Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Hỏi Đáp Về Ăn Chay

07/05/201103:14(Xem: 10282)
Chương 4: Hỏi Đáp Về Ăn Chay

QUAN ĐIỂM VỀ ĂN CHAY CỦA ĐẠO PHẬT
Biên Soạn: Tâm Diệu

Chương 4

HỎI ĐÁP VỀ ĂN CHAY

Sau khi cuốn THỰC PHẨM RAU ĐẬU QUA LĂNG KÍNH KHOA HỌC do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành vào tháng 9-1997, chúng tôi nhận được một số câu hỏi của quý độc giả. Nhận thấy những câu hỏi đều hữu ích và có tính cách chung nên chúng tôi ghi ra đây. Phần trả lời không phải là do ý chúng tôi mà là do chúng tôi thỉnh thị của chư Hòa Thượng tôn đức và các vị Cư Sĩ hay tham khảo các Ngữ Lục của chư Tổ. Riêng về phương diện dinh dưỡng chúng tôi cũng tham vấn các giáo sư đại học về khoa dinh dưỡng qua điện thoại và E-mail. (Lời Soạn Giả)

HỎI : Tôi muốn ăn chay, có công đức chăng?

ĐÁP Các loài có vẩy, có mai, có lông mao, lông vũ, thể chất tuy khác với người, nhưng sự hiểu biết và sự đau khổ đâu có khác chi người. Bởi đời trước nghĩ sai, nên đời này hình hài có khác. Nếu như một lòng tín thành dứt ăn thịt, giữ giới không sát sanh, thật là bậc "Đại đức quân tử". Có thể bảo là người nhân từ, người thiện. Nếu quả ông ăn chay, giữ giới suốt đời không sờn lòng, chẳng những thêm nhiều phúc và thọ mà còn gieo được chánh nhân giác ngộ. Khá thương cho người đời không trí huệ, tham đắm vị ngon, mặc tình dồn chứa, ra tay sát hại, tạo tác muôn ngàn. Chỉ ngon qua ba tấc lưỡi, một ngày kia thay đầu đổi mặt, lần lượt nuốt ăn. Lúc ấy đau khổ hối hận không người giúp cho. [1]

HỎI :Người đời đều cho bò, heo, dê, gà, vịt, ngỗng, các loài chim, loài cá là trời sanh ra để làm đồ ăn cho con người. Nếu không giết để ăn, dùng chúng làm gì?

ĐÁP Người đời ăn thịt, buông lung tâm ý mổ giết để thích khẩu, khoái bụng. Đâu chẳng biết, tất cả chúng sanh dưới nước, trong đất, trên không, trên bộ, chẳng qua là do nghiệp lực quả báo mà có thân xác khác nhau. Người đời tuy nhờ phước nhất thời mà khinh thường sát hại quá nhiều rồi. Tha lực yếu kém làm sao chống chỏi nổi hận oán kia? Có ngày sẽ báo đền oan trái. Quả thật nếu heo, dê, gà vịt..v..v.. trời sanh ra làm đồ ăn cho người, còn ở thế gian những loài sài lang, hổ báo, muỗi mòng, chí rận ..v..v.. vô hạn ác thú hung cầm đều hay ăn người, đâu không phải trời sanh? Giả sử người nam kẻ nữ đều làm đồ ăn cho loài vật có nên không? Người đời không rõ tạo nghiệp sẽ đền mạng lẫn nhau. Không biết cớ sao lại cho việc sát sanh là việc đáng nên làm, thật quá ngu muội. [2]

HỎI Tôi thường nghe người đời nói "Người có lòng tốt cũng như người ăn chay rồi". Lý này là thế nào?

ĐÁP Bậc nhân đức quân tử, người hiền có lòng nhân từ, làm lợi ích cho người, cứu tế loài vật, nhóm công chứa đức, cho đến những chỗ động dụng làm việc, thấy sanh linh rơi vào chỗ chết, lúc ấy đâu không khởi lòng trắc ẩn cứu cho được sống, có lòng từ bi như thế mới bảo là người tốt. Vô cớ giết nó cho vào miệng ta, hoặc cầm dao bén mổ bụng, hoặc nắm dao nhọn đâm vào tim, lóc da, đánh vẩy, cắt cổ, bổ vỏ, hoặc nấu, hoặc kho, hoặc bỏ vào nồi hầm hay bỏ vào lò nướng, trăm cách tạo tác làm cho ngon miệng khoái bụng, lòng thương xót hoàn toàn không, như vậy lòng tốt ở chỗ nào? Mà lại nói lời mê như thế? Tội lỗi kia làm sao có thể sám hối? Tôi nay nói rõ, ông hãy lắng nghe: Quả như ông một đời giữ giới không sát sanh, ăn chay suốt đời chẳng chán, dù tâm ông chẳng tốt, phải đọa vào loài khác, nhưng cũng không rơi vào tay người giết hoặc trong vạc sôi lò lửa. [3]

HỎI Vì sao hiện nay con người mắc phải nhiều chứng bệnh quái lạ, ác ôn?

ĐÁP Nói vắn tắt thì đó là do nghiệp sát sanh mà ra. Bạn giết chúng sanh nào thì chúng sanh đó đến tìm bạn để đòi nợ máu. Cho nên, trước những bệnh quái dị này, thày thuốc cũng đành bó tay. [4] (Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật nói "không sát sinh được 10 thứ lợi ích, trong đó có hai điều là thân thường mạnh khỏe, không có bệnh tật và thọ mệnh lâu dài, không bị chết non" - Lời người biên soạn thêm vào)

HỎI Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mạng là một việc hợp lý lẽ trời đất.

ĐÁP Phật Giáo đề xướng tinh thần "mọi vật đều cùng một thể, đó gọi là Đại Bi", và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới không sát sanh và phóng sanh. [5]

HỎI Động vật chết rồi có đầu thai chăng?

ĐÁP Chúng cũng đầu thai tương tự như loài người vậy. Thí dụ như có người kiếp này là người Trung Hoa, kiếp sau là người Mỹ, kiếp sau nữa lại là người Nhật.., thì động vật cũng thế, cũng "di dân" y như vậy. Động vật cũng có tánh linh, và tánh linh của chúng cũng có thể luân chuyển; song tùy nơi nghiệp lực, hành vi và tư tưởng mà có sai biệt. [6]

HỎI Trong nhà tôi có rất nhiều gián kiến. Đạo Phật dạy không nên sát sanh, vậy tôi phải giải quyết như thế nào?

ĐÁP Gián kiến thường hay thích chất ngọt và lui tới nơi ẩm ướt, vì thế trước hết phải giữ bếp núc thật sạch sẽ và khô ráo. Nếu thấy có chúng xuất hiện nên dùng tâm từ bi mà đối xử, không nên đập đánh chà xát hay dùng thuốc độc mà giết chúng; có người dùng mật ong hay chất đường rủ chúng ra ngoài mà ăn và sinh sống. [7]

HỎI Tôi làm việc ở trại nuôi gà. Nhất thời chưa có cách đổi nghề, vậy tôi phải làm sao để biến trại nuôi gà thành đạo tràng cầu siêu độ đàn gà đó.

Đáp Bạn đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan". Phương pháp tốt nhất là đừng nuôi gà nữa, mà hãy nuôi người. [8]

HỎI Có pháp môn phương tiện gì để khuyên giải những kẻ chuyên lấy việc giết gà giết vịt làm kế sinh nhai?

ĐÁP Phàm lẽ, xưa trót tạo tội, nay đã biết lỗi lầm thì phải lo sửa đổi, không nên tái phạm. Có câu rằng "Có tội mà biết sửa, Tội liền biến thành không." Chư Bồ Tát không thấy chúng sinh có tội lỗi. Chính mình phải tự nguyện thọ trì giới luật. Chư Phật và chư Bồ Tát tuyệt đối chẳng bao giờ bày mưu thiết kế hãm hại chúng sanh, làm chúng ta đọa địa ngục cả. Khi xưa nếu bạn đã phạm Ngũ Giới, nay đừng tái phạm nữa là đủ. Có người giải thích chữ nhục, [9] nghĩa là thịt, như sau: "chính chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh, Ngẫm cho kỹ thì là người ăn người." Tại sao nhất định phải dựa vào việc sát sanh để duy trì sự sống của mình chứ? [10]

HỎI Vì sao người Phật tử phải ăn chay?

ĐÁP Người đời bị ngũ dục làm mê mờ. Chỉ vì muốn ăn ngon nên sát sanh để nuôi dưỡng thân mạng. Họ không biết rằng ăn thịt chúng sanh tức là ăn thịt của chính họ! Bởi, ăn một cân thịt, bạn nhất định phải trả 16 lượng; đây là việc bạn không thể trốn tránh được. Do đó, cả một đời, người đời cứ phải trả nợ, đòi nợ; đời đời kiếp kiếp không thể thoát khỏi luân hồi. Huống chi những miếng thịt họ ăn có khi là thịt của chúng sanh mà xưa kia đã từng là cha mẹ của họ? Làm sao tâm mình lại có thể bất nhẫn đến như vậy. [12]

HỎI Tôi thích ăn chay nhưng kẹt một nỗi là vẫn còn thích và quyến luyến mùi vị thịt, vậy tôi phải làm sao?

ĐÁP Một nguyên tắc áp dụng để thay đổi những thói quen sâu dày là phải chuyển hóa từ từ để tránh phản ứng của của cơ thể. Bạn hãy áp dụng những thói quen tốt mới, với sự chăm sóc cẩn thận. Chẳng bao lâu thói quen mới sẽ lớn mạnh và đẩy lui thói quen cũ. Cũng vì vậy chúng tôi yêu cầu bạn ăn chay đều đặn một ngày trong một tuần, cho đến khi bạn quen sẽ gia tăng lên. Nếu mọi nỗ lực không làm bạn thay đổi được tập quán ăn thịt, chúng tôi đề nghị bạn nên đi tham quan lò sát sinh, hy vọng nó sẽ giúp bạn.

HỎI Thỉnh thoảng tôi đi máy bay nhưng không biết họ có đồ ăn chay không?

ĐÁP Hầu hết các hãng máy bay đều cung cấp thức ăn chay nếu như bạn yêu cầu. Vì thế ngay khi mua vé bạn hãy yêu cầu người bán vé order cho bạn thức ăn chay. Cũng nên kiểm lại với hãng airline trước khi khởi hành xem trong danh sách những hành khách ăn chay có tên bạn không.

HỎI Cây cỏ hoa lá có cảm giác đau đớn không khi chúng ta ăn chúng?

ĐÁP Người ta tin rằng cây cỏ không có khả năng kinh nghiệm đau đớn vì chúng không có hệ thống thần kinh não bộ.

HỎI Chúng tôi được biết có một số vị sư ăn trường chay từ khi còn tu ở Việt Nam, nay qua đây lại bị bệnh tiểu đường và cũng có một số vị khác bị bệnh tim mạch, như vậy là sao? Sao nói ăn chay chữa được bệnh?

ĐÁP Trước hết phải nói ngay rằng không một giai cấp hay thành phần xã hội đặc biệt nào, kể cả nhóm người khác biệt theo chế độ ăn uống hay khác biệt trong lãnh vực nghề nghiệp chuyên môn hay học vấn mà bệnh tiểu đường hay tim mạch lại tránh né không xâm phạm tới. Mặc dù ăn trường chay nhưng những nghiên cứu khoa học cho biết không phải 100% không bị bệnh, bách phân còn lại, dù là thiểu số, bị bệnh có thể là do những lý do khác mà một trong những lý do này theo đạo Phật thì có thể là do nghiệp bệnh. Tuy nhiên những nghiên cứu khoa học gần đây cho hay cơ thể của những nhóm dân tộc thiểu số người Mỹ gốc da đỏ, da đen và những dân tộc ở các quốc gia chưa phát triển thuộc loại biến dưỡng chậm (slow metabolizer) nay phải đổi sang một môi trường sinh sống mới với lối dinh dưỡng quá đầy đủ và sự hoạt động thể lực lại quá ít, mà cơ thể vẫn thói quen cũ (loại biến dưỡng chậm) do đó d sinh ra bệnh. [13] Một vài thầy có thể cũng rơi vào trường hợp này do sự thay đổi môi trường sống tạo nên. Khi còn ở quê nhà quý thầy làm việc thể chất nhiều, ăn uống đơn sơ, bữa ăn chỉ là vài miếng đậu hũ chiên, xào hay kho mặn, vài miếng chao nhỏ, hay ăn với dưa chua, củ cải khô ngâm muối. Chắc chắn dưới con mắt nhìn của các nhà dinh dưỡng học là không đủ chất bổ dưỡng, nhưng cơ thể thuộc loại biến dưỡng chậm (slow metabolizer) nên không sao cả. Khi qua đến Hoa Kỳ, hoạt động thể chất không nhiều bằng ở Việt Nam mà lại ăn uống nhiều chất bổ dưỡng hơn, mặc dù là ăn chay, nên cơ thể không thích hợp và do đó dễ phát sinh ra bệnh tiểu đường và tim mạch.

Tưởng cũng cần nói thêm ở đây ngoài lý do thay đổi môi trường sống như đã đề cập, ăn chay theo lối người Việt chúng ta không mấy giúp cho sức khỏe tốt vì dùng quá nhiều dầu để chiên xào, quá nhiều bột ngọt, đường và các thực phẩm tinh lọc. Mặc dầu dầu thảo mộc không có chất cholesterol nhưng có lượng cao chất béo không bão hoà và khi chiên nhiều lần, có độ nóng lâu, dầu không bão hòa sẽ trở thành loại dầu có đặc tính giống như bão hòa mà người ta gọi là trans-fatty acids. Chất béo bão hòa (saturated fat) và trans-fatty acids là những chất béo không tốt, làm gia tăng chất cholesterol xấu LDL và đồng thời làm giảm cholesterol tốt HDL trong máu, do đó gia tăng mức nguy hiểm về bệnh tim mạch và đồng thời cũng làm cho chất insulin giảm hiệu năng hộ tống chất đường vào trong các tế bào. [14] (Xin xem thêm bài Choesterol và Triglycerides)

Vì những lý lẽ trình bầy trên, tốt nhất là giảm tối đa các chất béo, không nên chiên đậu hũ, nên luộc hay nấu canh, hoặc nướng, vừa giản dị lại vừa bổ, hoặc lâu lâu đổi bữa bằng đậu chiên và chỉ nên dùng lại dầu cũ một lần, rồi đổ đi, đừng tiếc, vì nó sẽ làm hại sức khỏe, vốn quí của kiếp người. Nên dùng loại dầu canola, có bách phân chất béo bão hoà thấp nhất (4%) trong tất cả các loại dầu thảo mộc hiện nay có bán trên thị trường. Nếu dùng dầu để trộn xà lách thì nên dùng dầu olive hay dầu faxseed oil, vừa thơm lại vừa tốt cho sức khỏe..

HỎI Có người xem lịch sử Việt Nam thấy Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, là một vị giác ngộ, thầy của vua Trần Nhân Tông, sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm cũng ăn mặn nên nói rằng ăn chay không cần thiết. Lý này là thế nào? Có phải Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ăn mặn không?

ĐÁP Theo sách Thiền Sư Việt Nam [15] thì Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ thọ Bồ Tát Giới, thầy của vua Trần Nhân Tông, sáng tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, do đó không có ý gì nghi ngờ về việc ngài ăn mặn hay ăn chay vì trong 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ Tát Giới có giới cấm sát sinh (giới trọng thứ nhất), giới cấm không được ăn tất cả thịt của mọi loài chúng sinh (giới khinh thứ 3), và giới cấm cất chứa những khí cụ sát sinh (giới khinh thứ 10).

Việc ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ăn mặn là nhân một bữa tiệc do em gái ngài, Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, thiết đãi khách quí trong hoàng cung. Mặc dù trên bàn tiệc có cả thức ăn chay và thức ăn mặn, nhưng ngài vẫn điềm nhiên ăn thịt cá. Thái Hậu thấy lạ mới hỏi: "Anh tu thiền mà ăn cá thịt thì thành Phật sao được?" Ngài cười đáp: "- Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần làm Phật, Phật không cần làm anh.."

Có nhiều nghi vấn và giải thích về việc nầy. Một trong những lời giải thích cho là hành động ăn thịt cá của Thượng Sĩ nhằm mục đích phá quan niệm sai lầm rằng ăn chay để thành Phật của Hoàng Thái Hậu, ý muốn nói sự tu tâm mới là điều quan trọng. Ngài là bậc giác ngộ, tâm đã bình đẳng, đã thoát ra khỏi qui luật của thế giới hiện tượng tương đối, mọi sự việc xảy ra trong đời đối với ngài chỉ còn là câu truyện trong giấc mộng đêm qua, mọi hành động của ngài đều là tùy duyên phương tiện tháo đinh nhổ chốt cho chúng sinh còn kẹt mà thôi.

HỎI Tôi nghe nói bên Anh và Đan Mạch cũng như dân da đỏ Cherokee ở Hoa Kỳ ăn rất nhiều hạt và dầu faxseed oil vì họ cho rằng nó có thể ngăn ngừa nhiều thứ bệnh, điều này có đúng không?

ĐÁP Vâng, trong faxseed oil có chứa nhiều hóa chất thực vật tốt cho sức khỏe, trong số đó có linolenic omega-3 essential fatty acids, lecithin, beta carotene và vitamin E. [16] Omega-3 acids là loại dầu thảo mộc có khả năng làm giảm lượng triglyceride trong máu tức giảm mức nguy cơ về bệnh tim mạch, beta carotene và vitamin E có chức năng trừ khử độc tố trong cơ thể con người, làm cho con người trẻ lâu (vitamin E có nhiều nhất trong đậu nành và beta carotene có nhiều nhất trong cà rốt và khoai lang). Nên dùng faxseed oil hoặc dầu olive để trộn sà lách, không nên chiên vì độ nóng sẽ làm mất nhiều dược tính.

HỎI Tôi có người bạn trẻ mới chuyển sang ăn chay được một thời gian. Nhưng rồi anh ta cứ cảm thấy mình trở nên tự hào, cho là mình đạo đức, cao thượng hơn người khác, nhìn ai ăn thịt cá thì có vẻ khinh cho là người tàn nhẫn. Do những tư tưởng ấy, anh ta luôn luôn bị dằn vặt và cuối cùng quay lại ăn thịt, và thấy tâm hồn thanh thản hẳn lại. Nếu đạo Phật là đạo để tu tâm, mà ăn chay tâm lại không an lạc bằng ăn thịt, thì có cần phải tiếp tục ăn chay không?

ĐÁP Cái luận điệu: "Phải làm giống người khác để khỏi có cảm giác tự cao, tự đại, khinh người khác", là một luận điệu ngụy biện, đạo đức giả, che dấu cái ngã vi tế để tiếp tục làm điều sai mà không cần sửa. Nói vậy thì trên đời này có biết bao nhiêu điều không nên làm, nhưng vì có người làm nên ta phải làm như họ để tránh được cảm giác khinh họ, để tâm được an ổn chăng?

Đức Phật là Đại Y Vương, Ngài có nhiều thuốc để trị mọi loại bệnh. Trường hợp anh bạn này là do nghiệp chướng sâu dầy, nay muốn chuyển nghiệp nhưng bị cái Ngã nó lôi lại, để rồi cứ tiếp tục trong vòng nghiệp lực luân hồi, không thoát ra được. Anh này cần sám hối hằng ngày câu này:

Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp

Đều từ vô thủy tham sân si

Bởi thân miệng ý phát sinh ra

Hết thẩy tôi nay xin sám hối.

Bệnh thèm ăn ngon là do thói tham ăn từ vô thủy. Nếu nay anh ta đừng nhìn sang người khác để mà tự hào rằng mình ăn chay, mà chỉ nên nhìn vào chính mình, thấy riêng trong cái kiếp này mình đã vì thèm ăn ngon, làm chết biết bao sinh mạng, tự sám hối, như thế bệnh ngã chấp sẽ giảm, nghiệp sẽ chuyển dần, ăn chay sẽ d dàng hơn. Đồng thời, hằng ngày nên theo các pháp phương tiện mà tùy ý tu hành, không làm điều ác, làm nhiều điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh. Thanh tịnh bằng cách nào, thì nên tìm đến chư vị Tu Sĩ xin chỉ dẫn, hoặc theo Thiền Tông, Niệm Phật, Mật Tông, Trì Chú, v..v.. dần dần nghiệp sẽ chuyển và sẽ thấy:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu

Tội tiêu tâm tịnh thẩy đều không

Ấy mới thật là chân sám hối.

Không phải đem nải chuối đến chùa rồi kỳ kèo với Phật mà sám hối được. Phật không ăn hối lộ. Bất kể ngồi đâu, nếu không còn bị nghiệp thân khẩu ý lôi cuốn là tâm đang tịnh, là đang sám hối tội cũ, ngăn ngừa tội mới.

HỎI Tôi thấy một số món ăn chay trong các tiệm ăn và đôi khi cả trong một vài chùa, có hình thức các con vật và tên gọi giống y như các món mặn, thí dụ như: "cá chiên, cá hấp, thịt quay bánh hỏi, tôm xào chua ngọt.. v..v..". Nếu tâm còn thèm ăn các món mặn thì ăn quách đồ thật còn hơn là giả dối như vậy. Đạo Phật nói trực tâm là đạo tràng cơ mà?

ĐÁP Đây là một câu hỏi có nội dung phức tạp, có thể chia ra làm bốn phần: (1) Món ăn chay giả thịt cá bán tại các chùa (2) Món ăn chay giả thịt cá bán tại các tiệm (3) Ăn chay vì lý do sức khỏe, và (4) Người ăn chay chỉ vì có lòng thương súc sinh, không liên quan đến tu tâm theo Phật giáo.

Món ăn giả thịt cá tại các chùa:

Đức Phật dạy rằng "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh", "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", chữ chúng sinh ở đây là chỉ tất cả mọi loài động vật có cảm giác, chứ không chỉ riêng loài người.

Cửa chùa là nơi truyền bá đạo Phật, tu sĩ ở chùa là Trưởng tử Như Lai, đem chánh pháp dạy chư Phật tử. Một trong những lời dạy quan trọng, cốt tủy của Đức Phật là phải dùng tâm bình đẳng để đối xử với mọi loài, cả người lẫn vật. Vậy thì chúng ta không nên tạo thói quen xấu là thản nhiên nhìn hình ảnh con cá con tôm nằm cong queo giữa đĩa nước xốt, hoặc cầm muỗng, đũa xắn cắt con cua, con gà, dù chỉ là gà giả.

Ngoài ra chư vị nào đã thọ Bồ Tát Giới thì đừng quên là, khác với giới Thanh Văn, chỉ ràng buộc trong một kiếp người và chỉ phạm khi có hành động, giới Bồ Tát là Tâm Giới, chỉ khởi tâm phạm, chưa hành động, là phạm giới rồi. Vậy thì chư vị Cư Sĩ Bồ Tát Giới chỉ cần nghĩ là: "Ăn con tôm rang muối này ngon quá", dù là tôm giả, tâm của quý vị khởi niệm muốn ăn, là phạm giới rồi.

Món ăn giả thịt cá tại các nhà hàng.

Về các nhà hàng dùng tên giả để gọi các món ăn chay thì chúng ta nên cảm thông rằng họ làm thương mại, họ cần có những phương pháp lôi cuốn khách hàng, là những người đã quen ăn thịt cá nay chuyển sang ăn chay. Nếu món nào cũng chỉ dùng tên vật liệu để gọi thì chỉ còn là: nấm xào rau, đậu om, rau luộc, rau kho..v..v.., rất ít món, khó lôi cuốn khách hàng.

Dầu sao, thực khách khi ăn một món giả, cứ nghĩ đến một con thật đã thoát chết thì lòng từ bi cũng đang tăng trưởng rồi đó.

Ăn chay vì lý do sức khỏe:

Nhóm người này tránh ăn thịt động vật vì thấy rằng thịt động vật mang đến nhiều chất độc và bệnh tật. Đối với họ, lý do ăn chay hoàn toàn vị kỷ. Nếu một mai khoa học tìm ra rằng ăn vẩy rồng, gân cọp sẽ khỏe mạnh sống lâu, thì họ sẽ lại hỳ hục đi săn rồng, săn cọp. Tuy nhiên, dù mục tiêu ăn chay của họ vị kỷ, không vì loài vật, nhưng phó sản của nó lại vô tình cứu loài vật bớt chết (có nghĩa là bớt bị sản xuất ra để rồi phải sống tù tội và chết đau đớn), và cũng giúp cho dòng nghiệp lực sinh tử tử sinh của họ bớt nợ máu. Cho nên, đối với nhóm người này, món ăn giả nếu có làm cho họ cảm thấy hấp dẫn, thích ăn, bớt thèm thịt, thì vẫn có ích lợi cho cả phiá người và vật.

Ăn chay vì lòng thương loài vật:

Nhóm này thuộc đủ mọi thành phần tôn giáo và không tôn giáo. Họ tránh ăn thịt chỉ vì lòng thương xót loài vật, không nỡ đóng góp thêm vào nỗi thống khổ của cuộc sống đầy đau thương, bị hành hạ, trà đạp, đánh đập, sống chen chúc, bị ép cho đẻ nhiều rồi chia rẽ mẹ con, trước khi chết còn bị sống những ngày kinh hoàng trên những chiếc xe chuyên chở khổng lồ, đói khát, dồn ép trong một trạng thái thần kinh rất là khủng khiếp, rồi bị lùa vào hành lang dẫn đến lò sát sinh, để nghe thấy những tiếng thét thất thanh trong giây phút dẫy chết.

Do được thấy tận mắt, hay coi phim, hoặc xem sách báo, tâm những người này đã chuyển, họ cảm thấy ăn thịt là kéo dài những nỗi thống khổ cho loài vật, cũng là những sinh vật có đầy đủ tình cảm, xúc động v..v.. như con người. Nhóm người này ăn chay dễ dàng và còn cổ động mọi người ăn chay để toả rộng lòng nhân từ ra khắp nơi. Điển hình nhóm này là những hội viên hội PETA (People For The Ethical Treatment of Animals). Đối với họ khi nhìn tôm thịt cá giả trên bàn, thì họ cũng cảm thông với những người đang từ từ chuyển hướng sang ăn chay, và mừng rằng một con tôm, con cá, con gà giả trên bàn ăn là đã cứu một con tôm, con cá, con gà thật khỏi chết. Cho nên, nhóm người này rất ủng hộ những tiệm ăn chay và hoan nghênh những con tôm cá giả, gà giả trên bàn ăn. Họ quan niệm rằng: "nếu như tật xấu ăn thịt cá đã bám rễ sâu xa trong óc con người, thì những món chay giả mặn đã cứu những con vật thật".

Sau đây là ý kiến của đạo hữu Minh Tịnh ở Portland, Oregon về tâm nguyện ăn chay trường:

1. Ăn uống là một ham muốn trong năm thứ ham muốn [17] mà đạo Phật luôn luôn nhắc nhở các Phật tử, dù là hàng xuất gia hay tại gia, cần phải tu sửa hằng ngày để phá phiền não: tham sân si.

2. Chiều hướng từ bi tâm: ưa thích làm mọi điều lành cho mọi người, cho mọi loài và cho mình. Cảm thương được sự sợ hãi, đau khổ của mọi chúng sinh.

3. Vì có duyên lành hay thường gọi là có phước, mà việc ăn chay dễ dàng, không bị quá ràng buộc vào mùi vị, ngon dở.

4. Có lòng tin dũng mãnh: (1) vào Phật pháp: thuyết nhân quả, gieo nhân nào thì chắc chắn ra quả nấy, (2) vào y khoa học và kinh nghiệm của những người đã ăn chay trường: (A) Các loài thịt đều độc hại (a) vì hiện nay kỹ nghệ chăn nuôi đã dùng các loại chất hóa học, làm cho phần nhiều các loại thịt bầy bán trên thị trường bị nhiễm độc, (b) các loại thịt còn bị nhiễm độc do các độc tố tự tiết ra khi con vật sợ hãi, đau đớn và căm hờn. (B) Các loại ngũ cốc và củ, các loại rau quả đều có đầy đủ các chất bổ dưỡng, có khả năng phòng ngừa các bệnh về tim mạch và ung thư cùng nhiều thứ bệnh khác. [18] Ngoài ra ăn trường chay lâu (trên 7 năm) sẽ có sự thay đổi lớn lao về tâm thần như giảm thiểu sự nóng nảy. Rượu và thịt có tác dụng làm gia tăng sự thèm muốn dục vọng.

5. Không lấy cớ này hay cớ nọ để tự bào chữa cho thói quen từ nhỏ ăn thịt của mình, mà phải có một ý chí thật vững vàng: từ bỏ là từ bỏ, không một chút nuối tiếc, như người cai rượu, cai thuốc lá cà phê.

6. Phải kiên nhẫn và sáng suốt mà nhận thức rằng, dòng đời là một xâu chuỗi NHÂN và QUẢ? Mặc dầu tạo nhân ăn thực phẩm lành mạnh, không làm đau đớn các loài động vật khác, không có nhiều độc tố, sẽ mang lại kết quả là cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, tuy nhiên, ảnh hưởng của những nhân chúng ta đã gây ra từ nhiều đời trước vẫn còn có thể tác động vào đời sống hiện nay, dù đã yếu đi do nhân tốt chúng ta đã tạo. Bởi vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng ăn chay chắc chắn sẽ không bị bệnh tật nữa và sống lâu, để rồi nếu VÔ THƯỜNG đến từ nhiều nguyên nhân sâu xa khác, lại làm chúng ta mất niềm tin. Điều chắc chắn rõ ràng nhất là người nào ăn chay vì lòng từ bi cũng đều thấy tâm hồn trở nên an lạc, dễ dàng gần gũi thông cảm với loài vật và yêu mến thiên nhiên vô cùng.

Vì những lý do nêu trên mà tôi có tâm nguyện đời đời kiếp kiếp không dùng thịt các sinh động vật để làm thực phẩm nuôi sống thân mạng mình. Nguyện cho tất cả mọi người và mọi loài đều có tâm nguyện này.

HỎI Tôi ăn trường chay, muốn đi hành hương Việt Nam nhưng không biết có gì trở ngại không, ở Hà Nội có nhà hàng chay không?

ĐÁP Chúng tôi đã có cơ duyên đi từ Bắc vào Nam, nhận thấy vấn đề ăn chay không có gì trở ngại. Buổi sáng ở Hà Nội có bánh bao chay, hoặc khiêm tốn hơn nhưng lại được người viết thích, nhất là xôi Hà Nội. Ai đã từng ăn thử những hạt xôi dẻo căng, ngọt và bùi ở đây trong cái gió sớm mai đượm mùi thơm của nếp hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được. Chỉ với 1000 đồng, tức gần 10 cents, người ta đã có thể có được nắm xôi thơm phức kèm theo muỗng vừng. Ngoài ra, bánh mì nóng buổi sáng ăn với chuối cũng ngon tuyệt. Đó là chưa kể món bún nóng hổi vừa mới ra lò rao bán trên phố Cầu Gỗ mà anh bạn tôi thích ăn với tương nêm ớt như tôi thích ăn món xôi Hà Nội vậy.

Nghe nói trước năm 1980 Hà nội không có một tiệm ăn chay và dường như người dân miền Bắc không biết đến từ ngữ chay. Ngày nay có vài tiệm phục vụ ăn sáng, ăn trưa, và ăn chiều. Đáng kể nhất là nhà hàng chay Nàng Tấm ở 79 A đường Trần Hưng Đạo, được xem là tiệm chay ngon nhất thủ đô. Chúng tôi đến đây ăn tối một lần và ăn tại khách sạn một lần do nhà hàng đem đến. Thức ăn thường không phải là thực phẩm chay biến chế của Đài Loan hay Hồng Kông nên khẩu vị hơi khác với những thức ăn mà chúng tôi thường ăn ở nhà hàng chay Ten Ins và Happy Family ở Mỹ, nhưng lại khá ngon miệng.

Ở Bãi Cháy Vịnh Hạ Long, tuy không có tiệm ăn chay nhưng do yêu cầu của chúng tôi nên cô Chính, chủ nhân khách sạn Đoan Trang đã nấu cơm chay, như là những đầu bếp chay chuyên nghiệp, cho chúng tôi ăn trong hai ngày tham quan Vịnh Hạ Long. Mỗi bữa có sáu món, ít dầu, ít bột ngọt lại ngon.

Trước khi rời Hà Nội xuôi Nam, chúng tôi đến tham quan Chùa Đình Quán, tọa lạc tại xã Phú din, huyện Từ Liêm, được Sư Thầy Đàm Nguyện và quý sư cô thường trú tại chùa khoản đãi một bữa cơm chay thật ngon. Xin cảm ơn Thầy Đàm Nguyện và Sư Cô Hạnh Châu cùng quý ni cô thường trú tại chùa.

Ở Huế, được mệnh danh là xứ sở của cơm chay, nơi đây có hơn 400 ngôi chùa lớn nhỏ, gần 300 niệm Phật đường và đa phần dân số là Phật tử, vì thế mà cơm chay rất thịnh hành. Cách đây khoảng ba mươi năm, góc sân chùa Tịnh Bình thuộc phường Thuận Thành đã có quán chay nổi tiếng với các món bún khô, bún nước, bánh bột lọc. Muốn thưởng thức cơm chay theo đúng nghĩa, bạn phải đến quán Đồng Tâm ở một con hẻm của đường Lê Lợi. Tuy nhiên bữa ăn chay ngon nhất của chúng tôi ở Huế lại không phải ở nhà hàng chay mà tại nhà hàng mặn của khách sạn Hùng Vương nơi chúng tôi lưu ngụ. Một bữa cơm chay với các món chay do khách tự đặt ra, nhà hàng đi chợ rồi nấu theo sở thích của khách. Chỉ với một tô canh mít non nấu với nấm rơm, lá sân, lá lốt, thêm một chút tiêu, và chút ớt Huế cũng đủ nhớ mãi.

Nha Trang có ít nhất là ba tiệm ăn chay, tiệm Âu Lạc, Thanh Tâm Trai và Thiên ý. Trong số này có lẽ quán ăn chay Thiên Ý ở số 1B đường Nguyn Du, gần Chợ Đầm là ngon hơn cả. Có một tiệm khác ở đường Biệt Thự nhưng lại vừa bán chay vừa bán mặn, dường như phục vụ cho du khách ngoại quốc nên chúng tôi không ghé ăn thử.

Về đến Đà Lạt, các tiệm ăn mặn trong khu Hòa Bình cũng nấu chay nếu bạn yêu cầu nhưng họ biết khách là Việt kiều nên cho giá mắc, một bữa ăn chay thường cho sáu người phải chi trả đến 160.000 thay vì 90.000 như những chỗ khác. Chúng tôi biết có ít nhất là hai tiệm chay, một tiệm, tên là Giác Ngộ ở gần đầu đường Phan Đình Phùng và một tiệm khác, tên là Bông Sen ở gần cuối đường Phan Đình Phùng, đối diện với chùa Linh Sơn. Cả hai tiệm đều ăn được.

Ơ Saigon, so với năm 1992, tiệm cơm chay mở ra khá nhiều, mỗi quận đều có năm ba tiệm nổi danh, với bảng hiệu chào hàng cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Lắm khi ở mỗi đường phố cư xá hay đường hẻm lại mở đôi ba tiệm, tiệm nào cũng không lỗ vốn, không làm giầu nhanh nhưng có vẻ phát đạt.

Theo trí nhớ của người viết, nếu không lầm, thì tiệm cơm chay đầu tiên ở Saigon là tiệm Tín Nghĩa, đầu đường Trần Hưng Đạo, dường như do tín đồ Cao Đài điều khiển, trong tiệm này còn bán nhang thơm, trên vách viết những câu ca dao, câu kinh khuyên người tránh sát sinh, làm lành tránh dữ. Tiệm cao niên thứ nhì có lẽ là tiệm Thanh Lạc Trai ở gần góc đường Hiền Vương và Pasteur mà ngày nay vẫn còn và vẫn đông khách như xưa.

Phía Chợ Lớn, gây sự chú ý của thực khách đầu tiên có lẽ là quán ăn chay Phật Hữu Duyên, trên bảng hiệu chưng bầy ông Phật khoẻ mạnh tươi cười trong khung kính. Vùng Bàn Cờ có quán ăn chay Giác Đức ở 492 đường Nguyn Đình Chiểu. Quận 4 có quán cơm chay chùa Đức Quang 330 đường Nguyn Tất Thành. Quận 5 có quán chay Giác Ngộ số 124 Nguyn Tri Phương. Quận 11 có Lạc Thanh Trai 243 Tạ Uyên và tiệm Thanh Nhàn 129 Lãnh Bình Thăng. Quận Tân Bình có quán Diệu Châu 1025 Hương Lộ 2. Quận Bình Thạnh có hai quán cơm chay Thiên Nhiên 1 và 2 ở đường Lê Quang Định và đường Bạch Đằng.

Trong chợ Saigon, chợ An Đông, và chợ Bình Tây vẫn có những sạp bán thức ăn chay, ở bến xe miền Tây, gánh bán cơm chay vẫn hiện diện cũng như bến phà Mỹ Thuận.

Người Hoa ở Saigon nấu chay cũng gần giống như người Việt, nhưng dùng nhiều dầu mè. Hầu hết các quán chay đều dùng bột ngọt tuy có nhiều tiệm quảng cáo là không bột ngọt theo yêu cầu. Chúng tôi ở khách sạn Lê Lê và Linh Linh trên đường Phạm Ngũ Lão mà xung quanh có rất nhiều quán ăn chay, chỉ riêng một con hẻm 175 mà có đến ba tiệm cơm chay nằm sát nhau, Zen Restaurant, Bodhi Tree và Như Liên. Cách đó không xa, là tiệm cơm chay Pháp Hoa số 200 đường Nguyễn Trãi do các Phật tử của thầy Trí Quảng điều hành. Ngoài ra, cũng gần đó là Tiệm chay Định Ý ở số 171B Cống Quỳnh.

Về giá cả tương đối rẻ, một bữa ăn cho một người chỉ tốn khoảng 12.000 (gần một dollar). Nghe một anh tài xế xe taxi nói, ở khoảng giữa đường Cao Thắng, một đĩa cơm chay bình dân có 3.000, thêm 1.000 đồng nữa có canh.

Trong suốt cuộc hành hương bốn tuần từ Bắc vào Nam, chúng tôi chỉ có hai lần trở ngaị không có cơm chay, một lần ở chùa Hương, mặc dầu có gần 100 tiệm cơm nhưng không có đến một tiệm chay nên chúng tôi nhịn đói luôn, lần khác tại thành phố Vinh, chúng tôi chỉ mua cơm trắng rồi ăn với muối mè đem sẵn. Ngoài ra, ngày lên núi Yên Tử, nếu không tháp tùng theo phái đoàn của thầy Thông Giác thì chúng tôi cũng nhịn ăn trưa luôn vì không có quán ăn chay, mặc dầu có rất nhiều hàng ăn dưới chân núi. Vì thế quý vị đi chùa Hương và núi Yên Tử nhớ đem theo cơm nắm muối vừng, món ăn di hành nổi tiếng của người miền Bắc.

HỎI Tôi có một cháu trai bốn tuổi. Từ lúc hiểu biết cháu không chịu ăn thịt cá, mỗi lần cho ăn thịt cá cháu cứ phun ra. Chồng tôi là một người trọng khoa học nên rất bực mình vì thấy cháu ăn uống không bổ dưỡng sợ sẽ ngu dốt và chậm lớn, cứ phàn nàn với tôi là tại mẹ tôi ăn trường chay không khuyến khích cháu ăn thịt cá và muốn gửi cháu cho người khác trông coi, không cho mẹ tôi làm baby sitter nữa. Mẹ tôi tuy gần 70 tuổi mà rất khỏe mạnh, hai bà cháu nô đùa với nhau cả ngày rất vui, nay nếu chia rẽ hai người chắc cả hai bà cháu buồn lắm. Chính tôi cũng bối rốì không biết nếu cháu ăn chay trường có ngu dốt và chậm lớn vì thiếu dinh dưỡng như lời chồng tôi nói không. Vì anh ấy là con người có tinh thần khoa học nên tôi cũng hơi nghiêng về phía anh ấy.

ĐÁP Trước nhất hãy tìm hiểu "tinh thần khoa học là gì". Đó là một thái độ sống linh động, không thành kiến, luôn luôn tìm hiểu thêm về những bí ẩn chưa được khám phá của đời sống và sẵn sàng đón nhận để nghiên cứu thêm những phát minh mới mặc dầu là do kẻ mình không ưa tìm ra. Tinh thần khoa học là một thái độ sống không thành kiến (vì nếu có thành kiến thì đã chết cứng với thành kiến đó rồi, không còn cơ hội để tìm hiểu xem điều phát minh kia là đúng hay sai).

Theo định nghĩa này thì ba của cháu bé thiếu tinh thần khoa học mà chỉ ôm cứng lấy một số hiểu biết có sẵn từ thời cổ đại, con người chỉ biết có một thứ thực phẩm bổ dưỡng là thịt xác thú vật. Sau này do thói quen xấu lưu truyền, nhiều người vẫn tưởng rằng chỉ có ăn xác thú vật mới đủ chất bổ dưỡng. Trái lại, chính các loại thịt thú vật, nhất là thịt thú vật thời nay được nuôi bằng nhiều chất hóa học mới làm cho con người mang nhiều bệnh, chóng già và chóng chết. Nếu bà xem xong cuốn sách này thì bà cũng sẽ có khái niệm về một đời sống lành mạnh, khỏe vui dù chỉ ăn rau đậu mà vẫn đầy đủ chất bổ dưỡng. Vả lại, có một tấm gương sáng trong gia đình bà là cụ nhà gần 70 tuổi ăn trường chay mà còn làm baby sitter nô đùa với cháu được trong khi có biết bao nhiêu cụ mới ngoài 60 đã mang đủ loại bệnh như bệnh tim, ung thư, tiểu đường..v.v..

Còn về vấn đề sợ cháu ngu dốt vì ăn chay, xin bà cứ yên tâm, tôi xin đơn cử vài tên người ăn chay trong giới khoa học để bà nói với ông nhà, như nhà toán học Pythagore, bác học Albert Einstein, bác sĩ Albert Schweitzer,v..v. qúy vị ấy rất thông minh.

Thưa bà cháu đã có cái phước báu được huân tập từ vô lượng kiếp nên kiếp này vừa mới hiểu biết đã muốn từ chối không đi vào con đường nợ nần sinh mạng ăn nuốt lẫn nhau, tránh bước vào thói quen xấu ăn thịt chúng sinh. Xin bà nghĩ đến cái phước báu ấy của cháu mà đừng làm cho kiếp này của cháu lại trở thành bất hạnh, bị ép phải ăn những thứ độc hại, có thể làm cho cháu sớm nuôi mầm bệnh, chóng già và làm cho dòng nghiệp của cháu đang trên đường chuyển hoá tốt đẹp lại trở thành xấu đi.

Bà nên tìm cuốn "Thực Phẩm Rau Đậu Qua Lăng Kính Khoa Học" để ông nhà tham khảo vì tài liệu trong cuốn đó đều từ các nguồn khoa học đáng tin cậy.

HỎI Thưa Chú, ông nội cháu bảo: "nói ăn chay ăn mặn là sai, phải nói ăn chay ăn mạng mới đúng vì đồ ăn chay bỏ muối vào thì cũng mặn vậy".

ĐÁP Chú cũng có nghe vài bậc trưởng lão nói rằng: hồi xưa các cụ coi sự ăn rau đậu không giết súc sinh thì nó thanh tịnh nên gọi là ăn chay. Trước khi có lễ lớn các vị bô lão trong làng cũng phải ăn chay, không ăn thịt, uống rượu, cho cơ thể thanh tịnh. Còn ăn thịt cá thì gọi là ăn mạng vì phải chấm dứt mạng sống của súc sinh, nhưng sau này vì chữ ăn mạng nghe dễ sợ quá nên các cụ gọi trệch ra là ăn mặn cho nó nhẹ bớt.

Hàng ngàn năm, hàng vạn năm.

Bếp hồng thơm phức thịt hầm ai ơi!

Đau thương có thấu tới trời?

Hờn căm uất hận biết đời nào nguôi!

Tên bay, đạn bắn, bom rơi.

Bỗng nhiên ập xuống cuộc đời vì đâu?

Lắng nghe tiếng rú đêm thâu.

Lưỡi dao đồ tể lút đầu ngập chuôi!

HỎI Ở chợ bán đầy thịt cá, tôi không mua thì người khác cũng mua, đằng nào con vật cũng bị giết rồi, tôi đâu có bảo họ giết.

ĐÁP Đúng vậy. Bạn không bảo họ giết. ở chợ có sẵn bạn không mua thì người khác cũng mua. Ngặt vì bạn mua nên người khác muốn mua thì lại thiếu, cho nên người bán phải giết thêm. Đó là luật cung và cầu trong thương trường. Và người mua chính là lý do để người bán trở thành kẻ sát sanh.

HỎI Chị tôi nghe lời các thầy khuyên, nên đã ăn chay được vài tháng. Nhưng các cháu tôi phản đối quá, nói rằng: "Má cứ ăn thịt đi. Dù ăn thịt phải xuống địa ngục cũng đừng sợ. Để con xuống thay cho." Vậy tôi phải làm sao?

ĐÁP Trước nhất hãy nói về địa ngục. Đã ai trông thấy địa ngục rồi quay về kể lại chưa? Thế giới hiện tượng tương đối nầy được nhà Phật gói trọn trong một câu ở kinh Hoa Nghiêm: "Nhất thiết duy tâm tạo". Tất cả mọi sự đều chỉ do tâm tạo, không cố định. Tâm thì vô thường. Cho nên khi tâm chuyển thì thế giới chuyển, địa ngục cũng chuyển luôn. Đó là "nhất thiết duy tâm tạo". Thế giới hiện tượng được chi phối bởi luật nhân quả. Ai làm nấy chịu. Không ai vào địa ngục (nếu có) thay người khác được. Ngay ở thế gian, cha mẹ phạm tội, cha mẹ vào tù, ông Tòa cũng không cho con ở tù thay. Câu nói: "cứ làm đi, tội vạ đâu tôi chịu", là một câu nói cho bảnh thôi, ai cũng biết là không ai có thể chịu tội thay người khác được. Mẹ ăn nhiều chất độc (toxic), mai mốt ung thư phát ra, đau đớn la khóc thống thiết, con có hiếu đến đâu cũng đành trơ mắt nhìn, ung thư nó không vì thấy con có lòng hiếu thảo mà nhẩy qua để con chịu đau dùm đâu.

Không phải ăn chay sẽ lên Thiên đường, Niết Bàn hoặc ăn mặn thì xuống Địa ngục. Bởi vì trâu, bò, voi, ngựa cũng ăn chay mà đời vẫn cơ cực xiết bao! Tuy nhiên, ăn chay là giúp cho các sinh linh đáng thương thoát khỏi cuộc đời khốn khổ, sống tù tội, chết đau đớn, khỏi bị đầy đọa trong cái Địa ngục trần gian tạo nên bởi những người thích ăn thịt và những chủ trại chăn nuôi, chủ lò sát sinh tham tiền.

HỎI Trong những buổi lễ lớn của Đạo Phật, thường có màn âm nhạc rất ồn ào, huyên náo, mà người ta giải thích rằng đó là "chuông trống bát nhã" để cúng dường chư Phật và cung nghinh chư tôn đức giáo phẩm. Chữ "bát nhã" thì có vẻ đặc biệt Phật giáo quá rồi. Nhưng cái trống da to tướng kia thì rõ ràng phải được bọc bằng da trâu, da bò gì đó (vì còn thấy lỗ chân lông và cả lông nữa!). Đạo Phật cấm sát sinh. Tu sĩ không được dùng đồ làm bằng da loài vật hay tơ do con tầm nhả ra. Liệu Đức Phật có hoan hỷ khi được cúng dường bằng sự đánh đập tàn bạo lên da con vật đã chết đau đớn banh da xẻ thịt kia chăng? Hay là Ngài đang nhỏ lệ xót thương cho cả con vật lẫn người Phật tử hằng ngày đọc tụng kinh điển của Ngài mà không thọ trì?

ĐÁP Bát nhã là phiên âm từ chữ Sanscrit "Prajnà" có nghĩa là trí tuệ Bát nhã.

Người Trung Hoa xưa dùng tám loại nhạc cụ để hòa nhạc gọi là bát âm. Sau nầy, chúng ta vẫn còn nghe danh từ "phường bát âm" để chỉ ban nhạc dùng tám loại nhạc cụ cổ điển gồm: 1. tiếng dây đàn (Ty), 2. tiếng ống sáo tre (Trúc), 3. tiếng chuông đồng (Kim), 4. tiếng đá (Thạch), 5. tiếng sênh (Bào), 6. tiếng trống đất (Thổ), 7. tiếng trống da (Cách) và 8. tiếng mõ gỗ (Mộc). Người Trung Hoa xưa rất trọng nhạc. Có "lễ" là phải có "nhạc". Trong tất cả các buổi tế lễ, từ tế trời cho đến tế ông Thành hoàng làng, từ lễ Hội cho đến đồng bóng đa thần, tất cả đều có nhạc đi kèm. Nhạc còn được coi như là một trong năm kinh của nhà Nho (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh L, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu).

Nhạc có vai trò quan trọng vì âm thanh có sức mạnh chi phối tâm lý con người. Có loại nhạc nghe êm đềm, truyền cảm, thấm sâu vào lòng người, tâm hồn chơi vơi trong dòng suối kỷ niệm của dĩ vãng. Có loại nhạc nghe buồn dã dượi như tiếng oan hồn than khóc vì nước mất nhà tan. Có loại nhạc ồn ào kích động, khiến người nghe cảm thấy hăng hái, muốn lăng xăng hòa theo sự lôi cuốn của điệu nhạc. Tiếng trống ồn ào hợp với loại nầy. Từ cổ, loài người đã biết dùng tiếng trống để thúc quân ra trận, làm hiệu lệnh hành quyết tử tội tại các buổi lễ. Người lính ra biên cương theo tiếng trống: [19]

Tùng tùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.

(Cổ văn)

Người tử tội đầu rơi theo tiếng trống:

Ba hồi trống dục mồ cha kiếp!

Một nhát gươm đưa mả mẹ đời.

(Cao Bá Quát?)

Ngay cả đến những bộ lạc ăn lông ở lỗ cũng biết dùng trống để kích động tính hiếu chiến, bản năng sinh tồn của con người thô sơ.

Đạo Phật truyền đến địa phương nào thì dùng ngay phương tiện sẵn có của địa phương đó để quảng bá giáo lý, tránh gây mâu thuẫn, hài hòa hội nhập trong tinh thần tùy duyên mà bất biến, hình thức thay đổi theo hoàn cảnh nhưng nội dung từ bi bình đẳng thì giữ vững. Cho nên ở Trung Hoa, hình thức tế lễ của đạo Phật nương theo đa thần giáo, ồn ào, nhiều mầu sắc. Ở Tây Tạng thì hình thức lại ảnh hưởng Lạt Ma giáo. Hiện nay ở Tây phương, thí dụ hệ thống thiền Tào Động do Sư Bà Kennett ở núi Shasta hướng dẫn thì lại hành lễ với nhạc cụ Tây phương, dòng nhạc nghe phảng phất như nhạc lễ nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhưng nội dung thì vẫn bất biến, Sư bà dịch kinh Phật ra tiếng Anh để phổ nhạc, và tất cả hơn sáu chục tu sĩ tại tu viện đều giữ giới cấm sát sinh và ăn chay rất kỹ, lại còn làm nghĩa địa cho loài vật, có mộ chí và tượng ngài Quán Thế Âm hộ trì để nói lên tinh thần từ bi bình đẳng của nhà Phật.

Nhạc cụ chủ yếu của nhà Phật là chuông và mõ. Tiếng chuông cảnh tỉnh vẳng lên trong đêm khuya, buổi sáng sớm, lúc chiều về, đã là đề tài của biết bao bài thơ nổi tiếng. Âm thanh trong trẻo, ngân nga rót xuống, lắng sâu vào tận đáy lòng, dường như xóa tan được phiền não, tham sân si vướng mắc của kiếp người. Tuy nhiên, nếu tiếng chuông được đi kèm với tiếng trống, thì những tác dụng này hầu như biến mất. Tiếng mõ thì có tác dụng điều hòa đại chúng khi tụng kinh. Mõ tạc theo hình con cá mở to đôi mắt để nhắc nhở người Phật tử nên tỉnh thức, đừng mê mờ trôi theo dục vọng trong dòng đời.

Như thế thì rõ ràng cái gọi là "chuông trống bát nhã" đánh đập tàn bạo vào da trâu, da bò, khó có thể gán ghép một cách gượng ép vào với tinh thần trí tuệ bát nhã của nhà Phật. Trí tuệ bát nhã cần sự tĩnh lặng, quán chiếu thâm sâu vào nội tâm chứ không phải là sự ầm ỹ, ồn ào. Và cũng do đó, việc đánh trống bọc da trâu, da bò là đi ngược lại tinh thần từ bi bình đẳng và bất bạo động của Phật Giáo, và lẽ dĩ nhiên không phù hợp với chính sách ăn chay của nhà Phật.

HỎI Người ta nói: "Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối." Ông nghĩ sao?

ĐÁP Thật ra đây chỉ là một câu nói mỉa mai của một số người ăn mặn đối với những người ăn chay mà lại hay nói dối. Xét ra thì câu so sánh nầy có hai vế không cân xứng. Ăn mặn và nói dối là hai vấn đề hoàn toàn không liên hệ với nhau. Nếu so sánh ăn mặn với ăn chay, nói dối với nói ngay thì câu trả lời đã minh bạch quá rồi. Cũng như nếu nói rằng: "Lường gạt để lấy tiền bố thí còn hơn ngay thẳng mà keo kiệt." thì rõ ràng là sẽ có hai vấn đề nhân quả báo ứng, không thể lấy chuyện nầy bù truyện kia được. Lường gạt sẽ bị quả báo xấu về tội lường gạt, bố thí sẽ được quả báo tốt về phước đức bố thí. Ngoài đời cũng vậy. Không thể nói với ông Tòa rằng đi lường gạt để tặng người khác thì khỏi bị tội.

Tốt hơn hết, đừng ăn mặn và đừng nói dối và nên ăn chay và nói ngay, như thế là đã giữ hai giới trong năm giới rồi đấy, sẽ thoát mắc nợ máu chúng sinh, sẽ thênh thang bước nhẹ trên con đường nhân quả, bà ạ.

Tuy nhiên, nếu một người ăn mặn nói ngay còn người kia ăn chay nói dối mà không thể làm được cả hai điều là ăn chay và không nói dối thì nên chọn đường lối nào? Có nhiều người cho rằng ăn chay dễ hơn là giữ giới không nói dối và ăn chay quan trọng hơn là nói dối vì giết hại chúng sinh là ác nhất, nó tác động mạnh mẽ đến nhiều đời nhiều kiếp qua quá trình nhân quả. Ăn chay còn có lợi là nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi trong đời sống hiện tại và huân tập phước báu cho mai sau. Theo các nhà khoa học xã hội, thì đa phần những kẻ sát nhân đều có nguồn gốc là những đứa trẻ không có lòng nhân từ, thường thích hành hạ và chém giết súc vật. Còn nói dối, lẽ dĩ nhiên, cũng vẫn bị chi phối bởi luật nhân quả, nhưng cũng tùy câu nói dối mà sẽ gặp quả báo nặng nhẹ khác nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 7151)
Mở đầu phẩm Phương Tiện, Đức Phật tâm sự với đại chúng rằng Ngài rất băn khoăn sau khi thành đạo, không biết có nên đem Phật pháp ra giảng cho chúng sanh cõi Ta Bà này không.
10/04/2013(Xem: 7861)
Nói ngược trở lại thì tâm tức là tánh và thấy tánh là thành Phật , và con đường ( đạo) đi đến thấy tánh là Thiền (‘tánh’, nói cho đầy đủ là ‘tánh giác’).
10/04/2013(Xem: 8266)
Hôm nay chúng tôi học Kinh Pháp Bảo Đàn . Đáng lẽ phải gọi là ‘Ngữ Lục của Tổ Huệ Năng’ vì đây là lời Tổ nói, được ghi chép lại, không phải là Kinh (lời dạy của Phật) nhưng đệ tử của Ngài là thiền sư Pháp Hải trụ trì chùa Bảo Lâm đã y theo lời dạy của ngài mà đặt tên.
10/04/2013(Xem: 6707)
Đây là cuốn Kinh mà Anh Chị em chúng tôi ai nấy cũng đều đã hơn một lần đọc qua nhưng di sâu vào thì ai cũng ‘ngán’ cả ! Vì vậy Kinh Văn mọi người đều có
10/04/2013(Xem: 7016)
Sau khi được giới thiệu ‘bề ngoài ‘ của căn nhà Duy Thức, chúng tôi tiến sâu thêm một chút vào bên trong ; bắt đầu bằng bài kệ.
10/04/2013(Xem: 7608)
Như đã học trong bài đầu tiên về Duy Thức, ACE chúng tôi nhắc nhau nhớ là : ‘tu tâm’ là tu 2 ‘anh chàng ‘ này , 1 anh Ý thức thì ‘mơ tưởng bao la vũ trụ’ một anh Mạt na thì chấp ngã quá chừng.
10/04/2013(Xem: 8015)
Nếu Duy Thức đối với ACE chúng tôi đã là một ‘khu rừng’ thì Hoa Nghiêm lại hơn thế nữa: đó là một khu rừng có trang bị ‘bát quái trận đồ.
10/04/2013(Xem: 7734)
Hôm nay ACE chúng tôi mới được thực sự đi vào giáo lý Hoa Nghiêm. Trước hết, chúng ta phải lược sơ qua ‘lịch sử thuyết giảng kinh Hoa nghiêm.
10/04/2013(Xem: 7468)
Theo chương trình học Kinh của Chúng, hôm nay ACE chúng tôi tiếp tục học Hoa Nghiêm , đi vào phẩm thứ 39 : Nhập Pháp Giới.
10/04/2013(Xem: 7145)
Tổ chức GĐPT nói chung, và ACE Huynh trưởng nói riêng, gồm đủ mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, thành thị hay thôn quê, học ‘cao’ hay học ‘thấp’ cho nên khi nói đến ‘Toán học’ hay ‘ khoa học hiện đại’ có nghĩa là Toán học và khoa học cấp phổ thông.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]