Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm Phật – Thấy Phật – Làm Theo Phật

20/10/201102:04(Xem: 8134)
Tìm Phật – Thấy Phật – Làm Theo Phật
TÌM PHẬT – THẤY PHẬT – LÀM THEO PHẬT
Thích Trí Quảng

Chúng ta tự khẳng định là con của Đức Phật, nhưng chưa thấy Phật thì phải đi tìm Phật, như đi tìm người cha mà mình bị thất lạc; đó là quá trình tu hành của giai đoạn một. Và đến giai đoạn hai, khi tìm được Phật là thấy Phật rồi, chúng ta mới thật sự học Phật, làm theo Phật, là giai đoạn ba.

2009_07_ducphat1_395120239

Học Phật, hành theo Phật sẽ thành Phật

Giai đoạn một, đi tìm Phật bằng cách nào? Nếu chúng ta có trồng căn lành ở kiếp quá khứ, hay chúng ta là Phật tử thực, thì trong lòng chúng ta lúc nào cũng nghĩ đến Phật, mới đi tìm Phật và đi tới đâu, chúng ta thấy có chùa liền nghĩ là có Phật ở đó. Đó là tìm Phật ở trong chùa. Điển hình như vua Càn Long rất sùng mộ đạo Phật, có lẽ đời trước ông là người tu, nên đời này ông luôn nghĩ đến Phật. Vua Càn Long rất quý trọng đạo Phật, nên có lời phát nguyện rằng tới đâu thấy chùa thì vào công quả, dù chùa lớn hay nhỏ.

Lúc ông đi vi hành là bí mật đi xem xét tình hình sinh hoạt của dân chúng, ông thường vô chùa công quả, dọn dẹp. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ rằng nhà vua mà lại công quả, làm lao động không nề hà; còn chúng ta là người xuất gia thật sự là đệ tử Phật mà mình có bồi đắp cho đạo hay không. Nhà vua không có quyền lợi gì trong việc công quả, nhưng lại nghĩ đến lo cho Phật pháp, nên ông đã có được công đức rất lớn. Thật vậy, ông là người Mãn Châu, nhưng cai trị người Hán lâu dài đến 61 năm, tức là dài một kỷ theo người Trung Hoa.

Ít có ông vua nào làm vua lâu như ông và trong đời ông đã công quả, tu bổ chùa chiền; vì ông nghĩ rằng trong chùa có Phật, nên phải giữ gìn chùa, xây dựng chùa, tức bảo vệ Phật pháp. Ông cũng ra lệnh đặc biệt được muôn đời ghi nhận trong sử sách rằng bá quan văn võ, hay bất cứ người nào đi ngang qua chùa đều phải xuống xe, đi bộ, vì trong chùa có Phật, mà đi ngang Phật, không xuống xe là thất lễ. Ngày xưa, đi ngang vua còn phải cúi đầu, trong khi Phật phải được kính trọng hơn vua. Người nào vi phạm lệnh này sẽ bị giáng chức. Lệnh này của vua Càn Long đã được ghi khắc trên bảng đặt trước các chùa mà ông đi ngang qua.

Nghĩ trong chùa có Phật, nên giữ gìn chùa là giữ gìn Phật. Ngoài ra, ông còn đúc tượng Phật và cúng dường Tăng. Hễ ai mặc áo tu thì ông bình đẳng cúng dường, không kể lớn nhỏ. Điều này thể hiện tấm lòng tôn kính của ông, vì ông nghĩ người tu hành sẽ thành Phật; cho nên ông cúng dường chư Tăng là cúng dường Phật. Nếu ta có nguyện thành Phật mà người cũng nghĩ như vậy, nhưng ta lại bỏ mất nguyện này là có lỗi lớn.

Vì người nghĩ ta quyết tâm tu thành Phật, cho nên họ đầu tư cho nguyện này của chúng ta bằng tiền của, hay bằng niềm tôn kính, gọi là trọng Tăng. Và được như vậy, ta trở thành người giàu có lớn. Vì vậy, người tu mà không nhận được kho báu này của Phật, thì đây là điều rất buồn. Thật vậy, tôi quan sát kỹ thấy những người quyết tâm tu để thành tựu Phật quả, cuộc đời của họ sẽ thay đổi rất lớn. Riêng tôi có kinh nghiệm này, tôi xuất thân từ gia đình nghèo ở Củ Chi, một vùng chiến tranh khốc liệt; nhưng nhờ tôi quyết tâm tu làm Phật, nên người đầu tư cho tôi niềm tin và tịnh tài mỗi lúc mỗi đông hơn. Nhờ vậy cho đến nay, tôi có trên mười vạn đệ tử, mới trở thành người giàu, không phải giàu tiền của.

Giàu là tất cả mọi người hướng tâm về tôi, nghe theo tôi chỉ dạy; cho nên Nhà nước nói tôi là Hòa thượng có quần chúng. Tài sản của người tu là quần chúng và niềm tin của quần chúng hướng về mình. Thực tế cho thấy người được quần chúng tin tưởng nhiều thì sẽ làm được việc lớn. Ở ngoài xã hội, nếu được người tin tưởng có thể điều hành công việc của xã hội, họ sẽ được người tín nhiệm, bầu vào chức vụ quan trọng. Còn chúng ta tu hành mà người tin tưởng ta sẽ thành Phật, nên họ quý mến và hỗ trợ chúng ta. Người tu mà không được tin tưởng thì phải xét lại mình có thật tu hay không.

Tôi có biết một thầy thường cầm sổ đi quyên góp cất chùa, nhưng mấy chục năm gặp lại, người này cũng không có chùa và viện nhiều lý do. Tôi khuyên thầy này nên bỏ ý định cất chùa, nhưng chỉ giữ ý nguyện là đi tìm Phật và nếu thầy gặp Phật thì Phật sẽ cho đầy đủ, muốn gì cũng có. Thầy này lại trả lời là muốn chùa cũng không có. Ta muốn tu, hay muốn chùa? Muốn chùa để làm gì?

Gặp được Phật giao chùa thì khác, còn muốn thì không bao giờ được; đó là kinh nghiệm của tôi. Điều quan trọng là các thầy tu hành phải tìm Phật và gặp được Phật, Ngài sẽ bổ xứ giao chùa cho mình, thì không trở thành có. Trái lại, nếu Phật không bổ xứ, dầu có chùa do tranh chấp, tham vọng tạo nên, thì đó không phải là chùa để tu, nhưng là nơi mà ai vô ở cũng sẽ tiếp tục tranh chấp, chỉ toàn là phiền não, thậm chí cho đến mất mạng.

no_picture

Bước đầu của tiến trình tu học là đi tìm Phật - Ảnh minh họa

Bước đầu, tôi nhắc các thầy là đi tìm Phật. Tôi đi tu tìm Phật từ năm 12 tuổi, đi từ chùa này sang chùa khác, đi từ tỉnh này đến tỉnh khác. Tôi nghĩ rằng chắc chắn có Phật, nhưng không biết Phật ở đâu. Mình là đứa con mồ côi, nên cố gắng đi tìm cha. Mới đầu vô chùa cũng nghĩ như vua Càn Long rằng trong chùa có Phật, nên thấy tượng Phật là sụp lạy. Nhưng lạy một lúc, Phật cũng không nói gì, không dạy gì. Tu như vậy một thời gian, người ta dễ bỏ cuộc, vì ở chùa nhưng không thấy Phật. Ai đi tu cũng có cảm giác như vậy, nhưng chúng ta có căn lành, mới đi tìm Phật.

Đầu tiên người tu đi tìm Phật ở chùa và cũng thấy có Phật; nhưng tánh linh cho chúng ta biết đây không phải là Phật, mà chỉ là tượng Phật. Tượng Phật chỉ là tiêu biểu tượng trưng cho Phật mà thôi; nhưng người có căn lành thấy tượng Phật liền nghĩ đến Phật. Thuở nhỏ, tôi thấy hình Phật trên bao nhang, nghĩ là Phật, mới đi tìm và đương nhiên đi tìm Phật trong chùa, nhưng xác định Phật không phải là tượng, nên lại bỏ đi. Và tìm Phật mãi cũng không thấy Phật, nên chúng ta không tìm Phật qua tượng Phật nữa; mà tìm Phật qua lời dạy của Ngài, nghĩa là đọc tụng kinh điển xem Phật dạy gì là bước thứ hai tìm Phật trong kinh điển.

Tất cả các vị cao tăng đều tìm thấy Phật trong kinh điển; mà mỗi người thấy một điểm gọi là ngộ. Như vậy, tìm Phật không gặp trong chùa, nhưng gặp Phật trong kinh điển bằng cách nào? Có người tụng kinh để mà tụng, thì suốt đời không thấy Phật, khác với tụng kinh mà gặp Phật. Tụng kinh, nhưng không có căn lành là không có hột giống Bồ đề, dù tưới tẩm bao nhiêu cũng không gặp Phật. Vì vậy, tâm Bồ đề là chính, nhờ tâm Bồ đề, chúng ta đọc tụng kinh mới phát hiện ra Phật là bước thứ hai, gặp được Phật.

Tôi tu Pháp Hoa gặp Phật qua các vị Tổ sư, bằng cách đọc sách của các Ngài để lại mà phát hiện ra Phật, gọi là đồng hạnh, đồng nguyện. Gặp được Phật này tu hành, chủ yếu là Thiền tông đặt ra. Tìm Phật bên ngoài không được, chúng ta mới tìm Phật bên trong. Có người nói tìm Phật trong lòng chúng ta. Lòng chúng ta có hai trường hợp. Nếu là Phật hay Bồ tát thị hiện lại, thì tìm trong lòng sẽ thấy Phật, thấy Bồ tát.

Nhưng nếu là phàm phu nghiệp chướng, ác ma thì không thể tìm Phật trong tâm được. Vì vậy, người tu Thiền thuộc hàng thượng căn, tức là Bồ tát thị hiện trở lại cuộc đời này; cho nên các Ngài ngồi yên và tâm yên tĩnh thì thấy Phật xuất hiện, là các Ngài tìm được Phật trong tâm, gọi là Thiền sư ngộ đạo. Còn ngồi yên mà không thấy Phật, chỉ thấy phiền não trần lao nghiệp chướng thì đó là chúng sinh, hay thấy toàn việc ác thì đó là ác ma đời trước hiện lại.

Vì vậy, chúng ta không tìm Phật trong tâm, nhưng tìm Phật ở trong kinh điển. Điển hình người đầu tiên tìm thấy Phật trong kinh là Ngài Trí Giả. Ngài là Tổ khai sáng Thiên Thai tông, chủ yếu là Ngài thấy Phật trong kinh Pháp Hoa. Người đọc tụng kinh xem kinh nói gì, từ chỗ đó tương ưng với niềm tin của chúng ta khao khát hiểu Phật, thấy Phật thì Phật này hiện ra.

Thể hiện lý này, Ngài Trí Giả tìm Phật trong kinh Pháp Hoavà thấy được hội Linh Sơn vẫn còn, thấy Phật Thích Ca đang thuyết pháp và có vô số Bồ tát, Thiên long Bát bộ hiện ra. Vì vậy, Ngài khẳng định mình đã thấy Phật.

20215102450

Tìm Phật trong kinh điển, tâm ta bừng sáng - Ảnh minh họa

Nói cách khác, chúng ta tìm Phật trong kinh điển, nhưng tâm chúng ta bừng sáng, thì chúng ta thấy Phật. Chúng ta tu thường có cảm giác này trong bất giác. Trên bước đường tu, trong lúc bất giác, tức vô tâm, tôi đang đứng yên và tâm cũng đứng yên thì vụt có cảnh giới khác hiện ra. Vì vậy, có lúc tôi nhìn trời xanh, nhưng vì có niềm khao khát trong lòng muốn thấy Phật, cho nên thấy Phật hiện ra trên bầu trời. Trước kia, tôi nghe nói Phật hiện ra trong không trung, nhưng không tin; đến khi có trạng thái bất giác như vậy, tôi thấy đó là sự thật.

Chắc chắn người tuyệt mạng trên biển bị chìm tàu, họ sợ quá đến mức độ thất thần; nhưng nhờ lòng họ có căn lành nên khi rơi vào trạng thái bất giác đó, thì thấy Phật hiện ra trên biển. Sau đó, họ không biết gì, tưởng là chết, nhưng cuối cùng sáng hôm sau thấy nằm trên bãi biển.

Khi đạt đến trạng thái vô tâm là không còn ý nghĩ gì trong sanh tử, Thiền gọi là bế quan, tức đóng kín sáu giác quan bên ngoài thì từ Mạt na thức sẽ hiện ra. Nếu đời trước chúng ta đã trồng căn lành, thì Phật sẽ hiện ra. Tôi đã thoát được sự nguy hiểm cũng có cảm giác tương tự muốn gợi ý cho quý vị.

Người tu không có niềm tin và không quyết tâm tìm Phật, e rằng khó vào đạo, dù có văn bằng tiến sĩ cũng vô ích. Quan trọng là thấy được Phật thì cuộc đời ta phải thay đổi tốt đẹp. Vì vậy, tuy vô tâm, vô niệm, nhưng kết quả trên bước đường tu chúng ta có nhiều điều kỳ diệu là vô cầu nhưng toại ý, tức đối với mọi việc xảy đến, chúng ta không buồn phiền, khổ đau; đó là thực chất của người tu.

Tôi khuyên quý vị phải đi tìm Phật, tìm trong chùa để gặp các bậc cao tăng khai ngộ và tìm trong kinh để được Phật Thích Ca giới thiệu. Tôi đã từng làm như vậy và đã thấy được Phật. Còn nếu chúng ta vào chùa chỉ gặp bạn đồng hành, hay giáo thọ sư mà mình không bằng lòng, thì tôi khuyên quý vị nên bỏ đi; đừng để phiền não trần lao nghiệp chướng nổi dậy nữa, vì cuộc đời này đã có quá nhiều đau khổ rồi, cho nên phải cố gắng đi tìm thiện tri thức.

Trên bước đường tu, tôi được may mắn lúc mới tu chưa biết chữ Nho, đến chùa Hoằng Khai được Hòa thượng Đạt Vương tặng cho bộ kinh Pháp Hoachữ Hán, tôi không biết đọc, vì lúc đó mới là Sa di. Nhưng đi đâu, hành lý của tôi cũng chỉ có bộ kinh này là thiện tri thức. Việc khai ngộ của Hòa thượng rất lạ lùng, thông thường cho kinh cho người có học, nhưng Ngài lại cho một chú tiểu nhỏ làm sao đọc được. Theo tôi, đây là Phật đã khiến vị sứ giả này mang kinh Pháp Hoacho tôi, vì đời trước tôi tu Pháp Hoa rồi. Bộ kinh này là hành trang theo tôi suốt cuộc đời tu của mình, cho nên khi xây dựng chùa Huê Nghiêm 2, tôi thờ bộ kinh này trên tháp chùa.

Có thể khẳng định rằng thiện tri thức đóng vai trò rất quan trọng cho bước đường tu của mình. Khi tôi qua Đức Hòa, gặp được một vị Hòa thượng khác không quen, nhưng Ngài lại bảo tôi rằng nơi này không phải là chỗ của tôi, chú phải sang Thủ Đức, nghĩa là có thiện tri thức chỉ đường cho tôi. Và qua Thủ Đức, ở chùa Phước Tường được một, hai tháng, vị Hòa thượng này lại xuất hiện và bảo tôi không nên ở chùa này, mà phải ra Tổ đình Huê Nghiêm. Tôi lại đến Huê Nghiêm tu cảm thấy điều đặc biệt đây đúng là chỗ của mình, quả đúng như lời của vị thiện tri thức khai ngộ.

Ở Huê Nghiêm, tôi thấy Hòa thượng Huê Nghiêm khuya nào cũng tụng kinh Pháp Hoavà trì ngũ hối. Từ những sự kiện như vậy, tôi có ý nghĩ sâu sắc về sự khai ngộ của thiện tri thức. Thật vậy, có kinh nhưng không có thầy chỉ dạy, chúng ta cũng khó nhận ra lý của kinh.

Phải nhờ thầy khai ngộ mới được. Điển hình là Ngài Trí Giả tụng kinh Pháp Hoathấy hội Linh Sơn của Phật Thích Ca vẫn hiện hữu là nhờ Ngài Huệ Tư đại Thiền sư khai ngộ, vì vị này đã chứng được nhứt tâm tam quán. Quý vị nên suy nghĩ về nhứt tâm tam quán. Nếu thiện tri thức chưa đắc được nhứt tâm tam quán là chưa đắc định thì coi chừng họ chỉ là người thường, là phàm tăng mà chúng ta gặp rất nhiều. Còn gặp được thiện tri thức đắc định, thì mỗi vị có một loại định khác nhau.

Đại Thiền sư Huệ Tư được định là nhứt tâm. Trên bước đường tu, chúng ta thấy có người tâm tập trung được, có người không thể tập trung. Người không tập trung thì ngồi thiền, tụng kinh, hay nghe giảng mà đầu óc nghĩ đủ thứ, thì không bao giờ đắc đạo. Khi đạt đến nhứt tâm là tập trung được tư tưởng cao độ sẽ có sức mạnh tâm linh ảnh hưởng đến người khác cũng được nhứt tâm theo. Thiền gọi đó là truyền tâm.

Thầy và trò cùng nhứt tâm giống như hai thanh đồng truyền điện cho nhau được. Ngài Huệ Tư đắc định nhứt tâm, cho nên tâm tập trung mạnh ảnh hưởng ngay cho Trí Giả đại sư; nhờ vậy, Ngài Trí Giả đọc kinh Pháp Hoamới hiểu được nghĩa lý của kinh Pháp Hoavà ngộ hai chữ phương tiện. Như vậy, khi nhận được sự truyền tâm của thầy thì phải ngộ bất cứ điểm nào đó trong kinh.

Từ ngộ được hai chữ phương tiện, Ngài Trí Giả mới thấy hội Linh Sơn chưa tan. Bấy giờ, Ngài Huệ Tư dạy rằng như vậy là ông đã ngộ rồi, không cần ở đây nữa, mà nên đi. Thiền sư diễn tả ý này là: “Khô mộc long ngâm, bằng quân hội đạo khứ”, nghĩa là ai ngộ được thì đi, mỗi người một phương, còn chưa ngộ thì ở lại. Thực tế bằng mắt phàm, chúng hội thấy Ngài Huệ Tư đuổi Ngài Trí Giả đi, nhưng sự thật không phải như vậy. Cả hai Ngài cùng ngộ, cho nên Ngài Trí Giả hiểu được ý của thầy mình, Ngài ra đi trong vui vẻ; không phải chỉ nghĩ theo phàm phu là ở đây có công tu, làm được việc thì sẽ kế thế thầy để làm trụ trì.

Ngài Trí Giả ngộ “Phương tiện”, nên xuống đất Kim Lăng, Ngài giảng kinh Pháp Hoa trong suốt 3 tháng mà chỉ giảng một chữ Diệu của năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Và trong suốt 8 năm, Ngài khai mở cánh cửa phương tiện qua cách triển khai yếu nghĩa của năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Có thể nhận thấy rõ rằng Ngài Trí Giả ngộ hai chữ phương tiện mà trở thành vạn năng. Thật vậy, ngày nào Ngài cũng thăng tòa thuyết giảng Diệu Pháp Liên Hoa mà đại chúng nghe không biết chán, thậm chí cho đến vua chúa cũng bãi triều để đi chùa nghe giảng kinhPháp Hoa. Đó chính là sức mạnh tâm linh của người ngộ đạo là ngộ Phật tri kiến, hay ngộ thấy Phật.

kinh_1208823748

Tôn tượng Phật

Thấy Phật là gì? Kinh Pháp Hoanói là Phật tri kiến, tức huệ của chúng ta phát sanh, không phải thấy Phật ngồi trước mặt chúng ta. Ngộ thì Phật hiện ra trong tâm, trong trí chúng ta. Vì vậy, kinh Pháp Hoanói người như vậy đã đến đạo tràng, trong thân của họ đã có Phật. Ông bảo trời người phải nên cúng dường như cúng chư Phật. Vì ngộ, nên thân tứ đại ngũ uẩn trở thành vô lậu Pháp thân.

Xưa kia, Đức Phật Thích Ca cũng nhờ ngộ như vậy, mà Ngài chuyển thân tứ đại thành vô lậu Pháp thân. Vì vậy, thành Phật rồi, cũng thân đó, mà người trông thấy sanh kính trọng; khác với trước khi Phật ngộ, năm anh em Kiều Trần Như thấy Phật uống bát sữa thì họ ghét bỏ, nhưng Phật ngộ rồi thì họ sụp lạy Phật.

Chúng ta tu hành cũng vậy, khi chưa ngộ thì gian nan lắm. Nhưng ngộ được tri kiến Phật, ta không còn nhu cầu gì, mà tất cả Phật sự tự nhiên tới và thành tựu tốt đẹp. Còn cần cầu sẽ rơi vô tham vọng, chẳng được gì, chỉ toàn là phiền não.

Trên bước đường tu, chúng ta tìm Phật trong chùa, trong kinh, sẽ gặp được thiện tri thức chỉ dạy. Nếu tu Pháp Hoa, gặp được thiện tri thức lớn nhất là Phổ Hiền Bồ tát sẽ tới với chúng ta. Kinh Pháp Hoanói rõ điều này, khi có Phổ Hiền Bồ tát xuất hiện thì người chống đối sẽ trở thành người hộ pháp. Nhận chân yếu nghĩa này, hành giả Pháp Hoa không sợ người chống đối, nhưng sợ mình không ngộ đạo. Nếu ngộ, thì Phổ Hiền đến giúp đỡ. Nếu gặp ác ma, Phổ Hiền dùng sức thần thông hộ trì diệu pháp, nghĩa là Ngài biến ác ma thành pháp lữ.

Ngày xưa, khi chùa Ấn Quang chưa được xây dựng kiên cố, còn ở trên nghĩa địa. Ông Cầm là Trưởng ty Vệ sinh đã ra lệnh hốt chùa; nhưng khi cảnh sát đến dẹp chùa, tự nhiên họ không dám làm vậy. Ông này mới nổi giận đích thân đi dẹp chùa. Ông đến chùa chỉ nhìn thấy có Hòa thượng Trí Hữu, không thấy ai cả, nhưng sao ông cũng cảm thấy sợ.

Tôi nói đây là lực của Phổ Hiền Bồ tát. Vì Hòa thượng Trí Hữu tụng kinh Pháp Hoavà có niềm tin rất mãnh liệt với bộ kinh này, khó ai có được niềm tin như Ngài. Khi Ngài tụng xong một bộ kinh Pháp Hoathì đốt một liều hương trên đầu, như vậy mà Ngài đốt liều hương khắp cả đầu Ngài rồi, Ngài lại đốt trên hai cánh tay và cuối cùng Ngài đốt đứt một ngón tay, mà chẳng sợ.

Vì vậy, khi ông Cầm đến dẹp chùa, Hòa thượng vẫn bình tĩnh như không có việc gì xảy ra. Trái lại, ông Cầm lại sợ và sau này ông phát nguyện trở thành Trưởng ban Bảo trợ Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang. Tôi nghe Hòa thượng kể lại việc này cũng thấy ứng nghiệm với đại nguyện của Phổ Hiền Bồ tát là chuyển hóa ác ma trở thành pháp lữ.

Nếu chúng ta tụng kinh Pháp Hoamà không hiểu nghĩa lý sâu xa thì Phổ Hiền Bồ tát khuyên chúng ta nên nhập thất trong 21 ngày. Nếu may mắn, thấy được Phổ Hiền xuất hiện, mọi việc khó khăn sẽ tự động được hóa giải. Và quý vị sẽ có tâm bình ổn, có được hiểu biết kỳ diệu gọi là vô ngại biện tài, nghĩa là nếu ai hỏi điều gì, mình cũng biết thông suốt.

Trên bước đường tu, là đệ tử Phật, quý vị cần phải tìm Phật. Và đặc biệt trong ba tháng an cư kiết hạ, chuyên tâm sống với Phật, cầu mong tất cả hành giả sớm được thấy Phật, học theo Phật, làm theo Phật.

HT.Thích Trí Quảng
(Giác Ngộ)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/03/2012(Xem: 6727)
Sự giải thoát có thể dụ cho một sự sáng không bờ mé, ngăn ngại và cái ngã đã được giải thoát (vô ngã) dụ cho một cái sáng khác ở trong cái sáng không bờ mé đó...
19/03/2012(Xem: 10519)
Không thể không phản tỉnh, không thể không kiểm thảo, hay nói cách khác, nhất định phải tìm lỗi lầm của chính mình, phải tìm tâm bệnh của chính mình.
19/03/2012(Xem: 9608)
Một thái độ từ ái vị tha chỉ có một khuôn mặt, ân cần tử tế đến tất cả. Tuy nhiên, sự vị tha này giúp ích người khác và chính mình, cả hiện tại bây giờ và trong tương lai dài lâu. Như một vi lạt ma Tây Tạng Kunu Tenzin Gyelsten đã nói, "nếu con muốn là một người thân hữu của tất cả, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn là một người hướng dẫn tâm linh cho tất cả mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn giúp ích mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn."
17/03/2012(Xem: 9897)
Theo truyền thuyết, không lâu trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã trả lời Ananda, thị giả theo hầu cận Phật nhiều năm, khi vị này xin Phật chỉ dẫn cách đối xử cho các vị tỳ kheo...
15/03/2012(Xem: 21518)
Pháp hành thiền không chỉ dành riêng cho người Ấn Độ hay cho những người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà là cho cả nhân loại vào tất cả mọi thời đại và ở khắp mọi nơi.
11/03/2012(Xem: 8717)
Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
11/03/2012(Xem: 9725)
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt.
10/03/2012(Xem: 9072)
Trong một quyển sách nhỏ « PhậtGiáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008), tác giảFabrice Midal đã dành riêng một chương (chương 7, tr.123-137) để tóm lược thậtngắn gọn một số các khái niệm căn bản giúp chúng ta ôn lại những gì thật thiếtyếu trong giáo lý nhà Phật.
09/03/2012(Xem: 9603)
Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại thành phố Santa Clara, miền Bắc California, Hoa Kỳ từ ngày 02/8/ đến ngày 06/8/2012.
05/03/2012(Xem: 10076)
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]