Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Suối nguồn yêu thương

21/02/201116:21(Xem: 6338)
4. Suối nguồn yêu thương

HÁT LÊN LỜI THƯƠNG YÊU
Nguyên Minh

Suối nguồn yêu thương

Làng quê tôi ngày xưa không có giếng khoan, càng không có những nhà máy nước hiện đại như bây giờ. Nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của cả làng chỉ nhờ vào một cái giếng chung mà không ai biết đã có tự bao giờ.

Nước giếng bốn mùa trong vắt, dù người dùng nhiều đến đâu cũng chưa bao giờ cạn. Mùa đông giá rét, nước múc lên từ giếng nóng ấm cả bàn tay. Mùa hè nóng bức, nước giếng lại mát rười rượi; được tắm nước giếng mới lấy về vào ban trưa thì sướng không gì bằng!

Năm ấy, chiến tranh thật khốc liệt. Đạn pháo nổ ì ầm suốt mấy ngày đêm, rơi cả vào trong làng. Dân làng sợ hãi kéo nhau lên thị xã ngụ cư, trong làng chẳng còn ai, cả đến gà vịt cũng chẳng dám để lại!

Rồi mấy tháng sau, cuộc chiến lắng dịu, mọi người lũ lượt kéo nhau về làng. Việc đầu tiên tất nhiên là phải đến giếng làng lấy nước. Nhưng khi đến nơi thì ai nấy đều thảng thốt: lòng giếng gần như khô cạn, chỉ còn lại một vũng nước nhỏ ngầu ngầu đục, nổi lều bều bên trên là mấy chiếc lá tre khô!

Trong khi chúng tôi đều hốt hoảng thì mấy cụ già có vẻ như vẫn thản nhiên. Họ bình tĩnh bảo mọi người lấy gàu đến múc nước. Rồi từng gàu, từng gàu nước ngầu đục được chúng tôi thay nhau múc lên khỏi giếng.

Nước dưới đáy giếng cạn dần, cạn dần. Nhưng thật bất ngờ và kỳ lạ thay, đến lúc chúng tôi tưởng như sắp múc lên gàu nước cuối cùng thì từ giữa giếng bỗng xuất hiện liên tục những sóng nước vòng tròn, trước chậm, sau nhanh dần, rồi cuối cùng chuyển thành những cuộn sóng nhỏ nổi cả lên trên mặt nước.

Rồi nước giếng dâng lên cao dần. Chúng tôi tiếp tục múc nhanh hơn. Nước không còn ngầu đục nữa mà ngày càng trong hơn, nhiều hơn. Chỉ khoảng nửa giờ sau thì những gàu nước múc lên đã hoàn toàn trong vắt như xưa, và lòng giếng cũng dâng đầy nước không còn khô cạn nữa.

Ngày ấy, tôi vẫn cho đó là điều kỳ lạ nhất trong đời mà mình đã từng được chứng kiến. Mãi về sau mới hiểu ra được vì sao có hiện tượng ấy. Đó là vì trong mấy tháng dài không người múc nước, bùn đất trong lòng giếng đã dần dần lắng xuống và bít đi mạch nước ngầm giữa giếng. Phần nước bên trên một phần thấm vào chung quanh, một phần bốc hơi, nên lòng giếng gần như khô cạn. Khi có người múc nước, bùn đất bị khuấy động và đồng thời nước bị múc cạn đi, làm cho mạch nước có khả năng bắt đầu tuôn chảy. Khi đã chảy được, nước đẩy dần lớp bùn đất lắng đọng bên dưới và khôi phục lại tình trạng như trước. Do đó, nước ngầm mới nhanh chóng dâng lên trong lòng giếng. Nếu hằng ngày đều có người múc nước, nước ngầm sẽ liên tục chảy và hiện tượng lắng bít mạch nước như trên không thể xảy ra.

Lòng thương yêu của chúng ta cũng là một mạch nước ngầm. Nếu chúng ta biết mở rộng lòng thương yêu, nguồn mạch thương yêu của chúng ta sẽ tuôn chảy mãi mãi không bao giờ cạn kiệt. Nhưng nếu chúng ta không có cơ hội – hoặc không tạo ra cơ hội – sử dụng đến khả năng thương yêu của mình, thì không bao lâu nguồn mạch ấy sẽ khô kiệt đi, không còn khả năng tuôn chảy nữa!

Điều này giải thích vì sao khi bắt đầu mở rộng lòng thương yêu chúng ta sẽ càng dễ có khả năng cảm thông và thương yêu người khác nhiều hơn nữa, thậm chí cho đến cả các loài sinh vật khác. Ngược lại, những ai chưa từng thực hành lòng thương yêu sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể thực sự cảm thông và yêu thương người khác, nhất là khi đó không phải là một người thân ruột thịt của họ.

Nhiều hiện tượng tâm lý rất thường gặp có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn nhận xét này. Nếu bạn có dịp tiếp xúc với những người có hoàn cảnh sống cô độc và ít khi có dịp chăm sóc người khác – chẳng hạn như những người góa vợ, góa chồng và không con cái, hoặc những người chưa từng lập gia đình... – bạn sẽ dễ dàng cảm nhận ngay được một sự khô khan và khó tính rất thường gặp ở họ. Điều này thường được biểu hiện qua thói quen lầm lì ít nói, thiếu cảm thông và đôi khi lạnh lùng trong giao tiếp. Thật ra, hầu hết những người này trước đây không hẳn đã như thế, nhưng qua một thời gian sống cô độc và không có dịp để thương yêu, chăm sóc người khác, nên “nguồn mạch” thương yêu của họ đã dần dần khô kiệt, không còn tuôn chảy được nữa. Nếu trong số họ có những người biết chọn cho mình một lối sống thích hợp, dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động từ thiện xã hội hoặc tiếp xúc, chăm sóc cho người khác, chắc chắn họ sẽ có thể duy trì và phát triển được khả năng thương yêu vốn có của mình.

Một ví dụ khác là điều mà chúng ta hay gọi là “bản chất nghề nghiệp”. Những người phải thường xuyên làm công việc cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc với người khác cũng thường dễ trở nên lầm lì ít nói, và lâu dần sẽ trở thành khô khan, thiếu cảm thông và rất khó mở lòng thương yêu người khác. Trừ khi họ tự ý thức được điều này và có những sự điều chỉnh tâm lý thích hợp để có thể duy trì và phát triển được nguồn mạch yêu thương của mình.

Một người bạn tôi đã từng là bác sĩ trưởng khoa cấp cứu ở một bệnh viện lớn. Có lần anh ta tâm sự với tôi: “Môi trường làm việc của chúng tôi không cho phép có sự cởi mở trong giao tiếp. Những câu hỏi của bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh thường không dễ trả lời, thậm chí đôi khi không thể trả lời. Vì thế, chúng tôi chỉ có cách duy nhất là im lặng hoặc ậm ừ cho qua chuyện. Lâu dần thành thói quen.”

Mà quả đúng là lâu dần thành thói quen. Làm bạn với nhau khá lâu mà tôi rất ít khi thấy anh nói cười thoải mái như những người bạn khác. Đã có lần tôi đến nhà dùng cơm chung với vợ chồng anh – vợ anh cũng là bác sĩ – và tôi cảm nhận một bầu không khí im lặng nặng nề trong suốt bữa ăn. Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mong muốn một cuộc sống thường xuyên như thế, nhưng chính ảnh hưởng của nghề nghiệp đã tạo nên như vậy.

Vì thế, điều tốt nhất mà mỗi chúng ta có thể tự làm cho bản thân mình là đừng bao giờ để cho nguồn mạch yêu thương của mình phải khô kiệt. Và để làm được điều đó, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải thường xuyên khơi mở nguồn mạch ấy, bằng cách mở lòng thương yêu những người quanh ta. Cũng giống như mạch nước ngầm trong đáy giếng kia, suối nguồn yêu thương một khi được khơi mở sẽ có thể mãi mãi tuôn chảy không bao giờ khô cạn.

Nếu có một tài sản quý giá nào đó của chúng ta mà có thể dùng mãi không bao giờ hết, lại ngày càng trở nên nhiều hơn, thì đó chỉ có thể là lòng thương yêu! Vì quả thật là khi chúng ta càng thương yêu người khác thì lòng thương yêu của chúng ta càng có điều kiện để phát triển hơn lên chứ không bao giờ cạn kiệt.

Cách đây hơn 2500 năm, Lão tử đã từng nhận ra thứ tài sản quý giá này và tính chất của nó. Trong Đạo Đức Kinh, ông viết: “Ta có ba vật quý để ôm ấp gìn giữ. Một là lòng thương yêu, hai là tính kiệm ước, ba là sự khiêm hạ.”[8]

Như vậy, ngay từ thời đại của mình, khi con người còn đang sống trong những cuộc chiến tranh giết chóc triền miên giữa các thế lực chính trị tranh giành quyền lực, Lão tử đã nhận ra được rằng lòng thương yêu chính là một trong các tài sản quý giá nhất mà mỗi con người đều sẵn có. Hơn thế nữa, ông cũng biết được rằng thứ tài sản này có thể dùng hoài không hết mà còn có thể ngày càng phát triển nhiều hơn. Ông viết: “Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.”[9]

Chúng ta ngày nay tự hào được sống trong một nền văn minh đỉnh cao của nhân loại với hàng ngàn phát minh khoa học mới lạ giúp cho cuộc sống con người trở nên cực kỳ tiện nghi, thoải mái, khác xa thời Lão tử, nhưng rất nhiều người trong chúng ta lại chưa từng hiểu và cảm nhận được hết những gì mà Lão tử đã từng nói ra cách đây hơn 25 thế kỷ. Quả thật là một sự thiếu sót vô cùng đáng tiếc. Bởi vì, sự thật là chỉ cần nhận ra được vốn quý thương yêu sẵn có của mình, chúng ta sẽ không phải phí nhiều thời gian chạy theo biết bao điều vô nghĩa, trong khi lại bỏ quên đi thứ tài sản quý giá vốn dĩ có thể giúp chúng ta tạo nên một cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Hơn thế nữa, lòng thương yêu không chỉ là vốn quý của mỗi chúng ta, mà còn là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần. Chính vì vậy mà những ai thiếu thốn tình thương trong cuộc sống thường không thể có được một cuộc sống phát triển tinh thần bình thường. Mặt khác, khi được sống trong tình thương của người khác, chúng ta mới có thể dễ dàng phát triển lòng thương yêu. Ngược lại, khi phải sống trong một môi trường khô khan tình cảm, chúng ta thường rất khó phát triển khả năng thương yêu của chính mình; và một khi chúng ta không thể mở rộng lòng thương yêu, chúng ta cũng sẽ rất hiếm khi nhận lại được sự thương yêu từ người khác.

Chính cái vòng luẩn quẩn như thế đã nhấn chìm biết bao cuộc đời trong đau khổ, chỉ bởi suối nguồn yêu thương của họ đã cạn kiệt không một lần khơi mở. Vì thế, để thoát ra khỏi tình trạng này chúng ta phải nhận biết và chủ động thực hành thương yêu như một phương cách duy nhất để khơi mở nguồn mạch yêu thương sẵn có của mình.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/04/2012(Xem: 8115)
Xuyên qua không gian và thời gian Chúa tể quyền lực của khẩu và hiện thân của trí tuệ, Đức Văn Thù tôn quý Xin hãy ngự mãi trên bông sen trong tâm con...
18/04/2012(Xem: 11557)
Đầu tiên cần nhớ lại định nghĩa về nghiệp xấu – bất cứ hành động nào mà kết quả là khổ đau, thông thường là một hành động thúc đẩy bởi sự ngu dốt, gắn bó hay thù ghét.
18/04/2012(Xem: 10416)
Ban cho với lòng vị tha có ý nghĩa rèn luyện từ chiều sâu của trái tim trong một thái độ rộng lượng chẳng hạn mà chúng ta không tìm cầu bất cứ một phần thưởng hay kết quả nào cho chính mình. Hãy nghĩ về hành vi từ thiện và tất cả những lợi ích của nó như chỉ hướng đến lợi ích của người khác. Mặc dù từ thiện có thể được tiến hành bởi những ai tìm kiếm lợi ích cho chính họ, chẳng hạn như ai đấy hiến tặng từ thiện nhằm để trở nên nổi tiếng, bố thí vị tha hoàn toàn không liên hệ đến lòng vị kỷ.
18/04/2012(Xem: 10698)
Chức năng đặc trưng của đại bi là gì? Như Liên Hoa Giới[1]nói trong Những Giai Tầng Thiền Quán: Khi chúng ta cảm thấy bi mẫn tự động phát sinh nguyện ước tiêu trừ hoàn toàn khổ đau của tất cảchúng sinh - giống như nguyện ước của một bà mẹ làm vơi bớt nổi khổ đau vì bệnhtật của đứa con yêu mến ngọt ngào của bà - thế thì lòng bi mẫn của chúng ta làhoàn toàn và do thế được gọi là đại bi[2].
17/04/2012(Xem: 10809)
Kính lễ đạo sư! Với lòng sùng mộ đến bậc đạo sư, Tam Bảo vô thượng, Và đức Bổn tôn được chọn, con xin quy y [các ngài]. Để tất thảy chúng sinh, nhiều như hư không vô tận...
16/04/2012(Xem: 7317)
Việc thực hành Pháp là một vấn đề nghiêm túc và quan trọng, mọi người cần phải nhận ra điều này. Đây là cơ hội quý giá sắp đến, điều mà chưa bao giờ từng đến trước đây.
16/04/2012(Xem: 9170)
ột vài người có thể nghĩ rằng, Rime (Rimed, phát âm là Remay) là một truyền thống riêng biệt của Phật giáo Tây Tạng, hay đây là một truyền thống mới, tách biệt khỏi tám dòng truyền thừa thực hành hay năm truyền thống chính. Nhưng sự thật thì không phải thế.
16/04/2012(Xem: 9418)
Chìa khóa để khơi dậy sự gia trì là lòng sùng mộ với động lực là sự ăn năn, của những cách thức cũ và từ bỏ luân hồi. Lòng sùng mộ này không chỉ là sự lặp lại đơn thuần...
14/04/2012(Xem: 9018)
Phật giáo dùng một thí dụ dễ hình dung và đầy thi vị để tượng trưng cho sự tu tập : « vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau». « Vượt sang bờ bên kia» là nghĩa từ chương của chữ Ba-la-mật,tiếng Phạn là Paramita, kinh sách gốc Hán gọi là « đáo bỉ ngạn» (đến được bờ bên kia). Nhưng thật ra ý nghĩa của chữ Ba-la-mật thường được hiểu theo nghĩa bóng là « Hoàn hảo», « Hoàn thiện», « Siêu nhiên», « Đạo hạnh siêu phàm», « Đạt đuợc trí tuệ siêu việt»…
14/04/2012(Xem: 8415)
Cólẽ người đọc cũng hơi ngạc nhiên với một chủ đề xưanhư trái đất. Không biết đã có bao nhiêu băng đĩa CD, sáchvở, bài viết, bài giảng về chủ đề Chánh ngữ. Tuy nhiêndù đã thuộc lòng hay đã nghe giảng đến nhàm tai, có baogiờ ta tự hỏi đã áp dụng chánh ngữ được bao nhiêu lầntrong cuộc sống của mình và có khi nào ta tìm hiểu xem vaitrò của chánh ngữ nằm ở đâu không trong cái xã hội tântiến ngày nay ?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]