Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CỬA GIẢI THOÁT -Thích Nhất Hạnh

18/12/201006:25(Xem: 9243)
CỬA GIẢI THOÁT -Thích Nhất Hạnh

CỬA GIẢI THOÁT
Thích Nhất Hạnh
Phiên tả pháp thoại Sư ông Làng Mai. ngày 7. 11. 2008

Nghiệp:

Trong đạo Phật thường nói ý là căn bản của hành động và lời nói. Khi suy nghĩ điều thiện thì lời nói sẽ lành và hành động khắc đẹp. Nghiệp là một thói quen, có tất thảy ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý. Nghiệp có thể là nghiệp nhân, nguyên nhân của hành động, nhưng cũng có thể là nghiệp quả, kết quả của hành động. Nghiệp nhân giống như là hạt giống, nghiệp quả ví như là quả. Khi tư duy (khởi tâm) thì nó trở thành một năng lượng, và năng lượng đó chỉ mới là hạt giống. Nhưng hạt giống thì thế nào cũng sẽ thành cây và kết trái.


Khi mình khởi tâm từ bi thì xung quanh mình là cả một thế giới từ bi. Khi mình khởi tâm muốn giết chóc hay muốn trả thù thì lập tức bên mình là cả một thế giới thù hận. Cho nên phải rất chánh niệm gìn giữ ba nghiệp thân, khẩu và ý, đừng để cho những nghiệp xấu dẫn đi. Chỉ cần mình khởi lên một tâm ý thôi thì quả báo đã được hình thành ngay trong giờ phút ấy rồi. Tuy mình không thấy nhưng tâm niệm ấy đã đi tới người kia và đang ảnh hưởng lên người kia. Có nhiều cái mắt thường chúng ta không nhìn thấy nhưng nếu có ai đó biết chỉ cho chúng ta thì ta lại không tin. Trong không khí không có gì, nhưng trong không khí có hơi nước, hơi nước mình không thấy nhưng nó có hơi nước. Tư duy của mình mình không thấy nhưng nó đang hoạt động. Nó là một năng lượng, nó có mặt và nó đang lên đường. Khi mình có một tư duy rất từ bi, mình thương được người hay làm khó làm dễ mình, thì lúc phát khởi tình thương năng lượng ấy đã lên đường rồi. Tư duy cho đúng thì tâm tư của mình sẽ chuyển đổi được thế giới.

Khi chúng ta tư duy thì lời nói chính là kết quả của tư duy ấy, và hành động chỉ là kết quả chót cùng. Một tư duy thiện sẽ đem nhiều ánh sáng đến cho thế giới. Còn tư duy mà bất thiện thì nó sẽ có hại cho thế giới. Cho nên thế giới này có phẩm chất nhiều hay không là do sự đóng góp của mình. Mình sinh ra ở thế giới này thì mình là nghiệp quả của thế giới này. Và mình đang ở đây là do những nghiệp thân, khẩu và ý mà mình đã gây ra trong quá khứ nên mình sinh ra trong thế giới này.

Gieo gió thì gặp bão. Gió là nghiệp nhân, bão là nghiệp quả. Chúng ta biết đóa hoa là biểu hiện của một quả báo. Nói tới “quả báo” người ta hay nghĩ rằng đó là một kết quả xấu, nhưng thực ra không phải vậy. Quả báo của một người làm vườn giỏi là có được những chậu hoa rất đẹp. Nhưng nụ hoa đó không chỉ do một mình người làm vườn tạo ra mà có cả triệu nguyên nhân khác nữa: có nắng, có mưa, có phân bón… có rất nhiều thứ mới tạo ra được bông hoa đó. Dù là đóa hoa, cái bàn, hay cái đèn cũng vậy, cả tôi cũng vậy mà bạn cũng vậy. Sự biểu hiện này là do vô số nhân duyên, có hàng triệu nguyên nhân tới với nhau để giúp cho bông hoa biểu hiện. Trải qua trùng trùng duyên khởi mới tới được một nghiệp quả. Khi nhìn một đóa hoa mình tiếp xúc được với hàng triệu nguyên nhân. Các nguyên nhân tới từ người, từ cầm thú, cỏ cây, thế giới đất đá... Nếu có ai đem tới cho mình một đóa hoa, mình cám ơn người ấy không thì chưa đủ vì đóa hoa đó có mặt ở đây là do vô lượng nguyên nhân.

Những bạo động trong xã hội mà chúng ta đang thấy là kết quả của bao nhiêu tuyệt vọng bao nhiêu tức tối và bực bội đã tích tụ lại. Những chuyện đó mình tưởng là không dính líu gì tới mình, nhưng thật sự là mình cũng có phần trách nhiệm trong đó. Cách mình ăn uống, cách mình hành xử với chính mình cũng tạo nên những nguyên nhân phụ, nguyên nhân xa để đưa tới sự việc này. Do đó, mình có thể chuyển đổi thế giới bằng cách thay đổi lối tư duy, nói năng và hành động của mình. Phải thấy tất cả những gì xảy ra cũng từ cả một cộng đồng.

Trong mỗi một con người đều có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những gì của riêng mình, như tên tuổi là riêng mình, mình là con của ông đó, bà đó, mình sống tại đó. Nhưng mình cũng có cộng nghiệp và gần nhất là gia đình mình. Cộng nghiệp lớn nhất là của xã hội, đất nước và địa cầu của mình. Một triết gia nói “ Con người là tổng thể của tất cả hành động của người đó ”. Tuệ giác có từ khăp muôn phương, không phải chỉ đạo Phật mới có tuệ giác. Những câu rất hay trong thánh kinh, cũng là tuệ giác. Nhìn kỹ và nhìn sâu để thấy hàng triệu nguyên nhân đến với nhau. Khi chúng ta chết thì chúng ta không thể nào trở thành hư vô được. Có một người hỏi tôi là chồng cô ấy đã chết và bây giờ đã đi đâu? Tôi trả lời: một đám mây không thể nào chết được, đám mây có thể thành mưa, thành tuyết, thành nước đá. Người thương của mình khi chết đi cũng chỉ là biến dạng thôi, biến dạng thành nhiều hình thức khác, phải thật thông minh, chăm chú ta mới tìm ra được người đó. Sự tan rã xác thân không phải là sự tan rã của người ấy. Người đó có rất nhiều năng lượng đang biểu hiện cùng khắp. Tư duy được chế tác ra mỗi ngày, mình có mặt trong thân thể mình nhưng mình cũng đang có mặt khắp nơi trên thế giới.

Trong quả báo có y báo và chánh báo. Chánh báo là mình và y báo là hoàn cảnh và môi trường xung quanh, y báo gần nhất là gia đình, làng xóm, xã hội và dân tộc mình. Chính mình cũng tạo ra môi trường của mình. Tại sao mình chọn chỗ này mà không chọn chỗ khác, đi tu chỗ này mà không đi tu chỗ khác? Mình tự chọn y báo cho mình, mình thấy tu chỗ này gần gũi với mình hơn. Trong mình có chánh báo, là sự lựa chọn của mình và y báo là môi trường mình tu. Mình nghĩ tất cả sự sống của mình gói trọn trong thân ngũ uẩn này, nếu trái tim này ngừng đập thì mình sẽ chết liền. Nhưng nhìn chung quanh sẽ thấy mình có những trái tim khác, tuy nó không nằm trong thân thể mình nhưng nó cũng là mình. Mặt trời là trái tim thứ hai, nếu không có mặt trời thì sẽ không có nắng, và cỏ cây cũng không mọc được, và không có mặt trời thì ta cũng không sống được. Lá phổi rất quan trọng với chúng ta nhưng không có rừng cây thì không có dưỡng khí, nếu không có dưỡng khí thì chẳng ai sống được. Khi ấy lá phổi, trái tim của mình dù có tốt đến mấy cũng chết thôi. Đừng tưởng rằng mình chỉ có một trái tim, mình có nhiều trái tim lắm.

Pháp Vỡ Thế Nhị Nguyên:

Có một chướng ngại rất khó vượt qua mà Bụt gọi là Nhị Nguyên. Nhị nguyên là khuynh hướng phân biệt của chúng ta giữa chủ thể và đối tượng.

Ta cứ tưởng chủ thể không dính níu gì tới đối tượng, nhưng nhìn kỹ thì chủ thể và đối tượng chỉ là một. Mình cứ nghĩ mình là chủ thể và Làng Mai là đối tượng, là cái bên ngoài. Nhưng phải có chủ thể thì mới có đối tượng, cho nên chủ thể và đối tượng là hai mặt của một đồng tiền. Không có đối tượng thì không có chủ thể và ngược lại, không có chủ thể thì không có đối tượng, hai cái tương tức với nhau.

Chúng ta nghĩ mình có một tri giác riêng biệt và bông hoa nằm ngoài tri giác của mình. Khi mình tới với bông hoa thì mình biết đấy là bông hoa. Con mắt chạm phải bông hoa sinh ra cái thấy. Cái thấy (chủ thể) và cái bị thấy (đối tượng) là hai mặt của một thực tại. Thực tại là thấy bông hoa, con mắt thấy bông hoa sinh ra nhãn thức. Ví dụ mình nói tới một tri giác, khi tri giác thì phải là tri giác cái gì, tri giác về bông hoa, mình tưởng bông hoa nó như vậy, tưởng về Làng Mai như vậy. Mình ráng phân biệt nụ hoa và người ngắm hoa. Vật thể được nhìn và chủ thể nhìn. Một cái tưởng có thể kéo dài chừng một sát na, đơn vị nhỏ nhất của một giây. Trong sát na đó chúng ta có một cái bóng về cái hoa. Thí dụ như trong đêm tối, có một người cầm một bó nhang đang cháy và quay nhiều vòng, thì mình có thể thấy được rất nhiều hình dạng của bó nhang. Nhiều điểm sáng liên tiếp nhau tạo ra một vòng tròn. Nhưng thật ra nó không phải là một vòng tròn. Một triết gia nói là hình ảnh của mình chỉ là một chuỗi dài của những tri giác. Mình mới hé thấy một chút về sự thật thì mình chắc mẻm nó là như vậy. Trong vật lý điện tử nói: “khi mình nhìn sâu vào những điểm nhỏ thì mình có thể thấy được cái tâm của mình ở trong đó”. Cái tâm mình bây giờ như vậy, nhưng chút nữa nó đã khác rồi.

Khi người cha, người mẹ nhìn con cái của mình thì phải thấy con mình là mình và phải thấy được cả cháu nội, cháu ngoại mình trong con của mình nữa chứ không phải chỉ thấy có con không thôi. Người con ngược lại phải thấy bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình đang có trong mình. Sự tan rã của thân này không phải là sự tan rã của sự sống, nó có thể là một bước tiến mới, nó thể là một sự bắt đầu cho một cái gì đó rất thâm sâu và đẹp đẽ. Quả báo của mình giống như là một ngân hàng nếu mình tư duy thiện thì ngân hàng của mình đầy những quả báo lành, nếu mình tư duy bất thiện thì ngân hàng của mình đầy những quả báo xấu. Không có cái gì mất đi hết, nó chỉ biểu hiện từ hình thái này qua hình thái khác. Hơi nước bốc lên từ biển cả, sông hồ rồi gặp khí lạnh trên cao nó ngưng tụ lại thành một đám mây và khi đám mây nặng đám mây rơi xuống thành những cơn mưa và làm giọt nước trở lại. Cá nhân và tập thể tương tức với nhau, không có tập thể thì không có cá nhân. Không có cá nhân thì không có tập thể. Lúc giận có thể mình hay nói “ Cuộc sống của con không dính líu gì tới ba má hết ” Nhưng cuộc sống của mình dính líu chặt chẽ với những người mình thương. Mình nghĩ thần kinh thị giác chỉ là của riêng tôi thôi không dính gì tới người ngồi kế bên, nhưng nếu mình đi chung xe với 4 hoặc 5 người thì thần kinh thị giác của mình có liên can với 5 người kia. Khi cái xe đằng trước nhào tới mà người lái xe không phản ứng kịp và bị cái xe kia tông thì tất cả những người trên xe đều chết. Cái gì cũng có cá nhân và tập thể hết. Có những tập thể liên hệ ít và có những tập thể liên hệ nhiều. Những điều mình làm đều dính với nhau. Mình làm ở đây nhưng chỗ kia cũng bị ảnh hưởng. Khi tư duy thì mình tư duy cho cả thế giới chứ không phải cho riêng mình. Khi tha thứ được, thương được thì mình là người có hạnh phúc trước. Dù người đó có đối xử với mình như thế nào thì mình cứ vẫn thương. Có trách nhiệm với mình không thôi chưa đủ mà phải có trách nhiệm cả với thế giới.

Cho dù thân này có tàn hoại thì sự sống của mình vẫn tiếp tục, vẫn rất đẹp đẽ. Vì mình có khả năng sống với những gì Bụt dạy, sống với những tư duy hiền, tư duy biết điều, tư duy từ bi, đừng để cho những tư duy hận thù hay bạo động xâm phạm. Khi có chánh niệm thì sẽ có những tư tưởng từ bi. Ai cũng có Phật tính, đó là khả năng chánh niệm, tỉnh thức sâu sắc. Mình có quyền chế tác ra những tư tưởng từ bi. Tuy đang thực tập cho mình nhưng người khác cũng sẽ được hưởng lợi lạc từ sự thực tập ấy. Có những lúc mình đi không có chánh niệm và mình nói: thôi con sẽ đi cho Thầy, con đi bằng bàn chân của Thầy, đi với sự tỉnh táo thảnh thơi. Làm như vậy thì những vết thương trong lòng sẽ tự chữa lành. Đánh răng súc miệng cũng làm trong chánh niệm với niềm hạnh phúc là mình đang được sống. Trong mỗi phút giây của đời sống mình phải tập như là đang ăn mừng sự sống. Nếu đợi trái tim ngừng đập rồi mới biết ăn mừng sự sống thì đã quá muộn. Cho nên phải ăn mừng sự sống ngay bây giờ. Vui mừng vì mình còn đôi mắt để thấy được những sắc màu kỳ diệu, có đôi chân khỏe để bước được nhưng bước thảnh thơi mà không cần phải ngồi trên xe lăn. Mình thực tập để tiếp xúc với sự sống từng phút từng giây. Không ai có thể tới siêu thì để mua niềm vui và sự hiểu biết được mà phải tự mình nhìn sâu để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc xung quanh. Muốn như thế thì lúc nào cũng phải đem thân về với tâm, an trú trong phút giây hiện tại và nở một nụ cười. Mình có thể nhìn người kia bằng con mắt từ bi. Bất cứ trong trường hợp nào mình cũng có thể nhìn lại để tạo ra một nguồn năng lượng lành và từ bi cho mình và những người xung quanh. Với những người đang có khó khăn với mình, mình cũng có thể gởi năng lượng lành tới người đó liền bây giờ chứ không cần gặp người đó mới gởi. Mỗi người là một nữ hoàng, là một quốc vương, chúng ta phải có khả năng sử l ‎ý vương quốc của chính mình. Đừng để cho những giận hờn, bực bội nhào tới tấn công, phải làm chủ lấy thân tâm và nhất định chỉ đi về hướng tốt lành thôi. Bụt đã ngồi hàng giờ tại cội Bồ Đề và ngài đang ngắm cái tánh không của mỗi người mỗi vật. “Không” ở đây không phải là không có gì hết, không phải là hư vô. Không có nghĩ là không có một thực thể riêng biệt, một sự kiện riêng biệt. Một thiền sư nổi tiếng ở thế kỷ thứ 2 là Long Thọ, ngài đã nói là nhờ không mà tất cả mọi sự mọi việc đều thực hiện được. Nhờ cái hoa không có cái ta riêng biệt nên nó nhận được ánh nắng mặt trời, đất và người làm vườn…, cho nên nó mới biểu hiện được thành một bông hoa. Nhờ tánh không của mọi sự mọi vật mà bạn mới biểu hiện được cũng như tôi mới biểt hiện được. Để cho cái ly này đầy thì trước hết nó phải có mặt. Ta phải biết phân biệt giữa chữ hư vô và không thấy. Không thấy không có nghĩ là không hiện hữu. Trong đời sống vợ chồng mình phải tiếp xúc được với cái tánh không của đời sống lứa đôi. Khổ đau của mình hay của người kia không còn là cái riêng tư nữa. Hạnh phúc của mình phải là hạnh phúc của người kia. Tuyệt vọng của người kia cũng là tuyệt vọng của mình. Phải thấy được sự tương tức đó. Có một câu kệ là “năng lễ sở lễ tánh không tịch”, tức là người lạy và người được lạy đều có tánh không. Khi đứng trước Bụt mình “không” mà Bụt cũng “không” nghĩa là mình không có một thực thể riêng biệt mà Bụt cũng không có một thực thể riêng biệt, nhờ vậy nên mình với Bụt mới tương tức. Con với Bụt là một cho nên mới “cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Nếu mình là mình người kia chỉ là người kia, không có tánh không thì mình sẽ không có truyền thông được với nhau. Muốn có được truyền thông thì phải bỏ cái nhị nguyên. Nếu mình chưa thấy được tánh không của mình, của người khác hay của mặt trời, mình nói mặt trời ơi, nắng ơi, mặt trời và nắng là không cho nên nắng mới đi vào trong tôi được. Nếu như tôi có cái ta riêng biệt và chặn cùng hết thì nắng và mặt trời đâu vào được trong tôi. Mình phải thấy được sự hiện diện của người thương. Đừng để người đó mất đi thì mình mới thấy được người đó đang ở trong lòng mình. Mẹ mới mất nhưng mình cũng thấy rõ là mẹ đang ở trong mình, ba cũng đang ở trong mình. Nếu như con chỉ là con, mẹ chỉ là mẹ thì làm sao con cảm nhận được mẹ trong con? Mình cũng có thể nói với Bụt là: Con có trong Bụt và Bụt đang trong con. Nhận diện tính cách không của mình và nhận diện tính không trong Bụt. Tính không là một trong ba cánh cửa giải thoát : Không, vô tướng, vô tác. Đi qua được hai cánh cửa đó (không và vô tướng) thì thân tâm sẽ rất nhẹ nhàng. “Bồ Tát quán tự tại khi quán chiếu thâm sâu bát nhã ba la mật, tức diệu pháp trí độ bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn”. Nhờ thấy được tánh không mà mình vượt thoát buồn lo, giận hờn.

Vô Sinh Bất Diệt

Khi ngọn lửa cháy thì nó sẽ nuốt que diêm của tôi, điều này cũng đúng với tuệ giác về không. Ý niệm về không không thể cứu mình được, chỉ khi nào sống được với tánh không thì mới thoát khỏi ràng buộc hệ lụy. Phải tự tu, tự sống mới thấy được. Pháp của Bụt ví như một chiếc bè qua sông nhưng đừng để bị kẹt vào chiếc bè. Bức tượng Bụt có thể rất đẹp nhưng ta đừng để bị kẹt vào tượng Bụt.

Mình có thể sống với ý niệm về không. Cái bè không phải là bờ sông bên kia, cái bè chỉ là phương tiện đưa mình qua bờ. Và cái bè đó chính là cái ý niệm về không. Lắng nghe lời Bụt, lời Thầy cho sâu sắc, hết lòng thì tự khắc tàng thức của mình sẽ làm việc. Khái niệm không phải là sự sống.

Nhiều người biết rõ khái niệm về vô thường, nhiều khi họ còn giảng giải hùng hồn về vô thường nhưng không sống được với vô thường, vẫn hành xử như sự vật là thường. Nếu mình thương người này thì mình thương tuyệt đối, mình ghét người này thì mình ghét tuyệt đối giống như là người này xấu hoài xấu mãi vậy. Tốt hay xấu là do nhiều điều kiện đưa đến. Người này hôm nay như vậy nhưng ngày mai họ lại khác, cho nên mình đừng nên đóng khung họ lại mà phải sử dụng lưỡi kiếm vô thường để đừng bị kẹt. Biết được điều này thì mình phải làm cho người xung quanh hạnh phúc ngay lập tức. Mẹ không sống đời với mình, thầy cũng không sống cả đời với mình. Phải sử dụng cánh cửa vô thường để trân quý từng phút giâu khi được sống bên thầy, khi đang còn đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Đó chính là tu. Mình phải làm cho cha mẹ, những người xung quanh có hạnh phúc ngay bây giờ. Em mình có thể đang mạnh khỏe nhưng biết đâu ngày mai nó bị xe đụng thì sao? ‎Ý niệm về vô thường không phải là tuệ giác về vô thường. Phải sống được với ý niệm vô thường thì mới gọi là có tuệ giác vô thường. Khi bị bệnh thì chỉ cần biết là mình bệnh thôi, đừng để bị kẹt vào căn bệnh, đừng có khổ đau dằn vặt là tại sao hôm qua tôi đang khỏe mạnh mà hôm nay tôi lại như vậy. Vô thường thôi chứ có gì đâu, hôm qua mình khỏe thì hôm nay mình bệnh, hôm nay mình bệnh thì ngày mai mình cũng có thể khỏe, vô thường mà.

Có danh từ Niết Bàn. Niết Bàn là sự tắt ngấm mọi ‎ý niệm, để mình sống được với thực tại. Trái cam là một ý niệm, nhưng khi ăn trái cam vào thì nó là một sự thật. Đừng bị kẹt vào ý niệm vô thường, mình chưa có tuệ giác về vô thường, nên đôi khi mình bị kẹt vào ý niệm vô thường. Vô thường là một pháp, dùng pháp để giải thoát mình chứ đừng dùng pháp để nhốt mình vào một cái kẹt khác. Trong Kinh Kim Cương có nói “ pháp mà còn bỏ huống là cái không phải pháp ”. Cả hai đều phải buông thì mình mới thâm nhập được vào pháp đó. Niết Bàn là sự tắt ngấm của những khái niệm. Khái niệm sinh ra và chết đi cũng là khái niệm, nhưng không có gì sinh ra và cũng không có cái gì chết đi hết. Trong cuộc đời có những khái niệm làm cho mình rất khổ, khái niệm là tri giác, tri giác là cái thấy. Khi chúng ta nhìn sự vật thì chúng ta không thấy hết mà chỉ thấy được một phần của thực tại nên chúng ta khổ. Không có gì đến từ hư không hết. Tờ giấy không tới từ hư không, tờ giấy tới từ rất nhiều điều kiện: cây trong rừng, cây có từ mưa và từ nắng. Sự xuất hiện của cây và lá không phải tới từ sự sinh ra mà là sự tiếp nối của những sự sinh ra đó. Khi nhìn sâu vào tờ giấy mình thấy được kiếp trước và tương lai của nó. “Này tờ giấy của tôi ơi, em đang có mặt trong cuộc đời này, kiếp trước của em là nắng, là đất, là mưa, là cây. Bây giờ em biểu hiện thành một tờ giấy. Sự biểu hiện của em bây giờ là để tiếp nối đường đi thôi bởi vì mình không thể nào từ hư vô mà hiện hữu được”. Hư vô sẽ không thể trở thành hiện hữu. Không hiện hữuhay hiện hữucũng là một khái niệm. Khi tôi vẽ một đường thẳng và tôi chấm vào một điểm gọi điểm đó là năm tôi sinh. Mình nghĩ trước cái điểm sinh ra mình chưa là gì cả. Tới chỗ mình chết mình cũng nghĩ tới đây là hết. Nếu nghĩ rằng trước khi sinh ra ta là hư vô và sau khi chết đi ta cũng là hư vô thì đó là cái nhìn rất cạn, cái thấy ấy gọi là cái thấy nhị nguyên. Trước khi biểu hiện thành tờ giấy thì tờ giấy đó không phải tới từ hư vô mà tới từ rừng cây, từ nắng, từ mưa, từ đất, tới từ người nghĩ ra cách nghiền cây thành bột để làm giấy, cha mẹ của người công nhân làm giấy và hàng triệu nhân duyên khác nữa. Trải qua trùng trùng duyên khởi tờ giấu mới có mặt ở đây. Cho nên, thay vì nói “mừng ngày sinh nhật của bạn” thì mình nói, “mừng ngày tiếp nối đường đi của bạn”. Nếu điểm sinh ra là một điểm tiếp nối đường đi thì sự chết đi cũng chỉ là một sự tiếp nối đường đi. Khi thấy đám mây tiếp nối thành cơn mưa thì mình nói” “chào em, em nhớ tiếp nối đường đi cho giỏi nhé”. Ý niệm về sinh ra không áp dụng vào thực tại được. Nhìn sâu sẽ thấy rằng mình chỉ là một sự tiếp nối thôi. Bản chất của mình là không sinh không chết. Khi thấy được và sống được với cái thấy ấy thì mình không còn sợ hãi và đau buồn nữa. Mình không sợ rằng đang hiện hữu bỗng trở thành hư vô và cũng sẽ không còn sợ chết nữa.

Khi đủ điều kiện thì tôi sinh, khi không đủ điều kiện thì tôi cũng chấp nhận để trở thành cái khác. Mình cũng có thể lấy đi những ý niệm về hiện hữu và không hiện hữu. Ví dụ ta có một bao diêm. Nhìn bao diêm ta chưa thấy ngọn lửa, nên cứ tưởng rằng ngọn lửa không có mặt, nhưng thật ra nó đã có mặt sẵn đó rồi, chỉ cần thêm một nhân duyên là quẹt que diêm vào vỏ bao là ngọn lửa xuất hiện. Cho nên khi thấy bao diêm ta có thể nói: “Ngọn lửa ơi, ta biết em đang ở đó”. Khi ngọn lửa đang cháy mà bị tắt thì ta biết rằng vì những điều kiện mất đi nên ngọn lửa ẩn tàng chứ ngọn lửa không chết. Khi nhân duyên đầy đủ thì nó biểu hiện, khi điều kiện không đủ thì nó ẩn tàng, ẩn tàng nhưng vẫn còn đó. Thượng đế là căn nguyên của sự sống là nền tảng của sự sống. Nếu thượng đế là nền tảng của hiện hữu thì ai là nền tảng của không hiện hữu? Nền tảng của Như Lai vượt trên những ý niệm. Như Lai là không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Nếu thượng đế được giải thích về cả hai mặt hiện hữu và không hiện hữu thì mới tương đương với Như Lai. Khái niệm hiện hữu không hiện hữu không diễn tả thực tại được và mình cũng không thể diễn tả thượng đế hiện hữu hay không hiện hữu. Đừng bỏ thượng đế và Như Lai vào trong hộp, mình phải giải phóng hết những ý niệm để thực sống và nếm được thực tại. Hiện hữu hay không hiện hữu không phải là vấn đề. Nhân duyên tới đâu thì tôi biểu hiện như vậy, khi nhân duyên không đủ thì tôi không biểu hiện dưới dạng khác. Mình không kẹt vào cái nào hết, tôi không đi về đâu hết. Thực tại của tôi là không đến không đi, không sinh không diệt. Đừng tả Như Lai theo kiểu đến và đi. Đừng có ngồi đó khen hay mà không thực tập, ta phải thực tập để cho cái khái niệm về không đó đi được vào trong mình. Mình sống từng phút từng giây trong đời sống của mình như là không để mình tiếp xúc được với cái thực tại rất là không của mình. Và thực tại rất là không của người không dễ thương kia. Tại điều kiện nó như vậy nên người kia mới như vậy, tại điều kiện như vậy nên mình mới như vậy. Mình không có gì để tự hãnh diện, hay xem nhẹ người kia, hoặc đề cao người kia hết. Mình giải thoát khỏi những ý niệm rất cạn.

Vô Tướng

Cánh cửa giải thoát thứ hai là vô tướng. Đừng bị kẹt vào tướng. Nhìn sâu để tiếp xúc với cái tính chân thật của sự vật vốn là không, không có cái ta riêng biệt, vì không có cái ta riêng biệt nên những điều kiện mới có thể vào - ra được. Bị vướng mắc vào đám mây, cho nên khi đám mây mất mình khóc rất nhiều. Mình bị kẹt vào hình tướng nên khi mẹ mất mình khổ bởi vì mẹ không còn biểu hiện ra trong hình tướng này nữa. Mình đang kẹt vào cái hiện hữu và không hiện hữu. Phải biết là người đó chỉ ẩn tàng thôi và sẽ biểu hiện ra dưới những hình thái khác. Đừng để bị lường gạt bởi những cái nhìn cạn cợt của mình. Người thương của mình đang có mặt trong những hình thái mới. Người kia đã mất nhưng mình cũng biết là người đó vẫn còn có trong mình và mình nói “ anh ơi em biết anh vẫn đang còn có đó cho em và em nghe anh còn sống rất nhiều trong em” mình phải cảm nhận được người thương của mình trong mình.

Vô Tác

Đừng có để một cái gì trước mặt rồi chạy theo dù là quả vị Bụt, tại vì quả vị Bụt đang có trong mình và đang ở đây, tại mình không khám phá thôi. Nếu như mình muốn sinh vào cõi Tịnh Độ thì đừng có chạy đi tìm Tịnh Độ vì cõi tịnh độ đang có mặt bây giờ và ở đây. Nếu muốn thành Phật thì mình đã và đang thành Phật. Mình đã là cái người mà mình muốn chạy theo. Như là hoa sen, nó đã đủ đẹp rồi, nó không cần trở thành một bông cúc. Nếu có đủ niệm định và tuệ thì hạnh phúc, niềm vui ở cõi Tịnh Độ đang có mặt với chúng ta. Bầu trời xanh, tiếng chim hót là tịnh độ. Chúng ta có thể rong chơi trong cõi tịnh ấy.

Có thể dùng bùn để chế tác ra hoa sen, dùng những cái rủi ro trong cuộc đời để làm nên hạnh phúc. Hãy học cách dừng lại mà đừng tiếp tục chạy, chạy sẽ chỉ gây nên tàn phá mà thôi. Nếu bước một bước và mình dừng lại được với giây phút hiện tại thì mình đang thực tập vô tác. Tiếp xúc bây giờ và ở đây thì mình sẽ tiếp xúc ngay với Tịnh Độ. Cõi Tịnh Độ lúc nào cũng có mặt cho mình, chỉ tại mình cứ mải mê chạy theo hết cái này tới cái kia nên không có mặt cho cõi tịnh mà thôi. Hạnh phúc là cái có thể sờ mó được mà không cần chạy theo. Không cần có thêm một điều kiện nào nữa để đạt hạnh phúc. Trong thánh kinh có câu truyện kể về một người nông dân khám phá ra trong một thửa ruộng nhỏ có một kho tàng. Trở về nhà ông bán hết tất cả những mảnh ruộng của mình đi bởi vì ông đã có cả một kho tàng rồi. Cái kho tàng đó chính là cõi Tịnh Độ của mình. Nếu mình có khó khăn thì mình sẽ dùng chính cái bùn đó để làm nên bông sen. Tu tập là tập dừng lại. Đừng đợi tới khi chết mới về cõi Tịnh Độ, phải thấy là cõi Tịnh Độ đang có mặt ở đây. Mình có thể bước vào cõi Tịnh Độ bằng chánh niệm. Một phút chứa đựng cả thiên thu. Cõi tịnh độ là một cái gì đó rất thật, rất rõ ràng không phải chỉ là ý niệm. Mỗi bước chân có ý thức mình có thể đi trong cõi Tịnh. Tu tập như vầy thì chúng ta sẽ chữa lành những buồn khổ của chúng ta và đồng thời cũng chữa lành quả địa cầu này. Bụt vốn là một người rất đơn giản nên những điều Ngài dạy cũng rất đơn giản, không rắc rối mà thật thâm sâu.

Chúng ta là một gia đình tâm linh. Tăng thân của chúng ta có mặt cùng khắp, và tình huynh đệ là cái gì đó có thật. Những lời dạy của Bụt là những điều Bụt đã trao truyền để làm tỉnh dậy đức Bụt trong lòng ta. Phải tu nếu không sẽ uổng lắm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2010(Xem: 8428)
Đạo Phật không dừng lại ở nơi tối tăm mà luôn dùng ánh sáng trí tuệ để chuyển hóa si mê, u tối thành trong sáng, hiện thực. Trên đời này không gì quý bằng an vui và hạnh phúc. Vàng bạc, gấm vóc, lụa là, thức ăn sơn hào hải vị, vũ khí tối tân chỉ làm con người tăng trưởng thêm lòng tham lam, ích kỷ, sân si, nóng giận và giết hại lẫn nhau; càng nhiều mưu cầu, tham đắm riêng tư thì càng thêm khổ đau chồng chất, chỉ cần muốn ít biết đủ theo khả năng hiện tại thì nghèo khó vẫn an vui, hạnh phúc. Trớ trêu thay, thế gian này không biết bao nhà tỉ phú đã phải bỏ mạng sa trường vì hụt hẫng bên bờ hạnh phúc, họ cứ mải mê chạy theo trường đời danh lợi, quyền cao chức trọng để rồi phải ra đi trong tủi hận ưu phiền.
02/10/2010(Xem: 18426)
Hoa sen (tên khoa học là Nelumbo Nucifera) là loại hoa mọc lên từ rễ củ nằm dưới lớp bùn đất ở dưới nước, hoa thường có màu trắng, hồng, có khi phơn phớt vàng, xanh...
02/10/2010(Xem: 9987)
Có lẽ ai cũng biết rằng tử vi bói toán là một khoa giải đoán tương lai đời người về vận mạng, tình duyên, gia đạo, học hành thi cử, thời vận thịnh suy, tốt xấu và chọn hướng nhà đất thích hợp, bao gồm cả việc so đôi tuổi và hóa giải sự xung khắc vợ chồng, chọn ngày giờ tốt để khai trương, cưới hỏi, cùng là giải hạn xấu, dựa theo một vài yếu tố như ngày, giờ, tháng, năm sinh của người xin coi bói toán... Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ...
01/10/2010(Xem: 11063)
Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy.
01/10/2010(Xem: 8432)
Trong giáo lý căn bản của đức Phật, vô minh (avijja) là điểm khởi đầu của vòng tròn mười hai nhân duyên (paticca-samuppada) đưa tới sinh tử, khổ đau...
30/09/2010(Xem: 8328)
Ni Sư Tenzin Palmo là đối tượng của quyển sách “Trong Động Tuyết Sơn” của Vicki Mackenzie thuật lại tiểu sử của Ni Sư Palmo và mười hai năm trong ẩn thất cô tịch của bà. Năm ngoái, bà đã gặp gỡ những người tham dự khóa nhập thất Lamrim (1) của Tushita Dharamsala và những hành giả khác tại Tu viện Tashi Jong bên ngoài Dharamsala, Bắc Ấn Độ. Bài viết dưới đây thuật lại cuộc trò chuyện của họ.
30/09/2010(Xem: 9034)
Về đức tin trong đạo Phật, người ta có thể đặt câu hỏi : - Có đức tin hay không trong đạo Phật ? Hay nói một cách khác : đạo Phật có cần đến đức tin hay không ? - Nếu có, đức tin trong đạo Phật có khác gì với đức tin trong các tôn giáo khác không ? - Nếu khác, đức tin này có những đặc điểm gì ? - Và cuối cùng, có những khác biệt gì về đức tin giữa các tông phái Phật giáo, giữa đạo Phật nguồn gốc, Nguyên Thủy và Đại Thừa, giữa Thiền, Tịnh Độ và Mật tông ? Thiết tưởng việc đầu tiên là định nghĩa đức tin và các loại đức tin.
30/09/2010(Xem: 12276)
Ngay thời kỳ Phật giáo từ Trung Hoa mới truyền đến nước Nhật qua ngã Đại Hàn (Korea) vào năm 552 Tây Lịch, lễ Bon (Vu Lan) đã được tổ chức tại Nhật,...
30/09/2010(Xem: 8872)
Thí dụ là một thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ dùng một hình ảnh cụ thể hay một trường hợp điển hình để minh họa cho một vấn đề mới. Trong các thuyết giảng của Đức Phật, Ngài luôn có những hình ảnh thí dụ để minh họa cho giáo lý và pháp môn tu tập. Rõ ràng việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này làm cho nội dung thuyết giảng được giải bày cụ thể, trong sáng, súc tích và giúp cho người học đạo nhận thức được vấn đề một cách trực tiếp.
30/09/2010(Xem: 9694)
Phật giáo như ánh sáng mặt trời mà nhìn ánh sáng ấy, chúng ta chỉ có cặp mắt nhỏ hẹp. Tuy nhiên, một là tất cả, chúng ta có thể căn cứ một vài điều sau đây mà biết tất cả đặc điểm của Phật giáo. Thứ nhất, đặc điểm của Phật giáo là “y như sự thật”: Lý thuyết, phương pháp, kết quả đều hợp lý, đều như thật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]