Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuộc sống trong bệnh viện của Đức Phật

06/09/201505:23(Xem: 6124)
Cuộc sống trong bệnh viện của Đức Phật

 Buddha's Hospital



Cuộc sống trong bệnh viện của Đức Phật

 

 ( Life in the Buddha's Hospital )

 

Thanissaro Bhikkhu

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

Lời giới thiệu của người dịch

 

            Các nhà sư thuyết giảng cho người thế tục là chuyện bình thường, thế nhưng nếu một nhà sư đứng ra thuyết giảng cho các nhà sư khác thì quả là một chuyện hiếm hoi khi gặp. Dưới đây là một bài nói chuyện của nhà sư Thanissaro Bhikkhu với các bạn đồng tu trong một ngôi chùa mà nhà sư này có ý gọi chung các ngôi chùa là "bệnh viện của Đức Phật".  Bài nói chuyện được trích dẫn từ một tập sách mang tựa "Thiền định 1: Bốn mươi bài thuyết giảng Đạo Pháp" (Meditation 1: Forty Dhamma Talks, Access to Insight, 2003), gom góp các bài thuyết giảng của ông. Thanissaro Bhikkhu là một nhà sư người Mỹ tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng" của Phật Giáo Theravada, một nhà sư thật đáng kính, uyên bác và tích cực, vô cùng xứng đáng để hàn huyên với các nhà sư và thuyết giảng cho tất cả chúng ta nghe.  

 

 Thanissaro Bhikkhu

Nhà sư Thanissaro Bhikkhu (sinh năm 1949)

 

***

Cuộc sống trong bệnh viện của Đức Phật

 

Thanissaro Bhikhu

 

            Đạo Pháp (Dhamma) cũng tương tự với ngành Y Khoa. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua cách giảng dạy của Đức Phật. Trước hết Ngài thuyết giảng về Bốn Sự Thật Cao Quý, đó là những gì thật hết sức giống như cách phân tích [các triệu chứng bệnh tật] hầu tìm kiếm một phương cách chữa trị. Và Ngài cũng đã tìm được phương thuốc chữa một thứ bệnh quan trọng nhất của tâm thức: đó là sự khổ đau, phát sinh từ sự thèm muốn (craving/thèm khát, bám víu, đam mê...)  và  vô  minh (ignorance/sự u mê tâm thần).  Thật vậy, đấy cũng là những gì mà chúng ta phải chữa trị. Trước hết Đức Phật phân tích các triệu chứng của căn bệnh, chẩn đoán, tìm hiểu những nguyên nhân nào đã đưa đến căn bệnh ấy, và suy luận để tìm hiểu xem khi khỏi bệnh thì mình sẽ cảm thấy như thế nào, và sau hết thì Ngài đưa ra một đường hướng chữa trị làm cho căn bệnh phải chấm dứt, hầu mang lại sức khỏe cho mình.

 

            Một khi đã cùng tu tập với nhau tại nơi này (tức là trong ngôi chùa này) thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải ghi nhớ rằng: Những gì mà chúng ta cần phải chữa trị là bệnh tật trong tâm thức của chính mình. Mỗi người trong chúng ta đều mang bệnh. Dù căn nguyên của các thứ bệnh ấy đều giống nhau: đấy là sự thèm khát (bám víu, ham muốn, đam mê) và vô minh (sự u mê tâm thần), thế nhưng các hình thức thèm khát thì lại khác nhau [giữa mỗi người trong chúng ta]. Cũng thế, các thể dạng vô minh cũng không giống nhau. Chính vì thế nên chúng ta phải tỏ ra độ lượng với kẻ khác, chẳng qua là vì cách chữa trị của mỗi người đều không giống nhau.        

 

            Chẳng hạn như trường hợp được đưa vào bệnh viện. Trong bệnh viện, mỗi người một thứ bệnh. Người thì bệnh ung thư, kẻ thì bệnh tim, người bệnh gan. Có người vì ăn quá nhiều mà bệnh, có kẻ thì lại thiếu dinh dưỡng. Trong bệnh viện có đủ mọi thứ bệnh tật. Trong ngôi chùa này thì nào có khác gì đâu. Mỗi người trong chúng ta đều mang những thứ bệnh tật riêng. Vậy thì trong cảnh chùa này, bổn phận của chúng ta là phải chăm lo chữa trị các thứ  bệnh tật của chính mình, và không nên để mình lây thêm bệnh tật của kẻ khác - và trong khi đó thì cũng không nên bực mình nếu có ai không dùng cùng một phương thuốc với mình. Trong số chúng ta mỗi người một thứ bệnh, mỗi người một thứ thuốc. Có thứ thì đắng và khó uống, có thứ thì dễ uống hơn. Trong số chúng ta, mỗi người phải cần đến một phương cách chữa trị khác nhau. Thật hết sức quan trọng là phải chú tâm vào việc chữa trị cho mình, và không nên thắc mắc về việc chữa trị của kẻ khác.    

 

            Nếu bệnh trạng của một vài người không thuyên giảm như sự mong muốn của mình, thì cũng xin nhắc lại một lần nữa: đấy chẳng qua là vì bệnh tật của họ là như thế. Hãy luôn ghi nhớ điều ấy trong tâm. Hãy nhớ đến lời của nhà sư Ajahn Lee (nhà sư Thái Lan, 1907-1961, tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng" của Phật giáo Theravada, và cũng là một trong số các vị thiền sư Thái Lan nổi tiếng nhất của thế kỷ XX): "Mỗi khi nhìn vào nội tâm mình thì đấy là Đạo Pháp (Dhamma). Mỗi khi nhìn ra bên ngoài thì đấy là thế giới". Và bạn thì lại không phải là một người quan sát thế giới một cách khách quan (tức nhìn vào thế giới dựa vào những sự suy nghĩ quy ước, công thức và chủ quan của mình, xuyên qua các xúc cảm đủ loại, thường là bấn loạn, của mình). Mỗi khi nhìn ra bên ngoài thì toàn bộ tâm thức của bạn cũng sẽ trở thành thế giới (xin liên tưởng đến học thuyết Duy Thức: thế giới bên ngoài mà mình trông thấy là do mình tạo ra từ bên trong tâm thức mình). "Người này làm chuyện này, người kia làm chuyện kia": thế giới là như thế, dù cho bạn có mang cách phân loại [chúng sinh] trong Đạo Pháp ra mà đánh giá họ [thì cũng chẳng thay đổi được gì]. [Đấy cũng chỉ cách mà] bạn mang Đạo Pháp ra để mà biến nó trở thành thế giới. Tóm lại là bạn phải luôn quay nhìn vào bên trong [nội tâm] của chính mình.    

 

            Nói cách khác là nếu bạn bực mình vì một người nào đó, thì chuyện ấy có đáng hay không? Hãy suy nghĩ theo cung cách đó. Những gì đáng để quan tâm là các sự kiện xảy ra bên trong tâm thức mình. Đấy chính là những gì sẽ tạo ra bệnh tật cho mình. Vậy thì bạn có muốn chữa lành bệnh tật cho mình hay là làm cho chúng trở nên trầm trọng thêm?  Một khi đã bước vào con đường tu tập thì phải luôn nhắc nhở mình về câu hỏi ấy.

 

            Một khi đã chọn nếp sống chung và cùng tu tập với nhau, thì chúng ta tất sẽ phải thường xuyên trông thấy nhau, thế nhưng phải làm thế nào để chuyện ấy không ảnh hưởng quá đáng đến tâm thức mình (gặp nhau hằng ngày đôi khi khó tránh được những sự va chạm giữa cái tôi của mình và các cái tôi của những người khác). Vậy hãy nên quay nhìn vào bên trong (nhìn vào nội tâm mình và không nên nhìn vào cái tôi của người khác).  Ngay cả những lúc phải nhìn ra bên ngoài, thì bạn cũng nên tập trung vào bên trong của chính mình (có nghĩa là vẫn giữ sự sinh hoạt và giao tiếp bình thường, thế nhưng lúc nào cũng theo dõi và chủ động sự vận hành của tâm thức mình) [để mà tự hỏi]: "Tâm thức mình đang phản ứng ra sao trước chuyện này?"; "Tâm thức mình phản ứng ra sao trước chuyện kia?" Đấy là những gì sẽ giúp mình kiềm chế bớt các giác cảm của mình. Cách nay nhiều năm, có một bà khách lớn tuổi từ Thái Lan đến viếng chùa chúng ta, và đặc biệt là bà này rất chú trọng đến việc kiềm chế các giác cảm của mình. Đôi mắt bà lúc nào cũng nhìn xuống và gần như không hề trò chuyện với ai cả. Một hôm tình cờ bà bắt gặp một người nói lén bà cho rằng bà là người phách lối, không thân thiện, chẳng qua là vì bà không hề hỏi han cũng chẳng trả lời ai cả. Bà bèn tìm tôi để than phiền về những người chung quanh không kính trọng việc kiềm chế giác cảm của bà. Thật hiển nhiên, sự kiềm chế ấy không còn mang một ý nghĩa nào nữa, khi mà mình vẫn còn bực tức mỗi khi có ai dèm pha mình?   

 

            Sự kiềm chế hoàn toàn thuộc vào lãnh vực nội tâm. Trong cuộc sống, bạn không sao tránh khỏi phải nghe chuyện này, trông thấy chuyện kia, thưởng thức thứ này, chạm phải thứ khác, suy nghĩ hết chuyện này sang chuyện nọ. Chủ đích của sự kiềm chế là không được biến các thứ ấy trở thành trọng tâm của sự tập trung chính yếu của mình. Quá trình phản ứng của tâm thức đối với thị giác tùy thuộc vào những gì mà nó trực tiếp trông thấy, đối với các giác quan khác thì cũng thế: đấy là điều mà bạn phải ghi nhớ. Nếu có các khó khăn xảy ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, thì bạn phải xử trí như thế nào? Đức Phật đã dự trù thật nhiều phương thuốc chữa trị đủ loại, chúng ta tha hồ mà lựa chọn. Việc tụng niệm bài kinh về 32 thành phần của cơ thể (nêu lên trong kinh Maha Satipatthana Sutta/Kinh Đại Niệm Xứ, thuộc Trường Bộ Kinh/Digha Nikaya 22. Ba mươi hai thành phần của cơ thể là: tóc, lông, móng, răng, da; thịt, gân, xương, tủy, thận; tim, gan, chất nhầy, là lách, phổi; ruột già, ruột non, màng ruột, phẩn, óc; mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ; nước mắt, huyết tương, nước miếng, nước mũi, chất nhờn, nước tiểu) là một phương thuốc chữa trị hữu hiệu sự bám víu vào thân xác của mình và sự thèm khát thân xác của kẻ khác. Việc tụng niệm bài kinh về Bốn thái độ tuyệt vời (tiếng Phạn là: samyak-prahanani; Pa-li là: samma-padhana; tiếng Hán là: [Tứ] Chánh Cần; tiếng Việt là: [Bốn] sự cố gắng hoàn hảo. Đó là bốn phẩm tính nêu lên trong Đại-bát Niết-bàn Kinh/Mahaparinibbanasutta, Trường Bộ Kinh/Digha Nikya, DN 16,  gồm: 1- từ bỏ các hành động thiếu đạo hạnh đã phát sinh; 2- tránh các hành động thiếu đạo hạnh chưa phát sinh; 3- gia tăng các hành động đạo hạnh đã phát sinh; 4- phát huy các hành động đạo hạnh chưa phát sinh) là phương thuốc không những chữa trị sự giận dữ mà cả sự oán giận, ganh ghét cũng như tất cả các xu hướng hung dữ trong tâm thức mình. Nhiều khi bạn cũng không sao tránh khỏi được những sự bực mình gây ra bởi những chuyện hoàn toàn vượt khỏi sự chủ động của mình. Trong các trường hợp đó bạn phải nghĩ ngay đến quy luật của nghiệp, hầu mang lại sự bình thản cho mình.

  

            Dù là bệnh gì thì cũng có thuốc để hóa giải nó, bổn phận của mình là phải mang ra mà chữa trị. Bởi vì, và dù sao đi nữa, nào có ai khác có thể thay mình gánh chịu khổ đau do bệnh tật của mình gây ra đâu? Cũng có trường hợp kẻ khác khổ đau một phần nào đó [trước những khổ đau của mình], thế nhưng chính mình mới thật sự là người phải gánh chịu khổ đau. Chúng ta khổ đau rất ít trước những gì mà kẻ khác đang phải gánh chịu, thế nhưng lại khổ đau rất nhiều vì [cung cách hành xử] vụng về trong tâm thức mình.   

 

            Trong kinh sách Đức Phật có dạy cách cư xử như thế nào để giúp mình tránh được sự thèm khát (craving/thèm muốn, bám víu) và tự phụ (conceit/ngạo mạn, kiêu hãnh, tự hào, kiêu ngạo), thế nhưng cứ mỗi khi nhìn vào kẻ khác thì chính mỉnh là người có lý. Thật hết sức rõ ràng, sự thèm khát và tự phụ của mình sẽ mang lại mọi sự khó khăn cho mình. Tuy nhiên, bí quyết [giúp giải quyết các khó khăn ấy] là phải trông thấy được sự thèm khát của mình và sự tự phụ của mình. Nếu [bất chợt] nhận thấy mình đang xét đoán kẻ khác theo cung cách trên đây (tức là mình có lý) thì phải dừng lại ngay và tự nhủ: "Khoan đã! Tôi có phải là người giữ trọng trách kiểm soát sự đúng đắn của người khác hay không?" (trong nguyên bản là: Tôi có phải là [nhân viên của] Văn Phòng Quốc Gia Kiểm Nghiệm Đo Lường hay không?/Am I the National Bureau of Standards?).  

 

            Sau đó thì bạn hãy quay lại để nhìn vào chính mình. Sự thèm khát của mình đang như thế nào? Bạn muốn mọi sự phải xảy ra theo một cung cách nào đó, thế nhưng chúng lại không xảy ra đúng với sự mong muốn của mình, tức là phải đúng như thế. Đây cũng là một bài học thật quan trọng mà tôi đã học được [trong khi sống và sinh hoạt chung] với nhà sư Ajahn Fuang (một nhà sư Thái Lan, 1915-1986, tu tập theo truyền thống "Tu Trong Rừng", và cũng là đệ tử thân tín nhất của nhà sư Ajahn Lee nói đến trên đây). Dường như cứ hể mỗi khi tôi gặp phải những công việc thật khó thì ông ta lại ngã bệnh. Chẳng hạn như mỗi khi tôi có một dự án nào đó phải thực hiện trong chùa, thì ông ta ngã bệnh, và tôi lại phải ngưng tất cả để chăm sóc cho ông ta. Tôi bắt đầu cảm thấy một sự bất mãn (bực mình, không vừa ý) dâng lên trong tôi và sau cùng tôi tự nhủ: "Ê! khoan đã. Nếu mình loại bỏ được sự mong muốn sớm hoàn tất dự án đó, thì mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn". Đồng thời nếu tôi thật sự buông bỏ được sự mong muốn thực hiện cho xong dự án ấy, hầu chăm sóc cho ông ta chu đáo hơn, đúng với sự mong muốn của tôi, thì tất mọi sự trong chùa sẽ trở nên suông sẻ hơn. Nhất là đối với [những gì sẽ xảy đến với] tôi, và có thể cả ông ta cũng sẽ được hưởng lây một phần nào đó (được chăm sóc).  

 

            Khi nào bắt đầu hiểu được sự thật ấy, thì bạn cũng sẽ ý thức được rằng: Các sự thèm khát của mình chính là những gì làm cho mình khổ sở. Vì thế bạn phải buông bỏ những thứ ấy. Khi nào buông bỏ được chúng thì khi đó bạn sẽ cảm thấy mình đủ sức chịu đựng bất cứ một cảnh huống nào [xảy đến với mình]. Điều đó không có nghĩa là bạn trở thành lười biếng (buông tay, thiếu nghị lực) hay lãnh đạm, mà đơn giản chỉ là cách cứ để cho mọi sự đi theo con đường của chúng. Bạn phải biết xác định rõ rệt: trong trường hợp nào mình có thể làm cho mọi sự biến chuyển khác hơn? Trong trường hợp nào sự thèm khát có thể giúp mình thăng tiến trên Con Đường (thèm khác dưới các hình thức ước vọng thực hiện được những điều đạo hạnh chẳng hạn)? Trong những trường hợp nào sự thèm khát sẽ trở thành chướng ngại ngăn chận Con Đường? Bạn phải luôn học hỏi để biết phải làm thế nào để xác định [đúng] mọi sự vật, phải làm thế nào để trở nên khéo léo hơn hầu giúp mình biết là phải hướng các sự mong muốn của mình vào đâu, hướng các ước vọng của mình theo chiều hướng nào? Thêm một lần nữa, vấn đề không nằm bên ngoài, mà bên trong nội tâm mình. Tất nhiên mình cũng đau khổ ở một mức độ nào đó đối với những thứ bên ngoài, nhưng nguyên nhân khiến mình khổ đau [nhiều nhất] chính là [các cách hành xử] vụng về bên trong của chính mình. Đấy chính là những gì mà mình phải biến cải. Khi nào giải quyết được các khó khăn bên trong, thì các khó khăn bên ngoài sẽ hoàn toàn không còn gây ra được một tác động nào đối với mình nữa.    

 

            Ngoài ra sự tự phụ cũng là một yếu tố khác mang lại mọi thứ khó khăn cho mình. Tự phụ không có nghĩa là phình ngực lên và nghĩ rằng là mình hơn kẻ khác. Theo lời Phật dạy thì đấy là xu hướng [tự nhiên] của tâm thức tự so sánh nó với kẻ khác. Dù mình có thốt ra: "Tôi còn tệ hơn cả người ấy nữa", hoặc: "Tôi cũng chỉ ngang hàng với người ấy", thì đấy cũng đủ là tự phụ rồi. Những sự xưng hô: "Đây là Tôi ", "Đấy là do Tôi làm", "Cái này là của Tôi", tự chúng đã hàm chứa sự tự phụ. Đấy là những gì sẽ gây ra vô số vấn đề, và cũng là nguyên nhân chính yếu nhất mang lại bệnh tật cho mình.   

 

            Đức Phật cho biết là phía sau cách nói lên "Tôi là..." ("I am"/"Je suis"/"Tôi hiện hữu ") tàng ẩn nguyên nhân làm bùng lên vô số ý nghĩ trong tâm trí mình, và tạo ra mọi sự phân biệt và khiến cho mọi việc trở nên rắc rối hơn. Sự phức tạp đó sẽ làm nảy sinh ra giai cấp và mọi sự xung đột. Tất cả những thứ ấy đều phát sinh từ câu "Tôi là...". Sự phát lộ căn bản nhất của sự thèm khát cũng bắt đầu bằng câu: "Tôi là...". Từ đó lại hiện ra "Tôi từng là...", "Tôi sẽ là...", "Phải chăng tôi là...", "Phải chăng tôi không phải là...", và kể cả đủ mọi thứ thắc mắc khác phát sinh mỗi khi đặt chữ "Tôi" đứng trước chữ "là" (tức là điểm khởi đầu của sự hình thành của cái ngã) và tự nhận mình là những thứ ấy (xem các thứ ấy là "cái tôi" và "cái của tôi", hay là cái ngã của chính mình). Chúng ta bắt đầu so sánh cái "Tôi là..." ấy của mình với kẻ khác, và [sau đó] là xác định họ theo sự suy nghĩ của mình. Do đó, hoặc là bạn hơn kẻ khác, hoặc ngang hàng hay là thua kém họ. Thế nhưng dù bạn xác định mọi sự theo cung cách nào, thì đấy cũng chỉ là nguyên nhân chính yếu mang lại mọi thứ khó khăn cho bạn.

 

            Bạn chỉ cần ghi nhớ duy nhất một điều sau đây là cũng đủ: Bệnh tật của kẻ khác là bệnh tật của họ. Họ phải tự chữa trị cho mình, phải lo uống thuốc. Bệnh tật của bạn là của bạn - việc chữa trị thuộc trách nhiệm sơ đẳng nhất của bạn. Nếu người nằm cạnh bạn trong bệnh viện không chịu uống thuốc, thì đấy là chuyện của họ. Bạn có thể giúp đỡ họ bằng cách khuyên nhủ, thế nhưng đến một lúc nào đó thì bạn cũng sẽ phải thốt lên: "Đành phải chịu thôi, đấy là chuyện của họ. Mình phải lo chữa bệnh cho mình trước đã". Đấy chẳng phải là cách ổn thỏa nhất cho tất cả chúng ta hay sao!

 

            Khi nào sự bám víu, tức là sự thèm khát, và các cảm tính tự phụ không còn gây ra chướng ngại trên con đường nữa, khi ấy dù mình đang tu tập ở bất cứ nơi nào thì nơi ấy cũng sẽ là nơi lý tưởng nhất. Người ta thường tự hỏi: "Nơi nào tu tập tốt nhất?". Câu trả lời sẽ là: "Tại nơi-này và trong giây-phút-này". Thật ra thì nơi ấy cũng là nơi duy nhất có thể giúp bạn tu tập. Thế nhưng dù đang ở nơi nào thì bạn cũng phải làm một cái gì đó để biến cải "nơi-này và giây-phút-này" trở thành một nơi tu tập thích nghi nhất, cho bạn và cho cả những người khác chung quanh bạn. Điều đó không nhất thiết tùy thuộc vào những gì có thể cải biến được từ bên ngoài mà phải biến cải cung cách hành xử bên trong nội tâm của bạn. Chí có cách ấy mới biến nơi mà chúng ta đang tu tập trở thành một nơi thật tốt hầu tất cả chúng ta có thể cùng nhau tu tập.

 

 
hoang_phong

Vài lời ghi chú của người dịch

 

            Cách viết của nhà sư Thanissaro Bhikkhu thật khéo léo, bóng bẩy và nhẹ nhàng. Cuộc sống trong bệnh viện của Đức Phật chính là sự sinh hoạt của tăng đoàn trong chốn chùa chiền. Những người xuất gia là những người may mắn được vào bệnh viện của Đức Phật để được chữa trị tích cực và đúng đắn hơn. Bổn phận của họ là phải tạo ra một khung cảnh tương trợ và hài hòa trong bệnh viện mà mình đang được chữa trị, và hơn nữa dù chỉ là một người bệnh, thế nhưng dưới một khía cạnh nào đó hoặc qua một phần sinh hoạt thường nhật nào đó, chính mình cũng phải tự biến mình trở thành một y sĩ, không những là để tự chữa trị bệnh tật cho mình mà cho cả người khác. Do đó những người được điều trị trong bệnh viện cũng nên cố gắng sớm bình phục, không những là để nhường chiếc giường của mình cho kẻ khác, mà còn phải trở thành một vị y sĩ để chăm sóc cho họ. 

 

            Dưới một góc nhìn khác những gì trên đây còn cho thấy là tất cả chúng ta - dù là những người tu hành trong chốn chùa chiền hay những người thế tục - đều là những người bệnh như nhau, bởi vì bệnh tật theo Phật giáo không phải chỉ là những hình thức đau đớn trên thân xác được xác định và giảng dạy trong các trường Y khoa, mà còn là những thứ đớn đau thật sâu kín trong nội tâm của con người.

 

            Sự khổ đau đó mang tính cách hiện sinh, đó là sự trói buộc và vô thường của sự sống. Những hình thức khổ đau ấy thật mênh mông, vì thế bệnh viện của Đức Phật cũng phải thật to rộng, thế nhưng càng to rộng thì bổn phận của mình cũng càng nặng nề hơn, và mình cũng phải cố gắng hơn, hầu giúp mình sớm bình phục để có thể chăm sóc hiệu quả hơn cho những người đang nằm cạnh bên mình và tất cả các chúng sinh khác đang đau ốm và vẫn còn lang thang bên ngoài bệnh viện.

             

            Độc giả có thể tìm đọc bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp của bài này trên các trang mạng:

 

- tiếng Anh; http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/meditations.html#life

- tiếng Pháp: http://www.buddhaline.net/La-vie-a-l-hopital-du-Bouddha

 

            Ngoài ra độc giả cũng có thể thỉnh các tập sách in, gom góp các bài giảng của nhà sư Thanissaro Bhikkhu gồm: Meditation 1 (2003), Meditation 2 (2006), Meditation 3 (2006), Meditation 4 (2010), Meditation 5 (2011) qua địa chỉ: Metta Forest Monastery, P.O. Box 1409, Valley Center, CA 92082, USA, hoặc cũng có thể trực tiếp xem các tập sách này trên mạng.

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 06.09.15

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2022(Xem: 2053)
Được sự thương tưởng và hỗ trợ của chư Tôn đức và quí vị thiện hữu hảo tâm, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện xong 9 giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận vùng núi Khổ Hạnh Lâm & các làng ven quốc lộ từ Bodhgaya đi Varanasi, tiểu bang Bihar India .
10/12/2022(Xem: 4097)
Kính chia sẻ cùng chư Tôn Đức, chư pháp lữ, và quí thiện hữu một số hình ảnh trong mùa Tipitaka (Đại Tạng Kinh PaLi) khai hội tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là lần thứ 17 trùng tụng Tipitaka theo thông lệ hàng năm. Lễ hội quan trọng năm 2022 này do Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức nên tất cả mọi trần thiết, trang hoàng đều do Ban tổ chức Hội trùng tụng Kinh tạng Pali VN thực hiện, nổi bật nhất là cổng chào với hình ảnh hoa tươi rực rỡ “Lưỡng Long chầu Pháp Luân” rất đẹp mắt, khiến ai ai cũng trầm trồ ngợi khen và tán dương công đức. Lễ hội trùng tụng Tipitaka năm nay có các nước Phật Giáo tham gia trùng tụng Đại Tạng như: Nepal, Sri-Lanka, Lao, Campuchia, ThaiLand, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, India, International...Chương trình được khai mạc trang trọng vào ngày 2 tháng 12 cho đến ngày 12/12/2022 là bế mạc, với gần 5000 người tham dự . Nguyện cầu tiếng kinh này vang vọng đến ba ngàn thế giới khiến chúng sanh vạn loài thảy đều nghe ba nghiệp từ đó được thanh tịnh. Và xin nguyện
03/12/2022(Xem: 1313)
Loạt bài "Tiếng Việt từ TK 17" đã đề cập đến một số cách dùng Hán Việt đặc biệt như sinh thì (~qua đời, chết), Kinh Tại Thiên, Kinh Tin Kính, Kinh Thiên Chúa, lịch sự, thượng hoà hạ mục, thượng phụ, trung phụ, hạ phụ, thượng đế, thiên chủ/chúa2 ...v.v…Phần 37 này bàn thêm về cách dùng một số từ Hán Việt thời LM de Rhodes đến truyền đạo: sự (~thờ) 事, thửa (~ sở) 所, kì 其, giao cảm 交感, tinh thần 星晨, đang/đương thì 當時, củ thủ 糾手, thiểu ngữ 少語. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&
25/11/2022(Xem: 1329)
Lời mở đầu của người chuyển ngữ Bài kinh Kevaṭṭa-Sutta là một bài kinh dài giảng cho một người thế tục trẻ tuổi tên là Kevaṭṭa khi người này đến xin Đức Phật chỉ định một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn thực thi các phép lạ để thu phục được nhiều người hơn. Thế nhưng Đức Phật khẳng định là Ngài không hề dạy các tỳ-kheo của mình làm phép lạ, mà chỉ giảng dạy họ phải làm thế nào để biến mình từ một con người bình dị trở thành một con người cao quý hơn, đưa mình đến sự Giải thoát cuối cùng và sự Giác ngộ tối thượng. Sự giảng và học hỏi đó tự nó cũng đã là một phép lạ. Đấy là nội dung của toàn bộ bài kinh, và cũng là "kim chỉ nam" giúp chúng ta theo dõi bài kinh rất phong phú, khúc triết, nhưng cũng rất phức tạp này.
25/11/2022(Xem: 3639)
Hành Hương Thắp Sáng Tâm Đăng và Cảm niệm Thâm Ân Đức Thế Tôn VỊ THẦY VĨ ĐẠI BẬC NHẤT CỦA NHÂN LOẠI. Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, Thái Tử Siddhārtha Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát - vì không giải mã được hố thẳm của lòng người (nguyên nhân của khổ uẩn). Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho kiếp nhân sinh.
22/10/2022(Xem: 2366)
Chia sẻ hình ảnh của Khóa tu nhân Lễ Vía Đức Bồ Tát Quan Âm tại Chùa Pháp Hoa Seattle Washington State do Ni Sư Thích Hạnh Nguyện và chư Đạo hữu Tịnh Thanh, Trí Tín tổ chức. Xin thành tâm cảm niệm tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni, chư thiện hữu, Phật tử đã nhiệt tâm hỗ trợ cho Khóa tu được thành tựu viên mãn và giai đại hoan hỷ...
12/10/2022(Xem: 1506)
Xin có lời tâm sự, rằng trong lòng tôi vẫn luôn luôn là một đứa trẻ rất mực ngây thơ, nghĩa là, chưa bao giờ lớn cả. Nói cho đúng, tôi đã lớn dậy giữa rừng văn học cổ tích quê nhà, đã say mê đọc truyện cổ về những vị Bụt bay tới khi có ai đó gặp nạn và ngồi than khóc, đã miệt mài với những thần thoại tuyệt vời trong Kinh Phật… Và rồi, tôi tin rằng Đức Phật không bao giờ rời bỏ chúng sinh.
30/09/2022(Xem: 2592)
Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát Kính quý thiện hữu ''Sứ giả Từ Bi'' Đạo Tràng Kim Đài - CA Xin tường trình cùng Đại chúng. Tánh Tuệ vừa hoàn tất 8 giếng nước do quí Thiện hữu bố thí cho dân nghèo xứ Phật và vẫn Continue hoàn tất những giếng nước khác do quí thiện hữu phat tâm.
25/09/2022(Xem: 3027)
Thấm thoát đã đến Giỗ Trăm Ngày Cố Sa Di Ni Bồ Tát Giới Thích Nữ Hoa Khai danh Không Ngại Thân mẫu Trụ Trì tại Quan Âm
21/09/2022(Xem: 2226)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Chân Tâm chính là gia bảo Tâm, chẳng lẽ không quý trọng hơn tiền tài, vật chất sao? Bởi không có tâm thì ai đặt lên vật chất những giá trị? Tâm là bà mẹ sinh ra những đứa con (vật chất), nhưng phần nhiều con người ta thà vì tiền tài danh lợi mà phụ rẫy bản tâm, mà khiến cho tâm tổn thương chảy máu. - Quả báo của tất cả hạnh phúc, xuất phát từ Tâm. Sự trừng phạt của tất cả khổ đau, cũng bắt nguồn từ Tâm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567