Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Học Phật và nuôi dưỡng tín tâm

04/11/201005:34(Xem: 9956)
Học Phật và nuôi dưỡng tín tâm

labode_2

Ý Niệm Học Phật:

Học Phật không phải học lý thuyết của một bộ môn tư tưởng, cũng không phải cố gắng hoàn tất những pho giáo lý được biện giải bởi những nhà tri thức đa văn và có tài diễn đạt, cũng không phải như những Pháp sư thông làu các tạng kinh, luận và giới luật. Học Phật ta có thể tạm thí dụ như học ngành bác sĩ chuyên khoa, chữa trị bệnh tật có hiệu lực và cứu sống được nhiều người. Học Phật mà không chú trọng việc thực hành theo lời Phật dạy để chuyển hóa phiền não, khổ đau thì chúng ta đã bị rơi vào tình trạng của người học Phật để khoe khoang, biện bác và tự hào trong mớ kiến thức Phật học. Người học Phật như vậy, dù có thông suốt ba tạng kinh điển cũng chỉ uổng phí một đời người, không có lợi ích gì trong mục đích giải thoát đau khổ, không hướng tới sự giác ngộ bản thân, nói chi là hoàn thiện cho kẻ khác. Học Phật như vậy không khác nào một sinh viên học ngành y khoa, trị liệu bệnh tật và săn sóc sức khỏe cho con bệnh mà không ra trường, không có kinh nghiệm, không thành công trong nghề nghiệp.

Mục đích học Phật là để sáng tỏ chân lý và nắm rõ pháp môn để thực hành, giác ngộ chân lý, vượt thoát khổ đau. Giác ngộ chân lý nào? Chân lý về sự khổ, nguyên nhân sự khổ, trạng thái thoát khổ và con đường thoát khổ.

Thông thường ta thấy khổ, nhưng không thấy đích thực nguyên nhân tạo ra nỗi khổ, nên cứ lấy nhân khổ để xây nên sự sống. Ví như sát hại, thù hận, gây chiến tranh là mầm nhân của đau khổ, song khi ta thỏa mãn được ít nhiều nhu yếu ấy, ta cho là vui, là thành công, là chiến thắng. Trong cái vui, thành công và chiến thắng ấy, hóa ra là động cơ tàn hại ta và hạnh phúc của nhiều người. Học Phật, trước hết là để hiểu rõ tường tận về lý nhân quả và biết thay đổi nhân quả để niềm vui, hạnh phúc được nuôi dưỡng, phát triển. Hạnh phúc, niềm vui có mặt là do ta không tạo ra suy nghĩ, lời nói, hành động xấu ác. Khi hiểu rõ giáo lý nhân quả rồi, ta cũng sẽ thông suốt về giáo lý duyên sinh.

“Cái này có nên cái kia có

Cái này không nên cái kia không

Cái này sinh nên cái kia sinh

Cái này diệt nên cái kia diệt”.

Thông suốt về giáo lý nhân quả và duyên sinh, ta cũng sẽ nhận thức thấu đáo về giáo lý vô thường, khổ, không và vô ngã.

Ta biết rằng, vô thường ngoài cái nghĩa thay đổi, chuyển biến, hoại diệt, không tồn tại lâu dài, vĩnh viễn với thời gian, nhưng cũng bằng vào hiện tượng vô thường mà ta có thể chuyển đổi được nhân quả, nghiệp xấu, hóa giải được những khổ đau và thành tựu được phẩm chất từ bi, trí tuệ hoàn hảo của một đức Phật. Nguyên lý vô ngã có liên hệ mật thiết với giáo lý duyên sinh. Tất cả các pháp từ sắc tướng đến các hiện tượng của tâm lý đều rỗng suốt, vắng lặng. Mỗi Pháp nương gá vào nhau để sinh hóa và sinh tồn, mà không đứng riêng rẽ, biệt lập. Chữ không trong tư tưởng bát nhã nó chứa đựng và bao hàm cả tâm, cảnh, thế giới, chủ thể, khách thể và đối tượng, nhưng nó tuyệt nhiên bình đẳng và không là gì cả trong cá thể biệt lập. Bằng vào tự tánh không, tương duyên và sự chuyển biến thuần thục, tiến hóa của nhân quả mà khổ đau rơi rụng, trạng thái Niết bàn, an lạc có mặt trong sự sống, trong lòng thực tại.

Lời dạy của đức Phật nhằm đối trị sự mê chấp và vướng mắc danh, sắc, bản ngã của chúng sanh. Vì vậy, giáo Pháp không phải là định Pháp, mà giáo Pháp là những nguyên tắc soi sáng linh động và mầu nhiệm. Một lời dạy của đức Phật hàm chứa vô lượng nghĩa, vô lượng pháp môn thực hành. Khi đức Phật nói vui là đối với khổ mà nói, khi nói có là đối với không mà nói, khi nói tới Niết bàn là đối với sinh tử mà nói. Lời dạy của đức Phật là pháp môn phương tiện, chứ không phải là chân lý. Vì vậy, học Phật là học pháp môn để tu tập, để chuyển hóa tâm thức, lời nói và hành động trên chiều hướng thượng. Học Phật là học khoa thực nghiệm, nhằm thiết lập sự bình an, liên hệ giữa cá nhân và cá nhân, giữa tập thể và tập thể. Học Phật do đó, không phải để thâu thập kiến thức, lý thuyết và kinh văn, mà học Phật là học nguyên tắc khai mở tuệ giác và khả năng thương yêu đang ngủ chìm trong tiềm thức, trong nội tâm sau kín của mỗi người. Đức Phật có đủ những đức tánh cao đẹp, ta cũng có đủ, không thiếu và không khác. Tánh của đức Phật, có năng lực từ bi rộng lớn, có khả năng hóa giải những tâm lý sân hận, oán thù và tranh chấp. Ta cũng có đủ các đức tánh đó. Tánh của đức Phật, hàm chứa trí tuệ siêu việt, có khả năng phá trừ những tâm lý tham chấp, mê lầm và soi thấu tận gốc rễ hạnh phúc, khổ đau. Ta cũng có đủ các đức tánh đó. Đức Phật có khả năng nhẫn nại, kiên trì để tu tập, dứt trừ đau khổ, chứng quả cảnh giới Niết bàn tịch diệt, không còn vướng mắc trong nghiệp báo luân hồi. Ta cũng có đủ khả năng để lập nguyện tu tập, đoạn trừ đau khổ.

Một cá nhân, một gia đình, một tập thể được học Phật là cá nhân, gia đình và tập thể đó có niềm vui lớn, có sự hòa hợp lớn, có sự tương kính với nhau hết mực. Đó là kết quả bước đầu của người học Phật. Phẩm chất cao đẹp hơn của người học Phật là thành tựu được giơí đức thanh tịnh, thành tựu được định lực kiến cố và thành tựu được trí tuệ viên mãn. Nhìn vào cách sống, biểu tướng qua lời nói, và sự hành xử của một người mà ta có thể biết được người ấy có phẩm chất học Phật hay thiếu phẩm chất học Phật. Một người học Phật thế nào, tu tập thế nào mà không chuyển hóa được tri giác sai lầm, không thay đổi được tập khí giận hờn, hấp tấp, nóng nảy, ganh ghét, ích kỷ, đố kỵ, tham chấp, háo thắng, tỵ hiềm, nhỏ mọn, đầy phiền não, hệ lụy và đau khổ thì việc học Phật và thực tập của ta đã sai lầm rồi, ta hãy trầm tỉnh, quán chiếu trở lại để tu chỉnh việc học Phật và công phu hành trì của ta.

Học Phật để quán chiếu

Tỏ ngộ lý chân như

Chuyển hóa nhân đau khổ

Tới lui cõi Niết bàn.

Ba nghiệp hằng thanh tịnh

Giới, định, tuệ viên dung

Vượt qua bờ sinh tử

Rộng độ khắp muôn loài.

Niềm Tin Và Tuệ Giác:

Kho tàng văn hóa và thông điệp từ bi của đức Phật là một cống hiến to lớn cho nhân loại và đặc biệt là cho các quốc gia tiến bộ, văn minh cơ khí, vật chất trên thế giới. Một số các xã hội tây phương, mà đặc trưng là đất nước và chính sách Hoa Kỳ, đạo Phật có vai trò soi sáng, dẫn đạo hướng đi cho con người và xã hội này, hướng đi tìm lại giá trị nhân bản, hòa bình và an lạc cho con dân, cho nhân loại toàn cầu. Người Phật tử, người cư sĩ Phật giáo trong xã hội và thời đại phải sống như thế nào, tu tập như thế nào, hành xử như thế nào để có năng lực từ bi, trí tuệ, đại hùng và đại nguyện hoằng dương Phật Pháp?

a. Thứ nhất, đối với bản thân:

Người Phật tử cư sĩ khi thấy chiến tranh, nghe chiến tranh, bình luận chiến tranh, và than thở về sự tàn bạo, tội ác của chiến tranh; chưa đủ, người Phật tử cư sĩ phải tham gia vào sự nghiệp tái lập hòa bình và giải giới chiến tranh. Tham gia như thế nào vào sự nghiệp tái lập hòa bình và giải giới chiến tranh?

1. Ăn uống không điều độ, không theo phép dinh dưỡng để thân, tâm lành mạnh là ta đang trực tiếp, gián tiếp tham dự những tác hại của chiến tranh. Nguyên nhân sâu xa của sự tàn sát, hoại diệt sinh mệnh, thiêu hủy mầm sống là bắt nguồn từ việc ăn và uống của mỗi cá nhân. Người Phật tử cư sĩ phát nguyện giữ giới không sát sinh, giảm thiểu tối đa việc ăn thịt, uống rượu là sự thực tập, là nguyên tắc quán chiếu sâu sắc nhất trong sự nghiệp tái lập hòa bình, giải giới chiến tranh.

2. Chơi bài bạc, đánh cá, làm những nghề không lương thiện, lợi dụng công sức và làm giàu trên niềm đau, nỗi khổ của kẻ khác là ta đang trực tiếp, gián tiếp tham dự những tác hại của chiến tranh. Nguyên nhân sâu xa của sự tranh chấp, hoại diệt bản chất hòa bình và hạt giống yêu thương bắt nguồn từ trộm cướp, làm nghề nghiệp bất lương của mỗi cá nhân. Người Phật tử cư sĩ phát nguyện giữ giới không trộm cướp, không tham quyền lợi trên sự tước đoạt danh vị, tài sản của kẻ khác là sự thực tập, là nguyên tắc quán chiếu sâu sắc nhất trong sự nghiệp tái lập hòa bình, giải giới chiến tranh.

3. Vợ chồng không tín cẩn, không trung thành và không kính yêu nhau; sinh tâm ngoại tình, gian díu sắc dục với người ngoài là ta đang trực tiếp, gián tiếp tham dự những tác hại của chiến tranh. Nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, kiện tụng, ly thân, ly dị, gieo nỗi sợ hãi, cô đơn, bức xúc lên đầu con trẻ, là bắt nguồn từ hành động tà dâm, ngoại tình của vợ chồng và các bậc làm cha mẹ. Người Phật tử cư sĩ phát nguyện giữ giới không tà dâm, không ngoại tình là sự thực tập, là nguyên tắc quán chiếu sâu sắc nhất trong sự nghiệp tái lập hòa bình, giải giới chiến tranh.

4. Nói lời gian dối, nói lời đường mật, nói lời chia rẻ, đấu tranh; nói lời vu khống, mạ lỵ; nói lời thô bạo và độc ác là ta đang trực tiếp, giám tiếp tham dự những tác hại của chiến tranh. Nguyên nhân sâu xa của sự chia rẽ, thiếu tinh thần kết hợp giữa người thân, trong đoàn thể là bắt nguồn từ sự không thành thật, bôi bác, tranh chấp hơn thua bằng bút chiến, khẩu chiến. Người Phật tử cư sĩ phát nguyện giữ giới không nói gian dối, không nói lời gạt gẫm, không nói lời đường mật, chụp mũ, thị phi, không nói lời độc ác, chia rẻ và đấu tranh là sự thực tập, là nguyên tắc quán chiếu sâu sắc nhất trong sự nghiệp tái lập hòa bình, giải giới chiến tranh.

Ngoài sự ngăn ngừa, chấm dứt nguyên nhân và mầm móng của chiến tranh qua bốn yếu tố thực tập, quán chiếu căn bản: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm và không gian dối, người Phật tử cư sĩ phải phát nguyện thực tập sự tỉnh thức liên tục, bền bỉ để phát triển hạt giống hiểu biết, yêu thương, thanh tịnh và hòa hợp nội thân trong nội thân. Ngày đầu nhập đạo, phát khởi tín tâm quy y Tam bảo người Phật tử cư sĩ tự tuyên thệ: “Con xin nguyện trọn đời nương tựa nơi tự tánh Phật bảo”. Tự tánh Phật bảo là tự quy y nơi tánh giác của mình để tìm hạnh phúc, chứ không đi tìm cầu một nơi nào khác. Quán chiếu nội thân trong nội thân là trong thân Phật có thân ta, trong thân ta có thân Phật. Nhận biết, “tánh Phật và tánh chúng sanh vốn bình đẳng”, đó là niềm tin chơn chánh, niềm tin có tuệ giác của người Phật tử cư sĩ.

Thọ giới và thực hành giới pháp là bước đầu công phu tu tập thiền quán của người Phật tử cư sĩ. Bước thứ hai, người Phật tử cư sĩ phải lưu ý thực tập pháp môn tham thiền trong đời sống để có sự tỉnh giác thường xuyên. Tham thiền để an tâm. Mỗi ngày ta ăn cơm để nuôi thân, thì mỗi ngày ta cũng phải thọ “thiền duyệt thực” để nuôi tâm. Thiền duyệt thực là tu thiền để nuôi lớn sự tỉnh thức và niềm vui tâm hồn. Tu tập thiền định như thế nào, ta sẽ đề cập chi tiết ở một chủ đề khác. Ở đây xin nói ra vài lợi ích và công năng của thiền định. Thiền định dẫn tới:

1. Tâm an ổn, vui tươi và trừ sự căng thẳng tinh thần.

2. Hóa giải tâm lý nóng giận, muộn phiền, trách móc và ganh tỵ

3. Làm chủ được hơi thở và cảm giác.

4. Rủ bỏ lo âu, mặc cảm và cô đơn.

5. Biết cách cảm thông với chính mình.

6. Trừ được bệnh trầm cảm và bạo hành.

7. Dễ làm hòa với người thân, bằng hữu và những người chung quanh.

8. Có khả năng lắng nghe người khác.

9. Thường nói lời ái ngữ và xây dựng.

10. Không nói năng, hành động vụng dại đễ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

11. Khéo làm hòa và khéo tái lập tình yêu thương với người thân.

12. Vững chãi và tự tin trong cuộc sống.

13. Từ bỏ được những thói quen nghiện ngập, bài bạc, sắc dục, ma túy.

14. Sống đơn giản, khiêm cung, cởi mở và từ ái.

15. Không gây khổ đau cho bản thân và tha nhân.

16. Phát triển được các thiện tâm sở dễ dàng.

17. Hoàn mãn được tâm từ bi, tâm hỷ xả rộng lớn.

18. Thành tựu được giới đức, oai nghi thanh tịnh.

19. Không đua đòi vật dục theo đám đông.

20. Thành tựu được chánh hạnh giải thoát.

21. Có đủ nghị lực, uy tín để dấn thân phụng sự.

22. Không khuất phục uy quyền, bạo lực.

23. Giác ngộ được lý tánh vô sanh.

24. Tâm Bồ đề bất thối chuyển.

25. Đem an lạc, hạnh phúc đến cho nhiều người và nhiều thế hệ.

26. Thành tựu được Phật thân và Phật quả.

27. Thuần thục đại nguyện độ sanh của Bồ tát.

28. Tự tại vào ra trong ba cõi và sáu nẻo luân hồi.

b. Thứ hai, đối với tha nhân:

Trong hai yếu tố thực tập giới Pháp và thiền định của người Phật tử cử sĩ đã mang đủ phẩm chất về hai phương diện vừa tự lợi, vừa lợi tha. Tự lợi và lợi tha là hành động tích cực để nuôi dưỡng, xây dựng hạnh phúc bản thân, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người trong xã hội và qua nhiều thế hệ.

Làm thế nào nào để xây dựng một gia đình có hạnh phúc và làm thế nào để xây dựng một tổ chức từ thiện xã hội lâu dài, có tầm cỡ để cứu tế những xã hội chậm tiến và nghèo đói? Đó là hai vấn đề rất cụ thể, thiết cận mà người Phật tử cư sĩ nên hết lòng lưu tâm thảo luận và thực hiện ngay bây giờ, không hứa hẹn ở tương lai.

a.Xây Dựng Một Gia Đình Có Hạnh Phúc:

Trong Kinh Yêu Thương, đức Phật dạy: Một gia đình muốn có an lạc, hạnh phúc ngoài việc mỗi người có học, có một nghề tốt và không làm tổn hại đến sinh mạng của kẻ khác. Mỗi người trong gia đình còn nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản, từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông. Họ luôn luôn thực tập và nuôi dưỡng tâm niệm:

1.Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

2.Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tánh mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

3.Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi người”.

Người Phật tử cư sĩ nhiều lúc vì đời sống cơm áo, vì bổn phận đối với Phật pháp (chùa chiền), đoàn thể và quốc gia dân tộc, mà vô tình lãng quên việc nuôi dưỡng, tưới tẩm hạnh phúc cá nhân và gia đình. Đây là điều ta cần xét lại và quán chiếu để đừng rơi vào tình trạng “xây nhà trên bãi cát”.Ví hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình không có thì làm sao ta có thể phục vụ dân tộc, đạo pháp? Chúng ta khách quan đề ra một số câu hỏi và bản thân của một Phật tử cư sĩ cần thẩm xét, chiêm nghiệm cho thật chu đáo những sinh hoạt tâm linh trong gia đình của mình:

1. Ta và người thân trong gia đình (chồng, vợ, các con và các cháu) đã chính thức làm lễ phát nguyện quy y Tam bảo và hành trì năm giới căn bảncủa người Phật tử cư sĩ chưa?

2. Thầy bổn sư, thầy y chỉ, thầy giáo thọ của ta là những bậc tăng, ni nào? Ta thường thân cận để được hướng dẫn pháp môn tu tập hay không?

3. Trong ba Pháp quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng, ta đã thực tập được những điều nào sau đây:

a. Đã về nương tựa Phật, con đang thực tập pháp môn thiền định tinh cần để phát huy khả năng Phật tánh trong con mỗi ngày mỗi thêm sáng đẹp.

b. Đã về nương tựa Pháp, con đang thực tập giới luật tinh cần để phát huy khả năng từ bi trong con mỗi ngày mỗi thêm sâu sắc, rộng lớn.

c. Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân bảo hộ, soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường tu tâm, dưỡng tánh.

4. Nếu có thực tập, ta đã thực tập được mấy mươi phần trăm?

5.Những người trong gia đình có cùng nhau ôn tập, tụng đọc năm giới và sám hối nửa tháng một lần hay không?

6. Những người trong gia đình có thực tập bửa cơm chay tịnh, chánh niệm với sự có mặt đông đủ người thân mỗi tuần hai lần vào dịp cuối tuần hay không?

7. Cha mẹ, vợ chồng và các con có thực tập thói quen lễ Phật, niệm Phật, ngồi thiền, kinh hành, đọc kinh trước bàn Phật mỗi ngày từ 5 phút đến 15 phút mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối hay không?

8. Những người trong gia đình, mỗi khi khởi tâm buồn giận, nóng nãy, bức xúc có thực tập phép, “trở về hơi thở và theo giỏi hơi thở trong chánh niêm” chưa, hay mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy tranh cãi?

9.Cha mẹ, vợ chồng và người thân trong gia đình có thực tập phép “hối lỗi”với nhau trước bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà và tổ tiên sau mỗi lần xảy ra chuyện bất hòa,khẩu chiến hay không?

10. Ta phát nguyện tham gia đều đặn với một trung tâm tu học, một tăng thân, một ngôi chùa để thảo luận và thực hành Phật pháp, ứng dụng trong đời sống hay không?

11. Con em của chúng ta có tham gia sinh hoạt với một gia đình, một đoàn thể có mục đích trau dồi đạo đức, tâm linh nào không?

12. Chúng ta và con cái thường giải trí các loại phim ảnh, sách báo nào? Có lành mạnh hay mang nhiều tính bạo động, khơi dậy tình dục, chiến tranh?

13. Chúng ta có cùng nhau thảo luận việc sử dụng phim ảnh, sách báo, tivi, E-mail, Internet, Website để đưa những yếu tố học hỏi, giải trí lành mạnh vào tâm thức mỗi người trong gia đình ta hay không?

14. Chúng ta có ý thức và thiết lập thời khóa một tháng ít nhất là một lần để chamẹ, vợ chồng, con cái thảo luận, duyệt xét với nhau về việc thực tập năm giới, nền tảng hạnh phúc của gia đình mình hay không?

Trên đây chỉ là một số câu hỏi gợi ý và cũng là những nguyên tắc soi sáng nuôi dưỡng, tưới tẩm, bảo hộ nếp sống tâm linh, hạnh phúc gia đình ta. Mỗi Phật tử cư sĩ nên hết lòng kiểm chứng, tìm cách nương tựa bạn đạo và vị thầy tâm linh mà thực tập cho sâu sắc, tinh cần.

b. Xây Dựng Một Tổ Chức Từ Thiện:

Người Phật tử cư sĩ nên lưu tâm xiển dương công đức từ thiện. Nói xây dựng một tổ chức từ thiền thì quá lớn, nên ta có thể bắt đầu bằng cách thiết lập một nhóm từ thiện, để vừa khiêm tốn và vừa dễ thực hiện. Trong cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Hoa Kỳ và hải ngoại đang có khá nhiều các “nhóm từ thiện”hướng về Việt Nam: giúp người mù, mổ mắt bị cườm và xây lại nhà cửa hư sập bởi thiên tai; cứu đói, bảo trợ người khuyết tật ở các làng phong cùi, các viện cô nhi; làm trường học dạy trẻ ở các vùng quê; mở các trạm y tế cho thuốc đến người bệnh; trùng tu và xây dựng lại những ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá . . .

Vấn đề từ thiện, cứu tế gắn liền với giáo lý từ bi, vị tha của đạo Phật. Song ta biết rõ là khi làm từ thiện xã hội nó sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều với hoàn cảnh chính trị, chính biến của đất nước, nhưng không vì thế mà ta phó mặc, làm ngơ trước niềm đau, nỗi khổ của dân chúng đói nghèo, bệnh tật, thiên tai xảy ra khắp nơi trên mặt đất. Kế thừa truyền thống “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” của đức Bồ tát Quán Thế Âm, ngày 14 tháng 04 năm 1966, một nữ tu Phật giáo ở bên Đài Loan có pháp danh Chứng Nghiêm cùng năm học trò xuất gia và ba mươi bốn Phật tử cư sĩ phát nguyện trước Tam bảo thành lập “Hội Công Đức Từ Tế”.Hội bắt đầu làm ra những đôi giày em bé để gây quỹ, kêu gọi bà con thiện tâm tiết kiệm 05 xu mỗi ngày, với ý chí tụ cây thành rừng, tụ cát thành núi đã xây dựng nên một sự nghiệp từ thiện xã hội thật to lớn ngày nay. Tính đến năm 2002, Hội đã tập họp trên 25 ngàn ủy viên điều hành và hàng triệu người thiện tâm tham gia làm việc, đóng góp ngân quỹ để cứu khổ người nghèo và dân chúng lâm nạn khắp nhiều quốc gia trên thế giới.

Suốt 35 năm dấn thân làm việc, nhà tu mảnh khảnh Thích nữ Chứng Nghiêm nay đã 65 tuổi vẫn vui tươi, mạnh khỏe, nói năng khiêm tốn, mạch lạc, thực tế, phóng khoáng như lúc mới bắt đầu vào đời làm công tác từ thiện năm 30 tuổi. Thống kê con số mới nhất của Hội Công Đức Từ Tế dưới sự lãnh đạo của bà mẹ Từ Thiện Chứng Nghiêm từ ngày Rằm tháng Tư âm lịch năm 2002, là Hội đã thâu nạp trên 4 triệu hội viên, tức hơn một phần năm dân số của quốc gia Đài Loan. Trong thời gian trên 30 thập niên “xuống đường”“dấn thân”làm hạnh Bồ tát, Ni sư Thích nữ Chứng Nghiêm đã biến đổi vai trò Phật Giáo Thiền định, truy tầm nội tâm trở thành vai trò của đại hạnh và đại nguyện của Bồ tát cứu khổ tích cực giữa cõi đời trầm luân.

Người phật tử cư sĩ Việt Nam đang cư trú và sinh hoạt tại Hoa Kỳ cùng khắp nơi tại hải ngoại cũng có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, ý chí, đạo lực và tâm nguyện dấn thân cứu tế, làm công tác từ thiện xã hội không thua bất cứ nhân sự của một Hội từ thiện nào của các tổ chức, đoàn thể và các tôn giáo. Quý thầy, quý sư cô trẻ Việt Nam đang tu học tại xã hội tây phương hôm nay cũng có thể trở thành một hay nhiều Ni sư Chứng Nghiêm trong sứ mạng tập họp các giới Phật tử cư sĩ đóng góp công sức, tài lực, bàn tay trong phần vụ “Từ Thiện Cứu Tế” thực tiển cho trẻ con, quần chúng bất hạnh trên quê hương và trên các quốc gia lạc hậu, chậm tiến. Ta hãy nhìn về phía hoạt động của một số tôn giáo khác trên quê hương Việt Nam và các xứ sở nghèo đói:

1. Xây dựng nhà nguyện, tập họp trẻ con và người nghèo trên các vùng nông thôn, sơn cước để truyền bá đức tin.

2. Mở các bệnh xá chữa bệnh, cho thuốc người già, người bệnh và người tàn tật.

3. Xây trường học để dạy trẻ con biết đọc, biết viết và biết cám ơn người đã ban ơn.

4. Bố thí thức ăn, áo mặc, quà và kẹo bánh để bảo dưỡng, an ủi, khích lệ việc học hành của con em.

5. Phát tiền cho mỗi đầu người để sửa sang, xây dựng lại chỗ ở cho kẻ bần hàm và “cấy đức tin”vào tâm hồn họ.

6. Mua lại đất điền thổ của nhà nghèo để xây nhà và bán rẻ lại cho dân vào đạo hoặc cải đạo.

7. Dạy cho tuổi trẻ có nghề khâu may, thủ công nghệ, chằm nón, đóng giày, sửa máy móc, sử dụng các hệ thống điện toán.

8. Cấp phát học bổng để các em được vào các chương trình giáo dục và học vấn cao cấp.

9. Cấp phát học bổng và vận dụng phương cách để đưa sinh viên đi học nước ngoài.

10. Đào tạo nhân sự có khả năng chuyên môn về các ngành tôn giáo, giáo dục, tâm lý, giảng thuyết để thu hút dân chúng.

11. Dùng tài nguyên và sách lược thu phục, ngoại giao với các cấp chính quyền để mở mang “thiên quốc” trong chốn địa ngục trần gian.

Trong bài tham luận này, chúng tôi chỉ đưa ra một tấm kính để nhìn nhằm gợi cảm thêm những thao thức và đóng góp chút kinh nghiệm giới hạn trong hạnh nguyện tu tập để tạo niềm an lạc cá nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình của người Phật tử cư sĩ. Thêm vào đó là vai trò lợi tha, tức là công tác từ thiện xã hội, cứu tế nhân gian mà hầu hết những người Phật tử cư sĩ hằng lưu tâm tới, nhưng vì thiếu khích lệ, huy động hoặc không biết bắt đầu từ đâu. Ta hãy bắt đầu bằng ý thức, rồi sẽ cùng nhau hành động.

Thời đại đức Phật có nam Phật tử cư sĩ Cấp Cô Độc, có nữ Phật tử cư sĩ ViSakha là hai người tiêu biểu cho những người Phật tử cư sĩ nhiệt tâm hộ trì Tam bảo, dấn thân làm công tác từ thiện xã hội nhằm giáo dục, cứu khổ người nghèo. Ngày nay trong cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới cũng không thiếu những Phật tử cư sĩ có đại hạnh đóng góp bàn tay, khối óc, tài vật và dấn thân phụng sự chánh Pháp, quần sanh. Người Phật tử cư sĩ Việt Nam ở Hoa Kỳ và các nước ngoài hãy đoàn kết, tập họp nhau lại để tu tập cứu người và giải khổ.

Hãy thắp lên ngọn đèn ý thức

Cho tình gầy lớn dậy tin yêu

Hãy nhiếp niệm trở về hơi thở

Cho nụ cười ướp ngọt sân si.

Là lửa ấm cõi lòng băng giá

Phủ thân côi chiếc áo nhân từ

Hãy lau khô nước mắt nghèo đói

Bằng bát cơm thơm ngát diệu thường.

Hãy nhỏ xuống quê hương thù hận

Giọt cam lồ rửa sạch oan khiêm

Hãy quên đi khối sầu dỉ vãng

Cho mùa xuân hoa nở muôn nhà.

Hãy gieo xuống giống lành thiện mỹ

Cho thiên đường hiện xuống trần gian

Em và tôi hóa thân dòng sông “Vô Niệm”. . .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2013(Xem: 13453)
Thiền định là một phương tiện chủ yếu vô song của Phật Giáo giúp người tu tập trực tiếp đạt được Giác Ngộ. Đức Phật đã nhắc đến phép luyện tập này ngay trong bài thuyết giảng đầu tiên về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) khi Ngài nói về Sự Thật Cao Quý thứ tư và Con Đường Của Tám Điều Đúng Đắn (Bát Chánh Đạo). Tuy nhiên không phải vì thế mà tất cả những người tự nhận mình là Phật tử đều luyện tập thiền định.
23/10/2013(Xem: 10233)
Từ khi trên quả đất này có sự sống, con người và muôn loài vật được tồn tại bằng luyến ái, tức là sự thương yêu, trìu mến nhau mà người đời thường hay gọi là tình cảm. Nếu nói về muôn loài trên thế gian, con người là sinh vật cao cấp sống bằng “tình cảm” vì có hiểu biết, suy nghĩ, nói năng, nhận thức và làm được nhiều việc đóng góp lợi ích thiết thực trong bầu vũ trụ bao la này.
19/10/2013(Xem: 8673)
Ngày 27, tháng 9, năm 2013 – “Nếu bạn có thể học đi xe đạp bạn có thể học làm thế nào để được hạnh phúc,” nhà sư Phật giáo 67 tuổi và là người hạnh phúc nhất trên thế giới nói. Khi còn nhỏ, nhà thơ Andre Breton, nhà làm phim Louis Buñuel và nhạc sĩ Igor Stravinsky là những vị khách thường xuyên của gia đình triết gia Ricard. Tuy vậy, nhận thấy đặc tính của những người bạn của song thân không có vẻ gì là hạnh phúc hơn nên Ngài đã tìm đến Hy mã lạp sơn bỏ sau lưng công việc của một nhà sinh học tại Viện Pasteur và thay đổi cuộc đời qua thiền tập. Tính đến lần cuối cùng, Ngài đã đạt được hơn 10,000 giờ đồng hồ. Phương pháp chụp MRI tinh tế tại phòng nghiên cứu về não bộ tại Wisconsin đã cho thấy mức lạc quan siêu đẳng và hầu như không có chút cảm nhận tiêu cực nào của Ngài. Ngài nói: “Tôi không thấy mọi thứ đều màu hồng nhưng những thăng trầm của cuộc sống không trụ trong tôi theo cách của đời thường.”
19/10/2013(Xem: 12577)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 8443)
Như tất cả chúng ta đều biết Tổ Khánh Anh là người xuất thân từ Quảng Ngãi và từ những năm 1916 Ngài đã quy y Tam Bảo tại chùa Cảnh Tiên và năm 1917 lúc Ngài 22 tuổi đã xuất gia tu học tại chùa Quang Lộc tỉnh Quảng Ngãi với Pháp Danh là Chơn Qúy. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh thuộc thế hệ truyền thừa thứ 7. Ngài sinh năm 1895 và viên tịch năm 1961.
17/10/2013(Xem: 40132)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 30301)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 25920)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 41385)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
16/10/2013(Xem: 19466)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]