Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thể và dụng của tâm

04/07/201214:06(Xem: 9484)
Thể và dụng của tâm
THỂVÀ DỤNG CỦA TÂM
Nguyễn Thế Đăng

Tất cả chúng ta đều đang sống với tâm và bằng tâm. Tùy theo chất lượng của tâm mà chúng ta có đời sống như thế nào. Nếu tâm nặng nề, hạn hẹp, ô nhiễm thì cuộc đời của chúng ta hẳn ở những cấp độ thấp, nhiều khổ đau; tâm nhẹ nhàng, rộng lớn, trong sáng thì cuộc đời của chúng ta ở những cấp độ cao, nhiều hạnh phúc. Thế nên chúng ta phải hiểu biết, kinh nghiệm tâm ở những chiều cao rộng nhất của nó. Đó chính là mục đích thật sự của đời người.

Thể của tâm

Luận Đại Thừa Khởi Tíncủa ngài Mã Minh nói:

“Thể của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn vô niệm. Nó như hư không, không chỗ nào mà chẳng bao trùm khắp. Pháp giới Một Tướng này tức là Pháp thân bình đẳng của Như Lai, Pháp thân này còn gọi là Bản giác.

Một niệm tương ưng (với thể của tâm), biết rõ được tâm vô minh sơ khởi, tâm không còn tướng sơ khởi của vô minh. Vì xa lìa vọng niệm vi tế nên thấy được bản tánh của tâm. Chứng được tâm vốn thường trụ gọi là Cứu cánh giác.

Bởi thế trong Khế Kinh nói rằng: ‘Nếu chúng sanh quán vô niệm thì chúng sanh đó đã hướng về trí Phật’”.

Thể của tâm, hay bản tánh của tâm, vốn là vô niệm, nghĩa là không có tư tưởng phân biệt, chia cắt, không có vọng tưởng. Vì vô niệm, nó là thanh tịnh, các tư tưởng không thể đạt đến và phá hư bản tánh của tâm. Trong nghĩa đó, nó không thể bị nhiễm ô bởi những tư tưởng. Nó còn được gọi là Pháp thân, Bản giác, Chân Như, Phật tánh…

“Tâm này từ xưa đến nay, tự tánh vốn thanh tịnh. Chân tâm thì vốn không có phân biệt. Nhưng bởi có vô minh nên có tâm nhiễm ô. Tuy có tâm nhiễm ô, nhưng bản tánh của tâm vẫn thường hằng bất biến. Bởi thế chỉ Đức Phật mới thấu rõ nghĩa này. Bản tánh của tâm thường vô niệm nên gọi là bất biến”.

Tóm lại, thể của tâm hay bản tánh của tâm là tánh Không. Nói theo sự lập tông của Lục Tổ Huệ Năng, nó là Vô niệm, Vô tướng, và Vô trụ.

Nhưng nó không phải là một cái không có gì cả, một cái hư không vô tri; Luận Đại Thừa Khởi Tínví nó như tấm gương sáng và có đủ tất cả các công đức:

“Lại nữa, tự thể và tự tướng của tâm Chân Như, ở nơi tất cả các phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, chư Phật, từ xưa đến nay chưa hề tăng giảm, chẳng phải trước kia thì sanh, về sau thì diệt. Nó rốt ráo thường hằng như vậy. Từ xưa nay, tánh Chân Như vốn tự sẳn đủ tất cả công đức. Như là:

  1. Đại trí huệ quang minh
  2. Chiếu soi khắp pháp giới
  3. Chân thật rõ biết
  4. Tự tánh của tâm vốn thanh tịnh
  5. Thường, Lạc, Ngã, Tịnh
  6. Tự tại trong mát không biến đổi”.

Thể của tâm, hay bản tánh của tâm, vốn vô niệm, các tư tưởng không thể làm nhiễm ô, biến chất nó được. Cái vốn giải thoát đó có sẵn và đầy đủ nơi mỗi chúng ta. Hiện giờ chúng ta đang có nó, đây là Nền Tảng cho mọi sự thực hành của chúng ta.

Tất cả các pháp tu, dù đó là Chỉ, Quán, Chỉ Quán song tu, mọi hạnh cho đến niệm Phật, trì chú, quán tưởng Bổn tôn… đều y cứ vào Nền Tảng này. Đó là Đại thừa.

Dụng của tâm

Dụng của tâm là những tư tưởng, những xúc cảm đang khởi lên của chúng ta. Dụng của tâm là mọi biểu lộ của tâm thành tư tưởng, xúc cảm… có thể cảm nghiệm được. Chỉ tiếc rằng những tư tưởng, xúc cảm ấy đều bị nhiễm ô, đều bị “cái ta và cái của ta” pha trộn đủ thứ màu sắc thương ghét, đều bị vô minh làm hôn ám, méo mó, đông cứng, tê liệt. Chính những cái làm cho nhiễm ô, méo mó này khiến chúng ta đau khổ và lạc lõng trong sanh tử. Thật ra, cái trói buộc chúng ta chính là những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó của chúng ta. Sanh tử chính là những tư tưởng và xúc cảm bị méo mó của chúng ta, chứ bản thân sanh tử không hề có.

Thế nên, chúng ta phải chuyển hóa chúng, tịnh hóa chúng khỏi bị nhiễm ô, đưa chúng trở lại thật thể và thật dụng của nó. Nói theo hệ thống Duy Thức, sự chuyển hóa ấy là: A-lại-da thức chuyển thành (hay chuyển trở về, chuyển lại) Đại viên cảnh trí, Mạt-na-thức chấp ngã chuyển thành Bình đẳng tánh trí, ý thức phân biệt chuyển thành Diệu quan sát trí, và năm thức giác quan chuyển thành Thành sở tác trí. Đây là sự chuyển giả về chân, chuyển vọng về thật… của Đại thừa. Nền tảng và kết quả của sự chuyển hóa này y cứ trên sự thật là thể và dụng chỉ là một, như sóng và nước đại dương là một, như bóng trong gương và gương là một.

Ai cũng có dụng của tâm, phàm cũng như thánh. Nhưng không biết (vô minh) dụng ấy của tâm sẽ đưa chúng ta vào sanh tử khổ đau. Còn tịnh hóa được nhiễm ô, thấu rõ được, thì những dụng của tâm ấy sẽ đưa chúng ta trở lại thật tướng của sanh tử là Niết-bàn an lạc.

Về thật dụng của tâm, Luận Khởi Tínnói:

“Thể và tướng (hay dụng) của tánh giác này đồng như hư không, giống như tấm gương sáng sạch.

Gương này có nghĩa Như Thật Bất Không, tất cả cảnh giới thế gian đều hiện trong đó, chẳng ra chẳng vào, không mất không hoại. Đó là Nhất Tâm thường trụ, trong đó tất cả các pháp chính là thật tánh vậy”.

“Tất cả cảnh giới, từ xưa đến nay, vốn là Nhất Tâm, lìa tất cả mọi tưởng niệm. Chỉ vì chúng sanh mê vọng thấy ra cảnh giới, cho nên tâm có phân biệt, chia cắt. Vì vọng khởi các tưởng niệm, chẳng tương ưng với pháp tánh, nên mê mờ chẳng thể thấu hiểu rõ ràng.

Chư Phật Như Lai đã lìa mọi cái thấy, mọi tưởng, nên tâm không chỗ nào không hiện diện. Tâm chân thật ấy là tánh của tất cả các pháp. Tự thể chiếu soi rõ suốt tất cả các pháp, có đại trí dụng vô lượng phương tiện, tùy chúng sanh hợp với chỗ hiểu nào đều có thể khai thị mọi nghĩa của Pháp, cho nên được gọi là Nhất thiết chủng trí”.

Cũng một thể và dụng của Nhất Tâm, nhưng chúng sanh thì biết một cách sai lầm, sử dụng một cách sai lầm, mà càng lúc càng lạc xa khỏi thật tánh của tất cả các pháp chính là Nhất Tâm ấy.

“Thế nên, tất cả chúng sanh không được gọi là Giác, bởi vì từ xưa đến giờ niệm niệm tương tục, chưa từng lìa niệm, đó gọi là vô minh vô thủy.

Nếu được vô niệm thì biết tướng sanh trụ dị diệt của tâm (của các niệm) đồng với vô niệm. Thật ra bản giác vô niệm này không khác với thủy giác. Chỉ do bốn tướng sanh trụ dị diệt cùng lúc nương nhau mà có, đều không tự lập (đều vô tự tánh). Tâm (vô niệm hay hữu niệm) xưa nay vốn bình đẳng, đồng một tánh Giác”.

Niệm sanh trụ dị diệt đều duyên sanh vô tự tánh, thấy được sự vô tự tánh của tất cả các niệm thì ngay đó niệm vốn giải thoát.

Nói cách khác, niệm sanh trụ dị diệt đồng với vô niệm, niệm đồng với vô niệm thì niệm vốn giải thoát.

“Tất cả các pháp đều từ tâm mà khởi, từ vọng tâm mà sanh. Thế nên tất cả phân biệt là phân biệt trong tâm và của tâm. Nhưng tâm thì không thể thấy, không có hình tướng gì để có thể đắc. Phải biết tất cả cảnh giới của thế gian đều do vọng tâm vô minh của chúng sanh mà tồn tại. Thế nên tất cả pháp, như bóng trong gương, không có thật thể để đắc, chỉ là tâm hư vọng. Tâm sanh thì mọi thứ pháp sanh, tâm diệt thì mọi thứ pháp diệt”.

Tất cả tướng và tưởng là do phân biệt sanh, sự vọng sanh này là của tâm và ở trong tâm. Nhưng tâm “không có tướng gì để đắc”, nên tất cả các tướng và tưởng cũng không có tướng gì để đắc. Tâm vô tự tánh, vô tướng nên tất cả các tướng và tưởng, dù chân hay dù vọng, là vô tự tánh và vô tướng, nghĩa là chúng vốn giải thoát.

Tâm sanh thì mọi thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Nhưng tâm vốn là vô sanh, nên các tướng và tưởng cũng là vô sanh. Thể của tâm vốn là giải thoát, thế nên dụng của tâm cũng vốn là giải thoát.

Như vậy, những pháp môn của Phật giáo, dù chỉ, quán, chỉ quán song tu hay các Ba-la-mật, các hạnh, các thực hành khác… đều nhằm mục đích thấy được thật thể và thật dụng của tâm, hay dùng một thuật ngữ khác, thấy cho được thật tánh và thật tướng của tâm. Chính cái thấy này đưa chúng ta đến giải thoát và giác ngộ.

Về vấn đề này, Guru Padmasambhava, trong bối cảnh của Đại Toàn Thiện (Dzogchen), thừa cao nhất trong hệ thống Mật giáo của ngài, đã nói như sau:

Quả thật, bản tánh của tâm thì trống không và không có nền tảng nào cả.
Tự tâm con thì không chất thể như bầu trời trống không.
Chỉ để những tư tưởng ở trong thật tướng của chúng,
Không cố gắng sửa sang chỉnh trị chúng, thế là đủ.
Bởi vì sự sanh khởi của những tư tưởng và sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời.
Những hình tướng trống không trong chính chúng, trở nên tự giải thoát:
Tịnh quang và tánh Không bất khả phân là Pháp thân.
Bản thân những hình tướng thì không có lầm lỗi, nhưng do bởi sự bám níu của con vào chúng, mà có những lầm lỗi.
Nhưng nếu con biết rằng những tư tưởng bám lấy sự vật ấy là tâm, bấy giờ chúng sẽ được giải thoát bởi tự chúng
Mọi sự xuất hiện chỉ là một biểu lộ của tâm.
Quả thật tất cả những hình tướng xuất hiện được giải thoát vào thực tánh của chúng.
Giống như những đám mây trong bầu trời là tự phát sanh và tự giải thoát.
Giống như những làn sóng và nước đại dương không phải là hai.
Bất cứ những tư tưởng nào sanh khởi đều được giải thoát vào trong trạng thái vô niệm tự nhiên của tâm.

(Self-liberation through seeing with Naked Awareness,
Tự giải thoát qua sự thấy với tánh Giác trần trụi, của Padmasambhava, Vajranatha dịch, Snow Lion 2000).

Chính vì sự bám giữ của chúng ta vào các hình tướng, không để cho chúng theo như bản chất của chúng là tự giải thoát vào trong thật tánh của chúng, mà có ra sanh tử đối với chúng ta. Chính vì không để cho những tư tưởng y như chúng là, như những làn sóng vốn là nước và có sanh có diệt cũng chỉ là nước. Thậm chí sự sanh khởi của chúng và sự diệt, sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời. Chính vì không để cho những đám mây tư tưởng tự giải thoát, tự tan biến trong bầu trời của tâm, mà cứ cố gắng sửa chữa chỉnh trị hay phá tan chúng mà những đám mây vốn vô tự tánh trở thành có thực, từ đó sanh tử trở thành có thực.

Một cách cụ thể, nếu chúng ta luôn luôn an trụ trong bầu trời của tâm, những đám mây tư tưởng sẽ tự chúng giải thoát, sẽ tự tan biến vào trong bản chất của chính chúng là bầu trời.

Vì không tin, không trực tiếp thể nghiệm, cho nên không thấy thể của tâm vốn là vô niệm, như bầu trời trong sáng mà không một đám mây tư tưởng nào làm nhiễm ô được, che lấp được, nên chúng ta không sống được Bản giác hay Pháp thân vốn thường trụ tại đây và bây giờ của chúng ta. Vì không tin cho nên không thấy dụng của tâm là những tư tưởng mà “sự sanh trụ dị diệt của chúng đồng với vô niệm”, nghĩa là vốn tự giải thoát, như những đám mây tự sanh tự diệt trong bầu trời, thế nên chúng ta không sống được cái dụng thanh tịnh của tâm: “tâm định hay không định, có tướng hay không tướng, xưa nay vốn bình đẳng, đồng một tánh giác”.

Thể của tâm là tánh Không, dụng của tâm là sắc thọ tưởng hành thức. Trong thật tướng, dụng và thể là một, “sắc tức thị Không”, “thức tức là Trí”. Nếu không có dụng của tâm là sắc, nếu không có sắc thì không có gì để học hiểu Không và để Không có thể hiển bày với chúng ta. Nếu không có dụng của tâm là thức thì không có gì để thấy Không, hay Trí. Nếu không có bóng (trong gương) thì không có gì để gương tự hiển bày. Nếu không có sóng thì cũng khó có thể thấy nước của đại dương.

Cái đầu tiên của số phận con người là kinh nghiệm sanh tử và cũng chính sanh tử là cái trói buộc con người làm con người luân hồi liên tục không dứt. Nhưng cũng nhờ chính sanh tử mà con người có thể nhìn thấy thật tướng của sanh tử là Niết-bàn, và do đó có tự do giải thoát.

Người theo Đại thừa không vội vã bỏ cái dụng của tâm, không vội vàng bỏ chạy khi thấy con rắn, mà thực ra chỉ là sợi dây thừng. Người ấy thực hành để dần dần nhìn ra thể của dụng, thật tánh và thật tướng của dụng, và do đó sử dụng cái dụng này đúng đắn hơn, rõ biết thật tướng của dụng, để từ đó mà có tự giác, giác tha. Khi ấy dụng của tâm chính là cái mà Đại thừa gọi là “phương tiện thiện xảo”.

Chúng ta trở lại với Thiền tông Việt Nam mà cốt lõi của nó là rõ tâm: “cốt chỉ rõ tâm” (Trần Thái Tông, Phổ khuyến phát Bồ-đề tâm).

Về thể và dụng của tâm, chúng ta chỉ trích đoạn đầu trong bài Phật Tâm cacủa Huệ Trung thượng sĩ:

Phật! Phật! Phật! Không thể thấy!
Tâm! Tâm! Tâm! Không thể thuyết!
Nếu tâm sanh, đó tức Phật sanh
Nếu Phật diệt, đó tức tâm diệt
Diệt tâm còn Phật làm sao có
Diệt Phật còn tâm bao giờ xong
Muốn biết tâm Phật, tâm diệt sanh
Hãy chờ mai sau Di Lặc quyết.
Xưa không tâm
Nay không Phật
Phàm thánh trời người như ánh chớp
Thể tâm không thị cũng không phi
Tánh Phật chẳng hư cũng chẳng thực
Bỗng nhiên khởi
Bỗng nhiên dừng
Qua lại xưa nay giả vòng vo
Đâu chỉ thừa tổ tông mai một
Lại khiến yêu ma loạn trong nhà.
Muốn cầu tâm
Chớ ngoài tìm
Bản thể như nhiên tự không tịch
Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông
Phiền não Bồ-đề không đối địch.
Tâm tức Phật
Phật tức tâm
Diệu chỉ linh minh suốt cổ kim
Xuân đến tự là hoa cười mỉm
Thu về đâu chẳng nước thu trong
Bỏ vọng tâm
Giữ chân tánh
Như người bỏ gương mà tìm bóng
Nào hay bóng hiện ở trong gương
Chẳng biết vọng từ trong chân hiện
Vọng đến không thực cũng không hư
Gương nhận không tà cũng không chánh…

Văn Hóa Phật Giáo số 153

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/05/2016(Xem: 17964)
Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam là câu chuyện được bàn tán khắp nơi trong những ngày này. Người dân Việt Nam muốn được tận mắt gặp gỡ và chứng kiến sự hiện diện của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Và mỗi người ấn tượng về ông một cách khác nhau. Cá nhân tôi rất xúc động khi được nghe Tổng thống Obama trực tiếp thốt ra từ chính ông về người thầy của tôi, về Thiền sư Thích Nhất Hạnh người Việt của chúng ta: “In true dialogue both sides are willing to change” tạm dịch ra tiếng việt là “Chỉ có những đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên sẵn sàng thay đổi”. Những lời thú vị này được người đứng đầu nước Mỹ nói ra hôm nay tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trong buổi nói chuyện với giới trí thức và học sinh, sinh viên Thủ đô Hà Nội.
21/05/2016(Xem: 7201)
Trước ngày Phật Đản, chúng tôi được chị Hải Âu mời đến nhà. Chúng tôi (nhất là mấy cô đồng nghiệp) luôn luôn thích đến đây. Ngày trước, tôi cứ nghĩ các bạn ấy muốn đến chơi bởi được chị Hải Âu chiều chuộng: nhà có đủ món ngon, sạch, tươi thậm chí là cao cấp. Bởi chủ nhà dễ tính, chiều khách, sống yêu đời. Bởi không khí của ngôi nhà nhỏ rất thoáng đãng, dễ chịu. Bởi được ngắm nhiều thức, đọc nhiều sách ở đây… Tuy nhiên lần này tôi mới phát hiện ra thêm rằng không chỉ có vậy.
21/05/2016(Xem: 12505)
Nam mô A Di Đà Phật, Là đệ tử Phật, ngày đêm con vẫn luôn cố gắng tụng niệm thực hành lời dạy của Phật. Mùa Phật đản năm nay ( Phật lịch năm 2560 ), con xin phép được ghi lại những hiểu biết của con khi tụng niệm Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân.
21/05/2016(Xem: 9516)
Một lần nọ, Tôn giả Xá Lợi Phất cung kính đảnh lễ Đức Phật Thích Ca và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật khắp mười phương, ở cả ba đời quá khứ - hiện tại - vị lai, không ai có trí tuệ và sự chứng đắc siêu việt bằng Thế Tôn”. Đức Phật Thích Ca trả lời: “Này Xá Lợi Phất, đừng nói quá lời như thế. Tất cả chư Phật đều bình đẳng ở trí tuệ, từ bi và hùng lực”.
21/05/2016(Xem: 9253)
Sáng nay trên đường về, vẫn tuyến xe buýt 88 thường khi được chọn. Đến trạm “Cây Xăng - Chung Cư Mười Mẫu” bước xuống, từ bên vệ đường gió thổi bay nhẹ miếng “ăng-sing” cài áo và bản tụng kinh Khánh Đản ai đó làm rơi ( hay liệng bỏ), bay vướng vào vào chân.
19/05/2016(Xem: 31450)
Bắt đầu từ ngày 06 tháng 4 năm 2016, cá biển tự nhiên và cá nuôi lồng bè của ngư dân ven biển chết hàng loạt, bắt nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), lan xuống các tỉnh lân cận (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng…) suốt dọc trên 200 cây số bờ biển. Ngay cả rạn san hô, “nhà ở” của các sinh vật dưới biển, cách bờ biển từ 1-6 hải lý, chạy dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh Quảng Bình, cũng đã bị phá hủy trong các đợt cá chết vừa qua; san hô chết, nhiều sinh vật biển chết theo (theo báo cáo ngày 06.5.2016 của chính quyền địa phương thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
18/05/2016(Xem: 13038)
Lễ Phật đản là một dịp lễ quan trọng với người dân theo đạo Phật, trở thành một nét văn hóa ở nhiều quốc gia, từ Thái Lan, Hàn Quốc, tới Australia.
18/05/2016(Xem: 6935)
Bốn Đại nguyện của giáo lý đại thừa được triển khai trên sự thực hành giáo lý Tứ Diệu Đế. Danh xưng thường đọc tụng là Tứ Hoằng Thệ Nguyện; “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
17/05/2016(Xem: 12171)
Ngày Hoan Hỷ, Tập Văn Kỷ Niệm Khóa Huấn Luyện Trụ Trì năm Đinh Dậu 1957_HT Thích Thiện Hòa
06/05/2016(Xem: 9994)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]