Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Mục Tiêu Của Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam - Thích Nguyên Thành

01/01/201301:15(Xem: 6807)
Những Mục Tiêu Của Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam - Thích Nguyên Thành

Buddha_5
Những Mục Tiêu Của Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam
Thích Nguyên Thành

Mục tiêu của Phật giáo là đưa mọi người đến chỗ giải thoát tối hậu, nhưng giáo pháp của Đức Phật có phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà hướng dẫn từng cá nhân đi theo những con đường nhanh hay chậm, trực tiếp hay gián tiếp.

Để nêu ra được những mục tiêu cụ thể và thực tiễn cho Giáo dục Phật giáo Việt Nam, điều tất yếu là phải duyệt lại những mục tiêu của giáo dục và mục tiêu của Phật giáo nói chung, ngoài ra phải có một cái nhìn tổng quát về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam. Thật vậy, chỉ có thể căn cứ trên mục tiêu căn bản của giáo dục và của Phật giáo, s au đó, các nhà nghiên cứu mới có thể xác lập được những mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, những mục cơ bản và mục tiêu dẫn xuất của giáo dục Phật giáo Việt Nam, xuất phát từ tình trạng của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Do đó, bản tham luận này sẽ trình bày về mục tiêu của giáo dục, mục tiêu của Phật giáo, và hiện trạng Phật giáo Việt Nam trước khi nói đến mục tiêu của Giáo dục Phật giáo Việt Nam.

I. Giáo dục và mục tiêu của giáo dục

1. Khái quát về giáo dục

Việc truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ trước cho thế hệ sau là một hiện tượng mang tính bản năng. Con chim non được chim cha mẹ hướng dẫn chuyền cành. Bầy gà con được gà mẹ dạy cách kiếm mồi. Những động vật sống gần mép nước có nguồn thực phẩm chính là thủy sinh vật được cha mẹ chúng dạy cách bắt tôm bắt cá. Cáo mẹ dạy cáo con kỹ thuật bắt giun đất. Tinh tinh con học bơi theo sự chỉ bảo của tinh tinh mẹ… Nói chung, tất cả mọi sinh vật đều biết cách dạy con. Nhưng chỉ riêng loài người nhờ có ngô n ngữ để mở rộng tư duy đã phát triển hoạt động này thành một khoa học không còn mang tính bản năng, gọi là hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, ý nghĩa của hoạt động giáo dục mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Có lẽ vì thế mà có vô số cách hiểu về giáo dục, tùy theo địa phương, dân tộc, thời điểm lịch sử; và cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung nhất về hoạt động hết sức căn bản này của loài người; một hoạt động thể hiện việc làm bộc lộ những khả năng nội tại của một cá nhân để phát triển đầy đủ nhân cá ch của cá nhân đó bằng việc huấn luyện và dạy bảo.

Dựa vào những phân tích đã được các nhà nghiên cứu, các triết gia, và các nhà giáo dục nêu ra, người ta có thể thấy giáo dục được nhận biết hoặc theo nghĩa hẹp, hoặc theo nghĩa rộng.

Theo nghĩa hẹp, giáo dục liên quan đến việc truyền đạt kiến thức; việc đưa ra những chỉ dẫn; việc huấn luyện hay đào tạo nhằm giúp cho một cá nhân biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết thực hành một nghề nghiệp. Trong trường hợp này, việc giáo dục chỉ bắt đầu khi đứa trẻ đ ược tiếp nhận vào trường học và kết thúc khi cá nhân ấy rời trường, cho dù đó là trường học sơ cấp, trung cấp, hay cao cấp. Với quan điểm này, hoạt động giáo dục được coi là có những đặc trưng sau:

- Việc giáo dục được cung cấp thông qua những định chế có tổ chức và có kế hoạch là các trường học từ sơ cấp đến cao cấp.

- Việc giáo dục là sự ảnh hưởng có hệ thống, có cân nhắc, có ý thức do người trưởng thành áp đặt lên người chưa trưởng thành.

- Việc giáo dục bị hạn chế trong việc giảng dạy những tài liệu đã có sẵn.

- Việc giáo dục là hoạt động có chủ ý chứ không phải là hoạt động tình cờ.

- Kiến thức là những kinh nghiệm được tích tụ bởi loài người.

- Giáo dục được coi là đồng nghĩa với dạy bảo, chỉ dẫn.

Với nghĩa rộng, việc giáo dục được coi là tiến trình kéo dài từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành của một con người. Giáo dục trở thành tổng thể những kinh nghiệm mà một cá nhân nhận được ở trong cũng như bên ngoài trường học, thông qua việc nghiên cứu về những chủ đề khác biệt và với những hoạt động khác nhau. Giáo dục không chỉ là việc dạy dỗ hay chỉ bảo mà được coi là đồng nghĩa với hành động của cuộc đời, không chỉ hạn chế trong trường học. Theo nghĩa rộng của giáo dục, con người đạt tới một cuộc sống mới thông qua giáo dục và đời sống cũng mang lại cho con người những yếu tố giáo dục mới. Giáo dục bao gồm mọi kiến thức và kinh nghiệm tiếp nhận được từ thuở ấu thơ, lúc còn trẻ con, thời tuổi trẻ, và khi đã trưởng thành, thông qua mọi tác nhân giáo dục như gia đình, nhà trường, những nhóm bạn, đình chùa, nhà thờ, nơi làm việc, thị trường, cộng đồng, xã hội…Theo John Dewey, giáo dục là sự phát triển mọi khả năng ở một cá nhân cho phép người ấy kiểm soát được môi trường của mình và phát huy mọi năng lực của bản thân. Như vậy, giáo dục có những đặc điểm sau:

- Là một tiến trình suốt đời một con người, từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

- Được tiến hành thông qua mọi tác nhân giáo dục từ chính thức đến không chính thức.

- Nhằm phát triển Trí tuệ, Tâm thức, Tài năng, và Thể lực (bốn chữ T).

- Đời sống và giáo dục không thể tách rời nhau.

- Mọi kinh nghiệm đều được coi là có tác dụng giáo dục.

- Giáo dục được coi là đồng nghĩa với hành động của cuộc đời.

- Giáo dục bao gồm mọi khía cạnh của đời sống con người.

Ở đây, giáo dục phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó là tiến trình phát triển suốt cả một đời người; không những thế, với những phát kiến của khoa sinh học não bộ cho thấy thai nhi từ 14 tuần tuổi đã cảm nhận được môi trường bên ngoài gần với bụng mẹ, có thể nói việc giáo dục là tiến trình diễn ra từ khi một hài nhi còn ở trong bụng mẹ đ ến lúc một người trưởng thành xuống mồ.

2. Mục tiêu của giáo dục

Thông qua những nhận thức về giáo dục nói trên, hoạt động giáo dục có ba mục tiêu chính:

a. Truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm:

Mục tiêu đầu tiên của giáo dục là truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm của các thế hệ đi trước cho thế hệ sau. Nhờ vậy, con người không phải mất công sức mày mò những điều mà những người đi trước đã trải qua, có thể tập trung vào việc phát kiến những điều mới, đẩy mạnh tốc độ phát triển của loài người.

b. Giúp con người thích nghi với cuộc sống:

Loài người là sinh vật sống quần tụ thành cộng đồng và họ sống giữa môi trường thiên nhiên. Chẳng những con người phải thích nghi với thiên nhiên để tồn tại, mà còn phải sống phù hợp với những người đang cùng tồn tại với mình. Giáo dục giúp con người định vị mình trong cuộc sống và có những hành vi hài hòa.

c. Giúp phát triển mọi tiềm năng nội tại của một con người với tư cách một cá nhân:

Mặc dù con người sống trong cộng đồng nhưng “cá nhân có nhiều sự khác biệt về vật lý, tâm lý, tâm linh, giai cấp xã hội và khả năng,” do đó, “xã hội không phải làm gì khác hơn là giúp đỡ các cá nhân giải quyết các vấn đề cá nhân do các việc làm của họ gây ra.” 1Như vậy, mục tiêu quan trọng của giáo dục chính là tạo điều kiện cho mọi con người phát triển mọi khả năng nội tại của họ với tư cách là những cá nhân. Chính trong lúc họ giải quyết những vấn đề cá nhân của họ mà xã hội cũng được hưởng những thành quả của sự lao động sáng tạo ấy.

II. Phật giáo và mục tiêu của Phật giáo

1. Khái quát về Phật giáo

Mọi người đều đã biết Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại, xuất phát từ châu Á, theo thống kê hiện có khoảng trên năm trăm triệu Phật tử trên toàn thế giới và Phật giáo đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới học thuật phương Tây. Phật pháp là tập hợp những nguyên lý sống để đạt tới giải thoát an lạc nhờ có đủ từ bi và trí tuệ, được một nhân vật lịch sử là Ngài Siddhartha Gautama tổng hợp từ sự chứng ngộ của chính mình; sau khi chứng ngộ, Ngài được tôn xưng là Gautama Buddha (Đức Phật Cồ - đàm) hay Sakyamuni (bậc Thánh của dòng Thích - ca), và đã tích cực trao truyền những hiểu biết của mình cho loài người. Ngài nhận học trò, xây dựng nên một giáo đoàn gọi là Sangha (Tăng-già) và yêu cầu các đệ tử của mình sau khi đã chứng ngộ như mình cũng tích cực trao truyền giáo pháp ấy. Sau 45 năm tích cực dạy bảo loài người lối sống đạt tới giải thoát an lạc, Ngài từ giã cõi thế, lịch sử nói rằng Ngài nhập Vô dư y Niết - bàn. Trước đó, Ngài dặn bảo đệ tử hãy lấy giáo pháp mà Ngài đã trao truyền làm người hướng dẫn. Ngài được loài người hết lòng kinh ngưỡng.

Như vậy, Đức Phật Thích - ca chính là một nhà giáo dục vĩ đại nhất, đã dành cả đời mình làm công việc dạy bảo loài người. Với sự tích cực trao truyền Chánh Pháp do các đệ tử của Ngài tiếp tục công việc của Thầy mình, đạo Phật đã thấm nhập toàn bộ châu Á. Như vậy, Phật giáo chính là một hệ thống giáo dục đặc biệt, nhắm đến những mục tiêu đặc biệt.

Tuy có lúc có nơi đạo Phật bị tận diệt vì lý do này hay lý do khác, nhưng những lời dạy của Đức Phật thể hiện những điều Ngài đã chứng ngộ chưa lúc nào biến mất trên cõi đời này và tiếp tục được tỏa sáng. Ngày nay, trong thời đại khoa học công nghệ tiến bộ đến mức phi thường, con người càng cảm thấy cần phải trở về với những lời dạy đầy minh triết và từ ái ấy; lời dạy của bậc Thánh đã từng khuyên con người chỉ nên tin vào những giáo pháp nào mà khi được thực hành thì đem lại an lạc cho mình, cho người, và cho cả hai.

2. Mục tiêu của Phật giáo

Đối với chư Tăng Ni, và có thể là với một số vị Phật tử tại gia thật đặc biệt, thì việc hành trì giáo pháp của Đức Phật có mục đích tối hậu là thanh tịnh tâm ý để đạt đến trạng thái giải thoát rốt ráo gọi là Niết-bàn; vì lẽ toàn thể giáo pháp của Đức Phật, tuy có nhiều sai khác tùy trường hợp

Đức Phật giảng cho ai, đều luôn hướng đến mục tiêu giải thoát, như được Đức Phật nêu rõ trong Kinh Tăng chi bộ III, chương Tám pháp, phẩm Lớn, rằng“Cũng như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, này Paharada, Pháp và Luật của ta chỉ có một vị, là vị giải thoát.”

Để đạt tới trạng thái giải thoát, nghĩa là thành Phật, Đức Phật dạy chư Tăng Ni thực hành đúng Pháp và Luật mà Ngài đã dạy, như trong Tiểu kinh Sư tử hống thuộc Trung bộ, Đức Phật nói, khimt Tỳ - kheo đã đoạn trừ vô minh, đã làm cho minh sanh khởi, khi ấy, với vô minh không còn và sự hiểu biết chân thật có mặt, Tỳ - kheo ấy không còn bám chấp vào dục thủ, không còn bám chấp vào kiến thủ, không còn bám chấp vào giới cấm thủ, cũng không còn bám chấp vào ngã luận thủ. Vì không chấp thủ nên vị ấy không tháo động, nhờ không tháo động nên tự thân vị ấy chứng được Niết - bàn. Vị ấy tuệ tri,‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”

Giáo pháp của Đức Phật, hay chương trình giáo dục đặc biệt mà Đức Phật đã vạch ra cho loài người, bao gồm Giới học, Định học, và Tuệ học, được chi tiết hóa trong các nội dung Tứ diệu đế, Bát Thánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Lục Ba-la-mật…các phương pháp thực hành Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần, các giới Ba-la-di…luôn luôn hướng đến việc giúp cho con người nhận biết đúng thực tướng của mọi hiện tượng trong cuộc đời, từ đó rút ra cho chính mình một phương pháp hành xử thích đáng, dựa trên tinh thần xả ly, buông bỏ. Nói tóm lại, mục tiêu rốt ráo của giáo pháp đó là đào tạo mọi con người trở thành những vị Phật, những người được giải thoát khỏi tất cả mọi triền phược của cuộc sống.

Tuy nhiên, đối với phần lớn Phật tử, một mục tiêu khiêm nhường hơn được nhắm đến, đó là sống một đời sống thiện hạnh để đạt tới sự an ổn, có được hạnh phúc chân thật. Người Phật tử tại gia thọ Tam quy, Ngũ giới, tu theo Thập thiện hạnh, thực hiện những điề u Đức Phật dạy trong kinh Thiện Sanh (kinh Sigala Sutta, Trường bộ, phẩm thứ 31). Theo đó, người Phật tử tại gia có bổn phận đối với gia đình, gia tộc, cộng đồng, quốc gia, xã hội, nhưng vẫn phải biết hướng đến chánh pháp, biết thờ Phật, kính Pháp, trọng Tăng, giữ gìn những giới mà mình đã nguyện giữ. Như vậy, mục tiêu từng phần trong giáo pháp của nhà Phật là điều chỉnh nhân cách của những con người hướng thiện, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, ở đó mọi người đều có một nếp sống hiền thiện, không tranh đoạt, không cướp bóc, từng bước tiến đến việc nhận thức được bản chất của cuộc sống và khi có đủ điều kiện thì cũng có thể nhắm đến mục đích giải thoát rốt ráo.

Tóm lại, mục tiêu của Phật giáo là đưa mọi người đến chỗ giải thoát tối hậu, nhưng giáo pháp của Đức Phật có phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh mà hướng dẫn từng cá nhân đi theo những con đường nhanh hay chậm, trực tiếp hay gián tiếp.

Thực hành giáo pháp của Đức Phật, người có căn cơ như thế nào thì hưởng được phúc lạc theo mức độ ấy, như điều đã được trình bày ở phẩm Dược thảo dụ của kinh Pháp Hoa:

"Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng.

Đức Như-Lai nói pháp một tướng một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc ‘nhất thiết chủng trí’. Có chúng sanh nghe pháp của Như - Lai hoặc thọ trì đọc tụng, đúng như lời mà tu hành, được công đức mà tự mình không hay biết.

Vì sao? Vì chỉ có Như - Lai là biết chủng tướng thể tánh của chúng sanh đó: Nhớ việc gì? Nghĩ việc gì? Tu việc gì? Nhớ thế nào? Nghĩ thế nào? Tu thế nào?Dùng pháp gì để nhớ? Dùng pháp gì để nghĩ? Dùng pháp gì để tu? Dùng pháp gì đặng pháp gì?

Chúng sanh ở nơi các bậc, chỉ có đức Như - Lai thấy đó đúng như thật, rõ ràng không bị ngại. Như cây cối lùm rừng các cỏ thuốc kia không tự biết tánh thượng trung hạ của chúng.

Đức Như - Lai biết pháp một tướng một vị ấy, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, tướng rốt ráo Niết - bàn thường tịch diệt, trọn về nơi không, Phật biết như thế rồi xem xét tâm ưa muốn của chúng sanh mà dắt dìu chúng, cho nên chẳng liền vì chúng vội nói ‘nhất thiết chủng trí’.”

III. Hiện trạng Phật giáo Việt Nam

Phật giáo truyền vào Việt Nam đến nay đã hơn 2.000 năm. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, có lúc các nhà lãnh đạo chính trị nhận biết giá trị đích thực của giáo pháp của Đức Phật, đã sử dụng Phật giáo làm nền tảng tư tưởng xây dựng đất nước; trong những thời kỳ đó, Phật giáo đã tỏ rõ giá trị hộ quốc an dân, đã thực sự có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng nền văn hóa Việt, làm nên bản sắc của người Việt. Nhưng, cũng như mọi sự vật đều có lúc thịnh lúc suy, Phật giáo Việt Nam cũng không ít lần chịu sự cạnh tranh gay gắt của Nho giáo, của Lão giáo, của các hình thức tín ngưỡng dân gian, và gần đây hơn, khi người phương Tây đến Á Đông, là của những hệ tư tưởng và tôn giáo phương Tây. Là một tôn giáo có tính khoan dung uyển chuyên, khi gặp tình trạng cạnh tranh, thường thường Phật giáo Việt Nam vẫn tìm được những giải pháp để cộng tồn với những thế lực đang trên đà tiến, để rồi sau đó lại hồi sinh. Từ ngày đất nước thống nhất, Phật giáo thật sự tìm lại được chỗ đứng trong lòng dân tộc Việt. Sau ba mươi năm hành đạo dưới tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đã lấy lại được niềm tin của đông đảo quần chúng có tín ngưỡng.

Căn cứ vào con số thống kê về tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (dẫn theo GS.TS. Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội)2 thì tính đến tháng 2 năm 2011, Phật giáo có 10 triệu tín đồ, 42.000 Tăng Ni, và 15.500 chùa chiền. Về con số tín đồ Phật giáo, GS Đỗ Quang Hưng cũng cho biết có nhiều thông tin khác nhau. Ông dẫn website Vietnam Paradise Travel về thông tin ở Việt Nam có tới 70% dân số theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm những hành sự của Phật giáo2. Trong một báo cáo khác của ông Nguyễn Văn Long thuộc Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ thì hiện nay trên cả nước đã có 4 Học viện Phật giáo, 1 trường Cao đẳng Phật học , 8 lớp Cao đẳng Phật học với hơn 2.000 Tăng Ni sinh đang theo học. Ngoài ra còn có 32 trường Trung cấp Phật học và hàng trăm lớp Sơ cấp Phật học3.

Như GS Đỗ Quang Hưng đã chỉ ra, con số tin đồ Phật tử còn có tranh cãi. Ông cho biết một số tài liệu của GHPGVN nêu lên, ít nhất ở Việt Nam cũng phải có tới 20 triệu Phật tử2.

Tuy nhiên, theo con số thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN công bố nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập GHPGVN (7 -11-1981 – 7-11- 2008) thì cả nước đã có tới 45 triệu người thực sự quy y Tam bảo, nghĩa là những người chính thức là Phật tử tại gia. Ở đây không quan tâm đến những sai khác của các con số thống kê, nhưng tất nhiên chúng ta có thể tin được vào con số của GHPGVN công bố, vì nếu không có số lượng tín đồ đông đảo thì khó thể diễn ra những hoạt động Phật sự quy mô như chúng ta đã từng chứng kiến suốt cả ba chục năm qua.

Nhìn chung, người ta có thể thấy Phật giáo Việt Nam đang ngày càng phát triển. Nhưng như vậy thì số Tăng Ni chỉ chiếm khoảng một phần ngàn số cư sĩ (Thống kê của HĐTS GHPGVN năm 2012 cho biết cả nước hiện có 46.495 Tăng Ni với 20.571 vị Ni). Những con số này rất có ý nghĩa trong việc đặt mục tiêu cho giáo dục Phật giáo Việt Nam.

IV. Vài ý kiến về đặt định mục tiêu cho giáo dục Phật giáo Việt Nam

1. Khái quát

Khác với những quốc gia Á châu vẫn công nhận Phật giáo là quốc giáo có sẵn một nền giáo dục Phật giáo lâu đời, như trường hợp của Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, và Sri Lanka; và cũng không như những quốc gia ở đó Phật giáo được xem đồng hàng với những tôn giáo khác nhưng đã từng có truyền thống nghiên cứu về tôn giáo và đã có ngành học về Phật giáo ở khoa Nhân văn tại các trường Đại học, Việt Nam là một dân tộc theo Phật giáo lâu đời nhưng nền giáo dục quốc gia là một nền học hoàn toàn thế tục, và cho đến nay việc nghiên cứu Phật học vẫn chưa hề được tiến hành trong các trường đại học về khoa học nhân văn đang có mặt trên cả nước.

Việc nghiên cứu về Phật giáo mang tính học thuật hiện chỉ được tiến hành tại các nơi như Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Triết học, hoặc các cơ quan quản lý về Tôn giáo. Nói tóm lại, Việt Nam chưa hề có một nền giáo dục Phật giáo theo đúng tầm mức, đúng nghĩa của một nền giáo dục. Hoạt động giáo dục Phật giáo ở Việt Nam hiện tại thực chất chỉ là giáo dục Tăng Ni. Đứng về phương diện giảng dạy Phật pháp mà nói thì cơ quan phụ trách việc giáo dục Phật giáo cho quần chúng phải là Ban Hoằng Pháp Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương bao gồm phân ban Gia đình Phật tử và các sinh hoạt định kỳ mỗi ngày Chủ nhật.

2. Hiện trạng giáo dục Phật giáo Việt Nam

Hiện nay, có quan điểm cho rằng Ban Giáo dục Tăng Ni có trách nhiệm đối với toàn thể hoạt động của giáo dục Phật giáo Việt Nam, thể hiện qua ba hệ giáo dục:

a. Hệ giáo dục phổ cập, được quan niệm là một hệ giáo dục Phật giáo, có trách nhiệm giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử tại gia, bao gồm các trung tâm thuyết pháp và giảng dạy giáo lý trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ và giới tính.

b. Hệ giáo dục Sơ cấp do các vị trụ trì hay Duy-na dạy các điệu tại chùa.

c. Hệ giáo dục Trung cấp Phật học, dành cho các đối tượng là Tăng Ni sinh có tình độ thế học tối thiểu là tốt nghiệp lớp 9. Chương trình học cũng hướng đến giới, định, tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến; cung cấp cho Tăng Ni sinh một nền tảng văn, tư, tu; hướng Tăng Ni sinh đến đời sống thanh tịnh và giải thoát cho tự thân.

d. Hệ giáo dục đại học Phật học, là chương trình đào tạo chuyên sâu về Phật học cho những người đã tốt nghiệp cơ bản Phật học và có trình độ thế học tối thiểu là tốt nghiệp lớp 12. Hệ giáo dục này đào tạo Cử nhân Phật học và Thạc sĩ, có tham vọng đào tạo cao hơn, nhằm cung cấp những vị có khả năng trước tác, dịch thuật, giảng dạy, góp phần hoàn bị sứ mạng giáo dục phổ cậpvà cơ bản Phật học.

Tuy nhiên, căn cứ trên thực tế hoạt động, có thể thấy nguồn lực của Giáo hội hiện tập trung vào các Học viện Phật giáo. Hệ giáo dục Sơ cấp, Trung cấp Phật học như được trình bày trên đây được tiến hành đào tạo ở các chùa hay trường Trung cấp và các lớp Cao đẳng Phật học, khả năng chiêu sinh ngày càng kém, nhiều nơi phối hợp Trung cấp với Cao đẳng thành ra các trường Cao - Trung mà số lượng học viên tham dự cũng lưa thưa. Do đó, có thể thấy mô hình giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay là mô hình hình tháp lộn ngược, phình to ở trên cao mà teo tóp ở tầng đáy.

3. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo Việt Nam

Khi nhận thấy tình trạng kiến thức thiếu hụt của dân Thái khiến họ dễ bị t ổn thương trước chủ nghĩa đế quốc phương Tây, vua Rama V (1868 -1910) đã bắt đầu tiến hành cải cách nền giáo dục của xứ sở bằng cách xây dựng hai trường Cao đẳng Phật học là Mahamakut và Mahachula với mục đích đào tạo gấp những vị Tăng trở thành những vị gi ảng sư Phật học hữu hiệu cùng với những người thế tục trở thành tín đồ trung kiên của Phật giáo Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp, các vị Tăng đã đến phục vụ tại các ngôi chùa làng ở khắp xứ sở. Họ giảng dạy về Phật học bên cạnh tiếng Thái, toán học, lịch sử…và cố gắng cải thiện lối sống của người dân. Lịch sử Thái Lan ghi nhận, dưới triều đại của vua Rama V, người Thái có học vấn cao và hài lòng với sự thịnh vượng của xứ sở mình.

Thái Lan sở dĩ thực hiện được điều đó vì ở Thái Lan Phật giáo là quốc giáo, và họ đã có một nền giáo dục Phật giáo lâu đời. Như trên đã nói, nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục thế tục, vì thế, việc đào tạo các vị Tăng Ni có trình độ cao để mong muốn chư vị đóng góp vào việc phổ cập giáo dục Phật giáo là điều không thực tế. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam chỉ có thể xây dựng các trường học của Phật giáo, giảng dạy theo đúng chương trình thế học, và có thểm những giờ giảng Phật pháp cho học sinh theo học, giống như mô hình các trường tư thục Bồ Đề ở miền Nam trước năm 1975. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi việc mở tư thục được nhà nước cho phép một cách dễ dàng.

Trước khi đưa ý kiến về những mục tiêu cho giáo dục Phật giáo Việt Nam, xin được nói thêm rằng về mặt tổ chức, cách phân cấp các hệ đào tạo Phật học như nêu trên cũng là hợp lý, chỉ có điều đặt tên hệ giáo dục tiếp sau sau hệ giáo dục cơ bản Phật học là hệ giáo dục đại học Phật học thì e có điều không ổn. Dựa trên những nhận định vừa nêu, tham luận này xin được đề đạt một vài ý kiến về việc đặt định mục tiêu cho giáo dục Phật giáo Việt Nam:

a. Xây dựng hệ giáo dục cơ bản Phật học thành một nền tảng vững chắc cho giáo dục Phật giáo Việt Nam.

Theo yêu cầu của hệ giáo dục cơ bản Phật học, người được tuyển vào học phải có trình độ tối thiểu là tốt nghiệp lớp 9 của giáo dục thế tục. Căn cứ trên những thong báo tuyển sinh của các trường Trung cấp Phật học hiện hành (tương đương bậc cơ bản Phật học ở đây), Tăng Ni sinh phải qua một kỳ thi tuyển về kiến thức Phật học mang tính phổ thông. Với kiến thức Phật học đó, có thể thấy những thanh niên thiếu nữ có trình độ thế học lớp 9 trở lên có quan tâm đến Phật giáo hoàn toàn có thể trúng cách trong các kỳ thi tuyển.

Hàng năm, số lượng học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở mà không thi đậu vào lớp 10 phải vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường trung học phổ thông tư thục hay dân lập là một số lượng không nhỏ. Có thể thấy, với một cái nhìn khác về hệ giáo dục cơ bản Phật học này, giáo dục Phật giáo Việt Nam có một tài nguyên vô tận cho các trường Trung cấp Phật học hiện đang thiếu học viên.

Đề nghị của tham luận này là Giáo hội nên tập trung đầu tư vào một số trường Trung cấp Phật học hiện hành với một số thay đổi cơ bản về học trình, về tổ chức và về đường lối tuyển sinh thì chắc chắn sẽ tạo được một nền tảng vững chắc cho giáo dục Phật giáo Việt Nam.

b. Nâng cao chất lượng các lớp Sơ cấp và các trường Trung cấp Phật học và thêm nhiều sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động xã hội, từ thiện.

c.Ở các học viện Phật giáo, sinh viện trước khi tốt nghiệp phải có thời gian thực hành ở các chùa vùng xa hay tham gia một chiến dịch, phong trào dài hạn về công tác xã hội…

d. Vận động thành lập các trường tư thục Phật giáo.

Theo một kế hoạch dài hạn, Giáo hội cần chuẩn bị việc thành lập các trường tư thục Phật giáo ở những tỉnh thành quan trọng có đông Phật tử. Đồng thời, việc vận động để được tổ chức trường tư thục Phật giáo phải là một cuộc vận động kiên trì, có nghiên cứu cụ thể, có kế hoạch chi tiết. Các trường tư thục Phật giáo cam kết tổ chức việc dạy và học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng sẽ vận động phụ huynh chấp nhận cho con em được học thêm một số giờ Phật pháp cơ bản. Kinh nghiệm về việc tổ chức trường tư thục Phật giáo của cán bộ Giáo hội vẫn còn rất phong phú và đây là một trong những mục tiêu nhất thiết phải đạt được trong một thời gian gần nhất, xét trên tình trạng đạo đức suy đồi của xã hội hiện tại.

e. Vận động mở các phân khoa Phật học tại các trường đại học chuyên về khoa học Nhân văn trên cả nước.

Những vị Tăng Ni sinh trẻ hiện có bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ nên được khuyến khích và hướng dẫn thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và có thực chất về việc tổ chức các phân khoa Phật học tại các trường đại học có ngành khoa học Nhân văn. Nên có những chiến dịch tung những nghiên cứu ấy ra trên các phương tiện truyền thông để đánh động dư luận. Với việc hình thành các phân khoa Phật học tại các trường đại học thế tục, việc nghiên cứu về Phật học sẽ trở nên sôi nổi và đóng góp thêm nhiều góc nhìn khách quan giúp Phật giáo Việt Nam luôn luôn có động lực tự điều chỉnh trong quá trình phát triển, mặt khác, lại là một cơ sở để đưa giáo trình Phật học vào học đường. Cũng nên lưu ý rằng mới năm ngoái đây, ở Nga, người ta đã đưa môn học về tôn giáo vào các trường trung học, học sinh được chọn học một số giờ về Phật giáo, Hồi giáo và Chính thống giáo Nga.

f.Tiến hành thành lập các tư thục mẫu giáo và nhà trẻ tư của Phật giáo ở những nơi có thể xây dựng được.

Việc xây dựng các nhà trẻ và trường mẫu giáo do các Ni cô quản lý và điều hành là một việc trong tầm tay của Giáo hội, tuy đơn giản nhưng lại có tác dụng vô cùng to lớn đối với việc gieo rắc vào tâm hồn trẻ thơ hình ảnh hiền thiện của Phật giáo. Đây là một trong những gần và cần cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt.

g.Củng cố các Học viện Phật giáo hiện có theo hướng tách rời thực chứng với nghiên cứu học thuật.

Các Học viện Phật giáo hiện có cũng nên tăng thời gian đào tạo. Trong hai năm đầu, mọi sinh viên đều tập trung nghiên cứu nội điển, từ năm thứ ba đến khi ra trường, các sinh viên được chọn ngành, hoặc theo hướng thực chứng thì tiếp tục nghiên cứu thật sâu vào nội điển, hoặc theo hướng học thuật thì nghiên cứu tham bác mọi hệ tư tưởng của loài người để rút ra những so sánh nhằm mở rộng những phương pháp hoằng pháp hữu hiệu hơn.

h.Thực hiện việc tổ chức Buổi học Phật pháp ngày Chủ nhật ở tất cả những nơi nào có thể tổ chức được. Việc này nhắm đến những mục đích sau: giúp trẻ em và thanh thiếu niên quen thuộc với Phật giáo; khắc sâu những kỷ luật về đạo đức và có nhận thức sâu sắc về văn hóa dân tộc trong tâm hồn trẻ em và thanh thiếu niên; hướng dẫn trẻ em và thanh thiếu niên sống cuộc sống dựa trên những nguyên tắc Phật giáo; và đào tạo cho trẻ em và thanh thiếu niên sẵn sàng thực hiện những công việc thiện nguyện.

V. Kết luận

Trở lên là một số mục tiêu mà giáo dục Phật giáo Việt Nam có thể nhắm tới với mong muốn phát triển ngành, phát triển Phật giáo và góp phần tích cực cho việc giải quyết những khủng hoảng xã hội hiện thời. Về việc mở rộng đố i tượng đào tạo trong các cấp giáo dục Phật giáo tuy có thể gặp một số trở ngại ban đầu, nhưng nếu có kế hoạch đúng đắn chi tiết và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc này sẽ mở ra một hướng mới cho giáo dục Phật giáo. Kế hoạch phát triển giáo dục Phật giáo là một hoạt động đồng bộ có sự phối hợp của rất nhiều ban ngành trung ương và địa phương.

Để thành tựu những mục tiêu trên đây, không chỉ riêng Ban Giáo dục có thể đảm đương được. Chẳng hạn, việc xây dựng các trường tư thục Phật giáo nên thuộc trách nhiệm của Ban Hoằng Pháp, Ban Giáo dục Tăng Ni chỉ cung cấp nhân sự. Vì vậy, nếu Giáo hội quan tâm đến những mục tiêu này, đề nghị nên thành lập một Ủy ban phối hợp giữa các Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hoằng Pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Kinh tế Tài chánh, và Ban Xã hội để điều hành các hoạt động trong buổi ban đầu.

Thực hiện được những mục tiêu trên, chẳng những giáo dục Phật giáo được phát triển mà cá nhân những người được đào tạo cũng có cơ hội phát triển hết mọi năng lực của mình, có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của xã hội, đồng thời vẫn luôn có điều kiện để đạt tới an lạc giải thoát, mục tiêu tối hậu của mọi người con Phật.

TT.TS. THÍCH NGUYÊN THÀNH

Phó Viện Trưởng Học Viện PGVN tại Huế

Chú thích

1. Trích “Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali” luận văn Tiến sĩ của HT. Thích Chơn Thiện do Tâm Ngộ dịch, 1999, trang mạng http://www.budsas.org

2. Xem “Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý”, GSTS Đỗ Quang Hưng, trang mạng của Ban Tôn giáo Chính phủ.

3. Xem, “Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân”, Nguyễn Văn Long, trang mạng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/01/2017(Xem: 5539)
Sau những ngày lễ hội Tết Cổ Truyền của Dân tộc, bao ước mơ của con người như đã xanh theo ngàn nụ biếc và sắc màu hoa cỏ, hương xuân còn níu lại đâu đó giữa bao lớp sóng bụi thời gian, nhưng dòng thời gian cứ lầm lũi trôi chảy mãi đến muôn bến đời lao xao cát bụi, nắng và gió sương.
30/01/2017(Xem: 11028)
Dưới đây là một cuộc phỏng vấn mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đặc biệt dành riêng cho ông Melvin McLeod Tổng Biên Tập của tổ hợp báo chí và xuất bản Lion' s Roar (Hoa Kỳ). Buổi phỏng vấn ngày 29 tháng 7 năm 2016 được diễn ra trong vòng thân mật, trong gian phòng làm việc giản dị và khiêm tốn của một cơ quan báo chí.
29/01/2017(Xem: 6974)
Cứ tưởng Sài Gòn ngày tết vắng như Hà Nội, bởi dân các tỉnh về quê hết, nhưng không vậy. Ngày tết Sài Gòn vẫn rất đông người. Bằng chứng là chiều 30 tết đường phố vẫn khá đông. Ngày mồng 1 vẫn tấp nập. Tôi vui lắm.
29/01/2017(Xem: 9050)
Trong bài viết này sẽ được trình bày như sau: I.-Định nghĩa: Ngũ Uẩn. II.- Nội dung của thuyết Ngũ Uẩn. III.- Nhận xét: Lời Phật dạy trong thuyết Ngũ Uẩn. IV.-Kết luận.
29/01/2017(Xem: 14028)
Hãy tưởng tượng là cả thế giới đều tập thiền. Ước gì tất cả mọi người đều có cơ hội hiểu được cái tâm của mình. Để hiểu rõ những phẩm chất tinh thần đẹp đẽ cần vun xới, nuôi dưỡng và hoàn thiện, cũng như những chướng ngại cần phải tẩy sạch và diệt trừ, và rồi thực hành các phương pháp thiền định vô giá mà Đức Phật đã chỉ dạy. Tôi tin rằng bạn đồng ý với tôi là tất cả mâu thuẫn và chiến tranh sẽ dừng lại và hoà bình và hiểu biết sẽ ngự trị trên thế gian này. Như Ngài Đạt La Lạt Ma đã nói: “Nếu mỗi đứa trẻ lên tám đều được học thiền thì chúng ta sẽ giảm thiểu bạo lực cho cả một thế hệ.” Tất cả chúng ta đều muốn hoà bình và hạnh phúc, và muốn tránh mâu thuẫn và khổ đau. Nhưng chúng ta cần hiểu rõ những nguyên nhân của khổ đau và hạnh phúc, chấp nhận và chuyển hoá chúng. Chúng ta cũng cần hiểu những nguyên nhân của khổ đau để loại bỏ và nhổ sạch chúng. Bằng cách này chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình.
28/01/2017(Xem: 7078)
Đang là ngày cuối năm, tôi nhận được cú điện thoại. Tưởng ai, hóa ra chị Vũ Thụy Đăng Lan. Tưởng có chuyện gì, hóa ra chị “đòi nợ”. Chị bảo rằng tôi hứa qua thăm chị mà chưa qua. Thế mà đã 1 năm tôi mất rồi. Tết Năm ngoái tôi đến với chị tại chùa Phổ Quang và có thỉnh được khá nhiều pháp khí quý. Năm nay xuýt quên. M
26/01/2017(Xem: 7789)
Tôi rời Hà Nội bay vào Sài Gòn để tổ chức Tết Sách trên đường Ngô Đức Kế - Nguyễn Huệ và khu du lịch Suối Tiên. Tết này, cũng như nhiều tết khác trước đây, tôi không ăn tết ở Hà Nội nơi tôi đang sống, cũng chẳng về quê Thái Bình ăn tết mà vui Tết Sách ở Sài Gòn. Tôi thích vui tết hơn là ăn tết.
25/01/2017(Xem: 9652)
Thiền định là phép tu tập chủ yếu của Phật giáo, có thể xem là "cột trụ" chống đỡ cho toàn bộ Phật giáo nói chung. Hình ảnh Đức Phật tọa thiền dưới một cội cây vào một đêm trăng sáng, đạt được những hiểu biết siêu nhiên đã nói lên thật cụ thể cái "cột trụ" đó.
24/01/2017(Xem: 5499)
Ngay từ hồi còn trẻ cụ Chu Văn An (1292-1370) đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Sau khi thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) cụ không ra làm quan, chỉ ở nhà mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông. Trong số môn đệ cụ có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều.
24/01/2017(Xem: 9473)
Thường thì người dân tìm gà quý, cá ngon, giết lợn, mua bia, mua rượu,… về để mừng đón năm mới. Đa phần người dân làm như vậy. Thế còn, Phật tử chúng ta làm gì để đón năm mới. Tôi xin kể ra đây những việc làm của các Phật tử tại 3 địa điểm khác nhau, thuộc 3 đối tượng khác nhau. Mong rằng các câu chuyện sẽ mang đến cho người đọc hương pháp mùa xuân.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]