Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm thức về Xuân của thiền sư

05/03/201215:35(Xem: 8044)
Cảm thức về Xuân của thiền sư
Cảm thức về Xuân của thiền sư
Đông Tùng

camthucvexuan-dongtung-content

Thiền sư cũng là một con người, một thi nhân; vậy thì không có lý do gì khiến họ không thưởng thức cái đẹp mà tạo hóa ban cho:

“Thụy khởi khải song phi,

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi”.

(Xuân hiểu - Trần Nhân Tông)

Ngủ dậy ngỏ song mây,

Xuân về vẫn chưa hay.

Song song đôi bướm trắng,

Phất phới quện hoa bay.

(Ngô Tất Tố dịch) (1)

Mới đọc bài thơ, ta có cảm tưởng mùa Xuân ở đây dường như âm thầm trở về, vì không có một dấu hiệu nào báo trước. Và cũng không rõ là do xuân đến một cách âm thầm nên người ta không nhận ra hay vì đắm say trong giấc ngủ mà không biết xuân đã về, mãi đến lúc nhìn thấy “Song song đôi bướm trắng, phất phới quện hoa bay” mới khiến cho người ta biết chắc Xuân đã thực sự trở về.

Rõ ràng là mùa Xuân đã đến rồi, chứ không phải đợi đôi bướm xuất hiện hay hoa nở xuân mới đến. Câu “Ngủ dậy ngỏ song mây, xuân về vẫn chưa hay” chỉ là một cách nói, để tạo ra một sự yên lặng của cảnh vật chung quanh, từ đó làm nổi bật lên sự nhộn nhịp của vạn vật khi xuân sang, cụ thể ở đây là đôi bướm trắng bay tìm hoa. Mùa Xuân ở đây được miêu tả tuy rất giản đơn, chỉ thể hiện qua đôi bướm tìm hoa nhưng cũng đủ làm rõ được sự nhộn nhịp, vui tươi của lòng người và cảnh vật.

Thực sự thì cảnh xuân còn bao nhiêu thứ khác nữa, chứ đâu chỉ có thế:

“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi”.

(Xuân cảnh - Trần Nhân Tông)

Chim nhởn nha kêu liễu trổ đầy,

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

(Huệ Chi dịch) (2)

Khởi đầu của bài thơ trước có phần trầm lặng bao nhiêu thì khởi đầu bài thơ này nhộn nhịp, vui tươi bấy nhiêu; bởi lẽ cảnh vật ở đây có vẻ sôi động hơn nhiều. Tuy rằng mùa Xuân được miêu tả có chim hót líu lo, có hoa thơm cỏ lạ nhưng giọng điệu chủ đạo của bài vẫn chứa đựng cái tinh thần trầm lắng và nhàn nhã chứ không huyên náo, ồn ào. Đọc hai câu thơ đầu, ta dễ dàng nhận thấy ngay sức sống mới đang tuôn chảy trong vạn vật, mọi thứ đều chuyển mình khi xuân đến. Cảnh vật ở hai câu này đều trong trạng thái động, nhưng cái động này là để làm nổi bật cái trầm lắng và thanh nhàn ở câu sau:

“Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cùng tựa lan can nhìn núi mây”

Nếu như ở bài thơ trước dùng cái tĩnh lặng của mọi sự vật chung quanh để diễn đạt sôi động của mùa Xuân, thì ở bài này dùng cái động của mùa Xuân để tả cái thanh nhàn và u huyền của lòng người. Tinh thần siêu nhiên thoát tục thể hiện rõ ở việc khách đến chơi không quan tâm đến chuyện trần tục mà chỉ cùng nhau ngắm cảnh đẹp của mùa Xuân. Chính lúc không để tâm vào những chuyện thị phi, đắc thất, thịnh suy… của cuộc đời mới có được trạng thái thanh nhàn và siêu thoát. Và từ đó mới có thể ngắm nhìn tường tận vẻ đẹp của vạn vật quanh ta.

Trong cái nhìn của Trần Nhân Tông, mùa Xuân thật tươi đẹp nhưng không huyên náo, ồn ào mà rất nhàn tịch, thanh đạm. Nó đồng điệu với tâm hồn an lặng và siêu thoát của tác giả.

Khi tìm hiểu cảm nhận của các Thiền sư về mùa Xuân, điều dễ dàng nhận thấy là các ngài cũng không chối từ hay lẩn tránh vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng, thậm chí còn rất trân trọng món quà quý giá này. Mùa Xuân đến, các Thiền sư cũng vui xuân, cũng ngắm hoa thơm cỏ lạ, cũng thưởng thức tiếng ca hát của chim muông như bao nhiêu người khác; nhưng chỗ đặc biệt của các Thiền sư là khi xuân ra đi lòng các ngài vẫn an nhiên và tự tại. Lý do nào đã tạo nên điều đó? Tuy thật sự quý trọng cái đẹp nhưng các Thiền sư không đắm nhiễm hay tham luyến cái đẹp, bởi các ngài nhận thức rằng mùa Xuân là một hiện tượng tự nhiên nằm trong dòng sinh diệt. Xuân đến thì đón chào, xuân đi thì tiễn biệt, chẳng có chi phải bận lòng:

“Nhất niên xuân tận nhất niên xuân,

Dã thảo sơn hoa kỷ độ tân.

Thiên hiểu bất nhân chung cổ động,

Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân”.

(Bổn Tịnh Thiền sư) (3)

Một năm xuân trọn một năm xuân,

Cỏ dại non hoa mấy độ tươi.

Trời sáng chẳng do chuông trống động,

Trăng trong đâu bởi khách đi đêm.

(Thích Thanh Từ dịch) (4)

Hai câu đầu nói về xuân, hai câu sau nói về tính khách quan của vạn vật. Không đọc kỷ bài thơ, sẽ thấy chúng chẳng có quan hệ gì với nhau.

Tất cả các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ tồn tại một cách khách quan, chúng vận hành theo quy luật tự nhiên. Chẳng hạn chuông trống canh không điểm thì trời vẫn sáng, không có người đi đường vào ban đêm thì trăng vẫn cứ tròn và soi chiếu. Thời tiết đến, nhân duyên hội đủ thì vạn vật xuất hiện và tồn tại; khi thời tiết, nhân duyên phân tán thì vạn vật không còn hiện hữu nữa. Đó là tính khách quan của vạn vật.

Mùa xuân cũng vậy; nó đến đi theo quy luật tự nhiên, theo sự tuần hoàn của vũ trụ, tồn tại không dài hay ngắn hạn. Nếu chúng ta đem ý chí chủ quan của mình áp đặt vào sự vật, hiện tượng buộc chúng tồn tại và hoạt động theo mình thì không những chúng ta không gặt hái được kết quả như mong đợi mà còn chuốc lấy muộn phiền. Vì thể nghiệm được điều đó nên Thiền sư Bổn Tịnh không bận lòng đến cái sinh diệt, đến đi của mùa Xuân. Ngài sống hài hòa và hướng thuận theo quy luật vận hành của vũ trụ, cho nên ngài có được sự tự tại và niềm an lạc trước dòng sanh diệt của cuộc đời. Quan niệm này là chỗ gặp gỡ giữa Thiền sư Bổn Tịnh và Giác Hải:

“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.

Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”.

(Giác Hải Thiền sư) (5)

Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.

Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,

Thấy hoa mặc bướm để lòng chi.

(Ngô Tất Tố dịch) (6)

Hễ mùa Xuân đến thì hoa thơm rộ nở, ong bướm cũng theo đó mà tụ hội về. Việc này xưa nay chưa từng thay đổi. Đứng trước vẻ đẹp của mùa Xuân, Thiền sư Giác Hải chẳng ngần ngại thưởng thức, rồi cầm bút miêu tả. Nhưng không dừng lại ở đó, ngài còn nhìn thấy rõ bản chất của các hiện tượng trên là hư huyễn, chúng không trường tồn, không vĩnh hằng; tất cả hoa, bướm có đẹp đến mức nào thì cũng tàn phai theo thời gian. Chính vì lẽ đó mà Thiền sư chẳng vương vấn về sự tàn nở của hoa, sự ra đi hay trở lại của mùa Xuân. Khi đối cảnh, tâm của Thiền sư rất bình lặng; nó tợ như tấm gương, sự vật hiện tượng nào đến trước gương thì gương phản chiếu hình ảnh của sự vật hiện tượng đó, nhưng khi sự vật hiện tượng đó ra đi thì gương không lưu hình ảnh của chúng lại và gương vẫn sáng soi bất động:

“Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,

Thấy hoa mặc bướm để lòng chi”.

Biết thưởng thức cái đẹp là khó, nhưng thưởng thức cái đẹp mà lòng không say đắm và chiếm hữu nó thì càng khó hơn. Chỉ có những người nào nhìn đời, nhìn người bằng tuệ giác-vô ngã mới có được trạng thái như vậy. Bằng ngược lại, khi tiếp xúc với cái đẹp, lòng không những không được tự tại mà còn khởi lên tham sân, phiền não. Chắc chắn rằng vì nhìn cuộc sống bằng tuệ giác-vô ngã nên dù xuân thời gian đã ra đi mà lòng của các Thiền sư vẫn còn mãi một niềm vui vô tận:

“Xuân nhật xuân sơn lý,

Xuân sự tận giai xuân.

Xuân quang chiếu xuân thủy,

Xuân khí kết xuân vân.

Xuân khách tình xuân động,

Xuân thi xuân cánh tân.

Duy hữu thức xuân nhân,

Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.

(Phật Nhãn Thiền sư) (7)

Ngày xuân, xuân trong núi,

Việc xuân thảy đều xuân.

Hồ xuân ánh xuân chiếu,

Khí xuân kết mây xuân.

Khách xuân lòng xuân động,

Thi xuân, xuân càng tươi.

Chỉ có người biết xuân,

Muôn kiếp một mùa Xuân.

(Thích Thanh Từ dịch) (8)

Bài thơ này rất đặc biệt, tất cả các câu đều có hai từ “xuân”, trừ hai câu cuối chỉ có một từ “xuân”. Chính vì chỗ mỗi câu đều được bố trí từ “xuân” như vậy nên tạo cho ta cảm giác mùa Xuân đang trùm khắp vạn vật, dường như không nơi nào xuân không hiện hữu. Và từ “xuân” ở đây đã mở rộng biên độ nghĩa của nó, xuân còn là cái đẹp trong tự nhiên và cuộc sống.

Cái khéo của tác giả là chỉ dùng một vài hình ảnh cụ thể nhưng rất khái quát để diễn đạt tính khách quan và phổ biến của cái đẹp, của mùa Xuân. Nhìn lên trên thì ta bắt gặp “xuân vân”, “xuân sơn”; nhìn xuống dưới thì ta thấy “xuân thủy”; ngoài ra còn có “xuân quang”, “xuân khí” đang bao trùm và soi sáng mọi nơi. Cả không gian: Xa, gần, cao, thấp, rộng, hẹp… đều chìm ngập trong xuân. Nhưng không chỉ có thế, ở đây còn có sự giao hòa giữa cảnh vật và con người. Nếu như ở bốn câu đầu mùa Xuân len lỏi vào vạn vật thì ở các câu sau mùa Xuân thấm vào tận lòng người:

“Xuân khách tình xuân động,

Xuân thi xuân cánh tân”.

Hai câu này bộc lộ rõ thần thái rạo rực và hạnh phúc trong lòng người trước cảnh tươi đẹp của mùa Xuân. Cái tươi đẹp của mùa Xuân hòa cùng nét thanh tú của con người làm cho đất trời thêm rực rở, và giữa chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. Xuân làm cho lòng người trẻ hơn, đẹp hơn; ngược lại hoạt động của con người làm cho xuân thêm ý nghĩa.

Đến hai câu cuối:

“Duy hữu thức xuân nhân,

Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.

Chữ “xuân” ở câu trên là chân lý, còn ở câu dưới nó có nghĩa là niềm vui, niềm hạnh phúc. Thực vậy, muốn có niềm vui muôn thuở thì phải hiểu rõ chân lý trong cuộc sống. Tức phải thấy được xuân thời gian thì hữu hạn, xuân có đến thì có ra đi, hoa có nở thì có tàn; mọi thứ đều nằm trong dòng sinh diệt, vô thường. Sống thuận theo dòng chảy của tự nhiên, xuân đến thì nghinh đón, xuân đi thì tiễn biệt. Có như thế lòng mới đạt được niềm an lạc vĩnh hằng, mới hưởng được “mùa Xuân muôn thuở”.

Như vậy, các Thiền sư dùng tuệ giác để nhìn đời, nhìn cuộc sống. Trong mắt của mình, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới đều đổi thay, đều hư huyễn; cho nên sự sinh diệt của mùa Xuân chẳng làm các ngài bận lòng. Thái độ sống của các Thiền sư là “Tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên”. Mùa Xuân của đất trời không phải không đẹp nhưng cái đẹp đó chỉ là cái đẹp hữu hạn, cái đẹp thực sự, mùa Xuân thực sự chính là chân lý cuộc sống.

Một điểm đặc trưng khác trong cái nhìn của các Thiền sư khi mùa Xuân đến là từ sự nở tàn của hoa cỏ, sự sinh diệt của mùa Xuân, sự biến đổi nơi thân thể của mình; các ngài nhận ra một chân lý phổ biến, tồn tại một cách khách quan trong cuộc đời. Chân lý ấy là: Vạn vật và con người trên thế gian này đều chịu sự chi phối của nguyên lý vô thường. Từ nhận thức này, các Thiền sư không để tâm duyên theo vẻ đẹp và niềm vui giả tạo, hư huyễn của xuân thời gian mà an trụ vào cái đẹp tuyệt đối và niềm hỷ lạc nhiệm mầu của tâm xuân, của bản giác xuân ở lòng mình. (Còn tiếp)

(1) Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr. 337.

(2) Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội, tr. 341.

(3) Thiền sư Bổn Tịnh (?-761): Môn đệ Lục tổ, đời thứ I.

(4) Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 74.

(5) Thiền sư Giác Hải (?-?): Đời thứ 10 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

(6) Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr. 142.

(7) Thiền sư Phật Nhãn (?-1119): Hiệu Thanh Viễn, thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời thứ 11, đời thứ 15 sau Lục tổ.

(8) Trích theo Thích Thanh Từ, 1991, Xuân trong cửa thiền, Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 200.

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2016(Xem: 10774)
Bài viết này [“Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo” (An Overview of the Buddhist Tripataka)] nhằm cung cấp một cái nhìn duyệt qua kho tàng Kinh điển Phật giáo từ ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 560 – 480 trước Công Nguyên (tr. CN)] còn tại thế cho đến ngày nay. Đạo Phật đã có một lịch sử trên 2.500 năm.
06/11/2016(Xem: 7042)
Lần nọ của nawm xưa, chúng tôi tham gia 1 khóa tu tại Packchong, Thái Lan. Theo quy định của bất cứ khóa tu nào, nam ở riêng và nữ ở riêng, bất kể là vợ chồng hay mẹ con. Tôi ở cùng 1 người đàn ông phương tây trong 1 căn phòng cho khoảng hơn chục Phật tử. Người đàn ông này khá ít nói, rất nhẹ nhàng, tham gia nghiêm túc các thời khóa.
05/11/2016(Xem: 8923)
Chúng ta đều biết, giáo dục là công trình quan trọng hàng đầu cho mọi nền phát triển của xã hội văn minh. Giáo dục xây dựng tính nhân văn cho một quốc gia và làm thành nhân cách sống con người cao quý, thiện lành, đẹp đẽ và hạnh phúc cho từng cá nhân trên hành tinh này. Đạo phật đã có một bề dầy 26 thế kỷ của công trình giáo dục,
05/11/2016(Xem: 8210)
Hồi còn nhỏ, còn trẻ tôi ít khi nghe đến từ ly dị, cả một cái làng Trại Mộ, cả một xóm Cỏ May (nơi tôi sinh trưởng và lớn lên) không hề nghe đến cặp vợ chồng nào ly dị. Thỉnh thoảng vợ chồng các chị gái có lục đục kình cãi thì mẹ tôi khuyên:"Vợ chồng cũng giống như chén bát trong sóng, khi đụng đến thì phải khua thôi, tụi con mỗi đứa nhịn nhau một chút thì sẽ yên cửa yên nhà". Mẹ khuyên chừng đó thôi, anh chị nghe theo và gia đình không còn xào xáo nữa.
03/11/2016(Xem: 14845)
Chấp ngã là từ nhà Phật. Chữ Ngã, từ Hán我 thuộc bộ qua戈. Qua戈có nghĩa là cái mác; dụng cụ của người lính lúc xưa. Ngã 我 gồm chữ qua戈 bên phải và chữ thiên bên trái 千. Ta là tất cả, trong ta luôn có nghìn con dao, cái mác. Cái ngã là ghê vậy đó. Chiến tranh thù hận cũng vì cái ngã.
01/11/2016(Xem: 6908)
Báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016, bài Huỳnh Kim Quang, “50 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ” có ghi lại việc Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã thu nhận nhiều đệ tử người Mỹ và trở thành vị Sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson kể về chuyến hành hương tới ngôi chùa mang tên “Thiên Ân”, do một đệ tử người Mỹ của Hòa Thượng Thiên Ân sáng lập trong hoang mạc. Lệ Hoa Wilson là một Phật tử, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, pháp danh Tâm Tinh Cần, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.
01/11/2016(Xem: 12870)
Ngày xửa ngày xưa, ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông vì chán ghét cõi đời hiểm ác nên đã tìm đến cửa Phật, quy y Phật giáo. Tuy rằng thân đã xuất gia, nhập không môn, nhưng trong tâm ông vẫn quyến luyến ngoại giới
30/10/2016(Xem: 9840)
Là người đồng sáng lập Sen Việt (Phó CT HĐQT Sen Việt/Tổng GĐ Picas Art), cùng đạo diễn Điệp Văn (ĐV) tạo ra những tác phẩm Phật giáo & cho cộng đồng có giá trị, lý do nào Lâm Ánh Ngọc (LAN) đã bất ngờ kết thúc hợp tác với Đạo diễn ĐV & rút khỏi Sen Việt? - Dạ. Như thông tin N có đưa trên mạng cộng đồng, N kết thúc hợp tác vào tháng 5, nhưng vì vài lý do nên chưa thể thông báo đến mọi người sớm cho đến tận tháng 10. Tất cả được diễn giải ngắn gọn bằng câu "hết duyên do quan điểm và định hướng công việc không còn tiếng nói chung" là đủ ý nghĩa ạ, không thể giải thích gì thêm sẽ dài dòng rối rắm. N nghĩ rằng mỗi người sẽ có cảm nhận riêng cụ thể và tinh tế để hiểu cái hết duyên của LAN và đạo diễn ĐV là gì theo thời gian thôi.
28/10/2016(Xem: 6507)
Đối với người cư sĩ, ai cũng muốn có sự tiếp nối của mình tương lai. Bởi ước muốn tiếp nối, nên trong mỗi người luôn có hạt giống về tình dục và chức năng sinh sản. Tình dục và sinh sản là chức năng không thể phủ nhận. Mình không nên phủ nhận, nhưng mình cũng không nên nhầm lẫn tình dục với tình yêu. Tình dục có thể đem lại cảm giác vui sướng và gắn kết giữa hai người nếu ở đó có mặt tình yêu. Tình dục có thể trở thành tình yêu và ngược lại tình yêu là nguồn gốc nảy sinh tình dục. Cho nên có thể nói yêu rồi thương, hoặc thương rồi mới yêu là vì vậy.
25/10/2016(Xem: 15957)
Con về trời đổ mưa to - Thầy trao con một chiếc Ô che đầu- Con không cần trả lại đâu! - Giữ mà che lúc dãi dầu nắng sương..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]