Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

06/02/201108:30(Xem: 9032)
Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

ÐẠO PHẬT ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện đại
Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh
Viện Hóa Ðạo xuất bản lần thứ nhất - 1973

Chương 2: Xây Dựng Bản Thân

Con Người Và Xã Hội

Con người nếu bị hoàn cảnh sai sử và lôi kéo hoàn toàn thì không còn có khả năng chủ động được tình trạng và cải tạo được xã hội. Đã đành con người chịu ảnh hưởng những điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội, nhưng nếu con người chỉ là cái nút chai cá nhân trôi nổi bồng bềnh trên sóng nước xã hội, thì giá trị quyết định của con người không còn nữa. Con người đã trở nên nạn nhân yếu đuối. Do đó, con người phải phục hồi được sức mạnh tâm linh và tự chủ của mình bằng phương pháp tu dưỡng. Hình ảnh con người hoàn toàn bị xã hội lôi kéo cũng giống hình ảnh một người cưỡi ngựa mà không điều khiển được con ngựa, mặc cho con ngựa đưa tới đâu thì tới. Trong xã hội ngày nay, khả năng con người để kiểm soát hoàn cảnh xã hội đã trở nên mong manh, bởi vì hệ thống kinh tế và chính trị của con người tạo dựng ra đã trở thành những lực lượng phi nhân trở lại khống chế con người. Con người đang bị kẹt nhiều trong hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại, đang cố gắng để vượt thoát với rất nhiều khó khăn.

Người ta đã đàm luận nhiều về vấn đề bản thân cần phải được cải tạo trước hay là xã hội cần phải được cải tạo trước. Theo đạo Phật, con người không thể tách rời ra khỏi xã hội, nên sự cải tạo phải được thực hiện song hành. Con người là chính báo (nghĩa là quả báo chính) và xã hội là y báo (tức là quả báo hoàn cảnh). Cả hai thứ chính báo và y báo đều thuộc về sự sống của con người cho nên đều phải được cải tạo song hành. Vì con người không thể tách rời ra khỏi môi trường xã hội nên sự tu dưỡng của con người cũng được thực hiện ngay trong môi trường sinh hoạt xã hội. Sự tu dưỡng này không thể được thực hiện hoàn toàn trong một môi trường khép kín. Một con người không có liên hệ với những con người khác thì không phải là một con người bình thường.

Khi nói đến sự thay đổi xã hội, chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ ngay đến sự thay đổi hệ thống chính trị, kinh tế của xã hội mà quên rằng sự tu dưỡng bản thân là một trong những điều kiện tất yếu của thành công. Tâm ý của con người đóng một vai trò chủ yếu trong cách mạng, nhất là đối với những người thuộc giới chủ chốt tiên phong cho cách mạng. Những ai muốn đổi mới cuộc đời, xây dựng cho gia đình, cho làng xóm và cho xã hội cần phải thấy rằng sự tu dưỡng tâm ý là cần thiết bởi vì sự tu dưỡng này cho ta rất nhiều sức mạnh, nghị lực và nguồn vui sống, những điều kiện rất thiết yếu của thành công.

Chánh Niệm

Phải thực tập chánh niệm: Biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì để có thể chủ động đời sống mình và không bị lôi kéo bởi hoàn cảnh. Đây là một phương pháp tu tâm thần diệu của đạo Phật. Phương pháp này không bắt đầu bằng sự phân biệt những ý niệm thiện ác mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình. Có nhiều người tuy sống mà thật ra không sống, bởi vì họ không có ý thức về sự sống của họ: Họ ăn, ngủ, làm việc và giải trí như một bộ máy cho đến khi chết. Đến lúc sắp lìa đời, nhìn lại họ giật mình thấy như mình chưa từng sống: Sáu, bảy mươi năm qua vừa qua đi như một giấc mộng. Bí quyết của phương pháp chính niệm là Ý THỨC ĐƯỢC RẰNG MÌNH ĐANG SỐNG: Khi đang ăn, mình biết là mình đang ăn, khi đang ngồi, mình biết là mình đang ngồi. Nói tóm lại mình phải ý thức được mỗi giây phút của đời sống mình. Thắp lên ngọn đèn chính niệm, tự nhiên sự vô tâm quên lãng trở thành ý thức sáng tỏ và sự chết biến thành sự sống. Nhiều lần trong một ngày ta tự hỏi mình: Ta là ai, ta đang làm gì, nghĩ gì, nói gì? Như thế, ta nắm ngay được chủ quyền, không để cho hoàn cảnh lôi kéo và áp giải ta về thế giới quên lãng và về cái thế giới của sự chết. Ta sống cuộc đời của ta. Buổi sáng rửa mặt nhìn vào trong gương, ta tự nhủ: “Đây là một ngày mới, ta phải sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ta phải biết làm thế nào để sống ngày hôm nay cho an lạc, đừng để cho những tên giặc cáu kỉnh, tỵ hiềm và hối hả đến quấy phá và cướp mất hai mươi bốn giờ quý báu của ta”.

Ta hãy quan sát chú Bảy, một người có học Phật và biết áp dụng thông minh phương pháp tu dưỡng đạo Phật. Trong ngày, mỗi khi chú Bảy tự bắt gặp chú đang phiền muộn hay cáu kỉnh, chú liền tự đánh thức chú dậy. Chú tự nói: “ Ta đang bị phiền muộn và cáu kỉnh thống trị. Ta không thể để cho cuộc đời ta bị đục khoét tan nát bởi những con sâu phiền muộn và cáu kỉnh. Ta phải sống đời sống của ta một cách an lạc”.

Cố nhiên chú Bảy biết là những phiền muộn cáu kỉnh và tỵ hiềm kia mỗi thứ đều có nguyên nhân của chúng. Chú biết những điều đó đáng giận thật, nhưng chú nhất định không đem cuộc đời của chú để đánh đổi lấy một chuỗi phiền muộn. Chú tự nhủ: “Phải sống làm sao như một trái núi đá; những phiền não kia chỉ có thể như những đợt sóng biển va chạm và tan vỡ dưới chân núi đá”. Sự khác nhau giữa người có tu và không tu là ở chỗ đó; người có tu thì giữ được tâm thanh tịnh và an lạc ngay trong thế giới dẫy đầy điều bất như ý. Quán sát những sự việc xảy ra trong ánh sáng duyên khởi, ta sẽ thấy não phiền dễ tan rã và có thể nhìn cuộc đời với những con mắt tha thứ và thương yêu. Kinh Pháp Hoa xưng tán đức bồ tát Quán Thế Âm là người biết nhìn người đời với những con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sanh). Đó là vị bồ tát này do quán chiếu cuộc đời trong ánh sáng duyên khởi cho nên đem lòng thương tất cả mọi loài.

Ta phải thỉnh thoảng nhìn lại chính ta trong lúc đang nói hay đang làm một điều gì. Ta hãy quán chiếu bản thân ta để trước hết là ta thấy ta đang nói điều đó hay đang làm điều đó. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ đưa ta về chính niệm cho dù trong khi đó nói điều kia ta đã có thể đi xa chính niệm đến hàng muôn dặm. Ta nên biết rằng mỗi lần quán chiếu tự thân như thế ta chỉ tiêu xài một vài giây đồng hồ. Nhưng chính một vài giây đồng hồ đó có thể thắp lên một mặt trời trong thế giới của ta và giải phóng ta khỏi thế giới quên lãng bị động có tính cách mê ám. Mỗi ngày ta có thể dành được bao nhiêu giây đồng hồ công trình quán chiếu này? Bậc giác ngộ là người quán chiếu thường xuyên tự tâm mình. Ta là người quyết tâm học theo các bậc giác ngộ, chẳng lẽ ta không để dành được vài phút trong một ngày cho công trình quán chiếu quan trọng ấy sao? Ta nên biết, dù chỉ có thể tiêu xài vài ba phút trong ngày cho công trình quán chiếu tự tâm, ta cũng đã làm cho cuộc đời ta sáng rỡ và có ý nghĩa vạn lần hơn trước.

Trở lại trường hợp chú Bảy. Mỗi khi chú dùng giây phút quán chiếu để trở về với chính mình và làm chủ được tình trạng, chú thường mỉm cười để chứng tỏ sự chiến thắng để có thêm đức tin ở khả năng mình.

Quán Chiếu

Ta nên dành một ít thì giờ trong ngày để tĩnh tâm, thiền tọa, đối diện với chính mình và cứu xét nguyên lý duyên khởi trong các sự việc sảy ra hàng ngày. Phải tìm được giờ yên tĩnh, hoặc ở gia đình, hoặc ở chùa, hoặc trong công viên, hoặc ngoài đồng ruộng để thực hiện điều này.

“Tôi không có thì giờ” mọi người đều nói như thế. Đúng rồi, buổi sáng thức dậy thì lo đi làm, chiều làm về thì mệt, ăn cơm xong thì chỉ muốn nghỉ ngơi để sáng mai lại đi làm. Ai sống trong thời buổi này mà không bận rộn. Nhưng chính làm thế nào để đừng sống như một bộ máy, làm thế nào mà có được thì giờ cho chính mình, làm thế nào để sống đời sống của mình, đó mới là vấn đề quan trọng.

Buổi sáng khi múc nước vào chậu rửa mặt, đánh răng, cạo râu, ta gọi đó là một sự bận bịu sao? Năm hoặc mười phút đồng hồ ấy có thể đi qua một cách vội vã, hấp tấp và vụt chạc; năm nay mười phút ấy trái lại, cũng có thể là năm mười phút thoải mái vui tươi mà ta có thể sống. Rửa mặt chỉ là để cho sạch mặt mũi mà thôi sao? Rửa mặt có thể là một lạc thú, một niềm vui đơn giản và trong lành. Nếu ta dùng năm mười phút ấy để lo âu, để tính toan công việc trong ngày, thì ta không được hưởng cái niềm vui đơn giản và trong lành đó. Ta hãy gạt đi những nỗi lo âu, tính toán kia; cười trong tấm kính, ta nghĩ đến chậu nước mát, chiếc khăn bông sạch sẽ, một ngày trọn vẹn sẽ do cách sống của ta mà trở nên vui tươi… Trong ngày ta CÓ những giờ vui như vậy. Khi ta tắm hoặc bơi trong giòng sông hoặc xối xuống vai nước mát lạnh bằng chiếc gáo dừa, ta có thể dùng thì giờ ấy để tĩnh tâm và quán chiếu. Khi ta đi làm về, từ bến xe buýt hoặc từ ngoài ruộng vườn đi bộ về nhà, ta có thể thở không khí trong lành hoặc quán sát sự sống chung quanh và quán chiếu tâm mình. Nếu có một phòng riêng trong gia đình thì rất tốt, ta yêu cầu mọi người trong gia đình cho ta mười lăm phút hoặc nửa giờ an tịnh. Tắm xong ta thắp một cây nhang cho tinh khiết: Cửa sổ mở ra nếu bên ngoài không ồn ào lắm. Ta đâu có cần phải bỏ ra hàng giờ, hàng buổi để tĩnh tâm mà than phiền là quá bận rộn. Năm phút cũng đã là quý rồi. Cái hay nhất trong đạo Phật là pháp tĩnh tâm thiền quán: Nếu mình là Phật tử mà không biết áp dụng những phương pháp này thì thật là uổng quá, cũng ví như có kho lúa gạo mà không biết ăn. Có gia tài mà không xài. Phương pháp tĩnh tâm như thế nào? Ta có thể học tập với những người bạn đã từng có kinh nghiệm, hoặc với những tăng sĩ có khả năng. Nếu chưa có ai để học hỏi, thì ta có thể mô phỏng mà tập theo phương pháp sau đây của chú Bảy, rất đơn giản mà cũng rất có hiệu quả, trong khi chờ đợi.

Buổi tối, sau khi tắm, chú Bảy mặc áo quần rộng rãi. Rất thong thả chú sắp đặt lại căn phòng của chú cho ngăn nắp, thay nước hoặc cắm lại một bông hoa hay một cành cây trên bàn Phật, và cuối cùng chú thấp một cây nhang. Từ khi bắt đầu “công việc” như sắp lại mấy cuốn sách, cầm chiếc chổi lông phất bụi, chú biết tự nhiếp mình trong chính niệm, mỗi cử chỉ, mỗi động tác của chú đều ung dung thư thái và đặt dưới sự kiểm soát từ hòa và sáng suốt của ý thức. Chú Bảy cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc. Chú nhất định không hấp tấp, không vụt chạc, bởi vì chú biết rằng mỗi cử chỉ mỗi cái nhìn, mỗi ý tứ đều là sự tĩnh tâm thiền quán. Khi cầm một bình hoa, chú ý thức rằng: cắm một bình hoa không hẳn là để CÓ một bình hoa: cắm một bình hoa là để cắm một bình hoa; động tác cắm hoa còn quan trọng hơn cả kết quả của động tác ấy (tức là có một bình hoa đẹp). CẮM HOA là để quán chiếu tâm mình, là thiền định, là chính niệm, là sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Trong khi cắm hoa chú Bảy thấy lòng chú thanh tịnh, an lạc, chú có ý thức rõ ràng rằng chú đang cắm hoa, đang sống an lành giờ phút chú cắm hoa. Nếu ta làm được như chú Bảy ta sẽ thấy cử chỉ của ta ung dung, từ hòa, thân thể ta thư thái và tâm ý ta lâng lâng một niềm vui thanh thoát. Nghệ thuật cắm hoa và pha trà phát xuất từ thiền viện, bắt nguồn từ nguyên tắc chính niệm này. Chú Bảy để ra năm phút để cắm một bình hoa. Phí thì giờ quá, người ta có thể nghĩ; nhưng đây là thì giờ của ý thức, của quán niệm, của an lạc, còn quý giá gấp ngàn lần thì giờ để dành vào việc lo lắng, bực bội và mưu toan.

Cắm hoa hoặc quét nhà hay xếp lại sách trên bàn thì cũng vậy. Ta nên thong thả mà làm TRONG TINH THẦN CHÍNH NIỆM. Đó chính là sự tu tập quan trọng nhất. Trong tu viện thiền, những khi nấu cơm, rửa chén bát, gánh nước, quét sân… nhà thiền giả cũng luôn luôn tu tập chính niệm và quán chiếu, giống như khi chú Bảy cắm hoa vậy.

Sau khi dọn dẹp căn phòng, đốt một cây nhang, cắm thật thẳng trong lư hương, chú Bảy thắp một cây đèn cầy (nến) để cho ánh sáng trở nên dịu dàng hơn và chú tắt đèn điện, bởi vì đèn điện chói sáng quá. Chú ngồi lại ngay ngắn trước bàn Phật, trên chiếu, trên ghế, hoặc trên bộ ván theo kiểu bán già. Thật ra ta ngồi như thế nào cho thật thoải mái là được, không cần phải ngồi theo kiểu bán già như chú. Nhưng nếu ta tập ngồi được theo kiểu bán già thì lại càng hay. Ngồi bán già dễ hơn ngồi kiết già: Chú Bảy ngồi ngay thẳng, bắp chân trái để trên bắp chân mặt hoặc bắp chân mặt để trên bắp chân trái. Hai tay đặt trên bắp chân, chính giữa, lòng tay mặt đặt trên lòng tay trái. Sống lưng chú thẳng, đầu thẳng, mắt chú hơi khép nhìn về phía trước chừng hai thước, miệng chú hơi mỉm cười. Ngồi kiết già thì cũng giống như bán già. Nhưng bàn chân phải đặt trên bắp chân trái và bàn chân trái đặt trên bắp chân phải. Ngồi kiết giả chưa quen thì đau lắm, nhưng quen rồi thì không đau đớn gì nữa. Ngồi bán già hay kiết già là những thế ngồi rất vững mạnh; khi ngồi như thế ta thấy tâm hồn ta vững chãi, tỉnh táo và tinh tiến hơn.

Chú Bảy bắt đầu tập thở. Chú thở rất nhẹ nhưng sâu. Tuy thế chú không cố gắng thở căng phổi quá; chú biết hễ cái gì ráng quá là không tốt. Chú thở vào, thở ra nhiều lượt, hơi thở nhẹ nhàng, không gây tiếng động, hơi thở chú trôi theo một giòng dịu êm, không bị đứt khoảng, giống hệt như một giòng nước chảy trên một đồng bằng có cát, không phải như một giòng thác róc rách. Trong khi thở, chú tiếp tục quán chiếu; khi thở vào, chú biết chú đang thở vào, khi thở ra chú biết chú đang thở ra: Thở một hồi, chú thấy khoan khoái và thanh tịnh trong người.

Bây giờ chú Bảy xét những vấn đề liên hệ tới sự sống hàng ngày, những vấn đề đã làm bận rộn tâm chú. Giữ tâm thanh thản và duy trì nụ cười hơi chớm còn mãi trên môi, chú bắt đầu xét các vấn đề này trong ánh sáng liên hệ duyên sinh. Chú không cho sự bực dọc phát hiện, bằng cách áp dụng phương pháp giữ hơi thở đều đặn, và tiếp tục duy trì nụ cười hơi chớm trên môi. Chú tưởng niệm một câu trong kinh Pháp Hoa, ví dụ câu: “Từ nhãn thị chúng sanh” đem con mắt thương yêu mà nhìn mọi người. Vì vô minh, vì thiếu hoàn cảnh giáo dục thuận lợi, vì những khó khăn của đời sống, người ta đã trở nên thiếu hiểu biết, thô lỗ, sỗ sàng, tệ bạc như thế… Chú quán chiếu duyên sinh để tưới thêm gốc từ bi tâm, và để con mắt tình thương (từ nhãn) của chú không bị che lấp bởi những tham giận tầm thường. Chú tìm giải quyết mọi vấn đề trên căn bản từ hòa, thương yêu, bất bạo động. Chú tìm cho ra lời giải đáp và phương pháp hành động theo giáo lý đạo Phật. Chỉ có tình thương mới đối phó được với mọi não phiền.

Nếu trong nhà, ta không tìm ra được khung cảnh yên tịnh để làm công việc quán chiếu như chú Bảy thì ta có thể tìm ở chùa, hoặc một nơi vắng trong công viên, hoặc trong thư viện, hoặc ngoài đồng ruộng. Tố Nga là một sinh viên Phật Tử. Vì nhà buôn bán bận rộn, nên nàng thực hành giờ quán chiếu tĩnh niệm ở thư viện quốc gia.

Thiện Tri Thức

Ta cần tìm bạn, tìm thầy để học hỏi thêm về đạo Phật, và chia xẻ kinh nghiệm về sự áp dụng đạo Phật vào đời sống. Thầy và bạn là những tăng thượng duyên rất quý giá, nhờ họ mà ta có thể trao đổi kinh nghiệm, không những trong sự áp dụng đạo Phật vào đời sống tâm linh bản thân mà còn trong sự áp dụng đạo Phật vào đời sống gia đình và xã hội nữa. Chính sự trao đổi kinh nghiệm quan trọng và cần thiết hơn lý thuyết nhiều, vì vậy ta đừng nên để hết thì giờ vào sự nghiên tâm lý thuyết, học hết bộ kinh này rồi đến bộ kinh khác trong khi đó thì không biết lợi dụng những kinh nghiệm của ta và của các bạn thiện tri thức của ta để đi sâu vào sự áp dụng thực hành.

Ông Tư Siêu tự cho là học rộng, biết nhiều về đạo Phật. Ông nói ông có thể giảng giải về kinh Viên Giác, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Nhưng sự học Phật của ông hình như không có lợi gì nhiều cho đời sống của ông, bởi vì ông vẫn bị dằn vặt khổ đau vì tánh tự hào, nóng giận và ganh tị. Ông không có bạn và chính trong gia đình, bà Tư và các con ông cũng không ưa ông. Chú Bảy, trái lại, tuy biết nhiều về Phật học nhưng vẫn luôn luôn tìm cách gần gũi các bậc thầy và các bạn thiện tri thức để tìm học thêm và trao đổi kinh nghiệm. Chú Bảy được mọi người yêu chuộng vì lời chú nói phù hợp với đời sống của chú: Chú luôn luôn tìm áp dụng đạo Phật vào cuộc đời một cách tự nhiên, không ồn ào, không khoe khoang.

Bát Quan Trai

Mỗi tháng một vài lần chùa tổ chức những kỳ tu Bát Quan Trai Giới, ta nên tham dự, vì đó là những cơ hội tốt cho ta tu tập, quán chiếu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tu tập với các bạn hữu. BÁT QUAN TRAI GIỚI là một phương tiện lập ra để giúp người cư sĩ có cơ hội sống hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong chùa theo chính niệm. Bát quan trai giới còn gọi là BÁT TRAI GIỚI hay BÁT GIỚI TRAI, có nghĩa là sự chấp tri (nhận giữ) tám quy luật: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không dùng hương phấn dầu thơm, không nằm giường cao rộng êm ái, không ăn uống phi thời. Thêm vào đó, người hành giả ăn chay nữa, vì vậy tám giới cộng với trai thực gọi là BÁT TRAI GIỚI. Những giới này giúp cho ta đóng bớt những cánh cửa phiền não tội lỗi, cho nên gọi là QUAN. Chữ QUAN trong “Bát quan trai giới” có nghĩa là cánh cửa.

Muốn tham dự bát quan trai giới phải xin ghi tên ở chùa, và hỏi thăm những thông lệ và giờ giấc. Đến giờ đã định, ta có mặt tại chùa với những dụng cụ cần thiết: bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, xà phòng, áo quần ngủ, một cái mền (chăn) và một vài cuốn kinh sách. Ta sẽ ngủ tại chùa, cùng với các bạn khác, có khi đông đến mấy chục người. Ta sẽ sống hai mươi bốn giờ tại chùa, tập sống trong chính niệm và quán chiếu, đồng thời có dịp gặp gỡ các bậc thầy và bạn để trao đổi những học hỏi và kinh nghiệm. Chúng ta sẽ được hướng dẫn ngồi thiền, tập thở, quét nhà, cắm hoa, đọc kinh theo tinh thần chính niệm. Ta có thể học hỏi được rất nhiều trong mỗi kỳ tu học theo bát trai giới, nếu ta biết xử dụng đúng hai mươi bốn tiếng đồng hồ dành cho thời gian này. Ảnh hưởng của hai mươi bốn giờ kia sẽ được lưu lại sâu đậm trong những ngày còn lại trong tháng do đó ta nên cố gắng để có thể có thì giờ tham dự bát quan trai giới.

Chú Bảy thường đi chùa tham dự bát quan trai mỗi tháng. Tháng rồi chú đã mời được ông Sáu cùng đi. Chú khéo léo lắm mới thuyết phục được ông Sáu vì ông Sáu cứ nghĩ mình bận rộn không thể bỏ việc nhà. Ông Sáu lần đầu tiên tham dự bát quan trai, thấy mình hơi bỡ ngỡ vụng về; nhưng nhờ có chú Bảy bên cạnh nên ông cũng không cảm thấy lạc lõng. Ông Sáu công nhận rằng sống hăm mươi bốn tiếng ở chùa trong tinh thần tự tĩnh, ông đã có dịp suy gẫm về đời sống của mình và của gia đình mình. Ông cảm thấy như được đi nghỉ mát ở một nơi thật xa, tách rời hoàn toàn đời sống bận rộn thường ngày. Ông cũng cảm thấy như mình dừng lại trong một cuộc hành trình lâu ngày. Đứng trên đồi ông nhìn lại quãng đường ông đã đi qua và ông giật mình thấy rằng lâu nay ít khi ông đã nhìn lại bản thân mình, đời sống mình. Ông ít thì giờ hơn chú Bảy, nhưng ông quyết định phải thỉnh thoảng đi tham dự một kỳ bát quan trai như thế.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/11/2017(Xem: 11760)
Các đối tượng vật chất mà chúng ta nhìn thấy là tương đối chứ không có một thực tại khách quan; chúng là những biểu hiện của tâm. Chúng có mặt trong những hiện khởi cảm giác của tâm. Không có thực tại riêng biệt nằm ở đâu đó bên ngoài.
21/11/2017(Xem: 13115)
Hàng năm, từ trung tuần tháng 12 dương lịch, các tự viện khắp nơi đều hoan hỷ chuẩn bị tổ chức các khóa tu để cúng dường lễ vía Đức Phật A Di Đà, vị Phật đã phát 48 đại nguyện cứu độ chúng sanh, vị Phật gần gũi trong tâm tưởng Phật tử khắp năm châu bốn biển, bất luận mầu da, tiếng nói, bất luận giầu nghèo, sang hèn, bất luận nam nữ, già trẻ ….
21/11/2017(Xem: 7819)
Mưa nhẹ trong đêm. Lắng tai thật kỹ mới nghe được tiếng rơi tí tách bên ngoài qua khung cửa kiếng đóng kín. Hàng cây cao rũ lá ướt trên các nhánh khô gầy đầu thu. Đèn đường lặng soi trên những vũng đọng. Côn trùng im tiếng. Không có tiếng đập cánh của chim đêm. Không có tiếng chân người dẫm xào xạc trên lá. Cũng không có tiếng động cơ nào của xe cộ trên đường. Hơi thở nhẹ như tơ trời. Nhẹ như hư không.
14/11/2017(Xem: 11789)
Dưới đây là bài phỏng vấn Giáo sư Trung Quốc Ji Zhe (汲 喆/Cấp Triết) về tình trạng Phật giáo ngày nay tại quê hương của ông. Bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo "Le Monde" của Pháp ngày 9 tháng 9 vừa qua với tựa: "Đức Phật mặc áo màu đỏ" (Bouddha en habit rouge), và đồng thời cũng được đưa lên trang mạng của tờ báo này, nhưng lại mang tựa khác: "Tại Trung Quốc, chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới" (En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau bouddhiste).
10/11/2017(Xem: 8811)
Trong các tổ chức, cộng đồng, quốc gia trên thế giới, nơi nào cũng có phép tắc luật lệ riêng mà thành viên thuộc các tổ chức đó hay người dân thuộc cộng đồng hay quốc gia đó bắt buộc phải tuân thủ. Mục đích của luật lệ là nhằm giữ cho cộng đồng có được trật tự, ngăn ngừa giảm thiểu những tai ương tội ác do kẻ xấu cố tình gây ra.
05/11/2017(Xem: 7844)
Hành Trình Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo, Nếu nói về việc học, việc tu của chư Tăng Ni Phật Giáo thì tự ngàn xưa Đức Phật đã là một bậc Thầy vĩ đại đảm trách làm một Hướng đạo sư cho mọi người quy về. Trên từ những vị xuất gia, dưới đến vua, quan và thứ dân, ai ai cũng một lòng quy ngưỡng về giáo lý thậm thâm vi diệu ấy. Mục đích chính của việc tu tập là thoát ly khỏi cảnh giới khổ đau nầy, để trở về với bản lai diện mục thanh tịnh, giải thoát của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta chỉ là một Đạo Sư”, nghĩa là một kẻ dẫn đường. Kẻ dẫn đường ấy chính là Thầy của chúng ta và bất cứ ai trong đời nầy dẫn được ta đi vào Đời hay vào Đạo đều là Thầy của chúng ta cả.
30/10/2017(Xem: 11587)
Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long - Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang NordRhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức.
30/10/2017(Xem: 10212)
Dưới đây là bài viết của Lạt-ma Denys tóm lược một số các bài thuyết giảng của chính tác giả tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling, tọa lạc trong vùng núi Alpes trên đất Pháp. Bài viết nêu lên một sự hiểu biết mang một tầm quan trọng vô song trong Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật, đó là khái niệm "Tương liên, tương tác và tương tạo" giữa tất cả mọi hiện tượng dù vô hình hay hữu hình, thuộc thế giới bên ngoài hay bên trong tâm thức một cá thể. Tiếng Pa-li gọi khái niệm này là Paticca-samuppada, tiếng Phạn là Pratitya-samutpada, tiền ngữ "pratitya" có nghĩa là "lệ thuộc vào" [một thứ gì khác], hậu ngữ "samutpada" có nghĩ là "hiện lên" hay "hình thành"..., Các ngôn ngữ Tây Phương gọi khái niệm này là: Interdependence, dependent origination, dependent arising, dependent co-production, conditioned co-production, conditioning co-production, v.v.; kinh sách Hán ngữ gọi là "Lý duyên khởi". Có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo", tuy nhiên cũng có thể gọi vắn
27/10/2017(Xem: 10522)
Là người sống ở thế gian, có ai tránh khỏi một đôi lần gặp bất trắc, tai ương lớn hay nhỏ. Nhỏ như chuyện bất hoà khó chịu xảy ra liên tục với người xung quanh. Nhỏ như yêu thương người này ghét bỏ người kia một cách tự nhiên, hay người này cực khổ chăm sóc nuôi dưỡng người kia mà bị người kia càm ràm nặng nhẹ gây khó dễ hết chuyện này sang chuyện khác, hoặc chính bản thân mình đau ốm bệnh hoạn triền miên chạy chữa khắp nơi mà không dứt bệnh. Lớn như chuyện con cái trong nhà không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, ra ngoài xã hội quậy phá phạm luật chịu cảnh tù tội khiến kẻ làm cha làm mẹ chịu nhiều lo âu và đau khổ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]