Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận Về Vấn Đề Phật Sự

22/07/201101:14(Xem: 7324)
Luận Về Vấn Đề Phật Sự

LUẬN VỀ VẤN ĐỀ PHẬT SỰ
(Chúc Phú)

Có những biện giải Phật học mà đôi khi ý nghĩa thực tiển vượt thoát khỏi cái võ ngôn từ. Đó là khi hiện thực nương gá vào sự biện giải đó bị biến dạng theo lịch sử, thời gian. Gần gũi hơn, có những phạm trù, khái niệm mà khi vận dụng, ta vô tình quên mất nghĩa gốc ban đầu của chúng. Vấn dề Phật sự là một trường hợp như vậy.

1. Phật sự theo nghĩa lịch sử

Phật sự (Buddha-kārya) là việc của Phật. Việc của một đấng giác ngộ hoàn toàn và đem sự giác ngộ đó chuyển hóa chúng sanh. Ở tầng nghĩa nguyên thủy, việc của Phật chỉ tập trung chủ yếu vào mỗi một việc là chuyển hóa và độ thoát chúng sanh. Nói cách khác, độ chúng sanh, làm cho chúng sanh giác ngộ là Phật sự.

Đọc lại lịch sử Đức Phật, theo Maha Thera Narada trong Đức Phật và Phật Pháp, có thể thấy một ngày của Đức Phật bắt đầu từ khi tảng sáng, khi ấy Phật dùng thiên nhãn để quán sát thế gian, xem có ai cần để Ngài tế độ. Nếu thấy có người cần hỗ trợ thì không đợi họ thỉnh cầu, Ngài tự ý đến để dẫn dắt người ấy. Sau khi thọ thực xong, Ngài thuyết một bài pháp ngắn. Khi đã trưa, Đức Phật lui về hương thất. Nếu muốn, Ngài nằm nghiêng bên mặt và định thần một lát. Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định (Maha Karuna Samapatti) và dùng Phật nhãn quan sát các vị tỳ kheo hành thiền nơi rừng sâu vắng vẻ hoặc các vị đệ tử khác ở xa, để hướng dẫn và khuyên dạy các vị ấy. Vào buổi chiều, thiện tín kéo đến nghe Pháp. Do Phật nhãn, Ngài nhìn vào khuynh hướng tâm tánh của từng người trong cử tọa để thuyết Pháp độ một giờ. Từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm là khoảng Đức Phật dành riêng để các vị tỳ kheo được tự do thỉnh cầu nhằm soi sáng những hoài nghi về giáo pháp, xin đề mục hành thiền. Từ mười giờ đến hai giờ khuya, chư Thiên từ các cõi Trời, đến hầu Phật và hỏi Ngài về giáo pháp. Canh cuối cùng trong đêm, từ hai giờ khuya đến sáu giờ sáng, được chia làm bốn phần. Trong phần đầu, từ hai đến ba giờ, Đức Phật đi kinh hành (cankamana). Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về phía tay mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi Định (Maha Karunasamapatti), và rải tâm Từ đến khắp nơi.

Có thể nói, trọn cả ngày, Đức Phật luôn bận rộn với nhiệm vụ hóa độ cho tha nhân. Thuyết giảng cho chư Thiên, giảng dạy chúng xuất gia, thuyết giảng cho chúng tại gia và tùy cơ nghi hóa độ bất cứ ai cần ngài, không phân biệt thời gian và trú xứ. Ngài đơn giản hóa đến mức có thể về vấn đề chổ ở, thức ăn, nhằm dành tất cả thời gian còn lại của đời mình vào bản thệ hóa độ chúng sanh. Như vậy, Phật sự được hiểu ở đây chính là sự nghiệp hóa độ vĩ đại của Đức Phật. Ở tầng nghĩa này, chúng ta chỉ là người đứng rất xa và còn rất lâu mới với tới.

2. Phật sự theo nghĩa phái sinh hay là hai loại Phật sự

Như đã nói, việc của Phật thì chỉ có Phật hiểu và chỉ có Phật mới làm được. Kinh Pháp Hoa đã khẳng định điều này[1]. Nếu việc Phậtđược hiểu trong khuôn khổ giới hạn như vậy là một thiệt thòi lớn cho chúng sanh, vì chúng sanh còn rất lâu mới thành Phật. Hơn đâu hết, trong nhiều kinh điển, Đức Phật đã từng tán thán khả năng thành Phật ở mỗi chúng sanh[2]. Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, cùng với quá trình phát triển của các tông phái Phật giáo, quy mô, thể thức cũng như phạm vi lan tỏa của Phật giáo ngày càng được mở rộng. Từ đây, khái niệm Phật sự từng bước mở rộng phạm vi của mình.

Ở một chừng nào đó có thể hiểu, đi theo con đường của Phật, noi theo công hạnh của Phật, để cuối cùng được kết quả như Phật…thì được xem là đang làm việc Phật. Phàm các việc làm nhằm phát huy đức của Phật thì gọi là Phật sự[3]. Như vậy, ở nghĩa phái sinh này, Phật sự được thể hiện rất bao quát ở nhiều dạng, nhưng tựu trung, có thể khái quát khái niệm Phật sự ở nghĩa phái sinh bao hàm hai hình thức: Nỗ lực tu tập cho bản thân và công hạnh hóa độ tha nhân.

Trong hai dạng Phật sự nêu trên, dạng thứ nhất là điều quan thiết, chính yếu. Vì lẽ, nỗ lực để được như Phật là cả một quá trình, không phải chỉ một ngày, một đời, một kiếp mà có thể xuyên qua vô số kiếp. Trên năm trăm chuyện tiền thân của Đức Phật được ghi lại trong các tập Jataka đã chứng tỏ rằng, trước khi thành Phật, ngài đã kinh qua vô số kiếp sống và đã thực hành nhiều hạnh nguyện khác nhau. Do đó, đã là người xuất gia thì phải nỗ lực: “Hãy đứng dậy, ngồi dậy, Hãy kiên trì học tập, Đạt cho được an tịnh, Đừng để cho thần chết, Biết Ông là phóng dật, Mê hoặc, chinh phục Ông[4].Nói rõ hơn, hàng đệ tử Phật, đã đi theo con đường của Phật thì phải nỗ lực tu tập và tự chuyển hóa, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu thực hiện được như vậy, tức là thực hiện được phương diện thứ nhất của nghĩa Phật sự.

Ở tầng nghĩa thứ hai, tức xem việc hóa độ chúng sanh là Phật sự. Điều này, được khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ nhất ở Kinh Hoa Nghiêm: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”[5].Và như vậy, với lý tưởng Bồ tát của giáo nghĩa đại thừa, ý nghĩa Phật sự đã được mở rộng lên một tầm mức mới. Vì lẽ, lý tưởng độ thoát chúng sanh, độ tận, không mệt mõi, sẳn sàng vận dụng vô vàn phương tiện, vô vàn hình thức, miễn sao làm cho chúng sanh chuyển mê khai ngộ, lìa khổ, được vui… thì người theo lý tưởng Bồ tát sẳn sàng làm. Ở đây, chúng ta có thể thấy lý tưởng độ chúng sanh được khởi dậy mạnh mẽ, thể hiện qua sự phát nguyện của ngài A Nan, được ghi lại trong thời công phu sáng như: Con phủ phục thỉnh cầu, đức Thế Tôn từ bi, mà chứng minh cho con: trong thời kỳ dữ dội, đầy năm thứ vẫn đục, con nguyện vào đó trước, nếu còn một chúng sanh, chưa được thành Phật đà, không bao giờ với họ, con bỏ mà Niết bàn”[6]. Trong hành hoạt của các vị đại Bồ tát gắn với đời sống và niềm tin trong nhân gian như Quán Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát, ta dễ dàng bắt gặp sự phát nguyện tương tự. Không những vậy, tâm nguyện độ sanh không chỉ xuất hiện và dành riêng cho các vị đại Bồ tát, mà còn được thể hiện ở bất cứ ai mạnh mẽ phát tâm, không chỉ dừng lại ở một đời này mà còn được thể hiện trong những đời sống tiếp theo. Nói như ngài Thật Hiền: “Tôi đi là trở lại liền”[7]. Trở lại cõi đời này để tiếp tục sứ mạng độ sanh. Một câu nói ngắn nhưng hàm nghĩa cho lý tưởng độ sanh chất ngất, vô biên. Nói cách khác, trong lý tưởng của hàng Bồ tát, từ sơ phát tâm cho đến khi thành tựu trọn vẹn, sứ mạng độ thoát chúng sanh luôn là nổi khắc khoải khôn nguôi, là bản hoài khi hóa hiện trên cuộc đời này. Và cũng do bởi yếu tính này, nghĩa của Phật sự trong giáo nghĩa đại thừa ngày càng được mở rộng hơn bao giờ hết.

Trong thời đại ngày nay, Phật sự ở nghĩa này dường như bao quát hầu hết mọi việc làm của người xuất gia như: từ thiện – cứu tế, ứng phó đạo tràng, kiến thiết già lam, tự viện, giảng dạy cho chúng xuất gia và tại gia…cùng như nhiều việc vô danh khác. Kinh Duy Ma đã mở rộng nội hàm khái niệm Phật sự như sau: “Có thế giới lấy ánh sáng của Phật mà làm việc Phật. Có thế giới lấy bồ tát mà làm việc Phật. Có thế giới lấy người Phật hóa ra mà làm việc Phật. Có thế giới lấy cây bồ đề mà làm việc Phật. Có thế giới lấy y phục hay đồ nằm của Phật mà làm việc Phật. Có thế giới lấy cơm ăn mà làm việc Phật. Có thế giới lấy vườn rừng lầu đài mà làm việc Phật. Có thế giới lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà làm việc Phật. Có thế giới lấy thân Phật mà làm việc Phật. Có thế giới lấy sự trống không mà làm việc Phật. Chúng sinh thích ứng với những duyên tố trên đây mà được vào chánh pháp. Có thế giới lấy chiêm bao, ảo thuật, hình ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng dưới nước, sóng nắng, những sự ví dụ như vậy mà làm việc Phật. Có thế giới lấy âm thanh ngôn ngữ văn tự mà làm việc Phật. Có thế giới trong sạch lấy sự vắng lặng, không nói năng, không chỉ bảo và không thi vi mà làm việc Phật. Như thế ấy, A nan, chư Phật cử động tới ngừng, mọi việc toàn là việc Phật. A nan, ma quân có bốn loại, phiền não có tám mươi bốn ngàn thứ, chúng sinh vì thế mà khốn đốn, còn chư Phật thì lấy chính những thứ ấy mà làm việc Phật”[8]. Tựu trung, có thể xem diệu dụng pháp Phật là Phật sự.

3. Điều kiện để làm Phật sự

Trong hai nghĩa phái sinh của khái niệm Phật sự vừa được trình bày, làm Phật sự ở nghĩa chuyển hóa bản thân hay tự tu, tự độ đòi hỏi những điều kiện rõ ràng và đơn giản. Vì trong quá trình tự tu tập, tự chuyển hóa đó, đã bao hàm những yêu cầu bắt buộc của từng gian đoạn hành trì rồi. Nói rõ hơn, làm Phật sự ở nghĩa này rất an ổn, bình yên và luôn được vinh danh, tán thán.

Do yếu tính uẩn áo, hàm súc của khái niệm Phật sự được mở rộng từ cơ sở triết lý của giáo nghĩa đại thừa, làm Phật sự ở nghĩa phái sinh thứ hai được thể hiện trong tính hiện thực sinh động, nhưng đồng thời cũng bộc lộ ra những bất cập, nhưng khiên cưỡng, vì đôi khi có những sự lồng ghép, quá sức và thậm chí là nhân danh. Do đó, khi thực thi Phật sự ở nghĩa này, đòi hỏi người thực hành cần phải kiện toàn một vài tố chất căn bản.

Thứ nhất, cần phải phải hiểu rõ bản thân, phải có sức mạnh và chí khí lớn. Hiểu rõ năng lực cũng như hạn chế của mình. Nhận thức rõ đâu là chỗ mạnh đâu là thế yếu của bản thân để định ra một hướng đi thích hợp. Vì lẽ, con đường phụng sự, độ tha trong nghĩa rộng nhất của khái niệm Phật sự, là con đường tuy rất mực cao đẹp nhưng cũng đầy thử thách, cam go. Con đường đó không thích hợp cho những ai mang thể trạng yếu đuối và một chí khí khiếp nhược về thân và cả về tâm. Nói như kinh Địa Tạng[9], sẽ rất mực nguy hiểm nếu như người đã ốm yếu nhưng lại mang đá nặng, đã vậy, lại gặp phải người thân gửi thêm hàng hóa nữa thì bản thân dễ dàng lâm vào tình thế hiểm nguy. Ở đây, mỗi cá nhân có thề tùy chọn một dạng Phật sự nào đó, vừa sức lực và vừa phù hợp với biệt nghiệp của mình để thực hiện. Biết rõ bản thân để thực hiện Phật sự là tâm thế tích cực cần có của hàng xuất gia.

Thứ hai, cần phải duy trì năng lượng thương yêu trong suốt quá trình thực hiện Phật sự. Năng lượng thương yêu đó là đồng thể đại bi tâm, là tâm thương yêu không điều kiện và rộng khắp, không bị giới hạn bởi không gian và vượt cả mọi khoảng thời gian. Trong suốt quá trình làm Phật sự, năng lượng này cần phải song hành, vì nếu như quên mất năng lượng, hoặc năng lượng đó bị gián đoạn thì mọi việc làm mang danh là Phật sự kia, đều trở nên vô nghĩa, thậm chí đôi khi rơi vào trạng thái xấu nhất của hiện thực. Đó là điều được khẳng định ở Kinh Hoa Nghiêm: Quên mất tâm Bồ đề mà tu hành các thiện pháp, thì gọi là hành động theo ma vương”[10]Nói theo kinh Pháp Hoa thì khi làm Phật sự thì cần phải “vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà của đức Như-Lai là tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh. Áo của đức Như-Lai là nhu hòa nhẫn nhục. Chỗ của đức Như-Lai là tất cả các pháp đều không”[11]. Duy trì tất cả những tâm thế vừa nêu để thừa hành Phật sự, thì diệu nghĩa của Phật pháp được thể hiện.

Thứ ba, làm Phật sự với tâm tùy hỷ, vô cầu. Vui với niềm vui của mọi người là điều mà người làm Phật sự cần phải thực hiện. Phải dũng mãnh như đại nguyện Tùy hỹthứ năm trong mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền và phải giữ tâm vô dục, vô cầu. Phải mở rộng và chiêm nghiêm thêm từ lời dạy của đức Phật được thể hiện trong kinh Nghĩ như thế nào:Chúng con không nghĩ rằng: "Vì nhân y áo, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân đồ ăn khất thực, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân sàng tọa, Sa-môn Gotama thuyết pháp. Hay vì nhân thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp"[12]. mà đức Phật thuyết pháp chỉ vì: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp"[13].

Từ thực tế mỗi mỗi việc của người con Phật hiện nay đều mặc nhiên dùng từ Phật sự để biểu thị. Trong sự phong phú sinh động về việc làm của hàng xuất gia thời nay, nên chăng cần phải minh định đâu là Phật sự, đâu là gần với Phật sự và đâu chưa phải là Phật sự? Nên chăng có thể tạm phân ra hai hạng Phật sự như Xuất thế gian Phật sựThế gian Phật sự? Nhập thất quyết tu, kiến thiết già lam, cứu tế xã hội, làm kinh tế cho nhà chùa, tham gia các hoạt động văn hóa, gia nhập hội đoàn xã hội…đều là những việc mà người xuất gia thời nay đã và đang miệt mài thực hiện. Tuy nhiên, vẫn chưa có một sự cảnh báo hay một sự phân định và đánh giá, đâu là những Phật sự đòi hỏi người thực hiện phải có chí khí lớn, phải có tâm và có tầm và quan trọng nhất là phải luôn có Bồ đề tâm. Chính xác hơn, mặc dù đã có sự cảnh báo từ lâu trong kinh điển, nhưng không được nhắc lại, không được chú trọng nên dễ bị lãng quên. Và cũng vì vậy, nên trong quá trình thực hiện Phật sự, do chưa nhận thức đầy đủ về bản thân, do chưa được trang bị kỹ càng, do sự thiếu vắng của tri thức – trí tuệ, do chưa được phòng hộ đủ đầy và chu đáo, nên đôi khi nhân danh làm Phật sự, nhưng kết quả đạt được chỉ tiệm cận với Phật sự trong nghĩa tích cực mà thôi. Bởi lẽ, một thực tế hiển nhiên mà chúng ta cần bình tâm để nhận ra rằng: hấp lực của ngũ dục vẫn là một trong những điều quan ngại và vẫn mang tính thời sự, xưa cũng như nay.

Chúc Phú

[1]Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện thứ hai, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Thôi Xá-Lợi-Phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.

[2]Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Nguyên văn là:nên hết thảy đại chúng, chí tâm mà thâm tín; thâm tín rằng chính mình, là đức Phật sẽ thành, y như Như Lai đây, là đức Phật đã thành,

[3]Phật Quang Đại Từ Điển, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản, 2000, tập 4, trang 4273

[4]Kinh Tập, Sutta Nipata, chương hai, Kinh đứng dậy, kệ 332

[5]Đại phương quảng PhậtHoa Nghiêm kinh, Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm. Đúng theo văn kinh là: 若菩薩能随順眾生. 則為随順供養諸佛, 大方广佛华严经入不思议解脱境界普贤行愿品

[6]Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Hai Thời Công Phu, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr 141…).

[7]Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Bài văn khuyến khích phát tâm Bồ đề, tr 16

[8]Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Kinh Duy-ma, Phẩm Việc Làm Bồ Tát.

[9]Hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch, Kinh Địa Tạng, Phẩm thứ bảy, Lợi ích cả kẻ còn người mất

[10]Hòa thượng Thích Trí Quang dịch, Bài văn khuyến khích phát tâm Bồ đề, tr 31

[11]Hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch, Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư công đức, thứ 10

[12]Trung Bộ Kinh, Kinh Nghĩ như thế nào (Kinti Sutta), hòa thượng Thích Minh Châu, dịch

[13]Trung Bộ Kinh, sđd

Xem bài liên quan đến chủ đề:

PHẬT SỰ - Tâm Huy

HỌC PHẬT CHỚ NÊN HỒ ĐỒ, NGỘ NHẬN... HT. Tịnh Không

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/07/2016(Xem: 11876)
Ông ra đi đã để lại một nỗi niềm xúc động trong trái tim tôi bởi vì nếu không có Ông, con trai tôi đã nằm trong bụng cá từ lâu rồi. Gia đình tôi vẫn nhớ ơn Ông đời đời nên làm sao chúng tôi không khỏi bàng hoàng đau đớn khi hay tin Ông đã lìa cõi trần!
18/07/2016(Xem: 8779)
Ăn chay ở đây có nghĩa là không ăn thịt, không ăn cá, không giết hại chúng sinh quanh ta để làm thực phẩm nuôi dưỡng thân ta. Mặn hiểu ở đây không có nghĩa mặn lạt.
16/07/2016(Xem: 13369)
Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn giáo nói chung và pháp phục Phật giáo nói riêng thể hiện tình trạng tôn giáo và xã hội (social and religious status), được sử dụng trong hai hình thức, mặc trong sinh hoạt thường nhật và mặc trong các nghi lễ tôn giáo, nói chung các dịp đặc biệt.
16/07/2016(Xem: 7514)
Như bạn biết đấy, bắt đầu bất cứ khóa thiền nào cũng là phần orientation mà tiếng Việt gọi là hướng dẫn tổng quát. Ở đó ban tổ chức hướng dẫn cho chúng ta cần phải làm gì trong cả khóa thiền cũng như mỗi ngày. Phần quan trọng nhất và không thế thiếu được là cách hành thiền như thế nào. Khóa thiền của chúng tôi đang diễn ra cũng như vậy.
15/07/2016(Xem: 14074)
Chùa Đức Viên tọa lạc tại thành phố San Jose, tiểu bang California được Sư Bà Thích Đàm Lựu sáng lập vào năm 1980. Chùa có trường Việt ngữ Đức Viên hoạt động vào ngày chủ nhật hàng tuần. Trường có 70 giáo viên và 500 học sinh (13 lớp sáng và 13 lớp chiều). Hàng năm, chùa tổ chức hai khóa tu thiếu nhi mùa hè và mùa đông. Khóa tu thiếu nhi mùa hè năm nay được chùa tổ chức từ ngày 05 tháng 7 đến ngày 08 tháng 7 với 325 thiếu nhi tham dự. Ban Tổ chức khóa tu gồm quý Ni sư: Đàm Nhật, Đức Hòa, Thiền Quang cùng toàn thể Ni chúng chùa Đức Viên. Các em được chia thành 15 nhóm, có 30 Sư cô và 20 anh chị phụ trách. Chương trình tu học và sinh hoạt của các em hàng ngày từ 7g00 đến 19g00: 07g00. Tập trung tại trai đường.
09/07/2016(Xem: 6530)
Tại 1 trong 4 cuốn sách nổi tiếng của ni sư Ayya Khema người Đức mà tôi rất yêu kính “Khi nào chim sắt bay” (3 cuốn còn lại là “Vô ngã vô ưu”, “Tôi là ai” và “Ốc đảo tự thân”, trong đó có cuốn “Vô ngã vô ưu” của ni sư được giải thưởng sách tôn giáo hay nhất thế giới mà cá nhân tôi đã đọc nhiều lần, cả bản tiếng Anh “Being nobody, going nowhere” và tiếng Việt), chúng ta được đọc những dòng chữ tiên đoán từ hai ngàn năm về trước rằng, khi nào chim sắt bay và ngựa chạy trên 4 bánh xe thì Đạo Phật sẽ lan tỏa sang phương tây.
07/07/2016(Xem: 20647)
Một nhà doanh nghiệp rất nổi tiếng, cứ cách một đoạn thời gian, ông lại dẫn theo vợ con đến nơi hỏa táng để xem. Có người không hiểu, hỏi ông nguyên do. Ông nói rằng, chỉ cần đến nơi hỏa táng, cái tâm nóng nảy sẽ rất mau chóng an tĩnh lại, thấy danh lợi tiền tài thật nhẹ nhàng. Ở nơi hỏa táng này, không kể bạn là quan to quý tộc quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường, nghèo rớt mồng tơi, không ai biết đến, cuối cùng đều sẽ phải đến đây, chung một tư thế, lặng yên nằm xuống, sau đó bị đưa vào bên trong lò hỏa táng đang bốc cháy ngùn ngụt, khi trở ra lần nữa, thì chỉ là một chiếc hộp vuông nho nhỏ được bọc trong tấm vải đỏ.
02/07/2016(Xem: 28439)
Có một ông Lão kéo một xe gạo nặng nề lê bước trên đường vừa đi vừa thở hổn hển​,​ vô tình bánh xe chao đảo ​vì ​va vào một cục đá bên đường, làm cả xe gạo​lật ngang.​ Ông lão cố hết sức nâng xe gạo lên, nhưng​ không nâng lên nổi. Ông mệt mõi​,​ mồ hôi nh​ễ nhại, trời nắng chang chang​.​ Ông ​bất lực, ngồi bệch xuống đ​ường.​ ​​N​hìn xung quanh​, ô​ng thấy một ngôi Chùa​. Bên ngoài ngôi Ch​​ùa là những chiếc xe hơi lộng lẫy​.
29/06/2016(Xem: 7004)
Là người con Phật ai ai trong chúng ta cũng luôn tưởng nhớ đến Ngài và những lời dạy quý giá hơn vàng của Ngài. Là con Phật, chúng ta luôn quán tưởng và ứng dụng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và 37 Phẩm Trợ Đạo. Đây là những gì căn bản nhất, cốt túy nhất. Đây là những thứ mà ta luôn nhớ nằm lòng. Tôi cũng vậy.
21/06/2016(Xem: 11481)
Một nhân duyên lớn nhân dịp chùa Điều Ngự tổ chức khánh thành chánh điện chùa, ban tổ chức HT.Thích Viên Lý đã mời Ngài Dalai Dama Thứ 14 giảng pháp cho đại chúng trong 2 ngày thứ 7 và Chủ Nhật ngày 18 và 19 tháng 06 năm 2016. Đây là một thiện duyên cho cộng đồng người Việt hải ngoại mà đặc biệt là người Việt tại Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]