Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

SƯ ÔNG LÀNG MAI KHAI SINH VIỆN PHẬT HỌC ỨNG DỤNG CHÂU Á - Chân Pháp Nguyện

11/06/201101:46(Xem: 7099)
SƯ ÔNG LÀNG MAI KHAI SINH VIỆN PHẬT HỌC ỨNG DỤNG CHÂU Á - Chân Pháp Nguyện

SƯ ÔNG LÀNG MAI
KHAI SINH VIỆN PHẬT HỌC ỨNG DỤNG CHÂU Á

Thầy Chân Pháp Nguyện

Chuyến bay Cathay Pacific Đài Bắc – Hong Kong từ từ hạ cánh. Từ trên cao nhìn xuống, Hong Kong là một thành phố có vô số tòa nhà cao tầng chen chúc mọc. Đồng hồ phi cảng chỉ đúng 11:30 sáng ngày 25 tháng 4. Đoàn xuất sĩ Làng Mai gồm 30 người được Tăng thân Hong Kong đón đưa về tu viện mới ở đảo Lantau. Tổng cộng có một chiếc xe hơi nhỏ và ba chiếc xe buýt 20 chỗ ngồi: một chiếc cho quý thầy, một chiếc cho quý sư cô và một chiếc chở hành lý, còn chiếc xe hơi thì chở Sư Ông (Sư Ông Làng Mai) và thị giả. Ba chiếc xe buýt nối đuôi nhau chạy theo xe Sư Ông hướng về chùa Liên Trì, làng Ngong Ping, đảo Lantau, Hong Kong.

chuaBaoLien-HK

Tượng Bụt chùa Bảo Liên (Po Lin) Hong Kong

Xe chạy khoảng nửa đoạn đường lên núi, trước mắt chúng tôi là một tượng Bụt khổng lồ bằng đồng ngồi uy nghiêm trên đỉnh. Con đường lên núi thật đẹp. Hai bên đường cây lá xanh tươi; một bên là núi và một bên là biển, lên xuống, uốn lượn quanh co, ngoằn ngoèo làm tăng thêm nét ngoạn mục cho phong cảnh hai bên đường. Chỉ mất khoảng hơn nửa giờ là Đoàn chúng tôi đã lên đến đỉnh núi. Khách hành hương du lịch rất đông, họ đến đây để viếng thăm và cầu nguyện trước tôn tượng của đấng Giác ngộ. Đỉnh núi có tượng Bụt vĩ đại nay cũng là một trong những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Hong Kong.

ngoichoi-HK


Phía trước là cổng tam quan của chùa Bảo Liên (Po Lin temple), xây bằng đá trắng rất to lớn và hùng vĩ. Khung cảnh rất nhộn nhịp và đông người. Nhưng ai có ngờ được trước cổng tam quan của khu du lịch to lớn như thế lại có một con đường nhựa nhỏ rẽ trái, dài khoảng 150 mét dẫn vào ngôi chùa Liên Trì ẩn náu phía bên trong. Không khí trong đây thật yên lặng và đầy thiền vị - một thế giới hoàn toàn khác biệt với bên ngoài. Chúng tôi nhẹ bước xuống xe đã thấy Sư Ông đang ngồi chơi, uống trà dưới bóng cây đa cổ thụ. Chúng tôi đến gần, xá Sư Ông. Sư Ông chỉ vào cây đa, bảo, “Đây là người bạn cũ của Thầy.”

chuaLienTri-HK


Được biết cách đây hơn 40 năm Sư Ông đã từng dừng chân tại nơi này. Ai nghe chuyện mà chẳng cảm thấy xuyến xao vì cảnh cũ còn và người xưa cũng còn có cơ hội trở lại. Hạnh phúc thay Sư Ông vẫn còn đó, có mặt và đang làm cây đa cổ thụ cho đàn con cháu nương tựa. Sư Ông dạy, “Thầy trò mình bây giờ lên chánh điện lạy Bụt trước, rồi mới ăn cơm, phải lạy Bụt trước rồi mới được ăn cơm!” Khuôn mặt Sư Ông hiền từ, vừa nói vừa cười. Chúng tôi cảm động. Đúng là lời nhắc nhở của người Cha lành.


Những hạt giống đầu tiên


Từ chuyến hoằng pháp đầu tiên vào năm 2001 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai, hạt giống đã được gieo trồng nơi xứ này. Làng Mai Hong Kong được thành lập vào tháng Năm năm 2007, trong chuyến đi Hong Kong lần thứ ba của Sư Ông. Sau chuyến đi năm 2007, thầy Pháp Khâm cùng các thầy cô Làng Mai đang tu học tại Việt Nam và Thái Lan thường trở lại Hong Kong mỗi ba tháng một lần để tổ chức khóa tu và hướng dẫn thiền sinh tu học. Hai năm sau, vào tháng Hai năm 2009, một trung tâm thực tập chánh niệm đã được thiết lập tại khu phố du lịch và thương mại Tsim Sha Tsui, Kowloon. Quý thầy Pháp Khâm, Pháp Chung, Pháp Chứng và Pháp Dũng là chúng thường trú của trung tâm. Tuy lọt thỏm vào giữa phố xá đông người, nhưng quý thầy vẫn tu tập tinh chuyên. Hằng ngày quý thầy vẫn duy trì được thời khóa như các trung tâm Làng Mai khác: thiền tọa, thiền hành, thiền làm việc. Một vài thiền sinh đến ngồi thiền buổi sáng với quý thầy. Tuy nhiên, đa số là đến sinh hoạt vào sau giờ làm việc, để tham dự buổi thiền hành ngoài công viên với quý thầy vào buổi chiều và thiền tọa vào buổi tối. Họ thấy được tầm quan trọng của sự thực tập. Nó giúp họ giảm bớt được căng thẳng và đem lại nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Có những bữa trời mưa không đi thiền hành ngoài trời được, quý thầy hướng dẫn thiền sinh đi thiền hành ở dưới đường xe điện ngầm (subway). Không biết quý vị có dịp ghé thăm Hong Kong bao giờ chưa, đặc biệt là khu Tsim Sha Tsui, Kowloon? Nơi đây là một biển người. Hong Kong là một vùng lãnh thổ nhỏ, đất hẹp người đông, và người dân phải sống trong những khu chung cư cao tầng nhỏ hẹp. Giữa phố xá nhộn nhịp đông người tấp nập như thế, lại có những bước chân thiền hành thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là một điều rất lạ làm người đi qua lại trông thấy rất ngạc nhiên.

Chuyến hoằng pháp năm 2010 của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại Hong Kong vừa qua đã đem lại rất nhiều lợi lạc cho người dân Hong Kong. Một khóa tu do Sư Ông và Tăng thân Làng Mai hướng dẫn tại trung tâm Young Men Christian Association (YMCA) có hơn 1400 người tham dự. Cuối khoá tu có hơn 300 người xin thọ Tam Quy Ngũ Giới để hành trì. Trong số thiền sinh tham dự khóa tu và xin thọ nhận Năm Giới, có một thượng tọa đến từ Đại Lục. Thượng tọa cũng xin thọ nhận Năm Giới. Khi nhận được đơn thọ nhận Năm Giới của thượng tọa, ban tổ chức đã khước từ, bởi vì thượng tọa là người xuất sĩ và dĩ nhiên là thượng tọa đã thọ Năm Giới rồi. Nhưng Thượng Tọa nói, “Năm Giới Tân Tu của Làng Mai hay quá. Tôi xin được thọ lại, để mai này về trao truyền lại cho đệ tử của tôi.” Cũng có một buổi lễ cho 25 người trong tăng thân Hong Kong được thọ nhận giới Tiếp Hiện để tiếp tục con đường phụng sự. Không khí rất vui và đầm ấm.

Cũng trong chuyến hoằng pháp này, Sư Ông đã cho một buổi pháp thoại công cộng tại Hong Kong Convention Center, có hơn 8000 người tham dự. Có một thượng tọa người Hong Kong cho biết rằng, “Chỉ có thiền sư Nhất Hạnh mới có khả năng giảng dạy thu hút được một số người đông đảo như thế. Ở đây, mỗi tuần nếu chúng tôi có được 80 người đến nghe thuyết giảng là hạnh phúc lắm rồi.” Chuyến hoằng pháp của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai đã đánh động đến tới giới trí thức và doanh nhân rất nhiều, đặc biệt là báo chí Hong Kong. Có rất nhiều bài viết đã nói về Sư Ông và Tăng thân Làng Mai cũng như những buổi giảng dạy trong chuyến đi này.

Đặc biệt có một doanh nhân xin được tham vấn Thầy, ông có hỏi một câu như thế này: Nếu mai này Sư Ông tịch thì Sư Ông muốn đi về cõi nào? Sư Ông nhìn ông với đôi mắt từ bi rồi nhẹ nhàng mỉm cười trả lời: “Về đâu cũng được! Nếu sống cho sâu sắc và vững chãi trong phút giây hiện tại và có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây thì dù đi đâu cũng có hạnh phúc.” Ông vô cùng ngạc nhiên với câu trả lời này. Thông thường người ta nghĩ rằng: 1) Sư Ông muốn vào Niết Bàn, 2) Sư Ông muốn đi về cõi Tây Phương Cực Lạc, 3) Sư Ông muốn lên cõi trời Đâu Suất để giúp đức Di Lạc chuẩn bị giáng sinh và 4) Sư Ông muốn trở lại cõi Ta Bà tiếp tục làm việc độ sinh. Câu trả lời quá là thực tế và hoàn toàn khác hẳn với bốn điểm trên.


Chia sẻ cho một tương lai đạo Bụt ở Hong Kong


Sau khi tham vấn, ông có chia sẻ về tình trạng Phật giáo ở Hong Kong cũng như những khó khăn mà thế hệ đương thời đang đối diện. Người trẻ không còn muốn đến chùa nữa. Người xuất gia thì càng ngày càng ít. Ông cũng xin chia sẻ về những ước mơ của ông như làm thế nào để đề xướng Phật giáo ở Hong Kong mà có thể giúp đỡ được người dân cũng như xã hội được an lạc và hạnh phúc hơn? Ông biết rất rõ tiền tài, quyền lực và danh vọng không đem đến cho con người an lạc và hạnh phúc thật sự.

Sư Ông nói rằng: Chỉ có một cách là làm mới lại đạo Bụt ở đây. Một thứ đạo Bụt có thể đáp ứng được nhu cầu cho con người và xã hội thời đại. Phải có một pháp môn thực tập giúp đỡ được con người buông thư, bớt căng thẳng, làm lắng dịu được thân tâm, tháo gỡ được những khó khăn và khổ đau, đem đến sự hòa giải giữa ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô, cộng sự và bạn bè, và chế tác được an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể thành lập một môi trường lành mạnh mà người trẻ có thể cảm thấy thoải mái khi tham dự. Nếu không như thế, thì người trẻ sẽ không đến chùa nữa và đạo Bụt sẽ càng ngày càng suy đồi trầm trọng. Chuyện này đã xảy ra, đang xảy ra, không những cho đạo Bụt mà đạo Cơ Đốc cũng thế, không những ở Hong Kong mà ở các nước khác trên thế giới cũng thế và sẽ tiếp tục xảy ra nếu chúng ta không làm mới lại đạo Bụt của mình.

Sư Ông tiếp tục chia sẻ về đường lối và cách tu tập của các thầy cô thực tập theo pháp môn Làng Mai hiện nay ở các trung tâm như: Làng Mai (Pháp), Lộc Uyển, Bích Nham, Mộc Lan (Mỹ), Nhập Lưu (Út), Từ Hiếu (Việt Nam), Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (Đức). Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu là một cửa ngõ mới để đưa pháp môn thực tập của đạo Bụt vào cuộc đời một cách gần gũi và thực tiễn nhất với con người thời đại. Người đến thực tập không cần phải là Phật tử mà bất cứ ai cũng có thể đến tham dự và thừa hưởng được kho tàng tuệ giác của Bụt.

Không như những trường đại học Phật giáo trên thế giới, tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu có chúng thường trú hơn 50 quý thầy cô đang thực tập và giảng dạy. Họ sống, tu tập và giảng dạy ngay tại đó, có mặt 24 giờ một ngày. Học viện có những lớp học với những chủ đề khác nhau (ví dụ như: bí quyết sống chung an lạc, làm thế nào để điều phục được cơn giận và cảm xúc, độ người hấp hối, v.v.) những khóa tu ngắn hạn và dài hạn (xin đến với trang nhà www.eiab.euđể biết thêm chi tiết về những lớp học và khóa tu). Thiền sinh có thể chọn lớp học, ghi danh và về tu tập với chúng xuất sĩ thường trú tại đây. Những gì thiền sinh học được từ trong lớp học do các thầy cô hướng dẫn, thì họ có thể đem ra thực tập ngay sau khi giờ học và thời gian tạm trú tại đó. Nếu có gì thắc mắc về sự thực tập, thì có thể tham vấn với các thầy cô ngay. Thiền sinh sẽ cảm được năng lượng của sự tu học. Mỗi Chủ Nhật hằng tuần Học Viện có ngày quán niệm công cộng. Bất cứ ai cũng có thể đến tham dự. Quý thầy cô thường trú là nền tảng của Học Viện. Với một số lượng xuất sĩ thường trú đông đảo như thế giúp tạo được năng lượng hùng hậu và đưa phẩm chất tu học lên rất cao.

Sư Ông nói chúng ta cũng có thể thành lập một Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á tại Hong Kong. Hong Kong là một trong những bốn con rồng vàng của Châu Á, một đất nước tự do - tự do nhân quyền, tự do tôn giáo. Nếu Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á được thành lập tại đây, thì không những giúp được cho người trẻ và đất nước Hong Kong mà còn giúp được cho biết bao nhiêu người trẻ ở trong vùng Đông Nam Á.

Nghe tới đây vị doanh nhân rất hào hứng. Ông nói ông có một ngôi chùa khá rộng ở vùng đảo Lantau, cách trung tâm Hong Kong khoảng 1:30 giờ bằng xe ô-tô. Nếu Sư Ông hoan hỷ, ông xin để cho Tăng thân Làng Mai làm cơ sở tu học. Trong buổi họp mặt này cũng có một số thầy cô lớn, đệ tử của Sư Ông. Quý thầy cô Làng Mai trao đổi một vài ý kiến với ông. Ông hẹn ngày mai sẽ đem xe đến đưa Sư Ông và quý thầy cô Làng Mai đi xem chùa. Sư Ông và quý thầy cô Làng Mai hoan hỷ nhận lời.

Về nhà mới


Các sư cô đã dọn vào ngôi chùa mới tên là Liên Trì, gần được một tháng trước khi chúng tôi đến. Chùa khá khang trang và rộng rãi, xây cất theo kiểu truyền thống Trung Quốc. Chùa có ba tầng: tầng trên là chánh điện, chứa được khoảng 150 người, tầng giữa là nơi dành cho các sư cô tá túc và tầng dưới được chia ra thành hai, phần trước là tổ đường và phần sau là trai đường. Phía bên tay trái của chùa là cốc của Sư Ông và kế bên có con đường dẫn đến chùa Trúc Lâm. Đó là chùa của quý thầy. Chùa Trúc Lâm tuy không đồ sộ như chùa Liên Trì, nhưng rất thoải mái và ấm cúng cho các thầy sinh hoạt.

sautunggio-HK


Chuyến đi năm nay Thầy trò ghé qua Hong Kong là chuyện không sắp xếp trước. Trong lịch trình hoằng pháp Đông Nam Á năm nay chỉ gồm có ba nước: Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản. Nhưng vì nhân duyên chưa đầy đủ nên chuyến hoằng pháp ở Nhật Bản cuối cùng phải hủy bỏ. Nhờ thế Thầy trò chúng tôi được có cơ hội đi sang Hong Kong thăm tu viện mới. Sư Ông nói, “Chắc có lẽ chư tổ đã sắp đặt sẵn để cho Thầy trò mình có hai tuần nghỉ ngơi.”

doithadieu-HK


Trong mấy ngày ở đây, Sư Ông có dẫn chúng tôi đi thăm một số chùa trên hòn đảo Lantau. Phần nhiều chùa nào chúng tôi đến không có người ở. Nếu có, thì chỉ có một hoặc hai, ba người mà thôi. Thật chạnh lòng khi nhìn thấy chùa chiền, am cốc bị bỏ hoang, không có người tu học. Theo quý thầy địa phương cho biết, hiện nay ở Hong Kong, tính hết tất cả các chùa chỉ có khoảng hơn 200 người xuất sĩ. Có một sư cô chia sẻ là có lần sư cô đi vòng vòng tham quan các chùa lân cận. Sư cô thấy xa xa có một ngôi chùa khá to trên núi - xây cất thật đẹp. Sư cô trong lòng hớn hở tính lên đó thăm chùa và tìm người đàm đạo. Khi sư cô lên đến chùa thì tất cả cửa ngõ xung quanh đều được khóa lại. Sư cô đi tới cổng chánh rồi bấm chuông. Chuông reo một hồi thì có một người đàn ông bước ra mở cửa. Ông ta nói, “What do you want? (Sư cô muốn gì?)” Câu nói ấy đã làm cho sư cô vỡ mộng. Chùa nhưng không có người tu, chỉ có người quản lý và chăm sóc chùa.


Sư Ông khai sinh Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á


Ngày 28 tháng 4, 2011 Sư Ông cho buổi pháp thoại đầu tiên tại chùa Liên Trì. Sư Ông thông báo cho mọi người biết chùa Liên Trì là nền tảng của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á, Asian Institute of Applied Buddhism (AIAB). Mục đích của Viện là để tổ chức những khóa tu cho người trẻ ở Hong Kong và các nước trong vùng Đông Nam Á, cho gia đình, cho các tác viên phụng sự xã hội, cho những viên chức, cho các thầy cô giáo trong ngành giáo dục, cho những doanh nhân, cho những nhà tâm lý trị liệu, v.v... đến tu học. Viện cũng là nơi đào tạo giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ cho Hong Kong và những nước lân cận trong vùng. Hơn nữa, Viện sẽ tiến hành mở các khóa học và thực tập cho học trình thạc sĩ Phật học Ứng Dụng - Master of Applied Buddhism (MAB) trong chương trình Hợp tác Giáo dục giữa viện đại học Hoàng gia Thái Lan Mahachulalongkornrajavidyalaya và Làng Mai. Đây là học trình hai năm. Thiền sinh phải ở thường trú tại học viện trong suốt thời gian tu học dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

Ngoài ra, cứ mỗi Chủ Nhật hằng tuần học viện đều có ngày quán niệm mở cửa cho tất cả mọi người. Thời khóa của ngày quán niệm vào Chủ Nhật hằng tuần như sau:

09:30 Thiền hành

10:30 Pháp thoại

12:30 Ăn trưa trong chánh niệm

14:00 Thiền buông thư

15:00 Pháp đàm

17:00 Chia tay

Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á sẽ có tối thiểu 30 thầy cô làm xuất sĩ thường trú. Chúng ta cần con số tối thiểu như thế mới đủ để yểm trợ và hướng dẫn việc tu học tại đây. Sư Ông tin tưởng rằng trong thời gian Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á hoạt động tại đây, người trẻ địa phương cũng như người trẻ ở các nước lân cận sẽ đến xin xuất gia tu học. Con số xuất sĩ thường trú sẽ dần dần tăng lên đến số ấn định là 125 vị và trong số 125 vị xuất gia này, Sư Ông mong muốn rằng 1/3 sẽ là người địa phương Hong Kong. Đại chúng hào hứng nở hoa (vỗ tay) tứ phía.

Ngày quán niệm Chủ Nhật đầu tiên được tổ chức tại chùa Liên Trì gồm có hơn 200 người. Phần nhiều là những thành viên được mời của Tăng thân Hong Kong. Ngày quán niệm có một buổi lễ cúng dường Tăng thân Làng Mai để thông báo sự thành lập Viện Phật học Ứng Dụng Châu Á, được tổ chức đơn giản theo phương pháp của vua Bimbisara đã làm trước đây. Theo tục lệ ở Ấn Độ ngày xưa, nếu ai muốn cúng dường một vật gì thì phải dâng lên tận tay của người nhận. Còn nếu như vật cúng dường to lớn quá hoặc một vật gì đó không thể sờ mó hoặc thấy được thì người ta đổ nước lên bàn tay của người nhận cúng dường. Khi cúng dường tu viện Trúc Lâm cho Bụt, vua Bimbisara đem một bình nước trong đến quỳ bên cạnh Bụt, sau khi tỏ bày tấm lòng kính ngưỡng và ước muốn được cúng dường tu viện Trúc Lâm lên cho Bụt, nhà vua đổ nước lên bàn tay của Bụt. Trong buổi lễ cúng dường tại chùa Liên Trì, vị doanh nhân cũng làm như thế. Ông thỉnh cầu cúng dường và chế nước lên bàn tay của Sư Ông. Buổi lễ là phương tiện hình thức chấp nhận sự cúng dường chùa Liên Trì làm cơ sở tu học của Làng Mai tại Hong Kong và đánh dấu việc thành lập Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á.

tangthuphap-HK


Sau buổi lễ cúng dường, thiền sinh cư sĩ tưng bừng vui mừng. Một cô thiền sinh cư sĩ cho biết cô rất thích và mong muốn được đến đây sinh hoạt với quý thầy cô hằng tuần. Vì muốn được về chùa sinh hoạt ngày Chủ Nhật hằng tuần nên cô phải bỏ việc đang làm để kiếm việc khác, với giờ giấc làm việc thích hợp hơn. Cô cho biết là đã tìm ra được việc làm mới, và ông chủ mới cũng cho cô nghỉ việc cuối tuần để lên đây tu học.

Ngày quán niệm Chủ Nhật lần thứ hai tại chùa Liên Trì có hơn 350 thiền sinh tham dự (tăng thêm 150 người so với tuần trước). Ngày quán niệm được bắt đầu bằng buổi thiền hành vào 9:30 giờ sáng do Sư Ông hướng dẫn. Ngày hôm nay, quý thầy cô cũng tổ chức một buổi lễ Phật Đản sau buổi pháp thoại của Sư Ông. Các em thiếu nhi đã giúp các thầy cô trang trí tượng Bụt sơ sinh ở ngoài khu vườn trước sân chùa để chuẩn bị cho buổi lễ tắm Bụt. Trong buổi lễ này, các em là những người được ưu tiên tắm Bụt trước hơn tất cả những người khác. Các em vô cùng hạnh phúc! Có em đã được tắm Bụt rồi vậy mà còn trở lại sắp hàng để được tắm Bụt thêm lần nữa. Buổi Lễ tuy đơn giản về hình thức nhưng rất sâu sắc về nội dung, làm cho người tham dự cảm thấy thoải mái và được nuôi dưỡng.

dithienhanh-HK


Sau lễ Phật Đản, đại chúng được dùng cơm trưa trong chánh niệm với Sư Ông. Tất cả mọi người được ngồi theo kiểu vòng tròn được sắp xếp sẵn trong khu vườn mát rượi trước sân chùa. Trong đó có Cha Thomas Kwong. Cha Thomas Kwong là người Hong Kong thuộc Cơ Đốc Giáo. Cha đã từng về Làng tu tập và thọ nhận Năm Giới. Hình ảnh Thầy trò ngồi ăn cơm trong im lặng dưới những gốc cây trong khu vườn, làm cho người ta nhớ đến lúc Bụt còn tại thế cùng với Tăng đoàn nguyên thủy của Ngài. Có một anh thiền sinh cho biết: “Ngồi ăn cơm trong im lặng với Sư Ông và Tăng thân như thế, quả thật như là được ngồi ăn cơm với Bụt.”

Còn một cô thiền sinh khác người Hong Kong gốc Việt hớn hở nói, “Bây giờ mình có chùa ở đây, chúng con như có nhà ngoại để trở về.”

Source : http://langmai.org/cong-tam-quan/thong-tin-sinh-hoat/sinh-hoat-nam-2011/su-ong-lang-mai-khai-sinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/08/2010(Xem: 15373)
Nghe đài, đọc báo, xem sách “HOÀNG SA – TRƯỜNG SA” âm từ bốn chữ mà sao thấy nao lòng. Có lẽ tình yêu thương Tổ quốc, đã ăn sâu vào trong máu, trong xương. Dù chưa thấy Trường Sa, Hoàng Sa nhưng khi nghe bãi cát vàng dậy sóng càng muốn biết cho tường. Tôi ước ao được thấy Trường Sa, Hoàng Sa và đã thấy được Trường Sa, dù chưa hết, biết chưa khắp, nhưng đã tận mắt, đã đặt chân lên Trường Sa đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn. Thấy gì, biết gì, nghe gì chỉ một chuyến đi 12 ngày tạm đủ cho một lão già 76 tuổi muốn đem hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa vào hồn.
22/08/2010(Xem: 7159)
Khi có mặt trên cuộc đời này, tiếng gọi đầu tiên mà ta gọi đó là Mẹ, tình thương mà ta cảm nhận được trước nhất là tình của Mẹ, hơi ấm nồng nàn làm cho ta cảm thấy không lạnh lẽo giữa cuộc đời được toả ra từ lòng Mẹ, âm thanh mà ta nhận được khi chào đời là hai tiếng “con yêu” chất liệu nuôi lớn ta ngọt ngào dòng sữa mẹ như cam lộ thiên thần dâng cúng Phạm Thiên.
21/08/2010(Xem: 7296)
NHỮNG LỜI DẠY THỰC TIỄN CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA Tựasách : «108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité» Nhàxuất bản: Presse de la Renaissance, Paris 2006. Do nữ ký giả Phật tử CathérineBarry tuyển chọn - Chuyển ngữ Pháp-Việt : HoangPhong
19/08/2010(Xem: 8652)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
09/08/2010(Xem: 8648)
Câu chuyện dưới đây thật xa xưa, có lẽđã xảy ra từ thời Trung cổ tại Âu châu và cả nhiều thế kỷ trước đó tại Trung đông.Tuy nhiên chúng ta cũng có thể khởi đầu câu chuyện với một sự kiện chính xác hơnxảy ra vào thế kỷ XVI khi tòa thánh La-mã phong thánh cho hai vị mang tên là Barlaamvà Joasaph, và chọn ngày 27 tháng 11 mỗi năm để làm ngày tưởng niệm họ. Riêng Chínhthống giáo (Orthodoxe) thì chọn ngày 26 tháng 8.
04/08/2010(Xem: 9060)
CáchTrợ Niệm Cho Người Khi Lâm Chung, HT. Tịnh Không, ThíchNhuận Nghi dịch
27/07/2010(Xem: 8647)
D.T. Suzuki (1870 -1966) thườngđược xem là một trong những vị thiền sư lớn nhất của thế kỷ XX. Thật ra thì rấtkhó hay không thể để chúng ta có thể đo lường được chiều sâu của sự giác ngộtrong tâm thức của các vị thiền sư, vì việc đó vượt ra khỏi khả năng của chúngta, và vì thế cũng rất khó hoặc không thể nào đánh giá họ được. Chúng ta chỉ cóthể dựa vào sự bén nhạy của lòng mình để ngưỡng mộ họ mà thôi.
19/07/2010(Xem: 7842)
Đất nước ta có một lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, Phật giáo Viẹt Nam có bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm hoằng pháp độ sanh. Kể từ ngày du nhập đến nay, với tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, Đạo Phật đã thực sự hoà nhập cùng với đà phát triển của đất nước và dân tộc. Trải qua bao cuộc biến thiên, Phật Giáo Việt Nam cũng thăng trầm theo những thời kỳ thịnh suy của dân tộc, nhưng không vì thế mà việc hướng dẫn các giới Phật tử tại gia bị lãng quên.
17/07/2010(Xem: 9319)
Phận làm người xuất gia, việc đi cúng dường như xuất hiện đồng thời với chí nguyện phụng Phật, độ sanh. Đi cúng là đi đến nhà cư sĩ, đơn giản thì để chứng minh, chú nguyện cho một sở cầu nào đó của họ. Phức tạp hơn là thực hiện một lễ nghi nào đó như cầu an, cầu siêu, an vị Phật hay cúng nhà mới v.v… Đi cúng là một hiện tượng mà xung quanh nó xuất hiện nhiều quan điểm, thái độ đánh giá. Với một vài vị xuất gia, việc đi cúng dường như không phải là trách vụ cơ bản của hàng xuất sĩ, và do vậy họ đã cực lực lên án, thậm chí là cười nhạo, đả phá. Trong khi đó có một số vị khác tận lực, và thậm chí chấp nhận buông bỏ việc tìm cầu tri thức, thời khóa tu tập … để toàn tâm đi cúng khắp nhân gian.
01/07/2010(Xem: 15969)
Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa vụ, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó, thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]