Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôn giáo trong thời đại Khoa Học

30/06/201101:01(Xem: 7937)
Tôn giáo trong thời đại Khoa Học

Buddha_2

TÔN GIÁO TRONG THỜI ĐẠI KHOA HỌC

Trưởng Lão. Dr.K.Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông


 

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại khoa học, và hầu như khoa học ảnh hưởng đến mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta. Kể từ cuộc cách mang khoa học thế kỷ mười bảy, khoa học đã không ngừng vận dụng những ảnh hưởng lớn lao của nó trên những gì chúng ta nghĩ và làm.

Tác động của khoa học đã có một sức mạnh đặc biệt trên những niềm tin tôn giáo truyền thống. Nhiều khái niệm tôn giáo cơ bản đang sụp đổ dưới sức ép của khoa học hiện đại và không còn có thể chấp nhận được đối với tầng lớp trí thức và những người hiểu biết rành rẽ. Nói chung, người ta không còn có thể khẳng định chân lý đơn thuần qua những suy đoán thần học hay chỉ dựa trên thẩm quyền của kinh điển một cách độc lập với xem xét khoa học. 


Chẳng hạn, những phát hiện của các nhà tâm lý hiện đại đã chỉ ra cho thấy rằng, tâm con người, giống như thân xác vật lý, làm việc theo những quy luật nhân quả, tự nhiên không có sự hiện diện của một linh hồn bất biến như một số tôn giáo giảng dạy.


Một số những người sùng bái tôn giáo thích phớt lờ những khám phá khoa học xung đột với những tín điều tôn giáo của họ. Thái độ kiên quyết như vây quả là một chướng ngại cho tiến bộ của con người. Bởi lẽ con người ngày nay từ chối tin bất cứ điều gì một cách mù quáng, mặc dù nó đã từng được chấp nhận theo truyền thống, tất nhiên những người sùng bái tôn giáo như vậy sẽ chỉ thành công trong việc làm tăng thêm hàng ngũ những người không tin những lý thuyết sai lầm của họ mà thôi.

Ngược lại, một số nhà tôn giáo thấy cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với những lý thuyết khoa học đã được nhiều người chấp nhận bằng cách đưa ra những sự giải thích mới cho niềm tin tôn giáo của họ. Một thí dụ thích hợp cho vấn đề đang bàn là Thuyết Tiến Hóa của Darwin. 

 

Nhiều nhà tôn giáo chủ trương con người là do Thượng đế trực tiếp tạo ra. Trái lại, Darwin tuyên bố rằng con người tiến hóa từ loài vượn, một lý thuyết đã làm đảo lộn những giáo lý về sự sáng tạo thần thánh và sự sa ngã của con người. Bởi lẽ tất cả những nhà tư tưởng đã được khai sáng đều chấp nhận thuyết của Darwin, cho nên các nhà thần học ngày nay có ít sự chọn lựa ngoại trừ việc đưa ra một sự giải thích mới cho giáo lý của họ để phù hợp với lý thuyết mà họ đã chống đối trong thời gian quá lâu này.

Trong ánh sáng của những khám phá khoa học hiện đại, không có gì khó hiểu khi thấy rằng những quan niệm liên quan đến vũ trụ và cuộc sống mà nhiều tôn giáo chủ trương chỉ thuần là sản phẩm của những tư duy theo truyền thống về điều vốn đã bị thay thế từ lâu. Về đại thể, sẽ là đúng khi nói rằng các tôn giáo đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển và tiến bộ của con người. Tôn giáo đã định đặt những giá trị, tiêu chuẩn, và những nguyên tắc rõ ràng để hướng dẫn đời sống con người. 

 

Song ngoài tất cả những cái tốt mà tôn giáo đã làm, tôn giáo không thể nào sống sót trong thời đại khoa học được nếu những tín đồ của nó cứ khăng khăng giam hãm sự thực vào những hình thức và những giáo điều, vào việc khuyến khích những lễ nghi và một số pháp hành khác mà vốn đã bị rút cạn hết ý nghĩa nguyên thủy của chúng.

Đạo Phật và Khoa Học
Cho đến đầu thế kỷ vừa rồi, đạo Phật vẫn còn giới hạn trong những quốc gia mà khoa học hiện đại không chạm tới được. Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu của nó, những lời dạy của Đức Phật đã luôn luôn mở ra cho tư duy khoa học.

Một lý do tại sao Phật Pháp lại có thể dễ dàng được chấp nhận bởi tinh thần khoa học đó là Đức Phật không bao giờ khuyến khích loại niềm tin có tính cách giáo điều, cứng nhắc. Ngài cũng không tuyên bố hãy y cứ những Lời Dạy của Ngài trên đức tin, sự tin tưởng, hay sự huyền khải thần thánh, mà để cho mọi người có một sự tự do và uyển chuyển về tư duy.

Lý do thứ hai đó là tinh thần khoa học có thể được tìm thấy trong cách tiếp cận Chân Lý phổ quát của Đức Phật. Phương pháp của Đức Phật nhằm khám phá và kiểm chứng Chân Lý rất giống như phương pháp của nhà khoa học. Một khoa học gia quan sát thế giới bên ngoài một cách khách quan, và sẽ chỉ thiết lập một lý thuyết khoa học sau khi đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm thực tiễn thành công.

Hai mươi lăm thế kỷ trước, bằng một phương pháp tương tự, Đức Phật đã quan sát thế giới nội tại với thái độ vô tư, và khuyến khích các đệ tử của Ngài không nên chấp nhận bất cứ lời dạy nào cho đến khi họ đã tự thân khảo sát và xác chứng hiện thực của nó. Nếu như nhà khoa học ngày nay không tuyên bố rằng thí nghiệm của họ những người khác không thể lặp lại, Đức Phật cũng không tuyên bố kinh nghiệm Giác Ngộ của Ngài là độc quyền của Ngài. 

 

Như vậy, trong cách tiếp cận Chân Lý, Đức Phật đã theo pháp phân tích như các nhà khoa học hiện nay. Ngài đã thiết lập một phương pháp tiến hành có tính cách khoa học và thực tiễn cho việc đạt đến Chân Lý Tối Hậu và chứng nghiệm sự Giác Ngộ.

Trong khi đạo Phật phù hợp rất nhiều với tinh thần khoa học, thì vẫn không đúng khi đánh đồng đạo Phật với khoa học. Thực sự mà nói rằng những ứng dụng của khoa học đã cho nhân loại khả năng sống những cuộc sống thoải mái, tiện nghi hơn, và kinh nghiệm được những điều kỳ diệu mà người ta chưa từng mơ tưởng trước đây. 

 

Khoa học có thể làm cho con người bơi nhanh hơn cá, bay cao hơn chim, và đi được trên cả mặt trăng. Tuy thế lĩnh vực kiến thức có thể chấp nhận được đối với trí tuệ của khoa học vẫn bị giới hạn trong những chứng cớ dựa vào kinh nghiệm. Và sự thực hay chân lý của khoa học vẫn phải chịu sự biến đổi không ngừng. Khoa học không thể giúp con người làm chủ được tâm của họ, nó cũng không đưa ra một sự kiểm soát đạo đức, cũng như một mục đích nào cho cuộc sống. Bất chấp những kỳ diệu của nó, khoa học thực sự vẫn có nhiều chỗ hạn chế mà đạo Phật đã vượt qua được.

Những Giới Hạn của Khoa Học
Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về khoa học và về những gì nó có thể làm, và rất ít nghe về những gì khoa học không thể làm được. Kiến thức khoa học bị hạn chế vào những dữ liệu tiếp nhận qua các giác quan. Khoa học không nhận ra được thực tại vượt ngoài các dữ liệu giác quan. Chân lý của khoa học được xây dựng trên những quan sát về dữ liệu giác quan vốn thay đổi liên tục. Do đó, có thể nói chân lý của khoa học là chân lý tương đối và không nhằm để chịu đựng sự thử nghiệm của thời gian. Và một nhà khoa học, biết rất rõ về sư kiện này, luôn sẵn lòng vất bỏ một lý thuyết nếu nó có thể được thay thế bằng một lý thuyết hay hơn.

Khoa học cố gắng để hiểu thế gian bên ngoài và hầu như không giải quyết được thế gian bên trong của con người. Ngay cả khoa tâm lý học cũng thực sự không hiểu thấu được nguyên nhân cơ bản của bất ổn tâm lý trong con người. Khi một người bị thất vọng và chán ngán cuộc đời, thế giới nội tâm của anh ta đầy những phiền muộn và bất an, khoa học ngày nay không được trang bị gì nhiều để giải quyết những trường hợp như vậy. Khoa học xã hội vốn chăm sóc cho hoàn cảnh của con người có thể đem lại cho anh ta một mức độ hạnh phúc nào đó. 

 

Nhưng không giống như một con vật, con người đòi hỏi nhiều hơn chỉ là sự thoải mái thể xác và những nhu cầu vật chất giúp cho họ đương đầu với những thất vọng và sầu khổ phát sinh từ những nếm trải hàng ngày của anh ta. Ngày nay rất nhiều người phải khổ sở vì sợ hãi, bất ổn và không được an toàn trong cuộc sống. Tuy thế khoa học cũng không có cách gì giúp đỡ được cho họ. Khoa học không thể dạy cho con người bình thường biết làm thế nào để kiểm soát được tâm khi họ bị thôi thúc bởi bản năng thú vật thiêu đốt bên trong.

Liệu khoa học có thể làm cho con người tốt hơn không? Nếu khoa học có thể, tại sao những hành động bạo lực và phi đạo đức lại nhan nhản xảy ra trong các nước được xem là rất tiến bộ về khoa học như thế? Có công bằng không khi nói rằng bất chấp mọi tiến bộ khoa học đã thành tựu và bất chấp những thuận lợi mà nó ban tặng cho con người, về cơ bản khoa học vẫn không thay đổi được bản chất nội tại của con người: khoa học chỉ làm cho những cảm giác lệ thuộc, dựa dẫm và thiếu thốn của con người tăng thêm mà thôi? 

 

Ngoài những thất bại của nó trong việc mang lại sự yên ổn cho nhân loại, khoa học cũng còn làm cho mọi người cảm thấy thậm chí bất ổn hơn bằng cách đe dọa thế giới với khả năng huỷ diệt trên quy mô lớn. Khoa học không thể đưa ra một mục đích có ý nghĩa cho cuộc sống. Nó cũng không thể cho con người thấy những lý do rõ ràng để sống. Thực sự, khoa học về bản chất là hoàn toàn thế tục và không quan tâm đến mục đích tinh thần của con người. Khuynh hướng thiên về vật chất cố hữu trong tư duy khoa học phủ nhận những mục đích tâm linh cao hơn sự thoả mãn vật chất. 

 

Bằng những lý thuyết có chọn lựa và những sự thực tương đối, khoa học đã không để ý tới những vấn đề thiết yếu nhất của con người và còn để lại rất nhiều câu hỏi không trả lời được. Chẳng hạn, khi được hỏi tại sao có những bất bình đẳng về thể chất và tinh thần hiện hữu giữa con người, không có sự giải thích khoa học nào có thể đưa ra cho những câu hỏi vốn vượt ngoài giới hạn hẹp hòi của nó như vậy.

Sự Ngu Dốt Thông Thái
Tâm siêu thoát (thế gian) do Đức Phật phát triển không bị giới hạn vào những dữ liệu - giác quan và vượt ra ngoài lý luận lôgic vốn mắc kẹt trong giới hạn của nhận thức tương đối. Ngược lại, trí tuệ của con người hoạt động trên căn bản của thông tin nó thu thập và tồn trữ, dù trong lĩnh vực tôn giáo, triết lý, khoa học hay nghệ thuật. Thông tin cho tâm được thu thập qua các giác quan của chúng ta vốn thấp kém trên rất nhiều mặt. Chính những thông tin rất giới hạn này đã làm cho sự hiểu biết của chúng ta về thế gian bị bóp méo đi. 

 

Trong cuốn sách của mình, Sự Ngu Dốt Thông Thái, một học giả Pháp có tên là Nicholas Cusa đã quan sát :
“Tất cả kiến thức được xem là đáng tán dương dựa trên các giác quan của chúng ta thực ra chỉ là sự ngu dốt, và kiến thức đích thực chỉ có được bằng cách lột bỏ tất cả những chỗ dựa này cho đến khi chúng ta tư duy mà không dùng đến những ý niệm giác quan.”

“Chân Lý không lệ thuộc vào những vấn đề bên ngoài mà ở bên trong chúng ta. Chúng ta không thể hy vọng khám phá Chân Lý bằng những thí nghiệm và nhận thức - giác quan hay thậm chí bằng tính lôgic và sự minh chứng. Đây là những phương tiện để có được kiến thức chứ không phải Chân Lý. Sách vở chỉ kích thích những tư duy và cho bạn kiến thức. Đối với Chân Lý bạn phải xoay mắt vào bên trong vì nó nằm ở trong bạn. Do đó, tìm kiếm kiến thức là một chuyện, và tầm cầu Chân Lý là một chuyện khác.

“Chữ nghĩa là sản phẩm của tâm trí hữu hạn của chúng ta và tâm trí thì lại dựa mọi sự hiểu biết của nó trên kinh nghiệm của giác quan. Các giác quan này đôi khi cũng chẳng đáng tin cậy; một sự việc xảy ra nhiều người thấy song có thể được giải thích theo những cách khác nhau.”

Một số người cảm thấy hãnh diện về điều rằng họ biết được rất nhiều. Thực sự ra, chúng ta càng biết ít, chúng ta càng chắc chắn trong sự giải thích của chúng ta; chúng ta càng biết nhiều, chúng ta càng nhận ra những hạn chế của chúng ta hơn mà thôi.

Một học giả lỗi lạc có lần đã viết trong một cuốn sách mà ông xem như tác phẩm tối hậu của ông. Ông cảm thấy rằng cuốn sách ấy đã chứa đựng hết thảy mọi điều quý giá về văn chương và triết lý. Hãnh diện với thành tựu này, ông đem khoe kiệt tác của mình với một đồng nghiệp cũng tài ba như ông với lời đề nghị ông này duyệt lại giùm cuốn sách. 

 

Thay vì duyệt, bạn đồng nghiệp của ông lại yêu cầu tác giả viết vào một miếng giấy tất cả cái mà ông biết và tất cả cái mà ông không biết. Tác giả ngồi xuống trầm tư, nhưng sau một lúc ông không viết được bất cứ điều gì ông biết cả. Ông bèn quay qua suy nghĩ đến câu hỏi thứ hai, và ông cũng lại không viết được bất cứ điều gì ông không biết. Cuối cùng, với lòng tự hào trong tình trạng thê thảm nhất, ông đầu hàng, nhận ra rằng tất cả cái mà ông biết thực sự chỉ là sự ngu dốt.


Liên quan đến điều này, Socrates, một triết gia Hy Lạp nổi tiếng của Thế Giới Cổ Đại, đã nói như thế này khi được hỏi về những điều ông biết: “Tôi chỉ biết một điều – đó là Tôi không biết gì cả”.

Vượt Qua Khoa Học
Đạo Phật vượt qua khoa học hiện đại trong việc thừa nhận một lĩnh vực tri kiến rộng lớn hơn đã được chấp nhận bởi tâm trí khoa học. Đạo Phật thừa nhận kiến thức phát sanh từ các giác quan cũng như những kinh nghiệm cá nhân đạt được qua sự tu tập tập tâm. Do tu tập và phát triển một tâm định cao, kinh nghiệm tâm linh có thể được hiểu và xác chứng. Kinh nghiệm tâm linh không phải là điều gì có thể được hiểu bằng việc tiến hành những thí nghiệm trong ống nghiệm hay khảo sát dưới ống kính hiển vi.

Sự thực mà khoa học khám phá là sự thực tương đối và phải chịu sự thay đổi, trong khi sự thực do Đức Phật khám phá là sự thực cuối cùng và tuyệt đối: Sự Thực của Pháp (Dhamma) không bị thay đổi theo thời gian và không gian. Hơn nữa, trái với những lý thuyết có chọn lựa của khoa học, Đức Phật khuyến khích bậc trí không chấp chặt vào những lý thuyết, dù là khoa học hay không khoa học. 

 

Thay vì lý thuyết, Đức Phật dạy con người cách sống một cuộc sống chánh trực, bằng cách điều phục các căn, dứt bỏ tham dục, Đức Phật đã chỉ đường để chúng ta có thể khám phá bản chất của đời sống trong chính chúng ta. Và mục đích thực sự của cuộc sống là điều có thể khám phá.

Trong đạo Phật thực hành là quan trọng. Một người học nhiều nhưng không thực hành cũng giống như người có thể đọc vanh vách những công thức nấu ăn trong một cuốn sách dạy nấu ăn khổng lồ mà không cố gắng nấu nướng một món ăn nào cả. Tất nhiên cơn đói của anh ta không thể nào dứt chỉ bằng kiến thức sách vở như vậy. Thực hành là một điều kiện tiên quyết cho sự giác ngộ và quan trọng tới mức trong một số trường phái Phật giáo, như Zen (Thiền Tông), thực hành thậm chí được đặt lên trước tri kiến.

Phương pháp khoa học có tính cách hướng ngoại, và các khoa học gia hiện đại thường lợi dụng thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên để tìm cảm giác thoải mái cho riêng họ, không quan tâm đến sự cần thiết phải hoà hợp với môi trường và vì thế đã làm ô nhiễm thế gian. Ngược lại, đạo Phật hướng nội và quan tâm đến sự phát triển tâm hồn của con người. Ở mức thấp nhất, đạo Phật dạy mỗi con người biết cách làm thế nào để thích nghi và ứng đối với những sự kiện và hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Ở mức cao hơn, đạo Phật thúc đẩy con người cố gắng vượt lên chính mình qua việc trau dồi và phát triển tâm.

Đạo Phật có một hệ thống tu tập tâm hoàn chỉnh chú trọng đến việc có được một cái nhìn thấu thị vào bản chất của mọi vật (các Pháp) dẫn đến sự tự chứng Chân Lý Tối Hậu - Niết-bàn. Hệ thống này vừa thực tiễn và vừa khoa học; nó cần đến một sự quan sát vô tư, khách quan về những cảm xúc và những trạng thái tâm. Giống một nhà khoa học hơn là giống một quan toà, người hành thiền quan sát thế giới nội tâm với chánh niệm.

Khoa Học Không Tôn Giáo
Không có những lý tưởng đạo đức, khoa học tạo ra một mối nguy cho toàn thể nhân loại. Khoa học đã chế tạo ra máy móc để rồi đến lượt nó trở thành chúa tể. Bom, đạn là những món quà của khoa học dành cho một thiểu số người nắm quyền lực mà số phận của thế giới tùy thuộc vào họ. Trong khi đó phần còn lại của nhân loại chờ đợi trong nỗi thống khổ và sợ hãi, không biết khi nào thì những vũ khí hạt nhân, những loại hơi độc, những vũ khí chết người - đây là tất cả những thành quả của nghiên cứu khoa học được hoạch định để giết người một cách hiệu quả - sẽ được đem sử dụng trên họ. Khoa học chẳng những không thể đưa ra một sự hướng dẫn đạo đức nào cho nhân loại, đã thế nó lại còn tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa tham ái của con người.

Khoa học không đạo đức kết quả chỉ là sự huỷ diệt: nó trở thành con quái vật khắc nghiệt mà con người tìm ra. Và bất hạnh thay, con quái vật này lại trở nên mạnh hơn cả chính con người! Trừ phi con người biết cách chế ngự và cai quản con quái vật qua việc thực hành đạo đức tâm linh, bằng không thì chẳng bao lâu nữa con quái vật sẽ áp đảo con người. Không có sự hướng dẫn tâm linh, khoa học đe dọa thế gian với sự huỷ diệt. 

 

Trái lại, nếu khoa học gắn liền với một tôn giáo giống như đạo Phật thời nó có thể biến đổi thế gian này thành thiên đường của sự bình yên, an toàn và hạnh phúc.
Chưa có lúc nào sự đồng hợp tác giữa khoa học và tôn giáo lại cần đến một cách cực kỳ nghiêm trọng như thế trong tinh thần quan tâm và phục vụ tốt nhất cho nhân loại. Tôn giáo không khoa học thì mù, trong khi khoa học không tôn giáo thì què.

Sự Ngưỡng Mộ Đạo Phật
Trí tuệ của đạo Phật thiết lập trên lòng từ bi có vai trò quan trọng trong việc hiệu chỉnh đích đến nguy hiểm mà khoa học hiện đại đang hướng tới. Đạo phật có thể cung cấp một sự lãnh đạo tinh thần để hướng dẫn những nghiên cứu và phát minh của khoa học trong việc thúc đẩy một nền văn hoá rạng rỡ trong tương lai. Đạo Phật có thể đưa ra những mục đích xứng đáng cho sự thăng tiến của khoa học mà hiện thời đang trong tình trạng bế tắc tuyệt vọng do bị nô lệ cho chính những phát minh của nó.

Albert Einstein đã hết lòng ngưỡng mộ đạo Phật khi ông nói, “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được những nhu cầu căn bản của khoa học hiện đại, tôn giáo đó hẳn phải là Phật Giáo”. Đạo Phật không đòi hỏi phải xét lại để giữ cho nó “cập nhật” với những khám phá gần đây của khoa học. Đạo Phật cũng không nhất thiết phải nhượng bộ những quan điểm của nó trước tinh thần khoa học vì, có thể nói, đạo Phật đã bao gồm khoa học cũng như vượt qua cả khoa học. Đạo Phật là chiếc cầu nối giữa những tư tưởng tôn giáo và khoa học bằng cách khích lệ con người khám phá những tiềm năng ngủ ngầm trong chính bản thân và môi trường chung quanh họ. Đạo Phật là muôn thuở!

 

Về tác giả:
Trưởng lão Dr.K.Sri Dhammananda Mahāthera theo đuổi sứ mạng hoằng pháp trong suốt 54 năm. Ngài sinh tại Tích Lan (Sri Lanka) vào ngày 18 tháng 3 năm 1919. Năm vừa 12 tuổi, Ngài thọ giới làm Sadi và được ban cho pháp danh Dhammananda, có nghĩa là "Pháp Hỷ hay niềm Hạnh Phúc của Pháp” cũng như Kirinde, tên cha mẹ đặt vào lúc sanh, là theo ngôi làng của Ngài.

Năm 26, Ngài tốt nghiệp Đại học Vidyalankara Pirivena tại Colombo với văn bằng tốt nghiệp Triết học Phật giáo văn hệ Pāḷi và Sanskrit cũng như kinh điển Pāḷi. Ngài tiếp tục những nghiên cứu hậu đại học tại Đại học Đường Hindu Benāres ở Bắc Ấn trong 4 năm và tốt nghiệp Thạc sĩ năm 1949. Năm 1952 Ngài được thỉnh mời đến Malaysia để giảng dạy Phật Pháp tại Chùa Phật (Buddhist Vihāra) ở Brickfields, Kualalumpur. 

 

Năm 1962, Ngài thành lập hội Hoằng Dương Phật Pháp (BMS) nhằm giúp cho công việc hoằng pháp tại xứ sở này được tổ chức rộng rãi hơn. Dưới danh nghĩa BMS, Ngài đã viết nhiều tác phẩm Phật học lớn nhỏ có giá trị. Tính đến hôm nay, Ngài đã viết 70 cuốn sách, phần lớn đã được dịch ra không dưới 16 ngôn ngữ trên thế giới.

Năm 1965, Trưởng lão Dhammananda được chỉ định làm Sư Trưởng của Phật giáo hai nước Malaysia và Singapore. Ngài viên tịch vào ngày 31 tháng 8 năm 2006, ngày Độc Lập của Malaysia ở Kualalumpur ở tuổi 87.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 7175)
Mùa xuân là hình ảnh của con người. Tâm của con người như thế nào, nó sẽ tạo ra mùa xuân cho con người đúng như thế ấy. Tâm của một người xấu thì không thể nào tạo ra một mùa xuân đẹp cho chính mình, huống hồ gì họ có thể tạo ra một mùa xuân đẹp cho gia đình và xã hội. Mùa xuân là hình ảnh của cộng đồng người. Tâm thức của cộng đồng người như thế nào, họ sẽ tạo ra mùa xuân cho chính cộng đồng của họ đúng như thế ấy. Tâm của một cộng đồng người đặt đức tin của họ vào những thế lực ngoại tại, thì tự thân của cộng đồng đó sẽ tạo ra những biểu tượng thần thánh để tôn sùng và tô vẽ cho mùa xuân của cộng đồng họ qua hình ảnh thánh thần.
08/11/2021(Xem: 8692)
Sáng ngày 6/11/2021, tại thôn Nà Danh, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Đại diện Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, và các nhà tài trợ doanh nhân Phật tử Công ty TNHH ToTo, Cục Hải Quan Hà Nội, Công ty Cổ Phần TM&DV Ngọc Hà, Công ty TNHH Kentetsu World Express Việt Nam, Công ty Cổ Phần Tư Vấn Công Nghệ Thiết Bị và Kiểm Định xây dựng CONINCO, cùng Đại diện Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Lê Lai đã tiến hành Khánh thành trường Mầm non trên địa bàn xã.
08/11/2021(Xem: 5204)
Thói quen của chúng sinh thường tự cho mình là trung tâm, và việc mãi mê những ham muốn vật chất không bao giờ thỏa mãn. Đối với mọi thứ trên đời, các bạn muốn sở hữu những thứ tốt, và từ chối những cái xấu, tức là tham lam và chán ghét. Khi tâm trí con người bị chi phối bởi hai thế lực này, họ không thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan, và cách đối nhân xử thế dễ bị trục trặc. Một số người nổi tiếng, nhưng họ thực sự có hạnh phúc? Một số người không ngần ngại sử dụng các phương tiện không chính đáng để đạt được danh và lợi, chẳng hạn như làm hại người khác vì lợi ích riêng cho bản thân, hoặc ức hiếp đánh đập những người mà họ không thích. Mọi người không ngừng suy nghĩ về sự khác biệt, và họ có thể cảm thấy tội lỗi khi tỉnh giấc lúc nửa đêm dài trong mộng. Nếu tâm không thể thanh thản thì khó có thể gọi là một cuộc sống hạnh phúc.
08/11/2021(Xem: 5330)
Vô Tầm Vô Tứ Định là tầng Định thứ hai trong bốn chi Thiền do đức Phật thiết lập. Bốn chi Thiền đó gồm Sơ Thiền tương xứng với Sơ Định hay Định Hữu Tầm Hữu Tứ, Nhị Thiền tương xứng với Vô Tầm Vô Tứ Định, Tam Thiền tương xứng với Xả hay An Chỉ Định, Tứ Thiền tương xứng với Chánh Định.
08/11/2021(Xem: 5635)
Tổ chức Từ thiện Xã hội Cộng sinh Toàn cầu và Thiếu Lâm Tự (소림사), thành phố Bucheon, Gyeonggi, Hàn Quốc đã hoàn thiện trong xây dựng ngôi Trường Tiểu học Bucheon Sorimsa (부천소림사초등학교) và trao tặng một nơi lý tưởng học tập cho các em thiếu niên tại Nepal.
08/11/2021(Xem: 15203)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
08/11/2021(Xem: 11079)
Hiền Như Bụt là tác phẩm biên khảo về Phật Giáo, bút ký pha lẫn văn chương nhưng không phải do một tu sĩ hay một nhà nghiên cứu Phật học sáng tác mà do một trí thức khoa bảng yêu mến và quý trọng Đạo Phật viết ra. Nó là sản phẩm của 20 năm, từ 1992-2012. Hạ Long Bụt Sĩ tên thật là Lưu Văn Vịnh. Ông là một dược sĩ & Cao Học Dược, Cao Học Triết Học Tây Phương -nguyên giảng sư về các bộ môn Triết Học, Tâm Lý Học tại Đại Học Văn Khoa, Vạn Hạnh và Minh Đức. Ông đã xuất bản khoảng 11 tập thơ trong đó có dịch thơ Ả Rập và Thơ Thiền cùng một số sách nghiên cứu lịch sử và triết học. Hiền Như Bụt dày 444 trang xuất bản năm 2020, bao gồm một chương Tổng Quát và sáu chương với những chủ đề: Phật Pháp Trị Liệu Pháp, Đạo Bụt và Khoa Học Vật Lý, Bóng Phật Trong Văn Học, Tư Tưởng Tam Giáo, Đạo Bụt Canh Tân và Chuỗi Ngọc Kinh Phật.
07/11/2021(Xem: 4524)
Phần này bàn về cách dùng đã, đã đã, đã tật và làm đã, đã làm vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Ngoài các bản Nôm của LM Maiorica ghi ở đoạn sau, tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
04/11/2021(Xem: 7754)
Sau đây là bản Việt dịch bài giảng pháp của Đại Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) trước các thiền gia trong buổi lễ khai thị ở trung tâm thiền tập Mahasi Meditation Center, Rangoon, Miến Điện. Bài này được dịch từ tiếng Miến sang Anh ngữ bởi Unyi Nyi, và sửa chữa lại năm 1997 bởi Đại Sư Pesala.
29/10/2021(Xem: 3759)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ, Hillary Rodham Clinton cho biết bà thường thực tập thiền định vào các khoảng thời gian giải lao trong suốt phiên điều trần ứng viên Tổng thống kéo dài 10 giờ liền.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]