Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm tình trong đêm thắp nến nguyện cầu Phật đản

25/04/201201:09(Xem: 9155)
Tâm tình trong đêm thắp nến nguyện cầu Phật đản
phat-dan-sanh-01

Tâm tình
trong đêm thắp nến
nguyện cầu Phật đản

Thích Minh Tuệ


“Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn…”

Tiếng hô chuông trầm hùng thanh thoát ngân lên thâu nhiếp hàng trăm con tim, tâm khảm trong thời khóa “an tọa thiền trung”,chánh niệm và quán tưởng. Đã lâu lắm rồi, hơn cả 15 năm, tôi mới được hòa mình trong không gian trầm lắng, trang nghiêm, thiêng liêng như đêm nay, đêm đốt nến nguyện cầu trong Lễ Hội Phật Đản Quốc Tế PL 2556, Wesminter Mall, Nam Cali, Hoa Kỳ.

Ngồi kề dưới chân tượng đài Đức Thích Tôn, bao nhiêu kỷ niệm, ký ức theo dấu chân xưalại hiện về trong tâm thức. Hoa lá kết trên lễ đài gợi về cảnh đóa hoa vô ưu nở giữa vườn hoa Lâm Tỳ Ni rực rỡ, lôi cuốn bước chân Hoàng Hậu Ma Gia thưởng ngoạn và vườn cỏ trải dài khiến mọi người thoát ra ngoài nhịp điệu hối hả của cuộc sống, trở về hòa hợp với thiên nhiên nhẹ nhàng, thư giãn. Hoa bất diệt nở trên vườn hoa sinh diệt. Hồ nước trong xanh nơi tắm Thái Tử Tất Đạt Đa như đài gương sáng soi bóng người hành hương cho ta biết nên có cuộc “tẩy trần”,rửa sạch bụi đường, “sái tịnh”.Đầu đêm của Mỹ châu là buổi sáng Á Châu. Vào một buổi sáng tháng Tư cách đây hơn 2500 năm, địa cầu tinh tú như ngừng chuyển động, bầu trời trong lành, hoa tươi khoe sắc e ấp, nâng niu đôi chân một bậc vĩ nhân vào cõi đời với bao điềm lành hiển lộ :

“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc,
Ba ngàn thế giới đón như Lai”.

Tôi ngồi lắng nghe hơi thở và chiêm ngưỡng tượng Phật sơ sinh. Hình ảnh Bồ Tát sơ sinh đứng trên quả địa cầu thật có nhiều ý nghĩa: Bồ Tát vào đời với nguyện lực khai sáng cho đời và hoàn thiện Ba La Mật, như “tùng địa dõng xuất”từ trong đất mà bao nhiêu công đức lành nảy sinh ra, thể tánh Như Lai thanh tịnh, sáng suốt, tròn đầy có sẵn nơi mỗi chúng ta cần khai thị ngộ nhập trong hành trình nhân thế, một bậc điều ngự trượng phu, khéo điều phục chế ngự, một bậc khai đường chỉ lối và để lại con đường, mỗi hành giả tích cực nhập, dấn thân vào dòng đời.

Bao nhiêu mùa Phật Đản trôi qua và tuổi đời chồng chất nhưng có thật sự là Ta vững bước giữa cõi đời đầy biến động, nhuần thắm nơi Ta và mang đến cho đời nhiều nội dung Phật chất? Bên cạnh Ngài ta tự thấy mình nhỏ nhoi, tầm thường và đáng hổ thẹn. Ngài có tất cả trong ngai vị quyền quý cao sang, rồi giã từ tất cả vì đạo nghiệp và độ sanh vậy sao ta biết bao nhiêu lần còn ái luyến, chấp ngã, tính toán xây đắp cho bản thân mình từ hình thức này đến hình thức khác, nhiều khi ngụy biện, tự lừa dối bản thân và lừa dối mọi người? Ngài rời xa mọi dục lạc trong hoàn cảnh đầy đủ nhất, tinh tiến tu tập, tầm cầu chân lý, vậy còn ta lười biếng giải đãi, tìm kiếm mọi kẻ hở, cơ hội để có phần hưởng thụ và thỏa mãn? Ngài chịu bao nhiêu hy sinh, gian khổ để tìm ra được Ánh Đạo Vàng và con đường giải thoát, thế còn ta không dốc chí đi theo đường xưa mây trắngcho đến cuối đoạn đưởng, trong khi công việc của chúng ta so với Ngài đã quá nhẹ nhàng, đơn giản, phải vậy không ?!

Kính bạch Như Lai Thế Tôn,

Trong đời con biết bao nhiêu lần con đối diện và tâm tình với Ngài về những tâm tư sâu xa thầm kín nhất trong con mà có những lúc con không biết tâm sự cùng ai. Đã có lúc đời con tưởng như đến bước đường cùng, bất lực trước dòng đời đẩy đưa nghiệt ngã chính Ngài đã hướng con quay về nương tựa, núp bóng từ bi, xuất gia tu học lìa xa phiền não, một phương trời sáng rộng mở. Rồi bao nhiêu lần con băn khoăn lựa chọn giữa việc tịnh tu trên đồi núi, mõ sớm chuông chiều để nguôi ngoai, lắng tan niềm tục luỵ với việc đến nơi đô hội học hành bồi dưỡng, tạo duyên tu học cho bao người khác nhưng oái ăm thay, con tự cảm thấy phiền não trong con cơ hồ tăng dần cho dù kiến thức Phật Pháp của con có vẻ tăng trưởng?! Có lúc con phân vân việc tiếp tục xuất gia hay trở về nếp sống tại gia khi song thân thiếu người phụng dưỡng và hiếu đạo chưa tròn, chính Ngài đã khai thông tư tưởng và rồi nhân duyên xoay chuyển khiến cho con không phải tự trách bổn phận cuộc sống nơi mình mãi mãi. Lúc đầu tiên được viếng thăm Thánh Tích, con đã có những đêm kinh hành, tụng niệm quán tưởng suốt đêm không ngủ quanh Tháp Đại Giác và cội Bồ Đề, đứng tần ngần nhìn đống gạch đổ nát tại Thành Ca Tỳ La Vệ mà nhớ về một thời vang bóng, chợt nhớ đến bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan :

Tạo hóa gây chi cuộc hí truờng
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, ngưòi đây luống đoạn trường.

Có lúc con đã bùi ngùi bật khóc nơi rừng Câu Thi Na trầm tịch trong tiếng xạc xào của Sa La với hình ảnh Như Lai nằm yên thị tịch. Có phải con vô duyên kém phước nên gặp Ngài trong sự trễ tràng, khi Ngài ra đời con đang trôi nổi trầm luân cảnh giới nào? Phải như con được gặp Ngài trọn vẹn, tu học dưới sự bảo ban, dắt dẫn chở che của Ngài thì ắt hẳn con đã không phải nghi ngờ, lui sụt, luôn tìm được nguồn động lực và lời khuyên bảo kịp thời để có thể vượt qua bao nhiêu nghịch cảnh khó khăn, hướng đến mục đích cuối cùng…

Con lại thả tâm tư theo tiếng chuông ngân vang, theo tiếng hô chuông đi qua các miền ký ức và suy tưởng :

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Ngài hẳn nhiên không phải xót xa trăn trở như tâm sự con trải qua cho dù Ngài cũng từng ở trong hoàn cảnh ba lần can gián Lưu Ly Vương tàn sát giòng họ Thích nhưng không thành? Con hiểu nếu chỉ là nước mắt thì không giải quyết được vấn đề, xưa nay nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả và chúng sanh vẫn trôi nổi ngập chìm trong đó.

Máu, nước mắt, đau thương, tang tóc vẫn đang diễn ra hàng ngày khắp nơi trên thế giới: thiên tai, sóng thần, lò nổ hạt nhân, chiến tranh, khủng bố, bạo tàn, bất công, áp bức, dịch bệnh,... Bao vùng trời xám xịt với tham lam, hận thù, tị hiềm, tranh đoạt. Ngay cả trong nội bộ Tăng Đoàn cũng có những biểu hiện của nghi kỵ, chê bai, chia rẽ lẫn nhau. Tại sao Liên Hiệp Quốc vẫn đang trân trọng tổ chức Lễ Vesak, kỷ niệm Đản sanh của Từ Phụ trang nghiêm hoành tráng vào mỗi năm kể từ năm 1999 và được xem như ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới, Phật Giáo được xiển dương giảng dạy trong nhiều đại học khắp thế giới, hàng trí thức không ngớt lời ca tụng, hình ảnh Ngài Đạt Lai Lạt Ma chinh phục biết bao nhiêu trái tim nhân loại thế mà bóng tối si mê, khổ đau, sanh tử lặn hụp vẫn còn nhan nhản và triền miên khắp nẻo đường kiếp sống. Phải chăng biệt nghiệp và cộng nghiệp chúng sanh quá sâu dày, không dễ tháo gỡ một lần cho xong?

Đêm nay đây có được giây phút ngồi lặng yên cùng Tăng Già và Phật Giáo đồ quốc tế, đó là phước duyên hy hữu, lớn lao, trùng trùng duyên khởi, đúc kết từ công sức của bao nhiêu người suốt cả năm trời chuẩn bị và liên tục từng bước tiến hành. Con sâu sắc niệm tưởng tứ trọng ân. Đức chúng như hải, uy lực của đại chúng thật là lớn lao, tự bản thân con đã cảm nhận được thiêng liêng nhiệm mầu trong đêm đốt nến nguyện cầu và tìm thấy bình an hạnh phúc :

Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.

Tâm tình, kỷ niệm thiêng liêng đêm nguyện cầu hôm nay là hạt giống, chất liệu hành trang quý giá, con mang thêm nguồn năng lực vào đời. Con nhận ra rằng Thế Tôn chưa hề rời xa con. Lời dạy Như Lai chợt vọng về : “phụng sự chúng sanh là cúng dường mười phương chư Phật”, “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, “Hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi, hãy tinh tiến lên để giải thoát, Như Lai chỉ là người Thầy dẫn đường”.Gia tài Pháp bảo Như Lai đã trao truyền, lẽ nào con cứ mãi làm kẻ cùng tử và khách phong trần lênh đênh, lạc lối? Nhớ tưởng đến Ngài không phải chỉ biểu hiện nội trong đêm nay mà trải qua từng sát na, hơi thở, nhịp mạch cuộc sống. Mỗi người hãy là một Sứ Giả Như Lai, tinh tấn tu tập hành trì, an trụ trong niềm hạnh phúc chân thật và góp phần cho Từ Quang lan toả, Pháp luân thường chuyển, như tiếng chuông đêm nay cảnh tỉnh xoá tan niềm tục lục, đưa khách trần ai về nẻo giác, làm vơi đi nỗi khổ niềm đau, xây dựng thế giới chân thiện mỹ, giúp cho nhân sinh được an lạc, hòa bình, hạnh phúc, giải thoát. Ngọn nến hôm nay là truyền đăng tục diệm là tuệ đăng thường chiếu, là ánh hào quang khi sao Mai ló dạng, trong đêm thứ 49 của Bồ Tát Tất Đạt Đa dưới cội Bồ Đề, chiếu rọi khắp Đông Tây mãi mãi đến ngàn sau :

Từ Tôn in vết thần chân lý
Sáng rọi thanh xuân vạn cõi lòng.

Cali, đêm thắp nến nguyện cầu, Phật Đản PL 2556

Mời Xem Hình Ảnh Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế PL.2556


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/09/2010(Xem: 7894)
Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có vua Lương Võ Đế rất tin tưởng Phật pháp, song bà Hoàng hậu tên Hy Thị được vua yêu quý nhất thì tánh lại độc ác...
26/09/2010(Xem: 9249)
Từ trong lòng Tánh Không luận đi ra, người ta thử thay đổi các bình diện biểu lộ của nó, rồi qua những gì sẽ đạt được, trong lãnh vực suy lý cũng như trong lãnh vực sinh hoạt thực tế...
26/09/2010(Xem: 8025)
Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau này được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN...
25/09/2010(Xem: 8867)
Tượng Phật là để thờ, tất nhiên: như sự bày tỏ niềm tri ân, tôn kính của người Phật tử. Nhưng không chỉ thế, tượng Phật còn để chiêm ngưỡng: như một lối trang trí...
25/09/2010(Xem: 9716)
Mọi sự mọi vật theo luật vô thường, chuyển biến liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, nhất là chúng thay đổi mau chóng. Con người do không rõ được lẽ vô thường sinh diệt đó...
25/09/2010(Xem: 8431)
Pháp môn Lạy Phật không phải chỉ có các Phật tử thuộc truyền thống Tịnh Độ thực hành, nhưng phương pháp này cũng được các truyền thống khác tu tập.
25/09/2010(Xem: 8384)
Đây là một danh từ rất phổ thông trong chốn thiền môn. Pháp khí là những đồ dùng trong chùa nhưng đúng với Phật Pháp như chuông mõ, khánh, tang đẩu, linh, chung cổ...
25/09/2010(Xem: 18074)
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
24/09/2010(Xem: 11943)
Tronghệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động. Cũngnhư có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâudày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đãchỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau...
24/09/2010(Xem: 9686)
Nghèo khó và thịnh vượng là hai điều kiện khác nhau trong số những sự thực của cuộc sống. Bạn, tôi và những người còn lại trong thế giới này rơi vào một trong hai điều kiện ấy. Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tâm linh. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau. Trước khi bàn đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và thịnh vượng, chúng ta cần biết chính xác về ý nghĩa của hai thuật ngữ này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]