Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

06/02/201108:30(Xem: 8889)
Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

ÐẠO PHẬT ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại
Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh
Viện Hóa Ðạo xuất bản lần thứ nhất - 1973

Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

Con Người Và Xã Hội

Con người nếu bị hoàn cảnh sai sử và lôi kéo hoàn toàn thì không còn có khả năng chủ động được tình trạng và cải tạo được xã hội. Đã đành con người chịu ảnh hưởng những điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội, nhưng nếu con người chỉ là cái nút chai cá nhân trôi nổi bồng bềnh trên sóng nước xã hội, thì giá trị quyết định của con người không còn nữa. Con người đã trở nên nạn nhân yếu đuối. Do đó, con người phải phục hồi được sức mạnh tâm linh và tự chủ của mình bằng phương pháp tu dưỡng. Hình ảnh con người hoàn toàn bị xã hội lôi kéo cũng giống hình ảnh một người cưỡi ngựa mà không điều khiển được con ngựa, mặc cho con ngựa đưa tới đâu thì tới. Trong xã hội ngày nay, khả năng con người để kiểm soát hoàn cảnh xã hội đã trở nên mong manh, bởi vì hệ thống kinh tế và chính trị của con người tạo dựng ra đã trở thành những lực lượng phi nhân trở lại khống chế con người. Con người đang bị kẹt nhiều trong hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại, đang cố gắng để vượt thoát với rất nhiều khó khăn.

Người ta đã đàm luận nhiều về vấn đề bản thân cần phải được cải tạo trước hay là xã hội cần phải được cải tạo trước. Theo đạo Phật, con người không thể tách rời ra khỏi xã hội, nên sự cải tạo phải được thực hiện song hành. Con người là chính báo (nghĩa là quả báo chính) và xã hội là y báo (tức là quả báo hoàn cảnh). Cả hai thứ chính báo và y báo đều thuộc về sự sống của con người cho nên đều phải được cải tạo song hành. Vì con người không thể tách rời ra khỏi môi trường xã hội nên sự tu dưỡng của con người cũng được thực hiện ngay trong môi trường sinh hoạt xã hội. Sự tu dưỡng này không thể được thực hiện hoàn toàn trong một môi trường khép kín. Một con người không có liên hệ với những con người khác thì không phải là một con người bình thường.

Khi nói đến sự thay đổi xã hội, chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ ngay đến sự thay đổi hệ thống chính trị, kinh tế của xã hội mà quên rằng sự tu dưỡng bản thân là một trong những điều kiện tất yếu của thành công. Tâm ý của con người đóng một vai trò chủ yếu trong cách mạng, nhất là đối với những người thuộc giới chủ chốt tiên phong cho cách mạng. Những ai muốn đổi mới cuộc đời, xây dựng cho gia đình, cho làng xóm và cho xã hội cần phải thấy rằng sự tu dưỡng tâm ý là cần thiết bởi vì sự tu dưỡng này cho ta rất nhiều sức mạnh, nghị lực và nguồn vui sống, những điều kiện rất thiết yếu của thành công.

Chánh Niệm

Phải thực tập chánh niệm: Biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì để có thể chủ động đời sống mình và không bị lôi kéo bởi hoàn cảnh. Đây là một phương pháp tu tâm thần diệu của đạo Phật. Phương pháp này không bắt đầu bằng sự phân biệt những ý niệm thiện ác mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình. Có nhiều người tuy sống mà thật ra không sống, bởi vì họ không có ý thức về sự sống của họ: Họ ăn, ngủ, làm việc và giải trí như một bộ máy cho đến khi chết. Đến lúc sắp lìa đời, nhìn lại họ giật mình thấy như mình chưa từng sống: Sáu, bảy mươi năm qua vừa qua đi như một giấc mộng. Bí quyết của phương pháp chính niệm là Ý THỨC ĐƯỢC RẰNG MÌNH ĐANG SỐNG: Khi đang ăn, mình biết là mình đang ăn, khi đang ngồi, mình biết là mình đang ngồi. Nói tóm lại mình phải ý thức được mỗi giây phút của đời sống mình. Thắp lên ngọn đèn chính niệm, tự nhiên sự vô tâm quên lãng trở thành ý thức sáng tỏ và sự chết biến thành sự sống. Nhiều lần trong một ngày ta tự hỏi mình: Ta là ai, ta đang làm gì, nghĩ gì, nói gì? Như thế, ta nắm ngay được chủ quyền, không để cho hoàn cảnh lôi kéo và áp giải ta về thế giới quên lãng và về cái thế giới của sự chết. Ta sống cuộc đời của ta. Buổi sáng rửa mặt nhìn vào trong gương, ta tự nhủ: “Đây là một ngày mới, ta phải sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ta phải biết làm thế nào để sống ngày hôm nay cho an lạc, đừng để cho những tên giặc cáu kỉnh, tỵ hiềm và hối hả đến quấy phá và cướp mất hai mươi bốn giờ quý báu của ta”.

Ta hãy quan sát chú Bảy, một người có học Phật và biết áp dụng thông minh phương pháp tu dưỡng đạo Phật. Trong ngày, mỗi khi chú Bảy tự bắt gặp chú đang phiền muộn hay cáu kỉnh, chú liền tự đánh thức chú dậy. Chú tự nói: “ Ta đang bị phiền muộn và cáu kỉnh thống trị. Ta không thể để cho cuộc đời ta bị đục khoét tan nát bởi những con sâu phiền muộn và cáu kỉnh. Ta phải sống đời sống của ta một cách an lạc”.

Cố nhiên chú Bảy biết là những phiền muộn cáu kỉnh và tỵ hiềm kia mỗi thứ đều có nguyên nhân của chúng. Chú biết những điều đó đáng giận thật, nhưng chú nhất định không đem cuộc đời của chú để đánh đổi lấy một chuỗi phiền muộn. Chú tự nhủ: “Phải sống làm sao như một trái núi đá; những phiền não kia chỉ có thể như những đợt sóng biển va chạm và tan vỡ dưới chân núi đá”. Sự khác nhau giữa người có tu và không tu là ở chỗ đó; người có tu thì giữ được tâm thanh tịnh và an lạc ngay trong thế giới dẫy đầy điều bất như ý. Quán sát những sự việc xảy ra trong ánh sáng duyên khởi, ta sẽ thấy não phiền dễ tan rã và có thể nhìn cuộc đời với những con mắt tha thứ và thương yêu. Kinh Pháp Hoa xưng tán đức bồ tát Quán Thế Âm là người biết nhìn người đời với những con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sanh). Đó là vị bồ tát này do quán chiếu cuộc đời trong ánh sáng duyên khởi cho nên đem lòng thương tất cả mọi loài.

Ta phải thỉnh thoảng nhìn lại chính ta trong lúc đang nói hay đang làm một điều gì. Ta hãy quán chiếu bản thân ta để trước hết là ta thấy ta đang nói điều đó hay đang làm điều đó. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ đưa ta về chính niệm cho dù trong khi đó nói điều kia ta đã có thể đi xa chính niệm đến hàng muôn dặm. Ta nên biết rằng mỗi lần quán chiếu tự thân như thế ta chỉ tiêu xài một vài giây đồng hồ. Nhưng chính một vài giây đồng hồ đó có thể thắp lên một mặt trời trong thế giới của ta và giải phóng ta khỏi thế giới quên lãng bị động có tính cách mê ám. Mỗi ngày ta có thể dành được bao nhiêu giây đồng hồ công trình quán chiếu này? Bậc giác ngộ là người quán chiếu thường xuyên tự tâm mình. Ta là người quyết tâm học theo các bậc giác ngộ, chẳng lẽ ta không để dành được vài phút trong một ngày cho công trình quán chiếu quan trọng ấy sao? Ta nên biết, dù chỉ có thể tiêu xài vài ba phút trong ngày cho công trình quán chiếu tự tâm, ta cũng đã làm cho cuộc đời ta sáng rỡ và có ý nghĩa vạn lần hơn trước.

Trở lại trường hợp chú Bảy. Mỗi khi chú dùng giây phút quán chiếu để trở về với chính mình và làm chủ được tình trạng, chú thường mỉm cười để chứng tỏ sự chiến thắng để có thêm đức tin ở khả năng mình.

Quán Chiếu

Ta nên dành một ít thì giờ trong ngày để tĩnh tâm, thiền tọa, đối diện với chính mình và cứu xét nguyên lý duyên khởi trong các sự việc sảy ra hàng ngày. Phải tìm được giờ yên tĩnh, hoặc ở gia đình, hoặc ở chùa, hoặc trong công viên, hoặc ngoài đồng ruộng để thực hiện điều này.

“Tôi không có thì giờ” mọi người đều nói như thế. Đúng rồi, buổi sáng thức dậy thì lo đi làm, chiều làm về thì mệt, ăn cơm xong thì chỉ muốn nghỉ ngơi để sáng mai lại đi làm. Ai sống trong thời buổi này mà không bận rộn. Nhưng chính làm thế nào để đừng sống như một bộ máy, làm thế nào mà có được thì giờ cho chính mình, làm thế nào để sống đời sống của mình, đó mới là vấn đề quan trọng.

Buổi sáng khi múc nước vào chậu rửa mặt, đánh răng, cạo râu, ta gọi đó là một sự bận bịu sao? Năm hoặc mười phút đồng hồ ấy có thể đi qua một cách vội vã, hấp tấp và vụt chạc; năm nay mười phút ấy trái lại, cũng có thể là năm mười phút thoải mái vui tươi mà ta có thể sống. Rửa mặt chỉ là để cho sạch mặt mũi mà thôi sao? Rửa mặt có thể là một lạc thú, một niềm vui đơn giản và trong lành. Nếu ta dùng năm mười phút ấy để lo âu, để tính toan công việc trong ngày, thì ta không được hưởng cái niềm vui đơn giản và trong lành đó. Ta hãy gạt đi những nỗi lo âu, tính toán kia; cười trong tấm kính, ta nghĩ đến chậu nước mát, chiếc khăn bông sạch sẽ, một ngày trọn vẹn sẽ do cách sống của ta mà trở nên vui tươi… Trong ngày ta CÓ những giờ vui như vậy. Khi ta tắm hoặc bơi trong giòng sông hoặc xối xuống vai nước mát lạnh bằng chiếc gáo dừa, ta có thể dùng thì giờ ấy để tĩnh tâm và quán chiếu. Khi ta đi làm về, từ bến xe buýt hoặc từ ngoài ruộng vườn đi bộ về nhà, ta có thể thở không khí trong lành hoặc quán sát sự sống chung quanh và quán chiếu tâm mình. Nếu có một phòng riêng trong gia đình thì rất tốt, ta yêu cầu mọi người trong gia đình cho ta mười lăm phút hoặc nửa giờ an tịnh. Tắm xong ta thắp một cây nhang cho tinh khiết: Cửa sổ mở ra nếu bên ngoài không ồn ào lắm. Ta đâu có cần phải bỏ ra hàng giờ, hàng buổi để tĩnh tâm mà than phiền là quá bận rộn. Năm phút cũng đã là quý rồi. Cái hay nhất trong đạo Phật là pháp tĩnh tâm thiền quán: Nếu mình là Phật tử mà không biết áp dụng những phương pháp này thì thật là uổng quá, cũng ví như có kho lúa gạo mà không biết ăn. Có gia tài mà không xài. Phương pháp tĩnh tâm như thế nào? Ta có thể học tập với những người bạn đã từng có kinh nghiệm, hoặc với những tăng sĩ có khả năng. Nếu chưa có ai để học hỏi, thì ta có thể mô phỏng mà tập theo phương pháp sau đây của chú Bảy, rất đơn giản mà cũng rất có hiệu quả, trong khi chờ đợi.

Buổi tối, sau khi tắm, chú Bảy mặc áo quần rộng rãi. Rất thong thả chú sắp đặt lại căn phòng của chú cho ngăn nắp, thay nước hoặc cắm lại một bông hoa hay một cành cây trên bàn Phật, và cuối cùng chú thấp một cây nhang. Từ khi bắt đầu “công việc” như sắp lại mấy cuốn sách, cầm chiếc chổi lông phất bụi, chú biết tự nhiếp mình trong chính niệm, mỗi cử chỉ, mỗi động tác của chú đều ung dung thư thái và đặt dưới sự kiểm soát từ hòa và sáng suốt của ý thức. Chú Bảy cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc. Chú nhất định không hấp tấp, không vụt chạc, bởi vì chú biết rằng mỗi cử chỉ mỗi cái nhìn, mỗi ý tứ đều là sự tĩnh tâm thiền quán. Khi cầm một bình hoa, chú ý thức rằng: cắm một bình hoa không hẳn là để CÓ một bình hoa: cắm một bình hoa là để cắm một bình hoa; động tác cắm hoa còn quan trọng hơn cả kết quả của động tác ấy (tức là có một bình hoa đẹp). CẮM HOA là để quán chiếu tâm mình, là thiền định, là chính niệm, là sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Trong khi cắm hoa chú Bảy thấy lòng chú thanh tịnh, an lạc, chú có ý thức rõ ràng rằng chú đang cắm hoa, đang sống an lành giờ phút chú cắm hoa. Nếu ta làm được như chú Bảy ta sẽ thấy cử chỉ của ta ung dung, từ hòa, thân thể ta thư thái và tâm ý ta lâng lâng một niềm vui thanh thoát. Nghệ thuật cắm hoa và pha trà phát xuất từ thiền viện, bắt nguồn từ nguyên tắc chính niệm này. Chú Bảy để ra năm phút để cắm một bình hoa. Phí thì giờ quá, người ta có thể nghĩ; nhưng đây là thì giờ của ý thức, của quán niệm, của an lạc, còn quý giá gấp ngàn lần thì giờ để dành vào việc lo lắng, bực bội và mưu toan.

Cắm hoa hoặc quét nhà hay xếp lại sách trên bàn thì cũng vậy. Ta nên thong thả mà làm TRONG TINH THẦN CHÍNH NIỆM. Đó chính là sự tu tập quan trọng nhất. Trong tu viện thiền, những khi nấu cơm, rửa chén bát, gánh nước, quét sân… nhà thiền giả cũng luôn luôn tu tập chính niệm và quán chiếu, giống như khi chú Bảy cắm hoa vậy.

Sau khi dọn dẹp căn phòng, đốt một cây nhang, cắm thật thẳng trong lư hương, chú Bảy thắp một cây đèn cầy (nến) để cho ánh sáng trở nên dịu dàng hơn và chú tắt đèn điện, bởi vì đèn điện chói sáng quá. Chú ngồi lại ngay ngắn trước bàn Phật, trên chiếu, trên ghế, hoặc trên bộ ván theo kiểu bán già. Thật ra ta ngồi như thế nào cho thật thoải mái là được, không cần phải ngồi theo kiểu bán già như chú. Nhưng nếu ta tập ngồi được theo kiểu bán già thì lại càng hay. Ngồi bán già dễ hơn ngồi kiết già: Chú Bảy ngồi ngay thẳng, bắp chân trái để trên bắp chân mặt hoặc bắp chân mặt để trên bắp chân trái. Hai tay đặt trên bắp chân, chính giữa, lòng tay mặt đặt trên lòng tay trái. Sống lưng chú thẳng, đầu thẳng, mắt chú hơi khép nhìn về phía trước chừng hai thước, miệng chú hơi mỉm cười. Ngồi kiết già thì cũng giống như bán già. Nhưng bàn chân phải đặt trên bắp chân trái và bàn chân trái đặt trên bắp chân phải. Ngồi kiết giả chưa quen thì đau lắm, nhưng quen rồi thì không đau đớn gì nữa. Ngồi bán già hay kiết già là những thế ngồi rất vững mạnh; khi ngồi như thế ta thấy tâm hồn ta vững chãi, tỉnh táo và tinh tiến hơn.

Chú Bảy bắt đầu tập thở. Chú thở rất nhẹ nhưng sâu. Tuy thế chú không cố gắng thở căng phổi quá; chú biết hễ cái gì ráng quá là không tốt. Chú thở vào, thở ra nhiều lượt, hơi thở nhẹ nhàng, không gây tiếng động, hơi thở chú trôi theo một giòng dịu êm, không bị đứt khoảng, giống hệt như một giòng nước chảy trên một đồng bằng có cát, không phải như một giòng thác róc rách. Trong khi thở, chú tiếp tục quán chiếu; khi thở vào, chú biết chú đang thở vào, khi thở ra chú biết chú đang thở ra: Thở một hồi, chú thấy khoan khoái và thanh tịnh trong người.

Bây giờ chú Bảy xét những vấn đề liên hệ tới sự sống hàng ngày, những vấn đề đã làm bận rộn tâm chú. Giữ tâm thanh thản và duy trì nụ cười hơi chớm còn mãi trên môi, chú bắt đầu xét các vấn đề này trong ánh sáng liên hệ duyên sinh. Chú không cho sự bực dọc phát hiện, bằng cách áp dụng phương pháp giữ hơi thở đều đặn, và tiếp tục duy trì nụ cười hơi chớm trên môi. Chú tưởng niệm một câu trong kinh Pháp Hoa, ví dụ câu: “Từ nhãn thị chúng sanh” đem con mắt thương yêu mà nhìn mọi người. Vì vô minh, vì thiếu hoàn cảnh giáo dục thuận lợi, vì những khó khăn của đời sống, người ta đã trở nên thiếu hiểu biết, thô lỗ, sỗ sàng, tệ bạc như thế… Chú quán chiếu duyên sinh để tưới thêm gốc từ bi tâm, và để con mắt tình thương (từ nhãn) của chú không bị che lấp bởi những tham giận tầm thường. Chú tìm giải quyết mọi vấn đề trên căn bản từ hòa, thương yêu, bất bạo động. Chú tìm cho ra lời giải đáp và phương pháp hành động theo giáo lý đạo Phật. Chỉ có tình thương mới đối phó được với mọi não phiền.

Nếu trong nhà, ta không tìm ra được khung cảnh yên tịnh để làm công việc quán chiếu như chú Bảy thì ta có thể tìm ở chùa, hoặc một nơi vắng trong công viên, hoặc trong thư viện, hoặc ngoài đồng ruộng. Tố Nga là một sinh viên Phật Tử. Vì nhà buôn bán bận rộn, nên nàng thực hành giờ quán chiếu tĩnh niệm ở thư viện quốc gia.

Thiện Tri Thức

Ta cần tìm bạn, tìm thầy để học hỏi thêm về đạo Phật, và chia xẻ kinh nghiệm về sự áp dụng đạo Phật vào đời sống. Thầy và bạn là những tăng thượng duyên rất quý giá, nhờ họ mà ta có thể trao đổi kinh nghiệm, không những trong sự áp dụng đạo Phật vào đời sống tâm linh bản thân mà còn trong sự áp dụng đạo Phật vào đời sống gia đình và xã hội nữa. Chính sự trao đổi kinh nghiệm quan trọng và cần thiết hơn lý thuyết nhiều, vì vậy ta đừng nên để hết thì giờ vào sự nghiên tâm lý thuyết, học hết bộ kinh này rồi đến bộ kinh khác trong khi đó thì không biết lợi dụng những kinh nghiệm của ta và của các bạn thiện tri thức của ta để đi sâu vào sự áp dụng thực hành.

Ông Tư Siêu tự cho là học rộng, biết nhiều về đạo Phật. Ông nói ông có thể giảng giải về kinh Viên Giác, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Nhưng sự học Phật của ông hình như không có lợi gì nhiều cho đời sống của ông, bởi vì ông vẫn bị dằn vặt khổ đau vì tánh tự hào, nóng giận và ganh tị. Ông không có bạn và chính trong gia đình, bà Tư và các con ông cũng không ưa ông. Chú Bảy, trái lại, tuy biết nhiều về Phật học nhưng vẫn luôn luôn tìm cách gần gũi các bậc thầy và các bạn thiện tri thức để tìm học thêm và trao đổi kinh nghiệm. Chú Bảy được mọi người yêu chuộng vì lời chú nói phù hợp với đời sống của chú: Chú luôn luôn tìm áp dụng đạo Phật vào cuộc đời một cách tự nhiên, không ồn ào, không khoe khoang.

Bát Quan Trai

Mỗi tháng một vài lần chùa tổ chức những kỳ tu Bát Quan Trai Giới, ta nên tham dự, vì đó là những cơ hội tốt cho ta tu tập, quán chiếu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tu tập với các bạn hữu. BÁT QUAN TRAI GIỚI là một phương tiện lập ra để giúp người cư sĩ có cơ hội sống hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong chùa theo chính niệm. Bát quan trai giới còn gọi là BÁT TRAI GIỚI hay BÁT GIỚI TRAI, có nghĩa là sự chấp tri (nhận giữ) tám quy luật: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không dùng hương phấn dầu thơm, không nằm giường cao rộng êm ái, không ăn uống phi thời. Thêm vào đó, người hành giả ăn chay nữa, vì vậy tám giới cộng với trai thực gọi là BÁT TRAI GIỚI. Những giới này giúp cho ta đóng bớt những cánh cửa phiền não tội lỗi, cho nên gọi là QUAN. Chữ QUAN trong “Bát quan trai giới” có nghĩa là cánh cửa.

Muốn tham dự bát quan trai giới phải xin ghi tên ở chùa, và hỏi thăm những thông lệ và giờ giấc. Đến giờ đã định, ta có mặt tại chùa với những dụng cụ cần thiết: bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, xà phòng, áo quần ngủ, một cái mền (chăn) và một vài cuốn kinh sách. Ta sẽ ngủ tại chùa, cùng với các bạn khác, có khi đông đến mấy chục người. Ta sẽ sống hai mươi bốn giờ tại chùa, tập sống trong chính niệm và quán chiếu, đồng thời có dịp gặp gỡ các bậc thầy và bạn để trao đổi những học hỏi và kinh nghiệm. Chúng ta sẽ được hướng dẫn ngồi thiền, tập thở, quét nhà, cắm hoa, đọc kinh theo tinh thần chính niệm. Ta có thể học hỏi được rất nhiều trong mỗi kỳ tu học theo bát trai giới, nếu ta biết xử dụng đúng hai mươi bốn tiếng đồng hồ dành cho thời gian này. Ảnh hưởng của hai mươi bốn giờ kia sẽ được lưu lại sâu đậm trong những ngày còn lại trong tháng do đó ta nên cố gắng để có thể có thì giờ tham dự bát quan trai giới.

Chú Bảy thường đi chùa tham dự bát quan trai mỗi tháng. Tháng rồi chú đã mời được ông Sáu cùng đi. Chú khéo léo lắm mới thuyết phục được ông Sáu vì ông Sáu cứ nghĩ mình bận rộn không thể bỏ việc nhà. Ông Sáu lần đầu tiên tham dự bát quan trai, thấy mình hơi bỡ ngỡ vụng về; nhưng nhờ có chú Bảy bên cạnh nên ông cũng không cảm thấy lạc lõng. Ông Sáu công nhận rằng sống hăm mươi bốn tiếng ở chùa trong tinh thần tự tĩnh, ông đã có dịp suy gẫm về đời sống của mình và của gia đình mình. Ông cảm thấy như được đi nghỉ mát ở một nơi thật xa, tách rời hoàn toàn đời sống bận rộn thường ngày. Ông cũng cảm thấy như mình dừng lại trong một cuộc hành trình lâu ngày. Đứng trên đồi ông nhìn lại quãng đường ông đã đi qua và ông giật mình thấy rằng lâu nay ít khi ông đã nhìn lại bản thân mình, đời sống mình. Ông ít thì giờ hơn chú Bảy, nhưng ông quyết định phải thỉnh thoảng đi tham dự một kỳ bát quan trai như thế.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/02/2021(Xem: 5197)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 5614)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4477)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 5066)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
14/02/2021(Xem: 4629)
Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức.
14/02/2021(Xem: 5325)
Nhân đọc bài về tuổi già của Đỗ Hồng Ngọc Bác sĩ y khoa, tôi mỉm cười. Mình cũng thuộc tuổi già rồi đấy!! Các bạn mình cũng dùng chữ ACCC= ăn chơi chờ chết vì vượt qua ngưỡng tuổi 70 rồi. Vậy theo BS Ngọc là làm như vậy cũng thực tế đó nhưng có thật là hạnh phúc tuổi già không? Bạn có đủ hết, con cái thì hết lo cho chúng được nữa rồi, chúng tự lo lấy chúng. Tiền bạc thì hết lo được nữa rồi có bấy nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
14/02/2021(Xem: 4820)
Phật giảng thuyết có ba phương cách: a. Giảng trực tiếp như các kinh đạo Phật Nguyên thủy, b. Giảng bằng phủ định, từ chối là không và phủ định hai lần là xác định tuyệt đối. c. Giảng bằng biểu tượng, đưa câu chuyện cánh hoa sen hay viên ngọc trong túi người ăn mày để biểu tượng hoá ý nghĩa sâu xa của kinh. Phương cách thứ ba này là kinh Pháp Hoa. Có nhiều biểu tượng nhưng nổi bật nhất là cánh hoa sen là biểu tượng kinh Pháp Hoa.
10/02/2021(Xem: 9533)
Long Khánh là một thị xã ven Đô, Phật giáo tuy không sung túc như các Tỉnh miền Trung Nam bộ, nhưng sớm có những ngôi chùa khang trang trước 1975, do một số chư Tăng miền Trung khai sơn lập địa. Hiện nay Long Khánh có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hiển Mật hay còn gọi là chùa Ruộng Lớn tọa lạc tại Thị xã Long Khánh, chùa Huyền Trang, tọa lạc tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang,.…Nhưng điều đáng nói là một ngôi Tam Bảo hình thành trong vòng 5 năm,khá bề thế. Qua tổng thể kiến trúc và xây dựng, không ai ngờ hoàn hảo trong thời gian cực ngắn, đó là Tịnh xá Ngọc Xuân, do sư Giác Đăng,đệ tử HT Giác Hà, hệ phái Khất sĩ, thuộc giáo đoàn 5 của Đức thầy Lý.
08/02/2021(Xem: 4911)
Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm" của riêng mình. Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn. Vào cuối thế kỷ mười ba, thời nhà Trần, trong THIỀN MÔN VIÊT NAM xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là một thiền sư đắc đạo. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này.
08/02/2021(Xem: 4143)
Sau khi đạt được Giác ngộ, Đức Phật nêu lên Bốn Sự Thật và sự thật thứ nhất là "Khổ đau". Khổ đau ẩn chứa trong thân xác, bàng bạc trong tâm thức của mỗi cá thể con người và bùng ra cùng khắp trong thế giới: bịnh tật, hận thù, ích kỷ, lường gạt, đại dịch, bom đạn, chiến tranh... Sự thật đó, khổ đau mang tính cách hiện sinh đó, thuộc bản chất của sự sống, gắn liền với sự vận hành của thế giới. Sự thật về khổ đau không phải là một "phán lệnh" hay một cái "đế", cũng không mang tính cách "kỳ diệu" gì cả, mà chỉ là một sự thật trần trụi, phản ảnh một khía cạnh vận hành của hiện thực.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]