Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cắt đứt tham muốn

27/04/201102:07(Xem: 7716)
Cắt đứt tham muốn

Buddha_103
Cắt đứt tham muốn

Lama Thubten Zopa Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

THAM MUỐN LÀ ĐAU KHỔ


KHÔNG ĐUỔI THEO THAM MUỐN là thực hành Pháp; theo đuổi tham muốn là không thực hành Pháp. Sự việc chỉ đơn giản như thế. Toàn bộ ý nghĩa thiết yếu của Mở rộng Cánh Cửa Thánh Pháp, những giáo huấn này xuất phát từ kim khẩu của các geshe Kadampa - những điều các ngài đã thực hành và chứng nghiệm – là cắt đứt tám pháp thế gian, thoát khỏi tham muốn bám luyến vào cuộc đời này. Dù bạn có thực hành Pháp hay không, tư tưởng xấu xa của tám pháp thế gian chính là nguồn mạch của mọi chướng ngại và vấn đề. Mọi điều khơng mong muốn xuất phát từ tư tưởng về tám pháp thế gian này.

Khi bạn được bảo phải từ bỏ tham muốn, bạn cảm thấy như thể được bảo là phải hy sinh hạnh phúc của bạn. Bạn từ bỏ tham muốn, và rồi bạn không hạnh phúc và chẳng còn gì. Chỉ là chính bạn. Sự tham muốn của bạn bị sung công; bạn bị đánh cắp hạnh phúc; và bạn thấy trống rỗng, giống như một trái banh bị xì hơi. Bạn cảm thấy như thể trái tim không còn ở trong thân bạn nữa, như thể bạn đã mất cuộc đời của bạn. Đó là bởi bạn không hiểu rõ những lỗi lầm của sự tham muốn. Bạn không nhận ra rằng bản tánh của tham muốn là đau khổ. Tham muốn tự nó là một tâm thức đau khổ, bệnh hoạn. Do bởi tham muốn, tâm phát sinh ra ảo tưởng, và bạn không thể nhận ra rằng có một hạnh phúc khác, một hạnh phúc đích thực.

Chẳng hạn như khi tham muốn một đối tượng và thụ hưởng nó, bạn gán cho kinh nghiệm này là “hạnh phúc.” Nó xuất hiện với bạn như hạnh phúc, nhưng trong thực tế thì chỉ là đau khổ. Khi bạn cứ làm các hành động, chẳng hạn như ăn uống, hạnh phúc của bạn không tăng lên mà chỉ suy giảm. Khi bao tử của bạn đầy ắp, khi ấy hạnh phúc của bạn trở thành khổ khổ. Trước khi ta nhận ra bản tánh đau khổ của hành động thì nó có vẻ là hạnh phúc; nhưng khi nhận ra nó, nó trở thành khổ khổ. Khi đau khổ không được nhận ra, cảm xúc được gán cho là “lạc thú” và xuất hiện như lạc thú, nhưng khi bạn tiếp tục hành động, cảm xúc dần dần trở thành đau khổ.

Sự an bình mà bạn kinh nghiệm bằng cách từ bỏ tham muốn dẫn bạn tới Niết Bàn, trạng thái không phiền não. Sự an bình này, là sự vắng mặt tham muốn, cho phép bạn hoàn toàn phát triển để thành tựu Giác ngộ. Bạn có thể kinh nghiệm vĩnh viễn sự an bình này. Ngay từ lần đầu tiên bạn tự giải thoát mình khỏi tư tưởng về các pháp thế gian, khỏi sự tham muốn, bạn bắt đầu phát triển an bình này trong sự tương tục của tâm bạn, và cuối cùng bạn kinh nghiệm nó vĩnh viễn. Nếu bạn cảm thấy rằng bởi hy sinh tham muốn bạn đang hy sinh hạnh phúc của bạn và bạn không còn lại gì, hãy nhớ rằng mọi vấn đề của bạn được đặt nền trên sự tham muốn và tư tưởng về các pháp thế gian.

Không biết rằng bản tánh của tham muốn là đau khổ, bạn không thể nhận ra rằng có một hạnh phúc tốt đẹp hơn. Bạn không thể nhận ra rằng nhờ hy sinh tư tưởng về các pháp thế gian, nhờ giải thoát tâm bạn khỏi sự tham muốn, bạn có sự an bình đích thực, hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc này không phụ thuộc vào bất kỳ đối tượng giác quan bên ngoài nào; nó được phát triển trong tâm của chính bạn. Với tâm bạn, bạn có thể phát triển sự an bình này.

Chẳng hạn như bạn có một bệnh ngoài da khiến cho bạn bị ngứa. Để làm dịu cơn ngứa, bạn gãi nhiều tới nỗi bạn bị đau đớn. Hơn là gán nhãn hiệu lạc thú cho việc làm giảm bớt cơn ngứa mà hành động gãi mang lại cho bạn, không có bệnh tật gì thì chẳng tốt hơn sao? Từ bỏ bệnh tật không tốt hơn sao? Có tham muốn thì giống như có bệnh ngoài da này. Nếu không có tham muốn thì sẽ không có nguyên nhân để mọi vấn đề phát khởi từ sự tham muốn. Sẽ không có sự tiến triển. Nếu ta không có thân này, không có sinh tử luân hồi này, được tạo nên bởi sự mê lầm và nghiệp và bị hạt giống của mê lầm làm ô nhiễm thì ta sẽ không phải kinh nghiệm sự nóng lạnh, đói khát, và mọi vấn đề khác.

Ta sẽ không phải lo âu về sự tồn tại của ta, hay tiêu phí quá nhiều thì giờ và tiền bạc để chăm sóc thân thể ta. Chúng ta bận rộn chỉ để duy trì thân xác này cho có vẻ tốt đẹp. Từ đầu tóc xuống tới ngón chân ta, ta cố gắng rất nhiều để tô điểm cho thân xác này. Ta quá phung phí đời người quý báu của ta trong việc đó. Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh, ngay cả việc dùng thuốc không phải lúc nào cũng có thể chữa lành cho bạn. Vì thế, không có thân thể này, không có sự sinh tử này thì chẳng tốt hơn sao? Khi ấy bạn sẽ không phải kinh nghiệm tất cả những vấn đề này.

Không có tham muốn thì bạn sẽ có rất nhiều an bình trong tâm – một sự an bình có thể được phát triển và hoàn thành. Công việc này có sự chấm dứt. Tìm kiếm lạc thú sinh tử trong việc tin cậy vào những đối tượng bên ngoài của sự tham muốn là công việc không có lúc chấm dứt. Cho dù bạn làm bao nhiêu công việc nhắm tới mục đích đó thì nó cũng không có lúc chấm dứt. Giống như những con sóng trong đại dương xuất hiện đợt này sau đợt kia, công việc đó không bao giờ ngừng dứt. Trước tiên, hạnh phúc nhất thời, là cái gì lệ thuộc vào những đối tượng giác quan bên ngoài, có bản tánh là đau khổ; và kế đó, cho dù bạn làm gì, chẳng có cách nào để kết thúc công việc nhằm đạt được hạnh phúc nhất thời.

ÍT THAM MUỐN THÌ ÍT ĐAU KHỔ

Như Đức Nagarjuna (Long Thọ) giảng trong bài kệ mà Dromtonpa thường trì tụng: Được hay mất; sướng hay khổ; vinh hay nhục; khen hay chê: tám pháp thế gian này không phải là những đối tượng của tâm ta. Đối với ta chúng đều như nhau. Thật dễ thấu hiểu làm thế nào việc bị mất mát, đau khổ, nghe những âm thanh không thú vị, bị tiếng xấu (nhục), bị chỉ trích (chê) có thể trở thành một vấn đề. Những điều này thường được coi là những vấn đề. Nhưng bạn có thể không nhận ra được rằng việc thâu đạt (được), hạnh phúc, nghe những âm thanh hay, có tiếng tốt (vinh) và được khen ngợi là những vấn đề. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn như nhau; chúng hoàn toàn là những vấn đề.

Nhưng tự thân đối tượng không phải là một vấn đề. Giàu có không phải là một vấn đề. Như thế cái gì là vấn đề? Vấn đề là tâm tham muốn và bám luyến vào của cải – đó là vấn đề. Có một người bạn thì không phải là vấn đề; tâm bám luyến vào bè bạn làm cho việc có một người bạn trở thành một vấn đề. Sự tham muốn làm cho việc sở hữu bốn điều này – vật chất, sự tiện nghi thoải mái, âm thanh thú vị, lời khen – trở thành một vấn đề. Nếu không có tham muốn, không có sự quan tâm thế tục, thì việc có hay không có những đối tượng này không trở thành một vấn đề.

Có thể một đêm kia khi bạn đang ngủ thoải mái thì bất thần bạn bị quấy rầy vì bị một con muỗi đốt. Nếu bạn có sự quan tâm thế tục mạnh mẽ, tham muốn mãnh liệt sự tiện nghi, bạn sẽ hết sức bực mình vì bị muỗi đốt. Chỉ vì bị mỗi một con muỗi đốt. Điều này chẳng có gì nguy hiểm, không thể gây nên một căn bệnh trầm trọng. Con muỗi chỉ hút một giọt máu nhỏ xíu từ thân thể bạn. Nhưng khi nhìn thấy thân con muỗi căng đầy máu của chính bạn thì bạn bị choáng váng. Bạn trở nên tức giận con muỗi và khó chịu cả đêm. Ngày hôm sau, bạn phàn nàn về con muỗi suốt cả ngày: “Đêm qua tôi mất ngủ nhiều giờ đồng hồ!” Mất ngủ một đêm, hay thậm chí vài tiếng đồng hồ, thì giống như mất một viên ngọc quý. Bạn bực dọc giống như người mất một triệu đô la. Đối với một số người, ngay cả một vấn đề nhỏ bé như thế cũng trở thành to lớn.

Cũng có những người quá mong muốn được người khác ngợi khen và kính trọng. Nếu bạn không để ý tới họ và ngước mặt lên khi đi ngang qua họ, hoặc nói một hai lời thiếu tôn kính là những điều họ không mong chờ để nghe, thì điều đó tạo nên nỗi đau khổ ghê gớm trong tâm họ. Hoặc nếu bạn tặng cho họ món gì đó với một cung cách thiếu tôn kính, dù có cố ý hay không, thì đó cũng là nỗi đau khổ to lớn. Đối với những người quá nhiều mong đợi, quá nhiều bám luyến như thế, ngay cả sự đau đớn từ một hành động vật lý nhỏ bé mà họ không thích cũng trở thành to lớn. Có vẻ như một mũi tên được bắn vào tim họ.

Sân hận thình lình phát khởi mạnh mẽ. Thình lình thân thể họ trở nên hết sức căng thẳng. Gương mặt họ trước đây thanh thản và an bình, giờ đây hầu như trở thành khủng khiếp – phồng căng ra, tai và mũi họ đỏ bừng lên và những gân máu nổi rõ trên trán họ. Bất thình lình toàn bộ tánh khí của họ trở nên hết sức thô lỗ và khó chịu. Người càng muốn được nhận sự khen ngợi và kính trọng thì khi không nhận được chúng nỗi đau khổ trong lòng họ càng lớn. Những đối tượng khác của sự tham muốn thì cũng tương tự như thế. Càng tham muốn thâu đạt vật chất, sự tiện nghi, hạnh phúc, những âm thanh thích ý và lời khen, thì khi phải trải nghiệm điều đối nghịch, người ta càng đau khổ.

Nếu bạn hy vọng rằng một người bạn sẽ luôn luôn vui vẻ, tươi cười, tôn kính, tử tế, và luôn luôn làm những gì bạn muốn, nhưng một hôm họ bất ngờ làm một việc trái ý nhỏ bé nào đó thì điều nhỏ tí xíu đó tạo nên một nỗi đau khó thể tin nổi trong tim bạn. Tất cả những điều này có liên quan tới sự bận tâm thế tục, tới việc bạn mong muốn quá mạnh mẽ một điều gì. Càng ít tham muốn bốn đối tượng đáng ao ước thì sẽ càng ít vấn đề khi bạn gặp bốn đối tượng không mong muốn. Ít tham muốn có nghĩa là ít đau khổ. Nếu bạn cắt đứt việc bám luyến vào cuộc đời này, thì bạn sẽ chẳng đau đớn khi kinh nghiệm sự chê bai chỉ trích hay không nhận được điều gì đó, bởi bạn không bám luyến vào sự khen ngợi hay thọ nhận các sự vật.

Cùng cách thức đó, khi bạn không bám luyến vào việc trông chờ bằng hữu của bạn sẽ luôn luôn dễ thương với bạn, luôn luôn mỉm cười với bạn, luôn giúp đỡ khi bạn yêu cầu, thì bạn không đau đớn khi những người bạn ấy thay đổi và làm trái ngược những gì bạn mong muốn. Trái tim bạn không đau đớn. Tâm bạn điềm tĩnh và yên bình. Nhờ cắt đứt sự tham muốn bám luyến vào bốn đối tượng đáng ao ước, bạn không gặp vấn đề gì khi xảy ra bốn tình huống không mong muốn. Chúng không làm bạn đau đớn, không thể làm tâm bạn xáo trộn.

Tư tưởng về các pháp thế tục bám luyến vào bốn đối tượng đáng ao ước của cuộc đời này. Không có tư tưởng này, tâm bạn rất điềm tĩnh và an bình đến nỗi bạn không buồn phiền khi gặp bốn điều không mong muốn. Và việc gặp bốn đối tượng đáng ao ước cũng không làm phiền bạn. Nếu có ai khen ngợi bạn, chẳng thành vấn đề gì; nếu có người chê bai bạn, điều đó không thể làm tâm bạn rối loạn. Cuộc đời bạn vững chãi và tâm bạn an bình. Không có sự thăng trầm. Điều này san bằng tám pháp thế gian.

Bạn làm thế nào để giữ tâm an bình khi những vấn đề xảy ra? Bạn bảo vệ tâm ra sao để việc kinh nghiệm bốn điều không mong muốn không làm bạn rối loạn? Đó là nhờ nhận ra rằng việc bám luyến vào bốn đối tượng đáng ao ước này là vấn đề. Bạn phải nhận ra những khiếm khuyết của bốn đối tượng mong muốn này và từ bỏ sự bám luyến vào chúng. Đây là tâm lý học căn bản. Nếu bạn sử dụng phương pháp này, những tình huống không mong muốn sẽ không quấy rầy bạn.

Geshe Chen-ngawa san bằng tám pháp thế gian bằng cách tụng bài kệ sau: Hạnh phúc khi đời sống thoải mái và đau khổ khi nó phiền phức: mọi hoạt động nhắm tới hạnh phúc của cuộc đời này cần được từ bỏ như thuốc độc. Đạo đức và không đạo đức chỉ là những chức năng của tâm. Hãy chặt đứt những động lực không-đạo đức và những động lực không đạo đức cũng không không-đạo đức. Câu sau cùng ám chỉ những hành động của thân và ngữ với những động lực không rõ ràng; những hành động này được gọi là những hành động “không thể đoán trước được.”

Cách thức hay nhất để tu hành tâm thức ta là trông đợi bốn đối tượng không mong muốn hơn là bốn đối tượng mong muốn. Hãy mong đợi bị chỉ trích và không được tôn kính. Thực hành từ bỏ này, nó cắt đứt tham muốn, là tâm lý học tối hảo. Khi đã tu hành tâm ta để trông đợi những điều không mong muốn, khi điều không mong muốn thực sự xảy ra thì nó không trở thành một cú sốc cho chúng ta; nó không làm ta tổn thương vì ta đang trông chờ nó.

Trước khi hiểu biết Pháp, trước khi thực hành thiền định, bạn đã nhìn sự phiền phức (khổ), những âm thanh không thú vị, sự phê bình chỉ trích, và sự mất mát như những vấn đề không mong muốn. Bây giờ, nếu bạn khảo sát kỹ lưỡng bản tánh của tâm bám luyến vào vật chất, sự thoải mái, những âm thanh thú vị, sự khen ngợi, bạn sẽ không thấy đó là hạnh phúc; bạn sẽ thấy rằng nó cũng đau khổ. Nó không phải là hạnh phúc mà bạn cho là thế trước khi hiểu Pháp. Nó không an bình – nó đau khổ.

Tâm bám luyến vướng kẹt vào đối tượng của tham muốn. Khi bạn nhận lời khen – “Anh quá thông minh,” “Anh nói rất hay,” “Anh hiểu Pháp thật uyên thâm” – tâm bạn vướng kẹt trong sự ngợi khen và không còn tự do nữa. Giống như một thân thể bị giây xích trói chặt, tâm bị cột trói bởi sự tham luyến. Tâm bị vướng kẹt giống như keo dính vào đồ vật. Hoặc giống như con bướm đêm bay vào ngọn nến nóng chảy: toàn thân nó, đôi cánh và tứ chi hoàn toàn bị đẫm ướt trong ngọn nến sáp. Thân thể và tứ chi của con bướm mỏng manh tới nỗi hết sức khó khăn để gỡ chúng ra khỏi chất sáp nến. Hay giống như một con ruồi vướng kẹt trong một mạng nhện: tứ chi của nó bị quấn chặt trong mạng lưới, và gỡ chúng ra khỏi chỗ đó thì rất khó khăn. Hay như những con kiến trong mật ong. Tham luyến là tâm bị vướng kẹt vào một đối tượng.

THAM MUỐN LÀ NGUỒN MẠCH CỦA MỌI VẤN ĐỀ

Như Lạt ma Atisha đề cập trong Đại Luận giảng về Con Đường Tiệm thứ dẫn tới Giác ngộ: Chúng ta theo đuổi trong hy vọng được toại nguyện, nhưng việc theo đuổi tham muốn chỉ đưa dẫn tới sự bất mãn. Trong thực tế, kết quả của việc theo đuổi tham muốn chỉ là sự bất mãn. Bạn cố gắng liên tục nhưng chỉ có bất mãn.

Theo đuổi tham muốn và không được toại nguyện là vấn đề chính của sinh tử. Ví dụ như việc mắc bệnh ung thư hay AIDS không phải là vấn đề chính. Nếu so sánh với vấn đề theo đuổi tham muốn và không được toại nguyện, thì ung thư và AIDS không là gì cả; chúng không tiếp tục từ đời này sang đời khác. Trong khi bạn có một đời người toàn hảo, nếu bạn không làm điều gì đó về vấn đề tham muốn trong đời này, thì nó sẽ tiếp tục từ đời này sang đời khác.

Việc theo đuổi tham muốn không ngừng trói buộc bạn với sinh tử khiến bạn thường xuyên kinh nghiệm những đau khổ của sáu cõi. Liên tục – bất tận. Nếu bạn không ngừng theo đuổi tham muốn thì không có sự toại nguyện thực sự, không có an bình thực sự. Việc theo đuổi tham muốn chỉ dẫn bạn tới sự bất mãn và kinh nghiệm không dứt những nỗi khổ của sinh tử trong một trong sáu cõi.

Chính tư tưởng về tám pháp thế gian đã liên tục mang lại mọi bệnh tật làm chúng ta vô cùng kinh hãi. Liên tục từ đời này sang đời khác, nó mang lại mọi vấn đề nghiêm trọng mà một con người có thể kinh nghiệm; nó tạo nên nghiệp để chúng ta không ngừng kinh nghiệm những vấn đề này. Tư tưởng về tám pháp thế gian, sự tham muốn bám luyến vào cuộc đời này, chính là căn bệnh trầm trọng nhất. Nếu so với những pháp thế gian thì những vấn đề khác chẳng là gì cả.

Nếu bạn không có tư tưởng về tám pháp thế gian là cái cột trói bạn với sinh tử thì cho dù người nào đó giết hại bạn, tất cả những gì bạn làm là chuyển hóa sang một thân thể khác. Tâm thức bạn nhận thân người toàn hảo khác hay đi tới một cõi thuần tịnh. Việc bạn bị giết thì như một điều kiện (duyên) để chuyển sang một thân thể khác. Nhưng nếu bạn có tư tưởng về tám pháp thế gian và không thực hành Pháp, thì mặc dù chẳng ai giết bạn và bạn sống tới một trăm năm, bạn thường xuyên sử dụng thân người quý báu của bạn để tạo nên những nguyên nhân của các cõi thấp; bạn sử dụng tái sinh may mắn của bạn để gây nên nguyên nhân của những tái sinh bất hạnh không có cơ hội để thực hành Pháp.

Bạn càng sống lâu thì càng tạo thêm nghiệp tiêu cực, là những điều khiến bạn phải sống trong những cõi thấp và kinh nghiệm đau khổ trong nhiều kiếp. Vì thế, tư tưởng về tám pháp thế gian này thì còn tai hại hơn nhiều nếu so với kẻ thù nào đó chỉ đơn thuần giết chết bạn. Trích dẫn của Lạt ma Tsong Khapa về việc theo đuổi sự tham muốn nói tiếp: Tham muốn mang lại rất nhiều vấn đề khác. Bởi theo đuổi tham muốn, tâm trở nên thô nặng và không an bình.

Hàng trăm vấn đề đến từ sự bất mãn. Khi tham muốn thật mạnh mẽ, ta rất dễ trở nên sân hận, chẳng hạn như thế. Bám luyến càng mạnh thì sân hận phát khởi càng mãnh liệt. Nếu bạn không bám luyến quá nhiều thì bạn không quá sân hận khi ai đó làm bạn khó chịu. Bạn có thể vẫn bị bối rối nhưng ít hơn trước đó. Sân hận, ganh tị và v.v.. phát khởi trong mối liên quan với sự bám luyến. Do bám luyến mà những tư tưởng tiêu cực khác này xuất hiện. Khi bất kỳ cái gì trong những tư tưởng tiêu cực này xuất hiện, bạn tạo nên nghiệp tiêu cực, nguyên nhân của những cõi thấp.

Khi tâm bạn bị tham muốn áp đảo, hoàn toàn bị vẩn đục bởi tham muốn, bạn không thể thiền định. Cho dù bạn có một vài ý niệm về tánh Không, chẳng hạn thế, thì bạn khó có được cảm nhận nào về nó. Khi tâm bạn yên tĩnh và bình an, bạn có thể có cảm nhận nào đó về nó; nhưng khi tâm bạn bị vẩn đục, một màn sương mù dày đặc bao phủ mọi sự, bạn không thể thiền định về tánh Không. Hơn nữa, bạn không thể nghĩ về những khiếm khuyết của sự tham muốn. Khi bạn tham muốn mạnh mẽ một đồ vật, bạn trở nên rất khổ sở nếu bạn không thể gần nó. Bạn không thể thanh thản; thân bạn không được nghỉ ngơi bởi bạn không thư thản trong tâm hồn. Vì tâm bạn không thư thản do sự tham muốn nên mặc dù có thể bạn chẳng có công việc đặc biệt khó khăn nào để làm, bạn cũng không có sự thoải mái hay thư dãn vật lý.

Có nhiều ví dụ như thế về những khiếm khuyết của sự tham muốn. Hãy nghĩ về những người nghiện rượu và những người nghiện ma túy. Cuộc sống của họ trở nên khốn khổ, phóng túng, tới độ họ không thể làm bất kỳ điều gì. Hơn nữa, họ làm tổn hại sự tỉnh giác và trí nhớ của họ. Bệnh tật đến từ tâm bất mãn của sự tham muốn, tư tưởng xấu ác của các pháp thế gian, bởi sự bất mãn tạo nên những điều kiện (duyên) cho bệnh tật. Rồi thì bạn bị bệnh trong nhiều năm, cùng sự hao tốn khổng lồ không ai mong muốn hàng nhiều ngàn đô la. Khi bạn không thể kiếm tiền một cách đúng đắn, bạn phải ăn cắp. Tâm bạn trở nên rối loạn; bạn suy sụp tinh thần và trở nên điên cuồng. Khi ấy bạn phải tốn rất nhiều thời giờ và tiền bạc trong các cuộc tư vấn tâm lý và thậm chí bạn có thể kết thúc cuộc đời trong một viện tế bần.

Và đâu là căn nguyên của tất cả những điều này? Đó là một khoảnh khắc của sự tham muốn không thể kiểm soát được. Khoảnh khắc ấy khi bạn không tự bảo vệ mình để thoát khỏi tư tưởng về tám pháp thế gian, khi bạn không thực hành Pháp, sẽ mang lại rất nhiều vấn đề. Những vấn đề tiếp tục và tiếp tục năm này sang năm khác, khiến bạn phải tốn kém rất nhiều tiền của và làm cho đời bạn phức tạp và khó khăn một cách không cần thiết. Mọi sự âu lo và tốn kém này là do tư tưởng về tám pháp thế gian. Nếu ngay từ lúc đầu, bạn gìn giữ để không dính mắc vào các pháp thế gian, thì tất cả những năm tháng của những vấn đề và tổn phí không mong muốn đó đã không xảy ra. Bạn chẳng bao giờ phải kinh nghiệm chúng.

Thật rõ ràng đây chính là nguồn mạch của bệnh AIDS, nó xuất hiện khi một người bị tám pháp thế gian sai sử. Khi tôi hỏi những người bị lây nhiễm AIDS qua đường tình dục rằng trạng thái tinh thần của họ ra sao khi bắt đầu kinh nghiệm những triệu chứng, một số người nói rằng đó là một tham muốn tình dục hết sức mạnh mẽ. Trong thời gian của trạng thái tinh thần vô-đạo đức đó, mỗi ngày họ bắt đầu lên cơn sốt, đổ mồ hôi và yếu ớt. Về cơ bản thì mọi bệnh tật, kể cả bệnh AIDS và ung thư, xuất phát từ tư tưởng về tám pháp thế gian. Những vấn đề quan hệ thì cũng thế: cách này hay cách khác, nếu ta không nỗ lực để có được sự kiểm soát nào đó, những vấn đề quan hệ có thể cứ tiếp diễn. Cuộc sống trở thành địa ngục – trước khi đi tới địa ngục thực sự, ta kinh nghiệm địa ngục với một thân người. Có địa ngục ở khắp mọi nơi. Bạn cảm thấy hoàn toàn bị sập bẫy, ngạt thở. Thậm chí bạn không thở được.

Khi tham muốn của bạn không được đáp ứng, khi bạn không có được những gì bạn muốn, đây là thời gian mà sự suy nhược thần kinh và những tư tưởng muốn tự tử xảy ra. Mới đây một người học Pháp ở Thụy Sĩ đã có những vấn đề như thế và đã tự tử. Anh ta treo cổ tự vẫn. Tôi nghĩ rằng anh ta đã nghe một vài bài giảng Pháp nhưng đã không thực hành hay nhập thất nhiều. Anh ta có một công việc rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng anh có những vấn đề về mối quan hệ. Bởi những loại vấn đề này, bạn có thể đã nhiều lần kinh nghiệm về tư tưởng tự vẫn, về việc chấm dứt đời người của bạn. Về cơ bản thì đây là một khiếm khuyết của tư tưởng tham muốn thế gian.

Geshe Kadampa Gonpawa, người có sự thấu thị và nhiều chứng ngộ khác, đã nói: Nếu ta thọ nhận bốn kết quả đáng ao ước của sự thoải mái, vật chất, tiếng tốt, và sự khen ngợi từ một hành động được thực hiện với tư tưởng về tám pháp thế gian, thì đó chỉ là kết quả trong đời này và không có lợi lạc trong những đời sau. Và nếu hành động ấy mang lại bốn kết quả không đáng ao ước thì ta cũng chẳng được lợi lạc gì ngay cả trong đời này.

Dù thế nào chăng nữa, thường thì những hành động được làm với tư tưởng tám pháp thế gian mang lại bốn kết quả đáng ao ước cuối cùng sẽ dẫn tới bốn kết quả không đáng ao ước. Ví dụ như trong việc kinh doanh, bạn có thể gặt hái được thành công này sau thành công khác; do bởi thành công đó, càng lúc bạn càng hành động với tư tưởng về tám pháp thế gian. Sau một thời gian, nghiệp thành công của bạn chấm dứt, và nghiệp thất bại được trải nghiệm. Chỉ trong một ngày bạn có thể trở thành một kẻ hành khất. Một ngày nào đó bạn là một tỉ phú; ngày hôm sau, thậm chí bạn không biết cách làm sao trả tiền thuê nhà và nuôi sống gia đình bạn. Toàn bộ cuộc đời bạn sụp đổ.

Đây là bởi bạn hành động với tư tưởng tám pháp thế gian. Mặc dù bạn đã thành tựu sự tiện nghi vật chất, bạn không thỏa mãn và tiếp tục hành động với tư tưởng về các pháp thế gian. Do sự thành công của bạn trong quá khứ, một ngày nào đó nghiệp thành công của bạn bị cạn kiệt, và mọi sự sụp đổ. Người mới hôm qua còn giàu có, không chút bận tâm về mặt tài chánh, bất ngờ hôm nay phải bận tâm ngay cả việc chăm sóc gia đình. Anh ta không biết phải làm gì và không thể ăn hay ngủ.

Cho dù bạn thành công trong việc trộm cắp một, hai, hay ba lần, chẳng hạn thế, thành công của bạn không thể tiếp tục vô hạn định. Bạn cần phải kiểm soát tham muốn của bạn; bạn cần phải thấy hài lòng. Nếu không, cứ tiếp tục trộm cắp thì chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ bị bắt. Cho dù sai lầm đó ra sao, bằng cách liên tục lập đi lập lại nó, một ngày kia chắc chắn nó sẽ trở thành một vấn đề lớn. Khiếm khuyết khác của sự tham muốn là cuối cùng nó dẫn tới rất nhiều điều không đáng ao ước.

Tự giải thoát bản thân khỏi tham muốn là một sự bảo vệ vĩ đại. Cắt đứt sự bám luyến vào một đối tượng hay một người có nghĩa là mọi tâm tiêu cực khác không phát khởi, và bạn không tạo nên những nghiệp tiêu cực ấy như một kết quả. Nó mang lại cho ta sự bảo vệ không thể tin nổi. Thông thường thì bởi bám luyến vào một đối tượng đặc biệt, bạn tạo nên nhiều nghiệp tiêu cực trong mối quan hệ với nhiều chúng sinh khác. Nhờ cắt đứt bám luyến, bạn ngăn chặn được những nguyên nhân của các cõi thấp.

An bình vĩ đại xuất hiện khi bạn tự giải thoát mình khỏi tư tưởng tham muốn. Hãy tập trung vào sự an bình đích thực này khiến bạn có thể lập tức kinh nghiệm bằng cách tự giải thoát mình khỏi tham muốn. Khi bạn tập trung vào điều này thì không có vấn đề gì. Khi bạn nỗ lực đạt được hạnh phúc vĩ đại này, an bình thực sự này, hạnh phúc nhất thời trở nên không đáng kể và không quá khó khăn để từ bỏ – có lẽ cũng vui thú như khi bạn nhặt được tờ giấy vệ sinh đã sử dụng. Nếu bạn tỉnh giác về điều này thì bạn không có nguy cơ trở nên tuyệt vọng hay điên loạn.

Vì thế ta có thể thấy, cho dù gặp bao nhiêu vấn đề chăng nữa thì ta cũng không thể có chọn lựa nào khác ngoài việc phải thực hành Pháp. Và thực hành Pháp có nghĩa là làm chủ tâm ta, làm chủ sự tham muốn. Hãy quên việc sống một cuộc đời khổ hạnh của việc thực hành Pháp thuần túy; ở mức độ tối thiểu, chúng ta cần làm chủ tham muốn để có an bình nội tâm và hạnh phúc của cuộc đời này, và để ngăn chặn sự phát triển của các vấn đề.

CHẤM DỨT SINH TỬ

Như Đức Nagarjuna nói: Những hành động phát sinh từ tham, sân, và si là ác hạnh. Những hành động phát sinh từ không-tham, không-sân, và không-si là đức hạnh. Dù là đức hạnh hay ác hạnh, những hành động là do tâm tích tập. Chừng nào ta còn tham muốn tiện nghi, vật chất, sự tôn kính, và tiếng tăm, và chừng nào ta còn muốn né tránh đau khổ, sự không thâu đạt các sự vật (mất), sự bất kính (chê), và tiếng xấu (nhục), thì mọi hành động đều bị thúc đẩy bởi tham, sân, và si. Và như thế những hành động đó nhiều phần là ác hạnh hơn là đức hạnh.

Trong bản văn nói: Điều cực kỳ quan trọng là đừng cố phát triển tham muốn hạnh phúc của đời này. Nếu tham muốn này phát khởi, hãy nỗ lực từ bỏ nó. Lạt ma Atisha cũng nói: Nếu gốc rễ độc thì các cành và lá cũng độc. Nếu gốc rễ có thể chữa bệnh, cành và lá cũng có thể chữa bệnh. Tương tự như thế, mọi sự được làm với tham, sân, và si thì vô-đạo đức. Nói cách khác, bất kỳ hoạt động nào – dù là cấy trồng, kinh doanh, chiến đấu, giúp đỡ bạn bè và thân quyến, hay thiền định – được làm với tư tưởng về tám pháp thế gian, bám luyến vào đời này và được thúc đẩy bởi tham, sân, hay si sẽ trở thành, như được nói ở đây, “chỉ là nguyên nhân của sinh tử và những cõi thấp.”

Bản văn nói tiếp: Để nhận được điều cốt tủy, ngay từ lúc bắt đầu, ta không nên bám luyến vào đời này. “Nhận được điều cốt tủy” ám chỉ thân người toàn hảo này. Kế đó tới một trích dẫn từ một giáo lý Kim Cương thừa, thường được đưa ra như một động lực trong thời gian chuẩn bị cho một nhập môn Kim Cương thừa: Những người có lòng sùng mộ lớn lao, những người mưu cầu siêu vượt sinh tử, được phép đi vào mạn đà la. Ta không nên tham muốn những kết quả của đời này. Điều này có nghĩa là ta không nên tìm kiếm hạnh phúc, sung sướng, vật chất, sự tôn kính, tiếng tăm, và v.v.., là tất cả những gì thuộc về đời này.

Trích dẫn tiếp tục: Người tham muốn cuộc đời này không thành tựu ý nghĩa siêu vượt sinh tử. Điều này có nghĩa là những hoạt động của những người tham muốn cuộc đời này sẽ không trở thành nguyên nhân của Giác ngộ, là trạng thái siêu vượt sinh tử.
Bạn có thể thấu hiểu điều đó theo cách này: Nếu mục đích của bạn chỉ là đạt được hạnh phúc trong đời này, nếu đó là hy vọng duy nhất của bạn, mọi điều bạn làm – công việc, trì tụng những lời nguyện, nhận các lễ nhập môn, ăn, ngủ – không trở thành Thánh Pháp. Tất cả những hành động đó là vô-đạo đức. Hy vọng của bạn là được hạnh phúc, nhưng điều duy nhất bạn nhận được từ những hành động này là đau khổ. Mặc dù bạn làm công việc của bạn với mục đích thành tựu hạnh phúc trong đời này, những hành động của bạn thực sự trở thành chướng ngại cho hạnh phúc này và khiến cho bạn không tìm được nó. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này nếu ta nhìn vào những kinh nghiệm của riêng ta và của những người khác.

Đoạn trích dẫn kết luận: Việc mưu cầu siêu vượt sinh tử sẽ phát triển hạnh phúc của sinh tử của đời này. Điều này có nghĩa là những ai chỉ tìm cầu Giác ngộ siêu vượt sinh tử, và thực hành Pháp để thành tựu nó, thì mặc dù không tìm kiếm hạnh phúc của đời này, nhưng họ sẽ tìm thấy nó một cách tự nhiên. Trong Lá Thư gởi một người Bạn, Đức Nagarjuna nói: Nếu tóc hay y phục của bạn bị bén lửa, bạn lập tức dập tắt nó. Cũng thế, nỗ lực để không bị tái sinh là một việc rất đáng làm. Khi một tàn lửa rơi vào bạn, bạn thoát khỏi nó không chút chậm trễ. Bạn phản ứng tức thì mặc dù tàn lửa có thể chỉ đốt cháy tóc hay y phục của bạn. Chắc chắn là bạn nên mãnh liệt hơn trong việc nỗ lực tiệt trừ những nguyên nhân của sự tái sinh trong những cõi thấp và những nỗi khổ liên tục của luân hồi sinh tử.

Mọi vấn đề của ta phát khởi do bởi ta nhận sự tái sinh luân hồi sinh tử này, những uẩn này được tạo nên bởi sự mê lầm và nghiệp và bị ô nhiễm bởi những hạt giống của các mê lầm. Bởi ta nhận sự tái sinh, ta kinh nghiệm nỗi khổ rộng khắp, duyên hợp, và vì thế, kinh nghiệm nỗi khổ do sự biến đổi và nỗi khổ khổ. Chúng ta không chỉ kinh nghiệm những nỗi khổ trong đời này, nhưng sinh tử hiện tại này trở thành nền tảng của mọi sinh tử và đau khổ của những đời sau. Việc nhận một sinh tử khác tạo nên nguyên nhân của rất nhiều sinh tử khác trong những đời sau. Tiến trình này cứ tiếp tục mãi. Nagarjuna đang nói rằng so với việc một tàn lửa nhỏ rơi vào người ta thì tình huống này nghiêm trọng hơn nhiều, và chúng ta nên nỗ lực để không phải nhận sự tái sinh khác.

Làm thế nào ta có thể nỗ lực để không phải tái sinh? Như được đề cập trong các giáo lý, tham muốn là sợi giây xích trói buộc chúng ta vào sinh tử; tham muốn là nguyên nhân gần nhất của sinh tử của đời sau. Tham muốn không chỉ khiến ta tạo nghiệp tiêu cực ngay bây giờ trong đời này, khi ta nhận ra ta đang chết, ta bám luyến vào thân ta, những uẩn của ta. Việc tham muốn và bám luyến vào lúc chết đưa dẫn ta tới việc nhận sự tái sinh sinh tử đặc biệt của đời sau của ta. Bởi tham muốn là nguyên nhân chính yếu của sinh tử, việc cắt đứt tham muốn trở thành thực hành Pháp cốt tủy để không tái sinh một lần nữa. Đây là phương cách để chấm dứt sự tương tục của sinh tử.

Tóm lại mọi hành giả Pháp nên từ bỏ sự tham muốn tiện nghi sung sướng của đời này. Trừ phi bạn từ bỏ tham muốn này, ngay cả việc được gọi là “một hành giả Pháp” cũng chẳng thể được. Mọi sự được làm với sự tham muốn tìm kiếm sung sướng của đời này không phải là Pháp. Chừng nào có tham muốn thì không có thực hành Pháp. Có một câu cách ngôn Tây Tạng: “Bởi một con ngựa không có đặc tính của một con sư tử nên đừng gọi ngựa là sư tử.”

Lạt ma Gyampa, một geshe Kadampa, đã nói: Từ bỏ đời này chính là sự bắt đầu của Pháp. Bạn chẳng làm một thực hành Pháp nào mà cảm thấy tự hào là một hành giả Pháp – thật là điên khùng! Hãy kiểm tra xem sự tương tục của tâm bạn có bao gồm bước đầu tiên của Pháp hay không: sự từ bỏ đời này. Cho dù bạn nghĩ rằng bạn không là một con người tôn giáo, nhưng bởi bạn muốn hạnh phúc và không mong muốn những vấn đề, bạn vẫn phải kiểm soát sự tham muốn. Không có giải pháp nào khác. Bạn không thể giảm thiểu sự tham muốn và những mê lầm khác bằng cách dùng thuốc men, chịu một cuộc giải phẫu, hay bằng những phương tiện ngoại tại khác. Phương pháp để thực hành là nghĩ tưởng về những lỗi lầm của sự tham muốn, và nghĩ rằng cuộc đời thật ngắn ngủi.

Đây là tâm lý học cốt tủy, cho dù bạn không là một Phật tử và không muốn là Phật tử. Không có giải pháp nào khác. Để ít gặp những vấn đề trong đời bạn, bạn phải quán chiếu về những lỗi lầm của sự tham muốn. Nếu tham muốn được tiệt trừ thì không còn những vấn đề nữa. Ngay khi bạn từ bỏ tham muốn, bạn sẽ không thấy bất kỳ vấn đề nào nữa. Thực hành Bồ Đề tâm giúp kiểm soát sự tham muốn. Việc hoán đổi bản thân với người khác, điều đó có nghĩa là từ bỏ bản thân và yêu thương người khác, hay có một trái tim hết sức tốt lành, muốn tiệt trừ những đau khổ của người khác và nhận lấy hạnh phúc của họ, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề,

Người mà tâm không đủ mạnh mẽ để thực hành Bồ Đề tâm nên cản ngăn những vấn đề của tham muốn bằng cách quán chiếu về những thiền định như việc tái sinh làm người toàn hảo và đặc biệt là sự vô thường và cái chết. Bạn có thể cắt đứt tham muốn bằng cách nhớ tưởng rằng cuộc đời thật ngắn ngủi và cái chết có thể xảy tới bất kỳ lúc nào, và liên kết những tư tưởng này với những cõi thấp, nghiệp, và v.v.. Như tôi đã đề cập trước đây, “bí mật của tâm” của Shantideva không phải là chứng ngộ cao cấp. Việc hiểu rõ những lỗi lầm của tám pháp thế gian và quán chiếu về sự vô thường và cái chết cũng có thể được coi là những bí mật của tâm.

Việc thiền định về sự vô thường và cái chết và nhận ra những lỗi lầm của sự tham muốn – điều đó có nghĩa là nhận ra rằng mọi vấn đề phát sinh từ đó – mang lại cho bạn sức mạnh để lập quyết định từ bỏ cuộc đời này, cắt đứt sự bám luyến với cuộc đời này. Hai điều này làm cho bạn thêm kiên cố và làm suy yếu những pháp thế gian. Chúng mang lại cho bạn sức mạnh để cắt đứt việc bám luyến vào đời này, tự giải thoát mình khỏi sự tham muốn.

Nếu bạn không nhận ra những bí mật này của tâm, mặc dù bạn muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ, bạn sẽ kinh nghiệm điều ngược lại. Không có hạnh phúc nhất thời và tối hậu, bạn lang thang trong sinh tử và không ngừng kinh nghiệm đau khổ. Nhưng nếu bạn nhận ra những bí mật này của tâm, ý nghĩa tối thượng của Pháp, bạn có thể thành tựu hạnh phúc và tiệt trừ nỗi khổ đau và sẽ không còn lang thang không mục đích trong luân hồi sinh tử nữa./.

Trích trong nguyên tác: “The Door to Satisfaction - The Heart Advice of a Tibetan Buddhist Master” by Lama Thubten Zopa Rinpoche. Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2022(Xem: 4437)
Mới vào đề chắc có người sẽ thắc mắc tại sao một người tu sao lại nói đến chữ Tình để làm gì? Xin quý vị hãy từ từ đọc vào nội dung sẽ hiểu. Hôm nay tôi sẽ viết về các loại Tình: tình bạn, tình người, tình yêu, thình thương, tình cảm v.v… Nếu viết bằng chữ Hán về chữ Tình nầy thì bên trái viết bộ tâm đứng, có nghĩa là những tình nầy đều khởi đi từ tâm của mỗi con người; bên phải viết chữ thanh là màu xanh hay cũng còn có ý là rõ ràng, trong sáng v.v…, hai chữ nầy ghép lại gọi là chữ Tình. Sau nầy tiếng Việt chúng ta dùng chữ tình yêu, tình cảm, tình thương, tình ý v.v…cũng đều sử dụng chữ tình nầy để ghép chung vào chữ Nôm của chúng ta, trở thành tiếng Việt thuần túy.
04/03/2022(Xem: 4004)
Xin khép lại những phiền muộn của năm cũ với nhiều nỗi đau thương mất mát và ly biệt, niềm thương cảm cho người thân, thầy bạn mãi mãi rời xa chúng ta. Trong bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào, ta vẫn nghĩ, dù sao đó là những chuyện đã qua, năm mới với nhiều hy vọng mới, tư duy mới và một cuộc hành trình mới đang chờ chúng ta phía trước. Xin bạn hãy khép lại những lo âu phiền muộn, lau khô những giọt nước mắt cho những mối tình hay những cuộc hôn nhân đổ vỡ, rồi cũng sẽ có người phù hợp với bạn, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống của bạn. Sự chân thành sẽ tồn tại quanh bạn, những giọt nước mắt sẽ giúp bạn hiểu được cuộc đời này, rồi niềm vui sẽ đến, những trở ngại giúp bạn biết nâng niu cuộc sống.
02/03/2022(Xem: 9824)
CHÁNH PHÁP Số 124, tháng 3.2022 Hình bìa của Kranich17 (Pixabay.com) NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XUÂN VỀ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6
01/03/2022(Xem: 5920)
Những ngày gần đây, dường như chánh niệm đang lan tỏa khắp mọi nơi. Khi tìm kiếm trên Google mà tôi đã thực hiện vào tháng 1 năm 2022 cho cụm từ "Chánh niệm" (Mindfulness) đã thu được gần 3 tỷ lượt truy cập. Phương pháp tu tập thiền chánh niệm này hiện được áp dụng thường xuyên tại các nơi làm việc, trường học, văn phòng nhà tâm lý học và các bệnh viện trên khắp cả nước Mỹ.
01/03/2022(Xem: 5947)
Hàng trăm đồ tạo tác vật phẩm văn hóa Phật giáo đã bị đánh cắp hoặc phá hủy sau cuộc quân sự Taliban tấn công và tiếp quản Chính quyền Afghanistan ngày 15 tháng 08 năm 2021. Hôm thứ Ba, ngày 22 tháng 02 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hợp chúng quốc đã hạn chế các vật phẩm văn hóa Phật giáo và lịch sử từ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, với hy vọng ngăn chặn "những kẻ khủng bố" kiếm lợi, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại về những hậu quả không mong muốn.
24/02/2022(Xem: 4528)
Nhà kiến tạo hòa bình, nhà tâm lý học, nhà cải cách xã hội học, nhà giáo dục và Phật giáo Dấn thân nổi tiếng, người Mỹ và được trên thế giới kính trọng, Tiến sĩ Phật tử Paula Green sinh vào ngày 16 tháng 12 năm 1937 tại Hoa Kỳ, đã thanh thản trút hơi thở từ giã trần gian vào ngày 21 tháng 2 năm 2022, hưởng thọ 84 tuổi.
24/02/2022(Xem: 4437)
Tôi học mãi Phẩm 6 về “ Người Hiền Trí “trong kinh Pháp Cú và bài thứ tư trong kinh Trung Bộ “ Sợ Hãi và Khiếp Đảm “ mà vẫn không chán vì càng học càng thấy nhiều lợi ích để tu tập và sửa đổi những tật xấu và lỗi lầm của mình trên đường tu học nhất là khi mình được một đại phước duyên gần gũi một bậc hiền trí . Thú thật ….trong những năm tự nhốt mình trong tháp ngà tôi đã nghiên cứu Thiền, Tịnh, Mật, rất cẩn thận từ ghi chép, nghe nhiều pháp thoại, so sánh kinh sách nhiều tông phái …thế nhưng chưa bao giờ như lúc này tôi cảm nghiệm lời dạy Đức Phật lại thâm huyền và siêu việt hơn bao giờ hết khi phối hợp hai phẩm này trong hai bộ kinh căn bản nhất cho những ai bước trên đường Đạo . Trộm nghĩ dù với tuổi nào khi chưa hoàn tất hay gặt hái được mục đích thành tựu của Trí Tuệ ( DUY TUỆ THỊ NGHIÊP) thì chúng ta hãy cứ bước đi mà chẳng nên dừng lại .
24/02/2022(Xem: 8805)
Tác giả tác phẩm này là Tỳ Kheo Sujato, thường được ghi tên là Bhikkhu Sujato, một nhà sư Úc châu uyên bác, đã dịch bốn Tạng Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Bhikkhu Sujato cũng là Trưởng Ban Biên Tập mạng SuttaCentral.net, nơi lưu trữ Tạng Pali và Tạng A Hàm trong nhiều ngôn ngữ -- các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tạng ngữ, Hán ngữ, Việt ngữ và vài chục ngôn ngữ khác – trong đó có bản Nikaya Việt ngữ do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, và bản A-Hàm Việt ngữ do hai Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng dịch từ Hán Tạng.
22/02/2022(Xem: 5653)
Trong lịch sử, các đại dịch đã buộc nhân loại phải đoạn tuyệt với quá khứ và hy vọng ở tương lai thế giới mới của họ. Điều này không có gì khác lạ. Nó là một cổng thông tin, một cửa ngõ, giữa thế giới đương đại và thế giới tương lai. Nhà văn, nhà tiểu luận, nhà hoạt động người Ấn Độ Arundhati Roy, Đại dịch là một cổng thông tin
21/02/2022(Xem: 4265)
Bốn Sự Thật Cao Quý được các kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Diệu Đế, là căn bản của toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật và cũng là một đề tài thuyết giảng quen thuộc. Do đó đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng là mình hiểu rõ khái niệm này, thế nhưng thật ra thì ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Quý rất sâu sắc và thuộc nhiều cấp bậc hiểu biết khác nhau. Bài chuyển ngữ dưới đây đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc vô minh tạo ra mọi thứ khổ đau cho con người, đã được nhà sư Tây Tạng Guéshé Lobsang Yésheé thuyết giảng tại chùa Thar Deu Ling, một ngôi chùa tọa lạc tại một vùng ngoại ô thành phố Paris, vào ngày 16 và 30 tháng 9 năm 2004. Bài giảng được chùa Thar Deu Ling in thành một quyển sách nhỏ, ấn bản thứ nhất vào năm 2006.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]