Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức tin trong đạo Phật

01/10/201004:35(Xem: 8285)
Đức tin trong đạo Phật
lotus_4


Về đức tin trong đạo Phật, người ta có thể đặt câu hỏi: Có đức tin hay không trong đạo Phật? Hay nói một cách khác: đạo Phật có cần đến đức tin hay không? Nếu có, đức tin trong đạo Phật có khác gì với đức tin trong các tôn giáo khác không?

- Nếu khác, đức tin này có những đặc điểm gì ?

- Và cuối cùng, có những khác biệt gì về đức tin giữa các tông phái Phật giáo, giữa đạo Phật nguồn gốc, Nguyên Thủy và Đại Thừa, giữa Thiền, Tịnh Độ và Mật tông?

Thiết tưởng việc đầu tiên là định nghĩa đức tin và các loại đức tin.

Định nghĩa các loại đức tin

Tin (croire, to believe), theo từ điển, có nghĩa là : 1. cho là đúng sự thật, là có thật. 2. đặt hoàn toàn hi vọng vào người nào hay cái gì đó. Từ đó có những chữ ghép như : tin cẩn, tin cậy, tin dùng, tin tưởng, tin yêu. Đặc biệt tin tưởng (avoir confiance en, to trust on) có nghĩa là : tin ở cái gì hoặc một người một cách chắc chắn, có cơ sở. Ngược lại, cả tin là tin một cách dễ dàng, nhẹ dạ, không suy xét.

Tin tiếng Hán Việt là tín. Từ đó có những chữ ghép như : tín chủ, tín dụng, tín điều, tín đồ, tín hiệu, tín nghĩa, tín ngưỡng, tín nhiệm, tín phục, cuồng tín, mê tín, sùng tín.

Đặc biệt tín ngưỡng (religion) có nghĩa là : tin theo một tôn giáo nào đó (ngưỡng là nhìn lên với lòng thành kính).

Tín điều (dogme) là những điều do tôn giáo đặt ra để tín đồ tuân theo, hoặc những điều được tin theo một cách tuyệt đối.

Sùng tín (dévotion) là tin theo hoàn toàn một tôn giáo nào đó, với tinh thần kính trọng và ngưỡng mộ.

Mê tín (superstition) là tin theo một cách mù quáng, không biết suy xét, thường là vào những chuyện thần bí hoang đường. Chữ mê tín thường đi cùng với chữ dị đoan, tức là những điều quái lạ huyền hoặc do tin nhảm nhí mà có.

Cuồng tín (foi aveugle) là tin theo một cách mãnh liệt, điên cuồng, mù quáng.

Như vậy, chúng ta thấy có nhiều loại đức tin, với những cường độ khác nhau, với phần đóng góp của lý trí khác nhau. Có thể nói trong tin tưởng có cả hai phần lý trí và đức tin, trong sùng tín đức tin trội hơn lý trí, nhưng trong mê tín và cuồng tín không còn lý trí nữa, nhất là trong cuồng tín sức mạnh của đức tin mù quáng làm con người mất trí khôn, mất tự chủ, dễ gây nên bạo động. Đa số chiến tranh tôn giáo, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh chủng tộc cũng là do sự cuồng tín gây nên.

Lý trí và đức tin

Từ xưa đến nay, lý trí và đức tin luôn luôn chống đối với nhau, trong lý thuyết cũng như trong hành động. Tại Tây phương, tương quan giữa ratio và fides đã là một vấn đề sôi nổi từ thời kỳ Trung Cổ, gây nhiều xung đột giữa các tổ chức tôn giáo và xã hội thế tục.

Lý trí dùng lý luận và suy tư, phát xuất từ kinh nghiệm và nhận xét, trong khi đức tin nằm trong phạm vi tình cảm, không thể lý luận, suy xét, giảng giải được, đó là phần phi lý trí của con người. Tin, believe bắt nguôn từ chữ Đức cổ xưa liebe, có nghĩa là yêu. Do đó, trong các tôn giáo thần khải, tin vào Thượng Đế cũng có nghĩa là yêu Thượng Đế. Nói như Blaise Pascal : " Đức tin là như vầy : Thượng Đế cảm nhận được bằng trái tim, không phải bằng lý trí (Voilà ce que c'est que la foi : Dieu sensible au coeur, non à la raison) ". Đối tượng của đức tin vượt khỏi lý trí con người, có tính chất siêu nhiên, và không thể nào giải thích nổi bằng khoa học. Người ta chỉ có thể tin hay không tin, nhưng không thể nào biện hộ hay phủ nhận được lòng tin.

Lý trí và đức tin không tránh khỏi đi ngược lại với nhau: khi có lý trí thì không có đức tin, và nói chung đức tin lùi dần trước khoa học, điều đó khó lòng phủ nhận được, tuy rằng có nhiều nhà khoa học vẫn giữ lòng tin nơi một Đấng tối cao. Y học đã chứng minh được rằng khối óc con người có hai bán cầu, bên trái chuyên về lý trí, ngôn ngữ, bên phải về linh tính, tình cảm và có thể là về đức tin. Vậy thì sự kiện trong một cá nhân có trộn lẫn cả hai phần, lý trí và đức tin, điều đó cũng không có gì là lạ lùng.

Một khía cạnh nữa của đức tin là: người ta tin, chính vì lý do tin không chắc chắn. Bởi vì nếu chắc chắn, thì đã không cần đến lòng tin. Chẳng hạn như không ai nói "Tôi tin có mặt trời", vì đó là một điều chắc chắn do kinh nghiệm hàng ngày đưa tới ; hoặc là "Tôi tin rằng bạn có một vật gì trong tay", trong khi bàn tay đó mở toang. Ngược lại, nếu bạn nắm tay lại và nói rằng trong bàn tay bạn có một vật gì, thì tôi có thể tin hay không tin vào điều đó. Nói chung, khi một điều gì đã chứng minh hay chứng thực được rồi, thì không còn có lòng tin.

Và dù nói "Tôi vững lòng tin, hay tôi tin chắc rằng...", đức tin vẫn có thể lung lay, suy suyển được. Người nào nói "Tôi tin ở Thượng Đế, tôi tin ở đức Phật", cũng có thể một ngày kia, vì một lý do nào đó, mất đi lòng tin. Do đó, các tôn giáo thường dùng các phương pháp tự kỷ ám thị (auto-suggestion) để cho lòng tin các tín đồ mỗi ngày một thêm vững mạnh, bằng cách đặt ra những nghi lễ thường xuyên, như cầu nguyện tụng niệm nhiều lần trong một ngày.

Đức tin là một động lực, một động cơ đưa tới hành động, dù là tích cực hay tiêu cực. Đó là một sức mạnh không thể chối cãi được, có khả năng "lấp biển dời non". Trong khi đó, nghi hoặc không thể nào đưa tới một hành động nào. Cũng như Voltaire khi nói về sự đam mê và lý trí, lama Anagarika Govinda thường so sánh đức tin với luồng gió thổi vào ngọn buồm và lý trí với chiếc chèo lái của chiếc thuyền. Không có gió thì thuyền sẽ không đi tới, mà không có chèo lái thì thuyền sẽ quay vòng tại chỗ.

Đạo Phật là một tôn giáo hay một triết lý?

Đặt vấn đề đức tin trong đạo Phật cũng không khác gì đặt lại một câu hỏi cổ điển : "Đạo Phật là một tôn giáo hay là một triết lý ?"

Bởi vì tôn giáo đặt nặng vào đức tin, trong khi triết lý dựa lên lý trí.

Nói chung thì triết lý đặt lên những câu hỏi tổng quát về cuộc đời, không tin vào thần linh, không dựa lên các tín điều, nghi lễ, tổ chức, trong khi tôn giáo đưa ra những câu trả lời nằm sẵn trong các tín điều, tôn thờ thần linh, dựa lên các nghi lễ và tổ chức giáo hội.

Thật ra, đạo Phật không thể nào đóng khung lại vào trong một trong hai khuôn khổ đó. Chính tùy theo cách nhìn của người Phật tử, hay nhà Phật học, mà đạo Phật xuất hiện như một triết lý hay một tôn giáo. Và ngay cả đối với một người Phật tử, có những lúc đặt trọng tâm vào giáo lý, có những lúc lại nghiêng về tín ngưỡng, tùy theo tình trạng tâm lý nhất thời.

Đứng về mặt lịch sử, có thể nói rằng đạo Phật trong nguồn gốc là một triết lý, nhưng trong sự phát triển đã nhiễm màu sắc tôn giáo, và khía cạnh này đã trở thành chính yếu đối với đa số Phật tử trên thế giới. Đức Phật Thích Ca lịch sử chỉ là một con người như những người khác, ngài không phải là một đấng thần linh, cũng không phải là một vị giáo chủ, mà chỉ là một người dẫn đường, một vị thầy, một vị Như Lai (Tathagata, ainsi allé, đã đi tới). Chỉ sau khi ngài tịch diệt, người ta mới tôn thờ ngài, sùng tín ngài như các vị Phật khác và các vị Bồ Tát.

Như vậy có thể nói rằng trong đạo Phật, có đức tin mà cũng không có đức tin, tùy theo người ta nhìn dưới góc độ nào, tùy theo tông phái và nhất là tùy theo lòng tin như thế nào.

Đức tin trong đạo Phật nguồn gốc(1)

Theo truyền thống Ấn Độ cổ xưa, người ta thường phân chia các con đường giải thoát ra làm 3 loại : đường sùng tín (bhakti-magga), đường lễ nghi (kamma-magga) và đường trí tuệ (ñana-magga). Có thể nói rằng đạo Phật thuộc loại đường thứ ba, tuy không có nghĩa rằng hai loại đường kia hoàn toàn không có mặt trong đạo Phật.

Trong giáo lý căn bản của đức Phật, vô minh (avijja) là điểm khởi đầu của vòng tròn mười hai nhân duyên (paticca-samuppada) đưa tới sinh tử, khổ đau, và như vậy chỉ có trí tuệ (ñana hay pañña) mới đánh tan được vô minh và dẫn tới giải thoát. Trí tuệ đó không phải ở trên trời rơi xuống, cũng không phải do Thượng Đế hay thần linh nào ban cho, mà là do mình tự phát triển, theo con đường giải thoát vạch ra bởi đức Phật.

Trong con Đường chánh tám nẻo (ariya-atthangika-magga) đó, chánh kiến (samma ditthi) là quan trọng nhất, bởi vì điều cốt yếu là nhìn thấy sự thật như vậy (yatha bhutam). Trong kinh điển Phật giáo thường nói đến " con Mắt của sự thật ", khi một người đã thấy rõ được chân lý. Và ngay sau khi đức Phật Thích Ca tịch diệt, khắp nơi đều vang lên tiếng than vãn : " Con Mắt của thế giới đã mất rồi ! Con Mắt của thế giới đã mất rồi ! "(2). Giáo lý của đức Phật còn được gọi là ehi-passika " lại đây xem ", chứ không phải là " lại đây tin ".

Chúng ta cũng nhận thấy trong tám nẻo đường chánh đó còn có: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nhưng không có chánh tín.

Phải chăng như vậy phải hiểu rằng đức tin không phải là một điều quan trọng đối với đạo Phật, và người Phật tử không cần đến đức tin mà chỉ cần tinh tấn ?

Thật ra, trong đạo Phật nguồn gốc, cũng có đức tin, gọi là saddha theo tiếng pali, và sraddha theo tiếng sanskrit, nhưng tin theo nghĩa tin tưởng (foi de confiance), chứ không phải theo nghĩa sùng tín (dévotion) như trong các tôn giáo thần khải. Người Phật tử tin tưởng vào đức Phật và giáo lý của ngài, cũng như người chưa quen đường đặt tin tưởng vào người dẫn đường, tức là người đã đi trước, đã thực nghiệm con đường và chỉ dẫn cho các những người theo sau. Đức Phật Thích Ca không phải là một vị thần thánh phép lực vô biên, mà là một con người đã quyết tâm đi tìm con đường giải thoát, và đã đạt được giác ngộ bằng sự cố gắng của chính mình. Trong suốt cuộc đời còn lại và qua bao nhiêu thế hệ sau, bằng giáo pháp của ngài, ngài vẫn tiếp tục chỉ dẫn cho tất cả những ai muốn đi theo con đường đó. Do đó, trong tất cả những danh hiệu của ngài, có lẽ "đức Đạo Sư" là chính xác và thích hợp hơn cả.

Dĩ nhiên, người đi đường phải đặt sự tin tưởng, lòng tin cậy ở người dẫn đường, bởi vì lần đầu tiên đi trên con đường này, cũng như một người mắt kém đi trong bóng tối, lỡ có khi sai bước sẩy chân, thì có thể té ngã bất cứ lúc nào, do đó lúc đầu phải vững lòng tin. Rồi dần dần, bằng kinh nghiệm bản thân, người đi đường sẽ tự mình nhìn rõ lối đi và không còn phụ thuộc vào người dẫn đường, không còn cần đến lòng tin nữa.

Chính đức Phật cũng đã dậy cho các đệ tử của mình, trước khi ngài viên tịch: "Các con hãy là những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác"(2). Ngài cũng nhắc lại trong Kinh Pháp Cú: "Các người hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường..."(3)

Trong kinh điển Pali, có một bài kinh còn được gọi là Kinh Đức Tin, đó là bài kinh Kalama(4). Một ngày kia, đức Phật đi qua một thị trấn nhỏ, tên là Kesaputta, thuộc vương quốc Kosala. Người dân tại đó, gọi là dân Kalama, liền tới thăm đức Phật và trình bầy sự hoang mang của họ trước sự kiện các sa môn và tu sĩ Bà La Môn đi ngang qua đây đều đề cao tôn chỉ của mình và chê bai tôn chỉ người khác. Như vậy họ đâm ra nghi ngờ, không biết người nào nói thật, người nào nói sai, không biết nên tin theo ai. Đức Phật bèn giảng cho họ về mười nền tảng của một đức tin chân chính, và khuyên họ luôn luôn giữ tinh thần phê phán, không chấp nhận một sự thật nào trước khi tự mình kiểm chứng và thực nghiệm.

- "Này các vị Kalama, các vị đừng tin vì nghe lời nói lại, đừng tin vì theo truyền thống, đừng tin vì nghe lời đồn đại, đừng tin vì có trong kinh điển, đừng tin vì lý luận siêu hình, đừng tin vì suy diễn hay dựa lên những dữ kiện, đừng tin vì thấy thích hợp với mình, đừng tin vì người nói có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Nhưng này các vị Kalama, khi nào các vị tự mình biết rõ : 'Các pháp này là bất thiện (akusala, gây nghiệp không tốt), các pháp này nếu được thực hiện, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau', thì các vị hãy từ bỏ chúng. Và khi nào các vị tự mình biết rõ : 'Các pháp này là thiện (kusala, gây nghiệp tốt), các pháp này nếu được thực hiện, thì sẽ dẫn đến hạnh phúc an vui ', thì các vị hãy đi theo và hành trì".

Có lẽ trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một triết gia, một nhà tôn giáo nào có một thái độ tự do, cởi mở, đề cao lý trí và thực nghiệm như vậy. Ngoài đức Phật ra, ai có thể nói được rằng: đừng tin vào kinh điển, đừng tin vào lời dạy, ngay của chính ta, bởi vì "tất cả những điều ta dạy cũng như ngón tay chỉ mặt trăng"(5)? Nhân một dịp khác, đức Phật còn cảnh cáo thêm: "Tin ta mà không hiểu ta, tức là phỉ báng ta vậy".

Do đó, điều cần thiết nhất đối với người Phật tử là sự tin tưởng ở chính mình, tin tưởng ở khả năng tự giác của mình, đồng thời tin tưởng ở Tam Bảo (ti-ratana), tức là Phật, Pháp, Tăng. Lễ Quy y Tam Bảo (ti-sarana), là nghi lễ nhập môn cho tất cả các Phật tử, cũng không nằm ngoài tinh thần đó : nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, chính là đặt sự tin tưởng vào con đường, những người đã đi trước và những người dẫn đường.

Theo tinh thần tin tưởng đó, đức tin không đi ngược lại với lý trí, và còn đóng một vai trò quan trọng trên con đường giải thoát bằng cách mang lại nghị lực cần thiết cho sự tinh tấn, kiên trì tu tập. Không có lòng tin lôi kéo, thúc đẩy, con người sẽ trì trệ, buông lơi và nhiều khi lùi bước trước những khó khăn, thử thách gặp phải. Có thể nói rằng tin tưởng và lý trí bổ túc cho nhau một cách cân đối trong đạo Phật nguồn gốc.

Đức tin trong sự phát triển của đạo Phật

1. Sự sùng tín trong đạo Phật nguồn gốc và Nguyên Thủy

Tại Ấn Độ trong những thế kỷ sau khi đức Phật tịch diệt, song song với tinh thần tin tưởng (saddha) nói trên, tinh thần sùng tín (dévotion)(bhakti) vẫn tiếp tục bành trướng trong dân gian và không khỏi ảnh hưởng vào sự tiến hóa của đạo Phật. Có thể nói rằng đức tin đã dần dần xâm nhập vào đạo Phật bằng những hình thức nghi lễ, sùng bái của một tôn giáo.

Đọc Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparanibbana-Sutta) tiếng Pali, chúng ta cũng thấy rõ rằng tinh thần sùng bái, tín ngưỡng thật ra đã xuất hiện rất sớm. Ngay sau khi đức Phật tịch diệt tại Kusinara, các vua chúa vùng lân cận đã kéo binh mã tới, tranh giành nhau những di tích hoại thể của đức Phật, như những viên xá lợi, răng, tóc để đem về thờ phụng tại nước họ. Rốt cục, để bảo tồn hòa bình, các đệ tử của đức Phật đồng ý phân chia những phần còn lại trong hoại thể của ngài ra làm 8 nơi để được thờ phụng.

Thật ra, sự sùng bái di tích hoại thể đó đi ngược lại với lời căn dặn của đức Phật với các đệ tử của ngài trước khi ngài tịch diệt : " Sau khi ta chết đi, điều mà các con phải giữ gìn là Chánh Pháp. Chính Chánh Pháp sẽ thay thế ta ở cõi đời này. Hãy giữ gìn lấy Chánh Pháp "(2). Tiếc thay, trong tâm lý con người, Chánh Pháp là một cái gì quá trừu tượng để mà nương tựa vào, trong khi một chân răng, một sợi tóc, một viên xá lợi, dù không phải là của đức Phật đi chăng nữa, cũng đủ gây nên sự sùng bái và nuôi dưỡng lòng tin.

Như vậy, nói rằng không có sùng tín trong đạo Phật Nguyên Thủy (là sự tiếp nối của đạo Phật nguồn gốc), là một điều không chính xác. Chỉ cần nhìn cách tôn thờ thành khẩn và ảnh hưởng của Phật giáo trên đời sống xã hội tại các nước theo đạo Phật Nguyên Thủy, như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, là chúng ta đủ thấy rõ tinh thần sùng tín ở đây mạnh mẽ như thế nào.

Nói chung, sự sùng tín Tam Bảo tại các nước theo đạo Phật Nguyên Thủy có thật, nhưng thường ngừng ở một mức độ phải chăng, và điều quan trọng là không có tính chất quá khích và cũng mang ít tính chất vụ lợi, cầu xin danh lợi cho mình và thân quyến. Cũng có thể nói rằng đức tin tại đây có tính chất đơn giản và thuần túy hơn là tại các nước theo đạo Phật Đại Thừa, theo ý nghĩa chỉ tôn thờ đức Phật Thích Ca thay vì hàng chục vị Phật và Bồ Tát.

2. Sự sùng tín trong đạo Phật phát triển (Đại Thừa)

Khi so sánh các kinh điển của đạo Phật Nguyên Thủy (Tam tạng Pali) với các kinh điển Đại Thừa (như Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật, Lăng Nghiêm, Di Đà, v.v.), thì người ta không khỏi nhận thấy sự khác biệt giữa cách trình bầy giản dị, tự nhiên, tuy có phần khô khan và lập đi lập lại, của kinh điển Nguyên Thủy, và cách trình bầy phóng đại, phi thường, hoa mỹ của kinh điển Đại Thừa, như " đức Phật phóng hào quang, hương thơm tỏa ngào ngạt, đất trời rung chuyển ", v.v., với những hiện tượng siêu nhiên, thường có mặt trong khuôn khổ của sự sùng bái.

Như chúng ta biết, các đặc điểm của Đại Thừa là tôn thờ chư Phật và chư Bồ Tát, dựa lên thuyết " tam thân " của đức Phật (trikaya)(6), đặt nặng vào hạnh nguyện Bồ Tát, đưa từ bi và đức tin lên ngang hàng với trí tuệ, và dùng đến một số phương tiện thiện xảo (upaya kausalya). Về giáo lý, Đại Thừa dựa lên những bộ kinh xuất hiện sau Tam Tạng Pali, mỗi tông phái lấy một hay nhiều bộ kinh làm kim chỉ nam (7).

Và giữa các tông phái, đức tin có một tầm quan trọng khác nhau, một cường độ khác nhau, và có thể nói là đóng một vai trò khác nhau.

a) Với tư tưởng Bát Nhã, được trình bày trong bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahaprajnaparamita-sutra), và luận giải bởi ngài Long Thụ (Nagarjuna), thì trí tuệ ( pañña tiếng pali, prajña tiếng sanskrit) là điều quan trọng hơn hết, tuy rằng, tuy rằng ngài Long Thụ công nhận rằng " Con đường đức tin là con đường dễ, con đường trí tuệ là con đường khó ". Vì vậy con đường ngài đề xướng ra, Trung Quán (Madhyamaka), còn được gọi là " Tân phái Trí tuệ ", để phân biệt với con đường "Cổ phái Trí tuệ" của Trưởng Lão Bộ (Sthaviravada). Tư tưởng Bát Nhã, thể hiện qua hai bài Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Kim Cương, đã ảnh hưởng sâu đậm vào sự phát triển của Thiền tông tại Trung Hoa và các nước lân cận.

Đối với Thiền tông, đức tin không phải là một điều quan trọng. Vì không có gì để tin, "vạn pháp giai không", chỉ có cái tự tánh rỗng lặng, tĩnh tịch. Người Thiền sinh chỉ cần tin tưởng vào khả năng giác ngộ của mình, tin tưởng vào người thầy chỉ đường cho mình trong những bước đầu, lấy sự tin tưởng đó làm phương tiện. Rồi sau đó rời bỏ nó, quên nó đi, như quên ngón tay để theo mặt trăng.

"Trực chỉ nhân tâm" thì không cần gì những hình tượng Phật, như danh sắc, như thanh hương, là những gì ở ngoài tâm.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện của một vị thiền sư già và người đệ tử đi đường bỗng nhiên gặp bão tuyết, nên tạm tránh trong một hang động.

Vị thiền sư sai người đệ tử đi vào trong động tìm củi để sưởi ấm. Sau một thời gian, người đệ tử trở ra. " -Bạch thầy, không có củi gì để đốt. -Ngươi có chắc không ? vị thiền sư gặn hỏi. -Dạ chắc. -Thật không có gì trong động hết sao ? -Dạ, chỉ có một pho tượng Phật bằng gỗ ". Vị thiền sư đi xăm xăm vào trong động, khiêng ra pho tượng Phật, và trước mắt người đệ tử, lấy búa bổ pho tượng ra từng mảnh, rổi châm lửa đốt. Ánh lửa bùng lên, và người đệ tử bỗng nhiên hoát ngộ.

Phật là Phật, củi là củi, tin vào củi chẳng phải là tin vào Phật. Thờ kính tượng Phật chẳng phải là thờ kính Phật. Sống theo lời Phật dậy mới chính là thờ kính Phật. Cũng như lời dậy trong Kinh Kim Cương : " Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, thì người theo tà đạo, không thể thấy Như Lai " (8).

b) Ngược lại, đối với Tịnh Độ tông, đức tin là chính yếu. Đức tin theo nghĩa sùng bái (bhakti), yêu kính chư Phật để được các ngài cứu độ lên cõi xứ hay thế giới của các ngài, và cuối cùng được giải thoát. Cõi xứ quen thuộc nhất là cõi Tây Phương cực lạc (Sukhavati) của đức Phật A Di Đà (Amitabha, Amitayus), Vô lượng Thọ Quang Phật. Nhưng còn có vô số cõi xứ Phật, còn gọi là trường Phật (champs de Bouddha) bàng bạc khắp nơi, dưới muôn hình vạn trạng, và cuối cùng cũng chỉ là một. Khắp nơi đều có Phật, như lời của ngài Duy Ma Cật : " Tất cả những thiên cung tráng lệ, tất cả những thế giới Tịnh Độ đều thể hiện nơi đây, trong chính căn phòng này " (9).

Về thực hành, các vị tổ sáng lập ra Tịnh Độ tông quan niệm rằng đạo Phật đã tới thời kỳ "mạt pháp", cho nên người Phật tử cần phải dùng đến những phương tiện thiện xảo như tụng niệm kinh kệ, và đặc biệt niệm Phật A Di Đà (tiếng Nhật gọi là nembutsu), với một niềm tin mãnh liệt, nhằm được tái sinh lên xứ Phật và cuối cùng được giải thoát. Vì không đủ "tự lực" (tiếng Nhật gọi là jiriki), cho nên người Phật tử phải kêu gọi đến "tha lực" (tariki), để các ngài cứu độ và truyền sức mạnh vào mình.

Tịnh Độ tông dựa lên 3 tâm căn bản là : tín tâm, thành khẩn tâm và chuyên nhất tâm; và 3 bộ kinh chính là: kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm (7).

Nhìn dưới khía cạnh tâm lý, thì đức tin của người Phật tử Tịnh Độ không có vẻ gì khác biệt với đức tin của tín đồ Ky Tô giáo hay Hồi giáo, tức là đức tin hướng về Thượng Đế, chúa Ky Tô, Allah hay ngài Mohamed. Thật ra, nhìn kỹ hơn, ta sẽ nhận thấy một sự khác biệt không nhỏ : đó là tính chất phương tiện và tạm thời của lòng tin nơi chư Phật và Bồ Tát. Các vị tổ Tịnh Độ tông vẫn nhắc nhở rằng "đức tin là con đường dễ tu cho những người có căn cơ thấp", nhưng giác ngộ Niết Bàn vẫn là cứu cánh thực sự và duy nhất.

Như vậy có thể nhìn Tịnh Độ dưới hai khía cạnh, hay hai mức độ, là "Tịnh Độ tha phương" và "Tịnh Độ tự tâm", tức là xem Tịnh Độ như một thế giới khác mình mong cầu tái sinh lên, hoặc xem Tịnh Độ như là cõi xứ an tịnh trong tâm của mình. Theo kinh Duy Ma thì "Nếu Bồ Tát muốn được Tịnh Độ, thì phải tịnh cái tâm của mình. Khi nào tâm tịnh rồi, thì cõi Phật sẽ tịnh". Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông cũng nói về Tịnh Độ như sau : "Tịnh Độ là lòng trong sạch, Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, Mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc ".

c) Mật tông,Tantrayana (hay Kim Cương Thừa, Vajrayana), là tông phái của Đại Thừa dùng nhiều phương tiện thiện xảo nhất, với những lễ nghi, những thực hành có tính chất bí truyền (ésotérique), ngược lại với tính chất công truyền (exotérique) (10) của giáo lý nguồn gốc và Nguyên Thủy. Về mặt lý thuyết, Mật tông dựa lên giáo lý của Trung Quán và Duy Thức, nhưng điều này không ngăn cản sự phát triển của vô số thần linh, lễ nghi, bùa chú, ấn quyết, trộn lẫn với tôn giáo dân gian bản xứ. Vì quan niệm " luân hồi là Niết Bàn ", cho nên điểm đặc biệt của Kim Cương Thừa là dùng tất cả những kinh nghiệm sống của con người, tất cả những trạng thái tâm thần, dù là xấu xa, hèn kém, để chuyển hóa chúng, nhằm vượt khỏi thế giới nhị biên và đạt tới chân lý. Trên con đường tu học khó khăn và phức tạp này, sự hướng dẫn của một vị thầy (guru) là một điều cốt yếu. Người đệ tử cần phải có một đức tin vững chắc vào mối liên hệ thầy-trò này (như mối liên hệ giữa các ngài Tilopa, Naropa, Marpa và Milarepa), cũng như lòng tin ở khả năng giác ngộ của chính mình. Nhìn bề ngoài, Mật tông có vẻ mang đầy mầu sắc lễ nghi, hình thức phức tạp, nhưng thật ra, trong chiều sâu và trên mức độ cao nhất, đó chính là một con đường tìm kiếm thuần túy của sự toàn giác, với một con người toàn diện.

Tóm tắt và kết luận

Điều quan trọng nên ghi nhớ trong đạo Phật là : đức tin chỉ là một phương tiện. Trí tuệ cũng chỉ là phương tiện, nhưng là phương tiện cốt yếu, trong khi đức tin là một phương tiện thứ yếu, tạm thời. Mục đích tối hậu của đạo Phật là giải thoát, là giác ngộ. Đó cũng là mục đích duy nhất và mục đích chung của tất cả các tông phái Phật giáo.

Đức tin có thể được so sánh với một chiếc gậy, để chống vịn vào, khi bắt đầu đi trên những quãng đường khúc khuỷu, tối tăm. Nhưng rồi sau đó, khi đường đi đã sáng sủa, thênh thang, thì không còn cần đến chiếc gậy nữa. Đức tin cũng có thể được so sánh với một chiếc phao, nên đeo lúc ban đầu để tập bơi, nhưng phải rời bỏ khi đã biết bơi. Cũng như không cần đến chiếc bè khi đã qua kia sông, không cần đến ngón tay khi đã thấy mặt trăng.

Nhưng đôi khi bỗng nhiên cơn bão tố ập tới trong đời, làm con người cảm thấy yếu đuối và tuyệt vọng. Đức tin lúc bấy giờ lại xuất hiện như một chiếc phao với được trong biển động, cần thiết hơn bao giờ hết...

Đức tin trong đạo Phật nguồn gốc và Nguyên Thủy, là tin tưởng. Tin tưởng ở những vị đã giác ngộ, tức là Phật, tin tưởng ở con đường các ngài đã vạch ra, tức là Pháp, tin tưởng ở những vị thầy đã đi trước, tức là Tăng. Điều quan trọng là tin tưởng nhưng không bao giờ quên chiêm nghiệm, thực chứng những điều đã học được. Và nhất là tin tưởng ở chính mình, ở khả năng tự giác của mình.

Đức tin trong đạo Phật phát triển (Đại Thừa), theo pháp môn Tịnh Độ, là sự sùng tín chư Phật và Bồ Tát, nhưng sự sùng tín đó, cũng như sự kêu gọi tới " tha lực " của các ngài, không làm quên đi cứu cánh tối hậu là giải thoát, là nhận chân được Phật tánh trong mình.

Thật ra, nếu lấy " tâm " làm chủ, nếu hiểu được rằng "Phật tại tâm", thì có gì khác biệt giữa "tự lực" và "tha lực"? Khi kêu gọi đến tha lực, thì tha lực ấy ở đâu mà có, nếu không phải là sức mạnh trong chính tâm mình? Chư Phật, chư Bồ Tát ở đâu, nếu không phải ở thế giới trong tâm mình? Thế giới Tịnh Độ ở đâu, nếu không phải là sự thanh tịnh trong tâm mình, ở lúc này và tại đây?

Đức tin trong Mật tông (hay Kim Cương Thừa) cũng như vậy. Ngoài tin tưởng ở Tam Bảo ra, Mật tông còn xem mối liên hệ thầy-trò là cốt yếu, và dùng nhiều phương tiện thiện xảo để đạt tới giác ngộ, trong khi trong Thiền tông, tuy có sự ấn chứng của vị thầy "dĩ tâm truyền tâm", nhưng cái chính là chỉ thẳng vào tâm để nhận chân Phật tánh, không cần đến các phương tiện thiện xảo, mà chỉ cần đến chánh niệm trong tỉnh thức.

Nói cho cùng, tất cả cũng là ở niềm tin nơi chính mình. Tin tưởng ở Tam Bảo, sùng tín chư Phật, Bồ Tát thật ra cũng chính là tin vào mình, vào cái tự tánh chân thật của mình...

Còn mê tín và cuồng tín ?

Mê tín và cuồng tín không có chỗ đứng trong đạo Phật.

Bởi vì đạo Phật là con đường của trí tuệ, của sự phá bỏ vô minh. Và vô minh là nguồn gốc của mê tín và cuồng tín, lòng tin lầm lạc dẫn tới khổ đau.

Với đạo Phật, không bao giờ có chiến tranh tôn giáo, tranh chấp về giáo lý, đả kích về đức tin.
Lý do giản dị là : bẻ vặn tay nhau làm chi, khi chỉ có mặt trăng là chính yếu !

Olivet, 01/10/2006
Trịnh Nguyên Phước

Chú thích

(1) Đạo Phật nguồn gốc, sơ khởi hoặc cổ xưa (bouddhisme primitif ou ancien) là đạo Phật vào những lúc ban đầu, khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, và trong một thời gian sau khi ngài viên tịch, trước khi tăng đoàn bị phân chia ra làm hai ngành chính, là Trưởng Lão Bộ (Sthaviravada) và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), vào lúc Đại hội kết tập lần thứ 3. Đạo Phật Nguyên Thủy (Theravada) là đạo Phật phát xuất từ Trưởng Lão Bộ, sau nhiều phân chia, biến hóa, và có mặt cho tới ngày hôm nay tại các nước gọi là " Nam truyền ". Cả hai đạo Phật nguồn gốc và Nguyên Thủy đều có thể gọi chung là đạo Phật theo truyền thống Pali, vì dựa lên kinh điển Pali, đặc biệt là Tam Tạng (Tipitaka).

(2) Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparanibbana-Sutta) tiếng Pali, thuộc Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya). Đừng lầm với Kinh Đại Bát Niết Bàn của Đại Thừa, nguyên văn viết bằng tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán và tiếng Tây Tạng, dài hơn và nội dung có hơi khác.

(3) Kinh Pháp Cú (Dhammapada, 276)

(4) Kinh Kalama, trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikaya, I. 189-92)

(5) " Nhất thiết Tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ ", Kinh Viên Giác (Mahavaipulyapurnabuddha-sutra)

(6) tức là : a/ Ứng thân (Nirmanakaya), tức là thân xác trong đó Phật xuất hiện trước mắt mọi người, b/ Báo thân (Sambhogakaya), tức là thân trong đó Phật sống trong thế giới Tịnh Độ, thế giới Cực Lạc của chư Phật, và c/ Pháp thân (Dharmakaya), là Chân tướng của Phật, là sự thực siêu nhiên bình đẳng của mọi pháp.

(7) Chẳng hạn như Thiền tông dựa lên bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahaprajnaparamita-sutra), đặc biệt Bát Nhã Tâm Kinh (Prajnaparamita-hridaya-sutra) và kinh Kim Cương (Vajrachchedika-prajnaparamita-sutra), kinh Lăng Già (Lankavatara-sutra), kinh Pháp Bảo Đàn (Tổ Huệ Năng). Tịnh Độ tông dựa lên kinh A Di Đà (Amitabha-sutra), kinh Quán Vô Lượng Thọ (Amitayurdhyana-sutra) và Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm (Sukhavati-vyuha), kinh Pháp Hoa (hay Diệu Pháp Liên Hoa) (Saddharmapundarika-sutra), kinh Hoa Nghiêm (Avamtasaka-sutra), kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtinirdesha-sutra)... Mật tông (hay Kim Cương Thừa) cũng lấy kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa và kinh Lăng Già, theo hai trường phái Trung Quán (Madhyamaka) và Duy Thức (Vijnanavada hoặc Yogacara), làm căn bản.

(8) " Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai ", Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajrachchedika-prajnaparamita-sutra)

(9) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết (Vimalakirtinirdesha-sutra)

(10) Như đức Phật Thích Ca đã nói với ngài A Nan ít lâu trước khi ngài viên tịch: "Trong khi dậy đạo Pháp, ta không hề phân biệt những gì bí truyền và những gì không bí truyền. Lời dạy của Như Lai không như bàn tay nắm chặt của người thầy (acariya-mutthi)". (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Mahaparanibbana-Sutta, tiếng Pali)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2012(Xem: 7508)
Để phục vụ bữa ăn sáng và trưa cho khoảng từ ba ngàn đến tám ngàn người ăn thì quả thật là điều khó có thể tin được, nếu bạn không tận mắt chứng kiến, tận tay mình làm. Mặc dù chỉ là đồ chay nhưng khối lượng công việc thì quả thật khổng lồ. Ngoài các Sư Thầy còn có khoảng vài chục người làm công quả ở tại chùa phải dậy từ ba giờ sáng, có khoảng vài chục người thay vì ngồi trên chùa nghe giảng pháp thì họ đã tình nguyện xuống bếp để phục vụ.
30/03/2012(Xem: 9532)
Lịch Maya và phim Hollywood về năm 2012 thumbnail.php?file=009___Phap_Am___Nam_Tan_The__R__1_489898811Nghe hai chữ “tận thế”, phần lớntrong chúng ta cảm thấy sợ hãi, nhưng cũng có nhiều người nở nụ cười tươi tắn như thể sắp được trút bỏ nỗi khổ đau, bất hạnh, sự khủng hoảng vốn đeo bám và ám ảnh suốt nhiều năm mà vốn dĩ cuộc đời bao giờ cũng thế. Có người ngạc nhiên vì nghĩ rằng đây là sự kiện không có thật. Một lời đồn thổi ảnh hưởng và tồn tại lâu dài, như thể người bệnh tai biến mạch máu não nhiều năm không chết được.
30/03/2012(Xem: 12896)
Đạo hữu Lillian Too, nhà phong thủy nổi tiếng thế giới, đã viết hơn tám mươi cuốn sách về đề tài này, và bà cũng đã cho xuất bản tạp chí Feng Shui World (Phong Thủy Thế Giới) phát hành hai tháng một kỳ. Mới đây bà đã mở rộng công việc xuất bản của mình với số đầu tiên là Mahayana (Đại Thừa Phật Giáo), tạp chí trình bày truyền thống Đại Thừa Phật Giáo Tây Tạng như phương châm " vì lợi lạc cho quần sanh". Mahayana đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người tại quê hương của bà ở Singapore vào cuối năm ngoái. Bài viết sau đây là một phần nhỏ mà Tạp chí Mandala đã trích đăng từ tập sách của bà với tựa đề 108 Phương cách
30/03/2012(Xem: 8463)
Ngài Tịnh Không lão pháp sư nói, chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể. Là đệ tử của Phật, hôm nay chúng ta may mắn được nghe Phật Pháp, đươngnhiên cần phải chiếu cố đến chúng sanh ở tận hư không pháp giới, nhất là nhữngoan gia trái chủ của mình trong nhiều đời nhiều kiếp.
27/03/2012(Xem: 6732)
“Give me a lever long enough and a fulcrum on which to place it, and I shall move the world”. Archimedes. Tạm dịch theo quan điểm Phật giáo. “Hãy cho tôi một điểm tựa tâm linh và đầy đủ phương tiện, tôi sẽ di chuyển thế giới này...”
26/03/2012(Xem: 10989)
Văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng “hành vi trái với truyền thống Phật giáo của Michael Roach không phù hợp với những lời giảng dạy và thực hành của đức Đạt Lai Lạt Ma”.
25/03/2012(Xem: 19249)
Bằng kinh nghiệm của riêng tôi, tôi đã học được phương pháp hữu hiệu nhất để vượt qua khủng hoảng là sự tiếp xúc chặt chẽ và trao đổi giữa những người có niềm tin khác nhau...
23/03/2012(Xem: 8495)
Trong một quyển sách nhỏ mang tựa đề là « Phật Giáo nhập môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008) tác giả Fabrice Midal nêu lên một số các vấn đề căn bản nhằm giúpchúng ta có một cái nhìn bao quát về Phật Giáo. Tuy các chủ đề trong tập sáchnày đều mang tính cách đại cương thế nhưng kiến thức của ông về Phật Pháp thì lạithật vô cùng sâu sắc và các đường nét chính yếu trong giáo lý nhà Phật đã đượcông trình bày với một chiều sâu và dưới các khía cạnh uyên bác thật bất ngờ.
20/03/2012(Xem: 9512)
Chú Đại bi còn có những tên gọi sau: Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Quảng đại viên mãn đà-la-ni...
20/03/2012(Xem: 6547)
Sự giải thoát có thể dụ cho một sự sáng không bờ mé, ngăn ngại và cái ngã đã được giải thoát (vô ngã) dụ cho một cái sáng khác ở trong cái sáng không bờ mé đó...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]