Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Những nguồn năng lượng tinh thần

18/02/201109:27(Xem: 7596)
14. Những nguồn năng lượng tinh thần

HẠNH PHÚC LÀ ĐIỀU CÓ THẬT
Tác giả: Nguyễn Minh Tiến (Nguyên Minh)
NXB: Văn hóa Thông tin
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 144 trang

Những nguồn năng lượng tinh thần

Từ khi tôi còn học ở bậc tiểu học, tôi nhớ có một câu nói rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”[1]

Đã từ lâu người ta nhận biết rằng sức mạnh của chúng ta không chỉ nằm ở phần thể lực, mà phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần. Thậm chí, một khi tinh thần đã sa sút, dù cho thể lực có mạnh mẽ đến đâu người ta cũng tự cảm thấy yếu đuối và chẳng làm được gì.

Những gì mà chúng ta gọi là ý chí, nguyện vọng, lòng ham muốn... đều là những nguồn năng lượng tinh thần. Ý chí càng mạnh mẽ, nguyện vọng càng tha thiết, ham muốn càng mãnh liệt... chúng ta càng có nhiều năng lực hơn trong việc đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nhưng còn có những hình thức năng lượng tinh thần khác nữa mà chúng ta thường gặp hơn trong đời sống hàng ngày. Lòng ghen tức, sự giận dữ, nỗi đau buồn, thù hận... đều là những nguồn năng lượng tinh thần. Chúng ta có thể nói một cách khái quát hơn, tất cả những cảm xúc, tình cảm của chúng ta thảy đều là những nguồn năng lượng tinh thần. Tùy theo cường độ phát sinh và tăng trưởng, chúng chi phối vào năng lực hoạt động chung của cơ thể ta.

Vấn đề cần chú ý ở đây là, nếu mỗi cảm xúc mạnh mẽ đều là một nguồn năng lượng, chúng ta sẽ không thể làm triệt tiêu chúng.[2] Khi chúng ta muốn quên đi một nỗi đau, hoặc dập tắt một cơn giận dữ... thường thì chúng ta luôn luôn thất bại.

Giống như bất kỳ một loại năng lượng nào khác, chúng ta có thể sử dụng năng lượng tinh thần vào nhiều mục đích khác nhau. Đó là sự chuyển hóa. Trong chiến tranh, chúng ta rất thường nghe đến khẩu hiệu: “Biến đau thương thành hành động.” Đó cũng là một cách chuyển hóa. Người ta không thể tự nhiên quên đi nỗi đau, nhưng họ có thể chuyển hóa nó thành sự căm thù, giận dữ.

Để có được cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng là chúng ta cần học biết chuyển hóa những nguồn năng lượng tinh thần theo một cách tích cực, mang lại sự yên vui, thanh thản cho tâm hồn ta.

Chúng ta có thể tạm phân chia năng lượng tinh thần của chúng ta thành hai nhóm. Nhóm năng lượng tích cực là nhóm thúc đẩy cuộc sống yên vui, hạnh phúc, chẳng hạn như lòng yêu thương, sự cảm thông... Nhóm năng lượng tiêu cực là nhóm thúc đẩy ta theo chiều hướng ngược lại, nghĩa là dẫn đến sự khổ đau, buồn chán, chẳng hạn như lòng thù hận, sự giận dữ... Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện sự phân chia như thế này bằng vào cảm nhận của riêng mình. Và bằng vào sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn, chúng ta sẽ có thể chuyển hóa những nguồn năng lượng tiêu cực trở thành tích cực.

Khi ta tức giận ai, ta cảm thấy sự thôi thúc phải làm một điều gì đó để giải tỏa sự tức giận. Ta bị cuốn hút về đối tượng đã gây nên sự tức giận của ta, và cảm thấy bị thôi thúc phải nói hoặc làm bất cứ điều gì để gây thương tổn cho người ấy. Sự thôi thúc ấy làm ta bị nung nấu trong đau khổ và cho rằng chỉ khi nào ta làm được điều gì đó gây thương tổn cho đối tượng ta mới hết tức giận.

Nếu chúng ta bình tĩnh phân tích vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng nguyên nhân chính của cơn giận không nằm ở nơi đối tượng. Sự giận dữ thường phát sinh từ một sự bất mãn, không hiểu biết, kiêu ngạo, hay tham muốn... Vì thế, chúng hoàn toàn nằm ngay trong ta, và đối tượng của sự tức giận chỉ là một nguyên nhân phụ thuộc.

Lấy ví dụ, một trận lụt xảy ra và tài sản ta bị thiệt hại rất nặng nề. Ta không hề tức giận trận lụt ấy, vì ta có đủ hiểu biết để hiểu rằng trận lụt do đâu mà có, và thật là ngây ngô khi nổi giận với trận lụt. Nhưng một người lái xe hơi bị hỏng thắng đâm vào hiên nhà ta gây ít nhiều thiệt hại sẽ làm ta tức giận. Bởi vì ta không có đủ hiểu biết để hiểu rằng do đâu mà người lái xe hơi ấy gây thiệt hại cho ta. Ta không chịu suy xét để hiểu, cho dù vấn đề rất đơn giản. Bản thân anh ta cũng chịu đựng sự thiệt hại, và tai nạn xảy ra là ngoài mong muốn của anh ta. Nếu ta hiểu được như thế, ta sẽ cảm thông và tha thứ, thay vì tức giận.

Một buổi sáng nhiều sương mù, có một người chèo thuyền đi ven sông. Anh ta nhìn thấy một thuyền khác phăng phăng nhắm hướng mình lao tới. Anh ta hét lên: “Cẩn thận, cẩn thận, có người ở đây.” Nhưng chiếc thuyền kia không đổi hướng, vẫn lao nhanh đến. Thuyền anh ta bị đâm vào và lật úp. Anh ta bơi vào bờ với tâm trạng tức giận vì mình đã cảnh báo mà người lái thuyền bên kia không chịu nghe. Nhưng khi lên bờ anh ta mới nhận thấy không còn ai khác, bởi thuyền kia là một chiếc thuyền không người lái! Cơn giận của anh ta tiêu tan. Anh ta đã có đủ hiểu biết để hiểu rằng do đâu con thuyền kia không chuyển hướng mà vẫn cứ đâm vào mình.

Trong phần lớn trường hợp, nếu chúng ta chịu suy xét, tìm hiểu về nguyên nhân một sự việc, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ. Chúng ta sẽ nhận ra rằng rất nhiều khi đối tượng cơn giận của ta vốn dĩ đã phải chịu đựng rất nhiều và đáng được thương hại hơn là tức giận.

Có những nguyên nhân gần và xa mà ta đều có thể hiểu được nếu chịu suy xét. Một người nào đó nói với ta những lời cau có, bởi vì ngay trước đó anh ta đã hứng chịu những lời tương tự từ người khác. Nếu hiểu được như vậy, ta sẽ không còn giận anh ta nữa. Đó là một nguyên nhân gần, nhưng còn có những nguyên nhân xa hơn nữa. Chẳng hạn người ấy đã lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn nói với anh ta bằng những lời cau có, bực dọc. Anh ta đã tập nhiễm thành thói quen nói những lời cau có, bực dọc, nhưng không hẳn trong lòng anh ta có gì đáng ghét. Hiểu được như vậy, chúng ta cũng sẽ không còn giận anh ta nữa.

Khổ đau, buồn chán, thù hận... đều có thể được chuyển hóa bằng vào sự hiểu biết và cảm thông. Chúng ta luôn có được sự hiểu biết khi ta chịu suy xét. Chúng ta luôn có được sự cảm thông khi ta chịu nghĩ đến những đau khổ, bất hạnh mà người khác đang gánh chịu.

Khi chúng ta thiếu sự hiểu biết và cảm thông, chúng ta sống trong đau khổ và gây ra đau khổ cho người khác. Những gì chúng ta làm mà ta cho rằng có thể giúp ta vơi đi đau khổ, thật ra chỉ làm tăng thêm khổ đau nhiều hơn nữa, và càng gây ra nhiều khổ đau cho người khác.

Sự hiểu biết và cảm thông là một kỹ năng cần có quá trình rèn luyện. Hay có thể nói một cách khác đi, sự thiếu hiểu biết và cảm thông vốn là một thói quen tập nhiễm từ rất lâu mà ta không dễ loại trừ ngay trong chỉ một đôi lần. Đôi khi, những cơn giận nổi lên và ta không sao kiềm chế được cho dù ta biết là mình hoàn toàn vô lý. Nhưng với một sự tỉnh thức và kiên nhẫn, qua nhiều lần như vậy chúng ta sẽ dần dần kiểm soát được chúng.

Sự thiếu hiểu biết thường là do không chịu lắng nghe từ người khác. Bởi vì có những điều chúng ta không thể suy ra được mà cần phải được nghe người khác giải thích. Nhưng thói quen của chúng ta khi nóng giận thường là không chịu lắng nghe người khác. Và điều đó dẫn đến sự thiếu hiểu biết.

Trong câu chuyện nổi tiếng về người thiếu phụ Nam Xương, người chồng đã thiếu hiểu biết vì không chịu lắng nghe. Qua nhiều năm chinh chiến trở về, anh ta không thể hiểu hết mọi việc ở nhà. Nhưng khi nghe đứa con nói rằng: “Ông không phải ba tôi. Ba tôi về đêm mới đến. Mẹ tôi nói chuyện và khóc với ba tôi. Khi mẹ tôi ngồi, ba tôi cũng ngồi. Khi mẹ tôi nằm xuống, ba tôi cũng nằm.” Anh ta cho rằng mình đã hiểu hết vấn đề qua lời nói của đứa con. Nhưng nếu anh chịu lắng nghe, anh sẽ hiểu được sự thật. Đứa bé đang nói về cái bóng đen trên vách tường mà mẹ nó mỗi đêm vẫn thường chỉ vào và bảo với nó đó là ba nó. Sự tức giận làm cho anh ta không còn biết lắng nghe. Và vì thế, anh ta không có đủ hiểu biết để hóa giải cơn giận. Hậu quả mà chúng ta ai cũng biết là người vợ đã trầm mình xuống sông tự vẫn.

Người vợ cũng đã sai lầm khi hành động như vậy. Bà đã không cảm thông được với cơn giận của người chồng. Lẽ ra bà phải hiểu được là người chồng đang giận, và những lời giải thích của bà có thể đưa ra sau đó, vì không có cơn giận nào kéo dài vô thời hạn. Bản thân bà cũng có một cơn giận. Nó là nguồn năng lượng tiêu cực thúc đẩy bà hành động sai lầm khi không nghĩ đến hậu quả cho người chồng và đứa con. Nếu bà hiểu được và cảm thông với nỗi đau khổ của người chồng đang tức giận, bà sẽ có thể kiên nhẫn chờ đợi giải thích vấn đề, và chúng ta hẳn đã có một kết quả tốt đẹp hơn cho câu chuyện.

Nguyên nhân gây ra những cơn giận cũng thường là nằm trong quá khứ. Khi có ai đó nói hoặc làm điều gì khiến ta nổi giận, thường là bởi vì điều ấy có liên hệ nhất định với những điều không hay nào đó trong quá khứ của ta. Vì thế, nếu ta ý thức được giá trị của hiện tại và không bị chi phối bởi quá khứ, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát những cơn giận của mình hơn.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải nhớ là, khi chúng ta tức giận hoặc hận thù hoặc đau khổ... những cảm xúc ấy là ở nơi ta, không thuộc về bất cứ một người nào khác. Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa những năng lượng tinh thần tiêu cực ấy bằng chính sự hiểu biết và cảm thông của mình, không thể bằng cách tác động vào ai đó như một đối tượng của lòng căm tức, hận thù hoặc đau khổ.

Những năng lượng tinh thần tiêu cực giống như những ngọn lửa. Chúng cần có gì đó để thiêu đốt. Khi chúng ta thiếu sự hiểu biết, chúng thiêu đốt chính bản thân ta. Nếu chúng ta chuyển hóa được chúng, chúng sẽ trở thành lòng yêu thương, sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ... những nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy ta làm được những điều tốt đẹp cho chính mình và cho mọi người chung quanh ta.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/03/2011(Xem: 8660)
Giữa muôn vàn phức tạp của cuộc đời, chúng ta phải sống như thế nào? Chắc hẳn trong đời, bạn đã từng có lúc tự hỏi mình câu hỏi đó?
27/02/2011(Xem: 7186)
« Sự thụ thai và hình thành của một đứa bé đòi hỏi một khung cảnh đạo đức và một thái độ tinh thần thật đặc biệt. Các khoa học gia cho biết ngay từ lúc đứa bé còn nằm trong bụng, trạng thái tâm thần của người mẹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến nó. Sự an bình trong tâm thức của người mẹ trong thời gian mang thai tác động rất tích cực đến đứa bé sinh ra sau này. Trái lại, nếu tâm thần của người mẹ mang tính cách tiêu cực – chẳng hạn như giận dữ hay mang đầy thất vọng trong lòng – thì sẽ làm phương hại đến sự phát triển bình thường và lành mạnh của đứa bé», (Lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma).
27/02/2011(Xem: 8075)
Bạn có bao giờ ý thức được rằng, bi quan hay sầu muộn tức là tự mình đang lãng phí những ngày tháng quý giá của cuộc đời mình?
27/02/2011(Xem: 7877)
Buổi nói chuyện hôm nay tôinhắm vào Quý Phật tử Phước Thái nhiều hơn là Quý Phậttử ở các nơi. Vậy Quý vị hãy lắng nghe cho kỹ. Ở đâytôi không giảng những đề tài cao siêu, mà đặt những câuhỏi rất thực tế, rất thấp, quý vị hãy trả lời đúngnhư chỗ mình biết, để rồi tôi hướng dẫn cho quý vịtu hành. - Quý vị đi chùa học đạo, cóphải tu theo đạo Phật không?
26/02/2011(Xem: 7838)
Có thể nói rằng, trước khi chúng ta cảm nhận được sự thanh thản, bình yên trên quả đất này, mỗi chúng ta đã có thể cảm nhận sự bình yên, thanh thản từ bên trong tâm hồn mình.
25/02/2011(Xem: 8174)
Anh đã từng xót thương, như tự xót thương anh thuở nào thơ dại, khi bắt gặp trên đường những nét nhăn mà móng vuốt của cuộc đời đã cày trên trán ai như trán em bây giờ...
25/02/2011(Xem: 6707)
Lòng hướng thiện luôn tiềm ẩn nơi mỗi tâm hồn đang khát khao vươn lên trong cuộc sống. Với những tâm hồn đang đi trong bóng tối lầm lạc, vấp ngã, hãy biết vươn mình đứng thẳng dậy để tiếp tục sống.
25/02/2011(Xem: 8999)
Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy rằng: “Đối với bậc chân nhân, thiện nhân, hai đặc tính này sẽ được biết đến, đó là biết ơn và đền ơn đúng pháp.”
24/02/2011(Xem: 7138)
Việc giáo dục con người phải được bắt đầu tuổi ấu thơ, từ gốc rễ gia đình. Giáo dục con cái – tức là chuẩn bị hành trang cần thiết cho con cái bước vào đời...
23/02/2011(Xem: 8038)
Nói đến gia đình, trong ký ức sâu đậm của mỗi người, chúng ta thường nghĩ đến những gì là tươi đẹp và thiêng liêng nhất!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]