Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kính chiếu hậu

04/11/201008:12(Xem: 7396)
Kính chiếu hậu
KÍNH CHIẾU HẬU
Huỳnh Trung Chánh
kinh-chieu-hau

Thanh thường bị bè bạn chế giễu là “công tử miệt vườn”, có thể một phần vì gia đình chàng sở hữu một thửa vườn cây trái khá rộng – vườn Tám Thà - tại ngoại ô thị trấn Châu Đốc, nhưng cũng có thể cũng do bản tánh hiền lành chơn chất và “nhát gái” của chàng. Thanh cắm cúi học suốt ngày, không giao du la cà hàng quán, không chạy theo nếp sống phóng túng tình cảm như bạn bè cùng trang lứa. Vừa mãn niên học - năm thứ hai Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ- , Thanh vội vã về quê nhà tại xã Thoại Sơn vui sống với cảnh ruộng vườn. Về nhà thì Thanh thoải mái đóng vai trò “thằng Út” cưng yêu của mẹ và các bà chị. Đúng ra, chàng thích nếp sống thiên nhiên cây cỏ, quanh quẩn bên cha mẹ, vun xới bón phân gốc xoài, gốc mít, hay thỉnh thoảng, bị nài ép lắm cũng chạy ra quán ăn Sơn Hà của chị Hai, tọa lạc dưới chân núi Sam, đỡ đần cho chị vào thời điểm đông khách. Xế trưa hôm đó, trời mưa lất phất nên thực khách cũng thưa thớt, Thanh rảnh rỗi lơ đãng nhìn xe cộ vùn vụt ngược xuôi trên đường lộ, vô tình chứng kiến cảnh đôi trai gái đèo nhau trên chiếc xe gắn máy phóng như bay về hướng Tịnh Biên bất chấp khúc đường cong trơn trợt, bỗng nhiên, chiếc xe hàng phía trước tránh xe ngược chiều đột ngột nép sát lề, khiến anh chàng lái gắn máy trờ tới hoảng hốt thắng gấp lết bánh, xe bị giựt xoay ngang kéo lê anh ta dưới mặt đường, còn cô gái ngồi hờ hững phía sau bị hất bay vào lề. Tiếng rít ghê rợn, khiến bà con cô bác đang ngồi nhâm nhi trong dãy hàng quán bên đường túa ra xem. Thanh cũng bước ra ngay mà vẫn lọt ở vòng ngoài. Chàng trai bê bết máu, nhưng có lẽ vết thương không đến nổi nguy hiểm, riêng cô gái do không đội mũ an toàn, lại rủi ro té đập đầu vào cạnh phiến đá bên lề, lòi óc nằm “thẳng cẳng”, dường như đã tắt thở. Trong khi kẻ bàng quan đang xúm xít vây quanh lo lắng cho sanh mạng cô gái, thì chàng trai cố lê lết ngồi dậy, liếc nhìn cô gái, rồi bỗng anh ta chồm dậy, dựng xe lên, lấm lét nhìn quanh, rồi đột ngột nổ máy phóng nhanh, khiến không một ai có phản ứng ngăn cản gì được. Thanh đang tần ngần, cảm thương cô gái nạn nhân nằm bất động thê thảm trên vũng máu, bỗng nghe tiếng chị Hai réo vang: “Út ơi! Út!”. Chàng vội lên tiếng: “Dạ! Em nghe rồi! Em về liền!”.

Thanh lững thững về giúp chị thu dọn quán mà hình ảnh ghê rợn của nạn nhân cứ chập chờn ám ảnh. Đêm đến, Thanh vẫn trằn trọc bất an về thân phận bọt bèo của kiếp người, giấc ngủ mộng mị nặng nề đến thật chậm... Trong chiêm bao Thanh nghe tiếng cô gái lạ gọi chàng, âm điệu ngọt ngào như điệu hát nỉ non: “Út ơi! Đừng bỏ em một mình! Trời lạnh quá! Trời lạnh quá, sao đành bỏ em một mình! Út ơi!”. Thanh không chống cự nổi sức quyến rủ của điệu hát, chàng mở cửa bước ra ngoài, ngoan ngoản theo cô gái lạ, dạo chơi quanh vườn, đoạn nàng kéo chàng ngồi xuống gốc nhãn thân mật choàng vai chàng, nhưng Thanh vốn nhát gái nên ngay ngắn ngồi cạnh mà chẳng dám suồng sã rọ rạy tay chân. Hai người tỉ tê tâm sự cho đến khi nghe tiếng gà gáy, thì cô gái hấp tấp từ giã, Thanh cất tiếng can ngăn nhưng thoát cái nàng đã biến đâu mất. Thanh giật mình, ráng mở mắt ra, bỗng hốt hoảng khám phá ra cảnh mình đang ngồi dựa vào gốc nhãn trước nhà, ngủ gà ngủ gật, mà miệng vẫn còn ú ớ gọi kẻ trong mơ... Thanh cuống quýt chạy nhanh vào nhà, chui rúc trong phòng riêng trùm mền kín, hi vọng vụ ngủ bờ ngủ bụi kỳ quái nầy không một ai hay. Thanh cảm thấy mệt mỏi, nhưng cố gắng che đậy giữ mọi sinh hoạt thường nhật, mặc dầu óc chàng bần thần rũ rượi vì suốt ngày cứ quay cuồng bởi giấc mơ ma quái. Chàng lo lắng thầm nghĩ: “Có lẽ, do mục kích thảm cảnh của cô gái mà chàng trằn trọc, rồi nằm mơ. Thế nhưng, cái động lực nào thúc đẩy chàng hành động như kẻ mộng du, lang thang rời nhà, quả khó lòng giải thích?” Cử chỉ kém tự nhiên của Thanh làm sao thoát khỏi tầm quan sát của bà mẹ. Mẹ lo lắng gặng hỏi con mãi, nhưng Thanh một mực chống chế cho rằng vì mải mê đọc sách mà mất ngủ, nên hơi uể oải bần thần vậy thôi. Đêm đó, bà mẹ âm thầm canh chừng con, chờ con ngủ yên mới an lòng trở về phòng mình nghỉ ngơi. Quá nửa đêm thức giấc, bà mẹ hấp tấp trở dậy sang phòng con thăm chừng nhưng thằng Út đã biến dạng tự lúc nào? Bà mẹ hoảng hốt kêu ầm lên, dựng cả nhà dậy để thắp đèn lục soát trong ngoài. Cuối cùng, chị Hai cũng tìm thấy em, đang ngồi lơ láo dưới gốc cây nhãn, chị phải lay mạnh kêu réo một lúc mới hoàn hồn. Đến tình huống nầy thì Thanh đành phải kể lể tường tận diễn biến nội vụ, từ lúc đang ngủ bỗng nghe trong mơ điệu hát ma quái “Đừng bỏ em một mình!” lôi cuốn, rồi như kẻ mộng du chàng theo cô gái lạ lãng đãng dạo chơi quanh khu vườn nhà, cho đến khi trời gần sáng thì tựa nhau bên gốc nhãn tâm sự. Bà mẹ cẩn thận động viên người nhà canh giữ Thanh một phút chẳng rời, nào ngờ, vào lúc nửa khuya, chị Tư đang trực phải vào phòng vệ sinh giây phút trở ra, thì Thanh đã biến đâu mất rồi. Lần nầy, cả nhà đổ xô tìm kiếm quanh vườn chẳng dấu vết, cuối cùng mới bắt gặp Thanh đang lơ láo ngồi dựa bên vách rào khu nhà bên cạnh. Tình trạng đã khẩn trương lắm rồi, bà mẹ cuống cuồng đến chùa Tây An xin khóa lễ cầu an cho con, rồi đến Miễu bà Chúa Xứ khẩn cầu phù hộ. Cảm thấy chưa an lòng, bà lăng xăng cầu cứu mấy vị thầy bùa, thầy pháp không ngại tốn kém nhưng người nào miệng mồm cũng khoác lác khoe khoang là “cao tay ấn” mà trổ tài thì “trớt quớt” chẳng ra gì... Thế rồi, gặp bất cứ ai, dù thân hay sơ, bà mẹ cũng than khóc kể lể bệnh trạng con, cầu mong có người chỉ dẫn để tầm cầu vị pháp sư tài đức chuyên trừ nạn quỷ ám nầy. Câu chuyện ma ám nhanh chóng trở thành bản tin thời sự nóng nổi cho thiên hạ có đề tài hấp dẫn bàn bạc. Anh Sáu, người tài xế xe ôm, sáng sớm như trường lệ, vào quán Sơn Hà nhâm nhi cà phê chờ khách, vừa bắt được tin nầy liền sốt sắng hỏi chủ quán:

- Cô Hai à! Nghe nói cậu em của cô, bị cô gái té xe chết thảm hôm trước đeo theo ám quấy phá phải không cô?

- Dạ phải! Má tui đôn đáo khẩn cầu chạy chữa khắp nơi, mà tình trạng ngày càng tệ hại! Rầu quá, lo sợ quá, chú Sáu ạ!

- Tưởng gì, chứ vụ oan hồn uổn tử đeo đẳng nầy cũng dễ trị mà! Thứ dữ “dàn trời mây” mà sư Tâm Bi cũng thu phục như giỡn chơi!

- Hay quá! Vậy xin chú Sáu hướng dẫn gia đình em gặp sư, tốn kém bao nhiêu chúng em cũng không nề hà gì cả!

- Tầm bậy nà! Sư chẳng bao giờ nhận tiền bạc lễ lộc của ai! Sư căn dặn đến gặp sư chỉ cần mang theo “tấm lòng chân thật” là đủ rồi!

- Sư đúng là bậc tu hành hiếm có.

Cô Hai ngập ngừng giây phút, rồi ra vẻ dè dặt:

- Mà... mà...do nhân duyên nào chú Sáu biết được sư vậy? Chú từng chứng kiến sư trị bịnh đôi lần, phải không chú?

- Hơn 10 năm về trước, tôi vượt biên ngả miệt thứ(1) Rạch Giá, bị bắt giam chung với sư một thời gian, và được sư hướng dẫn dạy dỗ, nên tuy chưa quy y mà tôi vẫn tôn kính người là bậc ân sư. Sau nầy tôi vẫn tiếp tục liên lạc với sư, nhân đó mới mục kích tường tận tài cứu nhân độ thế của sư, cô ạ!

- Uả! Sư cũng vượt biên bất thành sao chú?

- Không! Sư bị giam giữ về tội hoạt động tôn giáo trái phép. Sư vốn có lòng bi mẫn đối với những vong linh lạc loài, những oan hồn uổng tử... đặc biệt là những chiến sĩ vì nước vong thân. Sư giải thích là chiến sĩ luôn luôn được nhồi sọ là phải xả thân cho tổ quốc, nên có người khi chết mà tư tưởng đó vẫn bám chặt trong tâm chẳng rời, khiến cho vong linh ôm ấp mãi khó siêu thoát. Đất nước yên rồi, mà không thấy ai quan tâm đến họ, nên sư lủi thủi một mình, len lỏi tìm đến các chiến trường cũ, âm thầm tụng niệm cầu cho vong linh tử sĩ sớm siêu thoát. Đi lang thang, làm chuyện khó tin nầy, nên nếu sư từng bị giam giữ đôi lần vì nghi ngờ có hành động ám muội thì cũng bình thường thôi. Sư có tâm nguyện cứu độ vong linh, cảm hóa vong linh bằng tình thương vô bờ, nên vong linh nào gặp sư cũng ngoan ngoản quy y cả.

- Hiện giờ sư ngụ ở đâu vậy chú Sáu?

- Sau khi ra tù, thì có biến cố tháng tư năm 1978(2), tức vụ trên ba ngàn đồng bào ta tại xã Ba Chúc, quận Tri Tôn bị bọn lính Pôn Pốt tràn qua biên giới tàn sát một cách thảm khốc, nên sư quyết định về núi Tượng dựng am tranh, hầu gần gũi với những vong linh chết oan uổng nầy để ngày đêm tụng niệm khai thị cứu giúp họ sớm siêu thoát.

- May thiệt là may! Vậy xin chú Sáu làm ơn đặc biệt giới thiệu gia đình tôi cho sư nhé!

- Với bất ai sư cũng tận tâm tận lực, nên đâu cần phải long trọng giới thiệu chi cho bận bịu, cô Hai! Gia đình cô Hai cứ tự nhiên đến núi Tượng, hỏi thăm ông đạo Bi thì ai cũng biết. Nhớ nhé! Người dân quê quen gọi là ông đạo Bi, chớ danh xưng đại sư Tâm Bi, rắc rối họ chẳng biết đâu mà mò!

Không chần chờ giây phút nào cả, Cô Hai tạm đóng cửa tiệm rảo nhanh về nhà, hợp với mẹ và cô Tư đón xe “áp giải” Thanh đi Ba Chúc, Tri Tôn. Cô Hai vốn lanh lợi hoạt bát, nhưng khi xuống xe tại chốn vắng lặng “ma quái” xa lạ nầy bỗng cảm thấy ớn lạnh rùng mình, cô lo sợ bâng quơ nên tình cờ có một thanh niên cỡi xe đạp đi ngang, định cất tiếng thăm hỏi đường đi mà chần chờ để vuột mất . Cô bối rối nhìn quanh, chợt thấy ngôi chùa cổ Tam Bửu gần đó, vội mon men đi đến tìm gặp được một lão niên tóc bới theo truyền thống Tứ Ân, đang quét lá trước sân, cô mừng rỡ chào hỏi:

- Thưa Ông đạo! Chúng con muốn tìm am Ông đạo Bi núi Tượng mà không biết ở đâu, xin Ông đạo làm ơn hướng dẫn dùm!

- Tìm đạo Bi để trừ tà hả?

- Dạ! Dạ!

- Am đạo Bi ở cạnh hang Vồ Đá Dựng đó!

- Thưa hang Vồ Đá Dựng ở đâu, tụi con cũng không biết Ông đạo ạ!

- Hì! Hì! Cứ theo theo đường trước mặt lên núi, đi một đổi thấy cái nhà sàn gọn ghẽ, trước cửa có cây vú sữa lão và cây mít tơ, thì đúng là am đạo Bi chẳng sai!

Một đổi là bao xa, bao lâu... cô Hai “bù trất” nhưng chẳng dám lải nhải e “mết lòng”, cứ dẫn bừa thân nhân theo đường mòn lên núi, dò dẫm từng bước mà đi. May là núi Tượng thấp lè tè, nên “phái đoàn” lần mò “một đổi”, độ chừng một bửa ăn – ăn nhanh hay chậm tùy người mà đoán – bỗng gặp cái nhà lá xinh xắn chông chênh trên sườn núi – có lẽ tuy nền mặt tiền nhà tựa trên đất đá, nhưng phần hậu, vị thế lồi lõm bất thường nên phải dựng theo lối nhà sàn – Nhận thấy sân trước nhỏ hẹp có cây vú sữa và cây mít lủng lẳng trái, đúng theo chỉ dẫn, nên cô Hai bèn rón rén bước lên bục đá ghé mắt nhìn vào. Vị tu sĩ mặc bộ đồ lam, có lẽ vừa chấm dứt khóa lễ, thỉnh chuông, chắp tay xá bàn thờ nghi ngút khói, rồi lui ra. Chị kính cẩn lên tiếng:

- Thưa sư! Dạ gia đình chúng con...

- Mời vào! Tất cả mọi người tự nhiên vào nhà, rồi từ từ kể chuyện...

Bước vào căn nhà trống trơn, khách luống cuống chẳng biết đứng ngồi ở đâu, thì sư đã trải chiếu ra mời ngồi, sư cũng niềm nỡ hỏi thăm danh tánh từng người. Vừa an vị, cô Hai vội ra hiệu cho cả nhà nghiêm chỉnh, hầu cô sẽ thay mặt thưa thỉnh sư cứu chữa cho Thanh, nhưng chưa kịp mở lời bỗng nhận thấy dường sư đang trầm ngâm suy nghĩ chuyện gì khác, đành phải ngừng lại. Thế rồi, bỗng nhiên sư đứng dậy bước đến cửa, ngước đầu chắp tay cất tiếng: “Xin chư Hộ Pháp cho phép vong nữ vào, để tăng tôi có đôi lời cần bàn bạc!”. Dứt lời, sư khép cửa lại, nói trống không như đang đối diện với kẻ vô hình nào đó: “Con cứ tự nhiên, chẳng có gì phải lo sợ cả!”

Cảm thấy có hồn ma lẩn quất đâu đây, cả đám cảm thấy ớn lạnh rởn gai ốc, cô Tư, người yếu bóng vía nhất mặt mày trắng bệch như mất hết cả máu ôm vai mẹ cứng ngắc. Sư tiếp tục màn độc thoại, giọng ngọt ngào: “Con chết thảm, con cuống cuồng kinh hãi, vì bỗng thấy tối tăm mù mịt, u mê không biết phải làm sao nên đành bám đại theo cậu nầy hầu có nơi nương tựa phải không?.. Tội cho con quá! Nhưng âm dương hai cõi khác nhau, con đeo đẳng chẳng lợi gì cho con, mà khiến cho người ta bệnh hoạn khốn đốn, cả nhà người ta chịu khổ... thì nghiệp con càng nặng nề, biết đến bao giờ mới siêu thoát được... Chi bằng con theo thầy tu tập, nghiệp chướng lần lần tiêu tan, rồi sớm tái sanh về cõi lành hưởng vô vàn hạnh phúc... Con tu sẽ có kết quả chớ, nghiệp con khá tốt mà! Con tạm thời tối tăm chỉ vì tai nạn khủng khiếp khiến cái tâm sợ chết bao trùm, che lấp không cho các hạt giống khác sanh trưởng nên u mê ám chướng chẳng biết đường về nhà, chẳng biết mình là ai? Nếu con ý thức được rằng sống chết là sự thường, ai cũng từng trải qua hằng hà sa số kiếp, chết rồi lại tái sanh, nên chết chẳng có gì đáng sợ cả... thì cái u mê đó sẽ giảm lần... Con quyết định theo thầy tu tập phải không? Vậy hứa chắc không đeo đẳng một ai cả nhé!.. Ờ! chờ khách về thầy sẽ làm lễ quy y cho con...Từ nay, con sẽ có pháp danh là Bi Hoa nên nhớ lấy!..” Vừa chấm dứt phần đối thoại với kẻ vô hình, sư liền chuyển sang gia đình Thanh, ôn tồn cất tiếng:

- Mọi việc coi như ổn thỏa rồi! Vong linh đồng ý quy y với thầy và ở đây tu tập. Bà Tám cứ yên tâm dẫn cậu con về nhà, chẳng có gì đáng lo sợ nữa!

Bà Tám dáo dác như chẳng tin lỗ tai mình, chưng hửng hỏi:

- Uả! Uả! Thầy trị bệnh “tà” cho cháu như vậy là xong rồi sao thầy?

- Đúng vậy! Thầy đã thu phục vong linh rồi, đã là đệ tử Phật thì đâu còn quấy phá ai nữa? Có điểm là thầy khuyên bà Tám nên thiết trí bàn thờ Phật tại nhà, cho cháu Thanh có cơ hội thắp hương lễ Phật và niệm chú Chuẩn Đề mỗi ngày chừng bảy biến, ngoài ra, nếu hai mẹ con hàng tháng đến chùa lễ sám hối tiêu trừ nghiệp chướng lại càng tốt.

Đoạn quay qua Thanh, thầy dặn dò:

- Con vốn hiền hậu mềm lòng nên dễ xúc động trước cảnh chết thảm, nhưng bi lụy suông không hẳn là tốt, nếu con phát tâm thành nguyện cầu cho họ sanh về cõi lành hay niệm Phật, niệm chú vãng sanh... hồi hướng cho họ thì lợi lạc vô cùng...

Cô Hai từng mục kích nhiều thầy bà, thiết trí nghi thức rườm rà, lễ lộc linh đình, bắt ấn, vẻ bùa, đọc thần chú bí hiểm rùng rợn..., có vị còn cầm roi dâu quất tróc tróc dọa nạt trừng trị nặng nề “con ma”, rồi bắt ma nhốt đời đời vào hũ dán bùa Lỗ Bang... mà kết quả chẳng ăn thua gì, huống chi nhà sư nói năng hiền khô, khuyên bảo vài lời... mà cho rằng đã trừ khử xong cái nạn ma nữ, thì làm sao tin cho nổi. Cô ngập ngừng vặn hỏi:

- Dạ thưa thầy! Thầy không giam nhốt con ma vào hũ, rủi nó sổng ra chạy theo thằng Thanh, thì nguy cho gia đình con lắm thầy à!

- Thầy chưa từng nghĩ đến chuyện trừng phạt giam nhốt ai con à! Đối với thầy thì các vong linh mà người ta gọi là ma hay quỷ, một loại chúng sanh trong cõi Quỷ Thần, cũng là Phật sẽ thành, nên thầy rất thương yêu kính trọng, đâu có nỡ lòng nào hành hạ họ cho đành. Thầy đối xử với họ với lòng bi mẫn chân thật nên tin tưởng họ cũng tương kính mình, vì vậy, hễ vong linh đã hứa, thì thầy tin chắc không sai...

- Thưa... thưa...

- Được rồi! Nếu con vẫn còn chút nghi thì thầy bảo Bi Hoa trực tiếp hứa một lời cho gia đình con yên tâm...

- Sư nhìn sang hướng khác lên tiếng: “Bi Hoa! Con hãy kể đầu đuôi nội vụ và tỏ bày tấm lòng của con cho gia đình bà Tám rõ. Ơ... con tạm nói chuyện qua thân xác cô Tư cũng được!”

Cô Tư nghe nói sợ điếng nhưng chưa kịp phản ứng gì, bỗng “ngớ người” ra, rồi lên tiếng với một giọng khác hẳn:

- Thưa bà Tám và các anh chị! Con là Nguyễn thị Bông, xin Bà và anh chị tha lỗi đã quấy rối cả nhà mấy ngày qua. Số là ngày đó con theo anh bạn tên Út đi chơi, đang lúc tâm tình vui nhộn, ảnh cao hứng phóng xe như bay, khi đến chân núi Sam bỗng gặp nạn, con chỉ hét một tiếng kinh hoàng rồi tối tăm không biết gì nữa. Thoạt thấy tối tăm, con chới với sợ hãi, càng sợ lại càng quýnh quáng mù mịt chẳng biết mình là ai? nhà cửa đâu nữa? Chỉ nhớ láng máng một điều là đang đi chơi với anh Út mà thôi. Trong cơn u mê bối rối tột cùng đó, bỗng nghe tiếng gọi “Út ơi! Út!”, rồi có tiếng trả lời: “Dạ! Em nghe rồi! Em về liền!”, con mừng rỡ, yên trí đó là anh Út bạn con, nên cứ nương theo âm thanh đó mà bám theo chẳng dám rời... Lần lần thì con cũng biết anh Thanh nầy không phải là anh Út, nhưng con đang mù mịt bối rối bất an chẳng biết phải làm sao, đành phải tiếp tục theo anh nương tựa cho đỡ sợ, chớ thật tâm con đâu cố ý quấy phá ai. Giờ đây, con đã được thầy thu nhận, con bớt u mê phần nào rồi, con cảm thấy an ổn lắm, nên con xin cảm ơn gia đình bà Tám đã dẫn dắt con đến đây. Con cũng xin bà, nếu tiện thì nhờ ai nhắn cho má con là cô Ba bánh lọt chợ Nhà Bàng, là “con đã theo thầy tu hành, con an vui lắm, xin má bớt lo buồn!”

Dứt lời, bỗng côTư “rùng mình”, ngơ ngác nhìn quanh. Bà Tám không kịp giải thích cho con gái, ra dấu cho các con đồng chắp tay vái sư:

- Gia đình con chân thành cảm tạ ân đức sư, chúng con xin phép được cúng dường...

Sư khoát tay chận lại:

- Thầy không có nhu cầu gì, các con đừng quan tâm đến chuyện cúng dường, huống chi thầy chỉ giúp gia đình con một việc nhỏ, mà còn thâu được đệ tử ngoan thì kể như có lời rồi. Hôm nay, coi như mình có duyên lành gặp nhau hàn huyên một buổi vậy thôi, kể lể ân nghĩa mà chi con.

Cô Hai tuy được anh Sáu xe ôm cho biết sư trị bệnh miễn phí, nhưng nhận sự giúp đỡ mà không dâng cúng tiền tài ai chẳng áy náy, chần chừ một lúc cô chợt thấy cái bàn thờ Phật trống hoát, vì ngoài cái có lư hương và quả chuông nhỏ, chẳng có tượng Phật nào cả, cô hi vọng có thể xin cúng dường một tượng Phật được, nên dò hỏi:

- Thưa thầy! Xin thầy cho gia đình con cơ hội được đóng góp chút ít công đức, thí dụ như một pho tượng Phật ngọc thạch Miến Điện trên bàn thờ được không thầy?

- Thầy tán thán lòng thành của con, nhưng rất tiếc là khi về dựng thảo am nầy, thầy không có ý phát triển đạo tràng nên cũng không dự kiến tôn trí tượng Phật con ạ!

- Uả! Bộ thầy bị ai ngăn cấm sao?

- Nói bị cấm đoán thì cũng không đúng hẳn. Thật ra, thì sau năm 1975 khi thầy rời chùa Giác Viên để âm thầm theo đuổi bi nguyện cứu giúp vong linh tử nạn vì chiến tranh, thầy đã không đăng ký vào một tổ chức tôn giáo nào thành thử trên nguyên tắc thầy không có quyền truyền đạo: thuyết giảng, hành lễ, thâu nhận đệ tử... Mười mấy năm về trước, vấn đề đi lại, hành đạo, tụ hợp... tương đối bị kiểm soát khá khắt khe, do đó, muốn hoàn thành tâm nguyện cư ngụ ở đây hầu được gần gũi cứu giúp vong linh đồng bào bị lực lượng Pôn Pốt tàn sát, mà không bị phiền hà vô ích, thầy chủ trương hội nhập vào nếp sống thôn dã như một nông dân bình thường, thận trọng giao tiếp và vì vậy mà thầy đã quyết định không tôn trí tượng Phật, không thuyết giảng và quy y cho ai ngoại trừ các vong linh...

- Cô Hai vội chống chế:

- Hiện nay, vấn đề tôn giáo đã cởi mở rồi thầy ạ! Giờ nầy dẫu thầy có tôn trí tượng Phật vàng, Phật bạch kim, Phật ngọc, to lớn cỡ nào cũng chẳng gặp trở ngại gì đâu! Vã lại, tượng Phật ngọc Miến Điện hấp dẫn Phật tử lắm thầy ạ!

Có lẽ nhận thấy cô Hai cứ kèo nài mãi thỉnh nguyện cúng dường tượng ngọc thạch, sư nghiêm nghị cất tiếng:

- Tới giờ phút nầy thầy vẫn nghĩ am lá nầy chưa có nhu cầu tôn trí tượng Phật, mà nếu như cần, thì thầy cũng chỉ chọn loại tượng khiêm tốn bằng gỗ, xi măng mà thôi! Thầy nghĩ tượng Phật là phương tiện nhắc nhở ta tưởng nhớ đến hành trạng, đức độ, những lời giáo huấn của Đức Bổn sư để ta nương theo đó thành tâm tu tập, trở về với cái chân tâm bản tánh của mình. Theo tinh thần nầy thì tượng vàng, tượng ngọc thạch đâu có điểm nào cao quý hơn tượng gỗ, xi măng hay giấy. Người Phật tử chân chánh luôn ý thức minh bạch rằng tượng là một hình thức bên ngoài, một phương tiện để giúp ta nương theo đó thành khẩn tu tập trở về với chân tâm Phật tánh của chính mình; ngược lại, những ai bám víu cái hình thức hào nháng bên ngoài, hùa nhau vẽ vời là tượng Phật linh thiêng, vĩ đại, quý giá... hầu khai thác những kẻ mê tín chạy theo cầu cạnh, xin xỏ lợi lộc... để trục lợi, thì rõ ràng chính là kẻ đã nhân danh Phật để phỉ báng Phật Pháp vậy...

Sư trâm ngâm giây lát rồi tiếp lời:

- Đức Phật thầy Tây An, Giáo chủ Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhân muốn chỉ rõ cái lề lối lạm dụng Phật tượng của các vị nhân danh tu hành, nhân danh Phật mà làm chuyện bại hoại, nên chủ trương dùng tấm trần điều(3) tượng trưng Phật Pháp, đó là một cảnh tỉnh tuyệt vời... Phần thầy, thầy cũng có lý do riêng... Thanh! con mỉm cười chắc đã hiểu ý thầy rồi, đúng không con?

Thanh tuy ít nói, nhưng lại có nhận xét tinh tế:

- Thưa ngay lúc đầu con đã nhận thấy bàn thờ không tượng Phật nhưng lại có tấm gương. Con đoán rằng tấm gương cũng biểu tượng cho đạo Phật tợ như tấm trần điều, nhưng ý nghĩa sâu xa của tấm gương quả thật con chưa thông suốt, kính xin thầy rộng lòng chỉ dạy!

- Tấm gương soi phản ảnh diện mạo mình, nó là phương tiện nhắc nhở mình biết nhìn lại mình thấy rõ con người thật của mình, nhờ vậy mình biết tỉnh thức tự quán sát lỗi lầm để ngày đêm tu sửa sao cho hiển lộ Phật tánh xưa nay của mình...

Thanh reo vui:

- Giờ thì con hiểu rõ ra rồi: Bậc tu hành cần “hồi quang phản chiếu” nhìn lại mình để con đường tu không lầm lạc, tương tợ như người tài xế cần nhìn kính chiếu hậu mới tránh khỏi tai nạn hiểm nghèo.

Tháng 11.2010

Lời cuối truyện:

Truyện nầy viết do gợi ý từ chuyện “Vong hồn theo phá Niệm Phật được giải kết” trong tập “Những chuyện Niệm Phật Cảm Ứng – “Mắt thấy tai nghe” của cụ bà cư sĩ Lâm khán Trị, xuất bản tại Đài Loan 1969 (bản Việt ngữ không ghi dịch giả). Chuyện kể rằng: Năm năm trước tại Đài Bắc, có một thanh niên chạy lái xe lạng lách cẩu thả khiến cô gái ngồi sau té chết chạy chỗ mà anh ta vẫn chạy tiếp tục. Trong khi có nhiều kẻ hiếu kỳ bu quanh thương xót cho ngườivắn số, thì có tiếng gọi to: “A Tam!”, trong nhóm hiếu kỳ có tiếng đáp: “Tôi đến đây!”. Kể từ đó, anh thợ hớt tóc A Tam, hàng đêm khi anh đang trong cảnh giới nửa tỉnh nửa mê, cứ bị một cô gái đẹp rủ đi chơi, cho đến gần sáng thì ngủ gục dưới cột đèn điện. Tình trạng nầy tái diễn mãi, anh thợ A Tam lánh về quê, vẫn bị ma nữ theo đuổi như cũ. Gia đình cung thỉnh vị thần Vương gia Công qua đồng cốt, thì thần cho biết: “Cô gái đi chơi với bạn tên A Tam, khi chết thảm vong linh mờ mịt không chỗ nương, nghe tiếng gọi A Tam và A Tam lên tiếng, vong linh tưởng là bạn trai mình nên tức thời quấn quýt bám theo chẳng rời”. Về sau, nhờ được tụng kinh siêu độ mà người sống và vong linh đều an lành

Ghi chú:

1. miệt thứ: vùng đất biển Rạch Giá nằm sát địa phận tỉnh Cà Mau.

2. Biến cố tháng tư năm 1978: Vào ngày 18 tháng 4 năm 1978, quân Pôn Pốt từ Campuchia tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chiếm đóng 11 ngày đêm. Dân chúng chạy vào hai ngôi chùa Tam Bửu, Phi Lai ẩn náo, hoặc trốn vào các hang đá sâu và hẻo lánh của núi Tượng như Vồ Đá Dựng, Cây Da, Ba Lê, Tám Ất… để ẩn nấp, nhưng hầu hết đều bị chúng truy lùng tàn sát dã man. Số thường dân bị thảm sát tính ra là 3.157 nhân mạng.

3. Trần điều: Theo tinh thần giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, thì trên bàn thờ, không có tượng Phật, không có chuông mõ, chỉ có một tấm Trần bằng vải màu điều (Phật Giáo Hòa Hảo sửa lại là màu dà hay đà ), tượng trưng cho Phật đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2018(Xem: 5918)
5h sáng. Sớm tinh mơ. Tôi đã thức dậy, mở toang hết cửa cổng để đón tất cả nhân duyên của ngày mới còn đang lãng vãng lân la bên ngoài vào nhà. Khu vực ngoại thành này, tầm 8h -9h vẫn còn yên tĩnh, còn nghe được tiếng chim ca, tiếng gà cục tác, huống hồ chỉ mới vào thời khắc đón ánh bình minh dịu dàng từ hướng Đông... Gian phòng thờ đã lên đèn. Ánh hào quang sau thánh tượng đức Phật rọi soi ấm áp huyền diệu. Hoa đăng, hương trầm, bánh trái đã thiết bày trên các bàn thờ theo đúng nghi lễ được Thầy hướng dẫn, căn dặn... Thầy đến trước giờ hẹn nửa giờ đồng hồ, mới 7h30, triệu thỉnh thêm thánh tượng đức Địa Tạng Vương Bồ Tát từ chùa Tịnh Quang mà Thầy trú trì, để thiết trên bàn đặt giữa chính môn. Nửa giờ sau, thêm một thầy nữa quang lâm, thầy
24/07/2018(Xem: 6591)
Sinh ra ở cõi đời này, dù được sống trong vui vẻ hạnh phúc nhiều như thế nào đi nữa, thì cũng sẽ có lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống thật là vô vị, bởi những chuyện không vừa ý cứ dồn vập đổ tới khiến chúng ta vô cùng chán nãn. Những lúc như thế chúng ta thường hay oán Trời trách đất, hay oán hận những người xung quanh đã gây bao nhiêu điều phiền muộn đau khổ cho chúng ta. Chúng ta trách tại sao trước mắt chúng ta có những người quá hạnh phúc, không phải lo toan điều gì, mới sanh ra đời đã được ở trong cảnh giàu sang nhung lụa, lớn lên lập gia đình cũng được sống trong cảnh sung sướng, lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Riêng chúng ta thì đầu tắt mặt tối, cực khổ vô cùng mà cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
22/07/2018(Xem: 8874)
Thái Lan: Các cầu thủ đội bóng Heo rừng sẽ xuất gia 12 cầu thủ đội bóng “Heo rừng” và huấn luyện viên của họ đã được cứu thoát sau khi bị mắc kẹt 18 ngày trong một hang động ở Thái Lan, có khả năng sẽ xuất gia hạn định để bày tỏ sự kính trọng đối với Saman Kunan, cựu Hải quân Thái SEAL đã hy sinh trong nhiệm vụ giải cứu đội bóng.
22/07/2018(Xem: 7024)
Người con Phật nghĩ gì về án tử hình? Đứng về phương diện cá nhân, rất minh bạch rằng không Phật tử nào ủng hộ án tử hình. Đứng về phương diện quốc gia, thực tế là rất nhiều quốc gia -- nơi Phật giáo gần như quốc giáo, như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka… -- vẫn duy trì và thực hiện án tử hình. Tại Thái Lan, án tử hình dùng để trừng phạt cho 35 tội hình sự, trong đó có tội sát nhân và buôn ma túy. Miến Điện cũng thế. Điểm hay là ở chỗ, hai quốc gia này tuyên án tử hình, nhưng rất ít khi thi hành án tử. Các quốc gia có đông dân số Phật tử -- như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… -- vẫn áp dụng án tử hình, và thường xuyên thi hành án tử.
20/07/2018(Xem: 6462)
Xã hội tân tiến ngày nay, đã khiến cho con người không còn sống trong sự bình thản như ngày xưa, bởi vì nền văn minh kỹ thuật cơ khí, điện tử đã lôi cuốn người ta gia nhập và chạy đua với thời gian. Cái gì cũng phải nhanh, phải vội, cuộc sống bon chen, không ai chờ đợi ai.
20/07/2018(Xem: 7840)
Khóa tu mùa Hè Hoa Phượng Đỏ tại Tu viện Khánh An vào đầu tháng 7 đã qua nhưng đọng lại trong tôi dấu ấn cảm xúc vì rất nhiều hoạt động ý nghĩa làm sân chơi rất lành mạnh cho trẻ vừa học tập vừa rèn luyện. Cho con đi xong khóa hè về lòng nhẹ nhỏm đi rất nhiều vì những thay đổi rất tích cực của con mà đáng nói hơn là cảm xúc của chính bản thân tôi cũng được cơ hội gột rửa những phiền muộn khi tham gia Đêm Thắp Nến tri ân với nhiều ý nghĩa. TT Thích Trí Chơn đã cho các em giây phút trang nghiêm thanh tịnh dâng ngọn đèn cầu nguyện lên Tam Bảo. Giọng trầm ấm của Thầy đã dẫn đại chúng vào lời kinh thiêng trầm hùng, thanh thoát.
20/07/2018(Xem: 13800)
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)
19/07/2018(Xem: 7267)
“Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật Trong Nhiều Chi Nhánh Phật Giáo Việt Nam Cùng Sinh Hoạt Với Nhau” là một đề tài tế nhị, khó nói, và nói ra cũng rất khó tìm được sự đồng thuận của hầu hết chư Tôn Đức và đồng bào Phật tử hiện đang sinh hoạt trong nhiều chi nhánh Phật Giáo Việt Nam. Đề tài này hàm ngụ hai lãnh vực nội dung và hình thức sinh hoạt, và bao gồm ba hình thái tổ chức là các Giáo Hội Phật Giáo, các Hội Cư Sĩ, và các hệ thống Gia Đình Phật Tử.
19/07/2018(Xem: 4538)
Không hiểu từ lúc nào mà tôi đã tập được thói quen công phu mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ và dành thời gian tương tự cho việc lướt qua các trang mạng phật giáo để chọn lựa những bài thật bổ ích cho cái trí óc còn non kém của mình, hầu học hỏi thêm dù biết rằng kiến thức đó phải được tư duy và trải nghiệm . Và tôi rất hài lòng về thói quen này vì đần dần tự nhiên giống như tôi được khích lệ và ngày nào tôi cũng cảm nhận được cái không gian êm dịu đã ghé vào thăm cuộc đời tôi và cứ như thế tôi trôi theo dòng chảy của cuộc đời dù không phải là thuận duyên lắm, do vậy con cái tôi thường nói đùa rằng " Mẹ không thể nào trầm cảm được đâu "
18/07/2018(Xem: 6495)
Trong tất cả vũ trụ pháp giới thì cái gì là sáng nhất? Chỉ có thể là trí huệ là ngọn đèn sáng nhất soi sáng sự tối tăm mê mờ của vô minh, phá tan xiềng xích của sự buộc ràng thân tâm. Trí huệ mang tới cho hành giả một sự minh triết sáng suốt, là gươm báu chém đứt tham, sân, si nơi cõi lòng của tam độc gây bởi tạo nghiệp vô minh. Chỉ có trí huệ rõ biết hết thảy những vô thường sinh tử luân hồi, để từ đó xa lìa sự đắm nhiễm tâm trần nơi cõi thế. Và giúp cho hành giả tu tập tìm về sự giải thoát khỏi mọi sự phiền não, khổ đau của kiếp sống vô thường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]