Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Đoạn Diệt Ái Dục

20/03/201105:12(Xem: 5128)
Chương 10: Đoạn Diệt Ái Dục

TÔI LÀ AI ?
MỘT PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN

Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Chuyển Ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh - Diệu Ngộ Nguyễn Thị Mỹ Thanh 2008
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG TP. HCM 2010

Chương 10
Đoạn Diệt Ái Dục

Trong chương trước Potthapàda đã chấm dứt cuộc trao đổi với Đức Phật bằng những lời, “Bạch Thế tôn, như vậy là phải”. Nhưng ngay khi Đức Phật vừa rời bỏ hội trường thì các du sĩ ngoại đạo, bạn đồng môn của Potthapàda đã quay qua chỉ trích ông:

Thế tôn rời khỏi chưa bao lâu, những du sĩ ngoại đạo ấy liền bao vây xung quanh du sĩ ngoại đạo Potthapàda và tuôn ra những lời nói mỉa mai gay gắt: “Potthapàda này là như vậy, những gì Sa-môn Gotama nói đều được Potthapàda tán thành: “Bạch Thế tôn, như vậy là phải. Bạch Thiện Thệ, như vậy là phải”. Chúng tôi không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn”, hay “Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”.

Potthapàda trả lời:

Này các Tôn giả, tôi cũng không được biết Sa-môn Gotama đã thuyết trình dứt khoát những vấn đề sau đây: “Thế giới là thường còn”, hay “Thế giới là vô thường”, hay “Thế giới là hữu biên”, hay “Thế giới là vô biên”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng khác, thân thể khác”, hay “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không tồn tại và cũng không không tồn tại sau khi chết”. Sa-môn Gotama đã tuyên bố một phương pháp như thực, chơn chánh, chân thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc. Và khi một vị tuyên bố một phương pháp như thực, chơn chánh, chân thật, dùng Pháp làm cơ bản, dùng Pháp làm quy tắc, thì làm sao một người hiểu biết như tôi lại không tán thành?

Điều thú vị là họ gọi Đức Phật là “sa-môn Gotama”, chứ không phải “Đức Phật”, là cái tên mà lúc đó người ta đã dùng để gọi Ngài. Họ có vẻ muốn ám chỉ rằng Đức Phật cũng chỉ là một người bình thường như họ, một người tu khổ hạnh, hay một du già. Ngoài ra, Potthapàda cũng dùng từ Pháp (Dhamma), như chúng ta thường dùng để chỉ giáo lý của Đức Phật. Nhưng Potthapàda chưa là đệ tử của Phật, và đây là lần đầu tiên ông được nghe Pháp. Từ ngữ đó đã được sử dụng, và đối với Potthapàda cũng như những đồng môn của ông, nó chỉ một điều gì đó dựa trên chân lý tuyệt đối, theo luật tự nhiên.

Dầu không phải là một đệ tử của Phật, nhưng Potthapàda đã thấy rằng giáo lý của Đức Phật rất chân thật, và đã chấp nhận nó.
Bài kinh tiếp tục:

Hai ba ngày sau, Citta Hatthisàriputta, con của người nài voi, và du sĩ ngoại đạo Potthapàda đi đến chỗ Thế Tôn. Khi đi đến nơi, Citta Hatthisàriputta đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Như thế chúng ta có thể đoán rằng Citta Hatthisàriputta đã được nghe Đức Phật thuyết pháp và là một đệ tử thuần thành. Potthapàda ngược lại chỉ chào hỏi xã giao với Đức Phật, trước khi ngồi xuống và thưa với Đức Phật những gì đã xảy ra, các du sĩ ngoại đạo khác đã chế ngạo ông như thế nào. Đức Phật nói:

Potthapàda, tất cả các du sĩ ngoại đạo kia là những kẻ mù, không thể thấy, chỉ có ngươi là người sáng trong đó.

Đức Phật thường sử dụng những hình ảnh như thế, và đã có lần nói rằng có rất ít người, “với một ít bụi trong mắt”, qua hình ảnh đó Đức Phật muốn ám chỉ những người có thể thực sự hiểu những điều Ngài thuyết giảng cho họ. Thật vậy, sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề tận hưởng niềm an lạc của Niết bàn, và Ngài quyết định không truyền giáo. Ngài cảm thấy chúng sanh sẽ không thể hiểu được giáo lý của Ngài vì nó quá khác biệt với những gì họ đã được nghe trước đó, và những gì họ đã áp dụng trong đời sống. Theo kinh điển thì sau đó có vị đại Phạm thiên, vị trời cao nhất trong tất cả các vị trời, đã xuất hiện trước Đức Phật và xin Ngài hãy thuyết pháp vì lợi ích cho Trời và người. Lúc đó Đức Phật nhìn, có lẽ bằng thiên nhãn, và thấy rằng có những người có “rất ít bụi trong mắt họ”, nên Đức Phật quyết định rằng, vì lợi ích của họ, Ngài sẽ trở thành một bậc đạo sư. Bấy giờ Đức Phật tiếp tục:

Này Potthapàda, có những pháp được Ta truyền thuyết, trình bày một cách dứt khoát. Này Potthapàda có những pháp khác được ta truyền thuyết, trình bày không dứt khoát. Này Potthapàda, những pháp gì được ta truyền thuyết trình bày một cách không dứt khoát?

Đức Phật lặp lại với Potthapàda những điều đã nói: Thế giới là thường còn hay không, thế giới là vô biên hay hữu biên, linh hồn và thân là một hay khác, Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, hay vừa tồn tại và vừa không tồn tại, hay không tồn tại mà cũng không không tồn tại.

Vì sao? Vì những pháp này không thuộc về đích giải thoát, . . . không đưa đến Niết bàn. Đó là lý do tại sao ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát.

Lần nữa Đức Phật lại làm rõ rằng Ngài chỉ tuyên thuyết những gì đưa đến sự giải thoát cuối cùng. Tất cả giáo lý của Đức Phật chỉ có một hướng duy nhất đó.

Ngày nay cũng thế. Cuộc hành trình của chúng ta đưa ta từng bước đến một mục đích, đó là Niết bàn. Nó không đưa đến sự tận diệt. không có cái gì giống như thế trong Niết bàn; chỉ có sự trong sáng, và trí tuệ viên mãn, rốt ráo, sự chấm dứt của tất cả mọi vọng tưởng. Tuy nhiên, đây không phải là trí tuệ toàn năng. Đức Phật đã có lần nói rằng Ngài không thể biết tất cả mọi thứ trong cùng một lúc; nhưng khi đặt tâm ở đâu, Ngài biết ở đó. Đạt được niết bàn không phải là để đạt được sự toàn năng, toàn trí, để gây ấn tượng với mọi người, mà là để chấm dứt ảo tưởng, và chấm dứt khổ đau.

Này Potthapàda, những pháp gì được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát? “Đây là khổ”, . . . “Đây là khổ tập”, . . . “Đây là khổ diệt”, . . . “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, này Potthapàda, đó là pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát. Vì sao? Này Potthapàda, vì những pháp ấy thuộc về đích giải thoát, thuộc về pháp, thuộc căn bản phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến niết bàn. Vì vậy những pháp ấy được ta tuyên thuyết trình bày một cách dứt khoát.

Đức Phật lại hướng Potthapàda trở về với Tứ Diệu đế, liệt kê những bước cần thiết để đạt được trí tuệ, mỗi bước lại đưa đến bước kế tiếp, cho đến khi ta có thể hoàn toàn buông bỏ mọi vọng tưởng.

Chúng ta đã bàn qua sự yểm ly (nhàm chán) và ly tham. Kế tiếp là sự tịch diệt (cessation), một từ có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể có nghĩa là sự đoạn tận các tưởng và cảm thọ, là điều sẽ xảy ra trong tầng thiền thứ chín. Trong phạm trù Niết bàn, nó cũng có thể có nghĩa là sự đoạn diệt của tất cả khổ đau, của mọi vọng tưởng. Khi Đức Phật sử dụng từ này ở đây, Đức Phật muốn nói đến sự đoạn diệt của ba loại ái dục, là kết quả của tâm ly tham. Đó là lòng ham muốn thỏa mãn dục lạc, lòng ham muốn được hiện hữu, và lòng ham muốn không hiện hữu. Ba ái dục này là những nguyên do tiềm ẩn cho sự có mặt của chúng ta ở đây, cho số phận làm người của ta. Chúng ta thường có khuynh hướng trách móc cha mẹ về cách chúng ta hành xử và ảnh hưởng của họ đối với chúng ta. Nhưng các bậc cha mẹ cũng không phải là những chúng sanh đã được giác ngộ, nên họ cũng có nhiều lầm lỗi. Tuy nhiên, việc chúng ta có mặt trên thế giới này, trong một gia đình đặc biệt nào đó là do lòng ham muốn của chính bản thân ta. Và lòng ham muốn này là cái mà chúng ta cần quán sát.

Lòng ham muốn được thỏa mãn dục lạc đã được bàn đến khá thấu đáo, và nếu tự quán sát bản thân, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nó. Nhưng lòng ham muốn được hiện hữu là một cái gì sâu sắc hơn. Đó là ước muốn mạnh mẽ nhất của ta, là động lực khiến chúng ta phải lăn trôi trong luân hồi. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể hoàn toàn không để ý đến nó. Ta khiến mình luôn bận rộn để tránh nhìn thấy sự khổ đau của kiếp con người. Đó là cách để ta đối phó với khổ đau. Nhưng nếu chúng ta thực sự quán sát lòng ham muốn hiện hữu, thực sự cảm nhận được điều đó có nghĩa là gì, thì chúng ta sẽ hiểu những điều Đức Phật dạy, vì lòng ham muốn đó tạo ra những khổ đau không dừng dứt.

Lòng ham muốn đó khiến chúng ta bám víu vào những gì có thể phủ lấp tâm, đó là lý do tại sao chúng ta thích suy tưởng. Nó giúp chúng ta quên lảng, tránh né những gì ta không thích. Hãy thử nhìn chiếc giường ta ngủ, buổi sáng trông nó như thế nào: lộn xộn, nhăn nhúm, chiếu chăn tung xới. Có phải vì tâm ta ngay trong giấc ngủ cũng trải nghiệm khổ đau, vì thế chúng ta lăn trở? Khi thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của chúng ta là gì? Mấy ai có suy nghĩ: “Thật là tuyệt vời, ta còn được sống!” Một người như thế chắc rất hiếm. Đa số lại nghĩ: “Lại một ngày nữa”, hay những lời tương tự để diễn tả cảm giác đó. Có bao nhiêu người thực sự biết mình đã thức dậy như thế nào? Tâm thức của chúng ta đã khởi dậy như thế nào, nó muốn bận rộn với bao dự tính ngay lập tức, và ta tạo điều kiện cho những điều đó xảy ra như thế nào? Nếu không, tâm sẽ buồn chán, chúng ta nói thế, và chúng ta tìm việc để làm. Nhưng tất cả những hoạt động này không có gì hơn là một phương tiện để hỗ trợ cho ảo tưởng rằng có một “cái ngã”, là người đang bận rộn và do đó rất quan trọng. Nó thỏa mãn lòng ham muốn được hiện hữu của chúng ta. Thật vậy, tất cả mọi hành động của chúng ta, đều hướng đến mục đích đó. Nếu chúng ta tự quán sát bản thân một cách kỹ càng, không bao lâu ta sẽ nhận ra điều đó. Ngay chính những hành động có chủ tâm nhất, thiện ý nhất cũng nằm trong hệ thống hỗ trợ cho lòng ham muốn được hiện hữu.

Nếu chúng ta có thể quán sát một ngày trọn vẹn với đầy đủ các chi tiết thì rất hữu ích. Có thể là hôm nay, hoặc chọn một ngày đã qua và cố gắng nhớ lại chúng ta đã trải qua những giờ phút đó như thế nào. “Tôi đã làm gì? Tôi đã khiến tâm bận rộn như thế nào? Tôi đã duy trì ảo tưởng về ngã như thế nào? Tôi có thể nhận ra, trong sự chuyển động không dừng dứt, ước muốn được hiện hữu không?” Sự chuyển động không chỉ vật lý mà tâm lý cũng thế. Tâm chúng ta chấp vào thứ này hay thứ kia; nghĩ đến tương lai, nhớ về quá khứ. Chỉ khi chúng ta suy nghĩ thì chúng ta biết rằng mình hiện hữu. Tất cả những tâm hành này cũng không ngoài một mục đích -để hỗ trợ ước muốn được hiện hữu. Trong lúc hành thiền, qua việc sử dụng đối tượng thiền quán như là hơi thở, chúng ta thực hành buông bỏ những suy nghĩ lăng xăng. Nếu lúc đó ta có thể buông bỏ chúng, thì ta cũng có thể làm thế trong cuộc sống hằng ngày. Khi ta làm được như thế thì sự bình an và tĩnh lặng sẽ phát sinh.

Lòng ham muốn không hiện hữu cũng chỉ là một mặt khác của đồng tiền. Nó cũng bắt rễ từ một ảo tưởng, đó là lòng tin có một “cái ngã”. Trong trường hợp này “cái ngã” không muốn có mặt ở đây. Mọi thứ đều có vẻ khủng khiếp, và “tôi” muốn thoát ra khỏi nơi này. Đó là “ước muốn được không có mặt,” và ước muốn này cũng là một chướng ngại trên con đường tu tập của ta, cũng như là ước muốn được hiện hữu. Nếu chúng ta đã hiểu được khổ và giờ muốn quán sát lòng ham muốn được hiện hữu, thì chúng ta phải cẩn thận đừng rơi vào cái bẫy này. Vì nếu ta đi đến kết luận rằng tất cả đều quá khổ và đầy thất vọng, ta chỉ muốn thoát khỏi tất cả những thứ này, là điều mà tự nó cũng là một hình thức khác của lòng ham muốn. Nó vẫn là “tôi” muốn “được” một cái gì đó. Cũng là ảo tưởng, không bao giờ có thể thành hiện thực. Do đó, điều chúng ta cần làm là buông bỏ tất cả mọi thứ đã tạo dựng nên ảo tưởng mà chúng ta ngỡ là thực tại. Đó là sự rèn luyện để có thể nhìn thấy sự vật luôn như chúng là, chứ không phải như ta nghĩ chúng phải là. Khi nào chúng ta còn vướng mắc vào các quan niệm, ý kiến, suy nghĩ của mình, thì ta khó đạt được tiến bộ. Tương tự, những người du sĩ ngoại đạo đã trách móc Potthapàda và chế nhạo ông, vì họ không muốn nghe điều gì mới lạ, khác với sự suy nghĩ của họ. Trái lại, Potthapàda biết chấp nhận chân lý trong lời dạy của Đức Phật, nhưng cho đến giờ phút này, ông vẫn còn lúng túng, chưa biết mình cần phải làm gì.

Điều quan trọng là quán sát ba loại ái dục này và khả năng đoạn diệt của chúng; hãy quán tưởng về chúng một cách sâu sắc. Điều này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, trong một thời thiền nghiêm túc hay lúc ngồi dưới gốc cây, hay ngay cả khi chúng ta đang đi.

Điều kế tiếp được Đức Phật nhắc đến là sự tịch tĩnh. Chúng ta có thể tu tập để buông bỏ những suy nghĩ lăng xăng đã cản trở chúng ta không trải nghiệm được sự bình lặng và an tĩnh. Suốt cả ngày, chúng ta thường suy nghĩ, ngay cả khi không có gì thực sự cần phải suy nghĩ. Chúng ta chỉ nảy ra các ý nghĩ vì cần có cái gì đó để khiến tâm bận rộn. Nếu có thể tự bắt gặp mình làm như thế -điều không quá khó khăn- là chúng ta có thể thực hành buông bỏ suy nghĩ lăng xăng và do đó trải nghiệm được một trạng thái thuần niệm, khi chỉ có tâm trong sáng, thanh tịnh. Chúng ta chỉ có mặt. Ở những giây phút đó có một sự bình an trong tâm, giúp ta nạp lại năng lượng, vì sự suy nghĩ lăng xăng cũng làm mệt tâm. Chúng ta có thể có một công việc không đòi hỏi sự vận động thân thể nào hơn là nhấn nút hay bật một công tắc nào đó, nhưng cuối ngày chúng ta vẫn mệt nhoài vì phải suy nghĩ, phán đoán, và phản ứng không ngừng. Nhưng đâu có ai yêu cầu chúng ta suy nghĩ khi không cần thiết phải làm thế.

Chúng ta sẽ thấy việc này không dễ thực hiện. Trạng thái tâm tịch tĩnh của sự thuần niệm chỉ đến như là kết quả của việc đoạn diệt lòng ham muốn hiện hữu. Nhưng trước khi lòng ham muốn này có thể dừng lại, chúng ta phải nhận thức được ảnh hưởng của nó. Chúng ta phải nhận thấy sự biểu hiện không dừng dứt của nó và nó không đem lại thỏa mãn như thế nào, nó khiến cho chúng ta bức xúc, bực bội như thế nào, dầu cho bên ngoài của chúng ta không có vẻ như thế. Có một cảm giác không an tâm liên tục, mà chúng ta thường cố gắng để lý giải và cho rằng là do một nguyên nhân ngoại tại nào đó. Nhưng chỉ có một nguyên do duy nhất, đó là lòng ham muốn được hiện hữu.

Tâm bình lặng, kết quả của công phu hành thiền viên mãn, có thể thấy được điều này một cách dễ dàng hơn, vì nó có thể duy trì được sự khách quan. Một cách chủ quan, chúng ta nói, “Tôi là vậy đó. Tôi có quá nhiều việc để làm. Việc này mất thì giờ quá, nhưng nếu tôi không làm, không ai có thể làm được”. Đại loại là những sự suy nghĩ như thế. Tuy nhiên một cách khách quan, ta có thể chỉ thấy một người vừa thực hiện một hành động, bởi sự thôi thúc của một động lực bên trong. Dầu động lực đó đưa ta đến đâu, tất cả đều là do lòng ham muốn được hiện hữu. Điều khó khăn nằm ngay trong chính phạm trù đó. Chúng ta cần động lực để thực hành, để quán sát, để hành thiền và để hiểu được lời dạy của Đức Phật. Nhưng chúng ta cũng phải buông bỏ nó để đạt được Niết bàn. Nghe hình như rất nghịch lý. Nhưng chúng ta có thể thực hiện được điều này khi đã tự quán sát bản thân một cách thấu đáo, đến nỗi ta có thể biết mọi diễn biến bên trong ta. Không phải vì bên trong ta có điều gì sai trái, đáng trách. Ta không phải hối hận về điều gì. Tất cả trong ta đều là một phần của bản chất con người, mà chúng ta có thể chuyển hóa, nhưng trước hết ta phải ý thức được những nguyên nhân tiềm ẩn. Quán tưởng về ước muốn được hiện hữu là điều rất thú vị, và rất khó thực hiện, nhưng thường những gì dễ dàng thì không mang lại kết quả quan trọng.

Sau tịch diệt và tịch tịnh, Đức Phật nói đến bước kế tiếp, là thắng trí. Ở đây thắng trí cũng hàm nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là vị hành giả với nhiều công phu tu tập, biết rằng các chướng ngại, cùng với những khuynh hướng tiềm ẩn của chúng (kiết sử), giờ đã được buông bỏ. Điều này không thể xảy ra cho đến khi ước muốn được hiện hữu cũng đã được buông. Các chướng ngại là một phần trong bản chất con người. Khi thực hành thanh tịnh hóa tâm, chúng ta có thể dần dần loại bỏ và làm suy yếu áp lực của chúng. Đối với vấn đề này, chúng ta có sự hỗ trợ của thiền định, chánh niệm và sự thay thế bất thiện pháp với thiện pháp. Nhưng bằng cách đó, chúng ta không thể hoàn toàn hủy diệt chúng. Tham và sân sẽ còn có mặt. Chỉ có ở giai đoạn cuối trên con đường tâm linh là chúng ta mới cuối cùng có khả năng buông bỏ chúng hoàn toàn. Theo sau thắng trí là sự giác ngộ, Niết bàn, bước cuối cùng trong cuộc hành trình.

Con đường đi đến giác ngộ bằng việc hành thiền và thanh tịnh hóa đem lại cho tâm sự sáng suốt đến độ nó có thể quán sát được những tiềm thức sâu xa nhất của con người. Tiềm thức này không là gì hơn là ước muốn được hiện hữu. Đó là điểm trục khiến chúng ta làm những việc điên rồ nhất, khủng khiếp và bi đát nhất, mà cũng chính nó giúp ta làm những việc bình thường khác như chúng ta vẫn làm, trong cuộc sống hằng ngày, từ sáng đến tối.

Cho đến giờ, Đức Phật đã hai lần lặp lại giáo lý của Ngài với Potthapàda, thuyết cho ông về con đường của trí tuệ dẫn đến Niết bàn và Tứ Diệu đế. Nhưng Đức Phật biết rất rõ rằng Potthapàda vẫn chưa thật sự hiểu được, vì thế Đức Phật đã trình bày lại một cách khác:

Này Potthapàda, có một số Sa môn và Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: “Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bịnh”.

Đó là quan niệm phổ biến về thiên đàng, nơi chúng ta chơi nhạc và hạnh phúc miên viễn. Quan niệm này vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay trong một số cộng đồng Phật giáo.

Ta đến những vị ấy và hỏi: “Có phải quý Đại đức có chủ trương. . . những vị ấy công nhận là phải. Ta nói: “Chư Đại đức có sống và đã biết, đã thấy thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc không? Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không.

Đức Phật không những chỉ ra cho Potthapàda thấy là các vị Bà-la-môn đang nói những điều không có căn cứ, mà Ngài cũng chỉ ra rằng bất cứ ai tin rằng họ có thể tìm được hạnh phúc trong thế giới này là sai lầm. Rõ ràng Đức Phật muốn Potthapàda phải suy nghĩ về điều này. Tôi đề nghị chúng ta cũng nên làm như thế. Chúng ta có thể quán tưởng về hôm nay hay một ngày nào đó đã qua, giống như chúng ta đã làm khi quán tưởng về ước muốn được hiện hữu. Nếu chúng ta có thể nhận ra mình luôn buông việc này bắt việc kia như thế nào, vì chúng không đem lại thỏa mãn cho chúng ta, thì ta sẽ hiểu câu hỏi của Đức Phật: Có bao giờ các vị được trọn một ngày hay một đêm hạnh phúc?

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta cần phải bất hạnh; nhưng nếu chúng ta quán sát một ngày hoàn toàn bình thường, ta sẽ thấy gì? Không có gì hoàn toàn thỏa mãn, không có gì hoàn toàn viên mãn. Có thể ta cũng có những giây phút vui vẻ, nhưng chúng kéo dài được bao lâu? Chúng ta có biết bao cảm thọ hay suy nghĩ chẳng đưa đến tịch tịnh, tịch diệt, hay Niết bàn phải không? Đó là khổ. Không phải cái khổ rõ ràng mà ai cũng dễ dàng nhận biết -như khổ vì không được cái ta muốn hay khổ vì được cái ta không muốn. Mà là cái khổ gắn với kiếp con người, và chúng ta cần phải quán sát nó thấu đáo với tất cả sự chú tâm.

Nói thế, không phải để chúng ta nhìn cuộc đời với con mắt bi quan. Thật ra, nếu chúng ta nhìn cuộc đời bằng cái nhìn thực tế, thì chúng ta có thể chấp nhận sự không toàn hảo của nó dễ dàng hơn, và có thể hiểu rằng giáo lý của Đức Phật là giải pháp tuyệt đối. Nó cũng có thể giúp ta có được sự quyết tâm để đi theo con đường của Phật và tự mình nhìn ra được chân lý của Ngài. Ý thức được sự không thỏa mãn mơ hồ, nhỏ nhặt, nhưng nó luôn có mặt trong tâm và trong cảm thọ của chúng ta sẽ làm giảm bớt khổ, vì chúng ta có thể chấp nhận rằng cuộc đời là thế. Phản ứng thông thường đối với khổ là hứng chịu và than vản, nhưng làm thế không ích lợi gì. Vì khi khổ, chúng ta không thể nhìn thấy sự việc một cách rõ ràng. Do đó tốt hơn hết là chúng ta thường quán tưởng, và khi khổ khởi lên, ta tự hỏi, tâm tôi đang làm gì? Sống nghĩa là gì?

Đức Phật kể rằng tiếp theo Ngài hỏi các vị Bà-la-môn và các du sĩ ngoại đạo:

Chư Đại đức có biết một con đường nào, một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không? Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời: “Thưa không”.

Ngày nay chúng ta có không biết bao nhiêu là tạp chí tôn giáo và rất nhiều lý thuyết, chỉ bày cho ta vô vàn phương cách, nhưng rõ ràng là không có cách nào thành công. Vì khi nào con người còn có ham muốn được hiện hữu, thì còn có khổ. Đáng kể là trong ái dục, ẩn chứa sự sợ hãi bị đoạn diệt, không được hiện hữu, thường được thể hiện qua sự sợ chết. Người ta thường nói, “Ô, tôi không sợ chết,” vì họ nghĩ rằng đó là một sự ra đi dễ dàng. Sau đó họ lại nói: “Tôi không muốn bị kéo dài đau khổ,”, hay “Tôi không muốn những người tôi thương yêu chết trước tôi”. Nhưng nỗi sợ chết là một nỗi khổ thực sự, tiềm ẩn trong lòng ham muốn được hiện hữu.

Nỗi sợ bị đoạn diệt cũng thể hiện ra, khi chúng ta không được tôn trọng, chấp nhận, hay yêu thương. Một số người gần như có thể làm bất cứ điều gì để được người khác ngưỡng mộ. Điều đó khiến cho cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn, vì họ trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến và tình cảm của người khác, là những thứ không đáng tin cậy. Vì chúng ta nghĩ mình là người đặc biệt, khác người, nên chúng ta cần một hệ thống hỗ trợ cho con người ấy, và khi chúng ta không thể tìm được sự hỗ trợ nơi bản thân, chúng ta mong người khác đáp ứng điều đó. Đôi khi ta cũng nhận được tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ của tha nhân, nhưng điều đó không thể kéo dài mãi. Không có ai luôn được ngưỡng mộ. Trong khi “cái tôi” vì dựa trên ảo tưởng, nên nó luôn cần sự hỗ trợ đó. Ảo tưởng càng lớn, thì ái dục đó càng nguy hiểm. Tôi muốn so sánh điều đó với một người béo phì, cố gắng đi qua một cánh cửa hẹp, nên bị kẹt giữa hai thành cửa. Tương tự, nếu chúng ta cần quá nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho tự ngã của mình, ta sẽ bị tổn thương với bất cứ sự chỉ trích nhỏ nhặt hay thiếu hiểu biết nào. Tự ngã càng lớn, thì nó càng dễ bị tổn thương. Tự ngã càng nhỏ thì ta càng ít gặp khó khăn. Và khi không còn có ngã, thì chúng ta không thể nào bị đụng chạm, thương tổn. Làm sao chúng ta có thể giảm thiểu tự ngã? Bằng thiền quán, bằng cách đạt được chút trí tuệ trong những sự thể hiện của ham muốn được hiện hữu trong từng ngày, từng giờ hay từng phút giây.

Tất cả chúng ta đều đã trải qua nhiều khổ đau, mặc dầu phần đông không biết các nguyên nhân tiềm ẩn. Thường chúng ta xem con đường tâm linh như là một cách để giải thoát sự khổ đau bằng hành động, lời nói hay trải nghiệm một điều gì có thể mang đến hạnh phúc. Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng cách duy nhất để được thực sự hạnh phúc là đoạn diệt ảo tưởng về ngã, có nghĩa là nói cho cùng, ta phải buông bỏ ước muốn được hiện hữu.

Đức Phật tiếp tục:

Ta nói với các vị ấy: “Chư Đại đức có nghe tiếng nói của chư thiên, đã được sinh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. ‘Này các vị, hãy cố gắng khéo thực hành. Này các vị, hãy thực chứng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Này các vị, chúng tôi đã thực hành, đã sanh vào một thế giới hoàn toàn hạnh phúc’ không? Khi được hỏi vậy, các vị ấy trả lời là không. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào. Sự kiện là như vậy, thời có phải là lời nói của những Sa môn, Bà-la-môn kia là không chính xác, hợp lý?

Đức Phật không hề e ngại khi nói rằng một giáo lý nào đó là không chính xác, không hợp lý. Ngài không tán đồng bất cứ sự hướng dẫn tâm linh nào mà không đi thẳng đến trọng tâm của vấn đề.

Giờ Đức Phật cho một ẩn dụ:

Như có một người nói: “Tôi yêu và ái luyến một cô gái đẹp trong nước này”. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp ông yêu và ái luyến ấy. Ông có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời: “Không biết”. Rồi họ có thể nói: “Vậy thì anh có biết tên gì, lớn người, thấp người hay người bậc trung? Da đen sẵm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Và họ sẽ nói: “Như thế thì anh yêu và ái luyến một người anh không biết, không thấy?” Được hỏi vậy vị ấy trả lời phải. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia không chính xác hợp lý?

Potthapàda trả lời: Vâng phải, Bạch Thế tôn!

Như vậy này Potthapàda, những Sa-môn và Bà-la-môn có chủ trương như thế này, có chủ kiến như thế này: ‘Sau khi chết tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh’, . . . thời có phải lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn kia là không chính xác, hợp lý?

Vâng phải, Bạch Thế tôn!

Đức Phật muốn cho Potthapàda thấy rằng các vị thầy kia không có chút bằng cớ gì của bất cứ thứ gì để có thể hỗ trợ cho một niềm tin như thế. Đó chỉ là những câu chuyện vô lý, không chính xác. Và các vị ấy cũng vô lý, dại khờ như người đàn ông định đi tìm cô gái đẹp mà không biết cô ta là ai hay ở đâu.

Niềm tin vào một thứ hạnh phúc thường hằng có thể tìm thấy ở hầu hết các tôn giáo: Nếu chúng ta sống tương đối tốt, không phạm quá nhiều tội lỗi, thì bằng cách nào đó, sau khi chết, “cái ngã” sẽ được hạnh phúc mãi mãi về sau. Đức Phật chẳng bao giờ nói những điều như thế. Ngược lại, Đức Phật nói con đường duy nhất đi đến hạnh phúc là phải tự nhìn thấy được cái ngã của mình: chỉ là một tâm hành.

Đức Phật cho một thí dụ khác:

Này Potthapàda, như một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: “Này bạn, ông muốn xây một cái thang để lên lầu, vậy ông có biết lầu ấy là về hướng Đông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Và họ có thể nói: “Này bạn, như thế ông muốn xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà ông không biết, không thấy?” Khi được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Potthapàda, ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia không chính xác hợp lý?

Vâng phải, Bạch Thế tôn!

Nói cách khác, người ta cố gắng để đạt đến một lâu đài hạnh phúc trong mơ, mà không có chút khái niệm gì về việc nó sẽ được xây như thế nào, hay làm sao đi đến nơi đó. Đức Phật giải thích rốt ráo, tường tận về vấn đề này, vì Ngài muốn nhắc nhở Potthapàda về tà kiến của bản thân ông và những lý thuyết về ngã mà họ đã thảo luận trước đây. Lần này Đức Phật nói về vấn đề này một cách khác. Đức Phật rất kiên nhẫn với Potthapàda, bằng nhiều cách Đức Phật thuyết Pháp với hy vọng rằng cuối cùng Potthapàda sẽ hiểu. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thông cảm với Potthapàda, vì không phải dễ dàng để hiểu rằng cái ngã đang ngồi đây, đang mong muốn hạnh phúc, chính là cái luôn cản trở ta tìm đến hạnh phúc. Bất cứ lúc nào, từ sáng đến tối, nó cản trở ta được tự tại, hạnh phúc. Nếu chúng ta quán sát mình một cách chủ quan, thì ta sẽ chỉ thấy “cái tôi.” Nhưng một khi chúng ta có thể nhìn một cách khách quan, chúng ta thấy rằng ‘ngã’ không là gì cả mà chỉ là một ý nghĩ, một tâm hành. Không phải là dễ dàng để từ bỏ một thói quen suy nghĩ đã hằn lên trong tâm ta, như bất cứ ai đã hành thiền đều biết. Nhưng ít nhất chúng ta ý thức về điều đó. Chúng ta bắt đầu nhận biết điều gì đã gây ra những tâm trạng khổ, vui, bực bội, lăng xăng trong ta, tại sao ta không ngừng muốn thứ này và ghét thứ kia. Đó là do ngã tưởng, xuất phát từ lòng ham muốn được hiện hữu. Khi chúng ta đến gần hơn với chân lý này, chúng ta sẽ thấy Đức Phật thật là một bậc đạo sư. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, đây là lần duy nhất mà số phận con người và sự chuyển hóa tâm thức được trình bày một cách rõ ràng như thế.

Nhiều người ngưỡng vọng Đức Phật, cầu nguyện đến Ngài, nhưng chẳng bao giờ hiểu được sự vi diệu thực sự của Ngài. Để có được cơ hội làm như thế trong kiếp sống này là một nghiệp quả lớn. Đó là cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt. Nhận thức được sự vi diệu của giáo lý (mà nó) đi đến tận gốc rễ của sự hiện hữu của ta, có nghĩa là chúng ta có thể nhìn ra được sự thật đó nơi bản thân, chúng ta “nhìn thấy bên trong” (in-see) nó. Khi có thể làm như thế, là chúng ta đã hiểu được Pháp. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải diệt bỏ “cái tôi,” nhưng là chúng ta hiểu nó. Chỉ khi nào chúng ta thực sự biết nó như nó là, thì chúng ta mới có thể buông bỏ nó, vì để buông bỏ một cái gì đó, trước hết nó phải thực sự ở trong tầm nắm của chúng ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2021(Xem: 6805)
Nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm nay, trong tâm tình hộ trì Tam Bảo, chúng con, chúng tôi đã thực hiện một buổi cúng dường đến chư Tôn đức Tăng già, các bậc xuất sỹ tu hành nơi xứ Phật, đặc biệt là chư Tăng thường trú tại khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Thế Tôn thành Đạo.. Xin tường trình cùng chư vị một số hình ảnh của buổi cúng dường chư Tăng các truyền thống Đạo Phật (International Maha Sangha), chư Tăng Tibet, India, Lào, Miến, Thái, Bangladesh, Việt Nam.. tai Bồ Đề Đạo Tràng. (Với tổng số 500 vị, mỗi vị thọ nhận 1 phong bì với tịnh tài 1000Rupees- tương đương 14usd và cúng dường thọ trai)
21/01/2021(Xem: 4782)
Trường phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng tổ chức Pháp hội Nyingma Monlam Chenmo lần thứ 32 tại Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi Temple), thành phố Bodh Gaya, tiểu bang Bihar, nơi mà ngày xưa, cách đây 2550 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã giác ngộ chân lý tối thượng dưới gốc cây Bồ-đề sau 6 năm khổ hạnh tinh chuyên. Sự kiện bắt đầu khai mạc vào ngày 14 tháng Giêng và sẽ kết thúc vào ngày 23 tháng Giêng năm 2021. Tuân theo nguyên tắc và hạn chế tập trung đông người do đại dịch Covid-19, sự kiện diễn ra chỉ có khoảng 100 vị Tăng sĩ Phật giáo tham dự.
21/01/2021(Xem: 4444)
Cư sĩ Matthew Kapstein, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1949, Giáo sư thỉnh giảng, nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, học giả triết học Phật giáo Đại học Chicago, chuyên về lịch sử triết học Ấn Độ, Tây Tạng, và lịch sử văn hóa Phật giáo Tây Tạng, nghiên cứu những ảnh hưởng văn hóa trong việc Trung cộng cưỡng chiếm Tây Tạng. Ông là Giáo sư thỉnh giảng về Nghiên cứu Phật học tại Trường Đại học Thần học Chicago, Hoa Kỳ và Giám đốc Nghiên cứu Tây Tạng tại École pratique des hautes études ở Paris, Pháp.
20/01/2021(Xem: 4975)
Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca (theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch). Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự thành đạo. Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sanh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.
20/01/2021(Xem: 5730)
Khi chúng ta phát triển một ý tưởng thô về ý nghĩa gì là sự lệ thuộc trên tư tưởng, chúng ta nên tự hỏi mình rằng mọi người và mọi vật có thường xuất hiện đến chúng ta trong cách này hay không. Khi chúng ta bị tác động bởi những tư tưởng trong một trình độ vi tế, thật khó để xác định chúng ta nắm bắt chúng như thế nào. Do thế, hãy xem xét một thời điểm khi mà chúng ta cảm thấy thù hận và khao khát mạnh mẽ. Một con người và sự kiện thù hận và khao khát dường như cực kỳ cụ thể, ngay cả hoàn toàn không thay đổi, có phải thế không? Khi chúng ta nhìn một cách sát sao, chúng ta sẽ thấy rằng không có cách nào để thừa nhận là chúng ta đã thấy những hiện tượng như lệ thuộc trên tư tưởng rồi. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng dường như tồn tại trong những điều kiện của chính chúng.
19/01/2021(Xem: 4249)
Những món quà Phật giáo Hàn Quốc đã gieo hạt giống Bồ đề, hoa Bát nhã, đầy hy vọng tại Tanzania, đang hướng đến Châu Phi. Tổ chức phi lợi nhuận “Đồng hành Xinh đẹp” (Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님 - 圓行和尚), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36) bắt đầu chiến dịch gây Quỹ để gửi các vật phẩm cần thiết cho hoạt động của Trường Đại học Công nghệ và Nông nghiệp Bodhi Garam (보리가람농업기술대학) ở Tanzania, Châu Phi. Đây là một chiến dịch nhằm thu hút sự tham gia của chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước Hàn Quốc, với đầy ý nghĩa bởi mang lại niềm hy vọng cho Châu Phi. Quang cảnh Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông nghiệp Barley Garam và các sinh viên đang thực tập tại thao trường.
19/01/2021(Xem: 4388)
Tiến sĩ Frederick Lenz được biết đến với biệt danh là “Rama” (tiếng Phạn: रामा) và “Atmananda” (tiếng Phạn: आत्मानदा), ông bắt đầu công phu tu tập và hướng dẫn thiền định Phật giáo từ tuổi thập niên 20. Trong suốt cuộc đời, ông miệt mài truyền tải tinh hoa Phật giáo đến sinh viên phương Tây, bậc thầy về tâm linh, truyền bá Phật pháp tại Hoa Kỳ, bao gồm các giáo trình Phật giáo Tây Tạng, Thiền định, Advaita Vedanta (IAST Advaita Vedānta; Sanskrit अद्वैत वेदान्त; là một tiểu trường phái của triết lý Vedānta; và Huyền bí học (Mysticism), tác giả, nhà thiết kế phần mềm, nhà kinh doanh và sản xuất thu âm. . .
18/01/2021(Xem: 8877)
Paing Takhon, năm nay 24 tuổi hiện là người mẫu kiêm diễn viên, MC nổi tiếng ở Myanmar, nhưng anh là một Phật tử thuần thành, mới đây anh đã phát tâm tham dự khóa tu xuất gia ngắn hạn tại quê nhà. Anh chàng sở hữu thân hình cường tráng với chiều cao khủng 1m88, mái tóc dài lãng tử cùng loạt hình xăm chất ngầu nên được mệnh danh là "Aquaman châu Á". Paing Takhon gia nhập làng giải trí với tư cách người mẫu từ năm 2014. Ba năm sau anh còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và ca hát. Tất cả số tiền thu được từ album đầu tay anh đều quyên góp cho trẻ mồ côi. Ngoài ra, anh còn biết vẽ tranh sơn dầu, thích nấu ăn và yêu động vật.
17/01/2021(Xem: 4935)
Các học giả Phật giáo Ấn Độ, Giáo sư Bimalendra Kumar và Tiến sĩ Ujjwal Kumar đã phát hành một cuốn sách mới được biên tập có tựa đề “Sangitiyavamso: The Chronicle of Buddhist Councils on Dhamma & Vinaya” (Biên niên Sử các Hội đồng Phật giáo về Đạo pháp và Giới luật) của tác giả Sangitiyavamso. Các học biên tập viên miêu tả cuốn sách do Aditya Prakashan, New Delhi xuất bản, là một trong những biên niên sử toàn diện nhất của Thái Lan, kết hợp lịch sử Phật giáo với Lịch sử Vương quốc.
17/01/2021(Xem: 4697)
Trong một loạt các hội thảo hàng tuần, bắt đầu từ ngày 14 tháng 1 năm 2021, các học giả từ khắp nơi trên thế giới, sẽ thảo luận về các nghiên cứu So sánh Luật Hiến pháp và tư tưởng pháp lý của Phật giáo. Các buổi hội thảo dự kiến diễn ra trong tám tuần. Theo các nhà tổ chức, trong khi sự giao thoa giữa luật phát thế tục và các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, trong những thập kỷ gần đây đã được nghiên cứu rất nhiều, cho đến nay thù Phật giáo vẫn bị loại khỏi cuộc đối thoại. Chuỗi hội thảo này nhằm giảm bớt khoảng cách đó, bao gồm nghiên cứu về các giao điểm lịch sử, cũng như đương đại của Phật giáo và các quy tắc pháp lý quốc gia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]