Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm hiểu cõi âm và phương thức cứu độ hương linh

18/03/201123:23(Xem: 7858)
Tìm hiểu cõi âm và phương thức cứu độ hương linh


Tìm hiểu cõi âm và phương thức cứu độ hương linh
Huỳnh Trung Chánh
ke-chuyen-coi-am-11-063201

Dẫn nhậ̣p:

Đã sanh ra đời thì ai chẳng có một lần chết, thế nhưng mấy ai chịu khó chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho mình hoặc cho thân nhân mình, hầu khi lâm sự có đủ bình tĩnh lo hậu sự viên mãn cho thân nhân hay có thể tự mình đón nhận cái chết nhẹ nhàng an lạc. Tác giả, thời trung niên tuy thường gia tâm học hỏi Phật Pháp, nhưng đối với vấn đề sống chết có phần lơ là, mãi đến khi tuổi đã gần bảy mươi mới tìm hiểu cẩn thận và khám phá những sơ sót thời trẻ, nên tạm ghi sơ lược vài nét chánh cho thân hữu bận rộn tạm có chút khái niệm để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Con người từ cõi sống về cõi chết (Phật Giáo chủ trương không thực sự có cõi chết theo nghĩa là chấm dứt mọi sự sống, vì sự sống vẫn tiếp tục dưới dạng khác, cõi khác) có thể phải trải qua một giai đoạn trung gian gọi là thân trung ấm, trước khi bị cuốn hút theo nghiệp lực mà luân hồi trôi nổi trong sáu nẻo (tức lục đạo hay lục thú) là: các cõi Trời, Người, A tu La, Quỷ thần, Địa Ngục và Súc sanh.

Theo tín ngưỡng dân gian, thì đối lập với cõi người sống còn có cõi âm, ám chỉ cho cõi người chết, một thế giới vô hình mà nhục nhãn con người không thấy được. Phật giáo không có một cõi nào dành riêng cho người chết tương đương với danh từ cõi âm của tín ngưỡng dân gian, nên dưới lăng kính Phật giáo, ta có thể nhận định cõi âm của dân gian có thể gồm các giai đoạn thân trung ấm và các nẻo luân hồi về cõi Quỷ Thần và Địa ngục. Cõi Địa Ngục dành cho chúng sanh địa ngục nghiệp nặng chiêu cảm về, cũng là chánh trú sở của loài Ngạ quỷ, ngoài hai hạng nầy, chỉ có chư Bồ Tát do nguyện lực cứu độ mới vãng lai. Cõi Quỷ Thần là một cõi có chủng loại vô cùng đa dạng, từ phước báu đến trú xứ. Có thể nói, hầu như khắp các cõi khác: Thiên, A tu La, Địa Ngục, Súc Sanh (1) và dĩ nhiên là cõi nhân gian chúng ta, đều có sự hiện hữu của chúng quỷ thần. Do đó, trong phạm vi bài nầy nhân khi đề cập đến việc cứu độ vong linh qua các giai đoạn cận tử, giai đoạn thân trung ấm, và giai đoạn sau 49 ngày (tức giai đoạn đã đầu thai), tác giả cũng sơ lược về cõi Quỷ thần có liên hệ gần gũi với cõi người sống.

I. Giai đoạn chuẩn bị khi sắp lìa đời:

A. Chuẩn bị cho Nghiệp & Cận tử nghiệp:

1. Chuẩn bị cho cái chết là một chuẩn bị trường kỳtừ lúc còn khỏe mạnh, với ý thức minh bạch rằng tâm niệm và hành động của kiếp nầy là nhân tố quyết định cho kiếp tái sinh. Kiếp nầy tạo nghiệp lành tức là đã chuẩn bị xây dựng sẵn sàng cho mình một kiếp sau tốt đẹp. Hạt giống nghiệp theo nguyên tắc lưu trữ thứ lớp trong tàng thức (tức A lại da thức), theo đó nghiệp mới gieo vẫn còn bén nhạy nên dễ hiện hành hơn nghiệp đã lưu trữ lâu xa về trước. Chính vì vậy mà cận tử nghiệp (nghiệp kề cận khi chết) đóng một vai trò tối quan trọng cho nẻo tái sanh: kẻ ác trước khi chết chợt phát sanh niệm lành có thể sanh về chốn an vui còn người có đời sống tương đối hiền lành, giờ cuối cùng bỗng sanh niệm ác mà bị đọa lạc vào cảnh khổ.

2. Cận tử nghiệp là mối ưu tư hàng đầutrong việc lo lắng cho người chết:

- khi cận tử mà sanh tâm độc ác, giận hờn, tham lam... sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại. Chăm sóc cho người sắp chết, vì vậy phải thận trọng và tế nhị, và phải quan sát theo dõi họ để tùy cơ ứng biến đưa ra những “chiêu thức” cấp thời tạo điều kiện cho họ cảm thấy an vui, thoải mái... tránh cho họ những chuyện lo lắng phiền toái vô ích. Thầy Nhất Hạnh khuyên nên nhắc lại những hành động cao đẹp của người bệnh giúp họ sanh tâm hoan hỷ, vơi nỗi đớn đau, phiền não, giận hờn...

- nếu bệnh nhân bị ám ảnh bởi nỗi ân hận về hành động xa xưa nào hoặc có mối giận hờn nào không nguôi, nên cố gắng tìm cách an ủi xoa dịu cho tâm họ yên ổn. Nếu cần có thể vì họ tụng sám hối cho họ yên lòng, nếu họ là Phật tử thì nên nhờ các vị tu sĩ an ủi cho thêm phần hiệu nghiệm.

- nhân khi người bệnh vui nên gợi ý họ phát tâm lành thí dụ như bố thí kẻ nghèo khó và cô nhi, ấn tống kinh sách... cúng dường trai tăng... (nhưng nếu thấy họ không vui phải ngưng tức khắc)

- nếu bệnh nhân là Phật tử nên tạo điều kiện cho họ tự niệm hay cùng Niệm Phật với họ, hoặc cho họ nghe băng thuyết pháp, băng Niệm Phật. (lưu ý khi thấy bệnh nhân lộ vẻ mệt, không vui thì nên ngưng liền)

- lắng nghe tìm hiểu và khéo léo chiều ý người bệnh sao cho họ không sanh tâm khó chịu, tức giận. Thí dụ như họ thích ăn uống thứ gì nên cung phụng thứ đó, thứ không thể đáp ứng được thì lựa lời năn nỉ, giải thích để họ khỏi sanh lòng bất mãn.

- dọ hỏi họ muốn tổ chức hậu sự theo nghi thức tôn giáo nào? Thích chọn vị chủ lễ nào đặc biệt không? nghi tống táng ra sao? chôn cất hay thiêu?... nhất nhất nên tuân theo ý họ. (những việc không chiều ý được, nên cố gắng giải thích để họ không sanh tâm bất mãn)

- chỉ những thân hữu gây niềm an vui cho người bệnh mới cho thăm viếng, nhưng thời gian không nên kéo dài quá có hại cho sức khỏe người bệnh; những kẻ dễ xúc động, khóc than, hoặc kể lể nhắc nhở những chuyện bực mình xa xưa phải ngăn chận kỹ, ngoài ra, những ai mà người bệnh không ưa thích cũng tuyệt đối không cho tiếp xúc.

B. Chuẩn bị pháp lý cần thiết:

1. Di chúc (Will) và Bản Tuyên Ngôn Chết Tự Nhiên (California Natural Death Act Declaration, tức Living Wills):

- Ngay khi còn sống nên có di chúc hay lời dặn dò rành rẽ (nếu như việc phân chia tài sản không thành vấn đề) về những điều mà người bệnh muốn thực hiện sau khi chết như: Tang ma, tống táng, nghi lễ như thế nào? Tiền bạc và vật dụng kỹ niệm riêng tư giải quyết ra sao? Nhận phúng điếu không? Bố thí cúng dường ra sao, nếu có. Đối với các vị Phật tử thuần thành, xin đề nghị tìm đọc bài viết đầy đạo vị: “Nói rõ những việc khi lâm chung” do T.N. Chơn Minh dịch: http://old.thuvienhoasen.org/khilamchung.htm(Nên nhớ rằng việc thiếu di chúc minh bạch thường nảy sanh lắm tranh chấp khó hàn gắn trong gia đình, ngay như tại các tự viện, khi bậc tu hành đạo cao đức trọng lìa đời thình lình cũng lâm vào cảnh tương tợ)

- Tuyên ngôn chết tự nhiên tại Hoa Kỳ rất cần thực hiện, để tránh cảnh người bệnh khỏi phải kéo dài nỗi đớn đau khổ sở vô ích, trong khi con cháu vì sợ tai tiếng cứ theo nguyên tắc “còn nước còn tát” không dám quyết định chấm dứt trị liệu bằng trợ sinh (withdraw life support) cho họ.

2. Dịch vụ liên hệ với Nhà Quàng(Funeral Home) cần phải được nghiên cứu khảo giá cẩn thận và ký kết minh bạch trước khi thân nhân qua đời, nếu không sẽ bị bóc lột nặng vì khi “tang gia bối rối”, thì giá nào họ đề nghị mình cũng phải bấm bụng chịu: Chọn hỏa táng hay địa táng; giá cả lô đất huyệt (mua trực tiếp của Cemetery giá cao, còn nếu chịu khó tìm các Cemetery Property Resales, trung gian rao bán các lô huyệt khách hàng không xử dụng, đôi khi giá rẻ gấp đôi), tẩm liệm, áo quan, phòng tang lễ và số ngày xử dụng... giá cả phải ghi rõ trong hợp đồng. Lưu ý là giá cả dịch vụ rất khác biệt, có những việc không cần thiết, những dịch vụ họ lập lờ để đòi trả hai lần nếu không hỏi cẩn thận: Thí dụ như áo quan có thể vài trăm cho đến vài mươi ngàn Mỹ kim, nên chọn lựa thứ đúng nhu cầu, như thiêu xác thì chỉ cần loại áo quan đơn giản là quí rồi; thí dụ khác là dịch vụ ướp xác(embalming) đã đủ tiêu chuẩn để chưng bày thi thể trong mấy ngày tiếp tân rồi, nhưng họ vẫn đề nghị thêm dịch vụ ướp lạnh (refrigeration) đắt giá mà không cần thiết, các dịch vụ dressing, casketing và cosmetology giá tương đối thấp tùy theo nhu cầu mà hợp đồng.

(Về hai mục nầy xin bạn đọc nên tìm đọc thêm bài viết rất đầy đủ của đạo hữu Tâm Diệu: “Tôi nay trọ ở Trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời...” http://old.thuvienhoasen.org/chet-chetvataisinh.htm#toinay)

C. Chuẩn bị linh tinh:

1. Nhờ vị tăng ni hay chùa nào phụ trách nghi lễ; nhóm Phật tử nào tiếp giúp hộ niệm... nên mở lời thỉnh cầu trước. (Cũng nên có dự phòng, vì khi thình lình xảy đến thì chưa chắc vị tăng ni mình thích có thời dụng biểu thuận tiện không?).

2. Phân chia trách vụ cho thân thích hiểu biết và có kinh nghiệm phụ giúp: Ai lo tiếp tân? Ai đón rước tăng ni? Ai liên lạc với bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà quàng...? Ai lo sắp xếp bàn thờ và tượng Phật, bàn thờ hương linh, nhang đèn, bình bông, chuông mõ...? (Tại các city đông Việt kiều thường có dịch vụ cho thuê Phật cụ và trang trí cho tang ma, kể cả việc may tang phục, với giá phải chăng. Nên dọ hỏi, thuê họ cung cấp những dịch vụ cần thiết thì rất tiện lợi; tại Việt Nam nghe nói cũng có dịch vụ trọn gói đảm trách việc nầy)

3. Cáo phó nên thảo sẵn, đăng báo nào? gởi cho ai? nên lập danh sách ghi cả điện thoại, địa chỉ... để sẵn sàng liên lạc khi lâm sự, không phải mất nhiều thời giờ tìm kiếm. Lời cảm tạ tăng ni, thân hữu tham dự tang sự nếu phát họa trước vài nét càng tốt...

4. Cụ bị sẵn tượng Phật nhỏ, máy Niệm Phật, soạn lời khai thị tạm vắn gọn hợp với hoàn cảnh và niềm tin của thân nhân để thân thương nhắc nhở họ, dự phòng cho trường hợp thân nhân tắt thở mà tăng ni chưa đến kịp thời. (Thí dụ đối với một bà cụ từng Niệm Phật mình có thể khai thị: “Giờ nầy Bà đã lìa đời, bà thấy khỏe nhẹ phải không? bà không còn bị cái thân bệnh hoạn già nua làm đau đớn khó chịu nữa rồi. Bà đã hiểu rõ thế gian nầy là giả tạm, xấu xa, đầy khổ đau, chẳng có gì đáng luyến tiếc nên Bà đã dứt khoát tu Niệm Phật cầu vãng sanh về cõi Phật A Di Đà, nơi mình có thể vĩnh viễn sống an vui, hoàn toàn không có chuyện khổ. Vậy thì xin bà tiếp tục thành tâm tu pháp môn Niệm Phật, để chỉ về cõi Phật mà thôi. Bây giờ, xin Bà bắt đầu Niệm Phật với chúng con bà nhé! Bà nhớ một lòng một dạ Niệm Phật không xao lãng, không bận tâm chuyện đời, chuyện con cháu, không tiếc thương, bịn rịn chuyện gì, Bà nhé!”)

II. Giai đoạn lâm chung:

1. Trường hợp tắt thở tại địa phương không có tăng ni hoặc tăng ni chưa hiện diện kịp thời để chủ trì:

- Điều đình với ban quản lý bệnh viện hoặc viện dưỡng lão cho người từ trần tiếp tục nằm yên trong 8 giờ để làm nghi lễ tôn giáo. (Thông thường thì họ chấp nhận lý do tôn giáo nầy).

- Người thân nhất trong nhà, thiết trí tượng Phật nhỏ trong tầm nhìn người bệnh rồi nghiêm chỉnh đứng bên giường thành tâm tạm khai thị theo như văn bản đã dự phòng ghi ở mục C.4 ghi trên. Sau đó, người nầy nhắc nhở vong linh hướng về tượng Phật cùng niệm với mình. Nếu cần thì ta có thể mở máy Niệm Phật để nương theo mà niệm cho gia tăng phần công lực. (Lưu ý là nên có người đứng Niệm Phật cạnh người chết liên tục trong 8 giờ, hoặc cho đến khi có tăng ni hiện diện đến chủ trì).

- Thông báo cho thân hữu đã hứa hộ niệm đến ngay để hỗ trợ, nên chia nhóm luân phiên hộ niệm, để âm thanh hùng hậu và được liên tục

- (Đặc biệt lưu ý thân hữu tránh đụng chạm đến thi thể, cũng không ai được khóc than bi luỵ, và xin giữ tâm thanh tịnh, một lòng Niệm Phật với nguyện cầu cho người chết được vãng sanh tịnh độ)

- Cử người đón rước tăng ni. Xin vị chủ lễ chọn cho ngày giờ phát tang, hạ huyệt càng sớm càng tốt, hầu sớm nắm vững mọi chi tiết cần thiết thông báo thân hữu, đăng cáo phó... cùng liên lạc Nhà quàng về việc đón nhận di chuyển thi thể, chọn phòng tang lễ, lập thời khóa tang lễ, tiếp đón thân hữu thăm viếng...

2. Tăng ni hiện diện:

- Nếu rước tăng ni kịp thời lúc hấp hối để khai thị, thuyết pháp khuyên nhủ và hướng dẫn người bệnh Niệm Phật thì lợi lạc vô cùng, vì người bệnh dễ sanh tâm hoan hỷ hơn.

- Khi tăng ni hiện diện, dù đến trễ bao lâu cũng cung thỉnh tăng ni chủ trì mọi việc, nhất là việc khai thị, ngoài ra, nếu người chết chưa quy y thì rất nên xin được quy y, và ban pháp danh.

- Sau khi hoàn tất Phật sự, dù vị chủ lễ có lưu lại hay không, gia quyến nên tiếp tục ở cạnh người chết liên tục Niệm Phật, cho đến khi Nhà quàng đưa xe đến đón nhận xác ra đi.

III. Cứu độ vong linh trong giai đoạn thân trung ấm:

Việc cứu độ trong giai đoạn nầy muốn đạt hiệu quả, thiết nghĩ chúng ta cần nghiên cứu đặc điểm căn bản của thân trung ấm để có thể ứng dụng hợp tình lý:

A. Vài đặc điểm của thân trung ấm:

1. Sau khi chết người cực thiện vãng sanh ngay về cõi lành, kẻ cực ác thì nghiệp lực lôi kéo về cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tức thời, phần đông còn lại phải trải qua giai đoạn thân trung ấm, là giai đoạn tạm thời chờ đợi để chiêu cảm thêm nghiệp lực quyết định cho nẻo tái sanh cho cuộc sống kế tiếp.

2. Thân trung ấm nầy chỉ kéo dài được bảy ngày, nếu chưa tái sinh thần thức phải trải qua một kinh nghiệm chết rồi sống trở lại với thân trung ấm mới trong bảy ngày nữa, diễn tiến sống chết tiếp nối nầy có thể kéo dài thân trung ấm trong thời gian tối đa là 7 tuần tức 49 ngày.

3. Mỗi lần thân trung ấm lập lại cái kinh nghiệm chết, nó phải tái diễn trọn vẹn tình tiết của lần chết chánh thức: người chết an lành trải nghiệm lại cái chết an lành; người chết vật vã, đau đớn kinh hoàng... trải qua kinh nghiệm đau khổ đó mãnh liệt gấp 7 lần khi chết (nguyên nhân vì thân trung ấm thuần tâm linh, không có thân xác thịt ngăn trở nên ý thức khổ đau hay an lạc đều mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống). Điểm cần lưu ý khác là trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sanh, mọi nghiệp ác của các đời trước đều chiếu hiện trở lại, một cách cô đọng cường liệt, làm cho thần thức bối rối tột cùng.

Đây là lý do tại sao Phật Giáo có lệ tụng niệm cho người chết liên tiếp “bảy thất”, mỗi thất nếu sắp xếp tổ chức kịp thời vừa trước phút thân trung ấm phải trải nghiệm lập lại cái chết thì quí giá vô cùng, sự kiện đó giúp thân trung ấm cảm nhận niềm bình an, một nhân tố lợi lạc cho việc tái sinh.

4. Có thể nói Thân Trung ấm có thần thông, một trạng thái tinh tế thấy, nghe, hay biết tâm ý người sống, cũng có thể đi khắp nơi trong chớp mắt, xuyên qua tất cả chướng ngại vật, tóm lại tâm người chết ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, nhưng cũng rất phân tán và thường bất an. (Do đó, tang quyến nên luôn luôn sanh tâm thương yêu quí kính với người chết, nên nhớ là dầu chỉ móng niệm trong lòng ý khinh bạc, bất hiếu, cũng bị người chết khám phá được mà sanh tức giận đọa vào ác đạo; nếu thân quyến cãi vã tranh chấp nhau thì tình trạng càng tệ hại)

5. Thời gian 49 ngày là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết, giúp họ tạo cận tử nghiệp lành, tức là giúp họ chuyển vọng về chơn, chuyển phàm thành Thánh một cách dễ dàng. Theo Dudjom Rinpoche giải thích thì trong 21 ngày đầu của thời gian Trung Ấm, người chết vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua, vì vậy đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết. Sau đó, kiếp tái sinh dần dần tượng hình và trở thành ảnh hưởng chính, nên cơ hội chuyển nghiệp cho họ khó khăn hơn 21 ngày đầu.

6. Sau 49 ngày nếu chưa đầu thai, thì thần thức sẽ không còn dưới dạng thân trung ấm nên cũng không còn chịu tái diễn kinh nghiệm sống chết sau mỗi bảy ngày nữa, vì đã chuyển sang kiếp quỷ thần rồi. Từ thời điểm nầy thì việc cứu độ vong linh trở nên khó khăn bội phần. (Xin xem tiếp phần Cứu độ sau 49 ngày và phần Cõi Quỷ Thần)

B. Vai trò và phương pháp cứu độ:

1. Vai trò tự tu tự độ của hương linh:

- Phải ý thức rõ rệt rằng tự thân hương linh phải thức tỉnh và chuyển hóa thì sự vãng sinh, siêu thoát mới có cơ thành tựu, nếu hương linh cố chấp, bám chặt vào si mê, tham đắm danh lợi, giận hờn chất ngất thì tất cả nổ lực hỗ trợ của thân nhân và chư tu sĩ đều vô ích.

- Vì vậy, nếu hương linh đã có nếp sống đạo đức, đã từng quy ngưỡng Phật pháp thì chỉ cần nghe lời khai thị, nghe tụng niệm, nghe nhắc nhở... cũng có thể tức thời chuyển hóa được.

- Hương linh dẫu chưa từng Niệm Phật nhưng nhờ có căn lành, nương vào thành tâm của thân quyến, mà quy ngưỡng Phật, một lòng Niệm Phật không loạn động, cũng có thể được Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Tây Phương.

2. Vai trò của thân quyến (đặc biệt là lòng thành tâm, hiếu đạo):

- Gia quyến cũng đóng vai trò tối quan trọng trong việc cứu độ người chết, vì chỉ có thân quyến do những cộng nghiệp ràng buộc, những dính mắc sâu xa với người chết mới có đủ nhân duyên giao cảm khiến người chết hoan hỷ đón nhận mà phát thiện tâm, chuyển biến nghiệp dữ thành nghiệp lành.

- Do đó thân quyến phải nên thường trực giữ lòng chân thành hiếu thảo đối với người chết, nên ghi nhớ là trong thời gian 49 ngày, thần thức người chết rất bén nhạy hiểu biết rõ rệt tâm tư người sống, vì vậy điều kiện tiên quyết khi làm bất cứ Phật sự gì thân quyến cũng nên hướng thành tâm về người chết, thương yêu cầu nguyện thì thần thức họ sẽ cảm ứng mà an vui, nhờ vậy niệm lành sanh khởi mà được siêu sanh. (Ngược lại, trong thời gian nầy nếu con cháu sanh tâm ngỗ nghịch, phát ngôn bừa bãi, sanh sự bất hòa thì thần thức người chết biết rõ nảy lòng khổ sở, giận hờn mà bị đọa lạc)

- Thân quyến cũng có thể trợ duyên cho hương linh chuyển hóa bằng phương pháp ăn chay, tụng niệm, làm các việc phước thiện... hồi hướng cho hương linh. (Theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, phẩm thứ 7 thì trong bảy phần công đức, hương linh cũng hưởng một phần)

- Thân quyến cũng nên tránh sát sanh hại vật nhân danh tang lễ để tổ chức đãi đằng khiến hương linh phải liên đới trách nhiệm về nghiệp sát mới nữa.

3. Vai trò tăng ni chủ lễ:

- Theo Hoà Thượng Thánh Nghiêm thì “không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi”, có thể hiểu là trong các lễ cầu siêu nếu mời được chư Tăng Ni thì tốt, nếu không thuận duyên hay vì một lý do nào đó không thể mời được thì chính gia quyến chí thành tụng niệm cũng có giá trị. Dù sao, khi tang gia bối rối, nếu được vị thầy kinh nghiệm hướng dẫn thì người sống cảm thấy an lòng, mà hương linh cũng có điều kiện chuyển hóa hơn.

- Nếu vị chủ lễ là bậc thầy đạo đức từng được hương linh kính trọng thì pháp nhủ của thầy sẽ giúp hương linh chuyển hóa rất mạnh. (Cũng nên lưu ý là thần thức hương linh tinh tế, nên một vị thầy dầu lễ tụng nhuần nhuyễn mà bụng dạ kém đoan chính, lại có thể khiến hương linh thấu rõ mà sanh tâm phiền não)

- Được chư tăng ni chủ lễ thì tang lễ có thể hoàn mãn đầy đủ mọi nghi thức: Lễ Nhập Quan, Lễ Phục Tang, Lễ cầu siêu và cúng cơm, Lễ Di Quan, Lễ An Táng.

4. Linh Tinh:

- Chương trình kết thúc tang lễ, gồm các tiếc mục: Cung thỉnh chư tăng ni, cảm niệm người quá cố, quan khách phát biểu, lời cảm tạ của gia quyến... nên sắp xếp tổ chức ngay trước lễ di quan, vì nếu chờ đến khi hoàn mãn - an táng xong - thì trật tự không còn nữa...

- Trường hợp cư trú tại địa phương không có điều kiện mời tăng ni chủ lễ: Trong hoàn cảnh nầy, theo lời dạy của chư hòa thượng, gia chủ nên mạnh dạn tự mình hay nhờ cư sĩ hiểu biết, tuỳ tiện nương theo kinh Phật mà đọc tụng kinh và Niệm Phật cầu siêu, thì cũng có kết quả tốt đẹp. Thật ra, Pháp Phật là pháp để tu học, lắng nghe tìm hiểu mà chuyển hóa, chớ không phải là một pháp mầu cần phải tụng theo âm điệu, chuông mõ “rình rang” mới hiệu nghiệm. Vấn đề là gia chủ cần phải có tâm thành, hết lòng hết sức vì hương linh mà tha thiết thưa thốt nhắc nhở, thì mặc dầu tang lễ đơn sơ mộc mạc mà giá trị tinh thần vẫn có thể rất sâu xa. Thí dụ như khi thọ tang gia chủ có thể thân thương cất tiếng: “Thưa Mẹ (hoặc Ông, bà. Cha...) Mẹ ơi! Mẹ đã suốt đời tận tụy hi sinh gánh chịu bao điều gian khổ để chăm sóc chúng con. Ơn mẹ bao la như trời biển, chúng con chỉ gây khổ đau cho mẹ chớ chưa báo đền chút ân tình sâu dầy thì nay mẹ đã ra đi rồi. Giờ đây, quỳ trước linh đài mẹ, chúng con xin chính thức thọ tang, chúng con chỉ biết thành tâm sám hối, thành tâm tụng niệm cầu cho mẹ được an vui nơi tịnh thổ. Chúng con xin tụng đọc lời Phật dạy về cõi Phật A di Đà và niệm Phật hồi hướng cho mẹ. Xin mẹ lắng lòng nghe, xin mẹ cùng niệm Phật với chúng con. Xin mẹ lắng lòng tưởng nhớ đến Phật và xin buông bỏ đừng bận tâm gì chuyện đời nữa!..” Đây chỉ là một gợi ý đơn giản, gia chủ nên tuỳ nghi theo tình tiết riêng của gia đình mà bộc bạch.

5. Lo lắng sau đám tang:

- Tổ chức lễ cúng thất, mỗi 7 ngày, nhất là lễ chung thất tức thất cuối cùng thứ bảy tại chùa.

- Ngoài nghi lễ chinh thức nầy, hằng ngày hằng giờnếu tưởng nhớ đến người quá cố, thân quyến nên tiếp tục niệm Phật hồi hướng, với niềm tin tưởng vững chắc rằng lòng thành của mình sẽ được hương linh cảm ứng mà phát tâm lành.

- Về tiền phúng điếu, nếu có phương tiện, đề nghị nên xử dụng vào các công tác phước thiện, tạo duyên phước cho hương linh lẫn người gởi phúng điếu.

- Thời gian tốt nhất để tu tập cho người chết khi còn giữ dạng thân trung ấm thì 3 tuần đầu là quan trọng nhất vì trong thời điểm nầy người chết còn liên hệ mạnh mẽ với cuộc đời, nên họ dễ dàng nhận sự giúp đỡ của thân quyến, tóm lại sự tu tập của thân quyến ảnh hưởng đến tương lai của người chết rất nhiều, có thể giúp họ giải thoát, hoặc tái sanh tốt đẹp. Thời gian kế tiếp - khoảng từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 49 - thì hình dạng vật lý của họ bắt đầu quyết định, nên cơ hội giúp họ chuyển nghiệp trở nên khó khăn và bị hạn chế. (Tạng thư sống chết Thích nữ Trí Hải dịch)

6. Vài nhận xét ngắn gọn về các tệ trang liên hệ đến tang ma tại Việt Nam:

- Về tệ trạng lăng mộ hoành tráng cạnh tranh nhau: Mộ không phải là nhà ở của người chết mà xây dựng kiên cố để trú ngụ dài lâu. Phần lớn, người chết sẽ tái sinh sang kiếp khác trong thời hạn 49 ngày, ngôi mộ chẳng có giá trị thực sự gì cho hương linh, nó chỉ là phương tiện để người sống cạnh tranh khoe hiếu đạo, khoe giàu mà thôi. Ngược lại, tâm lý quá tham luyến ngôi mộ, có thể là một nguyên nhân khiến người chết không siêu thoát, phải lâm cảnh đầu thai sang loài quỷ giữ mồ mả chịu khổ sở lâu dài... Tại các nước có tục lệ thiêu xác như Ấn độ, Tây Tạng... không xuất hiện nhiều chủng loại ma quỷ giữ mồ như Trung quốc, Việt Nam... là nước quá quan tâm đến mồ yên mả đẹp. Thiêu xác quả là một tập tục hay đáng để cho chúng ta noi theo.

- Về tệ trạng chọn huyệt theo thuyết phong thủy: Theo giáo lý “nghiệp quả” của Phật giáo thì ai gieo nhân nào phải gặt quả nấy, nên không có việc chỉ cần sở hữu một huyệt tốt thì luật nhân quả không còn hiệu nghiệm, mặc tình sống bất chấp đạo đức lẽ phải cũng giàu sang thành đạt.

- Về tệ trạng gào khóc,thậm chí thuê mướn người khóc cho rậm đám, chỉ nhằm mục đích phô trương hiếu đạo... vừa lố bịch với người, vừa có thể khiến hương linh bất an, não loạn mà đọa lạc...

- Về tệ trạng sát sanh tổ chức tiệc tùng: chủ khách tưng bừng thù tạc rượu thịt... trong ngày đưa tiển mất mát người thân là hành vi bất hiếu kính, huống chi việc sát sanh hại vật trong tang lễ vô tình tạo thêm nghiệp nặng cho người chết, khiến họ càng khó siêu thoát. Chính vì vậy mà Đức Huỳnh Giáo chủ mới dạy: “Giỗ lớn tội lớn, giỗ nhỏ tội nhỏ.” (2). Nếu trong hoàn cảnh phải lo ẩm thực cho khách đường xa, nên tránh tối đa việc sát sanh, và gia chủ nên yêu cầu thực khách lặng lẽ ăn uống để giữ lòng tưởng nhớ đến người vừa qua đời.

- Về tệ trạng thuê phường nhạcbát âm kèn trống rầm rộ gây náo loạn, tạo không khí ồn ào náo nhiệt trong thời điểm cần trang trọng tưởng niệm người thân ra đi quả là điều trái đạo lý.

- Về tệ trạng đốt và rải giấy tiền vàng bạc: Việc bày vẽ ra các loại tiền âm phủ, giấy vàng bạc, lầu kho... cùng các nghi thức như cúng tam sên, mở cửa mả... đều là hủ tục mê tín nên loại bỏ.

IV. Giai đoạn sau khi đã đầu thai:

A. Cõi và Thời gian đầu thai tức tái sanh:

1. Diễn biến thông thường:

Như đã trình bày phần III.A.1 về Thân trung ấm, thì sau khi chết người cực thiện vãng sanh ngay về cõi lành, kẻ cực ác thì nghiệp lực lôi kéo về cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tức thời, phần đông còn lại vì nghiệp báo chưa rõ rệt, nên còn chần chờ và có thể kéo dài thêm 49 ngày để chiêu cảm thêm nghiệp lực mới làm yếu tố quyết định để vãng sanh về cõi Phật hoặc tái sanh vào một trong sáu cõi (cũng gọi là lục đạo hay lục thú): Trời, Người, A tu La, Quỷ thần, Địa Ngục và Súc sanh...

2. Trường hợp đặc biệt:

- Theo Sogyal Rinpoche (Tạng thư sống chết Thích nữ Trí Hải dịch) thì có một số kẹt lại trong thế giới trung gian (tức thân trung ấm) để thành ma quỷ. Đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche(Chết &Tái sinh, Nguyên Tạng soạn dịch) cũng cho rằng có một số người cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy nămmới đi tái sinh, trường hợp bị kẹt lại này thì họ sẽ trở thành ma quỷ.

- Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột như trường hợp bị ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó tuy đã chết rất lâu vẫn không thể tiến đến giai đoạn tái sanh. (Tạng thư sống chết Thích nữ Trí Hải dịch)

- Thiết nghĩ: Sau 49 ngày người chết không còn giữ nguyên dạng thân trung ấm và cũng không còn chịu tái diễn kinh nghiệm sống chết sau mỗi bảy ngày nữa, vì họ đã chuyển kiếp thành quỷ thần một cách đương nhiên, một loại quỷ thần hiện hữu lẫn lộn trong cõi người. (Quỷ thần thuộc loại hóa sanh, từ thân trung ấm hóa sanh thành quỷ thần nhanh chóng, không gì thay đổi nên ngay chính đương sự cũng cảm giác như tiếp tục thân cũ. Vì vậy, hồn ma vất vưởng dài lâu ở cõi Ta Bà chính thật là đã đầu thai vào chủng loại quỷ thần, chớ không còn là thân trung ấm nữa). Cứu độ những chúng sanh nầy do đó khó khăn hơn những người chết còn ở dạng thân trung ấm rất nhiều.

B. Thời gian và thể thức cứu độ sau khi đã đầu thai:

1. Tính chất không giới hạn về thời gian và cõi:

Dầu người chết đã đầu thai bao lâu và ở cõi nào, sự giúp đỡ cho người chết vẫn có thể tiếp tục, tuy khó khăn hơn, nhưng vẫn có kết quả :

- Theo Dudjom Rinpoche thì người đã chết 100 năm về trước, nhưng nếu ta tu tập cho họ, họ vẫn còn được lợi lạc. (Tạng thư sống chết Thích nữ Trí Hải dịch)

- Kinh Tirokudda sutta (Khudaka Patha) có dạy rằng ngay các chủng loại quỉ tức đã chuyển kiếp lâu xa rồi, vẫn có thể hưởng được phước báu mà thân quyến họ đã tạo nên và hồi hướng đến họ. (Đức Phật và Phật Pháp, ĐĐ Narada Maha Thera)

- Kinh Ưu-bà-tắc có nói: "Nếu người cha chết rồi bị đọa vào kiếp Ngạ quỉ, mà người con vì cha làm những phúc đức, nên biết người cha liền được thọ hưởng” (Theo Phương pháp Liễu sanh thoát tử).

- Theo Ngài Hư Vân (pháp ngữ trai đàn Thủy Lục tại Quảng Châu Trung Quốc vào ngày 18-8-1946) thì nhờ thiền sư Anh Công đời Đường kiến lập đàn tràng Thủy Lục cầu siêu độ, mà vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn Muội, v.v... tuy đã bị trầm luân cả ngàn năm, vẫn được siêu thăng về cõi trời. (Hư Vân niên phổ, Hạnh Đoan dịch)

- Theo H.T. Thánh Nghiêm thì “Dù cho người chết có bị đọa vào ba đường ác thì công dụng của Phật sự là làm giảm bớt nỗi thống khổ của người chết, cải thiện hoàn cảnh của ba cõi. Nếu được sinh lên cõi trời thì sẽ làm cho hạnh phúc của họ trên cõi trời thêm an lạc. Nếu được sinh ở cõi tịnh độ thì có thể nâng cao thêm thứ bậc ở đấy”. (Phật học Quần Nghi)

2. Thể thức cứu độ:

- Trường hợp bình thường:

+ Gia quyến nên tiếp tục tu tập không ngừng: bái sám tụng niệm (đặc biệt là tụng kinh Địa Tạng và niệm Phật A Di Đà) và thực hành thiện nghiệp (cúng dường trai tăng, bố thí, phóng sanh, cứu giúp: cô nhi, kẻ tật nguyền, già yếu neo đơn...), rồi tâm thànhhồi hướng cho thân nhân từ trần. Vào những ngày đại lễ Phật giáo, nhất là lễ Vu Lan thì việc tu tập hồi hướng cho người chết càng được khuyến khích.

+ Ký tự hương linh vào một ngôi chùa có nếp sống tu tập chân chính là một việc rất lợi lạc, vì sự kiện nầy tạo duyên cho hương linh nghe kinh kệ và gần gũi nếp sống đạo đức tu tập mà chuyển hóa, nhờ vậy họ sớm giải thoát khỏi kiếp quỷ long đong.

- Trường hợp đặc biệt:

+ Người bị chết thảm như: bị ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào trạng thái đau đớn, sợ hãi khủng khiếp dày đặc như bị “đông cứng”. Có thể hiểu là trong kinh nghiệm nầy... cái tâm sợ hãi bao trùm, che lấp a lại da thức không cho các hạt giống khác sanh trưởng thành thử người chết bị u mê ám chướng chẳng biết mình là ai, chẳng biết đường về nhà? rồi cứ kẹt cứng ở nơi đó mãi mãi. Trường hợp nầy tâm thành của thân nhân không đến với họ được. Vì vậy người nhà nên thỉnh tăng ni đến tận địa điểm tử nạn, tổ chức lễ cầu siêu, khai thị cứu gỡ họ ra khỏi tâm u mê, rồi rước hương linh về ký tự tại chùa. Nhờ thế, hương linh đỡ tối tăm, chủng tử lành phục hồi, mới mong sớm thoát khỏi nghiệp quỷ.

+ Tổ chức trai đàn thủy lục: là tập tục nghi lễ Phật giáo có qui mô lớn cho cả nước hay một địa phương nhằm chẩn tế cô hồn, vừa khai thị để giải oan cứu độ người chết. Trai đàn thủy lục thường được tổ chức để cầu siêu độ cho chiến sĩ trận vong và nạn nhân chiến cuộc, nhưng bình thường, người thiện tâm cũng có thể cung thỉnh tăng ni lập đàn tràng, trước là siêu độ thân nhân, sau là từ bi hướng về các oan hồn uổng từ phổ độ họ.

+ Ngoài ra, tùy nguyên nhân của mỗi trường hợp, thân nhân nên tìm riêng cách tháo gỡ cái chấp thủ khiến họ bị kẹt cứng khổ sở và không đầu thai được. Thí dụ như hoàn cảnh cậu Jo con trai của bác sĩ Otto Kunz tại Annecy, Thụy sĩ chết đuối khổ sở tại hồ nước không siêu thoát. Qua một đồng tử trung gian, bác sĩ Kunz cầu hồn con, lần đầu người chết ú ớ không nói được rồi bỏ đi; tiếp tục sau khi cầu nguyện chân thành thì lần nầy cô đồng giẫy giụa như kẻ đang chết đuối rồi đi. Buổi lên đồng thứ hai, cũng ú ớ không nói được, người mẹ bỗng khóc oà lên, thì cô đồng bỗng thốt lên “Khổ quá! Khổ quá!...”, đúng là giọng nói của Jo, bà mẹ xác nhận. Sau nhiều buổi cầu hồn không mấy khích lệ, đến khi bác sĩ Kunz lên tiếng nhắc nhở: “Ba biết con bị sặc nước chết nhưng hiện nay xác thân con không còn nữa. Nay con đâu bị ngạt thở nữa! Hãy can đảm lên tiếng đi con!”Sau khi được khai thịrằng cái thân xác đã hoại, tình trạng ngạt thở không còn nữa, Jo bắt đầu bập bẹ rồi lần lần tự tin thuật chuyện rành rọt. Cũng từ đó, Joe giải thoát khỏi cái u mê giẫy chết khủng khiếp dưới đáy hồ. (Lược trích từ “Trở về cõi sáng”, chương “Áp lực vật chất đối với những người vừa từ trần” của Nguyên Phong)

V. Sơ lược về cõi Quỷ thần và quỷ thần biên trụ:

Trong thời hạn 49 ngày, nếu không ở vào trường hợp đặc biệt vãng sanh về cõi Phật, thì tuỳ theo nghiệp lực dẫn dắt mà thân trung ấm sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi (cũng gọi là lục đạo hay lục thú). Chúng ta thường tìm thấy trong các tài liệu giáo lý căn bản Phật Giáo thì lục thú là Thiên, Nhân, A tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷvà Súc sanh. Theo nhiều vị đạo sư thì Ngạ Quỷ thú phải được gọi chính xác hơn là Quỷ Thần thú, vì loại chúng sanh nầy rất đa dạng mà Ngạ Quỷ chỉ là một dạng của Quỷ Thần thú mà thôi.

A. Vài đặc điểm của Quỷ Thần Thú:

1.Ý nghĩa các danh từ Quỷ, Thần và Ma:

- Theo kinh sách Phật giáo:

+ Quỷ Thần: Tách rời từng chữ thì "Quỷ" có nghĩa là "úy", là hay khiếp sợ; "Thần" có nghĩa linh thông biến hóa. Quỷ Thần chỉ chung cho một cõi bao gồm cả bậc thần thông biến hóa đầy uy đức (Thần) lẫn hạng chúng sanh cùng khổ kinh sợ (Quỷ).

+ Ma: là những lực xấu làm nhiễu loạn kẻ tu hành. Luận Du-già-sư-địa nêu ra bốn loại ma: Thiên ma, ma ngũ uẩn, ma phiền não, và ma chết. Thiên ma chỉ chúng sinh ở Tha Hóa Tự Tại Thiên tức cõi Trời thứ sáu của Dục giới. Chính Ma Vương La Tuần của cõi nầy cùng đám ma nữ giở mọi trò biến hóa mong phá hoại Đức Bổn sư Thích Ca khi Ngài sắp thành Phật. Còn ba thứ ma kia không phải là một loài chúng sanh mà chỉ là thứ mãnh lực tiêu cực phát xuất từ sinh lý và tâm lý của con người, cũng gây nhiễu loạn và phá hoại công đức kẻ tu hành. (3)

- Theo tín ngưỡng dân gian:

+ Thần: bậc siêu phàm khuất mặt, linh thiêng có thể gây phúc họa được người tôn thờ.

+ Ma: người đã chết nói chung (nên thây người chết gọi là thây ma) và cũng chỉ riêng cho hình bóng người chết hiện hình.

+ Quỷ: là loại ma hung dữ gây tác hại và nguy hiểm cho người sống.

- Tóm lược: Chữ Quỷ trong Phật giáo bao gồm cả hai loại Ma và Quỷ theo dân gian, riêng chữ Ma theo Phật giáo có ý nghĩa khác biệt như đã ghi trên.

2. Chủng loại Quỷ Thần:

Quỷ thần có vô số chủng loại và hiện hữu ở khắp cõi khác, từ cõi thiên cho đến địa ngục, súc sanh. Ta chỉ có thể tạm chia thành hai loại là: quỷ có uy đức (hay uy phước) và quỷ không có uy đức.

a.loại uy đứccó cung điện, thân tướng trang nghiêm, có nhiều kẻ thuộc hạ tùy tùng, được thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng.

- Thiện quỷ thần đại uy đức như chư vị: Đại Phạm Thiên Vương, Tam thập thiên vương, Tứ thiên vương, Diêm Ma vương, Nan đà long vương, Bạt đà long vương...

- Uy đức bậc trung như quỷ Dạ Xoa, quỷ La Sát, quỷ Cưu bàn Trà (Quỷ nầy có thể biến làm cảnh giới ngũ trần vui sướng để hưởng thọ), quỷ Địa hành dạ-xoa (địa hành: đi đất) luôn luôn được nghe những âm nhạc vui vẻ và được ăn uống (theo kinh Chánh Pháp niệm xứ), quỷ Đa tài Đại phúc hưởng phước đức như cõi Trời(theo P.G. Chánh Tín, HT Thánh Nghiêm)

(Ngài Hư Vân cũng lời dạy tương tợ với vài hàng vắn tắt như sau: Các quỷ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài quỷ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài ngạ quỷ, là loại chúng sanh trong địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng)

Trong loại quỷ thần uy đức cũng có thể tùy theo tâm địa mà phân thành:

- thiện quỷ thần (tức chánh thần) là bậc chân chánh hộ trì chánh pháp, hộ trì nhân gian như các bậc Thiên vương đã ghi trên.

- ác quỷ thần như Quỷ La Sát

- vừa thiện vừa ác: như Quỷ Dạ Xoa.

b. loại không uy đứclâm cảnh vất vả, sống âm u tăm tối, thường đói khát hoặc ăn uống bất tịnh:

- Loại ít đói như quỷ hy vọng (mong cầu người ta thờ cúng tế mới ấm no), quỷ hy khí (mong cầu đồ vật người ta vất bỏ để mà ăn).

- Loại đói nhiều, như quỷ châm mao (lông như kim), quỷ xú mao (lông hôi thối), quỷ đại anh (thân đầy lở lói).

- Loại đói thường trực kinh khủng như các loài ngạ quỷ: quỷ cự khẩu, quỷ châm yết, quỷ xú khẩu (cự khẩu: miệng như lửa; châm yết: cổ như kim; xú khẩu: miệng rất hôi thối).

c. loại tạm gọi uy đức trung bình: là loại có uy phước chút ít, khó xếp hẳn vào một trong hai loại trên, như:

- quỷ Hy Tự, hành động được tự do, có thể đi hết các phương dễ dàng cũng như chim bay giữa trời, qua lại không ngăn ngại (luật Thuận Chánh Lý, quyển ba)

- quỷ Tự do: những kẻ trong lúc bình sanh không làm lành, cũng không làm dữ; thì sau khi chết rồi không có quả báo gì xuất hiện, cho nên sẽ làm loài quỷ và được tự do. Loài quỷ này thường hay nương náu nơi mồ mả của mình hoặc mồ mả của kẻ khác; dựa theo cái dư khí của cốt tủy mà được hiển linh. Cho nên nếu ai có cúng tế, thì cũng được hưởng thụ. Đến khi xương tủy đã mục nát, thì mất chỗ nương tựa, liền tìm đến chỗ nào xương tủy chưa mục nát và vô chủ để nương tựa (theo Kinh Quán Đảnh)

3. Xứ sở của Quỷ Thần:

Quỷ Thần có nhiều chủng loại, vì vậy trụ xứ của Quỷ Thần cũng hoàn toàn khác biệt, như chư Thiên Vương thỉ dĩ nhiên xứ sở phải là cõi Thiên. Tuy nhiên, riêng đối với chư Quỷ thần thiếu uy đức thì xứ sở của quỷ thần có hai nơi gọi là chánh trụ và biên trụ: Theo kinh Chánh Pháp Niệm thì:

- Chánh trụlà xứ sở riêng của loài quỷ nghiệp nặng, thuộc về thế giới ngạ quỷ, nằm trong thành Diêm La, nơi ở chánh thức của vô số ngạ quỷ do Diêm La Vương thống lãnh.

- Biên trụlà xứ sở của các quỷ thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà cùng các nơi thanh tịnh lẫn bất tịnh.

4. Hình thức tái sanh vào Quỷ Thần thú:

- loại thai sanh rất hiếm như Quỷ La Sát, Quỷ Tử Mẫu...

- loại hóa sanh gần như hầu hết (có thể coi như 99.99%)

B. Vài nhận định về các loại Quỷ Thần Biên Trụ tức loại sống lẫn lộn trong loài người:

1. Nguyên do hóa sanh của Quỷ Thần Biên Trụ:

Chư Quỷ thần nầy vốn đã có nhiều duyên nghiệp với loài người, nên bằng nguyện lực hay nghiệp lực đã hóa sanh về biên trụ sống lẫn lộn với người:

- chư Bồ Tát do nguyện lực hóa hiện về cõi Ta Bà để hộ trì Phật Pháp, phổ độ chúng sanh. Thí dụ như nhị vị Dạ Thần: Bà San Bà Diễn và Phổ Đức Tịnh Quang mà Ngài Thiện Tài đồng tử đã tầm cầu học đạo. (kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới)

- những người thương dân yêu nước, thậm chí quyến luyến một địa phương, một giòng sông, một ngọn núi... cái thâm tình đó đã thúc đẩy họ ở lại thế gian mà phò trợ. Đó là những vị thần bản địa, thần hoàng, thần núi, thần sông... (Kinh Địa Tạng Bồ Tát bản nguyên có nhắc đến danh sách rất dài danh tính các vị thần nầy. Ngài Hư Vân cũng kể có vị thần núi, thần cây đã thọ giới quy y với Ngài)

- những người có nghiệp thiện ác trung hòa không có cõi nào thu hút mãnh liệt, trong thời gian 49 ngày của thân trung ấm lập lờ chờ đợi quyết định cõi đầu thai bỗng bị tình quyến thuộc, lòng tham luyến mồ mả, mong cầu giỗ cúng... mà kẹt lại.

- trong số người chết thảm khốc như: bị ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, có người bị rơi vào trạng thái đau đớn, sợ hãi khủng khiếp dày đặc, khiến thần thức bị kẹt cứng vào thảm trạng đó không tạo cơ hội cho các chủng tử khác đang lưu trữ sâu trong tàng thức hiện hành được, và cứ thế mà họ chìm đắm trong trạng thái u mê đó mãi mãi. Có thể hiểu là họ đã hóa sanh thành Quỷ thần ngay lúc thảm tử, không trải qua giai đoạn thân trung ấm, nên không có giây phút thấy lại quãng thời quá khứ để chiêu cảm nghiệp lực nào khác.

2. Tương quan giữa Phật tử và quỷ thần:

- Phật tử chân chính đã quy y Phật thì tuyệt đối không quy y Thiên Thần Quỷ Vật, dù là bậc Thiên Thần đầy phước báu. (Lời phát nguyện khi thọ Tam quy)

- Nếu chưa là Phật tử cũng nên ý thức rằng Thiên Thần cũng là chúng sanh trong lục đạo, khi hưởng hết phước báu lại tiếp tục quay cuồng trong sáu nẻo luân hồi. Vua Trời Phạm Thiên, Tứ Đại Thiên Vương... cũng quy y Phật và trở thành những bậc hộ pháp đắc lực, thường gia hộ những Phật tử tu hành chân chính. Do đó, chẳng những ta phải từ bỏ tệ trạng sùng bái quỷ thần, mà dứt khoát không bao giờ cầu cạnh họ ban cho ân huệ hay quyền lợi gì cả. Khi đã nhận được quyền lợi của ai thì phải thiếu nợ, để rồi cuối cùng phải trả nợ cả vốn lẫn lời, mà không phải trong một kiếp. Đã dây dưa với họ thì khó mà vuột thoát. (H.T. Thiện Tâm có kể đến trường hợp một tín nữ cha ông theo phái Ngũ Hành của Quỷ thần, riêng cô hết lòng muốn tu theo Phật giáo nhưng cuối cùng cũng bị lôi trở lại với họ. Xem NPTY, chương 7)

3. Thái độ nên có của người Phật tử đối với Quỷ Thần:

- Kính trọng: Là Phật tử ta nên tỏ lòng kính trọng chư Thiện Thần uy đức thường ủng hộ thế gian, ngay như hạng Quỷ thần thấp kém đói khổ cũng nên tỏ lòng từ bi lân mẫn thương yêu họ.

- nhưng thận trọng: Ta cũng nên thận trọng đối với chư Quỷ thần, nếu tự hào là Phật tử mà có thái độ khinh bạc, không may gặp loại Quỷ thần có uy lực nóng tánh cố chấp thì có thể bị trừng phạt.

- và không nể sợ: Chư cổ đức thường dạy “đức trọng quỷ thần kinh”, người Phật tử đức độ luôn luôn được chư Quỷ thần nể trọng. Ta không gây sự với Quỷ thần thì Quỷ thần chẳng đụng chạm đến ta.

4. Những điều cần lưu ý trong việc cứu độ thân nhân bạc phước lạc vào cõi Quỷ thần:

Vê việc cứu độ tổng quát: Xin xem lại tiết mục “Thể thức cứu độ thân nhân đã đầu thai IV.B. 2”. Ngoài ra, xin bổ túc vài nhận xét sau đây:

- Quỷ thần từ cõi người hóa sanh nên vẫn giữ nguyên ký ức kiếp người cũ, tình cảm hay thù hận vẫn còn ấp ủ trong tâm(4), do đó họ rất mong mỏi được thân nhân nhớ tưởng và cứu giúp họ. Nói chung là phần lớn quen cách sống của kiếp người, luôn luôn tưởng mình còn thân xác thịt nên thường bị ám ảnh bởi cái khổ đói lạnh. Do đó, nếu được khai thị nhắc nhở cho họ ý thức rằng đói lạnh là do tâm tưởng không thực có thì nỗi khổ bức bách nầy sẽ biến mất, họ có thể nhận được phần nào an lạc. (5)

- Quỷ thần hạng kém uy phước hóa sanh về biên địa, nói chung, dù sao cũng xếp vào hạng nghiệp lưng chừng hay nghiệp nhẹ. Do đó, ngay như những cô hồn đói khổ vất vưởng nếu được khai thị, được quy y, thậm chí chỉ cần nghe tụng nửa câu kệ trong kinh Hoa Nghiêm(5) thì vẫn có thể phát tâm lành tu tập mà chuyển nghiệp.

- Chư quỷ thần có uy phước trung bình hộ trì dân gian như thần bản địa, thần núi, thần sông... khi nghe Phật Pháp rất hoan hỷ nên thường hay phù hộ kẻ tu hành chân chính, có vị còn hiện hình xin thọ giới quy y hoặc thọ pháp với chư đạo đức tăng. Trong “Cảnh đức truyền đăng lục” có kể chuyện thiền sư Nguyên Khuê truyền giới cho thần núi Ngũ Nhạc, trong “Bá Trượng ngữ lục” cũng ghi lại câu chuyện của một ông lão, vốn là tỳ kheo thời Phật quá khứ, vì dạy pháp sai lầm nên bị đọa thành chồn tinh (súc thần) đã 500 kiếp, nhờ được thiền sư Bá Trượng thuyết pháp giải đáp khối nghi mà đại ngộ và được giải thoát kiếp chồn(6)

Phần kết:

Thói thường tang lễ là một cơ hội hiếm có cho một số người có dịp phô trương lòng hiếu thảo, khoe giàu sang qua đám tang vĩ đại, kèn trống tưng bừng đưa tiển người chết, chủ khách huyên náo tiệc tùng thù tạc, cùng xây dựng khu lăng mộ hoành tráng... Theo quan điểm Phật giáo thì những hành vi phô trương nầy chẳng những khiến hương linh rối loạn bứt rứt, mà còn tạo thêm nghiệp nặng cho họ nữa.

Thật ra, trong lúc tâm thần bất an hoảng hốt, người chết chỉ biết quay về với thân quyến để mong được tiếp cứu. Lúc đó, nếu họ thấy thân quyến chân thành thương tưởng thì hương linh đã cảm nhận được niềm an ủi sâu xa rồi. Nếu thân quyến lại còn biết thành tâm tổ chức theo nghi lễ Phật giáo: khai thị, tụng niệm, bố thí... hồi hướng cho người chết thì hương linh lại càng cảm thấy an lạc, sẵn sàng đón nhận ánh sáng đạo mầu để chuyển hóa mà siêu thoát. Tóm lại, một nghi lễ tưởng niệm giản dị, nhưng với lòng chân thành tu tập có thể gặt hái những thành quả khó ước lường: Người còn ở dạng thân trung ấm có điều kiện chuyển nghiệp để vãng sanh; người đã sinh về cõi lành gia tăng phước báu, người sanh về cõi dữ cũng cải thiện được hoàn cảnh, giảm bớt nỗi khổ đau.

Tháng 02. 2011

Ghi chú:

(1) Theo H.T. Thánh Nghiêm thì Súc sanh cũng có súc thần như các loài tinh mị...

(2) Đức Huỳnh Giáo chủ dạy: “Giỗ lớn tội lớn, giỗ nhỏ tội nhỏ. Lại hỏi: “Không giỗ thì sao?”. Đáp: “Không giỗ thì xuống địa ngục”. (Giỗ mà sát sanh nhiều tạo nghiệp nặng tội lớn, sát sanh ít thì nghiệp nhẹ tội nhẹ. Còn không giỗ, không nhớ tưởng gì đến cha mẹ thì bất hiếu đáng đọa địa ngục. Vậy giỗ đơn giản, không sát sanh, tưởng nhớ và tu tập làm phước hồi hướng cho người quá cố mới là thật sự hiếu thảo)

(3) Có thuyết phân ma thành ba loại: Thiên ma, Nội ma (ma phiền não, tử ma, bệnh ma) và Ngoại ma (là các loại ác quỷ thần yêu mị xuất hiện phá khuấy người tu: bố ma, ái ma và não ma)

(4) Quỷ thần hóa sanh tức khắc, không như loại thai sanh phải qua một thời gian dài phát triển thân vật chất, nên ký ức về kiếp sống cũ vẫn còn nguyên vẹn. (Trong kinh điển Nam Tông, như kinhTiểu BộII nhắc lại sự tích các nữ quỷ Mattà, truyện Nandà, Dhanapala... các quỷ nầy vẫn nhớ và tự kể rõ những hành động gian ác của họ ở kiếp người)

(5) Đó là lý do chư Tổ khi soạn lễ cầu siêu độ và thí thức cô hồn luôn luôn bắt đầu bằng lời khai thị đặc biệt “... Cô hồn nhược yếu sinh Tịnh độ. Thính tụng Hoa Nghiêm bán tự kinh: ‘Nhược nhơn dục liễu tri. Tam thế nhất thế Phật. Ưng quán pháp giới tánh. Nhất thế duy tâm tạo” (Cô hồn nếu muốn sanh Tịnh độ. Hãy nghe tụng kệ kinh Hoa Nghiêm rằng: “Ai muốn hiểu rõ ba đời chư Phật. Hãy quán chiếu tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo), và kết thúc bằng “Bát Nhã Tâm Kinh”

(6) Câu chuyện thường được gọi là “Bá Trượng dã hồ” trích từ Bá Trượng Ngữ Lục của Hoài Hải Thiền Sư: Một hôm, thiền sư Bá Trượng thuyết pháp xong, đại chúng đều trở về, chỉ có một ông già còn ở lại.

Sư hỏi : “Ông là ai ?” Ông già đáp : “Con không phải người, mà vốn là chồn tinh. Vào thời Phật quá khứ, con tu hành ở núi Bá Trượng này, nhân có vị tăng hỏi con : ‘Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?’. Con đáp : ‘Không!’. Do lời đáp này mà con đọa làm thân chồn năm trăm đời. Nay xin thiền sư dạy cho một chuyển ngữ để con được thoát khỏi thân chồn!”

Thiền sư Bá Trượng nghe xong, từ bi nói: “Mời ông cứ hỏi”. Ông già chấp tay thưa: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”

Thiền sư Bá Trượng đáp : “Không lầm nhân quả”. (Bất muội nhân quả)

Ngay lời nói này, ông già đại ngộ, được giải thoát kiếp chồn, xin làm lễ cáo từ.

Sách và tài liệu tham khảo:

Kinh Tiểu Bộ Tập II, G.S. Trần phương Lan
Phật học Tinh Yếu & Niệm Phật Thập Yếu, Hòa thượng T. Thiện Tâm
Phương Pháp Liễu Sanh Thoát Tử, bản dịch của T. Quang Phú
Hư Vân niên phổ – Thơm Ngát Hương Lan, Hạnh Đoan dịch
Phật Giáo Chính Tín & Phật học Quần Nghi Hoà Thượng Thánh Nghiêm
Đức Phật và Phật Pháp, H.T. Narada, Phạm kim Khánh dịch
Chết &Tái sinh, T. Nguyên Tạng
Trở về cõi sáng, Nguyên Phong
Tôi nay trọ ở Trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời, cư sĩ Tâm Diệu
Cõi âm và khả năng ngoại cảm, Nguyễn đức Cần
Vấn đề Qủy Thần, T. Phước Thái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/10/2010(Xem: 9172)
Lẽ thường trong chúng ta, ai ai cũng đều có một cái “cái ngã”, hay “bản ngã”. Không những cái ngã của chính mình mà còn ôm đồm cái bản ngã của gia đình mình, của bằng hữu mình, của tập thể mình, của cộng đồng xã hội mình, của tôn giáo mình, của đất nước mình, và thậm chí cho đến cái bản ngã của chủ nghĩa mình; dù đó là chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm, hay chủ nghĩa hiện sinh...
09/10/2010(Xem: 9195)
Sáutu sĩ khổ hạnh quấn trên người những chiếc áo bạc màu bụi đường cùng nhau "tiến sâu vào lãnh thổ của xứ Ma-kiệt-đà"(Magadha) trong thung lũng sông Hằng (PhổDiệu kinh - Lalitavistara). Họ đixuyên ngang các thôn xóm và những cánh đồng xanh mướt. Chung quanh cảnh vật êm ảvà lòng họ thật thanh thản. Họ là những người quyết tâm từ bỏ gia đình để chọnmột lối sống khắc khổ, không màng tiện nghi vật chất mà chỉ biết dồn tất cả nghịlực để đi tìm bản chất của thế gian này và nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu củachính họ.
06/10/2010(Xem: 7798)
Sở dĩ tôi nói tới ăn uống ở hàng đầu vì có thể tới 90 phần trăm những bệnh của con người là do ăn uống mà ra. Cơ thể ta luôn luôn giữ một mức độ thăng bằng trước những biến đổi ngoại cảnh. Ngoại cảnh có nóng hay lạnh, cơ thể vẫn giữ ở một mức độ 30 độ bách phân. Ngoại cảnh có làm tim ta đập nhanh hay chậm một chút nhưng sau đó cơ thể vẫn giữ ở mức độ 70 tới 100 nhịp tim mỗi phút. Cũng như vậy đối với huyết áp, số lượng máu, nồng độ của các chất hữu cơ hoặc vô cơ trong cơ thể. Ăn uống chính là đưa các chất ngoại lai vào cơ thể. Nếu đưa vào cho đúng cách, cơ thể sẽ được bồi dưỡng đầy đủ, hoạt động tốt. Nếu không cho đúng cách, hoặc quá nhi
06/10/2010(Xem: 17057)
Ngày nay, khái niệm An cư kiết hạ không còn xa lạ với những người đệ tử Phật. Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma (q.4) giải thích nghĩa lý an cư như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”.
06/10/2010(Xem: 8718)
Ngày Đức Thế Tôn dạy: “ không bao lâu nữa Ta sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn” Ngài A Nan lòng buồn vô hạn, với những nỗi lo hết sức chân tình, lo Phậtđi rồi lấy ai nương tựa, lo Phật không còn ai là người lèo lái con thuyền Phật Pháp, lo cho sự truyền thừa đạo mạch Phật Giáo mai sau.
05/10/2010(Xem: 8049)
Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời giong ruổi theo quyền cao, chức trọng, danh thơm tiếng tốt. Họ bằng mọi thủ đoạn để lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, cố mong được địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm đủ mọi cách để nắm giữ cho được cái danh vọng, hư ảo nhằm đạt được quyền lợi tối cao.
03/10/2010(Xem: 8085)
Người tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, thì suốt đời lân la bên cạnh những món ngon vật lạ, quanh quẩn bên những tiệc tùng, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ nên phải giết hại nhiều các loài vật để bồi bổ cho mình.
03/10/2010(Xem: 17394)
Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê.
03/10/2010(Xem: 10276)
Những kẻ bị phiền não khổ đau, Phật giáo đã chỉ cho họ con đường dẫn đến hòa bình, và hạnh phúc vĩnh cữu cùng giúp họ giải quyết mọi vấn đề phiền toái của cuộc sống.
03/10/2010(Xem: 9807)
Hỷ là một trong bốn vô lượng tâm của nhà Phật. Hỷ là hoan hỷ, vui vẻ. Lòng người Phật tử bao giờ cũng hoan hỷ, và sẵn sàng san sẻ niềm hoan hỷ đó cho mọi người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]