Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Phước Báu

02/02/201108:57(Xem: 5869)
10. Phước Báu

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada 1999 - PL 2543

Phước Báu

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường nghe nói: Người này "có phước" quá, cho nên mới được vừa giàu sang, vừa học giỏi, vừa đẹp đẽ, vừa mạnh khỏe, vừa may mắn, cầu con được con, cầu của được của, vạn sự như ý, tùy tâm mãn nguyện. Hoặc cũng có khi chúng ta nghe nói: Người này "bạc phước" quá, cho nên làm chuyện gì cũng thua lỗ, tính toán việc gì cũng hỏng, muốn gì cũng không nên, cầu gì cũng chẳng được, tai họa xảy ra tới tấp, gặp xui xẻo liên miên! Khi được may mắn, khi được sung sướng, khi được những sự như ý, khi được tất cả những điều gọi là "có phước", người đời thường nghĩ rằng, cho rằng: mình có phước báu như vậy là do trời thương, trời ban cho mình! Những người đó không chịu tìm hiểu thêm: Tại sao ông trời lại thương mình và ban cho mình phước báu như vậy, mà không ban cho biết bao nhiêu người khác? Như vậy có phải là bất công chăng? Như vậy có đúng chăng? Tại sao con người lại có ý nghĩ như vậy?

Sở dĩ con người có ý nghĩ như vậy là do tâm ích kỷ nhiều đời, do tập khí tham lam bỏn sẻn, do tánh ganh tị đố kỵ mà ra. Con người khi được sung sướng, thì mặc kệ người khác ra sao, chẳng bận tâm đoái hoài, đó là tâm ích kỷ. Con người khi được toại nguyện, muốn gì được nấy, thì mặc kệ người khác ra sao, thậm chí trong lòng còn chẳng muốn ai khác được như vậy, đó là tập khí tham lam bỏn sẻn. Con người khi được thành công thắng lợi, thì mặc kệ người khác ra sao, chẳng muốn ai khác bằng mình hay hơn mình, đó là tánh ganh tị đố kỵ vậy.

Thực ra, không có ông trời, thượng đế, hay đấng tạo hóa nào làm những chuyện bất công, thiên vị như vậy. Những "phước báu" chúng ta đã hưởng, đang hưởng, và sẽ hưởng, chính do chúng ta đã tạo trong nhiều kiếp trước và ngay trong kiếp này. "Mình làm mình chịu, mình làm mình hưởng" mới là lẽ công bằng tuyệt đối vậy. Cũng không ít người thắc mắc: Làm sao biết mình "có phước" hay không? Làm sao để tạo phước? Đồng thời chúng ta cũng cần nên biết: thế nào là phước hữu lậu và thế nào là phước vô lậu? Và khi làm phước giúp đỡ ai điều gì, mình nên nguyện như thế nào?

* * *

Trên thế gian này, nếu ngước nhìn lên chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người giàu sang hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minh hơn mình, sáng suốt hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người tu tập giác ngộ hơn mình, được an lạc và hạnh phúc hơn mình. Những người như vậy chính là những người "có phước" hơn mình. Trái lại, khi nhìn xuống chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người nghèo hèn hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô thế hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người không được sống an lạc và hạnh phúc như mình. Những người như vậy chính là những người "bạc phước" hơn mình.

Như vậy, rõ ràng chúng ta được gọi là "có phước", hay đang thọ hưởng "phước báo", nếu như chúng ta có đủ tay chân, mắt mũi vẹn toàn, cơm ăn áo mặc, khỏe mạnh ít đau, sống lâu trăm tuổi, tâm trí bình thường, gia đình hạnh phúc, cuộc sống tương đối đầy đủ, cuộc đời tương đối bình yên, không gặp hoạn nạn, không gặp hiểm nguy, không gặp tai biến, không gặp chiến tranh, không gặp đói khát, không gặp kẻ thù, không gặp thiên tai, hỏa hoạn động đất, bão lụt cuồng phong. Khi nào bị đau mắt, không còn nhìn thấy được gì nữa cả, chúng ta mới thấy giá trị của đôi mắt, giá trị của thị giác, mà hằng ngày chúng ta không lưu tâm. Đến khi gặp thầy gặp thuốc, được chữa lành bệnh, đôi mắt trở lại như xưa, chúng ta mới thấy là mình đang "có phước"! Hoặc khi nào bị bệnh bại xuội cả hai chân, không còn đi đứng được bình thường, phải dùng xe lăn. Đến khi khỏi bệnh, được bình phục như xưa, chúng ta mới thấy là mình đang "có phước"!

Thí dụ như trên một chuyến máy bay, một chuyến tàu thủy hay một chuyến xe lửa gặp tai nạn, hằng trăm người thương tích tử vong, những người được sống sót chính là những người "đại phước" vậy. Họ là những người theo đủ mọi tôn giáo, thuộc đủ mọi sắc dân, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, gồm đủ mọi lứa tuổi, nhưng điểm quan trọng là: chính họ đã "tu nhơn tích phước" nhiều đời nhiều kiếp trước, mới được sống còn như vậy, chứ không phải do họ cầu nguyện van xin thánh thần thiên địa gì cả, dù là chí thành và khẩn thiết lắm, trong lúc ngộ nạn, mà được đâu! Chúng ta thử suy nghĩ: trong khi lâm nạn, người thì cầu Đức Mẹ cứu giúp, người thì cầu Bồ Tát Quán Âm cứu tai, cứu khổ, cứu nạn. Vậy, khi cả hai người cùng thoát được nạn, vị nào thực sự đã tế độ họ? Thực sự chính "phước báo" của mỗi người đã cứu chính họ mà thôi. Người có "phước báo" nhiều hơn, thoát nạn một cách an ổn hơn. Người có "phước báo" ít hơn, thoát nạn với một chút xây xát. Người hết phước báo, không phước báo, thì đã vong mạng!

Thậm chí trong số những người tử vong trong các tai nạn, nhiều trường hợp có cả các chức sắc thuộc các tôn giáo, có cả những người đã từng đại diện thượng đế tha tội cho nhiều người khác! Còn chính họ có tội nghiệp, đến lúc phải trả, vẫn phải đền trả quả báo, nghiệp báo như mọi người khác vậy! Chúng ta đọc báo cũng thấy có những chuyến hành hương cầu nguyện của các tôn giáo, bị lật xe trên đường đi hoặc trên đường về, gặp nạn hỏa hoạn tại thánh địa, tại khu vực hành lễ, khiến cho hàng trăm người, hàng ngàn người tử vong thương tích. Điều này giúp cho chúng ta nhận định rất rõ ràng rằng: con người tạo nghiệp báo, dù vô tình hay cố ý, cho đến lúc quả báo chín mùi, lại không có phước báo che chở, thì cầu nguyện van xin cũng chẳng ích lợi gì, chẳng có hiệu quả gì.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: "Dù lên non, xuống biển, vào hang, nghiệp báo vẫn theo con người như hình với bóng, không ai có thể tránh được". Nghĩa là nếu như con người không biết tu nhơn tích phước, chỉ lo tạo tội tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt hằng ngày, cho đến khi quả báo thuần thục, không ai có thể tránh được, dù cho người đó là bất cứ ai trong thế gian này, không phân biệt vua quan, chức quyền hay thường dân, giàu sang hay nghèo hèn, học thức hay bình dân, nam phụ lão ấu, tín đồ hay chức sắc!

Có ông Liêm Sứ ở Hồng Châu, đến hỏi Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất: Uống rượu ăn thịt là nên hay không nên? Mã Tổ Đạo Nhất đáp: Uống rượu ăn thịt là cái "lộc" của ngài. Không uống rượu ăn thịt là cái "phước" của ngài! Có phước mới hưởng lộc. Có phước mới trường thọ. Không phước sao được hưởng lộc, sao được trường thọ? Như vậy, chúng ta đã tạm hiểu thế nào là "có phước". Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu vấn đề: trong cuộc sống hằng ngày, những phương cách nào, những pháp môn nào, những việc làm nào, những hành động nào, những lời nói nào, hay những ý nghĩ nào có thể tạo "phước báu", công năng và ích lợi của "phước báu" như thế nào?

1) Trước tiên là Bố Thí. Hạnh bố thí là nền tảng của tất cả các hạnh lành, là căn bản của việc thực hành giáo pháp, luôn luôn được đề cập đến trong Phật giáo. Bản chất của con người thế gian là luôn luôn muốn có, muốn thêm, muốn nữa, không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Cho nên, nếu được lên thiên đàng, nếu được về cõi tây phương, mà vẫn còn giữ lòng tham như vậy, gọi là "đới nghiệp vãng sanh", thì con người vẫn thấy khổ đau như hiện đời vậy thôi. Muốn được an lạc hạnh phúc hiện đời, ngay tại thế giới ta bà này, hãy vui thích với những gì mình đang có, bởi vì mình không thể có những gì mình thích. Mong cầu nhiều, mơ ước nhiều, chỉ thêm nhiều đau khổ mà thôi. Thực là đơn giản!

Đạo Phật dạy hạnh bố thí để giúp con người dẹp lòng tham lam ham muốn, ích kỷ hẹp hòi, gồm có tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, ham ăn ham uống, ham ngủ ham nghỉ. Đạo Phật dạy hạnh bố thí để đem lại an lạc và hạnh phúc cho người đời. Tại sao vậy? Bởi vì với lòng tham ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, nói trên, con người trên thế gian phải đấu tranh, giành giựt, phải dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác, bất chấp sự an nguy của chính bản thân, với bất cứ giá nào cũng phải đoạt cho bằng được sự như ý! Không được thỏa mãn, con người dễ nổi lòng sân hận, thù đời ghét người, oán trời trách đất! Hạnh bố thí giúp con người hiểu được ít nhiều sự an lành thiết thực của người và của chính mình như thế nào. Cái gì mình tiêu xài thì đã qua mất rồi. Cái gì mình đang có chưa chắc giữ được lâu dài, nhưng chắc chắn rằng sẽ để lại khi qua đời. Chỉ có những gì mình đã bố thí, đã cho ra, mới thực sự là "của mình", mới thực sự là "phước báu", và sẽ đến với mình các qua dạng: bình yên may mắn, tai qua nạn khỏi, cầu gì được nấy, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trong khi thực hành hạnh bố thí, chúng ta đừng nên thắc mắc: nếu mình quyên góp tiền bạc cho một người hay một tổ chức nào đó, để làm việc từ thiện, nhưng họ không làm đúng như lời họ nói, thậm chí họ còn lợi dụng lòng tốt của nhiều người để thủ lợi, làm việc sai trái, thì mình có được "phước báu" hay không? Tại sao vậy? Bởi vì khi chúng ta tự nguyện, phát tâm tùy hỷ, đóng góp tịnh tài cho một việc từ thiện, cứu người giúp đời, với tâm vị tha bất vị kỷ, vì người quên mình, vì muốn giúp người, không vì phước báu cho mình, thì chúng ta đã có "phước báu" ngay tại chỗ đó rồi, ngay từ lúc phát tâm tùy hỷ như vậy đó. Còn chuyện người đó, chùa đó, tổ chức đó, có làm đúng hay không, tội nghiệp họ tạo, quả báo họ sẽ tự nhận. Nhân nào quả nấy. Chúng ta không cần phải bận tâm!

Chúng ta cũng được hiểu thế nào là "phước điền" cao thượng nhứt, đó là những "ruộng phước" đem lại nhiều "phước báu" nhứt, khi hành động tạo phước của chúng ta hướng đến. Cũng ví như người nông dân hiểu biết đám ruộng nào phì nhiêu, trồng trọt sẽ cho năng suất cao nhứt. Phước điền cao thượng đó chính là bốn ơn nặng, hay tứ trọng ân, gồm có: ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn xã hội, ơn tam bảo. Hạnh bố thí dù là tài thí, pháp thí hay vô úy thí, đều đem lại "phước báu" vô lượng vô biên, nếu như mình làm hạnh bố thí với thiện tâm, trực tâm và bồ đề tâm. Nghĩa là tạo được bao nhiêu "phước báu" do hạnh bố thí, chúng ta đều nên phát tâm "hồi hướng" cho toàn thể chúng sanh trong pháp giới đồng thọ hưởng. Có như thế, quả báo phước đức sau này, còn gọi là phước báo, mới thực sự to lớn. Tại sao vậy? Bởi vì không giữ riêng cho mình, dù là "phước báu" do chính mình tạo nên, có nghĩa là mình đã diệt được lòng tham. Khi lòng tham đã diệt được, sự giải thoát mới hoàn toàn, phước báo mới vô lượng vô biên vậy.

2) Thứ hai là Trì Giới. Trì giới là nghiêm chỉnh ăn ở theo đúng giới luật của Phật Tử, dù là cư sĩ tại gia, hay tu sĩ xuất gia. Nhờ đó, trong cuộc sống, chúng ta không làm tổn nhơn, hại vật, trong khi tạo ích lợi cho mình. Đó là cách tạo "phước báu" vô cùng vô tận, không thể nghĩ bàn. Thí dụ như chúng ta trì giới không nói dối, không nói lời xuyên tạc, thêm bớt, vu cáo, để buộc tội, vu oan cho kẻ khác phải chịu nhiều đau khổ, cho thỏa mãn lòng căm tức của chúng ta đối với người đó, dù cho đó là kẻ thù, hay kẻ mình không ưa cũng vậy. Thí dụ như người tu sĩ Phật giáo cố gắng giữ gìn giới hạnh trong sạch, cuộc sống thanh tịnh, chăm lo tu học, không tham gia hoạt động thế sự, không lo chuyện thế gian, không ham danh văn sĩ, thi sĩ, tiến sĩ gì gì đó với đời, thì vị tu sĩ đó đem lại biết bao nhiêu "phước báu" cho chính bản thân, cho đồng bào Phật Tử và cho đạo pháp.

Được như vậy, không cần đợi đến kiếp mai sau, mà ngay hiện tại, trên cuộc đời này, ở tại nơi đây, trong kiếp sống này, chúng ta có thể thọ hưởng "phước báu" của một nếp sống giới hạnh. Lợi ích của giới đức phát sanh ngay trong hiện tại. Hiện tại rất quan trọng đối với người biết sống trong tỉnh thức, biết quán sát nội tâm, biết giữ gìn giới hạnh. Quá khứ đã trôi qua, nhớ nhung tiếc nuối chỉ phí phạm thời giờ, chẳng những điên rồ, mà đôi khi còn tạo nghiệp xấu, vì những chuyện tức giận, thù hận đã qua. Trong khi đó, tương lai chỉ là viễn ảnh mơ hồ, không có gì cố định, không có gì chắc chắn. Người nào hẹn đến khi có tuổi rồi, mới cạo đầu vào chùa bắt đầu tu, cũng là người đang sống trong mơ, đang trong cơn mê. Tại sao vậy? Bởi vì có ai biết được chắc chắn mình sống đến bao lâu? Trong khi đó, chúng ta có thể tạo "phước báu" bằng cách tu tâm dưỡng tánh, ngay hiện tại, trong cuộc sống hằng ngày, đừng đợi đến ngày nào cả. Tu tâm dưỡng tánh được ngày nào, chúng ta hưởng "phước báu" ngay ngày đó, thì tại sao phải hẹn? Vã lại tu tâm dường tánh đâu phải là việc dành riêng cho các tu sĩ, hoặc đâu phải cạo đầu vào chùa mới gọi là tu! Các bậc tôn túc thường nhắc nhở chúng ta: "tu mau kẻo trể" và "tu trong mọi hoàn cảnh", chính là nghĩa đó vậy.

Chẳng hạn như trước đây, chúng ta thích bàn chuyện thị phi, phải quấy, tốt xấu, thích xen vào chuyện của thiên hạ thế nhân, cho nên lắm khi gặp rắc rối, tranh cãi, đôi co, mích lòng, có khi dẫn tới chuyện kiện tụng lôi thôi. Bây giờ chúng ta hiểu được giáo lý đạo Phật, biết rằng tu tâm dưỡng tánh đem lại nhiều "phước báu" hiện đời, có thể thực hành trong mọi hoàn cảnh, chúng ta quyết tâm dừng ngay, chừa bỏ tất cả, thì cuộc sống sẽ an lạc và hạnh phúc, không còn phiền não và khổ đau nữa. Giới luật ví như hai đường sắt của một tuyến xe lửa. Chiếc xe lửa nào, chạy đúng đường sắt, sẽ chạy ngon lành, đến nơi đến chốn, bình yên vô sự. Chiếc nào mà chạy, trật khỏi đường rầy, tức nhiên lật gọng, tai nạn thê thảm. Cũng vậy, những người Phật Tử, dù tại gia cư sĩ, hay xuất gia tu sĩ, trì giới thanh tịnh, sẽ tu tinh tiến, kết quả rõ ràng, bớt chuyện phiền não, giảm thiểu khổ đau, chóng được niết bàn, an lạc hạnh phúc, ngay tại hiện đời.

3) Thứ ba là Nhẫn Nhịn. Có người quan niệm: nhịn thì nhục, cự thì đục. Họ cho rằng nếu nhịn được đằng chân, chúng sẽ lân đằng đầu, được nước lần này chúng sẽ làm tới lần sau, nhịn hoài chúng sẽ cho là mình ngu, cho là mình hèn, làm sao nhịn nổi, tại sao phải nhịn chứ? Chính quan niệm như vậy khiến cho cuộc đời luôn luôn đầy dẫy những tranh chấp, cãi vã, hơn thua, kiện tụng, đấu tranh, cho nên thường dẫn đến phiền não và khổ đau. Thực ra, chính vì con người không thể thực hành được "hạnh nhẫn nhịn" cho nên mới có quan niệm như trên. Người ta mắng mình một tiếng, mình trả một miếng, có khi nhiều hơn, thì dễ dàng quá. Người ta hành động, không tốt với mình, mình liền trả đủa, hết sức nặng nề, cho thiệt hả giận, cho thực đả nư, thì dễ dàng quá. Nhưng còn tiếp theo, sau đó thì sao? Câu chuyện như vậy, biết đến bao giờ, mới được chấm dứt, và dứt thế nào? Người ta lỡ lầm, vi phạm tội ác, mình đòi trừng phạt, cho thiệt xứng đáng, phanh thây xẻ thịt, treo cổ bắn bỏ, đày xuống địa ngục, bỏ tù rục xương, rủa xả chửi mắng, tưng bừng tơi tả, thì hãy thử nghĩ: ai ác hơn ai?

Có những người trên thế gian này xin ân xá cho kẻ phạm tội đã giết người thân của mình, bởi vì những người đó đã biết cảnh mất người thân, đau khổ như thế nào, nên không muốn gia đình phạm nhân lâm vào cảnh ngộ bi thương đó. Chúng ta đọc báo thấy thực sự có những người như vậy, nhưng rất hiếm hoi! Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:" Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan" . Người ta mắng mình một tiếng, nếu mình nhịn được, không trả một miếng, mới thực là khó. Người ta hành động, không tốt với mình, mình không hành động, giống y như vậy, mới thực là khó. Hơn nữa, nếu người ta gặp, khó khăn hoạn nạn, mình sẵn sàng giúp, thực tâm thực tình, hết lòng hết dạ, lại càng khó hơn. Làm được như vậy, mọi chuyện bình yên, tiếp theo sau đó. Câu chuyện thù oán, chắc chắn chấm dứt, một cách êm đẹp, nhẹ nhàng dễ dàng.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:"Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là điều cao quí nhứt". Nghĩa là tự kềm chế bản thân, tự kềm chế hành động, tự kềm chế ngôn ngữ, tự kềm chế ý nghĩ của chính mình, mới thực là khó. Con người thường bị tâm tham lam, tâm sân hận và tâm si mê sai khiến, điều khiển, cho nên cuộc đời mới gặp nhiều phiền não và khổ đau. Khi tâm tham khởi lên, khi tâm sân khởi lên, khi tâm si khởi lên, người nào tỉnh thức, tự kềm chế được, tự hóa giải được, thì cuộc sống sẽ an lạc hạnh phúc. Chiến thắng được tâm tham lam, sân hận, si mê của chính mình, mới thực sự gọi là "có phước", mới thực sự đem lại an lạc và hạnh phúc cho cuộc đời mình. Cho nên cổ nhân có dạy: "Một sự nhịn chín sự lành", chính là nghĩa đó vậy.

Khi chiến thắng được tâm tham chẳng hạn, không đi ăn trộm, không chôm chĩa đồ, không gạt gẫm người, con người khỏi gặp rắc rối với pháp luật. Khi chiến thắng được tâm sân chẳng hạn, không chửi mắng đánh đập, không trả thù người khác, không thưa gửi kiện tụng, không gây thêm phiền não, không tạo thêm kẻ thù, không tăng thêm nghiệp báo, không chuốc thêm oán hờn, không làm chuyện càn dở, con người được thoải mái bình yên. Khi chiến thắng được tâm si chẳng hạn, không mê tín dị đoan, không uống nước sông suối, chẳng có chút vệ sinh, lại cho là nước thánh, không tin chuyện huyễn hoặc, không tin thiên linh chuỗi, chẳng có căn cứ, con người được bình tĩnh, tâm trí sáng suốt. Nhờ đó, con người sẽ ăn được ngon, ngủ được yên. Sách có câu: "Ăn được ngủ được là tiên". Đó là "phước báu" do chính mình tạo nên, không do trời ban, không do cầu nguyện.

4) Thứ tư là Tinh Tấn. Tinh tấn nghĩa là siêng năng, cần mẫn tu tâm dưỡng tánh trong mọi hoàn cảnh, trong mọi động tác, đi, đứng, nằm, ngồi, để ngăn chận ba nghiệp, không tạo thêm tội lỗi, nghiệp báo mới. Không phải đợi đến lúc quỳ trước bàn Phật, hay đi đến chùa, hoặc dự các khóa tĩnh tâm, mới gọi là tu! Tu như vậy ít quá, một tháng mới có một khóa tu, một tuần mới đến chùa một lần, một ngày niệm hương trước bàn thờ, hay ngồi thiền, chừng một tiếng đồng hồ, 23 tiếng còn lại, tha hồ để tâm trí dong ruỗi theo những ý nghĩ tạp nhạp, thương người này, ghét người khác, thị phi phải quấy, tâm trí bất định. Đến khi nghịch cảnh xảy đến, tai nạn giáng xuống, không đủ năng lực để đối phó, tâm trí của chúng ta sẽ xáo trộn, bất an, đương nhiên dẫn đến khổ đau và than trời trách đất. Sách có câu: "Mấy người lòng dạ tinh ma. Đã làm phải chịu, kêu mà ai thương", chính là nghĩa đó vậy.

Chúng ta tinh tấn làm tất cả các điều thiện, dù lớn dù nhỏ, cứu người giúp đời, làm cho cuộc sống của chính mình và của những người chung quanh, có ý nghĩa hơn, an lạc hơn và hạnh phúc hơn. Chúng ta tinh tấn diệt trừ những tạp niệm vọng tưởng, thường xúi giục chúng ta tạo thêm nghiệp báo xấu, để cho chính mình và những người chung quanh bớt lo âu, phiền muộn vì những hành động sai khiến bởi tâm tham, tâm sân và tâm si của mình. Chúng ta thử nghĩ: thực hành hạnh tinh tấn như vậy, có phải chúng ta được vô lượng vô biên "phước báu" chăng? Và nhờ hạnh tinh tấn, chúng ta không nản lòng trên đường tu tập các hạnh lành, dù gặp biết bao nhiêu nghịch cảnh trở ngại. Cho nên trong đạo Phật, hạnh tinh tấn được tượng trưng bởi Bồ Tát Đại Lực Đại Thế Chí, là vị Bồ Tát có năng lực tinh tấn lớn lao, có ý chí siêu xuất thế gian, dũng mãnh tiến bước không lui, trước mọi nghịch cảnh, trước mọi nghiệp chướng.

5) Thứ năm là Thiền Định. Thiền định nghĩa là trau dồi tâm tánh cho được tự tại, cho được bình tĩnh thản nhiên, trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp những bước thăng trầm, những sóng gió của cuộc đời, chẳng hạn như lúc thịnh lúc suy, lúc được danh dự lúc bị hủy báng, lúc được khen tặng lúc bị chỉ trích, lúc được sung sướng lúc bị khổ đau. Trong kinh sách gọi đó là "bát phong", thường làm cho tâm trí của chúng ta bị bất an, chao đảo, giao động, xao xuyến, xáo trộn.

Cho nên đạo Phật dạy nhiều phương pháp để hàng phục và an trụ tâm, tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, sở thích, tâm nguyện của mỗi người, gọi là vô lượng pháp môn. Chẳng hạn như pháp môn tịnh độ dạy chúng ta tụng kinh, niệm Phật để định tâm. Khi chúng ta tụng kinh, thân ngồi ngay ngắn, nghiêm trang, miệng đọc lời Phật dạy trong kinh, tâm chú ý vào lời kinh và tiếng chuông mõ, nên không còn nghĩ ngợi linh tinh lang tang, tư tưởng không còn chạy lung tung nữa. Như vậy có nghĩa là tam nghiệp, gồm thân khẩu ý của chúng ta, đều được thanh tịnh. Kinh sách có câu:"Tam nghiệp hằng thanh tịnh đồng Phật vãng tây phương". Nghĩa là khi ba nghiệp của chúng ta luôn luôn thanh tịnh, không còn tạo nghiệp nữa, thì "phước báu" vô lượng vô biên, chúng ta cùng chư Phật sống trong cõi tịnh độ tây phương. Hoặc khi tâm trạng bị hoang mang, lo lắng, sợ sệt, xôn xao, chúng ta dùng câu niệm Phật để định tâm, để trấn áp những tâm trạng bất an vừa kể.

Ở đây, cần biết thêm rằng không phải chúng ta tụng kinh để cho Đức Phật nghe! Cũng không phải chúng ta niệm Phật để cho Đức Phật tính sổ, coi chúng ta niệm được bao nhiêu câu, cộng được bao nhiêu chuỗi mỗi ngày! Kinh điển ghi lại lời dạy của Đức Phật cốt để hướng dẫn chúng ta tu tâm dưỡng tánh, điều trị tâm bệnh của chúng sanh, ví như toa thuốc của bác sĩ để điều trị thân bệnh, chứ không phải để đọc đi, đọc lại, tụng cho bác sĩ nghe! Mục đích chúng ta tụng kinh, niệm Phật là để hàng phục và an trụ tâm, chuyển hóa từ kẻ phàm phu tục tử, trầm luân đau khổ, thành người trí tuệ, giác ngộ giải thoát. Hàng phục và an trụ được tâm, chúng ta mới có được cuộc sống phước báu, an lạc và hạnh phúc.

Cũng với mục đích hàng phục và an trụ được tâm, thiền tông dạy chúng ta "tứ oai nghi thiền". Nghĩa là trong bốn oai nghi, gồm có: đi, đứng, nằm, ngồi, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn luôn giữ gìn tâm được chánh niệm, không loạn tưởng, không tạp niệm, như vậy sẽ được chánh định. Cho nên mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền biết ngay và dừng lại, không bị luồng tư tưởng lăng xăng lộn xộn đó dẫn đi. Thí dụ như khi đang ngồi chơi, bổng dưng chúng ta nhớ tới chuyện thù oán năm xưa, tâm trí liền xao xuyến với ý nghĩ trả thù phục hận! Nếu chúng ta không thức tỉnh dừng lại ngay, thì luồng tư tưởng này sẽ tiếp tục dẫn chúng ta đi tới ý nghĩ tìm cách nào để trả thù, cho đáng đời kẻ đã hại mình, đã thưa gửi mình ra tòa, đã vu oan giá họa cho mình, đã cáo gian mình, và hậu quả là chúng ta tạo thêm nghiệp báo! Cuộc đời chắc chắn sẽ gặp nhiều khổ đau! Tây phương có câu: "Do not mess up your beautiful life!", chính là nghĩa đó vậy.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc". Nghĩa là: Chuyện quá khứ qua rồi đừng luyến tiếc, đừng nhớ nghĩ làm gì cho bận tâm, chỉ gieo thêm nghiệp chướng chứ chẳng ích lợi gì. Chuyện hiện tại rồi cũng qua mau, cố níu kéo cũng chẳng được, có lo âu phiền muộn cũng chẳng ích lợi gì. Chuyện tương lai chưa đến, lo lắng, ưu tư, sầu muộn cũng chẳng giúp ích được gì. Chi bằng chúng ta giữ gìn tâm trí được như như, bình tỉnh, thản nhiên, có phải khỏe hơn không? Chuyện gì phải tới nó sẽ tới, lo sợ cũng chẳng ngăn cản được đâu. Tốt nhứt chúng ta đừng tạo thêm tội nghiệp mới, thì khỏi phải lo sợ quả báo, tội báo, nghiệp báo sẽ đến!

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan". Nghĩa là chuyện oán thù trong quá khứ chỉ nên cởi mở, không nên kết chặt thêm. Thí dụ như trong gia đình trước kia có chuyện bất hòa, tranh chấp, chúng ta bèn bỏ nhà đi xa. Khi có dịp trở về quê hương viếng thăm, chúng ta mang theo quà cáp với tấm lòng từ bi hỷ xả, một trời thương nhớ, quên hết chuyện không vui trong quá khứ, tức nhiên mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp vui vẻ. Tâm trí của chúng ta sẽ an lạc hơn, cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn.

Ở đây, cần biết thêm rằng thiền tông không dạy tọa thiền như con cóc, từ giờ này sang giờ khác, chẳng hiểu mục đích để làm gì, ngoài chuyện đem khoe khắp nơi khắp chốn! Chính thiền tông dạy chúng ta ngồi thiền để "chăn trâu", để thúc liễm thân tâm, tức là dẹp trừ tạp niệm và vọng tưởng, với mục đích hàng phục và an trụ tâm. Hơn thế nữa, không phải chỉ có lúc ngồi thiền mới dẹp trừ tạp niệm và vọng tưởng mà thôi. Trong đời sống hằng ngày, lúc tiếp xúc với ngoại cảnh, lúc thấy hình sắc, lúc nghe âm thanh, lúc ngửi mùi, lúc nếm vị, lúc xúc chạm, chúng ta luôn luôn giữ gìn tâm trí được bình tĩnh thản nhiên, không xao xuyến, không loạn động. Nếu trong tâm "lỡ" nổi loạn, tạp niệm khởi lên, chúng ta liền biết ngay và dừng lại kịp thời, thì đó chính là thiền định vậy.

Tổ Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Hoàng Đế Trần Nhân Tôn nhường ngôi, đi tu, trở thành Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm, có dạy rằng:

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền".

Nghĩa là dù sống trên trần đời, muốn được vui theo đạo lý, hãy đừng chấp chặt, tùy duyên hành sự, tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Chẳng hạn như đói đến thì ăn, mệt ngủ khò. Chẳng có gì đòi hỏi, chẳng có gì buồn lo, chẳng có gì bận tâm, chẳng có gì ưu phiền. Trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng có "của báu", đó chính là "con người chân thật" của chúng ta. Cho nên chẳng cần chạy vào chùa, hay lên non lên núi, tìm kiếm làm gì cho mất công, nhọc sức vô ích. Trong cuộc sống hiện nay, đối với các cảnh trần đời, chúng ta đừng khởi vọng tâm lăng xăng lộn xộn, thương thương ghét ghét, phải quấy thị phi, tranh đua hơn thua. Lúc đó, chính là lúc chúng ta đạt được thiền định, hiểu được và sống được với "con người chân thật" của chính mình. Đó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.

6) Thứ sáu là Trí tuệ. Trí tuệ trong đạo Phật, kinh sách gọi là trí tuệ bát nhã, không phải sự hiểu biết, kiến thức, trí thức của thế gian. Ở thế gian, người trí thức là người học cao hiểu rộng, có bằng cấp các ngành, nhưng vẫn sống trong trong sanh tử luân hồi, thường gặp phiền não khổ đau. Trí tuệ trong đạo Phật là sự nhận thức sáng suốt, đưa con người đến chỗ giác ngộ và giải thoát, được an lạc và hạnh phúc. Người có trí tuệ là người có chánh kiến, nghĩa là người thấy muôn pháp, biết muôn việc "đúng như thực", không mê lầm điên đảo, không mê tín dị đoan, không nhận giả làm chân, không chấp chặt thành kiến. Chẳng hạn như khi thấy việc gì xảy đến cho mình hay cho người, chúng ta biết ngay rằng: đó là kết quả hay hậu quả của một việc hay nhiều việc đã làm trước đây. Không bao giờ tự nhiên có khói, mà không do lửa phát sanh. Không bao giờ tự nhiên có sóng, trong khi gió lặng yên. Không bao giờ tự nhiên có cái cây mọc lên, mà không có hạt giống trong đất trước đó. Nhờ đó, chúng ta không ngạc nhiên, khi có chuyện may mắn đến, cũng như không đau khổ, khi có chuyện xui xẻo xảy ra.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Chư pháp tùng duyên sanh. Chư pháp tùng duyên diệt". Nghĩa là mọi việc muôn sự trên thế gian này, trong kinh sách gọi là chư pháp, tùy theo nhân duyên mà sanh ra, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì sanh diệt mà không có nguyên nhân. Không có cái gì, vật gì, việc gì tự nhiên xảy ra, tự nhiên sanh ra, tự nhiên xuất hiện. Không có cái gì, vật gì, việc gì tự nhiên biến mất, tự nhiên diệt đi, tự nhiên không còn nữa. Chẳng hạn như khi thấy một tòa nhà sụp đổ, một tình bạn kết thúc, chúng ta hiểu ngay phải có nguyên nhân và cũng hiểu rằng không có chuyện gì trên đời tồn tại vĩnh viễn. Nhờ đó, chúng ta có thể giữ gìn được tâm trí bình tĩnh thản nhiên, khi mọi chuyện tang thương biến đổi xảy ra trong cuộc đời.

Không có cái gì, vật gì, việc gì do ông trời, do thượng đế sanh ra cả. Chẳng hạn như một cơn mưa do hội đủ nhân duyên mà có, chứ làm gì có ông thần mưa, ông thần gió, ông thần sấm, ông thần sét, ông thần sông, ông hà bá, như người xưa tin tưởng, khi khoa học chưa phát triển. Bây giờ con người còn có khả năng làm mưa nhân tạo, ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Tại sao thượng đế làm ra cuồng phong, bão tố, lũ lụt, động đất, để giết hại con người? Thượng đế vẫn còn nổi cơn thịnh nộ, nổi cơn sân hận, để giáng họa trừng phạt con người ngoan cố, không nghe theo, không làm theo, như vậy có khác gì những kẻ phàm phu tục tử ở trên đời này, hay nổi sân hận, khi gặp chuyện không vừa ý?

Nếu chỉ đọc giáo lý của đạo Phật và chỉ biết Phật giáo qua lý thuyết, ắt là không đủ. Không học hiểu giáo lý, không thực sự biết Phật giáo như thế nào, chỉ nhắm mắt làm theo những tập tục cổ truyền một cách máy móc, tức nhiên là sai lầm và thiếu sót nặng nề. Học mà không hành thì khác nào cái đãy sách, cái tủ sách, cái tàng kinh các. Hành mà không học hiểu, khác nào người đi trong đêm tối, không có đèn đuốc, đụng đầu lọt hố, bất cứ lúc nào! Trọng Phật tin Phật mà không nghe Pháp học Pháp, như vậy chưa phải là đệ tử chơn chánh của Đức Phật. Vì không nghe Pháp học Pháp, làm sao thực hành đúng theo lời Phật dạy được? Do đó, con người sống mãi trong vô minh, mờ mịt u tối, si mê lầm lạc, bao giờ mới giác ngộ và giải thoát được, bao giờ mới hết phiền não giảm khổ đau được? Chư Tổ có dạy: "Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách", chính là nghĩa đó vậy.

Chúng ta cần phải phát tâm học Phật Pháp, nếu muốn có được trí tuệ "đúng như thực", còn gọi là "trí tuệ bát nhã". Đó chính là "phước báu" tối thượng. Người có trí tuệ bát nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Nghĩa là con người muốn được tự tại, muốn không sợ hãi, muốn qua mọi khổ ách, thì phải có trí tuệ bát nhã, thấy tất cả các pháp đều không thực, không tồn tại vĩnh viễn, không cố định. Cái thân ngũ uẩn của chúng ta cũng là một trong các pháp trên thế gian, cho nên cũng sẽ biến hoại sau một thời gian tại thế, không có gì đáng luyến tiếc, than thở, khổ đau. Chỉ có "con người chân thật không sanh diệt" mới là cứu kính mà thôi. Đó là những lời dạy vô cùng quí báu của Đức Phật, đó là bản đồ hướng dẫn chúng ta đạt được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, tiến đến chỗ giải thoát và giác ngộ.

* * *

Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều cơ hội, có rất nhiều cách, có rất nhiều phương pháp, để cho con người làm phước, tạo phước, kiếm phước. Dù là phước hữu lậu hay vô lậu, đều có công năng giúp con người có cuộc sống bình yên, ít đau khổ, bớt phiền não, để tiến tới chỗ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Phước hữu lậu do những việc làm tạo sự an vui thoải mái, có ích lợi cho người, giúp đỡ người lúc gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần. Phước hữu lậu có công năng đem lại sự may mắn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, bớt oan trái, giảm nghiệp báo. Người làm phước với ước mong được hưởng phước về sau, đó là phước hữu lậu, còn trong vòng sanh tử luân hồi.

Phước vô lậu do những việc làm có ích lợi cho người, nhưng đồng thời cũng chuyển hóa được con người chính mình, thí dụ như bố thí cúng dường, tụng kinh niệm Phật, tư duy thiền quán, tu tâm dưỡng tánh. Người làm phước với tâm từ bi hỷ xả, không cầu mong được hưởng phước về sau, chỉ cố gắng tu học để tiến dần đến chỗ giác ngộ và giải thoát, đó là phước vô lậu, vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi. Trong lúc thực hiện hành động tạo phước, không nghĩ rằng mình đang làm phước, giúp đỡ người khác vì tình thương, do lòng tốt tự nhiên, với tâm bất vụ lợi, vì người quên mình, đó là hành động tạo phước cao thượng nhứt, đem lại "phước báu" vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.

Phước hữu lậu ví như tiền tiết kiệm, có khả năng giúp con người giàu sang, sung sướng, may mắn, bình yên. Hưởng phước này có ngày cũng cạn, cũng dứt. Khi đó, con người sẽ phải đền trả những nghiệp báo trước kia. Chúng ta đã từng thấy các ông vua, các bà hoàng, các hoàng tử, các công chúa, các nhà giàu có trưởng giả, thế lực quyền quí, cao sang danh vọng, các lãnh tụ chính trị, các lãnh tụ tôn giáo, khi hưởng hết phước báo hữu lậu, họ phải chịu nhiều tai nạn, khổ ách, tán gia bại sản, thân bại danh liệt, thậm chí có thể mất mạng thê thảm, không chỗ chôn thân! Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: "Phước báo con người đang hưởng ví như mũi tên bắn lên không trung, đến khi hết trớn, rớt trở xuống đất rất nhanh", chính là nghĩa phước hữu lậu đó vậy. Bởi vậy cho nên, Đức Phật dạy chúng ta khi làm phước, đừng mong cầu hưởng phước báo, mà nên nguyện được phước duyên, đời đời gặp Chánh Pháp, gặp thầy lành bạn tốt, giúp đỡ tu tập, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát, mà thôi.

Điều dĩ nhiên ai ai cũng có thể hiểu được là: tất cả những hành động nào, những lời nói nào, những ý nghĩ nào, ngược lại với việc tạo "phước báu", chính là hành động, lời nói, ý nghĩ, tạo tội lỗi, tạo nghiệp báo xấu vậy! Tội lỗi là do hành động, lời nói hay ý nghĩ làm cho mình, cho người khác đau khổ trong hiện tại và vị lai, dù vô tình hay cố ý. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: "Chỉ có phước báo mới có thể giảm thiểu nghiệp báo mà thôi". Con người tạo tội nghiệp từ trước, đến lúc phải đền trả quả báo, nhẹ thì bị chửi mắng, đau yếu, nặng thì gặp tai nạn, thậm chí mất mạng.

Tội nghiệp do con người tạo tác, sanh ra tội báo nghiệp báo, được ví như một nắm muối. Nếu phải bị nuốt nắm muối đó, thì con người sẽ đau khổ biết là dường nào. Nhưng nếu có thể bỏ nắm muối đó vào trong một tô nước rồi uống, thì có lẽ sẽ dễ chịu hơn một chút. Nếu có thể bỏ nắm muối đó vào trong một lu nước rồi uống, thì chắc sẽ dễ chịu hơn một chút nữa. Nếu bỏ nắm muối đó vào trong một hồ nước lớn, rồi từ từ uống, thì chuyện sẽ không còn thành vấn đề. Tô nước, lu nước, hồ nước tượng trưng cho "phước báu", do chính chúng ta tạo được ít hay nhiều, sẽ giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, chịu đựng được quả báo, do tội nghiệp đã tạo trước đây. Chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không, chuyện khó sẽ hóa dễ. Chứ không phải chúng ta tạo tội nghiệp đầy dẫy trong cuộc đời, gây đau khổ cho không biết bao nhiêu người thân kẻ thù, dù cho nhân danh công lý lẽ phải, trả thù báo oán, gì gì đi nữa, rồi đến lúc giựt mình thức tỉnh, bèn đem tất cả tội lỗi đã tạo, giao cho Trời Phật gánh giùm, chịu tội thế cho mình, bằng cách đi chùa cúng kiến, đi nhà thờ xưng tội, "thì mà là" tất cả tội lỗi đó tiêu tan hết đâu? Con người thường có thói quen "quịt nợ", cho nên mới có ý nghĩ như vậy!

Luật nhân quả không bao giờ sai chạy, dù cho con người tu hành đắc thánh quả, vẫn phải chịu quả báo do những tội nghiệp đã gây nên, từ nhiều đời nhiều kiếp trước kia. "Chỉ có phước báo mới có thể giảm thiểu nghiệp báo mà thôi". Chúng ta nên ghi nhớ lời Đức Phật đã dạy. Đọc lịch sử, chúng ta cũng đã nhận thấy, ngay cuộc đời của Đức Phật, cũng như các vị giáo chủ khác, vẫn bị người đời gièm pha, vu khống, mạ lỵ, chửi bới, ám sát, xét xử, giam cầm, giết hại. Nếu là bậc "phước tuệ lưỡng toàn" như Đức Phật, nghĩa là phước báu và trí tuệ đầy đủ, thì mọi chuyện trở ngại trên thế gian này rồi cũng qua, cuộc đời kết thúc một cách êm đềm, bình an, tự tại. Nếu không có đủ phước báo thì, dù là bất cứ ai, cũng sẽ bị xử chết một cách thê thảm!

Khi Đức Phật còn tại thế, có người ngoại đạo đến hỏi Đức Phật: Ngài có kinh điển nào đem đọc tụng, có thể giúp cho đệ tử của Ngài vãng sanh niết bàn được không? Đức Phật trả lời rõ ràng: Không! Tại sao vậy? Bởi vì con người hiền thiện, biết tu tâm dưỡng tánh khi còn sinh thời, tâm tư thanh thản, nhẹ nhàng, thì nhứt định kiếp sau sẽ sinh ở cõi lành. Con người hung ác, luôn luôn làm việc lợi mình hại người, bất chấp thủ đoạn, bất kể sự phiền não khổ đau của tất cả mọi người, thì nhứt định kiếp sau sẽ sinh vào tam đồ ác đạo, gồm có: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Thí dụ như dầu nhẹ hơn nước thì nổi trên mặt nước, đá nặng hơn nước thì chìm dưới đáy nước, không nghi ngờ gì cả, không thể nào khác hơn được. Đó là chân lý công bằng tuyệt đối vậy.

Cuối cùng, vấn đề sau hết là phân biệt "phước báu" và "phước báo". Phước báu là từ ngữ chỉ những hành động, lời nói và ý nghĩ, thiện lành quí báu, tạo phước trong hiện tại, ví như chúng ta làm việc, kiếm tiền sinh sống, có dư dả thì để dành về sau. Phước báo là từ ngữ chỉ kết quả, còn gọi là quả báo lành, do những hành động, lời nói, hay ý nghĩ thiện lành, từ nhiều đời trước cũng như đời này, đến với chúng ta qua các dạng: thới hên, may mắn, bình yên, an ổn, đẹp đẽ, vui vẻ, hạnh phúc, giàu sang, sung sướng, nhàn nhã, trong cuộc đời hiện tại, ví như tiền tiết kiệm chúng ta dành dụm được từ trước đến nay, bây giờ đem ra xử dụng khi cần thiết.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/04/2017(Xem: 8338)
1) Xin ngài cho biết thuyết tái sanh trong Phật giáo làm việc như thế nào? Trà lời: Tất cả những kinh nghiệm về thân và tâm của chúng ta, trong đời nầy cũng như đời quá khứ và tương lai, đều do hành động (nghiệp) của thân khẩu ý trong quá khứ và hiện tại. Hành động lành đem đến kết quả mong muốn, sự tái sanh và đời sống tốt đẹp. Trong khi đó hành động xấu ác đem đến hậu quả bất thiện, sự tái sanh và đời sống không tốt đẹp. Chúng ta sẽ liên tục tái sanh theo nghiệp báo, trong vòng luân hồi, cho đến khi nào đạt được sự giác ngộ tối hậu.
01/04/2017(Xem: 13142)
Từ khi loài người có mặt trên thế gian này, sống giữa trời đất bao la với hiểu biết và việc làm còn giới hạn, nên thường lo lắng và sợ hãi bởi những suy nghĩ cạn hẹp. Họ tưởng tượng ra có một đấng tối cao toàn quyền ban phước, giáng hoạ; nhìn đồi núi chập chùng, cao vót, họ tưởng ra vị thần núi; nhìn biển rộng bao la, mênh mông, họ nghĩ có vị thần biển đang cai trị ở đó, và vô số vị thần có nhiệm vụ cai quản muôn loài vật ở thế gian này. Đó là niềm tin của con người ở thời kỳ sơ khai, tin vào thế giới thần linh một cách tuyệt đối và chấp nhận giao phó số phận của mình, uỷ thác cho thần linh sắp đặt, định đoạt. Về sau, loài người chúng ta thật diễm phúc khi có được nhân duyên tốt đẹp gặp được Tam bảo, tức ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng trên cõi đời này.
01/04/2017(Xem: 11873)
Đề tài oan gia đã được thuyết giảng nhiều lần từ năm 2010 đến 2013. Tập sách này đúc kết lại các buổi giảng trên. Cốt lõi oan gia chỉ có một, nhưng mỗi lần giảng thì tôi thêm vào nhiều câu chuyện rút tỉa từ kinh sách, báo chí, internet hoặc nghe kể lại. Sống ở đời, ai cũng đi tìm hạnh phúc, muốn có một gia đình vợ chồng yêu thương, chung thủy với nhau, muốn có con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, anh em hòa thuận. Sự mong ướcrất đơn giản như vậy nhưng nhiều người suốt đời tìm hoài không được. Ngược lại, nhiều khi những người thân thương mà ta trông chờ hạnh phúc lại là người làm khổ ta nhiều nhất. Ta muốn họ làm vừa ý ta thì họ lại luôn làm trái ý ta, chưa kể họ bắt ta phải theo ý họ, hoặc họ bỏ bê, hất hủi, mắng chửi, đánh đập ta. Tại sao cuộc đời lại trớ trêu như vậy? Tại sao những người "thân thương" không thương yêu ta đúng như nghĩa "thân thương" mà lại làm khổ ta? Mời bạn đọc tìm câu trả lời trong tập sách này.
31/03/2017(Xem: 9394)
Ngày giỗ Nhị Tổ Pháp Loa mồng 3 tháng 3 thầy trò chúng tôi quy tụ tại Pháp Loa Thiền Tự, huyện Sóc Sơn, Thủ đô Hà Nội để tưởng nhớ đến Ngài. Có mặt trong ngày đặc biệt nay có khoảng vài chục quý thầy, quý sư cô đang thực hành thiền cùng các thiền sinh cư sỹ. Buỗi lê thật đơn giản và sâu sắc, ngắn gọn và ý nghĩa.
31/03/2017(Xem: 6138)
Nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc "mối lái" cho chuyến xe giá rẽ, đi trong hai ngày - Sài Gòn-Di Linh, một tài xế trẻ, có tâm đạo, cũng là xe nhà, thân quen với gia đình nữ sĩ, vì thế, vừa "ngon - bổ và rẻ". Vấn đề là phải tìm đủ người cho xe bảy chỗ.
30/03/2017(Xem: 6071)
Trong bài “Sức Mạnh Của Tâm” kỳ trước có nói đến Tâm là chủ tể. Đích thực, con người trên đời này làm nên vô số việc tốt, xấu, học hành, nên danh, nên nghiệp, mưu sinh sống đời hạnh phúc, khổ đau, cho đến tu tập phật pháp được giác ngộ thành Phật, thành Thánh, Nhân bản, v.v…đều do tâm chỉ đạo (nhất thiết duy tâm tạo). Qua đây cho ta thấy rằng; tâm là con người thật của con người, (động vật có linh giác, giác hồn thật siêu việt hơn tất cả các loài hữu tình khác trên trái đất này). Phi tâm ra, bản thân con người, chỉ là một khối thịt bất động.
29/03/2017(Xem: 6913)
Phật giáo đã mọc rễ vững chắc ở Úc châu trong mấy thập niên vừa qua, nhờ vào di dân từ các xứ có văn hóa Phật giáo khác nhau và thế hệ thứ hai gồm những người di cư từ nhỏ và những người sanh ra tại đây. Cũng nhờ phần nào sự quan tâm của người Úc tới giáo pháp quí báu và nếp sống (cao đẹp) đã được chứng min
29/03/2017(Xem: 6535)
..."Hơn nữa, nghề nghiệp và công việc ở thế gian giống như cơn mộng, như ào ảnh, nhự bọt nổi, như tiếng vang - chỉ tồn tại trong phút chốc rồi trở về hư không. Những thứ nầy không có lợi chi cho người tu hành trên đường giải thoát. Dầu cho quí ngài có xây được chùa viện đồ sộ, trang nghiêm, có tạo được ảnh hưởng rộng lớn và địa vị cao tột, làm bạn với nhiều nhân vật sang trọng quyền quí - và với tâm tự mãn nghĩ rằng quí ngài đã thành công trên con đường tu hành, quí ngài không nhận ra mình đã vi
28/03/2017(Xem: 9645)
Gần đây có người hỏi tại sao tôi yêu thích Phật giáo. Sau đây là 7 lí do tại sao tôi yêu thích, hâm mộ, kính ngưỡng, học tập, thực hành và chia sẻ giáo pháp quí báu của đức Phật. Có vài câu trả lời ngắn nhưng ngọt ngào, những câu khác có nhiều chi tiết hơn. Dĩ nhiên tôi có thể đưa ra nhiều giải đáp và chi tiết khác, nhưng để dễ dàng cho bạn đọc, tôi chỉ đưa ra 7 giải đáp thôi.
27/03/2017(Xem: 6528)
Hôm nay là ngày 21/2/2017, tại Thiền đường Chùa Từ Ân, Phật Quang Sơn, Thành phố Cebu, Philippines. Phái đoàn Phật giáo Việt nam chúng tôi, lần đầu tiên đến đất nước này và đến Phật Quang Sơn tại Philippines. Nhân cơ hội gặp gỡ này, tôi xin cám ơn Phật giáo Phật Quang Sơn cũng như Ni Sư Hữu Lâm trú trì và các bạn trẻ ở đây.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]