Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những thông tin về cúm gia cầm H5N1 chưa qua, thì những thông tin về việc sử dụng hóa chất tạo nạc và tăng trọng cho heo nuôi lại ập tới, gây hoang mang trên phạm vi tầm phủ sóng của các phương tiện truyền thông, tức là cho cả nước.
Thực ra điều này không lạ, vì từ lâu đã nghe nói đến việc sử dụng những thứ hóa chất này khác để thúc đẩy con vật tăng trưởng trong chăn nuôi. Có điều, có thể chất này được phép, chất kia cấm, rồi chất trước đó được phép sử dụng có thể lại bị cấm vì phát hiện khả năng gây bệnh. Điều này diễn ra không chỉ ở những nước đang phát triển, mà ngay cả ở những nước phát triển cũng vẫn nghe nói.
Hóa chất tăng trọng, tạo nạc, thúc lớn con vật nuôi được sử dụng tại Việt Nam, trước tiên, từ tỉnh Đồng Nai, là một loại hóa chất độc, tồn tại trong cơ thể vật nuôi sau khi giết thịt, có thể gây ngộ độc cho người dùng thịt, thậm chí gây tử vong.
Người nuôi heo chắc chắn không phải không biết, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, họ không thể không sử dụng. Rồi do cạnh tranh, việc sử dụng đương nhiên mở rộng. Người dùng, dù ăn thịt ở nhà hàng sang trọng, mua về nhà trong sự chọn lọc cẩn thận, hay ăn ở quán vỉa hè, đều không thể thoát khỏi bị đe dọa, ngộ độc tức thời hay dần dần.
Vì mắt thường khó có thể phân biệt đâu là thịt heo nuôi kích thích bằng hóa chất.
Người ăn mặn gắp miếng thịt gà thì tất không thể không rợn người khi nghĩ đến H5N1, gắp miếng thịt heo thì không tránh khỏi rùng mình khi nghĩ đến hóa chất tạo nạc, tăng trọng…
Người tránh cái độc của mỡ động vật, của cholesterol… chọn thịt nạc mà ăn, thì nay phải đối diện với một thứ độc chất mới, còn nguy hại hơn nhiều, vì với liều cao, nghe nói người ta có thể bị chết ngay, bệnh ngay, chứ không chết dần mòn.
Trước hoàn cảnh này, lo lắng là một việc, nhưng đối với người Phật tử, lại là cơ hội để tạo phúc, khi nhân đó mà tổ chức những đợt cổ động, quảng bá việc ăn chay.
Đây chính là phóng sinh gián tiếp. Công đức của việc phóng sinh gián tiếp cũng vô cùng lớn lao, khi việc giết thịt giảm bớt.
Trong bối cảnh cao điểm cơn sốt hóa chất tăng trọng, tạo nạc, kích thích heo nuôi, thì nếu Phật tử chúng ta khéo sách tấn việc ăn chay, thì chắc chắn hiệu quả rất lớn.
Không chỉ bằng những hoạt động truyền thông lớn, như in ấn, phân phát tờ rơi, sách mỏng, chiếu các video clip cổ động trên truyền hình, dựng các pa-nô, dán áp phích nêu bật cái lợi cho sức khỏe của việc ăn chay, các hội đoàn, đạo tràng, chùa chiền Phật giáo còn nhiều hình thức khác, kể cả truyền thông cá nhân đến cá nhân.
Điều quan trọng là trước đây, nói đến việc ăn chay vì sức khỏe, thì sẽ có không ít người không quan tâm, thì nay, tình hình sẽ khác đi rất nhiều, khi thịt gà, thịt heo đều trở nên nguy hiểm.
Những người thân của chúng ta trước đây không chịu ăn chay, nay nếu người Phật tử lo phần nấu bếp trong gia đình không nấu các món gà, heo nữa, mà thay bằng các món chay, thì người khó tính mấy cũng phải chấp nhận, vì nỗi lo H5N1 hay ngộ độc hóa chất.
Mời nhau đi dự tiệc, đề nghị lựa chọn quán chay, thay vì ăn mặn, chắc chắn là một đề nghị lịch sự và dễ được nhất trí.
Chúng ta cũng đều biết, công nghệ chăn nuôi là một những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên.
Vì vậy, sách tấn, cổ động ăn chay trong bối cảnh hiện nay không chỉ là việc phóng sinh gián tiếp ở mức độ từng con vật được cứu sống, mà đó còn là việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cuộc sống.
Minh Thạnh