Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Lục hòa kính là gì?

19/02/201106:49(Xem: 11700)
6. Lục hòa kính là gì?

NHỮNG TÂM TÌNH CÔ ĐƠN
Nguyên Minh

Lục hòa kính là gì?

Sau khi đức Phật thành đạo, ngài bắt đầu công cuộc giáo hóa khắp nơi, đem những hiểu biết thiết thực về một đời sống giải thoát - an vui và hạnh phúc - để truyền dạy cho tất cả mọi người. Rất nhiều người sau khi nhận hiểu được những điều ngài truyền dạy đã quyết định rời bỏ đời sống thế tục để có thể chuyên tâm thực hành một cuộc sống an lạc, gọi là xuất gia. Những người xuất gia cùng nhau chung sống để hỗ trợ cho nhau trong việc tu tập và tạo thành Tăng đoàn đầu tiên trên trái đất này.

Nhưng các vị tăng sĩ xuất gia xét cho cùng cũng chỉ là những người vừa buông bỏ cuộc sống thế tục. Cho dù có quyết tâm sống một cuộc đời đạo hạnh, nhưng họ cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều dứt trừ được hết những thói hư tật xấu vốn có đã lâu đời. Vì thế, điều chắc chắn là họ cũng mang theo vào Tăng đoàn ít nhiều những tập quán cũ. Trong thời gian tu tập, khi chưa hoàn toàn đạt được sự giải thoát, những thói hư tật xấu của mỗi người chắc chắn sẽ tạo ra những va chạm, mâu thuẫn không thể tránh khỏi trong tập thể Tăng đoàn.

Đức Phật hoàn toàn thấu hiểu được thực tế đó, và ngài cũng chưa bao giờ đòi hỏi các vị xuất gia phải ngay lập tức chứng đắc thánh quả hay đạt được sự giải thoát rốt ráo. Vì thế, ngài đã chỉ dạy những phương pháp để duy trì đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn, tạo điều kiện trước hết cho nếp sống giải thoát. Chính các phương pháp này là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả những người xuất gia vào thời đức Phật cũng như sau này, giúp tạo ra sự thương yêu hòa hợp trong tập thể tăng chúng, cho dù là ở bất cứ nơi đâu.

Những phương pháp này được nhiều kinh điển ghi chép lại thành một hệ thống cụ thể gọi là Lục hòa kính, nghĩa là sáu phương pháp hòa thuận và tôn kính lẫn nhau. Tất cả những người xuất gia đều phải ghi nhớ và thực hiện đúng theo sáu phương pháp mang tính nguyên tắc này, và điều đó sẽ đảm bảo cho cuộc sống chung trong tập thể Tăng đoàn luôn duy trì được sự hòa thuận và tôn kính lẫn nhau.

Theo sách Tổ đình sự uyển, quyển 5, Lục hòa kính được liệt kê tên gọi và ý nghĩa căn bản như sau:

Thứ nhất là thân hòa, cộng trú, nghĩa là thân hòa hợp, cùng nhau chung sống. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự tương đồng giữa mọi người trong cùng một tập thể, và chỉ có thể đạt được sự hòa hợp cho đời sống thông qua việc cùng nhau chung sống. Nói cách khác, nếu chúng ta tránh né những người khác như một biện pháp để giải quyết những bất đồng thì thực ra là bất đồng ấy vẫn chưa được giải quyết. Chỉ khi nào chúng ta mạnh dạn đối mặt với những bất đồng và cùng nhau tìm cách vượt qua được nó thì sự hòa hợp mới thực sự được đạt đến. Khi tuân theo nguyên tắc này, mọi người trong cùng một tập thể sẽ cùng nhau chung sống, luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau khắc phục mọi nhược điểm, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Mỗi người đều biết tôn trọng tập thể, trong đó có cả bản thân mình và người khác, vì thế mà mọi mục tiêu nhắm đến đều là vì tập thể chứ không còn là của riêng ai.

Thứ hai là khẩu hòa, vô tranh, nghĩa là lời nói hòa hợp, không tranh cãi. Nguyên tắc này nêu bật sức mạnh của lời nói trong việc giữ gìn sự hòa hợp giữa mọi người. Như tục ngữ có câu:

Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lựa lời mà nói hoàn toàn không có nghĩa là nói sai lệch sự thật hay thiếu sự trung thực, thẳng thắn, mà có nghĩa là phải cố gắng chọn lựa một cách diễn đạt vấn đề sao cho không gây tổn thương đến người khác một cách không cần thiết. Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là biết im lặng đúng lúc để không nói ra những lời vô bổ nhưng có thể gây tổn thương hoặc khó chịu cho người khác. Ngoài ra, lựa lời mà nói còn có nghĩa là luôn cố gắng nói ra những lời khuyến khích điều lành, ngăn giữ điều ác. Việc thực hiện theo nguyên tắc này có nghĩa là phải biết thận trọng trong sử dụng lời nói, trong chừng mực có thể được phải luôn chọn lựa những cách diễn đạt hòa nhã, êm dịu thay vì là căng thẳng, xúc phạm. Và trên hết là phải tránh hẳn sự tranh cãi. Ở đây cần phân biệt rõ là sự tranh luận để làm rõ vấn đề hoàn toàn khác biệt với sự tranh cãi vốn chỉ nhằm chứng minh cho sự đúng đắn của bản thân mình.

Thứ ba là ý hòa, đồng sự, nghĩa là tâm ý hòa hợp, cùng nhau làm việc, cùng nhau phục vụ. Nguyên tắc này nhấn mạnh tính chất quyết định của tâm ý như là yếu tố tiên quyết của mọi việc làm, như trong kệ số 1 của kinh Pháp Cú dạy rằng:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Vì thế, trước hết phải có sự hòa hợp tâm ý thì sau đó mới có thể cùng nhau làm việc, cùng nhau phục vụ trong sự hòa hợp. Khi thực hiện theo nguyên tắc này, mọi người trong một tập thể phải có được sự “đồng lòng nhất trí”, luôn hướng đến những chuẩn mực chung cũng như một lý tưởng chung, và trên cơ sở đó mà cùng nhau thực hiện mọi công việc, phụng sự lẫn nhau.

Thứ tư là giới hòa, đồng tu, nghĩa là hòa hợp trong sự giữ giới, cùng nhau tu tập. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự tương đồng giữa mọi người trong việc giữ theo giới luật, nghĩa là những khuôn thước chung của những người đã sống cuộc sống xuất gia. Dựa trên nền tảng của giới luật, mọi người có thể cùng nhau tu tập, cùng hướng đến một đời sống tốt đẹp hơn, an lạc hơn nhờ vào những nỗ lực tu tập của chính mình. Mỗi người có thể vẫn còn những bất đồng với người khác, nhưng một khi đã quyết định bước vào Tăng đoàn thì điểm chung là giới luật, không ai có thể khác biệt về điểm này. Vì thế, mọi người đều phải cùng nhau thực hiện theo đúng với giới luật trong suốt quá trình tu tập.

Thứ năm là kiến hòa, đồng giải, nghĩa là chỗ thấy biết hòa hợp nhau, cùng nhau hiểu rõ để cùng tu học. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự chia sẻ kiến thức, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tiến bộ trong sự tu tập, không phân biệt hay nhắm đến sự hơn kém lẫn nhau.

Thứ sáu là lợi hòa, đồng quân, nghĩa là hòa hợp trong chỗ lợi lạc, cùng chia đều cho nhau, cùng xem nhau bình đẳng không phân biệt hơn kém. Nguyên tắc này nhấn mạnh sự chia sẻ đồng đều những giá trị vật chất trong cuộc sống tập thể, không phân biệt là của người này hoặc của người khác. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của tập thể mọi người và phải được chia đều cho tất cả một cách bình đẳng không phân biệt.

Theo đúng như tên gọi, sáu nguyên tắc của Lục hòa kính lấy sự hòa hợp và kính trọng lẫn nhau làm căn bản. Điều này có nghĩa là hoàn toàn không có sự phân biệt vai vế thấp cao, không phân biệt sự khôn ngoan lanh lợi hay ngu si chậm lụt. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất so với cung cách ứng xử mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống, vốn luôn tùy thuộc vào sự khác biệt giữa các đối tượng để đưa ra những cách ứng xử khác nhau.

Một vị quan đến hiệu may nổi tiếng kia để đặt may một chiếc áo dài. Chủ hiệu hỏi: “Ngài làm quan bao lâu rồi?” Khi vị quan ra về, một người học việc trong hiệu may liền hỏi ông chủ hiệu: “Thưa ông, chỉ là may một chiếc áo dài, vì sao phải hỏi đến việc làm quan đã bao lâu?” Chủ hiệu cười đáp: “Vì cách may phải khác nhau. Người mới làm quan thì phải may vạt trước hơi dài, vạt sau ngắn; còn người làm quan đã lâu thì ngược lại.”

Câu chuyện mang ý nghĩa hài hước, châm biếm tính kiêu căng, khinh mạn của người mới làm quan cũng như tính lòn cúi, bợ đỡ của những kẻ sống lâu trong quan trường. Mặc dù vậy, nó cũng nói lên được cả tính chất xu phụ, phân biệt đối xử của hầu hết người đời. Tùy theo lúc “lên voi” hay “xuống chó” mà có những cung cách đối xử khác nhau với người khác, cũng như tùy thuộc vào đối tượng của mình thuộc tầng lớp nào, vai vế ra sao để có những cách ứng xử khác nhau.

Sự khác biệt trong cách ứng xử theo nguyên tắc Lục hòa kính lại không phải như vậy, không phải tùy thuộc vào vai vế khác nhau trong xã hội, cũng không tùy thuộc vào vai vế của bản thân mình cao hay thấp, mà chỉ hoàn toàn là tùy thuộc vào tính cách riêng của mỗi người mà thôi. Chẳng hạn, đối với người thích nói ngắn gọn thì nên nói ngắn gọn, đối với người thích bộc lộ tình cảm thì bộc lộ tình cảm, cũng như đối với người thâm trầm kín đáo thì tránh không khoa trương ầm ĩ...

Vì tất cả mọi người đều hướng đến sự hòa hợp và tôn kính lẫn nhau, nên sự tiếp xúc luôn được cởi mở, thân thiện mà không buông tuồng thái quá.

Từ hơn 25 thế kỷ qua, Lục hòa kính vẫn luôn là khuôn thước của người xuất gia, giúp cho đời sống trong Tăng đoàn luôn duy trì được sự hòa hợp, an vui. Nhưng không chỉ là như thế, nếu chúng ta biết vận dụng Lục hòa kính một cách thích hợp vào đời sống thường ngày, chắc chắn cũng sẽ đạt được sự hòa hợp với tất cả mọi người quanh ta.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/01/2015(Xem: 8114)
Tiếng Hồng chung Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang nói riêng và các chùa trong thành phố Nha trang nói chung, sớm khuya ai cũng có thể nghe được, nhưng nghe để “Trí tuệ lớn” và “Bồ-đề sinh” thì tùy theo “phiền não” của đối tượng nghe có vơi nhẹ hay không? Riêng với nhà văn Võ Hồng, qua tác phẩm “Tiếng chuông triêu mộ” cho thấy Trí tuệ và Bồ đề của ông sanh trưởng tốt. Nhưng nhân duyên như thế cũng chưa đủ, ông là giáo sư của PHV, của trường Bồ Đề, là thiện tri thức của các bậc cao Tăng ở đồi Đông và đồi Tây non Trại Thủy. Có thế mới có truyện ngắn “Cây khế lưng đồi”, có tùy bút “Con đường thanh tịnh”. Thưa thầy Võ Hồng, chừng ấy đủ rồi, đủ cho PHV đi vào lịch sử văn học, đủ cho 100 năm sau, 1000 năm sau hay nhiều hơn thế nữa, nhìn thấy PHV uy nghi như một Linh Thứu thời Phật và cũng cho thấy các bậc cao Tăng Miền Trung nói riêng xứng đáng là những Sứ giả Như Lai đầy trách nhiệm đối với sự trường tồn của Phật giáo Việt Nam.
14/01/2015(Xem: 8381)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
13/01/2015(Xem: 10927)
* Về hình thức: Gồm 1 bao lì xì + 1 thẻ kinh hình Phật mặt trước , mặt sau có câu kinh Phật. * Về vấn đề đăng ký: Mỗi chùa được tặng 1 bộ gồm 300 thẻ kinh + Bao lì xì . ( Nếu cần nhiều hơn số lượng trên xin Quí Đạo hữu hoặc Chư Tôn Đức vui lòng liên hệ đặt thêm số lượng ( ĐT: 090 921 7921 ) xin hoan hỷ thêm phí in ấn tùy theo số lượng nhiều hay ít. Quí Đạo hữu hoặc Chư Tôn Đức vui lòng gửi thông tin liên lạc và địa chỉ của Chùa ( xin nói rõ chi tiết và hướng dẫn cách gửi hàng nêu vị trí toạ lạc ở vùng sâu vùng xa.)
10/01/2015(Xem: 7171)
Tôi vẫn có nỗi lo, đúng ra, đây là nỗi sợ. Nỗi sợ đó thế này: sẽ có một lúc tôi chết bất ngờ, và rồi tức khắc dòng nghiệp thức sẽ bị kéo trở lại Việt Nam cho một kiếp kế tiếp. Bởi vì, không một ngày nào trong đời, tôi không nghĩ về Việt Nam. Không phải nghĩ về một lần hay một buổi, đôi khi suốt ngày không rời ý nghĩ về quê nhà.
07/01/2015(Xem: 17983)
Nữ sinh viên xinh đẹp thích làm ni côMột cô gái ở Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ khi xuống tóc đi tu dù tuổi còn rất trẻ.
06/01/2015(Xem: 9953)
1. Ngày nay nhà cửa chúng ta rộng hơn, nhưng gia đình thì lại bé nhỏ hơn trước, * 2. có nhiều tiện nghi hơn, nhưng thời giờ thì lại hiếm hoi hơn, * 3. nhiều bằng cấp hơn, nhưng ý thức thì kém hơn, * 4. nhiều kiến thức hơn, nhưng phán đoán thì yếu hơn, * 5. nhiều chuyên gia hơn, nhưng lại có thêm lắm rắc rối, * 6. nhiều thuốc men hơn, nhưng sức khỏe lại tệ hơn,
04/01/2015(Xem: 8135)
Như đã đề cập ở một bài viết trước, chúng sanh có sáu tánh là tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh tầm, tánh tín và tánh tuệ; chúng đi suốt trong dòng sống (bhavaṅga) của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta xem tánh nào vượt trội thì tạm gọi là tánh ấy, chứ chúng thường trộn lẫn tánh này và tánh khác khó nhìn ra chân tướng.
04/01/2015(Xem: 7923)
Trời buổi chiều ấm nhẹ, bà Tư rời xe, cười với bạn, hẹn mai lại đến đón đi làm như thường lệ. Tới cửa nhà, thò tay vào túi xách lấy chùm chìa khoá, chả thấy đâu. Lục tung cả túi cũng không có. Chắc lúc sáng vội đi nên khi đóng cửa chỉ vặn ngang cái chốt bên trong, rồi đóng cửa đi mà quên chùm chìa khoá ở nhà. Mà sao vô nhà đây, trễ cơm tối mất. Chợt nhớ là thứ ba mỗi tuần con trai đi học về sớm, bà thở phào nhấn chuông.
03/01/2015(Xem: 8591)
Hầu hết nhân loại đều hớn hở, vui mừng và tràn đầy hy vọng đón chào một năm mới mở ra trước mặt. Mọi người lăng xăng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và tất cả dường như đều quên mất là đầu năm ngoái mình cũng đã từng chúc nhau như thế.
01/01/2015(Xem: 9031)
Video: Pháp Hội Thù Ân 2014 - Phỏng vấn HT Thích Tuệ Sỹ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]