Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Từ bỏ sự giết hại

21/02/201114:52(Xem: 6296)
13. Từ bỏ sự giết hại

PHÓNG SINH - CHUYỆN NHỎ KHÓ LÀM
Nguyên Minh

Từ bỏ sự giết hại

Như trong một phần trước đã nói, thế giới này của chúng ta vốn là nơi quy tụ của những chúng sinh đã tạo nhiều ác nghiệp, trong đó nặng nề nhất vẫn là nghiệp giết hại. Trong một bối cảnh như vậy, việc đa số con người vẫn tiếp tục làm chuyện giết hại cũng là điều dễ hiểu. Và bất cứ ai kịp thời tỉnh thức để dừng lại, dù ít dù nhiều cũng đều là một sự đáng quý.

Vì vậy, chúng ta không nên đòi hỏi việc nhất thời có thể dứt bỏ hoàn toàn cả việc giết hại trực tiếp và gián tiếp. Chỉ cần ta nhận thức được vấn đề và có một quyết tâm tự thay đổi chính mình theo hướng vươn lên, điều đó sẽ giúp ta dần dần rũ bỏ được những ác nghiệp đã tạo.

Khởi điểm khiêm tốn nhất của chúng ta trước hết là nên từ bỏ ngay mọi hành vi trực tiếp giết hại. Điều này vô cùng quan trọng. Bởi vì, trong thực tế có một sự khác biệt rất lớn giữa việc bạn ăn thịt gà và tự tay cắt cổ giết gà. Hành vi trực tiếp giết hại bao giờ cũng là một ác nghiệp rất nặng nề, làm thương tổn lòng từ bi và nuôi lớn thêm tập khí giết hại vốn đã sẵn có trong mỗi chúng ta. Vì thế, từ bỏ được việc trực tiếp giết hại sẽ là một bước khởi đầu rất quan trọng và có thể mang lại những thay đổi lớn lao trong tâm hồn bạn.

Vào thời đức Phật còn tại thế, khi ngài lần đầu tiên thuyết dạy về việc từ bỏ hành vi giết hại trong xã hội Ấn Độ, cũng có rất nhiều người không thể làm theo ngay được. Vì thế, ngài đã tạm thời cho phép các đệ tử được dùng ba loại thịt gọi là “trong sạch” (tam tịnh nhục). Ba loại thịt ấy là:

1. Thịt của con vật mà người ăn không trực tiếp nhìn thấy khi nó bị giết.

2. Thịt của con vật mà tai người ăn chẳng nghe biết khi nó bị giết.

3. Thịt của con vật mà người ăn hoàn toàn không biết là đã bị giết để cho mình ăn.

Đây chính là phương tiện mà đức Phật đã dùng để giúp các đệ tử của ngài dần dần từ bỏ việc giết hại. Vì thế, sau khi đã từ bỏ được việc trực tiếp giết hại, chúng ta cũng có thể học biết ba loại “tịnh nhục” này để tạm thời sử dụng trong khi chưa thể hoàn toàn dứt bỏ việc ăn thịt. Khi chỉ dùng ba loại “tịnh nhục” này, ta sẽ tiến được xa hơn một bước nữa trong việc từ bỏ sự giết hại.

Cùng với những việc làm trên, ta nên bắt đầu làm quen với một số ngày ăn chay trong tháng. Hầu hết những người tập ăn chay thường bắt đầu mỗi tháng hai ngày, vào đầu tháng và giữa tháng. Ta có thể tăng dần lên bốn ngày, rồi sáu ngày, mười ngày... Lâu dần, ta có thể phát nguyện ăn chay một tháng, hoặc hai tháng, ba tháng... trong một năm.

Điều quan trọng nhất trong việc tập ăn chay là những ngày chay phải hoàn toàn trong sạch, thuần khiết. Bạn có thể ăn chay mỗi tháng bốn ngày mà giữ được trọn vẹn, còn hơn là mỗi tháng mười ngày nhưng không thực sự trong sạch. Đặc biệt, trong ngày ăn chay tuyệt đối không nên mua sắm hoặc nấu nướng những thức ăn mặn để chuẩn bị cho ngày hôm sau, vì như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của ngày ăn chay.

Ngày nay, ăn chay không chỉ là vấn đề của tín ngưỡng. Các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đôi khi cũng đề nghị với bệnh nhân nhiều chế độ dinh dưỡng để trị bệnh, mà thực chất là những chế độ ăn chay, bởi vì chúng loại trừ hoàn toàn các loại thịt, cá. Sở dĩ như vậy là vì khoa học đã nhận ra rất nhiều tác hại của việc ăn thịt động vật, đồng thời cũng nhận ra những ưu điểm của việc ăn chay đối với sức khỏe. Ăn chay giúp ngăn ngừa rất nhiều mầm bệnh, giúp cơ thể phát triển một cách tự nhiên hơn vì không phải đối phó với nhiều chất độc hại có trong các loại thịt động vật. Người ăn chay rất hiếm khi bị thiếu hụt các sinh tố (vitamin), vì chúng hiện diện rất nhiều trong các thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả...

Một trong những hoài nghi của khoa học dinh dưỡng trước đây đối với việc ăn chay là có thể dẫn đến suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm (protein). Tuy nhiên, mối lo ngại này nay đã hoàn toàn được giải tỏa, khi khoa học khám phá ra rằng các loại đậu, nhất là đậu nành, chứa một hàm lượng đạm rất cao và ở dạng dễ tiêu hóa, tốt hơn nhiều so với đạm có trong thịt động vật.

Vì thế, nếu bạn quyết định ăn chay, bạn có thể sẽ nhận được sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng rằng điều đó hoàn toàn tốt cho sức khỏe của bạn, không phải lo ngại về việc “thiếu dinh dưỡng” như trước đây rất nhiều người vẫn lầm tưởng.

Mặt khác, trong những nỗ lực từ bỏ sự giết hại, bạn không thể không xem xét đến việc từ bỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Do thói quen đã lâu đời, chúng ta luôn nhìn việc chăn nuôi gia súc, gia cầm như một hành vi rất tự nhiên, không có gì đáng để xem là ác nghiệp. Hơn thế nữa, đây lại là một trong những nguồn kinh tế phụ khá quan trọng đối với nhiều gia đình. Một số người mặc dù đã biết ăn chay nhưng vẫn tiếp tục chăn nuôi. Họ nghĩ rằng, chỉ nuôi thôi, đừng giết hại chúng là được rồi! Nhưng than ôi, tuy không giết mà bán cho người khác giết thì cũng có khác gì!

Chúng ta hãy thử đưa ra một vài phân tích để thấy rõ bản chất thực sự của việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, mỗi người sẽ có thể tự cân nhắc, xem xét để thấy rõ là việc này có nên làm hay không.

Trước hết, chúng ta chỉ có một động cơ duy nhất để chăn nuôi. Đó là lợi dưỡng. Hoặc ta nuôi để trực tiếp giết thịt, hoặc nuôi để bán cho người khác giết thịt, nhưng cả hai cũng đều đưa lại kết quả giống nhau cho tất cả gia súc, gia cầm được nuôi. Không có ai nuôi gà, vịt, lợn... vì lòng từ bi, thương xót chúng! Vì thế, mục đích của việc làm đã có thể xác định một cách rất rõ ràng, không cần bàn cãi.

Và một khi mục đích đã được xác định ngay từ đầu, thì số phận của tất cả những con vật nuôi tất nhiên là đã được định sẵn – một số phận không lấy gì làm khả quan mà tất nhiên là không có bất cứ sinh vật nào mong muốn.

Như vậy, xét cho cùng thì chăn nuôi cũng chính là một hành vi giết hại. Quan trọng hơn nữa, đây là một hành vi giết hại có sự cố ý, có một kế hoạch định sẵn, và thường là có quy mô tập thể.

Người đánh bẫy thú rừng có thể bắt được mỗi ngày một vài con thú để làm kế sinh nhai. Đó là ác nghiệp rõ ràng mà ai trong chúng ta cũng có thể thấy rõ. Thú rừng thoáng thấy bóng dáng anh ta thì đều sợ hãi, lẫn trốn. Anh ta cũng lộ rõ không che giấu vẻ hung bạo của mình khi bắt được những con mồi, và chúng luôn cảm nhận được là sẽ chết trong tay anh ta. Mặc dù vậy, trước khi vào rừng thì anh ta cũng không thể biết là hôm nay mình sẽ giết hại những con thú nào, thậm chí cũng không thể biết là liệu có con thú nào vướng bẫy hay không... Những điều đó có một phần nào không nằm trong sự tính toán của anh ta.

Nhưng với người chăn nuôi thì khác. Anh ta có thể có một dáng vẻ rất hiền hòa, thân thiện với đàn gia súc, gia cầm của mình, thậm chí còn vuốt ve chúng nữa. Không có con vật nuôi nào sợ sệt anh ta, vì anh ta cho chúng ăn, gần gũi với chúng. Vì thế, chúng không muốn lẫn tránh anh ta – nhưng cho dù có muốn, chúng cũng không thể làm được điều đó! Những con vật ấy thật khó có thể biết được, cảm nhận được rằng mình sẽ chết trong tay con người hiền hòa và thân thiện này! Nhưng tất cả đều đã nằm trong sự tính toán của anh ta, nên anh ta hoàn toàn có thể biết chắc được là hôm nay những con vật nào sẽ chết, có bao nhiêu con sẽ chết... Con số đó có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm...

So sánh những điều trên thì bạn có thể thấy ngay tính chất nhẫn tâm của một người chăn nuôi thực ra là vượt xa cả những người săn bắt thú. Sở dĩ người ta không nhận ra sự nhẫn tâm đó, là vì người ta mặc nhiên không chịu thừa nhận rằng sinh mạng của những gia súc, gia cầm kia cũng là sinh mạng, và cũng đều đáng quý như sinh mạng của mỗi chúng ta!

Bây giờ, nếu bạn thử so sánh số phận của những con vật bị săn bắt trong tự nhiên với số phận của những con vật nuôi, bạn sẽ thấy ra một điều là những con vật nuôi thực ra kém may mắn hơn nhiều.

Thứ nhất, những con vật nuôi chưa từng có được một đời sống tự do. Sinh hoạt hằng ngày của chúng hoàn toàn là do người nuôi quy định. Ngày nay, người ta còn nghĩ ra những cách như nuôi gà trong ống tre, nuôi heo trong những khung kín không thể xoay trở... tất cả đều là nhằm tăng thêm lợi nhuận, và cái gọi là “quyền sống” của con vật chưa bao giờ được xem xét đến. Trong khi đó, những con vật trong tự nhiên luôn có được một đời sống tự do, có thể nô đùa, bộc lộ tình cảm với nhau, ít nhất cũng là khi chưa bị con người giết hại.

Thứ hai, những con vật nuôi đã nhận sẵn bản án tử hình ngay từ lúc sinh ra, và bản án đó có thể được thực hiện bất cứ lúc nào. Lợn sữa cũng có thể bị mang đi quay nướng, bồ câu ra ràng1 ăn càng bổ dưỡng... Không có quy định nào về độ tuổi của những con vật bị giết, hay nói cách khác là chúng có thể chết bất cứ lúc nào. Và chúng hoàn toàn không có khả năng lẫn tránh, chạy trốn như những con thú trong tự nhiên. Chúng chỉ có một con đường duy nhất là ngoan ngoãn đi vào chỗ chết.

Thứ ba, những con vật nuôi là những tử tù hoàn toàn không có hy vọng được ân xá. Trong khi những con thú trong tự nhiên bị bắt về còn có hy vọng trong muôn một là sẽ có người mua chúng để phóng sinh, thì những con vật nuôi hoàn toàn không có được hy vọng này. Bạn có thể mua chim, cá, thỏ, rùa, cua... nghĩa là bất cứ con vật nào trong tự nhiên để phóng sinh, trả chúng về cho tự nhiên. Nhưng ngược lại, cho dù có thương xót đến đâu bạn cũng không thể mua những con gà, con vịt... để phóng sinh, vì chúng hoàn toàn không có chỗ để bạn trả về! Chúng chỉ có mỗi một con đường duy nhất trong xã hội loài người này, đó là đường chết!

Ngay cả với những con vật được nuôi dưỡng với một vài mục đích khác hơn là việc giết thịt, thì số phận cuối cùng của chúng cũng không tốt đẹp hơn. Trâu cày vẫn bị giết thịt, bò sữa cũng không thoát khỏi, chó giữ nhà rồi cũng chung số phận... Bất kể chúng có đóng góp được những gì, đích đến cuối cùng của chúng vẫn là sẽ bị giết thịt!

Bởi vậy, cách duy nhất để góp phần chấm dứt những số phận đen tối của gia súc, gia cầm là hãy từ bỏ việc chăn nuôi. Cho dù ta có thừa nhận hay không thì đó vẫn là một ác nghiệp, và nó chắc chắn sẽ chiêu cảm những ác báo tương ứng. Nếu đã quyết tâm từ bỏ việc giết hại, bạn cũng nên dứt khoát với việc chăn nuôi.

Hơn thế nữa, một người bẫy thú nếu biết hồi tâm, chỉ trong một ngày có thể đổi nghề để sinh sống. Với một người chăn nuôi thì điều đó khó khăn hơn nhiều. Bởi sự giết hại của anh ta là một kế hoạch cụ thể, nên anh ta thật khó lòng mà không hoàn tất kế hoạch đó, khi nó mang lại cho anh ta nhiều lợi nhuận.

Và như đã nói, việc thực hành phóng sinh vào bất cứ khi nào có dịp sẽ hỗ trợ rất mạnh mẽ cho bạn trong việc thực hiện tất cả những điều trên để từ bỏ ác nghiệp. Như một kết quả tất nhiên, những người đã thường xuyên làm việc phóng sinh thì không thể tự mình trực tiếp làm việc giết hại. Trong thực tế, những người thường xuyên làm việc phóng sinh sẽ ăn chay rất dễ dàng, vì họ không còn cảm thấy thích thú những món ăn có thịt cá, thậm chí còn có phần ghê sợ nữa. Thường xuyên phóng sinh cũng làm tăng trưởng tâm từ bi, từ đó giúp bạn sáng suốt nhận ra tính chất ác hại của việc chăn nuôi nên có thể từ bỏ một cách dễ dàng hơn.

Và nếu chúng ta có thể từ bỏ việc giết hại, thực hành việc phóng sinh cũng như trở thành người ăn chay hoàn toàn, thì ngay giữa thế giới còn đầy dẫy ác nghiệp này ta vẫn có thể nhận ra được ánh sáng từ bi đang tỏa sáng, phá tan đi bức màn vô minh tăm tối.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2016(Xem: 19913)
Đã có nhiều người nói và viết về nhạc sĩ Hằng Vang . Phần nhiều là những bài viết trong sáng, chân thực. Thiết tưởng không cần bàn cãi, bổ khuyết . Viết về anh, nhạc sĩ Hằng Vang, tôi chỉ muốn phác một tiền đề tổng hợp cốt tủy tinh hoa tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của anh ; rằng : Anh là một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, anh là một thành phần chủ đạo trong dòng chảy âm nhạc nầy ngay từ khi khởi nghiệp sáng tác thời phong trào chấn hưng Phật giáo, xuyên suốt qua nhiều biến động lịch sử trọng đại của PGVN cho đến tận bây giờ, anh vẫn miệt mài, bền bĩ cảm xúc, sáng tạo trong dòng chảy suối nguồn từ bi trí tuệ đạo Phật.
22/09/2016(Xem: 11569)
Cuộc đời như tấm gương soi, qua đó ta có thể nhận ra chính mình. Trước tiên, nó phản ảnh TÂM ta: Kẻ bi quan thấy đời đáng buồn... Người lạc quan thấy đời sao vui thế!
15/09/2016(Xem: 8508)
Mối quan tâm của tôi trải rộng đến từng thành phần trong gia đình nhân loại, đúng hơn là đến tất cả chúng sinh đang phải gánh chịu khổ đau. Tôi tin rằng sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân của tất cả mọi khổ đau. Chỉ vì đuổi bắt hạnh phúc và các sự thích thú ích kỷ mà chúng ta gây ra khổ đau cho kẻ khác. Thế nhưng hạnh phúc đích thật thì chỉ phát sinh từ tình nhân ái chân thật mà thôi. Chúng ta cần phải huy động ý thức trách nhiệm toàn cầu giữa mỗi người trong chúng ta và đối với cả hành tinh này, nơi mà chúng ta cùng chung sống.
15/09/2016(Xem: 12867)
Câu chuyện này xảy ra khi đức Bổn sư ở tại Kỳ Viên với năm trăm Tỳ-kheo chứng quả. Có năm trăm Tỳ-kheo nhận đề mục thiền định từ đức Bổn Sư, trở về rừng và nỗ lực thiền định. Nhưng mặc dù gắng sức chiến đấu hết mình, họ không thể nào phát triển tuệ giác.
14/09/2016(Xem: 8072)
Sở dĩ tôi không trả lời những câu hỏi của bạn lần này bằng thư riêng, là vì những điều bạn nêu ra cũng là nghi vấn chung của rất nhiều người. Vì thế, tôi trình bày nội dung giải đáp những vấn đề của bạn trong chuyên mục "Phật pháp ứng dụng" kỳ này, hy vọng có thể giúp bạn cũng như nhiều người khác giải tỏa được những vướng mắc trong sự tu tập.
12/09/2016(Xem: 10062)
Dưới đây là câu chuyện của một người đàn ông ăn xin đầy xúc động kể lại. Tấm lòng lương thiện của cô gái đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Đang đi trên đường tình cờ một người ăn xin tiến lại gần và xin tiền thì liệu bạn có cho họ không? Hay bạn chỉ cho họ một ít theo sự phản xạ của bản thân. Và có bao giờ, bạn nghĩ sẽ cho người ăn xin đó một chiếc thẻ ngân hàng chứa gần 20 tỉ để họ tự đi rút tiền, càng quan trọng hơn, chiếc thẻ đó không có mật khẩu?
12/09/2016(Xem: 14467)
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử. Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:
11/09/2016(Xem: 7419)
Sinh ra lớn lên tại khu ghetto nghèo đầy tội phạm thường thấy tại các thành phố lớn, John không có cha, mẹ nghiện ngập suốt ngày. Bao nhiêu tiền chính phủ trợ cấp hàng tháng cho gia đình nghèo, mẹ anh dùng mua rượu, thuốc.
06/09/2016(Xem: 6916)
Trong sáu căn, mắt tai mũi lưỡi thân ý, có những căn ta thường xuyên xử dụng, cũng có những căn ta ít xử dụng hơn. Ta có thể nhắm mắt lại để không thấy, bịt tailại để không nghe, im lặng không nói năng, không làm gì cả, dừng mọi suy nghĩ. Ta cũng có thể không thấy, không nghe không biết,không làm,không động đậy, nhưng ta không thể không thở.
03/09/2016(Xem: 7024)
CƯỜI, LÀ GÌ? NÊN CHĂNG? Người ta biết đến giá trị của cái Có nhưng không mấy ai biết được cái Dụng của cái Không. Trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp, con người đã thể hiện những năng lực của bàn tay, khối óc và con tim … , nhưng ít ai biết tới một thứ đã tác động rất lớn lao và sâu xa đến bộ mặt thật của nhân loại, đó là Nụ Cười.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]