Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tam Quy Ngũ Giới

18/10/201220:47(Xem: 8464)
Tam Quy Ngũ Giới


buddha
TAM QUY NGŨ GIỚI

TT. Thích Chơn Tính


I. Tam quy

Trong cuộc sống, hằng ngày mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta suy nghĩ làm sao có tiền, có tình, có địa vị, có thức ăn ngon, có ngủ nghỉ thỏa thích. Để được hưởng thụ những thứ đó, chúng ta phải tính toán, làm việc vất vả, thậm chí nhúng tay vào tội lỗi. Rồi một ngày nào đó theo định luật sinh, trụ, dị, diệt, chúng ta nhắm mắt tắt hơi, bỏ lại những thứ mình ham muốn, suốt đời khổ cực tìm cầu. Đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay trắng, chỉ còn nghiệp theo mình, đưa mình đến một trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A–tu–la, người và trời. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta quanh quẩn mãi trong sáu đường này; mỗi lần sinh, mỗi lần tử là mỗi lần tạo nghiệp, dẫn đến quả báo đau khổ. Máu và nước mắt của chúng ta, nếu tích tụ lại nhiều như nước biển. Xương và thịt của chúng ta, nếu gom lại chất cao như núi. Vì sao chúng ta phải chịu đau khổ sinh tử trong sáu đường này? Vì vô minh. Như người đi trong đêm tối không biết phương hướng, cứ đi mãi vào con đường hiểm nạn, nên bị sụp hầm té hố. Nếu không có ánh đuốc soi đường, chúng ta sẽ mãi mãi đi vào con đường hiểm không có lối ra. Sáu nẻo luân hồi là những con đường hiểm nạn. Tam bảo là ngọn đuốc soi đường, hướng dẫn chúng ta ra khỏi đường hiểm đến chỗ an vui giải thoát.

Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát khỏi sáu đường, Ngài chỉ cho chúng ta lối ra. Pháp là ngọn đuốc sáng soi đường. Tăng là những vị thầy hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Cho nên, chúng ta cần phải quy y Tam bảo để cứu mình ra khỏi đường hiểm khổ đau, đến chỗ an vui giải thoát.

1. Tam quy là gì?

Tam quy nói cho đủ là quy y Tam bảo.
Quy y:Quy là trở về, quay đầu. Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa.
Tam bảo:Tam là ba, bảo là báu. Tam bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

Quy y Tam bảo là chúng ta quay về nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng. Như người con vì si mê đã bỏ cha mẹ đi hoang, bị cuộc đời vùi dập, chịu biết bao đau khổ, đói rách; nay quay về nương tựa cha mẹ để được che chở, thương yêu và hạnh phúc. Như người lái xe đi lầm đường, quay đầu trở lại đi đúng đường. Như người bị đắm thuyền, trôi dạt trên biển cả, bỗng gặp chiếc thuyền khác đến cứu mạng. Sắp chết chìm trong lòng đại dương được thuyền đến cứu vớt, được sống yên ổn trên thuyền, được đưa vào bờ an toàn sinh mạng thì còn niềm vui nào lớn hơn.

2. Tại sao Phật, Pháp, Tăng quý báu?

a. Phật có những đặc điểm:
- Nhận thức nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết của con người, từ bỏ cung vàng điện ngọc, dứt bỏ hưởng thụ ngũ dục, chẳng ham vương vị quyền thế, vào rừng tu hành khổ hạnh, tìm cầu chân lý để cứu độ chúng sinh.
- Chứng được Tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh. Thiên nhãn minh là có thể nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường, thấy biết rõ thật tướng của vũ trụ, nhân sinh. Túc mạng minh là biết được quá khứ của mình và của tất cả chúng sinh từ một kiếp đến vô lượng kiếp về trước. Lậu tận
minh là dứt sạch tất cả mọi phiền não cấu uế.
- Luôn tỉnh giác, làm chủ ba nghiệp. Thân, khẩu, ý trong sạch không có tỳ vết. Thân tướng trang nghiêm với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
- Đầy đủ phước đức, trí tuệ. Có khả năng hướng dẫn chúng sinh ra khỏi biển khổ sinh tử, đạt đến giác ngộ, giải thoát rốt ráo.
- Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

b. Pháp có những đặc điểm:
- Pháp là lời dạy của Phật, là chân lý.
- Pháp giúp ta thấy được nhân quả nghiệp báo và nguyên nhân của sinh tử luân hồi.
- Pháp là con đường đưa người đến chỗ an vui, hạnh phúc và giải thoát khỏi ba cõi sáu đường.
- Pháp là những phương pháp giúp ta chuyển hóa si mê thành trí tuệ, đau khổ thành hạnh phúc, phiền não thành Bồ đề, chúng sinh thành Phật.

c. Tăng có những đặc điểm:
- Là một đoàn thể sống hòa hợp thanh tịnh (lục hòa).
- Cắt ái ly gia, từ bỏ đời sống hưởng thụ ngũ dục, xuất gia tu học, sống đời phạm hạnh.
- Là người giữ gìn giới luật của Phật. Là mô phạm cho chúng sinh noi gương học tập.
- Xem tất cả mọi người là thân bằng quyến thuộc.
- Sống trọn đời vì lý tưởng phục vụ chúng sinh, hoằng truyền Phật pháp, hướng dẫn mọi người tu học.
Tóm lại, Phật được gọi là Lưỡng Túc Tôn vì đầy đủ phước huệ. Pháp được gọi là Ly Dục Tôn vì có thể khiến cho hết thảy chúng sinh thoát ly dục lạc. Tăng được xưng là chúng trung tôn vì làm bậc thầy, là khuôn mẫu cho chúng sinh noi theo, bậc tôn quý trong đại chúng. Công đức của Phật, Pháp, Tăng rất nhiều, chúng ta chỉ nêu một vài đặc điểm để dẫn chứng, đủ chứng minh Phật, Pháp, Tăng là quý báu. Ở thế gian này, vàng bạc, ngọc ngà, châu báu tuy quý, nhưng chỉ giúp chúng ta được an vui hạnh phúc tạm thời, không thể giúp chúng ta thoát khỏi sinh tử luân hồi, đau khổ trong sáu đường. Phật, Pháp, Tăng có đủ năng lực hướng dẫn chúng ta ra khỏi sinh tử luân hồi, đến chỗ an vui giải thoát rốt ráo. Cho nên, Tam bảo là quý báu, chúng ta cần phải nương tựa.

3. Tam bảo có ba bậc:

Có ba bậc Tam bảo chúng ta cần phải biết

a. Thế gian trụ trì Tam bảo: Là Phật, Pháp, Tăng tại thế gian.
* Phật tại thế gian:Là hình tượng Phật mà chúng ta tôn thờ.
* Pháp tại thế gian:Là tam tạng kinh, luật, luận ghi chép trên giấy hoặc băng đĩa hình.
* Tăng tại thế gian:Là những vị xuất gia tu học Phật pháp, sống đời phạm hạnh.

b. Xuất thế gian Tam bảo: Là Phật, Pháp, Tăng ra khỏi thế gian.
* Phật xuất thế gian:Là đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Phật đã vượt ra khỏi Tam giới, chứng quả Vô sinh bất diệt.
* Pháp xuất thế gian:Là giáo pháp của Phật như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh v.v… có khả năng chuyển phàm thành Thánh, chúng sinh thành Phật.
* Tăng xuất thế gian:Là những vị Tăng đã chứng quả A–la–hán, vượt ra khỏi thế gian, như các ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, A–nan v.v…

c. Đồng thể Tam bảo: Là chúng sinh cùng thể tánh với Phật.
* Đồng thể Phật bảo:Phật là bậc giác ngộ, có đầy đủ trí tuệ, Tam minh Lục thông. Chúng sinh cũng có đầy đủ trí tuệ và khả năng thành Phật như Phật.
* Đồng thể Pháp bảo:Phật là bậc có đầy đủ đức tính từ bi, nhẫn nhục, tinh tấn… chúng sinh cũng có đầy đủ những đức tính ấy.
* Đồng thể Tăng bảo:Phật có đầy đủ đức tính thanh tịnh, hòa hợp. Chúng sinh cũng có đầy đủ đức tính ấy.

4. Sự Lý quy y Tam bảo:

Quy y Tam bảo có Sự và Lý. Sự là hình thức, Lý là nội dung. Nhờ có Tam bảo bên ngoài, chúng ta mới biết Tam bảo bên trong. Nhờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta mới ngộ được Phật tính trong mình. Nhờ kinh, luật, luận chúng ta mới biết pháp chân chính trong mình. Nhờ chư Tăng chỉ dẫn chúng ta mới thấy được vị thầy thanh tịnh trong mình. Muốn ngộ Phật tính, trọn đời chúng ta phải tuân theo đức Phật. Muốn chứng pháp chân chính, trọn đời chúng ta phải học kinh, luật, luận. Muốn thấy tự tính thanh tịnh, trọn đời chúng ta phải nương theo sự hướng dẫn của chư Tăng. Chúng ta phải thể hiện đầy đủ Sự Lý quy y Tam bảo thì việc tu học mới có lợi ích thiết thực.

* Sự quy y Phật:Đức Phật là người đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vượt khỏi Tam giới, tự tại giải thoát. Chúng ta là những người còn chìm đắm trong bể khổ sinh tử luân hồi sáu nẻo, cần phải nương nhờ vào chiếc thuyền để qua khỏi biển khổ. Người có đủ khả năng để đưa chúng ta đến bờ an vui giải thoát là đức Phật. Do vậy, chúng ta phải quy y Phật. Muốn trở thành người Phật tử, chúng ta phải quy y Tam bảo, phải đối trước hình tượng đức Phật để phát nguyện trọn đời nương tựa, phải tự mình dự lễ quy y và phát nguyện trước Tam bảo. Có những người quy y Tam bảo bằng cách nhờ người nhà quy y dùm là sai nguyên tắc. Trừ trường hợp người muốn quy y bị bại liệt, bệnh nặng hoặc già yếu không thể đến đàn quy y được. Chúng ta có thể phương tiện bằng cách thu hình hoặc thu âm buổi lễ quy y đem về mở cho họ xem, nghe và yêu cầu họ phát nguyện như trong đĩa ghi âm, ghi hình. Có như vậy, người già, bệnh đó mới thật sự hiểu biết ý nghĩa quy y Tam bảo và mới có lợi ích. (Hiện chùa Hoằng Pháp có thực hiện đĩa VCD, DVD lễ quy y Tam bảo, quý vị nên tìm xem).

Trường hợp có những em còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của quy y Tam bảo, cha mẹ vì muốn các em gieo duyên với Phật pháp nên đã đưa đến chùa dự lễ quy y. Khi lớn lên các em không có ấn tượng về buổi lễ quy y và cũng không biết những lời nguyện, những giới điều đã thọ nên giảm đi sự lợi ích của việc quy y Tam bảo. Trường hợp này cha mẹ phải có trách nhiệm hướng dẫn con cháu của mình hiểu biết Phật pháp. Mỗi năm một lần nên đưa các em đến đàn quy thính giới, để ôn lại những giới điều đã thọ. Tốt hơn hết nên để các em đủ hiểu biết hãy khuyến khích quy y Tam bảo.

* Lý quy y Phật:Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Hết thảy chúng sinh vốn sẵn đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí đều sẽ hiện tiền”. Đức Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Mỗi người đều có đầy đủ Phật tính, đều có khả năng thành Phật. Như mặt trăng luôn tỏa sáng, vì mây che khuất nên tối tăm, chỉ cần gió thổi tan mây mù thì ánh sáng hiện ra. Như viên ngọc bị bụi đất bám vào, chúng ta chịu khó lau chùi, mài dũa thì viên ngọc sẽ hiển lộ.

Tự quy y Phật là quay trở về bản tính giác ngộ, cảnh giới tuyệt đối của tâm linh. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta bị vô minh che lấp Phật tính, gây tạo biết bao nghiệp chướng để phải trả quả, trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Ngày nay, chúng ta quay trở lại xem xét chính mình, hằng tỉnh thức, làm chủ thân khẩu ý, ba nghiệp thanh tịnh, dứt sạch các lậu hoặc thì mình chính là Phật, không phải tìm Phật đâu xa.

* Sự quy y Pháp:Pháp là những lời dạy của đức Phật, là chân lý. Pháp được ghi chép trong kinh, luật, luận. Hằng ngày, chúng ta đọc tụng, nghiên cứu học hỏi; trong lúc đọc tụng kinh, ý không nghĩ điều ác, khẩu không nói lời ác, thân không làm việc ác; ba nghiệp chúng ta sẽ được thanh tịnh. Tụng kinh hằng ngày giúp chúng ta thâm nhập kinh tạng, khai mở trí tuệ. Sở dĩ chúng ta hành động sai lầm dẫn đến khổ đau là do suy nghĩ, hiểu biết sai lầm. Chúng ta đọc tụng kinh điển là để có được nhận thức đúng đắn về nhân sinh vũ trụ, về nhân quả nghiệp báo. Từ chỗ nhận thức đúng, chúng ta sẽ có lời nói đúng, hành động đúng. Khi thân, khẩu, ý hành động đúng sẽ đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.

Ngày nay, ngoài việc đọc tụng kinh điển, chúng ta còn có các phương tiện nghe nhìn Phật pháp như băng cassette, băng video, hoặc đĩa CD, VCD, DVD do quý thầy giảng giải giúp chúng ta dễ hiểu, dễ thâm nhập Phật Pháp. Chúng ta phải thường xuyên trau dồi sự nghiệp trí tuệ này.

* Lý quy y Pháp:Chuyển đổi hiểu biết sai lầm của mình thành hiểu biết chân chính. Sở dĩ chúng ta chìm đắm trong ngũ dục, tham luyến thế gian này là do vô minh, do hiểu biết sai lầm. Ngày nay, chúng ta chuyển hiểu biết sai lầm đó thành cái thấy sáng suốt, chân chính, không còn tham ái, chấp trước, cống cao, dục nhiễm, gọi là tự quy y Pháp.

Trong tâm của chúng ta có đầy đủ các pháp từ bi, trí tuệ, bình đẳng, nhẫn nhục, tinh tấn. Chúng ta phải làm cho những pháp này nảy nở bên trong chúng ta, như phải nuôi dưỡng và mở rộng tình thương đến với chúng sinh, phải thường quán sát về nhân duyên, quả báo để thấy rõ thật tướng của vũ trụ nhân sinh. Phải có tâm bình đẳng đối với kẻ oán người thân, kẻ tốt người xấu vì ai cũng có Phật tính. Phải có sức chịu đựng để vượt qua những khó khăn thử thách. Phải tinh tấn tu hành để thành tựu Phật quả. Phải chuyển hóa hiểu biết sai lầm thành hiểu biết chân chính, sống thật sự với giáo pháp để khai mở trí tuệ, gọi là Lý quy y Pháp.

* Sự quy y Tăng:Cung kính vâng lời những vị xuất gia tu học Phật pháp. Những Tăng Ni đã cắt ái ly gia, xa lìa ngũ dục, hiến trọn đời mình tu học, hoằng dương chánh pháp, phụng sự chúng sinh. Khi đã quy y Tăng, không chỉ riêng thầy mình cung kính, mà tất cả chư Tăng đều phải cung kính, vì Tăng là một đoàn thể hòa hợp thanh tịnh từ bốn vị trở lên. Người thầy quy y cho mình chỉ là đại diện cho chư Tăng. Cho nên, dù là Tăng thanh tịnh hay không thanh tịnh chúng ta đều phải cung kính, không khởi tâm phân biệt hoặc phỉ báng. Đức Phật đã nhập diệt, giáo pháp nằm trong ba tạng kinh điển, chỉ có Tăng là người thay Phật hoằng truyền chánh pháp, làm cho hình bóng Tam bảo thường trụ tại thế gian, chúng ta phải hết lòng tôn kính cúng dường.

*Lý quy y Tăng:Là quay về với tự tính thanh tịnh sẵn có xưa nay của mình. Hằng ngày, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra phân biệt, chấp trước, đắm mê khiến cho tâm của chúng ta bị ô nhiễm. Tâm ô nhiễm dẫn đến thân ô nhiễm. Do thân tâm ô nhiễm chúng ta tạo nghiệp ác, trở lại làm mê mờ tự tính thanh tịnh của mình. Ngày nay, chúng ta quay về với tự tính thanh tịnh của mình, không phân biệt chấp trước, không khởi tâm tham, sân, si, dần dần tâm của chúng ta trở lại thanh tịnh. Tự quy y Tăng là quay trở về với bản tính thanh tịnh, hòa hợp của chính mình.

5. Lợi ích của quy y Tam bảo:

Muốn trở thành một người Phật tử, bước đầu tiên chúng ta cần phải quy y Tam bảo. Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng được xem như ba chỗ nương tựa vững chắc nhất cho mình. Khi phát nguyện quy y trước Tam bảo, nhờ năng lực thanh tịnh của chư Phật và sự chứng minh trang nghiêm của chư tôn đức hiện tiền sẽ giúp chúng ta tinh tấn giữ trọn lời nguyện. Có những người sống không quen với những phép tắc, giáo pháp của nhà Phật, nghĩa là họ sống một cuộc đời tự do theo bản năng và dục vọng. Nhưng từ khi phát nguyện quy y, họ sẽ tự ý thức được mình đã quy y Tam bảo rồi, cho nên trong cuộc sống thường ngày, họ luôn luôn biết dè dặt, biết cẩn trọng hơn trong từng lời nói, việc làm.

Hiện nay, chúng ta được làm người, sống trong cuộc đời này là nhờ đã gieo nhiều nhân lành ở quá khứ. Điều này trong nhà Phật thường nói tới, đó là luật nhân quả. Nghĩa là chúng ta gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Ví dụ mình gieo nhân xấu chắc chắn sẽ bị quả xấu, gieo nhân tốt sẽ được quả tốt. Cũng như muốn vài năm nữa có cam để ăn, thì ngay hôm nay, chúng ta phải biết trồng nhân cam. Luật nhân quả Phật dạy rất rõ ràng, không có gì mơ hồ cả. Nếu biết quy y Tam bảo đời nay, đời sau chúng ta sẽ không bị đọa vào những đường dữ. Do nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích như vậy, chúng ta nhất định phải quy y, phải nương vào Tam bảo.

Còn một điều quan trọng nữa, là nếu biết quy y Tam bảo, biết trở về dưới ánh sáng trí tuệ và từ bi của Phật, Pháp, Tăng, hiện đời chúng ta sẽ có một cuộc sống hết sức bình yên, ngày sau chắc chắn chúng ta sẽ tiến dần lên quả vị Chánh giác.

Tại sao biết quy y Tam bảo thì cuộc sống đời này được bình yên? Điều này cũng rất dễ hiểu. Ví như, trước kia chưa biết quy y Tam bảo, chúng ta cứ mặc sức gây tạo những điều xấu ác. Còn bây giờ biết quy y Tam bảo rồi, chúng ta sẽ không dám liều lĩnh hành động trái phép, không dám làm những việc gây phiền muộn và đau khổ cho người. Đã không gây đau khổ và phiền muộn cho người thì người cũng sẽ không gây đau khổ và phiền muộn lại cho mình. Vậy cho nên, có quy y Tam bảo, cuộc sống của chúng ta sẽ được an vui và thanh thản hơn.

Còn nói quy y Tam bảo ngày sau chắc chắn chúng ta sẽ tiến lên quả vị Chánh giác là sao? Quả vị Chánh giác tức là quả vị Phật. Người nào muốn hướng đến quả vị Phật không thể không quy y Tam bảo. Vì có quy y Tam bảo, như đã nói ở trước, là nền tảng đầu tiên hết sức căn bản để bước dần lên những nền tảng khác. Có quy y Tam bảo, chúng ta mới thọ trì được Ngũ giới, Bát quan trai giới hay Thập thiện giới, cho đến những giới cao hơn v.v… Thọ giới và giữ giới càng cao, chúng ta sẽ đi gần đến quả vị tối thượng, tức là Phật quả. Cho nên, muốn tiến lên quả vị Phật, chúng ta cần phải có giới nhiều; muốn có giới nhiều, đầu tiên chúng ta phải quy y Tam bảo.

Trong kinh Phật có kể một câu chuyện rất hay. Hồi đó, trong một khu rừng nọ, có một ông tiều phu, ngày nào cũng vào rừng đốn củi, mang về làng để đổi gạo nuôi thân. Một hôm, ông cũng tiếp tục với công việc cũ, nhưng hôm đó xui xẻo cho ông, ông đang đốn củi bỗng nghe tiếng hổ gầm, ông hoảng hốt nhìn dáo dác, chợt thấy từ xa có một con hổ đang nhìn ông với bộ mặt thèm thuồng, giận dữ. Không nghi ngờ gì nữa, ông vội leo lên một cây cao để trốn. Con hổ cũng không bỏ cuộc, nó đứng dưới gốc cây, gặm qua gặm lại mãi. Ông tiều phu trong giờ phút đó hoảng kinh tột độ, chẳng biết phải làm gì để thoát thân, bỗng dưng ông la lớn lên: “Nam mô Phật!”, tức thì, con hổ nghe thấy, tự nhiên hoảng sợ, chạy thẳng một mạch vào rừng. Sau này, nhờ câu niệm Nam mô Phật lần đó mà ông đủ duyên được đức Phật cho xuất gia tu hành và cuối cùng ông cũng được chứng quả A–la–hán.

Chúng ta thấy, ông tiều phu chỉ cần một lần niệm “Nam mô Phật”, sau này nhờ nhân đó gặp Phật tu hành được chứng Thánh quả, huống gì chúng ta bây giờ đã biết Tam bảo, biết quy y! Thế nên, quy y Tam bảo nghĩa là chúng ta đang gieo nhân lành để sau này gặt được quả lành. Hay nói khác hơn, biết quy y Tam bảo là chúng ta đang gieo nhân để sau này thành Phật.

Vì những lợi ích thiết thực và hết sức căn bản ấy của Tam bảo, cho nên chúng ta cần phải quy y.

Có quy y Tam bảo rồi, bước tiếp theo, chúng ta mới có thể thọ trì Ngũ giới.

II. Ngũ giới

Sau khi chúng ta quy y Tam bảo rồi, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử. Khi đã quy y Tam bảo, chúng ta chính thức là đệ tử của Phật. Đệ tử Phật phải học theo hạnh Phật, con phải giống cha. Phật là người đạo đức mẫu mực, chúng ta cũng phải có đạo đức. Đạo đức có từ oai nghi giới luật. Do vậy, người Phật tử phải giữ gìn năm giới cấm căn bản là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Năm giới cấm này là nền tảng xây dựng tòa nhà hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

1. Không sát sinh:Là không giết chết mạng sống chúng sinh từ loài người đến loài vật. Chẳng những không giết mà còn không được khởi ý nghĩ làm tổn hại sinh mạng. Nếu tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người giết mình vui theo đều phạm vào tội sát sinh cả. Vì mạng sống quý báu hơn bất cứ thứ gì tại thế gian. Chúng ta biết đau, biết sợ khi có người đánh giết mình, mình biết chống trả, bảo vệ. Thú vật cũng tham sống, sợ chết. Chúng ta không ỷ mạnh hiếp yếu, không vì khoái khẩu mà giết ăn thịt. Người có tâm sát hại sinh mạng là thiếu lòng từ bi, không tôn trọng Phật tính. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Người có lòng từ không thể cầm dao giết hại mạng sống, không thể đâm, chặt, cắt, mổ chúng sinh, không nỡ lòng nào nhìn thấy những súc vật vì mình bị chết đau đớn, rên la quằn quại. Giết chết mạng sống là tội ác, là gây nhân quả, oán thù đời này đời khác. Hiện đời, giết người sẽ bị quả báo tù tội, tử hình. Giết những động vật khác chắc chắn sẽ bị quả báo đền mạng trong tương lai. Người giết thú vật, thú vật chuyển kiếp làm người giết lại, khiến cho thế giới này không bao giờ chấm dứt chiến tranh.

Người không sát sinh là không gây nhân quả báo ứng đền mạng, được trường thọ, ít bệnh, lòng từ tăng trưởng, thương yêu chúng sinh như bản thân mình. Đó là giới thứ nhất người Phật tử cần phải giữ.

2. Không trộm cắp:Là không lấy những vật thuộc quyền sở hữu của người, từ cây kim cho đến vàng bạc của cải và những đồ vật quý báu. Nếu người ta không cho mà mình lấy, với bất kì hình thức nào cũng đều gọi là trộm cắp, như cân non, đong thiếu, trốn thuế, tích trữ đầu cơ, hối lộ móc ngoặc, ỷ mạnh cậy thế để thâu đoạt của người… đều là trộm cắp. Đồ vật, của cải mình tạo ra bằng mồ hôi nước mắt mình biết bảo vệ, giữ gìn để sử dụng. Đồ vật của người, người ta cũng cần có để sử dụng, không vì lợi dưỡng của bản thân mà chiếm đoạt của kẻ khác. Một khi chúng ta làm việc bất chính, gây đau khổ cho kẻ khác thì sẽ bị quả báo đau khổ. Người có tâm gian tham trộm cắp hiện đời sẽ bị người khinh chê, bị luật pháp giam cầm tù tội, đời sau làm trâu ngựa để đền trả. Nếu được tái sinh làm người thì nghèo cùng khốn khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm.

Người giữ giới không trộm cắp được mọi người tin dùng, có thể giao trách nhiệm lớn, bản thân không lo sợ tù tội. Đó là giới thứ hai người Phật tử cần phải giữ.

3. Không tà dâm:Tà dâm là quan hệ tình dục bất chính. Chánh dâm là quan hệ tình dục hợp tình, hợp pháp. Như nam nữ tình nguyện sống với nhau được gia đình và xã hội công nhận là vợ chồng gọi là chánh dâm. Những hành động dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép, ngoại tình, bỏ tiền mua… để thỏa mãn tình dục đều gọi là tà dâm. Đến như những người đồng giới tính quan hệ tình dục với nhau cũng là tà dâm. Tội lỗi nhất trong các thứ tà dâm là phá phạm hạnh người giữ tịnh giới, như dụ dỗ quan hệ tình dục với người xuất gia, những người đang thọ trì Bát quan trai giới. Đê tiện nhất trong các thứ tà dâm là việc quan hệ tình dục giữa cha và con. Điều này trên thực tế đã xảy ra. Hành động này tưởng như thú vật mới có, không ngờ một số người cũng hành động như thú vật. Trong gia đình, người vợ hay chồng có tâm tà dâm, sẽ gây mất niềm tin với nhau. Vợ chồng chung sống với nhau mà cứ tưởng nguyệt mơ hoa thì chắc chắn tình cảm vợ chồng sẽ rạn nứt, hạnh phúc gia đình sẽ đổ vỡ, dẫn đến ly dị, gây đau khổ cho con cái.

Để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hạnh phúc gia đình, đức Phật dạy người Phật tử không được tà dâm. Đó là giới thứ ba người Phật tử cần phải giữ.

4. Không nói dối:Tâm nghĩ miệng nói trái nhau gọi là nói dối. Nói dối có bốn cách:

a. Nói không đúng sự thật:Là chuyện không nói có, chuyện có nói không; thấy nói không thấy, không thấy nói thấy; nghe nói không nghe, không nghe nói nghe; làm nói không làm, không làm nói làm v.v… nói sai sự thật đều là nói dối. Có những trường hợp có thể nói dối vì lời nói dối xuất phát từ lòng từ bi, đem lại lợi ích an vui cho người, không làm tổn hại cho ai. Ngoài ra không nên nói dối.

b. Nói thêu dệt:Là lời nói hoa mỹ trau chuốt làm người nghe đắm nhiễm. Nói những lời ngọt ngào để lợi dụng tình cảm, những lời kích dục, những lời dụ dỗ người sa vào con đường dâm ô, xì ke, trộm cắp v.v…

c. Nói hai chiều:Đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này; gây chia rẽ, đấu tranh, mất đoàn kết. Những lời nói làm cho bạn bè xa lìa, vợ chồng ly dị, anh em bất hòa, cho đến đất nước này thù oán đất nước kia, chiến tranh lẫn nhau.

d. Nói lời thô ác:Là lời nói thô lỗ, mắng nhiếc, hủy nhục, chửi tục v.v... làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi.
Người không nói dối sẽ được mọi người tin yêu, công việc làm ăn thuận lợi dễ dàng, không gây thù oán với người. Đó là giới thứ tư người Phật tử cần phải giữ.

5. Không uống rượu:Rượu là thứ làm say mê người, làm mất giống trí tuệ, làm tăng sự nóng giận, làm hư hoại cơ thể. Người uống rượu say rất dễ gây tạo các điều tội lỗi như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm… Đến những thứ làm say mê như xì ke, ma túy… có hại thân tâm cũng không được dùng. Ngay cả đến những loại thuốc kích dục cũng không được sử dụng. Những chất gây say này làm cho người ta mất sáng suốt dẫn đến hành động tội lỗi. Biết bao tai họa xảy ra cho bản thân, cho gia đình, xã hội đều từ những chất gây say này. Phật tuy cấm uống rượu nhưng cũng có trường hợp cho phép như khi bệnh cần có rượu làm thuốc thì được dùng.

Để giữ gìn hạt giống trí tuệ, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, đức Phật dạy người Phật tử không được uống rượu. Đó là giới thứ năm người Phật tử cần phải giữ.

Tóm lại, năm giới cấm này là nền tảng của trí tuệ, đạo đức, tình thương và giải thoát. Người có nhận thức rõ ràng nhân quả tội báo mới giữ giới luật được, nên gọi là người có trí tuệ. Người không phạm vào các hành động trộm cắp, tà dâm, uống rượu là người có đạo đức. Người không giết hại thú vật để ăn thịt là người có tình thương. Người giữ giới luật nghiêm túc sẽ không gây tạo ác nghiệp, không bị quả báo luân hồi trong ba ác đạo, là nhân của giải thoát, vì có giới sẽ có định, có định sẽ có huệ. Giới định huệ là nền tảng của giải thoát. Như vậy, người giữ giới luật đầy đủ là người có trí tuệ, có đạo đức, có tình thương và giải thoát. Một người giữ trọn vẹn năm giới này là một người an vui hạnh phúc. Một nhà giữ trọn vẹn năm giới này là một nhà được hạnh phúc. Một xã hội giữ trọn vẹn năm giới này là một xã hội hạnh phúc. Một đất nước giữ trọn vẹn năm giới này là một đất nước hạnh phúc. Cả thế giới giữ được năm giới này thì thế giới biến thành Tịnh độ.

(Chùa Hoằng Pháp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2012(Xem: 8427)
Dù bạn thực hành theo thừa nào trong ba thừa – Tiểu thừa, Đại thừa hay Mật thừa – từ thời điểm bạn bước vào cánh cửa giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni cho tới khi bạn thành tựu Chánh giác, bạn cần sự hỗ trợ của một vị thầy tâm linh để thọ nhận các giáo lý
03/10/2012(Xem: 9506)
Tinh túy của đạo Phật là: nếu có khả năng, ta nên giúp đỡ người khác; nếu không thể giúp họ, thì tối thiểu nên hạn chế việc gây hại cho họ. Đây là tinh túy của cách sống một cuộc đời đạo đức. Mỗi một hành động đều bắt nguồn từ một động cơ. Nếu ta phương hại người khác, điều này bắt nguồn từ một động cơ; và nếu ta giúp đỡ người khác, điều ấy cũng bắt nguồn từ một động cơ. Thế nên, để hỗ trợ hay phục vụ người khác, chúng ta cần một động cơ nào đấy. Vì thế, ta cần các khái niệm nào đó.Tại sao ta lại giúp đỡ và không phương hại người khác?
02/10/2012(Xem: 10060)
Một người thầy nói đạo nào cũng tốt là bậc thầy đó đang ngụy biện cho trách nhiệm của mình, một người là thầy hướng dẫn tâm linh cho Phật tử mà để Phật tử của mình cải đạo.
02/10/2012(Xem: 7056)
Tỉnh thức trong công việc không phải là một trạng thái tinh thần an định hay sáng suốt mà chúng ta đạt được ở một thời điểm nào đó, lúc ta cuối cùng thành công, đạt được sự tỉnh thức, một lần cho tất cả. Không có kết quả cuối cùng nào để ta hướng đến, không có trạng thái tinh thần hay vật chất nào mà ta có thể đạt được, thí dụ như được thăng chức thành giám đốc.
02/10/2012(Xem: 12149)
“Tỉnh thức trong công việc” của tác giả Michael Carroll là tuyển tập nhiều bài viết ngắn cùng chủ đề, được chia làm bốn phần, mỗi phần đề cập đến các phương diện chánh niệm trong kinh doanh.
01/10/2012(Xem: 7372)
parent * Cha mẹ là tấm gương đạo đức tốt cho chúng ta. Đã dạy chúng ta những gì là đúng và những gì là sai . Nhưng có khi những gì họ yêu cầu đi ngược lại chúng ta biết là đúng và tốt. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể cố gắng để cho họ hiểu chúng ta cảm thấy thế nào, nên nhớ rằng chúng ta cần phải rất kính trọng .
01/10/2012(Xem: 6387)
Thekchen Choeling, Dharamsala, ngày 25 tháng 9 năm 2012 - Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa vào chỗ ngồi của Ngài, vị đại diện của đoàn Phât Tử đến từ Việt Nam đã dâng tặng Ngài một cây hoa thường được trồng trong các khuôn viên chùa ở Việt Nam. Ngài cảm ơn vị đại diện và bắt đầu cuộc nói chuyện, 2012_09_25_Vietnam_N03"Hôm qua, chủ đề chính của tôi là đạo đức thế gian và hôm nay tôi muốn nói một chút về Phật Pháp. Thông thường, khi tôi nói chuyện về Phật giáo, tôi muốn giải thích một cái gì đó về các tôn giáo khác trên thế giới để mọi người có thể đánh giá cao tính năng độc đáo của giáo lý đạo Phật. Các học giả lớn của trường Đại học cổ Ấn Độ University of Nalandanhư ngài Long Thọ, Thánh Thiên (Aryadeva), Phân Biệt Minh Bồ Tát (Bhavaviveka), Tịch Hộ (Shantarakshita), và ngài Kamalashila, đã so sánh quan điểm triết học Phật Giáo với quan điểm không phải triết học Phật giáo một cách rõ ràng. Tại Ấn Độ, những quan điểm của Phật Giáo thường không bị thách thức và cách mà các học giả bảo v
25/09/2012(Xem: 9836)
Hiện có hai nguồn tin đối nghịch về Bột Nêm. Một bên cho rằng Bột Nêm KHÔNG AN TOÀN vì có chứa hai chất "sodium 5 va guanylate" (I&G).
25/09/2012(Xem: 7511)
Theo triết lý nhà Phật, Tâm là chủ thể tạo tác ra mọi thứ (Vạn pháp do tâm tạo), trong đó có tướng. Tâm là nhân mà pháp là quả.
23/09/2012(Xem: 7429)
Thế kỷ 21 đang chứng kiến nhiều đổi thay lớn lao trong những phát kiến khoa học. Xã hội phương tây ngày càng hướng về đời sống vật chất, hưởng thụ nhiều hơn. Đời sống tâm linh, đời sống Tôn giáo ngày càng như xa lạ đối với giới trẻ, thành tố cho một phạm trù cộng đồng nhân loại mới. Khi một xã hội, mà con người chỉ lo tìm cách giành dựt lợi nhuận, dối trá trong cư xử và tàn bạo trong cuộc cờ “mạnh được yếu thua”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]