Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Những vị khách không mời

21/02/201114:52(Xem: 6354)
5. Những vị khách không mời

PHÓNG SINH - CHUYỆN NHỎ KHÓ LÀM
Nguyên Minh

Những vị khách không mời

Những ai đã từng làm cha mẹ đều có thể dễ dàng nhớ lại cảm giác lạ lùng khi đứa con cất tiếng khóc chào đời. Thật kỳ diệu biết bao! Cái sinh vật bé tí ấy, với đầy đủ tất cả những điều kiện để lớn lên thành một con người, có thể nào lại do chính ta tạo thành? Không một ông cha, bà mẹ nào tin vào điều đó. Vâng, quả đúng là đứa bé ấy do người mẹ sinh ra, là kết quả của sự gắn bó thương yêu giữa cha và mẹ, nhưng điều đó lại hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có khả năng “tạo ra” nó. Sự hình thành của “con người nhỏ bé” ấy phức tạp hơn nhiều, và bằng trực giác ta hiểu được điều đó.

Mỗi chúng ta đều có cảm nhận về đứa con của mình khi ra đời như một món quà tặng thiêng liêng, một báu vật vô giá mà ta hoàn toàn không thể hiểu được do đâu mình lại may mắn có được. Ta trân trọng, yêu quý và bảo vệ, nuôi nấng nó, cho dù ta có rất nhiều điều không hiểu được về sự ra đời cũng như lớn lên của nó để hiện hữu thành một con người giữa cuộc đời này.

Khi chúng ta xây dựng một ngôi nhà, hoặc đóng một cái bàn hay cái ghế, những thứ ấy được hình thành và hiện hữu trước mắt ta với tất cả những tính chất mà ta có thể hiểu và mô tả được. Nhưng sự ra đời của một đứa bé lại hoàn toàn không giống như vậy. Bởi vì ngoài cái khối vật chất hiện ra trước mắt ta với những thịt, xương, da, tế bào... mà khoa học có thể phân tích và liệt kê được, còn có một phần vô hình mà chúng ta hoàn toàn không thể nhận hiểu và mô tả, đã thực sự ra đời và song song tồn tại với phần vật chất mà ta nhìn thấy. Nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt bé là ta có thể cảm nhận ngay được sự hiện hữu của phần tinh thần vô hình kia, cho dù ta không thể lý giải được nó đã từ đâu đến và đến như thế nào!

Cái phần tinh thần vô hình ấy, ta đã cảm nhận được rằng nó tồn tại dựa vào thể xác bằng xương thịt này, nhưng nó lại không chịu sự quy định bởi những tính chất của thể xác. Thể xác này có thể là cao lênh khênh hoặc lùn tịt, có thể là gầy ốm hoặc béo phì, cũng có thể là da vàng hoặc da trắng, da đen... nhưng tất cả những khác biệt ấy không có quan hệ nhất định nào với phần tinh thần đi kèm theo nó. Bạn không thể dựa vào những quan sát vẻ ngoài của ai đó để kết luận rằng đó là người có tinh thần yếu đuối hay cứng rắn, đa cảm hay lạnh lùng, hiếu động hay trầm tĩnh...

Chính cái phần tinh thần vô hình này đã tạo cho ta cái cảm giác rằng “con người nhỏ bé” kia không phải hoàn toàn do ta “tạo ra”. Người xưa đã nói một cách nôm na để diễn đạt ý này là: “Sinh con há dễ sinh lòng.” Và quả đúng như vậy. Chỉ cần so sánh hai người con sinh ra trong cùng một gia đình, bạn sẽ dễ dàng thấy được là cha mẹ chúng thật ra đã không thể “sinh lòng”, bởi vì tâm tính của cả hai thường chẳng bao giờ có thể giống hệt nhau, chưa nói là trong rất nhiều trường hợp còn có thể hoàn toàn trái ngược nhau.

Và bởi vì ta đã không “tạo ra” cái phần tinh thần vô hình ấy, nên thực tế là ta không thể hiểu hết về nó. Từ thuở xa xưa, con người đã không ngừng nỗ lực để khám phá, tìm hiểu về phần tinh thần của chính mình, và đã có không ít những thành quả. Tuy nhiên, điều không may là chúng ta không thể trực tiếp truyền dạy cho nhau những hiểu biết thuộc loại này, bởi vì những hiểu biết ấy được mô tả như là nằm ngoài phạm vi diễn đạt của ngôn ngữ. Có thể bạn cho rằng những cách nói này có phần nào đó mơ hồ, khó hiểu, nhưng chúng ta sẽ có dịp trở lại bàn sâu hơn về vấn đề này. Thực tế là, trong phạm vi có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thì những kết quả tìm hiểu lại dường như không đủ để thỏa mãn những gì chúng ta muốn biết.

Trong khi triết học và tôn giáo phương Đông chấp nhận những nhận biết về thế giới nội tâm qua trực giác, thì phương Tây luôn đòi hỏi những sự giải thích, mô tả cụ thể mà lý trí có thể tiếp nhận được. Vì thế, phải cho đến khi ngành phân tâm học (psychoanalysis) được Sigmund Freud (1856-1939) thành lập thì phương Đông và phương Tây mới bắt đầu có chiều hướng nhích lại gần nhau với những đồng cảm trong việc tìm hiểu về thế giới nội tâm.

Qua những khám phá của Freud, khái niệm vô thức (unconscious) được biết đến và gợi ra những chiều sâu không thể nhận biết bằng lý trí trong nội tâm con người, mở đường cho các nhà triết học phương Tây bắt đầu quay sang tìm hiểu những gì mà triết học và tôn giáo phương Đông đã đề cập đến từ thuở xa xưa.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, và đến nay thì những hiểu biết của phương Đông đã được hầu hết người phương Tây chấp nhận và học hỏi. Phật giáo phát triển mạnh ở phương Tây, và các trung tâm tu học, thực hành thiền định đã thu hút số người tham gia vô cùng đông đảo.

Nhưng thật oái ăm thay, càng hiểu biết nhiều hơn về thế giới nội tâm của con người, thì chúng ta lại càng thấy nó xa rời hơn với cái khởi nguyên vật chất mà chúng ta nhìn thấy được. Bởi vì chúng ta càng biết chắc là mình không hề và không có khả năng tạo ra cái phần tinh thần phức tạp, đầy bí ẩn của một con người, cho dù cái thể xác bé nhỏ vừa mới ra đời kia quả đúng là đã được hình thành từ một phần vật chất của chính ta. Hơn thế nữa, cái phần tinh thần ấy đã hiện hữu nơi đây không do ta mời gọi, và vì thế ta cũng không có khả năng kiểm soát hay hiểu được nhiều về nó. Khi nó dần lớn lên, ta chỉ làm được mỗi một việc là ngày càng nhận rõ hơn sự hiện hữu của nó trong cuộc đời này.

Trong cái thế giới nội tâm đầy bí ẩn của mỗi chúng ta, ta có thể tự cảm nhận được nhiều yếu tố có cội nguồn từ đâu đó rất xa xôi. Dù ta không thể biết được là từ lúc nào, nhưng có phần chắc chắn phải là từ trước khi ta bắt đầu hiện hữu trong cuộc đời này, với phần thể xác này. Có thể bạn cho rằng điều này hoàn toàn không thể chứng minh được. Nhưng hãy thử quan sát những con ong đang làm việc để xây một tổ ong. Chúng biết làm công việc phức tạp đó từ bao giờ? Bạn sẽ không nói rằng chúng đã được những con ong lớn dạy cho đấy chứ? Nghiên cứu khoa học có thể xác định là chúng “tự biết” làm điều đó mà không phải đã học được từ những con ong lớn. Và nếu bạn tự quan sát chính mình, bạn sẽ thấy là bản thân mình cũng có những điều “biết làm” mà trước đây chưa từng nhìn thấy hay học hỏi từ người khác.

Sigmund Freud đã nêu ra những thôi thúc bẩm sinh về tính dục (innate sexual drive) như một trong những điều có cội nguồn xa xôi không giải thích được. Nhưng không chỉ có tính dục, hầu hết các yếu tố nội tâm của chúng ta đều có những cội nguồn xa xôi tương tự. Mặc dù Freud cũng như nhiều người phương Tây khác không nghĩ như vậy. Ông đã cố gắng đưa ra những giải thích về một cội nguồn gần gũi hơn, chẳng hạn như vô thức (unconscious) mà ông cho là có cội nguồn từ thời thơ ấu. Nhưng cách giải thích này chạm phải nhiều giới hạn cũng như không hoàn toàn thỏa đáng với mọi trường hợp.

Một trong những học trò của Sigmund Freud là Carl Gustav Jung (1875 – 1961) đã đi xa hơn thầy khi đưa ra khái niệm về những hình ảnh đặc trưng có sẵn trong tâm lý tập thể của cả loài người (ông gọi là archetype) mà ông cho là đã xuất phát từ những thời đại xa xưa và thỉnh thoảng hiện về trong giấc mơ của chúng ta, hoặc được tìm thấy trong các huyền thoại cổ đại. Tuy nhiên, có lẽ bạn cũng thấy rằng những giải thích này chỉ là một trong những cố gắng để giải thích “những điều không thể giải thích” mà bản thân ông ta có lẽ cũng đã cảm nhận được. Bởi vì cách giải thích này không thỏa đáng với tất cả những bản năng sẵn có của mỗi chúng ta khi sinh ra.

Ngoài bản năng tính dục, chúng ta còn có nhiều bản năng khác nữa trong nội tâm. Điều chắc chắn chúng ta có thể làm được là nhận biết chúng chứ không phải là giải thích cội nguồn của chúng. Trong rất nhiều trường hợp, một người có bản chất trầm lặng hay hiếu động, đa cảm hay lạnh lùng... không phải bao giờ cũng có thể giải thích được bằng những nguyên nhân như môi trường giáo dục, gia đình hay kinh nghiệm bản thân. Tất cả những điều ấy chỉ đúng một phần nào và trong một giới hạn nào đó thôi, bởi vì còn có không ít những trường hợp hoàn toàn không liên quan gì đến những lời giải thích như thế.

Khi trên đường phố xảy ra một đám đánh nhau, hầu hết những người nhìn thấy đều muốn chạy đến xem. Trong số đó, không mấy người nghĩ đến những việc tốt đẹp phải làm như ngăn cản đôi bên hoặc bảo vệ kẻ yếu... Những người đến xem thường chỉ có một động cơ chung mà đa số vẫn gọi là sự hiếu kỳ, nhưng thực ra điều đó lại còn xuất phát từ một bản năng khác mà hầu hết chúng ta đều có.

Những trò chơi như đá dế, đá gà, chọi trâu... sở dĩ lôi cuốn rất nhiều người là bởi vì ai cũng muốn được nhìn xem những cảnh đấu đá, tranh chấp nhau. Điều đó kích thích trong mỗi chúng ta một niềm hứng khởi, một sự thích thú mà đôi khi chính ta cũng không rõ biết.

Hầu hết những bộ phim ăn khách ngày nay đều không thể thiếu những pha đấm đá, bắn giết hoặc chí ít cũng là tranh chấp thật gay cấn. Đôi khi các nhà làm phim lạm dụng quá nhiều “vị thuốc kích thích” này và điều đó vượt quá những giới hạn mà đạo đức truyền thống cho phép. Thế là sẽ có những người lên án, gọi đó là “phim bạo hành, kích thích bạo lực...” Tuy nhiên, phê phán thì cứ phê phán, mà số người xem phim lại vẫn cứ rất đông hơn so với những phim tài liệu khoa học hay tình cảm xã hội mà người ta cho là “tẻ nhạt”...

Phần lớn chúng ta đều tự nhận là yêu thích cuộc sống yên bình, thanh thản, nhưng đa số lại thích xem những cảnh đấm đá, bắn giết, xung đột, mâu thuẫn... mà ít thấy hứng thú với những cảnh phẳng lặng, thanh bình. Điều đó nói lên những gì? Phải chăng nếu không có những rào cản được dựng lên bởi luân lý, đạo đức, giáo dục, tín ngưỡng... thì đa số chúng ta luôn có khuynh hướng chạy theo sự sôi động, bạo hành, sát phạt? Câu trả lời có lẽ nên dành lại cho mỗi người tự đưa ra. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng nếu như thừa nhận điều này cũng không có gì là lạ. Khi đã cảm nhận được một nguồn gốc rất xa xôi của những yếu tố trong nội tâm chúng ta, thì với thành tích giết hại loài vật trong hàng nghìn năm qua của nhân loại, nếu chúng ta không có một khuynh hướng hiếu sát, điều đó mới là rất lạ!

Đạo Phật gọi thế giới mà chúng ta đang sống là cõi Dục giới, và cho rằng tất cả chúng sinh trong cõi này đều có cùng một điểm chung là nhiều tham dục. Về điểm này, có lẽ hầu hết chúng ta đều dễ dàng chấp nhận, vì quả thật không khó nhận ra. Không có dục tính, có lẽ chỉ có thể là những người mắc bệnh. Người bình thường không ai không có dục tính. Bạn có thể nghĩ đến các vị tu sĩ? Nhưng không đúng, vì thực ra các vị vẫn là những người có dục tính như chúng ta, chỉ có điều khác biệt là các vị nhận ra điều đó và chọn cho mình một hướng đi thăng hoa, không chấp nhận để cho dục tính lôi cuốn hay điều khiển cuộc sống của họ.

Nhưng đạo Phật còn đi xa hơn nữa khi chỉ ra rằng trong mỗi con người đều tồn tại những nghiệp báo mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ – một quá khứ không chỉ giới hạn ở thời điểm chúng ta sinh ra với thân xác này, mà là xa xôi hơn nữa. Những nghiệp báo ấy bao gồm thiện nghiệp và ác nghiệp, nói nôm na là kết quả của những việc tốt và việc xấu mà ta đã làm.

Theo luật nhân quả do đức Phật thuyết dạy, tất cả mọi hành động của chúng ta đều tạo ra những kết quả nhất định. Việc tốt lành sẽ tạo ra thiện nghiệp, còn việc xấu ác sẽ tạo ra ác nghiệp. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy rằng: “Nếu như ác nghiệp ấy mà có hình thể, thì khắp cõi hư không cũng chẳng thể dung chứa hết.” (Nhược thử ác nghiệp hữu thể tướng giả, tận hư không giới bất năng dung thọ.)

Nhưng chúng ta cũng có thể tự mình hình dung được những ác nghiệp mà con người đã tạo ra là nhiều đến mức nào. Chỉ riêng những gì mà mỗi chúng ta đã làm từ lúc sinh ra đến nay, nếu xét theo các điều ác mà đạo Phật chỉ ra như giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì có thể cũng đã quá nhiều đến mức không sao tính đếm được. Có người nói rằng, dạ dày của chúng ta là một cái nghĩa trang rất lớn, vì nó đã “an táng” không biết bao nhiêu con vật trong đó. Quả thật, nếu bạn không phải là một người ăn chay từ nhỏ, liệu bạn có nhớ nổi là mình đã từng giết hại – trực tiếp hoặc gián tiếp – bao nhiêu con vật rồi chăng?


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2014(Xem: 18779)
Đây là tập sách do chúng tôi biên soạn, đặc biệt, là những bài mang tính cách lễ nghi hành trì. Những bài, do chúng tôi biên soạn gồm có: “Oai nghi của một tu sinh, những nghi thức dành cho khóa tu, bài hát sinh hoạt đạo tràng”. Ngoài ra, còn có những bài sám, nghi thức lạy thù ân, mà chúng tôi đã sưu tập kết hợp lại để vào trong tập sách này.
30/05/2014(Xem: 9761)
Báo Tuổi trẻ cách đây ít ngày có đăng câu chuyện về một người Mỹ có một cô con nuôi gốc Việt ở với ông từ hồi còn bé , nhưng cô ấy vẫn nói tiềng Việt nhu một người Việt Nam thuần túy . Điều tôi muốn nói đây không phải về người con nuôi gốc Việt , mà về ông cha nuôi người Mỹ . ông ta là thi sĩ và là giáo sư đại học , tên Bruce Weigl.
30/05/2014(Xem: 11016)
Tôi được gặp và quen thầy Pháp Bảo vào năm 1999 trong dịp đi lễ Vu Lan tại chùa Thuyền Lâm cùng với ba mẹ. Lúc đó thầy còn là chú và tôi hay gọi là chú Tấn. Sau thời gian dài vào tu học ở Sài Gòn, trong chuyến thầy ra Huế kỵ tổ ở chùa Thuyền Lâm, tôi mới gặp lại thầy Pháp Bảo. Trong câu chuyện hỏi thăm, lần đầu tiên tôi nghe thầy tâm sự về gia đình thầy. Trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi xúc động đến kỳ lạ khi nghe câu chuyện về mẹ và anh chị em của thầy. Tôi thật sự rất khâm phục và tự hào về tình cảm thương yêu, hiếu kính của gia đình thầy.
28/05/2014(Xem: 8616)
Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy chúng ta phải thực tập “yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá.
27/05/2014(Xem: 7899)
Tôi tiễn tuần cũ với 2 sự kiện quan trọng: thứ 7 là buổi nói chuyện với mấy trăm bạn trẻ mới đi làm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình về chủ đề “Tư duy để thành công” và chủ nhật là chia sẻ với vài trăm phật tử tỉnh Hòa Bình về chủ đề “Giàu và nghèo”. Niềm vui thật giản đơn khi bằng cách này hay cách khác tôi đã chia sẻ những lời Phật dạy với bất cứ ai có thể. Đối với tôi, việc này cũng như ăn, cũng như cách mình nạp năng lượng, nhưng chỉ có khác là không ăn bằng miệng mà bằng não, bằng tâm. Đầu tuần tôi nghe tin nhạc sỹ Thuận Yến qua đời và đám tang diễn ra sáng thứ 3. Giật mình!
27/05/2014(Xem: 17386)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài võ cổ truyền Bình Định tại võ đường Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để các bạn tham khảo, nghiên cứu và học tập...
24/05/2014(Xem: 15419)
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Giác ngộ là thấy tánh. Muốn thấy tánh thì tu thiền, như đức Thích Ca Mâu Ni do thiền dưới gốc cây Bồ Đề mà giác ngộ thành Phật. Cho nên, mục đích tối hậu của thiền Phật Giáo là thành Phật, là giác ngộ chân tánh. Vì vậy, Thiền Tông chỉ nói đến “kiến tánh thành Phật,” không nói gì khác.
22/05/2014(Xem: 7695)
Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo: -Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy
21/05/2014(Xem: 8731)
Tôi gặp anh trong lần đến thăm một người bạn ngày cuối tuần. Trông anh phúc hậu, nói chuyện có duyên với dọng nói ấm áp, dễ nghe. Mỗi người chúng tôi kể những câu chuyện của mình, trao đổi về phương pháp và kinh nghiệm tu tập. Anh cũng vậy. Tôi giật mình khi anh nói về gia đình anh. Hóa ra trước mặt tôi là người đàn ông của một gia đình công giáo nòi.
19/05/2014(Xem: 8360)
Rất nhiều người người nói “Tôi muốn được hạnh phúc nhưng lại không biết làm sao”. Họ không hề cảm thấy hạnh phúc hoặc nếu có thì chỉ thoáng thấy hạnh phúc nhưng rồi lại cảm thấy bất toại nguyện và cô đơn hoặc trải qua cảm giác trống vắng trong một thời gian rất lâu. Nguyên nhân ở đâu và cách thức để có hạnh phúc là gì. Liệu chăng có phải là tình yêu thương với tất cả những ai quanh mình, mọi chúng sinh trên thế gian này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]