Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hướng Đến Mẫu Số Chung

01/07/201200:49(Xem: 15413)
Hướng Đến Mẫu Số Chung

(Cảm tác nhân đọc bài “Thiền Kitô Giáo” của tác giả Đỗ Trân Duy ở Daminhvn.net)

Ai mong ước trở về Chân-Thiện-Mĩ

Cũng phải vào nguồn tỉnh thức tâm linh

Cần hướng đến mẫu số chung: Vô Ngã

Cần tự tri, cần tu tập, hành thiền

Bao kiến thủ từ vô minh kiên cố

Óc não lập trình khuôn đúc cái “tôi”

Chấp thủ che mờ nhãn quan minh triết

Đạo đức nhân văn khập khiễng giữa đời

Cần hướng đến mẫu số chung: Vô Ngã

Cảm nghiệm cái “tôi” để chuyển hoá tâm

Đời hay đạo, sẽ trở thành mù quáng

Khi chẳng biết mình, điên đảo lăng xăng

Cõi thế gian ngày càng thêm ác nghiệp

Những tôn vinh bất tịnh cứ lan truyền!...

Mừng bạn lữ xiển dương Chân-Thiện-Mĩ

Cùng bên nhau đốt đuốc giữa vô minh.

**********

*“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của

vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc

sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực

có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa

trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.

(Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

*************************************************************************

(Xin gửi kèm theo bài “Thiền Kitô Giáo” và một đoạn trích trong “Thiền Luận” để tham khảo).

THIỀN KITÔ GIÁO

Đỗ Trân Duy

Sơ Lược Lịch Sử Thiền

Người Việt biết thiền qua các dòng tu Phật Đại Thừa và Thiền Tông Trung Hoa. Vì vậy Kitô hữu Việt thường ái ngại khi nói đến thiền vì tin rằng đó là một sản phẩm Phật giáo. Thực ra thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ và đã có trước khi Phật Thích Ca ra đời. Vào thế kỷ III thiền được phổ biến qua Seria và Jordan. Thế kỷ X thiền truyền qua Nhật Bản, Âu Châu và đại lục Sôviết. Đến thế kỷ XVIII hầu hết các nước trên thế giới đều biết đến thiền. Qua những giao thoa văn hóa, thiền biến thái thành nhiều môn phái. Ngay Thiền Tông Trung Hoa, mà người Việt quen thuộc, cũng chia ra nhiều phái, nào Nam Tông, Bắc Tông, Tào Động, Lâm Tế…Vì vậy không thể đưa ra một dạng cụ thể nào làm mẫu mực khi nói về thiền.

“Thiền” theo nguyên ngữ Phạn (Sanskrit) là “dhyana”. Phật Thích Ca đọc theo âm Pali của ngài là “jhana”. Chữ jhana chuyển qua Tạng ngữ là “dzogchen” và qua Hoa ngữ là “ch’an”. Từ “ch’an” chuyển qua Nhật ngữ là “zen” và chuyển qua Việt ngữ là “thiền”. Zen được người Tây phương giữ nguyên chữ zen hoặc dịch là meditation. Chữ meditation (chiêm niệm) đã có từ rất lâu trong ngôn ngữ Thiên Chúa giáo phương Tây. Vì vậy để mặc cho nó một nghĩa mới, nhiều nơi người ta dùng chữ Christian meditation (thiền Kitô). Tóm lại từ “dhyana” trở thành “thiền” là một phiên âm sai lạc qua nhiều chặng đường. Thiền tự chính nó không có bóng dáng một tôn giáo nào.

Chiêm niệm bắt đầu từ thời sơ khai của giáo hội và chỉ dành riêng cho các tu sĩ. Sử có ghi vào thế kỷ III nhiều tu sĩ vào sa mạc để sống đời chiêm niệm. Theo khái niệm chiêm niệm thời cổ, chúng ta hiểu là có gắn bó với thiền. Ngay danh xưng monk (tu sĩ) và monastery (tu viện) đã nói lên thâm ý của các tổ phụ chiêm niệm. Monk và monastery cùng có gốc Hy Lạp “monos” nghĩa là đơn độc. Theo truyền thuyết, đã có nhiều tổ thiền nổi danh như Moses, Poemen, Joseph… Câu nói đầy thiền tính của tổ phụ Moses là: “Hãy về tĩnh tọa trong phòng. Căn phòng sẽ dạy ta mọi sự.” Tuy nhiên những vị tổ này đều sống ẩn tu nên người đời sau không biết nhiều về họ. Một tôn sư được lịch sử nhắc tới là thánh Pantaenus với một cuộc đời đầy huyền thoại. Sử cho biết ngài đã sống ở Ấn Độ và được truyền thụ dhyana. Thánh Pantaenus sau đó truyền dhyana cho đệ tử là thánh Clement. Clement truyền lại cho Origen. Năm 300 thánh Paul lập tu viện ở núi Thebes bên Ai Cập. Thánh Paul là vị ẩn danh nên không để lại vết tích nào. Năm 310 thánh Anthony (250-356) thành lập tu viện trên núi Cairô qui tụ hằng ngàn tu sĩ sống đời chiêm niệm và tu thiền. Atanasius, Giám Mục Alexandria, viết về thánh Anthony như sau: “Ngài đơn độc vào sa mạc ẩn trú trong hốc đá. Cứ 6 tháng ngài đi lấy lương thực một lần. Ngài ở đơn độc như vậy trong nhiều năm để tu luyện cách từ bỏ mình.”

Vào thời trung cổ thiền được giới thiệu cho Kitô hữu bởi giáo sĩ Richard (?-1173). Hiện thời, thiền được phổ biến rộng rãi nhờ công của các linh mục dòng Bênêđíc. Hai tổ thiền nổi tiếng là Thomas Merton (1915-1968) và John Main (1926-1982). Cha Merton, nhà thần học lớn của Công Giáo, có công đào sâu ý niệm về thiền. Cha Main có công dạy về luyện thiền. Trước khi đi tu, John Main đã học thiền với một đạo sư Ấn Độ. Sau khi thụ phong linh mục, Main lập ra 2 đại thiền viện một ở Luân Đôn và một ở Gia Nã Đại. Hiện tại vị kế nghiệp cha Main là cha Laurence Freeman (1951-?). Gần đây Kitô hữu Việt hải ngoại cũng biết tới thiền qua sự giới thiệu của cha Chu Công (1918-2004), Tu Viện Trưởng dòng Tra-pít. Cha Chu Công thụ huấn thiền với thiền sư Nhật Bản Joshu Sasaki Roshi. Ngoài ra những đoản văn ghi những vấn đáp thiền được phiên dịch và phổ biết rộng rãi trong giới Công Giáo. Có lẽ để tránh sự nhạy cảm lạc hướng, danh xưng “thiền sư” hay “guru” được dịch là “minh sư” cho có tính trung hòa. Sự đón nhận thiền của các linh mục đã đánh tan mối dè dặt của Kitô hữu về một kỹ thuật tĩnh tâm rất sống động.

Khái Niệm Thiền

Bất cứ đời sống tâm linh nào cũng phải đi đến giai đoạn tĩnh tâm thiền định. Đó là nhu cầu tâm hồn hòa nhập vào Đại Ngã. Cha Shannon gọi là trở về sống trong vườn địa đàng, nơi ta không còn cái tiểu ngã là gốc phát sinh những phân chia nhị nguyên giả tạo. Thiền không phải là một hệ thống tư tưởng, hay cảm giác, hoặc một nhận thức tâm lý… Vì vậy ta đừng rơi vào cạm bẫy tìm hiểu thiền qua những giảng giải đầy chữ nghĩa. Thiền là một chứng nghiệm sống không thể giảng giải. Khi ta bị đau vì đứt tay. “Đau” là một thực tại sống, không phải là khái niệm. Nếu phân tích “đau là gì?”, ta phải đóng khung nó vào một khái niệm. Đau trở thành một khách thể để suy tư. Nhưng ta không thể kinh nghiệm đau qua suy tư giảng giải. Sự thật đau là đau. Ta và đau là một. Chủ và khách không có. Trong thiền có câu: “Dù nói mãi về đồ ăn cũng không làm ta no bụng”.

Tuy nhiên người ta thường không thể chấp nhận một điều gì đó mà không có tối thiểu một vài khái niệm về nó. Vì vậy người ta đành phải có luận bàn về thiền. Triết gia Descartes nói một câu thâm sâu: “Tôi suy tưởng, vì vậy tôi hiện hữu.” Câu này rất đúng với trí thức, nhưng đối với thiền nó lại hoàn toàn sai. Trong thiền, ta càng suy nghĩ bao nhiêu, ta càng xa chân thân bấy nhiêu. Nếu ta lệ thuộc vào “cái tôi suy tưởng” ta sẽ không thể kinh nghiệm được sự thức tỉnh. Khi ta nói, “tôi hiện hữu” ta bắt buộc phải đẩy Chúa ra ngoài thành một đối tượng. Nhưng bản thể của Chúa là “Ta Là” (I Am) trong trạng thái “đang là” ở mọi nơi và trong hiện tại.

Tại sao trí thức không thể giúp ta ý thức? Ta hãy nhận diện sự diễn tiến của trí thức. Trí thức xác định mỗi vật phải có một vị trí riêng trong không gian và thời gian. Nhờ có khoảng không gian biệt lập này, mà con người có chỗ đứng để nhìn ngắm và suy tưởng về vạn vật. Khi ta nhìn ngắm bông hoa, ta phải đứng ở vị trí của ta và bông hoa phải đứng ở vị trí đối lập với ta. Ta là ta. Bông hoa là bông hoa. Như vậy luôn luôn có hai thế đứng: chủ và khách. Sự biện biệt này là cách đánh lừa rất sâu sắc của trí thức. Nó sẽ dẫn ta tới những lối bí khó gỡ. Trong đời sống tâm linh, để có thể gọi là “ý thức”, ta với đối tượng phải hòa làm một. Muốn “chứng nghiệm” tâm phải thanh tịnh để không có một ý nào của tri thức lọt vào. Nếu ta phải nương vào khái niệm để biết, ta sẽ luẩn quẩn lạc lối trong khái niệm mà không bao giờ có kinh nghiệm về thực tại. Một cách cụ thể khi thiền ta hãy ngồi im lặng coi như thân xác đã chết dù tâm trí vẫn tỉnh. Ta bỏ lại đàng sau tất cả những gì liên quan đến đời sống trần thế, kể cả thân xác chính ta. Có như vậy ta mới tái sinh vào một thế giới cao đẳng hơn. Khi đó ta đạt thức tỉnh sự hiện hữu “đang là” của Thiên Chúa.

Theo Đạo học Đông Phương, tâm là một bản thể tĩnh lặng. Tâm như bầu trời là một khoảng trống mênh mông, không màu sắc, không tiếng động, không quá khứ, không tương lai. Trong khi đó tư tưởng như những đám mây vần vũ, luôn luôn di chuyển, thay hình đổi dạng, và che khuất bầu trời. Người chứa đầy tư tưởng trong trí óc cũng như bầu trời bị mây phủ dầy đặc. Như vậy tâm vốn an tịnh, mọi rắc rối đều bởi trí óc mà ra. Chúng là tiến trình của những chuỗi tư tưởng đến rồi đi. Do đó tư tưởng chỉ là cái nhất thời. Chúng không phải là ta, nhưng là những kẻ bên ngoài tới rồi đi như những vị khách. Ta đón nhận chúng, khách tốt lẫn khách xấu, nhưng không thay đổi vị thế chủ nhà của mình. Có nghĩa là trí biến dịch nhưng ta vẫn tồn tại ở đây với tâm thanh khiết và đơn thuần. Vén mây để nhìn vào bầu trời, đặc ngữ thiền gọi là “quán tâm” (nhìn vào nội tâm). Nhìn ra sự thanh khiết của bầu trời (tâm) gọi là “ngộ” (trực giác biết không qua trí thức). Muốn nhìn vào bên trong tâm, đơn giản chỉ là ngồi im lặng gạt bỏ mọi tạp niệm, tức ngồi thiền. Thiền là đẩy những đám mây mù đặc để bầu trời (tâm) yên tĩnh hiện ra.

Một số nhà tư tưởng Công Giáo giải thích thiền là dạng cầu nguyện tập trung (centering prayer). Cầu nguyện tập trung là đặt tất cả ý thức sự hiện hữu của mình an trú trong thời điểm hiện tại với Chúa. Cha Chu Công nói: “Ta không tìm bình an, không tìm giác ngộ, không tìm gì cho mình… Chúa là tất cả của giờ cầu nguyện.” Cha Merton cho rằng: cầu nguyện không phải chỉ là đứng trước Thiên Chúa để nói một điều gì, nhưng còn là để “kinh nghiệm niềm vui cuộc sống trong sự hiện diện của Ngài”.

Thiền là ngồi “cầu nguyện” nhưng không đọc kinh, không suy ngẫm, không chiêm niệm, và không tư tưởng. Ta không có ý cầu nguyện bất cứ điều gì, dù là cầu nguyện với Thiên Chúa. Ta cũng không hy vọng bất cứ điều gì xảy ra, dù là hy vọng vào Thiên Chúa. Ta đóng lại mọi giác quan, mọi xúc cảm, mọi suy nghĩ, mọi lo lắng, mọi ràng buộc, để chìm vào cõi im lặng của hư vô. Khi Thiên Chúa sinh ra con người, Thiên Chúa thở hơi vào xác phàm của con người. Xác phàm trở thành mạng sống vì hơi thở của Thiên Chúa là Thần Khí ban sự sống. Vậy trong thiền, ta chỉ nên ngồi im lặng mà hít thở. Ta hòa tan hữu thể với Thần Khí ban sự sống. Thiền không phải là việc làm của “trí thông minh”, nhưng là thời gian của đức tin và lòng khiêm nhường. Tất cả mọi ý thức của ta tập trung hoàn toàn trong ý thức “đang im lặng trong niềm tin”. Các thần học gia gọi phương thế giữ mình trong im lặng là sự an trú trong tình yêu của Thiên Chúa.

Yếu quyết của thiền là giải phóng mọi ràng buộc để mình là chính mình. Giải phóng là buông xả mọi xiềng xích. Nếu ta không buông xả, ta vẫn còn vướng mắc trong một khuôn mẫu chật hẹp nào đó. Mọi khuôn mẫu đều bị giới hạn trong vòng kiểm soát của trí óc. Chưa buông xả, ta chưa đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Hãy hủy bỏ mọi tư tưởng. Hãy hoàn toàn tĩnh lặng để tâm hồn chìm sâu vào hư vô, nơi Thiên Chúa hiện diện.

Thiền Kitô

Nói cụ thể thiền Kitô chính là dạng thiền của Đông Phương phối hợp với lối chiêm niệm của các ẩn sĩ Kitô giáo trong thế kỷ III. Linh hồn Kitô hữu phải gặp Chúa của mình. Nhưng “Ai là người sẽ đứng trước mặt Chúa. Ấy là người tay không nhúng tội và trái tim trong sạch” (TV 24:3-4). Thiền là cách giữ tâm thanh tịnh và trong sạch. Chính Chúa đã phán: “Hãy im lặng để biết Ta là Thiên Chúa” (TV 46:10). Thiền là chiêm niệm trong im lặng, là cách cầu nguyện với kinh vô thanh. Merton đưa ra khái niệm về thiền như sau. Vì Thiên Chúa là ánh sáng quá chói chang khiến trí óc và mắt con người chỉ thấy tối tăm. Vì vậy để gặp Người ta phải đi vào bóng tối. Vì Thiên Chúa không thể hiểu qua âm thanh, nên để gặp Người ta phải đi vào cõi im lặng. Vì Thiên Chúa không thể mường tượng trong trí óc, nên muốn gặp Người chúng ta phải đi vào cõi trống không. Tuy nhiên ta vẫn thức tỉnh để trực giác “biết” rằng ta đang hòa vào Thiên Chúa trong hiện tại vĩnh hằng. Đó là bí quyết thiền.

Yếu tính của tĩnh lặng là gì? Tĩnh lặng nằm bên ngoài thế giới vật lý và những định luật của vũ trụ. Nó hoàn toàn chỉ là sự trống vắng rất đơn sơ giản dị. Giản dị đến mức không có gì để nói. Thiền là sống với tín lý “tinh thần nghèo khó” vì khi đó chúng ta không bám víu vào bất cứ giá trị nào của trần thế. Chúng ta thoát khỏi mọi hình thức vị kỷ. Trong tĩnh lặng, lời nói mất hiệu lực, ý niệm không còn ý nghĩa. Ta không còn sợ hãi. Ta không còn khả năng “động”. Ta hoàn toàn an tĩnh. Trong trạng thái tuyệt đối tĩnh lặng vượt khỏi biên giới ngôn ngữ, tư tưởng và ý niệm, ta hoàn toàn khuất phục Thánh Linh. Ta lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa trong sự phó mặc. Rồi “bản thể đích thực” của ta sẽ tự sống dậy. Ta sẽ thấy bản thể thật của mình cũng là bản thể của Thiên Chúa. Lúc ấy tâm linh ta sống trong sự hiện hữu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Đó chính là sự cầu nguyện tuyệt hảo vì khi đó ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Ta thức tỉnh để kinh nghiệm sự hiện hữu của Thiên Chúa và ta hòa nhập trong Người.

Chủ yếu của thiền là chứng nghiệm cá nhân. Tuy nhiên khi thiền ta đừng mong muốn hay cầu nguyện điều gì. Quyền lực của thiền không phải ở lý luận trí thức nhưng ở sự hoàn toàn qui thuận Thiên Chúa. Thomas Merton nhắn nhủ ta rằng: “Không phải chúng ta là người lựa chọn sự thức tỉnh cho mình, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng lựa chọn đánh thức chúng ta.”

Kỹ Thuật Thiền

Như trên đã nói thiền có rất nhiều dạng, nên không thể lấy một dạng nào làm tiêu chuẩn mẫu. Ở đây, để có thể đàm luận một cách cụ thể, tôi xin mượn phép thiền của cha John Main[1]. Bí quyết của thiền là ngồi im lặng, nhưng người ta nghiệm ra, không dễ gì mà giữ im lặng trong trạng thái hoàn toàn có ý thức. Trí óc con người rất giao động. Nó luôn luôn tuôn ra những hình ảnh và tư tưởng lộn xộn. Đàng khác nó cũng rất bén nhạy với tư tưởng và hình ảnh quyến dụ từ bên ngoài. Nó như chiếc lông chim nhẹ, chỉ cần một làn gió thoảng đủ khiến nó bay đi. Vì vậy, cái cốt yếu phải biết trong thiền là kỹ thuật giữ thinh lặng. Các tổ phụ Kitô thiền dậy rằng để giữ thinh lặng, chúng ta phải ngồi giữ lưng thẳng, hơi thở điều hòa, mắt nhắm lim dim, miệng tụng mantra (một câu kinh ngắn), rồi chìm vào hư vô. Cần nói rõ mantra không phải là lời cầu nguyện. Nó chỉ là câu niệm âm thanh để giúp trí óc không chạy vẩn vơ. John Main đã dùng nhóm từ “maranathan” làm câu niệm cho phép thiền của ngài. Sau một thời gian công phu luyện tập, ta đạt tới trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, đặc ngữ thiền gọi là nhập định, khi ấy ta không cần tới mantra nữa. Tuy nhiên không ai biết khi nào ta đạt trình độ này. Nó tự nhiên đến mà không báo trước. Nếu ta mong nó đến, ta đã đi sai đường. Tất cả những gì ta cần phải làm là “Ngồi xuống, giữ thẳng lưng, tụng mantra.” Ngoài ra không kỳ vọng bất cứ một điều gì.

Thêm nữa không phải lúc nào thiền cũng được. Thiền chỉ nên có mỗi ngày hai lần, mỗi lần khoảng từ 20 đến 30 phút vào những giờ giấc nhất định. Vì vấn đề kỹ thuật được nhấn mạnh, nên người ta có khuynh hướng tục hóa nghi thức này. Cuối cùng nó có thể trở thành một loại công phu “Yoga” luyện tập thể chất. Điều này không phải là sai, vì lối “ngồi im lặng” hóa giải được sự căng thẳng của thể xác và làm thư giãn tinh thần. Nhưng nếu ta không ý thức đó là dạng cầu nguyện, nó chẳng mang lại một tiến bộ tâm linh nào cho ta cả.

Vào mỗi buổi sáng và buổi tối, ta hãy tìm một chỗ thanh vắng để thiền. Ta hãy ngồi với tư thế thanh thản, điều quan trọng là phải giữ sống lưng thẳng đứng. Có rất nhiều cách ngồi. Ngồi theo thế tòa sen (kiết già) hai bàn chân bắt chéo đạt lên đùi. Ngồi theo thế bán kiết già, xếp chân nhưng không bắt chéo đặt trên đùi. Ngồi trên ghế. Nếu ngồi trên ghế, tốt hơn đừng dựa lưng vào thành ghế. Tóm lại ngồi cách nào cũng được miễn ta thấy thoải mái. Thế ngồi thẳng lưng đứng tạo sinh lực giúp ta vượt giới hạn của thân và trí để có trạng thái buông xả.

Trước khi thiền ta nên để tâm hồn hoàn toàn buông xả. Kế đó ta tụng câu “Ma-ra-na-tha”. Bốn âm thanh này phát ra đều đặn trong suốt buổi thiền. Ma-ra-na-tha có nghĩa là “lạy Chúa xin hãy đến”. Đây là tiếng Aramiac, ngôn ngữ của Đức Giêsu dùng khi xưa. Cha Main luôn luôn nhắc nhở “Hãy chỉ tụng lời, đừng nghĩ đến nghĩa”. Tụng đơn sơ và thanh khiết như con trẻ.

John main tìm ra phương pháp này qua phương pháp tĩnh tâm của thánh John Cassian (360-435) ở thế kỷ IV. Thánh Cassian cùng bạn là thánh Germanus đi vào sa mạc Ai Cập học đạo với tổ phụ Isaac. Ngài Isaac tiết lộ rằng tất cả những gì ông biết đếu bắt nguồn từ tụng một câu kinh ngắn. Sau đó Isaac dạy cho Cassian lời nguyện với bí quyết: khi tụng kinh hãy buông mình theo hướng Chúa dẫn mình đi. Đừng trói buộc Chúa vào bất cứ một tư tưởng nào.

John Main tâm sự, “Câu mantra của tôi là maranatha. Câu này là lời kinh tối cổ của giáo hội Kitô. Thánh Phaolô kết thư gửi cho tín hữu Côrintô bằng câu ấy. Thánh Gioan kết thúc sách Khải Huyền cũng bằng câu ấy. Maranatha đầy đủ ý nghĩa lại không phải là ngôn ngữ của chúng ta. Vì vậy khi đọc, câu này không gợi ra một hình ảnh hay một tư tưởng nào khuyến khích trí ta suy nghĩ. Tất cả chỉ có âm thanh đều đặn theo nhịp điệu hòa hợp với hơi thở.”

Mục đích của thiền là giúp chúng ta cởi bỏ những gì thuộc thế giới ảo ảnh, vén tấm màn che dấu để năng lực sống của Thiên Chúa truyền vào chúng ta. Hữu thể của ta đã nối kết với Thượng Đế ở một nơi ngoài tầm của ngôn ngữ, của lý trí và của những thực thể. Thiền không phải là làm một việc gì. Không phải là tu luyện để trở thành một nhân vật khác. Thiền là trở thành chính mình: sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian “tu thân” chúng ta mới hiểu ích lợi của thiền. Như kho tàng dấu trong ruộng, bản tính đạo đức ẩn khuất từ từ khai triển và mở ra. Chẳng hạn ta tự nhiên có lòng bác ái, điều mà ta đã cố gắng lập đức từ lâu mà không sao thể hiện được. Sự diễn biến xảy ra rất tự nhiên trong khi ta không biết tại sao. Chính Thiên Chúa đã thanh lọc tâm hồn ta trong những lần ta đến an trú trong Người. Vào mỗi buổi sáng, sau khi chìm trong thiền định, sự thanh tịnh tồn tại bao phủ tâm hồn ta suốt cả ngày. Mọi việc tầm thường ta làm trong ngày đều có ý nghĩa hơn, vì ta có cảm nhận Thiên Chúa đứng đàng sau mọi việc.

(Website Daminhvn.net)

****************

THIỀN LUẬN-Quyển Thượng

Tác giả:Daisetz Teitaro Suzuki
Dịch giả:Trúc Thiên

Luận sáu

THIỀN PHÁP THỰC TẬP

(…..)

I. TỔNG QUAN

Thiền, theo thiển ý, là chỗ quy thúc cuối cùng của mọi triết học và tôn giáo. Tất cả cố gắng tinh thần phải thúc kết tại đó, hoặc phát ra từ đó, nếu muốn có được bất cứ kết quả cụ thể nào. Tất cả tín ngưỡng đạo giáo phải trào ra từ đó nếu muốn chứng tỏ có hiệu năng và sinh lực tác động vào sinh hoạt của chúng ta. Vậy, Thiền phải đâu là nguồn nước riêng tư cho tư tưởng sinh hoạt Phật giáo; nguồn Thiền cũng rất dồi dào trong Công giáo, Hồi giáo, Lão giáo, và cả trong Khổng giáo duy thực nữa. Tất cả những tôn giáo và triết học ấy, sở dĩ đầy khởi sắc và sinh lực, sở dĩ giữ được tinh thần giúp ích đầy hiệu năng, vì trong đó có cái tôi gọi là yếu tố thiền. Nếu chỉ bằng vào triết lý kinh viện suông, hoặc nghi thức hành đạo suông, chắc chắn không bao giờ gây được một lòng tin sống động. Tôn giáo đòi hỏi đến cái gì kích động tự bên trong mới có đủ nội lực để hành động và tác động. Tri thức vẫn có chỗ dùng trong phạm vi của nó, nhưng nếu nó muốn bao trùm luôn miếng đất tôn giáo ắt cuộc sống phải cạn nguồn. Còn tình cảm, cũng như tín ngưỡng suông, bởi mù quáng, nên gặp gì nắm lấy, chấp làm cái thực cứu cánh. Sự cuồng tín vẫn đầy sinh lực thật đấy, bởi nặng bổn chất bạo phát, dễ nổ, nhưng đó không phải là tôn giáo chân chánh, nên hậu quả khó tránh là dễ gây sụp đổ cho toàn thể hệ thống, chưa nói đến vận mạng của chính nó. Thiền là cái đưa đạo tâm vào con đường chánh, và đem sinh khí đến cho trí thức.

Sở dĩ vậy vì Thiền đem đến cho con người một cái nhìn mới phóng vào sự vật, một cách thưởng thức mới cái chân thiện mỹ của vũ trụ và nhân sinh, phát minh một nguồn tinh lực mới tự tầng sâu thẳm nhất của tâm thức, và tạo ra một cảm giác sung mãn và tự tại ở con người. Nói một cách khác, Thiền tạo phép lạ bằng cách khám phá toàn bộ then máy sinh hoạt nội tâm, và mở rộng ra cả một thế giới từ trước chưa hề mơ tưởng đến. Đó có thể gọi là một cuộc phục sinh. Và dầu rằng chủ trương đối lập hẳn với tri thức luận giải Thiền lại có khuynh hướng đề cao yếu tố trí giải lên trên tất cả trong toàn bộ then máy cách mạng tâm linh – và như vậy Thiền là Phật giáo vậy. Đúng ra ta nên nói Thiền sử dụng ngôn cú của triết học lý giải.

Trong Thiền Tông, yếu tố tình cảm hẳn là không bật nổi như trong Tịnh Độ Tông, pháp môn chủ trương lòng tin là tất cả. Thiền, trái lại, nhấn mạnh hơn ở cái thấy (kiến) hoặc cái biết (tri) - cố nhiên biết bằng trực giác, chẳng phải bằng luận giải.

(…..)

Sự vật là vậy, tư tưởng là vậy, trong thế giới của tình thức và của khuôn phép luận giải này. Thiền lật đổ kế hoạch tư tưởng ấy, và thay vào một cái mới, trong ấy không có cái hợp lý, mà cũng không có thị phi tư tưởng hai chiều. Vì tập quán cổ truyền nên ta tin vào tư tưởng nhị nguyên đối lập. Tin tưởng ấy có hợp với thực tế không, đó là một vấn đề khác, cần khảo sát riêng. Thường ta không tra hỏi thẳng ở sự vật mà chỉ chấp nhận càn những gì thấm nhuần sẵn trong trí óc ta; vì chấp nhận như thế thì gọn hơn, tiện hơn, và đời ta nhân đó được thoải mái thêm phần nào - nhưng có thật vậy không? Chúng ta ai cũng nặng bản chất bảo thủ không phải vì ta lười, mà chính vì nông nổi ta muốn được an phận thủ thường. Nhưng rồi có lúc cái hợp lý cổ truyền ấy tỏ ra không thật nữa, ấy thế là bắt đầu ta cảm thấy đủ thứ mâu thuẫn và rạn nứt, và cố nhiên đủ thứ khắc khoải ê chề ray rứt tâm hồn ta. Ta đánh mất cái thế an vui tưởng hưởng được khi ta nhắm mắt đi theo những nếp cảm nghĩ ngàn đời. Eckhart nói rằng chúng ta ai cũng tìm đến chỗ nghỉ yên, dầu hữu ý hoặc vô tình, như những cục đá cứ lăn lóc mãi cho đến khi gặp đất. Thật ra niềm yên vui ta tưởng hưởng được trước ngày ta mở mắt trước những mâu thuẫn nằm trong nếp sống luận lý cũng ví như hòn đá tiếp tục rơi xuống đất, không phải là cái yên vui chân thực. Đâu là miếng đất thuần nhất bất nhị (non-dualism) để ta được nghỉ yên trong vui tươi và hạnh phúc? Xin dẫn lại lời Eckhart:

“Có lắm người tưởng rằng ta phải thấy Chúa y như Chúa đứng bên này, còn ta đứng bên kia. Đâu phải vậy. Chúa với tôi chỉ là một trong động tác thấy Chúa của tôi”.

Chính trong cái “chỉ là một” tuyệt đối ấy Thiền đặt căn bản cho đạo pháp.

Khái niệm “chỉ là một” không thuộc độc quyền của Thiền; nhiều tôn giáo, triết học khác cũng giảng chung giáo lý ấy. (…..)

(…..)

(Website: Quangduc.com)

************************************************

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2012(Xem: 7059)
Tuy Ngài đã nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn được lưu truyền mãi trong thế gian như là một con đường đưa chúng ta thoát khỏi sự khổ đau để tìm về bờ giải thoát.
04/05/2012(Xem: 8197)
Nhớ Phật đản là nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc đời ô trược này đã từng hiện sinh một Đức Phật đem tình thương và trí tuệ soi sáng nhân gian...
03/05/2012(Xem: 9381)
Bà Cụ nhà tôi và nhà tôi chuyên tu Tịnh Độ. Mỗi ngày bà cụ ít nhất ba lần công phu niệm Phật. Nhà tôi ít nhất mỗi ngày một lần, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Khi nghe bàn đến chuyện Tịnh Độ thì nhà tôi như rồng gặp mây, thao thao bất tuyệt, cho rằng mình đã đi đúng đường, vì căn cơ thấp nên không thể hành trì thiền quán mà chỉ biết trì danh niệm Phật, tụng kinh bái sám, để một ngày nào đó được vãng sinh vào thế giới Cực Lạc.
02/05/2012(Xem: 7831)
Lớn lên, mang trong mình trái tim thương yêu đạo pháp thiết tha, tôi luôn ghi đậm hình ảnh mùa Phật Đản Phật lịch 2508-1963 đầy tự hào nhưng cũng nhiều hoài vọng...
02/05/2012(Xem: 8824)
Hằng năm, cứ vào dịp đến những ngày tháng tư âm lịch, lòng tôi lại dâng lên một niềm hân hoan khôn tả; niềm vui ấy chính là khoảnh khắc đón chờ đến ngày Phật đản...
02/05/2012(Xem: 11127)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ.
28/04/2012(Xem: 6379)
Lịch sử Phật giáo nói rằng: Vừa sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống rồi nói bài kệ:
28/04/2012(Xem: 8584)
Tôi chỉ muốn nói với cháu rằng, các cháu thật sự là thế hệ mới của thế kỷ 21 này. 11tuổi? Nên tôi nghĩ cháu sinh ra vào lúc bắt đầu của thế kỷ này. Thế hệ của tôi thuộc vào thế kỷ trước. Thế kỷ ấy đã qua rồi. Nên chúng ta đã nói lời chào giả biệt, bye bye. Thế nào đi nữa, tôi nghĩ thế hệ của tôi thuộc thế kỷ đã qua, đã cống hiến nhiều cho thế giới, nhưng cũng gây ra nhiều rắc rối cho nhân loại. Tôi muốn nói với quý vị một điều. Thế kỷ trước đã có nhiều thành tựu kỳ diệu, nhưng cũng là thế kỷ của những cuộc tắm máu. Do vậy, thế kỷ 21, một cách căn bản, logic, đừng có những cuộc tắm máu nữa.
27/04/2012(Xem: 8297)
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề "Phật Giáo nhập môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008), tác giả Fabrice Midal đã dành một chương để trình bày về vấn đềĐạo Đức và các Giới Luật trong Phật Giáo. "Tam giới" hay "ngũ giới"là những gì khá sơ đẳng và "quen thuộc" ít nhất là đối với những ngườitu tập đang bước trên Con Đường, thế nhưng dưới ngòi bút của Fabrice Midalchúng ta cũng sẽ khám phá ra một vài góc nhìn thật mới lạ.
26/04/2012(Xem: 12068)
"Chuyện Tình Của Liên Hoa Hòa Thượng" được phóng tác từ một câu chuyện lịch sử trong quyển "Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong"... Thích Như Điển
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]