Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21-25

09/02/201109:30(Xem: 5366)
21-25

XUÂN TRONG CỬA THIỀN TẬP: 1, 2, & 3

Thiền Viện Chơn Không
Hoà Thượng Thích Thanh Từ

21. Chén Trà Khai Mạc (Tất niên Bính Dần-1987)

22. Sáng Việc Lớn.
23. Mùa Xuân Miên Viễn (Xuân Đinh Mão-1987)
24. An Lạc Sau Khi Bứng Gốc Khổ Đau.
25. Bài Kinh Bát-nhã (Tất niên Đinh Mão-1988)

CHÉN TRÀ KHAI MẠC
TẤT NIÊN BÍNH DẦN 1987

Uống trà tất niên, theo thông lệ, chúng tôi kể một câu chuyện, quí vị hãy lắng nghe. Kể xong tôi hỏi, quí vị trả lời. Vị nào trả lời đúng, thì được vinh dự khai mạc buổi lễ tất niên.

Câu chuyện bắt đầu:

“Khi xưa có một vị Sư ni tên Lưu Thiết Ma, đệ tử ngài Qui Sơn. Thiền sư Tử Hồ, đệ tử ngài Nam Tuyền nghe danh Sư nilà người đối đáp lanh lẹ, nên đến cật vấn.

Khi đến ngài Tử Hồ liền hỏi:

- Bà có phải là Lưu Thiết Ma chăng?

Bà đáp:

- Chẳng dám.

Ngài hỏi tiếp:

- Mài bên phải hay mài bên trái?

(Vì sao mà ngài Tử Hồ hỏi như vậy? Vì “Thiết” có nghĩa là sắt, “Ma” là mài. Tên Lưu Thiết Ma là Lưu Mài Sắt, nên Ngài hỏi: mài bên phải hay mài bên trái.)

Bà trả lời:

- Vì sao mà Hòa thượng điên đảo vậy?

Ngài Tử Hồ liền lấy gậy đập bà một gậy.”

*

Bây giờ tôi hỏi quí vị: Gậy đó là gậy thưởng hay gậy phạt?

- Gậy thưởng. (một vị Tăng thưa)

- Chưa có quyền khai mạc. Ai sáng suốt nói xem: Gậy đó là gậy thưởng hay phạt?

- Đó là phần của các Ni, nhờ các Ni giải đáp. (thầy Tri sự Phước Tú nói)

- Nếu nói thưởng không đúng thì nghĩ sao? Ai dám nói? Thưởng không có quyền khai mạc rồi, phải nói sao đây?

- Thưa Thầy gậy phạt. (một cô Ni nói)

- Phạt cũng không có quyền khai mạc nữa. Nhưvậy là sao? Nếu nói điên đảo là quấy nên phạt, nếu nói điên đảo là phảinên thưởng. Nhưng hai cái thưởng phạt đều sai hết, rồi phải nói sao? Vậy phần khai mạc về ai?

- Thưa Thầy không thưởng không phạt. (một vị Tăng thưa)

- Cũng trật luôn.

- Thưa Thầy tại mở miệng nói nên bị đòn. (một cô Ni thưa)

- Cũng không phải nữa.

- Thôi để đỡ mất thời giờ, tôi đại diện quí vị trả lời. Tôi giải thích để quí vị thấy, Lưu Thiết Ma có nghĩa là Lưu Mài Sắt. Bởi mài sắt nên ngài Tử Hồ mới hỏi: Mài bên phải hay mài bên trái? Nếu là người dốt thì trả lời kẹt bẫy của Ngài. Bên phải bên trái là hai bên cũng đều trật hết. Bà Lưu Thiết Ma là người thấy xa biết rõ liền bẻ lại Hòa thượng: Vì sao Hòa thượng điên đảo vậy? Vì Ngài thấy có bên phải thấy có bên trái là Ngài có điên đảo rồi! Hòa thượng liền đánh,đánh đó là thưởng hay phạt? Ai đang có lỗi? Bà có lỗi hay Hòa thượng cólỗi? - Hòa thượng có lỗi. Nếu bà Lưu Thiết Ma nói “vì sao mà Hòa thượngđiên đảo vậy” mà ngài Tử Hồ đi liền thì Ngài thua trận, nên Ngài liền ra oai đánh một cái thoát nạn, chớ không khen, không chê. Đó là cái đánhthoát nạn.

Tôi trả lời rồi, mời Thầy trụ trì đại diện tôi khai mạc, và mời quí vị dùng bánh mứt, uống trà, rồi tôi sẽ nói chuyện sau.

SÁNG VIỆC LỚN
TẤT NIÊN BÍNH DẦN 1987

Hôm nay là ngày Tất niên cuối năm Bính Dần, bắt đầu sang năm Đinh Mão, tất cả người tu chúng ta mỗi năm một lần, phải ôn lại việc cũ và chuẩn bị cho việc mới. Nói một cách dễ hiểu hơn những điều gì dở trong năm qua chúng ta phải chừa để chuẩn bị cho năm tới được tốt đẹp hơn, được sáng sủa hơn. Đó là bổn phận của tất cả chúngta, Tăng Ni và Phật tử.

Đề tài chúng tôi nói hôm nay nghiêng về ngườixuất gia, nếu là cư sĩ quí vị cũng lấy đây làm kinh nghiệm, còn Tăng Nithì phải cố gắng thực hiện cho kỳ được những gì mà tôi nhắc nhở hôm nay.

Ngài Trần Tôn Túc, đệ tử lớn của Tổ Hoàng Bá, sư huynh của Tổ Lâm Tế, Ngài có nói:

“Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ,

Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ.”

Đây là câu mà tất cả Tăng Ni và Phật tử phảinghiền ngẫm để ứng dụng cho xứng đáng với tinh thần người tu. Tất cả chúng ta tu đều mong rằng một ngày nào sẽ sáng được việc lớn. Nếu việc lớn đã sáng, việc tu của chúng ta đã đủ, đã xong rồi hay chưa? Qua câu nói của ngài Trần Tôn Túc, chúng ta thấy rất rõ: Việc lớn chưa sáng, chúng ta phải cố gắng nỗ lực tiến tu để sáng việc lớn. Nếu việc lớn đã sáng rồi không phải ngang đó chúng ta dừng lại mà còn phải tiếp tục nữa.

Cổ đức có nói:

“Chưa đến vô tâm cần phải đến,

Đã đến vô tâm, vô cũng thôi.”

Khi chưa được vô tâm, chưa sáng được việc lớn, chúng ta cần phải tiến tu để được sáng, được vô tâm. Nhưng khi đã được vô tâm rồi, chữ “Vô” cũng thôi, chớ không phải vô tâm rồi ngay đó là đủ. Muốn khai triển đầy đủ ý nghĩa này, chúng tôi xin tuần tự nêu ra từ những cái dở đến cái hay để tất cả Tăng Ni và Phật tử ứng dụng tu hành cho khỏi sai lầm.

Trước tiên chúng tôi nói các bệnh của người tu Phật hiện nay. Bệnh thứ nhất là khinh lờn. Người tu chúng ta khi mới bước chân vào đạo, cư sĩ cũng như xuất gia, lúc đầu phấn khởi hăng hái, coi như việc đạt đạo ở trước mắt, không xa. Nhưng qua năm thứ hai, năm thứ ba, những phấn khởi, những hăng hái buổi ban đầu giảm dần, rồi khinhlờn, rồi coi thường. Vì vậy người xưa thường nhắc: “Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên.”

Nói theo Sư ông chúng tôi, Sư cụ Khánh Anh: “Tam niên Phật xa lơ xa lắc.” Năm đầu mới vào đạo, chúng ta thấy việc đạt đạo không khó, nhưng qua năm thứ hai năm thứ ba hay nhiều năm nữa, tinh thần phấn khởi hăng hái buổi ban đầu giảm xuống lần lần, rồi đạo càng ngày càng xa, nhất là trong giới tu sĩ. Người tu sĩ khi mới xuất gia có ý nguyện nhất định phải giải thoát ngay trong hiện đời. Nhưng khi xuất gia được vài ba năm hơi quen rồi, thỉnh thoảng cũng có chuyện hơn thua, chuyện phải quấy, tâm ban đầu yếu đi từ từ, có khi quá yếu đến đỗi bị rầy chê. Đó là vì chúng ta không giữ được tâm ban đầu. Phật Tổ thường dạy chúng ta phải nhớ tâm ban đầu. Nếu chúng ta giữ được nó thì đạo không xa, việc giải thoát không khó, còn quên thì đạo càng ngày càng xa, việc giải thoát càng ngày càng khó.

Trong kinh A-hàm Phật có nói: Người mới xuấtgia giống như cô dâu mới về nhà chồng, đối với cha chồng, mẹ chồng, chịchồng, em chồng, thảy đều quí nể, khép nép cung kính. Nhưng ở đôi ba năm có con cái rồi, đối với cha chồng coi không ra gì, không còn nể cha mẹ chồng, ăn hiếp luôn chị chồng, em chồng, cả đến người chồng cũng không vị nể. Người tu cũng vậy. Khi mới vào đạo cạo tóc xuất gia, đối với Hòa thượng, Thượng tọa thì khép nép cung kính, đối với các Sư huynh thì nể nang dễ dạy. Nhưng ở đến một năm, hai năm, ba năm sau, thấy các Hòa thượng, Thượng tọa có khi quên cúi đầu, cho đến khi sai bảo không vâng làm nữa. Vì cái bệnh khinh lờn này nên việc tu không tiến được. Vì vậy Phật bảo chúng ta phải nhớ tâm ban đầu.

Các kinh thường dạy: Các thầy Tỳ-kheo, mỗi sáng phải nhớ rờ đầu một lần. Rờ đầu để nhớ mình đã cạo tóc xuất gia, không còn nghĩ đến chuyện gì ở đời nữa, nếu không, lâu ngày rồi quên mình là người xuất gia. Phật dạy chúng ta phải nhớ trên đường tu đừng cóniệm khinh lờn. Nếu có niệm khinh lờn thì ban đầu tu thấy tiến, nhưng sau rồi lùi, lùi cho tới không biết bao giờ tiến được nữa. Đó là bệnh thứ nhất của người tu.

Bệnh thứ hai là bệnh tự mãn. Tự mãn là được ít mà cho là đủ. Có những người tu học được ít bộ kinh, tụng được hai thời công phu, bái sám rành rẽ, coi như bao nhiêu đó là đủ cho mình làm Phật sự, rồi hài lòng tự mãn với cái mình đã được, lấy đó làm sở trường mà không cố gắng nỗ lực tiến tu. Như vậy mình tự khép mình trong phạm vihẹp hòi để rồi chịu cả một đời tu không tiến nổi.

Đây, tôi nhắc lời của Thiền sư Thanh ở Dũng Tuyền, Ngài nói với chúng rằng:

“Tôi ở trong đây bốn mươi chín năm còn có khi tẩu tác, các ông chớ nói to, người kiến giải thì nhiều, người hành giải thì ít, muôn người không có một. Kiến giải ngôn ngữ cần biết suốt, nếu thức chưa hết sẽ bảo đi trong luân hồi vậy.” Quí vị thấy, Ngài là một Thiền sư đã ngộ đạo, Ngài nói Ngài đã ở bốn mươi chín năm trên núi Dũng Tuyền còn có khi tẩu tác tức là tâm chạy bậy như trâu hoang, huống nữa là những người mới vào đạo một năm hai năm ba năm, coi như mình xongviệc, ăn to nói lớn tưởng mình như là thánh, đó là điều không nên. Ngàidạy: “người kiến giải thì nhiều, người hành giải thì ít” tức là người thấy hiểu thì nhiều mà hành được thì ít. Trong muôn người hiểu, chưa có được một người hành. Ngài nói như vậy, không phải cấm không cho chúng tacó kiến giải. Ngài dạy kiến giải ngôn ngữ cần phải biết suốt, phải thông nhưng nếu thức tình chưa hết sẽ đi trong luân hồi.

Người xưa biết được bệnh của chúng ta nên nhắc nhở khiến chúng ta biết rõ trên đường tu không phải đơn giản, khôngphải một sớm một chiều là xong việc, không phải thấy biết là rồi, mà còn phải hành, phải sống được với nó nữa, đó là điều thật thiết yếu. Hiện nay cũng có một ít Tăng Ni nghe hiểu, hiểu rồi cứ ăn to nói lớn, tưởng đó là hay, không ngờ vẫn còn thức tình, đến khi chết vẫn đi trong luân hồi. Cho nên chúng ta phải khéo cố gắng vượt qua các lỗi đó mới được.

Đến bệnh thứ ba, là bệnh thụ hưởng.

Có một số người tu được một thời gian năm năm, mười năm, thọ giới làm trụ trì, coi như mình xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, rồi tự hài lòng. Từ sự tự hài lòng đó sanh ra thụ hưởngtức là nghĩ tới ăn chơi vui đùa, chạy theo dục lạc, mà không nghĩ tới việc tiến tu. Đó là điều rất nguy hiểm cho đạo. Chúng ta tu cốt làm sao dứt sạch các phiền não, mà phiền não phát xuất từ dục lạc. Nếu chúng ta còn thụ hưởng dục lạc thì phiền não làm sao sạch được. Vì vậy nên người nào tu hành mà nặng về hưởng thụ, người đó thế nào rồi cũng bị dục lạc làm chủ. Bị dục lạc làm chủ thì đời này không thể tiến được, mai kia cũng khó mà trả được nợ áo cơm. Cho nên có bài kệ:

Học đạo bất thông lý,

Phục thân hoàn tín thí.

Trưởng giả bát thập nhất,

Kỳ thọ bất sanh nhĩ.

Dịch:

Học đạo chẳng thông lý,

Đem thân đền tín thí.

Trưởng giả tuổi tám mốt,

Cây kia chẳng sanh nhĩ (nấm).

Bài kệ này thuật lại việc một Tỳ-kheo tu hành tương đối tốt. Có một ông trưởng giả thấy vậy quí kính, mỗi ngày dâng cúng mọi sự rất đầy đủ (tứ sự cúng dường). Nhưng vị Tăng không thông được lý đạo, chưa sáng được việc lớn, nên khi chết thân trở lại đền nợ thí chủ. Đền nợ bằng cách thành cây mỗi ngày mọc nấm cho ông trưởng giả ăn. Tới khi ông trưởng giả tám mươi mốt tuổi cây mới thôi mọcnấm. Như vậy để thấy rằng nếu tu mà không sáng được đạo, không dứt đượcthức tình, dù chúng ta có cố gắng cũng chưa giải thoát được.

Nếuchúng ta thụ hưởng càng nhiều thì họa càng lắm. Vị Tăng này tuy ở tốt, mà vẫn phải trả nợ hoa báu. Đó là trả nợ nhẹ làm cây cho người ta ăn nấm, rồi hết nợ mới đi. Nếu chúng ta nặng nợ hơn, chúng ta phải mang thân xấu xí hơn nhiều đi trong lục đạo để đền nợ của đàn-na thí chủ. Vì vậy người tu chúng ta phải nhớ rằng trên đường tu không phải chỉ có một hai thời khóa tụng, không phải chỉ thành ông trụ trì là xong việc tu. Chúng ta tu cốt làm sao thấy được đạo, sống được với đạo, chớ không phảilà việc đơn giản. Thấy được đạo, sống được với đạo mới mong thoát ly sanh tử. Đó là điều thiết yếu mà chúng tôi mong tất cả Tăng Ni và Phật tử nhớ để nỗ lực tiến tu, đừng có hài lòng, đừng có tự mãn, rồi phải chiêu họa đời sau. Đó là phần chúng tôi kể về bệnh của người tu.

Phần thứ hai nói đến: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ.” Tại sao ngài Trần Tôn Túc nói: việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ? Quí vị nhớ những người con khi đưa đám ma mẹ mình, thì lúc đógương mặt thật âu sầu ảo não, tâm hồn thật buồn bã khắc khoải vô cùng. Cũng như vậy, đối với người tu chúng ta chưa sáng được việc lớn, ngày nào tháng nào năm nào, chúng ta cũng phải ôm ấp trong lòng băn khoăn khắc khoải, niệm niệm quyết chí tiến tu. Cái gì mình chưa hiểu phải tìm cho hiểu, cái gì mình chưa thông phải ráng học hỏi cho thông.

Nhưvậy khả dĩ còn tiến được. Nếu việc lớn chưa sáng mà cứ vui chơi hết ngày hết tháng, như vậy không mong gì đạt được sở nguyện của mình. Vì vậy việc lớn chưa sáng, chúng ta lúc nào cũng phải ôm ấp, lo âu, trăn trở trong lòng, phải nỗ lực cố gắng tu hành để đạt cho kỳ được mới thôi.Như vậy mới khả dĩ xứng đáng một người xuất gia theo Phật. Nếu chúng takhông làm đúng lời Phật Tổ dạy thì rất uổng một đời tu của mình, lại còn làm cho thiên hạ chê cười khinh bỉ, đạo lý cao siêu của Phật trở thành vô giá trị. Vì vậy nếu việc lớn chưa sáng chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tiến tu, chúng ta không có quyền nghĩ rằng mình tu cho có chừng để rồi đời sau tu nữa. Chúng ta phải quyết chí sáng được việc lớn ngay trong đời này, nếu chưa xong ít ra cái mê cũng mòn cũng mỏng để sau này tiếp tục một cách dễ dàng.

Xưa có những Thiền sư mỗi khi chiều xuống, xét lại mình chưa tiến được bao nhiêu, các ngài rơi lệ, còn chúng ta mỗikhi chiều xuống thì vui cười hỉ hạ. Chúng ta có tiến không mà vui cười?Tại sao các ngài không tiến thì khóc còn chúng ta không tiến lại cười? Tâm niệm người xưa và tâm niệm chúng ta ngày nay khác nhau ở chỗ nào? Nếu thật tình quyết chí cầu giải thoát, mà mình không đạt được điều mongmỏi, làm sao vui, làm sao thảnh thơi cười đùa! Vì vậy người xưa đã nhiệt tình khi nhớ tới việc tu hành của mình, qua một ngày mất đi mà không tiến là các ngài đau khổ xót xa đến độ phải rơi nước mắt.

Chúngta ngày nay dù không bằng được người xưa, ít ra mỗi ngày qua chúng ta phải nao nao tự hỏi rằng tại sao mình hèn nhát, mình tu không tiến. Một ngày tu không tiến còn rơi nước mắt, một tháng tu không tiến chắc phải khóc òa lên! Còn một năm tu không tiến quí vị nghĩ nên làm sao? Nếu một năm qua kiểm lại mình tu không tiến được một bước nào, thật là đau lòng hổ thẹn, không thể nào an ổn được.

Tu cốt phải tiến, không phải đứng một chỗ, đứng một chỗ có nghĩa là lùi, huống nữa có nhiều người cònbước lùi nữa, việc đó thật là quá tệ. Do đó hôm nay là ngày cuối năm, chúng ta tự kiểm lại mình thấy qua một năm, mình tu không tiến được bướcnào, chúng ta phải lập nguyện cho mạnh, lập chí cho vững để vươn lên, không để yếu hèn như năm cũ nữa. Như vậy chúng ta mới xứng đáng là ngườitu có trọng trách làm lợi mình, lợi người, tự giác, giác tha. Đó là điều mà chúng tôi mong mỏi nhất.

Phần thứ ba là “việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Vì sao như vậy? Vì chúng ta tưởng rằng một khi ngộ được lý đạo, ngang đó là thành Phật, thành Tổ. Thật sự chưa phải. Sau đây là bài kệ chúng tôi thường nhắc:

“Đốn ngộ tuy đồng Phật,

Đa sanh tập khí thâm,

Phong đình ba thượng dũng,

Lý hiện niệm du xâm.”

“Đốn ngộ tuy đồng Phật” tức là thấy được đạo, Phật với mình không khác. Nhưng “đa sanh tập khí thâm” tức là nhiềuđời tập khí sau dầy, nóng giận phiền não hồi xưa còn ghi đậm nét trong thói quen của mình. Bây giờ tuy ngộ được lý đạo nhưng khi chạm việc cũngcòn giận cũng còn nóng. “Phong đình ba thượng dũng” : như ngoài biển gió dừng rồi mà sóng vẫn còn vỗ ầm ầm. “Lý hiện niệm du xâm”, đối với đạo lý thì thấy được lẽ thật rồi, nhưng mà niệm vẫn còn dấy lên hoài.

Cácniệm đó làm mờ tối tánh giác của mình. Khi ngồi lại nó cứ tràn vào, lấnmãi, nó quấy động cả giờ ngồi thiền không lúc nào tha mình. Như vậy đừng tưởng rằng ngộ được lý đạo là xong việc, mà còn phải nỗ lực tiến tu, làm sao trong tất cả giờ những niệm đó không quấy nhiễu mình, không làm mờ tánh giác của mình, chừng đó mới khả dĩ hợp với đạo. Chớ còn ngang đó mà hài lòng tự mãn đó là bệnh lớn.

Chính chỗ này trong kinh Trung A-hàm có ghi:Một hôm có người ngoại đạo tới hỏi Phật: - Thưa ngài Cù-đàm, những đệ tử của Ngài đã ngộ đạo, những người đó có đến Niết-bàn hết hay chăng? Phật trả lời:

- Có người đến Niết-bàn, có người không đến Niết-bàn.

Người ngoại đạo lấy làm lạ hỏi:

- Tại sao đã ngộ đạo rồi, có người được đến Niết-bàn lại có người không đến?

Phật ví dụ: Như có người bị mũi tên độc bắn vào tay, thầy thuốc được mời tới mổ lấy tên ra, khử độc băng bó kỹ càng và bảo ráng giữ gìn đừng cho nhiễm trùng. Nhưng người đó nghĩ rằng tên độc đã nhổ ra, dùng thuốc khử độc rồi, còn lo sợ gì nữa. Ngang đó tha hồxông pha, vết thương bị nhiễm trùng, bệnh trở nặng rồi chết. Người thứ hai cũng bị tên độc và cũng được nhổ tên ra, khử trùng xong băng bó cẩn thận và cũng được dặn dò như trước. Người này biết giữ gìn từ khi đó không dám để dơ để nhiễm trùng, vết thương lành lần lần rồi khỏi hẳn. Như vậy hai người cùng bị tên độc, cùng được mổ lấy tên ra, khử độc như nhau, tại sao một người chết, một người lành?

Phật nói: “Cũng như vậy, những người tu ngộ đạo rồi mà ngang đó biết nghe lời Phật tiến tu, gìn giữ đạo hạnh càng ngày càng trong sáng thì sẽ đến Niết-bàn. Những người ngộ đạo rồi, ngangđó tự mãn làm những việc xông pha trái với đạo lý lần lần bị nhiễm rồi thối đọa.” Như vậy quí vị mới thấy, đừng tưởng ngộ rồi là xong. Vì đa sanh tập khí thâm, tuy ngộ đạo rồi mà tập khí vẫn còn, nếu lân la với thói quen cũ thì bị nhiễm. Nên nói “việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”, chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tu, không phải ngang đó mà dừng.

Đây tôi dẫn lời Thiền sư Truyền Sở ở núi Thanh Phong. Có vị Tăng hỏi:

- Việc lớn đã sáng, vì sao như đưa ma mẹ?

Ngài đáp:

- “Chẳng gặp gió xuân hoa chẳng nở,

Đến khi hoa nở lại thổi rơi.”

Quí vị có thấy giống hai câu tôi nói ở trên chăng?

“Chưa đến vô tâm cần phải đến,

Đã đến vô tâm, vô cũng thôi.”

Đợi có gió xuân hoa mới nở. Đừng tưởng hoa nở là xong việc, mà còn phải nhờ gió thổi cho hoa rụng luôn mới là xong việc. Chúng ta thấy người xưa rất cẩn thận dè dặt chỉ dạy chúng ta cách tu hành.

Thiền Sư Tử Thuần ở Đơn Hà có làm bài tụng:

Gia sơn qui đáo mạc nhân tuần,

Kiệt lực dần thân phụng nhị thân

Cơ tận công vong ân nghĩa đoạn,

Tiện thành bất hiếu xiển-đề nhân.

Dịch:

Gia sơn về đến chớ dần dà,

Gắng sức sớm hôm dưỡng mẹ cha

Cơ hết công quên ân nghĩa dứt,

Bỗng thành bất hiếu người xiển-đề.

Tại sao câu kết lạ lùng vậy? Tôi sẽ giải thích bài kệ cho quí vị hiểu: Gia sơn về đến chớ dần dà nghĩa là người tu như kẻ trở về quê hương, hy vọng thiết tha nhất là về tới nhà. Về tớinhà còn phải: Gắng sức sớm hôm dưỡng mẹ cha, chẳng phải về đến nhà để chơi suông. Nuôi dưỡng mẹ cha rồi còn nghĩ mình là con có hiếu, là kẻ cócông, cũng chưa được, nên nói: Cơ hết công quên ơn nghĩa dứt, tới đó điều kiện công ơn nuôi dưỡng cha mẹ không còn thấy nữa. Bỗng thành bất hiếu người xiển-đề. Tại sao câu kết lại như vậy? Chúng ta thường nghe trong kinh nói xiển-đề tiếng Phạn, dịch nghĩa là bất tín, tức là không đủ lòng tin. Ở đây xiển-đề chia ra ba loại:

1. Người phạm tội ngũ nghịch gọi là xiển-đề.

2. Người đối với Tam Bảo không có lòng tin gọi là xiển-đề.

3. Người như ngu như ngây không còn thấy có Phật ở trên để kính, không còn thấy có chúng sanh ở dưới để xem thường, cũng gọi là xiển-đề. Người này thấy Phật với chúng sanh bình đẳng.

Như trên đã nói:

Chẳng gặp gió xuân hoa chẳng nở

Đến khi hoa nở lại thổi rơi.

Nếu còn thấy mình là người đắc đạo, là ngườingộ đạo là chưa xong. Nếu ngộ đạo thật sự mà còn thấy mình đắc đạo, ngộđạo là chưa rồi, huống nữa chưa ngộ đạo mà còn tự xưng ta là người thấyđạo, ngộ đạo, thì nên nghĩ người ấy như thế nào? Vì vậy trong kinh Kim Cang có đoạn: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Tới chỗ rốt ráo pháp chân chánh còn phải buông xả, huống là phi pháp. Lời Phật dạy giốngnhư cái bè đưa mình qua sông, tới bờ rồi bè cũng bỏ, như vậy mới rồi việc. Nếu mình tu tới đó rồi hài lòng tự mãn thì không thể nào trángh khỏi việc ôm chặt chiếc bè không lên bờ được. Đó là ý nghĩa bài tụng củangài Đơn Hà Tử Thuần.

Một Thiền sư khác, ngài Thanh Long, nhân ý này nói một bài tụng:

Bần tử dụ trung tằng chỉ chú

Linh bình tân khổ uổng ta đà

Khúc thùy phương tiện thân phân phó

Triếp mạc nhân tuần xử tả khoa.

Dịch:

Trong dụ kẻ nghèo từng chỉ rõ

Lang thang cay đắng luống trôi qua

Được bày phương tiện vì giao phó

Thôi chớ lơ là khiến mất xa.

Ngài Thanh Long nhắc chúng ta người tu chẳngkhác nào kẻ cùng tử trong kinh Pháp Hoa. Trong thời gian lang thang nơixứ lạ quê người, người cùng tử chịu muôn ngàn cay đắng. Khi tìm được lối trở về đến nhà, qua được những cay đắng rồi vẫn chưa xong việc. Còn phải: Được bày phương tiện vì giao phó. Ông trưởng giả dùng phương tiện dẫn cùng tử về nhà trao kho tàng sự nghiệp. Khi được trao sự nghiệp rồi, thôi chớ lơ là khiến mất xa, còn phải giữ gìn bảo quản cho sự nghiệp được lâu dài bền vững. Ví dụ chàng cùng tử trong kinh Pháp Hoa chỉ cho chúng ta khi sáng được việc lớn mà không chịu nỗ lực cố gắng nữa thì một ngày nào đó chúng ta cũng bị rơi trở vào chỗ chưa sáng. Vì vậy khi sáng được việc lớn rồi, cần phải nỗ lực cố gắng cho đến bao giờviên mãn công hạnh của người tu mới là xong việc.

Tất cả người tu Phật chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thấy được đạo là xong việc mà phải hành đạo và hằng sống được với đạo. Mình và đạo không hai mới là thật sự giải thoát, giải thoát ngay trong đời này, chớ không phải đợi tới khi chết mới giải thoát, thì quá mơ hồ xa xôi.

Để kết luận, chúng tôi xin lập lại hai câu đầu nguyên văn chữ Hán:

Vị đáo vô tâm tu yếu đáo

Ký đáo vô tâm vô dã hưu.

Dịch:

Chưa đến vô tâm cần phải đến

Đã đến vô tâm vô cũng thôi.

Nếu chúng ta còn mù tối chưa thấy được đạo, cần phải nỗ lực cố gắng học hành tham vấn. Khi đến chỗ vô tâm rồi, chínhcái vô chúng ta cũng phải buông, mới đến chỗ mình và muôn vật không hai. Nếu còn đeo cái vô, thì vô tình chúng ta lại rơi vào biển vô sanh của rồng chết.

Nếu đã qua một năm mà tu không tiến, chúng ta hối hận muốn kéo năm cũ lại để tu hành thì không thể được. Vì vậy chúng ta đành phải để nó trôi qua. Nhưng năm tới chúng ta phải làm sao cho xứng đáng không phụ tinh thần xuất gia cầu giải thoát của chính mình. Năm cũ qua rồi, chúng ta đã hỷ hạ vui chơi, năm mới sắp đến, chúngta cũng hỷ hạ vui chơi không lo tu hành, e rằng một đời tu của chúng tatrở thành số không.

Hôm nay chúng tôi nhắc lại lời dạy của ngài Trần Tôn Túc để cho tất cả quí vị người tại gia cũng như xuất gia tự xétlại mình coi có tu nhiều hay tu ít. Nếu chúng ta đã tiến tu thì năm tớicũng phải cố gắng để khá hơn. Còn nếu người nào cảm thấy qua một năm màkhông tiến chút nào thì ngang đây chuẩn bị cho năm tới phải nỗ lực phátnguyện mạnh mẽ để đền bù lại những thiếu sót của một năm qua và xứng công trong năm tới. Như vậy mới không uổng một đời tu của mình. Đó là điều mong mỏi của chúng tôi trong ngày tháng cùng năm hết này. Mong quí vị chuẩn bị bước qua năm mới và sáng mai chúng ta có chương trình mới đểtiến đúng với sở nguyện của chúng ta.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.


MÙA XUÂN MIÊN VIỄN

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI TĂNG NI

XUÂN ĐINH MÃO 1987

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, quí Tăng Ni Phật tử câu hội về đây để chúc mừng năm mới, tôi rất hoan hỉ. Vậy quí vị lễ Tổ chứng minh cho rồi tôi sẽ nói chuyện.

Trước hết tôi chúc tất cả Tăng Ni và Phật tử năm nay được hưởng một mùa Xuân Miên Viễn. Muốn hưởng một mùa xuân miên viễn, chúng ta phải làm gì? Cần những yếu tố nào? Tất cả ngườitrên thế gian đều thừa nhận một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, mọi người đều vui mừng, nên nói mừng xuân, vui xuân hay chơi xuân. Nói tới mùa xuân là nóitới sự vui tươi, hạnh phúc, coi như nó có sẵn trong mùa xuân. Nhưng mùaxuân theo thời gian dài lắm chỉ tròn ba tháng rồi cũng hết xuân, tới hạ, thu, đông. Cho nên cái vui con người chỉ hưởng một lúc nào rồi mất, nhường chỗ cho mùa hạ nóng bức, mùa thu buồn tẻ, mùa đông ảm đạm thê lương.

Người tu chúng ta không thể chấp nhận vui xuân giới hạn theo thời tiết, cần phải có cái vui mãi mãi không mất,mãi mãi còn nơi chúng ta. Chúng ta phải tu như thế nào để hưởng được một mùa xuân miên viễn?

Mùa xuân miên viễn phát nguồn từ đâu? Chính đức Phật Thích-ca là vị giáo chủ đã chỉ cho chúng ta một mùa xuân miên viễn. Gần đây hơn, chính Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người đem lại mùa xuân miên viễn trong đạo cho tất cả chúng ta. Tổ đã gieo rắc mùa xuân ấy vào tâm hồn người tu thiền chúng ta như thế nào? Sau đây tôi dẫn một số câu chuyện của các Thiền sư, quí vị sẽ nhận thấy mùa xuân miên viễn thể hiệntrong tâm hồn những người đã sáng được lẽ đạo và sống với đạo như thế nào?

Trước tiên tôi dẫn câu chuyện: “Một vị Tăng hỏi ngài Động Sơn Lương Giới:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Ngài Động Sơn đáp:
- Đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược, ta sẽ vì ông nói.”

Nước ở Động Sơn là nước trong khe độngtrên núi chảy xuống, có lúc nào chảy ngược trở lên đâu? Nếu nước ở sôngở biển khả dĩ còn có chảy lên chảy xuống, còn nước suối trên động núi không bao giờ chảy ngược. Tại sao ngài Động Sơn bảo đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược sẽ vì ông nói? Câu đó đã nói gì về ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Tổ sư đây là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Những vị học và tu thiền thường thắcmắc không biết Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa có ý gì đem truyền dạy cho chúng ta? Ý đó như thế nào? Ngài Động Sơn trả lời như vậy có dễ hiểukhông? Biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang chưa?

Sau này Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử có làm bài kệ tụng về điều đó:
Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh,
Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.
Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.
Dịch:
Nguồn xưa không nước nguyệt đâu sanh,
Một mạch dòng Tây chảy ngập tràn.
Thông Lãnh hỏi rồi Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết sân thôi nói Thiếu Lâm xuân.
Qua bài kệ này ngài Nghĩa Thanh đã nói gì về câu đáp của ngài Động Sơn?
“Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh,”

Dòng suối xưa nếu khô cạn thì làm sao bóng mặt trăng rọi ở dưới. Dòng suối có nước trong, chúng ta mới thấy được bóng mặt trăng ở dưới đáy suối, nếu dòng suối đã khô thì không thấybóng mặt trăng.
“Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.”

Mãn là đầy, ngạn là bờ. Dòng suối xưa kia vẫn tràn cả bờ từ phương Tây trôi mãi chia ra một mạch (phái: mạch).Ở đây dường như có sự mâu thuẫn. Câu trên nói dòng suối khô cạn không có bóng mặt trăng. Câu dưới lại nói dòng suối từ phương Tây chảy lại tràn đầy cả bờ rồi chia ra chảy mãi. Như vậy ý nói gì? Câu đầu nói dòng suối không nước tức là không bóng trăng để chỉ câu đáp của ngài Động Sơn. Đợi dòng suối chảy ngược tôi sẽ vì ông nói.

Câu hai: Dòng suối đó không có bóng mặt trăng tức là khô cạn. Tuy nói cạn mà không cạn vì nó vẫn chảy tràn cả bờ và trôi mãi cho tới ngày nay.
Đến hai câu sau rất là đẹp:
“Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.”

Ở núi Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, trên núi Hùng Nhĩ chỉ là giấc mộng thôi. Là ý nghĩa gì? Tổ Bồ-đề-đạt-ma khi tịch tại Thiếu Lâm, nhục thân Ngài được nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ. “Thông Lãnh bãi tuần” tức là ở Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã hết duyên giáo hóa ở Trung Hoa. Nhục thân Ngài nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ chẳng qua là một giấc mộng.
“Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.”

Tuyết đình là nơi sân tuyết, khi Tổ Huệ Khả đến hỏi đạo với Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma ngồi xoay mặt vào vách lặng yên Tổ Huệ Khả đứng ngoài sân, mùa Đông tháng chạp ở miền Bắc Trung Hoa tuyết xuống ngập đầu gối mà ngài Huệ Khả vẫn đứng trơ nhìn thẳng vào Tổ, mặt không đổi sắc. Tổ thương tình xoay lại hỏi:
- Cầu việc gì mà chịu khổ hạnh vậy?
- Con xin Ngài dạy cho pháp môn cam lồ.

Từ đó về sau Tổ mới nhận Ngài là đồ đệ. Khi thầy trò còn thưa hỏi qua lại là lúc Tổ còn duyên giáo hóa. Khi Tổ Huệ Khả không còn thưa hỏi nữa tức là Ngài đã đạt đạo, thấy được chântướng mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền dạy, lúc ấy ở Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân. Nên nói: trước sân đầy tuyết không còn thưa hỏi nữa, núi Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân: mùa xuân miên viễn, mùa xuân không còn bị thời gian chi phối, xuân mãi mãi, không bao giờ có vẻ ảm đạm của thu, lạnh lẽo của đông nữa. Muốn được mùa xuân miên viễn phát xuất từ Thiếu Lâm, phải qua một cơn tuyết ngập tới gối, chớ không giản dị như những vị hiện giờ mong ước. Vừa được ấm no sung túc vui cười, vừa mong ước được mùa xuân Thiếu Lâm, chắùc chắn là không được.

Trên đường đạo, chúng ta phải chịu đựng những gian nan khổ sở mới hưởng được một nguồn vui không bao giờ cùng tận. Người tu phải đối diện với sự lạnh lẽo cô đơn, từ bỏ mọi sự ấmáp của thế tình, lúc đó chỉ có nguồn chánh pháp sưởi ấm lòng chúng ta thôi. Nếu chúng ta tu mà muốn được tình đời sưởi ấm mãi, chắc rằng chúngta phải chịu lạnh muôn kiếp. Chúng ta phải cam lạnh với tình đời, phải buông xả, chỉ còn trơ trọi một con người, khi ấy chúng ta mới được sưởi ấm bằng một nguồn vui miên viễn của mùa xuân Thiếu Lâm.

Dòng suối từ Tây chảy sang và chảy mãiđến Việt Nam chúng ta, dòng suối đó đến nay vẫn còn. Chúng ta có hưởng được hay không là do sức chịu đựng và sức nỗ lực của chúng ta, cũng như sau một cơn tuyết lạnh rồi chúng ta mới thấy được một mùa xuân ở Thiếu Lâm. Đó là ý nghĩa bài kệ của ngài Nghĩa Thanh.

Đến câu chuyện một vị Tăng hỏi ngài Cửu Phong (ngài Cửu Phong là vị thị giả hỏi chết Thủ tọa ở Thạch Sương). Tăng hỏi:
-Tổ tổ truyền nhau là truyền việc gì?

Là truyền y bát chăng? Nếu truyền y bát thì khô khan làm sao! Y bát là vật vô tình, truyền vật vô tình đâu có lợi gì cho chúng ta, đâu có sưởi ấm chúng ta mãi mãi. Nếu nghĩ Tổ Tổ truyền nhau là truyền y bát, điều đó không phải là đạo lý, nên ngài Cửu Phong đáp:
- Thích-ca nghèo, Ca-diếp giàu.
(Nguyên văn chữ Hán: Thích-ca xan, Ca-diếp phú.)
Tăng hỏi:
-Thế nào là Thích-ca nghèo?
Ngài đáp:
-Không một vật cho người.

Tại sao đức Thích-ca nghèo lắm vậy? -Không một vật cho người, không nghèo là gì? Vì vậy nên sau này con cháuNgài nghèo, mà nghèo nhất là ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn, Ngài nghèo chotới không có đất cắm dùi, và không có dùi để cắm nữa. Ngài trình bày chỗ nghèo của mình:
Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi,
Năm nay nghèo không có dùi để cắm.
Như vậy Phật Tổ truyền thừa cái gì? Đức Thích-ca không có một vật cho người, có cái gì mà truyền!
Vị Tăng lại hỏi thêm:
-Thế nào là Ca-diếp giàu?
Ngài Cửu Phong đáp:
- Trong nước Mạnh Thường Quân.

Khi xưa ở Trung Hoa, Mạnh Thường Quân là người nuôi rất nhiều dũng sĩ, những dũng sĩ nào thất thời thất thế ông đều nuôi hết, nên nói Mạnh Thường Quân là người giàu. Như vậy Tổ Ca-diếp giàu là giàu cái gì? Nếu Tổ Ca-diếp nghèo thì chắc không truyền tớùi bây giờ. Bởi Ngài giàu cho nên Ngài truyền nối mãi cho tới ngày naykhông dứt, không giàu là gì? Con cháu đông vầy, đó là cái giàu của ngàiCa-diếp.

Đức Thích-ca nghèo vì không một pháp cho người, Tổ Ca-diếp giàu vì truyền mãi không dứt. Không một pháp cho người mà truyền mãi không dứt có mâu thuẫn không? – Không. Nếu chúng ta thấy được cái không mâu thuẫn đó là chúng ta thấy được mùa xuân miên viễn, còn nếu chúng ta thấy có sự mâu thuẫn là không thấy được mùa xuân miên viễn.

Thiền sư Tử Thuần ở núi Đơn Hà có làm bài kệ nói về câu đối đáp trên:
Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân,
Quí dị thiên nhiên quýnh xuất luân.
Gia phú nhi nô thiên đắc lực,
Dạ phân đăng hỏa chiếu tây lân.
Dịch:
Tịch quang trong bóng hiện toàn thân,
Sang khác thiên nhiên vượt hạng thường.
Con khó nhà giàu riêng đắc lực,
Đêm chia đèn lửa rọi xóm gần.

Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân. Tịchlà lặng, quang là sáng. Trong cái sáng lặng bóng nó hiện toàn thân. Quídị thiên nhiên quýnh xuất luân. Quí là sáng, dị là khác, quýnh xuất luân là vượt khỏi bình thường. Cái giàu sẵn vậy khác hơn là vượt khỏi tất cả cái giàu sang bình thường của người đời.

Gia phú nhi nô thiên đắc lực. Gia phú là nhà giàu, nhi nô là con tôi tớ. Cha giàu mà con là tôi tớ riêng được chỗ đắc lực. Cha giàu dụ cho ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa, con tôitớ dụ cho gã cùng tử chịu làm tôi tớ. Nhưng nếu người con tôi tớ hiểu được việc nhà rồi tức là đã đắc lực thì ông cha:

Dạ phân đăng hỏa chiếu tây lân. Ban đêm chia đèn lửa để chiếu rọi xóm gần. Nếu đứa con nghèo khi có sức mạnhhoặc có khả năng quản lý được gia nghiệp rồi thì người cha liền chia đèn chia lửa để soi sáng cho láng giềng chung quanh.

Trong bài kệ này, hai câu đầu nói lên ýđức Thích-ca Ngài nghèo, bởi vì trong cái sáng lặng lẽ, có cái bóng hiện ra toàn vẹn. Cái bóng đó không thật, không thật thì có gì để chia, có gì để trao! Nhưng trong đó có ngầm cái giàu, không phải cái giàu thông thường của thế nhân, mà cái giàu vượt trên tất cả những cái thườngtình. Đó là cái giàu của thiên nhiên sẵn có.

Hai câu sau chỉ cái giàu của ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp rất giàu. Con cháu của Ngài nghèo nàn, một khi có sức kham nhẫn chịu đựng được, có đủ khả năng gánh vác được thì Ngài traochia cho đèn lửa để nối tiếp mãi mãi. Danh từ trong đạo thường nói người sau nối tiếp người trước là “tục diệm truyền đăng” nghĩa là nối lửa trao đèn. Tại sao không nói trao ngọc trao vàng mà nói trao lửa traođèn? Bởi vì chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, mà giác ngộ là trí tuệ, trí tuệ là sáng suốt. Vì chúng sanh bị vô minh mê mờ nên phải trôi mãi trong luân hồi lục đạo. Chỉ có ngọn đèn trí tuệ mới phá được vô minh. Nếu vô minh hết thì chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi.

Nói đến sự truyền bá chánh pháp là nóiđến sự trao đèn nối lửa để soi sáng cho chúng sanh, cho con người và cho nhân loại. Chúng ta học đạo cốt làm sao thấy được chủ yếu của đạo đểtrên đường tu khỏi bị lầm lẫn. Nếu học đạo mà không thấy chủ yếu đó, chúng ta cứ nghĩ những phương tiện là đạo, tỉ dụ như bố thí, nhẫn nhục là đạo, đó chưa phải là cứu kính. Mục tiêu của Phật là chúng ta phải có ánh sáng trí tuệ mới cứu khổ được chúng sanh.

Nói đến việc trao đèn, chúng tôi nhớ câu chuyện nhan đề là “Giáo Lý Tối Thượng” của một Thiền sư Nhật Bản: “Ngày xưa có một chú mù đi thăm bạn. Vì là bạn cố tri nên gặp lại ngồi nói chuyện mãi quên giờ. Khi ra về trời đã khuya, ngoài trời tối đen, anh bạn thương chú quá, nói: - Ngoài kia trời tối, để tôi đốt đèn cho anh cầm về.

Anh mù cười nói:
Tôi thấy ngày như đêm, đêm như ngày, cần gì đèn.
Anh bạn giải thích:
Tuy anh không cần đèn, nhưng anh nên cầm cây đèn đi, người đi đường thấy được cây đèn họ trángh khỏi đụng vào anh.
Thấy có lý, anh mù nhận cây đèn anh bạn đốt và trao cho. Trên đường về bất thần có người đụng vào anh mù. Người mù than phiền:
- Anh không thấy tôi sao?
Người kia nói:
Dạ, tôi không thấy.
- Tôi cầm cây đèn mà anh không thấy à?
Người đi đường đáp:
- Thưa bạn cây đèn bạn tắt từ bao giờ!”
Qua câu chuyện trên “giáo lý tối thượng” ở chỗ nào? Để quí vị suy gẫm, chúng tôi sẽ giải thích sau.

Trong nhà thiền, Thiền sư được trao đèn là ngài Đức Sơn. Ngài Đức Sơn sau khi đầu phục, được ngài Long Đàm Sùng Tín nhận làm đệ tử. Một đêm, Ngài đứng hầu thầy trong thất. Mãi tớikhuya, ngài Sùng Tín bảo:
- Đêm đã khuya sao ông không xuống?
Ngài Đức Sơn liền bước ra vén rèm lên, bèn trở lại thưa:
- Ngoài kia tối đen.

Nói đến tối đen tức là muốn xin đèn chớ gì? Ngài Sùng Tín liền thắp đèn cầy rồi trao. Ngài Đức Sơn vừa đưa tay cầm cây đèn thì ngài Sùng Tín thổi phụt tắt. Ngay đó ngài Đức Sơn liền ngộ, từ đó về sau không cần đèn nữa. Như vậy trao đèn đó có trao hay không? Tại sao ngài Đức Sơn cầm đèn, vừa đưa tay nhận lấy, ngài SùngTín lại thổi phụt tắt đi? Đó lại gọi là trao đèn tiếp lửa. Trao ở chỗ nào? Nếu hiểu câu chuyện này thì hiểu câu chuyện trên.

Trong câu chuyện trước, người bạn thương người bạn mù quá nên đốt đèn cho anh cầm tay để trángh tai nạn. Đã là mù thì dù có đèn cũng là vô ích, nó tắt hay còn cháy, có biết đâu!Bởi vậy nên đèn tắt lúc nào cũng không biết! Khi sáng mắt rồi đưa đèn mới hữu dụng.

Cũng như vậy, nếu ngài Huệ Khả không đứng lạnh ngoài tuyết trước sân Thiếu Lâm thì Tổ Đạt-ma đâu có trao đèn cho Tổ Huệ Khả. Khi đủ khả năng đủ sức nhận rồi mới trao. Nhưng trao mà không trao. Trao đèn cho người lúc họ đi đêm, nếu sáng ngày thì họ đâu có cần nữa. Vì vậy nơi chúng ta nếu không phát sáng được cái vô sư trí thì dù thầy dù bạn có muốn cho chúng ta sáng, sáng cũng không nổi.

Cáihọc ngôn ngữ lý thuyết nơi thầy nơi bạn không cứu được cái mê của chúngta. Muốn cứu được cái mê của chúng ta, chính cái vô sư trí phải phát. Khi nào phát được cái vô sư trí lúc đó mới được trao đèn. Trao đèn là trao như vậy, nên mới gọi là giáo lý tối thượng. Còn nếu vô sư trí chưa phát mà trao cũng vô ích thôi. Hiểu như vậy quí vị mới hiểu nghĩa trao đèn tiếp lửa, trao mà không trao gì hết. Bởi vậy mới có câu chuyện sau này:
“Có vị Tăng hỏi Thiền sư Cư Hối:
- Tổ Đạt-ma lại là Tổ chăng?
Ngài Cư Hối đáp:
- Chẳng phải Tổ. (Trả lời coi ngang ngược quá!)
- Đã chẳng phải Tổ lại đến làm gì?
- Vì ông chẳng tiến. (Vì ông chẳng tiến được, nên Ngài sang.)
Vị Tăng liền hỏi:
- Sau khi tiến thì thế nào?
Ngài Cư Hối đáp:
- Mới biết chẳng phải Tổ.”

Câu này thật là hay! Sau khi tiến đượcmới biết chẳng phải Tổ. Ngài Đức Sơn vì tiến không được, thấy ngoài trời tối đen, nên cần đèn. Cần đèn thì thầy đốt cho. Đốt cho rồi liền thổi phụt tắt. Tắt rồi mới tiến được. Tiến được mới thấy thầy có trao đèn cho mình không? Khi chưa tiến được thì mong thầy trao cho mình một cái gì, cho nên còn thấy có Tổ. Khi tiến được rồi thì còn gì nữa mà trao? Mới biết không phải Tổ. Không phải Tổ mà là Tổ. Cái đó mới là lạ lùng.

Qua câu chuyện trên, cũng ngài Tử Thuần có làm bài kệ:
Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ,
Lạp dạ phương khai tuyết hậu chi
Hoàng Bá tích niên tằng hữu ngữ,
Đại Đường quốc lý một Thiền sư.
Dịch:
Thiếu Lâm tiếp lửa việc lạ kỳ,
Tháng chạp tuyết rơi sau mới chia
Hoàng Bá năm xưa từng đã nói,
Đại Đường cả nước không Thiền sư.

Tại sao cả nước Đại Đường mà không Thiền sư? Bởi vì nói Tổ thì người ta cứ nghĩ như ở ngoài thế gian, ông Tổ thợ mộc thì dạy cách làm mộc, phải đục đẽo như thế nào, cần những đồ nghề gì. Ông Tổ thợ rèn chỉ dạy cách làm thợ rèn. Còn ông Tổ trong nhà Thiền dạy chúng ta cái gì? Truyền cho chúng ta cái gì? Không có một phápcho người, mà dạy cái gì, truyền cái gì? Đã không có dạy, không có truyền thì gọi là Tổ được không? Tuy không dạy, không truyền mà vẫn là Tổ.

Mới nhìn qua coi như không phải Tổ, vì mỗi người chúng ta đãsẵn có cái chân thật đó rồi chớ không phải Ngài cho, nên nói không phảiTổ. Nếu không có sẵn, dù Ngài chỉ Đông, vẽ Tây, thì chắc rằng chúng ta cũng không thấy được cái chân thật đó, cho nên nói không phải Tổ mà là Tổ. Cũng như vậy, ngài Hoàng Bá nói cả nước Đại Đường không có Thiền sư,chỉ tạm gọi là Thiền sư.

Ý nghĩa của bài kệ như sau:

“Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ.” Sự truyền đăng tục diệm ở Thiếu Lâm rất lạ lùng. Sự đó phát xuất từ lúc nào? “Lạp dạ phương khai tuyết hậu chi” : sau đêm tháng chạp tuyết lạnh mới nở được hoa, nên nói : Tháng chạp tuyết rơi sau mới chia tức là chiađèn tiếp lửa sau đêm tuyết ở Thiếu Lâm. Như vậy chúng ta thấy rằng việctruyền thừa của chư Tổ là mồi đèn tiếp lửa để soi sáng mãi mãi cho chúng sanh ở thế gian.

Vì lẽ vừa nêu trên, chúng tôi đặt tên Thiền viện Thường Chiếu. Nếu nói Thường Chiếu suông thì thấy nó lơ lửng quá! Vậy cái gì Thường Chiếu? – Tuệ Nhật Thường Chiếu hay Tuệ Đăng Thường Chiếu, nghĩa là truyền đèn tiếp lửa. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có câu: “ tuệ nhật phá chư ám” tức là mặt trời trí tuệ phá hết mọi tối tăm, mà Thường Chiếu là phá ám chớ gì? Vì thế chúng ta phải hiểucho tường tận chủ đích của người trước. Thường Chiếu theo tinh thần nhàthiền là ngọn đèn, ngọn đuốc hay là mặt trời trí tuệ mãi mãi soi sáng không bao giờ gián đoạn.

Chúng tôi có tham vọng muốn chia đèn tiếp lửa từ thuở Phật Tổ, nối mãi mãi đến bây giờ và về sau, để soi sángchúng sanh không để bị gián đoạn, tắt dứt. Tuy hiện giờ có soi chút chút, nhưng nếu mai kia khi tôi mất rồi, quí vị phải tiếp tục soi sáng mãi mãi đừng để nó gián đoạn, nếu gián đoạn thì mất ý nghĩa Thường Chiếurồi. Chủ đích của người tu Phật là dùng ánh sáng trí tuệ để soi sáng chúng sanh phá tan màn vô minh đen tối, giúp chúng sanh thoát khỏi dòng trầm luân sanh tử.

Vì vậy mà tôi thích tên Chiếu. Có người cười bảo là chiếu lát chiếu rơm gì đó, vì không rõ mục tiêu tôi nhắm với thamvọng hơi nhiều. Chúng tôi mong rằng quí vị có mặt hôm nay, trong ngày đầu năm, ý thức được bổn phận và mục đích của mình. Biết được mục đích rồi lúc nào chúng ta cũng nhắm thẳng mục đích đó. Hòa thượng Viện trưởngđã dạy chúng ta: Làm việc gì một thời gian rồi, phải tự hỏi lại mình xem có đi đúng mục đích của mình hay không? Vì danh lợi hay vì cái gì? Phải luôn luôn hỏi lại mình để nhắc mình đi đúng mục tiêu mà mình đã nhắm.

Ở đây, chúng tôi nhắm mục tiêu “Phật Tổ tương truyền”. Chúng ta đã thừa hưởng ánh sáng mặt trời đó, chúng ta nên đem ánh sáng ấy soi lại cho những người chung quanh và những người sau để cùng sáng với chúng ta. Có những khi cần giảng chữ Thường Chiếu, tôi giảng có tính cách nhè nhẹ để người ta không thấy tham vọng của mình, tôi nói Thường Chiếu là tên của một Thiền sư Việt Nam. Bây giờ cầnnói sâu nguyện vọng của mình, tôi nói là Tuệ Nhật Thường Chiếu hay TuệĐăng Thường Chiếu, chớ không phải là chuyện thường. Hôm nay tôi nêu ra cho tất cả quí vị thấy bản hoài của người tu phải đạt cho kỳ được cái gìmà Phật Tổ mong muốn nơi chúng ta.

Phần kết luận bài nói chuyện hôm nay là lời chúc xuân đầu năm của tôi với Tăng Ni và Phật tử, tôi xin nhắc lại lời của người xưa:
Bất đạp kim thời lộ,
Thường du kiếp ngoại xuân.

Tức là: Không dẫm trên con đường hiện thời, thường dạo một mùa xuân kiếp ngoại. Kiếp ngoại xuân là gì? Kiếp làchỉ cho thời gian, như nói một đời, một kiếp. Hoặc trong kinh nói tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp chỉ cho thời gian dài thăm thẳm. Kiếp ngoại xuân là xuân vượt ngoài thời gian, năm, tháng. Nói tới xuân là nói tới thời gian. Nhưng nếu chúng ta không dẫm trên con đường hiện thời là chúng ta hưởng được mùa xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa xuân miên viễn. Vì sao không đạp trên con đường hiện thời? Con đường hiện thời chỉcho con đường mà chúng sanh đang tranh đua chen lấn nhau đi, đó là con đường danh, lợi, tài, sắc v.v… Nếu chúng ta không đạp trên những con đường đó thì chúng ta sẽ hưởng được một mùa xuân kiếp ngoại, mùa xuân miên viễn không còn bị lệ thuộc thời gian. Hai câu này chúng tôi tạm dịch theo thể văn lục bát:

Chẳng đi theo bước đương thời,
Mùa xuân kiếp ngoại thảnh thơi dạo hoài.

Hôm nay, ngày đầu năm Đinh Mão, chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni cùng Phật tử sẽ hưởng một mùa xuân miên viễn. Làm sao một đời này chúng ta luôn luôn được an vui, không còn cảm thấy khổ đau vì ngoại cảnh, vì cái đuổi xua của quỉ vô thường, mà chúng ta hằng vui trong một mùa xuân kiếp ngoại hay nói cách khác là một mùa xuân miên viễn.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

AN LẠC SAU KHI BỨNG GỐC KHỔ ĐAU

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI PHẬT TỬ

XUÂN ĐINH MÃO 1987

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Đinh Mão 1987, quí Phật tử đến chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới quí thầy. Để đáp lại lòng kính trọng Tam Bảo của quí Phật tử, chúng tôi sẽ có lời chúc đầu năm hơi dài dòng một chút, không chỉ một câu ngắn gọn rồi thôi, lời chúc này gồm nhiều chi tiết. Hôm nay đầu đề chúng tôi chúclà: Cầu tam bảo gia hộ cho tất cả Phật tử một năm mới hoàn toàn an lạc.

Khi nói đến an lạc, trước phải nói đếnđau khổ. Nếu nói an lạc suông, quí vị lại tưởng là mình thảnh thơi lắm,rồi không cố gắng tu hành. Vì vậy khi chúc quí Phật tử một năm mới hoàntoàn an lạc, chúng tôi sẽ nói rõ nguồn gốc đau khổ của con người hiện tại và vị lai. Nếu biết được nguồn gốc đau khổ mình nhổ phăng bứt gốc bứt rễ nó lên thì an lạc sẽ đến, an lạc thật sự.

Tất cả Phật tử chúng ta là con Phật phải nhìn thấy đúng như cái nhìn cái thấy của đức Phật. Sau khi giác ngộrồi, đức Phật thấy rõ được bản chất của con người như thế nào, Ngài đemra chỉ dạy để chúng ta thức tỉnh biết rõ được con người mình. Khi biết rõ được con người mình thì chúng ta mới biết làm sao để hết khổ và làm sao để đến an lạc thật sự, đó là gốc của sự tu.

Nếu chúng ta không biết bản chất của mình là vui hay khổ cứ sống lây lất qua ngày, đua đòi theo những hình thức vật chất, chúng ta phải tạo nghiệp thọ khổ,chẳng những đời này mà còn kéo dài không biết bao nhiêu kiếp nữa. Vì lòng từ bi, đức Phật muốn cho mọi người hết khổ, nên trước tiên Ngài chỉrõ nguồn gốc đau khổ.

Thấy được nó chúng ta mới có thể đào bới nó lên được. Nếu không thấy nó chúng ta muốn cầu vui mà cái vui không bao giờ đến, vì chúng ta có biết cái khổ đâu mà bới lên. Thành ra muốn vui mà con người cứ khổ, cái khổ cứ tràn tới mãi mãi. Chính con người ở thế gian đang là như vậy, lúc nào cũng chúc mừng nhau năm mới được an vui hạnh phúc, nhưng đến cuối năm quí vị thấy có an vui hạnh phúc không?Luôn luôn chúc nhau an vui hạnh phúc mà kết quả lại không có an vui hạnh phúc chi hết, mà trái lại nhiều khổ đau, nhiều bực bội. Chúc như vậy chỉ là chúc suông thôi.

Ở đây chúng tôi muốn quí Phật tử thật sự sang năm này là một năm quí Phật tử tạo nên một cội nguồn của sự an lạc. Muốn tạo nên cội nguồn an lạc đó trước tiên quí Phật tử phải biết nguồn gốc đau khổ là cái gì? Biết được nó rồi chúng ta mới có thể bứng gốc bứng rễ nó để thành an lạc.

Nguồn gốc đau khổ là cái gì?

Trong đạo Phật, lúc nào đức Phật cũng muốn chỉ cho mọi người thấy được lẽ thật của kiếp sống con người. Chúng ta cứ tìm những điều quanh quẩn bên ngoài mà những điều đó dù chúng ta thấy được lẽ thật của chúng, cũng là lẽ thật bên ngoài thôi; còn bản thân chúng ta chưa biết chưa thấy đó là một khuyết điểm lớn lao. Vì vậy đức Phật nói rõ bản chất của con người là khổ hay vui? – Khổ! Vừa nghe thoáng qua chúng ta cảm thấy bi quan, nhưng đó là sự thật.

Vì sao bản chất con người là đau khổ?
Đức Phật dạy: đau khổ chia ra hai phần:
1. Đau khổ do sự cảm thọ.
2. Đau khổ do lòng tham ái.
Như vậy chúng ta cần xác định lại kiếp sống con người là đau khổ, chớ không phải là an vui. Đức Phật dạy những đau khổ của con người là do:
- Sanh, già, bệnh, chết,
- Ái biệt ly khổ,
- Oán tắng hội khổ,
- Cầu bất đắc khổ,
- Ngũ ấm xí thạnh khổ.

Chúng ta ở trên thế gian này thật là khổ. Trong cuộc sống quí vị muốn một trăm điều, kết quả được bao nhiêu? Nhiều lắm là hai chục điều thôi tức là có hai chục phần trăm được như ý. Đó là tôi nói ưu đó, có khi còn chưa được như vậy nữa! Còn tám chục phần trăm là bất như ý, tức là không toại nguyện, mà không toại nguyện là đau khổ. Nhìn tổng quát, đức Phật nói cuộc đời con người là đau khổ, sanh là khổ. Đó là cái khổ thứ nhất.

Già có khổ không? Có ai nói già mà vuiđâu! Già thì thân thể yếu gầy bệnh hoạn, rồi răng rụng da nhăn, chân mỏi gối dùn, đi đứng lụm cụm, đủ chuyện phiền hà, nên nói già là khổ.
Bệnh có vui không? Bệnh là khổ rồi, không ai chối được.
Còn chết thì sao? Là đại khổ!

Như vậy thử kiểm lại ở trần gian này, có người nào thoát khỏi sanh lão bệnh tử hay không? Ai cũng sanh ra rồi già đi, ai cũng phải bệnh hoạn rồi cuối cùng là chết. Không một ai thoátkhỏi bốn điều này, cho nên nói kiếp người đau khổ là như vậy.

Đến ái biệt ly: thương mà xa lìa. Những người mình thương rất là thương mà xa lìa, có gì khổ cho bằng! Có người nào khỏi xa lìa thân nhân mình đâu, thân nhất là cha mẹ, vợ chồng,anh em, bạn bè, có lúc cũng phải xa lìa. Như vậy gọi là ái biệt ly khổ.Oán tắng hội khổ: ghét mà gặp mặt nhau cũng khổ. Những người mình khôngthích, không muốn thấy mặt mà cứ ở ngay trước mắt mình hoài thì làm saovui được! Cầu bất đắc khổ: mong cầu mà không được như ý cho nên khổ. Cái khổ thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ. Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức cấu hợp thành thân này, luôn luôn chống đối, bất an cho nên đau khổ.

Tám điều khổ vừa kể trên, chúng ta đềuphải đa mang suốt cuộc đời, không thiếu sót một điều nào. Có ai khỏi sanh già bệnh chết? Có ai không xa lìa người thương, không gặp gỡ người mình ghét? Có ai cầu điều gì được điều nấy đâu? Tám điều khổ của con người là sự thật, không chối cãi được. Đau khổ là một lẽ thật không làm sao tránh được, nó luôn luôn theo dõi ép ngặt khiến chúng ta bất an. Nếucó gượng cười gượng vui, chỉ trong giây lát rồi cũng khổ.

Ví dụnhư khi gặp bạn bè vui tươi chốc lát, đến lúc về nhà đau chân, mỏi lưng… cảm thấy khổ thân. Như gặp người thân thì mừng rỡ, nhắc lại người xa cách thì than khóc. Gặp người mình thích thì tươi cười, gặp người mình ghét thì bực bội. Cả ngày vui buồn thay đổi luôn luôn, điều vui thìít, đau khổ thì nhiều. Bản chất con người là đau khổ. Đức Phật gọi đó là Khổ đế: Khổ là một lẽ thật không chối cãi được.

- Tám điều khổ do đâu mà ra? Gốc từ cảm thọ mà ra. Cảm thọ chia ra làm hai phần:
1. Cảm thọ sai biệt của sáu căn rồi chấp nê sanh đau khổ.
2. Cảm thọ do đuổi theo thú vui rồi giành giựt sanh đau khổ.

Vì sao cảm thọ sai biệt của sáu căn gây nên đau khổ? Chúng ta ai cũng có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn này có những cảm thọ ngoại cảnh không giống nhau. Thí dụ như mắt chúng ta nhìn thấy sự vật, nếu vị nào có con mắt nghệ thuật, khinhìn bình hoa đặt trên bàn thì trầm trồ khen hoa chưng đẹp mắt. Nhưng một người khác không có mắt nghệ thuật nhìn mấy nhánh hoa lưa thưa ngả nghiêng không có gì đẹp cả.

Người bảo đẹp, người cho là xấu, haingười không đồng ý nhau rồi sanh bực tức tranh cãi. Con mắt xúc chạm với sắc trần, người thấy đẹp, người thấy xấu là do cảm thọ sai biệt mà ra. Như vậy ai đúng? Nếu không ai đúng thì sao lại tranh cãi? Thật là vôlý. Mỗi người có cái thấy không giống nhau. Do cái thấy khác nhau, rồi không đồng ý với nhau nên sanh cãi rầy. Nguyên do là vì chúng ta không có nhận xét đúng đắn.

Đến cảm thọ sai biệt của lỗ tai. Thí dụ hai ba người bạn ngồi chơi, một người kể chuyện phải quấy trong xóm, rồi nói: Những người nghèo thật đáng thương. Người bạn khá giả nghe nói như vậy thì vẫn bình tĩnh, trong khi người bạn nghèo cho rằng mình bị khinh khi. Cùng nghe một câu chuyện, mà một người thì không bị xúc phạm,còn một người thì bị tự ái, bị mặc cảm. Lời nói có giá trị bằng nhau, nhưng khi nghe rồi sự cảm thọ khác nhau, nên sanh vui buồn khác nhau. Một người cho rằng không có chỉ trích người nghèo, một người cho rằng mình nghèo nên bị khinh khi, hai người không đồng ý nhau nên sanh cãi vã. Đó là do sự cảm thọ sai biệt của lỗ tai.

Sự cảm thọ của mũi có giống nhau không? Như người miền Nam nghe mùi sầu riêng nói: thơm quá! Nhưng người miền Trung bảo: hôi quá! Cùng một mùi sầu riêng người nói thơm, người nói hôi. Như vậy ai đúng? Người nói mùi sầu riêng là thơm sẽ cãi với người kia. Người nói mùi sầu riêng là hôi sẽ cãi lại. Hai người sẽ đi đến ẩu đả nhau. Ai đúng? Ai sai? Người bàng quan ngoại cuộc nếu ở miền Nam thì cho rằng người ngửi thơm là đúng, nếu ở miền Trung thì cho ngườingửi hôi là đúng. Do sự huân tập khác nhau nên sự cảm thọ có sai biệt. Sự tranh cãi đúng sai thật là vô ích, không khôn chút nào hết, lại làm buồn lòng nhau, chẳng phải nguồn gốc của đau khổ sao? Buồn giận nhau, không ngó mặt nhau, gọi là oán tắng hội, đau khổ từ đó mà sanh.

Sự cảm thọ của lưỡi cũng khác nhau! Thí dụ cô đầu bếp làm thức ăn. Cô nấu canh nêm nếm đàng hoàng rất là vừaý. Nhưng vì cô quen ăn mặn nên những người quen ăn lạt chê là nêm canh quá mặn. Cô đầu bếp tức giận nghĩ mình nấu nướng kỹ lưỡng, nêm nếm vừa ăn lắm mà còn bị chê trách! Chung qui chỉ vì thói quen của cái lưỡi người quen ăn mặn, người quen ăn lạt mà thôi. Người quen ăn mặn cảm thấyvừa miệng thì người quen ăn lạt cho là mặn và ngược lại, người quen ăn lạt cảm thấy vừa ăn thì người quen ăn mặn cho là lạt.

Như vậy lấy đâu làm tiêu chuẩn? Vì sao lại cãi nhau cho sự cảm thọ của mình là đúng? Mỗi người có khẩu vị khác nhau. Cùng một thức ăn, người khen ngon,người chê dở. Người thích món ăn này, người thích món ăn kia, vì mỗi người có cảm thọ riêng biệt theo thói quen của mình. Chẳng những chúng ta có thói quen đời này mà còn cả thói quen của đời trước nữa. Thí dụ cóngười khi cha mẹ sanh ra chỉ ăn chay lạt, không ăn thịt cá được. Vì lý do gì? Có phải là cảm thọ quá khứ còn lại, nên không thích mùi thịt cá.

Lạicó người cha mẹ bảo ăn chay, thì thích dùng thức ăn mặn. Như vậy là do thói quen của mọi người, hoặc ở hiện tại, hoặc đã huân tập trong quá khứ. Chúng ta không nên chủ quan bắt buộc người khác phải giống mình. Nhưng ở trên thế gian này phần đông chúng ta đều chủ quan muốn ai cũng giống mình, nhất là con cái trong nhà. Nếu con trong nhà làm khác ý cha mẹ, cha mẹ sẽ bực tức giận trách rầy la, tạo bao điều đau khổ trong gia đình. Tất cả cũng do sự cảm thọ sai biệt mà ra.

Cảm thọ của thân như thế nào? Cũng riêngbiệt tùy theo mỗi người. Thí dụ: Hai người ở chung một căn phòng, một người mập béo, một người gầy ốm. Căn phòng có một cửa sổ khi trời vừa mát người gầy ốm cảm thấy lạnh vội đi đóng cửa sổ… Người mập béo nghĩ thế nào? Cảm thấy bực bội, khí trời nóng bức vừa dịu mát lại đóng cửa sổ, không giận sao được! Rồi hai người cãi vã nhau, có khi đi đến ẩu đả.Như vậy lẽ thật ở đâu? Đó là do cảm thọ sai biệt của thân nên người ta bất đồng ý với nhau rồi sanh bất hòa, đó là nguồn gốc đau khổ.

Thứ sáu là cảm thọ của ý. Điều này là quan trọng hơn hết. Cảm thọ của ý là gồm nghiệp của quá khứ và thói quencủa hiện tại. Mỗi người chúng ta sống trong hoàn cảnh gia đình và xã hội khác nhau nên được sự giáo dục và hiểu biết khác nhau. Người thấy thế này là phải, người thấy thế kia là phải. Thí dụ: Một người sanh trong gia đình theo đạo Phật từ thuở bé, một người sanh trong gia đình theo đạo Chúa từ thuở bé. Hai người ngồi nói chuyện với nhau, do sự huântập khác nhau nên có những cảm nghĩ khác nhau.

Người tin Chúa cho đạo Chúa là đúng, không chấp nhận đạo Phật. Người tin Phật cho đạo Phật là hay, không chấp nhận đạo Chúa. Hai người tranh luận với nhau, cónhững quan điểm bất đồng, bực bội cãi vã lẫn nhau. Đó là nguồn gốc của đau khổ. Đến đời sống của vợ chồng trong gia đình cũng vậy. Người chồng có sự huân tập của người nam, lo việc rộng lớn ngoài xã hội, người vợ cósự huân tập của người nữ, lo việc tỉ mỉ trong nhà. Hai vợ chồng có hai huân tập khác nhau, nên thường không đồng ý kiến với nhau.

Ai cũng thấy mình là đúng, người kia là sai, nên không ai chịu thua ai, cuối cùng đi đến ly dị, hậu quả là con phải chịu đau khổ! Nguyên do từ đâu? Chỉ do sự cảm thọ sai biệt, rồi chấp chặt cho quan niệm của mình làđúng, bắt người khác phải nghe phải thấy như mình, phải có những cảm nghĩ những hiểu biết như mình. Nếu không đồng ý nhau thì lắc đầu than thở: Sao không có ai là bạn tri kỷ với mình! Thử hỏi trên thế gian này có mấy người tri kỷ giống mình như một? Chắc là không rồi, vậy mà buộc lòng phải sống chung nhau thật là quá đau khổ!

Thế thì phải làm sao cho hết đau khổ! Chỉ đừng chấp nê là hết đau khổ! Cùng một mùi trái cây tôi ngửi cho là thơm cũng đúng, chị cho là hôi cũng đúng theo thói quen của mỗi người, như vậy hòa nhau, tránh được sự tranh cãi. Cùng một thức ăn chị nếm nghemặn, tôi nghe lạt, cả hai đều đúng theo thói quen của cả hai, tất nhiênhòa nhau không có tranh cãi v.v… Nếu còn chủ trương sai biệt cho mình là đúng, người là sai, là còn tranh cãi, còn đau khổ.

Nhận chịu sự đau khổ là khôn hay không khôn? Quả thật không khôn. Nhưng nếu ai bảolà mình ngu thì mình lại nổi giận lên, có phải là mâu thuẫn không? Nếu còn chấp nê là còn đau khổ. Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải thông cảm với nhau, bỏ qua tất cả những sự sai biệt để sống hòa thuận với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nếu biết chấp nê là sai quấy thì phải mạnh dạn dẹp tự ái đến xin lỗi người, làm hòa với nhau thì cuộc đời sẽ bớt được nhiều đau khổ.

Những người đến tôi để thưa kiện, đều than không ai thông cảm với mình hết. Vì chấp sự cảm thọ của mình là đúng thì làm sao có người thông cảm với mình được! Nếu buông tất cả chấpnê thì mọi người đều thông cảm với mình. Chúng ta tu phải biết rõ lẽ thật đó, bỏ tất cả sự chấp nê do cảm thọ sai biệt, thì đau khổ tự dứt. Không phải cầu Phật ban cho điều gì, không phải cầu xin nơi miếu này lăng kia, mà phải biết rõ nguồn gốc của đau khổ là do sự cảm thọ sai biệt của sáu căn, rồi chấp chặt vào đó, rồi tranh đấu, giành giật, hơn thua với nhau, cuối cùng là đau khổ. Biết như vậy chúng ta buông xả tất cả sự chấp nê là chúng ta hết đau khổ.

Nguyên nhân thứ hai của đau khổ là đuổi theo thọ lạc. Hiện giờ chúng ta đang sống, ai cũng muốn cuộc đời được hạnh phúc. Thử hỏi quí vị cái gì là hạnh phúc? Chúng ta chỉ nói đếnhạnh phúc mà không biết cái gì là hạnh phúc? Được ăn ngon, mặc đẹp là hạnh phúc chăng? Được nhiều tiền của, ở nhà to rộng là hạnh phúc chăng? Được những gì mình mong muốn là hạnh phúc chăng? Quí vị thử kiểm lại những điều đó có phải là hạnh phúc thật hay không? Con người ai cũng mơ ước hạnh phúc, mơ ước mãi mà không bao giờ toại nguyện.

Vì sao? Thí dụ: Khi đang đói chúng ta nghĩ có một bữa cơm ngon, hạnh phúc biết mấy! Nhưng khi được bữa cơm ngon, ăn đầy đủ rồi, hạnh phúc còn không? Hạnh phúc qua mất rồi! Như vậy hạnh phúc chỉ có trong chốc lát thôi, rồiqua mất không còn. Đang đi bộ, chúng ta nghĩ được một chiếc xe đạp đi, chắc là hạnh phúc lắm. Nhưng khi được chiếc xe đạp đi lọc cọc ba bốn hômrồi nó hư, lúc đó có hạnh phúc không? Như vậy hạnh phúc không bền, không thật, mà thế gian cứ đuổi theo cho nó là bền là thật! Hạnh phúc qua rồi mất, đuổi theo cái qua rồi mất thì hạnh phúc ấy quả là không thật. Biết hạnh phúc không thật mà chúng ta mơ ước nó hoài, thì mơ ước đó trở thành hão huyền.

Khi chúng ta mơ ước một điều gì, nghĩ rằng khi được nó hạnh phúc biết bao! Nhưng khi được rồi, còn hạnh phúc nữa không? Có gì hạnh phúc hơn, khi làm mệt nhọc được nằm nghỉ một chốc lát, hạnh phúc biết mấy? Nhưng nếu bị bắt buộc nằm một ngày, còn hạnh phúc hay không? Nếu nằm một ngày không được đi đâu, lúc ấy cũng bực bội.Thành thử hạnh phúc không có thật, nó chỉ có trong một giai đoạn nào thôi.

Thí dụ chúng ta đang gánh gồng hết sức là nặng, nếu có ai đỡ gánh dùm mình, lúc ấy chúng ta cảm thấy nhẹ bỗng lên, hạnh phúc biết mấy! Nhưng nếu hết gánh rồi đi một lúc, chúng ta không còn thấy hạnh phúc nữa. Như vậy hạnh phúc chỉ có trong chốc lát. Trong lúc khổ đau, qua được cơn khổ đau tạm gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc là do qua cơn khổ đau, chớ nó không có thật. Cái không thật mà chúng ta tưởng chừng cả đờihưởng hoài thì làm sao có được.

Chúng ta hiện giờ mong mỏi ước mơ là mong mỏi ước mơ cái gì? Ước mơ hạnh phúc. Ước mơ hạnh phúc là ước mơ được: một là ăn ngon, hai là mặc đẹp, ba là được những nhu cầu sung túc,bốn là được tiền bạc dồi dào, năm là được gia đình sung sướng vui vẻ v.v… Những điều ước mơ đó được rồi mất, không còn nguyên vẹn mãi. Như vậy hạnh phúc có hay không? Chúng ta mong muốn những điều đó phải lâu bền mãi mãi, nhưng trên thế gian này đâu có điều gì lâu bền mãi mãi.

Nhưvậy suốt cuộc đời mình bị chúng chỉ huy sai sử. Như mỗi sáng thức dậy, chúng ta chuẩn bị lo cho bữa ăn sáng, rồi đến bữa trưa và bữa chiều. Chúng ta chạy loanh quanh tìm kiếm những thức ăn cho vừa miệng, tức là suốt ngày chạy theo cái thọ lạc của lưỡi. Những thức ăn vừa miệng khi đểvào lưỡi có cảm giác ngon, nhưng khi nuốt qua rồi cảm giác ấy không cònnữa. Như vậy mà chúng ta cứ chạy theo cái thọ lạc, chạy mãi không có ngày cùng, cho đến ngày nhắm mắt cũng chưa vừa ý.

Đến cảm thọ của lỗ mũi, lỗ tai, con mắt cũng vậy. Cái nhà nhìn thấy phải đẹp, chậu hoa, chậu kiểng phải vừa mắt v.v… Như vậy con người chạy tìm cái thọ lạc suốt cuộc đời không có ngày cùng. Thọ lạc là tạm bợ giả dối không thật. Đuổi theo thọ lạc tức là gởi gắm, hiến dâng đời mình cho cái giả dối. Vậy mà chúng ta thấy hàilòng chạy theo nó từ năm này sang năm khác, rồi cả một cuộc đời bị thọ lạc của sáu căn sai sử. Cả một cuộc đời chạy theo thọ lạc, nếu có ai ngăn chận thì nổi giận ngay. Thí dụ: Đi chợ thấy bó rau ngon, chúng ta vừa ngồi xuống lựa, chợt có người đến mua trước, thì cãi vã nhau liền.

Cóchậu kiểng đẹp chưa kịp hỏi giá, chợt có người khuân đi, chúng ta bực bội ngay. Chỉ vì thọ lạc của sáu căn mà chúng ta giành giựt, hơn thua, tranh đấu với nhau cả đời không dứt. Có phải thọ lạc đã chỉ huy lôi cuốncả cuộc đời mình không? Cũng vì thọ lạc mà chúng ta phải hận thù oán ghét lẫn nhau. Cảm thọ lạc nguyên là vô thường. Vì cái vô thường đó chúng ta lại gây chuyện hơn thua, phải quấy, tranh giành với nhau, có phải là việc làm đúng chân lý hay không? Vậy mà chúng ta bị nó chi phối hoàn toàn không còn giây phút nào rảnh rỗi. Quí vị thường nói: cả ngày tôi không rảnh, là tại sao? Chỉ vì đuổi theo thọ lạc: muốn ăn mặc vừa ý,muốn thấy nghe vừa ý v.v… rồi chúng ta xoay quanh hết ngày này đến tháng kia không rảnh phút nào. Cảm thọ đã chỉ huy cả một cuộc đời chúng ta, lại gây ra bao nhiêu hận thùø đau khổ!

Ái cũng là nguồn gốc của khổ đau. Trong nhà Phật ái chia làm ba thứ:
1. Ái ngã.
2. Ái thân thuộc.
3. Ái sự nghiệp tiền của.

Ái ngã là khổ. Có ai không tự thương mình đâu, dù mình có xấu đi nữa, con mắt lệch một bên hay lỗ mũi xẹp mộtchút, mình cũng thương mình. Nếu biết mình đẹp, thì mình càng thương mình hơn nữa, ái ngã chặt hơn nữa. Vì thương mình nên những gì mình muốnmà không được thì khổ. Như mình muốn trẻ nghe nói già là rầu, mình muốnkhỏe mạnh mà bị bệnh hoạn là khổ, mình muốn sống lâu nghe nói sắp chết lại càng đau đớn. Vì quá thương mình cho nên bị bốn cái sanh già bệnh chết làm khổ. Ái ngã là gốc của bốn khổ vậy.

Ái thân thuộc có hai cái khổ. Một là ái biệt ly khổ. Vì quá thương người thân thuộc mà phải chia lìa nên chúng ta đau khổ. Có ái thì có tắng, tức là có yêu thì có ghét theo sau.Nên người nào yêu nhiều thì ghét cũng nhiều. Vì yêu nhiều nên người mình yêu mình thương tha thiết, người mình ghét mình cũng ghét đắng cay không muốn nhìn mặt. Vì vậy mình khổ với người mình thương bao nhiêu, mình cũng khổ với người mình ghét bấy nhiêu. Cho nên ái biệt ly khổ đi đôi với oán tắng hội khổ. Đó là hai cái khổ do ái thân thuộc.

Ái tài sản sự nghiệp cũng là nguồn gốc của đau khổ. Có ai muốn gia sản của mình càng ngày càng kiệt quệ đâu! Aicũng muốn gia sản của mình càng ngày càng to lớn. Muốn mà không được như ý thì đau khổ, tức là cầu bất đắc khổ.

Như vậy quí vị thử kiểm điểm lại có phải tám cái khổ của chúng ta đều nằm trong ái mà ra: ái ngã, ái thân thuộc và ái sự nghiệp tiền của. Ái của mình cạn thì tám cái khổ theo đó mà chết.

Thấy rõ gốc của đau khổ, chúng ta phảilàm cách nào nhổ cái gốc đó lên. Trong nhà Phật dạy muốn nhổ gốc của đau khổ, nghĩa là muốn dứt khổ, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thọ và ái cho tường tận. Thử hỏi quí vị cảm thọ khổ và cảm thọ vui có thật hay không? Cảm thọ của sáu căn qua rồi mất, đâu có thật! Thí dụ một bài hát thật là hay, khi nghe qua lỗ tai rất là thích thú, nhưng nghe hát qua rồi mất, đâu còn mãi bên tai. Một thức ăn ngon ăn rất vừa miệng, nhưng khi qua lưỡi rồi cũng mất, có còn mãi đâu v.v… Bản chất của tất cảcảm thọ là vô thường, tức là tạm bợ giả dối. Biết rõ cảm thọ là vô thường giả dối, chúng ta ưng làm tớ đuổi theo nó, hay muốn làm chủ khônglệ thuộc vào cảm thọ? Nếu giành được quyền làm chủ cảm thọ thì vui, nếubị cảm thọ làm chủ thì khổ. Quí vị nên can đảm chọn quyền làm chủ cảm thọ thì trọn một năm nay nhất định quí vị hết khổ, hoàn toàn an lạc.

Bản chất của ái có thật hay không? Ái là thương, thương yêu là nghĩ tới thân này nó lâu dài bền bỉ, nhưng bản chất của thân là vô thường. Thương yêu nó chỉ là thương yêu cái tạm bợ mà thôi. Thương yêu sự nghiệp cũng vậy, sự nghiệp là vô thường, thương yêu thân thuộc, thân thuộc cũng là vô thường. Những điều mình thương yêuđó đều vô thường, không có bền lâu. Chúng ta lại thương yêu những cái vô thường hay sao? Hay là chúng ta thương yêu cái gì lâu dài vĩnh cửu? Thí dụ khi đi chợ mua những vật cần dùng quí vị chọn những thứ bền tốt hay những thứ tạm tạm xài vài ba hôm rồi lại hư? Dĩ nhiên chúng ta lựa những vật dùng bền tốt, những gì tạm tạm chúng ta không mua.

Cũngnhư vậy, biết thân là vô thường, sự nghiệp là vô thường, những người thân thuộc là vô thường chúng ta ôm ấp thương yêu chúng nó để làm gì? Khi những giọt mưa từ mái nhà rơi xuống nổi lên những bong bóng lóng lánh, quí vị thương chúng nó hay không? Nếu thương, chúng nó bể thì sao?Bong bóng nước cũng lóng lánh, hạt kim cương cũng lóng lánh, cả hai đềulóng lánh, quí vị thương cái nào hơn? – Thương hạt kim cương hơn, tại sao? Vì nó lâu bền.

Chúng ta thương cái gì lâu bền. Như vậy thânnày vô thường, sự nghiệp vô thường, những người thân thuộc của mình cũng vô thường thì mình phải thương hay không? Mình thương cái nào khôngvô thường, cái giải thoát không sanh tử, đó mới là cái mình thương. Những cái vô thường chúng ta thương hoài cũng không được gì, vì chúng nósẽ hoại và sẽ mất. Chúng ta đeo đuổi cưu mang cái vô thường, hay đeo đuổi cưu mang cái thoát khỏi vô thường? Có một cái thoát khỏi vô thường chúng ta không thương, lại thương cái vô thường làm gì?

Chúng ta học đạo phải dùng trí nhận xét thấy cái gì bản chất là vô thường là tạm bợ thì cái đó không có giá trị, qua rồi mất mà có giá trị gì! Đã không giá trị, chúng ta đeo đuổi, cưu mang nó làm gì? Cái làm cho mình được mãi mãi an vui tự tại giải thoát, cái đó mới là chân thật. Biết cái vô thường rồi, chúng ta phải xoay lại cái chân thật vĩnh cửu. Khi trước, chúng tôi hay kể câu chuyện:“Cô công chúa nũng nịu.” Thuở xưa có cô công chúa rất được vua cha yêu quí.

Một hôm nhân buổi trời mưa, công chúa ngồi nhìn những giọt nước từ mái nhà rơi xuống, làm nổi lên những bong bóng rất đẹp, công chúa thích quá nhưng không nói, vì bản chất hay làm nũng công chúa vào phòng nằm, mặt mày ủ dột. Nhà vua có công chúa là con duy nhất, thương con vô cùng. Đến giờ cơm, thấy con không ra dùng bữa, nhà vua nóng ruột vào phòng thăm hỏi: Con ốm hay sao, không ra dùng cơm? Công chúa không trả lời. Đến lượt hoàng hậu vào năn nỉ, công chúa cũng không đáp lại.

Hỏihan nài nỉ mãi, sau cùng công chúa nũng nịu thưa: “Con muốn có xâu chuỗi bong bóng nước đeo vào cổ, con mới hết bệnh.” Vua cha chiều con rất mực. Nghĩ mình là vua muốn gì lại chẳng được, nhà vua bèn ra lịnh cho tất cả quần thần: “Ai kết được xâu chuỗi bằng bong bóng nước cho công chúa đeo thì sẽ được phong quan tước, chia đất đai cho.” Đăng bảng lâu ngày mà không ai dám lãnh. Sau cùng có một ông lão đến gỡ bảng, nhậnxâu một chuỗi bong bóng nước cho công chúa đeo.

Ông lão được giới thiệu với công chúa. Nàng rất đỗi vui mừng nói: “Nếu lão xâu cho tôi chuỗi bong bóng nước để đeo, tôi sẽ hết bệnh ngay.” Ông lão nói: “Thưa thật với công chúa, tôi già, con mắt lờ, nên lựa không được những hạt bong bóng đẹp. Vậy ngày mai, khi trời mưa, tôi mời công chúa ra mái hiên chọn những hạt bong bóng nào đẹp nhất, công chúa lượm đưa tôi xâu cho.” Sáng hôm sau, trời mưa, ông lão và nàng công chúa ra mái nhà, những giọt mưa từ trên rơi xuống nổi bong bóng, công chúa đưa tay vớt lấy…, vớt mãi đến trưa mà không được hạt nào! Ông lão đứng chờ, chờ mãi không có hạt bong bóng nào để xâu! Cuối cùng, quá mệt mỏi công chúa nói:“Thôi, tôi không thích bong bóng này nữa.” Nhà vua mừng quá bảo: “Để tacho con xâu chuỗi bằng kim cương con đeo.”
Ý nghĩa câu chuyện vừa kể như thế nào?

Tất cả chúng ta có phải là công chúa đó không? Chúng ta cứ nắm bắt những ảo ảnh vô thường, nắm bắt mãi cả đờimệt nhoài mà chẳng được gì. Rồi chúng ta vào chùa cầu xin Phật cứu con.Đức Phật sẵn lòng từ bi cứu độ, cho chuỗi kim cương thứ thiệt. Chúng tachỉ chịu nhận thứ thiệt khi nào chúng ta đã mệt nhoài với những thứ tạmbợ hư dối. Đức Phật tuy lấy ví dụ một câu chuyện rất trẻ nhỏ nhưng đúngvới bệnh của chúng sanh. Chúng ta giống y nàng công chúa đó. Khi chúng ta thức tỉnh biết trở về với Phật, Phật sẽ chỉ cho chúng ta cái chân thật. Nếu chúng ta sống được với nó, cái chân thật ấy còn mãi, không baogiờ mất.

Người Phật tử muốn hết khổ phải thấy rõ bản chất của đau khổ không có thật. Bản chất của đau khổ là ái và thọ, cả hai đều không thật. Càng đuổi theo chúng càng đau khổ thôi. Nếu biết dừng lại, đau khổ sẽ bớt từ từ cho đến một ngày nào chúng ta lìa hẳn nó, không còn đau khổ nữa.

Nhân nghe câu nào trong kinh Kim Cang mà Lục Tổ ngộ đạo? Trong kinh Kim Cang, Phật dạy phương pháp an trụ tâm:“Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanhtâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Ngay đây Lục Tổ ngộ, rồi từ đó về sau Ngài hết khổ luôn. Muốn sanh tâm cầu Vô thượng bồ-đề thì đừng dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu trần không dính là an trụ tâm.Đó là hạnh phúc tuyệt vời. Nếu còn dính với sáu trần là còn bất an, cònđau khổ. Nếu chúng ta không kẹt không chấp vào cảm thọ của sáu căn, tứclà chúng ta được giải thoát.

Cũng chính trong kinh Kim Cang đức Phật có dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Những gì có tướng đều là vô thường, vô thường là tạm bợ, hư dối. Nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Phật. Tại sao? Tỉ dụ hiện giờ thấy một món vật đẹp, chúng ta biết rõ nó là duyên hợp hư dối; một vật gì quí, nó là duyên hợp hư dối, một thức ănngon, nó là duyên hợp hư dối. Biết rõ được như vậy, đó là có trí tuệ giác ngộ. Trí tuệ giác ngộ tức là Phật. Thấy tất cả tướng không phải tướng tức là thấy tất cả vật đều không thật, tất cả đều là duyên hợp hư dối. Thấy rõ như thế là thấy Phật, không phải tìm Phật ở đâu xa. Nếu thấy Phật thì hết khổ.

Để kết luận chúng tôi xin nhắc tất cả quí vị, nếu muốn hết khổ chúng ta phải biết rõ bản chất của thọ và ái làvô thường, hư dối. Chúng ta phải diệt hết, nhổ sạch gốc của thọ và ái, thì ngang đó chúng ta được an lạc. Niềm vui không phải từ bên ngoài đem đến, không phải do sự giàu sang sung sướng lắm tiền nhiều của, mà vui vìbiết phá bỏ những mê chấp sai lầm. Buông bỏ những sai lầm, đó là trí tuệ tỉnh giác, đó tức là Phật. Tu theo Phật cốt để giác ngộ. Giác ngộ cho nên không lầm không mê, tức nhiên không khổ. Hết ngu mê là sáng suốt, sáng suốt tức là hết khổ.

Nhân ngày đầu xuân năm Đinh Mão, tất cả quí vị đến đây lễ Phật và chúc mừng quí Thầy, quí Thầy cũng chúc tất cả quí Phật tử sang năm mới này hãy can đảm bỏ đi những chấp thọ và buông đi những ái trước. Chấp thọ và ái trước buông bỏ thì nguồn đau khổcạn, gốc đau khổ được bứng tung lên, ngang đó quí vị sẽ hết khổ. Vì vậychúng tôi chúc quí vị một năm mới hoàn toàn an lạc sau khi bứng tận cộigốc khổ đau.

NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT.

BÀI KINH BÁT-NHÃ

TẤT NIÊN ĐINH MÃO 1988

Đây là một cái tách, những chữ đen trong cái tách này là bài kinh Bát-nhã, tác phẩm này được làm bên Nhật Bản. Nếu ban ngày quí vị đọc đủ chữ, tròn một bài kinh Bát-nhã. Sau khi đổ nước nóng vào những chữ đen liền ẩn, rồi từ từ hiện ra hình đức Phật.Quí vị ngắm cho kỹ cái tách, tôi sẽ giải thích cái lý thú của nó.

Khi chưa có nước nóng, cái tách chỉ làbài kinh Bát-nhã bằng chữ đen. Khi nước nóng đổ vào, thấm rồi, bài kinhBát-nhã mờ đi thì ông Phật hiện ra. Như vậy có ý nghĩa gì đối với ngườitu chúng ta?

Nếu chúng ta là người học đạo mà chưa thông được lý và chưa thực hành đến cứu kính, thì chúng ta chỉ thấy Phậtpháp qua những ngôn ngữ văn tự, chớ chưa thấy Phật thật. Từ các nghĩa văn tự, chúng ta nỗ lực tu. Do lòng tinh tấn mãnh liệt mỗi ngày một tăngtiến, cũng như sức nóng mỗi ngày mỗi phát ra, lần lần các hình thức văntự chữ nghĩa mờ đi, ông Phật thật của chúng ta lúc đó hiện ra.

Như trong kinh thường nói, nếu người kéo cây lấy lửa, muốn lấy được lửa, khi kéo cây ấm rồi nếu dừng lại thì nó nguội dần không bao giờ có lửa. Khi ấm rồi phải kéo mãi càng nóng càng tốt, cho đến lúc phát lửa mới thôi. Phát lửa là ví dụ thấy được Phật, kéo cây là ví dụ cho sự tinh tấn, nếu kéo nửa chừng là chỉ cho sự nửa chừng mà ngừng là chỉ cho sự tinh tấn một lúc rồi thối Bồ-đề tâm, rồi chểnh mảng. Nếu thối Bồ-đề tâm và chểnh mảng chắc là ông Phật sẽ không hiện ra. Cũng như trong cái tách này, nếu đổ nước nóng vào để một lúc nó ấm đều thì ông Phật hiện, nhưng nếu đổ nước vào, vừa hơi ấm, lại đem nước lạnh đổ vào thì ông Phật không hiện, mà chữ đen hiệân ra.

Chúng ta thấy rõ ràng sự tu hành của chúng ta đi đến cứu kính hay không là do sức tinh tấn của chúng ta có bền vững, lâu dài mãi mãi hay không. Đừng nghĩ rằng chúng ta vào đạo rồitháng nào năm nào đó chúng ta tu cho đến quên ăn quên ngủ, nhưng tu mộtlúc thấy công phu nhiều rồi thôi, thả trôi, chậm chạp, chần chờ rồi lùi. Như vậy tuy thấy có hăng hái, có tiến bộ, nhưng sự hăng hái và tiếnbộ đó chỉ có một giai đoạn, nên kết quả không bao giờ viên mãn.

Chúng tôi mong rằng quí vị ý thức đượcviệc tu của mình như trường hợp cái tách ở đây vậy, nghĩa là chúng ta nương văn tự chữ nghĩa để hiểu đạo, nhưng văn tự chữ nghĩa chưa phải là Phật. Nhờ văn tự chữ nghĩa đó, chúng ta hiểu đạo rồi nỗ lực tiến tu. Do sự nỗ lực tiến tu bền bỉ lâu dài thấm cả toàn thân chúng ta rồi, chừng đó ông Phật của chúng ta hiện ra, cũng như nước làm nóng toàn bộ cái tách rồi, lúc đó chữ nghĩa mờ đi, ông Phật liền hiện rõ. Chính ý nghĩa cái tách này là một khích lệ cho chúng ta trên đường tu học.

Ngoài cái tách ra, chúng tôi được tặngthêm một cái mền cũng có bài kinh Bát-nhã, và ngay cây quạt cầm tay cũng có bài kinh Bát-nhã. Trong cây quạt, trong cái tách và trong cái mền đều có bài kinh Bát-nhã. Như vậy chúng ta mới thấy rằng Phật giáo Nhật Bản quí trọng kinh Bát-nhã đến ngần nào.

Ngược lại ở Việt Nam, chúng ta lại sợ tụng kinh Bát-nhã, rồi chấp không, nên nói tớùi Bát-nhã là sợ. Vì sao? Vì sự thông hiểu đạo lý của chúng ta quá nông cạn và yếu ớt. Còn người Nhật Bản thấy rõ được Bát-nhã là hệ trọng, cho nên ở lãnh vực nào người ta cũng thể hiện bài kinh Bát-nhã.

Tinh thần hiểu đạo của người Nhật kháchơn chúng ta nhiều. Có sự khác biệt đó là vì chúng ta hiểu đạo qua hìnhthức, qua sự chấp nê, chớ không phải hiểu đúng tinh thần Bát-nhã, vì vậy mà chúng ta không quí trọng Bát-nhã. Mà Bát-nhã là gì? Là trí tuệ. Mà không trí tuệ thì chừng nào giác ngộ? Đó là một khuyết điểm lớn của Phật giáo Việt Nam. Mong rằng mai kia chúng ta sẽ bớt những khuyết điểm ấy.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2012(Xem: 14422)
Kính lạy tôn dung Ngài Con xin tìm lại dấu xưa 39 năm, hai thế kỷ sao vừa Nín thở, lặng yên, đọc từng con chữ
23/06/2012(Xem: 8599)
Khóa An Cư Kiết Hạ Tại Chùa Bát Nhã Do GHPGVNTNHK Tổ Chức Từ 19-30/6/2012
21/06/2012(Xem: 7543)
Bấy giờ, tại thành Xá-Vệ, có Bà-la-môn Trường-Thân tổ chức đại hội cúng tế rất lớn, các lễ vật gồm bảy trăm con vật và các thức ăn thức uống cũng được chuẩn bị một cách đầy đủ. Thành phần tham dự gồm có dân chúng trong vùng, các viên chức sắc trong cả nước Xá-Vệ đến, đặc biệt hơn nữa là nhiều người từ các nước khác cũng sẽ đến dự kỳ đại hội cúng tế lớn lao này.
19/06/2012(Xem: 7170)
Không như các tôn giáo khác có thể có những cấm điều hay định chế được thiết lập sẵn dựa theo chủ quan của vị giáo chủ, mọi định chế của Phật giáo đều xuất hiện sau khi Tăng đoàn đã được thành lập.
19/06/2012(Xem: 16015)
Trongnhững năm qua, tác giả/ dịch giả Hoang Phong (Nguyễn Đức Tiến) đã gửi tặng Thư ViệnHoa Sen một số đầu sách và CD Phật giáo do ông biên soạn và dịch thuật được Phậttử Phú Ngọc, pháp danh Diệu Châu ở TP. Sài Gòn phát tâm chuyển giúp quà biếuquý giá này qua đường bưu chính.
17/06/2012(Xem: 7856)
Đây là lần đầu tiên chúng tôi được thăm viếng và làm quen quý Phật tử. Qua lời giới thiệu của Thầy chúng tôi, sáng nay chúng tôi được phép thay nhọc cho Thầy nói chuyện Phật pháp tại Thiền tự Vạn An cùng quý Phật tử. Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một các
17/06/2012(Xem: 6489)
Điều 1- Người Phật tử chân chính phải nên siêng năng chuyên cần học hỏi, có tư duy, có suy xét, có chiêm nghiệm và biết cách áp dụng lời Phật dạy. Xem tam tạng kinh điển gồm có kinh, luật, luận là những lời dạy minh triết, là món ăn tinh thần nhằm giúp cho ta biết cách dứt ác làm lành. Điều 2- Người Phật tử chân chính, nên cố gắng sắp xếp thời gian thuận tiện để đến các trung tâm văn hóa Phật giáo, các lớp giáo lý phổ thông ở các chùa, thiền viện, các buổi thuyết pháp vào ngày sám hối, ngày vía Phật, Bồ-tát.
16/06/2012(Xem: 6410)
Điều 1- Ý thức được khổ đau do giết hại gây ra, người Phật tử chân chính phát nguyện không sát sinh hại vật dưới mọi hình thức, nhất là sự sống của con người, động vật và thiên nhiên. Phải biết tôn trọng và thể hiện tình thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài.
16/06/2012(Xem: 6411)
Điều 1- Người Phật tử chân chính thờ phượng hình ảnh tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán và Thánh Tăng để được chiêm bái, học hỏi qua công hạnh độ sinh, không biết mệt mỏi, nhàm chán mà vẫn an nhiên tự tại để làm gương sáng cho cuộc đời, nhằm làm chỗ dựa tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội.
14/06/2012(Xem: 8528)
Tình yêu thương có năng lực vô song, giúp bạn không còn cảm xúc sợ hãi. Một khi bạn phát triển được tình yêu thương (tâm Đại từ) thì sẽ không còn chỗ cho sự sợ hãi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]