Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Giải Quyết Mâu Thuẫn

27/11/201017:43(Xem: 5258)
Chương 8: Giải Quyết Mâu Thuẫn

 

 

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

Chương 8

Giải Quyết Mâu Thuẫn

Khi giao tiếp với tha nhân, chúng ta đặt mình vào năm hoàn cảnh như sau: Tôi sẽ nói đúng thời; tôi sẽ trình bày dữ kiện; tôi sẽ nói lời tử tế; tôi sẽ nói vì lợi ích của người nghe; tôi sẽ nói với lòng bi mẫn.[1]

Xá-lợi-phất - Tăng Chi Bộ Kinh

Giải quyết mâu thuẫn cá nhân đối với Đức Phật cũng quan trọng như thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp. Vì tăng đoàn vừa mới được thành lập của Ngài bao gồm nam và nữ đệ tử thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nên những sự khác biệt rõ rệt về cá tính có mặt trong cộng đồng đó và mâu thuẫn cá nhân không thể tránh khỏi lộ diện.

Với cái nhìn xa rộng, Đức Phật đã dành sự hỗ trợ quý báu trong việc giải quyết và ngăn ngừa những mâu thuẫn cá nhân đó. Dầu lời dạy của Đức Phật nhắm vào các đệ tử xuất gia, chúng cũng có thể được áp dụng cho cư sĩ tại gia. Chương này bàn về các phương cách giải quyết mâu thuẫn của Đức Phật, mà cho đến ngày nay, vẫn còn rất hữu hiệu.

NĂM BƯỚC ĐẾN SỰ GIAO TIẾP THÀNH CÔNG

Một phương cách vô cùng hiệu quả trong việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân đã được Đức Phật đề xuất và ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), vị đại đệ tử của Phật, giải thích ở đây.[2]

Theo phương cách này, có năm khả năng giao tiếp đem lại bao hiệu quả tích cực. Theo ngài Xá-lợi-phất cảnh báo, không tuân theo những nguyên tắc này sẽ đem lại bao hậu quả tiêu cực và là nguyên nhân đưa đến hối tiếc –và người nói, chắc chắn, sẽ gặp phải sự chống đối từ người nghe. Giờ chúng ta hãy phân tích kỹ năm khả năng giao tiếp mà Đức Phật và ngài Xá-lợi-phất coi như thiết yếu để giải quyết xung đột trong đời sống hằng ngày.

1: NÓI ĐÚNG THỜI ĐIỂM

Thời điểm (timing)đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp của Đức Phật. Tự xác nhận mình là “người luôn nói đúng thời”, Ngài nhấn mạnh rằng sự thành công hay thất bại của bất cứ nỗ lực giao tiếp nào đa phần cũng tùy thuộc vào thời điểm.[3]Thí dụ, không ai có thể “quay lại bánh xe Pháp của Đức Phật” (phá rối công việc hoằng Pháp), vì “Đức Phật biết nói đúng thời điểm”.[4]Việc Ngài Xá-lợi-phất bàn rộng thêm về thời điểm đã lặp lại ý nghĩa này: thời điểm rất quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân.

Theo chứng cứ đã được ghi lại, Đức Phật là người đầu tiên nhấn mạnh đến thời điểm như là một yếu tố quan trọng khi phát biểu. Đó là vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Protagoras, nhà tư tưởng Hy Lạp thời tiền Socrate, đã nhắc đến khái niệm này lần đầu tiên trong lịch sữ Tây phương ở thế kỷ thứ tư trước Tây lịch. Tiếp theo sau ông, Isocrates cũng nói thời điểm (hay kairostrong tiếng Hy Lạp) là điều kiện quan trọng nhất trong hùng biện –ít nhất là nửa thể kỷ sau khi truyền thống Phật giáo đã biết đến lợi ích của sự thực hành này.

Ý nghĩa của Đức Phật về việc “truyền thông đúng thời điểm” rất bao quát. Điều quan tâm đầu tiên phải kể đến là trạng thái tinh thần thư giãn của người nghe. Câu chuyện của Đức Phật với Gotami, người vừa mất đứa con trai duy nhất của mình, cho ta thấy sự quan trọng của yếu tố này.[5]Gotami đã mang đứa con trai bé bỏng của mình đến nhiều vị lương y hy vọng rằng họ có thể cứu con bà, nhưng tất cả đều trả lời rằng, đứa bé đã chết và họ không thể làm gì để giúp nó sống lại. Tuyệt vọng và khổ đau, cuối cùng bà tìm đến với Đức Phật, người được coi là “vị thầy tài giỏi nhất trong các vị thầy”, để van xin Ngài cứu con bà. Biết được nỗi bấn loạn trong tâm của Gotami, Đức Phật quyết định không nói sự thật với bà ngay, mà bảo bà hãy đem về cho Ngài một bụm tay những hạt mù-tạt lấy từ những gia đình chưa từng có người chết. Vì Đức Phật biết là bà Gotami sẽ khổ đau, phản kháng nếu biết sự thật, nên Ngài đã đợi đến đúng thời điểm sẽ cho bà biết về sự thật đau lòng là cái chết không thể tránh khỏi, nó không chừa một ai, và không thể thay đổi được khi nó đã xảy ra, bằng cách đó Đức Phật đã giúp làm giảm nỗi khổ đau của bà và giúp bà đạt được trí tuệ.

Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng những người đang trong trạng thái khổ đau khó thể lắng nghe. Một học sinh mang phiếu kết quả học kỳ không được tốt về nhà sẽ rất ương ngạnh khi phải nghe cha mẹ cậu rầy la, bảo lần sau phải cố gắng tốt hơn. Người chồng hay vợ vừa trở về nhà sau một cuộc đối đầu với thủ trưởng ở sở làm sẽ cảm thấy sự cằn nhằn của người phối ngẫu không thể chịu đựng nỗi. Trao đổi với người nghe khi họ ở trong trạng thái vui vẻ có thể mang đến kết quả tốt hơn.

Sức khỏe của người nghe cũng là một yếu tố cần quan tâm đến trong thời điểm giao tiếp. Đức Phật đã bảo các đệ tử cung cấp thực phẩm cho vị khách, dầu đang đói cũng muốn được tiếp kiến Ngài, [6]vì Đức Phật biết rằng trao đổi với người đang đói sẽ không đem lại hiệu quả. Và trước khi nói Pháp cho một đệ tử xuất gia, Đức Phật trước hết đã chăm sóc vết thương ngoài da đau đớn cho người ấy.[7]Rõ ràng là để tinh thần được sảng khoái thì phải có điều kiện sức khỏe tốt; vì thế “đúng thời điểm” cũng ám chỉ thời điểm khi thể chất của người nghe không có vấn đề gì.

Mục đích của việc nói đúng thời là để đem lại hạnh phúc và ích lợi cho cả người nói lẫn người nghe. Chờ đúng thời điểm để giao tiếp, để truyền thông, không có nghĩa là chờ đợi cơ hội tốt nhất để áp đảo người nghe. Sự có mặt của động cơ ích kỷ hay lợi dụng chắc chắn là sẽ đối nghịch lại với lời dạy của Đức Phật. Ngài luôn nhấn mạnh rằng người nói phải được thúc đẩy bằng tình thương yêu và lòng bi mẫn, chứ không nên vì lợi dụng thời cơ.

Chọn thời điểm thích hợp nhất để nói là một khả năng giao tiếp hữu hiệu nhất để giải quyết hay làm giảm thiểu những mâu thuẫn cá nhân.

2: SỬ DỤNG DỮ KIỆN

Đức Phật cũng dạy thêm rằng sự kiềm chế không kết tội sai lầm cũng là một bước khác để cải tiến sự giao tiếp và giảm thiểu xung đột cá nhân. Ngài Xá-lợi-phất khuyên người nói cần ghi nhớ trong tâm là: “Tôi sẽ nói về những gì đã xảy ra, không phải về những gì chưa xảy ra”.[8]Khả năng này bao gồm kiềm chế không phóng đại, tô vẽ thêm lỗi lầm, chỉ trích yếu điểm của người nghe, hoặc bất cứ hình thức kết tội sai trái nào.

Về mặt tâm lý, chúng ta có thể phóng đại lỗi lầm hay yếu kém của người nghe để gây chú ý hoặc để trút cơn giận của mình. Thí dụ, trong nỗ lực làm rõ việc chăm sóc con cho đúng cách, người vợ có thể nói với chồng, “Bé bị cảm vì anh không đắp chăn cho nó kỹ”. Người chồng có thể trả treo để trút nỗi tức giận, “Em chỉ nói được những điều ngu ngốc nhất”. Trong trường hợp này, điều thực sự xảy ra là đứa trẻ bị cảm; còn lý do được nêu ra chỉ là giả định. Thứ đến, câu nói của người chồng quá khái quát, anh ta kết luận chỉ dựa trên cảm xúc. Cả hai câu nói đều được khuếch đại. Cả hai người đều không nói đúng như “những gì đã xảy ra”.

Trong cuộc sống hằng ngày, sự phóng đại được thể hiện dưới nhiều hình thức. Một người mẹ thấy con gái làm rớt dĩa có thể la lên, “Con chẳng bao giờ cầm được cái gì trong tay”. Người vợ xem phiếu khám sức khỏe hằng năm của chồng có thể nói: “Anh không tập thể dục, bởi vậy cholesterol mới lên cao”. Những câu nói này đều đã được khuếch trương, phóng đại, hoặc kết luận theo cái nhìn của người nói.

Người ta thường nói theo cách này, vì điều đó dường như làm người nói cảm thấy dễ chịu –dầu đối với người nghe, dĩ nhiên là không như thế! Có lẽ là người ta có thể trút được căng thẳng trong lòng bằng cách tấn công bằng lời nói thẳng vào người đã gây ra căng thẳng cho mình. Tuy nhiên, việc đó có đem lại kết quả tốt đẹp nào không hay chỉ làm tăng thêm sự ngang bướng nơi người nghe. Người nghe sẽ coi những lời nói đó là sự kết tội oan hay một sự sỉ nhục. Cách phản ứng như thế khó thể đóng góp gì vào việc thiết lập một mối quan hệ lành mạnh nào giữa người nói và người nghe.

Đức Phật khuyên ta chỉ nên trình bày dữ kiện mà không kèm theo ý kiến riêng của mình. Như thế chúng ta sẽ ở trong vị thế tốt hơn để giải quyết xung đột một cách êm thắm. Dầu người ta khó chối cãi dữ kiện, họ thường phản ứng với các giả định như một cách để chống lại khi giải quyết xung đột. Điều gì xảy ra đã xảy ra. Do đó, vì sự ích lợi của các mối liên hệ, thì phương cách tốt nhất là có biện pháp ngăn ngừa xung đột xảy ra lần nữa.

Tuy nhiên, Phương cách này không có nghĩa là chỉ vì điều gì đó là sự thật, là dữ kiện, mà ta phải luôn nói đến nó với người liên quan. Đức Phật dạy rằng, “Dầu điều gì đó có đúng sự thật, tôi cũng không nói sự thật khi nó không thích hợp đối với người nghe”.[9]Một số sự thật không dùng được cho mục đích gì, vì thế nói về chúng cũng vô ích. Tuy nhiên, để giúp người nghe thay đổi thái độ cho tốt hơn, chúng ta cần tập trung trên dữ kiện, chứ không phải trên các giả định.

3: DÙNG LỜI NHẸ NHÀNG

Theo ngài Xá-lợi-phất, dùng lời nhẹ nhàng là một yếu tố quan trọng khác trong nghệ thuật giao tiếp để giải quyết xung đột cá nhân. Ngài Xá-lợi-phất cho rằng người nói cần phải có quyết tâm trong việc sử dụng ngôn ngữ: “Tôi phải dùng lời nói dịu dàng, chứ không phải lời cộc cằn, thô lỗ”. Kiềm chế không dùng lời nói thô lỗ, thật ra, là một trong tám giới luật dành cho người Phật tử. Sự nhấn mạnh này làm nổi bật vai trò thiết yếu của lời nói trong các mối liên hệ hằng ngày của chúng ta.

“Dùng lời nhẹ nhàng”, như được trình bày trong giáo lý của Đức Phật, cũng chuyển tải một ý nghĩa rộng lớn. Nó bao gồm tất cả những gì liên hệ đến ngôn ngữ, như là từ ngữ chính xác, câu văn, giọng nói, cách nói, và dấu nhấn. Các cụm từ được lặp đi lặp lại pharusavaca pativirato (tránh sử dụng những từ thô lỗ) và piya vaca (những từ dễ nghe) gợi đến chính sự mềm mại của từ ngữ sử dụng. Câu piyam vada (nói một cách nhẹ nhàng) và snehena vakkami na parusena (nói một cách lịch sự, không nói một cách cộc cằn) gợi đến một giọng nói và cách nói êm ái.

Theo Đức Phật, khi chúng ta dùng lời cộc cằn để giải quyết xung đột, thì ảo tưởng và sân hận ngự trị tâm ta. Việc nghĩ rằng sự thô bạo sẽ khiến người nghe dễ hiểu là xuất phát từ ảo tưởng. Sự thật là lời nói thô lỗ không thể tránh làm cho người nghe trở nên kình chống lại ta. Nhiều người nghĩ rằng nếu họ có thể làm cho người nghe phải im tiếng bằng những lời thô bạo, là họ đã thành công trong việc thuyết phục người nghe phải chấp nhận ý kiến của họ. Một đứa trẻ trở nên lầm lì, không nói sau khi bị cha mẹ rầy la có thể minh họa cho ý nghĩ sai lầm này. Vì sự thật là sự im lặng của đứa trẻ thể hiện sự chống đối mãnh liệt và sự thất bại của cha mẹ trong việc thuyết phục nó. Việc sử dụng lời lẽ thô lỗ có thể làm cho ta hả dạ vô cùng trong phút chốc, nhưng nó chẳng bao giờ có thể giúp ta giải quyết xung đột.

Tâm lý học hiện đại giải thích rằng sự giận dữ, một yếu tố mạnh mẽ khác đằng sau lời nói thô lỗ, là cách ta phản ứng đối với những hoàn cảnh có vẻ đe dọa. Sử dụng những lời giận dữ là một cách để trấn áp mối đe dọa, chứ không phải để giải quyết mâu thuẫn. Lời nói, giọng nói hay cách nói một cách giận dữ gợi lên sự tấn công. Ấn tượng rằng người kia đang tấn công mình bằng lời nói là cảm giác tệ hại nhất mà người nói có thể truyền thông cho người nghe. Phần đông không thể chịu đựng bị tấn công, họ phải tự bảo vệ và tấn công trở lại. Sự thô bạo do giận dữ tạo ra ít khi có thể giải quyết được mâu thuẫn cá nhân.

Một số người có thể nghĩ rằng dùng lời lẽ nhẹ nhàng chứng tỏ mình yếu đuối, khiến người nghe có thể lấn lướt mình. Có sự hiểu lầm này là vì sự mềm dẻo, nhẹ nhàng được đánh giá một cách sai lầm là nhút nhát, thiếu uy quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng lời lẽ dịu dàng không có nghĩa như thế. Đức Phật luôn sử dụng lời nói nhẹ nhàng, nhưng Ngài cũng thấy việc nhấn mạnh lời nói là cần thiết. Sự tuôn tràn những lời hung bạo là một cực đoan; sự thiếu quyết liệt trong lời nói là một cực đoan khác. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần tránh cả hai cực đoan này nhưng vẫn sử dụng những lời lẽ nhấn mạnh để giải quyết xung đột cá nhân một cách hữu hiệu.

Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), Đức Phật nhắc nhở rằng chúng ta nên tránh buông lời khi nóng giận mà cần nói lời kiềm chế.[10]Những việc làm như thế tạo một môi trường cởi mở để giải quyết xung đột luôn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

4: TẬP TRUNG TRÊN NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC CỦA GIẢI PHÁP

Ngài Xá-lợi-phất giải thích rộng hơn rằng người nói cần tập trung trên khía cạnh tích cực của giải pháp đã được đề ra. Sự tập trung này có thể mang lại kết quả mỹ mãn trong việc giải quyết xung đột giữa hai người có mối quan hệ thân thiết. Theo lời ngài Xá-lợi-phất dạy, người nói cần ghi nhớ trong tâm rằng, “Tôi nói vì lợi ích của người nghe”. Thái độ này của người nói làm nổi bật hai điểm. Thứ nhất, người nói cần phải có sự hiểu biết rõ ràng về những hậu quả tích cực của giải pháp. Thứ đến, người nói cần giải thích cơ bản những ảnh hưởng tích cực của giải pháp với người nghe.

Phương cách giải quyết xung đột mà chỉ có sự chỉ trích chứ không có phương án giúp đỡ người nghe sẽ không thể giải quyết mâu thuẫn giữa hai người. Nhiều người có khuynh hướng tìm lỗi của người khác chỉ để chê bai, chỉ trích. Đức Phật đã nhận định về thói quen tai hại, “Nếu có người luôn chỉ trích bằng hữu của mình, thì hành động đó không thể hiện một tình bạn chân thật”[11]Khi người nghe đoán được động cơ của người nói, người nghe lập tức có khuynh hướng chống báng ý kiến của người nói. Ngược lại, với một phương án ích lợi có sẵn trong tay, người nói có thể khiến người nghe chăm chú hơn.

Sự rõ ràng của người nói về những hiệu quả tích cực của giải pháp sẽ thuyết phục người nghe chấp nhận giải pháp được đề ra hơn. Người nói cần giải thích cho người nghe tại sao vấn đề trước mặt cần phải được giải quyết, và giải pháp này sẽ đem lại lợi ích cho người nghe như thế nào. Nhiều người nghe có khuynh hướng hiểu sai sự chỉ trích xây dựng khi người nói không trình bày rõ ràng mục tiêu của họ. Sự hiểu lầm phát sinh vì người nói không chỉ ra những hiệu quả tích cực của giải pháp của họ.

5: NÓI VỚI LÒNG BI MẪN CHÂN THẬT

Cuối cùng, thái độ bi mẫn cần có mặt xuyên suốt quá trình trao đổi, giao tiếp. Người có ý hướng muốn giải quyết mâu thuẫn cá nhân một cách tốt đẹp cần có những đề nghị, giải pháp, ý kiến, xuất phát từ lòng từ bi. Người nói cần lập quyết tâm: “Tôi sẽ nói với tâm từ bi, chứ không phải tâm sân hận”.[12]

Bốn điều kiện vừa nêu trên đây gồm –thời điểm, nêu dữ kiện, dùng lời nói nhẹ nhàng, và tập trung trên lợi ích của người nghe- tất cả đều thuộc phương pháp sử dụng lời nói, là cái ở bên ngoài. Nhưng hành động từ bi thuộc cảm tính của con người, ở bên trong, và dĩ nhiên là chủ yếu.

Theo các kỷ thuật hùng biện hiện đại, các chuyên gia có khuynh hướng tập trung chủ yếu trên sự chuyển đối các hành động ở bên ngoài. Họ khuyên chúng ta nên tỏ ra chuyên nghiệp, hay tuân thủ theo một số phương cách để làm lay động người nghe. Thí dụ, họ khuyên chúng ta lắng nghe và nói những câu như, “Rất tiếc được biết tin” khi ai đó chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân buồn. Đức Phật đã đi một bước xa hơn. Ngài muốn chúng ta cũng phải thực sự cảm nhận điều mình nói.

Các phương pháp dùng lời nói ở bên ngoài để thuyết phục người nghe tuy cần thiết nhưng có lẽ là chưa đủ để chuyển đổi hành vi của một cá nhân. Điều nguy hiểm nằm trong khả năng là người nghe có thể cảm nhận được sự thiếu chân thật nơi người nói. Thông điệp qua ngôn từ “Tôi thương mến và quan tâm về bạn, đó là lý do tại sao tôi mong bạn sửa đổi”, chứa đựng nhiều quyền lực để gây ảnh hưởng đối với người khác –nhưng chính thực tại vô ngôn mới mang nhiều ý nghĩa hơn.

Đôi khi chúng ta cần tự hỏi mình về mục đích thực sự của ta khi góp ý với với người khác về những hành động chưa hoàn hảo của họ. Chúng ta thực sự có ý muốn giúp đỡ họ hay có ý đồ gì khác? Thí dụ, tại sao người chồng hay vợ luôn nhắc nhở người bạn đời của mình về những lỗi lầm họ đã phạm trong quá khứ? Tại sao chúng ta không ngừng muốn “sửa đổi” ai đó? Những điều này chúng ta cần phải quán chiếu kỹ càng. Một hành động chỉ có ý nghĩa và có kết quả khi nó được xuất phát từ lòng từ bi thực sự.

NHỮNG ĐIỀU NGOẠI LỆ ĐỐI VỚI CÁC NGUYÊN TẮC TRÊN

Cần nhớ là truyền thống Phật giáo đề xuất năm bước này không phải như là một liều thuốc chữa tất cả mọi mâu thuẫn cá nhân, mà như là những phương cách để có thể trao đổi, truyền đạt với nhau tốt hơn. Chúng ta có thể sử dụng chúng để giải quyết phần lớn mâu thuẫn một cách hữu hiệu, nhưng lúc nào cũng có những ngoại lệ. Khi ngài Xá-lợi-phất xác định lại với Đức Phật về sự hữu hiệu của quy trình năm bước này, Đức Phật đã nêu lên điều quan trọng sau đây:

Này Xá-lợi-phất, dầu ông có tuân theo những phương pháp truyền đạt này, vẫn có người không đồng ý với những lời đề nghị của ông.[13]

Câu nói trên phản ảnh trí tuệ thâm sâu của Đức Phật rằng phương pháp năm bước này không thể giải quyết hết tất cả mọi xung đột cá nhân, do đó, Đức Phật yêu cầu ngài Xá-lợi-phất giải thích tại sao có người lại quá ương ngạng, và chúng ta phải đối xử với họ như thế nào.

Đáp lại, ngài Xá-lợi-phất công nhận rằng có một số người nghe luôn phản kháng dầu người nói có những phương pháp truyền đạt thiện xảo đến đâu; và ngài Xá-lợi-phất cho rằng cá tính đã thành hình lâu ngày của người nghe là nguyên nhân chính của sự chống đối đó. Đức Phật đã khen ngợi ngài Xá-lợi-phất và khuyến khích ngài xúc tiến những phương cách đã được đề ra vì lợi ích của những người thực sự muốn lắng nghe. Nhận định cuối cùng của Đức Phật trong bản kinh này cho ta thấy rằng những phương cách giao tiếp do ngài Xá-lợi-phất trình bày sẽ hỗ trợ phần đông chúng ta, nếu không phải là tất cả, trong việc giải quyết các xung đột một cách êm đẹp.

HƯỚNG DẪN THÊM CHO SỰ GIAO TIẾP TỐT ĐẸP

Trên đây chúng ta đã tập trung trình bày sự giải thích của ngài Xá-lợi-phất dựa trên những lời dạy của Đức Phật để cải thiện khả năng giao tiếp, truyền đạt, và để giải quyết những xung đột cá nhân một cách tốt đẹp. Riêng Đức Phật cũng ban thêm cho ta những lời khuyên hữu ích trong lãnh vực này.

1. Kiềm chế không tranh cãi về những đề tài nhạy cảm

Để giảm thiểu xung đột trong một mối liên hệ, Đức Phật đã khuyên chúng ta nên kiềm chế không tranh cãi về những đề tài nhạy cảm. Những đề tài đó bao gồm các khái niệm dựa trên suy đoán, các quan điểm và niềm tin mà không có sự hỗ trợ của bằng chứng khoa học. Đức Phật nói rõ ràng rằng việc tranh cãi về những đề tài đó chỉ đem lại sự đối đầu hơn là đồng thuận.

Cuộc trao đổi giữa Đức Phật với Kassapa, một người tu khổ hạnh thuộc hệ thống tư tưởng khác biệt, là một minh chứng cho quan điểm này của Đức Phật. Ngài vẫn duy trì sự giao tiếp thân mật với các vị thầy thuộc các tôn giáo khác, thường xuyên thăm viếng họ và chuyện trò thân mật với họ. Trong cuộc trao đổi với Kassapa, Đức Phật đề nghị rằng chỉ nên nói về những đề tài mà họ có những quan điểm tương đồng, và tránh nói đến những đề tài không thể đồng thuận.[14]Mục đích của phương pháp này là để giử mối liên hệ lành mạnh giữa người nói và người nghe.

Khi người khác đưa ra những đề tài nhạy cảm, đôi khi Đức Phật giữ im lặng thay vì tranh cãi với họ. Sự im lặng, theo Ngài, có thể tốt hơn là hậu quả tiêu cực có thể xảy ra khi nói. Và đôi khi Đức Phật không ngần ngại đồng ý với những quan điểm khác biệt. Ngài coi trọng mối quan hệ hơn là tham gia vào một cuộc tranh luận trên những đề tài thường gây tranh cãi hoặc siêu hình.

Sự khẳng định này không có nghĩa là Đức Phật hoàn toàn kiềm chế việc tranh luận, mà Ngài cũng không bắt các đệ tử của mình không được tranh luận bao giờ. Trong nhiều trường hợp, Đức Phật đã tranh luận một cách đầy thuyết phục chống lại một số vấn đề xã hội, như là sự kỳ thị. Thí dụ, chúng ta có thể tìm thấy một số tranh luận hùng hồn nhất của Đức Phật trong Trường Bộ Kinh I. Phần lớn là những lời kêu gọi đầy lý lẽ hùng hồn để chống lại với những quan điểm xã hội bất công và tai hại. Về những quan điểm và niềm tin cá nhân nhạy cảm, Đức Phật cho rằng tranh luận là vô ích và làm xấu đi các mối quan hệ.

Hiện tại, một số niềm tin và nghi thức tôn giáo, chính trị, xã hội được xếp vào loại này. Nếu vợ chồng thuộc hai tôn giáo khác nhau bắt đầu tranh cãi về niềm tin tôn giáo, thì mối liên hệ của họ chắc chắn sẽ bị sứt mẻ. Tương tự, hai người bạn dè bĩu các hoạt động xã hội của nhau sẽ dọn đường cho một mối liên hệ căng thẳng, rã tan.

Vì lợi ích của mối quan hệ, Đức Phật khuyên chúng ta kiềm chế không tranh luận về những chủ đề đó. Ngài dạy rằng dầu sự tranh luận có lý lẽ có thể cần thiết khi một quan điểm hoặc một hành động có thể gây ra hậu quả tai hại, nhưng phần đông các niềm tin tôn giáo và nghi thức xã hội đều lợi ích. Trong trường hợp này, thay vì tranh luận hơn thua, chúng ta nên bày tỏ lòng tôn trọng chúng.

2. Chấp nhận rằng có một số hành vi không thể sửa đổi

Để duy trì một mối liên hệ lành mạnh, chúng ta có thể phải chấp nhận một số chuẩn mực hành động mà ta không ưa thích của những người thân cận. Đức Phật đã xác định rằng phần đông chúng ta đều có những yếu điểm bên trong. Ngài nói, “Khó tìm được một người không có bệnh trong tâm”.[15]Một số những khiếm khuyết này gồm, “không nhìn ra, không chấp nhận hay muốn sửa đổi hành vi của họ”.[16]Với những người có bản tính như vậy thì nỗ lực của chúng ta để sửa đổi họ chỉ mang lại sự thất vọng, nản lòng. Đức Phật bảo rằng một số người sẽ tự nhiên phản ứng trong giận dữ, thù hằn và gây hấn đối với một đề nghị đầy thiện chí về hành vi của họ”.[17]Trong trường hợp như thế, cách tốt nhất là thông cảm và chấp nhận rằng một số hành vi của những người thân cận của ta là không thể sửa đổi, dầu theo lý tưởng thì mỗi cá nhân trong bất cứ mối liên hệ nào cũng cần sửa đổi hành vi của mình, thay vì ép buộc người khác phải chấp nhận nó. Một số người có thể có hành vi không thích hợp, nhưng nó không đe dọa mối quan hệ giao tiếp. Khi đó việc chấp nhận hành vi ấy dường như thực tế hơn là cố sửa đổi nó.

Đức Phật nhận định rằng sự biết tự sửa mình là đặc tính của một người trưởng thành. Việc sửa đổi đó cũng làm giảm thiểu những xung đột không dễ chịu trong một mối liên hệ. Chúng ta có thể thấy khó sửa đổi người khác theo ý mình muốn, nhưng chúng ta có thể sửa đổi ý nghĩ, và hành động của mình để phù hợp với hành vi của người. Chúng ta có thể chủ tâm nỗ lực để kiên nhẫn, và chịu đựng khi đối mặt với hành động nào đó khó chấp nhận –nhưng không nguy hiểm- của những người thân cận.

Một người chồng ít nói, trong khi vợ anh ta lúc nào cũng sẵn sàng để phát biểu, là thí dụ của những dạng hành vi đòi hỏi sự chịu đựng và chấp nhận. Người vợ có thể muốn chồng phải lắng nghe và phản hồi ý kiến, trong khi người chồng muốn vợ mình ít nói hơn. Tuy nhiên, nếu cả hai đối tượng đều hiểu bản tính của nhau, thì họ có thể chấp nhận hành vi của người phối ngẫu, thay vì cố gắng để sửa đổi nó. Không ngừng than phiền về sự vô tâm hay sự tự biểu hiện của người khác chỉ làm cho mối liên hệ của họ thêm căng thẳng. Trái lại, kiên nhẫn, chịu đựng, và dần dần chấp nhận, sẽ giúp làm giảm thiểu những xung đột.

3. Tạo cơ hội cho người sửa đổi

Tha thứ và tin cậy nơi khả năng của con người là hai đặc trưng quan trọng nhất trong giáo lý của Đức Phật. Chúng ta tạo ra lầm lỗi. Đôi khi đó là những lỗi lầm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ của chúng ta. Đức Phật khuyên đệ tử Ngài tha thứ cho những lỗi lầm đó và cho người làm lỗi một cơ hội để sửa đổi. Phương cách đó sẽ giúp tạo dựng nên một mối liên hệ bền chặt hơn.

Lời khuyên này không có nghĩa là chúng ta phải quên hết mọi hành động sai trái nghiêm trọng của người phối ngẫu, của bạn bè hay của những người thân cận. Thay vào đó, nó chỉ có nghĩa là không vì lỗi lầm trong quá khứ của một người mà ta kết luận bản chất người đó là xấu xa, là người đó không có khả năng để có những mối liên hệ lành mạnh. Chúng ta có thể học từ lỗi lầm của mình. Chúng ta có khả năng sửa đổi, và chúng ta có thể chế ngự quá khứ hoen ố của mình để trở thành người tốt hơn.

Có người trong quá khứ lười biếng, sau sửa đổi và trở nên siêng năng. Họ làm sáng đẹp cuộc đời giống như mặt trăng khi thoát khỏi đám mây mờ.[18]

Đức Phật đặt nhiều lòng tin vào khả năng tiến bộ của con người. Và tạo cho người khác cơ hội để cải tiến có thể là một phương cách sáng suốt nhất để giải quyết bất cứ xung đột cá nhân nào.

Phương cách này có thể thích đáng trong mối liên hệ mật thiết hơn là các mối liên hệ khác. Nhiều người khi thiết lập một mối quan hệ đòi hỏi là đối tượng của họ phải chung thủy, nhưng sự kỳ vọng này không phải lúc nào cũng thành sự thật. Việc đánh mất lòng tin của người khác không phải là hiếm trong xã hội của chúng ta. Nhiều người khám phá ra đối tượng của họ yếu đuối trước những cám dỗ tình dục. Và người càng yêu đối tượng của mình thì càng thấy khổ đau trước khám phá bất ngờ này. Nền văn hóa của chúng ta khuyến khích ta trừng phạt “kẻ tội lỗi” một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, khi ta để mình ngập tràn trong oán hận, chúng ta không thể tránh một kết thúc đầy đau khổ trong mối quan hệ này. Một phương cách khéo léo hơn có thể là để cho người kia thấm thía bản chất của hành động sai trái của họ và cho họ thời gian để sửa đổi.

Đức Phật giải thích rằng sự quyến rủ của người khác phái là bản năng tự nhiên mạnh mẽ nhất của con người. “Không có vẻ bề ngoài, mùi, hương, vị hay sự xúc chạm của thứ gì khác có thể quyến rủ trái tim của người đàn ông bằng của người phụ nữ”.[19]Người phụ nữ cũng có thể bị người đàn ông quyến rủ giống như thế,[20](và dĩ nhiên, chúng ta có thể nói rộng ra cho những mối quan hệ đồng tính cũng vậy). Trong trường hợp này, người ta hành động theo sự thúc đẩy của đòi hỏi bản năng, có thể được xem là tự nhiên. Dầu vậy, con người cần phải phát triển một lối suy nghĩ hiện thực để đối phó với những khuynh hướng bản năng này. Có cơ hội, họ có thể hiểu được ích lợi của phương cách hiện thực này đối với những đòi hỏi bản năng của mình. Sự hiểu biết đó có thể giúp họ sửa đổi những lỗi lầm để cho mối quan hệ mật thiết của họ không bị đổ vỡ.

Điều quan trọng nhất để tự sửa mình và củng cố một mối liên hệ là “nhìn một lỗi lầm như nó là, chấp nhận sự sai trái đó, và quyết không lặp lại lần nữa”.[21]Khi làm được như thế, chúng ta là loại người được Đức Phật gọi là người đã trưởng thành

4. Chia tay trong ôn hòa

Như với tất cả mọi thứ khác, ở đây cũng có những ngoại lệ. Bổn phận và nghĩa vụ, khả năng giao tiếp, và những phương cách khác nhằm làm giảm thiểu, chứ không phải để tiêu trừ, các xung đột có thể có mặt trong một mối liên hệ. Dầu đã nỗ lực hết sức, đôi khi người ta cũng phải chấp nhận là không có giải pháp cho vấn đề của họ. Đức Phật nói gì về những mối liên hệ không hạnh phúc, và bó buộc này? Đức Phật dạy đệ tử của Ngài đối xử với những người không còn thân thiết với họ như thế nào?

Đức Phật xác nhận có một số yếu tố đưa đến việc phải chấm dứt một mối liên hệ: sự tiếp tục hành động sai trái một cách không kiểm soát của một đối tượng, nguy hiểm phát sinh từ mối liên hệ đó, hay sự xác nhận tính vô vọng của việc kéo dài mối liên hệ đó. Khi người ta rơi vào một trong những hoàn cảnh này, Đức Phật chấp nhận sự lựa chọn của cá nhân như là chuẩn mực tuyệt đối để quyết định. Ngài dạy người đệ tử tại gia rút lui khỏi một mối liên hệ không tương đồng giống như một vị vua trở về từ đất nước đã chiến thắng.[22]

Tuy nhiên, sự tự do cá nhân này không ủng hộ những kết luận vội vã, khắt khe, một chiều; trái lại những sự đánh giá có lý trí, đạo đức cần phải đi trước bất cứ quyết định cuối cùng nào. Chúng ta cần chắc chắn rằng quyết định của mình sẽ đem lại lợi ích, chứ không phải ảnh hưởng một cách bất lợi cho những người liên quan trong cuộc, kể cả bản thân mình. Ai cũng có quyền chấm dứt một mối liên hệ nếu sự quyết định được dựa trên các chuẩn mực đó.

Lời khuyên của Đức Phật đối với Upali, một đệ tử và bạn thân của thủ lãnh đạo Jana Mahavira, là minh chứng cho kết luận này. Theo yêu cầu của thủ lãnh, Upali đến viếng Đức Phật để đánh bại Ngài trong một cuộc tranh luận. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe Đức Phật, Upali cảm thấy giáo lý của Đức Phật giá trị hơn của Mahavira và muốn được trở thành đệ tử của Đức Phật. Đức Phật đã trả lời, “Ông cần đánh giá quyết định của mình cẩn thận hơn; một người cao quý như ông cần quán xét và đánh giá quyết định này”.[23]Sau khi Upali đảm bảo với Đức Phật là quyết định của ông đã được suy xét kỹ, Đức Phật cho phép Upali được rời bỏ Mahavira và trở thành đệ tử của Đức Phật. Sự lựa chọn có quán xét một cách hợp lý của cá nhân là yếu tố đưa đến quyết định của Upali.

Đối với mối liên hệ cá nhân cũng cần có sự đánh giá như thế. Vào thời Đức Phật, nhiều cặp vợ chồng rời bỏ người phối ngẫu của mình để sống độc cư trong nỗ lực đạt được sự tự thanh tịnh. Đức Phật không can ngăn việc làm này nếu như sự phát triển bản thân không làm hại gì đến gia đình, con cái họ. Thí dụ, Đức Phật đã tán thán Ugga, một đại phú gia, vì đã đảm bảo sự sinh sống và an toàn cho các bà vợ của ông trước khi rời xa họ.[24]Rõ ràng, Đức Phật không hàm ý là người ta có thể rời xa vợ hay chồng mình để chạy theo những thú vui khác –nhưng Ngài dạy rằng sự chia tay ôn hòa với một mối liên hệ không muốn có sẽ tốt hơn là kéo dài nó.

Đức Phật cũng khuyên người ta nên ứng xử như thế nào với bạn cũ hay người ‘xưa’ sau khi mối liên hệ đã được chấm dứt. Khi thảo luận với Kesi, người nài ngựa, Đức Phật khẳng định rằng trước hết ta cần bỏ qua sự oán hận và tư tưởng trả thù đối với bạn cũ dù họ đã tạo ra bao phiền não trong mối liên hệ trước đó với ta. Kesi bảo với Đức Phật rằng ông ta sẽ giết hết những con ngựa chứng, không hợp tác khi ông huấn luyện chúng. Đức Phật khuyên Kesi rằng ông ta cần bỏ sang một bên những người không còn hợp tác hay không thể thuần hóa.[25]

Giáo lý của Đức Phật không bao giờ khuyến khích ta theo đuổi sự oán hận hay trả thù dầu ta đã bị người khác lạm dụng hay làm tổn thương trong mối liên hệ trước đó. Đức Phật dạy rằng ta sẽ không bao giờ tìm được sự an bình nội tâm nếu ta cứ bám víu vào những hành động sai trái mà người khác đã làm đối với ta trong quá khứ.[26]Có hành động phù hợp để chống lại sự bạc đãi luôn được khuyến khích -tuy nhiên theo Đức Phật, ôm ấp mối hận thù sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi bất hạnh đã phát sinh trong một mối liên hệ không hạnh phúc. Người ta làm cho cuộc sống của mình thêm khổ sở bằng cách nghĩ tưởng đến những mối liên hệ đã đổ vỡ, nhưng họ có thể tìm được sự hòa thuận, bình an trong cuộc đời bằng cách tập tha thứ và quên đi.

TÓM TẮT

Đức Phật và vị đại đệ tử của Ngài, Xá-lợi-phất, đã ban cho hàng đệ tử tại gia những lời hướng dẫn vô giá để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân một cách êm đẹp. Sự cải tiến các khả năng truyền đạt và sự phát triển các hành vi, thái độ thiện xảo rất cần thiết cho mục đích này. Đức Phật đã nhấn mạnh rằng phần lớn những vấn đề phát sinh trong các mối liên hệ mật thiết có thể được giải quyết một cách êm đẹp bằng những phương pháp này. Tuy nhiên, một số các mối liên hệ có nhiều khả năng thất bại dù người trong cuộc đã cố gắng đến mức nào. Trong những trường hợp đó, sự chia tay là cách tốt nhất để tự giải thoát bản thân ra khỏi gánh nặng của xung đột. Ta cần xem sự chia tay không phải là một cách để trả thù, nhưng là một bước để tự giúp bản thân và người khác.



[1]Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Aghata: Kinh Codana

[2]Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Sona: Kinh Subhasitavaca; Phẩm Agatha: Kinh Codana

[3]Trung Bộ Kinh I: 17: Kinh Culahatthipadopama; 269-277

[4]Tương Ưng Bộ Kinh V: Phẩm Raja: Kinh Pathama Cakkanuvattana

[5]Dhammapadatthakatha: Phẩm Sahassa: Kisagotamiya Vatthu

[6]Dhammapadatthakatha: Phẩm Sukha:Annatarassa Upasakassa Vatthu

[7]Dhammapadatthakatha: Phẩm Sahassa : Kisagotamiya Vatthu

[8]Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Aghata: Kinh Codana

[9]Trung Bộ Kinh II: 58: Kinh Abhayarajakimara, 498-501

[10]Câu kệ 232

[11]Kinh Tập: Phẩm Cula: Kinh Hiri

[12]Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Aghata : Kinh Codana

[13]Như trên

[14]Trường Bộ Kinh I: 9: Kinh Maha Sihanada; 151-157

[15]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Indriya : Kinh Roga

[16]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala : Kinh Accaya

[17]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Puggala : Kinh Vajiropama

[18]Trung Bộ Kinh II: 56: Kinh Upali; 477-492

[19]Tăng Chi Bộ Kinh I: Phẩm Ekaka : 1

[20]Tăng Chi Bộ Kinh I: Phẩm Ekaka : 2

[21]Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Bala : kinh Accaya

[22]Kinh Pháp Củ: Kệ số 329

[23]Trung Bộ Kinh II: 56: Kinh Upali; 477-492

[24]Tăng Chi Bộ Kinh VIII: Phẩm Gahapati : Kinh Hatthigamaka Ugga

[25]Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Kesi : Kinh Kesi

[26]Kinh Pháp Củ: Kệ số 3

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2012(Xem: 9092)
Tinh túy của đạo Phật là: nếu có khả năng, ta nên giúp đỡ người khác; nếu không thể giúp họ, thì tối thiểu nên hạn chế việc gây hại cho họ. Đây là tinh túy của cách sống một cuộc đời đạo đức. Mỗi một hành động đều bắt nguồn từ một động cơ. Nếu ta phương hại người khác, điều này bắt nguồn từ một động cơ; và nếu ta giúp đỡ người khác, điều ấy cũng bắt nguồn từ một động cơ. Thế nên, để hỗ trợ hay phục vụ người khác, chúng ta cần một động cơ nào đấy. Vì thế, ta cần các khái niệm nào đó.Tại sao ta lại giúp đỡ và không phương hại người khác?
02/10/2012(Xem: 9726)
Một người thầy nói đạo nào cũng tốt là bậc thầy đó đang ngụy biện cho trách nhiệm của mình, một người là thầy hướng dẫn tâm linh cho Phật tử mà để Phật tử của mình cải đạo.
02/10/2012(Xem: 6763)
Tỉnh thức trong công việc không phải là một trạng thái tinh thần an định hay sáng suốt mà chúng ta đạt được ở một thời điểm nào đó, lúc ta cuối cùng thành công, đạt được sự tỉnh thức, một lần cho tất cả. Không có kết quả cuối cùng nào để ta hướng đến, không có trạng thái tinh thần hay vật chất nào mà ta có thể đạt được, thí dụ như được thăng chức thành giám đốc.
02/10/2012(Xem: 11758)
“Tỉnh thức trong công việc” của tác giả Michael Carroll là tuyển tập nhiều bài viết ngắn cùng chủ đề, được chia làm bốn phần, mỗi phần đề cập đến các phương diện chánh niệm trong kinh doanh.
01/10/2012(Xem: 7100)
parent * Cha mẹ là tấm gương đạo đức tốt cho chúng ta. Đã dạy chúng ta những gì là đúng và những gì là sai . Nhưng có khi những gì họ yêu cầu đi ngược lại chúng ta biết là đúng và tốt. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể cố gắng để cho họ hiểu chúng ta cảm thấy thế nào, nên nhớ rằng chúng ta cần phải rất kính trọng .
01/10/2012(Xem: 6084)
Thekchen Choeling, Dharamsala, ngày 25 tháng 9 năm 2012 - Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa vào chỗ ngồi của Ngài, vị đại diện của đoàn Phât Tử đến từ Việt Nam đã dâng tặng Ngài một cây hoa thường được trồng trong các khuôn viên chùa ở Việt Nam. Ngài cảm ơn vị đại diện và bắt đầu cuộc nói chuyện, 2012_09_25_Vietnam_N03"Hôm qua, chủ đề chính của tôi là đạo đức thế gian và hôm nay tôi muốn nói một chút về Phật Pháp. Thông thường, khi tôi nói chuyện về Phật giáo, tôi muốn giải thích một cái gì đó về các tôn giáo khác trên thế giới để mọi người có thể đánh giá cao tính năng độc đáo của giáo lý đạo Phật. Các học giả lớn của trường Đại học cổ Ấn Độ University of Nalandanhư ngài Long Thọ, Thánh Thiên (Aryadeva), Phân Biệt Minh Bồ Tát (Bhavaviveka), Tịch Hộ (Shantarakshita), và ngài Kamalashila, đã so sánh quan điểm triết học Phật Giáo với quan điểm không phải triết học Phật giáo một cách rõ ràng. Tại Ấn Độ, những quan điểm của Phật Giáo thường không bị thách thức và cách mà các học giả bảo v
25/09/2012(Xem: 9494)
Hiện có hai nguồn tin đối nghịch về Bột Nêm. Một bên cho rằng Bột Nêm KHÔNG AN TOÀN vì có chứa hai chất "sodium 5 va guanylate" (I&G).
25/09/2012(Xem: 7161)
Theo triết lý nhà Phật, Tâm là chủ thể tạo tác ra mọi thứ (Vạn pháp do tâm tạo), trong đó có tướng. Tâm là nhân mà pháp là quả.
23/09/2012(Xem: 6847)
Thế kỷ 21 đang chứng kiến nhiều đổi thay lớn lao trong những phát kiến khoa học. Xã hội phương tây ngày càng hướng về đời sống vật chất, hưởng thụ nhiều hơn. Đời sống tâm linh, đời sống Tôn giáo ngày càng như xa lạ đối với giới trẻ, thành tố cho một phạm trù cộng đồng nhân loại mới. Khi một xã hội, mà con người chỉ lo tìm cách giành dựt lợi nhuận, dối trá trong cư xử và tàn bạo trong cuộc cờ “mạnh được yếu thua”
21/09/2012(Xem: 12916)
"Heartwood of the Bodhi tree" (Cốt lõi của cội Bồ-đề) - Buddhadasa Bhikkhu, Hoang Phong chuyển ngữ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]