên dạy hàng Phật tử hậu thế, xuất gia cũng như tại gia nên cố gắng hành hương đến chiêm bái để tạo duyên lành với Ngài trong đời này và nhiều kiếp sau.

4. Nơi Phật giáo đã phát triển thịnh hành, tồn tại kéo dài hơn 1.500 năm kể từ sau ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.

II. LỘC UYỂN TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT GIÁNG SANH

(624 TRƯỚC TÂY LỊCH).

Sử sách Ấn Độ ghi chép cho thấy rằng Lộc Uyển, trước thời Đức Phật ra đời (năm 624 trước tây lịch) là một trung tâm phát triển văn hóa, triết lý Phệ Đà (Veda) của đạo Bà La Môn (Brahmanism), một tôn giáo rất xưa ở Ấn Độ. Theo nhà Ấn Độ học Max Muller (1823 - 1900), người Anh gốc Đức, thì kinh Phệ Đà (Vedas) xuất hiện vào khoảng năm 1.500 - 1.200 trước tây lịch, nhưng theo giáo sư A.C.Das thì nó ra đời khoảng năm 2.500 trước Công Nguyên. Vương quốc Kashi, Banaras hay Benares (Ba Na Lại) trước kia mà Sarnath (Lộc Uyển) ngày nay bao gồm trong đó, là nơi lui tới gặp gỡ, hành đạo của hầu hết những vị giáo chủ, đạo sư nổi danh của các tôn giáo lớn Ấn Độ (Bà La Môn, Kỳ Na Giáo tức Jainism) bấy giờ.

Có thể nói Lộc Uyển với những khu rừng âm u, tĩnh mịch, nơi sinh sống tự do của loài nai hàng nghìn năm trước khi đức Phật ra đời và đến đây để chuyển bánh xe Pháp, đã từng là vùng đất thiêng, thu hút vô số các nhà đạo học uyên bác, những vị Tiên, ẩn sĩ đến thường

trú ngày đêm tu khổ hạnh hay thiền định để tìm cho mình con đường giải thoát và giác ngộ.

III. LỘC UYỂN VÀO THỜI ĐỨC PHẬT TẠI THẾ (624 - 544

TRƯỚC T. L.)

A. THÀNH LẬP NGÔI TAM BẢO VÀ ĐOÀN THỂ TĂNG GIÀ ĐẦU TIÊN.

Kinh sách chép rằng sau khi chứng Đạo giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), Đức Phật do dự chưa quyết định truyền bá giáo pháp cho thế gian. Lúc ấy, sợ chúng sanh ở thế gian không được nghe pháp sẽ phải chịu khổ não, luân hồi sanh tử, nên đấng Phạm Thiên Sahampati ba lần thỉnh cầu đức Phật như sau:

“Bạch đức Thế Tôn, cầu xin Ngài giảng truyền giáo pháp! Cầu xin đấng Như Lai truyền bá giáo pháp! Có những chúng sanh bị ít nhiều vô minh che lấp, không được nghe giáo pháp, sẽ phải đọa lạc trầm luân. Nhưng cũng có người sẽ giác ngộ được chân lý”.

Cuối cùng, nhận lời thỉnh cầu của đấng Phạm Thiên Sahampati, đức Phật tuyên bố: “Cửa vô sanh bất tử đã mở ra cho chúng sanh. Hãy để cho những ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”(Opened to them are the Doors to the Deathless state. Let those who have ears repose confidence).

Sau đó, đức Phật liền nghĩ tới năm người đạo sĩ, bạn đồng tu với Ngài trước kia là: Kiều Trần Như (Kondanna), Bạc Đề (Bhaddiya), Thập Lịch Ca Diếp (Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama) và Ác Bệ (Assaji); và biết họ đang ở Lộc Uyển tại Chư Thiên Đọa Xứ (Isipatana), Ngài liền rời Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela), lên đường đi Ba La Nại (Benares). Khi thấy đức Phật từ xa đến, năm vị đạo sĩ tỏ vẻ không mấy kính trọng, nhưng lúc tới gần, với hảo tướng trang nghiêm, oai nghi đức độ của Ngài, tự nhiên cảm hóa họ. Và cuối cùng, năm vị chịu ngồi xuống yên lặng để nghe đức Thế Tôn giảng pháp.

Trong kinh chép rằng, ngay tại chỗ ở vườn Lộc Uyển, nơi mà trước kia chư Phật trong quá khứ cũng đã ngồi để Chuyển Pháp Luân, vào lúc ấy liền hiện ra 1.000 ngôi pháp tòa. Đức Thế Tôn đi đến chỗ mà 3 vị Phật quá khứ trong đời Hiền kiếp (Ca Diếp, Câu Na Hàm Mâu Ni, và Câu Lưu Tôn) đã ngồi trước đây, Ngài liền ngồi xuống nơi pháp tòa thứ tư; và bắt đầu thuyết bài pháp đầu tiên, kinh “Chuyển Pháp Luân” (Dhammacakkappa-vattana Sutta) đề cập đến Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Bấy giờ, hào quang từ kim thân đức Phật rực chiếu sáng ngời đến khắp 3.000 cõi thế giới và mặt đất khắp nơi rung động. Tất cả chư Thiên ở thế gian này và tại nhiều cõi Trời khác: Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Thiên v.v...đều vô cùng tán thán, đồng thanh tung hô la lớn tiếng rằng: “Nay tại Ba La Nại, Chư Thiên Đọa Xứ (Isipatana), vườn Lộc Uyển (Sarnath), Vô Thượng Pháp Luân đã được đức Thế Tôn chuyển vận; Pháp Luân này chưa từng được Sa Môn, Bà La Môn, Thiên Ma, Phạm Thiên nào hoặc một ai ở thế giới này chuyển vận”.

Sau khi nghe xong, vị lớn tuổi nhất, đức Kiều Trần Như liền phát tâm xuất gia, làm vị Tỳ Kheo (Bhikkhu) đầu tiên và đắc quả Tu Đà Hoàn (quả thứ nhất trong bốn quả thánh). Những ngày sau đó, bốn vị kia cũng xuất gia theo Phật và đều chứng được quả này. Đến khi nghe đức Phật thuyết Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta) đề cập đến pháp Vô Ngã (không có Ta) thì tất cả năm vị đều đắc quả A La Hán, hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Năm vị Tỳ kheo này là những đệ tử xuất gia đắc quả A La Hán đầu tiên của đức Phật. Như vậy, vào lúc ấy trên đời có tất cả năm vị A La Hán. Từ đó, ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được thành hình, đoàn thể Tăng già và Phật giáo bắt đầu hiện hữu ở thế gian.

B. LỄ QUY Y TAM BẢO ĐẦU TIÊN CHO THIỆN NAM TÍN NỮ.

Lúc bấy giờ, Yasa (Da Xá), con của một nhà triệu phú ở thành Ba La Nại (Benares) chán cảnh giàu sang phú quý tạm bợ, chàng trốn nhà ra đi hướng về Lộc Uyển. Đến nơi gặp đức Phật, Yasa than rằng: “Khổ đau thay cho con! Đọa đày thay cho con!”. Đức Phật dạy: “Nơi đây không có khổ đau! Nơi đây không có đọa đày, hỡi Da Xá! Hãy đến, ngồi xuống đây Da Xá, Như Lai sẽ giảng pháp cho con”.

Da Xá hoan hỷ, cung kính đảnh lễ Ngài và ngồi sang một bên. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, chàng đắc quả Tu Đà Hoàn. Hôm đó là ngày thứ năm, sau khi đức Phật Chuyển Pháp Luân.

Thấy vắng con, nhà triệu phú, cha của Da Xá, đi tìm. Nhìn ông từ xa đến, đức Phật liền dùng thần thông không cho ông nhận ra con. Nhà triệu phú đến gần cung kính bạch Phật hỏi thăm Ngài có thấy Da Xá đâu không? Đức Phật bảo: “Hãy ngồi lại đây, con sẽ gặp mặt con của con”. Nhà triệu phú mừng rỡ, vâng lời ngồi xuống, Đức Phật liền giảng pháp cho ông. Nghe xong, ông vui mừng bạch Phật cho ông xin quy y Tam Bảo. Ngài liền chấp nhận. Ông là người thiện nam đầu tiên thọ lễ quy y đầy đủ với 3 ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) tại Lộc Uyển. Khi nghe đức Phật thuyết pháp cho cha, Yasa (Da Xá) đắc quả A La Hán. Ngay lúc ấy, đức Phật thâu thần thông để nhà triệu phú nhìn thấy con. Ông sung sướng thỉnh Phật và các đệ tử của Ngài ngày mai về nhà thọ trai. Đức Thế Tôn nhận lời. Sau khi nhà triệu phú ra về, Da Xá xin đức Phật xuất gia, thọ giới Sa Di và Tỳ Kheo.

Với Đức Da Xá, tổng số các A La Hán lúc bấy giờ tăng lên sáu vị. Hôm sau, đức Phật với sáu đệ tử A La Hán đến nhà ông triệu phú. Mẹ và vợ của Da Xá đến nghe đức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn và xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Hai bà trở thành hai tín nữ, đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật. Những tuần sau đó, 54 người bạn của đức Da Xá (Yasa) cũng đến thính pháp với đức Phật, xin Ngài xuất gia làm Tỳ kheo và đều đắc quả A La Hán. Trong vòng gần hai tháng, tổng số đệ tử xuất gia theo đức Phật chứng quả A La Hán lên tới 60 vị.

C. THÀNH LẬP GIÁO HỘI TĂNG GIÀ, ĐOÀN SỨ GIẢ NHƯ LAI

HOẰNG PHÁP ĐẦU TIÊN.

Với 60 vị đệ tử A La Hán, đầy đủ giới đức, trí tuệ và từ bi, đức Phật sáng lập “Giáo Hội Tăng Già” đầu tiên gồm những người xuất gia độc thân, thuộc giai cấp lãnh đạo, có học thức, địa vị và cao sang nhất thời bấy giờ. Tuy vậy, Giáo Hội vẫn luôn mở rộng cửa, đón nhận đủ hạng người, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ tất cả đều được chấp nhận vào Tăng đoàn chung sống với tình huynh đệ như anh em trong một gia đình. Đến nay, Giáo Hội Tăng Già này vẫn còn tồn tại, dưới hình thức một đoàn thể tu sĩ độc thân xưa nhất trong lịch sử nhân loại.

Và để giáo pháp được rộng truyền khắp nhân gian, sau khóa nhập hạ an cư đầu tiên kết thúc tại vườn Lộc Uyển trong vùng Chư Thiên Đọa Xứ (Isipatana), đức Phật đã khuyên dạy các đệ tử:

“Này các Tỳ Kheo, hãy ra đi, đem lại sự an lành đến mọi người, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Vì lòng từ bi, hãy mang lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho Chư

Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã... Chính Như Lai cũng sẽ đi về hướng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) để hoằng dương chánh pháp”.

Như vậy, tại vườn Lộc Uyển (Sarnath), đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên trên thế giới lập đoàn truyền giáo và gửi các đệ tử xuất gia đã chứng ngộ đi khắp nơi hoằng pháp, lợi ích nhân quần xã hội đúng theo hạnh nguyện của người tu là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Tưởng nên biết thêm, Lộc Uyển không phải là nơi thường trú của đức Phật và các đệ tử thân tín của Ngài. Kinh sách ghi chép cho thấy rằng, sau khi Chuyển Pháp Luân, an cư ba tháng hạ đầu tiên, đức Phật đã rời Lộc Uyển đi giáo hóa các nơi; và sau đó có thể thỉnh thoảng Ngài chỉ trở lại thăm Thánh địa này hai hay ba lần mà thôi. Tuy nhiên, sau ngày đức Phật diệt độ, có rất nhiều đệ tử của Ngài đã đến Lộc Uyển kiến tạo chùa tháp để sống tu hành hoằng pháp ở đây (xin đọc phần sau).

D. NHỮNG BÀI KINH ĐỨC PHẬT THUYẾT TẠI LỘC UYỂN.

Ngoài hai kinh Chuyển Pháp Luân và Vô Ngã Tướng nói trên, sử liệu cho thấy Đức Phật còn thuyết tại Lộc Uyển nhiều kinh khác như: Pãnca, Pàsa và Dhammadinna, đặc biệt đức Phật giảng cho cư sĩ Dhammadinna khi ông ta đến yết kiến Ngài (ba kinh này thuộc Tương Ưng Bộ Kinh - Samyutta Nikaya); và các kinh Rathakàra hay Pacetana, Samaya, Katuviya, và Metteyapãnha (thuộc Tăng Nhứt Bộ Kinh - Anguttara Nikaya).

E. NHỮNG NGÔI CHÙA XÂY CẤT ĐẦU TIÊN TẠI LỘC UYỂN.

Theo truyền thuyết Phật giáo, người ta tin rằng ít nhất có hai ngôi chùa lớn (Mahavihara) được thiết lập tại Lộc Uyển vào thời đức Phật còn tại thế. Ngôi chùa đầu tiên không rõ ai xây dựng, nhưng cái thứ hai thì do đạo hữu Nandiya ở xứ Kashi hay Benares (Ba La Nại) kiến tạo. Ông Nandiya là con trai của một gia đình giàu có ở Kashi thời ấy. Cha mẹ anh ta muốn cưới cô Revati cho con mình, nhưng Nandiya không bằng lòng vì thấy Revati là người không kính tin Tam Bảo. Một hôm, mẹ chàng gọi Revati đến nhà khuyên cô ta nên làm phước bố thí giúp đỡ cho kẻ nghèo và thường xuyên đến Lộc Uyển nghe đức Phật thuyết pháp. Revati làm y theo như vậy, do đó Nandiya bằng lòng kết hôn với cô ta. Sau khi cha mẹ qua đời, Nandiya thừa kế sự nghiệp giàu có của ông bà già để lại; chàng đã dùng của cải đó xây cất một ngôi chùa lớn cúng dường cho đức Phật và các đệ tử của Ngài tại Lộc Uyển. Nhưng các nhà khảo cổ tiếc rằng không có một di tích nào của hai ngôi chùa ấy còn tồn tại đến ngày nay.

IV. LỘC UYỂN QUA CÁC THỜI ĐẠI SAU NGÀY ĐỨC PHẬT

NHẬP NIẾT BÀN (NĂM 544 TRƯỚC T. L.)

Chúng ta không rõ nhiều về Lộc Uyển trong khoảng thời gian suốt 3 thế kỷ sau ngày đức Phật diệt độ, vì di tích kiến tạo tại thánh địa này trong giai đoạn trên đến nay người ta vẫn tìm thấy được rất ít. Các học giả cho rằng, có thể chư Tăng lúc bấy giờ, như đạo sĩ các tôn giáo khác đều yên phận sống tu đơn giản trong những tịnh xá lều tranh, lợp bằng cây lá tại Lộc Uyển. Mãi đến giữa thế kỷ thứ ba trước tây lịch, vua A Dục (Asoka) đến đây chiêm bái, Ngài mới bắt đầu cho xây cất chùa tháp và dựng trụ đá v.v...

A. LỘC UYỂN THỜI VUA A DỤC (ASOKA) CỦA ẤN ĐỘ (273 - 232

TRƯỚC T. L.)

Sử liệu ghi chép sau khi quy y Tam Bảo, vua A Dục đã đi chiêm bái lễ lạy tại các Phật tích như Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Lộc Uyển (Sarnath), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) và Câu Thi Na (Kusinara) dưới sự hướng dẫn của Đại đức Upagupta. Khi đến thăm Lộc Uyển, đức vua đã truyền cho xây dựng vào năm 250 trước tây lịch một trụ đá, trên chóp có hình tượng bốn con sư tử tại chính nơi xưa kia đức Phật đã ngồi thuyết pháp đầu tiên, độ cho năm vị Tỳ kheo, đệ tử của Ngài. Ngoài ra, vua A Dục còn cho thiết lập tại đây nhiều chùa tháp khác, trong đó có tháp Dhamekh và Dharmarajika để tôn trí thờ Xá Lợi (xương tro) của đức Phật mà di tích của chúng hiện nay vẫn còn tồn tại(xin đọc phần sau chi tiết về trụ đá và hai ngọn tháp này).

Nói tóm, dưới thời A Dục Vương, Lộc Uyển đã biến thành một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh và phát triển mạnh mẽ.

B. LỘC UYỂN DƯỚI VƯƠNG TRIỀU SUNGA (185 - 73 TRƯỚC TÂY

LỊCH) VÀ KUSHAN (48 - 220)

Trong thời gian từ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch đến tiền bán thế kỷ thứ 3 sau tây lịch, sinh hoạt Phật giáo tại Lộc Uyển đang còn thịnh đạt. Theo sử liệu ghi chép trong bộ Mahavamsa (Đại Sử của Tích Lan), chúng ta biết rằng vào thế kỷ thứ 2 trước tây lịch, đức A La Hán Dhammasena đã lãnh đạo một phái đoàn gồm 12.000 tỳ kheo từ Lộc Uyển (Isipatana) qua dự lễ đặt đá xây cất ngôi đại tháp (Maha Thupa) tại thị trấn Anuradhapura, là cựu kinh đô ở miền trung Tích Lan (Sri Lanka), từ thế kỷ thứ 5 trước tây lịch đến thứ 10 sau tây lịch.

Một số chùa tháp đã được lập nên ở Lộc Uyển dưới triều đại Sunga (185 - 73 trước T.L.); bằng chứng là người ta đã tìm thấy tại đây hơn 12 trụ đá lan can (railing pillars) thuộc thời đại Sunga, và trên mặt những trụ đá này có khắc chạm sinh hoạt lễ bái các biểu tượng của Phật giáo rất mỹ thuật. Ngoài ra, một ngôi chùa có hình lưỡi liềm (crescent shape) cũng đã được xây cất tại Lộc Uyển vào thời kỳ này mà hiện chỉ thấy còn lại cái nền chùa.

Đến triều đại Kushan (48 - 220) nhiều tượng Phật và Bồ Tát đã được tạc làm ra tại Lộc Uyển. Vào năm thứ 3 dưới triều vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka: 120 - 144), Đại đức Bala ở thị trấn Mathura (nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) đã thiết trí tại Lộc Uyển một pho tượng Bồ Tát khổng lồ bằng đá đỏ (red sand-stone) rất đẹp. Các Phật tử cũng đã xây dựng nhiều chùa để giúp đỡ chư Tăng thuộc phái Tiểu Thừa Nhứt Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) ở Lộc Uyển thời đó có chỗ thường trú tu học.

C. LỘC UYỂN DƯỚI TRIỀU ĐẠI GUPTA (320 - 510) VÀ VUA

HARSHAVARDHANA (606 - 647)

Vương triều Guptas (320 - 510), theo các sử gia Ấn và Tây phương, là thời đại hoàng kim (Golden Age) của lịch sử Ấn Độ. Các vị vua Guptas đã mở đầu một kỷ nguyên mới cho quốc gia tiến bộ vượt bực trong mọi lãnh vực văn hóa, chính trị, nhất là nghệ thuật chạm trỗ, điêu khắc, tạc tượng Phật trên đá, như học giả John Marshall đã nhận xét: “Thực vậy, triều đại Gupta đã ghi dấu việc đánh thức – sự ‘Phục Hưng’ đích thực của trí thức Ấn Độ, và nền tân duy lý này đã được phản ảnh qua nghệ thuật kiến trúc và sáng tạo cũng phong phú như trong các lãnh vực khác của kiến thức và tư tưởng… Nền kiến trúc và điêu khắc của thời đại Gupta đã chiếm địa vị ưu thế trong lịch sử nghệ thuật Ấn Độ; và nó nhắc chúng ta nhớ lại những sáng tác kiến trúc của Hy Lạp 800 năm trước đây hay của Ý Đại Lợi 1.000 năm sau này”. (Thus, the Gupta age marked a re-awakening a true ‘Renaissance’ of the Indian intellect; and the new intellectualism was reflected in architecture and the formative arts as much as in other spheres of knowledge and thought… The architecture and sculpture of the Gupta age stand pre-eminent in the history of Indian art, and that they remind us in many respects of the creations of Greece 800 years earlier or of Italy a thousand years later).

Nhờ đó mà Phật giáo dưới thời Gupta cũng được phát triển mạnh. Mặc dù các vua Guptas phần đông theo đạo Bà La Môn (Brahmanism) nhưng họ không có óc kỳ thị, hẹp hòi. Những Phật tử thời ấy hoàn toàn tự do đến chiêm bái các Phật tích và Lộc Uyển bấy giờ đã trở thành một trung tâm nghệ thuật Phật giáo nổi tiếng. Ít nhất có 3 tượng Phật tìm thấy tại đây; và trên đó có ghi khắc ngày các tượng được tạc làm ra vào năm 473 thuộc vương triều Kumara Gupta II (473 - 476) và năm 476 dưới thời vua Buddha Gupta (476-495).

Ngài Pháp Hiển (Fa Hien), danh Tăng Trung Hoa đầu tiên sang hành hương Ấn Độ vào những năm 399 - 414 dưới thời các vua Guptas như Samudragupta (330-380) và Chandragupta II (375 - 413). Ngài đến chiêm bái Lộc Uyển đầu thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, đã cho chúng ta biết qua tập ký sự của Ngài, về sinh hoạt Phật giáo tại nơi này bấy giờ như sau:

“Tiếp tục đi về hướng tây 12 Yojanas hay do tuần (84 dặm), chúng tôi đến thị trấn Varanasi (Ba La Nại) thuộc vương quốc Kashi. Vượt xa thành phố này hơn 10 lý (gần 4 dặm) về hướng đông bắc, chúng tôi đến một ngôi tịnh xá xây cất ở vườn Lộc Uyển…Đức Phật muốn cứu độ cho đạo sĩ Kiều Trần Như và 4 người bạn của ông ta… Khi Đức Phật tới nơi, 5 người đứng dậy đảnh lễ chào Ngài; xa chỗ này 150 feet (60 paces) về hướng bắc, đức Thế Tôn ngồi với diện nhìn ra hướng đông, và Ngài chuyển bánh xe Pháp đầu tiên, độ cho đệ tử Kiều Trần Như cùng với 4 người bạn khác.

Xa hơn nơi đây 50 feet (20 paces) về hướng bắc là chỗ đức Phật phú chúc tương lai đức Di Lặc sẽ thành Phật. Di tích tất cả những nơi này hiện vẫn còn trông thấy. Trong vườn Lộc Uyển có 2 ngôi chùa, và tại cả hai nơi đều có chư Tăng đang ở tu hành…”

Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdoms”Translated of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco, 1975 (“Ký sự về các Vương quốc Phật giáo” của Ngài Pháp Hiển), Chương XXXIV, trang 94, 95, 96.

Thánh địa này được phát triển rực rỡ dưới thời các vua đầu tiên của vương triều Gupta cho mãi tới khi quân Hung Nô (Hunas) từ Trung Á (Central Asia) sang xâm lăng Ấn Độ khoảng giữa thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, và chúng bị vua Skandagupta (455- 467) đánh bại đẩy lui vào năm 455.

Phật giáo tại Lộc Uyển dưới thời trị vì của vua Harsha-Vardhana (606 - 647) xứ Kanauj (nay thuộc quận Farrakhabad, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) vẫn tiếp tục thịnh hành. Nhà vua vốn là tín đồ của đạo Bà La Môn, về sau ông theo Phật giáo Tiểu và Đại thừa. Sử liệu chép rằng Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), danh Tăng Trung Hoa thứ hai sang Ấn Độ vào năm 629 - 645 được vua Harsha-Vardhana và hàng ngàn dân chúng tiếp đón nồng nhiệt tại hai đại hội tổ chức ở Kanauj và Prayaga (nay là thị trấn

Allahabad, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Ngài đến viếng Lộc Uyển khoảng năm 638 sau tây lịch và qua cuốn “Tây Du Ký” (Si Yu Ki), đã cho chúng ta biết khá nhiều về hoạt động Phật giáo tại thánh tích này vào thời đó như sau:

“…Đi 500 lý (hơn 166 dặm) qua khu rừng lớn, chúng tôi đến vương quốc Benares (Ba La Nại)… Trong xứ có khoảng 30 ngôi chùa (Sangharama) và 3.000 Tăng Sĩ, nghiên cứu Tiểu thừa theo Chánh Lượng Bộ (Sammitiya)… Cách xa về hướng đông bắc của sông Varana khoảng 10 lý (hơn 3 dặm), chúng tôi đến ngôi chùa ở vườn Lộc Uyển… Tại đây có 1.500 Tăng sĩ đang tu học giáo lý Tiểu Thừa, theo phái Chánh Lượng Bộ…Về hướng tây nam của chùa này thấy có một ngọn tháp bằng đá do vua A Dục truyền dựng nên. Mặc dù nền tháp bị hư hoại, nhưng bức tường tháp cao khoảng 100 feet hay hơn nữa đang còn… Cách đó không xa là một ngọn tháp. Đây là di tích nơi đạo sĩ Kiều Trần Như và các bạn ông thấy Đức Bồ Tát từ bỏ phép tu khổ hạnh, đã tách rời Ngài tới chỗ này để chuyên tu thiền định.

“Cạnh đấy là một ngọn tháp ghi dấu nơi 500 vị Bích Chi Phật đã cùng một lượt nhập Niết Bàn. Còn 3 ngôi tháp khác nữa là nơi ghi dấu chỗ ngồi và đi kinh hành của 3 vị Phật đời quá khứ. Cạnh đó là một ngọn tháp, chỗ đức Phật phú chúc cho Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) tương lai sẽ thành Phật… Không xa ở đây về hướng nam là di tích nơi 4 vị cổ Phật đã đi kinh hành. Con đường có chiều dài 125 feet và những bực cấp cao 7 feet. Nó được xây bằng đá xanh xếp chồng lên nhau. Trên đó tôn trí một tượng Phật trong tư thế đi kinh hành… Tại vườn Lộc Uyển có hàng trăm ngôi chùa (viharas) và tháp (stupas). Trong số này, chúng tôi chỉ kể ra hai hoặc ba nơi, vì khó có thể diễn tả hết được.

“Về hướng tây của vườn Lộc Uyển là một ao nước có chu vi 450 feet, nơi xưa kia đức Phật thường rửa bình bát khất thực của Ngài. Về phía bắc chỗ này là hồ nước có chu vi 375 feet, đức Như Lai thường đến giặt y áo. Trong mỗi ao, hồ nước trên đều có một con rồng sống tại đó. Nước rất sâu, không đầy không vơi, với mùi vị ngọt, sạch và trong sáng. Khi những người có tâm địa ác độc đến tắm ở các ao hồ này, liền bị những cá sấu nổi lên cắn chết, nhưng chư Tăng tới giặt rửa thì họ không phải lo sợ gì cả.

“Bên cạnh đầm nước, nơi đức Phật giặt y áo là một tấm đá vuông, trên đó còn thấy dấu vết chiếc áo cà sa của Ngài. Những sợi vải trong sáng và rõ ràng đường nét như còn in trên phiến đá. Những đệ tử tâm thành thường tới đây cúng lễ, nhưng khi hàng ngoại đạo và người có tâm xấu ác đến nói lời khinh suất hoặc phỉ báng tảng đá tức thì vị Long Vương ở hồ này liền gây ra mưa to gió lớn…”

Trích “Buddhist Records of the Western World”(Si Yu Ki) Translated from the Chinese of Hiuen Tsang by Samuel Beal, Delhi 1969 (“Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang), quyển VII, trang 44, 45, 46, 48, 49.

D. LỘC UYỂN DƯỚI VƯƠNG TRIỀU PALAS (750 - 1159) VÀ

GAHADVALA (1104 - 1154)

Lộc Uyển tiếp tục phồn thịnh như một trung tâm Phật giáo dưới triều các vua Palas (750 - 1159) ở Bengal (miền đông Ấn) và Gahadvala (1104 - 1154) trị vì vương quốc ngày nay thuộc tiểu bang Bihar (miền đông bắc Ấn). Chúng ta biết điều này nhờ sử liệu ghi chép trên các bi ký được phát hiện ở Lộc Uyển. Một tấm bia khắc năm 1026 tìm thấy tại đây ghi chép rằng dưới thời vua Mahipala I (988 - 1038), hai anh em ông Sthirapala và Vasantapala đã trùng tu ngôi tháp Dharmarajika và Dharmacakra tại Lộc Uyển. Một tấm bia khác ghi năm 1058 được đào thấy (làm 6 mảnh) ở ngôi chùa nằm về hướng đông tháp Dhamek cho biết rằng một nhà sư Đại Thừa năm 1058 có chép bản kinh Astasahasrika Prajnãparamita (Đại Bát Nhã), và ông ta đã dâng cúng cuốn kinh đó với nhiều phẩm vật khác cho đoàn thể chư Tăng lúc bấy giờ đang sống tu tại ngôi đại tự Saddharmacakra Pravartana (Chuyển Pháp Luân) ở Lộc Uyển mà hiện nay không còn tìm thấy di tích.

Dưới triều đại Gahadvala (1104 - 1154), Lộc Uyển được sự ủng hộ giúp đỡ của vua Govinda Chandra (1104 - 1114) trị vì vương quốc bấy giờ rộng gồm phần lớn của 2 tiểu bang Punjab (bắc Ấn) và Bihar (đông bắc Ấn) ngày nay. Hoàng hậu Kumaradevi, một Phật tử nhiệt thành, vợ vua Govinda Chandra đã cho xây dựng chùa Dharmacakrajina, và trùng tu nhiều chùa tháp khác tại Lộc Uyển. Về sau, cháu nội vua Govinda Chandra là Jayachandra, vị vua cuối cùng của triều đại Gahadvala cai trị xứ Ba La Nại (Benares) bị quân Hồi giáo, dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Muhammad Ghori xâm lăng đánh bại, giết chết năm 1194 tại trận chiến Chandwar (nay là thị trấn Firuzabad, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn).

Từ ngày ấy, vương quốc Ba La Nại bị chiếm đóng, đặt dưới quyền cai trị của các vua Hồi Giáo, và Lộc Uyển cũng cùng chung số phận. Nhiều chư Tăng tại đây đã bị quân Hồi Giáo sát hại hoặc phải chạy trốn đi nơi khác, với vô số chùa tháp, tượng Phật bị đập phá, thiêu hủy và triệt hạ. Sau đó, Lộc Uyển dần dần trở thành nơi hoang vắng, chìm sâu vào quên lãng của thế nhân mãi đến thế kỷ thứ 18.

E. LỘC UYỂN TỪ CUỐI THẾ KỶ 18 ĐẾN NGÀY NAY

Sau khi Lộc Uyển bị Muhammad Ghori, người đã khai sinh nền thống trị Hồi Giáo tại Ấn Độ, xâm lăng tàn phá vào năm 1194 thì từ đó đến giữa thế kỷ 18, nơi đây dân chúng ít vãng lai nên chúng ta không biết gì đến lịch sử của Phật tích này trong thời gian ấy. Nhiều năm tháng trôi qua, theo luật vô thường biến đổi, Lộc Uyển với những đổ nát điêu tàn, hoang phế bị các trận cuồng phong bão táp của thiên nhiên dần dần chôn vùi phủ lấp giữa những khu rừng rậm bao la, cây cỏ mọc um tùm không còn ai biết tới.

1. Công tác khám phá Lộc Uyển đầu tiên

Năm 1794, nhân khi ông Jagat Singh, bộ trưởng của vua Chet Singh ở Benares (Ba La Nại) thiếu vật liệu xây cất ngôi chợ ở Jagatganj nên đã cho người đến triệt hạ lấy gạch và đá ở ngọn tháp Dharmarajika do vua A Dục (Asoka) dựng nên xưa kia tại Lộc Uyển chở về dùng. Trong khi đào bới sâu xuống 27, feet nhân viên đã tìm thấy một cái hộp bằng đá (hiện giữ tại Viện Bảo Tàng Ấn Độ ở Calcutta), bên trong có một hộp cẩm thạch chứa đựng các hạt trai bị hư, những chiếc lá bằng vàng, đồ nữ trang và một ít tro cốt mà các nhà khảo cổ tin rằng đó là Xá lợi của đức Phật. Rất tiếc vì theo Ấn Giáo, không biết dùng làm gì, ông Jagat Singh đã làm lễ thả Xá lợi này xuống sông Hằng (Gange) khiến Phật tử chúng ta bị mất một bảo vật quý giá. Kết quả cuộc khám phá này đã được ông Jonathan Duncan (1756 - 1811), công sứ người Anh tại Ba La Nại (Commissioner of Benares) lúc bấy giờ cho ấn hành một bài tường thuật đăng trong tạp chí “Asiatic Researches” (Nghiên cứu Á Châu) vào năm 1798, khiến quần chúng bắt đầu quan tâm đến Lộc Uyển.

Mặc dù vậy, trong thời gian từ 1798 đến 1815, chính quyền Anh quốc vẫn không mấy chú ý đến công cuộc khám phá tại Lộc Uyển. Chỉ một vài chuyên viên người Anh, giữa những năm 1815 đến 1877 mới nghĩ tới việc khai quật, khảo cứu thánh địa này.

2. Những công cuộc khám phá Lộc Uyển của các nhà khảo cổ

Anh Quốc.

Người Anh đầu tiên chú ý đến Lộc Uyển là Đại tá Mackenzi. Năm 1815, ông cho đào bới, nghiên cứu tại Phật tích này; và một số cổ vật điêu khắc do ông tìm được hiện giữ tại Viện Bảo Tàng Ấn Độ (Indian Museum) ở Calcutta, thủ đô tiểu bang West Bengal, miền đông Ấn độ. Sau đó, vào những năm 1835 - 1836, ông Alexander Cunningham (1814 - 1893), nhà khảo cổ người Anh đã xuất tiền riêng đài thọ cho những công cuộc tìm kiếm tại đây. Ông ta khảo sát tháp Chowkhandi bằng gạch (sẽ nói rõ sau), ghi dấu nơi đức Phật đầu tiên gặp 5 người bạn cũ (Kiều Trần Như) trên đường Ngài đi từ thị xã Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) đến Lộc Uyển; khai mở đại tháp Dhamekh, ghi lại nơi Đức Thế Tôn thuyết pháp đầu tiên, và ông Cunningham còn khám phá ra một ngôi chùa và tháp nằm về hướng bắc đại tháp Dharmarajika. Phần lớn những tượng Phật, cổ vật đào thấy ở Lộc Uyển bấy giờ, ông đều biếu tặng cho Hội Á Châu ở Bengal (Asiatic Society of Bengal); và hiện nay chúng được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Ấn Độ ở Calcutta.

Rất tiếc sau đó ít lâu, có ít nhất 48 tượng đá chạm khắc do ông Cunningham đào thấy và một số lượng đá chở đến 60 xe bò, đã được người ta gỡ lấy ở các chùa tháp Lộc Uyển đem về dùng cho việc xây cất chiếc cầu Duncan trên sông Varuna, trường Queens College và nhà ga ở Benares (Ba La Nại).

Năm 1851- 1852, thiếu tá Kittoe cùng với các nhân viên khảo cổ đến khảo sát và phát hiện nhiều di tích xung quanh tháp Dhamekh trong đó có ngôi chùa số VI mà người ta đặt tên là chùa Kittoe. Sau đó, công tác đào bới tại Lộc Uyển được thực hiện bởi các ông E.Thomas, giáo sư Fitz Edward Hall và C.Horne vào năm 1865. Nhưng chương trình khảo cứu này chỉ được kéo dài đến năm 1877 rồi lại bị gián đoạn gần 30 năm tới năm 1904 mới được tiếp tục trở lại với nhà khảo cổ F.C.Oertel. Năm 1904 - 1905, ông ta khám phá ngôi chùa chính (Main Temple), tìm thấy trụ đá A Dục, cùng một số lớn cổ vật và bia ký. Công tác quan trọng nhất của ông là đã đào thấy tượng Phật Chuyển Pháp Luân bằng đá đẹp nhất được tạc làm vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, hiện để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển (sẽ nói rõ sau). Chương trình khảo cứu Lộc Uyển sau đó được tiếp tục bởi các ông John Marshall (năm 1907), H. Hargreaves (1914 - 1915), và cuối cùng ông Daya Ram Sahni năm 1922.

Tuy nhiên, các công cuộc khám phá nói trên vào trước năm 1890 chỉ khiến cho một số học giả Ấn Độ và ngoại quốc biết đến Lộc Uyển, còn phần đông dân chúng và Phật tử khắp nơi ít ai chú ý tới thánh tích này. Phải đợi khi cố Đại đức Anagarika Dharmapala đến chiêm bái Lộc Uyển vào năm 1891 mới có một công cuộc chấn hưng Phật giáo thật sự tại đây.

3. Công trình phục hưng Phật giáo của Đại đức Dharmapala

ở Lộc Uyển.

Đại đức Dharmapala tên thật là David Hewavitharne sinh ngày 17 - 09 - 1864 tại Tích Lan và mất ở Lộc Uyển ngày 29 - 04 - 1933. Lúc nhỏ, đại đức chịu ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa, lớn lên ngài trở lại theo Phật giáo. Năm 18 tuổi (1884), ông gia nhập

Hội Thông Thiên Học và bắt đầu học Phật Pháp với bà H.P.Blavatsky (1831- 1891), một Phật tử người Nga.

Ngày 26 - 01- 1891, lần đầu tiên Đại Đức đến chiêm bái Lộc Uyển với ông Upendranath Basu và nhà sư Nhật Bản Kozen Gunaratna. Lúc ngài đến thăm, Phật tích này còn là nơi hoang vu, đầy cây cỏ dại và nuôi súc vật hôi hám bẩn thỉu. Nhưng với nhiệt tâm phục hồi nền Phật giáo Ấn Độ, ngài cương quyết chấn hưng giáo pháp của đức Phật ở Lộc Uyển. Đầu tiên Đại Đức mua một khu đất, do tiền của thân mẫu ngài dâng cúng. Sau đó, năm 1904, Đại Đức mua thêm một lô đất khác trị giá 2.000 rupees (bằng 266 mỹ kim theo hối suất năm 1975) do vua Bhinga ở Ba La Nại hỷ cúng, để xây cất ngôi chùa mới.

Ngài chọn đặt tên chùa là Mulagandhakuti, nhân thấy danh từ này khắc trên một phiến đá khám phá được năm 1914 tại Lộc Uyển. “Mula” nghĩa là gốc hay đệ nhất. Gandhakuti là phòng thơm (Gandha: thơm; Kuti: phòng) chỉ những phòng đức Thế Tôn ở. Gandhakuti là tên ngôi tịnh xá do các Phật tử thời xưa dựng nên để dâng cúng cho đức Phật tại Lộc Uyển; và sau khi thành Đạo, Ngài đã sống ở đây trong 3 tháng an cư kiết hạ đầu tiên. Sau nhiều năm chuẩn bị, Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society), với sự cố gắng không ngừng của Đại đức Dharmapala, tổng thư ký của Hội bấy giờ, ngôi chùa mới Mulagandhakuti (xem chi tiết sau), được thiết lập gần tháp Dhamek tại Lộc Uyển vào năm 1931, với sự giúp đỡ của bà Mary Elizabeth Foster ở Honolulu (Hoa Kỳ) và nhiều đạo hữu khác.

Đại đức Dharmapala còn dự định sẽ mở những lớp học tân tiến để giáo dục dân chúng kỹ nghệ hóa, chấn chỉnh nền nông nghiệp. Nhưng rất tiếc phần lớn các chương trình này đều thất bại vì quần chúng bấy giờ với óc bảo thủ đã phản đối những gì canh tân mới mẻ do Ngài chủ trương. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, Đại Đức đã kiến tạo được ngôi chùa lịch sử Mulagandhakuti, nhiều trường học cho dân địa phương, mở nhà thương thí v.v… Chính do những thành quả đó của Ngài đã thức tỉnh các Phật tử, cũng như chính quyền trung ương Ấn Độ từ ngày ấy cho đến nay, đã tích cực tham gia giúp đỡ phát triển, chỉnh trang vườn Lộc Uyển, nhằm phục hồi phần nào thời kỳ vàng son hưng thịnh của Phật giáo ngày xưa cũng như biến nơi đây thành một trung tâm du lịch hành hương cho du khách và các Phật tử khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, đến thăm Lộc Uyển mọi người đều nhận thấy công đức của Ngài Dharmapala thật vô cùng to lớn đối với công cuộc phục hưng nền Phật giáo tại Ấn Độ.

4. Những công tác trùng tu Lộc Uyển của chính phủ Ấn Độ và

các nhà hảo tâm khác

Sau khi Đại đức Anagarika Dharmapala viên tịch năm 1933, để tiếp nối chương trình của Ngài, chính phủ trung ương Ấn Độ (Union Government of India) tại New Delhi (Tân Đề Li) đã cho chỉnh trang, trùng tu toàn bộ khu vực vườn Lộc Uyển. Tất cả đường sá dẫn tới Lộc Uyển được mở rộng; khắp nơi trong vùng này đều thiết lập những ống nước máy, giếng nước bơm tay và điện khí. Chính phủ cũng cho kiến tạo một nhà ga mới, một đài tiếp âm (Relay Station) từ tổng đài phát thanh Ấn Độ, một vườn nai rộng 10 mẫu tây, nhiều bãi cỏ xanh đẹp, trồng đủ loại hoa hồng, vạn thọ và tử đinh hương (lilac) v.v…tại khu vực gần và trong hoa viên Lộc Uyển.

Ngoài ra, một thương gia giàu có ở Tân Gia Ba (Singapore) đã cúng giúp xây cất tại đây một ngôi chùa Tàu năm 1939; các Phật tử Miến Điện đóng góp thành lập một ngôi

chùa Miến với thư viện hai tầng lầu vào những năm 1934, 1935 và 1937. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Phật Đản năm 2.500, chính phủ tiểu bang Uttar Pradesh (miền đông bắc Ấn) đã kiến thiết tại Lộc Uyển vào năm 1956 một nhà thương và một lữ quán dành riêng cho khách của chính phủ (State guests) đến viếng Phật tích này.

V. CHÚNG TÔI ĐẾN CHIÊM BÁI LỘC UYỂN

Trong thời gian hơn 10 năm tu học ở Ấn Độ, cũng như tại các Phật tích khác: Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), vườn Lộc Uyển (Sarnath) là nơi chúng tôi đã có dịp đến chiêm bái, tụng kinh cầu nguyện ít nhất đến 5 hay 6 lần. Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Phật tích này vào giữa tháng 9 năm 1968 (khi tôi đang theo học tại Đại Học Phật Giáo Nalanda) và lần cuối cùng trước khi rời Ấn Độ qua Mỹ vào cuối tháng 4 năm 1977 (sau khi chúng tôi đã tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ – Ph.D., tại Đại Học Magadha ở Bồ Đề Đạo Tràng). Thời điểm tốt nhất, thời tiết ôn hòa không quá nóng hay lạnh, thuận lợi cho quý vị qua Ấn Độ hành hương chiêm bái các Phật tích là khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 12 dương lịch. Vào những tháng nóng nhất 5, 6, và 7 dương lịch, quý vị không nên đi, nhất là các cụ già lớn tuổi.

Muốn đến chiêm bái Sarnath (Lộc Uyển), thành phố Varanasi là địa điểm thuận lợi nhất có đường bộ đi tới Phật tích này. Nếu quý vị đến Ấn Độ tại phi trường quốc tế Calcutta (thủ phủ của tiểu bang West Bengal) ở miền đông hay New Delhi (thủ đô của Ấn Độ) về phía bắc; quý vị có thể đáp tàu lửa từ ga Howrah (Calcutta) hay ga Delhi (ở New Delhi) để đi Varanasi. Sau khi tới ga Varanasi, từ đây quý vị thuê taxi đi thẳng Sarnath (Lộc Uyển), xa khoảng 6 dặm (miles), mất độ 20 phút. Từ Calcutta hay New Delhi, quý vị đáp tàu lửa đi Varanasi rất tiện, vì Varanasi nằm trên tuyến đường hỏa xa chính Calcutta – Varanasi – Delhi và ngược lại Delhi – Varanasi – Calcutta. Khoảng đường từ Calcutta – Varanasi (678 cây số), tàu lửa tốc hành Express (chạy 1 đêm và hơn nửa ngày) gần hơn Delhi – Varanasi (765 cây số) phải mất 1 đêm và gần 1 ngày mới đến. Nếu muốn, để khỏi mất thì giờ, từ Calcutta hay New Delhi, quý vị có thể đáp máy bay đi thẳng Varanasi cũng được. Theo ý chúng tôi, gặp dịp có chùa nào tổ chức đi hành hương Ấn Độ tập thể, có người hướng dẫn thì quý vị nên tham dự cùng đi luôn, như vậy tiện hơn là quý vị tự đi một mình.

Trong khi chờ đợi một ngày nào có đủ duyên lành quý vị sẽ hành hương qua Ấn Độ, giờ đây xin mời quý vị cùng với chúng tôi tạm thời trong giây lát đi chiêm bái mà không tốn tiền vé máy bay, các di tích tại vườn Lộc Uyển dưới đây, nơi hơn 2.500 trước đức Phật đã thuyết pháp đầu tiên.

Chuyến đi của chúng tôi như đã nói trên, được thực hiện lần đầu tiên vào giữa tháng 9 năm 1968. Rời đại học xá Nalanda lúc 8 giờ sáng, chúng tôi ra ga Nalanda (xa 2 cây số) đón chuyến tàu 9 giờ 15 phút để đi Patna, thủ đô của tiểu bang Bihar (miền đông bắc Ấn). Chúng tôi đến Patna (cách Nalanda độ 56 miles) trước 12 giờ trưa. Sau khi thọ trai tại một tiệm cơm chay ở nhà ga, chúng tôi đón chuyến tàu lửa tốc hành Toofan Express tại Patna lúc gần 1 giờ trưa, trên tuyến đường hỏa xa đông-bắc Ấn Độ (North-Eastern Railway) để đi Varanasi. Chúng tôi đến ga Varanasi khoảng hơn 5 giờ chiều, nghỉ ngơi giây lát ở quán giải khát tại nhà ga, rồi từ đây chúng tôi lấy taxi đi Lộc Uyển (Sarnath), tới nơi khoảng hơn 6 giờ chiều, trời còn sáng chưa tối lắm.

Vì quen trước với nhà sư Tích Lan, tổng thư ký của Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bodhi Society), nên tôi đã vào xin tạm trú ở đây. Hội Ma Ha Bồ Đề, một tòa nhà hai tầngnằm ngay trên đường lộ chính, đối diện với hoa viên Lộc Uyển. Sau khi cất đặt hành lý vào phòng do nhà sư Tích Lan chỉ dẫn ở lầu trên, chúng tôi đi tắm rửa. Đèn đường đã đỏ, trời sắp tối, nhưng du khách thập phương Ấn Độ và ngoại quốc vẫn còn lui tới, ra vào tấp nập ở công viên Lộc Uyển. Sau khi ra tiệm chay gần đó dùng cơm tối, chúng tôi về đi nghỉ sớm để chuẩn bị cho chương trình ngày mai qua chiêm bái Lộc Uyển. Hôm sau, khoảng 9 giờ sáng, theo chỉ dẫn ghi trong sách Anh văn viết về Lộc Uyển, chúng tôi lần lượt đi thăm các di tích lịch sử quan trọng sau đây:

1. THÁP (STUPA) CHAUKHANDI.

Trước khi tới Lộc Uyển, còn cách xa khoảng nửa dặm, trên con đường chính đến từ thành phố Varanasi, đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ngọn tháp này. Tháp Chaukhandi là một cái gò lớn làm bằng gạch với một vọng lâu hai tầng hình bát giác xây trên đỉnh gò. Chiều cao của vọng lâu bằng gạch này gồm cả nền đo được 84 feet, và nó không có liên hệ gì với ngọn tháp phía dưới. Nơi cửa phía bắc của vọng lâu, chúng tôi đọc thấy một bia ký ghi chép bằng tiếng Ba Tư cho biết rằng lâu đài này do vua Akbar (1556- 1605) ra lịnh xây cất vào năm 1588 để kỷ niệm ngày thân sinh của ông, vua Humayun đến thăm Lộc Uyển (Sarnath). Vua Humayun (trị vì: 1530 - 1540 và 1555 - 1556) là người đã sáng lập nên triều đại Hồi Giáo Mughul ở Ấn Độ.

Phần dưới gò là cái nền của một ngọn tháp (Stùpa) lớn hơn. Các nhà khảo cổ bảo rằng phần chính của ngôi tháp có hình như chiếc trống cao khoảng 300 feet hoàn toàn bị hư hoại. Cái móng hư nát của ngôi tháp gồm có 3 cái nền xây chồng lên nhau. Mỗi lớp nền có hình vuông và cao độ 12 feet. Các khám trên vách tường phía ngoài của những lớp nền này có thể dùng để tôn trí tượng Phật. Người ta đã đào thấy tại đây một pho tượng Phật trong thế Ngài ngồi Chuyển Pháp Luân, được tạc làm vào thời đại Gupta (320 - 510).

Công cuộc đào bới cho thấy phần trên của ngọn tháp làm bằng loại gạch cứng chắc nhưng phần dưới cấu tạo bằng những khung gạch có lỗ trống. Các học giả cho rằng ngôi tháp được xây cất vào thời kỳ hậu Kushan (48 - 220) hoặc tiền Gupta (320 - 510) ghi dấu nơi đức Phật sau khi thành Đạo đã gặp lại 5 người bạn cũ (ông Kiều Trần Như) trên đường Ngài đi từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) đến Lộc Uyển. Năm vị này trước kia cùng tu với đức Phật, sau thấy Ngài dùng sữa từ bỏ phép tu khổ hạnh, nên họ đã tách rời Ngài sang đây. Ban đầu mới gặp, quý vị ấy không mấy kính trọng đức Thế Tôn, nhưng khi đến gần thấy Ngài đức tướng trang nghiêm, phong độ oai nghi nên không ai bảo ai, người thì cầm bình bát, người soạn chỗ ngồi, người tìm nước rửa chân cho Phật. Sau khi gặp nhau ở đây, đức Thế Tôn đã hướng dẫn cả 5 vị đến vườn Lộc Uyển gần đó và thuyết cho họ nghe bài pháp đầu tiên. Nhà khảo cổ A. Cunningham năm 1836 có đào một đường từ nền của vọng lâu thông xuống tới đỉnh gò của tháp nhưng không tìm thấy được Xá Lợi của Phật hay pháp khí gì cả.

Đứng trên tầng hai của vọng lâu nhìn qua khung cửa trống, chúng tôi có thể thấy toàn diện cảnh vườn Lộc Uyển từ xa rất đẹp.

2. THÁP DHAMEKH.

Theo các nhà khảo cổ, đây là một kiến trúc vĩ đại và huy hoàng nhất của thời Phật giáo xa xưa được duy trì đến ngày nay tương đối còn nguyên vẹn so với những di tích khác tại Lộc Uyển. Về danh từ Dhamekh, mỗi học giả giải thích mỗi cách. Có người bảo“Dhamekh” là chữ viết tắt của tiếng Dhama Mukhanghĩa là “Suy tưởng Chánh Pháp”, hoặc rút từ gốc tiếng Phạn (Sanskrit) “Dharmeksha”có nghĩa là “Tưởng nghĩ Giáo Pháp”. Ông A. Cunningham giải thích Dhamekh là cách đọc sai của chữ Dharmopadesh, nhưng một số học giả tin rằng tên chính của ngôi tháp là “Dhamak” phát xuất từ chữ Phạn “Dharmachakra”(bánh xe Pháp) và sau này nó biến thành “Dhamekh”.

Dhamekh là ngôi tháp hình trụ có đường kính 93 feet ở nền tháp và cao 128 feet hoặc 143 feet gồm cả móng tháp. Tháp gồm có hai phần: phần dưới của tháp có hình chiếc trống tròn làm bằng đá cao 36 feet 9 inches, một phần đã bị hư hoại và được viện khảo cổ Ấn Độ sau này sửa chữa lại. Phần tháp phía trên chiếc trống là một khối gạch hình trụ, và được xây ngoài mặt một lớp với những tấm đá mà qua nhiều thời kỳ chúng đã bị dân chúng gỡ lấy ra.

Theo nhà khảo cổ A. Cunningham, ngôi tháp này có thể do vua A Dục dựng nên vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch để ghi dấu nơi đức Phật đã Chuyển Pháp Luân đầu tiên, bởi lẽ nghiên cứu cái nền ở dưới tháp hiện nay, ông ta thấy nó được xây bằng loại gạch lớn đúc vào thời vua A Dục (273 - 232 trước tây lịch). Nhưng có thuyết cho rằng ngôi tháp được kiến tạo vào thời đại Gupta (320 - 510) để ghi nhớ chỗ xưa kia đức Phật đã phú chúc cho đức Bồ Tát Di Lặc tương lai sẽ thành Phật.

Từ nền lên khoảng giữa vòng quanh trên tường bên ngoài tháp có 8 khám thờ tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, và nơi mỗi khám (ngoại trừ khám phía nam) có tôn trí một tượng Phật trong thế Ngài ngồi Chuyển Pháp Luân. Chúng tôi thấy trên tường quanh tháp khoảng ở giữa các khám này, được trang trí chạm khắc với các đường hình học, xoắn ốc, những hình người, thú vật, hoa lá kỳ lạ và chữ vạn vẽ theo chiều kiểu song song với hình hoa sen v.v…phản ảnh nghệ thuật Phật giáo của thời Gupta (thế kỷ thứ 5 và 6 sau tây lịch).

Ông A. Cunningham đã khoan một đường từ đỉnh thông xuống nền tháp nhưng không tìm thấy Xá Lợi của Phật, ngoại trừ ở chiều sâu 3 feet từ đỉnh tháp, ông phát hiện được một tài liệu Phật giáo viết bằng tiếng Brahmi (cổ ngữ Ấn Độ) khắc trên một phiến đá thuộc thế kỷ thứ 6 và 7 sau tây lịch. Rất tiếc một số phiến đá chạm khắc mỹ thuật gắn trên tháp đã bị dân chúng các làng lân cận đến gỡ lấy ra mang về dùng và sau này viện khảo cổ đã phải lấp lại bằng những tấm đá thường để duy trì ngôi tháp tránh khỏi tình trạng đổ nát.

Nhân dịp kỷ niệm Phật Đản năm 2.500, viện khảo cổ đã xây một điện thờ bằng đá cho dân chúng lễ bái và thiết lập một con đường rộng để du khách hành hương đi quanh tháp vào năm 1956.

3. THÁP (STUPA) DHARMARAJIKA.

Ngôi tháp do vua A Dục (Asoka) truyền lệnh xây cất vào năm 250 trước tây lịch để thờ xá lợi của đức Phật. Xá lợi này do nhà vua cho lấy ra từ 7 ngôi tháp đã có trước kia để phân chia mang đi tôn trí thờ trong hàng chục ngôi tháp khác tại nhiều nơi ở Ấn Độ. Vua A Dục bấy giờ cho dựng tháp trên tại Lộc Uyển để thờ xá lợi của Phật vì Ngài muốn ghi dấu nơi đức Thế Tôn đã Chuyển Pháp Luân đầu tiên.

Như đã nói trước, ngọn tháp đã bị ông Jagat Singh, bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba La Nại cho người đến phá hủy để lấy đá gạch mang về xây cất ngôi chợ tại Jagatganj vào năm 1794. Theo sử liệu cho biết Dharmarajika nguyên trước kia là một đạitháp với phía trên là một mái tròn hình bán cầu (hemispherical) có đường kính rộng gần 48 feet và nền tháp ở dưới lớn hơn có hình chiếc trống với đường kính rộng gần 60 feet, xây bằng loại gạch lớn có chiều dài 19 inches rưỡi, ngang 14 inches rưỡi và dày 2 hoặc 3 inches rưỡi, đúc vào triều đại Maurya (322 - 185 trước tây lịch) của vua A Dục (273 - 232 trước tây lịch).

Ngọn tháp được trang trí trên đỉnh chóp một chiếc dù (biểu tượng của sự vô thượng), bốn phía có hàng rào lan can (railings) bao quanh. Khi đào bới di tích Lộc Uyển, nhân viên viện khảo cổ chỉ tìm thấy được một mảnh thuộc phần trên của chiếc dù này làm bằng đá lấy ở Chunar, trong quận Mizzapur, cách 20 dặm về hướng nam thành phố Ba La Nại (Benares). Vì phần lớn vòm trên của tháp đã không còn nên người ta không thể biết rõ chiều cao của tháp là bao nhiêu. Căn cứ vào những lớp gạch khác nhau đã dùng để kiến tạo ngôi tháp người ta cho rằng tháp này đã được trùng tu, tái thiết 6 lần qua các thời kỳ sau đây:

a.Ngọn tháp đầu tiên do vua A Dục (Asoka) cho xây cất (thế kỷ thứ 3 trước TL).

b. Tháp được trùng tu lần thứ nhất dưới triều đại Kushan (48 - 220).

c.Lần thứ hai vào các thế kỷ thứ 5 và 6 sau tây lịch với công tác làm thêm, mở rộng gần 16 feet con đường đi vòng quanh chân tháp, dựng một bức tường bên ngoài có 4 cổng vào.

d. Trùng tu lần 3 vào thế kỷ thứ 7 với chương trình thiết lập 4 cầu thang dẫn lên tháp. Người ta đã tìm thấy các cầu thang ở hai cổng phía đông và nam được cắt làm ra từ một khối đá nguyên.

e.Mở rộng lần 4 và 5 vào giữa các thế kỷ 9 – 11 tây lịch.

Xung quanh tháp Dharmarajika chúng tôi thấy có rất nhiều tháp nhỏ tạ ơn Phật (votive stupas), phần lớn do các Phật tử dựng nên khi họ đến chiêm bái cầu nguyện tại Lộc Uyển vào thời đại trung cổ (khoảng cuối thế kỷ thứ 4 đến giữa thế kỷ 15 tây lịch). Một ngọn tháp trong số đó, nằm về phía tây tháp Dharmarajika được trang trí với tượng Phật đặt trên khám nhỏ của tháp này. Pho tượng làm vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch. Vài ngọn tháp khác giống như thế được trùng tu nhiều lần, cũng tìm thấy ở phía bắc tháp Dharmarajika. Người ta còn phát hiện một tượng Bồ Tát lớn làm bằng đá đỏ dưới thời vua Phật tử Ca Nị Sắc Ca (Kanishka: 120 - 144) tại khoảng giữa đường từ tháp Dharmarajika (hướng bắc) tới “ngôi chùa chính” – Main Temple (sẽ nói rõ sau). Tượng này hiện để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển.

4. CHÙA SỐ I HAY DHARMA CHAKRA JINA VIHARA.

Danh từ tiếng Phạn “Dharma Chakra Jina Vihara”có nghĩa là “Chùa bánh xe Pháp của đức Phật” (Dharma: Pháp; Chakra: bánh xe; Jina: bậc chiến thắng, đức Phật; Vihara: chùa). Theo sử liệu tìm thấy tại Lộc Uyển, ngôi chùa được xây cất năm 1154 do bởi hoàng hậu Kumaradevi, một Phật tử nhiệt thành ở miền nam Ấn, vợ vua Govinda Chandra (1114 - 1154) theo đạo Bà La Môn, trị vì xứ Kanauj bấy giờ (nay gồm phần lớn tiểu bang Bihar và Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Bốn mươi năm sau, chùa này hoàn toàn bị phá hủy vào năm 1194 bởi Trung úy Kutub Ud-Din Aibak dưới quyền chỉ huy của đại tướng Hồi giáo Mahammad Ghori khi họ mang quân từ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) sang xâm lăng Ấn Độ vào những năm 1193 - 1203. Những công cuộc khai quật của các nhà khảo cổ xác nhận rằng hoàng hậu Kumaradevi kiến tạo chùa này để cúng dường cho chư Tăng ở Lộc Uyển. Tên của hoàng hậu và lịch sử ngôi chùa viết bằng tiếng Phạn (Sanskrit) khắc trên hai tấm bia ký đã tìm thấy tại đây. Một tấm bia khác cho biết hoàng hậu Kumaradevi là người lập nên ngôi chùa cũng đã phát hiện, tìm thấy nơi cổng phía nam gần chùa. Những bia ký này hiện còn giữ tại Bảo Tàng Viện Lộc Uyển. Nhưng không một tượng Phật nào đã tìm thấy ở đây.

Tài liệu khảo cổ cho biết, vào những thế kỷ trước, nhiều ngôi chùa đã được kiến lập ở khu vực này, trong đó có các chùa số II, III, IV, và V (xin xem sau). Chùa Dharmachakra Jina hiện chiếm một khoảng đất hình chữ nhật dài 760 feet từ đông sang tây bao gồm một khu chùa tháp nằm về hướng bắc của “ngôi chùa chính” –Main Temple (sẽ nói sau). Toàn khu vực viện khảo cổ chưa đào bới hết, mà chỉ mới khám phá một phần thôi. Bao bọc xung quanh chùa là một bức tường gạch dày 4 feet 4 inches; và một phần vách tường ở phía nam đã được phát hiện và sửa chữa. Về cách kiến trúc ngôi chùa toàn bộ cũng rất đặc biệt, không giống như các chùa tháp đã tìm thấy tại Lộc Uyển hay ở các Phật tích khác.

Chùa gồm có một sân vuông rộng trống ở hướng tây, nhưng quanh 3 phía (đông, bắc, nam) có xây dựng các phòng ốc và hiên chùa với nền phía dưới 6 feet cao hơn sân bên trong. Phía trong và ngoài chân tường được trang trí lát bằng những tấm gạch chạm trổ rất đẹp, và hiện nay một số phiến gạch chạm trổ đó ở góc sân hướng đông nam vẫn còn được bảo trì toàn hảo. Hiên chùa rộng 7 feet với mái bằng lợp phía trên gồm những phiến đá có trang trí chạm trổ các hình hoa sen; và mái hiên này được chống đỡ bởi những hàng cột. Về hướng đông của sân chùa có những tầng cấp (hiện đã hư hoại khá nhiều), một cổng vào và những phòng gác. Ở góc phía đông bắc của sân chùa, chúng tôi thấy một giếng nhỏ có đường kính 5 feet và một lan can thấp.

Đàng trước ngôi chùa có hai cái sân, mỗi cái dài từ đông sang tây là 114 feet và 219 feet. Nền của sân thứ nhất được lát bằng loại sa thạch (sandstone). Những sân này có hai cổng vào cách nhau khoảng giữa 290 feet; và cổng sân thứ 2 đồ sộ hơn cổng thứ nhất. Cả hai cổng đều xây bằng đá và gạch có chạm trổ, được củng cố bên ngoài với những thành lũy rất đẹp và bên trong có các phòng dành cho những người gác cổng (gatekeepers). Lũy thành phía bắc của cổng thứ nhất hiện được bảo trì tốt đẹp, trong khi cổng thứ hai chỉ còn lại chân móng của lũy thành.

5. NGÔI CHÙA CỔ CHÍNH (OLD MAIN TEMPLE) - MULAGANDHAKUTI

Đây là một trong những kiến trúc đồ sộ nhất tại Lộc Uyển nằm về hướng bắc của tháp Dharmarajika. Thông thường người ta gọi tên chùa này là Mulagandhakuti. “Gandhakuti” là “Hương Thất” hay “Nhà Thơm” (Gandha= thơm;Kuti= nhà, phòng hay thất) chỉ nơi đức Phật ở. Còn “Mula” nghĩa là “gốc” nhằm muốn nói đây là di tích nơi mà trên đó xưa kia ngôi tịnh xá chính gốc của đức Thế Tôn đã được thiết lập làm chỗ cho Ngài thường trú thiền định và sống qua 3 tháng an cư nhập hạ trong năm đầu tiên tại Lộc Uyển.

Theo các học giả, chùa được kiến tạo khoảng thế kỷ thứ 5 hay 6 sau tây lịch vào triều đại Gupta (320-510), đã tái thiết trùng tu nhiều lần và có thể ngay trên địa điểm mà ngôi tịnh xá cổ Mulagandhakuti của đức Phật xưa kia đã dựng nên tại Lộc Uyển. Nhưng ngôi chùa đã do ai xây cất thì không biết rõ được. Chùa rộng 60 feet vuông, phía trước có một cổng vào quay ra hướng đông. Toàn bộ phần trên của chùa đã hư hoại chỉ còn lại bức tường cao 18 feet. Trên vách tường phía trong hoàn toàn để trơn láng, nhưng bên ngoài được trang trí với những khám tròn, các đường viền đủ kiểu khác nhau được tạo tác vào thời đại Gupta rất đẹp.

Chúng tôi cũng thấy có nhiều điện thờ nhỏ hình chữ nhật được xây thêm sau này xung quanh ba phía bên ngoài chùa, ngoại trừ hướng đông. Tượng Phật ở các điện thờ hướng bắc và tây đều bị hư hoại, chỉ còn những cái bệ bằng gạch phía dưới tường mà thôi. Tại điện thờ phía nam người ta tìm thấy một pho tượng Phật đứng mất đầu làm vào thời Gupta. Những tượng Phật ở hai điện thờ tây và bắc, nguyên gốc đầu tiên chắc cũng giống như tượng này.

Ông Oertel đào sâu dưới nền điện thờ phía nam nói trên và khám phá được một trụ đá lan can hình vuông mỗi bề đo được 8 feet 4 inches và cao 4 feet 9 inches thuộc triều đại A Dục (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch). Lan can này được cắt làm từ một khối đá nguyên ở Chunar trong quận Mizzapur (tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Bên trong trụ lan can có một ngọn tháp bằng gạch. Căn cứ vào những hàng chữ khắc dưới chân mặt trước phía đông và nam của trụ đá lan can, các học giả tin rằng lan can này do chư Tăng phái Tiểu Thừa Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin)tạo dựng vào thế kỷ thứ 3 hoặc 4 sau tây lịch. Tuy nhiên, quan sát kỹ chúng tôi thấy dòng chữ cuối cùng của bản khắc này có dấu tích của một bản khắc trước đó viết bằng chữ Prakrit (cổ ngữ Ấn Độ) thuộc thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước tây lịch. Điều trên cho thấy các nhà sư phái Nhứt Thiết Hữu Bộ, vào thế kỷ thứ 3 hay 4 sau tây lịch đã bôi xóa tên các Tăng sĩ của giáo phái Phật giáo cũ trước kia, và đã khắc tên của họ thay vào đó. Việc thay đổi này xác nhận sự có mặt, chiếm ưu thế của phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Tiểu thừa) tại Lộc Uyển vào thế kỷ thứ 3 và 4 sau tây lịch.

Ngôi tháp nhỏ dựng bên trong trụ lan can đã được khai mở vào năm 1906 - 1907, nhưng người ta không tìm thấy có xá lợi gì ở đó. Hiện nay trụ lan can của vua A Dục không còn nguyên vẹn, gần nửa đã bị hư hoại và thất lạc. Những cửa vào 3 điện thờ hướng tây, nam và bắc nói trên được kiến tạo vào nhiều thời kỳ khác nhau. Các khung cửa xưa nhất có chạm đường xoắn ốc và sơn màu đỏ được thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ 7 sau tây lịch, còn những khung cửa làm sau đó thì để trơn không có trang trí gì hết.

Chúng tôi thấy phần dưới của bức thành phía ngoài chùa được trùng tu sau này với loại đá của thời đại Gupta hoặc trễ hơn. Hai hoặc ba phiến đá tìm thấy tại góc tây nam phía ngoài chùa có khắc tên Suhilah bằng chữ Nagari thuộc thời đại hậu Trung Cổ, nhưng theo các nhà khảo cổ, những phiến đá ấy được dựng nên vào giai đoạn trùng tu chùa sau này, chứ không liên hệ gì đến cơ cấu kiến trúc chính gốc của ngôi chùa đầu tiên. Nói khác, các học giả muốn xác nhận là ngôi chùa chính (Main Temple) nói trên đã được xây cất dưới triều đại Gupta (320 - 510) và được trùng tu nhiều lần vào các thời kỳ sau đó. Bên trong chùa là một phòng lớn rộng 45 feet 6 inches vuông với bức tường cao 10 feet và ở giữa có tôn trí một tượng Phật Chuyển Pháp Luân.

Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang) đến viếng Lộc Uyển năm 638 sau tây lịch đã ghi lại trong tập ký sự “Tây Du Ký” (Si Yu Ki) của Ngài về di tích ngôi chùa cổ này như sau:

“…Trong khuôn viên Lộc Uyển có xây một ngôi chùa (Vihara) cao 200 feet, phía trên mái được thiết trí hình tượng của một trái xoài bằng vàng (golden mango). Nền chùa và những cầu thang đều bằng đá, nhưng các tháp và khám trên tường làm bằng gạch. Những khám này được xây thành hàng trăm dãy chạy quanh 4 phía vách tường chùa và trong mỗi khám có tôn trí một pho tượng Phật bằng vàng. Trong chùa ở giữa thờ một tượng Phật làm bằng đồng. Tượng lớn cở người thật và Ngài ngồi trong thế chuyển Pháp Luân”.

Trích “Tây Du Ký”(Si Yu Ki) của Ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh (Sách đã dẫn trên), quyển VII, trang 45,46.

6. CÁI SÂN CỦA NGÔI CHÙA CHÍNH (THE COURT YARD OF THE

MAIN TEMPLE).

Phía trước ngôi chùa chính (Main Temple) về hướng đông là một cái sân có chiều dài từ đông sang tây 271 feet, rộng 112 feet. Sân được bao bọc 3 phía đông, nam và bắc bởi một bức tường gạch, phần lớn đã sụp đổ. Trong sân chúng tôi thấy khắp cả vùng phía bắc và nam có nhiều dãy tháp tạ ơn Phật (votive stupas) gồm đủ loại lớn nhỏ, cao thấp bằng đá. Những kiến trúc sớm nhất thuộc thời đại Gupta kể cả ngọn tháp số 136 xây hoàn toàn bằng gạch, mà hiện chỉ có chân tháp rộng 8 feet 6 inches vuông là còn tồn tại. Trên mỗi mặt ngoài của chân tháp người ta làm một cái khám mà nơi đó xưa kia chắc có tôn trí tượng Phật. Phần còn lại của mặt ấy được trang trí với những hoa sen, đầu sư tử và các hình vẽ theo lối kiến trúc của thời Gupta. Bên trong ngọn tháp này chưa được khám phá nên chúng ta không rõ có chứa xá lợi của Phật hay không.

Sát cạnh tháp số 136 trên là một ngôi chùa khác có lẽ được xây vào giai đoạn sau triều đại Gupta (320 - 510). Chùa có hình chữ nhật dài 37 feet, rộng 27 feet 10 inches; và trong lúc đào bới ở đây người ta tìm thấy hai tượng Phật mặt nằm úp xuống đất. Tất cả những kiến trúc khác được phát hiện tại khu vực này đều thuộc thời Trung Cổ, trong đó có 6 hoặc 7 ngôi tháp nhỏ xây bằng đá thành một hàng dọc theo phần phía nam bức tường hướng đông của sân trên. Trong những tháp này có chứa xá lợi (tro xương) của các vị Thánh Tăng đã từng sống và viên tịch tại Lộc Uyển.

Điểm đặc biệt là trong sân có một đường cống được tìm thấy vào năm 1921 - 1922, rộng từ 1 feet 9 inches đến 2 feet 7 inches, và sâu 3 feet, nhằm để rút nước mưa ở khắp vùng này. Đường cống làm bằng gạch, được bao bọc với những tấm đá và các vật liệu xây cất khác như đòn ngang trụ lan can v.v… Đường mương bắt đầu từ góc đông bắc của cái sân, và sau khi dẫn một đoạn dài 250 feet, nó được chôn dưới nền cổng thứ 2 của chùa Dharma Chakra Jina nói trên. Ngoài ra tại đây chúng tôi còn thấy một cái bể chứa nước xây bằng gạch, rộng 7 feet vuông và sâu 5 feet, mà theo các học giả, chư Tăng Ni đã dùng nước bể này để rửa tay chân trước khi vào điện Phật hành lễ, nhất là vào các ngày lễ bố Tát, Rằm và Mồng Một mỗi tháng.

7. TRỤ ĐÁ VUA A DỤC (ASOKAN PILLAR)

Trụ đá do vua A Dục (Asoka: 273 - 232 trước tây lịch) truyền dựng nên khi Ngài đến chiêm bái Lộc Uyển (Sarnath) khoảng năm 250 trước T. L., để ghi dấu chính tại nơi đây đức Phật xưa kia đã giảng kinh “Chuyển Pháp Luân” (Dhamma Cakkapavattana Sutta), thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 vị tỳ kheo ngày trước cùng tu khổ hạnh với Ngài. Cũng giống như các trụ đá A Dục khác hiện còn thấy tại nhiều nơi ở Ấn Độ, trụ đá này được cắt từ một khối đá nguyên, có màu xanh nhạt lá cây lấy tại Chunar, trong quận Mizzapur, cách 20 dặm về hướng nam thành phố Ba La Nại (Benares).

Trụ đá do nhà khảo cổ Oertel phát hiện năm 1904 - 1905. Phần trên và một vài đoạn của trụ đá tìm thấy nằm cạnh bức tường phía tây ngôi chùa chính (Main Temple) nói trên. Phần còn lại của trụ đá hiện cao khoảng 17 feet nhưng căn cứ vào những đoạn gãy đã tìm thấy, các học giả cho rằng trụ đá nguyên gốc có thể cao đến 50 feet (có sách nói 20 feet) với tượng hình 4 con sư tử trên chóp (hiện để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển) cao 7 feet và một bánh xe Pháp bằng đá đặt phía trên tượng con sư tử có đường kính 2 feet 9 inches. Toàn trụ đá được đánh bóng trơn láng trông như cẩm thạch. Phần dưới trụ đá trên mặt hơi nhám, cao 7 feet 6 inches, được chôn dưới nền đất. Để bảo trì trụ đá khỏi hư, người ta đã xây trên đó một nhà tạ nhỏ bằng đá với mái bằng và bao bọc xung quanh bởi một hàng rào sắt.

Trụ đá có đường kính ở dưới chân 2 feet 6 inches (có sách nói 2 feet 4 inches) và trên đỉnh 1 feet 10 inches, được dựng trên một phiến đá phẳng lớn có chiều dài 8 feet, rộng 6 feet và dày 1 feet 6 inches. Trên mặt phía tây trụ đá có khắc sắc chỉ (Edict) của vua A Dục bằng tiếng Brahmi (cổ ngữ Ấn Độ) gồm 11 hàng chữ và hai hàng đầu đã bị hư hoại khi trụ đá gãy ngã, những dòng chữ khác còn lại rất rõ ràng. Nội dung sắc chỉ này ghi chép lời khuyến cáo của vua A Dục, nhắc nhở chư Tăng Ni không nên có hành động ly gián, phá hoại Giáo Hội, đại ý như sau:

“ Đức Thế Tôn đã dạy rằng: Giáo Hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ kheo nào phá hoại Giáo Hội, vị ấy phải mặc đại y và an cư một nơi thanh tịnh để thành tâm sám hối. Chỉ thị này cần được phổ biến khắp nơi cho Giáo Hội Tăng và Ni chúng được biết. Hoàng đế ban rằng một chỉ thị như thế đã được chạm khắc ở chỗ công cộng, chỉ thị ấy phải được triệt để thi hành”. Và dưới đây là sắc chỉ thứ hai:

“Vào mỗi ngày Rằm hay mồng Một, hàng Phật tử tại gia nên đến dự họp kiểm thảo để sách tấn nhau trong việc tu hành. Vào những ngày vía Phật, các quan chức phải đến dự lễ để tăng thêm niềm tin tưởng về đạo đức. Các cấp quận, huyện, xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền bá rộng chỉ thị này theo đúng tinh thần của nó để dân chúng tuân theo”.

Ngoài ra, chúng tôi thấy trên trụ đá A Dục còn ghi hai bản khắc khác thuộc các thời kỳ sau đó. Một bản được khắc vào thời đại Kushan (48 - 220) liên quan đến ngài Mã Minh (Asvaghosa) và nhà cầm quyền ở Kausambi, thủ đô vương quốc Vamsa thời xưa (tức làng Kosam ngày nay, cách 30 dặm phía tây thị trấn Allahabad, tiểu bang Ultar Pradesh, miền đông bắc Ân). Bản khắc kia do các vị Tăng phái Sammitiya (Chánh Lượng Bộ) thực hiện khoảng năm 300 sau tây lịch, trước triều đại Gupta (320 - 510).

Trong tập “Tây Du Ký” Ngài Huyền Trang khi đến thăm Lộc Uyển, có chép về trụ đá A Dục này như sau :

“…Phía trước ngôi tháp là trụ đá A Dục cao khoảng 70 feet. Đá rất trong như ngọc thạch. Trụ đá ấy chói sáng và long lanh. Những ai thỉnh thoảng đến đây tâm thành lễ bái, tùy theo lời cầu nguyện của họ, sẽ thấy những hình ảnh tốt hay xấu ứng hiện. Đây chính là nơi đức Như Lai (Tathagata) sau khi chứng đạo, đã đến chuyển bánh xe Pháp đầu tiên”.

Trích tập “Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang, bản dịch tiếng Anh (sách đã dẫn), quyển VII, trang 46.

8. KHU VỰC PHÍA TÂY TRỤ ĐÁ A DỤC (AREA TO WEST OF

ASOKAN PILLARS).

Khu vực nằm về hướng tây trụ đá A Dục do ông Hargreaves khai quật vào năm 1914 - 1915. Di tích còn thấy tại đây gồm cái nền của một điện thờ (Apsidal Temple), dấu vết của một ngôi chùa kiến tạo vào các thế kỷ sau này và nhiều di tích khác. Chúng tôi thấy điện thờ trên dài 82 feet, rộng 37 feet được xây với loại gạch lớn dài 21 inches, rộng 13 inches và dày 4 inches đúc vào thời kỳ sau triều đại Maurya (322 - 185 trước tây lịch) và Sunga (185 - 73 trước T. L.). Ngoài ra, còn có một số lớn những mẫu đá kiến trúc và điêu khắc, chạm trổ rất mỹ thuật cũng thuộc sau thời đại Maurya và Sunga. Hiện các mẫu đá này được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển trong đó có những mảnh của bánh xe Pháp bằng đá; và theo các nhà khảo cổ có thể bánh xe này thuộc một trụ đá khác được dựng trễ hơn sau này vào thời Sunga chứ không phải trụ đá vua A Dục nói trước.

Cũng ở khu vực này, chúng tôi trở lại viếng thăm con đường nhỏ rộng có nền lát gạch nằm về phía đông bắc ngôi chùa chính (Main Temple). Hai bên đường chúng tôi thấy có nhiều ngọn tháp (stupas) nhỏ. Nơi dãy tháp phía tây ở giữa người ta phát hiện một tượng Phật Thích Ca lớn đứng tạc vào thế kỷ thứ 1 hoặc 2 sau tây lịch. Tượng này hiện trưng bày tại viện bảo tàng Sarnath (ghi số Ba2). Một cây đòn dài (lintel) lớn trên cửa có chạm trổ đã được tìm thấy gần dãy hướng đông và hiện để ở viện bảo tàng (số Dd1). Cách đó không xa về hướng bắc, ông John Marshall (1870 - 1958) đã phát hiện 11 cột trụ lan can bằng đá được tạo tác vào thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước tây lịch (tất cả đều giữ tại viện bảo tàng).

9. NGÔI CHÙA (MONASTERY) SỐ II.

Theo các nhà khảo cổ, chùa số II được kiến tạo vào thời kỳ hậu Kushan (48 - 220) hoặc tiền Gupta (320 - 510) nằm về hướng tây chùa Dharma Chakra Jina (số I) và “Vườn Nai” của chính phủ. Ngôi chùa ở trong tình trạng hư nát, không nơi nào thấy còn vách tường cao hơn nền chùa được 3 hay 4 feet, và một vài nơi hoàn toàn không trông thấy dấu vết gì nữa.

Di tích chùa hiện còn gồm có 9 buồng ở hướng tây, 2 buồng nơi góc đông nam, 2 phòng ở chái phía nam và một phần lớn vách tường của hiên chùa tại phía nam và phía tây. Tại mái hiên phía đông, chúng tôi thấy một nhà bếp gồm có cái bệ thấp với 2 hoặc 3 cái nền lò sưởi bằng gạch; và các vật dụng như nồi nấu, bát ăn bằng đất. Bên trong chùa là một cái sân trong từ đông sang tây dài 90 feet 10 inches; và phía ngoài mỗi bề đo được 165 feet. Các phòng được phát hiện ở dãy phía tây, cái thứ 6 từ hướng nam lớn hơn những phòng khác. Chống đỡ hiên chùa nhờ các chiếc cột, và hai chân cột bằng đá ở tận cùng phía nam của bức tường hiên chùa hướng tây đang còn.

Công trình khai quật của nhà khảo cổ John Marshall cho thấy chùa số II được xây trên phế tích của một kiến trúc xưa kia. Một phần của con đường lát gạch (nay đã lấp lại) của kiến trúc này đã được đào thấy nơi đường rảnh dọc theo vách tường hiên phía nam chùa số II khoảng 6 feet thấp hơn bề mặt của chùa này. Và cũng khó biết rõ cơ sở trước được xây cất vào lúc nào cũng như di tích kiến trúc ấy hiện có còn ở dưới nền chùa số II hay không.

10. CHÙA (MONASTERY) SỐ III.

Chùa số III nằm về hướng đông chùa Dharmachakra Jina và đây là một trong những di tích còn được duy trì khả quan tại Lộc Uyển. Phương cách kiến trúc của nó cũng giống như chùa số II nói trên. Ngôi chùa có một hoặc nhiều tầng lầu. Trung bìnhchiều cao của chùa là 10 feet. Bức thành ngoài ở hướng tây dày 5 feet 6 inches, nơi phía nam dày hơn 6 feet. Mái của hiên chùa rộng 11 feet. Đến nay có 4 phòng ở hướng nam, hầu hết các buồng nơi phía tây, một phần của sân trong, mái hiên chùa và khoảng 109 feet 6 inches thành ngoài hướng tây đã được khai quật.

Các cửa vào những phòng nhỏ cao 6 feet 7 inches và rộng 4 feet 2 inches. Tất cả đều bằng gỗ và không còn trông thấy. Cây đòn ngang (lintel) nơi cửa vào phòng số 3 ở tận cùng hướng tây của dãy phía nam hiện hoàn toàn mục nát và đã được thay cái mới. Để thoáng khí, phần nhiều các phòng trên cao đều có cửa sổ với những khung cửa bằng đá. Có hai khung cửa đào thấy tại đây và hiện để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển. Gạch xây vách tường bên trong các phòng nhỏ không có chạm trổ. Nền của sân, mái hiên và các phòng nhỏ đều lát bằng gạch. Nước trong sân được tháo chảy ra nhờ một đường cống ở góc tây nam của ngôi chùa.

Năm 1921, người ta đào thấy tại đây hai mẩu đá cẩm thạch trắng chạm nổi gần nơi góc phía tây bắc của chùa. Nghệ thuật tạo tác cả hai mẩu đá này đều thuộc thời đại hậu Kushan (48 - 220).

11. CHÙA (MONASTERY) SỐ IV.

Từ cổng thứ nhất của chùa số I nói trên, tiếp tục đi về hướng đông chúng tôi đến thăm ngôi chùa sồ IV được tìm thấy nằm sâu 15 feet dưới mặt đất. Hai phòng hướng đông ở góc đông bắc ngôi chùa và một phần hiên chùa nằm về phía đông và bắc đã do ông John Marshall phát hiện năm 1907 - 1908. Phần lớn chùa này đang còn nằm dưới đất ở hướng nam của bức thành phía nam chùa số I nói trên. Hiên chùa rộng từ 7 feet 6 inches đến 7 feet 10 inches. Nền của sân chùa được lát bằng gạch hơi nghiêng về đường cống ở góc đông bắc nhằm để thoát nước trong chùa ra.

12. CHÙA (MONASTERY) SỐ V.

Chùa này nằm cách một khoảng ngắn về hướng tây của tháp Dhamekh. Thiếu tá Kittoe, người đã tìm ra ngôi chùa, cho rằng xưa kia nó là nhà tế bần vì ông đã đào thấy tại đây rất nhiều chày và cối giã. Nhưng ý kiến này của ông đã không đứng vững, vì theo những khám phá gần đây của các nhà khảo cổ chứng tỏ rằng cơ sở trên giống như một ngôi chùa. Nó được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến 9 sau tây lịch trên phế tích của một kiến trúc trước đó thuộc thời đại Gupta (320 - 510). Mặt chùa nhìn ra hướng tây. Chỗ khai quật đã được lấp lại một phần để nước mưa khỏi ứ đọng trong đó.

13. CHÙA (MONASTERY) SỐ VI.

Ngay khi đi vào vườn Lộc Uyển, chúng tôi thấy bên tay mặt di tích ngôi chùa số VI nằm dưới thấp hơn mặt đường. Người ta đặt tên là “Chùa Kittoe”, vì chính do ông ta đã khám phá ra nó vào năm 1851 - 1852. Thiếu tá Kittoe mất trước khi ông cho ấn hành bài tường thuật về công cuộc khai quật ngôi chùa trên của ông. Nhưng may là Đại tướng A.Cunningham đã cho in trong tập “Bản Báo Cáo Nghiên Cứu Khảo Cổ” (Archaeological Survey Reports)một bài viết đầy đủ về chùa số VI, trích từ những bức thư do chính thiếu tá Kittoe gửi cho ông. Tài liệu của nhà khảo cổ A. Cunningham cho biết chùa số VI bên ngoài mỗi bề đo được 107 feet gồm có một sân trong bao quanh bởi các hành lang dẫn đến những dãy phòng khắp 4 phía. Chùa có tất cả 28 phòng nhỏ, mỗi phòng vừa đủ chỗ rộng cho một vị Tăng hay Ni cô lưu trú, và có một cửa ra vào riêng.

Lối vào chùa từ hướng nam. Chánh điện của chùa nằm ở dãy phía nam của các phòng đối diện ngay với lối vào này. Tại phòng hướng nam ở giữa có đặt một khối đá chạm trổ được dùng làm chỗ để vị Tăng hằng ngày ngồi tụng kinh hay thuyết pháp. Chúng tôi thấy giữa sân chùa có một cái giếng và giếng này được xây cất cùng thời với ngôi chùa. Nước giếng rất ngọt và du khách Phật tử ai cũng thích uống khi họ đến chiêm bái Lộc Uyển. Ông Cunningham căn cứ vào bề dày của bức tường đã kết luận rằng ngôi chùa nguyên thỉ chắc phải có 3 hay 4 tầng lầu, và có thể nó là một trong số 30 ngôi chùa mà Ngài Huyền Trang đã chứng kiến khi đến viếng Phật tích này vào thế kỷ thứ 7 sau tây lịch.

Công cuộc đào bới của thiếu tá Kittoe cho chúng ta khá nhiều bằng chứng là ngôi chùa đã bị quân Hồi giáo xâm lăng tàn phá, thiêu hủy và đám cháy xảy ra “quá bất ngờ, lan tràn nhanh chóng khiến các nhà sư ở Lộc Uyển bấy giờ phải gấp chạy bỏ cả bữa ăn” vì ông ta đã tìm thấy “di vật của những chiếc bánh làm bằng bột lúa mạch” ở các khám nơi vách tường chùa; và tại 2 phòng nhỏ nói trên, thấy có nhiều nồi đất chứa đựng dấu vết của những nắm cơm mà chư Tăng đang còn ăn dở dang.

14. CHÙA (MONASTERY) SỐ VII.

Chùa này nằm ngay ở phía tây của chùa số VI, được phát hiện vào năm 1918. Chùa không lớn, có sân lát gạch ở giữa, rộng 30 feet vuông và một cái giếng xây bằng gạch gần nơi góc hướng đông bắc của chùa. Tất cả những phòng nhỏ ở bốn phía xung quanh cái sân chính đều không còn nữa, ngoại trừ những vách tường phía trước của các phòng này và hiên chùa còn được bảo trì phần nào. Một vài cái móng của trụ đá dùng để chống đỡ mái che của hành lang vẫn chưa hư hoại lắm.

Căn cứ vào chiều cao, kích thước nhỏ bé và loại gạch dùng để xây cất cho thấy chùa số VII được kiến tạo trong thời gian gần đây nhất. Bằng chứng là có nhiều bản khắc vào thời kỳ trung cổ (khoảng cuối thế kỷ thứ 4 đến giữa thế kỷ 15 tây lịch) sau này đã được tìm thấy trong lúc khai quang, dọn dẹp cái giếng ở sân chùa nói trên. Một trong các cổ vật chạm khắc đó là cái khuôn dấu bằng đất nung (đường kính: 1 inch 1 phần 4) có khắc tên của thí chủ Sri Sishyada, người có thể đã hiến cúng cơ sở này để làm nơi trú ngụ cho chư Tăng ở Lộc Uyển bấy giờ. Ngoài ra, nhân viên khảo cổ cũng đã đào thấy tại đây một miếng đồng mỏng có các cạnh bẻ cong xuống thành hình cái gói nhỏ trông giống như một loại bùa chú. Thêm nữa, bằng vào tình trạng hư nát của các đế chân cột chống đỡ mái hiên và những gạch lát bên trong chùa cho thấy chùa này cũng bị quân Hồi giáo thiêu hủy như ngôi chùa số VI lớn hơn bên cạnh.

15. ĐIỆN THỜ (SHRINE) SỐ 50.

Điện thờ này được thiết lập dưới triều đại hậu Gupta (320 - 510), và đã trùng tu nhiều lần vào thời trung cổ. Nó là một cái phòng nhỏ hình chữ nhật quay ra hướng đông và tây. Khung cửa lớn bằng đá trang trí với những hình tượng chạm khắc, trong khi ở trước cổng vào, bên ngoài bức tường phía nam và bắc của điện thờ, chúng tôi thấy có những cái bệ dưới của các tượng Phật được che chở bởi những chiếc dù bằng đá. Các trụ cột của những chiếc dù này hiện còn được bảo trì một phần nào. Cái bệ đặt ở hướng nam có ghi bản khắc chữ viết thuộc triều đại Gupta cho biết rằng pho tượng do nhà sư Nanala dâng cúng cũng như ngày tháng xây dựng điện thờ nói trên.

Một tấm thẻ bằng đất nung ghi chép thời gian ngôi điện này được trùng tu cũng đã tìm thấy tại nền điện thờ phía bắc. Chữ khắc trên tấm thẻ là một bài kệ Phật giáo được chạm nổi cả hai mặt hình tượng ngồi của đức Quán Thế Âm thuộc thế kỷ thứ 8 hoặc 9 sau tây lịch.

16. VIỆN BẢO TÀNG LỘC UYỂN (SARNATH MUSEUM OF

ARCHAEOLOGY)

Vài Nét Lịch Sử Thành Lập

Viện Bảo Tàng này được thiết lập vào năm 1910 giữa một khu đất rộng có trải thảm cỏ xanh rất đẹp do đề nghị của ông John Marshall đưa ra ngay sau khi các công trình khai quật di tích Lộc Uyển được thực hiện vào năm 1904 - 1905. Người vẽ bản đồ xây cất viện bảo tàng theo kiểu mẫu một ngôi chùa xưa ở Lộc Uyển là ông James Ransome, kiến trúc sư cố vấn của chính phủ Ấn Độ bấy giờ. Một tập tài liệu thống kê chi tiết về những cổ vật trưng bày tại đây được ông Daya Ram Sahni biên soạn năm 1912 theo chỉ thị của Dr.J.Ph. Vogel, Tổng Giám đốc Viện Khảo Cổ Ấn Độ đương thời.

Những pháp khí, cổ vật hiện cất giữ tại viện bảo tàng được đào thấy tại Lộc Uyển từ năm 1904 trở đi. Phần lớn các di vật này đều thuộc Phật giáo (Bà La Môn giáo rất ít) được tạo tác vào những thế kỷ thứ 3 trước tây lịch đến cuối thế kỷ 12 sau tây lịch gồm có con sư tử trên trụ đá A Dục; các tượng Phật, Bồ Tát, những nghệ phẩm Phật giáo điêu khắc, chạm trỗ trên đá, gạch và gỗ. Ngoài ra, còn có những đồ gốm, hình tượng bằng đất nung khác v.v… Dưới đây là những pháp khí quan trọng hiện trưng bày tại viện bảo tàng mà chúng tôi xin lần lượt giới thiệu đến quý vị:

a. Con Sư Tử Trên Trụ Ðá A Dục (The Lion Capital)

Ngay khi vừa bước vào phòng lớn ở giữa của tòa nhà phía sau, pháp khí đồ sộ mỹ thuật nhất thu hút sự chú ý của các du khách đến viếng thăm viện bảo tàng là phần trên của trụ đá A Dục được tạo dựng vào năm 250 trước tây lịch (đã nói trước). Phần này cao 7 feet, từ dưới lên trên gồm có 4 đoạn:

1. Đế dưới có hình cái chuông được chạm khắc xung quanh với hình những lá hoa sen.

2. Kế tiếp là một khối hình trụ trên đó có khắc hình 4 con vật: ngựa, sư tử, voi và bò đực. Con này cách khoảng con kia vòng quanh theo hướng từ trái sang phải là một bánh xe Pháp nhỏ.

3. Trên khối hình trụ này là tượng 4 con sư tử ngồi đâu lưng với nhau, với hai chân trước để dưới đất và mắt của chúng nhìn ra 4 hướng.

4. Trên đầu 4 con sư tử là một bánh xe Pháp (Dharmachakra) bằng đá với 32 cây căm (spokes) có đường kính 2 feet 9 inches.

Hiện nay ông Oertel chỉ tìm thấy có 4 mảnh của bánh xe Pháp này và chúng được trưng bày ở viện bảo tàng bên cạnh phần trên đầu trụ đá A Dục. Về ý nghĩa toàn bộ phần trên của trụ đá A Dục, các nhà khảo cổ giải thích không giống nhau. Theo vài học giả, cái đế dưới được trang trí với hình những lá hoa sen đầy nhựa sống, một biểu tượng cho nguồn sáng tạo của vũ trụ và cũng rất phổ thông trong thi văn Ấn Độ, diễn tả sự ra đời của đức Phật.

Bốn con vật trên khối hình trụ, Dr. Block giải thích chúng tượng trưng cho các thần Ấn Độ giáo, thuộc hạ của đức Phật như thần Surya (mặt trời), nữ thần Durga, thần Indra và Shiva. Nhưng theo ý kiến của một học giả Phật giáo Miến Điện khi ông ta đến thăm viện bảo tàng, thì 4 con vật trên là biểu tượng cho hồ Anotatta, một trong 7 hồ lớn ở Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) thấy ghi trong kinh sách Phật giáo mà xưa kia đức Phật thường đến tắm. Hoàng hậu Ma Gia (Mahamaya), trước khi sanh thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật) cũng tắm tại hồ này. Theo truyền thuyết, người ta tin rằng tại 4 cửa hồ Anotatta thời ấy được canh gác bởi 4 con vật: sư tử hướng đông, bò đực hướng tây, voi hướng nam và ngựa hướng bắc. Nói khác, 4 con vật trên tượng trưng cho hồ Anotatta là một biểu tượng thiêng liêng kính lễ trong Phật giáo. Còn bánh xe Pháp trên cùng là tượng trưng cho giáo lý của đức Phật.

Tưởng nên hiểu rằng, thời vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch), người ta chưa biết làm tượng Phật để lễ bái, cho nên đức Thế Tôn bấy giờ chỉ được dân chúng diễn đạt qua biểu tượng các pháp khí như cây Bồ Đề, bánh xe Pháp, hoa sen, dấu chân và tóc của Phật, cùng những loài vật như sư tử, nai v.v…được làm bằng hay chạm khắc trên gỗ, gạch hoặc đá mà thôi.

Về phương diện mỹ thuật, các nhà khảo cổ đều cho rằng nghệ thuật mài, đánh bóng, tráng men, điêu khắc, chạm trổ trên đá của Ấn Độ thời xưa qua công trình tạo tác phần đầu của trụ đá A Dục nói trên, đã đạt tới trình độ siêu đẳng không thua (hoặc có thể trội hơn) bất cứ một nền văn minh tuyệt luân cổ thời nào trên thế giới như Trung Hoa, Ai Cập, Hy Lạp v.v… Thật vậy, ông John Marshall (1870 - 1958) đã phát biểu:

“… Phần trên của trụ đá A Dục là một công trình phát triển nghệ thuật tuyệt tác nhất của thế kỷ thứ 3 trước tây lịch”(The upper portion of the pillar is the best developed artistic workmanship of the Third century B.C.).

Học giả Vincent Smith bày tỏ rằng: “Phần đầu của trụ đá và hình tượng thú vật được miêu tả trên đỉnh cột cho thấy sự tinh xảo và tài nghệ điêu luyện nhất của các nhà nghệ thuật thời đại Maurya (A Dục) mà thực khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác” (The capital of the Pillar and animal figures which are depicted on the top, shows best artistic skill and workmanship of Mauryan artists that hardly to be found anywhere else).

Chính vì tánh cách thiêng liêng, ý nghĩa cao siêu của con sư tử, tượng trưng cho lý tưởng từ bi của Phật giáo, tình nhân loại của thế giới đại đồng mà vua A Dục từng chủ xướng đề cao xưa kia nên ngày nay nó đã được chọn dùng làm quốc hiệu, biểu tượng cho tinh thần bất bạo động và hòa bình của quốc gia Cộng Hòa Ấn Độ cũng như làm khuôn dấu cho tất cả các chùa, cơ sở Phật giáo tại xứ này từ hàng chục năm qua.

b. Pho Tượng Ðức Bồ Tát (Bodhisatva Statue)

Về phía tay trái phần trên đầu trụ đá A Dục, chúng tôi thấy một pho tượng lớn đứng bằng đá đỏ của đức Phật khi Ngài còn làm Bồ Tát (đã nói trước) chưa thành Đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Bức tượng nguyên gốc có một cái dù lớn bằng đá che phía trên. Nay một phần cột trụ của chiếc dù được dựng sau bức tường, còn phần trên chiếc dù bị vỡ làm 10 mảnh và người ta dồn chúng lại để gần hướng đông bắc của góc phòng. Pho tượng và chiếc dù này do nhà sư Bala tạc làm ở thị trấn Mathura (nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) vào năm thứ 3 dưới triều vua Phật tử Ca Nị SắcCa (Kanishka: 120 - 144) mang đến dâng cúng để dựng nơi đức Phật xưa kia thường đi kinh hành tại Lộc Uyển.

c. Tượng Ðức Phật Chuyển Pháp Luân (Buddha’s Image In Sermon Posture)

Pho tượng do ông Oertel đào thấy năm 1904 - 1905 hiện để ngay phía sau con sư tử của trụ đá A Dục. Đây là bức tượng Phật lớn, Ngài đang ngồi kiết già trong tư thế Chuyển Pháp Luân đầu tiên tại Lộc Uyển mà các nhà khảo cổ cho là đẹp nhất được tạc trên đá vào thời đại Gupta (thế kỷ thứ 5 sau tây lịch). Tượng đức Phật trùm y che cả hai vai. Tiếc rằng một ngón tay và mũi của Ngài bị gãy mất do giặc Hồi giáo phá hoại. Phía dưới bệ tượng có chạm khắc hình 5 vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật, 3 phía mặt và 2 bên trái. Chính giữa là bánh xe Pháp với hai con nai nằm giữ hai bên. Tượng người phụ nữ và đứa trẻ ở góc cùng phía trái, theo vài học giả, có thể là các thí chủ đã dâng cúng bức tượng. Ngoài ra, chúng tôi thấy xung quanh trên đầu đức Phật có chạm khắc một vòng hào quang lớn với hai vị thiên thần trên cùng hai bên mặt và trái đang cúng dường hoa cho Ngài.

d. Tượng Ðức Quán Thế Âm Và Bồ Tát Di Lặc.

Qua phòng bên cạnh, chúng tôi thấy trưng bày nhiều tượng Phật, Bồ Tát và các vị thiên thần Phật giáo khác. Các tượng được du khách chú ý nhiều nhất ở đây là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng cao 4 feet 6 inches và đức Bồ Tát Di Lặc cao 3 feet 10 inches.

e. Phiến Ðá Tạc Sự Tích Ðức Phật.

Tại căn nhà phía nam, chúng tôi thấy trưng bày nhiều phiến đá có điêu khắc, chạm nổi các hình tượng về lịch sử cuộc đời đức Thế Tôn rất đẹp. Phiến đá ghi số C(a)1 đặt ở gần hướng đông nam góc phòng trình bày 4 cảnh chính sự tích đức Phật. Phần thấp nhất diễn tả cảnh Ngài đản sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) gần thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi) đứng giữa dưới cây Sa la (Sala tree) với tay phải của bà vin vào một nhánh cây. Đứng bên trái hoàng hậu Ma Gia là bà di mẫu Ba Xà Ba Đề (Prajapati) và bên mặt là hình tượng thần Đế Thích (Indra) đưa tay nhận thái tử mới sanh. Đàng sau bà Ba Xà Ba Đề, hai vị Long vương (Naga) đang phun nước tắm cho thái tử.

Phần thứ hai kế tiếp diễn tả cảnh đức Phật bị Ma vương quấy phá cám dỗ. Bên mặt đức Phật, vị Ma vương đứng tay trái cầm cây cung được hộ tống bởi một đồ đệ mang kỳ hiệu cá sấu. Phía trái đức Thế Tôn là hai trong ba người con gái của Ma vương và trên cao nơi góc có hai con quỷ khác đồng bọn.

Phần thứ ba nhìn từ dưới lên là cảnh đức Phật đang chuyển Pháp Luân, thuyết pháp đầu tiên cho 5 vị đệ tử. Và phần thứ tư trên cùng diễn tả cảnh đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Ngài nằm trên võng giữa hai cây Sa La tại thành Câu Thi Na (Kusinara – nay là thị trấn Kasia, thuộc quận Gorakhpur, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Và hàng đệ tử và chư Thiên đang khóc than. Người ngồi bên cạnh là ông Subhadra (Tu Bạt Đà La), vị đệ tử cuối cùng của đức Phật.

f. Phiến Ðá Tạc Sự Tích Và Công Cuộc Hoằng Hóa Của Ðức Phật.

Phiến đá chạm nổi ghi số C(a)3 trình bày 4 biến cố chính trong cuộc đời đức Bổn Sư giống ở trên, ngoài ra còn có thêm 4 sự tích khác. Bốn cảnh trước chiếm một phần củaphiến đá. Phần còn lại, dưới cảnh đức Phật Chuyển Pháp Luân, diễn tả đức Thế Tôn sau khi lên thuyết pháp 3 tháng cho thân mẫu (hoàng hậu Ma Gia) ở cung trời Đao Lợi, Ngài trở về trần thế tại Sankasya (Thánh Khách Sa), nay là Sankisa, quận Farrukhabad (tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn). Hai vị theo hầu hai bên phải và trái đức Phật là vua trời Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích.

Phía mặt của biến cố trên là cảnh trình bày đức Phật đã cùng lúc thực hiện tại thành Xá Vệ (Sravasti, nay là Saheth Maheth, quận Gonda, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) hai phép thần thông để cảm hóa 6 đối thủ ngoại đạo. Đầu tiên đức Thế Tôn bay lên trên không trong lúc từ trên lẫn dưới kim thân Ngài phun ra lửa và nước; phép thứ hai, đức Phật hóa ra vô số thân từ nhiều hướng khác nhau, bay lên trời. Sau đó, Ngài trụ lại giữa hư không và thuyết pháp. Vào lúc ấy, một vị thần gây ra trận cuồng phong đánh bại những kẻ ngoại đạo, khiến họ cuối cùng đều hàng phục quy y đức Phật. Nơi góc phía trái thấp hơn, có hình một ông lão đầu cạo tóc là Ngài Purama Kasyapa (Phú Lan Na Ca Diếp), thủ lãnh phái ngoại đạo. Và bên góc phải đối diện là hình tượng một Tăng sĩ Phật giáo.

Phần trên sự tích đức Phật đản sanh là cảnh diễn tả một con khỉ đến cúng dường mật ong cho đức Phật lúc Ngài vào ở tịnh dưỡng trong khu rừng gần Kausambi (làng Kosam ngày nay, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn), sau khi xảy ra việc bất hòa giữa các đệ tử của Ngài. Bên mặt của sự tích vừa kể, là cảnh diễn tả đức Phật hàng phục voi say Nalagiri khi Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) phục rượu xúi giục nó chạy ra ám hại Ngài tại thành Vương Xá (Rajagriha, nay là Rajir, thuộc quận Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn).

Tại căn nhà phía bắc không có tượng nào đặc biệt ngoại trừ các tượng đất phần nhiều bị hư nát, chân tay bị gãy, mũi bị đẽo hư do quân Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ cuối thế kỷ 12 gây ra. Ở đây, chúng tôi cũng thấy trưng bày nhiều đồ gốm như ghè, chum, hũ v.v…; những đồ này có lẽ dùng để đựng gạo, ngũ cốc cần dùng trong tăng viện tại Lộc Uyển ngày xưa.

17. NGÔI CHÙA MỚI MULAGANDHAKUTI.

Như đã nói trước, người có công xây dựng chùa Mulagandhakuti là Đại đức Tích Lan Anagarika Dharmapala, sáng lập Hội Ma Ha Bồ Đề Ấn Độ (Maha Bodhi Society of India). Lần đầu tiên đại đức cùng với nhà sư Nhật Kozen Gunaratna đến chiêm bái Lộc Uyển vào tháng giêng năm 1891 chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn, Ngài bèn phát tâm phục hưng Phật giáo tại thánh tích này. Năm 1904, với số tiền 2,000 Rupees (bằng 266 Mỹ kim theo hối suất năm 1975) do vua Bhinga ở Benares (Ba La Nại) hỷ cúng, Đại đức mua một miếng đất lớn. Tiếp đến, lễ đặt viên đá xây chùa được tổ chức vào tháng 11 năm 1922. Ngài chọn đặt tên chùa là Mulagandhakuti vì đây là ngôi tịnh xá nơi đức Phật đã thường trú trong 3 tháng an cư kiết hạ đầu tiên tại Lộc Uyển sau khi Ngài chứng Đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Lại nữa, trong lúc Viện Khảo Cổ thực hiện công tác đào bới các di tích ở đây, Đại đức Dharmapala tình cờ gặp thấy một tấm đá trên đó có ghi khắc chữ Mulagandhakuti nên đã gợi ý cho Ngài đặt tên chùa như thế.

Bản đồ chùa do kiến trúc sư Rai Sahe Hari Chand vẽ, và nhà thầu Munnalal Govila đảm trách việc xây cất với tổn phí khoảng 120,000 Rupees tiền Ấn (16,000 Mỹ kim) phần lớn do bà Mary Elizabeth Foster ở Honolulu (Hoa Kỳ) hỷ cúng. Lễ khánh thành chùa được tổ chức vô cùng trang nghiêm trọng thể vào ngày 11-11-1931 kéo dàitrong 3 hôm với sự tham dự của hàng chục ngàn Phật tử Ấn Độ và ngoại quốc. Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ, với giọng đầy cảm động và hùng hồn, Đại đức Dharmapala, nhắc lại ngày lịch sử 26 - 01 - 1891 khi Ngài đến thăm Lộc Uyển đầu tiên. Giữa đám đông thính giả cúi đầu im lặng, Đại đức tuyên bố:

“Sau 800 năm sống tha hương cách biệt, những người con Phật hôm nay trở về thánh địa Lộc Uyển thân yêu của mình. Đó là niềm ước mong của Hội Ma Ha Bồ Đề”(After an exile of eight hundred years the Buddhists have returned to their own dear Holy Isipatana. It is the wish of the Maha Bohi Society). Và trong phần kết luận, Đại đức phát biểu:

… “Nhằm cống hiến cho dân tộc Ấn Độ, không phân biệt giai cấp và tín ngưỡng, giáo lý từ bi của đấng Giác Ngộ. Tôi hy vọng rằng quý đạo hữu sẽ dấn thân để truyền bá giáo pháp chân thật của đức Như Lai cho toàn khắp Ấn Độ”(…To give to the people of India without distinction of caste and creed the compassionate doctrine of the Samma Sambuddha. I trust that you would come forward to disseminate the Arya Dharma of the Tathagata throughout India).

Cũng trong dịp lễ này, đại diện chính phủ Ấn Độ, ông Giám đốc Viện Khảo Cổ, đã hiến tặng cho Hội Ma Ha Bồ Đề một xá lợi của đức Phật để tôn trí thờ tại chùa. Xá Lợi này do ông John Marshall (1870 - 1958) đào thấy vào năm 1913 - 1914 tại Taxila (Punjab), miền tây bắc Ấn (nay thuộc thị trấn Rawalpindi, Hồi quốc – Pakistan) và được đựng trong một cái hộp rất quý. Hộp này trị giá 4.791 Rupees (gần bằng 640 đô la) do quý Phật tử Daw Pyu, Ma Thau Nyunt, Daw Goon và Pyaw Bwe Gyi ở Rangoon (Miến Điện) cúng dường.

Nhìn kỹ, chúng tôi thấy chùa xây một tầng bằng đá quý Chunar theo hình chữ nhật, với tháp chùa ở trên theo kiểu tháp chùa Ðại Giác (Maha Bodhi) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Chánh điện chùa thờ duy nhất một tượng Phật tạc làm theo mẩu pho tượng Chuyển Pháp Luân để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển (đã nói trên). Trước điện Phật được tôn trí một quả hồng chung rất lớn thếp vàng do Hội Phật Giáo Nhật Bản tặng. Trên tường hai bên phải và trái có bảng đá cẩm thạch ghi tên các thí chủ cúng tiền xây chùa. Đặc biệt xung quanh trên vách chùa trong chánh điện, chúng tôi còn thấy nhiều tranh vẽ rất đẹp diễn tả về cuộc đời đức Phật từ đản sanh đến nhập diệt, rút đề tài từ những bích họa (frescoes) danh tiếng ở các động đá Phật giáo (Buddhist caves) tại Ajanta (gần làng Pardapur, quận Aurangabad, tiểu bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ). Những bích họa này, do lời thỉnh cầu của Hội Ma Ha Bồ Đề, qua chính phủ hoàng gia Nhật, đã được thực hiện bởi họa sĩ Nhật Bản nổi tiếng, ông Kosetsu Nosu, khởi đầu vẽ từ năm 1932 đến năm 1936 mới hoàn tất.

Tổn phí về các họa phẩm độc đáo này do sự giúp đỡ của chính phủ và một số Phật tử Nhật, ông B.L. Broughton, Phật tử người Anh; và phần còn lại do họa sĩ Kosetsu Nosu hỷ cúng nhờ số tiền bán các họa phẩm của ông trong những cuộc triển lãm tại nhiều nơi ở Ấn Độ và Tích Lan. Những bức tranh này, qua nét vẽ thật điêu luyện và linh động của họa sĩ tài danh Nhật nói trên đã góp phần to lớn cho vẽ mỹ thuật, trang nghiêm trong chánh điện của ngôi chùa. Chúng tôi thấy có tất cả 21 bức họa nội dung diễn tả các chủ đề theo thứ tự sau đây:

- Đức Bồ Tát Cồ Đàm (Gautama) chuẩn bị từ cõi trời xuống trần thế để cứu độ chúng sanh.

- Hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi), thân mẫu của đức Phật, nằm mộng.

- Đức Phật đản sinh dưới cây Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini)

- Triều đình tại Thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) bố thí cho dân chúng mừng ngày thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật) giáng sanh.

- Vua Tịnh Phạn mời ông tiên A Tư Đà (Asita) đến xem tướng thái tử.

- Thái tử ngồi kiết già tọa thiền trong buổi lễ cày cấy (Hạ Ðiền) do vua cha Tịnh Phạn tổ chức.

- Thái tử cỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia.

- Thái tử đến tham vấn học đạo với Ngài Alara Kalama.

- Tín nữ Tu Xà Đề (Sujata) dâng cháo sữa cúng dường cho thái tử đang tọa thiền ở gốc cây Ajapala cạnh sông Ni Liên Thuyền.

- Thái tử, sau khi chiến thắng Ma Vương, thành Phật dưới cội cây Bồ Đề.

- Đức Phật gặp lại, hóa độ cho 5 người bạn cũ (ông Kiều Trần Như) tại vườn Lộc Uyển.

- Đức Phật thuyết pháp cho vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trị vì vương quốc MaKiệt Đà (Magadha) đương thời.

- Ông Cấp Cô Độc (Anathapindika) dâng cúng Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana) cho đức Phật tại thành Xá Vệ (Sravasti).

- Đức Phật săn sóc cho một Tỳ kheo ốm đau.

- Đức Phật hóa giải, ngăn chận cuộc chiến tranh giữa hai bộ tộc Thích Ca (Sakyas) và Câu Ly (Kolyas) vì hai bên giành nước tưới ruộng từ con sông Rohini.

- Đức Phật thuyết pháp cứu độ vua cha Tịnh Phạn.

- Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu, hoàng hậu Ma Gia.

- Tên cướp Vô Não (Angulimala) được Phật hóa độ, quy y Tam Bảo và xuất gia làm Sa Môn.

- Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ác độc, âm mưu ám hại đức Phật nhưng bất thành.

- Ngài A Nan (Ananda) đệ tử của Phật hóa độ cho cô gái giai cấp hạ tiện Chiên Đà La.

- Đức Phật nhập Niết Bàn, viên tịch tại rừng Sa La (Sala) nước Câu Thi Na (Kusinara) tại Ấn Độ.

Đặc biệt như đã nói trên, chùa Mulagandhakuti hiện nay có thờ Xá Lợi của đức Phật. Hàng năm vào ngày 15 tháng 2 dương lịch, Hội Ma Ha Bồ Đề tổ chức lễ chu niên của Hội. Trong buổi lễ, Xá Lợi đức Phật được đặt trên lưng một con voi trang hoàng rực rỡ để dân chúng cung nghinh diễn hành rước qua khắp các đường phố chính tại Lộc Uyển (Sarnath). Chúng tôi may mắn được mời dự buổi lễ rước Xá Lợi này vào năm 1973. Cuộc rước bắt đầu từ 1 giờ trưa kéo dài đến 5 giờ chiều mới tan. Chúng tôi nhớ hôm đó có hàng chục ngàn chư Tăng, Ni và Phật tử các nơi về tham dự, ngoài Ấn Độ, còn có các nước khác như Tích Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Âu Mỹ.

18. CÂY BỒ ĐỀ (THE BODHI TREE)

Về phía trái hướng đông nam chùa Mulagandhakuti, chúng tôi thấy có một cây Bồ Đề do Đại đức Dharmapala chiết nhánh từ cây Bồ Đề có lịch sử hơn 2.200 năm ở Tích Lan mang qua trồng vào năm 1921. Cây Bồ Đề cổ trên do sư cô Sanghamitta, công chúa con vua A Dục chiết từ cây Bồ Đề gốc ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), vào năm 247 trước tây lịch, mang nhánh qua tặng cho vua Devanampiya-Tissa (247 - 207 trước T. L.) trồng ở công viên Mahamega tại thị trấn Anuradhapura, cựu kinh đô thuộc miền trung Tích Lan (Sri Lanka).

19. PHO TƯỢNG (STATUE) CỐ ĐẠI ĐỨC ANAGARIKA DHARMAPALA

Sau hơn 40 năm tích cực tranh đấu nhằm phục hưng nền Phật giáo tại Ấn Độ và Tích Lan, Đại đức Dharmapala đã viên tịch an lành tại Lộc Uyển ngày 29 – 04 -1933 giữa sự tiếc thương của mọi người Phật tử, không riêng Ấn Độ và Tích Lan mà khắp nơi trên toàn thế giới. Để niệm ân đức vô lượng vô biên của một Tăng sĩ suốt đời tận tụy hy sinh cho đạo nghiệp hoằng pháp lợi sanh, phát huy ánh sáng Phật Đà, Hội Ma Ha Bồ Đề đã tạc dựng trước chùa Mulagandhakuti một pho tượng của cố Đại Ðức Dharmapala rất đẹp.

20. VƯỜN NAI (DEER PARK) CỦA CHÍNH PHỦ.

Nhằm mục đích làm tăng vẻ đẹp, duy trì khung cảnh thiên nhiên của vườn Lộc Uyển thời Phật còn tại thế có rất nhiều nai sinh sống; và để ghi nhớ theo truyền thuyết, đức Phật trong một kiếp xa xưa đã tái sanh nơi đây làm vua của loài Nai (Lộc vương) nên vào năm 1956, nhân kỷ niệm đại lễ Phật Đản năm 2.500, chính phủ Ấn Độ đã thiết lập tại đây một vườn nai rộng 10 mẫu tây với 60 chú nai được thả nuôi trong đó; và quanh bốn phía có hàng rào. Hiện vườn nai này là nơi hàng ngày thu hút rất đông du khách hành hương đến xem.

21. HỒ SEN (LOTUS LAKE)

Hồ sen gần vườn nai cũng là cảnh trí hấp dẫn nhiều du khách thập phương nhất là vào mùa hè sen nở khắp hồ thơm ngát. Để tránh tình trạng khô nước trong hồ vào những tháng nắng hạn, chính quyền địa phương đã thiết bị một hệ thống bơm nước khiến hồ quanh năm bốn mùa lúc nào cũng đầy nước.

Ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái Lộc Uyển vào thế kỷ thứ 7 sau T. L. đã viết trong tập ký sự “ Tây Du Ký” của Ngài về hồ nước này như sau:

Về hướng tây của vườn Lộc Uyển chúng tôi thấy một hồ nước trong có chu vi dài 500 feet, nơi đức Phật thường ra đây tắm”.

Trích tập “Tây Du Ký” của Ngài Huyền Trang bản dịch tiếng Anh (Sách đã dẫn trên), quyển VII, trang 48.

22. CHÙA TÀU (CHINESE TEMPLE)

Nằm trên đường chính dẫn đến hướng đông nam chùa Mulagandhakuti, chùa Tàu này được xây dựng vào năm 1939 theo lối Trung Hoa do sự tài trợ của ông Lee Choon Seng, một thương gia giàu có và nhiều Phật tử khác ở Tân Gia Ba (Singapore). Phật tử địa phương cũng có đóng góp nhưng rất ít. Về tổn phí xây cất chùa, theo lời Đại Ðức trụ trì Thích Bổn Chiếu cho biết khoảng 40.000 Rupees tiền Ấn (gần 5,335 Mỹ kim theo hối suất năm 1975).

Trước chùa có xây một bức tường thấp cao gần 2 thước tây và cổng vào nằm một bên với hai trụ cột lớn hình tứ giác. Trong chánh điện tôn trí thờ duy nhất một pho tượng Phật bằng đá cẩm thạch làm theo kiểu Miến Điện. Thường trú tại chùa, ngoài Đại Ðức trụ trì, còn có 3 thầy khác. Sinh hoạt tại chùa thỉnh thoảng có thuyết pháp, còn hàng ngày chư tăng chỉ lo tụng kinh bái sám, làm đám cầu siêu, cầu an v.v…

23. CHÙA MIẾN ĐIỆN (BURMESE TEMPLE)

Sau khi nghe tin di tích Lộc Uyển được các nhà khảo cổ Ấn Độ và Anh Quốc khám phá, mở đầu một trang sử mới cho Phật tích này, ông U. Mrathun, một Phật tử giàu có ở Akyab (Miến Điện) vào năm 1910 đã phát tâm hỷ cúng tài chánh để thiết lập giữa vườn xoài về hướng tây bắc Lộc Uyển một lữ quán (Rest House) nhằm giúp các Phật tử Miến hành hương có chỗ lưu trú khi họ đến chiêm bái thánh tích này. Sau đó, đạo hữu U Dao Pee và con gái của ông, cô U.D.Q. Jan ở Akyab cùng với tín nữ V.D. Saui Wii tại Rangoon (Miến Điện) góp phần xây cất thêm các cơ sở như pháp đường, chùa cho chư Tăng và một thư viện hai tầng vào những năm 1934, 1935 và 1937.

24. CHÙA TÂY TẠNG (TIBETAN TEMPLE)

Chùa Tây Tạng được xây cất hai tầng nằm về hướng đông chùa Mulagandhakuti, theo kiểu Tây Tạng. Trước chùa có dựng một bức thành cao hơn 2 thước, với cổng chùa hình chữ nhật. Phía trước cổng hai bên phải và trái có thiết trí hai con nghê (sư tử con). Cổng chùa được trang trí phía trên cùng một bánh xe Pháp có hai con nai chầu hai bên. Trong chùa nơi chánh điện thờ một pho tượng Phật Thích Ca lớn thếp vàng trông thật trang nghiêm, ngoài ra còn có nhiều tượng Bồ Tát làm theo mẫu Tây Tạng khác.

25. TĂNG XÁ CỦA HỘI MA HA BỒ ĐỀ (ARYA DHARMA SANGHA

DHARMASALA)

Tăng xá này do gia đình ông J.K. Birla, một thương gia giàu có Ấn Độ xây cất tặng cho Hội Ma Ha Bồ Đề. Ngôi nhà gồm có hai tầng, với 32 phòng rộng rãi, mát mẻ, dành cho chư Tăng và khách thập phương đến lưu trú, đầy đủ tiện nghi, mà chúng tôi chỉ phải hỷ cúng tiền phòng rất ít.

Ngoài những di tích lịch sử, chùa tháp nói trên, nếu có thì giờ quý vị có thể ghé thăm thêm các nơi dưới đây:

26. THƯ VIỆN CHÙA MULAGANDHAKUTI.

Thư viện này do Hội Ma Ha Bồ Đề thành lập, chứa đầy đủ kinh sách Phật giáo, gồm cả các tạng kinh chữ Tích Lan (Sinhalese), Miến Điện, Thái Lan và Trung Hoa.

27. TRƯỜNG HỌC VÀ NHÀ THƯƠNG THÍ PHẬT GIÁO.

Theo tinh thần lợi tha của đức Phật, nhằm giúp đỡ con em địa phương có phương tiện theo đuổi học vấn, nhất là hướng dẫn các em sống cuộc đời đạo đức, trở thành những Phật tử chân chính tương lai góp phần vào việc xây dựng xã hội, truyền bá đạo pháp, Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Bohhi Society) đã thành lập 2 trường học:

a.Trường Ðại Giác (Maha Bodhi School)

b. Trường Degree College.

Trường kiến trúc theo lối tân thời, rất đồ sộ nguy nga, mọi việc đều do Hội điều hành, quản trị. Hàng tuần trường có dạy Phật Pháp và thánh ngữ Pali. Ngoài ra, Hội cũng có thành lập vào năm 1934 một nhà thương thí, phát thuốc không cho đồng bào.

28. LỮ QUÁN VÀ NHÀ THƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ.

Nhân dịp kỷ niệm Phật Đản năm 2.500, chính phủ tiểu bang Uttar Pradesh (miền đông bắc Ấn) vào năm 1956 đã thành lập tại Lộc Uyển một nhà thương chữa bệnh miễn phí cho đồng bào; và một lữ quán (Guest House) dành riêng cho khách của chính phủ (State Guests) đến viếng Phật tích này. Ngoài ra, cũng có một số phòng để cho du khách thập phương thuê ở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Varanasi – The Heart Of Hinduismby Dr. Raj Bali Pandey, Varanasi, India, 1969.

2. Varanasi – Sarnath Guideby Jainco Publishers, Delhi, India, 1970.

3. The Eight Places Of Buddhist Pilgrimageby Jeremy Russell, New Delhi, India, 1981.

4. Guide To The Buddhist Ruins Of Sarnathby D. Ram Sahni, Delhi, 1983.

5. Monumentsby Ram P. Ojha, Lucknow, India, 1968.

6. Glimpses Of Buddhismby Prof. N. Ramesan, Hyderabad, India, 1961.

7. Buddhist Shrines In Indiaby Dr. D.C. Ahir, Delhi, 1986.

8. Inscriptions Of Asokaby Dr. D.C. Sircar, Delhi, India, 1967.

9. The Heritage Of Indian Artby Vasudeva S. Agrawala, Bombay, India, 1964.

10. Buddhist Monumentsby Debala Mitra, Calcutta, India, 1971.

11. Buddhist Art In Indiaby A. Grunwedel, New Delhi, 1985.

12.Museums And Art Galleriesby Ministry of Information, New Delhi, India, 1956.

13. A Record of Buddhistic Kingdoms, Translated from the Chinese of Fa Hien by James Legg, San Francisco, 1975.

14. Buddhist Records of the Western World (Si Yu Ki), Translated from the Chinese of Hiuen Tsiang by Samuel Beal, Delhi, 1969.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2010(Xem: 9465)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
16/10/2010(Xem: 6359)
Đại học Na-lan-đà (Nalanda) từng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịchsử Phật giáo nhưng đã bị các đạo quân xâmlược Thổ nhĩ kỳ và A phú hãn (Afghanistan) san bằng thành bình địa cách nay đây 800 năm. Ngày nay những dấu hiệuvô cùng khích lệ cho thấy Đại học này lại đang hồi sinh.
16/10/2010(Xem: 7624)
PHÁP ẤN Thích Nhất Hạnh
15/10/2010(Xem: 8080)
Thế gian chênh lệch này quả không hoàn toàn tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ và mùi thơm ngào ngạt. Nhưng cái cây sanh ra nó thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không phải vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà xa lánh hẳn hoa hồng. Với người lạc quan, thế gian này tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan, trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng, đối với người thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp, cũng không không hoàn toàn xấu xa.
14/10/2010(Xem: 7601)
Những tài liệu hữu ích về SỨC KHOẺ/ BỆNH TẬT (phần 1)
11/10/2010(Xem: 12257)
hân lý tương đối là những sự thật cònnằm trong đối đãi đối trị nhau. Những sự đối đãi ấy là: sáng đối tối, lạnh đốinóng, xấu đối tốt, thiện đối ác, khổ đối vui, động đối tịnh, sanh diệt đối vôsanh...
11/10/2010(Xem: 7874)
Hôm nay toàn chúng thỉnh nguyện đều được thanh tịnh, đó là điều rất tốt. Chúng ta càng tu tâm càng an, thân nghiệp, khẩu nghiệp đều thanh tịnh. Đó là kết quả tốt của sự tu hành. Bây giờ tôi có ít vấn đề then chốt muốn giải thích cho toàn chúng hiểu thêm, để quí vị nắm vững những điểm cần yếu trên con đường tu
11/10/2010(Xem: 11042)
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ.
11/10/2010(Xem: 7126)
Khác hẳn với tất cả các hệ thống triết lý và tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật – tự bản chất lẫn hiện tượng – vừa là một hệ thống triết lý mà cũng vừa là một hình trạng tôn giáo hoàn chỉnh với sự kết hợp hài hòa giữa tín điều và tín lý. Giữa cuộc đời, đức Phật là một vị Thầy hóa độ; trong đức tin, đức Phật là một đấng Giác Ngộ chứng tri. Người theo đạo Phật là những người luôn luôn tỉnh thức để làm chủ lấy mình , không giao trọn số phận của mình cho sự định đoạt của một đấng quyền năng tuyệt đối nào cả.
10/10/2010(Xem: 10565)
Trước hết, chúng ta đã ý thức được tầm cỡ có tính cách toàn cầu của một số vấn đề bức xúc đang đối mặt với chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ biết được làm thế nào để huy động trí tuệ và sức mạnh của nhân dân thế giới để giải quyết một cách tốt đẹp những vấn đề đó. Thí dụ các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng một nền trật tự kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới cho thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]