Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Vu Lan Nhớ Mẹ

25/02/201110:43(Xem: 5126)
4. Vu Lan Nhớ Mẹ

SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG
Tâm Chơn

VU LAN NHỚ MẸ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngưỡng bái bạch Chư tôn thiền đức!

Kính thưa quí Phật tử!

“Mỗi mùa xuân sang mẹ già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang tóc mẹ lại trắng thêm.
Tóc mẹ trắng như tóc mây bàng bạc,
chẳng quản gian nan che chở cuộc đời con.
Tình mẹ đậm đà, lòng mẹ bao la.
Mỗi bước con lớn khôn
đều có bóng hình của mẹ.
Mẹ ơi! Công ơn mẹ
chúng con mãi không quên.
Mẹ ơi! Biết ngày nào con đền được ơn mẹ.
Cầu cho mẹ được yên bình
ở mãi bên chúng con.”
Kính thưa quí vị!

Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, mùa báo hiếu đến, chúng con lại thổn thức thương công cha dưỡng dục; tiết Vu Lan sang, chúng con lại bâng khuâng nhớ nghĩa mẹ sanh thành. Và ngậm ngùi tưởng niệm ân đức cao dày của song thân:

“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Bổn phận làm con, chúng con hằng nhắn nhủ với nhau rằng phải:

“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Thật vậy!

Dòng thời gian lặng lẽ trôi mau, xuân hạ thu đông bốn mùa luân chuyển. Sự vận hành của thiên nhiên, trời đất, con người, vạn vật trong vũ trụ đều không ngoài nguyên lý vô thường, nhưng trái tim của cha mẹ muôn đời vẫn một, “tấm lòng của mẹ bốn mùa là xuân”. Dẫu cho chúng ta có đi trọn kiếp người cũng không thể nào đi hết những lời ru của mẹ!

Mẹ, người đã đem hết thảy tình thương, ánh mắt, nụ cười, tiếng nói, hương vị của cuộc đời mình cho con trẻ. Mẹ là hình ảnh đầu tiên mà sau này dù chúng ta có đi suốt cuộc đời này cũng chẳng thể nào tìm được người thứ hai thay thế mẹ, khi cuộc đời mẹ đã là cuộc đời con.

Hơn thế nữa, trong kinh Phật có dạy: “Trong nhà có hai đức Phật mà chúng ta cần phải cúng dường, đó là cha và mẹ.” Bởi lẽ: “Mẹ là trời Phạm thiên, là vị tiên ban đầu, là người đáng cúng dường.” Đức Phật còn ví như thế, chúng ta há lại dám coi thường cha mẹ hay sao?

Kính thưa quí vị!

Mối tình nào rồi cũng sẽ phai mờ theo năm tháng, nhưng tình thương của cha mẹ muôn thuở vẫn sâu nặng. Và hình ảnh của mẹ sẽ mãi mãi trong tim con không bao giờ quên lãng.

Nói đến mẹ là nói đến một tình yêu không biên giới mà ở đó, không gian và thời gian không sánh kịp, văn tự ngôn ngữ không diễn đạt hết. Cho nên có một thi sĩ đã mô tả rằng: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan nhưng chỉ có trái tim người mẹ là vĩ đại hơn hết.”

“Bước từ lòng mẹ bước ra,
Người thiêng liêng nhất cũng là mẹ tôi.
Tiếng thơ nức nở chào đời,
Lại là tiếng mẹ à ơi sớm chiều.
Thương con mẹ đã chắt chiu
Gởi vào lặng lẽ những điều thiêng liêng.”

(Lê Đình Đại)

Mẹ thương con một tình thương không bờ bến. “Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng”, như nước trong nguồn len lỏi chảy xuyên qua từng khe đá sỏi không bao giờ ngăn ngại. Mẹ là tất cả đời con. Con là gia tài của mẹ mà dẫu cho có đi hết nước non thì vẫn mãi không cùng.

Ôi! Tình mẹ thiêng liêng cao cả quá! “Mẹ có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ” mà “từ khi bập bẹ cho đến lúc trưởng thành con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu” tấm lòng của mẹ!

Để rồi, khi những cánh phượng hồng không còn khoe sắc thắm, mấy chú ve nhỏ thôi trỗi khúc hát ngân nga thì ngọn gió thu bắt đầu mơn man theo những chiếc lá vàng rơi giữa chiều buông tiếng chuông chùa trầm mặc, báo hiệu mùa báo hiếu đã về. Mùa Vu Lan đến gợi nỗi ngậm ngùi nhớ mẹ nước mắt rơi. Ôi! Một nỗi nhớ da diết như cơn mưa chiều tháng Bảy sụt sùi tầm tã. Mưa của thiên nhiên giăng mắc giọt sầu hay mưa trong lòng con trẻ tha thiết nhớ mẹ khôn nguôi:

“Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi.
Mồ côi tội lắm ai ơi! ...”

Và khi sự thật phũ phàng, mẹ chúng con đã không còn nữa:

“Mẹ ta tro bụi trên sông,
Xuôi chèo qua nẻo hư không mẹ về.
Chiều hoa trắng rụng bốn bề,
Trần gian thêm một kẻ về mồ côi.
Từ đây chỗ mẹ ta ngồi,
Mây như tóc trắng rối bời mây qua.”

(Đỗ Trung Quân)

Thưa quí vị!

“Mùa thu buồn, khí thu lạnh, gió thu hiu hắt thì thầm như trao gởi cho nhau những ân tình giữa hai miền sống chết.” Vậy thì anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy cùng nhau chia sớt nỗi niềm này và nhắc nhau dừng lại bước chân phiêu lãng mà trở về sống trọn tấm tình chung. Với những ai may mắn còn có mẹ hiền, hãy mau mau trở về quì bên chân mẹ và nói lời yêu thương mẹ khi người còn có thể nghe được. Hãy nói rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết không?... biết là con thương mẹ không?”[15]

Có như thế chúng ta mới xoa dịu được phần nào nỗi đau nhớ thương mỏi mòn của mẹ, và cũng là để lòng mình nghe lại tiếng gọi tình thâm:

“Vi vu hiu hắt thu phong,
Chạnh niềm hiếu đạo trong lòng xót xa.
Công cha nghĩa mẹ đậm đà,
Mảy may chưa đáp lệ sa đôi hàng.”

Mẹ ơi! Mẹ đã chờ đợi chúng con suốt cuộc đời mình. Đã từ lâu rồi mẹ ngồi đếm từng chiếc lá rơi, đếm bao nhiêu lá mà đứa con yêu vẫn biền biệt chưa về, để mẹ mỏi mòn trông ngóng vào ra.

“Bóng mẹ vào ra lối cỏ quen,
Tóc sương dần xóa tóc màu đen.
Nhớ ai ra nhẩm lời kinh nguyện,
Khuya nỗi niềm khuya một ngọn đèn.”

(Phan Minh Hồng)

Thưa quí vị!

Có thể nói rằng đạo đức con người bắt đầu từ sự hiếu kính mẹ cha. Vì thế người xưa đã đưa ra tiêu chuẩn: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu hạnh vi tiên” (Ngàn vạn quyển kinh đều lấy hiếu hạnh làm đầu). Nếu chúng ta không yêu kính cha mẹ thì làm sao chúng ta thương được người khác? Người có hiếu với cha mẹ thì luôn được thành tựu mọi điều tốt đẹp. Người bất hiếu với cha mẹ thì khó thành công trong cuộc sống.

Kinh Phật có dạy: “Tội ác lớn nhất không gì bằng bất hiếu, điều thiện lớn nhất không gì bằng có hiếu”, hay “Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật.”

Chúng ta phải cố gắng giữ tròn bổn phận một người con hiếu kính với mẹ cha. Nếu không, sẽ có ngày chúng ta hoảng hốt trong nỗi buồn cô quạnh và đớn đau tiếc nuối như thầy Tử Lộ ngày trước đã than van:

“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình,
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại.”

(Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi cha mẹ thì than ôi... cha mẹ còn đâu nữa!)

Vậy thì anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy mau quay về bên mẹ và dâng lên người nỗi niềm một thuở nhớ thương:

“Mẹ ơi! Con nhớ ngày xưa,
Chiều bên đồng ruộng bóng mưa đổ về.
Con đùa, con nghịch mải mê,
Đâu hay mẹ đã lạnh tê cả người.”

Và có lẽ không có nỗi đau đớn xót xa nào bằng niềm hoài vọng của đứa con sớm mồ côi cha mẹ:

“Năm xưa tôi còn nhỏ,
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc,
Im lặng tôi sầu thôi!
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.
Độ nhỏ tôi không tin,
Người thân yêu sẽ mất.
Hôm ấy tôi sững sờ,
Và nghi ngờ trời đất.
Từ nay tôi hết thấy,
Trên trán mẹ hôn con.
Những khi con phải đòn,
Đau lòng mẹ la lẫy.
Kìa nhà ai sung sướng,
Mẹ con vỗ về nhau.
Tìm mẹ con không có,
Khi buồn biết trốn đâu?
Hoàng hôn phủ trên mộ,
Chuông chùa nhẹ rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ,
Là mất cả bầu trời!”
Kính thưa chư Tôn đức!
Kính thưa quí Phật tử!

Theo tục lệ phương Tây: “Nếu anh còn mẹ thì đến Ngày của mẹ:[16]“Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...” “...Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa.”[17]

Tục lệ này, ngày nay đã ảnh hưởng tốt đẹp ở nước ta nhưng không một ai biết chính xác có từ lúc nào.

Chỉ nghe kể lại rằng vào những năm đầu của thập niên 60, Hòa thượng Nhất Hạnh sang Nhật thăm thầy Thiên Ân. Do mới qua bên ấy nên Hòa thượng chưa am tường về phong tục tập quán của xứ này.

Một hôm, Hòa thượng cùng thầy Thiên Ân, một du học tăng Việt Nam trên đất Nhật và biết tiếng Nhật đi mua sách. Trên đường đi ngài gặp một thiếu nữ Nhật Bản cúi đầu lễ phép chào ngài. Sau câu chào hỏi ngài không hiểu gì nhưng thấy cô gái lặng lẽ rút trong bóp của mình một cánh hoa cẩm chướng màu trắng và cài lên ngực áo cho ngài bằng một thái độ hết sức thành kính xen lẫn nỗi niềm xúc động. Ngài vẫn giữ im lặng trong sự cung kính để cô gái cài hoa lên ngực áo cho mình và cúi đầu chào từ giã.

Khi đến tiệm sách hỏi ra thì ngài mới biết hôm nay là ngày tưởng niệm mẹ của người dân xứ Phù Tang, tức là ngày Chủ nhật của tuần lễ thứ 2 tháng 5 dương lịch. Vào ngày tưởng niệm mẹ của người dân xứ này thì bất luận là người nào khi ra đường đều chuẩn bị hai loại hoa; một loại màu đỏ thắm sẽ gửi tặng cho bất cứ ai họ gặp trên đường khi biết người đó còn mẹ, để người đó hạnh phúc và yêu thương mẹ nhiều hơn. Và họ cũng sẽ bùi ngùi trao cho những ai bất hạnh không còn mẹ một cánh hoa màu trắng. Từ nguồn cảm xúc ấy, Hòa thượng Nhất Hạnh đã viết nên tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo.”

Thời gian sau đó, lễ cài hoa hồng dần dần được chính thức áp dụng vào tất cả các ngôi chùa Việt Nam mỗi khi Vu Lan Thắng Hội về, và trở thành một truyền thống mang ý nghĩa cao đẹp của đạo Phật trong mùa báo hiếu.

Như chúng ta đã biết, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu sâu sắc đậm nồng. Và màu đỏ thắm như màu máu con tim, màu của sự sống sẻ chia, hy sinh mà mẹ dành cho con từ lúc mới tượng hình. Còn đóa hoa hồng trắng dẫu đẹp mà sao trông buồn bã quá. Nó hiu hắt, lạnh lùng như mảnh khăn tang phủ trên đầu con trẻ thì trọn đời mồ côi mẹ... Mẹ ơi!

Kính thưa quí vị!

“Biển sâu lòng mẹ sâu hơn,
Cơn vui sóng vỗ nỗi buồn chiều lên.
Cuốn nhau tìm tới con tim,
Cách chi con mẹ đáp đền công ơn.”

(Hà Huyền Chi)

Ôi! Công ơn sanh thành của cha mẹ cả cuộc đời chúng ta không sao trả hết. Mẹ là người đã cho chúng ta tất cả; cho chúng ta từ không thành có, từ có thành lớn khôn:

“Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con khôn lớn thành người mới thôi.”

Mà thật ra, tình mẹ thương con vốn không cùng tận, đã bao giờ thôi đâu! Mãi đến khi nhắm mắt lìa đời, tình thương của mẹ vẫn chưa từng hết.

Mẹ ơi! Mẹ đã cho con hình hài bằng máu và trái tim, bằng nỗi đau tột độ. Mẹ đã nuôi con lớn khôn bằng bầu sữa bổ dưỡng ngọt ngào, lời ru êm dịu mà từ thuở bé con đã nghiền mân mê vú mẹ, và miệng thèm đôi núm màu đỏ son. Rồi khi con biết đòi ăn, cha mẹ là người đút cho con từng muỗng cháo, muỗng cơm. Khi con biết đòi ngủ, cha mẹ là người thức hát ru con. Ôi! Tình của mẹ ấm nồng, lời của mẹ dịu êm.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời,

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.”

(Nguyễn Duy)

Quí vị thử nghĩ lại xem, chúng ta đã bao lần bỏ quên mẹ bên:

“Lều tranh khói bếp la đà,

Run run gậy trúc mẹ già tựa hiên.”

Mẹ tựa hiên trông ngóng, đợi chờ những đứa con “quên cha quên mẹ tình thâm, quên xứ quên sở lâu năm không về”. Những đứa con mà ngày nào mẹ chỉ dám:

“Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.”

(Nguyễn Bính)

Nhưng đau đớn thay... những đứa con vẫn biền biệt phương nào, để mỗi đêm về:

“Mẹ già lạy Phật Thích-ca
Lạy quanh tám hướng căn nhà trống trơ.”

Đây là hình ảnh rất thực tế, thời nào cũng có. Vậy mà chúng ta vẫn chưa hết “đi hoang”. Đôi khi ở ngay bên cạnh mẹ mà chúng ta cũng dửng dưng làm kiếp “cô hồn” bỏ quên nguồn cội, bỏ mặc mẹ già hiu hắt dòng lệ khô. Chúng ta chạy đuổi theo những vị ngọt cuộc đời mà quay lưng với bầu sữa bổ dưỡng ngày thơ. Chúng ta dại dột quá! Hồi nhỏ “mẹ cho cục kẹo, cái bánh con mừng. Bây giờ con lớn, mẹ cho con cả cuộc đời mà con không nhận”. Con bỏ mẹ bơ vơ!

Kính thưa quí vị!

Đương nhiên là chúng ta không bao giờ muốn mình trở thành đứa con bất hiếu. Cũng chẳng bao giờ chúng ta muốn cho cha mẹ khổ đau. Nhưng thực tế, chúng ta đã quên cha mẹ, đã bỏ cha mẹ mà đi. Để cho:

“Lòng già sớm bạc cơn mong,
Dáng vui trong mỗi chiều trông nhang tàn.
Mẹ ngồi một cõi chưa tan...”

Chờ đợi... và chờ đợi trong cô đơn tuyệt vọng!

Và ở nơi phương trời vô định nào đó, chúng ta có lần nào nhớ đến cha mẹ không? Chúng ta có thấy “tiếng gió chiều thổi qua làn khói mái tranh xiêu. Và trong giếng mắt buồn tê dại, mẹ đứng nhìn quanh mà tủi phận nghèo”? Nếu như chúng ta có được điều đó thì mới thấy rằng mình còn có mẹ ở trong tim.

Quý vị biết không? Bất luận nền luân lý đạo đức nào cũng đều lấy chữ hiếu làm đầu. Một người con đã vong ân bội nghĩa, đã bất hiếu với cha mẹ thì không còn việc độc ác xấu xa nào mà chẳng dám làm. Những người con ấy, nhân phẩm xem như đã mất thì có xứng đáng làm một con người không?

Thế nên, bổn phận làm con chúng ta phải ý thức được điều này: Phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Vì trong thực tế, tình yêu mà cha mẹ dành cho con thật không thể dùng hình ảnh nào so sánh kịp. Nếu ước lượng thì “chỉ có vũ trụ kia không bờ không bến mới sánh được với tình mẹ thương con vốn không tận không cùng.” Tình yêu đó dẫu Đông Tây, kim cổ đều chẳng khác.

Truyện cổ Hy Lạp kể rằng: “Có anh chàng tên là Cô-dắc yêu nàng tiên nữ Óc-xa-na. Anh Cô-dắc đến cầu hôn, tiên nữ đòi sính lễ bằng trái tim người mẹ. Mẹ sẵn sàng đáp ứng mong muốn của con. Bà lấy mũi dao bén rạch sâu vào lồng ngực, máu xối ra, tay run run hiến trái tim mình cho con để làm sính lễ. Vì mừng quá nên Cô-dắc vội vàng chạy đến với người yêu, bỏ mặc mẹ nằm thiêm thiếp trong đớn đau cô quạnh. Giữa đường anh vấp ngã. Sững hồn, bỗng anh nghe từ trong lòng đất vang lên tiếng nói ngọt ngào đầm ấm quen thuộc nao nao: ‘Con ơi! Con có sao không?’ Cô-dắc nhìn quanh không thấy ai cả ngoài trái tim người mẹ mà anh đang nắm chặt trong tay.”

Lại nữa, truyền thuyết dân gian ta có kể một câu chuyện về người mẹ bị rắn độc cắn mà chỉ lo nghĩ tới đứa con đang ở nhà... Bà biết mình sắp chết nên cố chạy riết về nhà đổ lúa vào cối xay, đổ thóc vào cối giã gấp gấp để có gạo cho con ăn mới vui lòng chịu chết. Và lạ lùng thay, điều mầu nhiệm đã xảy đến. Trong khi bà mẹ cố dồn hết sức lực, bắp thịt vận động ráo riết thì nọc độc thoát ra theo tuyến mồ hôi, toát ra theo hơi thở mạnh: Bà mẹ thoát chết!

Quí vị có thể nào không cảm động trước tình thương con bao la của mẹ, một tình thương không bờ bến?

Mẹ ơi!

“Mẹ như nước ngọt dòng sông,
Như lòng của biển, như đồng lúa xanh.
Tuổi thơ con ngủ yên lành,
Lời ca dao đó mẹ dành cho con.”
Vậy mà:
“Con nào hay sức mẹ hao mòn,
Tay chai mặt nám sắc son phai tàn.”

Cũng như, có những đêm mưa dầm rả rích, “mẹ thắp đèn chong vá áo cho con” giữa lúc con say sưa trong giấc ngủ hồn nhiên. Rồi mẹ khẽ lay con dậy, dịu dàng trao cho con bài học cuộc đời rằng:

“Gần đèn để thấy đời con sáng,
bóng tối làm con tối cuộc đời.”

(Anh Tài)

Kính thưa quí vị!

Có thể nói thêm rằng nhân loại có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu bản tình ca, áng văn, thi phú về mẹ. Duy chỉ có ngôn ngữ không lời mới là tuyệt tác vĩnh cửu trong con.

Mẹ ơi! Mẹ là bóng cây, là dòng suối, là bài hát, là ánh sáng... là tất cả niềm tin trong cuộc đời con. Mẹ thương con là một điều thiên phú. Tình yêu đó mẹ không chỉ dành cho con khi còn ở đời mà mãi đến lúc trở về cát bụi mẹ vẫn nặng mang:

“Mẹ ơi! thân xác mẹ còn đây,
Một nửa hồn xa cõi lụy đày.
Một nửa hồn kia còn ở lại,
Những niềm đau khổ quá sâu cay.”

(Vi Khuê)

Và vì vậy, trong suốt cuộc đời con, hình ảnh mẹ vẫn luôn là nguồn an ủi, động viên lớn nhất trong những khi con hụt hẫng giữa đường đời. Với bao đau khổ, hạnh phúc, nhục vinh, thành bại... không có mẹ con sẽ không còn sức để vươn lên.

Ôi! “Lời mẹ ru con mãi về sau còn rung tiếng người. Một ngày trong nôi, tay mẹ nâng giấc mơ vào đời. Dạt dào yêu thương chong đèn khuya mẹ thức từng đêm. Xót xa trong lòng mai dẫu đời con có về đâu.”

Con có về đâu mẹ cũng theo cạnh bên con để dắt dìu nâng đỡ. Dẫu cho mẹ có cực khổ trăm bề, dãi dầu sương gió, nắng mưa, buôn tảo bán tần kiếm từng chén cơm, manh áo đến quên cả thân mình mẹ cũng không màng, chỉ mong sao cho con của mẹ được yên bình trong cuộc sống:

“Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái gió trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.”

Đâu chỉ có thế, từ thuở còn trong thai con đã được mẹ chăm chút từng ly từng tí rồi. Cho nên, bây giờ mẹ dẫu có một nắng hai sương, dẫu có héo gầy khổ cực vẫn một lòng yêu thương con khờ.

Mẹ xăn quần tới gối, tay nổi gân xanh, dầm mưa dãi nắng, chỉ mong cho con lớn lên công thành danh toại. Vậy mà... con có biết đâu. Con đã bao lần làm mẹ đau, mẹ khóc, mà mẹ chẳng một lời than van!

Kính thưa mẹ! Kính thưa cha! Kính thưa các đấng sanh thành! Chúng con xin cúi đầu sám hối. Xin cha mẹ hãy nhận đây tất cả lòng thành con trẻ:

“Mẹ ơi! mẹ có biết không,
Con thương mẹ lắm gian truân nhọc nhằn.
Vì con nào quản tấm thân,
Trèo non lội suối gió sương dãi dầu.”

Kính thưa quí vị!

Chẳng biết có muộn màng lắm không khi bấy lâu nay chúng ta mãi lang thang phiêu bạt:

“Bước chân lữ khách rối bời,
Từ trong tiền kiếp vọng lời long đong.
Gió đời thổi lạnh tàn đông,
Vô thường một đóa nở hồng trong tâm.
Luân hồi quán trọ lặng câm,
Ta còn mê mãi trong vòng trần ai.”

Nhưng dẫu có muộn màng hay không thì hôm nay đây chúng ta cũng đã tỉnh rồi. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà không về với mẹ để lòng già thôi bớt quạnh hiu!

Chúng ta hãy về và cùng ôn lại những tháng ngày bên mẹ. Từ tiếng võng trưa kẽo cà kẽo kẹt, đu đưa trong lời ru ngọt ngào của mẹ bên tai đã vỗ về giấc ngủ như gió từ đại dương thổi vào mát rượi lòng con. Lời ru đó đã ru con ngủ hằng ngày trong niềm mơ ước tương lai. Lời ru lồng lộng điều nhân nghĩa!

Rồi con dần lớn, mẹ dạy con phải biết đem sức mồ hôi, sức lao động để tạo sự nghiệp cho mình. Nhưng lúc ấy con khờ dại quá! Con chỉ biết rong chơi mà phớt lờ lời mẹ dạy. Con đã vô tâm không hay biết mẹ thao thức suốt đêm dài để suy tính, nghĩ ngợi đến tiền chợ tiền gạo ngày mai. Vô tư hồn nhiên, con không để ý đến những nếp nhăn trên trán mẹ và mái tóc hoa râm đang ngày một nhiều thêm cho đến trở thành bạc trắng!

Đến khi con lập gia đình thì bao bận bịu gia duyên ràng buộc nên con không còn ở gần bên mẹ nữa. Thỉnh thoảng trở về thăm mẹ chút thôi mà thời gian cũng hiếm hoi. Thế mà... mẹ vẫn điềm nhiên lo lắng cho sự sống của con. Mẹ bảo rằng dù con có thật sự đã lớn, nhưng trong mắt mẹ con vẫn là đứa trẻ thơ khờ dại cần phải có mẹ đỡ nâng.

Ôi! Tình mẹ bao la quá! Mẹ một đời chỉ biết lo cho con như dòng sông chở nặng phù sa vun bồi cho đồng ruộng, như dòng suối mát lành chảy về xuôi. Dù cho mẹ không sống đủ trăm năm nhưng đã lo cho con dư dả nụ cười và tiếng hát. Để rồi... “một lần thôi mẹ ơi, mẹ đã không ngăn con khóc, là khi mẹ đã không thể nào lau nước mắt cho con, là khi mẹ đã không còn”.

Kính thưa mẹ!

“Dù con hơn nửa cuộc đời,
Không có mẹ vẫn là người mồ côi.”

(Minh Nguyệt)

Thế nên hôm nay, nhân mùa báo hiếu về, chúng con kính dâng lên mẹ bằng tất cả tấm chân tình qua những cánh hoa hồng dù đỏ hay trắng:

“Kính dâng lên mẹ đóa hồng,

Thắm tươi dào dạt mênh mông biển trời.”

Và này anh ơi! Chị ơi! Em ơi! Chúng ta hãy lưu giữ trong lòng mình những cánh hoa hồng thắm đó. Chúng ta hãy tưởng niệm đến công ơn người đã từng “lo cho con suốt cuộc đời cũng chưa đủ, người đã nuốt trọn đắng cay che giấu bệnh tình, cho đến khi mắt mẹ đã không còn nhìn thấy nữa mà mẹ vẫn mỉm cười khi biết con mẹ đã thành danh”.

Mà than ôi! Dòng đời có biết đâu, tháng năm như nước chảy qua cầu, con phiêu bạt trên vạn nẻo đường nhân thế mà bóng mẹ hiền vẫn dõi mắt trông theo.

Mẹ ơi!

“Con không đợi một ngày kia mẹ mất,
Mới giật mình khóc lóc đau thương.”

Hay đợi đến một ngày:

“Có con mới biết sự tình,
Khi xưa thầy mẹ nuôi mình thế nao.”

Và:

“Ngắm con khờ, con thầm gọi mẹ ơi!
Mưa tí tách ngoài thềm như tiếng vọng.
Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng,
Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa.”

(Thu Nguyệt)

Hoặc là:

“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

Mà mẹ ơi!

“Bao lâu rồi con lưu lạc ngàn phương,
Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải.
Ơn dưỡng dục mẹ ơi sao xiết kể,
Công sanh thành con nghĩ quặn lòng đau.”

(Thích Quảng Độ)

Và buồn bã nhất là những chiều thu vàng vọt, con chạnh lòng nhớ mẹ nhớ khôn nguôi. Mẹ ơi! “Vu Lan đến cõi lòng con quạnh quẽ”, nỗi ngậm ngùi rơi lệ khóc mẹ đã không còn để con được yêu thương. Để “có những đêm con thiêm thiếp trong mơ”, con mơ thấy mẹ về bên con ấp ủ tình thương mẫu tử. Và để khi con giựt mình thức dậy, tất cả chỉ là giấc mơ, con hoảng hốt kêu gào than khóc:

“Đừng đi đâu cả mẹ ơi!
Đừng đi đâu cả về nơi cuối cùng.”

Con sợ... con sợ lắm mẹ ơi! Khi dòng “thời gian cứ đi đi mãi, tuổi thơ con dừng lại kỉ niệm thật đầy, nhưng ước mơ thì quá nông” vì con không còn có mẹ; để trên đường đời con thẫn thờ đếm từng bước chân côi đi trong cô liêu nghe lòng tê tái:

“Trên con đường hôm nay đầy lá đổ,
Con bước đi đi mãi giữa hoàng hôn.
Thoáng bơ vơ lạc lõng dậy trong hồn,
Khi chợt nhớ mẹ mình không còn nữa.”

Vậy quý vị ơi! Những ai may mắn còn được mẹ hiền thì phải cố gắng lo tròn chữ hiếu. Không phải đợi đến ngày Vu Lan báo hiếu chúng ta mới tất bật chạy lên chùa thắp nhang lạy Phật cầu nguyện và dự lễ cài hoa hồng mà gọi là đủ. Chúng ta hãy yêu thương mẹ ngay trong từng phút giây của sự sống để thấy mình còn diễm phúc có được mẹ hiền. Đời còn mẹ là còn nhựa sống và tràn đầy ý nghĩa.

Kính thưa quí vị!

“Cây khô đâu dễ mọc chồi,
Cha mẹ đâu dễ sống đời với ta.
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.”

Và chúng ta dẫu có biết rằng cuối cùng của kiếp người là cái chết, rồi tất cả sẽ trở về với cát bụi ngàn thu, nhưng vẫn không sao tránh khỏi nỗi đau đớn trong lòng khi biết rằng mai này cha mẹ sẽ không còn nữa. Do đó, chúng ta phải dành cho cha mẹ tất cả những gì chúng ta có được. Từ vật chất đến tinh thần, chúng ta hãy dâng lên cho cha mẹ.

Ở đây, sự thành kính phụng dưỡng mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, sự hiếu thảo theo thế gian chỉ dừng lại trên bề mặt cuộc sống. Không khéo chúng ta sẽ gây thêm tội nghiệp mà tuổi già chuốc não phiền. Cho nên, theo tinh thần của đạo Phật, bổn phận làm con phải khuyến khích cha mẹ quay về với Chánh đạo, phát tâm lành qui y Tam Bảo và thọ trì Năm giới, để tuổi già có nơi nương tựa tâm hồn. Hướng dẫn cha mẹ quay về với cuộc sống tâm linh tốt đẹp là phương cách báo ân chu toàn hơn hết.

Và thương cha mẹ, lo cho cha mẹ thì không gì hơn là giúp người hiện tại sống được an ổn, cõi lòng thanh thản, mai sau được an nhàn giải thoát. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi cha mẹ mất rồi làm tang lễ cho linh đình, cúng giỗ cho to mà bảo là có hiếu thì quả là một sai lầm lớn.

“Sống thì con chẳng cho ăn,
Chết rồi xôi thịt làm văn tế ruồi.”

Đó là một thực trạng đáng buồn mà ít nhiều chúng ta thường vấp phải.

Nhưng hôm nay đây đã là đệ tử Phật, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo vấn đề báo hiếu. Vâng! Ngoài việc phụng dưỡng sớm thăm tối viếng, lo cho cha mẹ đầy đủ vật thực cần dùng trong lúc tuổi già, chúng ta nên động viên, khuyến khích cha mẹ tìm nguồn an lạc tâm hồn trong vấn đề tu thiện. Được như vậy mới có thể tạm gọi là phần nào đáp đền thâm ân cha mẹ.

Kính thưa quí vị!

Tấm lòng của cha mẹ bao la như trời cao biển rộng. Bổn phận làm con, chúng ta phải hết lòng báo đáp. Nếu không, sẽ có lúc chúng ta phải khóc than cho sự muộn màng này. Bởi vì “mẹ là ánh sáng, là ngọn đèn thắp sáng bằng máu con tim, là đốm lửa thiêng liêng cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối”, soi sáng nẻo con về.

Vậy, chúng ta hãy mau mau trở về mà nắm lấy tay mẹ để thấy đời còn hạnh phúc:

“Mẹ cho con nắm bàn tay,
Bàn tay mẹ ẵm con ngày xa xưa.
Mẹ ơi! Nếu lỡ một mai
Mẹ về với đất tay ai con cầm?”

Nhưng hỡi ôi! Trong chúng ta đây có những người bất hạnh không còn có mẹ hiền để nắm lấy bàn tay yêu thương trìu mến nữa. Bàn tay mà mẹ đã từng chắt chiu dắt con qua mấy nhịp cầu tre lắt lẻo đến trường nay còn đâu nữa. Tay con chới với buông thõng vào hư vô và bàng hoàng nhìn lên ngực áo “đóa hoa hồng từ nay hóa trắng”, trắng nỗi niềm nhớ mẹ da diết tâm hồn.

Kính thưa quí vị!

Trong giờ phút thiêng liêng của ngày Vu Lan báo hiếu, chúng ta hãy dành trọn tấm chân tình tưởng niệm ân đức cao dày của hai đấng sanh thành. Và hãy cùng chung vui hạnh phúc với nhưng ai còn có mẹ hiền, còn có mẹ để cài hoa hồng đỏ thắm. Nhưng cũng đừng quên chia sớt nỗi ngậm ngùi với những ai mất mẹ đứng bơ vơ nhìn đóa hoa hồng trắng.

Và một lần nữa, chúng ta hãy dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Và để cùng nhau:

“Ngâm câu thơ cũ trời quê mẹ,
Ran tiếng chim chuyền nhành quýt tơ.
Mẹ như nhánh rẽ dòng sông nhỏ,
Mang hạt phù sa tưới đất quê.”

(Võ Đình Hồng)

Đồng thời, chúng con thành kính dâng lên cha mẹ nỗi niềm sâu kín:

“Mẹ ơi! năm tháng còn văng vẳng,
Tiếng hát ầu ơ của mẹ ru.
Từ thuở xa xưa giờ thấm lại,
Trong lòng con trẻ đẹp thiên thu.”

Hỡi các anh, các chị, các em, đóa hoa hồng vừa cài lên áo đó, chúng ta hãy cùng nhau vui bước về bên mẹ hiền, dẫu có muộn màng nhưng vẫn còn hơn. Chúng ta hãy về và ngậm ngùi chia sẻ nỗi mất mát lớn lao với những người không còn mẹ.

“Thu sang lá rụng sân chùa cũ,
Mà mẹ ra đi chẳng trở về.
Lắng tiếng chuông ngân hòa nhịp mõ,
Nghe lòng chết lịm nỗi đau tê.”

(Khương Vi)

Kính bạch Chư tôn thiền đức!

Kính thưa quí Phật tử!

“Vì biết cuộc đời khổ với không,
Nên con gác lại mối thương lòng.
Hoằng dương chánh pháp đền ơn nặng,
Cúc dục sanh thành thỏa ước mong.”

(Lệ Ngọc)

Và giờ đây, trong buổi lễ trang nghiêm của ngày Vu Lan Thắng Hội, một lần nữa, kính mời quí vị, chúng ta hãy cùng nhau chắp tay tưởng niệm và đảnh lễ cha mẹ, thành kính dâng lên lời sám tội và phát nguyện rằng: đời này và mãi mãi cùng tột đời vị lai, chúng ta sẽ là những con thảo, cháu hiền, để bao nhiêu người mẹ trên thế gian này không còn đau khổ vì những đứa con vong ân bội nghĩa nữa.

Chúng ta hãy thành tâm hướng về hình ảnh đức Đại Hiếu Mục-kiền-liên, niệm hồng danh Ngài 3 lần để cầu Ngài chứng minh cho lòng hiếu thảo của chúng ta, và cầu Ngài gia hộ cho cha mẹ hiện tiền được nhiều phúc lạc, thác rồi sớm được siêu sanh.

Nam Mô Đại Hiếu Mục-kiền-liên Bồ Tát Ma-ha-tát

(3 lần)

THIỀN VIỆN SƠN THẮNG

Mùa Hạ 2001 - PL: 2545


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2021(Xem: 4984)
Nhà thiền có danh từ Tọa Xuân Phong để diễn tả hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau, không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất đẹp. Danh từ đó, tạm dịch là “Ngồi Giữa Gió Xuân” Mùa Xuân chẳng phải là mùa tiêu biểu cho những gì hạnh phúc nhất trong bốn mùa ư? Hạ vàng nắng cháy, vui chơi hối hả như đàn ve sầu ca hát suốt mùa để cuối mùa kiệt lực! Thu êm ả hơn, nhưng nhìn mây xám giăng ngang, lá vàng lả tả, tâm- động nào mà không bùi ngùi tưởng tới kiếp nhân sinh?
07/02/2021(Xem: 5214)
Chú mục đồng chậm rãi bước xuống sông. Bên cạnh chú, con trâu lớn nhất đàn ngoan ngoãn xuống theo. Đôi mắt hiền lành của nó nhìn chú như mỉm cười, tin tưởng và thuần phục. Những con trâu bé hơn lại nhìn bước đi vững chãi, an lạc của con trâu đầu đàn mà nối nhau, cùng thong thả qua sông. Đây là khúc sông cạn mà chú đã dọ dẫm kỹ lắm. Đáy sông lại không có những đá nhọn lởm chởm có thể làm chân trâu bị thương. Bên kia sông, qua khu rừng có những cội bồ đề râm mát là tới đồng cỏ rộng. Mùa này, sau những cơn mưa, cỏ non vươn lên xanh mướt, đàn trâu gồm bẩy con mà chú có bổn phận chăm sóc tha hồ ăn uống no nê sau những giờ cực nhọc cầy bừa ngoài đồng lúa.
07/02/2021(Xem: 7995)
Khi những cơn bảo và áp thấp nhiệt đới hung hãn nhất vừa tạm qua đi, khí trời phương Nam cũng trở buồn se lạnh. Nhiều người cho đó là hoàn lưu của những cơn bão miền Trung mà tất cả con dân “bầu bí chung dàn” vẫn còn đang hướng về chia sẻ, nhưng ít người nhận ra rằng đó chính là cái se lạnh của mùa đông phương Nam, báo hiệu mùa xuân sắp đến nơi ngưỡng cửa của bộn bề lo toan hằng năm.
06/02/2021(Xem: 6138)
Mười bức “Tranh Chăn Trâu” trong phần này là của họa sư Nhật Bản Gyokusei Jikihara Sensei, vẽ vào năm 1982 nhân một cuộc thăm viếng thiền viện Zen Mountain Monastery ở Mount Tremper, New York, (Hoa Kỳ). Họa sư vẽ để tặng thiền viện. Các bài thơ tụng thời nguyên gốc của thiền sư Quách Am viết vào thế kỷ thứ 12. Thơ tụng được chuyển dịch ở đây bởi Kazuaki Tanahashi và John Daido Loori, sau đó được nhuận sắc bởi Daido Loori để mong tạo lập ra những hình ảnh và ẩn dụ cho thêm giống với phong cảnh núi sông ở quanh thiền viện Zen Mountain Monastery. Thiền sư Daido Loori là người lãnh đạo tinh thần và là tu viện trưởng của thiền viện này.
04/02/2021(Xem: 5619)
Hôm qua mình có giới thiệu cuốn sách Buddhism in America (Phật Giáo Mỹ) của Richard Hughes Seager. Có bạn hỏi thêm muốn tìm hiểu Phật Giáo Mỹ nên nhờ mình giới thiệu vài cuốn. Nghĩ rằng đây là câu hỏi hay nên mình xin viết giới thiệu 7 cuốn sách để nhiều người lợi lạc. 1. Cuốn The Faces of Buddhism in America (Diện Mạo của Phật Giáo ở Mỹ) do Charles Prebish 2. Buddhist Faith in America (Đức Tin Phật Giáo ở Mỹ) tác giả Michael Burgan 3. Buddhism in America của Richard Huges Seager (1999, tái bản 2012) 4. Buddhism in America của Scott Mitchell 5. Altered Traits: Science Reveals How Meditation Changes Your Mind, Brain, and Body, 2017 6. A Mindful Nation: How a Simple Practice Can Help Us Reduce Stress, Improve Performance, and Recapture the American Spirit, 2012, 7: American Dharma: Buddhism Beyond Modernity
01/02/2021(Xem: 4255)
Tại các nước nông nghiệp hình ảnh con trâu với đứa trẻ chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo là một hình ảnh quen thuộc thường gắn liền với đời sống của người dân. Tại Việt Nam, từ lâu hình ảnh này đã đi vào tâm thức mọi người và không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào lãnh vực văn học nghệ thuật nữa. Trong văn học Phật giáo nói chung và văn học Thiền tông nói riêng thời hình ảnh con trâu với trẻ mục đồng đã trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật. Những hình ảnh này hiển hiện trong truyền thống kinh điển cũng như được đề cập đến nhiều lần trong những thời pháp của đức Phật khi Ngài còn tại thế.
01/02/2021(Xem: 9151)
Vào thời thái cổ, theo truyền thuyết Đế Minh là cháu bốn đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngủ Lĩnh ( nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung quốc ). Vua Đế Minh đã dừng chân tại nơi nầy, ngài cưới Vu Tiên nữ con vua Động Đình Hồ làm vợ. Đế Minh sinh được một trai tư chất thông minh ngài đặt tên Lộc Tục. Vào năm 2879 trước tây lịch ( khoảng thế kỷ thứ 7 TCN ) Đế Minh phong cho con làm vua ở phương Nam. Lộc Tục lên ngôi xưng đế hiệu Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ ngài đóng đô tại Phong châu.
01/02/2021(Xem: 5709)
Kinh Phật đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm, kinh Phật cuối cùng là kinh Đại Bát Niết Bàn. Chúng ta học hai kinh nầy để nắm trọn lịch trình của đạo Phật. Kinh Đại Bát Niết Bàn thường gọi là Niết Bàn là kinh vừa kể lại lịch sử đức Phật trước khi nhập diệt vừa là kinh nói về lời giáo huấn cuối cùng của ngài. Vừa tâm lý tình cảm vừa là lời nhắn nhủ sau cùng của Phật cho đạo tràng như người cha trăn trối cho con tiếp tục theo đường đi của ngài. Đời thế gian của Đức Phật khi sinh ra vì bào thai to lớn quá phải giải phẩu bụng của mẹ ngài nên mất máu mà mất sớm, ngài sống qua sự nuôi dưỡng của người dì em của mẹ.
01/02/2021(Xem: 7019)
Phần này bàn về các danh từ gọi dụng cụ gắp cơm và đưa vào miệng (ăn cơm) như đũa hay trợ, khoái, giáp cùng các dạng âm cổ của chúng. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), TQ (Trung Quốc), ĐNA (Đông Nam Á), HT (hài thanh), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), VBL (tự điển Việt Bồ La/1651) ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895).
29/01/2021(Xem: 5741)
Ở đời không phải ai cũng chấp nhận sự chân thành của bạn. Những người quanh ta luôn công nhận việc tốt mà ta đã và đang làm, trở thành đương nhiên như thế… và đến một ngày kia bạn quá mệt mỏi liệu có ai bên cạnh bạn và cảm thông với bạn không? Vì trong suy nghĩ của họ bạn là người tự nguyện cho đi..., trong hoàn cảnh như thế liệu bạn có tiếp tục cho đi nữa hay không? Tất nhiên là có, chúng ta hãy tiếp tục sống tốt nhưng phải là người tốt thông minh. Hãy tin rằng không có nỗ lực nào là uổng phí, hãy có quan điểm và lý tưởng của chính mình, luật nhân quả luôn đền bù cho bạn xứng đáng. Nhà Phật dạy có Luân Hồi-Ngiệp Báo. Không ai phủ nhận rằng quan tâm chăm sóc người khác là tốt, nhường nhịn người khác đều là tốt, tuy nhiên quan tâm quá, họ sẽ làm khó ta vạn lần, nhiệt tình quá họ sẽ đâm ra nghi ngờ, thậm chí khiến bạn bị tổn thương …
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]