Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Năm kỷ tỵ nói chuyện rắn

06/02/201312:06(Xem: 4821)
Năm kỷ tỵ nói chuyện rắn
tuyentapmungxuan3

NĂM KỶ TỴ NÓI CHUYỆN RẮN

HT. Thích Thanh Từ thuyết giảng Tết Kỷ Tỵ 1989

Nam_Ty_ke_chuyen_ran-contentHôm nay, Tết Nguyên Đán năm Kỷ Tỵ, tấtcả quí Phật tử gần xa đều về chùa lễ Phật và chúc mừng năm mới. Nhân đây chúng tôi cũng nói chuyện và chúc Tết quí vị luôn. Năm Tỵ là năm con rắn, tôi cũng tùy tục mà nói chuyện đạo lý về con rắn. Con rắn trong nhà Phật đã có đề cập tới. Như trong kinh Niết-bàn đức Phật nói có một người nuôi bốn con rắn độc trong một cái lồng, chúng luôn luôn thù địch cắn xé lẫn nhau.Người chủ nuôi bốn con rắn này có bổnphận phải điều hòa, ngăn không cho chúng cắn nhau. Nếu con mạnh hiếp con yếu thì người chủ phải can thiệp làm sao cho chúng thuận hòa. Khổ thay bốn con rắn không bao giờ thuận hòa, con này chực hại con kia, con kia chực hại con khác. Vì thế người chủ lúc nào cũng phải đem hết tâm lực trông chừng chúng từng phút từng giây. Nhưng dù cho người chủ có thật giỏi, thật thông minh, đến một lúc nào đó, chúng cũng cắn nhau kịchliệt rồi mỗi con chạy một nơi... khi ấy người chủ hết bổn phận.

Bốn con rắn đức Phật dụ cho bốn thứ: đất, nước, gió, lửa. Rắn hổ lửa không ưa rắn nước, rắn hổ đất không ưa rắn gió, tức là rắn hổ mây, thường phóng ngược trên đầu cây. Chúng đều là rắn độc, không ưa nhau lạibị bắt ở chung một chỗ, nên lúc nào cũng cắn lộn nhau. Việc người chủ điều hòa cho bốn con rắn ở yên trong lồng cay đắng trăm phần! Cũng như thế, thân chúng ta gồm bốn đại: chất cứng trong người là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Nước kỵ với lửa, gió kỵ với đất… khi nước thắng lửa, nghe người lạnh phát run, còn khi lửa thắng nước, nghe nóng bức, nhức đầu, khó chịu. Lúc nóng phải tìm thứ gì mát uống vào để giảm nhiệt độ, hạ lửa xuống cho quân bình với nước. Lúc nước nhiều, lửa thiếu lại phải tìm thứ gì nóng uống vào để nâng lửa lên, hạ nước xuống cho quân bình. Khi gió mạnh quá, đất chịu không nổi, vì gió thổi đất rung rinh nên ê mình, lúc đó phải cạo gió. Cạo gió một lát mình bầm hết,gió bớt, đất quân bình trở lại nên hết đau.

Bốn chất đất, nước, gió, lửa cứ công kích nhau luôn, chúng ta lại là người chủ điều hòa chúng. Cả ngày làm việc này, việc kia nhưng thường chú ý đến bốn đại, xem hôm nay mình lạnh hay nóng, có bị gió hay không, nghĩa là vừa thấy trong người hơi lạ là chuẩn bị mời thầy thuốc hoặc gọingười này, người kia đánh gió liền. Như vậy từ khi bắt đầu hiểu biết cho đến ngày chết, việc làm của chúng ta chỉ là điều hòa bốn đại thôi!

Ông chủ điều hòa bốn con rắn kia nhọc nhằn từ ngày này qua tháng nọ nhưng rốt cuộc có điều nổi không? Vì chúng chống trái nhau nên đến một lúc nào điều hòa không nổi, chúng cắn nhau kịch liệt rồi chạy tứ tán và khi đó ông chủ hết việc. Cũng thế, đất, nước, gió, lửa công kích nhau đến hôm nào một thứ mạnh quá, chúng ta điều không nổi thì lúc đó tan rã ra, mỗi thứ một nơi. Khi ấy chúng ta ra sao? Chết! Như vậy xét thật kỹ, từ khi chúng ta bắt đầu khôn ngoan một chút cho đến tuổi già, suốt quãngđời đó chúng ta thấy quả là đáng buồn, nghĩa là suốt đời chúng ta cố gắng lo cho có thứ này thứ kia, làm việc này việc khác cũng đều nhằm bồidưỡng cho tứ đại. Thở là bồi dưỡng cho gió, uống là bồi dưỡng cho nước,ăn là bồi dưỡng cho đất, khi uống lựa chất nóng uống vào, khi ăn lựa chất ấm ăn vào là bồi dưỡng cho lửa. Thế thì cả ngày chúng ta chỉ làm bao nhiêu việc đó. Nếu khi nào cổ như có gì ngăn, hơi thở không thông thì phải kiếm thầy làm cho nó thông. Khi nào ăn uống thiếu chất nóng thìsanh bệnh lạnh, thiếu chất mát thì sanh bệnh nóng, cứ phải lo bồi dưỡngđiều hòa cho chúng quân bình. Nhưng chúng ta bồi dưỡng có xong không? Đến một thời gian nào đó chúng cũng phải rã, phải tan nát. Chúng ta làm việc này giống như người điều hòa bốn con rắn vậy. Thế nên ngày xưa, Thiền sư Đại Xả ở Việt Nam có bài kệ về bốn con rắn như thế này:

Tứ xà đồng khiếp bản lai không,
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông,
Chân tánh linh minh vô quái ngại,
Niết-bàn, sanh tử nhậm già lung.


Dịch:

Bốn rắn chung rương trước giờ không,
Núi cao năm uẩn đâu chủ ông?
Chân tánh sáng ngời không chướng ngại,
Niết-bàn sanh tử mặc che lồng.


Qua bài kệ này chúng ta thấy ngài Đại Xả căn cứ trong kinh Niết-bàn nói về bốn con rắn. Bốn con rắn đó ở chung trong một cái rương hay một cái chậu. Trước khi bỏ vào chậu, chúng có ở tại chậu chưa? Chưa, vì mới đem bỏ vào nhưng khi ở trong chậu rồi chúng nó lại công kích, phá phách lẫn nhau. Đây là nói khi tứ đại chung hợp trong sự chống nghịch nhau.

Đến câu thứ hai Ngài nói: “Núi cao năm uẩn đâu chủ ông?” Thân năm uẩn làcộng cả sắc và thọ, tưởng, hành, thức, tức là vật chất và tinh thần. Khó có người biết trong năm uẩn cái gì là Ông chủ, nhưng thật ra trong năm uẩn này vẫn có Ông chủ. Ông chủ đó là gì? “Chân tánh sáng ngời khôngchướng ngại”, nghĩa là ngay nơi mỗi người chúng ta đều có cái Chân tánh, Chân tánh đó gọi là Ông chủ, Chân tánh đó lúc nào cũng trong sáng,không có gì chướng ngại nó. “Niết-bàn sanh tử mặc che lồng”, dù cho có Niết-bàn dù cho có sanh tử, nhưng đối với Chân tánh đó không dính dáng, không trở ngại gì cả.

Qua bài kệ này, chúng ta thấy rõ ngài Đại Xả nêu lên hai việc: thứ nhất là nói bốn con rắn ở chung, thứ hai là nói thân năm uẩn vô chủ. Tuy nhiên trong cái vô chủ đó, nếu chúng ta sáng suốt thì sẽ tìm ra được cáichân thật. Cái chân thật đó là Chân tánh không bị trở ngại đối với sanhtử và Niết-bàn. Như vậy từ cuộc sống vô nghĩa, nếu khéo, chúng ta biến nó thành hết sức có nghĩa. Trên nhân gian này, giỏi như các thầy thuốc, họ biết được những gì thay đổi trong người nên gìn giữ, bồi dưỡng cho thân khoẻ mạnh, nhưng rốt cuộc các ông thầy thuốc cũng chết. Cả các thầythuốc cũng phải chết thì người nào giữ được không chết? Nếu cả đời chỉ lo cho thân tứ đại, săn sóc nó nhưng cuối cùng không giữ được nó thì mớithấy công của mình thật là công dã tràng. Thế nên người thông minh sángsuốt phải thấy được điều đó, khi lo cho thân này, mình vẫn tìm được cáigì chân thật, cao siêu, như vậy mới khỏi luống uổng công mình. Đây là điều chủ yếu trong cuộc sống. Vua Trần Thái Tông có bài kệ “Tứ Sơn Khả Hại”:

Tứ sơn thiên bích vạn thanh tùng,
Liễu đắc đô lô nhất thiết không,
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại,
Mạch kỵ đã sấn thượng cao phong.


Dịch:

Bốn núi ngàn tường muôn bụi rậm,
Tỉnh ra mới biết thảy đều không,
Mừng nay có được lừa ba cẳng,
Sấn ngược đường lên đỉnh tuyệt cùng.


Bốn núi là chỉ cho tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Khi chúng tụ hội thì mịtmù như rừng rậm, kín mít như tường vách. Nhưng “tỉnh ra mới biết thảy đều không”, tỉnh rồi mới thấy tứ đại không thật. Biết tứ đại không thật rồi mới được điều đặc biệt. Ở đây Ngài diễn tả: “mừng nay có được lừa bacẳng”, con lừa có mấy chân? Lừa bốn chân, nhưng Ngài được con lừa ba cẳng. Con lừa ba cẳng đó “sấn ngược đường lên đỉnh tuyệt cùng” tức là Ngài cỡi nó chạy tuốt lên trên đỉnh tột cùng của ngọn núi. Đây là lối nói nghịch lý của nhà thiền. Thân này do tứ đại hòa hợp, vì thấy nó rõ ràng cụ thể, sờ mó được nên chúng ta tưởng nó là thật, giống như tường vách, bụi rậm. Nhưng khi dùng trí tuệ quán xét đến cùng thì thấy nó không thật, chỉ là giả tướng duyên hợp thôi. Tuy nhiên trong giả tướng không thật đó lại còn có cái chân thật vượt ngoài bình thường, chính là lừa ba cẳng mà Ngài nói ở đây. Và chính cái phi thường đó, khi chúng ta nắm được rồi mới vượt lên, mới thoát khỏi cái khổ của tứ đại, mới vượt khỏi sự tiêu mòn biến hoại của tứ đại, vì thế Ngài nói là lên được đỉnh tuyệt cùng.

Tóm lại trên đường tu, nếu biết rõ thân tứ đại không thật, chúng ta mới có thể vượt lên, mới có thể thoát khỏi nó. Trái lại, nếu nghĩ tứ đại nàylà thật, cả ngày cặm cụi lo bồi dưỡng cho nó được đầy đủ, rốt cuộc cônglo lắng của mình chỉ là công dã tràng. Đây là điều mà trong đạo luôn luôn nhắc nhở để chúng ta tránh những việc làm tốn công vô ích, không đem lại kết quả. Nói thế không có nghĩa chúng ta bỏ nó hay hủy hoại nó, mà phải nuôi nó trong lẽ bình thường, đừng quá trọng cũng đừng quá khinh, để mượn nó tìm ra Ông chủ chân thật.

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ có bài:

Đốn tỉnh

Đoạn tri không hữu bất tương soa,
Sanh tử nguyên tùng nhất phái ba.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sanh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghị ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu kính,
Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.


Dịch:

Chợt tỉnh

Chớ rằng không có khác nhau xa,
Sống chết cùng chung mạch nước mà.
Năm cũ hoa cười, hoa năm mới,
Đêm này nguyệt sáng, nguyệt đêm qua.
Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc,
Chín cõi xoay vần bóng nghị ma.
Ví hỏi rằng sao là cứu cánh,
Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha.


Trúc Thiên

Chớ rằng không có khác nhau xa, sống chết cùng chung mạch nước mà. Đừng nghĩ rằng sanh tử cũng như có không khác nhau. Chính sanh tử, có không cùng chung một loại, cũng như là cùng chung một mạch nước. Tại sao? Nếu hiểu được lý luân hồi chúng ta sẽ thấy khi tử đó là nhân của sanh, khi sanh đó là nhân của tử, do có sanh nên phải có tử, do có tử nên phải có sanh. Sanh và tử thấy như hai việc khác nhau nhưng cả hai cùng một mạch,cái này làm nhân cho cái kia, vậy thì hai cái không khác mà là cùng nguồn.

Đây hình ảnh Ngài dụ rất đẹp: “Năm cũ hoa cười, hoa năm mới, đêm này nguyệt sáng nguyệt đêm qua”, nghĩa là hoa cười hay hoa nở của năm ngoái tức là đóa hoa nở của ngày hôm qua. Sáng hôm qua chúng ta thấy những nụ mai chớm nở, sáng ngày nay là năm khác thì chúng ta thấy các nụ hoa nở tròn, như vậy đóa hoa nở tròn hôm nay là từ nụ hoa chớm nở của hôm qua. Hôm qua và ngày nay tuy nói năm cũ và năm mới nhưng hôm nay đâu có rời hôm qua. Cũng như thế, đêm rằm trăng sáng, đến đêm mười sáu trăng cũng sáng. Trăng đêm rằm và trăng đêm mười sáu như là hai trăng nhưng phải hai không? Trên ngôn ngữ chúng ta thấy như hai cái khác biệt nhưng trên thực tế hai cái liên hệ nhau, chớ không tách rời nhau.

“Ba sanh chớp nhoáng lằn phong chúc.” “Phong” là gió, “chúc” là cây đuốc. Thường chúng ta hay nói đèn treo trước gió hay cây đèn cầy cầm ra ngoài gió, đèn trước gió thì dễ tắt lắm! “Ba sanh” là chỉ cho kiếp sống của con người, nhanh như cây đèn cầy để trước gió, làn gió thổi mạnh quanó tắt liền, không ai giữ được. Trong khi đang sống, cuộc sống của chúng ta tưởng như là vững lắm, thật lắm, nhưng một cái sơ sảy, một luồng gió độc có thể làm hoại nó ngay, không ai lường trước được, nên Ngài diễn tả nó giống như là ngọn đèn treo trước gió hay là cây đèn cầy ởtrước làn gió mạnh, không có gì bảo đảm.

“Chín cõi xoay vần bóng nghị ma”, “nghị” là con kiến, “ma” là cối xay. Con kiến bò trên miệng cối, nếu nó cứ bò vòng theo chiều đó thì chừng nào ra khỏi? Cứ bò vòng vòng, rốt cuộc rồi cũng trở lại điểm đầu. Nếu nómuốn ra khỏi thì phải bò xuống chớ cứ bò theo chiều vòng đó mãi thì dù cho bò một ngày, hai ngày cũng chỉ chừng ấy thôi. Cũng thế nếu chúng ta cứ mê chấp thân này là thật, cảnh này thật, chúng ta phải bị xoay vần trong lục đạo luân hồi, hay là trong cửu đạo luân hồi giống như con kiếnbò trên miệng chén, cứ đảo qua đảo lại không biết ngày nào ra khỏi. Naymuốn thoát ra phải làm sao? “Ví hỏi rằng sao là cứu cánh” làm sao được chỗ cứu kính thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó? Ngài nói “Ma-ha Bát-nhã tát-bà-ha”, nghĩa là phải trở về cái trí tuệ lớn lao chưa bao giờ bị kẹttrong vòng phân biệt sanh diệt. “Ma-ha” là lớn, “Bát-nhã” là trí tuệ, “tát-bà-ha” là chỉ cho tiếng lặp lại ma-ha-tát-đỏa tức là chỉ cho trí tuệ của Bồ-tát. Trí tuệ rộng lớn của Bồ-tát là trí tuệ đưa chúng ta đến chỗ cứu kính, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn trong chín cõi, chỗ bền bỉ, không dễ bị thổi tắt như ngọn đèn trước gió.

Tóm lại, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ muốn nhắc nhở: Ở thế gian, người ta mừng khi sống và sợ khi chết, ngày sanh thì ăn mừng, ngày chết là ngày giỗ, đó là ngày buồn, ngày húy kỵ. Nhưng thật ra, nếu còn trong dòng luân hồi thì sống chết chỉ là nhân và quả, cả hai hỗ tương nhau, không tách rời được, không riêng có sống mà không chết, không riêng có chết màkhông sống, cả hai cùng chung một mạch. Lại nữa thân này quá tầm thường, tạm bợ, ngắn ngủi nên đừng nghĩ rằng mình sẽ sống lâu, phải nhớ rằng thân này mỏng manh lắm, ngày nào còn sống, chúng ta phải làm những gì hay, tốt để lợi mình, lợi người, chớ đừng quá nuông chiều giữ gìn nó,rốt cuộc không giữ được chỉ là uổng công. Nếu không khéo tu chúng ta phải luân hồi trong chín cõi như con kiến bò trên miệng cối, nhọc nhằn vô ích! Thế nên mỗi người phải sớm thức tỉnh, làm sao mở mang được trí tuệ cao cả của Phật, Bồ-tát, để thoát khỏi vòng lẩn quẩn trong chín cõi.

Thật thế nếu trọn cuộc đời chúng ta chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, sống vui, cuối cùng rồi chết thì có gì cao thượng đâu? Trái lại nếu chúng ta tìm được, thấy được cái gì chân thật hơn ngay trong tứ đại chống đối thù nghịch này, khi ấy chúng ta mới có một hướng vươn lên, như tôi vừa nói: Được con lừa ba cẳng mới vươn lên đến tận đỉnh núi tuyệt cùng. Vì lẽ đó,tất cả mọi người, nhất là Phật tử chúng ta, là những người quyết chí tiến lên, không để dục lạc thế gian lôi cuốn, nhận chìm trong dòng sanh tử. Trong khi điều hòa tứ đại, chúng ta phải khéo tìm ra cái gì cao thượng hơn, siêu thoát hơn để không phải khổ đau khi mất thân này. Chiếcthân tạm bợ mong manh như đèn trước gió, dù cố gắng gìn giữ cũng chỉ làcông dã tràng! Chúng ta là những người đã biết tu tỉnh, biết kính trọngTam Bảo, biết hướng về con đường giác ngộ giải thoát thì phải ngay nơi bốn con rắn của mình, tìm thấy được cái chân thật, vì đó là cửa để tiến đến giác ngộ giải thoát.

Hôm nay là ngày đầu năm Kỷ Tỵ, quí Phật tử đến chùa lễ Phật, thăm quí thầy. Đó là điều rất tốt nhưng chưa đủ, quí vị còn phải thức tỉnh, để biết ngay trong thân tứ đại còn có cái bất sanh bất diệt. Được như thế thì sự có mặt của chúng ta ở thế gian này mới không phí uổng. Mong rằng trong năm mới này, Tam Bảo sẽ gia hộ cho tất cả quí Phật tử, được nhiều điều an vui, gia đình được hòa thuận, tin yêu, đối với xã hội, mọi việc đều vẹn đủ, và đối với việc tu hành thì năm nay quí Phật tử sẽ tinh tấn nhiều hơn năm trước. Đó là lời chúc lành và niềm mong mỏi của chúng tôi.

HT. Thích Thanh Từ
(Thiền Viện Thường Chiếu)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/11/2023(Xem: 1085)
Ôn cố tri tân tức ôn lại chuyện cũ để hiểu chuyện mới. Chuyện cũ là kho tàng kinh nghiệm cho đời sau. Tất cả mọi hưng-phế của đất nước đều do người chứ không phải do Trời. Vào năm 2018, đất nước Venezuela hỗn loạn, có tới hai chính phủ và ngoại bang xâu xé, chưa biết tương lai đi về đâu, rồi tới nước Pháp.
15/11/2023(Xem: 1040)
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy là câu lưu truyền để nói lên công ơn của những người Thầy đã dành cho chúng ta, dù nhiều hay ít, cũng là những nền tảng để mỗi người có được sự hiểu biết và phát triển theo hướng tích cực. Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống cao đẹp, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, trải qua bao đời, truyền thống này vẫn luôn được giữ gìn như một gốc rễ tạo nên nhân cách, đạo đức và kiến thức cho mỗi con người, bởi không ai lớn lên mà không cần đến người dẫn dắt, hướng dẫn, không ai tự nhiên tài giỏi, hiểu biết mà không có một người Thầy.
02/11/2023(Xem: 1606)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Năm nào xứ Huế cũng lụt lội, dường như bão lụt đã trở thành .. ''đặc sản'' không thể thiếu của miền Trung. Được sự quan tâm chia sẻ của quý vị Phật tử và các vị hảo tâm, Hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề (Bodhgaya Heart Foundation) chúng tôi vừa thực hiện một buổi phát quà từ thiện dành cho những người dân nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn.. thuộc huyện Phong Điền- Thừa Thiên Huế.. Chư Ni chùa Siêu Quần đã đại diện Hội từ thiện trao tặng cho người dần 500 phần quà, mỗi phần trị giá 400k gồm 10 ký gạo, thùng mì, dầu ăn, đường, bột ngọt, nước tương, sữa và bì thư 100k.
15/10/2023(Xem: 1192)
Mừng ngày Tiếp nối Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Ngày Doanh Nhân Việt Nam, Thái Hà Books chính thức phát hành cuốn sách quý, rất ý nghĩa “Trái tim của Bụt” với 02 phiên bản đặc biệt và phổ thông. Sách được thực hiện và gia công trang trọng, công phu, nội dung có bổ sung hình minh họa dễ hiểu cho các doanh nhân và độc giả cảm nhận rõ hơn những thông điệp của sách, để chúng ta nhắc nhau thực hành lối sống phụng sự trong hạnh phúc, để cùng nhau đi đứng nằm ngồi, nói cười và tiếp xử với nhau trong hỷ lạc và an vui, để mỗi chúng ta cùng tiếp nối sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
13/10/2023(Xem: 1068)
Người đời, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, luôn có một mong cầu, đó là “sống và tận hưởng”, quan niệm đó hình thành và tồn tại cho đến khi con người mất đi, bởi lạc thú và những vật chất xa hoa là thứ khiến cho người ta hướng đến, chinh phục và khao khát có được, bởi khi có được những điều đó, người ta mới thấy cuộc đời là đáng sống.
13/10/2023(Xem: 2071)
Tứ Niệm Xứ là pháp hành (phương pháp thực hành Giáo Pháp) do Đức Phật khám phá và truyền dạy, bao gồm sự thực hành bốn loại Chánh Niệm (Trí nhớ Chánh) về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Mục đích là để Thấy Biết như thật về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Vậy những lợi ích cụ thể khi thực hành Tứ Niệm Xứ là gì?
07/10/2023(Xem: 1359)
Thân đau yếu là để dạy cho Tâm biết Vô Thường!! - Thân thể đau yếu, bệnh tật là để tâm khởi lên sự chán ghét thế gian và có tác dụng làm sụp đổ các hy vọng . Tâm điên đảo, vọng tưởng chạy theo đủ thứ suy nghĩ là để giúp cho chúng ta thấy rõ cái đam mê, cái tham ái vào bản ngã.
03/10/2023(Xem: 798)
Khó- Dễ trong đời DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!
22/09/2023(Xem: 887)
BẠN CÓ BIẾT, VÌ SAO BHUTAN LÀ ĐẤT NƯỚC HẠNH PHÚC? Hạnh phúc của Bhutan đến từ những điều bình dị nhất: ▪️BÌNH DỊ QUA MÓN ĂN: Ăn là nhu cầu cơ bản để nuôi cơ thể sinh học, nhưng không phải sống để ăn, vì vậy thức ăn là quà tặng của tự nhiên, là tình thương của người gieo trồng, là sự ấm áp và chân thành của người chế biến, nên khi ăn họ cảm thấy hạnh phúc.
22/09/2023(Xem: 1759)
Mỗi người trong cuộc sống này luôn có một thử thách để chinh phục và vượt qua, đó là gì? Phải chăng là một vị trí cao trong xã hội? Một gia tài đồ sộ? Một danh tiếng lẫy lừng? Là vượt qua tất cả người khác để chiếm giữ vị trí độc tôn?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567