Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Tiếp xúc với cái đẹp

24/03/201103:34(Xem: 11021)
2. Tiếp xúc với cái đẹp

SỐNG VỚI TÂM TỪ
Sharon Salzberg, Nguyễn Duy Nhiên dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Tiếp xúc với cái đẹp

Một nụ
biểu tượng cho tất cả
ngay cả những gì không bao giờ nở hoa,
và những gì sẽ nở hoa, từ bên trong, vì biết tự hạnh phúc;
dù vậy đôi khi cũng cần thiết
dạy cho một vật biết về cái đẹp của chính nó,
đặt bàn tay lên một đóa hoa,
nói cho nó biết qua ngôn ngữ và sự xúc chạm,
rằng nó rất đẹp
cho đến khi nó lại nở rộ từ bên trong,
vì biết tự hạnh phúc
. . . . .
- Galway Kinnel

“Dạy cho một vật biết về cái đẹp của chính nó”, đó là tự tánh của metta, tức tâm từ. Với tình thương, mọi người và mọi vật đều có thể nở hoa từ trong tâm. Khi chúng ta khám phá được cái đẹp của mình và của người khác, hạnh phúc sẽ phát sinh một cách tự nhiên và mầu nhiệm.

Tâm từ là một trong những cõi thiên trú, brahma-vihara, bốn trú xứ của hạnh phúc. Ba trú xứ hạnh phúc còn lại là bi, hỷ và xả, được phát sinh từ metta, và cũng nhờ metta nuôi dưỡng và khai mở.

Trong văn hóa Tây phương, khi nói về tình yêu thường luôn mang một hàm ý về dục tình hoặc luyến ái. Nhưng điều quan trọng ở đây là ta cần phải thấy rõ sự khác biệt giữa tâm từ và hai trạng thái ấy. Dục tình là một thứ tình thương vẫn còn bị dính mắc vào sự ham muốn và chiếm hữu. Nó muốn sự việc phải xảy ra theo một đường lối đặc biệt nào đó, theo kỳ vọng riêng của nó. Đó là một loại tình thương có điều kiện, và cuối cùng chỉ đưa ta đến khổ đau: “Tôi chỉ thương ai khi người đó làm như thế này, thế này... hay là người ấy cũng phải biết thương tôi, ít nhất cũng bằng như tôi thương họ.” Trong tiếng Anh chữ passion (ham muốn) có cùng gốc Latinh với chữ suffering (đau khổ). Thật vậy, ham muốn và kỳ vọng là những chất liệu của khổ đau.

Ngược lại, tinh thần của tâm từ là vô điều kiện, nó rộng mở và không ngăn ngại. Cũng giống như ta đổ nước từ một bình này sang một bình khác, tâm từ trôi chảy thong dong, tự tại. Nó thay đổi tùy theo hình dạng của vật chứa mà vẫn giữ y nguyên tự tính. Một người bạn có thể làm ta thất vọng, có thể không đúng như kỳ vọng của ta, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng người ấy không còn là bạn của ta nữa. Chúng ta có thể thất vọng với chính mình vì đã không thành đạt đúng như kỳ vọng, nhưng ta đâu thể nào vì thế mà từ chối chính mình!

Còn sự luyến ái, nó trá hình dưới dạng của tình thương, nhưng thật ra lại là một đồng minh thân cận của si mê. Luyến ái là một thứ tình thương có điều kiện và giới hạn, nó chỉ chấp nhận được những kinh nghiệm dễ chịu mà thôi. Cũng giống như khi ta nhìn sự vật qua ống kính của một máy thu hình bị dính chút dầu, tính luyến ái khiến đối tượng ta thấy trở nên có vẻ rất “mềm dịu”. Chúng ta không thể thấy được những đường nét gồ ghề, những điểm xấu hoặc khuyết điểm của chúng. Cái gì ta nhìn cũng thấy đẹp. Vì sự luyến ái không chịu được khổ đau nên nó loại bỏ tất cả những gì làm nó khó chịu.

Khi ta muốn sự vật phải theo ý mình và không chấp nhận sự thật, cái nhìn của ta sẽ trở nên rất hẹp hòi và giới hạn. Sự phủ nhận ấy cũng giống như một thứ thuốc phiện, sẽ làm mê mờ và cướp mất những gì quan trọng nhất trong sự sống của ta.

Chính nỗi sợ khổ đau của ta đã khơi dậy và duy trì một sự ngăn cách. Cũng vì muốn trốn tránh khổ đau mà ta sẵn sàng đóng kín mình lại, mặc dù sự chia cách ấy khiến ta không còn dám sống, không còn biết xúc cảm nữa.

Đôi khi, chúng ta sẵn sàng hy sinh sự thật để che chở và bảo vệ nhận thức sai lầm của mình. Mỗi khi chúng bị đe dọa, ta lập tức phản ứng bằng cách chối bỏ những cảm xúc của mình. Vô tình, ta đánh mất đi luôn nhân vị của mình. Ta không còn là ta nữa. Ta không còn dám sống cuộc đời mình, và cảm thấy hoàn toàn tách biệt với những người chung quanh. Một khi đã đánh mất đi cuộc sống nội tâm rồi, ta phải nương nhờ vào ngoại cảnh để nhận biết mình là ai, có những ước mơ gì, và trân quý những gì. Mà ngoại cảnh thì luôn thay đổi. Than ôi, nỗi khổ đau mà ta hằng muốn trốn tránh, cuối cùng lại trở thành một người bạn đồng hành muôn đời của ta.

Trong buổi ban đầu, đức Phật đã chỉ dạy pháp môn niệm tâm từ như là một phương thuốc để đối trị sự sợ hãi, một phương cách để thắng vượt nỗi sợ mỗi khi nó khởi lên. Trong kinh sách kể lại rằng, có lần đức Phật bảo một số thầy vào ngồi thiền trong một khu rừng nổi tiếng là có nhiều quỷ thần đang sống trên những ngọn cây. Các quỷ thần trong rừng vì không thích sự có mặt của các thầy, nên muốn đuổi họ đi bằng cách hóa hiện ra thành những hình tướng hung dữ, những mùi hôi thối, và những âm thanh khóc la rất ghê rợn. Các thầy chịu không nổi những cảnh tượng ấy, hoảng sợ, bỏ chạy về gặp đức Phật và cầu xin ngài hãy cho họ đi tìm một khu rừng khác để hành thiền. Nhưng đức Phật bảo: “Ta muốn các thầy hãy trở lại khu rừng ấy để thực tập thiền định, nhưng lần này ta sẽ dạy cho các thầy một phương pháp để có thể tự bảo vệ mình.” Và đó là lần đầu tiên đức Phật chỉ dạy pháp môn niệm tâm từ. Nhưng đức Phật không phải chỉ khuyên các thầy nên đọc suông những lời quán về tâm từ, mà còn phải thật sự thực hành chúng nữa. Các thầy nghe lời Phật dạy, trở lại khu rừng và thực tập niệm tâm từ. Những quỷ thần trên cây được chuyển hóa bởi năng lượng thương yêu tràn ngập trong khu rừng, cuối cùng đã trở thành những người hết lòng bảo vệ cho các thầy được an ổn tu tập.

Câu chuyện nói lên một điều là: tâm thức đang bị sự sợ hãi chế ngự vẫn có thể được chuyển hóa bởi tình thương. Hơn thế nữa, một tâm thấm nhuần đức từ thì không thể bị sự sợ hãi áp đảo, cho dù nó có khởi lên chăng nữa vẫn không thể lấn áp được ta.

Khi chúng ta thực tập niệm tâm từ là ta đang mở rộng ra với những kinh nghiệm thật của mình, ta biết đổi mới mối tương quan đối với cuộc sống. Tâm từ - một tình thương không bị giới hạn bởi dục vọng, không bắt sự vật phải khác hơn như chúng đang hiện hữu - có thể vượt thắng cái ảo tưởng cách biệt và bất toàn của ta. Vì vậy, tâm từ có thể giúp ta chuyển hóa được mọi trạng thái của ý niệm cách biệt sai lầm ấy, như là sợ hãi, xa lạ, cô đơn và tuyệt vọng. Và khi ta ý thức được rõ ràng về tính cách nối liền của tất cả, điều đó sẽ mang lại cho ta một sự toàn vẹn, tự tin và an lạc.

Trong Phạn ngữ, chữ citta có nghĩa là tâm, mang nghĩa bao gồm cả con tim và lý trí. Citta không chỉ nói đến những tư tưởng và cảm thọ xuất phát từ bộ óc, mà bao gồm luôn cả một phạm trù rộng lớn của tâm thức, vô giới hạn và không bị ngăn ngại. Khi chúng ta tiếp xúc được với kinh nghiệm của tâm, ta sẽ thật sự hiểu được mình là ai, và biết được những gì cần phải làm. Với năng lực của tình thương, mọi biên giới giả tạo giữa ta và người khác sẽ tự động tan rã thành tro bụi khi ta chạm vào chúng.

Chính ước mơ đi tìm hạnh phúc và muốn được hòa đồng với tất cả đã nối liền tất cả chúng ta lại với nhau. Chúng ta ai cũng muốn được cảm thấy mình rộng lớn và to tát hơn “cái tôi” nhỏ bé này. Và trong chúng ta ai cũng ước mong được trở thành hòa nhập với tất cả mọi sự sống, của ta và người khác.

Khi nhìn sâu vào gốc rễ của những tình cảnh khổ đau nhất trên cuộc đời, của những bạo động nhất trên thế giới, ta vẫn tìm thấy được một ước mong này: muốn được hạnh phúc, được hòa đồng với tất cả. Cho dù có trá hình dưới một dạng ghê gớm hoặc méo mó đến đâu đi chăng nữa, ước muốn ấy bao giờ cũng có mặt. Ta có thể bước đến gần với nó. Ta có thể tiếp xúc với những năng lực khó khăn trong ta, cũng như những khổ đau trong cuộc sống. Ta có thể phá vỡ được những ý niệm sai lầm đã từng ngăn chia ta. Ta làm được những việc ấy nhờ vào sức mạnh của tình thương. Tâm từ là một nguồn năng lượng có khả năng chữa lành hết những thương tích trong ta và trên thế giới. Nó là nền tảng của tự do.

Tâm từ còn có thể giúp ta mở rộng vòng tay ôm trọn tất cả, không phân biệt. Thực hành niệm tâm từ sẽ khiến ta được trở nên nguyên vẹn hơn, vì ta không cần phải chối bỏ bất cứ phần nào của mình. Bằng năng lượng có tác dụng chữa trị của tình thương, ta có thể chấp nhận tất cả. Tâm ta sẽ mở rộng ra để ôm trọn cuộc sống này trong chánh niệm, cho dù đó là khổ đau hay hạnh phúc. Đối diện với khổ đau, ta vẫn không cảm thấy bị chao động hoặc khuất phục. Tâm từ sẽ bảo vệ và giữ cho ta được toàn vẹn. Cho dù hoàn cảnh chung quanh có bi đát đến đâu, ta vẫn không cần phải sợ hãi bất cứ một việc gì, vì an lạc và vững chãi là tự tánh của ta. Cho dù cuộc đời có thăng trầm biến đổi, hạnh phúc ấy vẫn không bao giờ bị suy suyển.

Trên con đường tu tập tâm từ, chúng ta hãy ghi nhớ lời này của đức Phật: Tâm ta tự nó lúc nào cũng tỏa chiếu và trong sáng, chúng ta khổ đau là do những phiền não đến từ bên ngoài mà thôi. Đó là một chân lý rất nhiệm mầu.

Phiền não được dịch từ chữ Pali kilesa, có nghĩa là những “ô nhiễm của tâm”. Chúng ta có thể kinh nghiệm được điều ấy mỗi khi có một trạng thái bất thiện nào đó khởi lên mạnh mẽ, và tâm ta bị ô nhiễm. Đó là những trạng thái như giận hờn, sợ hãi, tội lỗi và tham lam. Khi chúng đến gõ cửa, ta mời chúng vào, và rồi tâm ta bị ô nhiễm. Từ đó, ta không còn thấy được bản chất thanh tịnh của mình nữa, và ta khổ đau.

Nhờ công phu thiền tập, ta sẽ không còn bị kẹt và chấp vào những năng lực này là mình. Ta ý thức được rằng những phiền não, hay những ô nhiễm ấy, thật ra chỉ là những người khách qua đường mà thôi. Chúng là những hiện tượng tình cờ, ngẫu nhiên, chứ không phải là chân tánh của ta, không hề phản ảnh con người thật của ta. Trong cuộc sống, những phiền não ấy chắc chắn sẽ khởi lên không thể tránh được, tùy theo con người ta đã bị điều kiện như thế nào. Nhưng ta cũng đừng vì vậy mà trở nên khắt khe hoặc trách cứ mình. Điều quan trọng là ta nên nhận diện cái tướng hư dối của chúng, luôn nhớ đến tự tánh hạnh phúc và tĩnh lặng của mình.

Nếu hiểu được tâm từ, chúng ta cũng sẽ hiểu được tự tánh tỏa sáng và thanh tịnh của bản tâm mình. Cũng giống như tâm ta, tâm từ không hề bị ảnh hưởng bởi những gì nó tiếp xúc. Chúng ta có thể dùng tình thương để đối trị với những sân hận nổi lên, trong ta hoặc người khác, mà tình thương ấy vẫn không hề bị suy giảm chút nào. Tâm từ tự nó duy trì và bảo vệ chính nó. Một tâm thương yêu có thể tiếp xúc với an lạc và hạnh phúc trong giây phút này, và rồi khổ đau, muộn phiền trong giây phút kế, nhưng vẫn không bị lay động trước những sự đổi thay. Tâm từ cũng giống như một bầu trời với những đám mây đủ loại kéo ngang qua - có những áng mây nhẹ trắng như bông, và có những cụm mây đen nghịt, đe dọa. Nhưng bầu trời vẫn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những đám mây kia. Nó vẫn cứ bao la và tự tại.

Đức Phật dạy, những năng lực phiền não có thể tạm thời chế ngự những năng lực lành mạnh, như là từ bi và trí tuệ, nhưng sẽ không bao giờ tiêu diệt được chúng. Những năng lực bất thiện không bao giờ có thể bứng nhổ được những năng lực thiện, nhưng ngược lại, những năng lực thiện sẽ có khả năng nhổ được tận gốc rễ những năng lực bất thiện. Tình thương có thể nhổ tận gốc sự sợ hãi, hờn giận hoặc mặc cảm, vì nó là một năng lực to tát hơn.

Tình thương có thể hiện diện ở bất cứ một nơi nào và không gì có thể làm ngăn trở nó được. Trong một quyển sách ghi lại những cuộc đối thoại với Nisargadatta Maharaj có tựa là I am That (Ta là như thế), có một đoạn ghi lại cuộc trao đổi giữa Nisargadatta và một người đàn ông than phiền về mẹ mình. Người ấy than với Nisargadatta rằng mẹ ông không phải là một người mẹ hiền và cũng không phải là một người tốt. Nisargadatta khuyên ông ta nên thương mẹ mình. Ông đáp: “Nhưng mẹ tôi không cho phép tôi.” Nisargadatta trả lời: “Nhưng bà cũng không thể cấm ông được!”

Thật vậy, không có một điều kiện ngoại cảnh nào có thể ngăn chặn được tình thương của ta. Không có ai cũng như không điều gì có thể cấm cản nó được. Tình thương không bắt buộc hoàn cảnh phải như thế nào đó ta mới có thể thương. Tâm từ cũng giống như tự tánh của ta, nó không bị điều kiện hoặc lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Khi ta tiếp xúc với tự tánh của mình, ta cũng tiếp xúc được với bản chất của tâm từ, điều đó sẽ hoàn toàn chuyển đổi cái nhìn của ta. Lúc đầu, ta như một người ngồi trên bờ nhìn những ngọn sóng nhấp nhô, xô đẩy nhau trên mặt biển. Một thời gian sau, khi công phu thiền tập được sâu sắc hơn, ta sẽ thấy mình như đang ngồi ở dưới đáy nước, trong sự tĩnh lặng của đáy sâu, nhìn những ngọn sóng nhảy múa bên trên. Và cuối cùng, ta sẽ ý thức rằng, thật ra, ta chính là nước. Ta không cách biệt hoặc khác gì những ngọn sóng bên trên. Tâm từ cũng thế, nó như một đại dương mênh mông bao trùm và ôm trọn tất cả.

Trong tiếng Pali, metta, tâm từ, có hai nghĩa gốc. Nghĩa thứ nhất là “êm dịu”. Tâm từ cũng được ví như một cơn mưa hiền hòa rơi xuống mặt đất. Cơn mưa không lựa chọn, không phân biệt - “Ta sẽ mưa nơi này và tránh chỗ kia!” Mưa rơi đều xuống cho tất cả, ban bố khắp mọi nơi, mọi chốn.

Nghĩa gốc thứ hai của metta là “bạn lành”. Muốn hiểu được năng lực của tâm từ, ta cần hiểu sâu thêm về ý nghĩa của tình bạn chân thật. Đức Phật gọi những người bạn lành này là những bậc thiện hữu tri thức. Họ là những người luôn ở bên cạnh ta trong những hoàn cảnh vui, cũng như khi ta gặp hoạn nạn, khổ đau. Một người bạn lành sẽ không bao giờ bỏ rơi ta khi ta gặp khốn khó, hay mừng vui trước những bất hạnh của ta. Đức Phật diễn tả bậc thiện hữu tri thức là người bảo bọc ta những khi ta bất lực, và che chở ta trong những lúc ta sợ hãi.

Có lần, có người kể cho đức Đạt-lai Lạt-ma nghe về những nỗi sợ hãi mà họ kinh nghiệm trong khi ngồi thiền. Ngài khuyên: “Khi anh sợ hãi, anh chỉ cần nằm tựa đầu lên đùi của đức Phật.” Hình ảnh đùi của đức Phật biểu tượng cho một sự nương tựa an toàn vào một tình bạn chân thật. Trạng thái cao thượng nhất của tâm từ là được trở thành một người bạn lành như vậy với chính ta, và với mọi sự sống khác.

Phương pháp quán tâm từ, dùng năng lực của tình thương để chuyển hóa những phiền não, được bắt đầu bằng sự kết thân với chính mình. Nền tảng của pháp môn thiền tập quán tâm từ là học cách làm bạn với chính ta. Đức Phật dạy: “Quý vị có thể đi khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới này để thử tìm một người nào xứng đáng với tình thương và sự yêu mến của mình hơn chính bản thân, và rồi quý vị sẽ không thể tìm được. Vì chính quý vị, cũng xứng đáng như bất cứ một chúng sinh nào khác trong toàn vũ trụ này, để nhận lãnh tình thương và sự yêu mến ấy của quý vị.” Mà ít ai trong chúng ta lại có khả năng thương mình được như vậy! Với sự thực tập niệm tâm từ, ta sẽ tìm lại được khả năng tự trọng ấy. Ta sẽ khám phá rằng, như Walt Whitman đã viết: “Tôi rộng lớn và tốt đẹp hơn mình tưởng.”

Khi ta trực tiếp thấy được sự trong sáng của tâm, ta sẽ tự nhiên hiểu được cái đẹp của chính mình. Trong nhà thiền gọi đó là bản lai diện mục, tức mặt mũi của ta trước khi sinh ra, trước khi nó bị trở thành một “cái tôi” giới hạn, nhỏ nhoi và cách biệt. Tiếp xúc được với khả năng thương yêu ấy, ta sẽ tìm lại được sự trong sáng nguyên thủy, nó bao giờ cũng hiện hữu trong ta, chưa từng sanh và cũng chưa từng diệt.

Niềm tin vào khả năng biết thương yêu của con người giúp ta nuôi dưỡng tâm từ. Tiềm năng ấy rất thực và không thể bị tiêu hoại, cho dù ta có trải qua bất cứ kinh nghiệm nào đi chăng nữa: dẫu ta có lỗi lầm gì, có những thói quen, tật xấu nào, đã gây đau đớn cho người khác hoặc làm khổ chính mình, khả năng thương yêu của ta vẫn nguyên vẹn và trong sáng. Khi ta thực tập niệm tâm từ trong lúc ngồi thiền và trong cuộc sống hằng ngày, là ta đang nuôi dưỡng tiềm năng ấy. Tình thương nắm tay với tác ý của ta, như những người bạn thân, sẽ chữa lành tất cả những vết thương trong ta và cho cả thế giới.

Một đồng minh thân cận nhất của ta trên con đường tu tập tâm từ là ước muốn được hạnh phúc. Ước muốn ấy cũng là một sự thôi thúc tìm về chân tâm, khi ta ý thức rõ những gì thật sự đem lại hạnh phúc. Cũng có đôi khi ta cảm thấy mình không xứng đáng được nhận lãnh hạnh phúc ấy, ta có một mặc cảm tự ti về ước muốn của mình. Dù vậy, chính ước mong ấy là một trong những điều kiện tốt đẹp nhất có mặt trong ta. Nó giúp ta mở tung cánh cửa giải thoát, và cho ta cơ hội để chuyển hóa đời mình.

Vào thời đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có những trường phái triết học tin rằng nếu ta tự hành hạ thân thể, chối bỏ thân mình đúng mức, linh hồn của ta sẽ được khai phóng và giải thoát. Ngày nay, trong chúng ta không còn mấy ai tin rằng tự hành hạ thân xác lại có thể giải thoát được linh hồn. Nhưng hình như chúng ta lại tin theo một trường phái khác, cũng gần giống như vậy. Chúng ta tin rằng, nếu ta tự hành hạ tâm mình đúng mức, bằng sự tự ghét bỏ, tự ti, tự phê phán, thì điều đó sẽ giúp ta đi đến giải thoát!

Thật ra, muốn có được một sự giải thoát thật sự, ta cần phải bỏ đi thái độ “khổ hạnh tâm linh” này. Con đường tu tập dựa trên một mặc cảm tự ti, tự nó sẽ không bao giờ có thể đứng vững. Một tấm lòng rộng mở đối với người khác nhưng khắt khe với chính mình sẽ đem lại cho ta một thái độ hy sinh mù quáng. Tình thương đối với người khác nhưng không đặt trên nền tảng thương yêu chính mình sẽ trở thành lệ thuộc, tuyệt vọng và khổ đau. Bạn nên nhớ rằng, ta chỉ có thể giúp người khác tìm lại được chân tánh của họ khi nào ta tiếp xúc được với chân tánh của chính mình mà thôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta là những tấm gương soi của nhau. Chúng ta nhìn vào người khác để xem mình có dễ thương hay không, để xem ta có khả năng cảm nhận tình thương hay không, để tìm một phản ảnh trong sáng của chính ta. Giúp người khác ý thức được cái hay đẹp của chính họ là một món quà quý giá nhất mà ta có thể trao tặng cho bất cứ ai! Khi ta thấy được cái hay đẹp của người khác là ta đang giúp họ “nở rộ từ bên trong, vì biết tự hạnh phúc”.

Nhưng thấy được cái hay cái đẹp của người khác không có nghĩa là ta giản dị bỏ qua hết những cá tính khó khăn hoặc những hành động bất thiện của họ. Thật ra, chúng ta vẫn thừa nhận sự có mặt của những yếu tố tiêu cực ấy, nhưng vẫn chọn nhìn đến những điều tích cực trong họ. Nếu ta chỉ biết chú tâm vào những điều bất thiện mà thôi, tự nhiên ta sẽ cảm thấy tức giận, bất mãn và thất vọng. Khi ta chú tâm vào những điều tích cực, ta có thể bắt cầu cảm thông, nối liền được với người ấy, và từ đó ta có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau như những người bạn. Khi hai người bạn cùng ngồi xuống, họ có thể ngồi gần bên nhau.

Sự phản ảnh như một tấm gương là đặc tính lớn nhất của tâm từ, vì nó giúp ta “dạy lại cho một vật nào biết về cái đẹp của chính nó”. Năng lực của tâm từ khiến ta có thể nhìn người khác và thấy được ước mong hạnh phúc của họ, thấy được sự đồng nhất của ta với họ. Và nó cũng phản ảnh cho chúng ta thấy được muôn vàn tiềm năng đang có mặt trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc sống.

Có lần, tôi được nghe một anh thanh niên kể lại tuổi thơ của anh lớn lên tại Kampuchia. Anh và tất cả những đứa trẻ khác trong làng phải sống mấy năm trời trong một trại giam, bao vây bởi những hàng rào kẽm gai. Mỗi ngày bốn lần, có một số người bị bắt đem ra bên ngoài vòng rào xử tử. Những đứa trẻ như anh bị bắt ra đứng sắp hàng để chứng kiến cảnh tượng ấy. Và theo luật, nếu đứa nào khóc, nó cũng sẽ bị giết theo. Anh ta kể, mỗi lần có người bị đem ra xử tử là anh trở nên vô cùng khiếp đảm, vì trong số đó có thể có người là hàng xóm, bạn bè hay thân thuộc của anh. Anh biết nếu việc ấy xảy ra, thế nào anh cũng sẽ không dằn được mà khóc lên, và anh sẽ bị giết. Anh ta phải sống với nỗi sợ hãi ấy trong suốt mấy năm trời. Anh chia sẻ rằng, trong hoàn cảnh ấy, muốn sinh tồn anh chỉ còn có mỗi một cách là hoàn toàn tự cắt đứt hết với những cảm xúc của mình, không cho phép mình còn lại một nhân phẩm nào nữa.

Sau nhiều năm, tình hình chánh trị tại Kampuchia được thay đổi, và cậu bé ấy được một gia đình Hoa Kỳ nhận làm con nuôi. Và rồi anh ý thức rằng, muốn thật sự sống, anh phải tập thương yêu trở lại, đập xuống bức tường mà anh đã bắt buộc phải tự xây lên để bảo vệ mình trong mấy năm qua. Anh kể, anh đã học thương yêu lại bằng cách nhìn vào đôi mắt của người cha nuôi, thấy được tình thương của ông đang dành sẵn cho mình. Trong tấm gương phản ảnh tình thương của người cha nuôi, cậu bé chợt thấy rằng mình cũng đáng yêu như mọi người khác, và từ đó cậu ta đã có thể mở rộng tấm lòng ra được.

Tâm từ sẽ nối liền tất cả mọi người lại với nhau. Trong tâm lý học Phật giáo, tính chất này được ví như là yếu tố nước, vì nước có tính chất lưu nhuận, dính liền lại với nhau. Khi một người đang giận dữ thì con tim họ bị khô cằn. Nó sẽ trở thành tươi mát khi người ấy biết thương yêu. Trong thiên nhiên, nếu ta đem hai vật khô khan lại gần nhau, chúng không thể nào kết hợp được vì không có một phương tiện xúc tác nào hết. Nhưng khi ta cho nước vào thì hai vật thể này có thể kết hợp, dính lại với nhau được. Cũng thế, năng lực của tâm từ cho phép chúng ta đến với nhau, kết hợp với nhau, ngay trong ta cũng như với mọi người chung quanh. Sự thật nhiệm mầu này khiến đức Phật đã nói, nếu ta giữ được đức từ trong tâm, cho dù chỉ trong vòng một sát-na thôi, ta cũng đã là một bậc giác ngộ rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2021(Xem: 6785)
Nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm nay, trong tâm tình hộ trì Tam Bảo, chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường đến chư Tôn đức Tăng già, các bậc xuất sỹ tu hành nơi xứ Phật, đặc biệt là chư Tăng thường trú tại khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Thế Tôn thành Đạo.. Xin tường trình cùng chư vị một số hình ảnh của buổi cúng dường chư Tăng các truyền thống Đạo Phật (International Maha Sangha), chư Tăng Tibet, India, Lào, Miến, Thái, Bangladesh, Việt Nam.. tai Bồ Đề Đạo Tràng. (Với tổng số 500 vị, mỗi vị thọ nhận 1 phong bì với tịnh tài 1000Rupees- tương đương 14usd và cúng dường thọ trai)
21/01/2021(Xem: 4772)
Trường phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng tổ chức Pháp hội Nyingma Monlam Chenmo lần thứ 32 tại Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi Temple), thành phố Bodh Gaya, tiểu bang Bihar, nơi mà ngày xưa, cách đây 2550 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giác ngộ chân lý tối thượng dưới gốc cây Bồ-đề sau 6 năm khổ hạnh tinh chuyên. Sự kiện bắt đầu khai mạc vào ngày 14 tháng Giêng và sẽ kết thúc vào ngày 23 tháng Giêng năm 2021. Tuân theo nguyên tắc và hạn chế tập trung đông người do đại dịch Covid-19, sự kiện diễn ra chỉ có khoảng 100 vị Tăng sĩ Phật giáo tham dự.
21/01/2021(Xem: 4439)
Cư sĩ Matthew Kapstein, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1949, Giáo sư thỉnh giảng, nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, học giả triết học Phật giáo Đại học Chicago, chuyên về lịch sử triết học Ấn Độ, Tây Tạng, và lịch sử văn hóa Phật giáo Tây Tạng, nghiên cứu những ảnh hưởng văn hóa trong việc Trung cộng cưỡng chiếm Tây Tạng. Ông là Giáo sư thỉnh giảng về Nghiên cứu Phật học tại Trường Đại học Thần học Chicago, Hoa Kỳ và Giám đốc Nghiên cứu Tây Tạng tại École pratique des hautes études ở Paris, Pháp.
20/01/2021(Xem: 4968)
Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca (theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch). Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự thành đạo. Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.
20/01/2021(Xem: 5716)
Khi chúng ta phát triển một ý tưởng thô về ý nghĩa gì là sự lệ thuộc trên tư tưởng, chúng ta nên tự hỏi mình rằng mọi người và mọi vật có thường xuất hiện đến chúng ta trong cách này hay không. Khi chúng ta bị tác động bởi những tư tưởng trong một trình độ vi tế, thật khó để xác định chúng ta nắm bắt chúng như thế nào. Do thế, hãy xem xét một thời điểm khi mà chúng ta cảm thấy thù hận và khao khát mạnh mẽ. Một con người và sự kiện thù hận và khao khát dường như cực kỳ cụ thể, ngay cả hoàn toàn không thay đổi, có phải thế không? Khi chúng ta nhìn một cách sát sao, chúng ta sẽ thấy rằng không có cách nào để thừa nhận là chúng ta đã thấy những hiện tượng như lệ thuộc trên tư tưởng rồi. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng dường như tồn tại trong những điều kiện của chính chúng.
19/01/2021(Xem: 4238)
Những món quà Phật giáo Hàn Quốc đã gieo hạt giống Bồ đề, hoa Bát nhã, đầy hy vọng tại Tanzania, đang hướng đến Châu Phi. Tổ chức phi lợi nhuận “Đồng hành Xinh đẹp” (Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님 - 圓行和尚), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36) bắt đầu chiến dịch gây Quỹ để gửi các vật phẩm cần thiết cho hoạt động của Trường Đại học Công nghệ và Nông nghiệp Bodhi Garam (보리가람농업기술대학) ở Tanzania, Châu Phi. Đây là một chiến dịch nhằm thu hút sự tham gia của chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước Hàn Quốc, với đầy ý nghĩa bởi mang lại niềm hy vọng cho Châu Phi. Quang cảnh Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông nghiệp Barley Garam và các sinh viên đang thực tập tại thao trường.
19/01/2021(Xem: 4379)
Tiến sĩ Frederick Lenz được biết đến với biệt danh là “Rama” (tiếng Phạn: रामा) và “Atmananda” (tiếng Phạn: आत्मानदा), ông bắt đầu công phu tu tập và hướng dẫn thiền định Phật giáo từ tuổi thập niên 20. Trong suốt cuộc đời, ông miệt mài truyền tải tinh hoa Phật giáo đến sinh viên phương Tây, bậc thầy về tâm linh, truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, bao gồm các giáo trình Phật giáo Tây Tạng, Thiền định, Advaita Vedanta (IAST Advaita Vedānta; Sanskrit अद्वैत वेदान्त; là một tiểu trường phái của triết lý Vedānta; và Huyền bí học (Mysticism), tác giả, nhà thiết kế phần mềm, nhà kinh doanh và sản xuất thu âm. . .
18/01/2021(Xem: 8869)
Paing Takhon, năm nay 24 tuổi hiện là người mẫu kiêm diễn viên, MC nổi tiếng ở Myanmar, nhưng anh là một Phật tử thuần thành, mới đây anh đã phát tâm tham dự khóa tu xuất gia ngắn hạn tại quê nhà. Anh chàng sở hữu thân hình cường tráng với chiều cao khủng 1m88, mái tóc dài lãng tử cùng loạt hình xăm chất ngầu nên được mệnh danh là "Aquaman châu Á". Paing Takhon gia nhập làng giải trí với tư cách người mẫu từ năm 2014. Ba năm sau anh còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và ca hát. Tất cả số tiền thu được từ album đầu tay anh đều quyên góp cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, anh còn biết vẽ tranh sơn dầu, thích nấu ăn và yêu động vật.
17/01/2021(Xem: 4925)
Các học giả Phật giáo Ấn Độ, Giáo sư Bimalendra Kumar và Tiến sĩ Ujjwal Kumar đã phát hành một cuốn sách mới được biên tập có tựa đề “Sangitiyavamso: The Chronicle of Buddhist Councils on Dhamma & Vinaya” (Biên niên Sử các Hội đồng Phật giáo về Đạo pháp và Giới luật) của tác giả Sangitiyavamso. Các học biên tập viên miêu tả cuốn sách do Aditya Prakashan, New Delhi xuất bản, là một trong những biên niên sử toàn diện nhất của Thái Lan, kết hợp lịch sử Phật giáo với Lịch sử Vương quốc.
17/01/2021(Xem: 4686)
Trong một loạt các hội thảo hàng tuần, bắt đầu từ ngày 14 tháng 1 năm 2021, các học giả từ khắp nơi trên thế giới, sẽ thảo luận về các nghiên cứu So sánh Luật Hiến pháp và tư tưởng pháp lý của Phật giáo. Các buổi hội thảo dự kiến diễn ra trong tám tuần. Theo các nhà tổ chức, trong khi sự giao thoa giữa luật phát thế tục và các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, trong những thập kỷ gần đây đã được nghiên cứu rất nhiều, cho đến nay thù Phật giáo vẫn bị loại khỏi cuộc đối thoại. Chuỗi hội thảo này nhằm giảm bớt khoảng cách đó, bao gồm nghiên cứu về các giao điểm lịch sử, cũng như đương đại của Phật giáo và các quy tắc pháp lý quốc gia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]