Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Phóng sinh - chuyện nhỏ khó làm

21/02/201114:52(Xem: 6536)
11. Phóng sinh - chuyện nhỏ khó làm

PHÓNG SINH - CHUYỆN NHỎ KHÓ LÀM
Nguyên Minh

Phóng sinh - chuyện nhỏ khó làm

Một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất có thể giúp chúng ta nhanh chóng dứt bỏ được sự giết hại là thực hành việc phóng sinh.

Trong thực trạng hôm nay, mỗi ngày quanh ta đều xảy ra vô số việc giết hại. Chim trời, cá nước... mỗi ngày đều bị bắt giữ, giết hại đến số không sao tính đếm hết. Nếu trong những sinh mạng đang bị đe dọa sắp giết hại đó, có thể bằng cách này hay cách khác cứu thoát chúng, trả chúng về với cuộc sống bình thường trong tự nhiên, dù chỉ là một con, hai con cho đến nhiều con, đều là thực hành việc phóng sinh, đều là tạo ra thiện nghiệp vô cùng to lớn, có thể xóa bỏ đi rất nhiều ác nghiệp đã tạo.

Việc phóng sinh vì thế rất đơn giản. Lấy ví dụ như trước đây ta vẫn thường ra chợ mua cá về ăn. Nay đã biết hồi tâm từ bỏ nghiệp giết hại nên không ăn nữa, cũng có thể ra chợ mua lấy một vài con cá còn sống rồi mang thả xuống sông, cứu nó thoát khỏi sự giết hại. Điều đó thật dễ dàng, vì mua cá để phóng sinh thì cũng không khác gì với trước đây ta vẫn ngày ngày mua cá để ăn vậy thôi.

Nhưng ý nghĩa của hai sự việc lại hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng trái ngược nhau. Việc làm trước đây là ngày ngày gây thêm ác nghiệp, việc làm bây giờ là ngày ngày tạo thêm thiện nghiệp, xóa dần ác nghiệp.

Tiến thêm một bước nữa, khi điều kiện cho phép, chúng ta có thể cố gắng mua nhiều cá hơn để phóng sinh. Nỗ lực càng nhiều thì thiện nghiệp càng lớn, cũng giống như người làm ruộng, gieo cấy càng nhiều thì sẽ gặt hái được càng nhiều.

Không chỉ là cá, mà chim, thỏ, cua, ếch... bất cứ loài vật nào cũng đều có thể mua để phóng sinh. Chỉ cần cứu thoát được chúng khỏi sự giết hại là việc phóng sinh xem như thành tựu.

Như trên đã nói thì việc phóng sinh quả thật rất dễ làm. Dù là có nhiều tiền hay ít tiền cũng đều làm được. Dù là thực hiện trong một ngày hay nhiều ngày, cũng đều có thể tùy theo khả năng mà làm, không nhất thiết phải hạn định ở mức nào mới được. Vì thế, nếu xét theo sự đơn giản và cách thức thực hiện dễ dàng như vậy thì việc phóng sinh quả thật chỉ là chuyện nhỏ...

Nhưng chuyện nhỏ này lại có thể mang đến cho chúng ta những sự lợi ích không nhỏ chút nào!

Trước hết, phóng sinh là hành vi mạnh mẽ nhất để đối trị với tập khí giết hại nhiều đời của chúng ta. Trong thực tế, do đã làm việc giết hại trong nhiều đời, nên ngày nay cho dù chúng ta có nhất thời nghe biết đạo lý, phân biệt được thiện ác mà phát tâm từ bỏ việc giết hại thì cái tập khí sâu nặng kia vẫn còn đó, luôn có khuynh hướng thúc giục chúng ta quay lại con đường cũ. Khi ta thực hành việc phóng sinh, mọi tư tưởng giết hại sẽ không còn có thể sinh khởi trong ta nữa. Đơn giản chỉ là vì bạn không thể cùng lúc nghĩ đến cả hai việc phóng sinh và giết hại!

Thứ hai, việc phóng sinh nuôi dưỡng tâm từ bi của chúng ta. Khi thực hành việc phóng sinh là ta thực hành quan tâm đến sự sống của loài vật, thấu rõ được sự đau đớn của chúng khi bị giết hại, cảm nhận được nỗi vui mừng của chúng khi được cứu sống. Do có sự quan tâm như vậy mà lòng từ bi của chúng ta được nuôi dưỡng, tâm hồn chúng ta trở nên nhạy cảm và dễ cảm thông hơn với loài vật cũng như với tất cả mọi người khác.

Thứ ba, như đã nói trên, nếu như giết hại là việc ác lớn nhất, thì phóng sinh lại là điều lành lớn nhất. Phóng sinh là cứu sống kẻ sắp chết, là mang lại sự bình an cho kẻ đang nguy cấp, là noi theo tâm từ bi vô lượng của chư Phật, vì thương xót chúng sinh đang khổ não mà ra tay cứu giúp.

Điều mà mỗi chúng sinh yêu thương, quyến luyến nhất chính là sinh mạng của mình. Ai cướp đi sinh mạng của ta, người ấy sẽ là kẻ thù lớn nhất; ai cứu thoát sinh mạng của ta trong lúc nguy cấp, người ấy sẽ là người ơn lớn nhất. Vì thế, thực hành phóng sinh chính là việc thay đổi oán thù thành ân nghĩa, chuyển điều ác thành điều thiện.

Chỉ một việc làm mà có thể mang lại những kết quả lớn lao như thế, chẳng phải là việc rất tốt đẹp hay sao?

Nếu nhìn theo góc độ nhân quả nhiều đời thì từ vô số kiếp đến nay ta đã gây biết bao sát nghiệp, lại cũng đã biết bao lần bị kẻ khác giết hại, vì thế mà kết thành không biết bao nhiêu oan nghiệt oán thù. Nếu không hồi tâm tỉnh ngộ thì nghiệp lực chiêu cảm, tất phải đời đời thọ sinh trong cõi luân hồi để trả nợ cho nhau. Cho nên luận Hộ pháp nói rằng: “Tất cả chúng sinh cứ lần lượt mà ăn nuốt lẫn nhau.” (Nhất thiết chúng sinh đệ tương thôn đạm.) Đó cũng là muốn nói lên ý này vậy.

Nhưng vì sao việc phóng sinh thật dễ làm và có thể mang lại lợi ích lớn lao như thế mà rất nhiều người lại không làm được? Điều này cũng có những nguyên nhân nhất định, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có thể nói là do chưa hiểu được thông suốt ý nghĩa của việc phóng sinh.

Cũng chính vì không hiểu được một cách trọn vẹn và đúng đắn ý nghĩa của việc phóng sinh, nên có rất nhiều người đã không tự mình làm việc phóng sinh mà còn đưa ra những lý lẽ phản bác, công kích người khác khi thấy họ làm việc này.

Lại cũng có không ít người, dù đã phát tâm làm việc phóng sinh, nhưng khi nghe người khác phản bác, công kích thì lại đâm ra hoang mang, hoài nghi rồi từ bỏ không làm nữa.

Kẻ chê bai vốn đã sai lầm, mà người nghe lời chê bai ấy lại động tâm thay đổi, bỏ đi việc tốt đáng làm, cũng là rơi vào chỗ sai lầm như họ. Tất cả đều chỉ vì không có đủ những hiểu biết và lập luận xác đáng về việc phóng sinh mà thôi.

Vì thực trạng đó cho nên cũng có thể nói rằng, việc phóng sinh quả là một chuyện nhỏ khó làm! Dù bản thân sự việc vốn dĩ không khó thực hiện, nhưng việc vượt qua những rào cản của sự chỉ trích, chê bai lắm khi lại rất khó khăn nên nhiều người đã không làm được. Thật đáng tiếc thay!

Điều đó cũng là vì những kẻ chê bai, chỉ trích thường đưa ra những lý lẽ mà thoạt nghe tưởng như rất chặt chẽ, xác đáng. Còn người làm việc phóng sinh thì lòng tin chưa sâu vững, lại ít khi chịu tìm hiểu về những ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh, nên một khi bị chê bai, chỉ trích liền rơi vào chỗ hoang mang, nghi ngờ.

Mặt khác, có nhiều khi sự chê bai, chỉ trích của người khác lại cũng là xuất phát từ cách hiểu, cách làm sai lệch của chính những người thực hiện việc phóng sinh. Nên xét cho cùng thì sự lầm lạc có khi cũng là ở cả đôi bên chứ không riêng bên nào.

Trước hết, việc phóng sinh phải là xuất phát từ tâm từ bi, mở rộng lòng cảm thông với nỗi khổ của chúng sinh sắp bị giết hại mà thực hiện việc phóng sinh. Nếu chỉ hiểu một cách đơn thuần rằng phóng sinh là việc thiện nên làm, rồi bắt tay thực hiện, thì cho dù đó cũng là điều tốt, nhưng hiệu quả của việc làm sẽ có rất nhiều hạn chế.

Thứ nhất, vì không cảm thông với nỗi khổ của chúng sinh khi bị giết hại, nên việc phóng sinh đó không giúp ta đối trị với tập khí sát nghiệp lâu đời. Vì thế, những người làm việc phóng sinh theo cách này thì hôm nay phóng sinh con vật này, ngày mai lại có thể ra tay giết hại con vật khác. Cái vòng luẩn quẩn giết tha, tha giết như thế rõ ràng không phải là chỗ ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh.

Thứ hai, khi làm việc phóng sinh mà không xuất phát từ tâm từ bi, thì tâm ấy vốn đã không được sinh khởi, còn nói gì đến chuyện được nuôi dưỡng! Do đó mà dù có nhiều lần làm việc phóng sinh cũng không thay đổi được tâm tánh, cũng không tăng trưởng được tâm từ bi.

Vì những lẽ trên, nên người làm việc phóng sinh mà trước hết không xuất phát từ tâm từ bi thì việc làm ấy cho dù vẫn là việc tốt, mà hiệu quả phải có nhiều hạn chế.

Hơn thế nữa, một khi đã không xuất phát từ tâm từ bi thì việc thực hiện rất dễ rơi vào chỗ sai lệch. Chẳng hạn, một số người làm việc phóng sinh như một cách bỏ tiền ra để mua lấy tiếng tốt, mong rằng những người khác qua việc làm ấy mà sẽ đánh giá tốt về mình. Một số người khác thấy bạn bè thân hữu quanh mình đều làm việc phóng sinh, nên dù không thực tâm muốn làm nhưng vì sợ người khác chê cười mà làm. Lại có những người vì lòng mong cầu được sự may mắn, được sống lâu, được khỏi bệnh tật... mà làm việc phóng sinh. Những điều này thực ra dù không mong cầu cũng tự nhiên sẽ được, vì là kết quả của việc thiện đã làm. Nhưng khi xuất phát từ lòng mong cầu những điều đó để làm việc phóng sinh thay vì là phát khởi tâm từ bi, thì hiệu quả của việc làm liền bị hạn chế đi rất nhiều.

Điều quan trọng nhất là, khi xuất phát từ những động cơ lệch lạc như trên để thực hiện việc phóng sinh thì tâm từ bi sẽ không tăng trưởng. Vì thế mà những người làm việc phóng sinh theo cách này thường không thể đảm bảo là sẽ kiên tâm thực hiện lâu dài.

Một trong những sai lệch thường gặp khác nữa là người ta thường đợi đến những ngày có lễ hội, những dịp quan trọng có đông người tham dự để làm việc phóng sinh. Mỗi lần như thế, họ thường phóng sinh rất nhiều, thậm chí có người còn ấn định trước con số vật loại sẽ phóng sinh, như ba trăm, năm trăm... Vì thế, trước ngày phóng sinh, có khi họ phải tìm mua ở nhiều nơi mới có đủ số để phóng sinh. Những kết quả tất nhiên của việc làm này là, vào các ngày ấy thì những con vật được bán với giá cao hơn và bán được nhiều hơn. Những người làm nghề săn bắt chim, thú, cá... đều biết vậy, nên vào những dịp này họ nỗ lực đánh bắt nhiều hơn để mong kiếm được nhiều tiền hơn.

Đứng từ góc độ khách quan mà nhìn vào như thế thì quả thật có rất nhiều lý lẽ để chê bai, chỉ trích.

Thứ nhất, khi người làm việc phóng sinh đua nhau thực hiện vào những dịp lễ hội và chấp nhận trả nhiều tiền hơn, khác nào là thúc giục, đôn đốc những kẻ săn bắt chim, thú... phải cố gắng săn bắt cho được nhiều hơn? Thậm chí họ còn chuẩn bị trước đó nhiều ngày để có được số lượng nhiều hơn, làm cho càng có nhiều chim thú phải chịu cảnh khổ vì bị bắt nhốt, giam cầm để chờ đợi. Ví như có dịp lễ hội nào mà số người làm việc phóng sinh ít hơn thường lệ, thì số chim, thú... được chuẩn bị sẵn ấy chắc chắn cũng không được thả ra, mà phải bị chuyển sang bán cho người ta ăn thịt. Như vậy, việc làm dù tốt mà có khác nào gây ra hậu quả xấu?

Thứ hai, do chim thú bị bắt với số nhiều, phải giam nhốt trong những môi trường chen chúc, chật hẹp, nên cá thiếu nước, chim thiếu khí trời... hết thảy đều phải khổ sở, thậm chí rất nhiều con phải chết trước ngày phóng sinh. Đã vậy, ngay cả những người mua chúng về để phóng sinh lại cũng muốn chờ cho đúng ngày, đúng giờ, nên chúng lại phải tiếp tục chờ đợi một cách khổ sở. Có khi trong một thùng nhỏ chứa đến hàng trăm con cá, trong một cái lồng bé tí mà có đến năm bảy chục con chim... Vì thế, cho đến lúc được trả về với tự nhiên thì một số trong đó đã phải mạng vong, một số khác dù chưa chết nhưng vừa được thả ra đã chết ngay trước mắt người phóng sinh. Số còn lại may mắn sống còn thì cũng đã phải trải qua một thời gian tù ngục khổ sở khôn kể xiết!

Nếu là xuất phát từ tâm từ bi để làm việc phóng sinh thì không thể mắc vào những sai lệch như trên.

Thứ nhất, các loài chim, cá, thú rừng... bị bắt về để bán cho người ta ăn thịt ngày nào cũng có, mà ngày nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau. Khi đã phát tâm làm việc phóng sinh thì chỉ sợ không có khả năng chứ không đợi ngày giờ. Ngay khi vừa có chút tiền có thể dành ra để mua được một con, hai con cho đến nhiều con đều sẽ lập tức tìm mua để thả ra. Bởi trong lòng thương xót chúng, cảm thông với nỗi khổ bị giam cầm, bị đe dọa, phải sợ hãi, đau đớn, nên làm việc cứu giúp phải càng sớm càng tốt, cũng bất kể là có ai biết đến việc làm của mình hay không, chỉ cần cứu sống được sinh mạng là tự thấy vui vẻ rồi.

Khi làm việc phóng sinh như thế này thì đến người bán cũng không cần phải biết là mình mua để phóng sinh, chỉ trao cho họ đủ tiền là được. Cho nên, mỗi ngày dù có một người, hai người cho đến hàng trăm người âm thầm làm việc phóng sinh như thế, thì vật loại được cứu sống dù rất nhiều cũng không kích thích lòng tham của những kẻ săn bắt hay buôn bán chim thú.

Thứ hai, do xuất phát từ tâm từ bi, cảm thông với nỗi khổ của chúng sinh đang bị giam cầm cấp thiết, nên ngay khi có đủ tiền mua rồi, liền lập tức mang thả ra ngay. Nhờ đó mà chim, cá, thú... đều không phải bị giam nhốt chờ đợi khổ sở. Bởi vậy, phóng sinh như thế này thì số con vật bị chết sẽ giảm thiểu, dù chẳng may có chết cũng là rất ít, và cũng là do nơi những người săn bắt, buôn bán trước đó, chứ không đến nỗi bị chính người phóng sinh hại chết!

Vì những lẽ trên cho nên nói rằng, muốn làm việc phóng sinh, trước hết nên phát khởi tâm từ bi, và xuất phát từ đó mà thực hiện việc phóng sinh.

Nếu được như vậy thì việc phóng sinh chỉ cần tùy vào khả năng thực sự của mình, cho dù ít ỏi cũng vẫn có được hiệu quả lớn lao, ác nghiệp sẽ ngày một giảm nhanh, tâm hiếu sát cũng không còn nữa, tâm từ bi được tăng trưởng ngày một mạnh mẽ hơn. Đến lúc đó thì nhìn thấy vật loại chúng sinh bị giam cầm, bức bách, tự nhiên sẽ phát khởi tâm từ bi vô lượng mà nghĩ cách cứu giúp theo khả năng của mình. Việc phóng sinh sẽ trở thành tự nhiên cũng như thở hít khí trời, không một chút gượng ép mà cũng không còn thấy là khó khăn như lúc ban đầu. Khi được như vậy, dù ai có viện ra bao nhiêu lý lẽ để chê bai, chỉ trích cũng không thể làm lay động lòng mình, chỉ phát khởi tâm từ bi mà thương xót cho kẻ mê muội ấy mà thôi.

Còn những ai vì chưa hiểu được ý nghĩa của việc phóng sinh mà đã từng thực hành theo cách sai lệch như trên, cũng không cần phải tự trách mình mà thối thác, từ bỏ việc phóng sinh. Vẫn nên tiếp tục làm, chỉ cần thay đổi nhận thức về việc làm của mình, tự mình phát khởi tâm từ bi, thương xót loài vật. Được như vậy thì những sai lệch trước đây sẽ tự nhiên dần dần mất đi, mà hiệu quả lớn lao của việc phóng sinh liền có thể cảm nhận được ngay.

Lại có người hỏi rằng: “Những kẻ săn bắt, buôn bán chim, thú... là dựa theo nhu cầu của người mua mà cung cấp. Nay khuyến khích nhiều người làm việc phóng sinh, có khác nào gia tăng thêm nhu cầu, buộc họ phải gia tăng thêm việc săn bắt, mua bán? Chi bằng nếu đã thấy rõ được ác nghiệp của việc giết hại thì tự mình dứt bỏ là được rồi. Bao nhiêu công sức để làm việc phóng sinh, có thể vận dụng để làm những việc thiện khác chẳng là tốt hơn hay sao?”

Lời này nghe qua thật là hợp lý. Và hiểu như thế thì rõ ràng là nếu có nhiều người làm việc phóng sinh, sẽ càng có nhiều người làm việc săn bắt, mua bán chim thú!

Nhưng cũng nên nghĩ lại rằng, chim thú vốn là đã bị bắt, mạng sống đang bị đe dọa, ta mới ra tay làm việc phóng sinh. Điều đó không có nghĩa là vì ta mà chim thú bị bắt, càng không có nghĩa là ta khuyến khích việc săn bắt!

Bản thân ta cũng vì đã tạo ác nghiệp trong nhiều kiếp mà phải sinh ra trong cõi thế giới này, nên nhìn ra chung quanh thì người người đều làm việc giết hại, người người đều mỗi ngày tạo thêm ác nghiệp. Nay ta có cố gắng làm việc phóng sinh, tu tập, cũng là để tự cứu lấy mình khỏi những ác nghiệp đã tạo. Một mai khi ác nghiệp đã dứt, thiện nghiệp đầy đủ, được sinh về những cõi thế giới tốt đẹp không có người làm việc giết hại, khi ấy cần gì phải làm việc phóng sinh?

Vì thế, lời nói trên lẽ ra phải nên hiểu ngược lại rằng: “Chính vì có người làm việc săn bắt, mua bán chim thú, nên mới phải có người làm việc phóng sinh. Càng nhiều người làm việc săn bắt, mua bán chim thú, lại càng phải có nhiều người làm việc phóng sinh hơn.”

Những người làm việc săn bắt, mua bán chim thú vốn có ác nghiệp riêng của họ. Ta dù có thương họ cũng không cứu giúp được, chỉ có thể cầu mong cho họ được nghe biết pháp Phật, hiểu được đạo lý thiện ác, tự mình từ bỏ ác nghiệp đang làm, thì mới có thể tự cứu được mình mà thôi. Cũng như những chim thú bị bắt giết kia, vốn cũng có ác nghiệp của chúng nên mới sinh làm loài cầm thú. Nay ta có thương xót cũng chỉ có thể nhất thời cứu thoát sinh mạng của chúng chứ không thể cứu được ác nghiệp mà chúng đang gánh chịu.

Nay dù không có ai làm việc phóng sinh, cũng không phải vì thế mà không có người làm việc săn bắt chim thú, bởi mục đích chính của họ vốn là bán cho người ta ăn thịt chứ không phải để bán cho những người làm việc phóng sinh!

Bởi vậy, bắt giết có ác báo của việc bắt giết, phóng sinh có thiện báo của việc phóng sinh. Nếu vì có nhiều người phóng sinh như ta mà những người săn bắt, mua bán gia tăng thêm việc làm của họ, đó cũng là xuất phát từ lòng tham lam của bản thân họ, không phải do nơi thiện tâm của chúng ta. Nếu họ chẳng tham lam muốn kiếm nhiều tiền hơn, thì dù ta có mua nhiều chim thú để thả ra, cũng không khiến họ gia tăng việc săn bắt. Vì thế, lòng tham là ở nơi họ, thì ác nghiệp là do họ tạo. Ta làm việc phóng sinh là xuất phát từ tâm từ bi, thì thiện nghiệp đã rõ ràng không thể nghi ngờ gì nữa!

Lại có người hỏi rằng: “Trong tự nhiên đã sẵn có quy luật, dù là giữa rừng sâu mà muông thú cũng đều biết tuân theo. Nếu có nhiều loài sinh sản, thì cũng phải có những loài bắt giết, nhờ đó mà giữ được sự cân bằng trong thiên nhiên. Nếu mọi người ai ai cũng làm việc phóng sinh, hoặc chẳng còn ai làm việc săn bắt, thì các loài chim, thú chẳng phải là sẽ sinh trưởng tự do, lan tràn ra khắp chốn mà làm rối loạn cả môi trường sống hay sao?”

Lời này thoạt nghe cũng thấy là hợp lý. Thử tưởng tượng, hiện nay mỗi ngày đều có đến số hàng nghìn, hàng triệu con vật bị bắt giết trên trái đất này, vậy mà chim vẫn có, cá vẫn còn... vẫn tiếp tục sinh trưởng khắp nơi. Nay nếu như đột nhiên người người đều bỏ ác làm thiện, không bắt giết chúng nữa, thì rõ ràng là số lượng loài vật sẽ tăng lên nhanh biết bao nhiêu? Bởi những con vật kia chẳng những đã không phải chết, mà lại còn tiếp tục góp phần vào việc sinh sản, như vậy thì không bao lâu số chim, thú... chắc chắn sẽ nhiều đến mức không sao tưởng tượng được!

Nhưng cũng nên nghĩ lại, cái gọi là “quy luật tự nhiên” đó vốn cũng chỉ là do ta gọi tên mà có. Thực ra, những con thú ăn thịt kia vốn chỉ là do nghiệp giết hại đã tạo từ nhiều đời trước nên nay mới phải làm loài thú và tiếp tục giết hại. Chúng như những kẻ trộm đã lâu ngày, lún sâu vào việc trộm cắp nên không còn có thể hồi tâm thay đổi được nữa, chỉ tiếp tục việc làm của mình và phải chịu sự trừng phạt của luật pháp. Bản thân chúng ta vốn không giống như các loài thú ăn thịt đó, vì ta có quyền lựa chọn của riêng mình, không bị bắt buộc phải sống nhờ vào sự giết hại những con vật khác.

Còn sự cân bằng của môi trường tự nhiên vốn không chỉ dựa vào sự giết hại lẫn nhau của muông thú. Điều đó còn liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp khác như nhiệt độ, khí hậu, điều kiện sống... Mặt khác, sự giết hại lẫn nhau của các loài thú trong điều kiện cạnh tranh sinh tồn giữa tự nhiên cũng hoàn toàn không phải là điều mà con người nên bắt chước. Chúng ta luôn tự hào là có lý trí và tình cảm vượt xa tất cả các loài vật, vì thế mà việc làm của chúng ta cũng phải xuất phát từ những sự chọn lựa sáng suốt, đúng đắn hơn. Một trong những sự chọn lựa ấy chính là từ bỏ sự giết hại.

Và điều này ngày nay đã được không ít các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng khẳng định. Mặc dù họ hoàn toàn không dựa vào những niềm tin của tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng những kết quả nghiên cứu khoa học khách quan của họ đã đưa đến kết luận tương tự: sự giết hại của con người ngày nay đang hủy hoại môi trường đến mức báo động! Trong thực tế, mối đe dọa trước mắt đối với chúng ta hiện nay không phải là “quá đông” các loài động vật, mà là nguy cơ đang phải vĩnh viễn chia tay với nhiều loài động vật. Nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời, trong một ngày không xa trái đất của chúng ta sẽ có khả năng trở thành một hành tinh chết, với sự hiện hữu cô độc và tuyệt vọng của con người trong một môi trường thiên nhiên đã hoàn toàn bị phá hủy!

Bạn không tin điều đó sao? Sự thật thì cái gọi là “chim vẫn có, cá vẫn còn...” đó chỉ là cách nhìn thiển cận, giới hạn trong một phạm vi thời gian ngắn ngủi mà chúng ta đang nhìn thấy mà thôi. Hiện nay, danh sách các loài động vật được ghi vào “sách đỏ”1 của thế giới đang nhanh chóng gia tăng, thậm chí nhiều loài đã mất hẳn trước khi con người kịp quan tâm bảo vệ chúng. Hơn thế nữa, sự giết hại hàng loạt của con người cũng đe dọa làm thay đổi, biến dạng nhiều cảnh quan xinh đẹp trong thiên nhiên, xua đuổi các loài vật phải rời khỏi nơi sinh trưởng thích hợp tự nhiên của chúng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra điều này và đang mở rộng dần các khu vực bảo vệ tự nhiên, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi săn bắt, giết hại trong các khu vực ấy.

Như vậy là, cuối cùng thì con người cũng đã nhận ra những sai lầm của mình trong việc phá hoại môi trường. Và điều này càng khẳng định hơn nữa việc từ bỏ sự giết hại và thực hành phóng sinh chỉ có thể là mang lại những kết quả tốt đẹp chứ không còn nghi ngờ gì nữa!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2019(Xem: 10825)
Kết thúc thời công phu sáng mặt trời cũng vừa ló dạng,những tia nắng ấm áp lan tỏa khắp nơikhiến cho mọi người thấy dễ chịu.Sự hội tụ của muôn ngàn tia nắng đang nhảy múa,chuyển động những tia sáng rực rỡ, trong thoáng giây,toàn thể không gian hoàn toàn biến đổi,và tất cả trở thành những dải ánh sáng đang rung động xoay vần trong một vũ điệu của thiên nhiên. Qua cửa sổ nhìn mây trôi bồng bềnh giữa trời xanh,tận hưởng cảm giác êm ả,hít thở những làn gió mát rượi vào buổi sớm mai, giữa không gian yên tĩnh,trong tôi bao niềm cảm xúc, thầm cảm ơn những gì có được của hiện tại:
25/10/2019(Xem: 7562)
Kinh Thắng Man, nói đủ theo bản dịch của Cầu-na-bạt-đà-la là Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Đại Quảng Kinh. Nhưng, chương cuối của kinh này, đức Thế Tôn nói với Thiên Đế Thích có đến mười lăm tên gọi khác nhau. Tên gọi thứ nhất của kinh. là: “Thán Như lai chân thật đệ nhất nghĩa công đức”.
25/10/2019(Xem: 9520)
Đọc chuyện Tấm Cám, ta thấy ai cũng thương Tấm. Tấm mẹ chết sớm, cha lấy thêm vợ, sinh ra Cám, em cùng cha khác mẹ với Tấm. Không bao lâu cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ và sống với người em gái cùng cha khác mẹ.
24/10/2019(Xem: 7031)
Xưa và nay, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng phải trải qua con đường giáo dục mà thành tựu những giai đoạn của sự học vấn, kể từ lớp mẫu giáo cho đến Đại Học hay hậu Đại Học. Cũng có nhiều người không qua sự giáo dục, nghĩa là không qua trường lớp đào tạo, nhưng cũng thành công ở xã hội và học đường, số người nầy cũng không phải là ít. Tuy nhiên những người nầy thuộc dạng cá biệt và đặc thù, nên không đề cập trong bài nầy về những người ưu tú như vậy, mà chỉ nhấn mạnh đến việc giáo dục chung chung để trở thành con người có văn hóa thực sự.
20/10/2019(Xem: 8293)
Bài kinh "Viết Trên Đá, Trên Đất, Trên Nước" là bài kinh ngắn, trích trong Kinh Tăng Chi Bộ, chương Ba, phẩm Kusinàra.Kinh Tăng Chi Bộ là bộ kinh thứ Tư trong số năm bộ kinh Nikàya.Đó là: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi BộKinh và Tiểu Bộ Kinh. Kinh điển Phật giáo hiện nay còn lại 2 bộ kinh xưa nhất. Một bộ được ghi lại bằng tiếng Pàli gọi là Kinh Nikàya, còn một bộ xử dụng tiếng Sanskrit gọi là Kinh Àgama (A-hàm) gồm bốn Bộ là: Kinh Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng Nhất A-hàm.
17/10/2019(Xem: 6367)
Chúng ta đang sống trong thời cách mạng thông tin. Nơi đó, lợi và hại cùng đi bên nhau, thiện và ác cùng sinh khởi dễ dàng từ một bàn phím. Chiến trường có khi hiện ngay trên màn hình vi tính, đao kiếm là những ngón tay quẹt trên điện thoại. Những lời bình ngắn và ác ý trên mạng xã hội cũng có sức mạnh đẩy một số ca sĩ nổi tiếng vào trầm cảm, có khi tới mức tự sát. Những hình ảnh sửa đổi, giả mạo, gán ghép khi phóng lên mạng đã trở thành vũ khí bôi nhọ mới. Những lời quy chụp vô căn cứ đưa lên YouTube lại được nhiều người tin tưởng và hùa theo chửi mắng. Không chỉ là quân đội nước này với nước kia, chính người đời thường với kỹ năng công nghệ cũng có thể gài bẫy nhau, hại nhau cả trăm đường. Chỉ một vài bản tin nhỏ, có khi được viết một chiều và không nói hết sự thực, ngay hôm sau đã trở thành những cú xì căng đan chấn động xã hội. Nạn nhân có thể là cả một dân tộc, như khi bản đồ Biển Đông bị vẽ lại và phổ biến khắp thế giới mạng. Nạn nhân cũng có khi là nữ ca sĩ Nhật Bản hay Đà
16/10/2019(Xem: 4463)
Còn nhớ trong kinh thường dạy " Ở nơi nào mà giáo lý Đức Phật chưa được truyền đến thì người ta cứ tranh chấp nhau và không thể mở rộng tâm mình". Dù cho anh em, cha mẹ có sống chung với nhau nhưng mỗi người đều sống tách biệt trong thâm tâm của mình . Họ luôn sống trong cô độc vì họ không có ai để nương tựa ( niềm tin ) và luôn nghi kỵ lẫn nhau nhưng .....một khi Phật pháp truyền đến hết thảy họ đều có thể trở thành bè bạn hay một người thân đích thực và một người vốn cô đơn nay bổng trở nên hạnh phúc vì chung quanh có nhiều bạn tốt, người thương tin yêu .
13/10/2019(Xem: 6276)
Trong cuộc đời này, nói rộng ra ở cõi Ta Bà này, từ Đông sang Tây, con người thường bị mê mờ hay mê luyến vào hình tướng bề ngoài và quên mất hay đồng hóa nó với thực tướng/bản chất/nội tâm ở bên trong. Nguyên do chỉ vì chúng sinh vọng chấp vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà sanh tâm mình (Kinh Viên Giác). Thí dụ: -Một cậu thanh niên thấy một cô người mẫu, hoa khôi, á hậu…đẹp như tiên nga giáng thế… tưởng đó là “người trong mộng” hay “người yêu lý tưởng”. Khi lấy về thì bao nhiêu tính xấu mới lộ ra, bao xung đột vì khác tính tình. Mối tình trong mộng nay biến thành “oan gia trái chủ” khiến cười đau khóc hận. -Một cô gái thấy một anh chàng hào hoa, đẹp trai, cử chỉ lịch sự…tưởng đó là “hoàng tử của lòng em”, lấy về mới tá hỏa ra đó là anh chàng Sở Khanh, tốt mã giẻ cùi…thôi thì vỡ mộng.
07/10/2019(Xem: 7151)
Tật bệnh. Có bệnh phải uống thuốc đó là chuyện đương nhiên. Uống thuốc để chữa bệnh, để mau hết bệnh. Nhưng thuốc tốt, uống đúng thuốc, đúng liều lượng thì mới có khả năng lành bệnh. Đây, không còn là chuyện đương nhiên, mà là sự mong muốn, lòng khát khao. Ai cũng ước mong không có bệnh. Khi có bệnh mong được gặp thầy giỏi, uống đúng thuốc và sớm khỏi bệnh.
05/10/2019(Xem: 7878)
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe những lời bàn tán có tính cách phê phán như: "Nhân cách của ông A thật là hoàn hảo" hay "Tư cách người đó không ra gì...." hoặc "Sống sa đoạ quá làm mất cả nhân cách" v.v... và v.v... Vậy nhân cách là cái gì? Thông thường, người ta giải nghĩa Nhân là người, Cách là tư cách, là phẩm chất, là giá trị, là tư cách làm người... Như vậy Nhân cách là một thứ giá trị, phẩm chất đạo đức của mỗi con người được xây dựng và hình thành trong suốt thời gian con người đó tồn tại trong xã hội.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]