Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Tri thức và đạo đức

18/02/201111:50(Xem: 5092)
6. Tri thức và đạo đức

THẮP NGỌN ĐUỐC HỒNG
Tác giả: Nguyên Minh
NXB: Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 216 trang

Tri thức và đạo đức

Nhân cách, giá trị của một con người có thể nói là được tạo thành bởi hai yếu tố: tri thức và đạo đức. Người xưa đã phân biệt rõ hai lãnh vực này, và điều đó có những lý do xác đáng của nó. Cho dù những hiểu biết, lý luận về đạo đức có thể được tìm thấy trong rất nhiều sách vở, và đã được mang ra giảng dạy trong nhà trường, nghĩa là cũng giống như bao nhiêu kiến thức khác trong vốn liếng tri thức của mỗi chúng ta, nhưng điều đó vẫn không làm mất đi sự khác biệt giữa đạo đức và tri thức.

Tất nhiên là để có được một nền tảng đạo đức, trước hết bạn vẫn phải học tập giống như bất kỳ môn học nào khác. Nhưng sự học tập đó là hoàn toàn chưa đủ để tạo thành một con người đạo đức, mà yếu tố quyết định ở đây phải là sự thực hành những điều đó trong cuộc sống, và sự rèn luyện để biến chúng trở thành những bản chất tự nhiên trong tâm hồn. Chỉ khi ấy thì đạo đức mới được thể hiện một cách đúng nghĩa.

Chẳng hạn, hiếu kính cha mẹ là một tiêu chí đạo đức. Bạn đã được học điều đó ở nhà trường. Những bài học ấy giải thích rất rõ về việc vì sao phải hiếu kính cha mẹ, và cũng khuyên dạy chúng ta nên hiếu kính cha mẹ như thế nào...

Nhưng việc học thuộc và trả bài được điểm 10 hoàn toàn không liên quan gì đến tiêu chí đạo đức ấy trong con người của bạn. Bạn chỉ có thể trở thành người con hiếu khi những điều đó thực sự trở thành những suy nghĩ, cảm nhận của chính bạn. Và điều này đòi hỏi quá trình thực hành, nghiền ngẫm sâu xa trong thực tế cuộc sống, đôi khi kéo dài cả một đời người chứ không chỉ là một quá trình ngắn ngủi và cạn cợt như khi bạn ngồi ê a học thuộc lòng bài học đạo đức ở nhà trường.

Hãy nghe câu ca dao sau đây:

Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Cái “công lao mẫu từ” ấy đã có biết bao nhiêu sách vở nói đến, và thậm chí cũng chẳng phải là điều gì xa lạ lắm mà chính bạn cũng thường xuyên được quan sát, tiếp xúc trong cuộc sống. Nhưng bạn không bao giờ thực sự “biết” được nó, theo nghĩa là một sự cảm nhận trực tiếp, sâu sắc và đầy đủ, chừng nào mà bạn còn chưa tự mình trải qua việc “nuôi con”. Cũng như ngọn núi cao kia, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng chỉ những ai đã thực sự gian nan vất vả leo lên tận đỉnh núi thì mới có thể “biết” được là nó “cao” như thế nào!

Bạn thấy đó, như vậy là chỉ để “hiểu” được hai câu ca dao ngắn ngủi ấy thôi, bạn đã phải mất gần nửa đời người rồi, phải không?

Vì thế, đạo đức là vấn đề không thuộc về phạm trù của tri thức. Bởi vì nếu như tri thức được nhận hiểu và biểu lộ qua lý trí thì đạo đức chỉ có thể được cảm nhận và thực hành qua trái tim. Hay nói cách khác, đạo đức là vấn đề của cảm tính, trong khi tri thức lại là vấn đề của lý luận.

Lấy một ví dụ khác, việc san sẻ, giúp đỡ người nghèo khó là một tiêu chí đạo đức. Nhưng bạn không thể dùng lý trí để nhận hiểu được điều này. Bạn có thể lý luận rằng, việc tôi đưa ra một số tiền để giúp người nghèo khó chỉ có thể là mất hẳn đi, vì tất nhiên là họ không có khả năng trả ơn cho tôi. Ngược lại, tôi vẫn sẵn lòng giúp đỡ, nhưng sẽ chọn giúp cho một người khá giả chẳng hạn trong lúc người ấy đang gặp một khó khăn nào đó, vì có nhiều khả năng hơn là khi họ vượt qua khó khăn họ sẽ tìm cách trả ơn tôi.

Vâng, lý trí là như vậy, và điều đó hoàn toàn “hợp lý”. Nếu tôi nói với bạn rằng, người nghèo thực sự cần sự giúp đỡ của bạn hơn, và vì thế việc giúp đỡ họ sẽ mang lại cho bạn niềm vui lớn lao hơn. Hoặc tôi nói với bạn về sự cảm thông và chia sẻ cần có giữa những con người, vì điều ấy giúp ta sống thanh thản hơn và an vui hơn... Bạn sẽ thấy tất cả những điều ấy đều là mơ hồ, khó nắm bắt và không “hợp lý”... Bởi rất đơn giản là vì những điều ấy chỉ có thể được cảm nhận bằng trái tim mà không thể nhận hiểu bằng lý trí. Và sự cảm nhận đó chỉ có được khi bạn thực sự bắt tay vào việc chứ không chỉ là học hiểu qua những lý thuyết suông.

Tôi tin chắc là đã có rất nhiều bài học thực hành đạo đức được áp dụng cho bạn từ thuở ấu thơ, ngay cả khi bạn chưa hề nhận thức được điều ấy. Những nền tảng này là rất quan trọng để bạn có thể tiếp tục phát triển khi bước vào đời. Nhưng ngay cả khi đọc những dòng này mà bạn vẫn còn thấy mơ hồ về một ý niệm đạo đức trong tâm hồn, thì bạn vẫn còn có nhiều cơ hội để rèn luyện yếu tố này nếu muốn vươn lên hoàn thiện chính mình.

Khi viết những dòng trên, tôi hoàn toàn không có ý cho rằng đạo đức là quan trọng hơn tri thức. Ngược lại, như đã nói từ đầu, cả hai yếu tố này đều góp phần tạo thành nhân cách, giá trị của mỗi người chúng ta. Chúng ta không thể hình dung một mẫu người đáng kính nào đó lại có thể thiếu đi một trong hai yếu tố này. Tuy vậy, vẫn có một vài lý do khá thuyết phục để chúng ta nhấn mạnh hơn về khía cạnh đạo đức của con người.

Thứ nhất, chúng ta thử xét một trong hai khả năng bất toàn của con người: có tri thức, thiếu đạo đức, hoặc là có đạo đức, thiếu tri thức.

Trường hợp thứ nhất, con người ấy có rất nhiều khả năng gây nguy hại cho người khác, và ít có khả năng làm lợi ích cho xã hội, vì họ sẽ thường có khuynh hướng vận dụng tri thức để giành lấy phần lợi về cho chính mình, bất chấp sự thiệt hại của người khác.

Trường hợp thứ hai, con người ấy có rất nhiều khả năng sẽ nhận lãnh nhiều thiệt thòi, thua kém trong cuộc sống vì thiếu tri thức, nhưng họ ít có khả năng gây nguy hại cho người khác, vì họ sẽ thường có khuynh hướng sống theo những tiêu chí đạo đức đã có trong lòng mình.

Tất nhiên cả hai trường hợp trên đây đều là những ví dụ cường điệu hóa, bởi vì trong thực tế không có những trường hợp nghiêng hẳn về một phía như thế. Tuy nhiên, khả năng mất cân đối giữa hai yếu tố này lại là điều rất thường xảy ra. Có những người sống nghiêng nhiều về mặt tri thức, và có những người khác chú trọng hơn đến mặt đạo đức.

Thứ hai, tri thức là một yếu tố hầu như có thể được tiếp thu và phát triển trong suốt cuộc đời, cho dù là vào mỗi giai đoạn của đời người cũng có những khác biệt nhất định trong việc phát triển tri thức. Trong khi đó, nền tảng đạo đức của chúng ta được hình thành rất sớm, ngay từ những năm tháng đầu đời, và có khuynh hướng trở thành những bản chất cố định, hay ít ra cũng là rất khó thay đổi. Vì thế, nếu chúng ta không có một ý chí hướng thượng mạnh mẽ để sớm thay đổi một nếp sống thiếu đạo đức vừa được nhận ra, thì có rất nhiều khả năng là nếp sống ấy sẽ theo đuổi ta cho đến tận cuối đời. Ngược lại, nếu may mắn có được một nền tảng đạo đức vững chắc khi bước chân vào đời, chúng ta có thể tự tin là sẽ bước được những bước vững chắc trong cuộc sống, ngay cả khi vốn liếng tri thức của ta còn non yếu.

Nói một cách khác, ta có thể bồi đắp tri thức còn non kém trên một nền tảng đạo đức tốt, nhưng ngược lại rất khó lòng dựa vào một nền tảng tri thức tốt để thay đổi uốn nắn một nếp sống thiếu đạo đức. Tất nhiên là điều này vẫn có thể xảy ra với những ai có đủ quyết tâm hướng thượng, nhưng tất yếu cũng phải có nền tảng là một số đức tính nhất định nào đó.

Này người bạn trẻ, đến đây chắc có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi rằng: sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta có được sự phát triển cân đối cả hai yếu tố tri thức và đạo đức. Vâng, đúng vậy. Và đó là điều mà bạn hoàn toàn có thể làm được. Hay phải nói đúng hơn là chỉ có chính bạn mới tự làm được điều đó cho bản thân mình mà thôi.

Như khi bạn muốn pha nước ấm để tắm. Không ai khác có thể giúp bạn làm điều này một cách hoàn toàn vừa ý, vì người khác không thể biết được là bạn thích nhiệt độ nào. Chỉ có chính bạn mới biết chắc được là phải pha thêm nước nóng hay nước lạnh để đạt được nhiệt độ như ý muốn.

Cũng vậy, những người lớn dù quan tâm đến đâu, hiểu biết đến đâu cũng chỉ có thể đưa ra những lời chỉ dẫn và khuyên dạy, nhưng họ hoàn toàn không thể biết chính xác là bạn đang cần điều gì và nên làm điều gì. Như khi bạn muốn tự mình rèn luyện đức tính vị tha, chỉ có chính bạn mới có thể nhận biết là mình đã tiến bộ đến đâu và cần phải thực hành những gì...

Vì thế, nếu bạn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sự phát triển cân đối cả hai yếu tố tri thức và đạo đức, bạn sẽ có thể tự quyết định là phải học tập và rèn luyện những gì, bởi vì có rất nhiều lời khuyên tốt đẹp mà bạn thì không thể cùng lúc thực hành tất cả những lời khuyên ấy.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2011(Xem: 18245)
Một trong những nhân tố chính yếu cung cấp năng lượng cho Cách Mạng Hạnh Phúc đã là sự nghiên cứu khích động phơi bày nhiều lợi ích của hạnh phúc – những hạnh phúc trải rộng...
24/10/2011(Xem: 5214)
Những lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi lại càng thấm thía câu nói mà ông cha ta đã dạy: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” hay “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
24/10/2011(Xem: 5158)
Tôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.
23/10/2011(Xem: 8323)
Khi người ta đến để nghe tôi giảng, nhiều người làm như thế với mục tiêu đón nhận một thông điệp hay một kỹ năng cho việc bảo vệ niềm hòa bình nội tại và cho việc đạt đến một sự thành công trong đời sống. Một số người có thể đơn giản biểu lộ sự tò mò, nhưng điều quan trọng nên biết là tất cả chúng ta giống nhau, tất cả là những con người. Tôi không có gì đặc biệt: tôi chỉ là một ông thầy tu giản dị. Chỉ là một con người. Và tất cả chúng ta đều có khả năng cho những điều tốt đẹp cũng như những điều xấu xí. Cũng thế, tất cả chúng ta đều có quyền để hướng dẫn những đời sống hạnhphúc. Điều này có nghĩa là những ngày và những đêm vui vẻ; trong cách này, đời sống chúng ta trở nên hạnh phúc.
22/10/2011(Xem: 5831)
Người thì cho rằng Đạo pháp – Dharma – do Đức Phật thuyết giảng là một tôn giáo, kẻ lại cho đấy là triết học, có người xem Đạo pháp là một nền luân lý, thế nhưng cũng có người quả quyết Đạo pháp củaĐức Phật là một khoa học tâm linh. Thật ra thì không có nhãn hiệu nào hàm chứa đầy đủ ý nghĩa để biểu trưng cho Đạo pháp một cách trung thực.
21/10/2011(Xem: 5302)
Ngày xưa, đức Phật tọa thiền 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề đến khi sao mai mọc thì Ngài chứng Lục Thông và đắc Tam Minh trở thành bậc Vô thượng Bồ Đề cho nên Lục Thông (lục thần thông) là sáu diệu dụng vô ngại tự tại của Phật.
21/10/2011(Xem: 5238)
Ngày xưa, sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, đức Phật Thích Ca đã tìm ra con đường giải thoát, có được thanh tịnh Niết bàn và giác ngộ viên mãn. Sau khi thành đạo, Ngài đến vườn nai ở xứ Ba-la-nại để thuyết giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như để chuyển bánh xe pháp và năm vị đệ tử đầu tiên này đều trở thành A la hán.
21/10/2011(Xem: 6849)
Danh từ Hạnh Phúc cũng như Thực Phẩm, có nhiều nghĩa khác nhau. Có thức ăn cho kẻ nghèo, cho người trung lưu và hạng người giàu sang. Có những loại thức ăn quốc tế, sản xuất từ các vùng khác nhau, tất cả đều bồi dưỡng cho cơ thể. Hạnh Phúc cũng thế. Tùy theo giai cấp và sự hiểu biết mà con người có cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Hạng người trí thức có quan điểm hạnh phúc khác với những người bình dân sống cuộc đời đơn giản, nhưng các bậc Giác Ngộ mới đạt được Hạnh Phúc Tối Thượng.
20/10/2011(Xem: 5957)
Bên nắng hồng xưa cũ Màu lam phủ chân đồi đời người bao suơng gió niềm tin vẫn lên ngôi Gió thức giấc sáng nay sưởi ấm lòng ẩn sĩ bên vô ngã vô thường an nhiên cùng chánh pháp ..
20/10/2011(Xem: 6433)
Chúng ta tự khẳng định là con của Đức Phật, nhưng chưa thấy Phật thì phải đi tìm Phật, như đi tìm người cha mà mình bị thất lạc; đó là quá trình tu hành của giai đoạn một. Và đến giai đoạn hai, khi tìm được Phật là thấy Phật rồi, chúng ta mới thật sự học Phật, làm theo Phật, là giai đoạn ba.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567