Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đạo đức trong nếp sống người Phật tử

09/04/201211:26(Xem: 10808)
Đạo đức trong nếp sống người Phật tử


phattu_1

Đạo đức trong nếp sống người Phật tử

Tỳ kheo Thích Minh Châu


Nhân ngày lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi xin trình bày về đề tài: "Nếp sống Phật Giáo", một đề tài mà chính Đức Bổn Thích Ca đã giảng thuyết nhiều lần, nhưng cụ thể và rõ ràng là trong các bài Kinh Đức Phật dạy người con trai của mình là La Hầu La, sau khi La Hầu La xuất gia. Những bài Kinh này đều có bản dịch trong Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và trong Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147.

Kinh này đã được Vua A Dục, thế kỷ thứ tư trước Công nguyên khắc trên bia ký Bhàbrà, kêu gọi mọi người xuất gia và tại gia Phật tử cần phải tụng đọc Kinh này.

Chúng ta không phải là con trai Đức Phật như La Hầu La, nhưng đều là người con tinh thần của Đức Phật. Những lời dạy chí tình và đầy trí tuệ của Đức Phật đối với La Hầu La, cách đây gần ba ngàn năm tại Ấn Độ cũng là lời dạy đối với tất cả chúng ta, những con người Phật Việt Nam, xuất gia cũng như tại gia, nam cũng như nữ, trẻ cũng như già.

Hôm nay, nhân ngày Đại Lễ Phật Đản trang trọng, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về những lời giáo huấn của Đức Phật về nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo.

Đức Phật nói: "Này, La Hầu La, nhà ngươi nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?".

La Hầu La trả lời: "Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh"

"Cũng vậy, Đức Phật dạy: "Này La Hầu La, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành khẩu nghiệp, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành ý nghiệp".

Nếp sống đạo là nếp sống luôn luôn có phản tỉnh, không buông trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói không phải là cái gương soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình có hợp hay không với nếp sống đạo; nếp sống Phật giáo, tức là như lời Phật dạy La Hầu La, có hại hay không có hại đối với mình; đối với người, có lợi hay không có lợi, đối với mình và đối với người, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ bất hạnh cho mình và cho người.

Vì sao Đức Phật lại khuyên chúng ta phải phản tỉnh nhiều lần?

Đó là do quá trình diễn biến của nghiệp, có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn dụng tâm, cũng gọi là tác ý. Thông thường, chúng ta gọi là ý muốn. Thí dụ hôm nay là ngày Lễ Phật Đản. Nhưng ngay từ ngày hôm qua và trước nữa, có vị đã có ý muốn hôm nay đến chùa lễ Phật, nghe giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Nhưng cũng có những vị chắc chỉ là số rất ít nhân ngày Lễ Phật Đản lại muốn đi xem bói, xem toán, mong được "vào cầu" một chuyến để phát tài, phát lộc.

Ngay trong giai đoạn ý muốn này, chúng ta cũng phải phản tỉnh, phải xét xem muốn như vậy là đúng hay không đúng, hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có lợi lạc cho mình và cho người hay không, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ, cho mình và cho người hay là cho cả hai.

Nếu trong giai đoạn ý muốn, quý vị phản tỉnh thấy vào ngày Lễ Phật đản mà đi xem bói xem toán là không thích hợp, là nêu gương xấu mê tín dị đoan cho vợ con, họ hàng bè bạn và những người khác thì quý vị hãy kiên quyết từ bỏ ý muốn đó đi. Ngược lại, đối với ý muốn đi chùa, lễ Phật, nghe thuyết giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác, các vị phản tỉnh thấy ý muốn đó là tốt đẹp, đem lại an lạc cho mình và cho người khác, hiện nay cũng như về sau, thì quý vị hãy cương quyết thực hiện ý muốn đó, mà cũng chính vì tuyệt đại đa số các vị đã có ý muốn tốt đẹp đó, cho nên hôm nay chúng tôi có duyên lành thuyết giảng trong một hội chúng đông đảo và hồ hởi như thế này.

Nếu mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi ý nghĩ của chúng ta đều được phản tỉnh xem xét cẩn thận ngay từ trong giai đoạn ý muốn, như lời Đức Phật dạy La Hầu La, thì bao nhiêu sai lầm, tội ác và bất hạnh đã không xảy ra trong thế giới đầy đau thương này.

Đức Phật nói: "Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh ngươi biết "Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi nhất định chớ có làm. Này La Hầu La, nếu sau khi phản tỉnh, người biết: "Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Một thân nghiệp như vậy là thiện, này La Hầu La, nhà ngươi nên làm".

Giai đoạn hai là giai đoạn một việc đã bắt đầu làm, đang làm. Ngay trong giai đoạn này, giai đoạn việc làm đang diễn biến, chúng ta vẫn tiếp tục phản tỉnh: việc này chúng ta đang làm hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không, hay là ngược lại, có đem an lạc cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không? Nếu qua phản tỉnh, xét thấy là không có hại cho mình, cho người, cho cả hai thì chúng ta hãy cương quyết tiếp tục việc làm đó, dù có khó khăn cản trở.

Cũng như ngày hôm nay, quý vị hoan hỉ đến đây lễ Phật, nghe thuyết pháp, làm nhiều thiện sự và Phật sự, trong lòng quý vị cảm thấy an lạc, hạnh phúc, trí tuệ các vị tăng trưởng. Nếu quý vị xét thấy đáng như vậy thì quý vị hãy yên tâm tiếp tục làm, trong ngày lễ Phật đản này cũng như trong các ngày lễ Phật khác, hay là mỗi khi có điều kiện.

Trái lại, có những việc quý vị đang làm, đang tiến hành, nhưng trong quá trình làm, quý vị xét thấy không có lợi cho mình, cho người, không có lợi cho cả hai, thì dù ý muốn ban đầu có tốt chăng nữa, quý vị cũng nên chấm dứt ngay công việc đó.

Đức Phật dạy La Hầu La rằng: "Này La Hầu La, khi nhà ngươi đang làm một thân nghiệp, nhà ngươi cần phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: Thân nghiệp này ta đang làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết thân nghiệp đang làm là bất thiện, như vậy thì nhà ngươi hãy từ bỏ một thân nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này La Hầu La, trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết như sau: thân nghiệp này ta đang làm không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc, thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải tiếp tục làm."

Giai đoạn ba là giai đoạn khi một việc đã được làm xong. Chúng ta cũng cần phản tỉnh xem, việc mà chúng ta đã làm có hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại hay không cho mình và cho người, có gây thiệt hại hay không cho cả hai, có đem lại an lạc và hạnh phúc hay không cho mình và cho người khác hay là cho cả hai. Nếu phản tỉnh và nhận thấy việc đã làm có gây thiệt hại cho mình và cho người khác hay là cho cả hai, thì chúng ta phải thành thật ăn ăn hối lỗi, trung thực bộc lộ lỗi lầm với vị đạo sư hay là với những người bạn đồng tu, đồng đạo của mình. Sau đó, hạ quyết tâm từ nay không làm lại một việc làm có hại như vậy nữa. Nhưng nếu, qua phản tỉnh, nhận thấy việc mình đã làm là hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, đem lại hạnh phúc an lạc cho mình và cho người khác, hay cho cả hai, thì chúng ta thật sự hoan hỷ, sẵn sàng làm lại việc đó một lần nữa, nhiều lần nữa mỗi khi có điều kiện, vì hạnh phúc an lạc của bản thân mình và của mọi người.

Chính Đức Phật cũng đã khuyến cáo La Hầu La nên làm như vậy, sau mỗi việc làm của mình: "Này La Hầu La, sau khi nhà ngươi làm xong một thân nghiệp, nhà ngươi cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người khác, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Đạo sư, hay trước các vị đồng Phạm Hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai".

"Lại nữa, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc đem đến quả báo an lạc. Do vậy, này La Hầu La, nhà ngươi phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tu học ngày đêm trong các thiện pháp".

Đối với mỗi việc làm của thân, tức là thân nghiệp, dù khi còn là ý muốn, hay là khi đang làm, hay là sau khi đã làm xong, Đức Phật đều khuyên La Hầu La cũng như tất cả Phật tử chúng ta đều nên tỉnh táo xem xét, là thiện hay là bất thiện, nếu là thiện, thì hãy tu học ngày đêm để tăng trưởng những việc làm thiện đó. Và nếu là bất thiện thì cũng hãy cố gắng ngày đêm để dứt bỏ, đoạn trừ, đề phòng, ăn năn, hối lỗi, để cho những pháp bất thiện đó không bao giờ còn tái phạm nữa.

Không những đối vói việc làm nơi thân, mà cả đối với lời nói, đối với mỗi ý nghĩ chớm nở trong tâm mình, Đức Phật cũng đều khuyên chúng ta phản tỉnh xem xét là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện, thì học tập phát huy tăng trưởng lên, nếu là bất thiện, thì phấn đấu không mệt mỏi để diệt trừ, xóa bỏ. Và chỉ sau nhiều lần phản tỉnh như vậy đối với việc làm, lời nói và ý nghĩ của mình, chúng ta mới có thể tiến dần tới chỗ tất cả ba nghiệp của chúng ta, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp dần dần được trong sạch sáng sủa, hoàn toàn hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo. Chúng ta, dần dần thực hiện theo đúng lời dạy của Đức Phật, như đã ghi trong Kinh Pháp Cú:

"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm giữ ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy".

Tâm ý giữ trong sạch, phải là mối quan tâm thường xuyên và hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy? Thưa quý vị, đây là vì, thông thường, người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm, tất cả chúng ta đều tâm niệm câu kệ I của Kinh Pháp Cú:

"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như bánh xe vật kéo"

Nghĩa là: Tâm ý đã bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, thì lời nói, hành động với tâm ý như vậy cũng sẽ bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, và đem lại quả báo đau khổ.

Trái lại, như Kinh Pháp Cú nói:

"Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình".

Nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, là nếp sống với tâm ý trong sạch. Đó cũng chính là nếp sống hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mình tự tạo cho mình, đem lại cho mình chứ không phải người nào khác, dù là cha mẹ, bà con cũng không làm được. Đó chính là ý tứ của câu kệ 43 trong kinh Pháp Cú:

"Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được,
Tám hướng chánh làm được,
Làm được tốt đẹp hơn!".

Tâm hướng chánh là tâm thiện, tâm lành, tâm trong sạch.

Trái lại, con ngưòi có tâm bất thiện cũng là người bất hạnh nhất trên đời, một nỗi bất hạnh còn lớn lao hơn, đáng sợ hơn là điều ác kẻ thú đem lại cho mình nữa. Kinh Pháp Cú viết:

"Oan gia hại oan gia,
Kẻ thù hại kẻ thù,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân".

Vì sao Kinh Pháp Cú lại nói như vậy? Đấy là vì tâm bất thiện là kẻ thù ở bên trong, kẻ thù làm hại ngấm ngầm, cho nên cũng là kẻ thù đáng sợ hơn cả.

Có vị nêu câu hỏi: Làm sao giữ được cho tâm ý luôn luôn thiện lành trong sạch? Làm sao giữ cho tâm ý không còn nghĩ ác, nghĩ bất thiện? Làm sao đừng có tham sân si, bớt tham sân si, mặc dù vẫn biết tham sân si là sai trái, đau khổ?

Đó là một câu hỏi rất chính đáng, Đức Phật đã từng nói: "Rối ren thay loài người!" (Kinh Kandakara, Trung bộ II Kinh 51). Có người biết hút thuốc là có hại những vẫn hút, biết uống rượu là có hại nhưng vẫn uống. Đó là sức mạnh cuả thói quen, một sức mạnh đáng sợ. Cũng như một người đi mãi trong sương mai, thế nào áo cũng thấm sương. Muốn cho áo mình đươc khô, phải phơi phóng bao nhiêu ngày! Đối với tâm người cũng vậy. Tâm người nghĩ ác hay nghĩ thiện cũng thành thói quen. Mà đã thành thói quen, nhất là thói quen xấu thì cũng phải có công phu, mất thời gian mới trừ bỏ được.

Trước hết phải tự tạo cho mình một môi trường tốt với những môi trường tốt, những thiện trí thức, như sách Phật thường nói. Trong kinh Tiểu Kinh Mãn Nguyên (Kinh Trung Bộ số 110), Đức Phật giới thiệu cho chúng ta rõ thế nào là nếp sống của một người bất thiện. Một người bất thiện, là một người đầy những tánh bất thiện, như không có lòng tin, không biết xấu hổ, không biết sợ hãi, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, kém trí tuệ. Người bất tiện suy tư như người bất chánh, suy tư tự làm hại mình, suy tư làm hại người khác, suy tư làm hại cả hai. Người bất thiện nói năng như người bất chánh: Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Người bất thiện hành động như người bất chánh, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục. Như vậy, với những định nghĩa trên chúng ta biết ngay thế nào là người bất thiện và giúp chúng ta tự tránh không trở thành người bất thiện.

Phật tử thường xuyên đến đây Lễ Phật, nghe giảng kinh đọc sách Phật, cùng nhau nói chuyện đạo lý, làm các việc Phật sự và thiện sự, đó chính là tự tạo cho mình một môi trường tốt bài trừ niệm ác, nẩy sinh niệm lành, niệm thiện. Một người làm thì khó, hay là mới bắt đầu làm thì khó. Nhưng nếu có tổ chức, nhiều người cùng làm và làm nhiều lần, thành quen, thành nếp thì công việc khó khăn mấy cũng sẽ hoàn thành tốt đẹp.

Có môi trường tốt rồi, có bạn bè tốt rồi, chúng ta còn phải nỗ lực bản thân nữa.

Kinh An Trú Tầm (Kinh thứ 20, Trung Bộ Kinh 1), dạy chúng ta phương pháp nổ lực đúng đắn để nuôi dưỡng niệm lành, loại trừ niệm ác. Kinh An Trú Tầm nói có năm biện pháp tất cả:

-- Biện pháp thứ nhất: là lấy niệm lành xua đuổi niệm ác. Thí dụ, lấy niệm từ bi xua đuổi niệm sân giận Đức Phật dùng ví dụ người thợ mộc khéo, dùng một cái nêm hay (Ý nghĩ lành) đánh bật một cái nêm khác (ý nghĩ ác).

-- Biện pháp thứ hai: Là ngẫm nghĩ về hậu quả tai hại của niệm ác sẽ dẫn tới tội ác và sự trừng phạt. Cũng như một người quan sát thấy mình đang đeo xung quanh cổ một cái xác chó chết, sợ quá, liền vứt bỏ đi. Cũng như hiện nay, người nghiện thuốc lá suy nghĩ thấy hút thuốc có thể gây cho mình và con cái mình (ngửi khói thuốc) mắc bệnh ung thư, phát sợ bèn bỏ thuốc hút.

-- Biện pháp thứ ba: là cố gắng, quên niệm ác đi, đừng nghĩ tới nó nữa. Phật lấy ví dụ một người nhắm mắt để khỏi phải thấy một vật gì đó có thể thúc đẩy mình làm ác.

-- Biện pháp thứ tư: là hãy chận giòng niệm ác lại, để cho nó giảm bớt sức mạnh. Đức Phật dùng ví dụ một người đang chạy, chuyển sang đi, rồi chuyển sang đứng, rồi ngồi, rồi nằm. Tôi có thể lấy ví dụ hút thuốc để minh họa lời Phật. Một người nghiện, thấy bao thuốc lá cầm ngay lấy, rút thuốc đánh diêm châm, hít hai ba hơi luôn. Bây giờ thấy bao thuốc, khoan cầm lấy bao, và khi đã cầm lấy bao rồi, thì khoan rút điếu thuốc rqa, khoan châm diêm, hay là đã châm diêm rồi, thì khoan hít một hơi v.v... Bởi vì, mỗi khi dừng lại như vậy, chúng ta đều có thể phản tỉnh, nhớ đến lời dặn của thầy thuốc về thuốc lá gây bệnh ung thư như thế nào, lời nhắn của vợ hút thuốc tốn tiền như thế nào v.v... nhờ vậy, có thể ngăn không hút thuốc nữa.

-- Biện pháp thứ năm: là dùng ý chí, nghị lực khống chế niệm ác, không cho nó sanh khởi, Phật ví dụ một người khoẻ vật ngã một người yếu.

Trên đây là năm biện pháp khống chế và loại trừ niệm ác, được Đức Phật giảng trong Kinh "An Trú tầm". Đó là những lời dạy thiết thực và cụ thể, mọi người đều có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Một điều chúng ta cần ghi nhớ là tất cả các niệm đều vô thường, dù ác hay thiện, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng những niệm tương ứng và nhất là việc làm tương ứng. Tôi lấy ví dụ niệm hút thuốc của người hút thuốc lá. Niệm hút thuốc đó được nuôi dưỡng bằng những niệm như là hút thuốc là vô hại, hút thuốc thêm sáng kiến, hút một điếu có thể giảm thọ vài ba giây nhưg cười một tiếng lại tăng thọ bảy giây v.v.. Nếu chúng ta không nuôi dưõng niệm hút thuốc bằng những niệm như vậy, trái lại chống đối nó, bài trừ nó bằng những niệm như hút thuốc gây bệnh ung thư, hút thuốc hại phổi, hút thuốc tốn tiền v.v.. thì niệm hút thuốc có thể dần dần không còn chi phối chúng ta như trước nữa. Và chúng ta có thể tiến tới bỏ thuốc lá mà không gặp khó khăn gì.

Một điều nữa, chúng ta cũng cần ghi nhớ là niệm thiện nói chung mạnh hơn niệm ác, cũng như ánh sáng mạnh hơn bóng tối vậy. Niệm ác sỡ dĩ chi phối chúng ta được là vì chúng ta không biết nó là ác. Nếu nhận mặt nó được là ác, thì tự nhiên nó sẽ tan biến đi. Chính vì vậy, mà Kinh sách Phật khuyên chúng ta nên luôn luôn chánh niệm tỉnh giác, biết rõ mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì và ý nghĩ đó, lời nói đó, việc làm đó là thiện hay bất thiện, đem lại an lạc hay đau khổ cho mình và cho người. Có người nghĩ ác mà không biết mình là ác. Con người như thế rất khó tu tập bỏ ác làm lành. Cũng như có người làm điều thiện mà không biết mình làm điều thiện thì cũng rất khó tăng trưởng điều thiện.

Cuộc sống của người Phật tử phải là một cuộc sống tỉnh táo, biết thiện là thiện để phát huy điều thiện vốn có, học những điều thiện mình chưa có. Đồng thời cũng phải biết ác là ác thì mới loại bỏ điều ác mình đã phạm và phòng hộ những điều ác chưa sanh khởi. Nói tóm lại, tăng điều thiện vốn có, học những điều thiện chưa có, bỏ điều ác vốn có, tránh điều ác chưa có: đó phải là nếp sống tinh tấn của mọi Phật tử chúng ta.

Đó cũng là định nghĩa chữ "Chánh tinh tấn", Sammà vàyama, trong Bát chánh đạo mà Đức Phật khuyên tất cả Phật Tử chúng ta cần phải hành trì. "Vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nổ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp". (Tăng Chi II, trang 18).

Trên đây, chúng tôi có nói dùng niệm thiện xưa đuổi niệm ác. Các vị có thể hỏi đó là niệm thiện gì?

Các Kinh Phật thường dạy pháp tu "Tám chánh đạo" bằng chánh Tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, tám pháp môn tác thành con người toàn thiện, tám pháp môn xây dựng một nếp sống Phật giáo hoàn mỹ, thiết thực ứng dụng vào đời sống thực tại. Một con người chí thiện tất nhiên phải là con người có tri kiến chơn chánh có tư duy chơn chánh, có ngôn ngữ chơn chánh, có ba nghiệp chơn chánh, có sinh kế chơn chánh, có ý niệm chơ chánh và có thiền định chơn chánh.

Thực là sai lầm khi có một người nào đó buộc tội đạo Phật chúng ta như là tiêu diệt mọi tình cảm của con người, như là phi nhân bản! Trái lại, có thể nói đạo Phật là đạo nhân bản nhất bời vì nói giúp cho mọi ngưòi phấn đấu để trở thành những con người hoàn thiện, những bậc Thánh trên thế gian này, những con người hội tự một cách đầy đủ và hoàn mỹ nhất những đức hạnh từ bi và trí tuệ. Con người có trí tuệ và tình thương rộng lớn (từ bi): đó phải là hướng phấn đấu của tất cả chúng ta, vì đó là mẫu mực, của con người hoàn thiện theo quan điểm Phật giáo.

Đó là một hướng phấn đấu cụ thể, không có gì là viễn vông xa vời, Đức Phật và hằng bao thế hệ đệ tử đắc đạo của Ngài chứng tỏ con người mẫu mực hoàn thiện đó không phải là một cấu trúc không tưởng mà đã là, đang là, sẽ là những con người sống, thực tại nếu biết cố gắng phấn đấu theo con đường. Bát chánh đạo mà Đức Phật đã vạch ra.

Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn.

Đó cũng chính là bức thông điệp mà Đức Phật để lại chúng ta: bức thông điệp kêu gọi mọi người chúng ta hãy phấn đấu để trở thành những con người hoàn thiện, những con người giải thoát khỏi ba độc Tham, Sân và Si, những con người tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát, xứng đáng là học trò đức Phật, con đẻ tinh thần cuả Đức Phật.

Trong thế giới đầy hận thù này, chúng ta hãy sống không hận thù, hãy nêu gương sáng của cuộc sống đầy tình thương. Trong thế giới đầy bóng tối này, bóng tối của đe dọa chiến tranh, và nếp sống phi đạo đức, chúng ta hãy thắp lên ngọn đèn của trí tuệ, của hiểu biết và thông cảm.

Xã hội không nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua sách Phật và tượng Phật, mà nhìn chúng ta, đánh giá chúng ta qua con người cụ thể của chúng ta, qua việc làm và lời nói cụ thể của chúng ta, có thể hiện trung thành hay tương phản lại với ý tưởng từ bi và trí tuệ của Đạo Phật.

Đức Phật cũng vậy, Ngài nhìn chúng ta đánh giá chúng ta không phải qua tượng, tranh Phật, qua sách Phật ghi chép lời Ngài có đúng hay không, mà là qua nếp sống hàng ngày cụ thể của Tăng ni Phật tử chúng ta có thật là nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo hay không. Nếu thật sự, chúng ta sống, ứng xử, hành động theo đúng những lời dạy của Phật, thì dù Đức Phật có nhập Niết Bàn cách đây ba ngàn năm, nhưng Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, theo dõi hướng dẫn, khích lệ chúng ta.

Trong ngày lễ Phật Đản trang trọng này, chúng tôi hy vọng đó là niềm tin của tất cả chúng ta, và tất cả chúng ta sẽ sống theo niềm tin đó.

Kính chúc tất cả quý vị trọn hưởng một mùa Phật Đản tràn đầy Từ bi và Trí tuệ.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2018(Xem: 6544)
Quan sát, nhìn nhận đúng sự việc, nhà Phật gọi là chánh kiến. Chánh kiến là cách phân biệt bản chất của sự việc tốt hoặc xấu. Trong tiềm thức mỗi người đều có sẵn tính tốt và tính xấu. Ví dụ lòng trung thành và phản bội. Ai cũng có hạt giống trung thành và hạt giống phản bội. Người chồng nếu sống trong môi trường, hạt giống của lòng trung thành được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, thì người chồng sẽ là một người trung thành, nhưng nếu hạt giống của sự phản bội được tưới tẩm nuôi dưỡng hàng ngày, người chồng có thể phản bội
19/04/2018(Xem: 9171)
Audrey Hepburn; nữ tài tử Hollywood nổi danh ở thập niên 1950s, có vẻ đẹp thánh thiện với chiếc cổ thiên nga đã làm cho bao chàng trai mới lớn thời ấy từng ươm mơ dệt mộng. Tình cờ tấm ảnh của nàng đã xuất hiện trên mạng không khỏi làm nhiều người hâm mộ xúc động trước sự tàn phá của thời gian.
31/03/2018(Xem: 6961)
Sống để gặt những gì mình đã gieo và gieo tiếp việc thiện, tích cực tu tập để tiến hóa, có những tái sinh ngày càng tốt hơn, cuối cùng đạt quả vị giải thoát, đi đến chấm dứt sinh tử luân hồi. Đạo Phật tóm gọn trong mấy chữ nhân quả, thiện ác mà thôi. + Chúng ta có tái sinh, có kiếp trước và kiếp sau không? Có rất nhiều câu chuyện trên khắp thế giới về những người chết đi sống lại kể về linh hồn, những người nhớ về kiếp trước của mình như những vị Lạt Ma Tây Tạng, nhà ngoại cảm giao tiếp với linh hồn để tìm được rất nhiều ngôi mộ, v.v Con người được sinh ra từ những nghiệp tốt và xấu mà mình đã gieo từ vô số kiếp. Trong đời này ta buộc phải nhận quả. Để giảm thiệt hại từ những quả xấu và tăng cường quả tốt thì cần phải làm lành lánh dữ việc xấu dù nhỏ cũng không nên làm còn việc thiện dù nhỏ mấy cũng cố gắng làm. Phật nói số người được tái sinh làm người hoặc chư Thiên (thần thánh) nhiều như 2 cái sừng trên đầu con bò, còn số người sinh vào cõi khổ (rơi vào địa ngục, hóa thành
16/03/2018(Xem: 12569)
Video pháp thoai: Kinh Pháp Cú Phẩm Già 01 HT Thích Minh Hiếu giảng 11-03-2018
08/03/2018(Xem: 7831)
Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn. Tôi nghĩ , như một dấu hiệu của tôn trọng, tôi sẽ đứng để nói chuyện. Cách ấy, tôi cũng có thể thấy thêm những khuôn mặt. Tôi thường diễn tả tất cả chúng ta như những anh chị em. Chúng tađều là những con người giống nhau ở trình độ nền tảng. Chúng ta giống nhau từ tinh thần, cảm xúc, đến thân thể. Ở trình độ vật lý, có những khác biệt nhỏ, như độ lớn của lổ mũi. Lổ mũi của tôi được xem như là một cái mũi lớn. Tôi không nghĩ nó là một cái mũi lớn. Cho nên đó là điều quan trọng. Chúng ta phải nhận ra mỗi người khác như một con người – không có gì khác nhau. Rồi thì, ở trình độ thứ hai – vâng, có những khác biệt về tín ngưỡng, khác biệt về màu da, khác biệt về quốc gia. Tôi nghĩ, ngày nay vấn nạn mà chúng ta đang đối diện là chúng ta nhấn mạnh quá nhiều về tầm quan trọng ở trình độ thứ hai, quên lãng rằng ở trình độ thứ nhất thì chúng ta là những con người giống nhau.
07/03/2018(Xem: 8129)
Lại ngày 8 tháng ba. Mấy ngày nay đã thấy những email, những lời chúc đầy hoa trên mạng để chúc mừng ngày này. Trước 75, hình như ngày này chẳng ai biết tới. Những ngày tháng ba những năm ấy hoặc Lễ Hội tưởng niệm Hai Bà Trưng (6 tháng hai âm lịch), Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch), có ai để ý ngày 8 tháng 3. Thời ấy, đa số phụ nữ trong nam ở nhà lo cho con cái, nếu có đi làm hay ra buôn bán thì trong gia đình vẫn người chồng là trụ cột.
03/03/2018(Xem: 18407)
Vừa qua, bản thảo cuốn sách này, « Con Người và Phật Pháp » được tác giả Lê Khắc Thanh Hoài gởi đến cho tôi với lời đề nghị tôi có vài dòng đầu sách. Tôi có phần e ngại, vì có thể tôi không nắm rõ hết ý tưởng của tác giả và cũng có thể không nêu hết ý nghĩ của mình. Thế nhưng đối với một tác giả, một nữ cư sĩ Phật tử trí thức thuần thành, một nhà văn, một nhà thơ và là một nhạc sĩ mà tôi vẫn lưu tâm, cảm phục, cho nên tôi quên đi phần đắn đo mà mạnh dạn có mấy dòng, gọi là chút đạo tình và lòng trân trọng đối với chị Thanh Hoài.
28/02/2018(Xem: 8444)
Ở đời có những người không đức lại tự cho rằng quá nhiều đức; không tài lại nghĩ mình kỳ tài không ai bằng; làm lợi ích cho người không được bao nhiêu mà nghĩ mình làm quá nhiều; thành tựu không lớn mà nghĩ là thành tựu chưa từng thấy… là bởi “cái tôi” quá lớn. Cái tôi (the Self, the Ego) ấy vượt khỏi giới hạn của thân xác, đóng cọc cắm rào khắp nơi nào nó hướng đến. Nó vô hình nhưng lại mượn cái hữu hình để tự thể hiện sự hiện hữu của nó. Và sự hiện hữu theo cách thế bành trướng, lấn lướt của một cái tôi lớn, làm cho không gian chung quanh chật chội, tù túng. Ngay cả môi trường sống của gia đình, trường học, làng xóm, tổ chức tôn giáo, quốc gia, cho đến thế giới, trước sự hung hăng hãnh tiến, tự tin, tự mãn của một “cái tôi đáng ghét,” (1) sẽ bị ô nhiễm, khó thở. Cái tôi ấy nếu là người bình thường thì chỉ gây khó chịu, hoặc làm trò cười cho hàng thức giả trong vài phút giây; còn như cố gắng giành lấy trách nhiệm lãnh đạo tập thể nữa thì mới là hiểm họa cho nhiều người, trong một
28/02/2018(Xem: 11958)
Why is Buddhism so diverse ? Andrew Williams, I think we can all agree that the reason for the many diverse traditions and paths within Buddhism is that all sentient beings, in one way or another, are different, both mentally and physically, and therefore each individuals needs are also different. The Buddha explained that we sentient beings all have different and limited levels of understanding of this or that, and even if we focus on the very same thing, we will perceive it according to our own perspective. From our own limited viewpoint. We tend to perceive things and others based on our own preconceived ideas and past experiences. It's as if we judge the whole ocean based on the small part of the ocean that we may think we know. The whole sky based on a few clouds.
28/02/2018(Xem: 10386)
Bản Chất của Giáo Dục Đạo Đức Xã Hội_Bạch Mã
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]