Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Bước Thăng Trầm

15/10/201003:22(Xem: 8311)
Những Bước Thăng Trầm

Narada-maha-thera

NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM

Nguyên tác THE EIGHT WORLDLY CONDITIONS
HT. Narada Maha Thera
Phạm Kim Khánh dịch

Thế gian chênh lệch này quả không hoàn toàn tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ và mùi thơm ngào ngạt. Nhưng cái cây sanh ra nó thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không phải vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà xa lánh hẳn hoa hồng.

Với người lạc quan, thế gian này tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan, trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng, đối với người thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp, cũng không không hoàn toàn xấu xa.

Người hiểu biết sẽ không say mê sắc đẹp của hoa hồng, nhưng nhận định đúng nó là thế nào. Thấu triệt bản chất của gai, người ấy thấy đúng thực tướng của nó và sẽ hành động đủ thận trọng để khỏi bị gai quào hay đâm, chích.

Giống như quả lắc của đồng hồ, đánh qua trái rồi sang phải, phải rồi trở lại trái, luôn luôn như vậy, có bốn phước lành và bốn điều bất hạnh trong đời sống mà tất cả mọi người ai ai cũng phải đương đầu, không ai tránh khỏi. Đó là được (làbha) và thua (alàbha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa), ca tụng (pasamsà) và khiển trách (ninỹa), hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha). Danh từ Pali gọi là Atthalokadhamma, Tám pháp thế gian. Theo kinh điển Hán tự, đó là Bát phong, tức tám ngọn gió thổi vào đời sống và làm chao động ngọn đèn tâm.

 

ĐƯỢC VÀ THUA

    Thế thường, các nhà doanh thương phải gặp cả hai điều : được và thua, hay nói cách khác, lợi lộc và lỗ lã. Dĩ nhiên, khi được lợi thì người ta thỏa thích, vui mừng. Điều này tự nó không có gì sai lầm. Những mối lợi tương tợ, dầu chánh đáng hay không, đều đem lại niềm vui mà người thường ai cũng ước mong, ai cũng tìm kiếm. Nếu không có những giờ phút vui vẻ, dầu là tạm bợ, đời quả thật không đáng sống. Trong thế giới tranh chấp và bấp bênh này, con người được rất ít cơ hội thọ hưởng một vài loại hạnh phúc để làm phấn khởi tâm trí. Những lạc thú tương tợ, dầu vẫn là vật chất, chắc chắn sẽ giúp ta thêm sức khỏe và tuổi thọ.

    Nhưng, đến khi lỗ lã thì phiền não bắt đầu khởi phát. Ta có thể mỉm cười dễ dàng khi lợi lộc, nhưng lúc thua thiệt thì không. Nhiều trường hợp lỗ lã quan trọng làm cho người ta loạn trí, lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng sống, nếu không còn chịu đựng được nữa. Chính trong những trường hợp tương tợ, ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm bình thản, không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với đời sống tất cả mọi người đều phải gặp những lúc thăng, lúc trầm, và chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhứt là trong nghịch cảnh. Nỗi thất vọng sẽ giảm thiểu.

    Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm thấy buồn. Nhưng chính cái buồn không giúp ta tìm lại được vật đã mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh phúc !

    Hoặc giả ta có thể tự an ủi : “ Đây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan trọng “. Hay ta có thể chấp nhận một thái độ triết lý cao thượng : “ Không có gì là “ Ta “, không có cái gì là “ Của ta “. Trong những hoàn cảnh tương tợ, ta phải giữ tâm bình thản.

    Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một thiếu phụ đến chùa trai tăng Đức Xá Lợi Phất (Sariputta) và các vị Tỳ khưu khác. Trong khi sửa soạn dâng vật thực đến các Ngài thì bà được tin chồng và tất cả các con bị người ta phục kích và giết chết lúc đang đi hòa giải một cuộc tranh chấp. Bà không tỏ ra buồn. Thản nhiên, bà lặng lẽ cất giữ thơ vào túi rồi tiếp tục để bát chư Tăng như không có gì xảy ra. Lúc ấy, một người nữ tì của bà bưng hũ mật và sữa để dâng chư Tăng, rủi trợt chơn té, làm bể cái hũ. Nghĩ rằng có lẽ bà thí chủ sẽ tiếc cái hũ và thức ăn đựng trong đó, Đức Xá Lợi Phất an ủi bà rằng các vật như cái hũ, đã mang tánh chất “ bể “ theo liền với nó, ắt phải bể một ngày nào. Bà tín nữ trí tuệ điềm tĩnh trả lời : “ Kính bạch Đại đức, đó chỉ là một mất mát tầm thường. Con vừa nhận được tin chồng và các con của con bị kẻ sát nhơn giết chết. Con bỏ thơ vào túi và vẫn giữ tâm bình thản, không bấn loạn. Và mặc dầu được tin dữ, con vẫn tiếp tục để bát Ngài và chư Tăng “.

    Đức quả cảm quý báu của người thiếu phụ thật đáng được ca ngợi và đáng được làm gương cho kẻ khác.

    Lần kia, Đức Phật đi trị bịnh trong một làng nọ. Do sự phá rối của Ma vương, hôm ấy Đức Phật không được ai để bát và không có gì dự ngọ. Đến khi Ma vương sống sượng hỏi Ngài có nghe đói bụng không, Đức Phật giải thích thái độ tinh thần của người đã vượt khỏi mọi trở ngại và đáp rằng : “ Hạnh phúc thay, Như Lai sống không bị chướng ngại. Dưỡng nuôi phỉ lạc, Như Lai lúc nào cũng như các vị Trời ở cảnh Quang Âm Thiên “.

    Lần khác, Đức Phật và các môn đệ an cư kiết hạ trong làng nọ, theo lời mời của một người Bà la môn. Nhưng vị này hoàn toàn lãng quên bổn phận là phải chăm lo các Ngài. Suốt trọn thời gian ba tháng hạ, Đức Phật và chư Tăng bình thản dùng những thức ăn của ngựa mà một người lái ngựa đã dâng đến, mặc dầu Đức Mục Kiền Liên tình nguyện dùng thần thông đi tìm vật thực khác. Đức Phật không một lời than van hay phản đối.

    Bà Visakhà, vị nữ thí chủ quan trọng trong thời Đức Phật, thường đến chùa chăm lo mọi nhu cầu của Đức Phật và chư Tăng. Một hôm, bà mặc một cái áo choàng rất quý giá để đi chùa. Khi đến cổng chùa, bà cởi choàng ra đưa cho người tì nữ cầm giữ. Lúc ra về, cô nữ tì vô ý, bỏ quên lại. Đại đức A Nan Đa (Ananda) thấy, đem cất một nơi, chờ bà Visakhà đến sẽ trao lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo người nữ tì quay trở lại tìm, nhưng nếu có vị Tỳ khưu nào đã đụng đến thì không nên lấy về. Cô nữ tì đến chùa hỏi thăm, biết rằng Đại đức A Nan Đa cất giữ cái choàng nên trở về báo tin cho chủ. Bà Visakhà liền đến hầu Phật và tỏ ý muốn làm việc thiện với số tiền bán cái choàng quý giá ấy. Đức Phật khuyên bà nên kiến tạo một ngôi tịnh xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì không ai có đủ tiền mua cái áo choàng đắt giá như thế nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá đẹp đẽ, dâng đến chư Tăng. Sau khi dâng xong ngôi chùa, bà ngỏ lời tri ân người nữ tì như sau : “ Nếu con không lỡ bỏ quên cái áo choàng, ắt ta sẽ không có cơ hội tạo nên phước báu này. Như vậy, ta xin chia phước này đến con “.

    Thay vì buồn rầu hay phiền giận vì tạm thời mất một vật quý giá, và la rầy người tì nữ vô ý, bà cám ơn người ấy đã giúp cơ hội tạo phước.

    Thái độ gương mẫu của bà Visakhà thiện tri thức đáng làm một bài học cho những ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc thế cô.

    Ta phải dũng cảm chịu đựng những lỗ lã, thua thiệt. Ta phải đương đầu với nó, và như câu “ họa vô đơn chí “ diễn tả, nó đến một cách đột ngột, từng đoàn, từng đám đông, chớ không đơn độc. Ta phải điềm tĩnh đối phó, với tâm xả (upekkhà) hoàn toàn, và nghĩ rằng đây là cơ hội vàng ngọc để thực hành đức tánh cao thượng này.

     

    DANH THƠM VÀ TIẾNG XẤU


    Danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa) là một cặp thăng trầm khác mà ta phải đối phó hằng ngày.

    Danh thơm, chúng ta hoan hỷ đón mừng. Tiếng xấu, chúng ta không thích. Danh thơm làm phấn khởi tinh thần. Tiếng xấu làm cho ta đau xót. Chúng ta thích được trứ danh. Chúng ta mong muốn thấy tên tuổi và hình ảnh mình trên mặt báo. Chúng ta rất thỏa thích thấy những hoạt động của chúng ta, dầu không đáng kể, được tường thuật và được nhiều người nhắc nhở, nhiều người biết đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách bất chánh, làm cho nhiều người chú ý đến mình.

    Để thấy hình ảnh mình trên tạp chí, vài người sẵn sàng trả một số tiền to tát. Để được danh dự, vài người sẵn sàng đóng góp quan trọng hay hối lộ cho nhóm người quyền thế. Để tự quảng cáo, vài người biểu dương tâm trong sạch bố thí của mình bằng cách trai tăng hàng trăm vị Tỳ khưu, hay hơn nữa. Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình. Ta có thể rầy la và hành phạt một tên trộm quá đói khát, vào vườn ăn cắp của ta một trái dừa để làm dịu bớt cơn đói, nhưng ta sẽ không ngần ngại cho ra cả thiên dừa để đổi lại chút danh thơm.

    Đó là khuyết điểm của con người. Chỉ đến khi làm điều thiện, phần đông chúng ta cùng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian này. Vì lẽ ấy, người nào đã làm một việc thiện, dầu động cơ thúc đẩy đến hành động không mấy đáng được ca ngợi, cũng đáng được tán dương vì đã làm điều thiện ấy. Phần đông người thế gian chúng ta luôn luôn còn giấu một cái gì trong tay áo. Ai là người trăm phần trăm tốt ? Bao nhiêu người hoàn toàn trong sạch từ động cơ đến hành động ? Bao nhiêu người tuyệt đối vị tha ?

    Chúng ta không cần phải chạy theo danh thơm tiếng tốt. Nếu chúng ta xứng đáng, nó sẽ đến mà không cần tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ, ong bướm sẽ đến. Hoa không cần mời ong, hay mời bướm.

    Đúng thật vậy, chúng ta cảm nghe tự nhiên vui sướng, vô cùng hạnh phúc, khi thanh danh của chúng ta bay xa, bay rộng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận định rằng tiếng tốt, danh vọng, vinh quang chỉ đi theo với ta đến mồ là cùng. Rồi nó tan biến ra mây, ra khói. Nó chỉ là những ngôn từ, mặc dầu là kim ngôn, là mỹ từ, làm êm dịu tai ta.

    Còn tiếng xấu thì sao ?

    Chúng ta không thích nghe hay nghĩ đến nó. Chắc chắn là khi những lới nói xấu lọt vào tai ta, nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ tâm càng sâu đậm hơn nữa nếu những lời gọi là tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất công hay hoàn toàn sai lạc.

    Thường phải mất cả năm, hay hơn nữa, để kiến tạo một ngôi nhà nguy nga và vĩ đại. Nhưng chỉ trong nháy mắt, khí giới tối tân hiện đại có thể tàn phá dễ dàng. Lắm khi ta phải mất nhiều năm hay trọn cả một kiếp sống để gầy dựng thanh danh. Bao nhiêu công trình lao khổ ấy có thể tàn rụi trong khoảnh khắc. Không ai có thể tránh khỏi câu nói tai hại bắt đầu bằng tiếng “ nhưng “. “ Thật vậy, ông ấy rất tốt, ông đã làm việc này, điều kia. Nhưng…”. Phần đầu tốt đẹp đã bị cái “ nhưng “ đẩy vào đêm tối của lãng quên. Bạn có thể sống đời trong sạch như một vị Phật, nhưng bạn không thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa.

    Dức Phật là vị giáo chủ trứ danh nhứt thời bấy giờ, mà cũng là người bị nguyền rủa và sỉ vả nhiều nhứt thời bấy giờ.

    Các bậc vĩ nhơn thường không được biết đến. Hay có được biết, cũng được biết một cách sai lạc.

    Vào thời Đức Phật, có một thiếu phụ thường lui tới tịnh xá lúc ban đêm. Những người ở đạo khác truyền rao tiếng đồn, vu oan Đức Phật và các đệ tử Ngài đã sát hại thiếu phụ ấy và chôn vùi dưới một đống hoa tàn, trong vòng tịnh xá.

    Khi sứ mạng lịch sử của Đức Phật đã được hoàn thành viên mãn và có rất nhiều người tìm đến xin xuất gia, các vị đạo sĩ đối nghịch phỉ báng rằng vì Đức Phật mà mẹ phải lìa con, vợ lìa chồng, và chính Ngài đã làm trở ngại mọi tiến bộ của đất nước.

    Chính người em họ và môn đệ của Đức Phật cũng nhiều lần âm mưu làm sụp đổ phẩm hạnh cao quý của Ngài, nhưng thất bại. Ông lại sanh tâm mưu sát Đức Thế Tôn bằng cách từ trên cao lăn đá vào mình Ngài.

    Đã là một vị Phật, Ngài không thể bị sát hại.

    Nếu đó là số phần bất hạnh của một người vô tội và trong sạch như Đức Phật, hạng người tầm thường còn phải chịu như thế nào nữa ?

    Lúc trèo núi, ta càng lên cao, người đứng dưới đồng bằng càng để ý đến ta và càng thấy ta nhỏ hơn. Và họ chỉ thấy phía sau lưng, không thấy trước mặt. Thế gian thổi lông tìm vết này chỉ muốn trưng bày khuyết điểm và lỗi lầm của ta. Bao nhiêu tánh tốt thì giấu nhẹm. Cái xay quạt lúa quạt đi bụi bặm và lúa hư, nhưng giữ lại các hột lúa no đầy. Cái rây thì trái lại, giữ phần xác thô sơ mà lược đi nước trái cây ngon ngọt. Người có trau giồi tri thức giữ cho mình phần tinh tế và bỏ đi phần thô sơ. Hạng vô học giữ cái thô mà bỏ đi cái tinh vi tế nhị.

    Mỗi khi bị hiểu lầm và bị người ta, vô tình hay cố ý, truyền rao một cách bất công, ta nên sáng suốt suy nghĩ, hay nói như Epictetus đã khuyên : “ May quá, người ta không quen mình nhiều và chỉ biết mình sơ sài nên chỉ nói xấu mình bấy nhiêu. Nếu người ta biết mình nhiều hơn, chắc mình còn bị chỉ trích nhiều hơn nữa “.

    Không cần phung phí thì giờ vô ích để sửa sai những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thỏa thích mà thấy ta bực bội vì lời nói của họ. Đó chính là điều mà họ mong muốn. Nếu ta thản nhiên, lời vu oan sẽ tan biến vào lãng quên.

    Để không thấy lỗi lầm của người khác, ta phải làm như người mù.

    Để không nghe lời chỉ trích người khác, ta phải làm như người điếc. Để không nói xấu người khác, ta phải làm như người câm.

    Không thể chấm dứt những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đãi sai lầm. Thế gian đầy chông gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời gai và đá – chuyện mà ta không thể làm – tốt hơn ta nên mang một đôi giày và thận trọng đi từng bước. Chúng ta sẽ được an toàn.

    Giáo pháp dạy ta :

    “ Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động.

    Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới.

    Hãy như hoa sen, từ bùn dơ nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục và bùn dơ làm ô nhiễm.

    Hãy vững bước, một mình như con tê giác “.

    Là chúa sơn lâm, sư tử thường không sợ hãi, run rẩy, hay giựt mình khi nghe tiếng gầm thét của các loài thú khác. Trên thế gian này, chúng ta có thể nghe thuật lại những câu chuyện trái tai, bất lợi, những lời buộc tội giả mạo, những tiếng vu oan phỉ báng đê hèn, vì miệng lằn lưỡi mối không thiếu chi. Như sư tử, ta không cần để ý đến. Như một loại khí giới của người Úc, khi được tung ra, nó bay tới đánh vào mục tiêu rồi trở lộn về tay chủ; cũng thế ấy, những lời rêu rao xấu xa đê tiện ấy sẽ chấm dứt nơi mà nó bắt đầu đi.

    Mặc chó sủa, đoàn lữ hành cứ tiến bước.

    Chúng ta đang sống trong bùn dơ nước đục. Nhiều đóa sen từ đó vượt lên, tô điểm sơn hà, mà không bj nước đục và bùn dơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như hoa sen, một đời trong sạch và cao quý, không màng để ý đến bùn dơ mà người khác có thể ném vào chúng ta.

    Ta phải sẵn sàng đón nhận bùn dơ mà người ta có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Ta sẽ không thất vọng.

    Mặc dầu khó, chúng ta phải cố gắng trau giồi hạnh dứt bỏ, khước từ, không luyến ái. Chúng ta đến đây một mình, một thân, một thân, một mình, chúng ta sẽ ra đi. Trong thế gian này, không luyến ái là hạnh phúc.

    Không cần để ý đến nọc độc của những lưỡi mối miệng lằn. Đơn độc một mình, chúng ta hãy ra đi đó đây, tận lực phục vụ và tạo an lành cho kẻ khác.

    Âu cũng lạ, rằng các bậc vĩ nhơn thường bị vu oan, phỉ báng, đầu độc, treo lên thánh giá, hay bị bắn chết.

    Ông Socrates vĩ đại bị đầu độc. Đức Chúa Ki-tô cao quý bị treo trên thánh giá. Đức Mahatma Gandhi bất bạo động bị bắn chết.

    Vậy phải chăng tốt quá cũng nguy hiểm ?

    Đúng, khi còn sống, các vị ấy bị chỉ trích, tấn công, sát hại. Sau khi chết, các Ngài được tôn sùng và kính mộ như thần, như thánh.

    Bậc vĩ nhơn vẫn bình thản khi được khen cũng như lúc bị chê. Các Ngài không để tinh thần suy sụp khi bị chỉ trích hay vu oan, bởi vì các Ngài không chạy theo thanh danh. Người ta có biết được việc làm của mình hay không, các Ngài không để ý. Các Ngài làm việc, phục vụ, nhưng không màng đến việc thọ hưởng.

     

    CA TỤNG VÀ KHIỂN TRÁCH

      Được ca tụng và bị khiển trách là hai cách thăng trầm khác hằng ảnh hưởng đến nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở mày nở mặt, hân hoan thỏa thích. Lúc bị khiển trách thì tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu.

      Giữa những lời ca tụng hay khiển trách, Đức Phật dạy, người thiện trí không thỏa thích cũng không ủ dột, mà tựa hồ như tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của đời sống.

      Nếu ta xứng đáng, những lời khen tặng quả thật là êm tai. Nhưng nếu ta không xứng, như trường hợp có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm tai cũng sẽ làm cho ta thất vọng, và có hại cho ta. Dầu sao, đó cũng chỉ là những tiếng động, những âm thanh, không đem lại hậu quả nào nếu nó không lọt được vào tai.

      Đứng về phương diện thế gian, lời ca tụng có thể đi rất xa. Một tiếng khen tặng nhẹ nhàng, đúng lúc, có thể giúp ta dễ dàng thâu đạt điều mong muốn. Một câu giới thiệu xứng đáng đủ làm cho toàn thể cử tọa chăm chú lắng nghe diễn giả. Nếu diễn giả có lời khen tặng cử tọa, ắt sẽ được chú ý. Trái lại, nếu diễn giả bắt đầu bằng những lời khiển trách hay chỉ trích, thái độ đáp ứng của người nghe là không thuận lợi.

      Người đã thuần thục không tin càn những lời nịnh bợ, cũng không muốn được nịnh bợ. Khi khen tặng ai xứng đáng, người thuần thục thành thật khen tặng mà không ẩn ý ganh tỵ. Khi khiển trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi. Các Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người lầm đường lạc nẻo.

      Những bậc vĩ nhơn được tất cả người lớn trẻ nhỏ hết lòng khen tặng nhưng thản nhiên, không hề chao động.

      Nhiếu người thân cận với Đức Phật thường ca tụng phẩm hạnh Ngài, mỗi người một cách, Upàli, một nhà triệu phú mới quy y với Đức Phật kể ra hàng trăm đức tánh của Ngài. Chín hồng danh của Đức Phật mà thời bấy giờ người ta thường nhắc nhở, đến nay hàng tín đồ Phật giáo vẫn còn đọc lên như kinh nhựt tụng, và mỗi lần kể đến các phẩm hạnh cao quý ấy, chúng ta nhìn lên pho tượng trầm ngâm tự tại với tất cả tấm lòng kính mộ. Chín hồng danh ấy còn là đề mục hành thiền cho người có tâm nhiệt thành và vẫn còn là nguồn gợi cảm lớn lao cho những ai tự coi mình là Phật tử.

      Còn khiển trách thì sao ?

      Đức Phật dạy : “ Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị khiển trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách. Trên thế gian này, không ai tránh khỏi bị khiển trách. “

      Hình như khiển trách là phần di sản chung của nhân loại.

      “ Người thế gian phần đông sống không kỷ luật “, Đức Phật ghi nhận như vậy và dạy tiếp, “ như voi chiến ở trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn từ mọi hướng dồn dập bủa đến, cũng thế ấy, Như Lai hứng chịu mọi nguyền rủa của thế gian “.

      Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu, cái hư của người khác mà không muốn nhìn cái tốt, cái đẹp của ai.

      Ngoại trừ Đức Phật, không ai trăm phần trăm tốt. Cũng không ai xấu trăm phần trăm. Trong con người tốt nhứt giữa chúng ta, cũng có phần hư hỏng. Trong con người xấu nhứt cũng có điểm tốt đẹp.

      Người biết làm câm như cái mõ bể khi bị tấn công, nguyền rủa, chửi mắng, người ấy, Đức Phật dạy, đã đứng trước Niết bàn, mặc dầu chưa đắc quả Niết bàn,

      Ta có thể phục vụ nhơn loại với tấm lòng cao cả nhứt. Nhưng người thế gian thường hiểu lầm và gán cho ta những mục tiêu, những ý tưởng mà không bao giờ ta mơ đến.

      Ta có thể tận lực phục vụ và giúp đỡ một người bạn trong cơn nguy ngập. Lắm khi muốn được việc, ta phải vay nợ hay bán cả đồ đạc, nhà cửa. Nhưng về sau, thế gian mê lầm này hư hỏng đến đỗi chính người được phục vụ và giúp đỡ kia lại phủ nhận lòng tốt của ta, phiền trách ta, nói xấu ta, bôi bẩn ta, và sẽ thỏa thích thấy ta suy sụp.

      TrongTúc sanh truyện có tích một nhạc sĩ tên Cuttila hết lòng truyền dạy các đệ tử và không bao giờ giấu giếm điều gì. Tuy nhiên, có một người vô ơn bạc nghĩa nọ cố tình làm đủ mọi cách để tranh giành ảnh hưởng của thầy. Về sau, người này thất bại.

      Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), đệ tử, vừa là em họ Đức Phật, và đã có phát triển thần thông, không những cố gắng làm mất thanh danh của Đức Phật, mà còn mưu toan sát hại Ngài bằng cách lăn đá từ đỉnh núi cao xuống trong khi Ngài ngồi tham thiền dưới chân núi.

      Một lần nọ, có người Bà la môn cung thỉnh Đức Phật về nhà trai tăng. Theo lời thỉnh cầu, Đức Phật đến. Nhưng, thay vì tiếp đón phải lẽ, người Bà la môn tuôn ra một loạt những lời lẽ thô kệch và nhơ bẩn vô cùng. Đức Phật lễ độ hỏi thăm :

      - Này ông Bà la môn, có khi nào khách đến nhà ông không ?

      - Có. Ông Bà la môn trả lời.

      - Khi biết khách đến nhà thì ông làm gì ?

      - Tôi sẽ dọn một bữa cơm thịnh soạn để đãi khách.

      - Nhưng nếu khách bận việc không thể đến thì sao ?

      - Thì gia đình chúng tôi sẽ chia nhau bữa cơm.

      - Tốt lắm, này ông Bà la môn, hôm nay ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng và

      ông đã khoản đãi Như Lai bằng những lời nguyền rủa chửi mắng thậm tệ, Như Lai không nhận. Xin ông vui lòng lấy trở lại.

      Đức Phật không giận, không trả thù, nhưng Ngài lễ độ trao trả người Bà la môn những gì người này đã khoản đãi Ngài.

      Không nên trả thù. Không nên báo oán. Đức Phật khuyên dạy như vậy. Hận thù sẽ đối diện với hận thù. Báo oán, trả thù không bao giờ đưa đến hòa bình và an tịnh. Sức mạnh chắc chắn phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn. “ Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Chỉ có tâm từ mới diệt lòng sân “. Đó là giáo từ của Đức Phật.

      Không có vị giáo chủ nào được ca tụng và tôn sùng như Đức Phật. Tuy nhiên, Ngài cũng là vị giáo chủ bị chỉ trích, bị khiển trách và bị sỉ vả nhiều nhứt. Đó là số phận của các bậc vĩ nhơn.

      Trong giữa đám đông, một thiếu phụ lên Cincà giả làm người có mang, vu oan Đức Phật. Với gương mặt từ bi, Ngài nhẫn nại chịu đựng những lời nguyền rủa. Và hạnh trong sạch của Ngài được chứng minh tỏ rõ.

      Đức Phật bị vu cáo đã sát hại một thiếu phụ với đồng lõa của các vị đệ tử Ngài.

      Một lần kia, những người khác đạo chỉ trích Ngài và các môn đệ với lời lẽ nặng nề đến đỗi Đại đức A Nan Đa (Ananda) xin Ngài rời bỏ nơi đó để đi qua một làng khác.

      - A Nan Đa, nếu những người ở làng kia cũng chửi mắng chúng ta nữa thì phải làm sao ?

      - Kính bạch Đức Thế Tôn, cúng ta sẽ sang một làng khác nữa.

      - Này A Nan Đa, nếu làm như thế, toàn thể lãnh thổ của xứ Ấn Độ sẽ không đủ chỗ cho chúng ta. Hãy nhẫn nại. Những lời nguyền rủa tự nhiên sẽ chấm dứt.

      Một bà thứ phi của ông vua nọ, tên Magandiỳa, có nuôi mối hận với Đức Phật, bởi Ngài không tôn trọng sắc đẹp mỹ miều của bà khi, vì không biết, cha bà muốn gả bà làm vợ Đức Phật. Khi Đức Phật đi ngang qua quốc gia bà đang ở, Magandiỳa thuê những người say rượu công khai chửi mắng Đức Phật vô cùng nặng nề. Với tâm xả hoàn toàn, Đức Phật chịu đựng tất cả. Nhưng Magandiỳa phải chịu đau khổ vì hành động sai lầm của bà.

      Nguyền rủa, chửi mắng là thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta càng trở nên vĩ đại hơn và càng phải chịu sỉ nhục và nguyền rủa nhiều hơn.

      Đức Chúa Giê Su bị nguyền rủa, bị sỉ nhục, và bị treo trên thánh giá.

      Socrates bị chính vợ ông chửi mắng. Mỗi khi ra ngoài để phục vụ đồng bào, ông Socrates thường bị bà vợ tâm tánh hẹp hòi của ông rầy rà, la mắng. Ngày kia, bà Socrates lâm bịnh nên không thể thực hành “ công tác “ rầy rà thường lệ. Hôm ấy, ông Socrates ra đường với vẻ mặt buồn rầu. Bạn bè thăm hỏi vì sao. Ông giải thích rằng vì bà vợ đang bịnh nên hôm nay không rầy ông.

      Sao lạ vậy ? Ông phải vui mới đúng lẽ chớ. Không bị rầy, tại sao ông lại buồn ?

      Không phải. Khi bị rầy, tôi được có cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Hôm nay, tôi đã mất một cơ hội. Vì lẽ ấy mà tôi buồn.

      Trên đây là những bài học quý báu cho tất cả.

      Khi bị chửi mắng, ta phải nghĩ rằng đây là cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Thay vì tức giận; phải biết ơn người chửi mắng ta.

      HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ

        Hạnh phúc (sukkha) và đau khổ (dukkha) là cặp thăng trầm cuối cùng. Nó cũng là những yếu tố có nhiều năng lực nhứt, ảnh hưởng đến đời sống nhân loại.

        Cái gì làm được dễ dàng là hạnh phúc (sukkha). Cái gì khó chịu đựng là đau khổ (dukkha).

        Thông thường, thỏa mãn điều mong ước là hạnh phúc. Nhưng, không quá trễ hơn lúc ta vừa đạt được điều mong mỏi ấy, ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác. Túi tham thật không đáy. Người tham không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn, không bao giờ chịu là đủ.

        Đối với hạng người tầm thường, hưởng thọ những lạc thú của nhục dục ngũ trần là hạnh phúc duy nhứt và cao thượng nhứt. Trong lúc mơ ước, trong khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc mà người thiên về vật chất rất ưa thích ấy, chắc chắn có hạnh phúc cấp thời. Nhưng, quả thật là ngắn ngủi và ảo huyền.

        Tư sản vật chất có thể cho ta hạnh phúc thật sự không ? Nếu có, các nhà triệu phú hẳn không bao giờ nghĩ đến chuyện quyên sinh. Trong một quốc gia nọ mà tiến bộ vật chất đã đến mức tuyệt đỉnh, có khoảng mười phần trăm dân số mắc phải các chứng bịnh thần kinh. Tại sao vậy ? Tài sản và sự nghiệp có đủ đem lại hạnh phúc thật sự không ?

        Cầm quyền cai trị toàn thể thế gian có phải là hạnh phúc thật sự không ? Đại đế Alexander, người đã rầm rộ kéo quân vào Ấn Độ một cách hung vĩ và vẻ vang, người đã chinh phục tất cả lãnh thổ trên đường đi của mình, người ấy than rằng không tìm đâu ra một quốc gia nào khác để chinh phục.

        Các vị đế vương, các vị vua đang còn đội mão, các vị ấy có luôn luôn hạnh phúc không ? Đời sống của các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lãnh đạo quốc gia rất thường được các phe đối nghịch lăm le hăm dọa. Cái chết thê thảm của Mahatma Gandhi và của Tổng thống J.F.Kennedy là một vài trường hợp điển hình.

        Chơn hạnh phúc nằm bên trong chúng ta và không thể định nghĩa bằng những danh từ như tài sản, quyền thế, danh vọng hay chinh phục xâm lăng. Nếu những tư hữu trần tục kia được thâu đoạt bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc theo một chiều hướng sai lầm, hoặc nữa, được nhìn với cặp mắt trìu mến hay tham lam, thì nó sẽ là nguồn đau khổ và sầu muộn cho chính người làm chủ nó.

        Cái gì là hạnh phúc cho người này có thể không phải là hạnh phúc cho người kia. Cái gì là thức ăn chất uống cho một người có thể là chất độc cho người khác.

        Đức Phật kể ra bốn loại hạnh phúc của người tại gia cư sĩ.

        Loại hạnh phúc đầu tiên là hạnh phúc được có tư hữu (attisukha) như sức khỏe, tài sản, trường thọ, sắc đẹp, vui vẻ, mạnh mẽ, sự nghiệp, đông đảo con cháu v.v…

        Nguồn hạnh phúc thứ nhì là thọ hưởng những tư hữu ấy (bhogasukha). Thông thường, ai cũng muốn thọ hưởng, ai cũng ưa vui thích. Đức Phật không bao giờ khuyên tất cả mọi người nên từ khước hạnh phúc trần gian và rút váo sống ẩn dât chốn rừng sâu vắng vẻ.

        Thọ hưởng tài sản không phải là chỉ dùng nó cho riêng mình, mà cũng là bố thí ra để tạo an lành cho người khác. Cái gì mà ta ăn chỉ tồn tại nhứt thời. Cái gì mà ta tích trữ, ta sẽ bỏ lại và ra đi. Nhưng cái gì mà ta cho ra sẽ trở lại với ta. Những hành động thiện mà ta làm với tư hữu trần tục sẽ tồn tại lâu dài, không thể mất.

        Không nợ nần (anansukha) là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu biết tri túc, biết an phận với những gì đã có, và nếu ăn ở kiệm cần, ta sẽ không nợ nần với ai. Người mang nợ luôn luôn sống trong tâm trạng hấp hối, nơm nớp lo sợ chủ nợ. Nếu không nợ nần, mặc dầu nghèo, ta vẫn nghe thoải mái và tinh thần thảnh thơi.

        Nếp sống trong sạch (anavajjasukha – hạnh phúc không bị khiển trách) là nguồn hạnh phúc cao thượng nhứt của người cư sĩ. Người trong sạch là một nguồn phước báu cho mình và cho kẻ khác. Người trong sạch được tất cả khâm phục và cảm nghe hạnh phúc vì nằm trong phạm vi ảnh hưởng của những rung động an lành mà nhiều người khác gởi đến mình. Tuy nhiên, ta phải ghi nhận rằng rất khó, vô cùng khó, mà được tất cả mọi người khâm phục. Người có tâm tánh cao quý chỉ biết giữ mình để sống đời trong sạch và thản nhiên trước dư luận.

        Phần đông nhơn loại thỏa thích trong sự thọ hưởng lạc thú của đời sống, nhưng có vài người thỏa thích trong sự từ khước các lạc thú ấy. Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi khoái lạc vật chất là hạnh phúc đối với người đạo đức. Hạnh phúc Niết bàn – tức trạng thái thoát ra khỏi mọi đau khổ - là hình thức hạnh phúc cao thượng nhứt.

        Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc, nhưng đau khổ thì không được niềm nở tiếp nhận.

        Đau đớn hay khổ não đến với ta dưới nhiều hình thức.

        Chúng ta đau khổ khi phải chịu già yếu, đó là lẽ tự nhiên. Ta phải bình thản chịu đựng những nỗi khổ của tuổi già.

        Càng đau khổ hơn chết là bịnh hoạn. Và nếu là một chứng bịnh trầm kha, làm đau nhức lâu ngày, ta sẽ cảm thấy chết còn hơn. Chỉ một cái răng đau hay một lúc nhức đầu, đôi khi cũng làm cho ta vô cùng khó chịu.

        Khi lâm bịnh, chúng ta không nên lo sợ mà phải cố gắng chịu đựng. Đúng vậy, ta phải tự an ủi rằng chúng ta đã khỏi phải mang một chứng bịnh nặng hơn.

        Lắm khi chúng ta phải xa lìa thân bằng quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ. Chúng ta phải nhận định rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt trong cảnh biệt ly. Đây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm xả.

        Một việc thường xảy ra hơn là chúng ta phải kết hợp với người không ưa thích, sống chung với người mà ta ghét. Ta phải cố gắng chịu đựng và nghĩ rằng ta đang gặt hái một quả xấu nào mà chính ta đã tạo, hoặc trong quá khứ, hoặc trong hiện tại. Chúng ta phải cố gắng tự tạo cho mình một nếp sống thích hợp với hoàn cảnh mới, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại.

        Chí đến Đức Phật, một người toàn hảo, đã tận diệt mọi ô nhiễm, còn phải chịu đau đớn vì bịnh hay tai nạn.

        Đức Phật nhiều lần bị nhức đầu. Chứng bịnh kiết lỵ cuối cùng làm cho Ngài đau đớn không xiết kể. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) lăn đá từ đỉnh núi cao, gây cho Ngài một vết thương ở chơn, phải mổ. Lắm lúc Ngài phải nhịn đói. Đôi khi Ngài phải dùng thức ăn của ngựa. Một lần nọ, vì các đệ tử không vâng lời, Ngài vào rừng ở ba tháng. Giữa rừng sâu, Ngài phải nằm trên một lớp lá ủ, trải trên mắt đất gồ ghề thô cứng, và phải đối phó với những cơn gió lạnh buốt xương. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên. Giữa những cảnh đau khổ cũng như hạnh phúc, Đức Phật luôn luôn giữ tâm xả hoàn toàn.

        Trên bước thênh thang trong vòng luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhứt mà chúng ta phải đối phó. Đợi khi cái chết không đến lẻ loi cho một người thân mà đến trùng hợp cho nhiều người thân trong một lúc.

        Vào thời Đức Phật, một đại phú gia nọ ở thành Xá Vệ (Savatthi) có người con gái xinh đẹp tên Patacarà. Cô Patacarà chỉ có một anh trai và cả hai anh em được cha mẹ tưng tiu như trứng mỏng.

        Khi cô lên mười sáu, cha mẹ cô sắp sửa đính hôn cô với con một vị trưởng giả khác, nhưng trước đó cô đã lỡ thương một tên gia đinh trong nhà. Do đó trước ngày thành hôn, cô Patacarà cùng với tên gia nhân trốn cha mẹ vào tận khu rừng xa, sống trong một chòi lá.

        Ngày kia, khi sắp sanh đứa con đầu lòng, cô Patacarà thúc giục chồng đưa cô về cha mẹ vì ở giữa rừng không có ai để chăm sóc nàng lúc khai hoa nở nhụy. Nhưng người chồng không dám, nên cản ngăn không cho nàng đi. Cố nài nỉ mãi không được, cô Patacarà đợi khi chồng đi vắng lén bỏ nhà về cha mẹ. Rủi thay, dọc đường cô nghe đau bụng vô cùng và hạ sanh một trai, vừa lúc chồng cô đến, và đưa cô trở lại chòi.

        Ít lâu sau, cô Patacarà lại sắp sanh thứ nhì. Lần này, cô cũng lén bỏ nhà bồng con đi về cha mẹ trong khi người chồng bận việc ở ngoài rừng. Về nhà không thấy vợ và con, người chồng sanh nghi, đuổi theo, năn nỉ cô trở lại, nhưng một mực cô chối từ. Người chồng đành phải đi theo. Lúc ấy, một cơn bão tố nổi lên càng lúc càng to. Mưa càng ngày càng nặng hột. Cô Patacarà lại cảm nghe đau bụng nên nói với chồng tìm cây lá che đỡ cho nàng. Người chồng nghe lời, vào rừng chọn được một cây ngay ngắn mọc trên gò mối và lấy búa chặt cây. Một con rắn từ trong ổ mối nghe động bò ra cắn anh chết.

        Cô Patacarà ngồi bên đường đợi mãi không thấy chồng ra, bụng thì càng ngày càng đau buốt. Đơn độc một mình, giữa rừng, giữa đêm hôm tăm tối, và dưới cơn mưa gió lạnh lùng, cô hạ sanh một đứa con thứ nhì. Suốt đêm trường, nàng ôm hai con vào lòng, chịu lạnh dưới cơn mưa tầm tã và giữa tiếng khóc inh ỏi của hai trẻ sơ sinh.

        Tảng sáng sớm hôm sau, cô bồng con đi tìm chồng, thấy chồng nằm chết bên gò mối. Sau khi than khóc thảm thương, nàng đành bỏ xác chồng tại đó rồi ôm hai con về nhà cha mẹ.

        Cô phải vượt qua một con sông, tuy cạn nhưng vì cơn lụt lội trong đêm, nước chảy mau như cắt. Không thể đem cả hai con qua sông cùng một lúc, cô để lại bên này đứa con lớn và bồng đứa nhỏ lội nước băng qua sông. Sau khi nhặt lá cho con nằm, cô trở lại rước đứa kia. Nhưng khi ra đến giữa sông, cô quay đầu lại nhìn con thì thấy từ trên không trung một con chim to xớt xuống táp đứa nhỏ. Cô hoảng kinh kêu la để đuổi chim cứu con. Bên kia bờ, đứa con lớn nghe tiếng, ngỡ mẹ kêu liền bò về hướng mẹ, hụt chơn rớt xuống sông, bị nước cuốn trôi theo dòng.

        Chồng bị rắn cắn, một con bị chim to xớt đi, đứa khác bị nước cuốn, cô Patacarà trơ trọi một mình, vừa khóc vừa thầm thủi lần mò về nhà cha mẹ. Thấy có người từ đằng xa đi lại và sau khi được biết rằng người ấy ở thành Xá Vệ (Savatthi); cô liền hỏi thăm tin nhà.

        - Cô có biết rằng có trận giông to và mưa lũ trong đêm qua không ?

        - Dạ biết, tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng khủng khiếp dưới cơn bão tố ây.

        - Đúng vậy, cơn bão ấy đã làm sụp đổ nhà của ông đại phú gia mà cô vừa hỏi thăm tin tức. Cả ông lẫn bà và cậu con trai duy nhứt đều chết dưới đám gạch vụn.

        Và chỉ về hướng thành Xá Vệ, ông hỏi :

        - Cô có thấy đằng xa người ta đang xúm xít bu quanh đám lửa không ? Đó là đám

        thiêu của ba người.

        Cô Patacarà không còn chịu đựng được nữa. Trở nên người loạn trí, cô nằm lăn ra ngoài đường, đầu bù tóc rối, quần áo tả tơi. Có người thấy vậy động lòng thương, đưa nàng đến Đức Phật. Được Đức Phật khuyên lơn và chỉ dạy, cô nhận thức bản chất vô thường của đời sống và xin xuất gia theo Ngài.

        Bà Kisa Gotami mất người con thân yêu duy nhứt. Tay bồng con, bà chạy đi tìm thuốc chữa trị và đến cầu cứu với Đức Phật.

        - Được, con có thể tìm ra một vài hột cải không ?

        - Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tìm ra hột cải, chắc như vậy.

        - Nhưng những hột cải này phải lấy trong nhà nào mà không có ai chết.

        Hột cải thì có. Nhưng bà không tìm ra nơi nào mà thần chết chưa hề đến viếng.

        Bà tỉnh ngộ và nhận thức bản chất của đời sống.

        Một lần nọ, có bà kia được người ta hỏi tại sao không khóc cái chết thê thảm của người con. Bà trả lời :

        - Không ai mời mọc, nó đến. Không cho ai hay, nó đi. Đến thế nào, nó ra đi cũng

        thế ấy. Tại sao ta khóc ? Khóc có ích gì ?

        Từ cành cây, có nhiều trái rơi rụng – trái non có, trái già có, trái chin có – cũng thế ấy, ta có thể chết lúc sơ sinh, lúc thiếu niên, lúc tráng niên, hay khi niên cao tuổi lớn.

        Mặt trời mọc phương Đông chỉ để lặn ở phương Tây.

        Hoa nở tốt tươi buổi sáng để úa tàn vào lúc chiều.

        Cái chết, không thể tránh, đến với tất cả mọi người, không trừ ai. Ta phải bình thản đối phó với nó.

        “ Cũng như trên đát, ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên một mực trơ trơ, không giân cũng không thương.

        Vậy cũng thế ấy trong hạnh phúc, trong phiến não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất “.

        Đức Phật dạy như vậy.

        Trước những cảnh thăng trầm của thế gian, tâm của vị A la hán không bao giờ chao động.

        Giữa những cảnh được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta hãy giữ tâm bình thản.

        H ế t


        Gửi ý kiến của bạn
        Tắt
        Telex
        VNI
        Tên của bạn
        Email của bạn
        20/04/2015(Xem: 8128)
        Ni Sư Thubten Chodron (thế danh Cherry Green), sinh năm 1950, lớn lên gần vùng Los Angeles. Ni sư hoàn thành Cử Nhân Lịch Sử tại Đại Học UCLA năm 1971. Sau khi du lịch qua Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á trong khoảng một năm rưỡi, Ni sư trở về Mỹ, lấy chứng chỉ sư phạm, theo học chương trình sau đại học tại USC về Giáo Dục và dạy học ở Hệ Thống Các Trường tại thành phố Los Angeles. Năm 1975, Ni sư tham dự một khóa tu thiền của Ngài Lama Yeshe và ngài Zopa Rinpoche. Sau đó Ni sư qua Nepal tiếp tục tu học và hành thiền tại Tu Viện Kopan. Năm 1977, Ni sư được Ngài Kyabje Ling Rinpoche cho xuất gia tại Dharamsala, Ấn Độ, và năm 1986 Ni sư thọ đại giới tại Đài Loan…
        19/04/2015(Xem: 6167)
        Con người ta sống trên đời thường tự chuốc lấy khổ đau, phiền não nhiều hơn gấp bội phần cái khổ không đáng phải khổ của một thân chúng sanh, ấy là vì vọng tâm chấp ngã, chấp pháp.
        18/04/2015(Xem: 15967)
        Như một áng tinh vân bay qua bầu trời tăm tối Như một giọt nước trong lành giữa sa mạc cằn khô Như một đốm sáng lung linh trong đêm tối mộng hồ Người hiện giữa trần gian Như thực như chơn một Như Lai sứ giả Đã sương tuyết cao sơn Vẫn không mỏi mệt Đông Tây bươn bả Không cau mày giữa rừng cố chấp mê si Vũ khí của người chỉ có trí tuệ và từ bi Thắp ấm trái tim Mở rộng tấm lòng bao dung nhân thế Chỉ chừng ấy thôi Là tôi đã rưng rưng giọt lệ Kính thương người tuổi hạc đã cao Ân đức của người Sánh tựa trăng sao Tịch nhiên chiếu Vô nhân chiếu
        18/04/2015(Xem: 9892)
        Trong khi cả thế giới lựa chọn chỉ số GDP (Gross Domestic Products – Tổng sản phẩm quốc nội) làm thước đo thịnh vượng và phát triển, thì riêng tại đất nước này, chỉ số đó bị loại bỏ thay vào đó là GNH (Gross National Happiness- Tổng hạnh phúc quốc dân).
        17/04/2015(Xem: 8770)
        Mười lần như chục, hôm nào gặp bữa ăn trưa trong căng-tin có món xúc-xích là mấy người đồng nghiệp Đức của tôi hay nói đùa bằng một câu triết lý cà rởn rằng: trên đời này cái gì cũng có đầu có đuôi, có thủy có chung, duy chỉ cây xúc-xích là có hai đầu. Có ông nhạc sĩ người Đức Stephan Remmler còn viết ra một bài tình ca nổi tiếng theo tựa đề ấy là: Alles hat ein Ende nur die Wurst hat zwei. Câu nói vui, nói ra để cười với nhau. Xúc-xích là món ăn rất phổ biến của người Đức, to nhỏ đủ cỡ, có mặt mọi nơi, từ tiệm ăn tay cầm cho đến các món ăn nấu trong nhà hàng với nhiều gia vị khác nhau, với rau xanh, cải đỏ hay kèm bột cà ri, mù tạt v.v..
        16/04/2015(Xem: 8331)
        Nhân duyên đưa tôi đến với đạo Phật là từ ngày mẹ chồng lâm bệnh, sau khi bệnh viện trả về, mẹ được các thầy tụng kinh cầu nguyện nên ra đi rất nhẹ nhàng. Tang lễ và các tuần thất về sau cả nhà tôi đều tụng kinh niệm Phật cầu siêu cho mẹ, vào các ngày 14 và 30 thì lên chùa sám hối, nghe thầy trụ trì thuyết giảng. Từ đó tôi đã hiểu được Phật pháp và những điều hay lẽ phải cần thực hành trong đời sống hàng ngày. Sau này, mỗi tối tôi đều cố gắng thu xếp công việc để lên chùa tụng kinh, tôi thấy thân tâm mình an lạc vô cùng.
        14/04/2015(Xem: 11067)
        Chúng sinh kể cả nhân loại trên Tam Giới, trong cỏi Ta Bà, không nhất thiết chỉ có người quy y đạo Phật mới có Tri Kiến Phật. Mà ngay cả những người thậm chí không biết một tý gì về Phật giáo, không là Phật Tử, cũng đều tự có Phật Nhãn giống như nhửng Phật Tử và dĩ nhiên họ có Trí Tuệ Phật để thành Phật giống như mọi người mà không cần quy y tam bảo, làm Phật Tử hay cải đạo của chính mình. Đạo Phật không hề ép buộc ai quy y, không cản trở người quy y hoàn tục, cũng như tuyệt thông công (excomunicate) ai được. Đó là ưu điểm cũng là yếu điểm của đạo từ bi hỹ xã trong việc khuyết trương củng như bão vệ Phật Pháp.
        13/04/2015(Xem: 7842)
        Thư giãn ở bất kỳ cách nào cũng đều hiệu quả để đối trị đau đớn. Những người tập thư giãn có khả năng tốt hơn để chịu đựng đau đớn. VÀ họ thực sự cảm thấy đau đớn ít hơn. Nói cách khác, tập thư giãn có thể giảm đau một phần, và làm cho bạn chịu phần đau còn lại dễ dàng hơn.
        12/04/2015(Xem: 8897)
        Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.
        facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
        Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
        nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

        May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
        Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
        may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
        the Land of Ultimate Bliss.

        Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
        Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
        Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
        Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
        Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
        Website: http://www.quangduc.com
        http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
        Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
        [email protected]