Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

KỸ NĂNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THUYẾT GIẢNG

14/06/201307:33(Xem: 8130)
KỸ NĂNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THUYẾT GIẢNG
Buddha_15

KỸ NĂNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THUYẾT GIẢNG

Thích Giác Toàn

Một vị giảng sư thành công là vị có kỹ năng và phương pháp. Với kỹ năng và phương pháp, vị giảng sư từng bước xây dựng cho mình sự tin tưởng nơi thính chúng, rèn luyện khả năng khơi gợi sự đồng cảm của thính chúng và khả năng trình bày mọi vấn đề hợp với luận lý. Vị giảng sư cần chuẩn bị cho mình một tư thế để luôn luôn thuyết phục được thính chúng đi đúng con đường của Đức Phật đã dạy hầu đem lại an lạc và hạnh phúc cho họ cũng như xây dựng một xã hội an lạc hài hòa.

Một vị giảng sư hoằng pháp phải biết kiên trì xây dựng niềm tin cho thính chúng. Ai cũng biết rằng quần chúng thường tin tưởng một người có danh tiếng, một người có thẩm quyền, một người đáng tin cậy, và một người có thái độ gần gũi. Một người đáng tin cậy được xác định là người trung thực, có giới đức, quảng đại, khoan dung, có từ tâm. Như vậy, ngay từ khi xác định mình sẽ hành đạo trên phương vị một giảng sư hoằng pháp, người tu sĩ phải bước đầu xây dựng niềm tin cho quần chúng bằng cách giữ gìn giới đức; sống trung thực; tu tập về lòng khoan dung, sự quảng đại, và từ tâm. Việc giữ gìn và tu tập như thế ít nhất cũng mang lại uy tín của vị giảng sư hoằng pháp tương lai dưới mắt những vị đồng tu, cũng khiến các đạo tràng biết đến; và mặc dù chưa phải là người có tiếng tăm về phương diện thuyết giảng, nhưng khi đến thuyết giảng ở một hội chúng nào đó, cũng sẽ được giới thiệu như một người đáng tin cậy; và như thế, vị giảng sư mới bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của mình cũng đã được thính chúng tiếp nhận với sự tin cậy. Lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại ghi nhận trường hợp các vị cao tăng như ngài Thích Đôn Hậu, ngài Thích Thiện Siêu…bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp từ lúc còn trẻ tuổi; nhưng nhờ các ngài giữ gìn phẩm hạnh cao thượng của một tu sĩ, nên ngay từ đầu, các ngài đã được giới thiệu với sự trang trọng của các vị thầy và nhờ đó, thính chúng Phật tử của các ngài đã gởi gắm niềm tin ở các ngài. Trường hợp của Pháp sư Minh Đăng Quang lại khác. Tuy ngài không được sự giới thiệu của thầy tổ nhưng chính hình ảnh nghiêm trang của ngài đã làm các Phật tử động tâm và họ đã thỉnh ngài đến giảng pháp.

Người giảng sư hoằng pháp cũng phải thể hiện thái độ gần gũi với thính chúng. Sự gần gũi ở đây là nói về phương diện thông cảm với thính chúng. Vị giảng sư cần hiểu biết về hội chúng của mình, nắm được tâm tư nguyện vọng của số đông trong chúng, từ đó có những lời lẽ thể hiện sự quan tâm đến đời sống của hội chúng, nhờ vậy mà tạo được sự gần gũi về phương diện tâm lý. Trường hợp một vị giảng sư đã có tiếng tăm về phương diện học thuật chẳng hạn, thì khi giảng pháp, chắc chắn sẽ được thính chúng tin tưởng về mặt thẩm quyền học thuật. Nói chung, việc xây dựng niềm tin cho thính chúng cần được thực hành thật lâu trước khi người giảng sư thực sự bắt tay vào sự nghiệp hoằng pháp của chính mình.

Trước khi nhận lời thuyết giảng ở một hội chúng nào, vị giảng sư nên tìm hiểu cặn kẽ về thính chúng của mình để có những cách ứng xử thích hợp.

Trong quá trình giảng pháp, người giảng sư hoằng pháp cũng phải tiếp tục củng cố niềm tin của thính chúng. Vị giảng sư nên thực hiện những điều sau:

a. Đến trước giờ giảng một chút hoặc ít nhất là có mặt đúng giờ giảng. Nên có mặt trước một chút để có thể có những trao đổi bên ngoài với một số thành viên tích cực của thính chúng. Chính những thành viên tích cực này sẽ làm cho toàn thể hội chúng có thêm tin tưởng nơi vị giảng sư.

b. Nếu được một người đã quen biết giới thiệu mình với thính chúng thì tốt. Nếu không, nên khéo léo giới thiệu một chút về bản thân sao cho những lời giới thiệu đó phù hợp với những điều mà giảng sư đã tìm hiểu được về thính chúng. Tuyệt đối không khoe khoang về kiến thức, dòng tộc, gia thế, chức vụ, tài năng.

c. Khi nói chuyện, nên sử dụng ngôn từ phù hợp với thính chúng. Với một thính chúng bình dân thì phải nói lời đơn giản dễ hiểu. Ngay cả với thính chúng trí thức, cũng nên dùng từ ngữ dễ hiểu nhưng chính xác theo kinh điển. d. Không nên kể những câu chuyện quá riêng tư, không nên sử dụng ngôn ngữ dung tục. Việc thể hiện sự thân mật bằng những câu chuyện hài hước phải giới hạn trong phạm vi thật ngắn và thật chừng mực. Tránh những thí dụ dài dòng.

e. Nên thể hiện sự quan tâm đến thính chúng bằng những kinh nghiệm liên quan đến kinh nghiệm của thính chúng. Trong quá trình nói chuyện, cố gắng tiếp xúc bằng mắt với thính chúng. Cố gắng nhận biết càng nhiều cá nhân càng tốt ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên.

f. Những câu chuyện kể trong buổi nói chuyện phải thật sự có liên quan đến nội dung trình bày. Tránh lạc đề.

g. Khi cần trích dẫn, cần trích dẫn đúng và nêu được sự liên hệ với nội dung bài giảng, cố gắng nêu xuất xứ những điều trích dẫn.

h. Không nên nói quá dài. Các nghiên cứu cho thấy mọi thính chúng đều chỉ có thể chú tâm trong vòng mười lăm tới hai mươi phút; sau đó, họ sẽ bị phân tâm.

Vì thế, vị giảng sư chỉ nên nói ngắn và cố gắng tạo điều kiện cho thính chúng tham gia tích cực vào nội dung buổi thuyết giảng của mình

Sau buổi giảng pháp, vị giảng sư nên tìm cách kích thích cho thính chúng đặt câu hỏi để mình trả lời. Chính những giây phút hỏi đáp này củng cố niềm tin của thính chúng nơi các vị giảng sư.

Mỗi thính chúng luôn có những đặc điểm riêng về mặt tình cảm. Có những thính chúng thân thiện nhưng cũng có những thính chúng xa cách. Có những nhóm người đễ bị kích động dẫn tới giận dữ trong khi có những nhóm luôn giữ được bình tĩnh. Có những hội chúng rụt rè và cũng có những hội chúng tự tin. Có người thực tình muốn tu tập nhưng cũng có những người chỉ thích nghe nhiều để lòe người khác. Tóm lại, không một thính chúng nào giống hệt thính chúng nào. Không những thế, vào những thời điểm khác nhau, một thính chúng còn có những tình cảm khác nhau. Chẳng hạn, khi một nhóm người vừa đi dự một lễ tang của một người trong nhóm về thì họ sẽ có tình cảm trầm lắng khác với những người vừa tham dự một cuộc du ngoạn. Do đó, vị giảng sư hoằng pháp phải nhận biết được tình cảm chủ đạo của nhóm người nghe pháp ngày hôm đó như thế nào. Khi đã tạo được sự cảm thông với thính chúng bằng cách khéo léo khơi gợi những tình cảm tích cực của các thành viên trong hội chúng, vị giảng sư sẽ dễ dàng làm cho thính chúng chấp nhận những lập luận của mình, chia sẻ những quan điểm của mình, và hành động theo sự kêu gọi của mình.

Một điều cần lưu ý là có những tình cảm tích cực và có những tình cảm tiêu cực. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, khi tình cảm tích cực được khơi gợi thì một đám đông dễ dàng chấp nhận những lập luận thuận chiều, nhưng nếu đám đông có tình cảm tiêu cực thì họ dễ chấp nhận những lập luận trái chiều. Khi muốn hội chúng chấp nhận những lập luận thuận chiều thì vị giảng sư nên tạo cho hội chúng một không khí vui tươi, đầm ấm, thanh thản, nhẹ nhàng và khơi gợi ở họ những tình cảm tích cực. Ví dụ, trước một hội chúng đang bừng bừng giận dữ vì có sự báng bổ Phật giáo mà vị giảng sư thấy cần giúp hội chúng nhận ra phải bình tĩnh giải quyết chứ không nên nóng nảy châm ngòi nổ, vị giảng sư nên có những mẩu chuyện vui nhẹ nhàng để khơi gợi ở họ những tình cảm khoan dung. Ngược lại, trước một hội chúng cảm thấy phấn khởi trước những thành tựu mang tính vật chất mà vị giảng sư muốn hội chúng nhận rõ đâu là mục đích của việc hoằng pháp thì vị giảng sư cũng không nên chỉ trích sự xa xỉ khiến họ có những tình cảm tiêu cực mà nên gợi ra những hình ảnh thương tâm ở những nơi còn quá thiếu thốn để họ có được sự thương cảm và mong muốn chia sẻ.

Tóm lại, nếu vị giảng sư khéo khơi gợi tình cảm tích cực nơi thính chúng, những điều được thuyết giảng sẽ dễ được thính chúng chấp nhận. Ngược lại, nếu vị giảng sư không khéo léo mà tạo cho thính chúng có tình cảm tiêu cực, thì phản ứng của thính chúng sẽ hoàn toàn đi ngược với mong muốn của vị giảng sư.

Để khơi gợi tình cảm tích cực nơi thính chúng của mình, vị giảng sư hoằng pháp cần chú ý đến cách sử dụng ngôn từ thích hợp với những tình cảm mà mình muốn khơi gợi. Trong buổi thuyết giảng của mình, vị giảng sư nên chọn những câu chuyện thí dụ minh họa một cách thận trọng, phù hợp với chủ đề thuyết giảng nhưng có nội dung tươi vui, có tính cách gợi ý hoặc gợi sự tò mò của người nghe. Cố gắng chọn những chữ những câu mang nhiều màu sắc tình cảm thay vì trình bày một cách khô khan. Tuyệt đối tránh việc sử dụng thủ thuật để gợi những tình cảm bi thương nơi thính chúng mà phải thành thật. Lưu ý rằng giọng nói phải phù hợp với tình cảm muốn thể hiện. Có những lúc, vị giảng sư phải sử dụng điệu bộ để làm tăng hiệu quả của lời nói, nhưng cần kềm chế không được quá đà vượt khỏi tứ uy nghi của người tu sĩ. Trong quá trình thuyết giảng, vị giảng sư có thể rời khỏi bục giảng, đến gần thính chúng để tạo một sự thân mật, nhưng lưu ý không đến quá gần. Vị giảng sư nên thường xuyên tiếp xúc bằng mắt với mọi thính chúng trong giảng đường nhưng không tiếp xúc quá lâu với một người. Tốt nhất, vị giảng viên nên tiếp xúc bằng mắt với từng nhóm thính chúng trong một lúc rồi rời mắt đến nhóm khác, sao cho bao quát được toàn bộ thính chúng. Việc mời một số cá nhân phát biểu cảm nghĩ hoặc tham gia câu chuyện của vị giảng sư là điều cần thiết, nhưng chú ý không chú tâm vào một cá nhân nhất định nào.

Mọi người thường cho rằng luận lý là vấn đề khô khan và chán ngấy. Các vị giảng sư có khuynh hướng đến với hội chúng bằng những câu chuyện hấp dẫn, vui nhộn, mang lại cho hội chúng những tràng cười sảng khoái sẽ cho rằng việc trình bày vấn đề hợp luận lý là điều dư thừa. Thật ra, tất cả mọi người nghe đều sử dụng khả năng diễn dịch và quy nạp của họ để theo dõi một buổi giảng pháp; dù rằng họ sử dụng những khả năng đó một cách vô thức. Vì thế, các vị giảng sư hoằng pháp luôn cần trau dồi khả năng trình bày vấn đề hợp luận lý của mình. Có hai phương pháp luận lý căn bản là quy nạp và diễn dịch. Với phương pháp diễn dịch, nếu tiên đề đúng thì kết luận luôn luôn đúng. Nhưng với phương pháp quy nạp, dù tiên đề đúng thì kết luận không phải bao giờ cũng đúng, nhưng mang lại gợi ý để phát triển xa hơn.

Để cải thiện tính cách hợp lý của điều được thuyết giảng, vị giảng sư cần lưu ý những điểm sau:

a. Làm cho vấn đề mình trình bày được thính chúng hiểu rõ. Muốn thế, vị giảng sư cần phải:

- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, tránh những lối nói có tính hàn lâm, tránh những từ ngữ xa lạ với quần chúng. Trong trường hợp phải sử dụng ngôn ngữ trong kinh điển, giảng sư cần định nghĩa cụ thể từng từ trước khi áp dụng.

- Vấn đề trình bày phải hiển nhiên. Cố tránh những lối nói quá hình tượng hoặc sử dụng điển tích. Thính chúng không có thời giờ giải mã điều vị giảng sư nói; do đó, nếu giảng sư sử dụng ẩn dụ mới lạ sẽ khiến người nghe ngỡ ngàng.

- Trình bày vấn đề theo thứ tự. Đây là điều mà Đức Phật luôn nhắc nhở, rằng phải giảng pháp theo thứ lớp. Tiến trình của một bài giảng phải hợp lý, những gì là nền tảng phải được trình bày trước, những gì là dữ kiện dẫn xuất phải trình bày sau.

- Sử dụng nhiều thí dụ. Việc giải thích vấn đề một cách dài dòng thường không hiệu quả bằng việc nêu thí dụ. Thí dụ có thể lấy trong cuộc sống thường nhật.

- Áp dụng các biện pháp so sánh và ẩn dụ. Mặc dù ẩn dụ mới lạ sẽ khiến người nghe ngỡ ngàng, nhưng nếu vị giảng sư có được những ẩn dụ đặc biệt mà người nghe có thể hiểu ngay sau một thoáng suy nghĩ thì lại có tác dụng rất lớn.

b. Làm cho vấn đề mình trình bày có tính cách hợp lý. Bằng cách:

- Dựa trên nhận thức thông thường của đại chúng. Vị giảng sư nên bắt đầu nói với đại chúng bằng những kiến thức thông thường của đại chúng, là những điều mọi người vẫn tin. Từ những kiến thức thông thường đó, vị giảng sư bắt đầu xây dựng lập luận của mình. Bằng cách khéo léo đặt những câu hỏi về nhận thức thông thường, vị giảng sư có thể từng bước xóa bỏ những thiên kiến sai trái của đại chúng.

- Thăm dò quan điểm đại chúng bằng cách đặt câu hỏi. Trước khi đưa lập luận của mình vào, vị giảng sư nên khéo léo thăm dò quan điểm của đại chúng bằng cách nêu ra những câu hỏi thích hợp. Việc nắm vững quan điểm của đại chúng giúp vị giảng sư điều chỉnh cách lập luận của mình.

- Đề cập đến những luận điểm trái chiều trước rồi lần lượt bác bỏ chúng. Vị giảng sư có thể trình bày những luận điểm trái chiều với luận điểm của mình một cách khéo léo, sau đó, dùng lập luận của mình để bác bỏ và để đại chúng tự nêu ra luận điểm mà mình muốn đạt đến.

- Nhấn mạnh đến những vấn đề có giá trị lớn đối với đại chúng. Lưu ý rằng mọi lý luận quy nạp đều dẫn đến những kết luận không chắc chắn, trừ khi người thuyết giảng sử dụng những tiên đề hoàn hảo (Như trường hợp Đức Phật quy nạp rằng Ngài là Phật đã thành mà mọi chúng sinh đều là Phật sẽ thành), do đó, vị giảng sư nên tập trung vào những vấn đề có giá trị nhiều nhất đối với thính chúng, thay vì nói lan man vào những vấn đề không đúng trọng tâm.

c. Làm cho vấn đề mình trình bày là thật. Với những biện pháp sau:

- Sử dụng nhiều sự thật để chứng minh cho luận điểm của mình. Chọn những sự thật được nhiều người biết đến trong cuộc sống hàng ngày, trong lịch sử… Đưa ra những chi tiết sinh động liên quan đến luận điểm của mình.

- Sử dụng các dữ kiện và con số thống kê. Trong một số trường hợp, vị giảng sư có thể chuẩn bị sẵn những dữ kiện thật và những con số thống kê

- Dẫn chứng từ các nguồn tham khảo. Vị giảng sư cần có hiểu biết rộng về các nguồn tham khảo và đưa vào bài giảng một cách hợp lý. Lưu ý, nguồn tham khảo nên là những nguồn mà thính chúng dễ tiếp cận.

Ngoài ra, một vị giảng sư còn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước từng buổi giảng. Vị giảng sư cần phải tìm hiểu về thành phần của thính chúng, phải biết tổ chức về mặt thời gian, phải xây dựng bài giảng trên cơ sở có sự liền lạc của chủ đề, nếu là bài giảng trong một khóa giảng thì mỗi chủ đề phải có sự liền lạc với chủ đề trước đó và chủ đề tiếp theo, phải thể hiện các bài giảng khác nhau theo những hình thức thuyết giảng đa dạng để tránh sự nhàm chán nơi thính chúng…Hình thức thuyết giảng cần thích hợp với nội dung bài giảng.

Bài giảng mang tính cách miêu tả là hình thức bài giảng truyền thống, trong đó chủ đề chính được chia thành những chủ điểm rồi mỗi chủ điểm lại được triển khai thành những chi tiết. Với loại bài giảng này, vị giảng sư có thể trình bày những khái niệm rộng lớn. chẳng hạn, khi giảng về Tứ diệu đế, giảng sư đưa ra bốn sự thật cao quý, sau đó nói đến từng sự thật một, rồi ở mỗi sự thật lại triển khai những ý chi tiết… Tuy nhiên, trong hình thức bài giảng loại này, thính chúng dễ bị đưa đến địa vị hoàn toàn thụ động.

Bài giảng mang tính cách tương tác là bài giảng đòi hỏi người nghe phải động não và tham gia tích cực vào buổi thuyết giảng. Thí dụ, cũng nói về Tứ diệu đế, nhưng vị giảng sư lại yêu cầu thính chúng mô tả đời sống con người, từng bước rút ra kết luận tạm rằng đời sống con người là vô thường, là thường xuyên biến đổi, là không lúc nào toại ý…để dẫn đến kết luận cụ thể hơn về khổ đế; từ đó đưa đến các khái niệm tập đế, diệt đế và đạo đế. Trong hình thức bài giảng này, thật ra vị giảng sư phải chuẩn bị nhiều hơn để có thể khuyến dụ thính chúng đóng góp ý kiến của họ trong quá trình tiến hành bài giảng.

Bài giảng mang tính cách giải quyết vấn đề là hình thức nêu ra một trường hợp cụ thể cần giải quyết để các học viên đóng góp ý kiến giải quyết. Chẳng hạn, khi nói về bố thí ba-la-mật, vị giảng sư có thể nêu ra những trường hợp làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi người làm từ thiện, sau đó, gợi ý để thính chúng đi đến kết luận là phải bố thí theo bố thí ba-la-mật, sao cho tay phải cho mà tay trái không biết, sao cho không thấy có người cho, có người nhận mà chỉ thấy có sự kiện chia sẻ đem lại sự an ủi cho cuộc sống. Hình thức bài giảng này cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của vị giảng sư.

Bài giảng không đi đến kết luận là hình thức bài giảng mà vị giảng sư không đưa ra kết luận áp đặt của mình. Ví dụ, khi bình luận về việc khắc họa kinh Pháp Hoa trên đá hoa cương để được ghi nhận kỷ lục Phật giáo, vị giảng sư chỉ trình bày sự kiện rồi khéo léo gợi ý để thính chúng đưa ra những quan điểm của riêng mình. Sau đó, vị giảng sư không đưa ra một kết luận chính thức nào mà cứ treo đó, để thính chúng tự rút ra cho mình những nhận định riêng sau khi nghe nhiều lập luận trái chiều nhau.

Ở các hình thức bài giảng sau, thính chúng luôn luôn được chuẩn bị để có thể tham gia tích cực vào quá trình diễn tiến của bài giảng; nhưng trước đó, luôn luôn có những phần diễn giảng hoặc sơ lược, hoặc chi tiết của vị giảng sư. Chính vì thế mà các nhà nghiên cứu khẳng định rằng hoạt động thuyết giảng vẫn là công việc chính của ngành sư phạm hoằng pháp.

Một vấn đề quan trọng cần lưu ý các vị giảng sư, là ngay trong trường hợp thực hiện bài giảng theo hình thức mô tả, các vị giảng sư cũng nên định ý rằng khả năng chú tâm của thính chúng chỉ kéo dài trong khoảng từ mười lăm tới hai mươi phút. Vì thế, mọi đoạn thuyết giảng kéo dài quá hai mươi phút đều rơi vào khoảng không chú tâm của thính chúng. Tất nhiên, sự chú tâm của thính chúng không đều, khi người này đã chuẩn bị lơ là thì có thể là lúc người khác bắt đầu chú ý; vì thế, vị giảng sư cứ tưởng rằng thính chúng đang quan tâm tới điều mình nói, nhưng không phải vậy, mà luôn luôn chỉ có một vài người trong thính chúng nghe một bài giảng dài quá hai mươi phút. Cho nên, vị giảng sư cần chú ý để phân đoạn bài giảng thành những chủ điểm chỉ phải trình bày thật ngắn gọn.

Thêm nữa, sau mỗi phân đoạn của bài giảng, tốt nhất vị giảng sư nên tạo điều kiện cho thính chúng đặt câu hỏi để mình trả lời, mở rộng ý nghĩa của vấn đề. Khi trả lời, nếu người hỏi không đi vào trọng tâm của chủ đề thì vị giảng sư có thể không trả lời. Trong trường hợp người phát biểu không đặt câu hỏi mà lại diễn giảng ý riêng của mình, vị giảng sư có thể lắng nghe một đoạn, rồi chờ khi người đó lấy hơi nói tiếp thì ngắt lời bằng cách chuyển sự chú ý vào chủ đề bài giảng, tránh việc phê bình người phát biểu.

Một vị giảng sư hoằng pháp phải là người có tín tâm kiên cố và đã có sự thực hành Phật pháp ở mức độ khả chấp để thực sự tự tin vào điều mình thuyết giảng. Nhưng bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng và phương pháp thuyết giảng vẫn là điều cần thiết để mang lại thành công cho việc thuyết giảng. Trên hết, vị giảng sư cần luôn luôn nhớ rằng một trong những yếu tố mang lại thành công cho việc hoằng pháp là giành được sự tin tưởng của thính chúng. Khi có sự tin tưởng của thính chúng vào vị giảng sư thì buổi thuyết giảng đã thành công được một nửa. Tuy nhiên, phần còn lại vẫn phụ thuộc vào tài năng của vị giảng sư. Vì thế, nếu đã chọn sự nghiệp hoằng pháp làm Phật sự của đời mình, một mặt, vị giảng sư cần chú tâm tu tập và giữ gìn giới đức ngay từ những bước khởi đầu; mặt khác, vị giảng sư cũng phải rèn luyện về phương pháp và kỹ năng, như thế mới có thể trở thành một vị giảng sư hoằng pháp có hiệu quả, thực sự đóng góp vào việc hoằng dương Chánh pháp của Đức Bổn sư. ■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 152 | THÍCH GIÁC TOÀN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 6362)
Đại học Na-lan-đà (Nalanda) từng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịchsử Phật giáo nhưng đã bị các đạo quân xâmlược Thổ nhĩ kỳ và A phú hãn (Afghanistan) san bằng thành bình địa cách nay đây 800 năm. Ngày nay những dấu hiệuvô cùng khích lệ cho thấy Đại học này lại đang hồi sinh.
16/10/2010(Xem: 7626)
PHÁP ẤN Thích Nhất Hạnh
15/10/2010(Xem: 8080)
Thế gian chênh lệch này quả không hoàn toàn tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ và mùi thơm ngào ngạt. Nhưng cái cây sanh ra nó thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không phải vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà xa lánh hẳn hoa hồng. Với người lạc quan, thế gian này tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan, trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng, đối với người thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp, cũng không không hoàn toàn xấu xa.
14/10/2010(Xem: 7601)
Những tài liệu hữu ích về SỨC KHOẺ/ BỆNH TẬT (phần 1)
11/10/2010(Xem: 12257)
hân lý tương đối là những sự thật cònnằm trong đối đãi đối trị nhau. Những sự đối đãi ấy là: sáng đối tối, lạnh đốinóng, xấu đối tốt, thiện đối ác, khổ đối vui, động đối tịnh, sanh diệt đối vôsanh...
11/10/2010(Xem: 7874)
Hôm nay toàn chúng thỉnh nguyện đều được thanh tịnh, đó là điều rất tốt. Chúng ta càng tu tâm càng an, thân nghiệp, khẩu nghiệp đều thanh tịnh. Đó là kết quả tốt của sự tu hành. Bây giờ tôi có ít vấn đề then chốt muốn giải thích cho toàn chúng hiểu thêm, để quí vị nắm vững những điểm cần yếu trên con đường tu
11/10/2010(Xem: 11042)
Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ.
11/10/2010(Xem: 7126)
Khác hẳn với tất cả các hệ thống triết lý và tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật – tự bản chất lẫn hiện tượng – vừa là một hệ thống triết lý mà cũng vừa là một hình trạng tôn giáo hoàn chỉnh với sự kết hợp hài hòa giữa tín điều và tín lý. Giữa cuộc đời, đức Phật là một vị Thầy hóa độ; trong đức tin, đức Phật là một đấng Giác Ngộ chứng tri. Người theo đạo Phật là những người luôn luôn tỉnh thức để làm chủ lấy mình , không giao trọn số phận của mình cho sự định đoạt của một đấng quyền năng tuyệt đối nào cả.
10/10/2010(Xem: 10565)
Trước hết, chúng ta đã ý thức được tầm cỡ có tính cách toàn cầu của một số vấn đề bức xúc đang đối mặt với chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ biết được làm thế nào để huy động trí tuệ và sức mạnh của nhân dân thế giới để giải quyết một cách tốt đẹp những vấn đề đó. Thí dụ các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng một nền trật tự kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới cho thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta.
10/10/2010(Xem: 7795)
Giữa cơn lốc biến động xã hội đầy kịch tính của cuối thế kỷ 20, trước sự sụp đổ của con người đối với các vấn đề khủng hoảng sinh thái tâm linh và môi trường, mùa Phật lại trở về như nguồn suối hạnh phúc chảy vào tâm thức mọi người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]