Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ lòng hiếu thảo của Rahula nghĩ về phẩm hạnh của con cái

27/08/201213:31(Xem: 9905)
Từ lòng hiếu thảo của Rahula nghĩ về phẩm hạnh của con cái
TỪ LÒNG HIẾU THẢO CỦA RAHULA
NGHĨ VỀ PHẨM HẠNH CỦA CON CÁI
Chúc Phú

Prince_Rahula_and_Buddha-chucphuTrước cuộc ra đi vĩ đại nhất trong lịch sử loài người của Bồ-tát Siddharttha, Yasodhara đã gạt lệ nhớ thương và đơn thân nuôi dưỡng Rahula ròng rã bảy năm trường trong cô đơn, khắc khoải. Với tình thương vô hạn của mẹ và sự giáo dưỡng chu toàn của ông nội Suddodhana theo phương cách của một hoàng nam mang dòng máu Sakya, Rahula bẩm thụ một khí chất đặc biệt so với những đứa trẻ đồng hàng. Trong những cốt cách riêng có của Rahula, đó chính là những phẩm chất đạo đức tự thân cũng như cách thức thể hiện lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành.

Cốt cách và lòng hiếu thảo của Rahula

Mặc dù chưa hình dung ra dáng vẻ của cha, nhưng khi được mẹ bảo rằng, bậc dẫn dầu đoàn Sa-môn hôm ấy chính là người cha khả kính đã biền biệt bao năm qua, Rahula đã vâng theo lời mẹ dạy một cách tuyệt đối và chạy đến cầu xin Đức Thế Tôn: hãy ban cho con phần thừa kế (dāyajja) 1. Khi được Đức Thế Tôn hứa khả và huấn thị ngài Sariputta đưa về tinh xá để làm lễ xuất gia, Rahula cũng tùy thuận nghe theo mà không hề có một chút phản kháng. Chi tiết này được các nhà chú giải kinh điển cho rằng, do lòng từ vô hạn của Đức Thế Tôn nên Rahula cảm thấy bóng che của Ngài thật an lạc2và đã an tâm đi theo Ngài, dù chỉ lần đầu gặp gỡ. Từ hiện thực cuộc sống, một đứa trẻ ngây thơ đứng trước người mới lần đầu gặp gỡ, tất sẽ e ngại, lúng túng đôi phần. Tuy nhiên, thái độ đĩnh đạc, dạn dĩ của Rahula khi xin cha của thừa kế đã minh giải rằng, sở dĩ Rahula thực hiện điều đó một phần là do nghe theo lời dạy của thân mẫu Yasodhara.

Từ ý thức chấp hành lời dạy của mẹ, của người lớn từ thuở bé, nên khi được sống chung với tập thể những người xuất gia, Rahula luôn vâng giữ những điều khuyên răn của các bậc trưởng thượng, mà ở đây là việc vâng giữ những giới điều do Phật chế định ra. Kinh điển và Luật tạng đều ghi lại rằng, một lần nọ, bị những vị khách tăng lớn tuổi chiếm dụng chỗ ngủ của mình, Sa-di Rahula không vì thế mà buồn lòng, bực bội, và đã an giấc qua đêm trong nhà vệ sinh của Đức Phật 3. Mãi đến khi trời gần sáng, Đức Thế Tôn cần sử dụng nhà vệ sinh mới phát hiện ra Sa-di Rahula nằm ngủ còng queo trên nền đất lạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, Đức Thế Tôn quả thực đã xúc động mạnh vì Chánh pháp4nên đã chỉnh lý bổ sung những thiết định giới luật đã ban hành trước đó 5. Không ỷ lại tình thống thuộc, thân quen, tuân giữ nghiêm túc những quy định về giới luật, tự chủ và giản đơn trong nếp sống, sinh hoạt của mình, là đặc thù riêng có của nhân cách Sa-di trẻ tuổi Rahula.

Với một đứa trẻ trong độ trưởng thành, thói quen nói dối dường như là một cố tật thường thấy trong sinh hoạt đời thường. Có nhiều lý do khiến trẻ nói dối: vì sợ trừng phạt khi phạm lỗi, vì muốn gây sự chú ý của người lớn, vì muốn tìm một sự dễ chịu, vì muốn đùa vui… khiến cho con trẻ thường nói dối. Là một đứa trẻ sinh hoạt trong Tăng đoàn, Sa-di Rahula nhiều lần phạm phải lỗi lầm này và đã gây ra điều phiền bực trong Tăng chúng hay những cư sĩ muốn được gặp Đức Thế Tôn. Đứng trước hiện thực này, Đức Phật đã khéo dẫn dụ hình ảnh thau nước bẩn và cái gương soi để giáo hóa Rahula. Một thau nước bẩn chỉ có thể đổ đi và không có thể dùng vào được việc gì; người nói dối cũng vậy. Cái gương soi phản ảnh lại tất cả những hành động, dung nghi của mình. Những điều không tốt thì nên tránh xa và những điều thiện pháp thì hãy nỗ lực thực hiện. Những nỗ lực của người cha - Đức Phật - đã được đền đáp, vì cuối cùng, Sa-di Rahula đã quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi6.

Thanh niên tăng Rahula ngày càng lớn lên trong sự giáo dưỡng của Đức Phật, ngài Sariputta và Tăng chúng. Đôi khi cùng thầy Sariputta ra phố khất thực, Rahula bị các thanh niên ngoại đạo chọc ghẹo nên mất kiểm soát và để sân tâm khởi lên. Quán sát được tâm tư của Tôn giả, Đức Phật đã khéo giảng dạy về hạnh tu nhẫn nhục theo tứ đại nhằm giúp Tôn giả vượt qua những trở ngại trong tâm. Lời dạy của Đức Phật không chỉ là bài học dành riêng Rahula mà còn là hạnh tu căn bản: Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất7. Với một thiếu niên Tăng, đôi khi lượng nội tiết adrenaline 8tăng lên đột biến theo sự phát triển của thể xác, thì sự quán niệm về thể tài vừa nêu giúp cho tâm tư bình an và không dao động trong khi va chạm với chuyện đời.

Từ những nỗ lực giáo dưỡng của Đức Phật, của ngài Sariputta và chư Tăng, Sa-di Rahula từng bước trưởng thành và chứng tỏ khả năng ham học hỏi. Sự thành tâm cầu thỉnh của Rahula đã được xác chứng trong kinh: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con để sau khi nghe, con có thể sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần9. Nỗ lực cần cầu học hỏi của Rahula rất mạnh mẽ, đôi khi vì ham học mà quên cả việc khất thực thức ăn. Kinh điển ghi lại rằng, một sáng nọ từ tinh xá Jetavana, Rahula theo chân Đức Thế Tôn vào kinh thành Savatthi khất thực, đang trên đường đi, Đức Thế Tôn đã tùy thuận nhân duyên nên đã có bài thuyết giảng về giáo lý Vô ngã.Bài thuyết giảng đã thu hút Rahula chăm chú lắng nghe. Sau khi nghe xong, Rahula quyết từ bỏ chuyến đi khất thực mà trở về tinh xá với bụng đói meo, để kịp thời quán niệm về pháp hành vừa được Đức Phật chỉ dạy 10. Sự tinh cần, ham học ham tu của Rahula còn được các nhà chú giải kinh Trường bộcho rằng, suốt mười hai năm, lưng của Tôn giả Rahula chưa hề dính chiếu. Nhờ sự tinh cần đó, Rahula chứng đắc A-la-hán khi tuổi còn rất trẻ. Có nhiều tài liệu bất đồng về thời điểm chứng Thánh của Rahula, tuy nhiên, bằng chứng xác thực nhất là sau khi nghe Tiểu kinh giáo giới La Hầu La,số 147, thuộc kinh Trung bộthì tâm của Tôn giả Rahula được giải thoát khỏi các lậu hoặc.Và cũng nhờ đắc Thánh quả rất sớm nên ngay cả ma vương Vasavattì cũng không hù dọa được Tôn giả Rahula 11.

Với tự thân, Rahula đã có những nỗ lực tuyệt vời, với mẫu thân, Tôn giả đã thể hiện vai trò một người con hiếu rất mực cảm động. Chuyện tiền thân Đức Phật 12đã kể lại rằng, một lần Rahula đến thăm thân mẫu là Tỳ-kheo ni Bimbadevi, tên khác của Yasodhara sau khi xuất gia, thì được biết mẹ đang bị sình bụng, khó tiêu nên không ra tiếp chuyện được. Biết mẹ không khỏe nên Rahula lo lắng vô cùng. Rahula vào tận giường và thẽ thọt thưa rằng, nếu như khi ở hoàng cung, mỗi lúc gặp bệnh như vậy, mẹ sẽ uống thuốc gì? Bà Bimbadevi cho biết, mỗi khi bị bệnh chướng bụng đầy hơi thì thường uống nước xoài ép. Nhưng mà này con ơi, bà Bimbadevi nói thêm, làm sao có thể kiếm được thứ nước đó trong những món ăn khất thực hàng ngày của chúng ta? Sa-di Rahula cương quyết hứa với mẹ rằng: Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ 13. Mạnh bạo hứa với mẹ như thế nhưng thâm tâm Sa-di Rahula lo lắng hoang mang, vì tìm đâu ra thứ thuốc chữa bệnh rất mực bình thường đó, với khả năng của một chú tiểu trẻ con? Sau nhiều nỗi băn khoăn, Rahula chợt nhớ đến sư phụ và đã cầu cứu ngài Sariputta. Thương đệ tử, Trưởng lão Sariputta đã vào cung vua Kosala và có được nước ép xoài trị bệnh. Nhận được nước ép xoài từ sự trợ giúp của sư phụ Sariputta, Rahula khoan khoái vô cùng vì đã tìm được thuốc chữa bệnh khó tiêu cho thân mẫu. Tình thương mẹ của Rahula không dừng lại ở đó, vì trong một lần khác, bà Bimbadevi lại bị bệnh đau bao tử, và cũng nhờ lòng hiếu thảo của Rahula nên sư phụ Sariputta lại một lần nữa đã gia tâm hỗ trợ, bằng cách giúp Rahula xin thức ăn phù hợp cho bà Bimbadevi 14.

Từ những nỗ lực của Rahula trong việc chăm lo cho thân mẫu bằng những gì có thể, đã cho thấy rằng, hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý cơ bản của con người, bất luận xuất gia hay tại gia. Cũng từ đây đã mở ra cho những người mang thân phận làm con, những bài học lớn về việc rèn luyện những phẩm hạnh đạo đức cơ bản.

Phẩm hạnh đạo đức của con cái

Nghe lời cha mẹ

Là con cái, việc lắng nghe và tuân thủ những lời dạy của cha mẹ được xem là nguyên tắc sống đầu tiên trong cuộc đời. Vâng lời cha mẹ được xem là tín hiệu khởi đầu về việc xây dựng đạo đức, trí thức và niềm tin cho con cái. Nói cách khác, đạo đức của con người được khởi đầu từ sự nghe lời cha mẹ. Nhờ nghe lời cha mẹ, con cái tự tìm cho mình một cơ hội để tồn tại, để nhận ra những điều hay lẽ phải và để cho tri thức về tất cả các lãnh vực được củng cố, kiện toàn… Có thể nói, nghe lời cha mẹ là cửa ngõ mở ra con đường hạnh phúc cho con trẻ, không những ở hiện tại mà ngay cả tương lai. Với những bậc cha mẹ, vì yêu thương con trẻ, vì mong con thành công và vững chãi trong đời, mà đôi khi phải đóng vai trò như là một vị thần sáng thế, là hung thần dữ tợn, là thầy giáo đầy quyền uy… chỉ với mục đích duy nhất nhằm khiến cho con cái vâng lời. Bài học vâng lời mẹ một cách tuyệt đối của Rahula còn có ý nghĩa thời đại, vì lẽ, khi ý thức tự chủ của con trẻ chưa vững vàng thì sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ trong việc khuyên răn con trẻ, bắt con trẻ vâng lời, là sự thể nghiệm đầu tiên về đạo đức.

Sống tự chủ và không ỷ lại

Nương tựa vào bản ngã và sở hữu của bản ngã là thói quen thường thấy đối với mọi chúng sanh trong hiện thực đời sống. Ý thức tôi làhình thành rất sớm và làm tiền đề để xuất hiện ý niệm chúng tôi là. Ỷ lại bản thân, dòng tộc, cha mẹ… là một dạng thức nương tựa vào bản ngã và sở hữu của bản ngã. Với Phật giáo, bản ngã vốn không thật thì sở hữu của chúng cũng là không.

Từ đây, có thể thấy thái độ ỷ lại các chỗ nương tựa vừa nêu là những trạng huống tâm lý tiêu cực nhưng dễ dàng xuất hiện và định hình trong tư duy con trẻ. Ngay như bản thân thiếu niên Rahula, mặc dù đã xuất gia nhưng đôi khi ngắm nhìn vóc dáng của mình và vóc dáng của thân phụ - Đức Phật - cũng nảy sinh suy nghĩ về nguồn gốc cao sang của gia đình mình. Đọc được suy nghĩ đó, Đức Phật đã huấn thị Rahula phải nuôi dưỡng ý thức: cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi 15, nhờ sự nuôi dưỡng ý thức đó, không những giúp cho Rahula mà còn cho bất cứ ai muốn thoát khỏi ảo tưởng về sự cao sang hay quyền quý của nguồn gốc gia đình, thân tộc.

Với con trẻ, thái độ ỷ lại xuất hiện ở bất cứ phương vị nào cũng là dấu hiệu không tốt. Một bậc cha mẹ phải tập cho con vượt qua sự ỷ lại bằng cách sống tự chủ trong từng việc làm nhỏ nhặt nhất như đi lại, uống ăn, thói quen trật tự, ngăn nắp… tùy theo từng giai đoạn phát triển và thể chất của đứa trẻ. Mặc dù là con của Đức Thế Tôn, là đệ tử của Đại Trưởng lão Sariputta, nhưng thiếu niên Rahula không bao giờ ỷ lại, thể hiện qua những việc làm cụ thể như tự mình đi khất thực, tự giặt giũ áo quần và tự tìm kiếm chỗ ngủ… là những bài học sống động dành cho con trẻ ngày nay về đức tính sống tự lập. Tính tự lập được hình thành từ bé là một lợi thế cho con cái khi dấn bước vào đời.

Nỗ lực học tập

Tri thức là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa quan trọng trong cuộc đời. Con đường tìm cầu hạnh phúc thế gian hay xuất thế đều có nhiều điểm liên quan đến tri thức nói chung. Có tri thức thì con đường dẫn đến hạnh phúc sẽ gần lại, nhất là những tri thức nội hàm an lạc và giải thoát khổ đau. Muốn có tri thức thì phải học tập, rèn luyện. Chiêm nghiệm về thái độ học tập quên cả việc đi khất thực của Rahula cho ta thấy một nỗ lực lớn trong hình hài bé nhỏ. Chính từ những nỗ lực này đã giúp Rahula chứng đạt Thánh quả khi còn nhỏ tuổi. Tài không đợi tuổi, như là một hệ luận rút ra từ trường hợp này. Từ cách thức giáo dục của cha mẹ cùng thái độ học tập của Rahula, có thể cung cấp cho việc giáo dục con trẻ hôm nay nhiều giá trị tham khảo.

Là con trẻ, có được một động cơ tốt trong học tập là khởi đầu thuận lợi, vì ham học hỏi được xem là tâm thế tốt cho mọi sự trưởng thành. Với con trẻ, phải làm sao thổi bùng được ngọn lửa khao khát sự hiểu biết trong chúng. Làm sao để con trẻ xem việc học tập như là thỏa mãn một sở dục thanh cao, làm sao để con trẻ tự thân nỗ lực mà không cần sự ép buộc, thôi thúc từ cha mẹ. Với con trẻ, sự khích lệ tưởng thưởng cũng là điều kiện cần. Tuy nhiên, tất cả mọi sự tưởng thưởng bằng hiện thực vật chất khi con trẻ thành công trong học tập, đôi khi cần phải cân nhắc cho phù hợp. Vì ở một nghĩa nào đó, chúng ta vô tình dung tục hóa cái mục đích tri thức thiêng liêng bằng những đắp đổi vật chất bình thường. Cần phải ý thức rằng, với độ tuổi thanh thiếu niên, thắp lên ngọn lửa quý chuộng tri thức, siêng năng học hỏi, là một dấu hiệu thành công trong giáo dục con trẻ.

Báo hiếu bằng những gì có thể

Thương cha mẹ được xem là thuộc tính tự hữu của con cái. Thuộc tính đó có khi ẩn tàng và đôi khi hiển lộ ra tùy thuộc theo nhân duyên, luân hồi và nghiệp quả. Hình ảnh chú Sa-di còn trẻ như Rahula đã nỗ lực hết mình nhằm tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, là một bài học lớn về lòng hiếu thảo của con trẻ hôm nay. Hiếu thảo là sự quan tâm đúng lúc, là sự thể hiện tấm lòng bằng tất cả những điều kiện khả dĩ của mình. Một cử chỉ săn sóc, một trăn trở miên man trong tâm, dù biết rằng rất khó thực hiện, cũng là những biểu hiện cho lòng hiếu thảo của con cái đối với các bậc sanh thành. Với con trẻ nói chung, hiếu thảo với cha mẹ có thể gói gọn trong bốn chữ: quan tâm đúng lúc.

Bát nước xoài của Rahula sẽ không nhiều ý nghĩa nếu như mẹ của Tôn giả không bị bệnh khó tiêu; chén cơm đầy của ngài Mục Kiền Liên sẽ không được lưu vào sử sách, nếu như mẹ ngài không sanh vào hàng quỷ đói. Quan tâm đúng lúc là con cái đáp ứng và thực hiện đúng yêu cầu của cha mẹ. Vì lẽ, các bậc cha mẹ xây dựng những chuẩn mực hiếu thảo hoàn toàn khác nhau. Với đứa con này thì chỉ cần sống có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình đã là hiếu thảo; với người kia thì đừng bê bết rượu chè là đã có hiếu lắm rồi. Không phải tất cả mọi nỗ lực phụng hiến cho cha mẹ bằng phẩm vật cao sang đều được xem là báo hiếu. Thể hiện tình thương với cha mẹ bằng khả năng và điều kiện của mình, trong những hoàn cảnh phù hợp, là những gợi ý tham khảo từ cách báo hiếu riêng có của Tôn giả Rahula.

Chú thích:

1. Maha Vagga,tập 1, chương Trọng yếu, Tụng phẩm thứ 9, Việc xuất gia Sa-di La Hầu La
2. Sách đã dẫn
3.KinhTiểu bộ,tập IV, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện con nai có ba cử chỉ, số 16
4. Kinh đã dẫn
5. Bikkhu Vibhanga 2, chương Pacittiya, Ưng đối trị, điều học thứ 5, đoạn 289
6. KinhTrung bộ,tập 2, Kinh giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala, số 61
7. KinhTrung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La Hầu La, số 62
8. Hoóc-môn do tuyến thượng thận tiết ra, làm tăng nhịp tim và huyết áp
9. Kinh Tương ưng, tập 2, chương 7, Tương ưng Rahula
10. Kinh Trung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La Hầu La,số 62
11. Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu, phẩm Tham ái thứ 24, Ma vương chẳng nhát được La Hầu La.
12. KinhTiểu bộ, tập VI, chuyện Tiền thân Đức Phật,Chuyện trái xoài chính trung, số 281
13. Kinh đã dẫn
14. KinhTiểu bộ,tập VI, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện vua quạ Supatta, số 292
15. KinhTương ưng, tập 2, chương 7, Tương ưng Rahula, kinh Tùy miên

Chúc Phú
Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2012(Xem: 11564)
Guru Rinpoche tuyên bố với Jomo Shedron rằng việc trì tụng lời cầu nguyện này cũng ngang bằng với việc trì tụng toàn thể Bài Trì tụng Hồng danh Đức Văn Thù.
27/05/2012(Xem: 8611)
Mục đích của việc cúng dường mạn-đà-la là xua tan sự bám chấp vào cái tôi và bất cứ kiểu thái độ quan niệm nào mà bám vào thứ gì đó như là của ai đó.
26/05/2012(Xem: 7871)
Khi trí tuệ được thắp sáng, bóng tối vô minh nhiều kiếp liền được xua tan, cuộc đời hết tối tăm, cho người người đều được hưởng trọn niềm vô biên phúc lạc.
26/05/2012(Xem: 8676)
Căn cứ trên khái niệm về Tính không nghĩa là Quang Minh khách thể, và cũng căn cứ khái niệm về Quang Minh chủ thể, chúng ta cố gắng phát triển một sự lí hội thông hiểu...
26/05/2012(Xem: 7597)
Đạo sư đại diện cho sự khuyến khích của sự thật; ngài đại diện cho sự kết tinh của lực gia trì, từ bi và trí tuệ của chư Phật và mọi Đạo sư.
25/05/2012(Xem: 9915)
Chọn pháp môn Tịnh Độ Tông, niệm Phật cầu vãnh sanh Tịnh Độ... Tâm Tịnh
25/05/2012(Xem: 9820)
Đây là một vùng đất huyền bí và diệu kỳ nhất trên thế giới. Trên rìa của Hy Mã Lạp Sơn, trên góc cạnh sâu kín nhất của Ấn Độ, tôi đã du hành nửa vòng trái đất để đến nơi này, đến nơi trú ngụ của một bậc hiền nhân được cho là hóa thân của Đức Phật, Đức Thánh Thiện Đạt Lai Lạt Ma.
20/05/2012(Xem: 8274)
Nói đến chùa, không thể không nhắc đến Huế. Cố đô là nơi có mật độ chùa chiền thuộc loại cao nhất Việt Nam với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Lần nào đến Huế tôi cũng đến thăm, lễ Phật và thưởng ngoạn tại ít nhất là 1 ngôi chùa.
20/05/2012(Xem: 9378)
Tháng trước tôi đến dự đám giỗ bố của một người bạn tại ngoại ô thủ đô Hà Nội. Tôi thật bất ngờ khi ở đây có phong tục ăn thịt chó vào ngày giỗ. Mô Phật! Hơn thế nữa, cả nhà lại trực tiếp giết thịt chó tại nhà, tức trực tiếp sát sinh chứ không phải đi mua ngoài chợ. Mô Phật! Đặc biệt hơn cả là chủ nhà giết chính con chó thân yêu mà họ nuôi bấy lâu nay. Thật hết chỗ nói!
20/05/2012(Xem: 9595)
Đại Hội được tổ chức tại Chùa Cổ Lâm - Seattle, ngày 10-12/8/2012 do HT Thích Nguyên An làm trưởng ban tổ chức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]